Đàm thoại độc thoại
(Những ngã sông)
Khu rừng lau 4
PHẦN MỘT
NHỮNG NGẢ SÔNG
TRÊN DÒNG ĐỜI
Chương một
MỐI TÌNH THIÊN THU
I.
Kế hoạch kinh tế nào của Khóa cũng hoàn hảo, nhìn thấu suốt vấn
đề, có kế hoạch xây dựng rất sát với hoàn cảnh thực tế, nhưng… tài mệnh tương đố,
kế hoạch nào của Khóa cũng - như lời nhận xét khôi hài nhưng xác đáng của Luận
- nếu không bị trời phá thì bị người phá, thành thử rút cục chỉ còn… tấm lòng
son của Khóa. Và Khoá đành tiếp tục trông nom việc buôn bán giúp mẹ, hoặc giúp
một người bạn buôn hay bạn thầu cũ nào, như thế công việc lại rất trôi chảy. Mỗi
lần Khóa giúp mẹ thành công một công việc gì, bà Đô thường khôi hài nhắc lại
câu: “Số anh là luôn luôn phải quanh quẩn dưới gối tôi, khi nào tôi về với tiên
tổ anh làm ăn gì có khá mới khá!” Và Khoá đáp lời mẹ: “Cụ ơi, con nhất định
không chịu khá để được luôn luôn quanh quẩn dưới gối cụ!” Còn mỗi khi giúp các
bạn buôn, bạn thầu thành công xong, Khóa thường nói đùa với các bạn trong gia
đình Văn Hóa: “Các cậu xem, tôi thực là khôn nhà dại chợ! Số tử vi thế mà, cung
Thân thì có sao Đà La, cung Nô có Tử Phủ, lại đủ cả Đào, Hồng chiếu vào.”Luận đã có lần tiếp: “Thực khó một tìm một câu cách ngôn Việt
Nam cho hợp với đại ca, khôn nhà dại chợ không đúng, mà việc nhà thì nhác, việc
chú bác thì siêng cũng không đúng.”Sau khi dự định thiết lập thương mại theo thuỷ lộ nối liền
hai thủ đô Sài Gòn và Nam Vang không thành vì Cao Miên về phe Việt cộng tuyệt
giao với Việt Nam Cộng Hoà, Khoá bèn đi Nha Trang mấy tháng giúp một người bạn
thầu. Tất nhiên công việc của người bạn này thành công. Lẽ ra Khoá còn ở lại
giúp người bạn thêm một áp phe nữa thì vừa nhận được thư của mẹ. Không phải cụ
gọi Khoá về để giúp, mà để chuẩn bị lo liệu việc cưới xin cho thằng cháu trưởng
của cụ (chàng hoạ sĩ Thanh). Sau khi dan díu với Tú, cô gái thuỳ mị theo đạo
Thiên Chúa, tình yêu đã phá vỡ mọi thành kiến tôn giáo, Thanh bèn kể hết câu
chuyện với bà nội. Cụ lập tức viết thư gọi Khoá về; về tới Sài Gòn, Khoá lập tức
tới thăm người bạn buôn cũ (ba Tú), say mê nhắc lại chuyện tử vi, nhắc lại chuyện
buôn cau khô từ Nam Vang trở về Hà Nội lãi hai trăm năm chục ngàn, nhắc lại
phong cảnh cùng tập tục xứ Lào, v…v… Thành thử ra câu chuyện hàn huyên của đôi
bạn cũ là câu chuyện chính, còn việc xin Tú cho Thanh là chuyện phụ mãi đến lúc
sắp ra về Khoá mới nói . Một tháng sau Tú đã về làm dâu và hai tháng sau đã có
tin mừng. Khoá tiếp tục ở lại Sài Gòn đưa cặp mắt tinh tế của mình quan sát các
ngành kinh tế quốc gia và tránh sao khỏi rắp tâm xây dựng vài kế hoạch khác thấu
đáo đấy, giản dị đấy, nhưng vẫn là khó như vá trời lấp biển vì những cản trở rất
ngu xuẩn của những nhân viên rất vô liêm sỉ của cái chính phủ Ngô triều ngày
càng nát ruỗng.Hôm đó Khóa gặp Kha tại toà soạn Văn Hóa bèn rủ:- Đi uống cái gì không Kha? Kha đáp:- Vâng thì đi, báo phát hành rồi!Sang tiệm nước gần đấy Khoá gọi cà phê đá, Kha gọi một ly sữa
tươi. Khoá nhìn Kha khuấy đường trong ly sữa bằng đôi mắt diễu cợt, rồi nói bằng
một giọng thương hại:- Thoáng nhìn ly sữa của cậu, tôi biết là thứ sữa họ đã lấy hết
bơ đi rồi chỉ còn petit lait.Kha chỉ vào chai sữa tươi nhỏ vừa dốc cạn còn đặt cạnh đó:- Thì sữa của hợp tác xã chính cống nè!Khoá lắc đầu:- Cậu ngây thơ lắm! Kha hỏi:- Petit lait chắc còn ít chất bổ lắm hở anh? Khoá
phá lên cười:- Bên Pháp họ dùng để nuôi heo hay nuôi bê mà chỉ ở tỉ lệ trộn
từ năm đến mười phần trăm với thức ăn của chúng, quá tỉ lệ đó thì bê và heo
cũng đi ỉa chảy.Kha thốt:- Chết cha! Thế những xưởng làm bơ thừa petit lait nhiều
quá thì làm sao?Khoá càng cười đắc chí:- Thoạt họ đổ xuống sông mà cũng không xong, Liên đoàn đánh
cá kiện vì chất chua của at-xít sữa làm chết cá. Sau cùng họ đành pha với nước
đem tưới cỏ gọi là dùng chút ít magnésium, đồng, kẽm trong đó cho cỏ tươi
lên một chút.Kha lắc đầu:- Nghe anh nói xong tôi uống ly sữa mà thấy… héo ruột! Đôi bạn
cùng cười. Kha nói:- Lũ gian thương vô lương tâm thật! Khoá đáp ngay:- Có gian thương vì có gian chính! Gian thương cho đồng bào uống petit
lait thì gian chính cũng cho đồng bào hưởng một thứ petit lait chính
trị. Gian chính đẻ ra đủ các thứ gian, gian thương, gian công… Tỷ như công nhân
điều khiển một máy làm thuốc đánh răng kia, đó là thứ máy khá tối tân, nếu có một
hạt cát nhỏ lẫn trong thuốc đánh răng, máy lập tức ngừng không bơm thuốc vào ống
và đèn đỏ bật sáng báo hiệu, công nhân bèn khoan rộng cái lỗ ra cho máy khỏi phải
ngừng, đèn đỏ khỏi phải bật…Nghe Khoá nói Kha biết ông bạn già của mình đương có nhiều điều
bất đắc chí lắm, Kha chưa kịp hỏi gì thêm Khoá đã tiếp:- Tôi có người bạn cũ trước cùng học ở Collège de
Pavie bên Lào, anh sang Pháp học bốn năm chuyên về hợp tác xã nông nghiệp,
về nước hai năm nay được cắt cử làm đủ các công việc trừ chính ngành chuyên môn
hợp tác xã nông nghiệp của anh, nào là làm giám định viên dinh điền được ít
lâu chef tống sang ngành nuôi heo; chương trình nuôi heo thiết lập
xong lại bị tống sang ngành nuôi cá, rồi nuôi gà, rồi ngành trồng chuối để xuất
cảng…Kha trợn mắt:- Sao vậy, anh bạn về nước trong vòng có hai năm mà chu du ngần
bấy nhiêu ngành?- Có gì đâu, vì anh bạn tôi quá ư liêm khiết nên đến cơ quan
nào là thành một thứ isolant cản trở dòng điện… thâm lạm đương chuyển
đều.Khoá đã trả tiền nước, đôi bạn cùng đứng dậy. Khoá lắc đầu
ngao ngán:- Chả “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” mà. Dân mình còn điêu linh về
lũ gian chính Ngô triều này cậu ạ. Tôi chán Sài Gòn quá rồi!Đôi bạn ra khỏi tiệm nước, Khoá tiếp tục:- Tới ngày nay nước mình thiết lập nhiều nhà máy lẽ ra chúng
ta được hưởng những máy tối tân nhất; không, chúng toàn rước những thứ thiên hạ
thải đi.- Rước như vậy họ lợi gì? – Kha hỏi.
- Lợi bảo thiên hạ làm hoá đơn tăng gấp hai gấp ba, số tiền
thặng dư thiên hạ sẵn sàng chuyển giúp vào compte ngoại quốc nào đó.- Họ không sợ người ngoại quốc khinh? Khoá đặt tia nhìn vào
Kha giây lâu mới nói:- Cậu ngây thơ quá xá!Đôi bạn đã về tới toà báo ngồi đối diện nhau, Khoá tiếp tục
thao thao:- Tiền của Nông tín cuộc không bao giờ đến tay nhà nông
nghèo, toàn rơi vào tay tư bản, để lại đầu tư chợ đen chợ đỏ tại chốn đô thị
này. Nước nhà có cát quý Nha Trang, họ đâu nghĩ đến việc thành lập một nhà máy
thuỷ tinh đại quy mô mà chỉ tính chuyện bán cát cho Nhật; nước nhà sẵn có cao
su, sẵn đất đỏ, một hãng ngoại quốc chịu đầu tư ba trăm triệu để sản xuất xăm lốp
ô tô mà không chịu. Vì nước nhà sản xuất các loại xăm lốp cung cấp cho toàn thị
trường Đông Nam Á thì chúng còn đâu quyền cấp ngoại tệ cho những hãng nhập cảng
mà xơ múi.Khoá chỉ hãng làm bột ngọt của Tàu đối diện với toà báo hỏi
Kha:- Cậu có biết bột ngọt làm bằng gì không?Lẽ tất nhiên Kha lắc đầu chịu, đợi Khoá giải thích:- Bằng khoai mì! Năm đồng một ký khoai mì, cứ tám ký rưỡi
khoai mì được một ký bột ngọt bán hai trăm rưỡi, cậu tính xem lời bao nhiêu. Mà
bột ngọt còn có cách làm rẻ vốn nữa bằng nước ngâm mủ cao su.Kha trợn mắt:- Nước ngâm mủ cao su?- Phải, tôi đã hội đủ tài liệu để biết rằng nếu chính phủ
giúp tôi điều kiện tận dụng những nước ngâm mủ cao su thì miền Nam này có thể
hàng ngày có thể sản xuất ít nhất là hai tấn bột ngọt mà xuất cảng. Tôi lại có
kế hoạch xây dựng một xưởng làm than đước đại quy mô, đặt mua máy ở Đức để nhốt
khói lại vừa không làm hại sức khoẻ dân quanh vùng, vừa dùng khói đó lọc được
các chất acide acétique để làm dấm, acétone dùng trong kỹ
nghệ tơ lụa, alcool méthylique dùng vào kỹ nghệ phẩm nhuộm… Nhưng cậu
tính người ta xin đầu tư vào ba trăm triệu có lợi cho kỹ nghệ đất nước mà họ
không chịu, xăng nhớt dụng cụ sản xuất nông phẩm không được miễn thuế, máy móc
tối tân không mua, chỉ rước toàn những thứ máy bán đồng nát về, như vậy làm sao
họ chịu giúp tôi thực hiện những kế hoạch trên!Khóa vùng đứng dậy thở hắt:- Tôi chán Sài Gòn quá rồi cậu ơi!Chán Sài Gòn quá rồi (có nghĩa là chán nền kinh tế quốc gia
quá rồi), Khóa nhất định lên Đà Lạt khuất mắt một dạo. Âu đó cũng là trốn tránh
thực tại khi mà người ta chẳng làm được gì cứu vãn thực tại.Nguyên do người bạn thầu trước đây của Khóa vẫn có chiếc villa khá
rộng ở một đường vắng gần trường nữ trung học Couvent des Oiseaux. Hồi còn
ở Nha Trang, Khóa vẫn về đấy vừa nghỉ dưỡng sức cuối tuần vừa dùng làm nơi tĩnh
mịch để suy tính kế hoạch của từng giai đoạn cho thật chu đáo. Chiếc villa đó
như hệt dành riêng cho Khóa vì người bạn kia rất ít khi về, chỉ cắt một người
nhà thường xuyên ở đấy trông nom. Sát với chiếc villa này là một vườn
rau khá rộng với căn nhà gỗ, chủ nhân ngăn đôi căn nhà cho bốn chàng sinh viên
thuê, họ đều quê quán tận lục tỉnh lên Đà Lạt theo học tại các ngành đại học. Một
lần được nói chuyện với Khóa, họ mến ngay và thường hễ thấy bóng Khóa về họ tự
ý sang thăm liền. Khóa bao giờ chẳng là một thứ diễn giả bách công, chuyện gì
nói cũng đâu ra đấy, mấy cậu sinh viên đôi lần hỏi ý kiến Khóa về đường lối
chính trị, Khóa thật tình khuyên họ hãy nên có một nhãn quan bình tĩnh, thông
suốt mà nhận định rõ thời và thế để xuất xử cho đúng lúc. Với hiện tình và
trong cỡ tuổi của họ thì họ nên lợi dụng thời gian này mà học hỏi thêm nhiều nữa,
đồng thời nếu có tháo vát thì tổ chức kinh tế mà nuôi nhau, y như người trồng
cây vào mùa mưa để sửa soạn. Họ lại hỏi khéo Khóa về những người đứng tuổi vẫn
ngấm ngầm hoạt động chống chính quyền nhà Ngô thì sao. Khóa trả lời đó là những
chính khách chính cống, họ có cái nghiệp của họ, và việc họ làm là phải, mỗi
người một hoàn cảnh riêng, bắt chước là xuẩn động, là vô ý thức, vả lại trồng
cây đợi thời đâu phải là hèn, đâu phải là đào ngũ với dân tộc.Lần Khóa chán Sài Gòn lên Đà Lạt này, bốn chàng sinh viên cố
nhiên lại sang góp mặt với Khóa ngay. Vô tình mà họ vẫn gọi Khóa là “đại ca” y
như Luận vẫn gọi Khóa trong gia đình Văn Hóa. Suốt tuần lễ không ngày nào Khóa
không thấy bốn cậu dập dìu sang thăm mình, có khi đi chơi ở chợ về Khóa đã thấy
cả bốn ngồi nói chuyện trong phòng khách. Bỗng bẵng đi hai hôm không thấy bóng
một cậu nào, rồi người gác villa cho Khóa hay cả bốn đã bị công an bắt
vì dính líu vào họat động chính trị chống đối chính phủ. Buổi trưa hôm đó vừa
ăn cơm xong, Khóa sắp sửa đi nằm thì có tiếng gõ cửa bên ngoài. Khóa mở cửa, một
thanh niên nghênh ngang bước vào và nói ngay:- Mời ông theo tôi, Nha Giám đốc Công an muốn được gặp ông.Biết có điều bất thường, Khóa chưa kịp nói gì người thanh
niên đã tiếp:- Xin ông đi ngay cho, chúng tôi có chiếc xe Jeep ngoài
kia. Khóa chỉ kịp dặn khẽ người gác villa là cho đến chiều mà không
thấy mình về thì viết thư báo ngay cho người nhà theo địa chỉ Sài Gòn.Làm sao mà ngay buổi chiều hôm đó Khóa về ngay cho được! Con
người từng ao ước có quyền hành trong tay, làm thứ trưởng bộ Nội Vụ kiêm giám đốc
trại Cải huấn để giáo dục hữu hiệu phạm nhân rồi đây sẽ bị giữ ở Cải huấn mười
một tháng liền!IIKhóa bị đưa ngay tới trại giam sát bên Nha Công an. Ba giờ
chiều thẩm vấn. Thì ra họ cho Khóa là lãnh tụ của bốn chàng sinh viên chống đối
kia.- Ông cho biết đã hoạt động những gì với bọn họ?- Đó là những người bạn trẻ hàng xóm vậy thôi, tôi không hề
biết họ hoạt động gì.- Họ đã hoạt động với ông từ ba bốn tháng trước đây!- Ba bốn tháng trước đây tôi có giúp việc cho một người bạn
thầu xây cất dưới Nha Trang và hàng tuần có về đây nghỉ, do đó quen bốn người bạn
trẻ.- Ông có thảo luận với họ về các đường lối chính trị?- Về đủ mọi mặt! Các đường lối chính trị, các đường lối kinh
tế, các đường lối xã hội, pháp luật… Đó là những câu chuyện thường tình cửa miệng.Người thẩm vấn đặt tách riêng một câu hỏi:- Ông cho biết những đường lối chính trị nào ông đã nghiên cứu
kỹ và đường lối riêng của ông theo ra sao?Khóa có thừa thông minh để tránh việc trả lời ngay về đường lối
của cá nhân mình, vả lại mấy câu vấn đáp vừa qua đã đủ giúp Khóa có đà thao
thao, mà khi Khóa đã đủ đà thao thao thì Khóa vừa nói vừa thôi miên. Khóa thực
tình thuật lại những điều thường nhắc với các bạn trẻ về thái độ chết của những
vị anh hùng liệt sĩ thời trước: Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Nguyễn Trung Trực, Thủ
Khoa Huân… Khóa cao giọng ngâm bài thơ của cụ Thủ Khoa Huân khi cụ bị bắt đi đầy
sau vụ khởi nghĩa thứ nhất thất bại, trong có câu:Mấy hồi tên đạn ra tay thửNgàn dặm giang sơn dạo gót chơi.Lại ngâm cả bài tức cảnh của cụ khi bị giặc gông cổ rồi mang
ra trói trước mũi thuyền trước khi đem cụ về hành hình tại Mỹ Tho sau vụ khởi
nghĩa thứ hai thất bại, trong có những câu:Thác về đất Bắc danh còn rạngSống về ở thành Nam tiếng bỏ khôngThắng bại doanh hư trời khiến chịuMặc đời chi sá kẻ cười ông.Và giọng Khóa trở nên cực kỳ cảm động khi ngâm đến bài thơ
tuyệt mạng của cụ trước khi ngửa cổ chịu chém, đó là bài thơ Hán tự, nhưng Khóa
ngâm bài dịch của cụ Phan Bội Châu:Ruỗi rong vó ngựa báo thù chung Binh bại cho nên mạng phải
cùng Tiết nghĩa còn lưu cùng vũ trụ Hơn thua sá kể với anh hùng.Nổi sung mất vía quân Hồ LỗQuyết thác không hàng rạng núi sôngThọ thủy ngày rầy pha máu đỏĐảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.Người thẩm vấn – người này có học thức – mỉm cười, nụ cười tỉnh
táo như muốn diễu sự nhiều lời của Khóa. Khóa không đòi hỏi gì hơn và thừa biết
đó là thái độ tất nhiên của kẻ thẩm vấn. Khóa có chú ý thấy một viên Trưởng ty
phụ trách về việc khai thác khẩu cung ngấp nghé bên ngoài. Viên đó hẳn không bằng
lòng về thái độ quá hòa nhã của người hỏi cung trí thức này, nên hôm sau y đã
chỉ định một người khác cục cằn thô lỗ tiếp tục hỏi cung ngay tại phòng tra tấn.
Đó là một căn phòng đặc biệt mỗi bề chừng bốn thước thiết lập ngay chính giữa
phòng lớn, bốn bề đóng tường ván, bên trong có chiếc bàn để Khóa viết tờ khai;
một bên sát tường có kê chiếc phản gỗ, bên kia là các đồ tra tấn: mấy chậu nước
đầy để tra nước, một miếng xà phòng lớn để người tra tấn rửa tay rồi lại dùng
nước đó đổ vào mũi vào kẻ bị tra tấn (sau này Khóa được các bạn nói cho hay vậy),
mấy miếng vải lớn dùng để bịt miệng bịt mắt, mấy cuộn giây trói, một bình điện
quay, mấy chiếc roi matraque treo lủng lẳng ngang chiếc xà thấp.Lần này người thẩm vấn mặt lạnh như tiền, quẳng tới trước
Khóa mấy tờ giấy bảo làm tờ khai đời sống từ lúc trưởng thành cho tới nay. Nếu
khi nói Khóa ưa nói thao thao thì khi viết Khóa lại viết rất vắn tắt. Khóa ghi
vắn tắt lên tờ khai từ thuở sống và theo học ở Lào; thời gian làm công chức nhà
đoan, rồi từ chức đi buôn và mở nhà máy xay bột gạo ở Hà Nội, thời kháng chiến
buôn muối trên con đường từ Văn Lý đến huyện Thạch Thất (Sơn Tây), thời về Hà Nội
tham gia hội đồng thành phố rồi di cư vào Nam…Người thẩm vấn hầm hầm đọc tờ khai thoạt hỏi Khóa về thời
gian ở Lào. Khóa rất dễ dàng thuật lại đời sống bình dân ở xứ Lào – Khóa biết y
là người bình dân – và Khóa nhấn mạnh về nếp sống thật thà giản dị của người
dân xứ Lào. Y nghe và dịu đi nhưng rồi lại vùng lên xẵng hỏi thời gian Khóa
tham gia hội đồng thành phố Hà Nội. Khóa thuật lại cho y nghe công việc làm Ủy
viên cố vấn sở Xã hội của mình ngày ấy, cách mình trông nom việc phân phát tiền,
vải cứu trợ ra sao để nhanh chóng đến tay đồng bào hồi cư.Viên thẩm vấn chớp mắt yên lặng giây lâu. Phải, mẹ y ngày đó
hồi cư vào Hà Nội và có được lĩnh vải và tiền cứu trợ, bản tính bình dân chất
phác của y muốn hồi sinh, y nhìn Khóa như nhìn một ân nhân. Từ đấy suốt câu
chuyện thẩm vấn, thái độ y hiền lành như con sông nhỏ chảy qua cánh đồng làng,
Khóa có mấy lần trông thấy viên Trưởng ty khai thác khẩu cung đứng ngoài ra hiệu
thúc giục tra tấn nhưng y lờ đi như không biết. Sau đó y đã giải thích với viên
Trưởng ty ra sao, chỉ biết từ đấy mỗi lần hỏi cung (Khóa còn bị hỏi suốt tuần lễ
đó) Khóa không còn thấy viên Trưởng ty ngấp nghé đứng ngoài sốt ruột đợi tra tấn
nữa.Bốn người sinh viên bị bắt trước tuy bị tra tấn dã man nhưng
cũng khai đúng như lời Khóa là không hề có liên lạc chính trị gì với Khóa. Như
vậy lẽ ra Khóa phải được thả ra ngay, nhưng viên Trưởng ty nọ không hiểu sao
còn thù Khóa, y tâng công trong tờ trình lên với Nha là y đã bắt được đầu não,
một đầu não cực kỳ nguy hiểm vì vẫn lãnh đạo mà không chính thức là người lãnh
đạo. Đoạn cuối tờ trình y đề nghị với Nha để Nha đề nghị với Tổng Nha đưa Khóa
đi an trí tại Côn Đảo hai năm. Trong khi chờ đợi quyết định của Tổng Nha, Khóa
được tạm chuyển từ trại giam sang nhà lao cách Nha khoảng một cây số. May cho
Khóa là chuyển sang nhà lao được một tuần thì gặp hôm viên Thị trưởng tới thăm
tù nhân, ông này xưa cũng đã từng là Ủy viên hội đồng thành phố Hà Nội với Khóa
và hiểu Khóa lắm. Ông kịp thời ngăn cản được quyết định an trí mà chỉ giam giữ
trong thời gian tối đa một năm ngay tại Đà Lạt. Thâm tâm ông định vào việc ân
xá rằm tháng Bảy sắp tới còn ngót hai tháng nữa – sẽ thả Khóa cùng nhiều người
khác để các bạn đồng sự cùng cấp trên khỏi dị nghị. Nhưng ông lại thuyên chuyển
đi nơi khác ngay sau đó thành thử Khóa bị giữ lại nhà giam mười một tháng nữa.
Đó là điều không may cho Khóa, tất nhiên, nhưng cũng vì thế mà Khóa gặp được một
mối tình mà về sau khi đã thuật lại với bạn bè, Luận gọi là “mối tình hồi
xuân”, Miên gọi là “mối tình già của anh Khóa”, và Kha căn cứ vào câu chuyện của
Khóa gọi là “mối tình thiên thu”.III
Nhà lao Đà Lạt thiết lập trên một ngọn đồi xung quanh xây tường
cao và dầy, bên trong là dãy nhà hình chữ môn chia làm nhiều gian,
gian lớn có thể nhốt tới một trăm phạm nhân, gian nhỏ khoảng ba chục (Khóa được
nhốt ở gian lớn). Cổng ngoài với cửa trong nhà lao cách nhau một sân con dùng
làm nơi cho các phạm nhân gặp người nhà và nhận đồ tiếp tế. KhiKhóa chuyển tới nhà lao thì gia đình dưới Sài Gòn cũng vừa
hay tin. Khóa đã lần lượt gặp mẹ, vợ, con, các anh em trong gia đình Văn Hóa ở
khoảng sân đó. Khóa khuyên gia đình cứ yên chí ở Sài Gòn không cần người thường
trực ở Đà Lạt làm gì, vì đã qua thời ký thẩm vấn được giải tới nhà lao thì chỉ
còn chờ ngày ra mà thôi. Hàng tuần mọi người đã thay phiên nhau từ Sài Gòn lên
thăm Khóa. Tân một lần theo bộ đội hành quân qua đấy vào thăm, Hiển một lần nghỉ
phép về Sài Gòn cũng lên thăm.Địa vị của Hãng ngày càng vững chắc ở hãng đại lý Âu dược cho
cả Đông Nam Á mà chàng nhận làm việc ngay từ ngày mới ở Pháp về. Hãng luôn luôn
đi tới các tỉnh lớn kiểm soát các đại lý, mỗi khi qua Đà Lạt, Hãng đều tự đảm
nhận việc tiếp tế tiền nong áo quần cùng các vật dụng khác cho Khóa. Khiết trước
đây sang tên chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Văn Hóa cho Kha để tránh sự theo dõi của
chính quyền, dự định lên Đà Lạt mở văn phòng luật sư, nhưng rồi không thuê được
căn nhà như ý nên ở lại Sài Gòn. Lãng và vợ chồng Khiết thường lên thăm Khóa
vào những chiều thứ bảy và sáng chủ nhật để rồi trưa chủ nhật đã lên phi cơ trở
về Sài Gòn với công việc. Một lần thấy Miên cũng thu xếp được công việc tại nhà
hộ sinh tại Sài Gòn để cùng Kha lên thăm mình trên này. Khóa cảm động lắm và
cám ơn đi cám ơn lại nghe tưởng như khách sáo, Miên phải đáp đùa lại là: “Tại
em nhân tiện lên nghỉ mát trên này, tạt vào thăm anh đấy chứ.” Chỉ có hai người
không tới thăm Khóa: Luận mải mê với không khí du hí tại Sài Gòn; và Tú, cô con
dâu của Khóa, vì mang bầu. Sau này khi Khóa được thả ra thì thằng cháu nội đã
được ba tháng.Lẽ cố nhiên một nhân viên hùng biện như Khóa mười một tháng
trong tù thiếu gì chuyện, không kể câu chuyện… “mối tình thiên thu”.Viên cai ngục nhà lao Đà Lạt nguyên là quản khố xanh xưa, người
Huế, nay lên chức trung úy bảo an, anh chị em phạm nhân vẫn quen gọi là “cụ
trung úy”. Y ăn bớt tiền chợ của tù nhân bằng cách cấp bông cho mấy người tù đã
chịu phục tùng y đi chợ mua những đồ rau ôi cá ươn về rồi muốn tính bao nhiêu
thì tính. Ngày đầu tiên tới nhà lao đó, Khóa chứng kiến một thanh niên bị chứng
sốt xuất huyết qua một đêm, sớm hôm sau nằm liệt giường. Chính Khóa lục đục suốt
đêm vực anh chàng đi cầu. Chàng thanh niên đó nghèo, cả gia đình ở tận Pleiku
nên không ai tiếp tế. Tám giờ sáng “cụ trung úy” xuất hiện. Khóa đứng lên chỉ
vào người ốm nói rất dẽ dàng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét