Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Màu trắng hoa quỳnh 1

Màu trắng hoa quỳnh 1

Chương 1

Chiếc xe đò liên tỉnh vừa dừng lại thì có năm ba hành khách đã lục đục bước xuống. Trong số đó có một cô gái tuổi chừng mười sáu, mười bảy đang ngơ ngác nhìn quanh như ngỡ ngàng trước cảnh lạ, người xa.

Thấy những người đồng hành với mình đã rẽ hết vào các con đường đất nối liền xa lộ, cô gái cũng định tự chọn cho mình một hướng để đi nhưng khi nhìn lên bầu trời thấy mây đen vần vũ báo hiệu sắp có mưa thì lộ ra nét lo ngại.

Chợt một tiếng gọi thật to:

- Ôi… Quỳnh! Mày đi đâu mà lạc đến cái xứ sở này vậy?

Cô gái tên Quỳnh giật mình quay mặt lại, không giấu vẻ mừng rỡ:

- Ồ… Lụa! Không tìm thấy được mày là kể như đêm nay tao phải tạm trú ngoài đường rồi.

Lụa ôm lấy vai bạn tíu tít:

- Cái mặt mày mà ở ngoài đường chắc chắn sẽ bị người ta bắt cóc mất thôi. Con gái thành phố mà lên đây cũng giống như hoa hồng giữa vùng sa mạc vậy.

Quỳnh e thẹn thụi nhẹ vào lưng bạn:

- Chưa gì đã làm cho tao phải mắc cỡ rồi đó nghen. Nào… đưa tao về nhà mau rồi tao sẽ kể nguyên do của cuộc viếng thăm đột xuất này cho mày nghe. Nhưng mà nè, tao sẽ ở đây với mày khá lâu đấy, liệu có làm phiền nhà mày không hả nhỏ?

Với thái độ vồn vã. Lụa giành xách túi hành lý cho bạn:

- Mày khỏi lo chuyện đó đi Quỳnh. Má tao và anh Hai sẵn sàng tiếp đón mày ở đây chơi hết mùa hè luôn. Miễn là mày đừng có đòi về bất tử. Chỉ có điều là sợ mày không thích nghi được với cuộc sống nông thôn thôi.

- Hứ! Mày làm như tao là tiểu thư con nhà quan “tổng trấn” không bằng.

- Chứ còn gì. Mày không phải là con quan của thời xưa nhưng là con quan của thời nay còn gì nữa!

Quỳnh khẽ trề môi nói:

- Ba tao chỉ là một giám đốc thôi, có gì mà nổ dữ vậy.

Sợ làm bạn mất vui nên Lụa đành gạt đi:

- Ấy! Nói thế thôi chứ mình quan tâm tới người lớn làm chi. Mày đã cất công lên đây nghỉ hè với tao chắc là khoái cảnh đồng quê lắm!

- Tất nhiên rồi. Nghe mày kể trong thư, tao háo hức chỉ muốn đi ngay thôi.

Hai cô gái háo hức bá vai nhau đi sâu vào trong con đường mà lúc nãy Quỳnh toan chọn. Đi độ trăm mét thì dừng lại trước một cánh cổng khá lớn bằng gỗ nhưng thật chắc. Lụa quay lại bảo bạn:

- Nhà tao ở đây này.

Nhích vô một khoảng trống vừa đủ cho người lọt vô. Lụa ngoắc Quỳnh đi theo mình. Cô gái vừa chân ướt chân ráo về vùng quê đã cảm thấy thích thú vô cùng trước khu vườn cây ăn trái của gia đình nhà bạn. Dọc theo con đường mòn dẫn vào nhà là một hàng chôm chôm sai trĩu quả đang chín rộ đỏ ối một vùng trời trông thật thích mắt. Quỳnh chưa kịp mở miệng khen thì Lụa đã lên tiếng khi ngó qua nét mặt bạn:

- Chỗ này chỉ ít thôi, chưa đáng để mày mê đâu Quỳnh ơi! Cứ vô nhà nghỉ ngơi rồi tao sẽ dẫn mày đi tham quan hết thảy khu vườn này. Xin bảo đảm là mày sẽ khoái liền và không muốn trở về thành phố nữa.

Nghe bạn quảng cáo, Quỳnh thấy nao nao trong dạ:

- Thiệt không… nhưng mày có nuôi nổi tao không?

- Xí! Mày ăn bao nhiêu mà sợ nhà tao nuôi không nổi?

Quỳnh cười hì hì:

- Nhiều lắm! Và tao thích nhất là trái cây nhà mày.

Lụa đã đưa bạn vào đến sân còn quay lại nhảy dựng lên:

- Ối! Tưởng gì chứ trái cây thì tao cho mày ăn thoải mái, chỉ lo mày không chứa nổi trong bụng thôi nhỏ ơi!

Chuyện trò tới đây thì Quỳnh trở nên khép nép đưa mắt nhìn vào ngôi nhà ngói khá đồ sộ nằm chính giữa khu vườn. Một bầy chó khoảng bốn, năm con nằm rải rác gần đó bỗng ùa ra sủa ỏm tỏi khi thấy có người lạ đến. Lụa phải lên tiếng gọi chúng rồi dẫn bạn vào nhà:

- Vô đây và cứ việc tự nhiên đi. Má tao hiền lắm… cả anh Hai tao cũng vậy.

Rồi Lụa quay vào trong gọi mẹ rối rít lên:

- Má ơi! Có bạn con ở thành phố lên chơi.

Quỳnh trông thấy chiếc mành trúc nơi buồng cửa lay động và một giọng nói thật dịu dàng từ trong ấy vọng ra:

- Thế à? Con tiếp bạn đi. Má bận chút xíu sẽ ra liền.

Lụa đặt chiếc túi hành lý của bạn lên bộ ván ngựa đen bóng rồi lăng xăng đi rót nước. Còn lại một mình, Quỳnh đảo mắt ngó quanh khu nhà ngoài để dành tiếp khách trong khoảng thời gian vắng mặt bạn cho tới khi Lụa trở vào:

- Mày uống nước đi Quỳnh.

Đón ly nước có màu sắc tựa nước trà từ tay bạn, Quỳnh đưa lên miệng nhấp một ngụm. Cô khẽ chau mày:

- Nhỏ ơi! Mày cho tao uống nước gì ngộ vậy?

Ngó thái độ của bạn, Lụa bật miệng cười:

- Nước vối đó khỉ ạ. Tuy khó uống nhưng dùng nó tốt hơn nước trà nhiều.

Quỳnh chưa kịp nói gì thêm thì mẹ của Lụa vén mành bước ra, bà nhìn bạn của con cười hiền hòa:

- Cháu ở thành phố lên chơi với con Lụa nhà bác hả?

Với thái độ khép nép, Quỳnh vội rời chỗ, đứng lên. Cô gái khoanh tay thật lễ phép:

- Dạ, thưa… cháu chào bác ạ.

Lụa nhanh nhẩu nói với mẹ:

- Má ơi, Quỳnh lên đây để nghỉ hè với con, má thấy có phiền hà gì không?

Bà Năm mẹ của Lụa tỏ ra vui vẻ:

- Chỉ ngại bạn con không thích ở đây thôi.

Nghe mẹ nói thế Lụa bèn day qua phía Quỳnh cười hóm hỉnh:

- Đó thấy chưa! Tao đã nói là nhà tao ai cũng hiếu khách mà.

Chợt có một bóng người lấp ló ngoài thềm cửa:

- Ê, chưa hẳn là như vậy đâu nha nhỏ. Còn ý kiến của “đại ca” đây nữa chi?

Lụa giới thiệu với bạn:

- Anh Hai của tao đó! Ảnh ưa chọc ghẹo nhưng chưa đến nỗi xấu bụng đâu.

Bà Năm nhìn ra cửa:

- Nhân à. Bạn của em còn từ thành phố cất công lên đây đó! Đừng có trêu chọc mà làm cho nhỏ Quỳnh bỏ về là không xong với con Lụa đâu nghe.

- Gì mà chưa chi má đã “cảnh giác” con dữ vậy? Bạn của nhỏ Lụa thì cũng giống như bạn gái của con thôi mà. Con đâu nỡ ăn thịt cô ta chứ.

Dù chưa trông thấy bộ dạng của anh Hai bạn xuất hiện, nhưng câu nói ấy cũng làm cho Quỳnh đỏ mặt và thầm run rẩy trong lòng. Cô liên tưởng đó là một chàng trai ngổ ngáo lắm chứ không phải là loại hiền gì. Song trót đã xuống tới đây thì cứ chờ xem sao đã. Mình có thể trở lại thành phố mà… Như đoán được ý nghĩ của bạn, Lụa liền phân giải:

- Anh Hai tao tính khí hơi khác thường nhưng rất nể nang tao. Mày đừng lo bị bắt nạt nghe Quỳnh. Còn có tao đây nữa chi?

Tuy chưa lấy lại được vẻ bình thường, nhưng Quỳnh vẫn làm bộ gật:

- Tao không đến nỗi yếu bóng vía lắm đâu mà phải sợ anh mày.

Nhỏ Lụa cười khanh khách:

- Phải vậy chứ! Gặp thứ dữ anh Nhân không dám đụng tới đâu.

Nơi cửa, một cậu con trai khoảng mười chín tuổi bước vào, cậu ta nhìn trân trân vào chỗ hai cô gái rồi cất tiếng:

- Toàn là người đẹp chứ có phải là “cọp” đâu mà tự xưng mình là thứ dữ hả cô bé?

Lụa cong môi lên với anh:

- Cô bé nào ở đây? Anh phải gọi là hai “nàng công chúa” mới đúng.

- Chà, gay nhỉ… nhưng nếu muốn như thế thì phải biểu bạn em gọi anh là “hoàng tử” đi.

Quỳnh nghe đôi má mình nóng bừng lên như thể đang đi ngoài trời nắng gắt. Không dám liếc qua phía anh Nhân, Quỳnh cúi mân mê những ngón tay búp măng thật đẹp của mình để chờ nghe Lụa bênh vực. Nhưng người “cứu bồ” cho Quỳnh lại là bà Năm. Bà đi lại gần con trai:

- Nhân… con làm cho nhỏ Quỳnh thẹn rồi kìa. Mau ra vườn hái ít trái cây đem về tạ lỗi đi.

Nhưng cậu con trai không làm theo lời mẹ mà lại ngoắc tay bảo Quỳnh:

- Đi cô bé… ai lại ngồi nhà mà hưởng thụ thế, coi sao được.

Lụa đanh đá trợn mắt trước mặt anh:

- Dào ơi, ở đây không có ai là cô bé đâu nha. Anh nói lộn cho nói lại lần nữa đó.

Nhân tỏ ra khó chịu nhìn em gái:

- Nhỏ tuổi hơn người ta mà không chịu làm cô bé thì làm lớn với ai? Quả là đởm dáng quá.

Thốt ra câu nói đấy, Nhân quay ngoắt đi ra cửa nhanh cũng như khi đi vào, không chờ nghe ai phản ứng mặc cho Lụa nhảy cẫng lên và Quỳnh phải sạm mặt. Trước tình thế bất ngờ này, bà Năm phải vội vàng cải chính nhưng vẫn không làm cho tự ái Quỳnh dịu lại. Cô gái nhìn mẹ bạn:

- Thưa bác! Cháu nghĩ là sự có mặt của cháu ở đây sẽ không tiện lợi lắm. Cháu xin được nán lại chơi với nhỏ Lụa một lát sẽ quay về thành phố ạ.

Bà Năm khẽ kêu lên:

- Ồ, sao vậy cháu? Mới hồi nãy bác nghe con Lụa nói là cháu sẽ ở đây với nó đến hết mùa hè kia mà.

Quỳnh im lặng, trong khi Lụa giành lên tiếng:

- Mày đang giận anh Hai tao chứ gì? Thôi cho tao xin đi Quỳnh ơi! Bản tính của anh tao là như vậy đó! Nếu mày coi tao là bạn bè thì bỏ qua mà ở lại đây với tao nghe. Bảo đảm khi quen rồi mày sẽ thấy ảnh không khó ưa như buổi ban đầu nữa.

Bà Năm cũng vội nói vô để giữ chân Quỳnh lại:

- Coi, con Lụa nói phải đó cháu à. Thằng Nhân nó ăn nói hơi hàm hồ cũng bởi thần kinh của nó không bình thường cho lắm! Ở đây không ai chấp nó hết, bởi tại họ đã biết. Còn cháu mới tiếp xúc với nó lần đầu nên giận cũng phải thôi.

Thế rồi bà kể cho Quỳnh nghe về nguyên nhân gây ra sự bất thường cho con trai. Đó là một tai nạn mà chính Quỳnh khi nghe xong cũng không thể nào ngờ được. Sự kiện xảy ra cách đây mấy năm khi Nhân đang ở lứa tuổi của Quỳnh và Lụa bây giờ, cậu đã rất dũng cảm lao vào một đám cháy để cứu sống hai đứa trẻ thoát khỏi bị lửa thiêu. Để rồi sau đó cậu trở thành nạn nhân khi chiếc kèo nhà từ bên trên đổ xuống đập vào đầu. May nhờ người ta kịp đưa ra nên mới còn sóng sót chứ không Nhân đã bị chết cháy vì lòng dũng cảm của mình rồi.

Nhưng sau khi điều trị xong trở về thì tính tình của Nhân bỗng dưng thay đổi không còn bình thường như xưa nữa. Có lẽ bởi vết thương nơi đầu làm động đến hệ thần kinh. Tuy nhiên Nhân cũng chỉ bẳn gắt và nói năng thiếu tế nhị chứ cũng chưa làm điều chi quá đáng. Có thể gọi là bị “mát” như nhỏ Lụa đã phát biểu? Quỳnh cảm thấy mình cần thông cảm gia đình bạn nên vui vẻ trở lại.

Lụa khoái chí ôm bạn xoay một vòng:

- Phải vậy chứ. Tao biết mày luôn là đứa tràn trề tình cảm mà.

Rồi để xua tan những gì còn vương vấn trong lòng Quỳnh, Lụa đem đồ đạc bạn vào buồng mình cất đi. Xong xuôi, cô gái trở ra kéo Quỳnh đi xuống dưới nhà rửa mặt cho mát trước khi chuẩn bị dọn cơm. Bữa ăn trưa không có Nhân nhưng Quỳnh không tiện hỏi, hơn nữa cô cũng rất sợ anh chàng “mát dây” này làm cho quê nên giả bộ lờ đi. Dùng bữa xong, Quỳnh được Lụa đãi món trái cây đầu tiên là sầu riêng. Những múi sầu riêng thơm lừng và ngọt lịm thấm sâu vào đầu lưỡi khiến người ta ăn xong rồi mà hương vị vẫn còn đọng lại nơi miệng người thưỡng thức.

Quỳnh háo hức muốn được theo bạn ra vườn ngay. Nhưng sau đó trời đã đổ mưa rào nên phải theo Lụa vào buồng nằm nghỉ. Hai cô bạn gái từng học chung một lớp nằm ôm nhau trò chuyện sau một tháng nghỉ hè chia tay. Lụa thì thầm kể cho Quỳnh nghe về nỗi nhớ bạn, nhớ trường và nhớ cả căn phòng nội trú có năm đứa chuyên môn nghịch phá. Còn Quỳnh thì tâm sự lại cho Lụa nghe cuộc sống của mình tại gia đình trong những ngày hè qua chẳng có gì thú vị. Ba và mẹ cô thường luôn cãi cọ rồi dẫn đến tình trạng sắp sửa ly hôn, nên cô chán nản bỏ nhà tìm lên đây với bạn sau khi đã khuyên can cha mẹ không được.

Biết tâm trạng của Quỳnh hiện đang rất buồn khổ, Lụa tìm lời an ủi:

- Mày cứ ở đây với tao một thời gian là sẽ vui trở lại ngay. Nhưng cũng cần viết thư báo về cho ba má mày biết kẻo họ sẽ cuống quít lên đi tìm vì ngỡ mày bị người ta bắt cóc đem bán thì phiền lắm!

Quỳnh khẽ trề môi ra:

- Hừ… tao to thế này ai mà dám bắt, mà bắt để làm chi? Tao thấy không cần phải báo tin về nhà đâu. Lúc này thì ba má tao đang làm thủ tục ly hôn, họ không có thời gian quan tâm tới sự biến mất của tao đâu Lụa à.

Lụa vòng tay ôm lưng bạn:

- Rồi mày sẽ chọn ai giữa mẹ và cha?

Nghe bạn hỏi, Quỳnh chợt rưng rưng ngấn lệ ở khoé mắt:

- Tao không biết. Bởi thật tình mà nói thì tao không muốn mất người nào.

Lụa lặng người đi, cảm thông với nỗi khổ tâm của bạn. Tiếng Quỳnh lại khe khẽ vang lên:

- Mong ước của tao hiện giờ là ba má tao từ bỏ ý định ly hôn. Nhưng tiếc thay họ đã gởi đơn lên tòa rồi.

Không khí trong căn phòng bỗng chùng xuống như nỗi lòng của hai cô bạn gái còn đang ở tuổi vị thành niên. Họ ôm nhau rồi thiếp đi giữa buổi trưa hè không có gió xôn xao và vắng cả tiếng chim dù quanh nhà là cả một khu vườn cây ăn trái.

Chương 2

Bầu trời lại quang đãng sau cơn mưa rào ngắn ngủi. Những chiếc lá ướt nước được nắng làm cho khô thật nhanh đang vươn mình lay động khi có một cơn gió nhẹ thổi qua. Lụa kéo Quỳnh đi ra vườn sau giấc ngủ trưa đầy trăn trở:

- Theo tao đi hái mít tố nữ về ăn. À, mày biết leo cây không? Cái thú của tao là ngồi trên cây hái trái ăn no nê rồi mới trèo xuống chứ không thích người khác đưa cho.

Có lẽ là cùng sở thích nên Quỳnh gật gù bước theo bạn:

- Ừ, ăn như vậy giống khỉ. Nhưng chắc là thú vị lắm! Phải chi có bọn con Tuyết, Phượng, Hồng cùng theo lên đây thì vui biết mấy. Cái vườn trái cây của nhà mày mà có bộ “ngũ long” ở chừng một tuần lễ coi như tiêu tùng luôn.

- Giỡn chơi hoài! Vườn nhà tao cả một hecta đất trồng đủ loại trái cây cầu đem cả học sinh trường mình tới ăn cũng còn chưa xuể huống hồ chỉ có bọn mày.

Lụa dẫn Quỳnh tiến sâu vào vườn, đất dưới chân hai cô ẩm ướt dính quẹo vào những chiếc dép gây cảm giác nặng trịch. Quỳnh loáng thoáng thấy bóng Nhân đang lui cui tìm gì ở góc vườn nhưng bỏ qua không nói với Lụa. Đến chừng bị một con sâu róm bò lên áo, Quỳnh mới tá hỏa tam tinh nhảy dựng lên hét gọi cả hai anh em bạn cùng một lúc. Nhưng Lụa đã ngồi tít trên ngọn cây cao không thể trèo ngay xuống đất để bắt sâu dùm cho Quỳnh, khiến cô gái sợ hãi đến phát khóc. Lúc ấy, Nhân bỗng dưng mò tới làm “cứu tinh”.

- Trời! Có con sâu bé tẹo mà làm như sắp động đất tới nơi. Đứng yên để anh bắt dùm cho.

Quỳnh không dám từ chối dù tiếng “anh” mà Nhân xưng ra làm cho cô khó chịu. Dùng một nhánh cây nhỏ bằng ngón tay khều nhẹ con sâu cho rớt xuống, Nhân nhấc cục đá gần đó ném vào con vật có hình thù gớm ghiếc ấy khiến nó bẹp nhép rồi xoa tay cười:

- Xong rồi. Có gì là đáng sợ lắm đâu.

Liếc mắt nhìn vào xác con sâu đang nằm bẹp dưới nền đất ướt, Quỳnh khẽ thở phào rồi lí nhí trong cổ họng:

- Cảm ơn anh.

Có lẽ tiếng nói khách sáo ấy không làm cho Nhân thoải mái nên cậu đã quay ngoắt đi không thèm nhận. Quỳnh cũng chẳng mấy quan tâm bởi vì cô cảm thấy mình không hợp với những tên con trai có bộ mặt lầm lì và đôi mắt nhìn muốn xuyên thủng người khác. Lụa làm cho Quỳnh quên phức chuyện con sâu và “vị ân nhân” bằng cách ném mạnh xuống một chùm dâu da:

- Chụp này Quỳnh ơi! Cây này nhiều kiến lắm, mày đừng leo lên nữa.

Đón lấy chùm trái cây mà mình ưa thích nhất, Quỳnh đưa lên miệng một trái cắn mạnh vào lớp vỏ có vị chua rồi nhấp nháp coi có vẻ thú vị lắm! Lụa ở trên cao vứt xuống thêm vài chùm to nữa rồi cũng vội tụt nhanh khỏi thân cây vì bị lũ kiến lửa tấn công dữ dội. Cô gái vừa xoa tay, xoa đùi vừa kêu:

- May mà mày chưa trèo lên trên đó. Chứ nếu không mắc công tao phải dỗ.

Quỳnh vừa bóc quả dâu vừa nguýt bạn:

- Xí! Làm như tao mít ướt lắm không bằng.

- Còn không phải nữa ư? Trong nhóm “ngũ long” ai mà chẳng biết mày là đứa hay nhè nhất.

Không để bạn chế giễu, Quỳnh cãi lại ngay:

- Lầm rồi nhỏ ơi! Kẻ mau nước mắt chính là mày.

Lụa không chịu thua bạn:

- Xạo! Đã có lần nào mày bắt gặp tao khóc chưa mà bày đặt vu oan cáo vạ?

Quỳnh há miệng nhả ra một hột dâu rồi gân cổ:

- Có rồi. Mới hôm thi hết cấp đây chứ đâu đã lâu lắc gì. Hổng biết đứa nào đổ mưa ngâu khi nghe danh sách những học sinh thi đậu.

Bị Quỳnh chọc quê, Lụa bẽn lẽn dù chỉ có hai đứa. Cô đấm vào lưng bạn một cái thật đau:

- Đồ quỉ! Tại lúc đó tao quá xúc động vì mừng.

- Thì tao cũng mừng, nhưng tao cười toe toét chứ đâu có khóc như mày.

Gương mặt cả hai vui vẻ trông hồn nhiên như chính cái tuổi mười sáu của họ vậy. Đôi bạn ngồi dưới gốc cây dâu da chiếu cố cho bằng hết số quả đã hái với những tiếng cười giòn tan, tinh nghịch cứ vang xa mãi. Thấy chưa được thỏa thuê lắm, Lụa bèn đưa bạn đi bẻ mít tố nữ chín cây xách đầy cả hai tay nhưng không có mang theo dao để xẻ. Không khí trong lành ở đây đã bắt đầu làm cho Quỳnh cảm thấy mến, nhất là điều kiện sống của gia đình bạn cũng vào loại khá giả miệt vườn,

Tạm quên những nỗi buồn về gia cảnh để tìm lại nguồn vui bên cạnh cô bạn gái học chung lớp, Quỳnh đã hòa nhập với lối sống bình dị ở đây ngay từ buổi đầu tiên. Cô bỏ dép ra cần tay vì đất dính quá không thể lê gót được. Xắn ống quần lên cao cho khỏi bẩn, Quỳnh dấn đôi chân trần xuống nền đất đỏ nâu một cách mạnh dạn và bấm ngón để không bị trượt té.

Đi theo Lụa tham quan khắp khu vườn cho tới khi mỏi chân và no bụng vì nếm nhiều trái cây, Quỳnh mới chịu đòi về. Mặt trời đã biến mất sau rặng tre ở cuối vườn. Đâu đó tiếng kêu của con chim bìm bịp cứ vang lên liên tục như báo hiệu một ngày đã sắp hết. Hai cô gái tay xách nách mang trở về nhà vừa đang lúc bà Năm nấu xong bữa cơm chiều. Bà hối thúc Lụa:

- Con mau dẫn bạn đi tắm rồi vô ăn cơm. Anh con nó đói bụng từ nãy tới giờ.

Mất nửa tiếng đồng hồ cho công việc tắm rửa, Quỳnh mới cùng Lụa xông vào nhà bếp phụ dọn cơm. Bà Năm cười đôn hậu:

- Các con hãy ngồi vào bàn đi. Bữa nay có món ăn đặc biệt của thằng Nhân đãi khách đó.

Nghe bà Năm nói, Quỳnh hơi ngẩn người. Cô gái đưa mắt nhìn mẹ bạn như muốn hỏi bà “người khách” ấy có phải là cô hay không? Hiểu ý, bà Năm ngó Quỳnh trìu mến nói:

- Cháu đừng ngại. Bác chỉ đùa chút xíu cho vui, chứ dẫu sao hôm nay cháu cũng là khách của gia đình bác mà.

Lụa vội lên tiếng:

- Má nói đúng chứ hổng có sai đâu.

Quỳnh e ấp đáp:

- Xin bác cứ coi như cháu là nhỏ Lụa để cháu được tự nhiên hơn.

Bà Năm gật đầu đồng tình với ý kiến của Quỳnh trước sự cổ vũ của con gái.

Nhân từ nhà trên bước xuống ngồi vào bàn ăn nhưng chẳng chuyện trò với ai. Quỳnh được bà Năm gắp liên tục món nấm mối xào là đặc sản của vùng này do chính Nhân đào được ở góc vườn khi nãy. Bữa cơm thật ngon nhưng bởi Quỳnh đã ăn quá nhiều trái cây nên chỉ được mỗi một chén cơm. Thấy bạn của em gái buông đũa xuống bàn, Nhân mở miệng:

- Bộ thấy có tui ngồi đây cô ăn không được hay sao?

Sự thay đổi cách xưng hô của Nhân làm cho cả ba người con lại trên bàn ăn cùng ngẩng lên một lượt. Lụa buộc miệng:

- Kìa, anh Hai. Sao lại xưng “tui” và “cô” với nhỏ Quỳnh? Nó hay mủi lòng lắm, anh đừng làm cho nó khóc à nghen.

Không đáp lại lời em, Nhân cắm cúi và hết chén cơm đang ăn dở vào miệng rồi đưa mắt nhìn Quỳnh. Lần này thì câu nói của anh nghe nhẹ nhàng hơn:

- Lại có thêm một quả mít ướt trong nhà rồi. Cô bé thích ngắm trăng không?

Nghe hỏi, Quỳnh không dám im lặng vì sợ Nhân sẽ thay đổi thái độ với mình nên gật lại:

- Rất thích.

Vẻ mặt Nhân tự nhiên hứng khởi, anh hỏi tiếp Quỳnh luôn:

- Vậy cô bé có biết làm thơ không?

Đến giai đoạn này thì Quỳnh hơi hoảng không dám nhận bừa. Cô gái quay qua bạn cầu cứu nhưng lại bị Lụa đẩy vào trò đùa:

- Anh khỏi cần phải hỏi mà nhìn thẳng vào nhỏ Quỳnh đây nè. Một cây sáng tác thơ, văn của lớp em đó. Anh liệu có địch lại với nó không?

Quỳnh đấm thùm thụp vào lưng bạn nhưng vẫn không gạt bỏ được lòng tin của Nhân qua lời quảng cáo của Lụa. Anh ta lên tiếng rủ:

- Vậy thì anh gặp trúng đối tượng rồi. Tối nay trăng rằm, mình bắc ghế ra trước sân ngắm chị Hằng rồi làm thơ xoay vần nha cô bé.

Không chờ Quỳnh ưng thuận, Lụa lại xía vô:

- Có cho em nhập với không anh Hai?

Bây giờ Nhân mới nhếch môi để lộ một nụ cười:

- Nếu em cảm thấy trong tim mình có chất chứa hồn thơ thì cứ việc tham gia.

Nhỏ Lụa cười khanh khách:

- Trời ơi… bữa nay anh Hai tính học làm thi sĩ há. Coi chừng… dưới ánh trăng anh bị biến thành Hàn Mặc Tử đó nghen.

Quỳnh nghe trong lòng rất run dù biết mình cũng có chút năng khiếu về thơ. Cô cố tìm cách thoái thác nhưng Lụa cứ một mực động viên:

- Mày cứ ừ đại đi Quỳnh. Ông anh tao không phải là thi sĩ thứ thiệt đâu mà sợ. Mày phải trổ tài cho ảnh quê độ một phen đi.

Quỳnh lườm bạn bằng đuôi mắt:

- Quảng cáo vừa thôi nhỏ ơi! Mày cho tao đi “tàu bay giấy” coi bộ nguy hiểm quá.

Vẫn với nét bỡn cợt, Lụa nuốt trôi một miếng cơm rồi phá lên cười:

- Hổng sao đâu, mày đừng có run sợ sớm. Còn tao đây nữa chi?

- Mày sẽ bênh anh Nhân chứ sao về phe tao được.

- Lầm rồi nhỏ ơi. Tao không thích nhìn phái mạnh ăn hiếp phái yếu đâu.

- Mày sẽ giúp tao được gì trong vấn đề này? – Quỳnh chắc lưỡi.

- Thì tao sẽ làm thơ đối chọi với anh Hai dùm mày.

Nét mặt Quỳnh bỗng trở nên tươi rói. Cô gật mạnh đầu:

- Ừ, được đấy.

Ngồi nhìn em gái nhận lời làm đồng minh cho Quỳnh, Nhân không cự mà còn chấp luôn. Chờ bà Năm ăn xong, hai cô gái xúm lại dọn dẹp rồi kéo tay nhau lên nhà kể chuyện tếu. Lụa đem ra một chùm chôm chôm chín đỏ trông thật ngon nhưng Quỳnh vẫn lắc đầu vì không còn chỗ chứa. Bây giờ… rồi đến tám giờ sáng. Bầu trời lúc này vằng vặc ánh trăng soi. Lụa kéo Quỳnh ra sân chứ không chờ anh trai lên tiếng gọi. Họ ngồi vào những bộ ghế làm bằng những gốc cây cưa ngắn đặt giữa khoảng sân rộng rồi nhìn lên chị Hằng đang cúi xuống trần gian cười. Trước cảnh đẹp. Quỳnh không ngăn được buộc miệng khen trăng thôn dã quả là tuyện diệu.

Ngay lúc đó thì Nhân xuất hiện với dáng dấp của một thi sĩ, anh mở đầu bằng một câu thơ tứ tuyệt:

Đêm nay trăng sáng

Trải thảm hồn tôi

Chị Hằng mỉm cười

Ôi trần gian đẹp.

Lụa cười khúc khích hích chỏ tay vào Quỳnh.

- Mày tiếp luôn cho anh Hai sốt rét rừng chơi và đừng có lên mặt nữa.

Đột nhiên Quỳnh cảm thấy run ghê:

- Thôi mày làm trước đi. Tao chưa chuẩn bị nên bí lù không nặn ra được câu thơ nào.

Nhưng Lụa đã nguây nguẩy lắc đầu. Cô gái hất mạnh về phía anh trai nói:

- Mày thừa biết trong lớp, tao không phải là đứa giỏi thơ văn.

- Thế sao lúc này mày nói sẽ ứng đối dùm tao.

- Thì tao nói vậy mày mới chịu nhận lời thi thố với anh Hai tao chứ.

Biết mình bị bạn đánh lừa nên Quỳnh đành xịu mặt, cô ngúng nguẩy quay đi:

- À, thì ra mày gài bẫy tao nha.

Lụa cười hì hì:

- Có vậy mới vui chứ. Mày mau trổ tài đi kẻo anh Hai tao chờ kìa.

Quỳnh phải ngồi im đến năm phút và chịu sự hối thúc liên tục mới tìm được câu nối tiếp, nhưng cô không giữ được vẻ tự nhiên nên tiếng nói nghe chừng va chạm nhau lộp cộp:

Chú cuội bó gối

Ngồi ở gốc đa

Chú ghen với ta

Thì mời hãy xuống.

Ngồi cách xa hai cô bé chừng một sải tay. Nhân khẽ gật gù như “ông cụ non” thứ thiệt:

- Cũng tạm được chứ chưa hay.

Mặt Quỳnh nóng ran lên vì tự ái nhưng dưới ánh trăng không ai phát hiện ra. Đến phiên mình, Lụa không chờ bị hối thúc mà mau miệng để xướng lên:

Chỉ được hai câu đầu thì cô nàng bỗng dưng tắc tịt không sao nặn ra nổi lời thơ, phải ngừng lại để động não một hồi mới từ từ nhả ra từng chữ:

Có… ba… thi sĩ

Cùng yêu chị Hằng.

Nhân với tay cốc nhẹ lên đầu em gái thì rồi trề môi:

- Dở ẹc.

Nghe anh chê, Lụa vênh cổ lên cãi liền:

- Anh dở thì có. Thơ người ta hết chỗ chê mà hổng nghe lấy một tiếng động viên nào. Nè, nói cho anh biết… hè năm nay em còn về nhà chứ sang năm em xin ở lại luôn ở trường để cho anh khỏi ăn hiếp.

- Trời! Nói thế mà nghe được sao cô bé? Em ăn hiếp anh thì có.

Lụa hỉnh hỉnh hai cánh mũi.

- Em nhỏ như vầy làm sao ăn hiếp nổi anh?

Nhân khẽ kéo tay em:

- Cô bé nhỏ xác nhưng miệng thì lại to kinh khủng, ai cũng phải chào thua.

Không chịu để anh trai nhạo mình, Lụa lồng lên trên cục gỗ:

- Được rồi! Anh sẽ biểu miệng em lớn thì em sẽ ăn thiệt là nhiều để cho anh hết phần luôn.

- Xời ơi! Tưởng gì chứ ăn nhiều thì em sẽ mập ú lên, xấu xí ráng chịu đừng ca thán.

- Hứ! Em sẽ hét toáng lên cả ngày cho anh điếc tai luôn.

Nhân nhếch môi cười chế giễu:

- Càng dại… vì như thế môi em sẽ dày lên và miệng thì rộng toát ra cả mang tai trông dị lắm!

Thế là cuộc đấu khẩu giữa hai anh em Lụa diễn ra suốt buổi tối khiến Quỳnh thoát được nạn làm thơ. Cô bé chịu khó ngồi nghe lời qua tiếng lại là cách thật nhẫn nại và nhận xét thấy Nhân có lối nói chuyện rất hay.

Vầng trăng sáng trên bầu trời bỗng dưng bị che khuất bởi những đám mây khiến khoảng sân vụt tối. Quỳnh tự dưng thấy nhớ nhà quá nỗi dù rằng chẳng mấy khi cô được cận kề với mẹ cha. Không biết sự bỏ đi của Quỳnh có làm cho tình cảm của hai người lớn nối lại được như ngày xưa cũ, hay sợi dây đàn đã đứt thì chẳng thể ngân vang thành giai điệu? Quỳnh ngước mặt lên vòm trời có đầy dẫy các vì tinh tú đang ngự trị với một lời cầu nguyện chân thành là đừng để cô phải chia lìa cha hoặc mẹ. Bởi với Quỳnh thì tình thương của hai đấng sinh thành nào cũng cần cả và cô không hề muốn bị mất đi.

- Mày đang nghĩ gì vậy Quỳnh? Động não được câu thơ nào chưa?

- Ồ, có nghĩ đuợc gì đâu. Tao đang mải mê ngắm trăng vì chị Hằng ở miền quê sao đẹp quá. Giá mà…

Nhân bỗng ngắt lời:

- Quỳnh có muốn mình “du nguyệt điện” một chuyến không?

- Rất muốn! Nhưng tìm đâu ra được Đường Minh Hoàng để đi bây giờ?

Lụa liếc mắt nhìn anh trai rồi nói:

- “Quân vương” ngay bên cạnh, mày cứ lên tiếng nhờ là sẽ được toại nguyện ngay.

Biết bạn đùa, nhưng Quỳnh vẫn rùng mình:

- Thôi, tao không dám.

- Có gì mà không dám. Để tao vô chuẩn bị các thứ cho mày lên cung trăng gặp chị Hằng một phen nghe.

Nói rồi Lụa dời chỗ ngồi và biến nhanh vào nhà mà không chờ cho Quỳnh kịp phản ứng gì. Khoảng sân rộng ngập ánh trăng tỏa chiếu giờ chỉ còn lại hai người ngồi bối rối, giả vờ đưa mắt nhìn trời. Thời gian nhích dần về khuya, Quỳnh có cảm giác lạnh khi một vài giọt sương đậu bám trên mái tóc. Nhân ngồi yên không gợi chuyện nhưng thỉnh thoảng lại nhìn trộm Quỳnh khiến cô gái nghe nhột nhạt cứ thấp thỏm muốn đứng lên. Thấy Lụa vô nhà mà không trở ra thì Quỳnh đã hiểu mình đang bị bạn đưa vào trò đùa mới, một ý nghĩ thật hay nhưng cô chợt gặt phắt đi khi nhẩm lại tuổi của mình. Phải rồi… cô mới chỉ mười sáu mà thôi. Một cái tuổi chớm mộng mơ… vẫn còn bị coi là con nít. Quỳnh cười thầm nhẩm đọc câu thơ vừa chợt nghĩ:

Mười sáu tuổi tròn trăng em tự hỏi.

Mình lớn rồi… có phải thế chăng?

Hỏi đến me… me cũng chỉ nói rằng.

Vâng đúng ạ, bây giờ cô đã lớn.

Nhân ngồi ngay đó nhưng không nghe được những âm thanh vô cùng bức xúc của cô gái đang trong độ tuổi dậy thì trước nỗi mong muốn mình mau trở thành người lớn. Nhưng qua nét môi đang hé mở trước ánh trăng soi vằng vặc, Nhân hiểu những diễn biến trong đầu Quỳnh và cảm thấy thích nhìn cô. Trăng vẫn sáng lung linh cho dù sương đã rơi nặng hạt.

Chương 3

- Quỳnh ơi! Dậy đi… anh Nhân đang chuẩn bị xe đạp đưa bọn mình vô suối Reo chơi rồi kìa.

Nghe bạn gọi, Quỳnh mở choàng mắt nhìn vào chiếc đồng hồ đeo bên cổ tay. Ôi còn sớm chán, mới sáu giờ mà đã phá giấc ngủ người ta. Quỳnh ôm gối nằm quay vô vách nhưng liền bị Lụa kéo giật lại:

- Thôi đừng nằm nướng nữa cô nương. Ở miền quê không ai ngủ muộn như trên thành phố đâu. Giờ này đã có người ra tới đồng rồi.

Mặc cho Lụa nói, Quỳnh vẫn cố nán lại trên giường. Cô gái viện cớ khi nhìn qua cửa sổ:

- Trời còn sương giăng kín thế kia mà mày biểu đi đâu. Bộ không sợ bị cảm lạnh hả?

Dùng hai tay lôi thốc bạn dậy, Lụa cười ngặt nghẽo trêu:

- Mày lười biếng vừa thôi nhỏ ơi! Kẻo có anh nào nhem nhe tiến tới họ sẽ không dám đụng vô nữa.

- Đồ quỉ! Mới bây lớn mà đã nói chuyện tào lao.

Quỳnh ngồi dậy theo đà kéo của bạn nhưng vẫn trong trạng thái ngái ngủ. Cô phải che tay lên miệng ngáp liền mấy cái mới có thể tỉnh được.

- Không khí ở đây mát mẻ, ngủ đã ghê. Mày đừng có phá đám có thể tao sẽ ngủ tới trưa mà vẫn không cảm thấy đói.

Lụa vừa gấp mùng, vừa dài môi mắng bạn:

- Quả là thứ đại lười. Mày tập thói quen đó mai mốt đi học lại chết nghe cưng. Ở nội trú năm giờ là phải dậy rồi.

Quỳnh dụi mắt cho tỉnh táo rồi lườm bạn:

- Mày làm như tao chưa nếm mùi đó hổng bằng.

- Vậy sao còn bày đặt?

- Ê nhỏ! Lúc nãy mày biểu anh Nhân sẽ đưa bọn mình đi đâu?

- Suối Reo.

- Cái tên nghe vui tai ghê nhỉ! Bộ suối mà biết reo nữa hả?

- Ừ, mày đặt chân tới đó sẽ cảm thấy thích ngay.

- Nhưng có xa lắm không hả Lụa?

- Ấy, đừng có hỏi trước… mà hãy lo đi làm vệ sinh mau.

Lụa đẩy Quỳnh ra khỏi căn phòng ngủ ấm cúng của mình rồi xuống bếp phụ mẹ nấu cơm sáng. Nửa giờ đồng hồ sau, mọi người đã chiễm chệ trên bàn ăn với mâm cơm bốc khói. Bà Năm nhỏ giọng bảo Quỳnh:

- Ở đây ăn sáng không dùng điểm tâm như thành phố mà chỉ có cơm thôi. Cháu dùng tạm vậy nhé!

Quỳnh đón đôi đũa Lụa chuyền sang rồi lí nhí:

- Dạ… Bác đừng quan tâm đến chuyện ấy, mà hãy để cho cháu được thích nghi.

Lụa cũng ngước lên cười với mẹ:

- Quỳnh nó không quá khó tính đâu má à. Chờ vài năm nữa nó lớn, con bắt cóc nó về đây luôn cho vui cửa vui nhà.

Nghe thấy vậy, Quỳnh giãy nảy lên như đỉa phải vôi, nhất là khi ánh mắt cô ta va phải cái nhìn chăm chú của Nhân thì toàn bộ gương mặt chợt đỏ bừng và nóng ran như có lửa. Bà Năm thấy tội nghiệp cho Quỳnh liền la Lụa:

- Con nhỏ này, nói năng không ý tứ gì hết trơn. Làm bạn mất tự nhiên rồi kia kìa.

Lụa ngó qua Quỳnh, vẻ mặt đầy thích thú:

- Có vậy thì mới đẹp trội hơn lúc bình thường.

Nhân bây giờ mới lên tiếng nhưng về phía phe em:

- Phải đó! Nhìn mặt Quỳnh lúc này giống như một bông hồng đang chớm nở.

- Anh ví không đúng. Bởi nó giống đóa tường vi đang e ấp dưới nắng mai.

- Sai rồi cô nương. Trông như hoa thược dược.

- Hổng phải. Em biểu giống…

Quỳnh chấp hai tay lên ngang ngực rồi kêu lên:

- Thôi đừng… giống… nữa nhỏ Lụa ơi! Tao là Quỳnh, một cái hoa khác biệt chỉ nở trong đêm rồi ban ngày lại héo. Bởi thế cho nên ít có ai thấy rõ được tao.

Lúc này thì hai anh em Lụa mới thôi không tranh cãi. Nhân hối thúc hai cô gái ăn cơm khi thấy bên ngoài mặt trời đã lên cao. Tất cả tạm gác mọi chuyện trong bữa ăn cho tới lúc Quỳnh buông chén. Không muốn các con trễ cuộc vui nên bà Năm giành phần dọn dẹp rồi dúi cho Lụa chiếc giỏ có đựng bánh trái ở bên trong.

- Chịu khó đem thứ này đi thì mới có thể ở lại chơi lâu được.

Lụa ôm cổ mẹ:

- Hoan hô má! Má thật là chu đáo.

Bà Năm cười mắng yêu:

- Thôi đừng có nịnh nữa cô ơi!

Nhân đã dắt hai chiếc xe đạp ra sân. Quỳnh vội chào bà Năm rồi cùng Lụa ngồi lên một chiếc. Tất cả trông thật là hăng hái, họ rời khỏi cánh cổng gỗ của gia đình rồi đạp thẳng ra con đường quốc lộ trải dài. Quỳnh ngồi phía sau thích thú khi thấy Lụa chở mình thả dốc một hơi tới mấy cây số đường. Nhưng tiếp theo đó là nhưng cái đạp muốn hộc hơi khi phải vượt qua đoạn dốc dài, Lụa bắt Quỳnh xuống đi bộ khiến cô nàng nhăn nhó trông buồn cười. Rồi lại được ngồi xe để thả dốc và thay phiên đạp chở nhau mệt muốn bở hơi tai, vẫn chưa đến được con suối họ định tới. Quỳnh đưa tay lên gạt những giọt mồ hôi đang rịn chảy trên thái dương rồi kêu ca nhưng liền bị Lụa mắng át cả. Hết quãng đường quốc lộ, họ rẽ vào con đường đất đỏ đi hết hai muơi phút nữa mới tới nơi. Chưa thấy con suối đâu nhưng Quỳnh đã nghe tiếng đổ của nó vang ầm thật lớn. Hèn chi nó có tên gọi Suối Reo cũng chẳng ngoa. Sau một hồi luồn lách vượt qua những đám vườn cà phê của dân địa phương, cả ba nhìn thấy một màn nước trắng của con suối từ trên cao đổ xuống trông như thác nước.

Quỳnh buộc miệng khen:

- Phong cảnh ở đây thật là tuyệt ghê.

Mà quả đẹp thật, với một con suối xung quanh toan là đá nhưng có rất nhiều ghềnh làm thành từng bậc cao, tạo ra những thung lũng phía dưới cho nước chảy vào lòng hồ mênh mông như biển nhỏ. Hai bên dòng suối là cây cỏ và những phiến đá thật to kết nhau nhiều vô số kể khiến đứng từ trên cao nhìn xuống người xem có cảm tưởng đó là một bức tranh sơn thủy. Tiếng chim ca hòa chung nhịp điệu với tiếng reo của suối. Ba bậc thác không cao lắm thi nhau đổ nước làm tung lên những tia trắng li ti trông như một màn sương trước mặt người nhìn.

Lụa và Nhân kiếm chỗ dựng xe rồi kéo băng Quỳnh xuống dưới chân thác lớn. Suối Reo hôm nay không có đông người đến thăm vì là ngày thường, chỉ lèo tèo chừng mười đứa trẻ nít và một vài cặp tình nhân. Quỳnh bắt chước Lụa vốc nước lên rửa mặt rồi lội ra giữa dòng tiến lại chỗ góc cây si. Nhân không lẽo đẽo theo sau hai cô gái mà cởi phăng bộ đồ dài mặc bên ngoài bỏ lên một phiến đá rồi soài người bơi trong vũng nước nho nhỏ được tạo nên bởi độ khoét sâu của thác.

Lụa cũng rất thích trầm mình trong nước nên liền rủ Quỳnh:

- Ê nhỏ, mình lại kia tắm có lẽ thú hơn ngồi đây.

Nhưng Quỳnh tỏ ra ngại ngùng:

- Thôi, kì chết. Tắm quần áo ướt hết mình đâu có đem đồ đạc để thay.

- Xời ơi! Lo gì chuyện đó cô nương ơi. Mày cứ việc lặn hụp cho thoải mái rồi lát nữa phơi nắng là bảo đảm sẽ khô ráo trở lại như cũ. Hãy coi tao đây nè.

Nói rồi Lụa tìm chỗ có độ sâu ngang người ngồi thụp xuống cho ướt lên đến cổ. Không thèm làm theo bạn, Quỳnh ngồi đong đưa trên một chiếc rễ si, thả đôi chân đùa nghịch trong dòng nước với đôi mắt khá mơ màng. Chợt Quỳnh làm rớt chiếc dép xuống nước và bị cuốn phăng đi theo đà chảy. Không dám lao theo để chụp lại, Quỳnh nhảy cẫng ở gốc si:

- Oái… Lụa ơi! Chiếc dép của tao…

Nhưng Lụa mải tắm không để ý nên chiếc dép trôi tuốt luốt qua mặt rồi rơi xuống ghềnh thác thứ hai ngay chỗ Nhân đang tắm. Tuy lượm được nhưng anh chàng này không thèm “báo cáo” khiến ở trên đầu ngọn suối Quỳnh cứ đinh ninh là khi trở về sẽ phải đi dép một chân. Tỏ ra cẩn thận hơn, cô mon men gần đến chỗ bạn tắm ngồi ghệ vào một tảng đá trò chuyện:

- Mày không cảm thấy lạnh sao Lụa?

Nghịch ngợm, Lụa bụm tay té nước lên người Quỳnh khiến cô bị ướt hết cả mình mẫy:

- Lạnh cái gì mà lạnh. Tắm mát thấy mồ đi!

- Ui… con ranh. Đừng có đùa kiểu đấy kẻo tao giận là trời sập bây giờ đó!

Lụa bật cười khanh khách:

- Trời sập đè chết mày chứ hổng có đè tao.

Quỳnh tức khí vung tay dứ dứ bạn:

- Hãy đợi đấy, tao mà phản công thì mày đừng khóc đó nhỏ!

- Còn khuya. Tao đâu phải là đứa mau nước mắt.

Ngó thấy mình cũng không còn khô ráo gì nữa, Quỳnh bèn quyết định trả đũa lại bạn bằng cách nhảy xuống nước dùng tay tạt nước suối vào người Lụa. Và thế là cả hai đều bị ướt, nên ra sức đùa giỡn, cười hét vang cả một khúc suối cho đến trưa. Có lẽ cảm thấy đói nên Nhân từ bậc thác giữa mò lên, nhìn Quỳnh và em gái đang ngồi ăn chôm chôm trên mõm đá nằm nhô lên giữa dòng, anh chàng liền trợn mắt:

- Chắc là ăn hết cả phần tôi rồi đúng không?

Lụa đang ngậm quả trong miệng nên phồng mồm:

- Còn đấy tụi em mới chỉ ăn vài ba trái thôi.

Nhân vui vẻ xoa đôi tay ướt nước vào nhau:

- Đùa thế thôi chứ anh chúa ghét những loại trái cây có vị chua còn lẫn thêm chất ngọt. Thà rằng…

Lụa vụt miệng buông lời trêu anh:

- Nếu vậy thì đích thị anh chỉ ưa ăn có mỗi chất đường rồi. Nhưng mà nè ông anh ơi! Sống ở đời con người cần phải nếm qua tất cả để không ngỡ ngàng khi nhấm nháp trúng những thứ mà mình chẳng hề thích.

- Điều đó thì không cần cô phải dạy. Hãy coi đây… anh hơn em tới hẳn một cái đầu mà.

Ngồi nghe, Quỳnh có cảm giác Nhân chẳng có một chút gì đó về bệnh tâm thần như lời bà Năm và Lụa nói. Có thể đó chĩ là những thay đổi tính tình khiến cho nhưng người thân của Nhân ngộ nhận rồi nghĩ sai. Nhưng dù sao thì Quỳnh cũng thấy anh trai của bạn mình rất đàng hoàng khi nói chuyện với mình chứ không có dấu hiệu cợt nhả.

Giữa lúc cô gái đang mải mê suy nghĩ thì Nhân chợt hỏi:

- Quỳnh à, em có cho rằng anh bị “man” không?

Bị bất ngờ nên Quỳnh bối rối mãi mới nói được:

- Sao anh Nhân lại hỏi kì cục vậy?

Khuôn mặt rất vui của chàng trai bỗng trĩu buồn. Nhân co chân làm động tác đạp đạp lên mặt nước, cằm hất nhẹ về phía em:

- Không kì đâu. Nhỏ Lụa và má anh vẫn thường cho là thế! Không tin Quỳnh cứ hỏi thử sẽ biết ngay.

Ngừng lại, Nhân cho tay vào chiếc giỏ để bên cạnh em gái, lấy ra một cái bánh được gói bằng bột nếp bóc vỏ ăn thật chậm rãi. Quỳnh đưa mắt ngó sang bạn, thấy Lụa cũng đang lặng lẽ nhìn mình. Không ai bảo ai, nhưng cả hai cô gái đều hiểu rằng Nhân đang trách họ. Ăn xong cái bánh, Nhân lại bỏ đi tới chỗ gềnh thác lúc nãy ngồi ưu tư ở đấy. Chẳng hiểu sao Quỳnh lại mò mẫm bước theo rồi hụt chân ngã nhào vào vũng nước mà Nhân đã tắm.

Nghe tiếng của Quỳnh ở phía sau, Nhân bèn quay lại đưa tay cho cô nắm rồi dùng sức kéo lên. Anh hỏi thật dịu dàng:

- Có sao không cô bé?

Với nét mặt nhăn nhó, Quỳnh chìa đôi bàn chân bị trầy da:

- Đau… đau quá.

Nhân cười nhẹ:

- Vậy mà nhằm nhò gì, cứ tưởng cô bé bị cá sấu gặm mất chân rồi chứ.

Nghe hai tiếng “cá sấu” Quỳnh hoảng hốt nhảy vội lên chỗ Nhân ngồi la lớn:

- Ối… cá sấu đâu?

Lụa đang ngồi đằng này cũng áy náy bởi lời nói của anh trai và bật cười nhạo:

- Híc… híc… mày khờ quá Quỳnh ạ! Nếu có cá sấu ở đây thì nó đã nuốt gọn mày rồi. Nhưng rất tiếc… chỉ có cá lòng tong thôi.

Quýnh bám tay vào áo Nhân cho khỏi té rồi nghênh đầu lên có ý gọi Lụa cùng nhảy xuống chân thác nhỏ chơi cho vui nhưng không ngờ lại bị chọc:

- Ê… hê… sao mày dám đụng vào người anh Hai tao vậy hả? Cứ giữ nguyên tư thế đấy để tao gọi bác phó nhòm tới chụp vài pô làm kỉ niệm.

Không biết lời Lụa nói thật hay chơi, Quỳnh cuống quít cả lên:

- Ý… đừng… đồ khỉ thật đấy!

- Mày cứ mắng… còn tao thì cứ chụp chứ không đừng.

- Con ranh. Mày không thấy tao đang sợ ngã đây sao? Đá ở chỗ này trơn quá xá!

Tiếng Lụa cười lẫn trong tiếng suối đổ:

- Ha… ha…! Đừng viện cớ nữa nhỏ ơi!

Quỳnh vừa thẹn, vừa tức mình:

- Tao không thanh minh nữa đâu, mặc cho mày cười… để hở mười cái răng.

Lụa vẫn nhây nhưa:

- Chịu làm chị dâu tao đi Quỳnh, để tao biểu anh Nhân chờ mày thêm vài năm nữa. Ảnh tuy hơi bị “mát dây” chút đỉnh nhưng cũng thuộc loại điển trai nhất xứ này đấy.

Câu nói của Lụa không những làm cho Quỳnh đỏ mặt, tía tai mà cả Nhân cũng chẳng kém phần ngượng nghịu. Họ không ngờ mình bị ghép đôi như thế khi mà cả hai chưa hề nghĩ tới chuyện mai sau. Vấn đề tình cảm đối với Quỳnh thì còn quá xa xôi bởi cô tự nghĩ mình chưa đủ tuổi mộng mơ, vương vấn. Phần Nhân, tuy đã là một thanh niên mười chín nhưng chưa bao giờ anh nghĩ tới chuyện tìm một cô gái để làm quen. Sự hiện diện của Quỳnh trong nhà tuy có làm cho không khí trong nhà vui hơn lên nhưng lại gây thêm nỗi mặc cảm nơi Nhân về bệnh hoạn. Dù biết rõ mình bị ảnh hưởng về thần kinh sau khi tai nạn, song anh vẫn mong muốn được làm một người bình thường trước những ai chưa hề biết về mình. Nhất là đối với Quỳnh, một cô gái đến đây trọn một ngày đêm đã gây trong lòng Nhân một sự chú ý đặc biệt mà không ai có thể ngờ. Nhân cũng không hiểu mình đã nghĩ gì về Quỳnh mà sao mỗi khi trộm nhìn, con tim liền dao động. Cô bạn gái của Lụa quả là có sức thu hút qua giọng nói, tiếng cười và cả nhan sắc trời cho. Nhân cảm thấy mình rất thích bạn của em, nhưng chưa diễn đạt được từ “thích” đó như thế nào cho hợp lẽ. Chỉ biết rằng Nhân đã không giận Lụa trong câu nói vừa rồi dù bị em gái gọi là kẻ “mát dây”. Anh chỉ cất tiếng chỉnh sơ sài:

- Lụa à! Coi chừng em làm cho nhỏ Quỳnh giận đó!

- Anh khỏi lo. Con nhỏ này dù có giận cũng chỉ biết khóc thôi, nhà mình có nhiều trái cây lo gì không dỗ được.

Quỳnh chưa hết thẹn nhưng vẫn cong chiếc môi xinh xắn của mình lên:

- Hứ. Tao cóc thèm ăn… cho cả nhà mày bị lụt.

- Nè, liệu có đủ nước mắt không hả bạn? Ở đây là miền cao chứ không phải đồng bằng đâu.

- Dư xăng luôn. Tao chỉ mưa trong khu vực nhà mày, ai không biết bơi sẽ chết chìm ráng chịu.

Lụa vỗ vai reo hò:

- Vậy thì lọt sổ tao rồi nhỏ ơi! Cả anh Nhân nữa… nhưng…

- Nhưng sao? Sợ rồi phải không cưng?

- Còn khuya, tao ngập ngừng vì chỉ có má tao là nạn nhân của mày, bởi má không biết bơi.

Cố lấy thế đứng cho thật chắc trên tảng đá đầy rêu xanh, Quỳnh mới dám buông tay ra khỏi áo Nhân. Cô sờ lên má mình thấy nơi đó vẫn còn nóng rân rân bởi câu chọc ghẹo của bạn khi nãy. Lụa vẫn chưa chịu thôi:

- Tao hỏi thiệt mày câu này nghe Quỳnh. Nếu lỡ sau này…

- Chẳng lỡ gì hết trơn. Mày giỡn vừa vừa thôi kẻo tao bỏ về bây giờ đó!

Nghe Quỳnh dọa, Lụa liền im ngay, cô gái bắt đầy xoay qua anh:

- Lát nữa về anh Hai làm tài xế cho con nhỏ bạn em nghe.

Nhân nhận lời nhưng Quỳnh không chịu đã gạt phăng, giọng cô gái đầy hờn dỗi:

- Tao không cần ai chở. Tao sẽ đi bộ về nhà.

- Trời! Mày nói thiệt hay nói chơi vậy nhỏ?

Không thèm nhìn bạn, Quỳnh hứ lên rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Lụa định nhảy xuống năn nỉ nhưng chẳng hiểu sao lại nháy mắt với anh. Bắt được tín hiệu từ em gái, Nhân bèn gật đầu rồi phẩy tay ra ý biểu Lụa cứ biến đi.

Không tán tỉnh Quỳnh mà chàng trai chỉ đưa mắt ngó ra lòng hồ mênh mông có những chiếc ghe đánh cá qua lại rồi lặng lẽ suy nghĩ. Nắng đổ xuống gay gắt làm khô mau bộ quần áo đang dính sát vào da thịt Quỳnh gây rát bỏng tấm lưng trần của Nhân. Nhưng không ai cất tiếng than van cho tới lúc Quỳnh phát hiện ra chiếc dép của mình nằm chỏng vảnh trên phiến đá gần đó. Cô đưa tay chỉ:

- Chiếc dép của em trôi theo nước vẫn còn kia.

Bây giờ Nhân mới chịu nói:

- Anh với được ngay từ khi nó rớt xuống vũng nước này.

- Thế mà em cứ tưởng nó bị đẩy ra tận lòng hồ rồi chứ.

Thốt nhiên Nhân mỉm cười:

- Có thể lắm… nếu như anh cố tình không nhìn thấy nó trôi.

Quỳnh cắn vào môi nhẹ nhẹ trước lời nói êm dịu của Nhân vừa thốt ra với mình. Cũng văn vẻ ghê chứ đâu có “mát dây” như Quỳnh vẫn tưởng qua lời bạn. Chắc Lụa chỉ dối gạt, thêu dệt chuyện chứ lẽ nào khuôn mặt rạng rỡ kia lại có chút “man” trong người. Nhưng vấn đề này cả bà Năm cũng nói với Quỳnh như vậy mà. Người lớn sao có thể nói dối được? Nỗi thương xót từ đáy lòng Quỳnh dâng lên nên cô đã để cho Nhân nắm tay mình từ bao giờ không biết. Chừng bị mất đà ngã xuống nước, Quỳnh đã kéo theo luôn anh ta khiến cả hai bị một phen ướt hết như cũ. Nhân không hề hấn gì nên vội chồm dậy đỡ Quỳnh. Anh bị cô gái trách:

- Tại anh.

Không chối cãi, Nhân nhận lỗi về phần mình:

- Ừ, tại anh… nên làm Quỳnh bị ướt.

- Sao không gọi “cô bé” nữa mà dùng tên chi?

- Tại anh thấy tên “Quỳnh” rất đáng yêu.

- Anh xạo quá. Em thấy mình rất là dễ ghét.

- Không phải vậy. Quỳnh dễ thương thấy mồ.

Lời qua tiếng lại của cả hai lúc này sao nghe êm ái quá. Quỳnh ngẩng mặt lên trên tầng thác thấy Lụa đã bỏ tới gốc si thì bạo dạn hơn vì không sợ bạn chọc quê. Khoảng thời gian chỉ độ một giờ đó Quỳnh đã nghe được hết tâm sự của Nhân để có thể hiểu và nhận định về anh trai của bạn. Tiếng suối reo như tiếng lòng của con người đang bừng dậy… và dòng chảy không ngừng nghỉ tựa như mạch máu trong huyết quản con người luôn cần phải luân lưu.

Trời về chiều, cả bọn lục đục kéo nhau rời khỏi khu vực suối với ánh mắt luyến lưu. Quỳnh vẫy tay giã từ thiên nhiên ở đây khi tiếng chim bìm bịp rộn vang khắp núi đồi như thúc giục. Đã đi được một quãng đường khá xa, Quỳnh còn bắt bạn dừng xe lại để cho mình lần cuối nghe được tiếng đổ của Suối Reo. Cô tự cho đó là kỷ niệm đáng yêu của tháng hè và đưa vào bộ nhớ để đừng bao giờ quên đi.

Chương 4

Sau chuyến đi chơi suối về hôm đấy. Quỳnh đã bị cảm vì không quen dãi nắng. Người cô lên cơn sốt phải cặp nhiệt liên tục để theo dõi khiến bà Năm lo lắng không yên. Bà bảo với con gái:

- Con nên đánh điện cho gia đình của Quỳnh hay là nó đang bị bệnh.

Nhưng Lụa gạt đi:

- Không cần đâu má à. Nhà mình cũng có thể lo được cho nó mà…

Sợ con hiểu lầm mình nên bà Năm vội giải thích:

- Không phải má sợ tốn kém, nhưng chỉ lo lỡ bạn con có nguy hiểm gì thì chúng ta sẽ bị rắc rối đó Lụa à.

Ngẫn ra trước lời nói của má trong giây lát, Lụa bỏ vô phòng, cô khẽ lay bạn:

- Quỳnh ơi! Mày thấy trong người có khó chịu lắm không? Tao mời bác sĩ tới đây tiêm chích cho mày nhé.

Nằm mê man vì cơn sốt nóng nhưng Quỳnh vẫn cố phẩy bàn tay:

- Khỏi cần đi Lụa. Tao chỉ uống vài viên thuốc cảm là sẽ hết bệnh thôi mà.

- Không đơn giản như thế đâu khỉ con ạ. Coi chừng mày bị cảm thương hàn là nguy hiểm lắm nghe.

Tự nhiên Quỳnh bật lên câu nói đùa:

- Cảm “thương chàng” thì có chứ sức mấy mà cảm thương hàn.

Đang lo lắng, Lụa cũng phải khựng lai rồi trố mắt:

- Mày vừa nói gì thế nhỏ ơi!

Quỳnh ngúng nguẩy trên giường nằm quay vô trong vách:

- Mày không nghe kịp thì thôi, tao đâu có hơi sức đâu mà lặp lại.

- Sao mày khó tính vậy? Mới bệnh có tí xíu mà làm tàng ghê, nè ở đây ngoài ta ra không có ai chìu chuộng mày đâu nghe. Má tao còn bận bịu với lũ gia súc tối ngày, còn anh Nhân thì mắc phải lo làm vườn không có thời gian rảnh. Chỉ mình tao là sát cạnh với mày được thôi…

Thấy bạn không chịu động đậy, Lụa nói tiếp:

- Ê! Hay là để tao gọi điện về thành phố báo tin cho ba má mày biết mày đang bị bệnh nằm ở đây.

Quỳnh lật phắt người trở lại:

- Không được! Mày mà làm thế tao sẽ không thèm nhìn mặt mày nữa đâu.

Nói rồi Quỳnh tỏ thái độ giận thật sự làm Lụa phải năn nỉ một hồi. Bà Năm từ bên ngoài bước vô cười hiền lành với cô:

- Cháu đã thấy khoẻ chưa? Bác sai thằng Nhân đi mời bác sĩ nãy giờ chắc cũng sắp tới nơi rồi đó.

- Ôi, làm phiền bác quá. Cháu chỉ bị cảm xoàng thôi không hề hấn gì đâu.

Quỳnh định ngồi dậy nhưng đã bị bàn tay ê dịu của bà Năm giữ lại nằm trên giường:

- Cháu cứ việc nghỉ đi đừng ngại ngùng điều chi cả. Hãy coi đây như nhà của cháu.

Nghe mẹ nói thế Lụa liền láu lỉnh:

- À, má ơi! Con vừa nghĩ ra một sáng kiến này rất hay… là má hãy cho nhỏ Quỳnh ở luôn đây rồi chịu khó nuôi nó thêm vài năm nữa rồi nhận làm con dâu cho tiện thể. Chắc anh Nhân không phản đối chuyện này đâu.

Nhưng bà Năm đã la con:

- Đùa chơi thì được chứ nói thật thì không nên đâu. Bộ con không biết thằng Nhân nó bị bệnh hay sao mà ghép đôi kiểu đấy? Quỳnh nghe chắc nó cũng không thích lắm đâu.

Quỳnh cố nằm yên để không ngắt ngang lời Lụa đang chuyện trò với mẹ:

- Thì tại con thấy mến nhỏ Quỳnh nên mới nghĩ vậy mà…

Ở bên ngoài có tiếng xe máy nổ giòn, bà Năm sai con chạy ra coi và lát sau thì Lụa dẫn vào người đàn ông lạ. Cô gái lếu láo nói:

- Thầy thuốc của mày đây nè Quỳnh! Nào, ngoan ngoãn ngồi dậy đi nếu như còn muốn ở lại đây.

Bất đắc dĩ Quỳnh mới phải để cho bác sĩ khám bệnh và cho uống thuốc vì sợ làm phật ý gia đình bạn. Chờ cho mọi người rút ra khỏi phòng rồi Quỳnh mới khẽ thở phào khi biết mình chỉ bị cảm thường không có gì đáng làm phiền người khác. Quỳnh mặc thêm vào chiếc áo dài tay để tránh gió rồi nhích tới bên cửa sổ nhìn ra vườn. Cây bơ cạnh đó sai oằn trái đang sao động lá bởi một cơn gió thoảng qua. Quỳnh nhìn thấy Nhân ngồi vắt vẻo trên cành cây cao tít với nét mặt đăm chiêu, tự lự. Thỉnh thoảng anh ném xuống một trái bơ xanh như để trút đi cái khó chịu gì đó trong lòng. Nhân không biết nơi cửa sổ Quỳnh đang theo dõi từng cử chỉ hành động của mình với cõi tâm tư rộn ràng, kỳ lạ. Và thế là suốt hằng giờ, người ngồi trên cây, kẻ ở bên khung cửa không ai cất lên tiếng nói nào cho tới khi Lụa ào tới làm kinh động:

- Ôi… nàng công chúa “ngàn lẻ một đêm” sao không nằm nghỉ mà ngồi đây suy tư vậy hả?

Quỳnh tỏ thái độ bực mình vì sự xuất hiện không phải lúc của bạn:

- Tao không thích là công chúa mà chỉ thích làm cánh chim tung bay giữa bầu trời, rồi đáp xuống khu vườn đầy trái ngọt của nhà mày cất lên tiếng hót.

- Chà! Lãng mạng dữ, mày có ý nghĩ giống hệt anh trai tao.

- Sao? Anh Nhân cũng thốt với mày như thế ư?

Lụa ngồi trên thành cửa rồi khẽ gật:

- Ừ! Nhưng anh ấy là người không bình thường, còn mày… có bị “man” giống ảnh đâu mà cũng thích sống trong ảo tưởng. Bị lây bệnh rồi chăng?

Quỳnh chưa kịp giận thì từ trên cao Nhân đã nhảy xuống mặt đất, có lẽ đã nghe hết mọi lời nói của em nên sắc mặt anh bỗng trở nên lầm lỳ. Nhân phóng tia nhìn từ bên ngoài xuyên thẳng vô buồng tới chỗ ngồi của Lụa:

- Đây là lần thứ bao nhiêu em cho rằng anh bị “điên”?

Thấy anh gằn giọng lên với mình Lụa chợt nghe khớp nên không dám trả lời lại. Tiếng Nhân vang lên ẩn chứa sự bi thương:

- Phải chi anh đừng sống sót sau cái tai nạn ngày hôm đó! Thì hôm nay… anh đâu bị mọi người coi là một thằng khùng.

Lụa bối rối không biết phải xử trí ra sao trước cái lỗi vô tình của mình thì bà Năm từ bên ngoài bước vô buồng nhìn con trai qua cửa sổ:

- Nhân à! Em nó lỡ miệng chứ không có ý nghĩ vậy đâu.

Rồi day mặt sang con gái, bà liền mắng:

- Con nhỏ này cũng có cái tật lanh chanh nói mãi cũng chẳng chừa. Lần sau phải giữ ý kẻo anh con buồn tội nghiệp nó.

Không bằng lòng với cách đối xử có vẻ thương hại của người thân. Nhân lộ vẻ buồn bực bỏ đi mặc cho mẹ và em gái gọi lại. Suốt ngày hôm đó trong nhà bà Năm không ai có thể cười vì Nhân nhất quyết ở lỳ luôn ngoài vườn mà chẳng thiết gì ăn uống. Trời gần sụp tối mà không người nào địu được chàng trai đang nổi loạn xuống khỏi ngọn cây để về nhà dù Lụa đã ra tới tận nơi để xin lỗi. Thấy cảnh xào xáo của gia đình bạn, Quỳnh chẳng thể nằm yên trong buồng được nên tự mình lần mò đi tìm Nhân với ý định sẽ thuyết phục. Giữa hoàng hôn đang lờ mờ đổ ập xuống khu vườn, Quỳnh dò dẫm bước nhưng trong lòng đầy sợ hãi. Cô bắt tay lên miệng làm loa gọi:

- Anh Nhân, anh đâu rồi?

Không có tiếng đáp lại mà chỉ có tiếng gió thổi xào xạc nghe rờn rợn. Quỳnh thấy run thầm trong bụng nhưng cố tình làm gan đi xa tận cuối vườn. Trái mít chín mùi rơi xuống từ trên cao làm dội lên tiếng động thật mạnh khiến Quỳnh muốn rớt tim ra ngoài. Cô sợ gần sắp khóc:

- Anh Nhân ơi! Em là Quỳnh đây nè. Anh đang ở chỗ nào? Hãy ra đây ngay đi, em… sợ… quá…

Nhân xuất hiện ngay sau lưng Quỳnh làm cô hoảng hồn súyt ngất:

- Á… í…!

Dùng một cánh tay đỡ bạn của em gái khỏi té. Nhân hỏi ngay:

- Cô bé ra đây để làm chi?

Quỳnh nói trong tiếng thở gấp vì chưa kịp hoàn hồn lại:

- Em đi tìm anh về.

- Bộ má anh và nhỏ Lụa nhờ em hả?

- Đâu có, em tự ý thôi.

Nhân chợt kéo Quỳnh ngồi xuống chỗ gốc cây dâu da, giọng anh buồn như tiếng gió:

- Anh không muốn về nhà để bị coi như là một người điên đâu. Cô bé có biết là anh đã buồn tới mức độ nào khi mà chung quanh chẳng ai hiểu được mình. Đã một lần anh bị bạn gái bỏ rơi khi cho là anh không bình thường như những người khác. Ôi… anh muốn điên lên thật sự như mọi người đang nghĩ, và mắng nhiếc số phận mình sao lại đẩy anh vào tình huống làm chi. Giá mà được chết quách thì còn hay hơn là phải sống trong mặc cảm tự ti. Em cũng đừng nên gần gũi một thằng khùng như anh.

Trong ráng chiều sẫm màu Quỳnh không thấy đôi mắt đỏ hằn lên của Nhân, nhưng cô đoán biết chàng trai đứng bên cạnh mình đang giận lắm! Qua lời nói tâm sự thì trí giác của Nhân vẫn còn tỉnh táo để nhận ra rằng mình chẳng bao giờ muốn làm kẻ rồ dại dù đôi lúc có gây chút không bình thường do ảnh hưởng thần kinh. Nhưng đó là di chứng của tai nạn mà lẽ ra những người thân của anh phải hiểu ra để giúp Nhân thoát khỏi cơn chấn động về mặt tâm lý. Đằng này, nhỏ Lụa và bà Năm cứ luôn bảo với mọi người là Nhân “man” nên càng gây cho anh nỗi mặc cảm trong lòng.

Phần Quỳnh, tuy chưa tiếp xúc lâu với người anh trai của bạn nhưng cô thấy mình như hiểu anh ta hơn là những người thân của anh. Lần đầu tiên trong đời Quỳnh nhìn người khác bằng một ánh mắt trìu mến.

- Anh Nhân. Anh đừng làm em sợ…

Nhân ngó sững vào mặt Quỳnh một lúc rồi cay cú thốt lên:

- Cô sợ gì? Sợ thằng này sẽ nổi cơn điên làm điều xấu với cô à?

Quỳnh chẳng hiểu sao lúc này mình lại gan dạ đến vậy, cô dám đặt bàn tay của mình lên cánh tay rắn rỏi của Nhân:

- Không phải vậy đâu anh Nhân. Em không sợ anh điên mà em chỉ sợ anh ở đêm ngoài này sẽ bị cảm lạnh mất, giống em đây này… bị bác sĩ chích hai mũi đau quá trời.

Giọng nói êm êm pha chút nũng nịu của Quỳnh làm cơn bực dọc trong lòng Nhân tiêu tan hết. Tuy nhiên, anh con trai vẫn còn hờn:

- Cô bé vào nhà đi! Đừng bận tâm chi tới thằng khùng đáng sợ này.

Quỳnh cố kiên nhẫn thuyết phục:

- Nếu anh không chịu về thì em cũng ở lại đây luôn để được lây cái bệnh điên của anh.

Thốt nhiên, Nhân buộc miệng:

- Ôi… cô bé quả là dại, sự điên khùng đấy nó đang giết dần mòn anh chết mà cô bé lại muốn tự nguyện hay sao? Nếu thế em đích thị cũng bị “mát dây” như anh rồi.

Không chủ định, nhưng cả hai cùng bật cười. Tiếng cười hòa lẫn với tiếng lá cây lao xao và mùi trái cây vừa chín tới. Nhân bằng lòng theo Quỳnh về nhà với tâm trạng rất vui. Đi ngang qua chỗ trồng sầu riêng ngửi thấy mùi trái chín. Nhân bèn tấp vào tìm kiếm rồi đưa cho Quỳnh hai trái thật lớn. Vốn ưa loại quả có mùi thơm ngát mũi này, nên Quỳnh rối rít cùng Nhân ngồi thụp xuống ăn ngay. Vị ngọt béo tan dần trên đầu lưỡi cả hai và quấn quít theo họ mãi. Anh con trai chợt hỏi khi ngẩng lên thấy gương mặt Quỳnh rạng rỡ dưới bóng tối của khu vườn:

- Tại sao cô bé lại có tên là Quỳnh mà không phải là một cái tên nào khác?

Quỳnh chợt hồn nhiên:

- Việc đó tất phải có nguyên do, nhưng để khi nào sắp về thành phố em sẽ kể.

- Còn bây giờ?

- Anh phải đưa em về nhà vì em rất sợ ma.

Bất giác Nhân nắm lấy bàn tay nhỏ của Quỳnh rồi giữ chặt khiến cho cô muốn rút ra cũng không được. Gió mơn man nhè nhẹ làm cho Quỳnh cảm thấy lạnh, một cái lạnh của cơ thể chưa được khỏe gây đến cho cô một cơn choáng phải ngã vào người Nhân.

Ngỡ Quỳnh vấp phải rễ cây nên anh con trai vội choàng tay đỡ lấy, nhưng khi thấy cô gái mềm nhũn trên tay mình thì Nhân mới thật sự hoảng hốt vội bế thốc Quỳnh lên chạy vô nhà. Anh chạm phải những cái nhìn thảng thốt của mẹ và em. Lụa lao tới đỡ bạn trong tay anh, miệng đặt nghi vấn.

- Anh Nhân, anh vừa làm gì con Quỳnh vậy?

Trong khi Nhân chưa kịp giải thích thì bà Năm tái mặt khi nhìn vào một chiếc cúc bị xổ tung nơi ngực áo Quỳnh mà sợ hãi kêu lên:

- Nhân ơi, con vừa gây nên tội gì?

Với vẻ mặt ngơ ngác, Nhân đứng chôn chân giữa nhà chịu tiếng sỉ vả của em:

- Anh có điên thì làm ơn thương cho danh dự của gia đình này một chút. Con Quỳnh nó là bạn của em mà sao anh lại nỡ…

Rồi Lụa bật khóc thút thít, nhưng rất may là Quỳnh đã cựa quậy rồi mở mắt nhìn mọi người:

- Ồ, trong nhà đã xảy ra chuyện chi vậy Lụa?

Che tay lên trước trán cho khỏi bị chói ánh đèn, Quỳnh nhổm dậy ngó bạn và nghe được câu trả lời ngượng miệng:

- Mày hổng sao chứ Quỳnh?

- Thì mày thấy đấy nè, tao có bị gì đâu mà mày khóc. – Quỳnh chớp bờ mi.

Bà Năm xúm xít lại:

- Ôi… lạy trời! Thế mà bác cứ ngỡ…

Quỳnh thoáng vẻ ngạc nhiên:

- Sao cơ… thưa bác?

Lụa vội lấp liếm thay cho mẹ:

- À, hổng có chi đâu. Tại hồi nãy thấy anh Nhân đưa mày về trong trạng thái ngất xỉu má tao lo vậy mà.

Nghe qua Quỳnh vội thuật lại chuyện mình đã dám ra tận ngoài vườn để tìm anh Nhân trong lúc trời đang sụp tối và khi trở về thì bị một cơn gió làm cho xoay xẩm mặt mày. Đôi má Quỳnh chợt ửng hồng khi liếc nhìn sang Nhân, thấy anh con trai này cũng đang để mắt ngó. Bà Năm bước tới bên Lụa nói nhỏ:

- Con mau lại xin lỗi anh mày lần nữa kẻo nó lại giận bỏ đi nữa bây giờ.

Ngập ngừng một chút để đè nén nỗi ngượng nghịu vì đã hiểu lầm anh, Lụa làm theo lời mẹ nhưng phải kéo Nhân ra tận ngoài hiên tránh không cho bạn nghe thấy.

- Lúc nãy em và má đã nghĩ xấu về anh, bởi tại vì…

Nhân ngắt ngang lời em gái:

- Bởi em và má luôn nghĩ anh là một thằng khùng có thể làm bất cứ điều gì xấu mà không lường hậu quả chứ gì? Nhưng may là cái đầu này chưa đến nỗi không điều khiển được hành động nha.

Lụa tỏ ra biết lỗi:

- Anh Hai bỏ qua cho em và đừng nói lại cho nhỏ Quỳnh nghe kẻo nó cười.

Như vẫn còn hậm hực, Nhân khẽ gắt:

- Kẻ sợ bị cười là anh chứ không phải em đâu. Rất có thể Quỳnh đã nghĩ anh đã từng là người xấu.

- Thôi mà anh Hai, em gái biết lỗi rồi, cố chấp mà chi!

Nhân không nói gì thêm dù trong lòng còn chất chứa nỗi giận mẹ và em. Bữa cơm tối hôm ấy Nhân toan không ăn, Quỳnh phải phụ năn nỉ anh mới chịu ngồi vào bàn nhưng chỉ ăn cho khỏi đói. Và sau đó, khi mọi người còn đang chuyện trò vui vẻ thì Nhân đã rút vào buồng riêng của mình nằm vắt tay lên trán hình dung đến một loài hoa. Thời gian bắt đầu trôi qua để đưa không gian chìm vào trong tĩnh lặng. Nhưng Nhân cũng không sao ngủ được, anh vẫn nằm thao thức với những dòng suy tư kỳ diệu. Đêm rất dài và anh lại mong trời đừng vội sáng để mong tất cả điều đang ẩn chứa trong lòng không vụt bay theo tiếng gà gáy gọi bình minh. Quỳnh… Quỳnh ơi! Em có phải là điểm sáng đang hiện diện trong cái đầu tăm tối của anh không? Chỉ có em mới là người hiểu được anh, đưa anh thoát ra khỏi cái vòng vây mặc cảm mình thua kém mọi người.

Chương 5

Thấy em gái vừa đi theo mẹ ra cổng, Nhân bèn rón rén bước lại gần cửa sổ gọi vọng vào:

- Quỳnh ơi em có thích đi xem những chú chim non mới nở không? Hôm qua anh vừa phát hiện ra một tổ chim bìm bịp có tới những ba bốn con lận. Chúng xinh lắm, em mà nhìn thấy sẽ mê ngay.

Đang nằm đọc sách, Quỳnh vội nhổm dậy khỏi giường ngay:

- Thật không? Anh bắt cho em nhé!

Nhân vẫy một bàn tay:

- Được, nhưng phải để chúng lớn thêm chút nữa đã.

Quỳnh vội xỏ chân vào dép, nghe nói thế bèn phụng phịu:

- Thế anh thông báo trước với em để làm gì?

- Để đi xem… và chăm sóc cho chúng lớn.

Quỳnh toan buộc miệng bảo: “Có mà khùng mới đi nuôi chim trời…” nhưng kịp ngăn lại để ngoẹo đầu:

- Em chỉ thích bắt chúng đem về chơi thôi.

Nhân ngần ngừ rồi khẽ gật:

- Đành chiều lòng cô bé vậy. Nào, hãy đi theo anh mau.

Song Quỳnh đã khựng lại:

- Khoan. Chờ em gọi nhỏ Lụa…

- Thôi đừng… có nhỏ đó xuất hiện ở đâu sẽ hỏng bét việc ngay. Nhỏ Lụa đã theo má anh đi chợ rồi. – Nhân vội cản lại.

Quỳnh chưa rời chỗ mà chớp nhẹ đôi mắt:

- Vậy ai sẽ coi nhà cho em theo anh ra vườn đây?

- Thì cứ đóng cửa để đó, ở đây không ai ăn cắp đâu mà sợ. Có lũ chó coi nhà rồi.

Nhưng Quỳnh tỏ ra cẩn thận:

- Đừng chủ quan như thế! Cứ ở nhà chờ bác Năm và nhỏ Lụa đi chợ về cho chắc ăn.

Thấy bạn của em gái quá cảnh giác. Nhân liền buông tiếng khen ngợi:

- Tốt lắm! Phải như anh có thêm một cô em gái nữa thì hay biết chừng nào.

Quỳnh chũn cặp môi hồng:

- Thì anh nói với bác Năm nhận em làm con nuôi đi rồi em sẽ trở thành em gái của anh liền hà.

Nhân phản đối:

- Không được. Anh chỉ muốn em là nhỏ Quỳnh, bạn của Lụa thôi.

Nói tới đây, anh con trai rời chỗ đứng để vào nhà, Quỳnh cũng ra khỏi căn buồng tới ngồi nơi bộ ván gõ cùng Nhân trò chuyện. Trong một thoáng vui miệng, Quỳnh bỗng có ý định kể cho Nhân nghe về cái tên mà cha mẹ đặt cho mình. Cô mấy máy chiếc miệng:

- Hôm qua anh Nhân có hỏi vì sao mà em lại có cái tên Quỳnh và em đã hẹn… Vậy bây giờ anh có muốn được nghe không?

Với thái độ sốt sắng, Nhân cười bằng mắt:

- Rất muốn. Để anh khỏi thắc mắc vì sao trên đời này lại có một cô gái đẹp cả người lẫn tên.

Quỳnh thẹn đỏ hồng má:

- Anh nói quá làm em mắc cỡ rồi đó nha. Ngoài anh ra, trong đời em chưa được nghe ai khen mình lần nào. Ở trường… nhóm “ngũ long” chúng nó chỉ quen gọi em là “cô bé lọ lem” thôi.

- Cũng đúng thôi, bởi vì… lọ lem cũng là một giai nhân tuyệt sắc được giấu kín qua vẻ rách rưới bên ngoài.

- Anh nói chuyện nghe cũng văn hoa ghê đấy. Thế mà nhỏ Lụa vẫn luôn cho rằng anh bị thần kinh thật sự. Nhưng với em thì em cho rằng anh có tính chất lãng mạng của một người nghệ sĩ. Sao anh Nhân không tiếp tục theo học mà lại bỏ dở dang giữa chừng?

Như gặp trúng người hợp ý, Nhân bèn tâm sự sau một tiếng thở dài:

- Anh bỏ học cũng bởi vì nguyên nhân bị mọi người gọi là thằng “mát dây” sau cái tai nạn cứu người đó cô bé ạ. Số là hôm vừa xuất viện về, anh có một cô bạn gái đến thăm. Nói cho ngay lúc ấy vừa mới bị chấn thương đầu nên thần kinh anh chưa kịp ổn định đã thốt nên những câu nói vu vơ khiến cho cô ta phải sợ. Rồi cộng thêm việc nhỏ Lụa nhấn mạnh rằng bác sĩ biểu anh có nguy cơ bị ảnh hưởng về thần kinh nên mới gây ra tai hại như em biết đó! Ngày anh đến trường đầu tiên bạn bè đùa cợt gọi anh là thằng tâm thần. Còn cô bạn gái mà anh thích nhất thì lại biểu anh điên rồi xa lánh không thèm gặp. Nỗi mặc cảm đã biến anh thành một kẻ có tính “man” từ đó dù rằng anh rất muốn chứng minh cho mọi người hiểu rằng mình đang rất tỉnh táo. Nhất là những người thân trong gia đình anh.

Nghe xong mọi tiềm ẩn của Nhân, Quỳnh thấy thương xót cho anh con trai này quá đỗi nhưng chưa biết phải tìm cách nào để giúp anh thoát được cái chứng bệnh tâm lý mà vui sống bình thường. Bởi lẽ Quỳnh chỉ là một cô bé, tuổi bé hơn Nhân thì lấy đâu ra kinh nghiệm mà chữa trị cho người khác được. Quỳnh thấy Nhân thay đổi bộ mặt:

- Nãy giờ anh quả thật là điên ghê. Lẽ ra phải ngồi nghe Quỳnh kể về mình thì lại giành nói toàn những chuyện không bình thường.

Quỳnh vội đỡ lời:

- Em không giống như cô em gái của anh đâu mà sợ, bởi vì một người “mát dây” như anh mà có khả năng làm thơ được thì cũng là loại “điên” cao cấp.

Nhân cười trông thật đẹp:

- Em ví von nghe gì lạ thế! Điên mà cũng có loại cao cấp và hạ cấp nữa sao?

Quỳnh diễn tả bằng cả đôi tay khá uyển chuyển của mình:

- Tất nhiên rồi. Bởi hai hạng người ấy cách xa nhau… xa đến nỗi không thể nào cân bằng được.

Nhân có cảm tưởng trong đời anh chưa từng được một lần vui như vậy.

- Thế hả? Vậy thì anh cũng có phần hãnh diện đấy, bởi được làm người điên cao cấp của em.

Tiện dịp, Quỳnh thử sức của mình:

- Anh Nhân à, anh có dự định đi học trở lại không?

Nhân thay đổi thái độ bằng cái chau mày nhẹ nhẹ:

- Sao Quỳnh lại quan tâm tới vấn đề này làm chi?

Quỳnh đáp không hề ngập ngừng:

- Bởi em thấy anh nghỉ học như thế là uổng lắm. Chẳng gì cũng bao nhiêu năm đèn sách…Nếu thích theo nghề nông thì cũng cần phải có trình độ cao về kĩ thuật anh Nhân à. Theo em, anh nên tiếp tục xin học lại. Chỉ một năm cuối cấp nữa thôi là…

- Không đơn giản thế đâu Quỳnh. Lúc nghỉ học anh chỉ mặc cảm có một phần, bây giờ mà học lại thì nỗi mặc cảm càng phình to hơn nữa.

- Nhưng tương lai là của mình chứ đâu phải của người ta. Vấn đề là anh phải chứng minh rằng anh vẫn còn tỉnh táo để tiếp thu kiến thức.

Nhân im lặng trong khi Quỳnh vẫn nói:

- Nếu anh mặc cảm với bạn bè gần gũi thì có thể xin đăng kí học xa…

Nhân đăm chiêu:

- Như vậy thì đi hết để má anh ở nhà một mình sao? Em cũng biết công việc dưới quê cực nhọc lắm, mà nhà anh chỉ sống bằng hoa lợi của vườn cây. Nếu không có người chăm sóc kĩ lưỡng thì mức thu hoạch thấp lắm.

Lý do của Nhân đưa ra làm cho Quỳnh tắt tị không biết phải dùng lời khuyên nào cho hoàn cảnh của anh. Nhưng dẫu sao thì cô cũng rất tiếc khi Nhân không tiếp tục làm cậu học trò như bao nhiêu người khác.

Thấy Quỳnh ngồi lặng thinh ngó mình, Nhân khẽ hỏi:

- Hết chuyện nói về anh rồi phải không? Thế thì cô bé hãy thuật về mình đi. Anh đang đợi nghe nãy giờ nè.

Đôi môi Quỳnh đang chúm chím nụ cười:

- Anh mà không nhắc thì em đã quên mất chuyện mình có một cái tên rất huyền hoặc rồi. Anh có biết hoa Quỳnh không?

Nhân lắc đầu:

- Anh có nghe, nhưng chưa nhìn thấy bao giờ.

- Vậy thì hãy im lặng nghe em kể rồi anh sẽ hình dung ra nó ngay.

Quỳnh hắng giọng rồi bắt đầu nói giọng thật say sưa:

- Số là vầy…hồi ba má em còn trẻ, lúc họ chưa cưới nhau thì nhà ông ngoại em có trồng một chậu Quỳnh. Nó rất xanh tốt và trổ ra rất nhiều nụ, nhưng tuyệt đối chẳng ai nhìn thấy được hoa của nó nở đàng hoàng vì trời vừa sáng thì nó đã khép nhụy rồi héo rũ. Hôm đó, duyên cớ sao ba em tới nhà nói chuyện với má mãi đến khuya mới chịu về. Khi tiễn chân ba em ra tới tận cổng má em chợt phát hiện những nụ Quỳnh đang dần dần hé mở nên thích thú đứng lại coi. Má em đã lặng người trước vẻ đẹp của hoa Quỳnh. Và từng đêm, ngày nào má cũng mong ba tới ngồi chơi thật khuya để được thưởng thức loài hoa có sắc trắng nhưng chỉ ưa bóng tối. Rồi tình yêu của ba và má ngày càng đậm đà bởi sự kết hợp của chậu hoa Quỳnh, nên khi mang thai em họ đã chọn ngay tên loài hoa ấy để đặt cho đứa con đầu lòng…

Nhân thấy thú vị vô cùng nên mới ngắt lời:

- Thì ra hoa Quỳnh cũng tượng trưng cho một tình yêu và biến nó thành hôn nhân.

Nhưng Quỳnh lại sụp buồn:

- Đó là ngày xưa… anh Nhân a. Còn bây giờ thì ba má em đang… sắp sửa chia tay nhau. Bởi thế nên em mới buồn bỏ nhà lên đây không cho ai hay. Chắc là giờ này ở thành phố mọi người đang cuống quýt tìm em đấy.

Nhân toan cất tiếng chia xẻ nỗi niềm với Quỳnh thì nhỏ Lụa đi chợ về ào vào nhà như một cơn lốc. Tay cô cầm tờ báo chìa cho bạn coi:

- Mày xem đi nè nhỏ! Một cái tin “trẻ lạc” sẽ làm cho mày khóc đó!

Quỳnh đón lấy tờ báo trong tay bạn, tim thót lại vì cảm xúc. Cô lướt mắt xuống những dòng chữ trên trang mục cuối và thấy hình mình đăng ở đó thì lòng dấy lên nỗi bồi hồi không tả được. Quả như lời nhỏ Lụa nói, nước mắt Quỳnh ứa ra rồi chảy tràn xuống má nhỏ giọt vào mục đăng của tờ báo:

NGUYỄN THỊ HOA QUỲNH

16 tuổi bỏ nhà đi ngày… tháng… năm…

Con ở đâu? Hãy về nhà mau, ba má đi tìm con khắp chốn, ai biết xin chỉ dùm…

Ngồi quan sát cử chỉ của Quỳnh, Nhân không chịu nổi bật hỏi:

- Chuyện gì mà Quỳnh vừa đọc báo xong đã khóc vậy?

- Ba má nhỏ Quỳnh đăng báo tìm nó về. - Nhỏ Lụa đáp thay cho bạn.

Đó quả là một điều bất ngờ với Nhân nên anh ngồi thừ ra trên bộ ván, nét mặt diễn biến khá căng thẳng. Bà Năm chậm chạp bước vô, nhìn nhỏ Quỳnh khuyên:

- Cháu hãy nghe bác mà lo thu xếp về đi, đừng để cha mẹ phải khốn khổ vì mình. Nhà bác có thể đón tiếp cháu ở đây chơi một thời gian dài, nhưng vì bác đã từng làm mẹ nên bác hiểu nỗi lo của ba má cháu hiện giờ lắm.

Quỳnh đang khóc nhưng nét bướng bỉnh của cô vẫn lộ ra:

- Cháu chưa muốn về đâu, thưa bác.

Lụa choàng tay ôm cổ bạn, động viên:

- Đừng có “mưa” nữa nhỏ ơi! Mày chỉ về cho ba má mày biết tin thôi rồi lại trở lên đây chơi với tao hết tháng hè mà Quỳnh.

Thấy bạn im lặng, Lụa nói tiếp:

- Hay để tao cùng đi với mày về thành phố nha.

Quỳnh bỗng gạt phắt đi:

- Thôi khỏi! Tao không muốn mày thấy cảnh bất hạnh của tao.

- Ôi, con nhỏ này chưa chi đã bi quan quá nỗi. Cứ làm như mà là một đứa mồ côi vậy.

- Còn hơn thế nữa Lụa à. Thà rằng tao không cha, không mẹ từ lúc còn bé còn hơn là bây giờ nhìn thấy cảnh cha mẹ chia ly.

Lòng không muốn xa cô gái vừa làm tim mình rộn lên một niềm vui, Nhân vụt nắm lấy tay Quỳnh trước mặt mẹ và em. Anh phản lại ý kiến của mọi người:

- Chúng ta không thể bắt Quỳnh về nhà ngay lúc này được vì hiện giờ cô bé rất buồn. Cứ để cho cha mẹ Quỳnh thấm thía cái nỗi khổ mà họ đã gây ra.

Lụa vội kêu lên bai bải:

- Anh Hai quả là ác quá xá.

Bà Năm cũng đưa mắt nhìn con trai:

- Nhân à, con nghĩ gì mà lại thốt lên câu nói nghe khó nghe dữ vậy?

Nhân thoáng ngập ngừng rồi khẽ liếng sang Quỳnh:

- Con nói vậy mà má biểu khó nghe sao? Quỳnh lên nhà mình cũng vì không chịu nổi cảnh đau lòng trước sự chia ly của cha vàmẹ. Giờ bắt cô bé trở về khi cơn buồn chưa lắng dịu thì má thử nghĩ coi con ác hay là ý nghĩ của má và nhỏ Lụa không đúng đắn?

Nghe anh trai thốt lên như vậy, Lụa liền sửng cồ lên:

- Anh có tâm thần thì cũng phải chừa mẹ mình ra chứ. Má mà anh còn biểu là nói năng không đúng đắn thì quả là bất hiếu quá rồi.

Không chịu nhường em gái, Nhân nói khá to:

- Chỉ có vậy mà đã bất hiếu sao? Bộ là người lớn thì không bao giờ sai trái hả?

Thấy hai đứa con sắp sửa gây gổ nhau, bà Năm phải chen vào phân giải. Bà bảo với Lụa:

- Con đừng có hỗn với anh mà bị đòn nha.

Nhưng Lụa đã cãi lại:

- Thế anh Nhân hỗn với má thì sao?

- Việc đó để má xử, con không có quyền mắng anh là này… nọ…

Bị mẹ rầy la, Lụa phụng phịu bỏ vào buồng. Còn lại ba người nơi nhà ngoài, bà Năm ra sức thuyết phục Quỳnh bằng những lời lẽ phải trái. Ngồi nghe một lúc, cô gái thấm thía nên đồng ý trở lại gi đình để cha mẹ biết tin. Thế nhưng, Nhân thì lại tỏ ra bất bình vì sợ khi về thành phố rồi Quỳnh sẽ không bao giờ lên đây nữa. Nhân cố tình níu giữ tới độ bà Năm phải nháy mắt với Quỳnh để đánh lừa thằng con.

Cùng theo xuống bếp phụ mẹ bạn làm cơm, Quỳnh chợt thấy nhớ nhà và muốn được về ngay cái tổ ấm gia đình mà theo cô nó sắp tan rã vào những ngày gần đây nhất. Ăn uống xong, Nhân bỗng có việc phải đi đâu đó với bạn cùng xóm. Quỳnh bèn nhân cơ hội không có người cản trở xin phép bà Năm trở về luôn trong ngày.

Lụa nhanh nhẹn chạy ra vườn hái đem vô một giỏ trái cây trong khoảng thời gian bạn thu xếp đồ đạc.

- Mày ráng xách về thành phố ít quà của tao nghe nhỏ. Nếu gặp ba đứa trong nhóm “ngũ long” thì chia sớt cho tụi nó cùng ăn.

Không từ chối Quỳnh nhận ngay để bạn vui:

- Được! Mày có lòng thì tụi tao có bụng.

Rồi day qua bà Năm đang bịn rịn tiễn chân mình, Quỳnh lễ phép:

- Xin phép bác… cháu về.

- Ừ, cháu về mạnh giỏi nha, chừng vài bữa trở về đây nghỉ hè với con Lụa cho vui. Thằng Nhân nó cũng mến cháu lắm nên hồi nãy ngăn cản không cho cháu về đó.

Quỳnh khẽ cúi đầu:

- Vâng, cháu hiểu anh Nhân mà, thưa bác.

Lụa dắt xe đạp ra đứng chờ ngoài sân luôn miệng hối thúc bạn:

- Mau lên nhỏ, kẻo không kịp xe về thành phố bây giờ.

Cất lời chào bà Năm thêm một lần nữa, Quỳnh mới quay gót bước ra. Ra tới đường quốc lộ, trong khoảng thời gian đứng chờ xe cô gái chợt nghe lòng bịn rịn quê hương bạn. Một chuyến xe đò dài từ mạng Đà Lạt xuôi về đang đổ dốc, Quỳnh vội xốc lại hành lý đeo trên vai rồi đưa tay ra ngoắc xe. Lụa xách phụ giỏ trái cây, tay choàng qua vai bạn tỏ thái độ quyến luyến khi Quỳnh bước lên xe:

- Mày nhớ trở lại với tao nghe nhỏ.

- Tao chưa dám hứa vì còn tùy thuộc vào sự buồn vui khi trở về nữa. Nhưng dù sao hết tháng hè này chúng mình sẽ gặp lại nhau mà…

- Ai không biết thế! Nhưng…

- Thôi đừng nhưng nhị gì nữa, cho tao gởi lời từ giã anh Nhân.

Quỳnh chỉ nói kịp bấy nhiêu thì đã bị anh chàng lơ xe ấn vô tận sâu trong lòng xe không còn thấy bạn đâu bởi hành khách quá đông đã che chắn hết. Bất giác một giọt nước từ khóe mắt Quỳnh rơi xuống, nhưng cô gái không biết mình khóc vì nguyên cớ gì? Buồn vì chia tay người bạn gái hay tiếc nuối… luyến lưu một tình cảm của tuổi đầu đời đang len nhẹ vào tim?

Chương 6

Quỳnh… Quỳnh ơi… em hãy xem đây có phải là loài hoa mang tên của em không?

Nhân hí hửng cầm về một loại cây có thân từa tựa giống thanh long nhưng mảnh dẻ, vừa bước vô nhà đã gọi lên ríu rít. Bà Năm từ trong phòng bước ra nhìn con trai bằng ánh mắt dè dặt:

- Con bé ấy đã về thành phố rồi.

Như chạm phải luồng điện mạnh, Nhân đứng khựng lại giữa nhà.

- Sao má và Lụa không chịu giữ Quỳnh lại?

Bà Năm còn lúng túng chứ biết phải nói sao thì đã nghe con trai nổi giận:

- Có phải má và Lụa đã đuổi Quỳnh về không?

Bà Năm vội kêu lên:

- Ôi! Đừng nặng lời với má như thế chứ Nhân. Con cũng thừa hiểu là má rất quí bạn của em con mà, nhưng sự thể không cho phép má giữ Quỳnh lại.

Nhánh cây Nhân vừa xin được đem về chợt rớt xuống khỏi tay anh nằm chơ vơ trên nền gạch. Bà Năm vội bước tới nhặt lấy bỏ lên bộ ván rồi lặng lẽ đứng nhìn con. Nhân đi từng bước chậm ra hiên, mắt ngó chăm chú vào con đường nhỏ dẫn ra trước cổng như có ý mong nhỏ Quỳnh không đón được xe sẽ trở lại. Nhưng chỉ ít phút chẳng thấy gì từ nơi ấy, Nhân lại quay ngoắc vào chộp lấy cổ tay mẹ lắc mạnh miệng hỏi dồn:

- Quỳnh đã đi lâu chưa?

Định nói dối con trai, nhưng bà Năm lại không nỡ:

- Chỉ mới thôi. Con Lụa đưa bạn nó ra đường vẫn chưa thấy về mà.

Không cật vấn thêm nữa, Nhân biến nhanh ra khỏi nhà, rồi nhảy phốc lên xe đạp đi trước cái nhìn sững sờ của mẹ. Bà Năm chẳng biết thằng con trai mình đang nghĩ gì cũng vội đóng cửa chạy theo. Hai mẹ con kẻ trước người sau ló mặt ra đường chỉ còn nhìn thấy bóng chiếc xe ở tận cuối con dốc cách xa hàng cây số. Lụa dắt chiếc xe đạp qua đường rồi tới gần anh trai:

- Quỳnh gởi lời chào anh Hai đó!

Lời em gái thật nhẹ nhàng nhưng Nhân thấy tai mình như dội lên. Anh hét to ở ngoài đường:

- Tui không muốn nghe! Không muốn nghe…

- Coi chừng cơn “mát” của anh Hai lại nổi lên nữa má ơi! – Lụa vội bảo mẹ.

Bà Năm dùng cả bàn tay bịt lấy miệng con gái lại rồi ngọt ngào dỗ con trai:

- Nhân à, con có điên đâu mà lại tính quậy lên ở ngoài đường như thế? Quỳnh nó hứa với má là chỉ về có vài ngày thôi rồi sẽ trở lên đây đến hết tháng hè.

Nhân tỏ ra không tin lời mẹ nói:

- Má đừng đáng lừa con nữa. Cả nhỏ Lụa này cũng vậy.

Lụa làm bộ giẫy nảy:

- Làm gì mà có em trong đó? Em luôn là đồng minh của anh mà.

Chợt Nhân xoay mặt về phía em:

- Cho anh biết địa chỉ nhà Quỳnh đi để anh chạy theo cô bé…

Lụa la hoảng:

- Trời thần ơi! Anh có khùng thì cũng khùng vừa vừa thôi. Nó là con gái mà anh đòi theo chi vậy? Tới nhà người ta hỏi anh đi đâu anh trả lời sao?

Không trả lời được nên Nhân đừng thừ người ra ở ngã ba đường cái dáng điệu như đứa trẻ vừa bị mẹ đánh đau. Trong tâm trí Nhân bây giờ là nỗi buồn vô cớ nhưng không sao ngăn cản được. Nhân đâu ngờ rằng khi mình có trong tay một nhánh cây Quỳnh thì cô gái mang tên loài hoa đấy chẳng còn ở đây. Biết Quỳnh có trở lại lần nữa không? Nhân tự hỏi rồi đưa mắt nhìn con dốc dài thăm thẳm với cõi lòng chợt trống rỗng. Nhân không hiểu tâm tư mình đang nghĩ gì về cô gái, nhưng sao nỗi nhớ cứ thay nhau trỗi dậy khiến anh có cảm giác vắng Quỳnh thì đời sống của mình sẽ tẻ nhạt biết chừng nào. Còn ai hiểu Nhân hơn Quỳnh? Có ai tin Nhân vẫn tỉnh táo chứ không hề bị điên? Và còn ai thích ăn trái sầu riêng để Nhân được trèo hái mỗi ngày chứ? Rồi còn nữa… Nhân sẽ gọi ai là “cô bé” ngoại trừ đứa em hay khắc khẩu với mình để căn nhà này được vui hơn? Nhân ngơ ngẩn mãi ở ngoài đường mặc cho mẹ và em gái xúm lại gọi về song anh vẫn không hề để ý tới. Bỗng một cơn mưa bất chợt đổ xuống khiến cho tất cả phải chạy đi tìm chỗ trú một cách tự nhiên. Đứng núp dưới mái hiên của một mà máy xay xát lúa, Nhân nhìn màn mưa bằng một tâm hồn lạnh giá. Một luồng gió lạnh tạt vào làm nửa thân hình phía dưới của Nhân bị ướt. Rồi nhờ những giọt mưa ngọt ngào ấy mà thần kinh Nhân dịu lại nên khi ông trời ngừng tưới mát thì anh đã tự động trở về nhà.

Nhặt nhánh cây Quỳnh mà lúc nãy mình đã làm rơi, Nhân mân mê nó như một báu vật quý hiếm suốt cả buổi rồi mới đi tìm chậu để trồng. Nhánh cây Quỳnh yếu đuối, mảnh mai như cười với Nhân khi được tưới lên những giọt nước mát rượi đầu tiên. Lụa theo dõi từng cử chỉ của anh rồi chạy xuống nhà dưới thầm thì với mẹ:

- Má ơi! Lên mà coi anh Hai con đang đứng ngẩn ngơ trước chậu Quỳnh trông tội nghiệp quá.

Bà Năm vừa bước từ buồng tắm nhìn con gái bằng ánh mắt đượm buồn:

- Con có nhận xét thấy anh con đã thay đổi rồi không?

Lụa khẽ gật đầu:

- Con có thấy. Nhưng hình như anh Hai con còn điên hơn cả lúc trước nữa má à.

Bà Năm mắng:

- Nói bậy. Coi chừng nó nghe được nó lại giận nữa bây giờ.

Lụa vẫn bạnh chiếc miệng:

- Mà má có đồng ý với con rằng dạo này anh khùng quá hay không?

Bà Năm chợt lẩm bẩm:

- Má không nghĩ như vậy.

- Thế thì những hành động của anh lúc nãy má cho là bình thường sao? Theo con anh Hai đã tâm thần nặng rồi đó! Ngày mai má nên đưa ảnh đi tới bệnh viện khám và điều trị liền đi.

Nghe con gái bảo thế bà Năm hoang mang ra mặt:

- Hổng lẽ nào…? Má thấy nó vẫn còn tỉnh táo lắm mà.

- Coi vậy chứ ảnh nổi cơn lúc nào không biết đó! Giống như hồi nãy, tự nhiên đòi theo con gái người ta.

Linh cảm bà mẹ vụt báo cho bà Năm biết một điều song bà không tiện nói ra. Có thể thằng con của bà đã thực sự lớn, và nó đang nuôi dưỡng những ý nghĩ mà tạo hóa đã để sẵn cho con người. Năm nay Nhân cũng đã mười chín tuổi còn gì, cái tuổi đã được xã hội công nhận là thanh niên thì tất nhiên nó không còn là một cậu bé như xưa nữa. Bà Năm tin chắc tâm sinh lý của con trai đã thay đổi trong thời gian có Quỳnh ở đây. Điều đó đối với bà cũng dễ hiểu thôi, bởi bà đã từng trải qua một chặng đời mà các con của bà giờ mới đang chập chững bước vào. Nhưng còn Lụa thì chắc không thể nào hình dung được sự mới mẻ nơi anh mình. Chính vì thế mà cô bé cứ một mực bảo anh Nhân trở lại bệnh viện khi nhìn thấy những hiện tượng này xảy ra.

Bà Năm giải thích cho con gái nghe một cách gợi ý:

- Đã có bao giờ con có cảm thấy thích một người bạn trai chưa?

Câu hỏi bất ngờ nên Lụa vội vàng lúng túng:

- Sao má lại hỏi con như vậy?

- Thì con cứ trả lời rồi má sẽ phân tích cho con nghe.

Lụa thoáng đỏ mặt khi phải nói:

- Bạn trai trong trường con thì không thiếu. Nhưng nói thích thì con ưa anh lớp trưởng nhiều hơn. Bởi lẽ…

Bà Năm ngắt lời con bằng ánh mắt thật dịu dàng:

- Má đã hiểu đằng sau hai chữ “bởi lẽ…” ấy của con rồi không cần phải diễn tả. Có phải con muốn nói cậu lớp trưởng của mình thông minh đẹp trai và có nhiều đặc điểm hơn người khác?

Đôi má Lụa vụt nóng ran:

- Má! Sao má biết hay vậy?

Nhìn dáng điệu thẹn thùng của con gái, bà Năm chợt nhớ mình lúc thiếu thời. Bà mỉm cười đôn hậu:

- Má là má của con thì má phải biết những gì đang đến với con chứ. Cả anh Hai của con cũng thế!

Ngừng một chút để hắng giọng, bà Năm tiếp tục nói:

- Con có nghĩ rằng anh Hai con cũng thích Quỳnh như con thích cậu lớp trưởng đó không?

Lụa kêu lên trong ngỡ ngàng:

- Má…

- Không có gì là lạ đâu con à. Tâm lý tình cảm của con người luôn là vậy mà.

- Nói thế là má phủ nhận chuyện anh Hai con bị thần kinh?

Bà Năm ngó đăm đăm vào con gái:

- Chưa hẳn là như vậy. Bởi lẽ thằng Nhân nó bị ảnh hưởng tâm thần, biết đâu nó cũng có thể như con nói. Mà thôi… cố để vài bữa xem sao.

Hai mẹ con Lụa kéo nhau lên nhà trên, họ cùng thấy Nhân ngồi ngây người trước chậu hoa Quỳnh. Cho tới lúc chiều buông xuống làm tắt lịm những tia nắng cuối ngày con sót lại sau cơn mưa. Đêm hôm ấy Lụa thấy anh trai ngồi lặng im hằng giờ ngoài hiên cửa rồi trở vô nhà tìm giấy bút ra viết hí hoáy tới tận khuya. Ngỡ Nhân định biên thư cho bạn mình nên Lụa đã cười thầm, lòng thầm bảo mình anh trai mình là kẻ “mát dây” hạng nặng.

Nhưng đến khi xem được những trang giấy ấy thì Lụa mới sững sờ hiểu rằng anh trai mình có tình cảm đặc biệt với nhỏ Quỳnh. Quả là điều mới lạ và cũng thật ngỡ ngàng. Hai chữ “tình yêu” với Lụa như ẩn số chưa tìm ra lời giải. Vậy là anh Nhân chỉ hơn mình có vài tuổi, còn là kẻ chẳng bình thường lại hăm hở “đòi yêu”. Còn con nhỏ Quỳnh nó cũng chỉ mới mười sáu như ta chứ có nhỉnh hơn được chút nào đâu, mà bỗng dưng lại có người thầm thương trộm nhớ? Con nhỏ thật là tốt duyên quá xá. Tự nhiên Lụa cũng ước gì cái anh chàng lớp trưởng có chiếc răng khểnh kia cũng đang nghĩ về mình giống như vậy để cô được ngang cơ với Quỳnh, để xem tình cảm trai gái kia có nhiệm màu như những bài thơ tình thường được người ta in trên các báo. Trong lúc Lụa đang so sánh tình yêu với tình bạn thì một tiếng động sau lưng là cô phải giật mình. Dúi vội quyển sổ ghi chép mấy bài thơ của anh trai vào hộc tủ rồi quay phắt lại với trái tim đập mạnh. Thật hú hồn… con mèo mà Lụa tưởng Nhân về bắt gặp mình đang xem trộm điều thầm kín của anh. Không nán lại trong phòng của Nhân, Lụa hối hả biến nhanh vì biết đâu anh chẳng xuất hiện nổi khùng ban cho cô mấy cái bạt tai vào má. Song vì quá vội vã Lụa đã tông vào chậu Quỳnh anh trai để ngoài hiên khiến nó đổ kềnh lăn ra cả đất. Sợ hãi, Lụa vội sửa nó lại y như cũ rồi trỏ tay vừa mắng, vừa cuời:
- Quỳnh ơi… mày làm khổ tao rồi.
Bà Năm từ ngoài vườn đi vô nhìn thấy con gái lạ lẫm:
- Con đang nói chuyện với ai vậy Lụa?
Ngước mặt nhìn mẹ, Lụa chợt thẹn thùng chỉ tay vô chậu Quỳnh truớc mắt hai người:
- Con đang nói chuyện với con nhỏ Quỳnh.
- Ồ, đây là chậu hoa mà.
- Vâng! Nhưng mà má coi, anh Hai con ngoài giờ làm việc ra là cứ ngồi cắm dùi ở đây nhìn ngắm cây Quỳnh này như thể nó là người yêu của anh vậy.
Bà Năm cười tủm tỉm:
- Cái miệng mày chuyên môn nói bậy. Tại anh con nó thích…
- Ảnh không thích cây mà thích người mang tên của nó. Má cứ ngẫm mà coi… - Lụa cãi lại hùng hồn.
Rồi Lụa ghé sát vào tai mẹ thì thầm những điều mình mới phát hiện ra. Bà Năm nghe xong liền ngẩn người ra dù rằng đã đoán trước sự thể đang diễn biến nơi con trai là thế! Bà Năm vội dặn dò Lụa:
- Vài bữa nữa mà Quỳnh có lên đây chơi, con đừng có lộ điều gì cho nó biết nghe chưa.
- Nhưng… anh Hai con…
Bà Năm chận lời bằng câu giải thích:
- Con nên biết rằng anh Hai con bệnh hoạn, ai thèm thương nó. Nhất là nhỏ Quỳnh bạn của con, người ta xinh xắn thế kia!
Lụa thở ra:
- Vậy má biểu con phải làm sao đây? Nói thẳng cho anh Hai biết là anh đừng có nuôi mộng hão huyền chăng?
- Đừng! Như thế thì tội nghiệp cho nó lắm! Hổng chừng chứng bệnh của anh con sẽ bộc phát dữ dội và nó điên luôn thì nguy. Thôi cứ để mặc cho nó sống trong mộng được ngày nào thì hay ngày ấy. Có lẽ phải vái trời cho con Quỳnh đừng trở lại nhà mình.
Lời mẹ làm Lụa thoáng buồn nhưng cô không dám phản đối mà chỉ xìu mặt xuống. Hai mẹ con cùng hướng mắt về chậu Quỳnh với hai dòng tâm tư khác biệt, một gợn ắp nỗi lo âu… một hoang mang không biết có nên nói lại với bạn về vấn đề này để được bạn giúp đỡ, cảm thông. Ngoài trời mưa lắc rắc những giọt nhỏ li ti. Tuy nhánh Quỳnh chưa chịu lú mầm non, nhưng trông nó cũng đẹp mắt và lại có phần thanh thoát. Một lần nữa Lụa lại cất tiếng nói thì thầm: “Quỳnh ơi… anh tao trồng “cây si” mày rồi.”
Dạ Thương
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...