Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Thủy hử 13

Thủy hử 13
Hồi 61:
Bắn lãnh tiễn Yến Thanh cứu chúa;
Cướp pháp trường Thạch Tú thi gan.
Nói về Lư Tuấn Nghĩa là một người khỏe mạnh giỏi giang, anh hùng vô địch, song xưa nay chưa từng quen tay dưới nước bao giờ. Nay bỗng chốc bị thuyền lật xuống dưới nước, làm cho chàng ta luống cuống rụng rời chân tay, không biết lối nào mà giở. Trương Thuận liền ôm lấy ngang lưng mà ôm thẳng vào bờ. Khi vào tới bờ, đã thấy đóm đuốc sáng trưng, và có năm sáu mươi người đứng đón sẵn ở đấy, chúng đem Lư Tuấn Nghĩa lên bờ, đứng xúm vào tháo dao lưng ra, cởi bỏ hết quần áo, rồi toan đem thừng trói lại. Chợt đâu thấy Đới Tung chạy đến quát ngay rằng:
- Không được động đến Viên Ngoại, cứ mời Viên Ngoại vào chơi.
Đoạn rồi thấy một người mang ra một cái áo gấm, một bức quần thêu đưa đến cho Lư Tuấn Nghĩa, và có tám đứa tiểu lâu la đưa cổ kiệu đến dìu Viên Ngoại lên kiệu mà khiêng đi.
Đi được vài bước, xa trông đã thấy có hai ba mươi đèn lồng sa đỏ, dẫn một toán người ngựa, là Tống Giang, Ngô Dụng và Công Tôn Thắng cùng các vị Đầu Lĩnh kéo đến. Khi kiệu Lư Tuấn Nghĩa gần đến nơi, Tống Giang vội vàng quỳ xuống trước kiệu, rồi các Đầu Lĩnh cũng quỳ theo cả một lượt ở sau. Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy cũng vội vàng xuống kiệu quỳ ra ngoài đất mà nói rằng:
- Tôi đã bị bắt đến đây, xin cho sớm chết là hơn... Tống Giang cười rằng:
- Xin Viên Ngoại hãy cứ lên kiệu, rồi sẽ hay.
Nói đoạn lại dìu Lư Tuấn Nghĩa lên kiệu, rồi các Đầu Lĩnh đều lên ngựa, mà nổi trống khua nhạc đưa thẳng về Trung nghĩa Đường.
Khi tới Trung Nghĩa Đường, các Đầu Lĩnh mời Lư Tuấn Nghĩa vào ghế giữa, đôi bên đèn nến thắp sáng choang, rồi Tống Giang nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng:
- Chúng tôi lâu nay nghe tiếng Viên Ngoại, khác nào sét đánh ngang tai, nay được gặp ngài đây, thực là thỏa lòng khát vọng vô cùng. Vừa rồi bọn anh em có người không phải lỡ phạm đến ngài, xin ngài tha lỗi ấy cho.
Ngô Dụng cũng chạy đến mà rằng:
- Bữa trước tôi có vâng lệnh Huynh trưởng tôi đến cửa ngài, giả làm thầy đoán số, để mời ngài đến núi Lương Sơn cùng tụ đại nghĩa với nhau, mà thay Trời làm Đạo, vậy ngày nay ngài đã tới đây, thực là hạnh phúc cho sơn trại không biết tới đâu mà kể.
Đoạn rồi Tống Giang mới Lư Tuấn Nghĩa ngồi vào ghế thứ nhất. Lư Tuấn Nghĩa cười mà đáp rằng:
- Lư Tuấn Nghĩa tôi khi trước ở nhà thực không có phép gì chết được, nhưng ngày nay đến thực không muốn sống làm chi. Định giết xin cứ giết cần gì phải đùa như vậy?
Tống Giang vui vẻ đáp rằng:
- Lẽ nào chúng tôi dám đùa với Viên Ngoại, thực là chúng tôi khâm phục uy tín của Viên Ngoại, tựa hồ trong lòng đói khát đã lâu, bởi thế chúng tôi mới lập kế mời ngài đến đây, tôn làm chủ sơn trại, cho anh em chúng tôi được sớm khuya theo lệnh của ngài.
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Thôi xin đừng nói nữa, tôi đây muốn chết thì dễ bằng muốn cho tôi theo thì rất khó.
Ngô Dụng vội gạt đi rằng:
- Nếu vậy để hôm khác thì ta sẽ bàn. Nói đoạn liền sai đem rượu lên để thết đãi, Lư Tuấn Nghĩa không sao từ chối được, đành gượng uống năm ba chén rồi nghỉ lại ở đó.
Ngày hôm sau Tống Giang sai giết trâu mổ ngựa, bày tiệc linh đình, mời Lư Tuấn Nghĩa ra dự tiệc, Tống Giang mời năm lần bảy lượt mãi sau Lư Tuấn Nghĩa mới chịu ngồi vào ghế giữa để uống rượu.
Được một vài tuần, Tống Giang đứng dậy nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng:
- Đêm qua thực là có điều không phải, xin ngài tha lỗi cho. Sơn trại chúng tôi đây tuy hẹp nhỏ, song Viên Ngoại cũng nên xét đến hai chữ trung nghĩa mà lưu lại nơi đây, tôi xin thuận tình nhường vị lại ngài, xin chớ chối từ làm chi?
Lư Tuấn Nghĩa đáp:
- Đầu Lĩnh nói lạ thực? Tôi đây bình sinh không có tội gì, nhà cũng đủ ăn, không đến nổi đói. Sống làm dân nhà Tống chết phải làm ma nhà Tống... Không nói đến hai chữ trung nghĩa, thì tôi còn uống liều dăm ba chén ở đây, bằng nói đến hai chữ trung nghĩa thì cái bầu nhiệt huyết của tôi cũng khả dĩ tưới khắp ra đây ngay lập tức.
Người liền tiếp luôn rằng:
- Viên Ngoại đã không chịu ở đây, thì cũng không nên cưỡng bách làm chi, giữ được người Viên Ngoại, chứ giữ thế nào được bụng. Có điều rằng: Anh em tôi cũng không được mấy khi ngài đã hạ cố đến chơi, vậy ngài không bằng lòng nhập đảng, chúng tôi cũng không dám ép, song xin ngài hãy lưu lại ở chơi mấy bữa, rồi xin đưa trả về nhà thế là ổn tiện.
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Đầu Lĩnh đã biết rằng, lưu tôi cũng chẳng được nào, thì xin cho tôi về ngay cho tiện không? Tôi ở đây chỉ e sợ vợ con cửa nhà không biết tin tức ra sao cả...
Ngô Dụng nói:
- Cái đó có khó gì, xin cho Lý Cố đem xe cộ về trước, còn ngài ở lại đây mấy hôm rồi sẽ về sau cũng được...
Nói đoạn liền gọi Lý Cố lên cho ít tiền nong mà giao cho về trước. Khi Lý Cố sắp ra đi, Lư Tuấn Nghĩa dặn với rằng:
- Sự khổ của ta các ngươi đã biết, ngươi về nhà nói với Nương tử bất tất phải lo, nếu ta chưa chết thì ta thế nào cũng về được.
Lý Cố vâng lời mà rằng:
- Các Đầu Lĩnh có bụng quá yêu như vậy, xin chủ nhân hãy ở chơi vài tháng sẽ về, có điều chi mà ngại?
Nói đoạn từ tạ ra đi, Ngô Dụng liền đứng dậy để đưa chân Lý Cố xuống núi. Ngô Dụng cưỡi ngựa đi đến đợi ở bến Kim Sa trước. Được một lát, Lý Cố cùng các người nhà và xe cộ đi đến nơi, Ngô Dụng liền sai năm trăm tiểu lâu la, ngồi vây lại chung quanh, rồi gọi Lý Cố đến trước mặt mà bảo rằng:
- Chủ nhân nhà anh đẫ bằng lòng bàn với chúng ta, nhập đảng, ngồi vào hàng ghế thứ nhì rồi. Trước khi chưa đến đây, đẫ viết bốn câu thơ ở vách, tỏ ý rõ ràng ra đó, anh đẫ biết chưa.
Lư hoa phơ phất chiếc thuyền bơi,
tuấn kiệt vui chơi buổi tối trời,
Nghĩa sĩ tay cầm ba thước kiếm,
Phản rồi chém lũ nghich thần chơi.
Trong bốn câu đó, mỗi câu lấy một chữ đầu hợp thành bốn chữ"Lư Tuấn Nghĩa phản"anh đã biết chưa? Ngày nay chủ nhân anh đi đến đây, đáng lẽ thì đem các anh giết đi ngay, nhưng thế thì ác quá, vậy ta tha cho các anh về, anh phải nói rõ cho mọi người biết chủ nhân không về nữa nhé.
Lý Cố vâng lời, rồi lạy lấy lạy để không thôi, Ngô Dụng liền cho chở thuyền đưa Lý Cố đi, rồi lại trở về sơn trại uống rượu đến chiều mới tan. Sáng hôm sau trong sơn trại lại làm tiệc vui mừng, rất là chững chạc.
Lư Tuấn Nghĩa nói với các Đầu Lĩnh rằng:
- Các ngài có lòng thương không nỡ giết, tôi cũng cảm ơn, song thà các ngài giết ngay, còn hơn bắt giữ ở đây, thực là một ngày đăng đẳng, coi bằng ba thu.... Vậy xin các ngài cho tôi cáo từ hôm nay, không thể lưu lại được nữa.
Tống Giang nói:
- Không mấy khi Viên Ngoại đến chơi, vậy ngày mai tôi xin mời riêng ngài một tiệc, để trò chuyện cùng nhau cho thỏa lòng khát vọng, xin ngài chớ từ chối.
Lư Tuấn Nghĩa không thể từ chối được, lại phải lưu lại cho đến ngày mai. Hết ngày mai lại đến Ngô Dụng thiết tiệc một ngày, rồi đến Công Tôn Thắng một ngày, rồi các Đầu Lĩnh cố nài thiết tiệc một ngày, tất cả hơn một tháng trời mà không hết lượt.
Một hôm Lư Tuấn Nghĩa lấy làm sốt ruột quá chừng, liền nói với Tống Giang để xin về, Tống Giang đáp rằng:
- Chúng tôi còn muốn lưu Viên Ngoại ở chơi ít lâu, song ngài đẫ nhất định đòi về như thế, vậy ngày mai tôi xin mấy chén tiễn hành, riêng về phần tôi, xin ngài chiếu cố đến cho.
Lư Tuấn Nghĩa ở đến ngày mai, nhận bữa tiễn hạnh của Tống Giang, rồi các Đầu Lĩnh lại vật nài với Lư Tuấn Nghĩa rằng:
- Ca Ca chúng tôi kính trọng Viên Ngoại mười phần, thì tôi đây cũng phải kính trọng Viên Ngoại đến mười hai phần. Nay Ca Ca tôi đã được nâng chén rượu tiễn hành vậy còn chúng tôi không lẽ ngài lại còn bỉ thử mà không nhận cho, như thế thực là phiền lòng cho anh em chúng tôi quá đổi!
Bấy giờ Lý Quỳ kêu to lên rằng:
- Tôi bị khổ sở biết bao nhiêu, vào đến Bắc Kinh, mời được ông ta ra đây, nay ông không cho chúng tôi, mời bữa tiệc tiễn hành là nghĩa lý gì? Nếu vậy tôi với ông quyết đấu một phen xem sao?
Ngô Dụng nghe nói cả cười mà rằng:
- Từ cổ đến giờ chưa thấy ai mời khách như thế bao giờ? Tôi xin Viên Ngoại xét đến lòng thành của họ, mà ở lại ít bữa nữa, rồi mới có thể thỏa thiếp cả được.
Lư Tuấn Nghĩa bất đắc dĩ phải lưu lại bốn năm hôm nữa rồi mới từ tạ ra đi. Bỗng đâu lại thấy Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ dẩn một tốp Đầu Lĩnh đến mà nói rằng:
- Chúng tôi đây, tuy thị là hàng đàn em, song đối với Ca Ca cũng có đôi phần đóng góp, vậy không lẽ rằng chúng tôi lại không được tiễn chân Viên Ngoại hay sao? Viên Ngoại không có lòng chiếu cố, tôi đây cũng không dám phàn nàn gì, song chỉ sợ lũ anh em họ lôi thôi xin sự, thực là khó chịu.
Ngô Dụng đứng lên đáp rằng:
- Anh em bất tất phải nóng nảy như vậy, để tôi mời Viên Ngoại hãy chiếu cố ở lại mấy hôm nữa là được rồi...
Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy, không thể từ chối được, lại đành phải ngồi lưu lại ít bữa nữa...Đoạn rồi các Đầu Lĩnh chia nhau tiễn tặng loanh quanh làm cho Lư Viên Ngoại phải trì trệ lần nữa chưa sao mà dứt đi được.
Khi Lư Tuấn Nghĩa bước chân ra đi, chính đương vào dạo tháng năm, tới nay đã thấm thoát đã hai tháng trời, cảnh sắc giang sơn bỗng chốc đã nhuộm màu thu sắc, Lư Tuấn Nghĩa lấy làm sốt ruột không sao chịu được, liền nói với Tống Giang để khẩn khỏan xin về. Tyu cũng làm ra dáng chiều lòng Viên Ngoại mà nhận lời ngay.
Sáng hôm sau Tống Giang sai lấy quần áo cũ, cùng dao gậy của Lư Tuấn Nghĩa đưa ra trả lại, rồi Tống Giang đem một mâm kim ngân, để tặng Lư Tuấn Nghĩa.
Lư Tuấn Nghĩa cười mà nói rằng:
- Tiền của này trong sơn trại làm gì mà có, lẽ đâu tôi lại nhận như thế? Song ngày nay không nhận, thì cũng không lấy đâu làm lệ phí, vậy chỉ xin nhận đủ tiền về tới Bắc Kinh. Hôm đó về gần đến thành, thì đã vừa tối, chàng liền nghỉ trọ ở ngoài hàng, để sáng hôm sau sẽ vào trong thành. Sáng hôm sau chàng trở dậy đi thẳng vào thành, khi đến một nơi ước chừng còn cách hơn một dặm đường nữa, thì vào tới trong thành, bỗng đâu thấy một người đầu tóc bơ phờ, áo khăn rách rưới, chạy đến trước mặt rồi lạy phục xuống đất rồi khóc lên rưng rức.
Lư Tuấn Nghĩa ngạc nhiên nom đến, thì chính là Lãng Tử Yến Thanh, liền hỏi luôn rằng:
- Tiểu Ất! Cớ sao ngươi đến nổi thế?
Yến Thanh gạt nước mắt mà rằng:
- Đây không phải là chỗ nói chuyện, xin Chủ Nhân đến chỗ khác.
Lư Tuấn Nghĩa liền theo Yến Thanh đến một chỗ vắng người để hỏi thăm duyên cớ.
Yến Thanh nói rằng:
- Sau khi Chủ Nhân đi độ nữa tháng, bỗng một hôm thấy Lý Cố trở về nói với Nương Tử rằng: Chu Nhân đẫ quy thuận với Tống Giang ở Lương Sơn Bạc, mà đứng vào hàng Đầu Lĩnh thứ hai và lưu lại ở đó. Đoạn rồi hắn báo với Quan Tư, mà thông lưng với Nương Tử, chiếm hết cả nhà cữa tư cơ mà đuổi tôi ra ngoài thành mà kiếm ăn quanh quẩn, để đói, chủ nhân về xem sao? Tôi chắc chắn Chủ Nhân không bao giờ chịu làm nghề lạc thảo, song nếu có quả thế thực, thì xin nghe lời tôi mà trở về ngay đất Lương Sơn, kẻo vào thành bây giờ, thì không bao giờ mà tránh cho khỏi nạn.
Lư Tuấn Nghĩa nghe nói quát lên rằng:
- Vợ ta không phải người như thế, ngươi đừng có nói liều với ta...
Yến Thanh nói rằng:
- Chủ Nhân không có mắt ở đằng gáy, làm chi biết được chuyện sau lưng, bình nhật Chủ Nhân chỉ chuyện chú vào mặt võ nghệ, không đoái đến những việc nhỏ nhen, nhân thế mà Lý Cố tư thông với Nương Tử cũng không hay biết đến. Ngày nay hai người đó đã mưu mô với nhau, nhận làm vợ chồng. Vậy nếu Chủ Nhân về đó thì quyết bị họ hại chứ không sai.
Lư Tuấn Nghĩa quát lên mắng Yến Thanh rằng:
- Nhà ta ở đất Bắc Kinh năm sáu đời nay ai mà không biết tiếng thằng Lý Cố nó có mấy đầu mà nó dám làm như thế? Chẳng hay chính ngươi làm càn rồi ngươi lại nói liều nói lĩnh với ta? Để ta về xem sao, rồi sẽ liệu cho ngươi một thể.
Yến Thanh nhất định không nghe, ôm lấy áo Viên Ngoại mà khóc lên như mưa như gió, Lư Tuấn Nghĩa giuơ chân đạp Yến Thanh ngã lăn xuống đất rồi một mình xồng xộc mà đi thảng về nhà...
Khi về tới nhà, thấy đám chủ quản cùng người nhà, anh nào anh nấy đều có vẽ kinh sợ bàng hoàng. Đoạn rồi Lý Cố đón Viên Ngoại vào trong nhà, cúi đầu lạy ngay lập tức.
Lư Tuấn Nghĩa hỏi rằng:
- Yến Thanh ở đâu? Lý Cố nói rằng:
- Xin Chủ Nhân thông thả rồi hãy nói chuyện. Công việc còn nhiều lắm. Chủ nhân đi xa về khó nhọc, hãy xin đi nghĩ một lát đã.
Vừa nói xong thì thấy Cổ Thị ở đằng sau bình phong, vừa khóc lóc vừa đi ra. Lư Tuấn Nghĩa lại hỏi luôn rằng:
- Nương Tử đây rồi. Yến Thanh đâu? Nói cho tôi biết...
Cổ Thị Gạt nước mắt mà nói rằng:
- Xin trượng phu đừng hỏi vội, nói ra dài dòng lắm, hãy xin nghĩ ngơi đã.
Bấy giờ Tuấn Nghĩa trong bụng lấy là nghi hoặc khó chịu, bèn cố hỏi chuyện Yến Thanh cho kỳ được.
Lý Cố nói rằng:
- Chủ Nhân hãy thay quần áo, vào lễ Từ Đường xơi nước hẳn hoi rồi sẽ nói, đi đâu mà vội.
Nói đoạn liền sai dọn cơn cho Lư Tuấn Nghĩa ăn. Lư Tuấn Nghĩa ngồi vào mâm cơm vừa toan cất bát đũa lên ăn, thì bỗng thấy cữa trước cữa sau ầm ầm cả lên, rồi thấy hai ba trăm người lính phủ xông đến nơi. Lư Tuấn Nghĩa cả kinh, ngồi ngây hẳn người ra, rồi đám lính bắt trói mà vừa đến vừa dong về trong phủ Trung Thư.
Bấy giờ Lưu Trung Thư đương ngồi ngay giữa Công Đường, hai bên tả hữu có đến bảy tám mươi tên lính đứng dàn hàng, đoạn rồi chúng giải Lư Tuấn Nghĩa vào quỳ ở một bên, Lý Cố cùng Cổ Thị quỳ ở một bên.
Quan Lưu Trung Thư ngồi trên quát hỏi rằng:
- Tên kia ngươi vốn là lương dân ở đấùt Bắc Kinh, cớ sao lại dám nhập bọn với đám Lương Sơn Bạc, đứng vào hàng Đầu Lĩnh thứ hai, nay ngươi còn toan về đây định kết liên trong ngoài, định đến phá Bắc Kinh là nghĩa làm sao? Phải mau mau mà thành thực ra đây...
Lư Tuấn Nghĩa nói rằng:
- Việc đó nguyên vì chúng tôi khờ dại, bị tên Ngô Dụng ở Lương Sơn đem thuật tướng số lừa dối, sau lại bắt giam ở trên núi hơn hai tháng trời, nay mới thoát thân về đây, chứ thục không có lòng gì phản bội, xin ngài xét cho.
Lưu Trung Thư quát lên rằng:
- Ngươi nói lạ! Ngươi ở Lương Sơn mà lại không thông đồng với chúng, thì sao chúng giữ lâu đến như thế, vã chăng đẫ có vợ cùng tên Lý Cố về cáo thú đây kia, lại còn chối về lẽ gì nữa?
Lý Cố quỳ bên kia bảo với Lư Tuấn Nghĩa rằng:
- Chủ nhân đẫ đến đó thì thú thực đi thôi. Trên vách ở nhà đẫ viết bốn câu thơ phản nghịch, đó là chứng cớ rõ ràng còn chối làm chi cho phiền?
Cổ Thị cũng nói rằng:
- Việc đó không phải chúng tôi muốn làm hại gì, song nếu không thú ra, thì liên luỵ đến cả chúng tôi thêm khổ? Người ta thường nói: "Một người loạn chín họ bị oan!"
Lư Tuấn Nghĩa nghe đến đó kêu lên rằng:
- Thực là oan uổng cho ta quá.
Lý Cố lại đế luôn rằng:
- Chủ Nhân phải bất tất phải kêu ca làm gì, việc đã rõ ràng như thế, chi bằng thú phắc đi cho khỏi khổ.
Cổ Thị lại nói rằng:
- Việc dối không ai đến chỗ cửa quan, mà việc thực mà chối làm sao được...Đã đành rằng một người làm việc, thì chết cũng cam tâm, nhưng còn liên luỵ đến chúng tôi thì sao? Vậy bất nhược thú ngay cho khỏi đòn vọt đến thân.
Bấy giờ Trương Khổng Mục bẩm với Lưu Trung Thư rằng:
- Tên này nó răn đầu rắn mặt xưa nay, nếu không khảo tấn thì sao nó chịu nói?
Lưu Trung Thư truyền lệnh cho tra tấn, tả hữu vâng lời, trói Lư Tuấn Nghĩa ra nằm vật ở đất, rồi đến luôn một trận, bắn vọt máu tươi, chết ngất đi mấy lần mới tỉnh.
Lư Tuấn Nghĩa không sao chịu nổi đòn tấn, liền thở dài than rằng:
- Quả nhiên cung mệnh ta phải chết oan như thế này... thà bất nược nhận liều cho xong chuyện.
Trương Khổng mục nghe nói, liền biên hết khẩu cung, rồi sai đóng gông từ tù nặng trăm cân, cho giam xuống ngục. Những người ngoài phủ nom thấy vậy, ai cũng thương tâm không nỡ xem.
Điều đâu bay buộc ai làm?
Anh hào hết đất phỏng cam chăng trời?
Biết thân đã mắc cạm đời,
Thà rằng vũng nước theo người cho xong?
Bấy giờ trong ngục có một người Tiết Cấp coi ngục, tên là Xái Phúc, quê ở Bắc Kinh biệt hiệu là Thiết Tý Phụ ngồi ở giữa sập, và một người em ruột tên là Nhất Chi Hoa Xái Khánh cầm gậy đứng hầu một bên.
Khi chúng dong Lư Tuấn Nghĩa đến nơi, Xái Phúc bảo Xái Khánh rằng:
- Ngươi đem thằng tử tù ấy giam kỹ vào trong kia, ta đi về nhà một lát, rồi lại đến ngay đây.
Xái Khánh vâng lời, đến Lư Tuấn Nghĩa giam vào ngục, rồi Xái Phúc cầm gậy ra đi lối cữa ngục. Chợt đâu thấy một người quần áo rách rưới, tay bưng một thúng cơm, hai hàng nước mắt sướt mướt đầm đìa mà đi vào. Xái phúc trông biết người đó là Lãng Tử Yến Thanh, liền hỏi rằng:
- Yến Thanh lạm gì thế, đi đâu như vậy?
Yến Thanh quỳ xuống nước mắt dòng dòng, nói với Xái Phúc rằng:
- Xin Thiết Cấp Ca Ca thương hại Chủ Nhân tôi là Lư Viên Ngoại, nay chẳng mai bị giam vào trong lao, không có ai đưa tiền cơm nước, vậy tôi kêu xin được thúng cơm đây, để đem vào cho chủ tôi ăn tạm, xin ông rộng phép cứu cho...
Nói đến đó thì khóc nấc lên, rồi nằm phục xuống đất. Xái Phúc đáp rằng:
- Được, việc đó tôi biết cả rồi, anh cứ đem cơm vào cho ông ta, không hề chi.
Yến Thanh lạy tạ, rồi đem cơm vào lao cho Viên Ngoại.
Đằng kia Xái Phúc đi khỏi chổ cầu, thì bỗng thấy một người đến vái chào mà nói rằng:
- Thưa Tiết Cấp có một người khách, ngồi đợi ở gác hàng tôi, định mời Tiết Cấp đến để nói chuyện, xin ngài đến ngay cho.
Nói đoạn liền mời Xái Phúc đi ngay, Xái Phúc đến nơi thấy Lý Cố ngồi đợi ở đó, đôi bên chào hỏi mời ngồi, rồi Xái Phúc hỏi Lý Cố rằng:
- Chẳng hay chủ quản có việc gì bảo tôi?
Lý Cố thì thầm mà nói rằng:
- Chẳng dám dấu gì Tiết Cấp, việc đó không thể để lâu được nữa, lỡ ra thì khốn, đêm nay thế nào Tiết Cấp cũng kết quả đi cho...tôi có năm mươi lạng vàng đây, xin đưa để ngài chi dùng...còn các quan lại bên trên, tôi khắc xin chu biện tất cả.
Xái Phúc cười rằng:
- Chủ quản không coi miếng đá trên chính sảnh khắc tám chữ "Dân đỏ dễ lừa, trời xanh khó dối"ó sao? Việc này thực là nhẫn tâm quá đỗi, ông tưởng tôi không biết chăng? Ông chiếm hết gia tư của người ta, lấy cả vợ con người ta, nay lại đưa tôi năm mươi lạng vàng, mà xui giết chết người ta, vậy nếu ngày sau Quan Tư xét ra, thì tôi chịu sao nổi tội?
- Nếu ngài chê ít, thì tôi xin đưa thêm năm mươi lạng nữa.
- Lý Chủ Quản ôi! Ông đừng rút vặt nữa. Một ông Lư Viên Ngoại có tiếng ở Bắc Kinh như thế, mà chỉ đáng giá một trăm lạng bạc chăng? Tôi xin nói thực, nếu ông muốn cho chóng được việc, thì cứ năm trăm lạng bỏ ra đây.
- Vâng vâng tôi xin sẵn đủ cả đây, nhưng đêm hôm thế nào ngài cũng giúp cho là được rồi.
Nói đoạn vội vàng đưa tiền cho Xái Phúc, Xái Phúc đứng dậy nhận lấy tiền mà nói rằng:
- Sáng sớm mai cứ đến mà khiêng xác hắn về...
Lý Cố hớn hở vui mừng, tạ ơn Xái Phúc, rồi hai người cùng chia ngả ra về.
Bấy lâu áo chủ cơm thầy,
Đền ơn dễ có phen này đấy chăng?
Sông tham ghê cũng lạ chừng,
Nỗi đời này biết than rằng với ai?
Khi Xái phúc vừa về đến nhà, lại bỗng thấy một người vén rèm bước vào, cất tiếng chào rằng:
- Xái Tiết Cấp, xin chào ngài. Xái Phúc vội quay lại nom, thấy người ấy ra dáng khôi ngô hùng tráng, ăn mặc chỉnh tề, mình mặc áo thanh viên cánh nhạn, lưng thắp giải ngọc não mỡ dê, đầu đội mũ ngài, chân đi giày đỏ, vừa đi vừa vái chào Xái Phúc.
Xái Phúc ngạc nhiên đáp lễ lại rồi hỏi rằng:
- Quan nhân ở đâu đến đây, có việc gì cho chúng tôi được biết?
Người kia nói:
- Xin ngài cho vào nhà trong sẽ nói chuyện.
Xái Phúc liền dẫn vào một gian gác kín, rồi mời ngồi ở đó đ hỏi chuyện.
Người kia nói với Xái Phúc rằng:
- Tôi đây họ Sài tên Tiến, tiểu tự là Tiểu Toàn Phong, người ở quận Hoành Hải, phủ Thương Châu, dòng dõi vua Đại Chu khi trước, nhân xưa nay tôi vẫn có lòng sơ tài trọng nghĩa, kết giao hảo hán bốn phương, bất đồ bị lỡ phạm tội, phải lưu lạc lên Lương Sơn Bạc, mà nhập bọn ở đó. Nay vâng tướng lệnh Tống Công Minh xuống đây để dò tin tức Lư Viên Ngoại, ngờ đâu Viên Ngoại bị đám tham quan nhũng lại, tớ phản vợ dâm, đồng ý với nhau để giam vào tử tội, hiện nay tính mạng chỉ còn trông ở tay ngài, bởi vậy, tôi không dám quản công khó nhọc liều mình đi đến tận đây nói rõ đầu đuôi cho ngài biết...Nếu ngài chịu lưu tâm cẩn thận, giữ gìn tính mạng cho Lư Viên Ngoại, thì chúng tôi sẽ hết lòng tử tế, không bao giờ dám quên ơn, bằng sinh sự thế nào, thì nay mai binh mã tới nơi, phá hết thành trì, giết sạch quan dân, dẫu Thiên Tử đến đây cũng khó lòng cứu được. Tôi vẫn nghe tiếng ngài là trung nghĩa hảo hán xưa nay, nên mới nói rõ cho ngài biết, và gọi là có nghìn lạng vàng đưa để ngài tiêu, xin ngài chấp nhận lấy cho. Hay là ngài có muốn bắt Sài Tiến thì cứ bắt ngay bây giờ, tôi không phàn nàn chi cả.
Xái Phúc nghe nói toát mồ hôi, ngây người một lúc, không sao trả lời được. Sài Tiến nói rằng:
- Anh hùng xử sự không nên rùi rắng trù trừ, thế nào xin quyết ngay cho.
Xái Phúc nói:
- Xin hảo hán cứ về tôi khắc xin chu tất.
Sài Tiến tạ ơn mà rằng:
- Ngài đã nghe lời, sau này xin đền ơn lớn.
Nói đoạn quay ra gọi người theo hầu là Đới Tung đưa vàng cho Xái Phúc rồi vái chào rồi ra đi.
Xái Phúc thấy hai người đi rồi, trong bụng trù trừ khó nghĩ, vẫn vơ hồi lâu rồi mới đi vào trong ngục, đem các chuyện đó thuật cho Xái Khánh nghe.
Xái Khánh nói với anh rằng:
- Anh vẫn là người quyết đoán xưa nay, một việc con con này có làm chi mà khó? Người ta thường nói:"giết người phải thấy máu, cứu người phải đến nơi". Vậy ngày nay đã có một nghìn lạng vàng ở đây ta cứ nên kê lót hết tất cả mọi nơi, từ Lưu Trung Thư đến Trương Khổng Mục toàn thị những giống tham lam, làm cho họ chẳng nhận? Khi nhận được tiền rồi tất nhiên họ phải kết án liều lĩnh đem bắt đi đày, rồi đó cứu được hay không, thì đã có bọn hảo hán ở Lương Sơn Bạc, ta biết đâu được đến đấy nữa.
Xái phúc nói:
- Em nói chính hợp ý ta... Vậy em đem Lư Viên Ngoại để vào một chỗ tử tế, cơm nước cho ông ta cẩn thận, và bảo qua cho ông ta biết trước.
Hai anh em bàn định xong, liền đem tiền đi để nói lót các nơi cho cẩn thận. Ngày hôm sau Lý Cố đợi mãi không thấy Xái Phúc kết quả Lư Viên Ngoại, liền vội vàng chạy đến để hỏi.
Xái Phúc đáp rằng:
- Chúng tôi đương định hạ thủ, thì thấy Lương Trung Thư cho người xuống bắt phải gìn giữ cẩn thận lấy tính mệnh họ Lưu Trung Thư, mà không cho làm bậy...Vậy việc đó ông cứ lo ở quan trên cho xong, rồi tôi chắc hạ thủ ngay có khó gì?
Lý Cố lại quay về cậy người đem tiền đền nói với Lương Trung Thư.
Lương trung thư đáp rằng:
- Đó là công việc của lao Tiết Cấp, không lẽ ta thân hành đến đấy mà hạ thủ? Hãy để dăm ba hôm nữa thì nó cũng chết, chứ sống thế nào được mà vội?
Bấy giờ Trương Khổng Mục cũng đã nhận được tiền của Xài Phúc rồi đem văn án rút bớt tội xuống, rồi Xài Phúc lại thúc giục để kết đoán mau cho xoing công việc, Trương Khổng Mục đem văn án lên trình Lương Trung thư, Trung thư hỏi rằng:
- Việc này nên kết đoán thế nào cho phải?
Trương Khổng Mục nói:
- Chúng tôi thiết tưởng việc Lư Tuấn Nghĩa tuy có người cáo thú, song không có gì làm bằng chứng, vả có ở Lương Sơn Bạc ít lâu song cũng là theo đóm ăn tàn không phải là chính phạm, vậy việc này chỉ nên phạt bốn mươi trượng đem đày ra Viễn châu là hợp lẽ, chẳng hay tướng công nghĩ sao?
Lương Trung thư gật đầu khen rằng:
- Khổng Mục xử thế rất phải chính hợp với ý ta nên cho thi hành ngay đi.
Nói đoạn truyền cho Xài Phúc đem Lư Tuấn Nghĩa lên luyện án cho biết, phạt bốn mươi trượng thay gông sắt nặng hai mươi cân và sai Đổng Siêu, Tiết Bá áp giải đi sang Sa Môn đảo. Nguyên Đổng Siêu, Tiết Bá ngày trước ở phủ Khai Phong áp giải Lâm Xung đi sang Hoành Hải, bất đồ giữa đường bị Lỗ Trí Thâm hộ cứu không sao hại được Lâm Xung khi trở về bị Cao Thái uý quở phạt liền đem đày sang đất Bắc Kinh, tới đây Lương Trung thư thấy chúng là người tinh nhanh được việc nên lại cho vào trong phủ để cung ứng việc quan.
Hôm đó hai tên vâng lệnh Trung thư đem Lư Tuấn Nghĩa ra phòng Sứ thân rồi hai người trở về nhà để gói ghém hành lý, khi tới phố bỗng gặp Lý Cố mời hai người vào hàng rượu để đánh chén nói chuyện, chè chén hồi lâu rồi Lý Cố nói với hai người rằng:
- Chẳng giấu gì các ông Lư Viên ngoại chính là người thù của nhà tôi, ngày nay đi sang Sa Môn đảo đường sá xa xôi hắn ta tiền nong không có, không lẽ hai ông đi một chuyến xa hàng ba bốn tháng trời mà không có một đồng xu nào thì chịu làm sao được? Vậy tôi gọi là có hai đỉnh bạc lớn đây kính tặng các ông làm lộ phí xin các ông cố hết sức giúp tôi đem tên ấy ấy tới đâu rồi kết quả hắn ngay đi, và đem miếng thịt ở mặt về đây cho tôi được biết chẳng tiện hơn hat sao?
Hai anh em kia nghe nói nhìn nhau một lúc rồi Đổng Siêu nói rằng:
- Chỉ sợ không làm xong thôi...
Tiết Bá nói:
- Lý Đại quan nhân đây là người tử tế, ta nên giúp ngài việc này, rồi sau đây ta có việc gì ngài sẽ giúp ta chứ sao?
- Vâng! Tôi không phải là người vong ân bội nghĩa sau này thế nào cũng sẽ xin báo đáp các ông...
Nói đoạn đưa cho mỗi người năm mươi lạng bạc rồi cáo từ ra về, Đổng Siêu, Tiết Bá cũng nhận lấy tiền rồi hai người về nhà thu thập hành lý và áp giải Lư Tuấn Nghĩa lên đường. Khi sắp sửa ra đi Lư Tuấn Nghĩa nói với hai người rằng:
- Nay tôi mới bị đòn đau các ông hãy khoan thứ cho tôi đến mai hãy đi thì hơn.
Tiết Bá mắng lên rằng:
- Thôi bịt mồm lại, chúng ông cũng hắc vận nên mới gặp thằng cùng thân như mày... Từ đây sang Sa Môn đảo vừa đi vừa về sáu nghìn dặm đường phí tổn kể hết biết bao nhiêu? Thế mà mày không có một xu nào thì chúng ông làm cách gì mà đi được?
Lư Tuấn Nghĩa phàn nàn kêu rằng:
- Chúng tôi cũng cơn đen vận túng bị án oan khuất các ông thương lại cho tôi.
Đổng Siêu mắng lên rằng:
- Anh là một thằng thần giữ của xưa nay một cái lông cũng không dám nhổ ra... Nay trời xui khiến vậy cho anh biết thân một mẻ, thôi đừng oán hận nữa không đi được thì chúng tôi dắt đi.
Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy đành im hơi nuốt giận mà đi, đi đến ngoài cửa Đông hai người kia liền ôm cả đồ khăn gói khoác lên gông bắt Lư Tuấn Nghĩa phải đeo rồi vừa đi vừa đánh mắng nhiếc rất là tàn ác. Chiều hôm đó ước chừng đi được mười bốn mười lăm dặm đường thì trời đã gần tối Đổng Siêu, Tiết Bá liền dẫn Viên ngoại vào hàng để nghĩ. Khi vào tới hàng cất khăn gói ô áo xuống Tiết Bá bảo với Lư Tuấn Nghĩa rằng:;
- Chúng ông thực là khổ ai lại người làm việc quan phải hầu đứa có tội? Mày có ăn cơm thì đi thổi lấy mà ăn.
Lư Tuấn Nghĩa lại phải đeo gông kè kè ở cổ đi xuống bếp nhờ tên tiểu nhị lấy củi ra để nấu cơm, tên tiểu nhị rửa hộ nồi niêu vo gạo hộ rồi đặt lên cho Lư Tuấn Nghĩa nấu cơm. Nguyên Tuấn Nghĩa xưa nay là ông chủ nhà giầu không quen việc bếp núc thổi nấu, nay lại vớ được nắm củi ướt cứ thổi được lửa lên lại tắt phụt đi mất, chàng ta lại phải cúi đầu xuống thổi tro bụi vung lên không sao mà mở mắt ra được Đổng Siêu thấy vậy lại lảm nhảm mắng nhiếc luôn mồm rất là khổ sở. Được một lát cơm canh đã chín hai anh kia xới lên ăn nóng với nhau không hề cho Lư Tuấn Nghĩa một miếng nào cả. Mãi sau còn thừa một chút canh mới gọi Tuấn Nghĩa lên cho rồi Tiết Bá mắng chửi luôn một hồi nữa, khi ăn uống xong chúng bắt Lư Tuấn Nghĩa phải đi đun nước rửa chân, rồi lấy chậu nước đương sôi bắt chàng nhúng chân vào rửa. Chàng vừa mới tháo giày ra bị Tiết Bá cầm hai chân ấn vào nước nóng bỏng giãy kêu lên như người chết. Tiết Bá lại mắng rằng:
- Chúng ông hầu hạ thế mày còn kêu gì?
Đoạn rồi hai người lấy dây xích đem Lư Tuấn Nghĩa khoá vào sau cửa buồng rồi đi ngủ với nhau, đầu trống canh tư sáng hôm sau hai tên trở dậy sai tiểu nhị nấu cơm ăn uống với nhau, rồi lấy khăn gói hành lý giục giã ra đi Lư Tuấn Nghĩa nom thấy hai chân thì đã bỏng toạc cả da ngoài không sao mà bò đi được. Bấy giờ đương dạo mùa thu trời mưa không dứt hột đường lội và trơn Tuấn Nghĩa đi được một bước lại ngã một bước Tiết Bá liền cầm gậy đánh luôn vào lưng bắt phải đi mau. Đi chừng mười lăm dặm đường đến chổ khu rừng gần đó Lư Tuấn Nghĩa nói với hai người rằng:
- Tôi không thể nào đi được nữa các ông thương lại cho tôi nghỉ một lát.
Khi đó trời gần sáng rõ đường vẫn vắng tanh hai anh kia đưa Lư Tuấn Nghĩa vào đến một khu rừng rồi Tiết Bá nói rằng:
- Chúng ta dậy đi sớm quá bây giờ mỏi mệt lắm rồi ta muốn vào nghỉ đây một lát nhưng chỉ sợ thằng này nó chạy mất thôi.
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Tôi dẫu có cánh cũng không bay đi đâu được...
Tiết Bá nói:
- Chả tin gì anh được chúng tôi hãy trói anh vào đây đã.
Nói đoạn vớ cái thừng cài ở lưng ra quàng ngang vào bụng Lư Tuấn Nghĩa rồi mang ra gốc cây thông trói chặt vào gốc cây đó. Đoạn rồi Tiết Bá bảo với Đổng Siêu rằng:
- Đại ca chạy ra canh ở ngoài kia hể có ai đến thì đằng hắng lên cho tôi biết.
- Được! Chú cứ hạ thủ mau đi.
Nói đoạn Đổng Siêu ra đi Tiết Bá cầm gậy giơ lên đầu Lư Tuấn Nghĩa mà bảo rằng:
- Anh đừng nên trách tôi đây là tên Lý Chủ quản nhà anh thuê chúng tôi kết quả cho anh, nếu không chết ở đây thì đến Sa Môn đảo cũng chết, vậy bất nhược tôi kết quả sớm cho xong, anh có chết xuống âm ty thì cũng đừng oán tôi nhé? Ngày hôm nay sang năm là giổ đầu anh đó.
Lư Tuấn Nghĩa nghe nói hai hàng nước mắt đầm đìa đành phải cúi đầu chịu chết Tiết Bá liền giơ gậy lên để ra tay kết quả anh tù...
Trời cao đất rộng có hay!
Trông gương tôi chúa tớ thầy mà nghe!
Bây giờ giáo sẵn gươm kề
Nào ai hào hiệp nặng vì với ai?
Khi đó Đổng Siêu ở ngoài nghe đến tiếng huỵch một cái thì tưởng Tiết Bá đã kết quả xong bèn vội vàng chạy vào để xem, bất đồ khi vào tới nơi thấy Lư Tuấn Nghĩa vẫn còn trơ trơ trói vào gốc cây mà Tiết Bá đã ngã lăn xuống đất vất rời cây gậy một bên Đổng Siêu lấy làm lạ nói lẩm nhẩm rằng:
- Quái ác! Chẳng hay anh này dùng sức quá mà ngã chăng?
Nói đoạn giơ tay đỡ Tiết Bá dậy thì thấy Tiết Bá đã chết đờ ra miệng thổ ra toàn những máu tươi, mà có mũi tên cắm vào giữa bụng, Đổng Siêu thấy vậy vừa mới cất mồm toan kêu thì bỗng lại thấy tiếng dây cung bật tách, rồi một mũi tên cắm ngay mặt Đổng Siêu rồi ngã lăn ngay xuống. Đoạn rồi có một người ở trên cành cây gần đó lần xuống đi đến chổ Viên ngoại rút dao lưng ra cắt trói cho Lư Viên ngoại và tháo gông ra ôm Viên ngoại mà khóc lên rưng rức. Lư Tuấn Nghĩa mở mắt nhìn thì chính là Lãng Tử Yến Thanh liền kêu lên rằng:
- Tiểu Ất ôi! Chẳng hay hồn ta được gặp ngươi đó?
Yến Thanh đáp rằng:
- Tôi theo Chủ nhân từ Bắc Kinh đến đây ai ngờ quả nhiên đến khu rừng này, chúng toan hạ thủ thực vừa rồi tôi bắn hai phát tên chết cả hai đứa đó Chủ nhân có trông thấy hay chăng?
- Bây giờ đành rằng ngươi cứu ta thoát nạn song đã bắn chết hai người lính nhà quan thì tội càng nặng lắm vậy ngươi định đi đâu tránh cho khỏi tội mà đi?
- Nguyên trước vì Tống Công Minh nên chủ nhân mới phải như thế, vậy nay chủ nhân không lên Lương Sơn Bạc còn đi đâu được nữa?
- Nhưng hiện nay ta bị đòn đau lại vừa bị đau chân không thể đi được thì làm như thế nào?
- Bây giờ sự gấp đến nơi tôi xin cõng chủ nhân mà chạy ngay đi cho thoát.
Nói đoạn rồi vất hai xác ngay ra đó rồi đeo cung nỏ dắt dao lưng tay cầm gậy lưng cõng Lư Tuấn Nghĩa rồi theo về phía Đông để chạy, đi được mười lăm dặm đường nghe mỏi mệt quá chừng, chàng liền tìm vào một cái hàng con con ở thôn gần đó để ngủ trọ và kiếm cơm nước ăn uống với nhau.
Nói về Đổng Siêu, Tiết Bá bị chết trong rừng không ai biết tới, sau có người đi biết tới liền đến sở tại báo cho Lý trưởng cùng các chức dịch trong làng biết, tụi Lý trưởng thấy vậy vội vàng báo tin về phủ Đại Danh và khất quan cho người về khám. Khi Quan tư sai người về khám thấy mũi tên có bốn chữ Lãng Tử Yến Thanh chúng liền bẩm với Lương Trung thư, lập tức sức cho dân xã các nơi và sai người đi dò xét để bắt Yến Thanh và Lư Tuấn Nghĩa. Hôm đó Tuấn Nghĩa và Yến Thanh vào trọ trong hàng, bất đồ Tuấn Nghĩa bị roi đòn đau đớn bệnh lại nổi lên không sao đi được đành phải lưu lại đó để dưỡng bệnh ít lâu. Tên tiểu nhị ở điếm đó nhân thấy có tin đồn là Quan tư yết giấy tróc nã hai người giết lính công sai thì trong bụng lấy làm ngờ vực liền báo với Lý trưởng rằng:
- Trong hàng tôi có hai người khách trọ nom khả nghi lắm, hoặc giả là người giết lính công sai cũng nên.
Lý trưởng thấy nói liền đem chuyện báo cho bọn lính đi do thám biết để cùng đến thám nã.
Hôm đó Yến Thanh nhân không có tiền mua thức ăn liền vác nỏ đi ra quanh ven làng để bắn chim chuột về nấu ăn, khi về đến nửa chừng thì thấy dân làng reo hò ầm ỷ cả lên, Yến Thanh nấp vào gốc cây để xem động dạng gì? Đương khi đó chợt trông thấy hơn trăm người lính đều vác gươm vác dao xúm đi xung quanh trói Lư Tuấn Nghĩa lên xe mà dong đi qua đó. Yến Thanh thấy vậy cả kinh toan xông vào để cứu song trong tay không sẵn đồ đạc đành lui lại, mà không dám thò ra nữa. Chàng vừa bực tức vừa buồn bã nghĩ vẩn vơ còn một kế là lên Lương Sơn Bạc nói với Tống Công Minh đem quân xuống cứu thì mới thoát cho chủ được.
Chàng nghĩ vậy bèn lập tức gấp đường mà quay lên Lương Sơn Bạc, chàng đi đến nửa đêm hôm ấy trong bụng vừa đói vừa khát không có một đồng tiền nào để mua thức ăn thức uống bèn đi thốc lên một khu rừng cây ở trên ngọn núi đất mà ngủ đến sáng.
Sáng ngày hôm sau chàng nghĩ trong bụng bụng lấy làm lo âu phiền muộn, thương cho chủ nhân mà ngại cho mình đói khát bơ vơ không biết rằng có tìm được người cứu hay không? Chàng đương nghĩ vẩn vơ thì thấy trên cành có tiếng chim khách kêu réo liền nghĩ thầm trong bụng định bắn con chim, để vào trong làng nấu nướng nhờ mà ăn cho đỡ đói. Nghĩ vậy liền trở dậy vác nỏ chạy ra ngoài rừng ngẩng cổ lên nom thì thấy con chim khách cứ quay đầu vào chàng kêu ríu rít, Yến Thanh cầm tên nỏ ra tay rồi ngẩng trông lên trời lẩm bẩm khấn rằng:
- ''Yến Thanh tôi chỉ còn có một cây tên này nếu mà có thể cứu được chủ nhân ra thì tên bắn chim rơi xuống, bằng tính mạng chủ nhân tôi có đến nổi thế nào thì mũi tên bắn ra chim kia sẽ bay đi mất''.
Nghĩ đoạn đặt tên lên nỏ kêu lên một tiếng ''Như Ý Tử chớ lầm ta'' rồi nghe đến tách một cái trúng ngay vào đuôi con chim khách, con chim khách bị tên bắn vào liền vỗ cánh bay sè xuống chân núi. Yến Thanh đến nơi tìm quanh tìm quẩn không thấy con chim khách ở đâu thì trong lòng phiền não vô hạn. Chợt đâu thấy có hai người đi đến trước mặt, chàng ngẩng cổ lên nom thì thấy một người chít khăn mỏ lợn sau gáy có đôi vòng bạc vòng đồng, mình mặc áo lá đen chân đi một đôi giày đen tay cầm một cây gậy đoản; và một người khoác nón trắng mặc áo lụa thắt lưng đỏ chân đi giày da vai khoác khăn gói, tay cầm gậy đoản lưng dắt yêu đao cùng lượn qua trước mặt mà đi. Yến Thanh thấy vậy quay mình lại nhìn rồi nghĩ thầm rằng: ''Ta đương kiết cáu không có đồng nào, bất nhược quay lại đánh luôn cho mỗi thằng mấy cái cướp lấy khăn gói để lấy tiền tiêu rồi về Lương Sơn Bạc cũng được''. Chàng nghĩ đoạn liền bỏ cung nỏ xuống đó đuổi theo hai tên kia, hai anh kia đương cắm đầu cắm cổ vội vàng đi, bị Yến Thanh sấn đến đánh cho một quyền ngã lăn xuống đất rồi Yến Thanh cũng ra tay đánh luôn anh đi trước một thể. Bất đồ Yến Thanh chưa kịp đánh thì đã bị anh đi trước phang cho một gậy vào giữa đùi bên tả ngã lăn ngay xuống. Đoạn rồi anh bị ngã đứng phắt dậy dẫm chân lên bụng Yến Thanh rút dao ra toan chém, Yến Thanh vội kêu lên rằng:
- Hảo hán ơi! Tôi chết không tiếc chi song đáng thương một nổi không ai báo tin ccho tôi...
Anh chàng kia dừng tay lại xách Yến Thanh đứng dậy mà hỏi rằng:
- Thằng này mày nói rằng là báo tin gì?
- Bác định hỏi tôi mần chi?
Bấy giờ anh đi trước kia nắm lấy cổ tay Yến Thanh thấy có hoa chạm vẽ trên tay liền vội hỏi rằng:
- Anh có phải là Lãng Tử Yến Thanh gì đó ở nhà Lư Viên ngoại hay không?
Yến Thanh nghe nói liền nghĩ bụng thể nào cũng chết bất nhược nói phắt cho nó bắt để cùng chết với chủ còn hơn. Chàng liền nói rằng:
- Tôi chính là Yến Thanh ở nhà Lư Viên ngoại đây.
Hai người kia thấy nói vậy đều nhìn vào Yến Thanh mà nói rằng:
- Giá chậm tí nữa thì chúng tôi giết oan mất, nào ai biết đâu là Tiểu Ất ca đây. Bác có biết hai người chúng tôi không? Tôi là Bệnh Quan Sách Dương Hùng và ông này là Biển Mạnh Tam Lang Thạch Tú cùng làm đầu lĩnh ở Sơn Bạc đây. Nay chúng tôi vâng tướng lệnh Tống Ca ca đến Bắc Kinh để thăm tin Viên ngoại rồi Quân sư tôi cùng Đới Viên trưởng cũng đến sau kia.
Yến Thanh thấy vậy mừng rỡ liền đem chuyện Lư Viên ngoại thuật lại cho hai người nghe Dương Hùng bảo với Thạch Tú rằng:
- Nếu vậy tôi với Tiểu Ất ca cùng trở về sơn trại để báo với Tống Ca ca cón Thạch huynh một mình đi vào Bắc Kinh để dò xét xem sao rồi sẽ về báo.
Thạch Tú vâng lời rồi giở thịt khô bánh nướng cho Yến Thanh ăn và đưa khăn gói cho Yến Thanh khoác để cùng về Lương Sơn với Dương Hùng.
Khi về đến sơn trại Yến Thanh thuật hết chuyện cho Tống Giang nghe, Tống Giang nghe nói cả kinh liền họp tất cả các Đầu lĩnh để tính kế cứu Lư Tuấn Nghĩa.
Về phần Thạch Tú một mình đem mấy thứ quần áo cần dùng đi vào tới địa hạt Bắc Kinh, gặp khi trời tối không được vào thành lại phải đến hàng để trọ. Sáng hôm sau chàng cơm nước xong đi vào tới trong thành chợt thấy ở trong phố xá các người đều lao xao nói với nhau người nào nom cũng có vẻ buồn bã thương tâm hết thảy. Thạch Tú thấy vậy trong lòng lấy làm nghi hoặc bèn lần ra đến giữa chợ tìm một ông già để hỏi chuyện, ông già thấy Thạch Tú hỏi thì thở dài lắc đầu mà nói rằng:
- Ông ở xa đến đây không biết, nguyên Bắc Kinh tôi đây có một ông Lư Viên ngoại là tay tài chủ anh hùng phúc đức, dạo trước bị đám Lương Sơn Bạc bắt lên núi mấy tháng mới được thả về, khi về nhà bị Quan tư đem đầy sang Sa Môn đảo; sau không biết vì sao lại đánh chết hai người lính giải rồi Quan tư bắt được liền kết án xử tử mà đem chém ở ngoài chợ, chỉ vào khoảng giờ Ngọ hôm nay là hành hình đó.
Thạch Tú nghe đến đó giật nẩy mình toát mồ hôi vội cắm đầu cắm cổ chạy ra hàng cơm gần chỗ pháp trường rồi trèo tót lên gác để ngồi. Tên tửu bảo chạy theo lên hỏi rằng:
- Ngài định mời ai, hay định xơi rượu một mình?
Thạch Tú trợn mắt lên mà nói rằng:
- Rượu cho nhiều thịt cho lớn đem lên đây hỏi cái gì?
Tửu bảo sợ mất vía vội quay ra lấy hai cân rượu, một mâm thịt bò lớn rồi bưng lên Thạch Tú ăn một hồi no say đâu đấy rồi ngồi đó để đợi. Được một lát thì thấy dưới phố ào ào cả lên chàng liền chạy ra chổ cửa sổ để nom, thì thấy phố xá nhà nào cũng đóng cửa kín mít cả, tửu bảo chạy lên nói với Thạch Tú rằng:
- Ngài say rồi hay sao? Ở đây hôm nay có việc quan cấm cả các hàng xin ngài trả tiền rồi đi chổ khác cho...
Thạch Tú trừng mắt lên quát rằng:
- Cái quái! Tao sợ gì! Muốn sống bước ngay đi ông đánh cho một mẻ bây giờ.
Tên tửu bảo nín thít đi thẳng xuống lầu không dám nhìn lại nữa. Hồi lâu bỗng thấy chiêng trống vang lừng thừ đằng xa đi đến Thạch Tú nom ra cửa sổ thấy trên con đường chữ thập ngay trước cửa lầu vây bọc lấy một khu pháp trường, rồi thấy mười mấy đôi tay đao dong Lư Tuấn Nghĩa bắt quỳ ở đó. Thiết Tý Phụ Xái Phúc cầm thanh pháp đao Nhất Chỉ Xoa Xái Khánh nâng đầu gông lên bảo với Lư Tuấn Nghĩa rằng:
- Lư Viên ngoại ơi! Chắc ông khôn ngoan ông cũng biết việc này không phải là anh em chúng tôi không cứu được ông, song thực là số phận ông sui ra như thế. Vậy chúng tôi đã đặt vị thứ của ông vào trong miếu Ngũ khánh kia rồi xin hồn ông về đó mà hưởng thụ.
Nói đoạn thấy có tiếng xướng lên rằng:
- Đúng giờ Ngọ ba khắc rồi...
Đoạn rồi Xái Khánh tháo gông ở cổ Lư Tuấn Nghĩa ra và Xái Phúc cầm pháp đao ra tay cẩn thận, bấy giờ Trương Khổng Mục cầm văn án đọc to lên cho mọi người nghe rồi treo biển lên để hành hình. Thạch Tú ngồi trên gác thấy tuyên án xong liền rút dao ra thét gầm lên một tiếng rằng:
- Bọn hảo hán Lương Sơn Bạc đây...
Xái Phúc, Xái Khánh nghe tiếng kinh sợ rụng rời vất bỏ Lư Viên ngoại đấy mà tháo thân chạy trước, Thạch Tú ở trên gác nhảy xuống giơ đao chém vung chết mười mấy người rồi hai tay ôm lấy Lư Tuấn Nghĩa mà chạy thẳng về phía Nam. Khi đó Thạch Tú dắt Lư Tuấn Nghĩa ùa chạy bất đồ luống cuống không thuộc đường lối trong thành Bắc Kinh còn Lư Viên ngoại cũng mê mẩn tâm thần cũng không nhấc chân đi được, hai người lẩn quẩn quanh co không biết lối nào mà ra khỏi thành cho thoát.
Bên kia Lương Trung thư nghe báo có người đến cướp pháp trường, liền hạ lệnh lập tức đóng các cửa thành mà cho nhân mã đi lùng bắt lại...
Mới hay:
Giữa trường giáo dựng gươm xây
Xông pha ngang dọc một tay anh hùng.
Chỉ e sức yếu đường cùng
Tay không khôn thoát khỏi vòng mà ra?
Phũ phàng chi mấy tài hoa?
Đất bằng gây cuộc phong ba ầm ầm...
Nào ai nghĩa nặng tình thâm.
Bây giờ thời vận thăng trầm hỏi ai?
Hồi 62:
Tống Giang đến đánh Đại Danh thành
Quan Thắng bàn pháLương Sơn Bạc
Bấy giờ Thạch Tú cùng Lư Tuấn Nghĩa còn đương quanh quẩn trong thành, tìm lối để tháo, bất đồ bị quân mã bốn mặt đổ lại, thả giây móc mà bắt cả đôi người, rồi trói chặt giải vào trong phủ.
Khi vào tới nơi, Lương Trung Thư sai đem tên cướp pháp trường, lên trước công trường để hỏi. Thạch Tú lên đến nơi, trợn trừng mắt ầm lên rằng:
- Bớ quân đi làm đầy tớ, những tên đầy tớ kia, Ca Ca ta nay mai đem binh đến đánh phá thành Đại Danh, chém thây ngươi ra làm mấy đoạn, ngày nay sai lão gia đến đây, để báo trước cho mày đó...
Chàng vừa nhiếc vừa mắng luôn mồm không thôi, bao nhiêu người đứng đó, đều ngây hẳn người ra.
Lương Trung Thư thấy vậy, trong bụng băn khoăn nghĩ ngợi hồi lâu, rồi sai lấy gông ra gông hai người lại, đem giam vào ngục tử tù, mà dặn Xái Phúc phải trông coi cho cẩn thận.
Xái Phúc nguyên có ý muốn làm quen với bọn hảo hán Lương Sơn Bạc, liền cho Lư Tuấn Nghĩa cùng Thạch Tú vào một nhà lao sạch sẽ, và thiết cơm rượu rất là chu đáo, không hề có một điều chi khinh bỉ.
Bấy giờ Lương Trung Thư sai quan Vương Thái Thú ở bản châu đi kiểm điểm số người bị thương, thấy có bảy tám mươi người bị chết, còn thì gãy chân gãy tay vỡ đầu vỡ mặt, không biết tới đâu mà kể, ương Trung Thư liền cho lấy tiền kho ra để cứu chữa người đau và chôn hoá những người bị chết.
Ngày hôm sau bỗng thấy có người nhặt được mấy mươi tờ yết thị của bọn Lương Sơn Bạc, đem trình với Lương Trung Thư. Trung Thư cất lấy xem, thấy trong tờ yết thị rằng:
- "Nghĩa sĩ ở Lương Sơn Bạc là Tống Giang có lời nói cho các quan ở trong thành Đại Danh biết Lư tuấn Nghĩa là một bậc hào kiệt nhất đời, ta muốn đón lên trên núi để cùng thay Trời làm Đạo, sinh phúc cho dân, thế mà các ngươi dám nghe kẻ gian tà lại hại người lương thiện, rồi sao bắt cả người đưa tin của ta là Thạch Tú vào ngục,là nghĩa làm sao? Nếu các ngươi biết điều mà giữ toàn tính mệnh cho hai người, mà bắt đứa gian phu dâm phụ đem ra nộp, thì ta đây cũng không sinh sự làm chi; Bằng cố tình làm hại hai người, thì nay mai nhổ trại đem quân đại binh đến đâu, đá vàng tan nát, trừ hết gian tham, giết tàn ngu bỉ, trời đất chứng minh, qủy thần phò hộ, vui mừng mà đến, khua múa mà đi; Bao nhiêu con hiếu cháu lành, quan liêm lại tốt, cùng hết thẩy con dân, cứ yên phận làm ăn, không có việc chi kinh khủng. Các ngươi nên biết ý ta..."
Lương Trung Thư xem đến đó, liền gọi Thái Thú họ Vương đến để bàn định xem sao.
Vương Thái Thú vốn người rút rát, lại nghe những lời nói trong tờ yết thị, thì trong lòng lấy làm lo sợ, bèn đến nói với Lương Trung Thư rằng:
- Bọn Lương Sơn Bạc xưa nay triều đình muốn khu trừ không được, huống chi là một quận ta đây thì thấm vào đâu. Ngộ lỡ ra nay mai bọn ấy đem quân đến đánh, mà ta đây không có binh viện, thì hối sao cho kịp? Vậy cứ như ý tôi, thiết tưởng ta nên lưu tính mạng hai người đó, nhất diện biểu tấu triều đình, nhất diện viết giấy báo cho Xái Thái Sư biết, và đem quân mã của bản châu ra ngoài thành hạ trại để phòng bị, thì may ra mới có thể chu toàn cho phủ Đại Danh, mà dân gian mới yên phận mà làm ăn được. Bằng nay giết hai tên đó đi, thì khi quân giặc đến nơi, một là không có binh cứu viện, hai là triều đình đem bụng nghi ngờ, mà ba là dân sự rối loạn thì thành Đại Danh tất là nguy hiểm đến nơi.
Lương Trung Thư nghe nói khen rằng:
- Quan phủ nói thế rất phải, ta cũng phải làm thế mới xong.
Nói rồi liền gọi Tiết Cấp và Xái Phúc lên mà dặn rằng:
- Hai tên giặc đó không phải là tội tầm thường, ngươi phải trông nom cho cẩn thận, không được hại đến người ta, mà cũng chớ cho nó trốn được. Việc đó tất phải vừa khoan vừa nhặt, mà coi giữ luôn luôn, để sau nầy sẽ liệu.
Xái Phúc nghe nói đúng với tâm lý của mình đang thích liền vâng lời trở xuống nhà lao, mà theo lệnh để thi hành.
Lương Trung Thư gọi hai người binh mã Đô Giám, là Đại Đao, Văn Đạt, và Thiên Vương Lý Thành lên công đường, thuật chuyện tờ yết thị, cùng lời nói của Vương Thái Thú cho hai người nghe.
Lý Thành nói với Lương Trung Thư rằng:
- Đám giặc cỏ ấy bao giờ dám rời sào huyệt ra, mà tướng công phải sợ? Chúng tôi dẫu tài hèn sức kém, song xưa nay chịu lộc đã nhiều, chưa có chút công đền báo, vậy tôi xin hết lòng thần tử mà đem quân ra đóng ngoài thành; nay mai quân giặc không đến thì thôi, bằng quân giặc có vô phúc mà rời sào huyệt dắt díu đến đây, thì chúng tôi không phải nói khoác, song cũng trừ cho kỳ tiệt, không còn mống nào trở về được nữa...
Lương Trung Thư nghe nói cả mừng, sai lấy mấy tấm đoạn hoa vàng ra thưởng cho hai tướng. Hai tướng tạ ơn lui ra đến sáng hôm sau Lý Thành cho gọi các quân sĩ đến bàn việc chống cự giặc Lương Sơn.
Bấy giờ có một người uy phong lẫm lẫm, tướng mạo đường đường, tên là Cấp Tiên Phong Sách Siêu, chạy ra trước trướng. Lý Thành truyền lệnh rằng:
- Đám giặc cỏ Tống Giang nay mai sắp tới thành ta đây, vậy ngươi phải đem quân bản bộ ra khỏi ba mươi dặm ngoài thành mà đóng trại, rồi ta sẽ đem đại quân đến sau.
Sách Siêu vâng lệnh lui ra. Ngày sau đem quân bản bộ tới núi Phi Hổ Dực, cách thành ba mươi lăm dặm mà hạ trại ngay cạnh núi. Hôm sau nữa Lý Thành dẫn các tướng ra đất Hoè Thụ, cách thành chừng hai mươi nhăm dặm để hạ trạïi, bốn bên giấu sẵn đao thương, và chứa ngầm lộc giốc, ba mặt đào hầm khoét hố, quân sĩ cùng các tướng, đều là hiệp lực đồng tâm, nghiến răng nghiến lợi, chỉ đợi Lương Sơn đến, là ra sức tranh công.
Nói về bọn Lương Sơn Bạc, khi tiếp được Yến Thanh cùng Dương Hùng về báo, Ngô Dụng liền sai Đới Tung lập tức đi theo để dò xem tin tức Thạch Tú cùng Lư Viên Ngoại. Sau khi Đới Tung biết tin hai người bị bắt liền lập kế viết ra các giấy yết thị dán khắp mọi nơi, để Quan Tư khỏi hại tính mạng hai người, rồi lập tức về báo cho sơn trại biết.
Tống Giang nghe nói cả kinh, liền mời các Đầu Lĩnh ra bàn việc, và nói với Ngô Dụng rằng:
- Nguyên trước Quân Sư lập kế chỉ định cho Lư Tuấn Nghĩa lên đây, ai ngờ Lư Tuấn Nghĩa phải chịu khổ nhục, mà Thạch Tú cũng bị bắt vì đó, vậy ngày nay có kế gì mà cứu ra cho thoát được?
Ngô Dụng nói:
- Việc ấy xin Huynh trưởng cứ vững tâm, tôi đây tuy không bằng ai thực, song cũng khả dĩ nhân cơ hội nầy mà cướp lương thực ở thành Đại Danh, để cướp cho sơn trại. Ngày mai là ngày tốt, vậy xin huynh trưởng chia lấy một nửa Đầu Lĩnh coi trại ở nhà, còn một nửa thì lập tức đem binh đi đánh Đại Danh.
Tống Giang nghe nói, liền gọi Thiết Diện Khổng Mục Bùi Tuyên cắt quân để ngày mai ra đi.
Hắc Toàn Phong Lý Quỳ nói lên rằng:
- Hai cái búa của tôi bấy lâu để ế ẩm, phen nầy lại đi đánh thành thì chắc nó mừng lắm. Vậy xin Ca Ca cho tôi năm trăm tiểu lâu la, đến đó phá hết thành trì, giết sạch quan dân, cứu Lư Viên Ngoại, và Thạch Tú cho thằng đạo đồng câm nầy được hả lòng một chút.
Tống Giang gạt đi rằng:
- Anh tuy khỏe thực, song ở đấy không phải như mọi chỗ khác. Lương Trung Thư là con rễ Xái Thái Sư, lại có chủ tướng là Lý Thành, Văn Đạt, đều những tay vạn người không địch nổi cả.
Lý Quỳ kêu lên rằng:
- Ca Ca bữa trước rằng tính tôi hay nói, bắt tôi phải giả làm đứa câm, ngày nay biết tính tôi hay giết, lại bắt không cho tôi làm Tiên Phong, cứ cái cách dùng người như thế, thì khổ chết Thiết Ngưu nầy mất.
Ngô Dụng nói:
- Ừ anh đã thích đi, thì cho anh làm Tiên Phong... điểm cho năm trăm lâu la, ngày mai cho đi đầu trận.
Nói rồi Ngô Dụng cùng Tống GIang cắt đặt các quân mà cho Bùi Tuyên yết thị ra các Trại để theo hiệu lệnh mà làm.
Bấy giờ vào khoảng cuối thu sang đông, khi trời lạnh lẽo, bọn chinh phu ăn mặc dễ chịu, ngựa hãm đã lâu, quân nghĩ đã chán, ai nấy đều hăng hái lấy sự đánh nhau làm thích. Khi được hiệu lệnh, chúng đều hớn hở vui mừng, sắp sửa gươm giáo cung tên, chỉnh tề đai nịt xe ngựa, rồi ngày hôm sau cùng kéo xuống núi, Đội thứ nhất Lý Quỳ kéo năm trăm tiểu lâu la đi trước; Đội thứ nhì Giải Trân, Giải Bảo, Khổng Minh, Khổng Lượng, dẫn một nghìn lâu la đi sau: Hổ Tam Nương, Mẫu Dạ Xoa, tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu mấy nữ tướng dẫn một nghìn lâu la đi đội thứ ba; Lý Ứng cùng phó tướng Sử Tiến, Tôn Lập, dẫn nghìn lâu la đi đội thứ tư; Trung quân chủ tướng Tống Giang cùng quân sư Ngô Dụng, và bốn viên Đầu Lĩnh theo hầu, Lã phương, Quách Thịnh, Tôn Tân, Hoàng Tín. Tiền quân thì có Tần Minh, và phó tướng là Hàn thao và Bành Dĩ. Hậu quân thì có Lâm Xung cùng phó tướng là Mã Lân, Đặng Phi; tả quân thì có Hô Duyên Chước, cùng phó tướng là Âu Bằng; Yến Thuận, Hữu quân thì có Hoa Vinh cùng phó tướng là Trần Đạt, Dương Xuân,và đem Lăng Chấn đi kèm vào đó. Lại đem Đới Tung cùng đi để đem lương thảo, và dò các tin tức trong quân.
Sáng hôm đó các tướng đều theo thứ tự tiến binh đi đánh. Duy còn có phó tướng Quân Sư Công Tôn Thắng, cùng Lưu Đường, Chu Đồng, Mục Hoằng thống lĩnh quân mã coi giữ sơn trại ở nhà, và Thủy trại có bọn Lý Tuấn coi giữ.
Khi quân mã Lương Sơn kéo đến, quân sĩ bèn vào báo với Sách Siêu, Sách Siêu nghe báo, liền vào Hoè Thụ Phi báo cho lý Thành biết. Lý Thành nhất diện cho người vào báo trong thành, nhất diện chỉnh đốn quân mã đến trại Sách Siêu để tiếp ứng.
Sách Siêu đón Lý Thành vào trong trướng bàn việc quân. Đầu trống canh năm ngày hôm sau, quân sĩ ăn cơm thực sớm, rồi nhổ trại kéo quân đến bãi Rữa Gia dàn thành trận thế.
Bấy giờ tất cả vạn rưỡi nhân mã dàn trận chỉnh tề, rồi Lý Thành cùng Sách Siêu nai tịt cẩn thận, cưỡi ngựa chiến đứng dưới cửa c, để đợi binh mã bên kia. Được một lát về phía bên đông, bụi bay rợp đất, có một hảo hán đen lớn; vác song phủ đi đầu, dẫn năm trăm quân kéo đến.
Khi tới nơi hảo hán múa song phủ quát lên rằng:
- Có biết tay hảo hán Hắc Toàn Phong gia gia ở Lương Sơn Bạc đây không?
Lý Thành ngồi trên mình ngựa nom thấy vậy, cười mà bảo với Sách Siêu rằng:
- Xưa nay cứ nói đến hảo hán ở Lương Sơn Bạc, té ra toàn bộ giặc cỏ như thế cả, làm gì mà sợ. Tiên Phong thử coi xem, sao không bắt lấy thằng ấy trước đi đã.
Sách Siêu cười rằng:
- Việc đó bất tất phải đến tay Tiểu Tướng, chắc hẳn đã có người khác lập công...
Nói chưa dứt lời thì thấy viên thủ tướng Vương Định múa gươm trường dẫn một trăm quân mã bộ hạ xông ra để đánh, Vương Định vừa mới kéo ra,đã bị Lý Quỳ sát cho một trận bỏ chạy hết cả. Sách Siêu thấy vậy vội kéo quân ra để tiếp đánh. Bất đồ vừa được mấy bước, thì thấy chiên trống vang lừng rồi có hai toán quân mã ở trong sườn núi kéo ra. Toán bên tả có Giải Trân, Khổng Lượng: Toán bên hữu có Khổng Minh, Giải Bảo, đều kéo năm trăm lâu la sát đến. Sách Siêu thấy bên kia có quân tiếp ứng, liền kinh sợ kéo quân về bản trận.
Lý Thành hỏi:
- Sao không bắt thằng giặc ấy đi?
Sách Siêu đáp rằng:
- Tiểu tướng đuổi qua núi, đương sắp đáng bắt, bất đồ có quân phục kéo ra, không sao hạ thủ ngay được.
Lý Thành nói:
- Chà! Quân giặc cỏ ấy thì sợ gì?
Nói đoạn toan kéo quân lính tiền bộ tiến lên để đánh.
Chợt đâu lại trông thấy phía trước có một toán nhân mã vừa kéo đến một Nữ Tướng kéo lá cờ đỏ chữ vàng, thêu năm chữ " Mỹ Nhân Nhất Trượng Thanh" đi đầu, bên tả có Cố Đại Tẩu, bên hữ có Tôn Nhị Nương, dẫn một nghìn nhân mã, toàn thị là bọn năm dài bảy ngắn, ngũ nhạc tam sơn, kéo cả đến đó.
Lý Thành nom thấy lại cười rằng:
- Quân mã kia thì làm gì được! Tiên Phong ra đánh mặt trước, để tôi chia binh ra bốn mặt, bắt quân giặc cỏ cho tuyệt nọc đi.
Sách Siêu lãnh tướng lệnh, múa kim tiêu, vỗ ngựa xông ra để đánh Nhất trượng Thanh, Nhất Trượng Thanh bèn quay ngựa vào trong khe núi mà chạy, Lý Thành chia quân để đánh, Bỗng gặp Lý Ứng cùng Sử Tiến, Tôn Tân dẫn quân mã ầm ầm kéo đến, chàng bèn kinh sợ, lui quân vào bãi Rữ Gia, Bấy giờ Giải Trân, Khổng Lượng xông vào bên tả, Khổng Minh Giải Bảo xông vào bên hữu, rồi ba viên nữ tướngcũng quay ngựa lại để đánh, quân mã Lý Thành đều kinh sợ kéo nhau mà chạy tháo về trại. Khi về gần tới trại lại gặp Lý Quỳ chạy ngang đường để đánh. Lý Thành, Sách Siêu, hết sức đánh tháo lấy đường mới được thoát về trong Trại, trở về đến trại, kiểm điểm nhân mã thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.
Quân mã Tống Giang thấy vậy cũng không đuổi theo, liền tạm dừng quân mã hạ trại để nghỉ. Lý Thành, Sách Siêu bị thua trận đầu, liền cho người báo với Lương Trung Thư, Trung Thư sai Văn Đạt, lập tức phải đem quân bản hộ, để đánh giúp. Khi Văn Đạt ra tớn nơi, Lý Thành đón vào trong trại để cùng bàn việc quân.
Văn Đạt cười bảo Lý Thành rằng:
- Việc đó cỏn con thế, bỏ gì mà phải nghĩ, để sáng mai đánh cho chúng một trận là xong.
Hai người bàn định xong, đầu canh tư hôm sau, truyền quân sĩ trở dậy ăn cơm, rồi sang canh năm kéo quân ra đánh. Bên kia quân mã Tống Giang cũng ầm ầm kéo đến như gió thổi nước reo, thế mạnh không biết tới đâu mà kể, Văn Đạt thấy vậy liền truyền quân mã dàn thành thế trận, và lại truyền cung nỏ ra bắn giữ ven trận.
Bên trận Tống Giang có một viên Đại Tướng, dẫn l1 cờ đỏ thêu năm chữ " Tích Lịch Hỏa T6àn Minh ", đi ra trước trận quát to lên rằng:
- Đám quan tham lại nhũng ở phủ Đại Danh, nghe ta nói: đã lâu nay ta định đem quân đến đánh thành trì, song còn thương đám lương dân trong thành, nên chưa nỡ quyết. Nay ngươi đem Lưu Tuấn Nghĩa cùng Thạch Tú và đứa gian phu dâm phụ ra nộp trả đây thì ta sẽ lui quân lập tức, không hề sâm nhiễu làm chi. Bằng ngu xuẩn không nghe thì ta cho biết...
Văn Đạt nghe nói cả giận, hỏi lên rằng:
- Ai bắt thằng giặc ấy cho ta?
Nói dứt lời thì Sách Siêu phóng ngựa ra trước cửa trận quát lên rằng
- Thằng kia nguyên là mệnh quan của nhà nước, triều đình đã phụ chi ngươi, mà ngươi nỡ bỏ kiếp làm người để đi lạc thảo? Nay ta bắt ngươi, quyết xé ra muôn đoạn mới thôi.
Tần Minh nghe câu đó, lại như lửa cháy đổ thêm dầu, đùng đùng nổi giận, múa Lang Nha Côn xông ra để đánh. Sách Siêu cũng phóng ngựara đánh với Tần Minh. Đôi bên cùng ngựa hăng người khoẻ, đánh nhau tới hai mươi hiệp không phân được thua. Bên kia Hàn Thao đứng trong đội tiền quân, dương cung đặt tên bắn một phát trúng phải cánh tay tả. Sách Siêu bỏ rời đại phủ ra, rồi quay ngựa về bản trận. Tống Giang cầm roi trỏ vẫy tam quânnhất tề xông ra đánh giết máu chảy thành sông, xương phơi đầy nội, đuổi đánh khỏi bãi Rữa Gia, cướp cả tiểu trại ở Hoè Thụ Phi, rồi Văn Đạt chạy về Phi Hổ Dực, kiểm điểm quân mã chia ba thiệt mất một phần.
Chiều hôm đó Tống Giang đóng quân ở Hoè Thụ Phi, Ngô Dụng bàn mưu rằng:
- Quân binh thua chạy, trong lòng tất khiếp, nay nếu không thừa thế đánh trận, thì sau nầy khó phá ngay được.
Tống Giang khen phải, liền truyền lệnh những quân lính giỏi đắc thắng lập tức đêm hôm đó phải tiến lên để đánh.
Đêm hôm đó Văn Đạt đương ngồi lo nghĩ ở trong trướng, chợt thấy lính báo
- Về phía bên đống có một dẫy lửa kéo đến.
Chàng thúc quân sĩ lên ngựa,đi ra phía đông để xem, thì thấy lửa sáng rực trời, không biết bao nhiêu mà kể. Chợt lại thấy về phía bên Tây cũng có một dẫy lửa kéo đến, chàng quay ngựa về phía Tây để xem. đương khi đó, chợt thấy tiếng kêu dậy đất, rồi có Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, cùng phó tướng Dương Xuân, Trần Đạt, ở dẫy lửa về phía bên Đông kéo xông vào.
Văn Đạt kinh sợ vội kéo quân về Phi Hổ Dực. Chợt lại thấy phía bên Tây có Hô Duyên Chước dẫn phó tướng là Âu Bằng, Yến Thuận kéo quân xông đến. Hia phía đều hăng hái ra sức, hò reo vang lừng mà kéo ập vào. Đoạn rồi thấy Tần Minh dẫn phó tướng là Hàn Thao, Bành Dĩ ở đằng sau ầm ầm kéo đến, người reo ngựa hét, đông đúc không biềt tới đâu mà lượng được.
Quân mã Văn Đạt đều rối loạn cả lên, liền nhổ toàn trại mà chạy. Chợt lại thấy phía trước reo hò ầm ĩ, rồi có một tiếng súng kêu nổ dậy trời, quân sĩ đều hết hồn mà chạy đi không được. Nguyên đó là Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn kéo quân theo lối đường hẻm,đến bên núi Phi Hổ Dực nổ súng ra hiệu, để cho các mạn quân mã biết đường mà đánh.
Khi đó Lâm Xung dẫn phó tướng là Mã lân, Đặng Phi, đón chặng đường đi của Văn Đạt, rồi bốn bên trống trận nổi lên ầm ầm, đóm đuốc sáng rực cả trời, làm cho quân mã của Văn Đạt đều tháo chạy rối lên không sao giữ được.
Văn Đạt múa đại đao hết sức cướp đường để chạy. May gặp có Lý Thành kéo binh đến tiếp, hai người đều hợp quân làm một, vừa đánh vừa chạy giật lùi, mãi đến khi trời sáng mới về đến thành. Lương Trung Thư nghe tin quân thua, sợ kinh hết cả hồn vía, vội điểm binh ra thành tiếp đón đám tàn quân của hai tướng, rồi đóng chặt cửa thành giữ riết ở trong nhà mà không dám thò ra đánh nữa.
Sáng hôm sau quân mã Tống Giangkéo đến đóng trại ở chân thành phía bên Đông, rồi sắp sửa để đánh phá châu thành.
Bấy giờ Lương Trung Thư họp các quan lại, để bàn kế giải cứu.
Lý Thành nói rằng:
- Quân giặc đến thành rất là cần cấp, nay nếu lững thững tất bị hãm mất thành, vậy tướng công nên sai người về báo cho Kinh Sư với Xái Thái Sư, để ngài tâu với triều đình, mang binh ra cứu. Còn ở đây thì nhất diện nhờ Quan Phủ Đại Danh sức cho dân phu, đem đủ các đồ gỗ đá cung tên, để ra sức cùng nhau giữ thành, thì may ra mới khỏi nguy được.
Lương Trung Thư nghe nói, liền viết thư sai gia tướng là Vương Định, dẫn mấy tên quân mã lẻn ra ngoài thành để phi báo vào nơi kinh sư, và cầu cứu các nơi phủ huyện, còn trong thành thì nói với Vương Thái Thúlập tức bắt dân phu coi giữ rất là cẩn thận.
Bên kia Tống giang truyền lệnh các tướng vây thành, hạ trại ba mặt Đông,Tây, Bắc, còn bỏ trống cửa Nam để ngày ngày cho quân đến đánh phá. Nhất diện lại sai người đến sơn trại thôi thúc lương thảo. Làm cách lâu dài để vây lấy thành Đại Danh, cứu lấy hai người cho kỳ được.
Lý Thành,Văn Đạt ngày nào cũng đem quân ra đánh, không nên công trạng chút gì, còn Sách Siêu thì bị trúng mũi tên, vẫn không sao khỏi được, tính mạng thành Đại Danh cơ hồ gần nguy cấp đến nơi.
Nói về Vương Định dẫn hai tên lính kỵ thẳng vào Đông Kinh tới phủ Thái Sư nói với lính gác vào báo cho Thái Sư biết. Xái Thái Sư nghe nói truyền cho Vương Định vào hầu. Vương Định vào tới nhà trong đưa mật thư lên trình Thái Sư. Thái Sư xem xong cả kinh, hỏi rõ mọi việc, Vương Định liền đem mọi việc Lư Tuấn Nghĩa, và binh thế của Tống Giang bẩm rõ cho Thái Sư biết.
Thái Sư bảo với Vương Định rằng:
- Ngươi đi xa tới đây hãy còn mệt nhọc, hãy ra nghỉ ngoài trạm, để ta họp các quan bàn định xem sao, rồi sẽ liệu.
Vương Định bẩm rằng:
- Thành Đại Danh hiện nay như trứng để đầuđẳng. Nếu lỡ ra bị hãm, thì các phủ huyện ở Bắc Hà tất nguy, vậy xin ân tướng mau mau cho quân ra tiểu trừ mới được.
Xái Kính nói:
- Ta hiểu rồi, ngươi cứ ra đó, khắc ta liệu.
Vương Định lạy chào lui ra, Thái Sư liền mời các quan văn võ ở Viện Khu Mật lập tức đến bàn việc quân, khi các quan trong Khu Mật Viện, cùng ba nha Thái Úy, đã tề tựu cả. Thái Sư bèn thuật chuyện cho nghe, và bàn hỏi xem sách dùng binh sai tướng như thế nào, để bảo toàn phủ Đại Danh cho được? Các quan nghe nói đều len lét nhìn nhau, không ai nói được câu gì cả. Chợt đâu thấy một người đứng sau bộ quan Thái Úy, chạy ra vái chào mà nói rằng:
- Chúng tôi xin tiến cử một người, ân tướng tha phép chúng tôi xin nói.
Nguyên người nầy họ Tuyên tên Tán, mặt đen chìu chĩu, mũi ngửa lên trời, tóc quăn râu đỏ, mình cao tám thước hay khiến cây cương đao, võ nghệ rất giỏi, trước đã làm chức Quận Mã ở Vương Phủ, người ta thường gọi là Xú Quận Mã (Quận Mã Xấu). Nhân khi chàng đánmh được Phiên tướng, Quận vương có lòng yêu quý võ nghệ, liền gả con gái cho làm vợ. Sau quận chúa thấy chàng xấu quá, đến nổi buồn bực mà chết. Nhân vậy chàng cũng không được trọng dụng, mà hiện nay vẫn giữ chức binh mã Bảo Nghĩa Sứ ở trong Vương phủ. Hôm đó chàng thấy các quan đều im ỉm, không không ai nói được câu nào, liền có ý tức giận, mà chạy ra kêu với Thái Sư.
Bấy giờ Thái Sư nghe nói, liền hỏi Tuyên Tán rằng;
- Tướng quân định tiến cử ai cứ nói cho ta biết?
- Bẩm Thái Sư khi chúng tôi còn nhỏ, có một người anh em quen biết ở trong làng, họ Quan tên Thắng, vốn con cháu Võ An Hầu ở cuối đời nhà Hán khi trước. Anh ta tướng người vạm vỡ cũng giống với ông tổ là Quan Vân Trường, khiến cây đao Thanh Long Yển Nguyệt, hiện nay làm Tuần Kiểm ở Bồ Đông, là một chức tầm thường ở dưới. Người đó lúc nhỏ có đọc Kinh Sử, rất giỏi về võ nghệ, sức khoẻ muôn người không địch, nay nếu lấy lễ mời lên, bái làm Thượng Tướng, thì đám giặc cỏ tất là trừ hết, mà nhà nước được yên tĩnh từ đây.
Xái Kính nghe nói cả mừng, liền sai Tuyên tán làm sứ, đem văn thư yên mã lập tức ra Bồ Đông để đón Quan Thắng, Tuyên tán vâng lệnh lĩnh văn thư trở ra, rồi đem dăm người theo hầu cùng đi.
Khi Tuyên Tán đến nơi, hai bên chào hỏi rồi Quan thắng mời vào trong sảnh mà hỏi rằng:
- Cố nhân đã lâu không được gặp, chẳng hay có việc chi mà khó nhọc đến đây?
Tuyên Tán nói rằng:
- Nay nhân bọn giặc cỏ vây đánh thành Đại Danh, tôi có đem tài an bang định quốc của huynh trưởng, để nói với Thái Sư, Thái Sư liền sai tôi vâng sắc chỉ của triều đình, đem tiền lụa yên nhung đến đây để đón huynh trưởng, vậy xin huynh trưởng chớ nên từ chối mà đi ngay cho...
Quan Thắng nghe nói cả mừng, nói với Tuyên Tán rằng:
- Người anh em tôi đây họ Hắc tên Tư Văn, là anh em kết nghĩa với tôi, khi trước mẫu than ông ta nằm mơ thấy ông Tỉnh Mộc Can. Ông nầy giỏi đủ mười tám môn võ nghệ, mà tới nay vẫn còn chìm đắm ở đây, thực là đáng tiếc! Nay nếu cùng đi mà ra sức cứu giúp nước nhà,thì làm chi mà không được?
Tuyên Tán lấy làm vui mừng, liền giục hai người mau mau ra đi. Quan Thắng bèn dặn dò nhà cửa, rồi cùng với Hắc Tư Văn, dẫn mười mấy người ở Quan Tây theo Tuyên Tán lập tức đi vào Đông Kinh.
Khi vào tới Đông Kinh tới phủ Thái Sư, có lính canh cửa đưa vào hầu Thái Sư, Xái Thái Sư trông thấy Quan Thắng, mình cao hơn tám thước, râu nhỏ ba hàng, mày ngài mắt phượng, mặt dài môi đỏ, rõ ra một vẽ đường đường, thì trong bụng cả mừng liền hỏi ngay rằng:
- Tướng quân năm nay bao nhiêu tuổi?
Quan Thắng bẩm
- Chúng tôi năm nay ba mươi hai.
- Hiện nay giặc Lương Sơn vây đánh thành Đại Danh, tướng quân có cách gì khả dĩ giải vây đi được?
- Xưa nay chúng tôi vẫn nghe đám giặc cỏ ấy, lẫn lút ở chỗ bến nước, để quấy nhiễu lương dân, nay nhất đán rời xa sào huyệt, đó là tự gây tai hoạ mà thôi. Song nay nếu cứu được thành Đại Danh thì cũng khó nhọc vô cùng. Vậy tôi xin lĩnh mấy vạn tinh binh thẳng tới Lương Sơn để đánh rồi sau đánh bắt quân giặc, khiến cho chúng đầu đuôi không kịp cứu nhau, thì mới có thể tất thắng được.
Thái Sư nghe nói cả mừng, bảo Tuyên Tán rằng:
- Đó là kế vây Ngụy cứu Triệu đó. Kế ấy chính hợp ý ta.
Nói đoạn liền truyền Viện Khu Mật cắt lấy nghìn rưỡi quân tinh nhuệ ở Sơn Đông, Hà Bắc, cho Hắc Tư Văn làm Tiên Phong, Tuyên Tán làm hậu hợp, Quan Thắng thì Lãnh Binh Chỉ Huy Sứ, bộ quân Thái Úy là Đoàn Thường tiếp ứng lương thảo đi sau, đoạn rồi khao thưởng tam quân, mà lập tức khởi trình đi đánh Lương Sơn Bạc.
Mới hay:
Ba quân hổ báo uy danh đất:
Một trận binh đao khí dậy trời
Thế gian chi hiếm anh tài,
Chỉ e thiên hạ hiếm người mắt xanh!
Bây giờ tướng giỏi binh tinh,
Thử xem Sơn Bạc tan tành hay chăng?
Lời bàn của Thánh Thán:
Tôi tớ đồng tiền, xưa gọi nô tài đồng âm với nô tài là tôi tớ người khôn, mới đầu nói ra ở miệng Quách Lệnh Công mắng con, ý nói làm đầy tớ cho người ta sai khiến. Thế mà ngày nay xem ra, thì hầu hết thiên hạ, sao mà loại tôi tớ ấy nhiều thay;
Tôi tớ đồng tiền, nào phải riêng ở đám buôn thúng bán mẹt, đầu đường só chợ mà thôi, có thể nói từ kẻ áo xiêm tề chỉnh, ra luồn vào cúi hầu môn; mặc giáp bào cưỡi ngựa múa gươm, liều sống chết với sa trường; cho đến một bầu kinh sử, thiết trướng các nơi; Hoặc là ngàn dặm non sông hiểm trở, với mọi ngành sinh hoạt...ều làm tôi tớ đồng tiền, một khi theo đuổi bất cứ nghề nghiệp gì sang hèn, mà thiếu tính cách nhân đạo, đều làm tôi tớ đồng tiền; Hỡi ôi! Đám người thiên hạ, mà không cái gì chẳng vị đồng tiền, thì vua do đâu mà trị, dân nhờ đâu mà yên, cha mẹ lấy gì mà nuôi con, con nhờ vào đâu mà dạy dỗ, đức của ta làm sao mà lập, bọn hậu học nhờ vào đâu mà bắt chước theo? Thạch Tú mắng Lương Trung Thư rằng: Ngươi chỉ làm tôi tớ cho những thằng tôi tớ... Thực Thi Nại Am khéo mượn bút chửi đời bằng một giọng văn đáng khóc đáng cười rất khoái!
Sách Siêu trước đã cùng xuất hiện với Dương Chí ở một đoạn văn đến đây cách hơn năm mươi hồi, mới lại hiện ra, vì trước không nhân có một sự gì mà xuất hiện, đến đây mới vừa hé ra, lại vì một mũi tên của Hàn Thao mà ngừng trở lại, rồi sau chuyển đến bị bắt ở trong đám tuyết, ngọn bút tả ra, không thể vội vàng mà nói tới.
Tả bắn Sách Siêu lại dùng mũi tên của Hàn Thao đó là sao? Chủ ý làm cho Sách Siêu ngừng lại, chẳng phải là chí tả chết Sách Siêu, cho nên có lúc tả bắn dùng mũi tên của Hoa Vinh; mới đúng với sự bắn; Lại có lúc tả bắn dùng mũi tên của Hàn Thao, cho rõ chẳng đúng với sự bắn, bắn mà không thể chết lại dùng mũi tên của Hàn Thao, vì sao? Vì Hàn Thao phó tướng của Tần Minh, mới mượn ra như vậy.
Một vị đường đường Tể Tướng ngôi tôn, và Tam Nha ở trong Khu Mật Viện long trọng, thế mà nghe tin giặc, đã len lét nét mặt trông nhau, thì hỏi rằng còn có mưu gì để trên báo quốc gia, dưới trừ cường lỗ vậy vay? Thế mà bỗng đâu ở đằng sau lưng các vị đó, lại chuyển ra một người, đưa ra kế sách, do sau lưng kẻ ở sau lưng ấy, lại chuyển ra một người nữa, có thể phá giặc giúp nước, ngờ đâu kẻ ở sau lưng lần thứ hai kia, lại dẫn ra một kẻ ở sau lưng nữa, đề cùng giúp sức kẻ ở sau lưng; Hỡi ôi; Nhân tài khó biết thay; Chẳng phải đó ư; Sao mà sau lưng có nhiều người thế? Thì ra ba người sau lưng cũng may mà gặp lúc triều đình đa sự, để có ngày thiên hạ biết tài, chẳng thế thì sao giờ lại được ở dưới gót các vị quan cao Đại Thần, như Tể Tướng với Tam Nha trong khu Mật Viện? Mà thấy bóng mặt trời? Song ba người cũng lại chẳng may gặp lúc nước nhà lắm việc, rồi cũng chẳng khỏi phải ra đời, ta biết đâu được cứ đóng cửa nằm cao, vui trọn tuổi già, mà cũng chẳng nguyện theo đòi quan Tể Tướng Đại Thần, Tam Quan trong khu Mật Viện, để mất cả nhuệ khí, khi đối với mọi nguy cơ? Đọc tới đây chẳng khỏi ngậm ngùi than thở.
Hồi 63:
Đêm trăng Duyên Chước lừa Quan Thắng
Trời tuyết Công Minh bắt Sách Siêu.
Nói về Tống Giang cùng các Tướng hết sức đánh phá thành trì, song Lý Thành, Văn Đạt đóng vững cử thành, không chịu ra đánh, trên thành phòng bị rất nghiêm, không sao mà phá ngay được. Tống Giang thấy quân sĩ đi đánh đã lâu mà không được nên công, thì trong lòng lấy làm băn khoăn buồn bã, không biết lập kế ra sao?
Một buổi tối hôm đó, chàng đương ngồi buồn trong trướng, mở bộ Thiên Thư của Cửu Thiên Huyền Nữ ra xem, thì bỗng thấy có người vào báo:
- Có Quân Sư Ngô Dụng đến hầu.
Tống Giang nghe báo liền đứng dậy đón Ngô Dụng vào để nói chuyện.
Ngô Dụng nói với Tống Giang rằng:
- Quân ta đến đây vây đánh đã lâu, mà không thấy quân mã đến cứu, trong thành cũng không chịu ra, chắc là Lương Trung Thư, lại cho người cáo cấp với bố vợ là Xái Thái Sư, để đem binh ra tiếp ứng ở đây, mà trong đám đó hẳn có tay Tướng giỏi. Nếu họ lại dùng kế vây nước Ngụy cứu nước Triệu, nghĩa là họ không đến đánh ở đây, mà đánh thẳng vào Lương Sơn Bạc, thì có lẽ nguy mất. Việc đó huynh trưởng phải nên lưu tâm, thu thập quân sĩ đi trước, dẫu không lui về cả, song...
Vừa nói đến đó, thì Thần Hành Thái Bảo Đới Tung đến báo rằng:
- Nay Xái Thái Sư đón người cháu Quan Bồ Tát là Đại Đao Quan Thắng ở Bồ Đông làm Đại Tướng dẫn quân đến đánh Lương Sơn Bạc, các Đầu Lĩnh ở nhà đều lấy làm kinh hoảng lo sợ, vậy xin huynh trưởng cùng Quân Sư hãy tạm lui binh, về cứu Lương Sơn, rồi sau sẽ liệu...
Ngô Dụng nghe nói, bàn với Tống Giang rằng:
- Đã đành như vậy, song ta đây không thể về vội ngay được. Đêm nay hãy cho quân bộ đi trước, còn để cho hai toán quân mã nấp ở hai bên Phi Hổ Dực, phòng bị quân mã trong thành theo đuổi, thì mới có thể chống cự lại được.
Tống Giang khen phải liền cắt Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh dẫn năm trăm quân mã mai phục ở bên tả Phi Hổ Dực, và Báo Tử Đầu Lâm Xung dẫn năm trăm quân mã phục ở bên hữu, Lại truyền cho Hô Duyên Chước dẫn hai mươi quân kỵ, cùng Lăng Chấn đem súng đặt ở gần thành, cách chừng hai mươi dặm để đợi khi quân mã trong thành ra đuổi, thì ra hiệu cho quân phục biết. Đoạn rồi truyền lệnh cho quân Tiền đội, dần dần kéo lui như mây tan như mưa tạnh, dù gặp quân mã nào cũng không được đánh nhau. Đám bộ quân vâng lệnh, nửa đêm hôm ấy kéo đi, mãi đến giờ tý hôm sau mới hết.
Bấy giờ trên thành trông thấy quân sĩ Tống Giang đều cuốn cờ vác đoá, cùng nhau nhổ trại kéo lui, liền đem tin tức vào báo cho Lương Trung Thư biết. Trung Thư nghe báo, lập tức gọi lý Thành, Văn Đạt lên để bàn.
Văn Đạt nói:
- Sự nầy chắc là quân mã Đông Kinh đến đánh Lương Sơn Bạc, nên họ sợ mất sào huyệt mà phải kéo quân về giữ. Vậy bất nhược ta thừa thế đuổi đánh một trận, thì thế nào cũng bắt được Tống Giang.
Đương khi bàn bạc thì bỗng thấy có người báo, có công văn ở Đông Kinh đưa ra, ước định đem quân đánh thẳng Lương Sơn Bạc, và khi Tống Giang kéo về, thì phải đuổi theo mà đánh. Lương Trung Thư nghe báo, bèn sai Lý Thành, Văn Đạt dẫn hai toán quân đi theo hai đường Đông Tây để đuổi.
Bấy giờ quân mã Tống Giang đương lục tục lui về, chợt thấy quân mã trong thành ra đuổi, chúng liền ùa nhau mà nhất tề kéo chạy, Lý Thành, Văn Đạt thấy vậy, liền thúc quân đuổi riết để đánh.
Khi đuổi đến Phi Hổ Dực, chợt nghe tiếng đằng sau lưng có tiếng nổ đánh đùng đùng, rồi trống trận nổi lên như sấm động, quân mã ở đâu bỗng kéo cờ vác đáo xông ra, uy thế rất là hùng dũng, Lý Thành, Văn Đạt luống cuống, ngựa chưa kịp xoay giở, đã thấy bên tả có Hoa Vinh, bên hữu có Lâm Xung đều đổ ập đến để đánh.
Hai người biết là mắc kế vội vàng lui quân trở lại. Bất đồ lại gặp toán quân mã của Hô Duyên Chước, đều ra sức xông đánh rất là hăng hái. Lý Thành, Văn Đạt bị thua một trận xác sơ, rách cả áo mất cả mũ, rồi cùng nhau kéo về trong thành, đóng cửa lại không dám thò ra nữa.
Bên kia quân mã Tống Giang lại thứ tự ung dung mà kéo về Sơn Bạc.
Khi về gần tới Lương Sơn, gặp toán quân của Tuyên Tán ngăn chặn đường đi, Tống Giang liền truyền lệnh tạm hạ dinh trại, rồi sai người theo đường tắt trở về báo cho sơn trại, và ước hẹn quân mã thủy trại để cùng cứu ứng.
Khi đó hai Đầu Lĩnh là Trương Hoành, Trương Thuận bàn với nhau rằng::
- Anh em ta từ khi đến đây, chưa lập được chút công lao gì... Hiện nay Đạo Đao Quan Thắng chia quân ba đạo tiến đánh ta đây, vậy bất nhược anh em ta kéo ra cướp trại, bắt lấy Quan Thắng mà lập lấy đại công thì đối với anh em cũng được kiêu hãnh đôi chút, chú nghĩ sao?
Trương Thuận nói:
- Tôi cùng Ca Ca chỉ coi về mặt thủy quân, nếu lỡ ra thế nào, thì không có người cứu ứng, thì tất là mang tiếng với anh em, không tiện...
- Nếu cứ như vậy thì đến năm nào mới lập được công? Ngươi không đi thì thôi, đêm nay ta đi một mình vậy,
Trương Thuận hết sức can gián, Trương Hoành nhất định không nghe. Đêm hôm đó Trương Hoành điểm năm mươi chiếc thuyền, mỗi thuyền có năm ba tên lính, tay cầm trường sang đao lá chuối, rồi thừa lúc đêm trăng tịch mịch, mà kéo thuyền đi ra đường bộ, để cùng nhau đến cướp trại.
Đêm hôm ấy Quan Thắng đang ngồi xem sách trong trướng, bỗng thấy người báo, có bốn năm mươi chiếc thuyền ở trong đám lau lách đi ra, người nào người nấy đều cầm trường sang trong tay, không biết có việc chi?
Quan Thắng nghe báo cười nhạt một tiếng, rồi quay lại người tỳ Tướng bên cạnh, mà nói mấy câu rất nhỏ, người ngoài không hiểu ra sao?
Bên kia Trương Hoành dẫn mấy trăm lâu la theo đám lau lách lần vào nhổ hết chông gai, đi thẳng đến trại Quan Thắng. Bấy giờ khoảng quá canh hai, chàng đi vào đến trại Trung Quân, thấy trong trướng đèn nến sáng choang. Quan Thắng đương ngồi vuốt râu xem sách. Trương Hoành mừng thầm trong bụng, tay cầm cây gươm trường, sấn vào trong trướng để bắt. Chợt đâu nghe tiếng thanh la nổi lên, rồi thấy quân sĩ reo hò quát tháo chẳng khác gì trời long đất lở, núi lở sông xoay, làm cho Trương Hoành phải kinh sợ rụng rời, mà quay đầu toan chạy.
Chàng vừa quay đều toan chạy, thì quân phục ở bốn mặt đổ ra ầm ầm, rồi bắt hết cả mấy trăm người, cùng Trương Hoành mà giải vào, cùng Trương Hoành mà giải vào cho Quan Thắng.
Quan Thắng trông thấy Trương Hoành cười mà mắng rằng:
- Quân giặc cỏ thấm vào đâu, mà dám trêu ghẹo đến ta?
Nói đoạn liền sai giam Trương Hoành vào xe tù, mà giam hết bọn quân sĩ ở đó, để đợi bắt được Tống Giang sẽ giải về Kinh Sư.
Nói về ba anh em họ Nguyễn, cũng coi thủy trại ở Lương Sơn Bạc, hôm đó đương ngồi bàn chuyện với nhau, chợt thấy Trương Thuận chạy đến nói rằng:
- Ca Ca tôi không nghe lời tôi can, đem quân đến cướp trại Quan Thắng bất đồ bị bắt giam vào xe tù, không biết làm sao cho được?
Nguyễn Tiểu Thất nghe nói kêu lên rằng:
- Anh em chúng ta cùng sống cùng chết, hoạn nạn có nhau, vậy anh là anh em ruột với Trương Hoành, sao anh lại để cho đi một mình, đến nỗi bị người ta bắt được? Nay anh không đi cứu, thì để ba anh em tôi đi cứu cho...
Trương Thuận nói:
- Vì tôi chưa được tướng lệnh của Tống Ca Ca, nên không dám đi liều.
- Nếu đợi Tướng lệnh, thì anh bác có lẽ bị nó đem làm mắm mất rồi.
Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ cũng đều lấy làm phải, mà thúc nhau đi cứu Trương Hoành. Trương Thuận lại cố can không được, sau đành phải chịu theo với họ, Trống đầu canh tư hôm đó, các Thủy trại Đầu Lĩnh đều dẫn hơn hai trăm chiếc thuyền kéo ra để cướp trại Quan Thắng thấy vậy, lại vào báo cho chủ tướng biết.
Quan Thắng nghe báo cười rằng:
- Quân ngu dốt thực!
Nói đoạn dặn thầm tuỳ tướng mấy câu như trước.
Đằng kia ba anh em họ nguyễn đi trước, Trương Thuận đi sau, ầm ầm kéo nhau đến trại Quan Thắng. Khi tới nơi thấy trong trại đèn nến sáng choang mà vắng tanh vắng ngắt không có ai đi lại. Ba anh em họ Nguyễn lấy làm nghi ngờ, toan quay ra để chạy, bỗng đâu thấy trước trướng nổi lên mấy tiếng thanh la, rồi thấy bốn bên tả hữu các quan mã bộ, có tới tám đường đổ ra mà vây chặt lấy.
Trương Thuận thấy sự thế nguy cấp liền lui lại nhảy tót xuống nước, rồi ba anh em họ Nguyễn cũng cướp đường để chạy ra bến nước, Bất đồ bị quân lính quan Thắng thả giây móc bắt được Nguyễn Tiểu Thất đem đi. Còn Nguyễn Tiểu Nhị, Tiểu Ngũ, thì có Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng Mãnh, cứu về trong trại.
Khi về tới sơn trại. Liền báo tình hình cho sơn trại biết. Lưu Đường liền sai Trương Thuận đi đường thủy đến trại Tống Giang, để báo cho Tống Giang biết. Tống Giang liền gọi Ngô Dụng đến để bàn kế. Ngô Dụng nói với Tống Giang rằng:
- Ngày mai ra đánh một trận xem thua được thế nào rồi ta sẽ liệu.
Đương khi bàn luận với nhau, bỗng thấy trống trận nổi lên ầm ầm, rồi có người vào báo rằng:
- Tuyên Tán bộ lãnh tam quân thẳng đến đại trại để khơi đánh.
Tống Giang nghe báo, vội dẫn quân ra tiếp đón, khi ra tới nơi, thấy Tuyên Tán đứng bên kia thách đánh.
Tống Giang liền hỏi:
- Anh em, ai ra ngựa trước xem sao?
Nói chưa dứt lời, thì thấy Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh vỗ ngực cầm thương ra đánh Tuyên án. Tuyên Tán cũng múa đao ra đỡ. Đôi bên đánh nhau chừng hơn mười hiệp, thì Hoa Vinh lừa miếng phá đĩnh mà quay ngựa chạy thẳng. Tuyên Tán liền vỗ ngựa hăng hái đuổi theo.
Hoa Vinh thấy Tuyên Tán đuổi theo, bèn đeo gươm vào rồi lấy cung đặt tên, quay mình lại nhắm Tuyên Tán một phát, Tuyên án nghe tiếng cung bật, vội giơ đao lên gạt, thì mũi tên bắn vào lưỡi đao ken một cái. Hoa Vinh lấy mũi tên nữa, nhè lúc Tuyên Tán đến gần, bắn luôn một phát thứ hai vào trước bụng. Tuyên Tán né mình tránh khỏi, mũi tên bắn ra chỗ không. Tuyên Tán thấy nghề bắn cung của Hoa Vinh tài giỏi, liền quay ngựa lại mà không dám đuổi nữa. Hoa Vinh thấy Tuyên Tán không đuổi, bèn quay ngựa lại lấy mũi tên thứ ba, nhằm vào sau lưng Tuyên Tán bắn thêm phát nữa. Vừa bắn xong, nghe tiếng kêu đến binh môt cái, té ra mũi tên lại vừa bắn vào miếng kính yểm tâm.
Tuyên Tán vội vàng về trận, báo cho Quan Thắng biết. Quan Thắng gọi lính dắt ngựa ra, lập tức vác đao Thanh Long, lên ngựa Xích Thố, mà thẳng xông ra trận.
Tống Giang trông thấy Quan Thắng rõ ra vẻ anh tài lẫm liệt, bèn chỉ bảo Ngô Dụng mà khen ngợi luôn mồm. Đoạn rồi quay lại nói to lên với các Tướng rằng:
- Quan Tướng quân một bậc anh hùng, thực là đáng lắm...
Lâm Xung thấy vậy, khí tức nổi lên đùng đùng, liền kêu lên rằng:
- Anh em chúng ta, từ khi lên ở Sơn Bạc đến nay, đánh nhau cũng đã có năm bảy mươi trận, có khi nào chịu nhục với ai? Sao ngày nay lại giảm uy phong như vậy?
Nói đoạn múa thương ra ngựa, thẳng xông sang đánh Quan Thắng.
Quan Thắng quát to lên rằng:
- Bớ quân giặc cỏ ở bến vũng nước, ta không có thì giờ đánh bắt các ngươi, cứ bảo Tống Giang ra đây, ta hỏi vì cớ sao dám bội bạc triều đình?
Tống Giang nghe nói vội thét Lâm Xung dừng lại, rồi phóng ngựa ra trận nghiêng mình chào Quan Thắng mà nói rằng:
- Chúng tôi là Tống Giang tiểu lại ở Vận Thành, xin chào Tướng quân. Có tội gì xin cứ hỏi?
Quan Thắng nói:
- Ngươi là kẻ tiểu lại, sao dám phản bội triều đình?
- Vì triều đình vô đạo, dong túng kẻ gian thần, không có trung lương tiến đạt, đám quan tham lại nhũng đầy dẫy nhân gian làm hại biết bao nhiêu người lương thiện, nhân vậy Tống Giang nầy phải thay trời làm đạo, chứ không có bụng gì khác cả...
- Rõ ràng bay là giặc cỏ. Thay trời làm đạo, làm đạo nào...Nay binh trời đến đây lại còn khéo nói hay sao? Nếu không xuống ngựa chịu trói, thì ta truyền cho nát xác bây giờ.
Tìch Lịch Hỏa Tần Minh nghe nói, kêu lên một tiếng rất to, rồi múa Lang Nha Côn vỗ ngựa xông ra, Lâm Xung cũng múa Phi Thương ra để đánh,
Hai Tướng hăng hái xông vào. Quan Thắng múa đao đón đánh, cát bụi tung lên như đèn kéo quân vậy. Chợt đâu thấy Tống Giang chỉ chỉ gật gật, rồi sai khua chiên rút quân về. Lâm Xung, Tần Minh quay vào nói với Tống giang rằng:
- Chúng tôi đương vây bắt hắn, sao huynh trưởng lại vội thu quân?
Tống Giang nói to lên rằng:
- Anh em phải biết, chúng ta đây vốn giữ lòng trung nghĩa, nay đem hai người mà đánh một người sao nỡ! Như thế có bắt được hắn, chắc là hắn cũng không phục... Và ta xem Đại Đao là một tướng nghĩa dũng, dòng dõi trung thần, ông cha xưa nay làm thần làm thánh, ai ai cũng đến phụng thờ, nếu nay bắt được người ấy lên núi, thì Tống Giang xin tình nguyện nhường ngôi đó...
Lâm Xung, Tần Minh nghe nói, đều biến sắc mặt mà lui vào. Đoạn rồi hai bên đều thu quân về trại.
Quan Thắng về đến trong trại, xuống ngựa cởi giáp, trong lòng nghĩ thầm rằng:"Ta hết sức đánh với hai Tướng có lẽ sắp thua với họ, thế mà Tống Giang vội khua chiên thu quân, không biết là ý tứ làm sao?".
Nghĩ đoạn liền sai đẩy xe tù Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Thất ra mà hỏi rằng:
- Tống Giang chỉ là một anh tiểu lại ở Vận Thành, sao mà các ngươi lại phục hắn như vậy?
Nguyễn Tiểu Thất vội nói lên rằng:
- Ca Ca tôi vẫn vốn là một người có tiếng ở Sơn Đông, ai ai cũng gọi là Cạp Thời Vũ Tống Công Minh, các ngươi là người không biết trung nghĩa, thì hiểu sao nổi mà hỏi...
Quan Thắng nghe nói, chỉ cúi đầu, rồi lại sai đem xe tù để vào một chỗ. Tối hôm đó quan Thắng đứng ngồi vơ vẫn không yên, bèn chạy ra sau trại nom quanh nom quẩn một mình, ngẩng trông l ên thấy mịt mù sương tỏa, khí lạnh đầy trời, một bóng trăng suông lờ mờ hơi rõ, giang sang cảnh sắc trông ra đều có vẻ thương cảm bồi hồi, chàng thấy vậy lại càng ngao ngán, thở dài mà đứng mãi không đi.
Đương khi dùng dằng vẫn vơ, chợt thấy lính vào báo:
- Có một tướng rậm râu, một mình một ngựa, xin vào yết kiến Nguyên Súy.
Quan Thắng hỏi:
- Sao ngươi không biết hỏi xem ai?
- Bẩm, Ông ta không có mũ giáp quân khí chi cả, mà cũng không chịu nói tên, chỉ nói là muốn yết kiến Nguyên Soái thôi.
Quan Thắng ngần ngại rồi gật đầu mà bảo rằng:
- Ngươi ra mời vào đây.
Tên lính vâng lời quay đi, thì một lát dẫn người ấy vào. Khi vào trong trướng. Quan Thắng quay bảo người tỳ tướng bật đèn lên, rồi trông người kia, thấy nét mặt có vẻ quen quen. Quan Thắng hỏi:
- Ông là ai?
Người kia nói:
- Xin đuổi người hầu đi, rồi tôi sẽ nói.
Quan Thắng cười rằng:
- Làm người đại tướng ở trong đám muôn quân vạn lính, nếu không nhất đức nhất tâm, làm sao sai khiến cho được? Trong trại tôi đây, bất cứ trong trướng, ngoài trướng, kẻ trên người dưới, đếu là tâm phúc của tôi cả, có việc gì xin cứ nói cho...
Người kia nói:
- Tiểu Tướng tức Hô Duyên Chước, ngày trước đã từng vâng mạng triều đình, thống lĩnh trận ngựa Liên Hoàn ra đánh Lương Sơn Bạc, sau chẳng may lỡ mắc phải kế gian, sẩy hỏng việc quân, nên không dám trở về triều đình nữa. Mới rồi nghe tin Tướng quân đến đây, trong lòng lấy làm vui mừng quá đổi. Trận đánh hôm nay Lâm Xung vốn định bắt Tướng quân, sau Tống Giang sợ phạm hại đến ngài, nên phải khua chiên thu quân lập tức. Người ấy vốn có chí quy phục triều đình, nhưng bọn kia không chịu theo nên không dứt đi được. Nhân thế có bàn riêng với tôi, định để khu xử lòng người, sao cho quy thuận cả mới nghe. Vậy nếu Tướng quân có lòng tin tôi, thì đêm mai chỉ xin đem ít cung tên, dẫn ít quân kỵ, theo đường tắt dẫn đến sơn trại mà tróc nã bọn Lâm Xung, thì không những Tướng quân lập được công to mà tôi với Tống Giang cũng khả dĩ chuộc được tội xưa đôi chút, Tướng quân nghĩ sao?
Quan Thắng nghe nói cả mừng, mời Hô Duyên Chước vào trong trướng để thiết rượu. Hô Duyên Chước lại đem chuyện Tống Giang là người hết lòng trung nghĩa, chẳng may bị hãm vào chốn bất nhân, để thuật cho Quan Thắng nghe, Quan Thắng nghe chuyện, lại vuốt râu uống rượu, rồi vỗ đùi mà ta thán vô cùng.
Sáng hôm sau đem quân ra khơi đánh. Quan Thắng bàn cùng Hô Duyên Chước rằng:
- Đêm nay tuy có mưu kế đó, song hiện bây giờ cũng phải ra trận bắt đánh mấy Tướng mới được.
Hô Duyên Chước liền mượn mũ giáp, cưỡi ngựa xông ra trước trận. Tống Giang gọi Hô Duyên Chước mắng rằng:
- Sơn trại có một chút gì phụ bạc với ngươi, sao ngươi nỡ nửa đêm bỏ đi mà cõng rắn cắn gà nhà như thế.
Hô Duyên Chước đáp rằng:
- Một anh tiểu lại vô tri, thì nên công trạng gì mà nói.
Tống Giang liền sai Trấn Tam Sơn Hoàng Tín xông ngựa ra đánh Hô Duyên Chước. Hai bên đánh nhau chưa được mươi hiệp, thì Hô Duyên Chước đánh cho một chiêu, Hoàng Tín chết ngay trên mình ngựa. Quan Thắng trông thấy cả mừng, truyền lệnh cho tam quân nhất tề xông ra để đánh.
Hô Duyên Chước can rằng:
- Không nên đuổi họ, bên ấy có Ngô Dụng, cũng là một tay thần cơ mưu mẹo rất nhiều, không khéo thì mất kế mất...
Quan Thắng nghe nói, vội thu quân về trại, cất chén mừng Hô Duyên Chước mà hỏi rằng:
- Trấn Tam Sơn Hoàng Tín là thế nào?
Hô Duyên Chước nói:
- Người đó cũng là mệnh quan của triều đình, trước làm Đô Giám ở Thanh Châu, sau cùng với Hoa Vinh, Tần Minh cùng đi lạc thảo. Hắn ta bình nhật đối với Tống Công Minh vẫn là bất hợp; ngày nay Tống Giang sai hắn ra đánh, chính là muốn giết đi cho rảnh.
Quan Thắng nghe nói lại cả mừng, liền truyền lệnh cho Hắc Tư Văn cùng Tuyên Tán chia quân làm hai đường để tiếp ứng, và tự dẫn năm trăm quân kỵ, đều cung tên chỉnh đốn, để theo Hô Duyên Chước đến trại Tống Giang, ước định canh hai hôm ấy ra đi, vào khoảng canh ba thì tới trại, rồi cứ nghe hiệu súng, thì trong ngoài giáp đánh làm một.
Đêm hôm đó vẻ trời lạnh lẽo, trăng sáng trên không. Quan Thắng chuẩn bị đâu đó, rồi ngựa tháo nhạc, người ngậm tăm, Hô Duyên Chước dẫn đường đi trước, còn quân sĩ đều lục tục theo sau.
Đi chừng nửa trống canh, chợt thấy một toán bốn năm mươi tên lính sẽ cất tiếng hỏi rằng:
- Có phải Hô Tướng quân đấy không?
Hô Duyên Chước quát lên rằng:
- Không được nói, cứ theo thẳng vào sau ngựa kia.
Đoạn rồi Hồ Duyên Chước cứ xốc ngựa lên trước, Quan Thắng thì kèm ngựa đi sau. Lại đi một lúc, qua chốn mỏm núi.Hô Duyên Chước cầm cây gươm trỏ vào một chỗ xa xa có ngọn đèn đỏ. Quan Thắng đứng dừng ngựa lại mà hỏi:
- Cái đèn đỏ ấy là chỗ nào?
Hồ Duyên Chước đáp:
- Đó chính là trại Trung Quân của Tống Công Minh...Nói đoạn thúc quân mã phải đi cho riết. Khi đi gần đến chỗ đèn đỏ, bỗng nghe một tiếng súng hiệu rất to, trông quanh trông quẩn không thấy một ai, quay lại nom Hô Duyên Chước, cũng không thấy đâu nữa, Quan Thắng thấy vậy cả kinh, biết rằng trúng kế, vội vàng quay ngựa lui về.
Chợt đâu thấy bốn chung quanh núi, đều khua chiêng gõ trống vang lừng, rồi đám quân mã kinh hoàng sợ hãi mà tranh nhau chạy mau để trốn, Khi Quan Thắng trông lại, thì chỉ thấy có mấy tên kỵ theo mình, còn thì trốn đâu mất cả.
Quan Thắng dẫn mấy tên kỵ vừa mới đi khỏi chỗ mỏm núi, bỗng thấy rừng cây ở phía sau có tiếng nổ đánh đoàng, rồi bốn bên những quân câu móc đổ ra, giật Quan Thắng ngã xuống ngựa, cướp lấy đại đao, cởi lấy mũ giáp mà túm nhau đem về trại.
Đằng kia Hoa Vinh cùng Lâm Xung, dẫn một toán quân ra đón Tuyên Tán. Khi gặp nhau hai bên cùng ra sức hăng hái để đánh. Đánh được hai ba mươi hiệp, Tuyên Tán thấy đuối sức không địch nổi, liền quay ngựa để chạy. Khi chàng vừa quay ngựa lại, thì gặp một viên nữ Tướng là Nhất Trượng Thanh Hổ Tam Nương tung tấm lưới móc hồng cẩm ra, kéo Tuyên Tán xuống ngựa, rồi sai quân bắt trói mang về.
Về phần Hắc Tư Văn gặp Tần Minh, Tôn Lập đón đánh, Hắc Tư Văn trông thấy hai người, liền quát lên rằng:
- Bớ quân giặc cỏ, đứa nào ngăn trở ta là chết, tránh ta là sống...
Tần Minh cả giận, múa Lang Nha Côn xông đến đánh Hắc Tư Văn, hai bên đấu tranh chừng vài hiệp, thì Tôn Lập toan xông vào để đánh, Hắc Tư Văn thấy vậy, tay sang hơi luống cuống, tần Minh bèn thừa thế đánh một côn ngã lăn xuống ngựa. Đoạn rồi quân sĩ reo hò đổ đến để bắt.
Còn ở trại Quan Thắng, thì có Lý Ứng dẫn quân đến cứơp, cứu đám Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Thất cùng đám thủy quân bị bắt, rồi lấy hết lương thảo lừa ngựa, vỗ yên quân chúng mà về. Vào khoảng rạng sáng, Tống Giang họp các Tướng đến Trung Nghĩa Đường ở trên sơn trại, rồi sai giải Quan Thắng, Tuyên Tán, cùng Hắc Tư Văn lên.
Khi chúng giải ba người lên, Tống Giang vội vàng xuống thềm, quát đuổi quân sĩ, thân hành cởi tr1oi ba người, rồi mời Quan Thắng lên ngồi ghế giữa, mà cúi đầu lạy tạ mà nói rằng:
- Quân chúng ngu cuồng vong mênh, dám mạo phạm oai ngài, xin ngài tha tội cho.
Hô Duyên Chước cũng cúi lạy mà rằng:
- Tôi vì Tướng lệnh, không tếh không được, xin ngài tha tội cuồng dại dối trá ấy cho...
Quan Thắng nom thấy các Đầu Lĩnh đều nghĩa khí trân trọng, có vẻ đáng phục, liền quay lại hỏi Tuyên Tán, Hắc Tư Văn rằng:
- Chúng ta bị bắt tới đây, nên như thế nào thì phải?
Hai người nói rằng:
- Xin tùy tướng lệnh của ngài...
Quan Thắng nói:
- Bây giờ cũng không còn mặt mũi nào trở về kinh nữa, xin cho chết sớm là hơn.
- Nếu ngài không khinh là bỉ lậu, thì xin cùng ở lại đây để thay Trời làm Đạo, bằng không thì chúng tôi cũng không dám lưu lại làm chi, xin đưa ngài về kinh ngay lập tức...
Quan Thắng thở dài mà rằng:
- Người ta thường nói: Tống Công Minh nhân huynh trung nghĩa, thực là có thế. Người ta sống ở trên đời, vua biết thì đền ơn vua, bạn biết thì đền ơn bạn, ngày nay đã chuyển đến lòng, thì xin ở đây làm đứa tiểu tốt để đền ơn tri ngộ cho xong...
Tống Giang nghe nói cả mừng, nhất diện đặt tiệc thiết đãi, và nhất diện chong đi dỗ dành đám quân thua chạy, ước được năm bảy nghìn quân mã, kẻ nào có bố có mẹ ở nhà đều cấp tiền cho về nhà cả. Đoạn rồi sai Tiết Vĩnh đến Bồ Đông, đón vợ con Quan Thắng lên sơn trại.
Hôm đó Tống Giang đương ngồi yến ẩm, chợt nghĩ đến nông nỗi Lư Tuấn Nghĩa cùng Thạch Tú ở Bắc Kinh, thì lại ngẫm nghĩ mà lã chã tuôn đôi dòng lụy.
Ngô Dụng liền nói lên rằng:
- Việc đó bất tất huynh trưởng phải lo, tôi đã có cách đây rồi... Chỉ ngày mai đem quân đi đánh Đại Danh thì tất là thành sự.
Quan Thắng nghe nói bèn đứng dậy nói rằng:
- Quan mỗ chưa có chút gì để đền ơn yêu quý, vậy đi làm tiền bộ phen nầy.
Tống Giang cả mừng, liền tạ ơn Quan Thắng, rồi cùng nhau yến ẩm rất vui. Ngày hôm sau truyền cho Tuyên Tán, H8ác Tư Văn làm phó Tướng cùng với Quan Thắng dẫn quân bản bộ, đi trước làm tiền bộ tiên phong, còn các Đầu Lĩnh cùng các quân đánh thành Đại Danh trước, nay đều nghe lệnh kéo đi, và thêm có Trương thuận đem các đồ mũ giáp đi vào đó.
Nói về Lương Trung Thư thấy Sách Siêu đã khỏi bệnh dậy được, trong lòng lấy làm vui mừng, trông ra thấy trời mờ sắc ám, gió Bắc gào thét bên tai, rất chiều ghê sợ, chợt đâu thám mã báo rằng:
- Quan Thắng, Tuyên Tán, Hắc Tư Văn, cùng các quân sĩ đều bị Tống Giang tróc nã, hiện đã nhập đảng với Tống Giang, và kéo quân đến đây để đánh.
Lương Trung Thư nghe nói kinh ngạc rụng rời, bỗng rơi ngay xuống đất mà không biết, Sách Siêu thấy vậy liền bẩm rằng:
- Trước đây tôi bị mũi tên ngầm, nay quyết báo thù mới hả, ân Tướng không ngại chi.
Lương Trung Thư liền rót chén rượu nóng thưởng luôn cho Sách Siêu, và dặn đem quân mã ra đón đánh, rồi Lý Thành, Văn Đạt tiếp ứng ra sau.
Bấy giờ đương tháng trọng đông (tháng một), khí trời lạnh lẽo trong mấy ngày trời, gió bấc đìu hiu, trời đất biến sắc, ngựa rét xoăn da, thiết giáp lạnh như băng tuyết, Sách Siêu vác cây đại phủ kéo quân ra đến Phi Hổ Dực để hạ trại.
Ngày hôm sau Tống Giang dẫn Lã Phương, Quách Thịnh lên gò cao, để xem Quan Thắng đánh nhau. Khi trống trận đủ ba hồi, Quan Thắng xông ra trước trận, rồi bên kia Sách Siêu cũng vỗ ngựa xông ra.
Sách Siêu mới ra, không nhận biết Quan Thắng, sau thấy quân sĩ nói lên rằng, người kia chính Đại Đao Quan Thắng mới bội bạc triều đình đó.
Sách Siêu lặng ngắt vác phủ vỗ ngựa ra đánh Quan hắng. Quan Thắng múa đao lên đỡ. Đôi bên múa đao chừng mươi hiệp, Lý Thành thấy sức lực Sách Siêu khó lòng địch nổi Quan Thắng, liền múa đao ra trận, để hiệp lực cùng đánh. Bên nầy Tuyên Tán, Hắc Tư Văn thấy vậy cũng vác quân khí xông ra đánh giúp Quan Thắng. Năm con ngựa đều quần nhau một chỗ, cát bụi tung lên không biết đâu mà trông được.
Tống ginag đứng trên gò cao trông thấy, liền vẫy đại quân kéo tràn sang đánh. Quân mã Lý Thành cả thua, bỏ chạy vào thành, rồi Tống giang cũng thu binh về trại...
Ngày hôm sau mây mờ che kín, đất thảm trời sầu, một mình Sách Siêu dẫn toán quân mã ra ngoài thành, xông đột thách đánh, Ngô Dụng liền sai một tóan quân nhỏ ra đánh đùa, đợi cho Sách Siêu đuổi đến thì bỏ cả mà chạy, Sách Siêu được một trận, trong lòng lấy làm vui mừng hớn hở, vào thành báo cho Trung Thư biết.
Chiều hôm ấy, mây càng đen kín, gió càng thổi mạnh hơn lên. Ngô Dụng đưng trước trướng nom ra, thấy tuyết rơi phơi phới, đầy trời một vẻ tiêu sơ, chàng bèn sai quân sĩ đến các đường hẻm ven sông cạnh núi bên thành đào hầm xẻ hố, rồi lấy đất phủ lên cho kín.
Đêm hôm đó mưa tuyết càng nặng, đến sáng hôm sau trên các đường đi, tuyết đọng chừng ngập cổ chân ngựa. Sách Siêu trèo lên thành nom ra, thì thấy quân sĩ Tống giang đều có vẻ sợ hãi kinh hoàng, ngồi đứng không yên, chàng liền điểm ba trăm nhân mã, xông ra thành để đánh. Quân mã Tống Giang thấy vậy đều chạy tán loạn mà thục lấy thân. Sách Siêu đuổi đánh mấy bước, bỗng gặp thủy quân Đầu Lĩnh là Lý Tuấn, Trương hoành cưỡi ngựa cầm thương đón đánh. Đôi bên đánh nhau chưa được mấy hiệp, thì Lý Tuấn, Trương Hoành đã bị thua, bỏ cả thương mà chạy, Sách Siêu nóng máu liền thốc ngựa đuổi theo hai người.
Khi tới quãng đường kia, Một bên có khe nước, Lý tuấn liền bỏ ngựa nhảy thẳng xuống khe kêu ầm lên rằng:
- Tống Công Minh Ca Ca chạy mau đi.
Sách Siêu nghe vậy, càng hết sức đuổi, tế ngựa lên để xông vào trận. Bỗng đâu thấy phía sau núi có một tiếng súng nổ rất to, cả người lẫn ngựa Sách Siêu đều bị sa xuống hố, rồi có đám quân phục ở bên đường, đổ ùa ra mà bắt trói...
Mới hay:
Nam nhi đạp đất đội trời,
Thù xưa mong trả, nợ đời mong trang.
Biết đâu thời vận phi thường,
Máy then xoay chuyển ai lường cho ra?
Bây giờ thế lỡ cơ sa,
Chim lồng cá chậu dễ mà trách ai?
Cho hay tiến thoái ở đời,
Có thân trước phải liệu thời cho tinh...
Lời bàn của Thánh Thán:
Hồi nầy tả thủy quân cướp trại sao đến nổi nói qua loa như thế? Vì chủ ý làm nảy ra một Đại Đao Quan Thắng, còn mọi người không đáng kể chi!
Tả Đại Đao từng chỗ thấy nảy ra biến tướng của Quan Vân Trường, khá nói rằng rất là nho nhã, rất là hoạt đạt, rất là rung thành, và rất anh linh, trong đám một trăm lẻ tám người, lại có một bậc tuyệt luân siêu quần, lại không thể đem con mắt đọc mọi truyện khác, mà đọc truyện nầy!
Tả trời tuyết bắt Sách Siêu, chỉ tả qua Sách Siêu, lại cần tả ra tuyết trời kia. Tả lấy rõ thời tuyết tinh thần, khiến cho bắt được Sách Siêu, đó là phép thần nhiễm của hoạ gia, chẳng thể bỏ qua một chút.
Hồi 64:
Thác Tháp Thiên Vương, trong mơ hiển thánh;
Lãng Lý Bạch Điều, dưới nước báo oán.
Bấy Sách Siêu bị bắt, đám quân chạy tán loạn về thành báo với Lương Trung Thư, Trung Thư nghe tin cả kinh, truyền cho quân đóng chặt cửa thành, không dám đem quân ra đánh, rồi toan đem giết Lư Tuấn Nghĩa, và Thạch Tú, song sợ Tống Giang tức giận phá thành, mà quân viện của triều đình không kịp tới, thì nguy hiểm đến nơi, nên phải giam hai người ở đó, và dâng biểu về tâu triều đình các lẽ.
Bên kia bắt trói Sách Siêu, đem giải vào trướng Trung Quân, Tống Giang trông thấy cả mừng, thân hành cởi trói cho Sách Siêu, mời vào trong trướng thiết rượu, rồi lấy lời ngon ngọt nói với Sách Siêu rằng:
- Tướng Quân coi xem, anh em chúng tôi cũng là quá nửa trong đám quan quân ra cả, vậy nếu Tướng quân có lòng hạ cố thì xin ở đây giúp Tống Giang tôi để thay Trời làm Đạo mà cứu lấy sinh linh.
Dương Chí cũng đến chào hỏi Sách Siêu, cùng nhau kể nỗi ly biệt, đôi bên gạt thầm lụy thảm, rồi Sách Siêu xin vâng lời mà ở đó. Tống Giang thấy vậy cả mừng liền sai đặt tiệc thiết đãi trong trướng.
Ngày hôm sau các tướng lại hết sức đánh thành mấy ngày trời, không sao phá nổi. Tống Giang lấy làm lo nghĩ băn khoăn mà đứng ngồi vơ vẫn không yên. Một hôm Tống Giang đương ngồi buồn trong trướng, bỗng thấy ngọn gió đìu hiu đưa đến, làm cho ngọn đèn trước trướng đã tắt hẳn rồi lại loé lên như đom đóm. Khi trận gió thổi qua chợt thấy dưới bóng đen có một người đi đến, ra ý dùng dằng băn khoăn, gọi Tống Giang mà hỏi rằng:
- Anh em ở đây làm gì như vậy?
Tống Giang ngẩng nom, té ra là Tiều Cái ở đó, chàng liền kinh ngạc đứng dậy đáp rằng:
- Ca Ca ở đâu đến đây?... Đại thù tôi chưa báo được, trong lòng thực là áy náy không yên. Nay nhân việc binh bận rộn, không được chu tất việc tế lễ, vậy vong linh Ca Ca về đây, chắc là có việc gì mắng trách đó chăng?
- Hiền đệ không biết, tôi với hiền đệ là anh em tâm phúc, nên tôi phải đến đây để cứu đó. Hiện nay cái nạn sau lưng sắp phát, chỉ có một vị sao thiêng ở đất Giang Nam thì mới khu trừ đi được, vậy ba mươi sáu chước chước nào là hơn, hiền đệ phải liệu mau đi, kẻo sau lại hối hận là anh em không cứu.
Tống Giang nghe nói vội sấn đến gần mà hỏi rằng:
- Âm hồn Ca Ca đến đây, có việc gì xin nói thực cho...
Tiều Cái đáp rằng:
- Thôi không cần nói lắm phải lập tức thu xếp về đi chớ lưu luyến đây nữa... Tôi đi đây.
Nói đoạn Tống Giang sịch mở mắt ra, mới biết là một giấc mộng Nam Kha canh vắng, chàng liền mời Ngô Dụng đến thuật giấc mộng cho nghe.
Ngô Dụng nói rằng:
- Tiều Thiên Vương đã hiển thánh như vậy chắc là đích thực chứ không sai. Vả hiện nay khí trời đương lạnh, gió bấc tuết sương, quân mã ở lâu không tiện, vậy cũng nên tạm lui về núi chờ khi Đông hết sang Xuân, rồi sẽ đem quân đi đánh cũng chưa muộn gì. Việc đó xin nhân huynh liệu trước thì hơn.
- Quân Sư nói đã đành là phải, song Lư Viên Ngoại cùng Thạch Tú còn đương bị giam ở trong lao, một ngày đăng đẳng mong mỏi anh em đến cứu, nay nếu bây giờ rút quân trở về thì tất là tính mạng của họ khó lòng mà toàn được. Nói thế thực là tiến thoái lưỡng nan, ta nên bàn kỹ xem sao rồi sẽ liệu.
Nói đoạn hai người bàn bạc một đêm hôm ấy, không quyết định ra sao.
Sáng hôm sau Tống Giang bỗng thấy tinh thần mỏi mệt, mình nóng như sôi, đầu nhức như búa bổ, nằm liên miên ở giường mà không muốn dậy.
Các Đầu Lĩnh thấy vậy đều tụ họp trước trướng để thăm hỏi trông nom.
Khi các tướng nom đến Tống Giang thấy đằng sau lưng có một mụn như hạt đậu nổi lên, đỏ vầng như viên than nóng. Ngô Dụng thấy vậy nói với các Đầu Lĩnh rằng:
- Cái bệnh nầy không phải là ung cũng không phải là nhọt, duy có thứ bột đậu xanh, khả dĩ giữ được khí độc không cho thấm vào trong ruột, vậy ta nên tìm thứ bột ấy cho Ca Ca uống mới được. Còn về việc thuốc men thì ở đây xa lạ, không biết rằng tìm đâu cho được thầy hay?
Ngô Dụng chưa nói dứt lời, thì thấy Lãng Lý Bạch Điều nói lên rằng:
- Khi trước mẹ tôi ở Tầm Dương, bị cái hậu bối, thuốc men mãi không khỏi bệnh, sau mới được ông An Đạo Toàn ở phủ Kiến Khang đến chữa, thì bệnh lập tức khỏi ngay, từ đó tôi lấy làm cảm phục ông ta, mà kiếm được tiền nong là đem đến biếu. Nay bệnh huynh trưởng như vậy, tưởng có người ấy đến, thì thế nào cũng khỏi, duy đây sang Kiến Khang Châu thì đường sá diệu vợi, nếu muốn kịp thì phải đi ngay cho chóng mới được.
Ngô Dụng nói:
- Huynh trưởng nằm mê thấy Tiều Thiên Vương nói có vạ sau lưng, tất phải có linh tinh ở Giang Nam mới được, có lẽ là người đó chăng?
Tống Giang nói:
- Nếu có phải vậy, thì Trương huynh nên lập tức đi mời về đây cứu mệnh cho ta, chớ khá từ nan mới được. Ngô Dụng liền lấy ra trăm lạng vàng để đưa thầy thuốc, và đưa ba mươi lạng bạc cho Trương Thuận làm lộ phí mà dặn rằng:
- Ngươi phải lập tức đi ngay chớ nên để lỡ. Ta nay nhổ trại kéo quân về núi, ngươi đi mau mau, đón người ta về đó, phải cho đến nơi đến chốn mới được.
Trương Thuận vâng lời, lập tức gói khăn gói từ biệt mọi người ra đi. Ngô Dụng lại sai lấy xe đặt Tống Giang lên rồi nhổ trại thu quân đêm hôm đó kéo về Sơn Bạc.
Lương Trung Thư nghe tin Tống Giang đã rút quân về, trong bụng hoài nghi không hiểu ra sao? Lý Thành Văn Đạt đều nói ra.
Lão Ngô Dụng khôn ngoan qủy quyệt, lắm kế nhiều mưu, ta chỉ nên giữ vững, chớ ra đuổi mà khốn.
Lương Trung Thư nghe nói khen phải, liền sai đóng thành giữ vững, mà không dám đuổi theo.
Về phần Trương Thuận một mình khoác khăn gói ra đi, trời đông sương tuyết lạnh lẽo đìu hiu, trên đường vắng ngắt vắng tanh, riêng có một thân vò võ. Khi đến sông Tầm Dương, trông quanh trông quẩn không có một chiếc đò nào để sang ngang được, trong lòng lấy làm sốt ruột vô cùng.
Chàng lại theo nẻo bờ sông đi một lát, chợt trông thấy trong đám lau lách, có tiếng sột soạt, rồi có một người đầu đội nón lá, mình mặc áo tơi, chạy ra hỏi Trương Thuận rằng:
- Ông muốn đi đâu?
- Ta muốn sang phủ Kiến Khang, có một việc rất cần, chở giúp cho sang, rồi ta sẽ trả nhiều tiền. Chở cũng được, không ngại gì, nhưng bây giờ sắp tối rồi, ông sang bên kia cũng không có chỗ trọ, vậy bất nhược ông hãy ngủ tạm ở thuyền tôi, rồi gần sáng gió im tuyết lạnh, tôi sẽ chở sang, phải cho nhiều tiền mới được.
Trương Thuận nghe nói, lấy làm phải, liền theo người lái đò cùng đi xuống lối bờ lau. Khi ra tới mé sông thấy có một chiếc thuyền nhỏ buộc ở đó. Trong mũi thuyền có một hậu sinh gầy gò đương ngồi quay vào lò lửa để sưởi. Lái đò đưa Trương Thuận xuống thuyền mời vào trong khoang, cởi áo ư ớt ra, gọi tên hậu sinh đem ra lò lửa để hơ, rồi Trương Thuận mở khăn gói ra, lấy chăn bông nằm cuộn tròn ở trong khoang.
Nằm một lát, Trương Thuận gọi lái đò đến bảo rằng:
- Ở đây có rượu không? Để lại cho ta một ít thì tốt lắm.
- Rượu thì đây không có, chỉ có ít cơm, ông có xơi để tôi dọn. Trương Thuận ngồi nhổm dậy, bảo xới cơm lên ăn mấy bát, rồi lại nằm lăn xuống ngủ. Chàng đi mấy hôm trời khó nhọc, nay được chăn ấm chiếu êm, liền nằm thiếp đi lúc nào không biết.
Bấy giờ tên hậu sinh kia vừa ngồi hơ áo trên đống lửa, vừa quay lại nhìn Trương Thuận, rồi khẽ gọi lái đò mà bảo rằng:
- Ca Ca có trông thấy không? Anh lái đò gật đầu hiểu ý, quay vào sờ gói của Trương thuận, rồi khẽ bảo tên hậu sinh rằng:
- Ngươi đẩy thuyền ra giữa sông sẽ hạ thủ thì tiện hơn.
Tên hậu sinh nghe nói, liền khẽ đẩy mui bồn nhảy lên trên bờ, cởi giây thuyền ra, rồi lấy sào sẽ đẩy thuyền lìa bến, mà chèo ra ngoài giữa sông. Khi tới giữa dòng sông, tên lái đò cắm thuyền ở đó, lấy giây thừng lừa trói Trương Thuận lại, rồi mở sạp thuyền lấy con dao lên... Bấy giờ Trương Thuận tỉnh dậy thấy hai tay bị trói, không sao cựa được, rồi thấy tên lái đò cầm dao lăm lăm đứng bên cạnh mình.
Chàng lấy làm kinh ngạc liền nói lên rằng:
- Hảo hán tha cho tôi, tôi xin đưa hết tiền nong ra nộp... Tên lái đò ung dung đáp rằng:
- Tiền cũng cần mà tính mạng anh cũng cần...
- Vâng, vậy ông làm phúc cho tôi được toàn thân mà chết, thì linh hồn tôi không khi nào oán đến ông.
Tên lái đò cười nhạt mà nói rằng:
- Cái đó thì được lắm.
Nói đoạn vất con dao xuống, xách Trương Thuận mà ném xuống nước, rồi quay vào mở khăn gói ra xem. Khi lái đò trông thấy khăn gói có nhiều vàng bạc thì ngẩn người ra, cau lông mày một cái, rồi gọi tên hậu sinh ra mà bảo rằng:
- Ngũ đệ đến đây ta bảo.
Tên hậu sinh nghe nói, vừa quay cổ đi vào, thì bị tên lái đò đâm cho một nhát, mà gạt phăng xuống giữa dòng sông. Đoạn rồi tên lái đò rửa sạch máu me trên thuyền, mà nhổ sào kẽo kẹt chèo đi.
Thực là:
Máu tham thấy lợi thì mê,
Trời cao đất rộng thiếu chi chuyện đời.
Ghê thay những kẻ vô loài,
Gươm vàng giáo bạc giết người đã bao?
Nói về Trương Thuận vốn là tay lặn nước đã quen, xưa nay thường ở dưới nước bốn năm đêm mới lên cũng được. Hôm đó chàng bị tên lái đò trói quăng xuống sông, liền cắn đứt dây trói ra, rồi mới bơi lên mặt nước, mà đi sang mạn bờ bên kia. Khi đó đi xa trông thấy đám rừng cây về phía bên Nam, có ánh đèn ngấp ngó, chàng liền thoi thóp lên bờ, để nguyên quần áo lướt thướt mà đi thẳng vào.
Chàng đi đến chỗ ánh lửa thấy có một hàng cơm, ánh lửa xuyên thầu vách thủng mà soi ra ngoài, chàng gõ cửa một tiếng, thấy có ông lão chạy ra mở, chàng liền cúi đầu chào ông lão mà xin hỏi trọ.
Ông lão hỏi rằng:
- Anh có phải là bị cướp ở sông, rồi nhảy ngay xuống nước trốn đến đây không?
Trương Thuận nói:
- Chẳng giấu gì cụ, tôi ở Sơn Đông, muốn đi sang phủ Kiến Khang có việc, chẳng may đêm qua xuống đò sang ngang, bị tên hung đồ trói bỏ xuống sông, mà cướp lấy cả tiền nong quần áo, nhân vì tôi biết lội nước, nên mới thoát nạn mà lên được đến đây xin cụ cứu cho tôi với.
Ông già nghe nói mời Trương Thuận vào nhà bảo đem quần áo ra hơ, và đem rượu nóng ra thiết đãi, ông già lại hỏi Trương Thuận rằng:
- Bác tên họ là gì, ở Sơn Đông sang đây có việc chi?
- Tôi họ Trương, là anh em với thầy lang An ở phủ Kiến Khang, nay nhân rảnh việc đến thăm anh em cũng không có việc chi cần gấp.
- Bác ở Sơn Đông đến đây, có đi qua Lương Sơn Bạc không?
- Có, chính tôi đi qua lối đó.
- Tôi thấy nói chủ Sơn Bạc là Tống Giang, không hay cướp bóc hành khách, cũng không hay giết hại người ta, chỉ chăm chăm thay Trời làm Đạo có phải không?
- Vâng, Tống Đầu Lĩnh chỉ ghét đám tham quan lại nhũng, mà không hại đến lương dân bao giờ.
- Tôi thấy nói tụi Tống Giang thực là nhân nghĩa, chỉ thương nghèo cứu khổ, chứ không như bọn giặc cỏ ở đây... Nay nếu được tụi ấy đến đây thì may ra đám lương dân cũng được khoái hoạt, mà khỏi bị đám tham quan nhũng lại như trước.
Trương Thuận nghe nói đến đó, liền bảo với ông già rằng:
- Tôi nói câu nầy thì ông bỏ qua đi cho, chính tôi là Lãng Lý Bạch Điều Trương Thuận ở Lương Sơn Bạc đây. Nhân vì Tống Công minh Ca Ca tôi bị lên hậu bối, sai tôi đem một trăm lạng vàng sang đón An Đạo Toàn về chữa, ai ngờ ngủ dưới thuyền bị nó cướp mất tiền trói bỏ dưới sông, rồi tôi cắn đứt cả thừng mà lội lên đây.
Ông già có vẻ vui mừng mà rằng:
- Bác là hảo hán ở Lương Sơn, thì lão tôi cho thằng cháu trai ra chào bác.
Nói đoạn liền đứng dậy đi vào nhà trong. Được một lát có một người hậu sinh gầy gò ở trong đi ra, vái chào Trương Thuận mà rằng:
- Tôi được nghe đại danh Ca Ca đã lâu, nay mới được gặp đây, thực là hạnh phúc. Tôi đây họ Vương bày vai thứ sáu, vì sức chạy nhảy rất nhanh nên người ta thường gọi là Hoạt Diêm La Đình Lục, bìng sinh chỉ thích lội nước đánh gậy, cũng đã học tập được nhiều thầy, mà không tìm được người giỏi, nay tạm bán ngôi hàng đây cho qua loa ngày tháng đó thôi. Mới rồi mấy người cướp tiền của Ca Ca tôi đều biết cả. Một người là Tiết Giang Quỹ Trương Vượng và một người hậu sinh gầy gò tên là Du Lý Thu Tôn Ngũ, người ở huyện Hoa Đình đến đó. Hai tên ấy vốn quen nghề cướp bóc ở sông xưa nay, xin Ca Ca cứ vững tâm, ở đây vài hôm, để đợi chúng đến đây uống rượu rồi tôi sẽ báo thù cho Ca Ca.
Trương Thuận cảm tạ mà rằng:
- Tống Ca Ca tôi đương mắc bệnh, việc đón thầy rất cần, vậy sáng mai thế nào chúng tôi cũng phải đón an Đạo Toàn rồi về đây cũng được.
Vương Đình Lục liền lấy áo xiêm mới cho Trương Thuận thay, rồi giết gà làm cơm để đãi.
Sáng hôm sau trời quang tuyết tạnh, Vương Đính Lục lấy mười lạng bạc, đưa cho Trương Thuận đi vào thành. Trương Thau65n đi vào thành đến nhà An Đạo Toàn, thấy Đạo Toàn đương ngồi bán thuốc, chàng liền lật đật chạy vào để chào.
Đạo Toàn trông thấy Trương Thuận, thì có vẻ ngạc nhiên mà rằng:
- Anh em đi đâu đã lâu mà không được gặp, nay có việc chi lại đến đây?
Nói đoạn mời Trương Thuận vào nhà trong, Trương Thuận đem chuyện mình thuật rõ cho An Đạo Toàn nghe, và thú thực bị cướp mất tiền nong, nay chỉ có tay không đến đó.
An Đạo Toàn nói:
- Tống Công Minh là một bậc nghĩa sĩ xưa nay, đáng lẽ cần phải chữa ngay mới phải, song hiềm vì nhà tôi mới mất dạo trước, trong nhà không có ai là người thân thuộc trông nom, như vậy cũng khó lòng mà đi ngay được.
Trương thuận cố vật nài mà rằng:
- Nếu huynh trưởng không có lòng cứu giúp, thì tôi quyết nhiên không dám về núi nữa.
An Đạo Toàn ngần ngừ hồi lâu rồi nói rằng:
- Hãy để tôi liệu xem sao.
Trương Thuận lại cố tình nói mãi, về sau An Đạo Toàn mới chịu y lời để đi. Nguyên An Đạo Toàn mới đi lại với một con đào hát ở Phủ Kiến Khang, tên là Lý Xảo Nô, đôi bên tình ý rất là thân mật với nhau. Chiều hôm đó an Đạo Toàn dẫn cả Trương Thuận đến nhà Lý Xảo Nô thiết đãi rượu chè, rồi Lý Xảo Nô bái Trương Thuận làm thúc thúc.
Khi uống rượu được một vài tuần, an Đạo Toàn bảo với Lý Xảo Nô rằng:
- Đêm nay ta nghỉ đây một tối, rồi sáng mai phải đi Sơn Đông với anh em có lẽ một tháng, hay vài mươi ngày, thì mới về được. Lý xảo Nô đáp rằng:
- Tôi không thích cho chàng đi, nếu chàng không nghe lời tôi thì từ rày đừng đến cửa tôi nữa.
- Ta đã sắp sửa thuốc men rồi, chỉ sáng mai là phải đi, nàng hãy bằng lòng vậy, tôi đi nhanh chóng về ngay, không dám trì trện đâu mà ngại.
Lý Xảo Nô lại làm bộ uốn éo, nằm ngả vào lòng An Đạo Toàn mà nói rằng:
- Nếu chàng không nghĩ đến tôi, thì cứ đi ngay, tôi chỉ nguyền rủa cho nát từng mảnh thịt ra thôi...
Trương Thuận nghe nói tức giận vô cùng, không thể làm sao cho tiện, tối hôm ấy An Đạo Toàn say rượu nằm lăn ở trong phòng Lý Xảo Nô mà ngủ.
Xảo Nô bảo với Trương Thuận rằng:
- Anh đi đâu mà ngủ chứ nhà tôi đây chật lắm không có chỗ ngủ.
Trương Thuận nói:
- Để đợi Ca Ca tôi tỉnh rượu rồi cùng đi.
Xảo Nô đuổi Trương Thuận không được đành cho chàng ngủ ở một cái phòng con ngay gần ngoài cửa, Trương Thuận nằm đó trong lòng lấy làm băn khoăn vơ vẫn không yên, không sao chợp mắt đi được.
Vào khoảng cuối canh một có người gõ cửa ở ngoài. Trương Thuận liền ghé vào chỗ vách để nom ra, thì thấy có một người đi vào, nói với bà già ở nhà Xảo Nô. Bà lão bảo với người kia rằng:
- Bác đi đâu mà lâu mới đến đây. Hôm nay thầy lang nằm say trong phòng kia, còn làm thế nào được?
Người kia nói:
- Tôi có mười lạng vàng muốn đưa cô ấy để kéo vòng hột, vậy xin cụ làm ơn cho tôi được gặp cô ấy một lát.
Mụ già nói:
- Nếu vậy bác ngồi tạm ở buồng tôi, rồi tôi gọi nó sang.
Nói đoạn mụ già dẫn người kia đi vào phòng.
Trương Thuận nhờ ánh sáng nom mặt anh chàng kia, té ra chính là anh Tiết Giang Quỹ Trương Vượng, ăn cắp khăn gói ở bến sông Tầm Dương trước. Sau lại thấy mụ già đem chè rượu ra thiết đãi Trương Vượng, và gọi Xảo Nô sang để tiếp chuyện. Trương Thuận thấy vậy sốt ruột bừng bừng, toan xông chạy vào để đánh, sau nghĩ đi nghĩ lại sợ lỡ mất việc, lại đành phải im để nghe ngóng xem sao.
Hồi lâu ước chừng vào khoảng canh ba, hai người nhà đều say rượu chúi ở dưới bếp, còn mụ già cũng say nhứ say nhừ, mà ngồi ngất ngưỡng ở trên ghế. Trương Thuận đi thẳng xuống bếp vớ được con dao phay chém cho mụ già một phát ngã lăn xuống ghế, rồi toan quay ra chém hai đứa người nhà. Bất đồ con dao nhụt quá, chém được một người, thì lưỡi đã cong cờn cả lên, không sao dùng được nữa.
Hai đứa người nhà thấy vậy kinh sợ đã toan kêu, thì Trương Thuận đã vớ ngay được cái búa bổ củi ở bếp, chặt luôn cho mỗi đứa một nhát, chết quay ra đó. Bấy giờ Xảo Nô đương ngồi trong phòng với Trương Vượng, nghe thấy tiếng động, vội vàng chạy ra để xem. Dè đâu vừa đẩy cửa ra bị Trương Thuận chém cho một nhát búa cũng chết lăn ra nốt. Trương Vượng nhanh mắt trông thấy Xảo Nô bị chém, liền đẩy cửa ra lối sau, rồi nhảy qua tường mà trốn.
Trương Thuận giết xong bốn người, trong bụng lấy làm băn khoăn khó chịu. Chợt nhớ ra chuyện Võ Tòng giết nhà Trương Đô Giám khi trước, chàng kiền xé một miếng vải thấm máu đỏ, mà viết lên tường vôi trắng rằng: " Kẻ giết người là An Đạo Toàn".
Chàng viết luôn mười mấy chỗ như thế, rồi rửa sạch chân tay, lại vào phòng ngồi đợi. Đến lúc canh năm trời gần sắp sáng, An Đạo Toàn tỉnh dậy hỏi lên rằng:
- Người yêu của ta đâu?
Trương Thuận nghe nói, liền chạy đến bảo Đạo Toàn rằng:
- Ca Ca phải im tiếng, để tôi dưa đến cho mà xem người yêu.
Nói đoạn dắt An Đạo Toàn ra cửa phòng cho xem. An Đạo Toàn ra xem thấy tên nhà dưới bếp có bốn cái xác chết nằm đó thì lấy làm kinh ngạc rụng rời cả chân tay như người ngộ gió.
Trương Thuận lại trỏ lên những chỗ viết chữ ở trên tường mà nói rằng:
- Ca Ca đã trông thấy chữ của Ca Ca viết chưa?
An Đạo Toàn trông thấy lại còn ngẫn người ra, rồi kêu lên rằng:
- Anh làm thế nầy thì khổ tôi quá!
Trương Thuận nói:
- Bấy giờ chỉ có hai cách tuỳ bác muốn làm thế nào thì làm? Nếu bác kêu lên thì tôi chạy ngay, để mặc cho bác đền mạng người chết. Bằng bác muốn cho êm ả mọi việc rồi xin về nhà gói ghém thuốc men rồi đi ngay lên Lương Sơn Bạc với tôi mới được. Có hai đường ấy muốn sao mặc lòng.
An Đạo Toàn thở dài mà than rằng:
- Sao anh làm tàn nhẫn quá thế? Thôi bây giờ còn biết thế nào được nữa?
Nói đoạn liền dẩn Trương Thuần về nhà gói ghém thuốc men rồi đi theo với Trương Thuận. Trương Thuận đưa An Đạo Toàn cùng ra hàng rượu Vương Đình Lục.
Vương Đình Lục bảo với Trương Thuận rằng:
- Hôm qua Trương Vượng qua đây, tiếc vì không gặp Ca Ca ở nhà.
Trương Thuận nói rằng:
- Chính tôi cũng có gặp, nhưng bấy giờ không kịp đến được hắn ta. Ý tôi muốn làm được việc lớn chứ có cần gì sự báo thù vặt ấy?...
Vừa nói dứt lời thì thấy Vương Đình Lục nói lên rằng:
- Kìa Trương Vượng đương đi ở đây kìa.
Trương Thuận dặn rằng:
- Để yên dừng nói xem hắn ta đi đâu.
Nói đoạn quay ra nom, thì thấy Trương Vượng đang lững thững đi ra bến thuyền. Vương Đình Lục chạy theo gọi với Trương Vượng mà nói rằng:
- Bác để thuyền chở mấy người bà con của tôi sang sông với.
Trương Vượng quay lại đáp rằng:
- Có đi thuyền thì ra đi mau.
Vương Đình Lục quay vào bảo với Trương Thuận.
Trương Thuận bảo An Đạo Toàn rằng:
- An huynh cho tôi mượn quần áo của bác, bác mặc quần áo của tôi, rồi ta cùng đi ra thuyền.
An Đạo Toàn hỏi rằng:
- Làm thế là ý gì?
- Tôi khắc có cách bác bất tất phải hỏi.
An Đạo Toàn liền đổi quần áo cho Trương Thuận, rồi hai người cùng ăn mặc chỉnh tề ra đi. Vương Đình Lục vác khăn gói thuốc của An Đạo Toàn đưa hai người ra bến thuyền. Trương Vượng đẩy thuyền vào bờ, ba người cùng bước xuống thuyền, rồi Trương Vượng chèo kẽo kẹt ra giữa dòng sông.
Khi ra giữa dòng sông Trương Thuận bước vào trong khoang lật ván thuyền tìm thấy con dao của Trương Vượng, rồi gọi lên rằng:
- Bác lái vào mau đây, sao trong thuyền có vết máu thế nầy?
Trương Vượng đáp lên rằng:
- Xin ông chớ cười tôi....
Chàng vừa nói vừa chui vào trong khoan để xem.
Bất đồ vào tới nơi bị Trương Thuận đẩy ngã xuống sạp thuyền rồi đề chặt xuống mà quát lên rằng:
- Quân cường đạo, có biết người khách đi thuyền lúc mưa tuyết hôm nọ không?
Trương Vượng ngóc cổ lên nom rõ Trương Thuận, liền nín lặng mà không nói chi cả.
Trương Thuận quát hỏi rằng:
- Quân chó má nầy, mầy đã mưu lấy một trăm lạng vàng của ta, lại toan hại ta nữa là nghĩa làm sao? Còn người hậu sinh gầy gò hôm ấy đâu?
Trương Vượng nói rằng:
- Dám thưa hảo hán, vì tôi thấy nhiều vàng, sợ nó chia mất nên tôi giết nó mà bỏ xuống sông ngay hôm ấy rồi.
Trương Thuận lại quát lên rằng:
- Quân chó má nầy, ông đây đẻ ở bến Tầm Dương, lớn ở dưới núi Tiểu Cô đã từng buôn bán chài lưới, thiên hạ ai không biết tiếng. Sau nhân đến cướp Giang Châu, chiếm Lương Sơn Bạc, theo cùng ông Tống Công Minh ngang dọc bốn phương, ai không sợ hải! Thế mà bây dám lừa ta xuống thuyền, trói ném xuống sông để cướp tiền bạc. Nếu ta không biết lội nước, thì phỏng còn gì tính mạng với ngươi? Ngày nay oan thù gặp gỡ ta không thể tha ngươi được.
Nói đoạn liền vớ lấy cái thừng trói gò bốn chân tay, rồi xach ra mạn thuyền quăng tõm xuống sông mà nói rằng:
- Ta tha cho mày một mũi dao đó.
Vương Đình Lục nom thấy lấy làm than thở bồi hồi vô hạn. Trương Thuận lại quay vào lục ở trong thuyền tìm lấy món tiền hôm trước gói vào trong bọc, rồi ba người chèo thuyền vào bờ.
Khi đến bờ sông Trương Thuận bảo với Vương Đình Lục rằng:
- Ân nghĩa của hiền đệ, không bao giờ tôi dám quên được, nay nếu hiền đệ có lòng hạ cố, thì xin trở về thu xếp tửu điếm, rồi đưa phụ thân lên núi Lương Sơn để cùng tụ nghĩa chẳng hay hiền đệ nghĩ sao?
Vương Đình Lục đáp rằng:
- Ca Ca dạy thế thích hợp ý tôi, tôi xin lục tục theo sau lập tức...
Nói đoạn bái biệt hai người, lên thuyền trở về thu xếp nhà cữa để dẩn phụ thân đi lên Lương Sơn Bạc.
Bên kia Trương Thuận khoác khăn gói thuốc, dẩn An Đạo Toàn theo đường về phía Bắc để đi. An Đạo Toàn vốn người yếu đuối, đi bộ không quen, khi đi được ba mươi dặm đường thì mõi mệt tay chân không sao đi được nữa. Trương Thuận mời vào trong hàng nghỉ, và sai dọn rượu ra để thiết đãi.
Đương khi ăn uống chợt thấy một người chạy vào gọi Trương Thuận mà bảo rằng:
- Sao anh em đi chậm thế?
Trương Thuận nghe nói ngẩng lên nom thấy Thần Hành Thái Bảo Đới Tung ăn mặc giả dạng khách buôn đến đó, liền vội vàng bảo An Đạo Toàn đứng dậy vái chào, rồi cùng ngồi nói chuyện với nhau.
Trương Thuận hỏi bệnh tình Tống Công Minh, Đới Tung đáp rằng:
- Hiện nay Tống Ca Ca tinh thần hôn mê, cơm cháo không ăn, có lẽ sắp nguy mất!
Trương Thuận nghe nói bổng ra vẽ xót thương, mà chan chứa tuôn đôi hàng lụy.
An Đạo Toàn hỏi Đới Tung rằng:
- Trông sắc da và sắc huyết ra thế nào?
Đới Tung đáp:
- Trông sắc da nhờn nhợt, trọn ngày chỉ kêu đau rền rĩ, tính mạng khó lòng mà toàn được... !
- Nếu thịt da còn biết đau đớn, thì còn chữa được, nhưng chỉ sợ quá ngày thì nguy mất...
Đới Tung nói rằng:
- Nếu vậy tôi có cách đi nhanh được, xin ngài đi ngay bây giờ cho.
Nói đoạn liền lấy hai miếng giáp mã buộc vào chân An Đạo Toàn khoác lấy khăn gói thuốc, dặn Trương Thuận ở lại sau, rồi làm phép Thần Hành đưa An Đạo Toàn về trước. Trương Thuận nghỉ ở hàng đó mấy hôm, thì thấy bố con Vương Lục cũng đưa nhau đến.
Vương Đình Lục thấy Trương Thuận còn ở gần đó thì lấy làm lạ liền hỏi rằng:
- Sao Ca Ca còn trì trệ ở đây. An Đạo Toàn Tiên Sinh đâu rồi?
Trương Thuận đáp:
- An Tiên Sinh có Thần Hành Thái Bảo đón về trước, còn tôi ở lại đây là có ý đợi hiền đệ, Thái Công cùng đi một thể cho vui.
Nói về Đới Tung dẫn An Đạo Toàn về tới sơn trại, các Đầu Lĩnh ra đón tiếp vào Trung Nghĩa Đường, rồi đưa vào thăm bệnh Tống Giang. Khi vào tới phòng thấy Tống Giang thoi thóp thở như người sắp chết.
An Đạo Toàn xem mạch cẩn thận rồi nói với các vị Đầu Lĩnh rằng:
- Các ngài không phải ngại mạch nầy không có việc gì cả. Bề ngoài tuy bệnh thế trầm trọng, song mạch vững vàng....Tôi không dám nói khoác, chỉ trong vòng mười hôm nữa thì có thể khỏi bệnh.
Chúng nghe nói đều lạy tạ An Đạo Toàn mà mau mau cứu chữa giúp cho, An Đạo Toàn trước hết lấy ngãi chích hết độc khí, rồi dùng thuốc đồ dịch ở ngoài rồi cho thuốc đồ tể ở trong. Được năm hoomthif nước da đã hơi đo đỏ, mà thịt đã nhuận hơn, rồi mươi hôm thì lại ăn uống được như cũ. Duy còn cái nhọt vẫn chưa kín được thì thôi.
Hôm đó Trương Thuận đưa bố con Vương Đình Lục về tới sơn trại vào chào lạy Tống Giang cùng các vị Đầu Lĩnh và thuật chuyện việc bị cướp ở sông Tầm Dương cho mọi người nghe. Các Đầu Lĩnh đều lấy làm khen ngợi vô cùng. Bấy giờ nghe thấy bệnh thế đã hơi thư thái, liền gọi các Đầu Lĩnh đến, dân đấn hai hàng nước mắt, rồi bàn định việc đến thành Đại Danh để cứu Thạch Tú và Lư Viên Ngoại.
An Đạo Toàn can Tống Giang rằng:
- Cái nhọt của Tướng quân chưa khỏi hẳn, xin Tướng quân chưa nên vội động, nếu vội động thì khó lòng khỏi được.
Ngô Dụng bảo với Tống Giang rằng:
- Việc đó huynh trưởng không cần nghĩ đến, cứ tịnh dưỡng cho mạnh khoẻ là hơn, tôi tuy bất tài, song hiện dạo đầu xuân, khí trời êm ấm, thế nào tôi cũng đem quân, đến phá thành Đại Danh cứu lại Lư Viên Ngoại cùng Thạch Tú, và bắt hai đứa gian phu dâm phụ để hả lòng huynh trưởng.
Tống Giang nói rằng:
- Nếu được Quân Sư hết lọng báo cứu giúp cho, thì Tống Giang nầy dẩu chết cũng không còn gì hối hận chi nữa.
Ngô Dụng bèn dâng lời rồi cùng nhau bàn định, để đến phá thành phủ Đại Danh.
Mới hay:
Trí mưu khen đã đủ điều
Biết cơ suy thịnh rõ chiều tiến lui.
Rắp toan thu vét nhân tài,
Ra tay quét sạch bụi đời gian tham!
Lời bàn của Thánh Thán:
Tiều Cái đến báo mà Tống Giang đã trở nên phản tặc, viết ra nhọt sau lưng cho rõ tội phản bộ. Chỉ lạ cho Thi Nại Am sao ghét Tống Giang đến thế? Mà người đời sau còn đem trung nghĩa nghĩ lầm, thì há phải Nại Am viết truyện, làm chi quân tử ở kinh Xuân Thu, để cho đời sau điên đảo nói càn làm ra bụng tiểu nhân không biết sợ gì vậy thay; Với kẻ có trách nhiệm đến nhân tâm thế đạo, mọi chuyện thị phi, há chẳng xét đến hay sao?
Tống Giang đã phản, từ khi tha cho Tiều Cái, Tiều Cái trốn mà cái độc của Tống Giang nảy ra; Khi Tiều Cái chết, cái độc của Tống Giang đã thành, đến đây mới tả Tống Giang sinh nhọt độc ở hậu bối, ý rõ ra phản trạng của Tống Giang đây, lúc nầy mới phát, nhưng thực chí Tống Giang muốn phản đâu mới ngày nay, xem lời trong mơ Tiều cái, với lời Tống Giang bảo trốn thấy một chữ không sai, tác giả chẳng phí một lời, mà bút pháp đã nghiêm đến thế?
Đánh thành Đại Danh, mấy lần bỏ đi đánh lại, khéo thay biến pháp của nhà văn.
Trước kia đánh Chúc Gia Trang, hai ba lần, sau khi khổ chiến, chợt đâu một biến, biến ra một đoạn văn tả Giải Trân, Giải Bảo rất là kỳ ảo; Đến đây đánh thành Đại Danh, một hai lần sau khi khổ chiến, chợt đâu đột biến ra một đoạn văn tự Trương Vượng, Tôn Ngũ, lại rất là kỳ ảo...
Tả Trương Thuận đi mời An Đạo Toàn, chợt đâu một đoạn văn tả tình sự Tiết Giang Quỹ Trương Vượng ngang qua, lạ thay trung gian lại còn thêm vào một đoạn văn tả sự tình hậu sinh gầy gò Tôn Ngũ, thấy lòng văn như dòng sông xoay lộn, khiến thông thân khẳng định nổi ra.
Số vàng của Lương Sơn Bạc, đem đón An Đạo Toàn, chợt lọt vào tay Tiết Giang Qủy, một lần đáng hãi; Nửa đêm cướp vàng, nửa đêm chơi gái, mà kẻ mất vàng với kẻ cướp vàng, lại gặp một nhà, hai lần đáng hãi; Từ mời Thái Y đã hết vàng, Thái Y tới mà vàng lại thấy, thuyền của Tiết Giang là chốn gủi vàng, ba lần đáng hãi; Trên lòng sông gây oan, lại trên lòng sông trả oán, dù một lần gặp ở phòng Lý Xảo Nô, hai lần gặp ở nhà Vương Đình Lục mà chưa kịp trả thù, bốn lần đáng hãi;Bản đao còn đó, vết máu chưa khô, mà đầu oan gót nợ, nhanh như giở bàn tay, một ngày trước bị giây thừng trói, lại một ngày nay bị trói giây thừng, chẳng khác chút nào, năm điều đáng hãi; Tôn Ngũ cầm chèo, Tôn Ngũ mở dây thuyền, Tôn Ngũ chở đi, đến khi xong việc, Tôn Ngũ bị ăn dao, Tôn Ngũ xuống nước, chẳng hay Tôn Ngũ vì ai nhọc mệt nửa ngày; sáu lần đáng hãi; Tôn Ngũ trước giờ ác tâm, Tôn Ngũ chết trước, Trương Vượng dẫu làm sao cũng không thể thoát, chẳng hay dưới đáy nước gặp nhau, sẽ khóc hay cười? Bảy lần đáng hãi; Chỉ trong một chiếc thuyền, chợt đâu có hai người Trương Vượng, Tôn Ngũ, chợt đâu lại ba người Trương Thuận, Tôn Ngũ, Trương Vượng, lại chợt đâu còn có một người Trương Vượng. Rồi lại chợt đâu ra bốn người Trương Thuận, An Đạo Toàn, Vương Đình Lục, Trương Vượng, chợt đâu còn có ba người, mất Trương Vượng, rồi sau chợt đâu chỉ một người Vương Đình Lục mà thôi, thế rồi không còn ai nữa. Vi Ứng Vật có câu rằng: Bến đò không khách chiếc thuyền bơ vơ... riêng chiếc đò kia cũng bỗng đâu hay giở, đó tám lần đáng hãi vậy.
Hồi 65:
Đốt Thúy Vân Lâu, Thời Thiên vâng lệnh;
Phá Đại Danh Phủ, Ngô Dụng lập công
Bấy giờ Ngô Dụng nói với Tống Giang rằng:
- Huynh trưởng ngày nay may đã bình yên vô sự, lại có An Thái Y trông nom giúp đỡ ở đây, thực là vạn phúc cho sơn trại vạn phần. Vả trong bấy lâu nay tiểu đệ đã cho thám thính tin tức ở thành Đại Danh, nghe nói Lương Trung Thư đêm ngày lo nghĩ chỉ sợ quân mã của ta kéo đến thì rất là nguy biến. Tiểu đệ lại cho dán tất cả yết thị trong thành ngoài thành để hiểu dụ cho nhân dân cùng biết về việc đó là ta cốt bắt mấy người can phạm mà không hề gì đến dân, vì thế nên Lương Trung Thư lại càng lo riết. Còn về phần Xái Thái Sư từ khi nghe Quan Thắng đầu hàng thì cũng sợ hãi kinh hoàng không dám tâu rõ trước mặt Thiên Tử, và thường gửi thư đến bảo với Lương Trung Thư phải lưu tính mạng của Lưu Trung Thư Tuấn Nghĩa cùng Thạch Tú để khỏi sự nguy hiểm về sau.
Tống Giang nghe nói lại thúc giục Ngô Dụng mau mau hãy lập kế đánh thành.
Ngô Dụng định kế rằng:
- Hiện nay mới đầu mùa xuân, sắp đến ngày tết Nguyên Tiêu trong thành Đại Danh tất có hội chơi đèn rất náo vậy ta nên thừa cơ hội nầy mà phục binh trong thành, rồi sau sẽ kéo đại binh ập vào thì thế nào cũng phá được.
Tống Giang cả mừng khen rằng:
- Kế đó rất diệu xin quân sư thi hành ngay cho mới được.
Ngô Dụng liền quay ra hỏi các Đầu Lĩnh rằng:
- Nay cần nhất là việc phóng lửa ở trong thành, vậy trong đám anh em ai đảm đang cho việc đó.
Thời Thiên tiếp luôn rằng:
- Khi Tiểu đệ còn nhỏ có qua thành Đại Danh ít bữa, trong thành có một nơi gọi là Thuý Vân Lâu, trong lầu trên dưới có tất cả trên một trăm phòng... Đến đêm hôm Nguyên Tiêu chắc là huyên náo. Vậy để xin vào trước trong thành lẩn ở Thuý Vân Lâu rồi tối hôm đó sẽ phóng lửa ngay đó để lên hiệu, rồi Quân Sư kéo quân mã vào sau.
Ngô Dụng cả mừng mà rằng:
- Được vậy thì hay lắm! Sáng mai ngươi bắt đầu đi sớm, cứ đến đêm Nguyên tiêu thì phóng hỏa ở trên lầu Thuý Vân thế là công lớn.
Thời Thiên vâng lời đi trước. Sáng hôm sau Ngô Dụng cắt cho Giải Trân, Giải Bảo giả làm phường săn, tìm đến bán chim muông ở các quan nha trong thành để đợi đến hôm đó hễ thấy lửa hiệu thì lập tức phải ngăn giữ quân lính đi báo.
Hai người vâng lệnh đi ra, lại sai Đỗ Thiên, Tống Vạn giả làm người bán gạo, kéo xe vào ngủ trọ trong thành, đến đêm hôm đó trông cửa hiệu mà lấy cửa Đông, Khổng Minh, Khổng Lượng giả làm hai tên đầy tớ, lẻn vào thềm nhà các chốn náo nhiệt ở trong thành để bấy giờ đi tiếp ứng mọi nơi... Lý Ứng, Sử Tiến giả làm khách đi chơi, trọ ở ngoài cửa Đông thành đợi khi lửa lên thì đi giết đám lính coi thành để mở cửa cho quân ra. Lư Trung Thư cùng Võ Tòng giả làm thầy chùa đi khuyên giáo, đến chùa nào ở gần thành Đại Danh, nom lửa hiệu mà đến phía ngoài cửa nam để ngăn đón đại quân và đánh chặn đường đi. Trâu Uyên, Trâu Nhuận giả làm người bán đèn, nghỉ ở trong thành Đại Danh, để nom hiệu lửa mà đến nhà ngục cứu ứng, Lưu Đường giả làm lính công đợi ở trước nha phủ để ngăn giữ các người đến báo. Lại mời Công Tôn Thắng giả làm vân du Đạo Nhân, và Lăng Chấn giả làm đạo đồng; đem mấy trăm súng phóng hỏa đến chỗ vắng phía trong thành để đợi hiệu lửa là nổ súng lên. Lại sai Trương Thuận đi với Yến Thanh theo đường thủy vào thành, chực ở ngoài nhà Viên Ngoại để bắt gian phu dâm phụ. Vương Nụy Hổ, Tôn Tân, Trương Thanh, Hổ Tam Nương, Cố Đại Tẩu, Tôn Nhị Nương giả làm ba cặp vợ chồng nhà quê vào thành xem đèn, rồi lần đến nhà Lư Viên Ngoại để phóng lửa. Sài Tiến cùng Nhạc Hoà giả làm quan nhân đến nhà Xái Tiết Cấp cứu lấy tính mạng hai anh em Xái Phúc. Khi cắt đặt xong rồi, các Đầu Lĩnh đều theo hiệu lệnh mà lập tức ra đi...
Nói về thành phủ Đại Danh, một hôm gần đến ngày tết Nguyên Tiêu, Lương Trung Thư gọi Lý Thành, Văn Đạt, Vương Thái Thú cùng các quan lại trong thành đến để bàn về việc hội đèn hôm rằm.
Lương Trung Thư nói với mọi người rằng:
- Cứ theo lệ thường mọi năm, thì thành Đại Danh ta đây, tất phải mở hội chơi đèn giữa tối Nguyên Tiêu, cũng chẳng khác gì Đông Kinh vậy, song năm nay chẳng may bị giặc Lương Sơn mấy phen quấy nhiễu, chỉ e hôm ấy chơi đèn, mà lỡ xẩy ra có việc gì, thì làm sao cho được? Vậy các quan thử thương nghị xem sao?
Văn Đạt nghe nói ứng ngay lên rằng:
- Thiết tưởng đám giặc đã bỗng nhiên bỏ trốn, và dán yết thị khắp cả các nơi, như thế là cùng đường hết kế còn lo ngại điều chi? Nếu năm nay ta không mở hội chơi đèn, mà chúng dò biết, tất bị chúng chê cười. Vậy xin tướng công cứ hạ lệnh cho dân gian phải đặt thêm các đèn, cho vui hơn mọi năm trước. Giữa chợ phải kết thêm hai toà núi giả sơn, cũng theo như ở Đông Kinh, suốt đêm không cấm, từ mười ba đến mười bảy, phải thả đèn luôn năm đêm và sức cho các Phủ Quan phải sức bảo dân gian không được thiếu thốn. Hôm đó xin Tướng Công cứ thân hành đi chơi vui với dân chúng, rồi tôi dẫn một toán quân mã ra đóng ở hang Phi Hổ để phòng bị quân giặc, và cho Phó Đô Giám dẫn một toán quân kỵ đi tuần kiểm ngoài Thành cho cẩn thận, như thế thì còn có ngại chi?
Lương Trung Thư nghe nói cả mừng, liền treo bảng hiểu dụ dân xã cứ theo lệnh thi hành.
Nguyên Bắc Kinh là một nơi quận lớn xung yến ở đất Hà Bắc, đường đi lối lại giao thông rất nhiều, buôn bán sầm uất hơn tất cả mọi nơi, nhân dân tụ tập rất là đông đúc. Nay nhất đáng gặp hội phóng đăng thì ai nấy lấy làm nô nức thú vui, mà đua nhau để nộp đèn chơi hội.
Trong mấy hôm đó từ các nhà phú hào, cho đến các nhà loàng xoàng, đều tranh nhau đi mua đèn để nộp. Các lái bán đèn trong mọi năm lại khuân đèn đến bán rất là náo nhiệt. Khắp cả trong thành Đại Danh nhà nào nhà nấy, đều chăng đèn ngũ sắc ở trước cửa, cùng là bày biện trang hoàng trông nghiễm nhiên là ngày đại hội.
Bên cầu ở trước phủ Đại Danh có dựng lên một toà giả sơn, kết hai con rồng đỏ vàng rất lớn mỗi một cái vẩy rồng có một ngọn đèn, và trong miệng phun nước rất trong. Còn chung quanh cầu, cùng khắp cả quãng sông đều thắp đèn rất là rực rỡ. Trước chùa Đồng Phật, cũng có một toà giả sơn, trên kết một con rồng xanh, xung quanh có tới mấy nghìn ngọn đèn rất sáng.
Trước lầu Thuý Vân kết một toà giả sơn, trên có con rồng trắng, bốn mặt đèn sáng rất nhiều, Thuý Vân Lâu là một tửu lâu to nhất ở đất Bắc Hà, trong có ba tầng gác, xà chạm cột sơn rất là lộng lẫy. Tầng trên tầng dưới có tới hơn một trăm phòng ăn, ngày nào cũng đàn hát vang lừng không dứt tiếng, bởi vậy mà cái quang cảnh ngày hội, lại càng huyên náo phần hơn. Hôm đó có người do thám, về báo cho Ngô Dụng biết tin tức trong thành, Ngô Dụng lấy làm cả mừng nói rõ cho Tống Giang biết.
Tống Giang nghe nói liền đòi thân chinh đến đánh thành Đại Danh. An Đạo Toàn can rằng:
- Tướng Quân chưa được khỏi thực, chớ nên vội vàng làm chi, nếu lỡ ra một chút sau nầy, thì khó lòng mà cứu chữa được.
Ngô Dụng cũng can khuyên Tống Giang mà rằng:
- Tiểu đệ xin đi thay một chuyến, xin Huynh trưởng cứ vững tâm ở nhà không ngại chi cả.
Nói đoạn bèn cùng với Bùi Tuyên cấp tám đội quân mã để đi đánh; Đội thứ nhất Đại Đao Quan Thắng dẫn Tuyên Tán, Hắc Trương Văn đi trước; Trấn Tam Sơn Hoàng Tín đi sau, đều đem quân kỵ cả; đội thứ hai Báo Tử Đầu Lâm Xung dẫn Mã Lân, Đặng Phi đi trước. Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh ứng cứu đi sau; cùng đem kỵ binh cả; Đội thứ ba Song Chiên Hô Duyên Chước, dẫn Hàn Thao, Bành Dĩ đi trước, Bệnh Uùy Tri Tôn Lập đi sau, đều dẫn quân kỵ cả; Đôi thứ tư tích Lịch Hỏa Tần Minh dẫn Âu Bằng, Yến Thuận đi trước, Khiêu Giản Hổ, Trần Đạt đi sau, đem quân kỵ cả; Mục hoằng dẫn Đỗ Hưng, Trịnh Thiên Thọ kéo quân bộ đi đội thứ năm; Hắc Toàn Phong Lý Quỳ dẫn Lý Lập, Tào Chính đem quân bộ đi đội thứ sáu, Sáp Sí Hổ Lôi Hoành dẫn Thi Ân, Mục Xuân đem quân bộ đi đội thứ bảy; Hỗn Thế Ma Vương Phàn Thụy dẫn Hạng Sung, Lý Cổn đem quân bộ đi đội thứ tám. Tám đội quân mã đều chia đường lập tức kéo đi, hẹn đến canh hai hôm rằm tháng giêng là phải nhất tề kéo đến thành Đại Danh để đánh, còn các Đầu Lĩnh thì ở nhà theo Tống Giang coi trại. Nói về Thời Thiên vâng lệnh Quân Sư tới Bắc Kinh, khi trèo tường vào được trong thành Đại Danh, ban ngày thì dong chơi quanh ở phố, ban đêm thì lẻn vào các bàn thờ ở miếu Đông Nhạc để nằm nghỉ.
Đến hôm mười ba tháng giêng, Thời Thiên đương vẫn vơ xem treo đèn kết hoa ở trong thành, bỗng đâu thấy Giải Trân, Giải Bảo gánh các đồ chim muông đi vào, rồi thấy Đỗ Thiên, Tống Vạn cũng đã thủng thỉnh vào trong đấy cả rồi.
Hôm đó Thời Thiên đi thủng thỉnh đến Thuý Vân Lâu, thấy Khổng Minh bỏ xõa đầu tóc, mình mặc áo da dê rách, tay hữu cầm một cái gậy, tay tả cầm một cái bát, thất tha thất thểu đi xin quanh đó.
Khi Khổng Minh trông thấy Thời Thiên bèn chạy đến đằng sau để nói chuyện.
Thời Thiên khẽ bảo Khổng Minh rằng:
- Ca Ca phải khéo đấy trông bộ dạng như thế, không giống người ăn mày đâu, ở đây nhiều đám lính tráng khôn ngoan, lỡ ra nó biết thì khốn, Ca Ca nên vào một nơi còn hơn.
Đương khi nói chuyện, cũng thấy Khổng Lượng giả làm ăn mày đi đến, Thời Thiên lại bảo Khổng Lượng rằng:
- Anh thò cái mặt trắng phau phau thế kia, thì giống kẻ ăn mày thế nào được?
Vừa nói dứt lời, thì thấy hai người đi đến đằng sau, nắm lấy Thời Thiên mà mắng ngay rằng:
- Các anh giỏi thực.
Thời Thiên nghe nói, giựt mình quay lại thì thấy Dương Hùng và Lưu Đường liền bảo với hai người rằng:
- Anh làm tôi sợ bằng chết.
Dương Hùng liền dắt mấy người ra chỗ vắng vẻ mà trách rằng:
- Các anh không biết gì cả, đứng đấy mà nói chuyện với nhau, lỡ ra gặp đám nào trông thấy, thì phỏng còn ra công việc gì nữa? Các anh phải lẫn lút thế nào, chứ đừng giơ mặt ra đấy mà khốn.
Khổng Minh nói:
- Trâu Uyên, Trâu Nhuận đã thấy đi bán đèn trong phố hôm qua, còn Lỗ Trí Thâm cùng Võ Tòng cũng thấy ở ngoài thành rồi, anh em ta bất tất phải bàn nữa, cứ đợi đến hôm ấy là hành sự thôi.
Nói xong rồi năm người kéo nhau đi qua một cái chùa kia, gặp Công Tôn Thắng cùng Lăng Chấn ở đó. Bảy người đưa mật báo cho nhau, rồi lại chia đi mỗi người một ngã.
Ngày hôm sau mười bốn, Lương Trung Thư sai Văn Đạt dẫn quân mã ra đóng ở Phi Hổ Dực, đề phòng bị giặc cướp, và sai Lý Thành dẫn năm trăm kỵ binh ra đi tuần tiễu quanh thành.
Đến hôm rằm tháng giêng, chiều trời tạnh ráo dễ chịu, Lương Trung Thư lấy làm vui mừng vô hạn. Tối hôm đó mặt trăng vằng vặc trên không, soi xuống các nơi phố sá, bọn nam nữ rủ nhau đi xem, cùng thích cánh chen vai, đông đúc không biết tới đâu mà kể.
Vào khoảng chập tối hôm ấy, Tiết Cấp là Xái Phúc bảo với em là Xái Khánh rằng:
- Hiền đệ coi ngục ở đây, để tôi về nhà một lúc, rồi sẽ hay.
Chàng nói đoạn vội vàng chạy vội về nhà. Khi về tới nhà chợt thấy có hai người đi tót theo vào, một người trước ăn mặc ra dáng quan binh, còn một người sau ra dáng anh đầy tớ. Xái Phúc giơ đèn nom ra, thì nhận biết Sài Tiến đi trước, còn người đi sau không hiểu là ai.
Xái Phúc thấy vậy, bèn mời vào trong nhà và sẵn có chè rượu đó để thết.
Sài Tiến nói rằng:
- Xin ngài đừng cho ăn uống nữa, chúng tôi đến đây có chút việc cần, muốn nói cho ngài biết. Nguyên Lư Viên Ngoại cùng Thạch Tú nhờ ngài ở đây trông nom cho được chu toàn, chúng tôi thực lấy làm cảm ơn vô hạn. Vậy ngày nay gặp tiết Nguyên Tiêu, chúng tôi muốn thừa cơ cướp ngục cho hai người ấy ra, xin ngài làm ơn đưa cho chúng tôi đến đó... Chớ nên từ chối mới được.
Xái phúc nghe nói biết là không vâng lời, tất là nguy hiểm tới thân gia, liền vội vội vàng vàng vâng lời xin đi, và đưa quần áo lính hầu cho hai người cùng mặc, rồi dẫn vào trong ngục.
Hôm đó vào khoảng canh một, Vương Nụy Hổ, Nhất Trượng Thanh, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Trương Thanh, Tôn Nhị Nương ăn mặc giả làm vợ chồng nhà quê đi chen vào đám xem hội mà lẻn vào cửa Đông. Công Tôn Thắng cùng Lăng Chấn ngồi ở miếu Thành Hoàng gần trước cửa châu nha để đợi Trâu Uyên, Trâu Nhuận gánh đèn đi chơi dong trên mặt phố, Đỗ Thiên, Tống Vạn đều đẩy một cỗ xe đến trước nhà Lương Trung Thư, mà đánh lộn sòng vào đám người đông.
Nguyên dinh Lương Trung Thư ở một phố lớn, gần ngang với cửa thành bên Đông, Dương Hùng, Lưu Đường đều vác gậy ngồi chực sẵn ở hai bên cầu trước cửa châu nha, còn Yến Thanh dẫn Trương Thuận đi theo đường thủy vào trong thành để nấp ở đó. Được một lát nghe trống lầu đã đánh canh hai, Thời Thiên cắp một cái thúng, trong đựng những thứ thuốc dẫn lửa trên rãi mấy con bươm bướm bằng trang kim, rồi đi lẻn lên trên lầu Thúy Vân. Bấy giờ trên lầu đương ra vào đông đúc, đàn sáo vang lừng, khắp mọi người gần xa đều đến đó xem đèn, rất là náo nhiệt.
Thời Thiên lên đến gác, giả cách làm anh bán bươm bướm để chạy quanh xem xét các nơi. Đương khi ấy chợt thấy Giải Trân, Giải Bảo đều vác cương xoa treo lủng lẳng mấy con thỏ đi vẫn vơ ở trước lầu.
Thời Thiên thấy vậy vội chạy đến hỏi hai người kia rằng:
- Bây giờ có lẽ sắp đến giờ, sao mà không thấy ngoài kia động đậy chi cả?
Giải Trân nói:
- Chúng tôi vừa trông thấy thám mã qua đây xong, có lẽ quân ta đã kéo vào đến rồi thì phải. Anh nên hành sự ngay đi thôi.
Nói vừa dứt lời, thì đã thấy thước cửa lầu ồn ồn kêu lên rằng:
- Quân mã Lương Sơn Bạc đã kéo đến cửa Tây rồi...
Giải Trân liền giục Thời Thiên, mau mau vác phóng lửa trong lều, còn mình thì cùng với Giải Bảo chạy đến trước trại lính để đợi.
Bấy giờ thấy đám quân mã tàn bại ở ngoài thành chạy vào, nói nhao nhao lên rằng:
- Quân giặc Lương Sơn đã chiếm mất trại của Văn Đạt, và kéo nhau vào thành bây giờ.
Lý Thành đương đi tuần ở trên biên thành nghe tin ấy bèn phóng ngựa đến trại lính, truyền điểm lấy quân lính ra coi giữ ở Châu Thành, và đóng chặt các cửa thành lại.
Khi đó Vương Thái Thú đương đi đàn áp ở trên các phố, bỗng nghe thấy tin báo như vậy, liền hất ha hất hải mà chạy mau trở về trong trại.
Về phần Lương Trung Thư hôm đó say rượu ngất nga ngất ngưỡng ở trong dinh, thoạt nghe thấy tin báo cũng còn dềnh dàng chưa sợ, sau thấy thám mã cùng lưu tinh đều chạy đốc thôi vào báo, sự thế nguy cấp đến nơi bấy giờ mới kinh hồn choáng óc, liền gọi người đóng ngựa để đi.
Khi ngựa chưa đóng xong yên, thì chợt thấy trên lầu Thúy Vân có ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt đỏ sáng rực trời, Lương Trung Thư lấy làm kinh hãi vội vàng nhảy lên mình ngựa, để toan ra đi xem.
Chợt đâu lại thấy hai người đem hai cỗ xe để chắn ngang giữa lối đi, rồi vớ lấy một ngọn đèn treo gần đó, mà lấy lửa châm vào trong xe đốt cháy bùng cả lên.
Lương Trung Thư thấy vậy, lại hất hải chạy ra cửa Đông. Bỗng đâu lại thấy hai người to lớn quát lên rằng:
- Lý Ứng, Sử Tiến ở đây.
Nói đoạn liền múa đao xông vào chém chết mấy người, đám quan quân đều kinh sợ mà chạy tán loạn cả. Đoạn rồi Đỗ Thiên, Tống Vạn cũng tiếp đến mà giữ chặt lấy cửa Đông. Lương Trung Thư thấy sự thế nguy bách, liền dẫn mấy đứa người nhà chạy vội vàng sang bên cửa Nam, lại thấy có một ông sư phệ bụng, cùng một người hành giả mặt hổ, tay múa giới đao hò reo dắt vào trong thành. Trung Thư nghe nói lại quay ngựa trở về trại lính, khi gần tới nơi thấy Giải Trân, Giải Bảo đương múa cương xoa, đánh giết ầm ầm ở đó, chàng lại kinh sợ chạy về cửa Tây.
Bấy giờ Vương Thái Thú vừa đến trại, bị Lưu Đường, Dương Hùng đánh cho mấy côn, vỡ óc chết lăn ra phố, còn bọn ngu hầu áp phiên đều bỏ chạy hết cả.
Khi Lương Trung Thư gần tới cửa Tây, thấy trong miếu Thành Hoàng bỗng tiếng súng nổ lên, rồi thấy ngọn lửa bốc lên dần dật, Trâu Uyên, Trâu Nhuận thì cầm lấy gậy tre đi châm lửa đốt ở các nơi trong có Vương Nụy Hổ, Nhất Trượng Thanh, cùng Tôn Tân, Cố Đại Tẩu đều múa đao xông vào để giúp. Còn Trương Thanh, Tôn Nhị Nương, thì nhảy lên đốt lửa vào giả sơn ở trước cửa chùa Đồng Phật.
Bấy giờ nhân dân trong thành Đại Danh, đều cắm đầu chạy trốn, nhà nào nhà nấy đều kêu khóc như di, khắp trong thành chỗ nào cũng có tiếng người kêu lửa cháy, rối loạn kinh hoàng, không biết tới đâu mà kể.
Lương Trung Thư chạy về đến cửa Tây, tiếp được quân mã của Lý Thành, liền kéo nhau chạy sang phía Nam, trèo lên gác trống để xem. Khi đó thấy binh mã kéo xuống dưới thành, ngọn lửa bốc cháy như ban ngày, có mộ toán quân kéo cờ Đại Đao Quan thắng đi giữa bên tả có Tuyên Tán bên hữu có Hắc Tư Văn, đằng sau có Hoàng Tín thôi thúc nhân mã sát vào dưới cửa thành. Lương Trung Thư không thể nào ra khỏi ngoài thành, liền cùng với Lý Thành chạy sang cửa Bắc để trốn.
Chợt đâu lại thấy một toán quân mã rất đông, có Lâm Xung đi đầu, Mã Lân đi bên tả, Đặng Phi đi bên hữu, Hoa Vinh đi sau, mà hết sức cùng nhau kéo đến, Lương Trung Thư lại phải quay ngựa chạy về cửa Đông.
Gần tới cửa Đông lại thấy Mục Hoằng, Đỗ Hưng, Trịnh Thiên Thọ dẫn một nghìn nhân mã múa đao sát vào. Lương Trung Thư lại phải quay về cửa Nam, rồi cướp đường để chạy.
Khi ra đến đích kiều lại gặp Lý Quỳ cởi trần múa phủ cùng với Lý Lập, Tào Chính đều hăng hái xông vào, Lý Thành liền hết sức xông đánh, cướp đường cho Lương Trung Thư chạy ra ngoài thành.
Bỗng lại gặp Hô Duyên Chước dẫn một toán quân mã, múa chiên vỗ ngựa để đánh Lương Trung Thư, Lý Thành cũng múa đao đón đánh được vài hiệp, rồi lại phải quay ngựa để chạy. Sau lại thấy Hàn Thao, bành Dĩ, cùng Tôn Lập đều hết sức xông đến. Đoạn rồi có Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh dương cung đặt tên, bắn viên phó tướng của Lý Thành ngã lăn xuống ngựa. Lý Thành thấy vậy vội vàng phi ngựa chạy thẳng.
Chạy chưa được mấy bước lại thấy phía bên giữa có Tích Lịch Hỏa Tần Minh múa côn vỗ ngựa dẫn Yến Thuận, Âu Bằng cùng Trần Đạt sát đến. Lý Thành liền cố sức đánh thục thân để cướp đường đưa Lương Trung Thư chạy.
Bên kia Đỗ Thiên, Tống Vạn vào phủ Trung Thư giết hết vợ con, người nhà của Lương Trung Thư, Khổng Minh, Khổng lượng, trèo tường lần lần vào ngục. Trâu Uyên, Trâu Nhuận tiếp đón những người qua lại ở trước sở coi ngục. Sài Tiến, Nhạc Hoà trông thấy hiệu lửa ở ngoài, liền bảo với Xái Phúc, Xái Khánh rằng:
- Hai anh em nhà bác không trông đó còn đợi đến bao giờ nữa? Xái Khánh nghe nói mới quay ra nom, thì Trâu Uyên, Trâu Nhuận đã đẩy tung cửa bước vào mà nói rằng:
- Cả bọn hảo hán Lương Sơn Bạc ở đây, muốn sống thì trả Lư Viên Ngoại cùng Thạch Tú ra cho ta...
Xái Khánh thấy vậy, vội vàng quay vào báo cho Xái Phúc biết. Bấy giờ chợt thấy Khổng Minh, Khổng Lượng ở trên nóc nhà lao nhảy xuống, rồi Sài Tiến rút dao phăng khí giới ở bên mình ra, tháo gông ra cho Lư Tuấn Nghĩa cùng Thạch Tú và bảo Xái Phúc rằng:
- Bác mau mau theo tôi về nhà để coi giữ vợ con mới được.
Đoạn rồi Lư Tuấn Nghĩa dẫn Thạch Tú cùng Khổng Minh, Khổng Lượng, Trâu Uyên, Trâu Nhuận, về thẳng nhà để bắt Lý Cố cùng Cổ Thị. Nguyên Lý Cố từ khi nghe tin bọn hảo hán Lương Sơn, đã dẫn quân mã vào thành, rồi lại thấy các nơi phát hỏa tứ tung, thì trong bụng đã kinh hoàng sợ hãi, bèn vội vàng cùng với Cổ Thị thu xếp lấy một gói kim ngân tài vật, rồi lẻn ra cửa để trốn. Khi ra tới cửa, thấy những người đứng ở ngoài cửa, đều bị đánh ngã lộn bậy cả, rồi có người cướp sấn vào nhà, Lý Cố liền cùng Cổ Thị, quay trở vào mở lối sau để đi. Hai người đi qua lối tường sau, lẩn đến bên sông, toan tìm đường ẩn núp. Bất đồ có Trương Thuận đứng ở bên sông kêu lên rằng:
- Hai người nầy chạy đi đâu đó? Lý Cố kinh sợ toan vội nhảy xuống dứơi thuyền, thì đã có một người nắm lấy cánh tay mà quát hỏi rằng:
- Ngươi có biết ta không? Lý Cố nghe rõ Yến Thanh liền kêu lên rằng:
- Tiểu Ất Ca tôi với bác có thù hằn gì mà bác bắt tôi... ? Yến Thanh lặng ngắt nắm cổ kéo đi, rồi Trương Thuận cũng bắt cả mụ đàn bà mà kéo về cửa Đông.
Bấy giờ Lư Tuấn Nghĩa về tới nhà không thấy Lý Cố cùng Cổ Thị đâu, liền gọi chúng thu xếp hết các đồ kim ngân tài vật xếp tất cả lên xe, để mang về Lương Sơn Bạc.
Về phần Sài Tiến, theo Xái Phúc cùng về tới nhà, cho xếp dọn đồ đạc, và dặn dò các người trong nhà để cùng đi theo.
Xái Phúc nói với Sài Tiến rằng:
- Đại Quan Nhân nên cứu cho nhân dân trong thành, chớ để cho họ đánh giết quá đỗi mới được. Sài Tiến nghe nói vội vàng chạy tìm quân sư để nói chuyện. Khi Ngô Dụng tiếp được Sài Tiến thì dân sự trong thành đã thei65t hại đến quá nửa. Ngô Dụng liền hạ lệnh cấm quân sĩ không được giết hại chi nữa.
Được một lát trời vừa rạng sáng, Ngô Dụng cùng Sài Tiến đều ở trong thành khua chiên thu quân, rồi các Đầu Lĩnh dẫn Lư Tuấn Nghĩa cùng Thạch Tú vào hầu, và nói rõ công trạng anh em Xái Phúc, đối với Lư Tuấn Nghĩa cho mọi người nghe. Yến Thanh cũng giải Lý Cố cùng Cổ Thị đến. Lư Tuấn Nghĩa trông thấy liền bảo Yến Thanh giam giữ cẩn thận, rồi sau sẽ trị.
Còn về phần Lương Trung Thư nhờ có Lý Thành ra sức chống đỡ, cùng nhau kéo tới ngoài thành, thì gặp được Văn Đạt cùng dẫn tàn quân qua đến đó, đôi bên cùng hợp nhau thành một đạo, mà cùng chạy về phía bên nam. Bất đồ chạy được mấy bước, bỗng thấy tiền quân kêu thét ầm lên, rồi có một toán quân phục của Phàn Thụy, Hạng Sung, Lý Cổn xông ra đánh giết. Phía sau lại có Lôi Hoành cùng Thi Ân, Mục Xuân dẫn một nghìn quân bộ chặn lấy đường lui, mà hai bên giáp đánh một trận.
Lý Thành, Văn Đạt thấy vậy, đều kinh sợ rụng rời, đem hết bình sinh cố thoát ra khỏi vòng vây, mãi sau mới cứu thoát được Lương Trung Thư, mà cùng nhau chạy về phía Tây.
Bọn Phàn Thụy thấy Lương Trung Thư đã chạy thoát, cũng không ai đuổi theo, bèn cùng với Lôi Hoành dẫn quân vào trong thành để nghe lệnh.
Mới hay:
Trên đời mấy mặt tri âm,
Nghìn vàng mua chữ đồng tâm dễ nào?
Xưa nay những bạn anh hào,
Tan nhà chuốc nghĩa tri giao cũng nhiều.
Cùng nhau sinh tử cũng liều,
Rồi đây hưu, thích trăm chiều có nhau.
Lời bàn của Thánh Thán:
Thánh Thán nói đến ông bạn Trác Sơn tiên sinh, từng khoe có một người khéo miệng thành nghề đóng kịch rất hay. Rồi thuật chuyện rằng: Một hôm tân khách ngồi đông ở bên góc bên Đông Bắc nhà sảnh sự, người khéo miệng ngồi ở trước bình phong, chỉ một bàn, một ghế, một cái quạt, và cái thước, rồi làm trò. Một lát sau hai tiếng thước gõ, khách đều lặng im, không ai làm náo, xa xa nghe tiếng chó sủa, tiếng chuông kêu, làm người vợ kinh dậy, càu nhàu với chồng, chồng nói vợ cãi, tiếng trả khóc oa oa, chồng bảo vợ cho con bú bao nhiêu tiếng nhộn nhàng, nào chồng nào vợ, nào đứa bé khóc, nào đứa lớn sực tỉnh nói lên, đúng như vậy ấy, làm tân khách ngạc nhiên!
Khách ngồi xem hết một trò, lại tiếp đến tiếng kêu lửa cháy, nào tiếng cha gọi con, chồng gắt vợ, người nọ gào kẻ kia, hàng nàng tiếng chó sủa, lại hàng ngàn tiếng người kêu chạy, thêm tiếng trống khua, tiếng đồ dùng cứu hỏa, tóm lại đúng không sai sót chút nào về một sự cứu cháy, đương diễn ra trước mọi người, làm cho tân khách biến hẳn sắc mặt kinh hãi ngạc nhiên một lúc cháy xong rồi, khách mới hoàn hồn, thì quay lại nhìn bình phong vẫn chỉ một chàng một ghế một bàn một quạt một thước làm trò ra cả. Thực là chỉ có một người; Mà làm trò như ngàn miệng ngàn tai, hễ ai để ý nghe đến tiếng nào thấy có tiếng ấy, trăm ngàn tiếng đều phát ra một miệng, đó mới thực lành nghề miệng lưỡi, khiến một trò tân khách phán thưởng không.
Ta bấy giờ nghe thuật chuyện ấy còn không tin, cười bảo tiên sinh rằng: Đó là ông bàn lối sán hoa, chứ ở đời làm sao có được lành nghề đến thế? Tiên sinh cũng cười lại bảo ta rằng: Há phải ông không tin, bây giờ tôi cũng không còn tin thế nữa, bởi không còn ai khéo miệng lành nghề đó mà lại diễn ra đây! Nay ta đọc một thiên lửa đốt lầu Thúy Vân, mà than rằng: Tiên Sinh chẳng từng nói dối ta, thế gian vốn có những lành nghề tuyệt diệu phi thường như vậy.
Trong khi điều khiển, mỗi người theo một lệnh, tới lúc động tay, đều thay đổi hết, chẳng giống lệnh chút nào, tại sao? Vì việc đời đánh nhau, không sẵn bản in, để quân sĩ lắp vào, Làm văn cũng không sẵn bản in, để tài tử lắp vào, tả điều điệu làm hai nửa, tả điểm đậu cũng chia hai nửa, tả mọi người làm việc trong thành cũng chia hai nửa, tả quân nhân sách ứng trong thành cũng chia hai nửa, lại là một dạng kỳ tuyệt chi cách.
Sau khi tả Lương Sơn điều động cướp thành, bèn tả đến Lương Trung Thư điều động chơi đèn, tả Lương Trung Thư chạy trốn xong, tả đến Lý Cố, Cổ Thị một phen chạy trốn, khiến người đọc đến, thực muốn tuyệt đảo.
Thi Nại Am
Dịch giả: Á Nam Trần Tuấn Khải
Theo https://www.sachhayonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXThời của thánh thần 4

Thời của thánh thần 4 Chương 22 Người trở về Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống m...