Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Anna Karenina 11

Anna Karenina 11
Quyển 4
Chương 13
Khi mọi người đứng dậy khỏi bàn ăn, Levin định đi theo Kitti sang phòng khách; nhưng chàng sợ tỏ vẻ xoắn xuýt quá lộ liễu như vậy sẽ làm nàng phật ý. Chàng ở lại góp chuyện với cánh đàn ông, nhưng tuy không nhìn Kitti, chàng vẫn cảm thấy từng cử động, từng khoé nhìn của nàng và vẫn biết nàng ngồi ở chỗ nào trong phòng khách.
Lập tức chàng thực hiện ngay lời hứa với nàng dễ như không: luôn luôn nghĩ tốt về mọi người và yêu mến mọi người. Câu chuyện xoay sang vấn đề công xã nông thôn, trong đó Petxov nhìn thấy một nguyên lý kỳ quặc mà ông đặt tên là "nguyên lý hợp xướng". Levin không đồng ý với cả Petxov lẫn anh trai mình, ông này, theo thói quen, vừa thừa nhận đồng thời vừa nghi ngờ tầm quan trọng của công xã Nga. Nhưng chàng tranh luận với họ, chỉ để tìm cách dàn hòa đôi bên và làm dịu những lời đối đáp. Chàng không hề quan tâm đến những điều chính mình nói ra và càng không quan tâm đến những điều người khác nói. Chàng chỉ mong muốn có một điều: là mọi người đều sung sướng và thoải mái. Bây giờ, chàng biết cái gì là quan trọng nhất, trên mọi cái khác. Mục tiêu duy nhất đó, thoạt đầu, nán lại cuối phòng khách rồi bắt đầu vận động và dừng lại ở gần cửa ra vào.
Không cần quay lại, chàng vẫn cảm thấy cặp mắt tươi cười đăm đăm nhìn mình và chàng không thể không ngoảnh lại. Nàng đứng với Serbatxki trên ngưỡng cửa và đang nhìn chàng.
- Tôi chắc cô sắp ngồi vào dương cầm, - chàng bước lại gần và nói.
Điều tôi thường cảm thấy thiếu thốn ở nông thôn là cái đó: âm nhạc.
- Không, chúng tôi chỉ tìm anh thôi; cảm ơn anh đã quay lại chỗ chúng tôi, - nàng nói và thưởng cho chàng một nụ cười. - Tranh luận làm gì! Các anh chẳng bao giờ thuyết phục được nhau đâu.
- Phải, đúng thế, - Levin nói; - thường thường người ta sôi nổi bảo vệ ý kiến mình chỉ vì không hiểu đối phương thực ra định chứng minh điều gì.
Levin nhận thấy trong các cuộc tranh luận giữa những người rất thông minh, sau những cố gắng lớn cùng hàng loạt lập luận lô gich và tế nhị, cuối cùng đôi bên thường đi đến chỗ công nhận rằng ngay từ lúc mới bàn cãi, họ đã biết rõ điều người kia ra sức chứng minh hồi lâu, nhưng họ vốn thích sự bất đồng và không muốn gọi tên điều mình thích ra, để khỏi thấy ý kiến mình bị bác. Chàng thấy đôi khi, giữa cuộc tranh luận, người ta hiểu ra điều đối phương thích, tức thì người ta cũng mê luôn điều đó và mọi lập luận từ đó trở thành vô ích, tự nó tiêu tán đi; đôi khi, lại trái ngược hẳn: cuối cùng, người ta diễn đạt được điều muốn phát biểu trên cơ sở những lập luận mới và nếu phát biểu hay và thẳng thắn, thì chính đối phương đột nhiên ngả theo ý kiến mình và chấm dứt tranh luận. Đó chính là điều chàng muốn nói.
Nàng cau mày, cố hiểu cho ra. Nhưng khi chàng định cắt nghĩa thì nàng đã hiểu rồi:
- Em hiểu rồi: phải biết tại sao họ tranh luận, điều họ ưa thích, bấy giờ ta mới có thể...
Nàng đã đoán ra, diễn đạt được điều chàng đang tìm cách phát biểu. Levin mỉm cười sung sướng: chàng rất ngạc nhiên thấy nàng dễ dàng chuyển cuộc tranh luận rắc rối và rườm lời giữa chàng với Petxov và ông anh, thành một cuộc trao đổi ngắn gọn, khúc chiết gần như không lời, giải thích rành rọt, những ý nghĩ phức tạp nhất.
Serbatxki rời khỏi chỗ họ và Kitti lại gần bàn đánh bài, ngồi xuống, cầm mẩu phấn và bắt đầu vẽ những vòng tròn lên nền dạ xanh mới tinh.
Họ lại nói tiếp câu chuyện khai mào từ lúc ăn: về vấn đề tự do và công việc phụ nữ. Levin đồng ý với Daria Alecxandrovna: một thiếu nữ không lấy chồng có thể tìm việc làm trong một gia đình. Để chứng minh không bao giờ khỏi cần phụ nữ giúp việc; trong mỗi gia đình, giàu hoặc nghèo, đều có hoặc đều phải có vú bõ, dù đó là họ hàng hay người làm thuê.
- Không, - Kitti đỏ mặt nói, nhưng đôi mắt chân thật mạnh dạn nhìn thẳng vào chàng. - Có khi một thiếu nữ bị lâm vào cảnh éo le khiến cô ta không thể vào làm trong một gia đình mà không thấy nhục, nhưng bản thân cô ta...
Chỉ thoáng nghe, Levin đã hiểu ý nàng.
- À! Phải, - chàng nói, - phải, phải, cô nói đúng, cô nói đúng!
Tất cả những điều Petxov tìm cách chứng minh trong bữa ăn về quyền tự do của phụ nữ, chàng chợt hiểu ra khi nhìn thấy trong tâm hồn Kitti nỗi sợ của lòng trinh bạch bị làm nhục. Chàng cảm động, bản thân cũng thấy rõ nỗi sợ và nỗi nhục đó, và lập tức từ bỏ lập luận của mình.
Hai người im lặng. Nàng vẫn vẽ tiếp lên bàn bằng mẩu phấn. Mắt nàng long lanh hiền dịu. Thả mình theo tâm trạng, chàng thấy tràn đầy hạnh phúc.
- Ồ! Em vẽ nguệch ngoạc đầy cả bàn rồi! - nàng nói và đặt mẩu phấn xuống, nhổm người định đứng dậy.
"Nàng đi thì mình ngồi lại một mình sao được?" - chàng sợ hãi nghĩ thầm và cầm lấy mẩu phấn.
- Khoan đã, - chàng ngồi xuống, bảo nàng. Có một chuyện tôi muốn hỏi cô từ lâu.
Chàng nhìn thẳng vào mắt nàng: nàng có vẻ vừa âu yếm vừa sợ sệt.
- Xin anh cứ hỏi đi.
- Này nhé, chàng nói và vạch những chữ đầu: K, e, t, l, t: k, t, đ, t, n, l: c, b, g, h, b, g, t? Đó là những chữ viết tất cả câu" Khi cô trả lời tôi: không thể được, thế nghĩa là: chẳng bao giờ hay bấy giờ thôi?". - Có lẽ nàng khó mà hiểu được cái câu rắc rối đó; nhưng chàng nhìn như thể cả cuộc đời chàng lệ thuộc vào sự minh mẫn của nàng vậy.
Nàng đăm đăm nhìn chàng một cách nghiêm trang rồi tì trán vào bàn tay và bắt đầu đoán. Thỉnh thoảng, nàng lại ngước nhìn chàng như muốn hỏi: "Có đúng như em đang nghĩ không?" - Em hiểu rồi, - nàng đỏ mặt nói.
- Đây là những tiếng gì? - chàng chỉ mấy chữ cái c, b, g, thay cho những tiếng: chẳng bao giờ.
- Chẳng bao giờ, - nàng nói. - Không đúng thế đâu, anh ạ.
Chàng vội xoá những chữ mình viết, chìa mẩu phấn cho nàng và đứng dậy. Nàng viết: b, g, e, k, t, l, k, đ.
Nỗi phiền muộn của Doli sau cuộc nói chuyện với Alecxei Alecxandrovitr bỗng hoàn toàn nguôi dịu khi bà thoáng thấy hai người: Kitti tay cầm mẩu phấn, mắt ngước nhìn Levin với một nụ cười rụt rè sung sướng, và vóc dáng đẹp đẽ của Levin đang cúi xuống nàng, đôi mắt long lanh hết nhìn cái bàn lại nhìn Kitti. Thốt nhiên, mặt chàng rạng rỡ: chàng đã hiểu. Những chữ đó nghĩa là: "Bấy giờ, em không trả lời khác được".
Chàng nhìn nàng, vẻ rụt rè dò hỏi.
- Bấy giờ thôi ư?
- Vâng, - nụ cười của nàng trả lời như vậy.
- Thế b..., thế bây giờ thì sao? - chàng hỏi?
- Đây, anh đọc đi. Em sẽ nói với anh điều em mong muốn. - Nàng viết:
m, a, q, c, c, v, t, t, c, e. Nghĩa là: "Mong anh quên chuyện cũ và tha thứ cho em".
Chàng riết mẩu phấn trong những ngón tay run rẩy rồi bẻ làm đôi và viết những chữ đầu của câu: "Tôi chẳng có gì mà quên, mà tha thứ, bao giờ cũng vẫn yêu cô".
Nàng nhìn chàng; nàng vẫn không ngừng mỉm cười.
- Em hiểu, - nàng thầm thì.
Chàng ngồi xuống và viết một câu dài. Nàng hiểu hết và không cần hỏi có đúng thế không, cầm lấy phấn và trả lời tức khắc.
Chàng ngồi mãi không đoán ra câu của nàng và nhiều lần đưa mắt hỏi. Chàng tưởng đến phát điên vì hạnh phúc. Chàng không chắp được đúng những tiếng nàng đã dùng, nhưng trong đôi mắt xinh đẹp rạng rỡ, chàng đọc thấy tất cả những điều cần biết. Chàng viết ba chữ cái, nhưng chưa xong nàng đã đón trước ý chàng, bổ sung nốt và viết câu trả lời: vâng.
- Các con chơi trò thư ký 1 đấy à? - lão quận công đến bên hỏi. - Này, nếu con muốn xem hát đúng giờ thì phải đi ngay thôi.
Levin đứng dậy và tiễn Kitti ra tận cửa.
Họ đã nói với nhau tất cả: nàng yêu chàng, nàng sẽ báo cho cha mẹ và sáng mai, chàng sẽ đến nhà nàng.
Chú thích:

1. Secrétaire (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 4 
Chương 14
Còn lại một mình sau khi Kitti đi, Levin thấy hết sức bồi hồi vì vắng bóng nàng và nôn nóng mong cho chóng tới ngày mai để gặp lại và mãi mãi gắn bó đời mình với nàng, đến nỗi chàng thấy sợ khoảng thời gian mười bốn giờ còn phải sống xa nàng như sợ cái chết vậy.
Chàng thấy cần phải nói chuyện với ai đó để khỏi cô độc và cho khuây niềm mong đợi. Đối với chàng, Xtepan Arcaditr là người tiếp chuyện thú vị nhất, nhưng ông ta nói còn phải đi dự liên hoan (thực ra ông đi xem vũ kịch). Levin chỉ vừa đủ thì giờ nói với ông rằng chàng đang sung sướng, chàng yêu quý ông và sẽ chẳng bao giờ quên những điều ông đã giúp chàng. Cái nhìn và nụ cười của Xtepan Arcaditr chứng tỏ với Levin rằng ông hiểu đúng tình cảm đó.
- Vậy thì chuyện chết không thành vấn đề nữa chứ? - Xtepan Arcaditr nói và nồng nhiệt xiết chặt tay Levin.
- Kh... hông! - Levin nói.
Khi chàng cáo từ ra về, Daria Alecxandrovna cũng nói những lời như kiểu chúc mừng và bảo chàng:
- Tôi rất hài lòng thấy anh đã gặp lại Kitti. Không nên quên bạn cũ.
Những lời đó khiến Levin phật ý. Doli không thể hiểu tất cả chuyện này thực cao cả, khó lĩnh hội đến chừng nào và đáng lý bà ta không nên nói bóng gió gì mới phải, Levin chào từ biệt, nhưng để khỏi thui thủi một mình, chàng vớ lấy anh trai.
- Anh đi đâu?
- Đi họp.
- Cho tôi theo được không?
- Được chứ, chú đến nhé, - Xergei Ivanovitr mỉm cười nói. - Hôm nay, chú có chuyện gì đấy?
- Chuyện gì à? Hạnh phúc! - Levin nói, hạ tấm kính cửa ở chiếc xe ngựa họ mới bước lên. Mở thế này anh có thấy làm sao không? Ngột ngạt quá! Phải, hạnh phúc! Tại sao anh không bao giờ lấy vợ?
Xergei Ivanovitr mỉm cười.
- Tôi rất sung sướng vì chuyện đó, đáng yêu thay cô thiếu... - ông mào đầu.
- Anh im đi, im đi! - Levin kêu lên, nắm cổ áo lông của ông anh và bắt chéo lại. "Đáng yêu thay cô thiếu nữ đó!", câu nói tầm thường và nôm na thật không xứng với tình cảm chàng chút nào!
Xergei Ivanovitr cười khanh khách vui vẻ, một điều hiếm có ở ông.
- Dù sao, tôi cũng có thể nói với chú tôi rất mừng vì chuyện đó chứ.
- Mai, đến mai cơ, đừng nói trước! Bây giờ, anh đừng nói gì hết, đừng nói gì hết, anh im đi! - Levin nói và càng quấn chặt chiếc áo lông vào người anh, - chàng nói thêm: - vậy tôi đến dự họp được chứ?
- Được mà, tất nhiên.
- Hôm nay, bàn vấn đề gì vậy? - Levin hỏi và vẫn không ngừng mỉm cười.
Họ tới nơi họp. Levin nghe thấy người thư ký ầm ừ đọc bản chương trình nghị sự mà hình như ông ta chẳng hiểu mô tê gì cả; nhưng nhìn mặt ông ta chàng thấy đó là một người trung thực xuất sắc. Có thể đoán được điều đó qua cái vẻ luống cuống khi ông ta đọc chương trình nghị sự. Sau đó, bắt đầu đến diễn văn. Người ta tranh luận về việc khấu trừ những khoản tiền nào đấy và về việc đặt một số ống dẫn nào đó; Xergei Ivanovitr áp đảo hai ủy viên và thuyết một tràng dài, vẻ đắc thắng; một nhân vật khác, sau khi viết cái gì đó trên một mảnh giấy, nén được sự nhút nhát ban đầu để trả lòi ông ta một cách mềm mỏng và sâu cay. Tiếp đó, Xvyajxki (cả ông ta cũng có mặt ở đó) nói những lời trang nhã. Levin lắng nghe họ và thấy rõ cả những khoản khấu trừ kia, lẫn những ống dẫn nọ, đều chẳng có gì quan trọng, họ chẳng giận dữ chút nào, mà tất cả đều ưu tú và trung thực, người nọ đối xử với người kia đều tốt cả. Họ chẳng làm phiền ai và tất cả đều thoải mái. Điều đáng chú ý nhất đối với Levin là lúc này, chàng thấy như nhìn thấu ruột gan tất cả từng ấy người: qua những biểu hiện rất nhỏ từ trước tới nay vẫn lọt khỏi mắt, chàng khám phá tâm hồn từng người và thấy tất cả bọn họ đều tốt. Nói riêng, họ đều yêu mến chàng, chính chàng, Levin ấy. Điều đó lộ rõ ở cách họ nói với chàng và ở những cái nhìn thân ái mà cả những người không quen cũng hướng về phía chàng.
- Thế nào, chú có bằng lòng không? - Xergei Ivanovitr hỏi.
- Rất bằng lòng. Tôi không bao giờ nghĩ cuộc họp lại thú vị, mê li đến thế!
Xvyajki lại gần và mời chàng lại chơi uống trà. Levin hoài công tìm những điều trước kia chàng không ưng ở Xvyajxki, những điều trước kia chàng bới móc ở ông ta. Đó là một người thông minh và tốt tuyệt vời.
- Rất vui lòng, - chàng nói và hỏi thăm tin tức vợ và em vợ ông ta.
Và, do một liên tưởng kỳ lạ, vì trong óc chàng, cô em vợ Xvyajxki gắn liền với ý niệm hôn nhân, chàng liền nghĩ hai chị em cô ắt là những người thú vị nhất để tâm sự về niềm hạnh phúc của mình và chàng rất mừng được đến nhà họ.
Xvyajxki hỏi han chàng về công việc làm ăn; ông ta vẫn cứ đinh ninh người ta không thể tìm thấy bất cứ cái gì mà ở châu Âu chưa khám phá ra, nhưng lần này, Levin tuyệt nhiên không vì thế mà mếch lòng. Trái lại, chàng còn thấy Xvyajxki nói có lý, thấy tất cả vấn đề đó thật vô bổ và chàng rất coi trọng sự tế nhị của Xvyajxki đã tránh không chứng minh điều đó. Các bà thì đặc biệt đáng yêu. Levin có cảm tưởng họ biết hết và đã góp phần vào hạnh phúc của chàng, nhưng vì giữ ý nên họ cố nén không nói ra đấy thôi. Chàng nán lại nhà họ một giờ, hai giờ, ba giờ, đề cập đến những vấn đề linh tinh mà vẫn liên quan đến điều đang tràn ngập tâm hồn chàng và không hề để ý mình đã làm họ chán ngấy kinh khủng và họ buồn ngủ lắm rồi.
Xvyajxki vừa tiễn chàng ra phòng đợi vừa ngáp dài, ngạc nhiên về tâm trạng kỳ cục của ông bạn. Đã quá một giờ sáng. Levin trở về khách sạn và kinh hãi nghĩ đến mười tiếng đồng hồ còn phải sống lủi thủi với nỗi sốt ruột của mình. Bác bồi phòng trực đêm thắp nến cho chàng và định trở lui, nhưng Levin chưa bao giờ để ý tới bác:
Chàng thấy bác có vẻ thông minh và nhất là tốt bụng.
- Này, bác Egor, thức thế này chắc vất vả lắm nhỉ?
- Làm thế nào được? Nghề nghiệp của tôi là phải thế. Làm cho các ông chủ thì nhàn hơn, nhưng ở đây kiếm được nhiều tiền hơn.
Thì ra Egor có gia đình: ba con trai và một con gái làm thợ khâu mà bác định gả cho một người rao hàng đồ thắng ngựa.
Nhân dịp đó, Levin tâm sự với Egor rằng trong việc lấy vợ lấy chồng, điều cốt yếu là tình yêu, khi yêu thì bao giờ cũng sung sướng vì người ta mang hạnh phúc ngay trong lòng mình.
Egor chăm chú nghe và có vẻ hoàn toàn hiểu ý Levin, nhưng bác đưa ra làm dẫn chứng một nhận xét thật bất ngờ: bác ta bảo khi hầu hạ những ông chủ tốt, bao giờ bác cũng bằng lòng họ và giờ đây, bác hoàn toàn mãn nguyện về chủ mình dù đó là người Pháp.
"Con người mới tốt làm sao!", Levin nghĩ thầm.
- Còn bác, bác Egor, khi lấy vợ, bác cũng yêu vợ chứ?
- Chậc! - Egor đáp.
Và Levin thấy Egor cũng đang ở trong tâm trạng hào hứng như mình và sắp sửa thổ lộ những tình cảm sâu kín nhất.
- Cuộc đời tôi cũng thật kỳ lạ. Từ thuở nhỏ... - bác ta mào đầu, mắt long lanh, rõ ràng đã lây nỗi phấn khởi của Levin như người ta lây nhau ngáp.
Nhưng giữa lúc ấy, tiếng chuông gọi vang lên, Egor đi khỏi và Levin lại trơ một mình. Chàng hầu như không ăn gì trong bữa tiệc chiều, chàng đã từ chối không dùng trà và không ăn tối ở nhà Xvyajxki, mà thậm chí cũng không thể nghĩ đến chuyện ăn tối được kia. Đêm trước, chàng không chợp mắt nhưng bây giờ cũng không nghĩ đến chuyện ngủ được. Buồng ngủ vốn lạnh, tuy nhiên chàng vẫn thấy nóng ngột ngạt. Chàng mở hai cánh cửa lùa và ngồi lên chiếc bàn trước khung cửa sổ. Đằng sau một mái nhà phủ đầy tuyết, nhô lên một cây thập tự chạm trổ với chuỗi dây xích, phía trên, chòm sao Xà ích hình tam giác, trong đó lấp lánh ánh vàng bợt của ngôi sao Dê Cái, đang lên dần trên bầu trời. Lúc chàng nhìn cây thập tự, lúc nhìn ngôi sao, hít luồng không khí giá băng đều đặn lọt vào phòng, và như trong giấc mộng, chàng dõi theo hoài những hình ảnh và kỷ niệm đột nhiên hiện lên trong trí tưởng tượng. Lúc hơn ba giờ sáng, chàng nghe thấy tiếng chân người và nhìn qua cửa ra vào. Đó là Myakin, một tay cờ bạc (cũng là chỗ quen với chàng) vừa ở sòng bạc về. Anh chàng vừa đi vừa ho, lông mày cau lại. "Khổ thân anh ta!", Levin nghĩ thầm và rưng rưng nước mắt trìu mến, thương hại. Chàng muốn nói, muốn an ủi anh ta; nhưng chợt nhớ mình đang mặc quần áo lót, chàng bèn thôi và trở về ngồi xuống trước cửa lùa để lại đắm mình trong không khí giá lạnh, ngắm cây thập tự trang nhã, lặng lẽ nhưng bao hàm đầy ý nghĩa đối với chàng và ngôi sao vàng rực rỡ đang lên cao dần trong bầu trời. Vào khoảng bảy giờ, những người cọ sàn nhà đến làm ồn lên, chuông bắt đầu leng keng và Levin thấy người bắt đầu run rẩy. Chàng đóng cánh cửa lùa, rửa mặt, mặc quần áo và đi ra.
Quyển 4
Chương 15
Phố xá còn vắng ngắt. Levin đến nhà Serbatxki. Cổng lớn đóng và tất cả còn ngủ. Chàng quay về, lên buồng và gọi cà phê. Người mang cà phê đến là anh bồi làm ban ngày chứ không phải Egor. Levin định bắt chuyện, nhưng có người rung chuông gọi nên gã phải lui ra.
Chàng cố uống cà phê và cầm một chiếc bánh mì nhỏ đưa lên miệng, nhưng không thể nuốt trôi. Chàng nhổ miếng bánh đi, mặc áo choàng và lại đi ra. Khi chàng đến gần thềm nhà Serbatxki lần thứ hai thì đã chín giờ. Trong nhà vừa mới dậy và anh bếp đi mua thức ăn. Còn phải đợi ít ra là hai giờ nữa.
Suốt đêm qua và sáng nay, Levin sống trong một trạng thái hoàn toàn vô thức và thấy mình tách rời hẳn mọi điều kiện sống vật chất.
Hôm qua chàng không ăn gì, chàng đã thức trắng hai đêm, mặc phong phanh ngồi lì hàng giờ trong không khí giá lạnh; vậy mà chàng vẫn thấy tươi tỉnh và sảng khoái hơn bao giờ hết và hoàn toàn không phụ thuộc gì vào thể xác mình: chàng đi lại thoải mái và cảm thấy có thể làm được bất cứ việc gì. Chàng tin chắc nếu cần, chàng có thể bay bổng lên không hoặc tách rời những bức tường nhà ra được. Chàng lang thang ngoài phố nốt số thời giờ còn lại, chốc chốc lại xem đồng hồ và ngó nghênh khắp ngả.
Cái chàng nhìn thấy lúc bấy giờ, chẳng bao giờ chàng còn thấy lại nữa. Chàng xúc động nhất khi thấy mấy em nhỏ đi học, đàn bồ câu xám bay từ mái nhà xuống vỉa hè và những chiếc bánh ngọt rắc bột mà một bàn tay vô hình nào đã bày ở một cửa hàng. Bánh ngọt, bồ câu và hai chú bé nọ đều là người, vật trên thiên giới. Tất cả đã lướt qua cùng một lúc. Chú nhỏ đã chạy về phía con bồ câu và mỉm cười nhìn Levin; con bồ câu đã vỗ cánh và lấy đà bay lên, lấp lánh dưới ánh nắng giữa làn bụi tuyết rung rinh trong khoảng không và mùi bánh mì nóng toả ra từ một khung cửa sổ. Tất cả hòa quyện vào nhau đẹp đẽ lạ lùng khiến Levin vừa khóc vừa cười vì sung sướng. Chàng đi một vòng rộng qua phố Gazet và phố Kixlôva, trở về khách sạn lần nữa và sau khi đặt chiếc đồng hồ quả quít trước mặt, chàng ngồi chờ đến trưa. Trong phòng bên cạnh, có tiếng người bàn chuyện máy móc, chuyện buôn gian bán lận, tiếng ho hắng khi thức giấc buổi sáng. Họ không hiểu kim đồng hồ đang xích lại gần con số mười hai. Cuối cùng, nó xoay tới con số đó. Levin ra ngoài thềm. Hiển nhiên là các xà ích đều đã biết hết chuyện. Họ quây quanh Levin với những bộ mặt sung sướng, tranh giành nhau, mời mọc chàng. Levin chọn một chiếc, cố không làm phật lòng những người khác và hứa lần sau sẽ thuê xe họ, rồi bảo họ đưa đến nhà Serbatxki. Gã xà ích này thật dễ thương với chiếc cổ sơ mi trắng thò ra khỏi áo captăng 1 và bọc lấy cái cổ đỏ đắn, khỏe mạnh. Chiếc xe trượt của anh ta cao và êm (chẳng bao giờ Levin còn bước lên một cỗ xe trượt như vậy nữa), con tuấn mã cố hết sức phóng nước kiệu nhưng không tiến lên được mấy tí. Gã xà ích biết nhà Serbatxki và để tỏ ra đặc biệt kính trọng ông khách, anh ta hãm ngựa trước thềm, vừa khoanh tay vừa kêu: "Hô...ô...ô!". Chắc chắn người gác cửa cũng biết hết chuyện rồi. Điều đó lộ rõ ở cặp mắt tươi cười và câu chào đón của lão.
- Thưa ông Conxtantin Dimitrievitr, đã lâu không thấy ông lại chơi.
Không những lão biết hết mà rõ ràng còn hoan hỉ và phải cố giấu niềm vui nữa kia. Khi bắt gặp cái nhìn đôn hậu của lão già, Levin chợt hiểu chàng vẫn chưa thấy hết mọi khía cạnh niềm hạnh phúc của mình.
- Nhà dậy cả rồi chứ?
- Xin mời ông vào ạ. Ông cứ để mũ đấy ạ, - lão mỉm cười nói, khi Levin định quay lại lấy mũ. Điều này hẳn có ý nghĩa gì đây.
- Ông cần gặp ai để tôi đi báo ạ? - người hầu phòng hỏi.
Tuy ra vẻ học đòi sang trọng và mới đến làm trong nhà, gã gia nhân trẻ này vẫn là một thanh niên trung thực và ưu tú: cả hắn nữa, hắn cũng thông tỏ sự tình.
- Gặp phu nhân... gặp lão quận công... gặp tiểu thư. - Levin nói.
Người đầu tiên chàng trông thấy là cô 2 Linong. Bà ta đi qua phòng khách và cả những búp tóc xoăn lẫn bộ mặt bà đều sáng ngời.
Chàng vừa cất lời nói với bà thì đột nhiên thấy tiếng tà áo sột soạt đằng sau cửa ra vào: cô Linong vụt biến đi trước mắt Levin, và trước hạnh phúc đang tới gần, người cảm giác sợ hãi pha lẫn vui mừng xâm chiếm lòng chàng. Cô Linong vội để chàng đứng đấy và đi về phía cửa kia. Bà ta vừa ra khỏi thì tiếng chân bước nhẹ nhàng thoăn thoắt đã vang trên sàn gỗ và niềm hạnh phúc của chàng, cuộc đời chàng, bản thân chàng, cái tốt đẹp nhất trong bản thân chàng, điều chàng tìm kiếm và ao ước bấy lâu nay, đang lại gần. Nàng không bước, mà một sức mạnh vô hình đẩy nàng đến với chàng. Chàng chỉ trông thấy cặp mắt nàng trong sáng và chân thật, sợ hãi và long lanh cùng một niềm vui đang tràn ngập lòng chàng. Cặp mắt đó mỗi lúc một đến gần, sáng ngời làm chàng loá mắt. Nàng dừng lại sát bên, chạm cả vào người chàng. Nàng giơ hai tay đặt lên vai Levin.
Nàng đã làm tất cả những gì có thể làm: nàng đã chạy đến với chàng, trao toàn vẹn thân mình cho chàng, rụt rè và sung sướng.
Chàng ôm nàng và áp đôi môi lên miệng nàng đang đón đợi chàng hôn.
Cả nàng, suốt đêm cũng không ngủ và đợi chàng cả sáng nay.
Cha mẹ nàng hoàn toàn đồng ý và sung sướng với hạnh phúc của con. Nàng đợi chàng đến. Nàng muốn là người đầu tiên báo cho chàng biết hạnh phúc của mình và của chàng. Nàng chuẩn bị tiếp chàng một mình, vừa vui sướng, vừa rụt rè, thẹn thùng và chính nàng cũng không biết mình sắp làm gì. Nàng nghe thấy tiếng chân, giọng nói của chàng và đã đứng sau cửa đợi cô Linong đi khỏi. Cô Linong đi rồi. Không nghĩ ngợi thêm cũng chẳng phân vân, nàng đã đến bên chàng và làm như vừa rồi.
- Ta đi gặp mẹ đi! - nàng nói, cầm lấy tay chàng. Hồi lâu, chàng không nói nên lời, không phải đến mức sợ lời nói sẽ phạm tới cái cao cả của tình cảm mình, mà vì mỗi lần định nói điều gì, chàng lại thấy nghẹn ngào sung sướng.
Chàng cầm tay nàng hôn.
- Có đúng đây là sự thật không? - cuối cùng chàng nói, giọng câm đặc. - Anh không dám tin là em yêu anh.
Nàng mỉm cười về tiếng "em" đó và về cái vẻ rụt rè của chàng khi nhìn nàng.
- Vâng, - nàng chậm rãi nói một cách trang nghiêm. - Em sung sướng vô cùng!
Nàng không buông tay chàng và bước vào phòng khách. Thấy họ, phu nhân bỗng nghẹn ngào và tức thì nước mắt giàn giụa, rồi ngay sau đó lại cười. Bà chạy lại phía Levin, bước chân vững vàng hơn chàng tưởng, đưa tay ôm đầu chàng, hôn chàng, làm má chàng ướt đẫm nước mắt.
- Thế là xong xuôi tất cả! Mẹ bằng lòng lắm. Con hãy yêu Kitti. Mẹ bằng lòng lắm... Kitti!
- Chúng nó giải quyết chuyện này mau mắn thật! - lão quận công nói, cố làm ra vẻ thờ ơ; nhưng Levin thấy mắt ông ướt đẫm khi quay lại phía chàng. - Tôi đã muốn thế từ lâu rồi, từ trước đến nay tôi vẫn ao ước thế! - lão quận công nói, và cầm tay Levin kéo về phía mình. - Ngay cả khi con bé điên rồ này nảy ra ý định...
- Ba! - Kitti kêu lên và lấy tay bịt miệng bố.
- Thôi được, ba im đây, - ông nói. - Ba rất, rất sung... Chao ôi, sao mà tôi ngốc thế.
Ông ôm Kitti, hôn má rồi hôn tay, rồi lại hôn má và làm dấu thánh giá cho nàng.
Và Levin thấy lòng tràn ngập một niềm yêu thương mới đối với lão quận công cho đến nay vẫn xa lạ với chàng, khi thấy Kitti âu yếm hôn mãi bàn tay gân guốc của ông.
Chú thích:
1. Một kiểu áo của người Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều đường thêu.
2. Mademoiselle (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 4  
Chương 16
Phu nhân ngồi lặng thinh trong ghế bành, tươi cười; lão quận công ngồi cạnh; Kitti đứng bên ghế bành của cha, cầm tay ông. Mọi người đều im lặng.
Phu nhân là người đầu tiên gọi tên sự việc lên và kéo tình cảm, ý nghĩ của họ trở lại thực tại. Thoạt tiên, điều đó có vẻ khó chịu và kỳ dị với mọi người.
- Vậy thì bao giờ đấy? Phải làm lễ đính hôn và báo hỉ chứ. Nhưng bao giờ thì cưới? Ông nghĩ sao, Alecxandr?
- Chuyện đó phải hỏi anh ấy chứ, - lão quận công chỉ Levin nói. - Chính anh ấy mới là người chủ chốt trong việc này.
- Bao giờ ạ? - Levin đỏ mặt nói. - Ngày mai. Nếu bố mẹ hỏi ý kiến con, thì con nghĩ chúng con có thể đính hôn hôm nay và cưới ngay ngày mai...
- Thôi đi, con thân yêu 1, đừng có nói tầm bậy...
- Vậy thì trong vòng tám hôm nữa.
- Đúng là nó điên rồi.
- Không đâu, tại sao?
- Nhưng này! - bà mẹ nói, vui vẻ mỉm cười vì sự nóng vội ấy, - còn quần áo cô dâu?
"Vậy ra phải có quần áo cưới và tất cả mọi cái khác, Levin sợ hãi nghĩ thầm. Nhưng, quần áo cưới, việc làm phép cưới ở nhà thờ và tất cả mọi cái khác liệu có thể làm bợn hạnh phúc của mình không nhỉ?
Không, chẳng có gì làm tổn thương tới nó được!". Chàng nhìn Kitti và thấy ý kiến về quần áo cưới không làm nàng phật ý mảy may. "Vậy thì đó là chuyện cần thiết", chàng tự nhủ.
- Con chẳng hiểu gì về chuyện đó cả, ba mẹ biết đấy, con chỉ nói lên điều mong ước của con với ba mẹ thôi, - chàng nói tiếp để cáo lỗi.
- Ta sẽ tính chuyện đó sau. Bây giờ có thể làm lễ đính hôn và báo hỉ được rồi đấy.
Phu nhân lại bên chồng, hôn ông và định đi, nhưng ông giữ bà lại, ôm bà vào trong tay, và như một gã tình lang trẻ tuổi, âu yếm hôn bà nhiều lần, vừa hôn vừa mỉm cười. Đôi vợ chồng già rõ ràng tâm trí để đi đâu và không còn biết đích xác rằng họ đang yêu hay là con gái họ nữa. Khi họ đi khỏi, Levin lại gần vợ chưa cưới và cầm tay nàng.
Chàng đã định thần và có thể nói nên lời. Chàng có biết bao điều cần nói với nàng. Nhưng chàng lại nói khác hẳn điều cần nói.
- Trước đây, anh đã biết là chuyện này sẽ đến! Anh chưa bao giờ dám hy vọng, nhưng trong thâm tâm, anh đinh ninh như vậy, - chàng nói. - Anh tin là số mệnh đã định như thế.
- Còn em? - nàng nói. - Ngay cả khi... - nàng ngừng lại và quả quyết đưa cặp mắt chân thật nhìn thẳng vào mặt chàng, nói tiếp: - ngay cả lúc em xua đuổi hạnh phúc của mình, em cũng chỉ yêu mình anh thôi, nhưng hồi đó em đã dại dột nghe theo một sự cám dỗ. Em cần hỏi anh... Anh có thể quên chuyện đó chứ?
- Có lẽ thế thì hơn. Em còn nhiều cái phải tha thứ cho tôi... Tôi muốn nói với em rằng...
Đó là một lời thú tội chàng định nói với nàng. Chàng đã quyết định phải thú tội với nàng ngay từ ngày đầu, là chàng không trong trắng như nàng và chàng không tin đạo. Thật khổ tâm nhưng chàng cho rằng mình phải thú với nàng cả hai điều đó.
- Không, tôi không nói bây giờ đâu, để sau vậy! - chàng nói.
- Được rồi, sau hãy hay, nhưng thế nào anh cũng phải nói cho em biết nhé. Em không sợ gì hết. Em cần biết tất cả mọi chuyện. Bây giờ thì xong xuôi rồi.
Chàng kết thúc:
- Xong xuôi có nghĩa là em lấy tôi y nguyên như con người thực của tôi... Em sẽ không bỏ tôi chứ? Có phải không?
- Vâng, vâng.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì cô Linong đến mừng cô học trò yêu bằng một nụ cười âu yếm và yểu điệu. Bà chưa kịp lui ra thì bọn người làm đã đến chúc tụng. Rồi người trong họ tới và bắt đầu cái giai đoạn đầy hạnh phúc và vô lý mà mãi đến hôm sau ngày cưới Levin mới thoát khỏi. Levin luôn thấy gò bó, chàng chán ngấy, tuy nhiên hạnh phúc vẫn chỉ có tăng lên. Chàng cảm thấy người ta đòi hỏi chàng từng cách đi đứng, cư xử mà trước đây chàng không hề nghĩ tới, chàng làm tất cả những điều người ta bảo và điều đó cũng khiến chàng sung sướng. Chàng tin rằng lễ đính hôn của mình tuyệt nhiên không giống với lễ đính hôn của những người khác, rằng nếu nó diễn ra như thường lệ, thì hạnh phúc sẽ vì thế mà tổn thương, nhưng thực ra chàng cũng làm giống hệt mọi người và hạnh phúc chỉ có lớn thêm, trở thành một diễm phúc cá nhân không một hạnh phúc nào khác có thể sánh bằng.
- Bây giờ, ta sẽ ăn kẹo, - cô Linong nói, thế là Levin chạy đi mua kẹo.
- Xin nhiệt liệt chúc mừng anh, - Xvyajxki nói. - Tôi khuyên anh nên đặt mua hoa ở hàng Fomill.
- À vâng, cần phải như thế à? - thế là chàng bổ đến nhà Fomill.
Ông anh bảo chàng phải vay tiền để chi tiêu những món trước mắt, mua quà tặng...
- Phải tặng quà ư? - thế là chàng lập tức đến nhà Funđa.
Ở hàng bánh kẹo, ở hàng Fomill, ở nhà Funđa, chàng đều thấy họ đang chờ mình, họ hài lòng được thấy chàng và họ hỉ hả cũng như mọi người chàng phải liên hệ giao dịch trong những ngày đó đều hỉ hả. Lạ thay, không những mọi người đều yêu mến chàng mà cả những người xưa nay thường lạnh lùng và thờ ơ, cũng đều có vẻ phấn khởi khi thấy mặt chàng, chiều mọi ý muốn, tỏ ra tế nhị đối với mối tình của chàng và thừa nhận chàng là người sung sướng nhất đời vì vợ chưa cưới của chàng quả là toàn thiện toàn mỹ. Đối với Kitti cũng vậy. Khi nữ bá tước Norxton mạo muội nói bóng gió đến những đám hiển hách hơn mà bà ta vẫn nhắm nhe cho cô bạn, Kitti bèn nổi nóng và hết sức hùng hồn vạch cho bà ta thấy trên đời này không có chàng rể nào ưu tú hơn Levin, đến nỗi nữ bá tước Norxton phải thừa nhận là đúng và từ đó trở đi, mỗi lần gặp Levin trước mặt Kitti, bà không bao giờ quên chào chàng bằng một nụ cười ngây ngất.
Riêng có cuộc giãy bày tâm sự Levin đã hứa với Kitti là sự việc nặng nề duy nhất trong giai đoạn này. Theo ý lão quận công mà chàng nhờ chỉ bảo, Levin trao cho Kitti quyển nhật ký đã ghi tất cả những điều giày vò chàng. Chàng viết cuốn nhật ký ấy với ý định dành riêng cho vị hôn thê tương lai của mình đọc. Có hai điểm khiến chàng băn khoăn: chàng không còn trong trắng và không tin đạo.
Nàng vốn ngoan đạo, không bao giờ nghi ngờ chân lý của tôn giáo nhưng cái vẻ ngoài không tín ngưỡng của chồng chưa cưới không làm nàng băn khoăn mảy may. Tình yêu đã giúp nàng thâm nhập hoàn toàn vào tâm hồn Levin và nhìn thấy trong đó tất cả những gì nàng muốn thấy; nhưng việc đặt tên tâm trạng đó là vô tín ngưỡng, đối với nàng hoàn toàn không quan trọng. Trái lại, lời thú tội thứ hai khiến nàng khóc cay đắng.
Trao nhật ký cho nàng, đâu phải Levin không trải qua đấu tranh tư tưởng. Chàng biết giữa chàng với nàng, không thể và không nên có điều gì giấu nhau nên quyết định làm như vậy, nhưng chàng không biết điều đó có thể tác động đến Kitti như thế nào; chàng đã không đặt mình vào địa vị của nàng. Mãi đến chiều hôm đó, khi tới nhà nàng trước giờ đi xem hát, bước vào phòng và thoáng thấy bộ mặt xinh đẹp sầu não và đẫm nước mắt, chàng mới hiểu cái tai hại không thể cứu chữa mình đã gây cho nàng và cái vực thẳm ngăn cách quá khứ đáng xấu hổ của chàng với cái trong trắng bồ câu kia. Chàng hoảng hốt vì việc mình đã làm.
- Anh hãy cầm lấy quyển vở kinh khủng này đi! - nàng nói, vừa đẩy tập giấy đặt trước mặt trên bàn. - Tại sao anh lại đưa nó cho tôi!... Không, làm thế mà tốt hơn, - nàng nói tiếp vì thương hại bộ mặt tuyệt vọng của chàng. - Nhưng thật là kinh khủng, kinh khủng!
Chàng cúi đầu nín lặng. Chàng không thể nói gì được.
- Em sẽ không tha thứ cho tôi ư? - chàng thầm thì.
- Có chứ, em tha thứ cho anh rồi mà. Nhưng thật là kinh khủng!
Hạnh phúc của Levin lớn đến nỗi lời thú tội đó chẳng những không hề làm nó tổn hại chút nào, mà còn điểm thêm vào đó một màu sắc mới. Nàng đã tha thứ cho chàng; nhưng từ hôm đó, chàng càng cho mình không xứng với nàng, càng rạp mình, về mặt tinh thần, trước mặt nàng và càng đánh giá cao cái hạnh phúc chàng không đáng được hưởng.
Chú thích:
1. Mon cher (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 4
Chương 17
Alecxei Alecxandrovitr trên đường trở về căn phòng cô độc của mình ở khách sạn bất giác ôn lại trong ký ức những cảm giác về các cuộc nói chuyện khi tối. Những lời Daria Alecxandrovna khuyên nên tha thứ chỉ gợi cho ông nỗi bực dọc. Chuyện có áp dụng lời răn của đạo Gia tô vào trường hợp của ông hay không, là một vấn đề rất tế nhị, không thể bàn nông nổi và về phần mình, ông đã giải quyết vấn đề đó theo cách phủ định từ lâu rồi. Trong những điều mọi người nói tối hôm đó, chính lời anh chàng Turôpxưn trung thực và ngây ngô đã khắc sâu nhất vào trí ông: "Ông ta xử sự rất anh hùng: Ông khiêu chiến với tình địch và đã giết hắn". Mọi người hiển nhiên đều tán thành cách xử sự đó và sở dĩ họ không để lộ, đó là vì lịch sự thôi.
"Vả chăng, vấn đề đã giải quyết xong rồi, trở lại làm gì vô ích!", Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Và, trong lòng chỉ còn nghĩ đến chuyện khởi hành sắp tới và cuộc đi thanh tra, ông bước vào phòng ngủ và hỏi người gác cửa đi theo sau xem gã hầu phòng của mình đâu; người gác cửa cho biết hắn ta vừa ra ngoài. Alecxei Alecxandrovitr gọi trà, ngồi xuống trước bàn và vùi đầu tra cứu sổ chỉ dẫn giờ tàu xe.
- Có hai bức điện, - gã hầu phòng vừa trở về bước vào phòng và nói.
- Xin quan lớn thứ lỗi, tôi vừa mới ra ngoài một lúc thôi.
Alecxei Alecxandrovitr cầm những bức điện và mở ra xem. Bức thứ nhất báo tin bổ nhiệm Xtremov lên cái địa vị mà chính ông cũng thèm muốn. Alecxei Alecxandrovitr ném bức điện đi, mặt đỏ tía tai, đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. "Quos vult perdere dementat" 1, ông nói, dùng chữ "quos" để chỉ những kẻ góp phần vào việc bổ nhiệm này. Điều làm ông tức khí không phải vì ông đã hiển nhiên thành nạn nhân của một sự bất công, ông sửng sốt là sao mọi người không thấy cái thằng cha Xtremov bẻm mép, huênh hoang kia, thật ít xứng đáng được giữ địa vị ấy hơn bất cứ người nào khác. Làm sao họ không thấy họ đã tự làm hại uy tín 2 khi giao phó cho hắn trọng trách đó?
"Đây hẳn lại là một chuyện gì tương tự", ông vừa bóc bức điện thứ hai vừa chua chát tự nhủ. Bức điện này của vợ. Chữ ký bằng bút chì xanh: "Anna" đập ngay vào mắt ông trước tiên. "Tôi đang hấp hối và tôi van mình hãy về. Tôi sẽ chết yên tâm hơn nếu mình tha thứ cho tôi", ông đọc. Ông mỉm cười khinh bỉ và vứt bức điện . Đây là một mưu mẹo, một màn kịch, ông nghĩ theo bản năng, chắc chắn thế.
"Cô ả không từ một mưu gian nào. Hẳn cô ả sắp đẻ đến nơi rồi.
Chắc chuyện đó thôi. Nhưng mục đích của hai anh ả là thế nào? Hợp pháp hóa đứa bé chăng? Làm mất uy tín của ta? Ngăn cản ly dị? ", ông thầm nghĩ. Tuy nhiên, cô ả viết: "Tôi đang hấp hối...". Ông đọc lại bức điện và đột nhiên, ý nghĩa thực sự của nội dung bức điện bỗng làm ông sững sờ. "Thế nhỡ thật thì sao? Ông nghĩ. Nếu quả thật nỗi đau đớn và cái chết kề bên đã khiến cô ta ăn năn hối lỗi mà ta lại từ chối không về vì cho đó là mưu mẹo thì sao? Như vậy không những tàn nhẫn và mọi người sẽ kết tội, mà về phía ta, làm thế còn là khờ nữa".
- Piot'r, chạy đi thuê cái xe. Tôi đi Peterburg đây, - ông bảo gã hầu phòng.
Alecxei Alecxandrovitr quyết định quay về Peterburg gặp vợ. Nếu nàng giả ốm, ông sẽ lặng thinh và lại ra đi. Nhưng nếu quả thật nàng đang ở trong tay thần chết, ông sẽ tha thứ, nếu ông về kịp lúc nàng còn sống và ông sẽ làm tròn bổn phận cuối cùng với nàng, nếu ông tới quá muộn.
Quyết định như vậy rồi, dọc đường ông không hề nghĩ tới chuyện đó nữa.
Với cảm giác mỏi mệt và nhớp bẩn sau một đêm ngồi tàu, Alecxei Alecxandrovitr đi ngược lên đại lộ Nepxki trong màn sương sớm, không nghĩ ngợi gì đến điều đang chờ mình. Ông không thể nghĩ tới điều đó, vì khi hình dung chuyện sắp xảy tới, ông không thể gạt bỏ ý nghĩ là cái chết của Anna sẽ giải quyết gọn ghẽ mọi khó khăn của ông. Những người bán bánh mì, những cửa hiệu đóng kín, những cỗ xe thuê chạy đêm, những người gác cổng quét hè phố, diễu qua trước mắt; ông quan sát tất cả và cố bóp chết ý nghĩ về điều đang chờ mình và về điều ông không dám cầu mong đồng thời vẫn cứ cầu mong. Ông tới trước cửa nhà mình. Một cỗ xe thuê và một cỗ xe nhà với cả xà ích đang ngủ, đậu dưới thềm. Khi bước vào phòng chờ, Alecxei Alecxandrovitr như rứt ra từ góc sâu thẳm nhất của trí não một quyết định và bám lấy nó. Nó có thể rút gọn như sau: "Nếu là mưu mẹo, sẽ tỏ vẻ khinh bỉ một cách bình thản và bỏ đi; nếu quả thật thế, sẽ giữ đúng nghi thức".
Người gác cửa Pêtrôp, còn gọi là Kapitônych, mở cửa cho Alecxei Alecxandrovitr trước khi ông rung chuông gọi: bác ta mặc áo đuôi tôm cũ, đi dép, không thắt cà vạt, trông thật dị dạng.
- Bà thế nào?
- Bà đã sinh hôm qua, mẹ tròn con vuông ạ.
Alecxei Alecxandrovitr dừng lại và tái mặt. Lúc này, ông mới hiểu rõ là ông đã mong nàng chết biết chừng nào.
- Sức khỏe bà ra sao?
Kornây, mặc tạp dề buổi sáng, hấp tấp xuống cầu thang.
- Bà yếu lắm, - gã trả lời. - Hôm qua, các thầy thuốc đã đến thăm bệnh và bác sĩ đang ở đây.
- Mang hành lý vào, - Alecxei Alecxandrovitr bảo gã và cảm thấy nhẹ người đôi chút khi biết còn có hy vọng là nàng sẽ chết; ông bước vào phòng chờ.
Một áo khoác nhà binh treo ở mắc áo. Alecxei Alecxandrovitr trông thấy và hỏi.
- Có ai ở đây?
- Bác sĩ, bà hộ sinh và bá tước Vronxki ạ.
Alecxei Alecxandrovitr vào trong phòng.
Không có ai ở phòng khách; nghe thấy tiếng chân ông, bà hộ sinh ra khỏi buồng riêng Anna, đầu đội mũ vải đính dải màu hoa cà.
Bà ta tiến lại chỗ Alecxei Alecxandrovitr, và nắm lấy tay ông với cải vẻ thân mật do cái chết kề bên mang lại, bà kéo ông vào phòng ngủ.
- Đội ơn Chúa, ông đây rồi! Bà nhà chỉ nhắc đến ông thôi, - bà ta nói.
- Mang nước đá lại ngay cho tôi! - trong phòng ngủ, có tiếng bác sĩ gọi.
Alecxei Alecxandrovitr đến phòng riêng Anna. Vronxki ngồi ghé trên chiếc ghế tựa thấp cạnh bàn, đang khóc, tay ôm đầu. Chàng giật bắn người khi nghe thấy tiếng bác sĩ nói, buông tay ôm mặt ra và thấy mình đang ở trước mặt Alecxei Alecxandrovitr. Trông thấy ông chồng, chàng luống cuống đến nỗi lại ngồi xuống, rụt đầu giữa đôi vai như muốn biến đi; nhưng chàng cố trấn tĩnh và nói; - Bà nhà đang hấp hối. Các thầy thuốc bảo không còn hy vọng gì nữa. Số phận tôi do ông định đoạt, nhưng xin ông cho phép tôi được ở lại đây... tôi hiện ở trong tay ông, tôi...
Thấy Vronxki khóc, Alecxei Alecxandrovitr đâm bối rối như mọi lần đứng trước đau đớn của người khác. Ông quay đi và không nghe Vronxki nói hết, vội vã đi về phía cửa. Trong buồng ngủ, có tiếng Anna đang nói. Giọng nàng vui vẻ, hoạt bát, âm sắc rõ ràng. Alecxei Alecxandrovitr bước vào phòng và đến gần giường. Nàng quay mặt về phía ông. Má nàng đỏ ửng, cặp mắt long lanh, đôi tay nhỏ nhắn trắng muốt thò ra ngoài tay áo ngủ và đang vân vê góc chăn. Không những nàng có vẻ tươi tỉnh và khỏe mạnh mà còn rất vui nữa. Nàng nói nhanh, sang sảng, uốn giọng rất chính xách và đầy tình cảm.
- ... Bởi vì Alecxei, - tôi đang nói về Alecxei Alecxandrovitr (lạ lùng và ác nghiệt thay, cả hai người lại cùng tên là Alecxei cả, có phải không?) - Alecxei hẳn sẽ không cự tuyệt tôi. Tôi sẽ quên đi, nhà tôi sẽ tha thứ cho tôi... Nhưng sao nhà tôi chưa về nhỉ? Nhà tôi tốt lắm, chính ông ấy không biết là mình tốt đến chừng nào. Ôi! Lạy Chúa, tôi lo sợ biết mấy! Cho tôi uống nước nhanh lên! à phải, nhưng thế không tốt cho cháu, cho con gái tôi! Thôi đành, cứ kiếm cho nó người vú nuôi. Phải, tôi bằng lòng thế, có khi thế lại tốt hơn. Nếu nhà tôi về, trông thấy nó, ông ấy hẳn khổ tâm lắm! Hãy mang nó đi!
- Anna Arcadievna, ông nhà tới rồi. Ông đây, - bà hộ sinh nói, cố lưu ý nàng đến Alecxei Alecxandrovitr.
- Chao! Ngốc thật! - Anna nói tiếp, vẫn Carenin trông thấy chồng.
Phải, đưa cháu cho tôi, đưa con gái tôi cho tôi nào! Nhà tôi chưa có đây. Các người bảo nhà tôi sẽ không tha thứ cho tôi là vì các người không hiểu ông ấy. Chẳng ai hiểu nhà tôi cả. Trừ có tôi, vì vậy mà tôi càng khổ tâm. Các người nên biết mắt Xerioja giống hệt mắt nhà tôi và chính vì thế mà tôi không thể nhìn vào mắt nó được nữa. Họ đã cho Xerioja ăn cơm chưa? Chắc mọi người lại bỏ quên nó rồi. Phải xếp cho Xerioja ở phòng đầu góc và bảo Mariet ngủ với nó.
Đột nhiên, nàng co quắp người, nín bặt và đưa cánh tay lên ngang mặt như để đỡ đòn, vẻ khiếp sợ. Nàng đã trông thấy chồng.
- Không, không! - nàng nói tiếp, - tôi không sợ nhà tôi đâu, chính là tôi sợ chết đấy. Alecxei, mình lại đây. Em vội lắm vì thời gian gấp rồi, em chẳng còn sống được bao lâu, cơn sốt sắp trở lại và em sẽ chẳng biết gì nữa đâu. Lúc này thì em biết: em biết tất cả và em trông thấy tất cả.
Bộ mặt nhăn nheo của Alecxei Alecxandrovitr lộ vẻ đau đớn dữ dội; ông cầm tay nàng và định nói, nhưng không thốt nên lời, môi dưới ông run lên; ông vẫn cố nén xúc động và thỉnh thoảng lại nhìn nàng. Mỗi lần thế, ông lại thấy mắt nàng đăm đăm nhìn mình với một vẻ dịu dàng, hồ hởi mà ông chưa từng thấy ở nàng bao giờ.
- Khoan đã, mình không biết... Các người hãy khoan, hãy khoan đã...
- Nàng dừng lại như để tập trung ý nghĩ. - Phải, - nàng bắt đầu nói... - Phải, phải, phải. Em muốn nói thế này đây. Mình đừng ngạc nhiên nhé. Em vẫn như xưa thôi... Nhưng trong em, có một con đàn bà khác và em sợ ả ta. Chính ả đã phải lòng anh ta. Em muốn thù ghét mình, nhưng em không tài nào quên nổi cái người đàn bà trước kia là em. ả kia, không phải là em. Bây giờ, em mới đúng là em toàn vẹn. Em đang hấp hối, em biết em sắp chết, mình chỉ việc hỏi anh ta thì rõ.
Em lại thấy nằng nặng ở bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân đấy.
Mình nhìn xem ngón tay em to biết chừng nào! Nhưng tất cả cái đó đều sắp kết thúc... Em chỉ cần mỗi một điều là mình tha thứ cho em, tha thứ hoàn toàn! Em là một con đàn bà ghê tởm, nhưng chị bảo mẫu của Xergei đã kể cho em nghe chuyện một bà thánh tử vì đạo, bà ta tên là gì nhỉ? Hình như bà ta còn tệ hơn em. Em sẽ đến thành Rôm, ở nơi ấy có một bãi sa mạc, tại đó em sẽ không làm rầy ai, em chỉ mang theo Xerioja và con gái nhỏ thôi... Không! Mình không thể tha thứ cho em được! Em biết, người ta không thể tha thứ chuyện ấy được! Không, không mình đi đi, mình hoàn hảo quá! - nàng cầm tay chồng trong bàn tay nóng bỏng, còn tay kia thì đẩy ông ta ra.
Nỗi bối rối của Alecxei Alecxandrovitr cứ tăng mãi và cuối cùng lên đến mức ông thôi không tự đấu tranh nữa; ông bỗng cảm thấy điều ông tưởng là bối rối, trái lại, chính là một tâm trạng đầy diễm phúc, nó đột nhiên mang đến một niềm sung sướng mới lạ ông chưa từng thấy bao giờ. Ông không hề nghĩ luật lệ đạo Gia tô mà suốt đời ông không muốn theo, đã ra lệnh cho ông phải tha thứ và yêu kẻ thù địch; nhưng một tình cảm yêu thương và khoan dung xán lạn tràn ngập tâm hồn ông. Ông quỳ xuống cạnh giường, áp đầu vào chỗ khoeo tay Anna, cảm thấy cơn sốt hầm hập qua lần áo ngủ và nức nở như một đứa con nít. Nàng đưa tay ôm cái đầu hói của chồng, ghé lại gần và ngước mắt lên với một vẻ tự hào khiêu khích.
- Nhà tôi đây, tôi biết mà! Bây giờ thì vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt...
Họ trở lại, tại sao họ lại không đi hẳn đi?... Cởi những cái áo lông này cho tôi!
Bác sĩ gỡ tay nàng ra, nhẹ nhàng đặt lên gối và đắp chăn kín vai nàng. Nàng ngoan ngoãn nằm ngửa và giương đôi mắt long lanh nhìn trân trân về phía trước.
- Mình nhớ rằng em chỉ cần mình tha thứ thôi, em chẳng ước ao gì khác nữa. .. Tại sao anh ta không lại đây? - nàng nói tiếp và quay về phía cả căn buồng Vronxki đang ngồi. - Lại đây anh, lại đây! Đưa tay cho nhà tôi!
Vronxki đến tận chân giường và khi thấy Anna, chàng lại lấy tay che mặt.
- Buông tay ra anh, hãy nhìn nhà tôi đây. Đó là một vị thánh, - nàng nói. - Buông tay che mặt ra nào! - nàng nói tiếp, giọng bực tức. - Alecxei Alecxandrovitr, mình gỡ tay anh ta ra. Em muốn nhìn anh ta.
Alecxei Alecxandrovitr cầm lấy tay Vronxki và nhấc ra khỏi bộ mặt biến sắc vì đau đớn và tủi nhục.
- Mình đưa tay cho anh ta. Hãy tha thứ cho anh ấy.
Alecxei Alecxandrovitr chìa tay cho chàng, để mặc cho những giọt lệ từ khóe mắt lăn xuống.
- Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa! - nàng nói. - Bây giờ, mọi sự đã sẵn sàng. Tôi chỉ còn phải duỗi chân ra một chút. Đây này, thế, tốt lắm.
Những bông hoa kia vẽ thật chẳng nhã tí nào, chẳng giống hao viôlet tí nào, - nàng vừa nói vừa chỉ những màn cửa. - Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi! Bao giờ cho nó xong đi! Tiêm moócphin cho tôi đi, bác sĩ! Tiêm moócphin cho tôi đi nào. Ôi! Lạy Chúa tôi, lạy chúa tôi!
Và nàng bắt đầu quằn quại trên giường.
Các thầy thuốc đã chẩn đoán là bệnh sốt sản hậu mà trăm người mắc họa may mới có một người thoát khỏi. Cả ngày hôm đó, nàng mê man bất tỉnh. Đến nửa đêm, bệnh nhân nằm sóng sượt gần như mất hết tri giác, mạch đập rất yếu, gần như không thấy.
Người ta đợi lúc lâm chung từng phút.
Vronxki trở về nhà nhưng sáng sau lại đến nghe ngóng tin tức.
Alecxei Alecxandrovitr ra đón chàng ở phòng chờ và bảo: "Ông hãy ở lại, có thể nhà tôi sẽ hỏi ông đấy" và ông thân hành dẫn chàng vào phòng riêng Anna. Buổi sáng, nàng lại bắt đầu bị khích động, nói huyên thuyên hết chuyện này sang chuyện nọ, rồi lại thiếp đi bất tỉnh. Ngày hôm sau nữa, cũng như thế và các thầy thuốc bảo là có chút hy vọng.
Hôm đó, Alecxei Alecxandrovitr đến phòng riêng Anna lúc Vronxki đang ở đấy và sau khi khóa trái cửa, ông ngồi xuống trước mặt chàng.
- Alecxei Alecxandrovitr, - Vronxki nói, cảm thấy sắp đến lúc phải phân giải sự tình, - tôi đang ở tình trạng không nói gì được, không hiểu gì được. Xin ông miễn cho tôi! Dù ông đau khổ đến đâu, xin ông tin rằng, đối với tôi, còn khủng khiếp hơn nữa kia.
Chàng định đứng dậy. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr nắm lấy cánh tay chàng nói:
- Xin ông hãy nghe tôi nói cho hết đã, đó là điều cần thiết. Tôi phải cắt nghĩa cho ông rõ những tình cảm đã dẫn dắt tôi cho đến nay và sẽ quyết định thái độ đối xử của tôi sau này, để ông khỏi hiểu lầm tôi.
Ông biết rằng tôi đã quyết định ly dị và thậm chí tôi đã tiến hành những thủ tục bước đầu. Tôi không giấu ông là khi đi vào con đường ấy, tôi đã do dự, tôi đã đau khổ; xin thú thật với ông, tôi đã bị ám ảnh bởi mong muốn trả thù nàng và trả thù ông. Khi nhận được điện, tôi đã tới đây, vẫn với tình cảm ấy. Hơn thế nữa: tôi mong nàng chết.
Nhưng... - ông ta im lặng, do dự không muốn phơi bày hết ý nghĩ với Vronxki. - Nhưng tôi đã gặp lại nàng, tôi đã tha thứ cho nàng, và niềm hạnh phúc trong sự khoan dung vạch cho tôi thấy bổn phận mình. Tôi đã tha thứ cho nàng không chút dè dặt. Tôi muốn chìa má bên kia, cho nốt chiếc sơ mi khi người ta lấy mất áo choàng của tôi. Tôi chỉ cầu Chúa để Người đừng tước đi của tôi cái hạnh phúc nằm trong sự khoan dung.
Ông rơm rớm nước mắt và cái nhìn rạng rỡ, bình thản của ông làm Vronxki sững sờ.
- Hoàn cảnh của tôi là thế đó. Ông có thể giày xéo tôi xuống bùn, biến tôi thành trò cười cho thiên hạ, tôi cũng sẽ không bỏ nàng và không trách ông lời nào, - Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp. - Bổn phận tôi đã được vạch ra rõ ràng: tôi phải ở lại với nàng. Nếu nàng muốn gặp ông, tôi sẽ cho người báo, nhưng tôi nghĩ, giờ đây, tốt hơn hết là ông nên lánh xa đi.
Ông đứng dậy và tiếng nức nở ngắt lời ông, Vronxki cũng đứng dậy nhưng không dướn thẳng người lên mà hơi lom khom, chàng ngước nhìn ông: chàng không hiểu nổi những tình cảm của Alecxei Alecxandrovitr. Nhưng chàng cảm thấy trong đó có cái gì cao thượng, không thể dung hòa với nhân sinh quan của mình.
Chú thích:
1. Thành ngữ La tinh có nghĩa là: "Thần Jupite định hại ai thì trước hết làm kẻ đó mất trí". Thường áp dụng vào trường hợp những cá nhân hoặc chính phủ do hành động lầm lẫn, thiếu chín chắn mà làm hỏng việc lớn. Cả câu là: "Quos vult perdere jupiter dementat prius" khi dùng người ta thường bỏ chữ prius đi.
2. Prestige (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 4
Chương 18
Sau cuộc nói chuyện với Alecxei Alecxandrovitr, Vronxki bước ra thềm nhà Carenin và dừng lại, bần thần không nhớ mình đang ở đâu và phải đi đâu. Chàng cảm thấy hèn hạ đi, tủi nhục, tội lỗi và mất hết khả năng rửa nhục. Chàng cảm thấy bị hắt ra khỏi vết xe cũ xưa nay chàng vẫn đi theo một cách rất thoải mái và tự hào. Tất cả những tập quán, quy tắc của đời chàng trước đây có vẻ vững vàng đến thế, đột nhiên, lộ rõ là giả tạo và không áp dụng được. Cái ông chồng mọc sừng trước nay vẫn có vẻ thảm hại ấy - một trở ngại nhất thời và khá tức cười đối với hạnh phúc của chàng - bỗng nhiên được nàng nâng lên một tầm cao cả đáng tôn kính và trên đài cao đó, ông ta không hề tỏ ra thù vặt, giả dối hay lố bịch, mà trái lại rất tốt, giản dị và đại lượng. Vronxki không thể không cảm thấy điều đó. Các vai trò đột ngột thay đổi. Vronxki cảm thấy giá trị của Carenin được nâng cao và của bản thân bị hạ thấp, cảm thấy sự thẳng thắn của Carenin và sự hèn hạ của chính mình. Chàng cảm thấy người chồng đó thật cao cả trong bất hạnh, còn bản thân chàng thì ti tiện và xấu xa. Nhưng ý thức về sự hèn hạ của mình trước mặt con người mà trước đây chàng khinh miệt một cách bất công, chỉ là phần nhỏ bé nhất trong nỗi đau của chàng. Giờ đây chàng vô cùng khổ sở vì mối tình say đắm đối với Anna, trong thời gian gần đây, tưởng đã nguội lạnh, lúc này thì biết mình đã vĩnh viễn mất nàng, lại trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Chàng gặp nàng suốt thời gian nàng mắc bệnh, khám phá ra tâm hồn nàng và thấy hình như mình chưa từng yêu nàng bao giờ. Và giờ đây khi đã hiểu rõ nàng, khi đã yêu nàng đúng như cần phải yêu, chàng lại bị làm nhục trước mắt nàng và mất nàng mãi mãi, chỉ để lại cho nàng một kỷ niệm đáng xấu hổ. Chàng kinh hãi nhớ lại cái tình thế lố bịch và hèn hạ khi Alecxei Alecxandrovitr gạt đôi bàn tay che giấu bộ mặt tủi nhục của chàng. Chàng cứ đứng chôn chân trên thềm của Carenin, lơ láo và không biết làm gì nữa.
- Tôi có cần gọi xe không ạ? - người gác cửa hỏi chàng.
- Ừ, phải đấy.
Trở về nhà sau ba đêm không ngủ, Vronxki cứ để nguyên quần áo, nằm sấp xuống đi văng và gối đầu lên đôi cánh tay khoanh lại. Đầu chàng nặng trịch. Những cảnh mường tượng, những kỷ niệm và ý nghĩ kỳ dị nhất nối tiếp nhau hiện lên rõ nét và nhanh lạ lùng: lúc thì chàng đang rót liều thuốc vào thìa cho bệnh nhân, trào cả ra ngoài, khi là đôi bàn tay trắng muốt của bà hộ sinh, hoặc tư thế kỳ cục của Alecxei Alecxandrovitr trên sàn, cạnh giường.
"Ngủ! Quên đi!", chàng tự nhủ với cái tự tin bình thản của một người khỏe mạnh những tưởng mình sẽ thiếp đi ngay vì đang mệt và buồn ngủ. Thực vậy, tất cả lập tức rối bung trong trí óc và chàng đắm mình vào vực thẳm quên lãng. Những đợt sóng của trạng thái vô thức sắp sửa khép lại trên đầu, thì bỗng nhiên, chàng thấy như bị một luồng điện giật rất mạnh. Chàng rùng mình mạnh đến nỗi toàn thân nảy bật trên nệm lò xo đi văng và chàng chống tay ngồi dậy, rồi đột nhiên quỳ xuống với một cảm giác hãi hùng. Mắt chàng mỏ to như chưa từng ngủ bao giờ. Cảm giác nặng đầu, mệt mỏi ở chân tay biến mất.
"Ông có thể giày xéo tôi xuống bùn", chàng nghe thấy và trông thấy Alecxei Alecxandrovitr đứng trước mặt; chàng cũng thấy bộ mặt nóng hừng hực, đỏ bừng của Anna, cùng đôi mắt long lanh đăm đăm nhìn âu yếm và yêu thương, không phải hướng về chàng mà hướng về Alecxei Alecxandrovitr; chàng tưởng như thấy cả vẻ mặt ngây ngô và kệch cỡm của chính mình khi Alecxei Alecxandrovitr kéo tay chàng ra. Chàng duỗi chân, lại gieo mình xuống đi văng trong tư thế lúc trước và nhắm mắt lại.
"Ngủ đi! Ngủ đi!", chàng thầm nhắc. Nhưng nhắm mắt lại, chàng càng thấy rõ hơn bộ mặt Anna trong buổi chiều đua ngựa không thể quên.
- Thế là hết, nàng muốn xoá chuyện đó khỏi ký ức. Nhưng mình, mình không thể sống thiếu nó được. Làm thế nào làm lành với nhau được? Làm thế nào làm lành với nhau được? - chàng nói to, và bất giác nhắc lại những tiếng đó. Sự lặp lại vẫn những tiếng đó giúp cho những hình ảnh và kỷ niệm mới hình thành và chàng cảm thấy chúng chen chúc trong đầu mình. Nhưng cũng chẳng được lâu.
Những giờ phút đẹp đẽ nhất của cuộc tình duyên và nỗi nhục mới đây lại bắt đầu nối tiếp nhau tái hiện nhanh lạ lùng. "Buông tay ra anh", tiếng Anna nói. Chàng cất tay và thấy rõ vẻ mặt hổ thẹn và đần độn của mình.
Chàng vẫn nằm yên, cố ngủ, mặc dầu thấy không còn hy vọng nhỏ nào và chàng tiếp tục nhắc lại khe khẽ những tiếng vu vơ, hòng ngăn không cho những hình ảnh mới xuất hiện. Chàng lắng tai... và bất chợt thấy một tiếng thầm thì kỳ lạ, thảng thốt. "Mày không biết đánh giá cho đúng, mày đã không biết lợi dụng; mày không biết đánh giá cho đúng, mày đã không biết lợi dụng..." "Cái gì đấy nhỉ? Dễ thường mình hóa dại rồi chắc? chàng tự bảo.
Có lẽ. Tại sao người ta hóa điên và tại sao người ta lại tự tử nhỉ?", chàng tự trả lời câu hỏi của mình và mở mắt ra, chàng ngạc nhiên thấy cạnh đầu có chiếc gối do bà chị dâu Varya thêu. Chàng sờ những tua gối, cố nhớ lại bà chị dâu đúng như lần gặp vừa đây. Nhưng nghĩ đến bất cứ cái gì xa lạ với điều chàng đang băn khoăn, quả là một cực hình. "Không, phải ngủ đi mới được!". Chàng kéo gối lại và áp đầu vào, nhưng phải rất cố gắng mới nhắm mắt lại được. Chàng giật thót người và ngồi dậy. "Đối với mình thế là hết cả rồi, chàng thầm nghĩ.
Bây giờ cần nghĩ đến những cái sắp phải làm. Mình còn gì nữa nhỉ?".
Chàng điểm nhanh lại đời mình, không kể đến mối tình với Anna.
"Tham vọng? Xerpukhovxkoe? Giới thượng lưu xã hội? Triều đình?". Chàng không thể dừng lại ở điểm nào. Tất cả cái đó trước kia đều có nghĩa, nhưng giờ đây rỗng tuếch. Chàng đứng dậy, cởi áo khoác, tháo thắt lưng, phanh trần bộ ngực lông lá để thở hít thoải mái hơn và đi bách bộ qua phòng. "Chính vì thế mà người ta hóa điên, chàng nhắc lại, và chính vì thế mà người ta tự tử... để thoát khỏi nhục nhã", chàng chậm rãi nghĩ tiếp.
Chàng bước lại gần cửa và đóng lại; rồi, mắt trân trân và quai hàm nghiến chặt, chàng đến bên bàn, cầm lấy khẩu súng lục, ngắm nghía và bắt đầu suy nghĩ. Cứ thế chàng đứng yên không động đậy, đầu cúi gằm, vẻ mặt đăm chiêu, khẩu súng trong tay. "Tất nhiên", chàng tự nhủ, tựa hồ sau một hồi lâu, sự diễn biến tư tưởng lô gích và rõ ràng đã dẫn đến một kết luận khắt khe. Thực ra, tiếng "tất nhiên" đầy sức thuyết phục kia chỉ là kết thúc cái vòng luẩn quẩn muôn thuở của những hình ảnh và kỷ niệm mà chàng điểm đi điểm lại hàng chục lượt suốt một tiếng đồng hồ vừa qua. Đó vẫn chỉ là kỷ niệm về hạnh phúc đã vĩnh viễn mất hẳn, chỉ là mường tượng về cái phi lý của mọi tương lai, chỉ là ý thức về nỗi nhục của mình. Và trình tự những hình ảnh và tình cảm đó vẫn không thay đổi.
"Tất nhiên", chàng nhắc lại khi tâm trí chàng, lần thứ ba, lại lao vào vòng tròn ma quái của những tư tưởng và kỷ niệm đó. Chàng tì miệng súng vào sườn trái, xiết mạnh tay và bóp cò. Chàng không nghe thấy tiếng nổ nhưng một đòn rất mạnh đánh vào ngực quật chàng ngã xuống đất. Chàng định bíu lấy mép bàn, đánh rơi khẩu súng, loạng choạng và ngồi xuống đất, đưa mắt nhìn quanh, vẻ kinh ngạc. Chàng không nhận ra phòng mình nữa khi nhìn từ dưới lên thấy những chân bàn cong cong, cái sọt đựng giấy và tấm da hổ.
Tiếng chân thoăn thoắt của gã hầu phòng chạy qua phòng khách tới, với tiếng giày cót két, buộc chàng định thần lại. Chàng cố định thần và hiểu ra là mình đang ở trên sàn; trông thấy máu trên tấm da hổ và trên tay mình, chàng hiểu mình đã tự bắn vào người.
"Thật ngu xuẩn! Mình bắn trượt rồi", chàng vừa nói vừa sờ soạng tìm lại khẩu súng. Khẩu súng ở ngay bên cạnh... nhưng chàng lại tìm xa hơn. Trong khi tiếp tục tìm, chàng mất thăng bằng và ngã vật sang một bên, máu trào ra.
Gã hầu phòng, một thanh niên hợp thời trang để râu má, vẫn thường hay phàn nàn với bạn bè về chứng yếu thần kinh của mình, trông thấy chủ nằm sóng soài trên mặt đất, khiếp đảm đến nỗi cứ để mặc chàng đấy cho máu chảy và chạy đi kêu cứu. Khoảng một giờ sau, Varya, chị dâu Vronxki tới, rồi với sự giúp sức của ba ông thầy thuốc bà đã cho gọi từ ba đầu thành phố và đã đến cùng một lúc, bà đặt người bị thương lên giường. Bà ở lại trông nom chàng.
Quyển 4  
Chương 19
Alecxei Alecxandrovitr đã phạm sai lầm khi chuẩn bị gặp lại vợ:
ông không dự kiến trước là sự ăn năn thành thật của nàng có thể khiến ông phải tha thứ và sau đó nàng có thể sống sót. Hai tháng sau, khi trở về Moxcva, sai lầm đó hiện ra trước mắt ông với tất cả tầm nghiêm trọng của nó. Vậy mà, sai lầm này không phải chỉ do ông không tính đến trường hợp ngẫu nhiên kia, mà còn vì, cho đến trước khi về gặp vợ đang hấp hối, ông vẫn chưa hiểu rõ lòng mình. ở đầu giường vợ đang lâm bệnh, lần đầu tiên trong đời, ông tự buông trôi theo cái mối thương cảm mà những đau đớn của kẻ khác thường gây cho ông và cho tới nay, ông vẫn chống lại, coi như một nhược điểm có hại; lòng thương xót Anna, sự hối hận vì đã cầu cho nàng chết và nhất là chính niềm vui trong sự khoan dung, không những xoa dịu đau khổ, mà còn khiến tâm hồn ông tràn ngập một nỗi thanh thản chưa từng cảm thấy bao giờ. Đột nhiên ông thấy chính cái điều đã gây ra đau khổ lại trở thành nguồn gốc của niềm vui tinh thần; cái điều tưởng như không thể giải quyết được, khi ông chê trách, kết án và căm thù, giờ đây lại trở nên đơn giản và sáng sủa khi ông yêu thương và tha thứ.
Ông tha thứ cho vợ và thương hại cho những đau khổ cùng ăn năn của nàng. Ông tha thứ và thương hại Vronxki, nhất là từ khi nghe kể lại hành động tuyệt vọng của chàng. Ông càng thương con trai hơn trước. Bây giờ ông tự trách mình đã không chăm sóc nó. Đối với con bé mới đẻ, ông có một tình cảm đặc biệt, không phải chỉ do thương hại mà còn pha lẫn âu yếm nữa. Thoạt đầu hoàn toàn chỉ vì thương hại mà ông chăm sóc cái sinh vật nhỏ nhoi yếu ớt không phải là con ông, nó bị bỏ bẵng từ khi mẹ ốm và chắc chắn sẽ chết nếu không ai trông nom đến... và rồi ông gắn bó với nó lúc nào không biết. Mỗi ngày vài lần, ông đến buồng trẻ và ở lại một lúc lâu. Vú nuôi và bảo mẫu mới đầu còn rụt rè, nay bắt đầu quen với ông. Đôi khi, ông đứng hàng giờ liền chẳng nói chẳng rằng, ngắm khuôn mặt bé tí, nhăn nheo, có lông tơ và đỏ kệch màu nghệ của đứa bé, vầng trán nhăn nhúm và nhìn nó dụi mắt, dụi mũi bằng bàn tay xinh xẻo bụ bẫm ngón quắp lại. Những lúc ấy, Alecxei Alecxandrovitr cảm thấy hoàn toàn thư thái, bằng lòng mình và thấy hoàn cảnh mình chẳng có gì khác thường, chẳng có gì cần thay đổi.
Khi sự xúc động do cái chết kề bên gây ra cho Anna qua đi, Alecxei Alecxandrovitr nhận thấy nàng sợ ông, chịu đựng sự hiện diện của ông một cách chật vật và không dám nhìn thẳng vào mặt ông. Hình như nàng muốn nói điều gì mà chưa dám nói, và cũng như mọi người, linh cảm thấy quan hệ của họ không thể kéo dài, nàng chờ đợi ở ông một cái gì.
Cuối tháng hai, đứa con gái của Anna, cũng tên là Anna, mắc bệnh, Alecxei Alecxandrovitr ở cả buổi sáng trong phòng trẻ, và sau khi sai mời thầy thuốc, ông đến Bộ. Làm xong việc, ông về nhà lúc bốn giờ. Khi bước vào phòng chờ, ông thấy một tên hầu dáng dấp đường bệ, mặc quần áo dấu có lon và áo choàng da gấu, tay cầm một chiếc măng tô tròn lót da thú trắng.
- Ai ở trong ấy đấy? - Alecxei Alecxandrovitr hỏi.
- Quận công Elizavêta Fedorovna Tverxcaia ạ, - hắn đáp và Alecxei Alecxandrovitr thấy hình như gã mỉm cười.
Trong suốt thời kỳ nặng nề này, Alecxei Alecxandrovitr nhận thấy người quen trong giới thượng lưu, nhất là các bà, đều tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vợ chồng ông. Ông phát hiện ra ở tất cả bọn họ một nỗi vui gần như công khai, giống như nỗi vui ông bắt gặp trong mắt viên luật sư và giờ đây, ông lại thấy trong mắt tên hầu. Tất cả đều mừng rỡ như họ đang kết hôn cho ai vậy. Khi gặp ông họ thường chào hỏi với một vẻ khoái hoạt khá lộ liễu.
Ông thấy khó chịu về sự có mặt của quận chúa Tverxcaia do những kỷ niệm dính líu tới bà ta và vì, nói chung, ông không ưa bà ta, cho nên Alecxei Alecxandrovitr sang thẳng buồng trẻ. Trong gian thứ nhất, Xerioja nằm xoài trên bàn, chân gác lên ghế, đang vẽ và nói chuyện vui vẻ. Cô gia sư người Anh thay thế cô người Pháp trong khi Anna ốm, đang ngồi đan áo cạnh thằng bé. Cô ta đứng phắt dậy, cúi chào và xốc Xerioja đứng lên.
Alecxei Alecxandrovitr vuốt tóc con, trả lời cô gia sư hỏi thăm sức khỏe vợ ông và hỏi cô ta xem bác sĩ nói gì về đứa bé 1.
- Thưa ông, bác sĩ bảo không đáng ngại và dặn phải cho tắm.
- Nhưng nó còn ốm kia mà, - Alecxei Alecxandrovitr nói và lắng nghe tiếng đứa bé khóc trong gian bên.
- Thưa ông, tôi cho rằng chị vú không hợp, - cô gia sư người Anh nói, giọng cả quyết.
- Tại sao cô nghĩ thế? - ông dừng lại hỏi.
- Thưa ông, tôi đã thấy như thế ở nhà nữ bá tước Pôn. Người ta điều trị cho đứa bé và phát hiện ra nó chỉ đói thôi: chị vú không có sữa.
Alecxei Alecxandrovitr suy nghĩ và đứng lại vài giây rồi bước sang gian bên. Con bé, co quắp trong tay chị vú, đầu ngật ra sau, không chịu ngậm bầu vú nây nẩy chìa ra và không ngừng khóc thét lên mặc dầu cả u già lẫn chị vú đang ngồi xuống, góp sức cố dỗ nó.
- Nó không đỡ ư? - Alecxei Alecxandrovitr hỏi.
- Em quấy lắm, - u già khẽ nói.
- Cô Etuớt bảo có lẽ vú em thiếu sữa, - ông nói.
- Thưa ông Alecxei Alecxandrovitr, tôi cũng cho là thế.
- Tại sao u không nói từ trước?
- Nói với ai kia chứ? Anna Arcadievna vẫn còn ốm, - u già đáp, giọng bất mãn.
Người đàn bà này đã làm cho họ từ lâu. Trong câu nói bình thường, Alecxei Alecxandrovitr tưởng như có ám chỉ đến hoàn cảnh mình.
Đứa bé càng khóc già, giãy giụa và khản tiếng dần. U già khoát tay chán nản, lại gần vú em, bế đứa bé và vừa đi vừa ru.
- Phải nói với bác sĩ xem cho vú em mới được, - Alecxei Alecxandrovitr nói.
Vú em - một phụ nữ bề ngoài khỏe mạnh, quần áo tươm tất - sợ mất chỗ làm, lẩm bẩm một mình và kéo áo che bộ ngực đồ sộ, mỉm cười khinh bỉ những kẻ dám nghi ngờ khả năng mình. Trong nụ cười đó, Alecxei Alecxandrovitr cũng tưởng như có ý mỉa mai.
- Tội nghiệp con bé! - u già nói, cố dỗ đứa bé nín và tiếp tục đi đi lại lại.
Alecxei Alecxandrovitr vẻ mặt đau khổ và ủ rũ ngồi xuống một chiếc ghế tựa, nhìn u già đi lui đi tới.
Cuối cùng, khi đứa bé đã nín, được đặt vào nôi và vú em sửa xong gối đã đi ra, Alecxei Alecxandrovitr đứng dậy và vụng về rón chân bước lại gần chiếc giường nhỏ. Trong khoảng một phút, ông chẳng nói chẳng rằng, ngắm đứa bé, vẫn với vẻ mặt lo âu; nhưng đột nhiên, một nụ cười làm trán ông hết nhăn và ông lặng lẽ ra khỏi phòng.
Trong phòng ăn, ông rung chuông gọi và sai gã đầy tớ vừa bước vào đi tìm thầy thuốc lần nữa. Ông giận vợ đã không quan tâm đến đứa bé đáng yêu và tâm trạng ấy khiến ông chẳng muốn đến buồng nàng và gặp quận chúa Betxi làm gì nữa; nhưng e rằng vợ có thể ngạc nhiên vì không thấy ông đến buồng mình như thường lệ, ông cố tự chủ và đi về phía phòng ngủ. Đang bước trên tấm thảm êm lại gần cửa phòng, bất giác ông bất chợt thấy câu chuyện mà ông không định nghe.
- Nếu chú ấy không đi mà chị và ông ta cự tuyệt thì tôi còn hiểu được. Nhưng chồng chị hẳn cao thượng hơn thế, - Betxi nói.
- Vấn đề không phải ở nhà tôi mà là ở tôi kia. Chị đừng nói chuyện đó với tôi nữa, - tiếng Anna xúc động trả lời.
- Vâng thì thôi, nhưng lẽ nào chị lại từ chối không chia tay với con người đã tự bắn vào mình vì chị...
- Chính vì thế mà tôi không muốn.
Alecxei Alecxandrovitr dừng lại, vẻ mặt sợ hãi và phạm lỗi, định quay gót không để ai biết. Nhưng ông nghĩ như thế là không xứng đáng và lại tiếp tục đi về phía phòng ngủ, vừa đi vừa ho. Tiếng nói chuyện im bặt và ông bước vào.
Anna ngồi trên ghế nằm, mặc áo ngủ màu xám, bộ tóc đen dày ngắn mới mọc lại như bàn chải trên mái đầu tròn. Như mọi lần trông thấy chồng, vẻ linh hoạt trên mặt nàng vụt biến mất; nàng cúi đầu và đưa mắt nhìn Betxi lo lắng. Betxi diện theo thời trang mới nhất, đội một chiếc mũ nhỏ chót vót trên đỉnh đầu như cái chụp úp trên ngọn đèn và mặc áo dài xanh xám kẻ chéo phía trước nịt ngực và sau váy.
Bà ngồi cạnh Anna, dướn rất thẳng cái thân trên dài dẹt, mỉm cười giễu cợt và gật đầu chào Alecxei Alecxandrovitr.
- A! - bà nói làm ra vẻ ngạc nhiên. - Tôi rất mừng được gặp ông ở nhà. Ông chẳng đi đến đâu nữa cả; từ khi Anna ốm, tôi chưa được gặp ông. Nhưng tôi biết tất cả sự chăm sóc ân cần của ông đối với bà nhà.
Ông thật là một người chồng tuyệt vời! - bà nói với một vẻ dịu dàng và trịnh trọng như ban thưởng cho ông một tấm huân chương cao thượng về thái độ cư xử với vợ.
Alecxei Alecxandrovitr lạnh lùng cúi chào và sau khi hôn tay vợ, ông hỏi thăm tình hình sức khỏe nàng.
- Em thấy trong người hình như có khỏe hơn! - nàng trả lời, tránh cái nhìn của chồng.
- Tuy nhiên, trông mình vẫn có vẻ sốt, - ông nói, nhấn mạnh vào chữ "sốt".
- Chúng tôi trò chuyện đã quá lâu, - Betxi nói. - Tôi thấy như thế là mình ích kỷ, tôi xin rút lui đây.
Nói rồi đứng dậy, nhưng Anna bỗng đỏ mặt và vội nắm lấy tay bà.
- Không, xin chị hãy ở lại. Tôi cần nói với chị... không, đúng hơn là với mình, - nàng quay về phía Alecxei Alecxandrovitr nói và cả cổ lẫn trán nàng đều đỏ ửng lên. - Em không thể và không muốn có điều gì giấu giếm mình, - nàng nói thêm.
Alecxei Alecxandrovitr bẻ khục ngón tay và cúi đầu.
- Betxi nói với em rằng bá tước Vronxki muốn đến nhà ta để từ biệt em trước khi đi Tasken, - nàng không nhìn chồng và rõ ràng muốn nói cho chóng xong, vì điều đó thật khổ tâm cho nàng hết sức. - Em đã nói em không thể tiếp ông ta được.
- Xin lỗi, chị thân mến, chị vừa trả lời là điều đó còn tuỳ thuộc Alecxei Alecxandrovitr, - Betxi cải chính.
- Phải, nhưng tôi không thể tiếp ông ta được và điều đó cũng không ích... - Nàng bỗng dừng bặt và đăm đăm nhìn chồng, vẻ dò hỏi (ông không nhìn nàng). - Tóm lại, tôi không muốn...
Alecxei Alecxandrovitr tiến lên một bước và định nắm tay nàng.
Cử chỉ đầu tiên của Anna là muốn tránh cái bàn tay ướt nhâm nhấp nổi gân xanh đang tìm tay nàng; nhưng rõ ràng nàng đã gắng tự chủ và nắm lấy tay ông ta.
- Tôi rất cảm ơn mình đã tin cẩn tôi, nhưng... - ông bối rối nói và bực bội cảm thấy rằng cái điều mà nếu chỉ có một mình, ông sẽ giải quyết rất dễ dàng, nhưng lại không thể suy xét cho ra nhẽ trước mặt quận chúa Tverxcaia, hiện thân của cái sức mạnh thô bạo vẫn chi phối đời ông trước mắt thế gian và ngăn không cho ông mặc sức yêu thương và tha thứ. Ông ngừng lại, mắt đăm đăm nhìn quận chúa Tverxcaia.
- Thôi, từ biệt thiên thần của tôi! - Betxi đứng dậy nói. Bà hôn Anna và đi ra. Alecxei Alecxandrovitr tiễn bà ta.
- Alecxei Alecxandrovitr, tôi coi ông là một người rất đại lượng, - Betxi nói, dừng lại trong phòng khách nhỏ và bắt tay ông lần nữa đặc biệt cương quyết. - Tôi... hoàn toàn ở ngoài cuộc, nhưng tôi mến Anna lắm và rất mực trọng ông, nên tôi đánh bạo khuyên ông một lần. Ông hãy tiếp chú ấy, Alecxei Vronxki chính là hiện thân của danh dự và chú ấy sắp đi Tasken.
- Thưa quận chúa, tôi xin cảm ơn về mối thiện cảm và lời khuyên của bà. Nhưng tiếp hay không tiếp ai, chỉ có nhà tôi mới có quyền quyết định.
Ông vừa nói vừa dướn lông mày lên một cách trịnh trọng, theo thói quen, và lập tức nghĩ ngay là dù ông có nói thế nào, cũng không thể lên mặt trịnh trọng trong tình thế hiện tại của mình. Ông đọc thấy điều đó trong nụ cười cố nén, đầy vẻ mỉa mai sâu cay kèm theo cái nhìn của Betxi sau câu ông nói.
Chú thích:
1. Baby (tiếng Anh trong nguyên bản).
Quyển 4
Chương 20
Alecxei Alecxandrovitr chào Betxi trong phòng khách lớn và quay về buồng vợ. Nàng đang nằm nhưng nghe tiếng chân chồng, vội ngồi dậy, theo dáng ngồi lúc trước và sợ hãi nhìn ông. Ông thấy rõ là nàng vừa khóc.
- Tôi rất cảm ơn mình đã tin tôi, - ông dịu dàng nhắc lại bằng tiếng Nga (trước mặt Betxi ông nói câu này bằng tiếng Pháp) và ngồi xuống cạnh nàng. Mỗi lần ông dùng tiếng Nga gọi nàng bằng "mình", cách xưng hô đó thường khiến Anna rất khó chịu. - Và tôi cũng rất cảm ơn mình đã quyết định như vậy. Tôi cũng nghĩ bá tước Vronxki đã ra đi thì tuyệt nhiên chẳng cần phải đến đây làm gì. Vả lại...
- Thì em đã nói như thế rồi, không cần nhắc lại chuyện đó nữa! - Anna đột nhiên ngắt lời ông với vẻ bực dọc không nén nổi "Tuyệt nhiên chẳng cần! nàng nghĩ thầm. Một người đàn ông yêu một người đàn bà, toan tự tử vì nàng và không thể sống thiếu nàng được, mà lại tuyệt nhiên không cần phải đến từ biệt nàng!". Nàng mím môi và đưa cặp mắt long lanh nhìn đôi bàn tay nổi gân xanh của chồng đang chậm rãi xoa vào nhau.
- Ta đừng bao giờ nói đến chuyện đó nữa, - nàng nói thêm, bình tĩnh hơn.
- Tôi đã để mình tự ý giải quyết vấn đề đó và tôi rất sung sướng thấy rằng... - Alecxei Alecxandrovitr mào đầu.
- Rằng ý muốn của tôi phù hợp với mong muốn của mình chứ gì, - nàng vội nói nốt, bực mình vì phải nghe ông ề à mãi không hết câu, trong khi nàng biết trước tất cả những điều ông sắp nói.
- Phải, - ông tán thành. - Và quận chúa Tverxcaia cứ đi can thiệp vào những chuyện gia đình rất tế nhị như vậy, thật vô lối. Nhất là, bà ta...
- Tôi chẳng tin những điều người ta đồn đại về bà ta chút nào, - Anna nói nhanh. - Tôi biết bà ta mến tôi thật lòng.
Alecxei Alecxandrovitr thở dài và lặng thinh. Nàng bực bội vân vê cụm tua áo ngủ, thỉnh thoảng lại nhìn ông với một cảm giác ghê tởm về thể xác không sao chịu nổi mà nàng thấy là đáng trách nhưng không dẹp đi được. Nàng chỉ còn một mong muốn duy nhất: thoát khỏi sự có mặt bỉ ổi của ông ta.
- Tôi đã cho mời thầy thuốc, - Alecxei Alecxandrovitr nói.
- Tại sao? Tôi có ốm đâu.
- Nhưng con bé cứ quấy hoài và người ta bảo vú em không đủ sữa.
- Tại sao tôi đã van mình mà mình vẫn không để tôi cho nó bú?
Dù sao (Alecxei Alecxandrovitr hiểu rõ chữ "dù sao" đó nghĩa là thế nào), đó cũng là một đứa trẻ và khéo người ta làm nó chết mất. - Nàng rung chuông và sai người mang con bé lại. - Tôi xin người ta để tôi cho nó bú, người ta cấm đoán tôi, và bây giờ người ta lại trách móc tôi.
- Tôi không hề trách mình gì cả.
- Có! Lạy Chúa tôi! Tại sao tôi không chết đi cho rảnh. - Và nàng oà lên nức nở. - Mình tha thứ cho tôi, tôi đang bực dọc, tôi thật không đúng, - nàng trấn tĩnh lại và nói. - Nhưng mình hãy đi ra đi...
"Không, không thể cứ kéo dài thế này mãi", Alecxei Alecxandrovitr kiên quyết tự nhủ khi rời khỏi phòng vợ.
Chưa bao giờ ông thấy hiện ra rõ như lúc này cái thế bí của ông trước mắt thế gian, sự hằn học của vợ và uy lực của cái sức mạnh phũ phàng và huyền bí, nó bất chấp mọi trạng thái nội tâm, vẫn chi phối đời ông và đòi hỏi ông phải thay đổi thái độ với vợ. Ông thấy rõ tất cả thế gian và vợ đòi hỏi ở ông một cái gì, nhưng đích xác điều chi thì ông không biết. Ông cảm thấy trong lòng dấy lên một cảm giác oán giận, nó xua tan niềm thanh thản cùng tất cả giá trị cái thành tích của ông. Ông cho rằng, đối với Anna, tốt nhất là cắt đứt liên hệ với Vronxki, nhưng nếu mọi người đều thấy không thể thế được, thì ông sẵn sàng bỏ qua sự dan díu đó lần nữa với điều kiện lũ trẻ không vì thế mà khổ lây, ông không mất chúng và hoàn cảnh ông không thay đổi. Điều đó dù đáng buồn đến đâu cũng còn hơn đoạn tuyệt, biện pháp này đặt Anna vào hoàn cảnh ô nhục không lối thoát và bản thân ông cũng mất hết những gì mình yêu. Nhưng ông cảm thấy bất lực; ông biết trước tất cả đều chống lại mình, người ta sẽ không để ông làm cái điều bây giờ ông thấy là rất giản dị và đẹp đẽ, và người ta sẽ buộc ông phải hành động xấu xa, coi đó là bổn phận phải làm.
Quyển 4
Chương 21
Betxi chưa kịp rời phòng khách thì đã chạm trán ở bậc cửa với Xtepan Arcaditr từ cửa hàng Elixêep tới, chả là hiệu này vừa nhận được sò tươi.
- A! Quận chúa! Thật là một cuộc gặp gỡ thú vị! Tôi vừa ghé qua nhà bà chị!
- Một cuộc gặp gỡ nhanh chóng, vì tôi phải đi đây, - Betxi mỉm cười nói và xỏ tay vào găng.
- Trước khi đeo găng, cho phép tôi được hôn tay bà chị đã. Trong việc trở lại lề lối cổ, không gì làm tôi vừa ý hơn là cái lệ hôn tay đàn bà, - ông hôn tay Betxi. - Bao giờ ta sẽ gặp nhau?
- Ông không xứng đáng được thế đâu, - Betxi mỉm cười trả lời.
- Trái hẳn đấy, vì bây giờ tôi trở thành con người đứng đắn nhất thế giới rồi. Không những tôi thu xếp xong chuyện gia đình mình mà cả chuyện gia đình người khác nữa kia, - ông nói với một vẻ đầy ý nghĩa.
- À! Thế thì tôi rất mừng! - Betxi đáp, hiểu ngay là ông nói về Anna. Bà ta quay lại phòng khách và kéo Oblonxki vào một góc. - Ông ta sẽ làm chị ấy chết mất, - bà khẽ nói, vẻ quan trọng. - Không thể thế được, không thể được...
- Tôi rất sung sướng thấy bà chị nghĩ vậy, - Xtepan Arcaditr lắc đầu thương hại. - Chính vì chuyện đó mà tôi đến Peterburg.
- Cả thành phố đều bàn tán chuyện ấy, - bà ta nói. - Thật là một hoàn cảnh éo le. Chị ấy cứ mòn mỏi dần. Ông ta không hiểu đó là một người đàn bà không biết đùa giỡn với tình cảm. Trong hai điều phải chọn lấy một: hoặc giả ông ta phải kiên quyết lái chị ấy theo ý mình hoặc giả ly dị quách đi. Còn như thế này thì chị ấy chết mất.
- Phải... phải... chính là như vậy... - Oblonxki thở dài nói. - Chính vì chuyện ấy mà tôi đến đây. Nghĩa là không phải chỉ đơn thuần vì chuyện đó... Người ta vừa bổ nhiệm tôi làm quan thị vệ, nên cần đến cảm ơn những vị có thẩm quyền. Nhưng điều chủ yếu là để dàn xếp việc này.
- Cầu Chúa phù hộ cho ông, - Betxi nói.
Sau khi tiễn quận chúa Betxi ra đến phòng chờ, hôn tay bà lần cuối phía trên chiếc găng, ở chỗ có mạch đập và nói năng cợt nhả đến nỗi bà ta không biết nên cười hay nên giận, Xtepan Arcaditr liền đến buồng em gái. Ông thấy nàng đang giàn giụa nước mắt.
Một cách tự nhiên như không, Xtepan Arcaditr chuyển từ thái độ vui nhộn sang giọng điệu thương cảm, xúc động một cách thơ mộng cho hợp với tâm trạng em gái hơn. Ông hỏi thăm sức khỏe em gái và sáng nay nàng ra sao.
- Rất, rất kém. Cả ngày, cả sáng nay, cả những ngày đã qua và sẽ tới, - nàng nói.
- Anh thấy hình như cô cứ buồn phiền mãi. Phải hoạt động lên, phải nhìn thẳng vào cuộc đời. Anh biết chuyện ấy thật khổ tâm, nhưng...
- Người ta bảo có những phụ nữ đã yêu ai thì yêu cả đến thói xấu của người ấy, - nàng mở đầu đột ngột. - Còn lão ta, thì em ghét cả đến cái đức hạnh của lão. Em không thể sống với lão được. Chỉ nhìn thấy lão thôi, cũng đủ lộn ruột rồi. Em không thể, không thể sống chung một nhà với lão. Em phải làm gì đây? Trước kia đã khổ sở rồi và em nghĩ không thể nào khổ sở hơn nữa, nhưng hồi đó, em không hình dung được cái tình trạng kinh khủng hiện nay em đang phải chịu đựng. Liệu anh có tin em không: trong khi biết rằng đó là một người tốt, ưu tú, rằng em chẳng bằng cái đầu móng tay ông ta, thế mà em vẫn không thể không ghét ông ấy. Chính vì ông ta cao thượng mà em ghét. Em chỉ còn cách là...
Nàng định nói: chết, nhưng Xtepan Arcaditr không để nàng nói hết.
- Cô đang ốm, và bực bội trong người đấy, - ông bảo nàng: - cô phóng đại ra thôi. Chuyện này chẳng có gì ghê gớm đâu.
Xtepan Arcaditr mỉm cười. Vào địa vị ông, đứng trước nỗi tuyệt vọng như thế, hẳn không ai dám mỉm cười (làm thế thật lỗ mãng), nhưng nụ cười của ông xiết bao đôn hậu và âu yếm (một vẻ âu yếm gần như đàn bà) đến nỗi nó không làm mếch lòng mà còn xoa dịu và khiến ta bình tâm lại. Những lời dịu dàng và vỗ về cùng nụ cười của ông tác động như liều thuốc an thần chế bằng dầu hạnh nhân. Bản thân Anna phút chốc cũng cảm thấy tác dụng của cái đó.
- Không, anh Xtiva ạ, - nàng nói. - Đời em thế là bỏ đi, bỏ đi rồi! Còn tệ hại hơn thế nữa kia. Đời em chưa đến lúc bỏ đi, em chưa thể nói là tất cả đã kết thúc; trái lại, em cảm thấy tất cả chưa kết thúc. Em như một sợi dây căng thẳng sẽ phải đứt. Nhưng chuyện này chưa kết thúc... và rồi nó sẽ kết thúc bi thảm!
- Ta có thể thả chùng sợi dây từng tí một. Không có tình thế nào mà không có lối thoát.
- Em suy nghĩ mãi rồi. Chỉ có một lối thoát...
Một lần nữa, thấy cái nhìn khiếp sợ của nàng, ông lại hiểu trong tâm trí nàng, con đường thoát duy nhất là chết và ông không để nàng nói nốt.
- Không hẳn thế cô ạ, - ông nói. - Cô không thể nhìn hoàn cảnh của cô rõ như anh đâu. Cô cho phép anh nói thật ý kiến của anh với cô nhé, - ông lại khôn khéo mỉm cười ngọt ngào. - Anh xin bắt đầu từ đầu: cô đã lấy một người hơn cô những hai mươi tuổi. Cô lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu. Ta hãy coi đó là một sai lầm.
- Một sai lầm ghê gớm! - Anna nói.
- Nhưng, anh nhắc lại điều này với cô, đó là việc đã rồi. Tiếp đó, chẳng may cho cô, có thể nói vậy, cô đi yêu một người khác. Đó là một điều bất hạnh; nhưng đó cũng là việc đã rồi. Chồng cô thừa nhận việc đó và tha thứ cho cô. - Sau mỗi câu, ông đều dừng lại xem em gái có phản đối không, nhưng nàng không trả lời gì cả. - Thế đó. Bây giờ, vấn đề là thế này: cô có thể tiếp tục chung sống với chồng không? Cô có mong thế không? Ông ta có mong thế không?
- Em chẳng biết, chẳng biết gì hết.
- Chính cô vừa nói cô không thể chịu đựng được ông ta kia mà.
- Không, em không nói thế. Em rút lui những điều vừa nói. Em không biết và không hiểu gì về chuyện ấy cả.
- Này, để anh...
- Anh không hiểu được đâu. Em cảm thấy mình đang đâm đầu xuống vực thẳm mà không có quyền và không đủ sức tự cứu mình.
- Không sao cả, ta sẽ làm chậm bớt đà rơi và sẽ đỡ được cô. - Anh hiểu cô không dám phát biểu những tình cảm, ước muốn của cô.
- Em không mong muốn, không mong muốn gì hết... trừ một điều là tất cả chuyện này kết thúc đi.
- Nhưng ông ta cũng thấy điều đó và biết thế. Cô tưởng ông ta không đau khổ bằng cô ư? Cô day dứt, ông ta cũng day dứt, như vậy rồi sẽ đi đến đâu? Chẳng gì việc ly dị cũng giải quyết được mọi chuyện, - Xtepan Arcaditr phải cố gắng mới nói ra được câu này... Đó là ý chính của ông và ông nhìn em gái, vẻ quan trọng.
Nàng không trả lời gì cả và lắc lắc cái đầu tóc ngắn, tỏ vẻ không đồng ý. Nhưng trên bộ mặt bỗng nhiên sáng ngời vẻ đẹp thuở xưa của nàng, ông thấy rõ sở dĩ nàng khước từ giải pháp đó, chỉ vì nhìn thấy ở đó một hạnh phúc không sao thực hiện được.
- Tôi thương hại các người quá! Giá thu xếp được chuyện này thì tôi sung sướng biết bao! - Xtepan Arcaditr nói, lần này thì mỉm cười mạnh dạn hơn. - Cô đừng nói gì hết! Cầu Chúa cho phép tôi nói lên điều tôi cảm thấy. Tôi đến gặp ông ta đây.
Anna chẳng nói chẳng rằng nhìn ông bằng đôi mắt long lanh và tư lự.
Quyển 4 
Chương 22
Xtepan Arcaditr bước vào căn phòng Alecxei Alecxandrovitr với bộ mặt hơi trang trọng thường có khi ngồi vào ghế chánh án ở toà án.
Alecxei Alecxandrovitr chắp tay sau lưng, đang đi lại trong phòng và nghĩ đến chính điều vừa đây là đầu đề câu chuyện giữa hai anh em Oblonxki.
- Tôi không làm phiền chú chứ? - Xtepan Arcaditr nói; vừa trông thấy em rể, đột nhiên ông đâm bối rối khác thường. Để che đậy sự lúng túng, ông móc túi lấy cái hộp đựng thuốc lá có kiểu nắp đặc biệt vừa mới mua và sau khi ngửi mùi, rút một điếu.
- Không. Anh cần việc gì chăng? - Xtepan Arcaditr miễn cưỡng trả lời.
- Phải, tôi muốn... tôi cần... tôi cần nói chuyện với chú, - Xtepan Arcaditr nói và ngạc nhiên thấy mình đâm rụt rè, một điều chưa từng xẩy đến với ông.
Cảm giác đó thật đột ngột và kỳ lạ đến nỗi Xtepan Arcaditr không nhận ra đó là tiếng nói lương tâm báo cho biết điều ông định làm là xấu xa. Xtepan Arcaditr gắng tự chủ và dẹp được nỗi rụt rè.
- Tôi mong chú không nghi ngờ gì về lòng tôi yêu mến em gái cũng như lòng ái mộ chân thành và trân trọng của tôi đối với chú, - ông đỏ mặt nói.
Alecxei Alecxandrovitr dừng lại và không trả lời, nhưng cái vẻ mặt nạn nhân cam phận của ông khiến Xtepan Arcaditr ngạc nhiên.
- Tôi muốn nói với chú về chuyện em gái tôi và về hoàn cảnh cả hai vợ chồng chú, - Xtepan Arcaditr nói, vẫn chưa lấy lại được tự tin.
Alecxei Alecxandrovitr mỉm cười rầu rĩ, nhìn anh vợ, và không trả lời, đến gần bàn giấy cầm bức thư mới bắt đầu viết và chìa cho Xtepan Arcaditr xem.
- Không lúc nào tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Đây là những điều tôi mới bắt đầu viết vì tôi nghĩ có thể phát biểu đầy đủ hơn trong thư và sự có mặt của mình chỉ làm cô ta bực dọc, - ông nói với anh vợ.
Xtepan Arcaditr cầm bức thư, vừa ngạc nhiên vừa bối rối nhìn đôi mắt ủ ê đang đăm đăm dán vào ông và bắt đầu đọc.
"Tôi thấy rõ sự có mặt của tôi làm cô khổ sở. Mặc dầu cái điều xác thực đó làm tôi rất đau đớn, tôi vẫn thấy quả đúng là như vậy và không thể khác được. Tôi không kết tội cô và lạy Chúa chứng giám, sau khi nhìn thấy cô trong cơn đau đớn, thâm tâm tôi đã quyết định quên hết những điều đã xảy ra giữa chúng ta và bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi không hối tiếc và sẽ không bao giờ hối tiếc việc đã làm; tôi đã muốn điều hay cho cô, cho tâm hồn cô, và bây giờ tôi thấy không đạt kết quả. Cô hãy tự mình nói cho tôi biết cái gì có thể đem lại hạnh phúc thật sự và thanh thản tâm hồn cho cô. Tôi tin ở ý chí và tinh thần công bằng của cô".
Xtepan Arcaditr trả lại bức thư cho Carenin và tiếp tục nhìn ông ta vẫn với vẻ bối rối lúc đầu, không biết nói gì. Im lặng đè lên cả hai người nặng nề đến nỗi đôi môi Xtepan Arcaditr bỗng run lên bần bật, trong khi ông vẫn lặng thinh không rời mắt khỏi bộ mặt Carenin.
- Đó là những điều tôi muốn nói với cô ta, - Alecxei Alecxandrovitr nói, mặt ngoảnh đi.
- Phải, phải... - Xtepan Arcaditr nói; ông không đủ sức trả lời, trong khi nước mắt dâng lên chẹn lấy cổ họng. - Phải, phải... tôi hiểu chú, - cuối cùng ông lắp bắp nói.
- Tôi muốn biết cô ta muốn gì, - Alecxei Alecxandrovitr nói.
- Tôi e chính cô ấy cũng không hiểu nổi hoàn cảnh mình. Cô ấy không biết nhận định thế nào, - Xtepan Arcaditr trấn tĩnh lại và nói.
- Cô ấy bị ngợp, chìm ngợp thật sự vì lòng cao thượng của chú. Nếu được đọc bức thư này, cô ấy sẽ không đủ sức nói gì hết và chỉ còn biết rạp đầu xuống thấp hơn nữa mà thôi.
- Phải, nhưng trong trường hợp này, biết làm thế nào? ... Phân tỏ thế nào... làm sao biết được cô ta muốn gì?
- Nếu chú cho phép tôi bày tỏ ý kiến thì tôi nghĩ chỉ có chú mới có quyền vạch ra những biện pháp mà chú thấy cần thiết để chấm dứt tình trạng này.
- Như thế là anh cho rằng cần phải chấm dứt à? - Alecxei Alecxandrovitr ngắt lời. - Nhưng chấm dứt thế nào? - ông nói thêm, tay khua khua trước mặt một cách khác thường; - tôi chẳng thấy có lối thoát nào cả.
- Mọi hoàn cảnh đều có lối thoát, - Xtepan Arcaditr nói, đồng thời đứng dậy và hoạt bát hẳn lên. - Đã có thời kỳ chú định ly dị... Nếu bây giờ chú chắc chắn rằng vợ chồng chú không thể đem lại hạnh phúc cho nhau.
- Hạnh phúc có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cứ cho rằng tôi chấp nhận tất cả, tôi không yêu cầu gì hết. Anh thấy có lối thoát nào cho hoàn cảnh chúng tôi?
- Chú có muốn nghe ý kiến tôi không? - Xtepan Arcaditr nói, vẫn với nụ cười ngọt ngào xoa dịu ông đã dùng để nói chuyện với Anna.
Nụ cười hồn hậu ấy có sức thuyết phục đến nỗi Alecxei Alecxandrovitr bất giác ý thức được chỗ yếu của mình và đành nhượng bộ, sẵn sàng tin những điều Xtepan Arcaditr sắp nói. - Cô ấy sẽ chẳng bao giờ bộc bạch nỗi lòng ra đâu. Nhưng có lẽ điều cô ấy mong muốn, là cắt đứt quan hệ với chú và quên mọi kỷ niệm dính líu đến quan hệ đó. Theo tôi, cần lập quan hệ mới giữa cô chú. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách trả lại tự do cho cả đôi bên.
- Ly dị... - Alecxei Alecxandrovitr nói, vẻ kinh tởm.
- Phải, tôi nghĩ rằng ly dị... đúng thế đấy, ly dị, - Xtepan Arcaditr đỏ mặt nhắc lại. Đó là giải pháp tốt nhất về mọi phương diện đối với mọi cặp vợ chồng ở vào hoàn cảnh như cô chú. Biết làm thế nào, khi mà vợ chồng đã nhận thấy không thể sống chung được nữa? Chuyện đó xảy ra là thường.
Alecxei Alecxandrovitr thở dài đánh thượt và nhắm mắt lại.
- Ở đây, chỉ có một điều cần xét kỹ: một trong hai vợ chồng có muốn tái giá không? Nếu không, thì rất giản đơn, - Xtepan Arcaditr nói, mỗi lúc một bớt lúng túng.
Alecxei Alecxandrovitr, nét mặt nhăn nhúm vì xúc động, lẩm bẩm một mình và không trả lời gì cả. Tất cả những điều Xtepan Arcaditr thấy đơn giản đến thế, ông đều suy nghĩ hàng ngàn lần rồi. Và tất cả, đối với ông, chẳng những không đơn giản đến thế, mà còn hoàn toàn không thể thực hiện. Giờ đây, khi đã biết những điều kiện ly hôn, ông thấy không thể chấp nhận được việc đó, vì ý thức phẩm cách của bản thân và lòng sùng đạo không cho phép ông viện ra một chuyện ngoại tình giả định và nhất là thừa nhận để người vợ mà ông yêu và đã tha thứ, cam chịu cái nhục bị bắt quả tang. Sau rốt, ông gạt bỏ chuyện ly dị vì những cớ khác còn quan trọng hơn nữa.
Con trai ông sẽ ra sao? Không thể tính chuyện để nó ở với mẹ được. Một khi đã ly dị, nàng sẽ có một gia đình bất hợp pháp, trong đó địa vị thằng bé sẽ mong manh và việc giáo dục nó rất có thể sẽ hỏng bét. Giữ nó lại ư? Ông biết về phía ông như vậy là báo thù và ông không muốn làm thế. Nhưng ngoài những cái đó ra, sở dĩ Alecxei Alecxandrovitr không thể ly dị được, trước nhất vì nếu ưng thuận như vậy, chính là ông tán thành đẩy Anna đến chỗ chết. Ông vẫn khắc sâu trong lòng lập luận của Daria Alecxandrovna: khi đặt vấn đề ly dị, ông chỉ nghĩ đến mình chứ không nghĩ là làm thế sẽ đưa Anna đến chỗ chết. Giờ đây, theo cách nhìn của mình, ông hiểu lời nói đó cùng việc tha thứ cho vợ, tình cảm quyến luyến với hai đứa trẻ chỉ là một.
Ông nghĩ, đồng ý ly dị, trả lại tự do cho Anna, tức là tước bỏ mối dây liên lạc cuối cùng gắn bó ông với cuộc đời: những đứa trẻ ông yêu, tức là tước bỏ của Anna mất chỗ bấu víu cuối cùng trên con đường thiện và đẩy nàng đến chỗ chết. Một khi ly dị, nàng sẽ ăn ở với Vronxki và mối liên hệ đó sẽ vẫn là trọng tội và bất hợp pháp bởi vì, theo luật của Giáo hội, một người đàn bà không thể kết hôn chừng nào chồng còn sống. Cô ta sẽ lấy Vronxki và trong vòng một hai năm, hoặc hắn sẽ bỏ cô ta, hoặc cô ta lại dan díu với người khác, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm. Nếu đồng ý ly dị, mình sẽ chịu trách nhiệm về sự sa đoạ của cô ta. Ông đã suy nghĩ về mọi điều đó hàng trăm lần và tin chắc việc ly dị chẳng những không giản đơn như anh vợ mình nói mà thậm chí còn không thể chấp nhận được. Cho nên, ông không tin một lời nào của Xtepan Arcaditr, ông có hàng ngàn lý lẽ để bác bỏ mỗi câu nói đó, nhưng ông vẫn lắng nghe và cảm thấy cái sức mạnh thô bạo và mãnh liệt chi phối đời ông buộc ông phải phục tùng, nó đang lên tiếng qua miệng anh vợ.
- Vấn đề duy nhất là cần biết chú bằng lòng ly dị với điều kiện như thế nào. Cô ấy không mong muốn gì hết, không dám yêu cầu gì hết và hoàn toàn tin ở lòng độ lượng của chú.
"Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Tại sao lại có các thứ chuyện như thế này?", Alecxei Alecxandrovitr tự hỏi, tưởng tượng đến những chi tiết của một chuyện ngoại định giả định trong đó người chồng nhận lỗi về phần mình, và với cử chỉ giống như Vronxki bữa nọ, ông đưa tay lên che mặt.
- Chú bị xúc động. Tôi hiểu, nhưng nếu chú suy nghĩ...
"Hãy chìa mà trái cho kẻ nào tát vào má phải của anh và hãy đưa nốt sơ mi cho kẻ lấy áo choàng của anh", Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm.
- Phải, phải! - ông kêu lên, giọng the thé, - tôi xin nhận lấy phần nhục nhã, thậm chí tôi xin từ bỏ con trai tôi, anh muốn làm thế nào tuỳ ý.
Và, quay đi phía khác để anh vợ không nhìn thấy mặt mình, ông ngồi xuống một chiếc ghế tựa cạnh cửa sổ. Ông xót xa, tủi hổ, nhưng nỗi xót xa, tủi hổ đó lại pha lẫn niềm vui và xúc động trước tầm cao cả của thái độ cam chịu ông đã chọn.
Xtepan Arcaditr cảm động. Ông nín lặng.
- Alecxei Alecxandrovitr, chú hãy tin ở tôi, cô ấy sẽ đánh giá đúng tâm hồn cao thượng của chú, - ông nói. - Có lẽ đó là ý Chúa, - ông nói thêm; nói rồi, ông mới thấy thế là ngớ ngẩn và phải cố gắng lắm mới nhịn được cười về sự ngờ nghệch của mình.
Alecxei Alecxandrovitr định trả lời, nhưng nước mắt làm ông nghẹn ngào không nói được.
- Nỗi bất hạnh này là thiên mệnh, đành phải chịu vậy thôi. Tôi coi bất hạnh này như một việc đã rồi, và cố gắng giúp đỡ cả hai cô chú, - Xtepan Arcaditr nói.
Khi Xtepan Arcaditr ra khỏi phòng giấy em rể, ông thấy động lòng thương hai, nhưng mặc dầu thế vẫn lấy làm mãn nguyện đã hoàn thành tốt đẹp công việc vì ông tin chắc Alecxei Alecxandrovitr sẽ giữ lời. Cộng với cảm giác thỏa mãn ấy còn có thêm cái ý về một trò chơi chữ ông định đem đố vợ và các bạn thân: "Một đại nguyên soái khác với tôi ở điểm nào? Hay nói cho đúng: Một đại nguyên soái giống tôi ở điểm nào? Mình phải nghĩ cho ra câu này mới được", ông mỉm cười tự nhủ.
Quyển 4 
Chương 23
Vết thương của Vronxki khá nguy hiểm, tuy không trúng tim. Trong bao ngày, chàng ngắc ngoải dở sống dở chết. Khi chàng đủ sức nói được lần đầu, chỉ có bà chị dâu Varya ở trong buồng.
- Chị Varya, - chàng nói và nghiêm trang nhìn bà ta, - tôi bị thương là do vô ý. Tôi xin chị đừng bao giờ nhắc đến chuyện đó và chị cứ giải thích như thế với mọi người. Thật lố bịch quá.
Varya không đáp cúi xuống và ngắm nhìn chàng với một nụ cười rạng rỡ. Cặp mắt Vronxki thôi không có vẻ sốt nữa mà sáng long lanh, nghiêm nghị.
- Đội ơn Chúa! - bà ta nói. - Chú không đau nữa chứ?
- Hơi đau ở đây, - chàng chỉ vào ngực.
- Vậy để tôi thay băng cho.
Không nói một lời, chàng nghiến chặt đôi lưỡng quyền rộng, nhìn chị dâu trong khi bà thay băng. Khi bà làm xong, chàng bảo:
- Tôi không mê sảng đâu; xin chị giúp tôi làm thế nào cho người ta đừng nhắc đến chuyện đó và đừng nói tôi định tự tử.
- Không ai nói thế đâu. Nhưng tôi mong về sau chú đừng vô ý bị thương nữa, - bà ta nói, mỉm cười dò hỏi.
- Chắc là không, nhưng giá mà...
Chàng mỉm cười u uất.
Mặc dầu lời nói và nụ cười đó làm Varya rất lo sợ, khi chỗ viêm đã khỏi và Vronxki bắt đầu bình phục, chàng cảm thấy trút hẳn được một phần thống khổ. Bằng cái hành động nọ, có thể nói chàng đã rửa được nỗi hổ thẹn và nhục nhã. Bây giờ, chàng có thể thản nhiên nghĩ đến Alecxei Alecxandrovitr. Chàng công nhận tấm lòng cao thượng của ông ta nhưng chẳng hề cảm thấy phẩm giá mình vì thế mà bị hạ thấp. Hơn nữa, chàng đã trở về nếp cũ. Chàng thấy có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người không hổ thẹn và có thể sống, trở lại những thói quen. Cái mà chàng không thể dứt khỏi trái tim, mặc dầu thường xuyên đấu tranh với tình cảm ấy, đó là nỗi luyến tiếc đến tuyệt vọng vì vĩnh viễn mất Anna. Giờ đây, khi đã chuộc lỗi trước mặt ông chồng, chàng kiên quyết đoạn tuyệt và không bao giờ xen vào giữa Anna đang ăn năn hối lỗi và ông ta nữa; nhưng chàng không thể dứt khỏi trái tim nỗi tiếc thương mối tình đã mất, không thể xóa mờ trong tâm trí những giờ phút đầy hạnh phúc từng chung hưởng với nàng, mà hồi đó chàng đã đánh giá quá thấp nhưng bây giờ mới thấm thía hết vị dịu ngọt với một niềm hoài nhớ khôn nguôi.
Xerpukhovxkoe chạy cho chàng một chức vụ Tasken và Vronxki nhận ngay không do dự. Nhưng giờ phút lên đường càng gần, sự hy sinh vì cái mà chàng tưởng là bổn phận, lại càng nặng nề hơn.
Vết thương đã thành sẹo và chàng bắt đầu ra khỏi nhà để chuẩn bị khởi hành. "Gặp lại nàng một lần nữa, rồi sau đó, tự chôn vùi mình đi, chết đi!", chàng nghĩ thầm và trong một buổi đi từ biệt bạn bè, chàng thổ lộ mong ước đó với Betxi. Bà này lập tức đi sứ đến nhà Anna và mang về cho chàng lời từ chối.
"Càng tốt, Vronxki thầm nghĩ khi được tin đó. Sự nhu nhược đó có thể làm mình mất nốt chút nghị lực cuối cùng".
Sáng sau, Betxi thân hành đến nhà và báo cho chàng biết bà đã nghe Oblonxki chính thức bảo đảm rằng Alecxei Alecxandrovitr đồng ý ly dị và do đó, Vronxki có thể gặp Anna.
Quên cả tiễn Betxi, thậm chí không cần hỏi bao giờ có thể gặp nàng và chồng Anna hiện đang ở dâu, Vronxki gạt phắt tất cả quyết định của mình, đi ngay đến nhà Carenin. Chàng lao như gió lên cầu thang, không nhìn gì hết và thoăn thoắt bước, hết sức tự kiềm chế để khỏi chạy, chàng vào buồng Anna. Không hề nghĩ ngợi, cũng chẳng buồn nhìn xem có phải nàng chỉ ngồi một mình trong buồng hay không, chàng ôm ghì nàng trong tay và hôn khắp lên mặt, lên tay, lên cổ nàng.
Anna đã chuẩn bị gặp lại chàng và suy nghĩ về những điều sẽ nói, nhưng nàng không kịp thốt nên lời; sự cuồng nhiệt của Vronxki cuốn băng nàng đi. Nàng muốn kìm bớt cho cả chàng lẫn bản thân mình bình tĩnh lại, nhưng quá muộn rồi. Niềm say mê của Vronxki đã lan sang nàng. Môi nàng run bắn lên đến nỗi hồi lâu, nàng không nói được lời nào.
- Phải, anh đã chinh phục em, em là của anh, - cuối cùng nàng nói và ép chặt đôi bàn tay người yêu vào ngực.
- Cần phải như thế, - chàng nói. - Sẽ còn như thế chừng nào chúng ta còn sống. Bây giờ, anh mới hiểu rõ điều đó.
- Đúng thế, - nàng nói, mặt mỗi lúc một tái đi và quàng tay ôm đầu Vronxki. - Tuy nhiên vẫn có cái gì ghê sợ trong chuyện này, sau những việc đã xảy ra.
- Tất cả những cái đó sẽ qua đi, tất cả những cái đó sẽ qua đi thôi, chúng ta sắp sửa sung sương biết bao! Mối tình chúng ta nếu có thể lớn lên, thì sẽ lớn lên chính vì chứa đựng một cái gì ghê sợ, - chàng vừa ngẩng đầu và mỉm cười, để lộ hàm răng đều đặn.
Nàng không thể không mỉm cười đáp lại... không phải đáp lại lời nói mà là đôi mắt đắm đuối của chàng. Nàng cầm tay chàng đặt lên đôi má lạnh toát và mớ tóc cắt ngắn của mình.
- Anh không nhận ra em với bộ tóc cắt ngắn này nữa đấy! Em đẹp ra nhiều lắm! Đúng như một chú bé! Nhưng em xanh quá!
- Vâng, em còn yếu lắm, - nàng mỉm cười nói. Và môi lại run lên.
- Chúng ta sẽ sang ý, em sẽ bình phục, - chàng nói.
- Liệu chúng mình có thể sống như vợ chồng, chỉ có hai đứa với nhau không? - nàng nói và nhìn thẳng vào mắt chàng.
- Thản hoặc có khác đi thì mới là điều đáng ngạc nhiên.
- Anh Xtiva bảo ông ta đồng ý tất cả, nhưng em không thể nhận sự độ lượng của ông ta, - nàng vừa nói vừa nhìn vào khoảng trống, vẻ tư lự. - Em không muốn ly dị, bây giờ chuyện đó đối với em không quan trọng. Nhưng không biết ông ta quyết định thế nào về chuyện Xergei.
Chàng không hiểu sao trong phút đầu gặp lại nhau, nàng đã có thể nghĩ đến con trai và chuyện ly dị. Mọi chuyện đó chẳng vô bổ lắm sao?
- Đừng nói chuyện đó, đừng nghĩ đến nó nữa, - chàng vừa nói vừa cầm tay nàng lật đi lật lại cố khiến nàng chú ý, nhưng nàng vẫn nhìn đi chỗ khác.
- Chao! Tại sao tôi không chết đi cho rồi? Giá cứ thế lại tốt hơn, - nàng nói và nước mắt lặng lẽ chảy dọc hai bên má; tuy nhiên, nàng vẫn cố mỉm cười để khỏi làm chàng buồn.
Giá như trước kia, Vronxki chắc không đời nào trốn tránh cái nhiệm vụ hấp dẫn và nguy hiểm ở Tasken, coi thế là nhục nhã và không thể chấp nhận được. Nhưng bây giờ, chàng chối phăng không hề nghĩ ngợi lấy một phút, và, thấy cấp trên không hài lòng về sự từ chối ấy, chàng lập tức xin thoái ngũ.
Một tháng sau, Alecxei Alecxandrovitr ở lại nhà một mình với con trai, trong khi Anna cùng đi với Vronxki ra nước ngoài, đồng thời từ chối không chịu ly dị.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...