Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Vượt sóng gió trùng khơi 1

Vượt sóng gió trùng khơi 1

Tập 1

Thiên Hồng cứ khóc rấm rứt mãi:

- Chị Nhiên, vào trường rồi nhớ viết thư đều cho em nha.

Hạ Nhiên gật đầu dặn dò:

- Chị nhớ mà nhỏ. Ở nhà phải biết tự bảo vệ nhớ không. Tiền chị gửi ngân hàng cho em, em được quyền sử dụng, miễn em đừng xài hoang. Sau này em phải có chút vốn liếng để lo cuộc sống riêng nữa.

- Dạ, em nhớ!

Tiếng còi tàu báo hiệu giờ chuyển bánh vang lên, Thiên Hồng mếu máo, khi Hạ Nhiên bước lên bậc cửa toa tàu:

- Chị đi nha Thiên Hồng.

- Chị Nhiên, nhớ bảo trọng sức khoẻ. Biết thế này, hồi đó em chẳng ngốc động viên chị thi vào đại học thành phố Hồ Chí Minh nữa.

- Thôi mà, con gái khóc nhè sẽ ê sắc ế đấy. Một năm nữa, khi ra trường chị nhất định sẽ về ở với em.

Từng toa tàu chầm chậm lướt nhanh trên đường ray vừa ướt đẫm nước sau cơn mưa hồi tối. Bóng Thiên Hồng chỉ còn là chiếc chấm đỏ, nhỏ xíu bên dưới ánh đèn cao áp, rồi mất hẳn.

Hạ Nhiên thở dài. Cô trở vào ghế của mình, lòng nghe nặng trĩu nỗi buồn.

Từ đây, biết khi nào cô mới trở lại thị xã của cô. Tất cả rẫy vườn cô đã có người chăm sóc, thu hoạch giùm. Thiên Hồng thật đáng thương. Cô không muốn tin chút nào, khi mẹ ruột của nó, mợ Hảo coi đồng tiền lớn hơn cả con gái? Điều kinh khủng này, thế gian chắc không tìm ra người mẹ thứ hai?

Mệt mỏi, Hạ Nhiên tựa đầu vào thành ghế, cô mơ màng ngủ.

- Này cô bé, ngồi xích lại giùm.

Một giọng đàn ông vang lên, kèm theo cái đập nhè nhẹ vào vai Hạ Nhiên, khiến cô mở tròn mắt. Tàu vẫn chạy xình xịch, thân người vẫn lắc lư đều đặn. Hạ Nhiên cố nhướng cặp mắt, nhìn lên:

- Anh nói gì?

- Cô bé à, ngồi xích lại để tôi ngồi vào chỗ của mình.

Hạ Nhiên nghe nói, cô vội ngồi thu vào sát cửa sổ. Chắc tại thấy cô co quắp quá, người đàn ông từ tốn:

- Không cần phải thế đâu. Chỉ xích chút thôi mà. Đường xa, ngồi phải thoải mái mới được đó.

Hạ Nhiên nói nhỏ:

- Được rồi, tôi không muốn làm phiền người khác.

Dứt câu, Hạ Nhiên quay mặt ra cửa sổ. Thường khi cô hay đi ô tô, nên lần đi tàu này cô không xác định được phương hướng tàu đang chạy ở đâu cả.

- Tôi hút thuốc được chứ cô bé?

Người thanh niên lại lên tiếng.

Hạ Nhiên cong môi:

- Có cần anh phải hỏi tôi không? Trong lúc dãy ghế còn đến bốn hành khách?

Người thanh niên điềm tĩnh:

- Nhưng, chỉ có một mình cô bé là phụ nữ. Đàn ông, việc phải ngửi mùi thuốc rất bình thường, còn phụ nữ lại là việc không hề đơn giản.

- Nếu vậy, tôi cũng không có quyền cấm cản sự tự do của người khác.

Hạ Nhiên tì hẳn cằm lên thành cửa sổ. Phía xa, thấp thoáng những tầng tháp cổ, 'chắc đã tới Tháp Chàm'. Nghĩ vậy, Nhiên lại thả tầm mắt đi hoang. Hồi đầu tiên vô thành phố học, cô đã ước mơ có một ngày nào đó được về thăm những di tích văn hoá ở nơi này. Nhưng, đã ba năm học trôi qua, cô vẫn chưa thực hiện được ước mơ nhỏ bé của mình.

- Cô bé à, đừng thò đầu ra cửa, coi chừng cây cối ven đường quẹt vô đấy.

Người thanh niên nhắc chừng.

Hạ Nhiên lầm bầm:

- Làm như người ta còn con nít không bằng, nhắc với nhở.

Tưởng nói nhỏ rí thế, gió và tiếng tàu chạy đã át lời cô. Ai dè, tai hắn thính như tai 'Tôn Ngộ Không' vậy.

- Người lớn hay trẻ con đều vẫn có tính hiếu kỳ như nhau thôi. Đều muốn được nhìn những cảnh thiên nhiên mà con tàu đưa chúng ta thoáng qua đi.

Hắn chưa dứt câu, Hạ Nhiên đã kêu lên:

- Ai da!

Cô ôm bàn tay bị gai cào, mặt nhăn nhó.

- Có sao không cháu. Cậu kia nói phải đấy cháu ạ. Đoạn đường này rất hẹp, vì đi ngang vách núi cây hai bên đường vờn sát đường. Nguy hiểm lắm, nếu ta thò đầu ra dễ bị cây gạt đứt cô đấy.

Người đàn ông lớn tuổi ngồi đối diện Hạ Nhiên lên tiếng.

Hạ Nhiên vẻ biết lỗi:

- Dạ! Cháu biết ạ. Tại tính cháu vốn yêu thích thiên nhiên! - Cô đưa bàn tay lên bóp nhẹ.

Người thanh niên lắc đầu:

- Người lớn nói, trẻ em không chịu nghe lời. Bàn tay đẹp thế để gai cào tươm máu. Cô bé, thiệt không biết đau sao?

Hạ Nhiên bậm môi:

- Hứ! Tôi không phải là trẻ em. Chưa chừng bằng tuổi anh nữa đấy. Đau tay tôi chứ đau tay anh sao. Đàn ông gì nói nhiều quá.

Người thanh niên vẫn tỉnh queo:

- Ai không biết thế. Tôi chỉ muốn được giúp đỡ cô bé thôi. Đưa tay đây, tôi xức dầu cho.

Hạ Nhiên hất cằm:

- Cám ơn lòng tốt của anh. Tôi tự biết chăm sóc sức khoẻ cho mình.

- Thế cũng được. Con gái cũng nên biết cách làm bớt nỗi đau trên cơ thể con người.

Vừa lúc con tàu vào ga Tháp Chàm, dừng lại ngay cửa ga.

Những tiếng rao mời mua nho, mua xôi, xoài, cơm… vang lên.

Người thanh niên bỗng hỏi:

- Cô bé này, cô muốn ăn một chút gì không? Tàu dừng 15 phút, đủ cho chúng ta ăn 'tăng tốc' một bữa ăn đơn giản đấy.

Miệng nói, mắt người thanh niên nhìn Hạ Nhiên thật thân thiện. Cứ như từ lúc lên tàu đến giờ, giữa anh và cô chả có gì xảy ra vậy? Dù thái độ Hạ Nhiên đối với anh thật chẳng chút dễ chịu chút nào. Cũng không thể trách cô, vì không riêng gì anh, hầu như tất cả đàn ông vô tình gặp trên đường, cô đều có sự lạnh lùng cố hữu ấy. Ngày cô gặp nội lần cuối cùng sau khi ba mẹ cô tử nạn. Những ngày cận kề bên nội, bà đã dạy cô nhiều điều. Trong ấy có cả chuyện nội khuyên cô mỗi khi ra khỏi nhà, đừng quá tin lời người lạ, nhất là đàn ông. Họ càng ngọt ngào mình càng phải tránh xa.

Cắn môi, Hạ Nhiên định từ chối. Nhưng trời ạ, cái bao tử chết tiệt của cô nó bắt đầu hành hạ cô ghê gớm. Cả ngày qua, vì buồn, cô có ăn uống gì đâu. Hồi hai chị em ra ga, Thiên Hồng kéo cô vào quán cơm, nhưng cô đã không chịu. Bây giờ, những tiếng rao mời, những mùi vị trái cây quyện trong hơi cơm bay trong gió, càng khiến cô đói dữ dội.

Người thanh niên hối thúc:

- Sao? Cô nhất định đang đói bụng rồi. Làm khách sạch ruột đấy. Nếu cô không muốn, tôi sẽ mua giùm cô một phần cơm, tiền cô trả. Vậy nha.

Chẳng thèm biết Hạ Nhiên chịu hay không, thoắt cái anh ta đã nhảy khỏi tàu. Nhanh đến mức, dù muốn nhờ anh ta mua cho mình món mình thích, Nhiên cũng không kịp gọi.

'Người gì tài lanh và nhiều chuyện quá. Chả bù cho Hoàng Văn, bạn học chung khoa cô, cả ngày không muốn hé miệng nói chuyện với ai, dù Văn rất kết Hạ Nhiên!'

Chưa kịp suy nghĩ thêm được câu thứ hai. Hạ Nhiên đã thấy anh ta quay trở lại. chìa hộp cơm vào trước mặt Hạ Nhiên, anh bình thản:

- Tôi không rõ cô hợp món ăn nào, chỉ có loại cơm hộp này bán tại các ga tàu là tương đối hợp vệ sinh. Cô ăn đi.

Hạ Nhiên lưỡng lự:

- Còn anh? Anh không ăn sao?

Anh cười, khoe hàm răng đều tắp:

- Tôi ăn xôi thập cẩm. Món ruột của tôi.

Rất tự nhiên, anh ta ngồi xuống ghế, mở hộp xôi bốc ăn ngon lành.

Hạ Nhiên cứ ngẩn ngơ. Người đâu lạ, có muỗng không ăn, lại dùng tay! Như đoán được ý nghĩ của Nhiên, anh ta lại bảo:

- Ăn xôi, bốc mới ngon. Chiếc muỗng nhựa tí tẹo, chỉ hợp để con nít chơi đồ hàng. Ấy, cô bé nên ăn cơm, đừng cười dễ mắc nghẹn. Không tin lời tôi, hôm nào cô cứ mua về nhà ăn thử.

Hạ Nhiên buột miệng:

- Ở nhà, ai cần màu mè, dĩ nhiên là bốc tay thích hơn rồi.

Anh ta cười cười:

- Thì ra chúng ta cùng chung sở thích.

Hạ Nhiên cãi:

- Đó không phải sở thích. Chỉ là hành động tự nhiên của cuộc sống, mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện.

Rồi cũng không cần khách sáo, Hạ Nhiên mở hộp cơm ra xúc ăn. Không đến nỗi tệ lắm. Nhất là món cơm gà này, Hạ Nhiên quả là chẳng khi nào chê!

Tàu chuyển bánh rời nhà ga. Hạ Nhiên cũng giải quyết xong khẩu phần ăn ít ỏi. Cô thả hộp xuống đường.

- Cô bé, no chưa?

Hạ Nhiên gật đầu:

- Cám ơn anh, hết bao nhiêu tôi xin gửi tiền lại.

Anh tủm tỉm:

- Rẻ hơn Sài Gòn một giá. Mà nè, mặt mũi tôi thế này chả lẽ đi lấy của cô bé năm ngàn đồng?

Hạ Nhiên tròn mắt:

- Anh không được nói thế. Bao nhiêu cũng phải để tôi trả sòng phẳng. Chả phải ảnh đã đồng ý lúc đầu sao? Ăn không, tôi mắc nghẹn lắm.

- Mắc nghẹn thì nước đây, cô bé uống cho thông họng. Nước khoáng đấy. Anh lại chìa chai nước khoáng nhỏ vào tay cô.

Hạ Nhiên lắc đầu:

- Nếu anh không chịu, tôi nhất định không uống đâu. Nước trên tàu không thiếu. Tôi tự mua được.

Anh ta cười nhẹ:

- Cô bé thật khó tính quá đi. Người ta thường gọi 'bạn đồng hành, chia nhau một trái cam, một miếng bánh, quen một ngày dẫu mai thành người xa lạ, nhưng hiện tại ta đang ngồi bên nhau, không nên coi nhau như kẻ xa lạ' cô bé nhìn đi, xung quanh ta bao nhiêu người vui vẻ mời nhau ăn uống, chả lẽ tính toán ư?

Hạ Nhiên nghe anh ta nói, cô đưa mắt nhìn quanh. Quả là mọi người đều thân mật nói cười.

Hạ Nhiên chót chét:

- Thôi được, coi như tôi nợ anh đi. Mai kia mốt nọ, có duyên ắt tôi sẽ trả được cho anh.

Cô từ tốn uống từng ngụm nước, mà thường khi cô chẳng mấy thích loại nước này. Gió lùa qua ô cửa sổ, thổi tung mái tóc không mấy trật tự của cô, càng rối ren mất trật tự hơn.

Đi tàu quả là dễ chịu hơn đi ô tô nhiều. Ngặt nỗi vé tàu đắt gần gấp ba vé xe. Cô quen tính toán chi li thế rồi, từ khi về sống cùng cậu mợ cô.

Đang viễn vông suy nghĩ, Hạ Nhiên chợt thấy đầu đau buốt, cảnh vật quanh cô quay nhanh hơn cả vòng quay bánh xe, nhanh hơn cả con tàu đang xé gió lao trong nắng chiều chập choạng.

Hạ Nhiên oằn người, cô không còn kịp nghĩ, vội ôm ngực rồi nôn thốc nôn tháo.

- Ôi! Cô ấy trúng gió rồi.

Mau để cô nằm xuống, lấy dầu xoa nóng kẻo thôi chết đó.

Mơ hồ, Hạ Nhiên nghe văng vẳng tiếng mọi người lao xao.

Đến chừng cô mở được mắt ra, cô thấy mình đang nằm trên ghế tàu. Tàu vẫn lắc lư chạy. Và khuôn mặt người thanh niên đang rất gần cô. Hoảng hốt cô nhỏm đầu dậy, nhưng không nổi, cô lắp bắp:

- Anh! Tại sao… anh lại… nhìn tôi như vậy? Tôi vẫn còn trên tàu chứ?

Nét mặt người thanh niên dãn nhanh:

- Cô bé, cô thấy torng người đau đớn, mệt mỏi ở đâu không?

Hạ Nhiên lơ ngơ:

- Tôi chống mặt và đau đầu lắm. Tôi bị làm sao vậy?

Anh ta nhẹ lời:

- Tôi nghĩ cô bị trúng gió.

Hạ Nhiên nhăn mặt:

- Trúng gió ư? Rồi…

- Cô muốn hỏi, ai đã xức dầu, cạo gió cho cô phải không? Nếu là tôi, cô không ăn thịt tôi chứ?

Anh tủm tỉm, chặn lời Hạ Nhiên.

Hạ Nhiên cắn môi:

- Anh… thật quá đáng.

- Sao mắng tôi quá đáng. Cứu người đâu còn sự câu nệ, đắn đo. Không nhanh, lỡ cô chết thì sao hử?

- Chết thì chôn?

Hạ Nhiên dấm dẳng:

- Trước mặt bao nhiêu người, anh làm thế, tôi còn mặt mũi nào nhìn họ.

Anh ta lại cười:

- Người chung chuyến xe, khi xe về bến, tất cả thành xa lạ, có gì để cô phải nghĩ ngợi chứ. Hơn nữa, từ khi tàu chạy tới giờ, mọi người ở đây ai không nghĩ tôi và cô bé là… bạn thân thiết của nhau.

Hạ Nhiên bặm môi:

- Anh thật trơ trẽn. Đừng nghĩ giúp tôi một chút đó, rồi muốn làm gì tôi cũng được. Tôi không phải loại con gái 'dễ chịu' ấy đâu.

Anh ta vẫn trơn tru:

- Thôi mà, chuyện không đặng đừng, tôi đâu thể bỏ mặc cô chứ. Cũng may cô chỉ trúng gió. Nếu trúng thực, chắc là cô dám xé tôi ra làm trăm mảnh quá.

Nghe anh ta nhắc. Hạ Nhiên mới lơ ngơ nhìn quanh. Cô nhớ, hình như cô có ói mửa kia mà? Chả lẽ cũng anh ta đã dọn dẹp giùm cô.

Vừa lúc bà già ngồi ghế bên kia đứng lên, tới cầm tay Nhiên:

- Cháu à! Đã nghe khoẻ trong người chưa? Gớm khi nãy cháu khiến mọi người sợ chết khiếp. Mặt mày nhợt nhạt, xanh lét. Còn ói hết cả vào người cậu đây. Cũng may sẵn dầu, rồi cậu ấy xuống toa thuốc, kêu bác sĩ lên chích cho cháu. Bây giờ cháu khoẻ rồi hả?

Bà già nói một hồi, nhanh kinh khủng. Hạ Nhiên nghe câu được, câu mất. Song cô đã bẽn lẽn:

- Cháu cảm ơn bác đã giúp đỡ cháu. Cháu khoẻ rồi ạ.

- Ây da! Các bác giúp gì được. Bao nhiêu chú em đây đã lo hết trơn rồi. Cháu có người bạn khá đấy. Đàn ông thời nay tìm được người biết lo toan cho người khác không phải dễ đâu cháu.

Ông chú ngồi kế bên bà già, xen lời vui vẻ.

Mắc cỡ chết được. Nhiên đành im lặng cười trừ. Cô đang bị mọi người nghĩ cô là bồ ruột của 'hắn ta'.

Liếc xéo hắn một cái dài, Hạ Nhiên nói trỏng:

- Cám ơn anh đã giúp tôi.

Anh vẫn thản nhiên như không nghe, không thấy gì hết. Dù lúc liếc xéo anh, cô bắt gặp ánh mắt anh nheo lại, nhìn cô thật tinh quái. Đúng là đồ… chết tiệt.

Mười giờ tối, tàu về đến ga Sài Gòn. Hạ Nhiên nhìn mớ đồ cồng kềnh của mình, cô chưa biết phải làm sao để đưa chúng xuống dưới đường.

- Cô bé, có cần tôi giúp một tay không?

Hạ Nhiên bướng bỉnh:

- Không cần đâu.

Dứt lời, cô cúi xuống cố gắng xách những giỏ đồ của mình.

Anh ta khoanh tay đứng nhìn, vẻ bàng quan. Sân ga ban đêm có gì đó khiến cô thấy không yên tâm. Nhất là toa của cô nằm khá xa nhà ga, nên đèn không mấy sáng. Phải vừa nhờ người, vừa chuyển xuống, cô mới đưa hết đồ xuống dưới đường.

- Em gái, về đâu để anh chở.

- Cháu ơi! Xe chú nè, giá hữu nghị.

Nhao nhao cả lên là bao nhiêu bộ mặt chẳng chút hiền lành gì, xúm quanh Hạ Nhiên, kẻ hỏi, người níu khiến cô sợ hết hồn.

- Không cần đâu, em tôi đã có xe nhà, mời các anh lui ra.

Giọng nói quen thuộc của anh ta lại vang lên và nó có tác dụng làm giãn đám đông thật nhanh. Hạ Nhiên chưa kịp thở phào. Anh đã cúi xuống nói nhỏ:

- Cô bé, đưa tôi xách giùm ra ngoài. Ở trong này phức tạp lắm.

Hạ Nhiên hết còn dám bướng, cô để anh xách giùm hành lý:

- Cứ như cô bé đi di tản vậy.

Hạ Nhiên lơ lửng:

- Cũng gần như thế.

Anh cười cười:

- Chỗ cô bé di tản tới, gần hay xa vậy?

Hạ Nhiên lắc đầu:

- Tôi không thể nói. Anh đừng hỏi tôi nữa, dù tôi đã mắc nợ anh khá nhiều.

- Được, tôi cũng biết mức phải dừng lại của mình mà.

Ra khỏi nhà ga, Hạ Nhiên như trút được gánh nặng. Chưa đặt xong đồ để thở, cô đã thấy một người đàn ông trạc tứ tuần chạy đến bên anh thanh niên:

- Cậu Tín! Xe ở ngoài này. Sao cậu mua đồ nhiều quá vậy.

'Thì ra, hắn tên Tín. Nhưng Đức Tín, Tín gì thì cô cũng chịu. Có người ra đón bằng xe nhà, chắc hắn ta cũng thuộc hàng cao thủ' các nhà giàu.

Tín cười cười:

- Chú Bảy à, chú ra xe chờ tôi chút. Tôi ra liền đó.

Ông Bảy xớ rớ:

- Cậu cần tôi xách giùm đồ không?

Tín lơ lửng:

- Không cần đâu. Tôi còn chưa biết người ta có cần mình không đó chú.

Ông Bảy nhìn cậu chủ lom lom, nhưng không tiện tò mò, nên vội xoay mình về xe.

Hạ Nhiên hất tóc:

- Thêm một lần nữa tôi đã làm phiền anh. Rất cám ơn anh.

- Tôi muốn 'làm ơn thì làm ơn cho trót'. Buổi tối, với những giỏ xách kềnh càng này, cô dễ bị cánh xe ôm chặt đẹp đấy. Nhất là bây giờ đã hơn mười giờ khuya.

Hạ Nhiên điềm tĩnh:

- Tôi đi quen rồi, nên giá cả không dễ bị người ta ép đâu. Xin lỗi.

Dứt lời, cô vẫy một chiếc xe ôm gần đó. Sau khi hỏi giá cả, cô gật đầu đồng ý để chú xe ôm chở đi, sau khi đã không quên gởi lại Tín: Bai nhá. Tín mỉm cười bâng quơ. Một cô gái khá bướng bỉnh. Khác xa Khánh Dao bạn gái của anh. Muốn kêu chú Bảy cho xe bám theo xe cô gái. Nhưng Tín lại chắc lưỡi. Dù chảnh chẹ cỡ nào, cô bé đã vô tình nói địa chỉ của cô với chú lái xe ôm, và anh đã nhớ thật nhanh vào bộ nhớ đã có hàng chục địa chỉ các cô gái đẹp. 'Ký túc xá trường Đại học Kinh tế'.

+++

Đông Ngân hét vang:

- Giờ này, mày còn ngủ nướng sao Nhiên. Vậy cũng hẹn người ta cho được.

Miệng hét, tay Đông Ngân lùa vào gối thọc léc Hạ Nhiên.

Hạ Nhiên oằn người:

- Con khỉ, biết người ta không chịu được nhột, hở chút là thọc. Mới sáng đã đòi ăn.

Đông Ngân lì lợm:

- Tại mày hứa hồi khuya chớ bộ. Mày nói sáng nay sẽ bao tao một chầu bánh cuốn nóng giò chả. Lâu lắm rồi tao không ăn món này. Mày nói ra, khiến cả đêm tao cứ nghe quanh tao toàn mùi thơm của hành phi, bánh nóng. Dậy mau.

Hạ Nhiên làu bàu:

- Dậy thì dậy. Mày chưa ăn, thì tao còn mắc nợ mày, chưa gì đã om sòm.

Đông Ngân rùn vai:

- Biết vậy, nhưng vì mày hứa nên sáng nay tao đã từ chối lời mời của Quang.

Hạ Nhiên chót chét:

- Tao không nghe lầm chứ Ngân. Xưa nay mày có bao giờ từ chối Quang. Đi ăn với anh ta, mày được chiều chuộng, gallant, sao lại không đi? Ngốc thật. Tao với mày ăn uống lúc nào không được.

Đông Ngân xụ mặt:

- Tại tao ghét Quang. Hôm qua hắn đã thất hứa với tao. Để tao phải nằm nhà suốt buổi tối thứ bảy. Hắn định bắt cá hai tay, và coi tao như một con cờ để hắn đua thí. Tao cóc cần thứ tình cảm ấy.

Hạ Nhiên đang chải tóc, buông rơi lược:

- Quang dám?

Đông Ngân gật đầu:

- Hắn theo tán tỉnh con nhỏ học bên cao đẳng đối ngoại gần tháng nay rồi. Hắn nghĩ tao không biết.

Hạ Nhiên dài giọng:

- Nếu Quang như thế, mày cần quái gì tiếc chứ. Xinh đẹp giàu có như mày lo không tìm được tên đàn ông hơn hẳn Quang hay sao?

Đông Ngân rên rỉ:

- Hạ Nhiên à, dưới mắt bọn sinh viên mình, tao cũng như mày thôi. Cảnh nghèo, mới phải vô ký túc xá. Chứ giàu có, ai lại thèm ở những nơi chật chội, chen chúc này chứ. Tao mặc kệ hắn ta, bây giờ hãy lo cho mình đã. 'Có thực mới vực được đạo'.

Hạ Nhiên gắt lên:

- Khỉ ạ, mới bảy giờ thôi đã la đói ỏm tỏi. Mai mốt lấy phải anh chàng nghèo, ngày chỉ hai bữa cơm rau. Tao không hiểu khi ấy mày sao nữa.

- Ôi dào, sống ngày nào biết ngày đó, khéo lo sẽ mau già đó mụ.

Hạ Nhiên trước khi rời phòng còn thở dài:

- Tao cũng đang rối cả đầu, vì căn phòng quá chật, đồ con gái treo búa xua thế này, làm sao tao dám đặt di ảnh ba mẹ và cậu tao.

Đông Ngân nhăn trán:

- Hay là mày, tìm lấy một phòng trọ như thế mới tiện. Tao nghĩ, mày đâu đến mức cứ phải sống xô bồ thế này?

Hạ Nhiên chậm rãi:

- Tao sẽ xem xét lại lời bàn của mày. Vì từ giờ cho đến hết năm học, tao ở lại đây luôn?

Đông Ngân tròn mắt:

- Cả tết, và những ngày nghỉ à? Thế còn rẫy vườn của mày?

- Đã có vợ chồng chú quản gia trông chừng, tao chỉ về đó khi cần thiết.

- Nếu vậy, mày càng phải thuê nhà đấy.

Đông Ngân chở nhiên bằng chiếc xe mi ni Nhật của cô, hai cô đến thẳng quán bánh cuốn nóng nằm gần chợ Bà Chiểu. Đông Ngân hít hà, kéo Nhiên ngồi xuống:

- Đông ghê Nhiên nhỉ.

- Ừ! Lâu không ăn, dám bữa nay tụi mình ăn hết vài dĩa quá.

- Chắc vậy!

Gọi hai dĩa bánh cuốn giò, chỉ vài phút bánh đã được đem ra, nóng hổi.

Hạ Nhiên le lưỡi, khi thấy Đông Ngân cho quá trời ớt vào nước mắm.

- Mày ăn ớt nhiều thế, coi chừng loét bao tử đấy.

- Không ăn ớt, đâu còn gì mùi vị nữa. Mày quên tao là con gái miền Trung à.

Hạ Nhiên cong môi:

- Trung mốc xì ấy, từ nhỏ đến lớn mày không dám về ngoài đó một lần. Mất gốc rồi mụ o.

Đông Ngân cãi:

- Gốc rễ quê hương ăn sâu vào máu tao rồi. Cần gì phải về mới được. Ngoài ấy gia đình tao còn ai đâu.

Hai dĩa bánh được thanh toán nhanh gọn vào hai chiếc miệng khá xinh.

Đông Ngân dụ:

- Ăn thêm nha Nhiên.

- Mày muốn cứ ăn, tao trả tiền.

- Ai lại ăn một mình, dị chết.

- Nhưng chẳng ai cười người đói bụng tham ăn đâu. Hứ, ăn thêm nha.

Liếc quanh một vòng. Đông Ngân gật đầu:

- Tao ăn được hai dĩa nữa đấy. Mày bao được không thôi.

- Rồi! Chị ơi, làm cho em thêm một dĩa nữa. - Hạ Nhiên cao giọng.

Cô phục vụ chỉ vài phút đã đặt tiếp dĩa bánh thứ hai lên bàn.

Hạ Nhiên đẩy về phía Đông Ngân:

- Ăn xong dĩa này, tao với mày đi kiếm nhà trọ.

Đông Ngân kêu lên:

- Mày quyết định rồi sao?

Hạ Nhiên trầm giọng:

- Tao không thể không chọn lựa. Nhưng Ngân nè, mày sẽ ra ở chung với tao nhe.

- Chi vậy? Mày buồn hay sợ?

- Đủ cả, nhưng chủ yếu ở nhà trọ riêng khá tốn kém, tao muốn rủ mày.

Đông Ngân gật đầu:

- Mẹ tao mấy lần bắt tao rời ký túc xá. Nhưng nói thiệt nha, xô bồ, phức tạp đấy. Song vẫn chỉ là môi trường học sinh với nhau. Lại vui nữa. Ra ngoài, có một mình buồn chết. Bây giờ có mày thì tao ô kê liền.

Rời quán ăn, hai cô bé đạp xe lòng vòng quanh những đường phố nằm trong quận Bình Thạnh. Cuối cùng, cả hai đã tìm được một căn nhà trọ khá lý tưởng, hợp lý hai cô. Chỉ hơi đắt hơn so với vài nơi khác một trăm ngàn đồng.

Hạ Nhiên kéo tay Đông Ngân, khi cô cứ kèo nài chủ nhà:

- Thôi nào Đông Ngân, chỉ có một trăm ngàn đồng, bất quá ta sẽ tìm việc làm để bù vô.

Đông Ngân kêu lên:

- Tìm việc ư? Không phải dễ dàng gì ở thành phố hào nhoáng này.

- Không dễ, chứ không phải không có. Bây giờ chúng ta về, thu dọn đồ đạc ngay đi chịu không hả?

- Sao không chờ hết tuần này?

- Chi vậy?

- Đầu tháng tính cho dễ.

Bà chủ nhà cởi mở:

- Còn ba ngày nữa thôi. Nếu muốn hai cô cứ dọn đến. Tiền bạc chúng ta sẽ tính từ đầu tháng tới. Nhà tôi đâu phải dạng nhà trọ. Tại con tôi đi du học còn một mình, tôi buồn, thấy hai cô là học sinh, tôi muốn hai cô đến ở cho vui thôi. Vậy đi nha.

Hạ Nhiên vui vẻ:

- Cháu cám ơn dì. Tụi cháu cũng thật là may đã gặp được dì đây. Cháu xin phép về ký túc xá thu dọn hành lý ạ.

Gần đến ngày nhập học nên ký túc xá lúc nào cũng tấp nập. Phần lớn là các học sinh năm đầu vừa được nhận vô.

Hạ Nhiên nói:

- Tụi mình phải báo cáo với cô cán bộ quản lý ký túc xá nữa đấy.

Đông Ngân nhún vai:

- Gì mà phiền phức vậy, chúng ta không ở, nhưng phòng này vẫn còn đủ sáu đứa kia mà.

- Có mất mát gì lời nói không hả? Điều lịch sự tối thiểu của dân trí thức, mày cũng định quên sao?

Đông Ngân le lưỡi:

- Khiếp, động chút, bị mày giở chiêu học thức ra, tao sợ ghê.

- Phải vậy thôi. Mười mấy năm ăn học, chả lẽ ra đường, để người ta mắng vốn. Mày dọn đồ đi. Còn tao xuống báo cho phòng quản lý.

Hạ Nhiên thoăn thoắt chạy xuống lầu. Ba năm cô ở đây. Biết bao kỷ niệm của cuộc sống xa nhà đã đi qua. Bây giờ cô chia tay, cũng tiếc nuối lắm. Nhưng cô không thể để di ảnh cha mẹ ở nơi này. Đành chịu.

Nghe Hạ Nhiên báo chuyển chỗ ở. Cô Thoại ngạc nhiên:

- Sao vậy? Trong phòng các em có mâu thuẫn à?

Hạ Nhiên mỉm cười:

- Dạ! Không có cô ạ. Năm nay Đông Ngân được gia đình tài trợ nơi ở mới, nó rủ em đến đó cho vui. Hơn nữa, tụi em học năm cuối, cũng cần nơi yên tĩnh hơn để học thi cô ạ.

Cô Thoại tươi cười:

- Có nơi ở tươm tất hơn phòng ký túc xá là tốt rồi. Thi thoảng ghé về đây chơi nha Hạ Nhiên.

Hạ Nhiên le lưỡi:

- Em nghĩ, cô đang mừng khi rũ bỏ được mấy đứa hay phá phách như tụi em cô nhỉ.

Cô Thoại trầm giọng:

- Môi trường học sinh, sinh viên tránh sao khỏi những va chạm hả em. Thông cảm cho các em đi sớm về khuya, nấu nướng tại phòng, tụ tập bạn bè quậy phá. Các thầy cô trong ban quản lý sẽ bị ban giám đốc ký túc xá quở trách. Khắt khe, cấm cản các em, thì lương tâm chúng tôi cũng áy náy. Bởi phần đông các em ngoài việc học, còn phải tìm việc làm để mưu sinh, bởi vậy tránh sao hết va chạm đời thường. Tìm được những học sinh có cuộc sống bình lặng, nhu mì như em, quả là hiếm.

Những lời tâm sự của cô Thoại cứ ám ảnh mãi trong tâm trí Nhiên. Cô biết rằng ngày mai của cô sẽ như các bạn. Dẫu vào năm cuối, cô cũng muốn có một việc làm gì đó để những ngày sau cùng của cô, có thêm kinh nghiệm cho hành trang vào đời.

- Đi được chưa Nhiên?

Đông Ngân nôn nóng:

- Rồi, ra cổng, chúng ta sẽ đón xích lô. Ủa! Nhỏ Tuyết đâu Ngân?

- Tao đây! - Từ trong phòng tắm, Tuyết chạy ra, nét mặt buồn xo:

- Tao không hiểu sao giờ phút này, hai đứa mày lại bỏ tụi tao mà đi. Hay tụi mày vẫn còn giận Kim Hiền?

Hạ Nhiên choàng tay qua vai Tuyết:

- Mày chỉ giỏi đoán tầm bậy. Căn phòng này tao đến ở trước nhất. Bây giờ ra đi cũng là việc bất đắc dĩ. Tao không chờ tụi nó lên được. Hôm nào khai giảng tao hứa sẽ về họp nhóm cùng tụi mày.

Tuyết rầu rĩ:

- Tụi mày ở tận đâu?

- Cũng trong quận Bình Thạnh cả. Nhà bà con, neo đơn nên dì ấy muốn tụi tao đến ở cho vui.

Hạ Nhiên chợt nói dối:

Đông Ngân kêu lên:

- Tuyết à! Xa tụi mày tao nhớ lắm, nhỏ Nhiên và tao hết người chọc phá, nhất định lâu lâu tụi tao ghé thăm viếng bọn mày.

Tuyết ré lên:

- Con khỉ, phỉ thui miệng mày. Tụi tao sống nhăn răng, mày dùng từ gì dễ xa nhau quá. Để tao phụ tụi mày chuyển đồ xuống nha.

Chẳng riêng gì Tuyết. Mà suốt chặng đường ngắn từ phòng ở xuống dưới lầu. Hạ Nhiên gặp rất nhiều bạn bè kéo lại thăm hỏi. Thế mới biết, cuộc sống tập thể đôi khi cũng thật quí giá.

Về đến nơi ở mới, thu dọn phòng xong xuôi, cũng hơn tám giờ tối.

Đông Ngân nằm duỗi dài dưới nền nhà, tay luồn dưới đầu rên nhỏ:

- Vừa mệt, vừa đói. Bây giờ ra ngoài ăn hả Nhiên?

Hạ Nhiên tủm tỉm:

- Dì Hường muốn chúng ta ăn cơm luôn với dì cho tiện. Mày không từ chối chứ?

Đông Ngân tính toán:

- Thêm bao nhiêu nữa?

- 150 ngàn đồng cho hai bữa trưa và chiều mỗi tháng. Bữa sáng tự túc.

Đông Ngân vỗ tay:

- Ôkê! Từ nay tao hết phải nấu cơm đi chợ. Những việc này nhiều khi cũng hơi phiền phức.

Hạ Nhiên chậm rãi:

- Tao không muốn phụ thuộc vào dì ấy, đơn giản vì sau này tụi mình học không đoán được giờ giấc. Thêm nữa, tao nhất định phải tìm một công việc gì đó.

Đông Ngân hấm háy:

- Mày làm như không còn nguồn tài trợ vậy. Nếu cần, tao sẵn sàng trả luôn phần tiền nhà cho mày.

Hạ Nhiên tỉnh bơ:

- Một năm tụi mình ăn học không dưới 6 triệu. Số tiền ấy nên dành lại thêm vào số vốn của tương lai. Tao muốn khi vào đời, tụi mình không đến nỗi 'ngố' trong mắt mọi người. Trong tất cả các mặt từ nữ công gia chánh đến việc quản lý điều hành một cơ sở sản xuất nhỏ.

Đông Ngân trố mắt:

- Phải mày không Hạ Nhiên? Thì ra mày đã tính sẵn tương lai ư?

Hạ Nhiên gật đầu:

- Tao định sau này ra trường, tụi mình làm chủ lấy mình. Từ nhỏ thành lớn âu cũng là bí quyết bao đời nay của các nhà doanh nghiệp thành đạt.

- Vốn vẫn là hàng đầu đó Nhiên?

- Tao hiểu điều đó, và cũng đã có sự chuẩn bị.

Đông Ngân dè dặt:

- Chả lẽ, đó là nguyên nhân khiến mày bán nhà?

Hạ Nhiên thở dài:

- Không! Thật ra tao còn rất nhiều tiền, đó là tiền thu nhập từ bốn mẫu tiêu và cà phê. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để tao mở một công ty chế biến xuất nhập khẩu cà phê hoặc thu mua lâm thổ sản. Tao bán nhà là vì không thể để.

- Mày nói gì mâu thuẫn quá. Tao không hiểu nổi.

Hạ Nhiên cười gượng:

- Bây giờ chưa phải lúc mày biết điều ấy. Nhưng tao hứa sẽ kể cho mày nghe trước khi hai đứa vào đời. Thôi đứng dậy, ra ngoài tìm chút gì cho vào bụng. Tao đói lắm rồi.

Đông Ngân vớt vát:

- Mày nói thì giữ lấy lời đó nghe.

- Hạ Nhiên này chưa hề thất tín với bạn bè mà. Đúng không?

Cả hai thong dong trên hai chiếc xe đạp ra phố.

Hạ Nhiên đề nghị:

- Tụi mình đi ăn cơm cho khoẻ. Sáng giờ có mỗi dĩa bánh cuốn, tao mệt bụng quá.

Đông Ngân gật đầu:

- Tao cũng muốn chạy xe hết nổi đây nè. Ấy là, tao ăn những hai dĩa kia đó.

Cả hai dừng xe trước một quán cơm bình dân. Nhưng khá đông khách.

Đông Ngân lẩm bẩm:

- Cứ như mọi người đều làm việc đến quên cả thời gian. Tám giờ tối, quán cơm vẫn đông khách. Thật, tao không ngờ được.

Hạ Nhiên cười:

- Mày quên rằng, có nhiều gia đình buôn bán ở chợ, dọn dẹp hàng xong, ra về cũng tám chín giờ tối. Thì việc ghé nhà hàng ăn cơm cũng bình thường thôi mà.

Bàn ăn được kê rất sát nhau, nên không dễ chọn được một chỗ riêng tư.

Đông Ngân kéo Hạ Nhiên ngồi ngay chiếc bàn kê phía ngoài:

- Ngồi đây đi Nhiên, cho thoáng. Vô trong tuy kín đáo một chút nhưng chật chội quá.

Hạ Nhiên do dự:

- Ngồi đây dị thấy mồ.

- Ôi trời, nên nhớ mày thành thổ địa đất Sài Gòn rồi đó Nhiên. Ai hơi đâu để ý đến mày chứ.

Rốt cuộc Hạ Nhiên cũng đành ngồi xuống. Cô nói với Đông Ngân:

- Tao ăn cơm tôm rang thịt xá xíu, thêm ít dưa giá, chén canh ổ qua. Mày ăn gì, gọi luôn đi.

- Tao khoái ăn giống mày. Ăn hoài cơm thịt, ngán chết được.

H che miệng cười:

- Dóc vừa thôi mụ. Ăn cơm ký túc xá, vài lát đậu hũ kho lõng bõng nước, tô canh rau cải bữa nhạt, bữa mặn đắng. Cả tháng mới được thấy vài lát thịt bằng lóng tay út kho trắng nhợt. Bày đặt la ngán.

Đông Ngân hậm hực:

- Mày sao thích bóc trần sự thật quá vậy, đôi khi phải biết đánh lừa khẩu vị của mình, để nâng cao giá trị của chính mình chút chút chứ.

- Nhưng, không phải là lúc chỉ có tao và mày, mụ khùng ạ.

Đông Ngân rên khổ:

- Kiểu này, từ mai cuộc sống của tao không biết có được tươi mát thêm chút nào không đây?

Hạ Nhiên vừa lau nĩa, muỗng, vừa tỉnh bơ:

- Thì hãy sống cho hết đêm nay, ngày mai sẽ biết thôi mà.

- Nói vậy cũng nói.

Đông Ngân nguýt Hạ Nhiên bằng một động tác thật ngộ nghĩnh. Cô le lưỡi nhái bạn rồi đút luôn một muỗng cơm to tướng vào miệng.

Hạ Nhiên cảnh cáo:

- Coi chừng mắc nghẹn râu tôm đó Ngân.

Ăn xong dĩa cơm, Hạ Nhiên mới dùng tới chén canh. Canh ổ qua là món cô thích nhất, sau món canh gà nấu lá dang thôi. Đang nhai ngon lành trái ổ qua nhồi thịt, Hạ Nhiên chợt đưa tay lên chặn cổ và nhổ mạnh miếng ổ qua ra.

- Đắng quá!

Hạ Nhiên nhăn mặt kêu. Trong khi Đông Ngân hết nhai nổi miếng cơm, mắt cô nhìn về phía Đông Ngân vừa phun trái ổ qua ra, mặt cô đầy lo lắng. Đang định dùng chân ra hiệu cho Nhiên, cô đã giật nẩy mình bởi tiếng la của một cô gái.

- Nè, bộ hết chỗ nhổ rồi sao, khi không mày lại nhổ những thứ dị hợm này lên người tao.

Hạ Nhiên điếng người, cô nhìn lên. Và ngay lập tức nhận ra những miếng ổ qua xanh cùng thịt và nấm mèo được qua sự nhai nát của răng cô, đang vô tư bám vào vạt áo của cô gái một mảng lớn. Oái ăm thay, nó lại rơi trúng vào chỗ ngực áo, nên nhìn cô gái thật buồn cười. Nếu không phải do cô gây nên, chắc Nhiên đã cười nãy giờ.

- Con ranh! Mày có mắt không hả?

Cô gái bực tức đến bên Nhiên.

Hạ Nhiên vẻ biết lỗi:

- Xin lỗi chị. Tôi không cố ý, vì miếng ổ qua không hiểu sao đắng hơn cả thuốc ký ninh, tôi nghĩ tôi đang ngồi phía ngoài đường nên nhổ đại. Tôi thành thật xin lỗi chị.

Cô gái ngoa ngoắt:

- Chỉ một lời xin lỗi thôi sao?

Hạ Nhiên từ tốn:

Hạ Nhiên từ tốn:

- Chứ, chị muốn tôi phải thế nào đây? Một sự sơ ý thôi, có gì đáng để chị phải làm ồn lên như thế không?

Cô gái hùng hổ:

- Chiếc áo của tao đáng giá cả triệu đồng thêm buổi vũ hội đang chờ tao. Bây giờ chỉ vì thói vô ý thức của mày, tao phải về nhà ư? Tao không chấp nhận.

Hạ Nhiên đứng phắt dậy:

- Không chấp nhận, thì chị làm gì tôi chị làm đi. Bất quá là đền chiếc áo, tôi đem bỏ vô sọt rác chứ gì.

- Hả! Mày nhắm đền nổi không hả? Cái áo cả triệu đồng, mày nói đem bỏ sọt rác, mày giàu cỡ tỉ phú chắc?

- Tôi chỉ là một sinh viên nghèo, vì sự sơ ý của mình, tôi phải đền áo cho chị, âu cũng là bài học nhớ đời cho tôi. Còn chiếc áo kia, nó không hợp với tôi, thì có đắt ba bốn lần như thế, tôi vẫn bỏ.

- Mày nói thì giữ lời đấy.

Dứt câu, cô gái chìa tay ra trước mặt Hạ Nhiên.

Hạ Nhiên mím môi:

- Chị lấy tiền phải không? Tiền trao thì cháo múc. Dù đem vứt nó ngay, cũng do tiền tôi bỏ ra mua nó. Chị muốn lấy tiền, hãy cởi áo ra đi.

Cô khoanh tay, hất mặt, dáng thản nhiên.

Cô gái sấn tới:

- Mày ngang vừa thôi con nhóc. Mặt mũi tao thế này, mày biểu tao cởi áo tại đây hả?

Hạ Nhiên né người, từ tốn:

- Tại chị ép tôi. Chị nghĩ tôi nghèo nên xài xể nặng nhẹ, tôi xin lỗi, chị không chấp nhận. Tôi đền cả triệu đồng, tất nhiên chị phải cởi áo ra, mới nhận tiền được chứ. Chị hỏi những người quanh đây, coi tôi nói vậy đúng không hả?

- Cô bé ấy nói phải lắm. Bắt người ta thường cho bằng được, phải làm theo lời cô bé thôi.

- Ôi chao, một chút ấy, lẽ ra nên dĩ hoà vi quí cho nhau được rồi. Khi không chuốc lấy sự mắc cỡ cho mình.

Những người hiếu kỳ vây quanh hai người, lao xao lên tiếng.

- Mỹ Linh à, thôi bỏ đi. Chúng ta về nhà, kẻo lỡ việc của em đấy.

Một giọng nói thật trầm ấm vang lên. Cô gái có tên Mỹ Linh như được đà, kéo tay người đàn ông:

- Anh Tín à, chiếc áo này, dì út vừa gởi từ Mỹ về tặng em nhân ngày sinh nhật. Ở đây không có đâu. Em không thể…

Hạ Nhiên nhìn thẳng vào khuôn mặt rất đẹp trai của Tín. Cô đã nhận ra anh. Mới hôm qua thôi, bây giờ cô đã gặp lại! Chả lẽ, thành phố này, còn nhỏ hơn thị xã của cô sao?

Tín thoáng khựng người, trước ánh mắt sắc lẻm, có chút gì đó khinh miệt của Hạ Nhiên.

Tận giờ này, anh vẫn còn ngỡ ngàng, sự việc xảy ra nhanh đến mức anh không thể ngờ được. Cũng không cả kịp cản Mỹ Linh. Mà tính Mỹ Linh xưa nay ngạo mạn, khinh thường mọi người. Cô chưa một lần chịu nhường sự thua thiệt cho ai cả. Chiếc áo, tuy quí thật nhưng đâu đến nỗi phải la lối om sòm lên thế. Thật chẳng ra làm sao cả. Nhất là cô nhóc đã 'hạ mình' xin lỗi Mỹ Linh đến hai lần!

Tín kéo tay Mỹ Linh:

- Nghe anh đi Mỹ Linh, người ta sơ ý thôi, nếu em gặp trường hợp như họ, em cũng đến xin lỗi chứ đâu làm sao được.

- Huơ! Tưởng anh nói điều hơn lẽ thiệt cho em. Dè đâu anh bênh người ta.

Mỹ Linh nhấm nhẳng.

Đông Ngân lúc này cũng bước đến:

- Chị làm ơn quyết định nhanh, tụi tôi còn bài học ở nhà. Không rảnh để đôi co hoài đâu. Nó chướng lắm.

Mỹ Linh hầm hừ:

- Chờ 10 phút, thử xem các cô có tiền đền ta không?

Dứt lời, chị ta xăm xăm bước qua đường. Tín kêu lên:

- Mỹ Linh, em đi đâu nữa.

- Em mua tạm chiếc áo khác.

Mỹ Linh hất mặt, vẻ khinh khỉnh của chị ta càng khiến Hạ Nhiên tức điên người.

- Hạ Nhiên, mày đem tiền đủ không?

Đông Ngân lo lắng.

Hạ Nhiên gật đầu:

- Coi như tháng này tao trắng tay. Cũng may tao đã trả tiền nhà.

- Một triệu đồng, ăn xẻn cỡ tụi mình cũng được ba tháng Nhiên ơi. Tự dưng bị oan mạng.

Tín bứt rứt (anh liều gọi tên cô)

- Hạ Nhiên! Hãy để tôi đưa cô số tiền ấy. Cô cứ coi như là của cô đi. Tính nết Mỹ Linh luôn hợm hĩnh, không chịu ai cả. Tôi rất áy náy.

Hạ Nhiên nhếch môi:

- Cám ơn anh đã có thiện chí giúp tôi. Nhưng, tôi vốn không thích mắc nợ ai. Lỗi tôi làm tôi chịu. Tôi không ngờ anh có cô bạn xinh đẹp đấy chứ.

Còn đang dùng dằng, Mỹ Linh đã trở lại, cô ta mặc chiếc áo đầm khác, màu đỏ chói cả mắt.

Chìa bọc xốp đựng chiếc áo dơ về phía Hạ Nhiên. Mỹ Linh cười nhạt:

- Tiền trao, cháo múc. Hãy nhận lại chiếc áo này, nếu chịu khó về giặt tẩy, nó vẫn còn giá trị đối với mày đấy.

Hạ Nhiên móc tiền từ túi quần, cô thản nhiên đếm tiền đưa cho Mỹ Linh:

- Đủ một triệu đấy. Một triệu đồng để đổi lấy một tặng vật của người thân, thật ra chị tiểu nhân hơn tôi nghĩ. Còn chiếc áo này, cho thêm một cây vàng, tôi cũng không thèm mặc loại áo hở hang tùm lum này.

Miệng nói, tay Hạ Nhiên lôi chiếc áo khỏi bọc xốp, thật nhanh cô phẩy chiếc áo bằng tay trái, tay phải cô đưa lên, xé tan từng mảnh vải, bình thản, cô vứt xuống mặt đường, chà nát.

Đông Ngân sững sờ:

- Hạ Nhiên! Có cần phải thế không?

Hạ Nhiên khô khốc:

- Tao chưa hề biết phung phí một hạt gạo, huống chi là chiếc áo trị giá cả triệu đồng. Mày đừng nhìn tao như thế. Vứt nó đi, chứ tao không thể chịu đựng những lời nói khinh người của chị ta.

Tín đứng chết lặng. Anh chẳng biết mình phải làm sao, để ngăn cơn phẫn nộ của Hạ Nhiên. Nhìn nét mặt cô, anh biết Nhiên đang muốn được đập phá một thứ gì đó? Cả khuôn mặt cô khi xé chiếc áo, hằn nét đau đớn tận cùng.

- Hạ Nhiên cho tôi xin lỗi.

Tín trầm giọng.

Hạ Nhiên chát đắng:

- Người có lỗi là tôi. Lỗi vô ý, vô học. Anh không cần phải bận tâm. Về thôi Đông Ngân.

Kéo tay Đông Ngân đi thật nhanh, cô chỉ muốn thoát khỏi nơi cô vừa làm một việc, mà mơ hồ cô thấy mình như không phải. Chỉ vì quá giận nhất thời.

- Ơ! Hai chị ơi, còn xe đạp của hai chị và… - Cô phục vụ quán ăn gọi vội.

Đông Ngân kêu trời:

- Trời đất, chúng ta chưa trả tiền cơm và quên cả xe đạp, đúng là tệ.

Hạ Nhiên quay lại, trả tiền cơm cho chị chủ quán kèm theo lời xin lỗi. Cô kịp nghe tiếng Mỹ Linh chói vói:

- Anh! Tại sao anh lại biết tên con nhóc ấy? Phải vì muốn bôi nhọ em, nó đã xé chiếc áo. Ngữ ấy làm gì có nổi một triệu đồng sẵn trong túi thế? Nếu không có người o bế nó.

Tín bực mình:

- Còn chưa đủ để ê mặt anh hay sao? Nếu em còn càm ràm nghi ngờ mãi. Anh sẽ về luôn đấy…

Đông Ngân thở phì:

- Một anh chàng đẹp trai phong độ, phải hạ mình chiều luỵ con hồ ly tinh ấy, thật hết xài.

Hạ Nhiên im lặng. Cô tiếc buốt ruột số tiền phải đền lãng nhách. Nhưng tính nết cô, nhất định không chịu hạ mình trước mấy con tiểu thư nhà giàu ấy. Ờ! Mà cô và Đông Ngân cũng là 'tiểu thư' của một gia đình giàu có một vùng như ai. Đâu đến mức sống điên như cô ả kia. Còn nữa, anh chàng Tín kia, nếu là bồ của cô ả, sao anh ta chịu nổi tính đành hanh chảnh choẹ của cô ta nhỉ? Thật khó hiểu!

Vừa nhai trệu trạo ổ bánh mì không, Hạ Nhiên vừa chăm chú theo dõi mẩu tin trên báo. 'Nhà hàng karaoke mây trắng, nằm tại đường… quận… cần tuyển hai tiếp viên nữ, tuổi từ 18 đến 2không, ngoại hình: trung bình, cần nhất biết Anh ngữ hoặc tiếng Hoa càng tốt…'

Ôi chao! Việc này thì không thể được rồi. Dù đói chết, cô cũng không thể đi làm tiếp viên, dù bất cứ hình thức nào.

Đông Ngân từ dưới lầu chạy ào lên phòng:

- Mày lẩm bẩm gì vậy Nhiên? Khiếp sáng sớm, ăn bánh mì, đọc báo, tao nhìn mày giống mấy cụ bà đang ẩn dật quá.

Hạ Nhiên bỏ tờ báo xuống bàn, cười nhẹ:

- Khỉ ạ, mày sao thích chọc phá tao quá vậy? Từ sáng đến giờ mày biến đâu mất tiêu thế. Tao chỉ muốn tìm một công việc nào đó. Ở không thế này chán quá!

- Vậy, mày tìm được chưa?

- Chưa, toàn là nơi họ tuyển tiếp viên và một công ty cần tuyển hai thư ký hành chánh.

Đông Ngân chớp mắt:

- Tao nghĩ tụi mình thử liều xông đến công ty ấy, biết đâu vận may lại không tới chứ.

Hạ Nhiên chậm rãi:

- Tao cũng muốn thử thời vận của mình. Nhưng ngặt nỗi họ tuyển thư ký lẽ ra chỉ cần trình độ, bằng vi tính hoặc ngoại ngữ. Đằng này họ còn ghi thêm người được tuyển cần phải có ngoại hình lý tưởng gần cân đối như người mẫu.

Đông Ngân kêu lên:

- Công ty gì vậy? Phải 'may mặc thời trang không' chỉ những nơi ấy họ mới cần người đẹp.

- Nếu vậy tao nói làm gì. Đây là công ty xây dựng và trang trí nội thất Hoàng Tín.

- Ôi trời, công ty xây dựng mà tuyển thư ký đẹp cỡ người mẫu. Tao nghĩ tay Giám đốc ở đó không có máu dê thì ắt họ muốn mượn mỹ nhân để tao túng các hợp đồng. Đúng là một bọn dị hợm, sao báo cũng đăng mẩu tin ấy nhỉ?

- Trời biết. Ngân này, hay tao nhận quách việc dạy kèm cho hai đứa em họ của mày?

Đông Ngân lắc đầu:

- Ôi! Đừng có dại Nhiên ơi. Hai quỉ sứ ấy, trời đất lắm. Học hành gì tụi nó chứ. Tao nghĩ, tụi mình đâu đến nước phải tìm việc làm cấp tập ngay đâu.

Hạ Nhiên từ tốn:

- Dù vậy tao cũng không muốn chờ nước tới chân mới nhảy. Việc gì lo được trước vẫn hơn.

Đông Ngân lưỡng lự:

- Hay tụi mình tới tiếp thị giấy tập.

Hạ Nhiên tò mò:

- Mày nói rõ tao nghe coi?

- Cũng là dạng bán hàng chợ trời ấy. Nghĩ là, tụi mình nhận tập vở, đem đến một chỗ nào đó ngồi bán.

Hạ Nhiên suy nghĩ:

- Nghề này không được lâu dài, chỉ một tháng rồi lại phải tìm việc khác, mất công lắm. Nhưng tao vừa chợt nghĩ ra một việc khác.

- Việc gì?

- Hay tụi mình kiếm một ngã ba, ngã tư nào đó, ngồi bán báo và vé số. Tao thấy thành phố tiêu thụ báo nhiều lắm.

Đông Ngân reo lên:

- Mày đúng là biết cách 'khai thác nguồn hàng'. Vấn đề ở chỗ là mặt bằng bán kìa, cũng phải thuê đó.

- Thì tụi mình cứ thử tìm xem. Không được hãy hay. Chẳng gì bằng độc lập tự do.

Nói là làm, nuốt thật nhanh mẩu bánh mì còn lại, dằn thêm ly nước lọc tráng miệng để bánh trôi mau. Hạ Nhiên đứng dậy cùng Đông Ngân ra phố.

Chẳng biết vì phần số hai cô may mắn ra sao. Cuối cùng họ đã thuê được một mặt bằng nho nhỏ, khiêm tốn nằm kế một ngã tư đông đúc người qua lại. Càng may mắn hơn là khắp các mặt tiền của bốn đường phố lớn nhỏ giao nhau ấy, bày bán đầy đủ các mặt hàng. Nhưng duy nhất quầy sách báo lại mới có một. Người chủ nhà tốt bụng đã nhiệt tình chỉ bảo góp ý cho hai cô cách thức mua bán hàng. Biết hai cô là học sinh nghèo kiếm việc để lấy tiền ăn học, ông chủ nhà đã lấy tiền thuê mặt bằng với giá tượng trưng 'cho vui' như lời ông cụ nói. Hạ Nhiên mừng phát khóc, khi mọi việc được tiến hành suôn sẻ. Vét hết đồng bạc cuối cùng trong người, buổi sáng sau đó ba ngày, Nhiên đã mua trái cây về cúng ông Địa, khấn ông phù hộ cho cô buôn may bán đắt.

Lần đầu tiên đứng bán hàng, Hạ Nhiên không tranh khỏi bỡ ngỡ.

Nhưng rồi tất cả đều nhanh chóng qua đi khi công việc đã trở thành quen thuộc. Mỗi ngày số lượng báo hai cô bán ra cũng được hai trăm tờ báo các loại. Chưa kể Hạ Nhiên còn 'sáng kiến' bán thêm hàng lưu niệm nho nhỏ, phù hợp với túi tiền học sinh và có được chục gia đình đăng ký báo tháng đưa đến tận nhà.

Đông Ngân phải le lưỡi:

- Nhiên à, nhìn đơn giản vô cùng mà cả hai đứa đều bận lút đầu. Thế này vô năm học làm sao bán đây chứ?

Hạ Nhiên điềm tĩnh:

- Cũng không khó lắm đâu, tao nghe nói năm cuối cùng, tụi mình được rút giờ học tại lớp, chủ yếu chỉ tìm môi trường để làm đề án tốt nghiệp. Tao sẽ cố gắng nhận báo từ tối hôm trước đem về nhà, phân sẵn. Buổi nào học sáng, chỉ cần dạy sớm một chút đạp xe một vòng bỏ báo mối rồi về đi học. Khoảng 10 giờ tụi mình mới bán, tao nghĩ sẽ được thôi.

Đông Ngân nhăn mặt:

- Báo người ta thường mua vào buổi sáng, chờ đến trưa có nước tao và mày đem về nhai trừ cơm.

Hạ Nhiên cười cười:

- Chưa gì mày đã lo xa quá, đến khi ấy khách quen tao sẽ nói họ rõ hoàn cảnh của tụi mình để họ thông cảm, chờ buổi trưa ra mua báo.

- Nhưng vẫn không bằng bán buổi sáng.

- Cần thiết, thì về ký túc xá lôi nhỏ Tuyết ra phụ. Nó học năm thứ ba, thường thời khoá biểu học buổi chiều. Sáng giao quầy cho nó, trưa tụi mình về. Tuyết cũng rất hoàn cảnh, nó phải vô chợ gánh nước mướn cho những hàng ăn đấy.

- Vậy cũng được.

Việc bán báo nhìn đơn giản, hoá ra cũng thu nhập kha khá.

Chiều nay Hạ Nhiên tự dưng bỏ đi đâu mất tiêu.

Khi về Hạ Nhiên dựng vội chiếc mini cũ xì của cô vào góc tường phía cổng nhà ông chủ.

Nhìn Đông Ngân, Hạ Nhiên nheo mắt:

- Đố mày đoán, tao đi đâu về?

Đông Ngân dẫu môi:

- Ngoài việc chạy về nhà, để 'hoá giải' cái điều đáng buồn nhất của con gái ra, nếu không phải nữa, chỉ còn đúng ý của mày trốn tao đi uống nước với tên nào đó.

Hạ Nhiên trợn mắt:

- Phỉ thui cái miệng mày, tao đã nói khi nào chưa có sự nghiệp trong tay, thì cái việc 'anh em người dưng trở thành người của trái tim' chẳng thể nào tao nghĩ đến.

Đông Ngân bơ bĩnh:

- Phải vậy không đấy? Hay vì lời ràng buộc của người ta?

Hạ Nhiên la lớn:

- Khỉ ạ! Bữa nay mày ngứa miệng hay sao, tao thế này lại chịu hạ mình chấp nhận một cuộc hôn nhân lạ lùng ấy sao?

- Biết đâu được. Dù gì ở đây mày không bà con dòng họ thật. Nhưng ngoài ấy, mày vẫn còn có nội của mày và một dòng họ được coi là đông đúc, giàu có.

Hạ Nhiên thở dài:

- Tao thà chết đói nơi đất khách quê người, chứ không bao giờ tao về nhờ vả cô chú tao đâu. Giữa họ và ba tao chỉ là cùng cha, khác mẹ. Trước đây ba tao còn sống, họ còn chút nể sợ ba tao mà không dám nặng nhẹ với tao. Bây giờ ba tao chết rồi, căn nhà ấy cũng không có chỗ dành cho tao.

- Nhưng ông Nội mày không phải một năm hai lần, nội vẫn vượt đường xa vẫn vào đây thăm mày đó sao?

- Tao nghĩ, về việc này mày đã quá khắt khe với họ.

Hạ Nhiên lắc đầu:

- Dầu sao, tao cũng mang dòng họ Khúc Mai. Tao dẫu căm giận họ ngút ngàn nhưng vẫn không cho phép mình quên cội nguồn. Mà thôi, dẹp nhưng chuyện ấy đi, mày đoán xem, tao đem cái gì về cho mày đây?

Đông Ngân ngó dáo dác:

- Bánh cuốn hay bánh xèo? Hơi bị lâu rồi mày không rủ tao đi ăn mấy thứ bánh.

Hạ Nhiên kêu lên:

- Trời ạ! Đầu óc mày sao chứa toàn ăn uống, và những suy nghĩ đen tối thế, nhìn coi này.

Hạ Nhiên ngạc nhiên đặt một cọc vé số lên bàn, cô cười cười:

- Thêm hàng mới để mày có dịp phát tài đây.

Đông Ngân xụ mặt:

- Tưởng mày cho ăn bánh chứ. Từ trưa tới giờ tao đó bụng kinh khủng. Đem vé số về đây, mày đã tính kỹ chưa?

Hạ Nhiên tự tin:

- Chỉ cần thêm chiếc bàn nhỏ nữa, tụi mình có thể bán luôn loại hàng may mắn này. Tao nói mày nghe nha, mỗi tờ vé số bán hết lời bốn trăm đồng, bằng một tờ báo công an còn gì. Tao dám nói, chỉ cần bán một ngày trăm tờ, đảm bảo nồi cơm của mình sẽ rủng rỉnh thịt cá.

Đông Ngân lo lắng:

- Tao chỉ sợ ế.

- Đừng lo, trước giờ xổ hai tiếng, nếu vé còn đọng nhiều, đại lý đồng ý nhận lại. Tao nghĩ có gan liều mới nhanh khá. Cứ thử xem.

Đông Ngân mơ mộng:

- Biết đâu một ngày bán số ế, hai đứa gặm bánh mì thay cơm. Vé không thèm đem trả, lỡ ế thì ôm luôn. Biết đâu trời thương hai con hàn sĩ nghèo, cho tụi mình trúng một vài tờ. Thế là giàu.

Hạ Nhiên cười rũ:

- Tao không ngờ mày cũng ham giàu đến vậy. Nhưng cũng đừng nên mơ mộng cầu xin, phải làm việc mới tồn tại được.

- Xì! Tao đâu cầu trời ra đường gặp được của rơi chứ. Nói thiệt nha, nếu tao may mắn gặp được một giỏ đựng đầy tiền, tao cũng không ham đâu. Tao vui tao ăn uống ngập miệng, nhưng sẽ có kẻ đau đớn đến cùng quẫn vì mất của, nên tao chỉ cầu xin ông trời cho trúng vé số. Có gì không đúng chứ.

- Thì ai nói chi đâu, tao chỉ buồn cười là mày suốt năm không dám mua một tờ vé số, vậy mà ước trúng số, chuyện không đáng cười sao?

Đông Ngân cong môi:

- Kể từ hôm nay, tao bắt đầu mở hàng cho những tờ vé số của mày. Tao nhắm mắt mua bốn tờ, mày thối tiền lại cho tao nha.

Đông Ngân rút luôn bốn tờ vé số, khiến Hạ Nhiên lạ lẫm:

- Mày mua thiệt?

- Sao không? Tao mở hàng, nhất định mày buôn may bán đắt.

Hạ Nhiên láu lỉnh:

- Thế sao mày không mua luôn 5 tờ, bắt tao thối lại mày hai ngàn chi vậy?

Đông Ngân tỉnh bơ:

- Tao mua bốn tờ, chia cho mày hai tờ, vừa đủ ăn đồng chia đều, lỡ chiều mai trúng số, tao và mày hai đứa đều có số tiền ngang nhau, mua thêm tờ nữa làm gì?

- Tao nghe người ta bảo, trúng số rồi phải tạ ơn trời đất, cúng kiếng chùa chiền, chia bớt cho người nghèo. Vậy còn chần chờ gì mày không lấy luôn tờ nữa. Coi như tờ đó mày dâng lễ, làm phước hiểu không?

Đông Ngân chép miệng:

- Lấy thì lấy, bữa nay miệng bà dẻo hơn kẹo mạch nha nữa.

- Ê! Mua bán mà miễn cưỡng, phụng phịu thế còn may sao hả?

Đông Ngân xụ mặt:

- Tại tao muốn chừa lại hai ngàn, ra ngoài kia ăn tô mì gõ. Vừa giao hàng về mày bỏ đi mất tiêu, tao đã kịp ăn gì đâu, giờ đói hoa cả mắt.

Hạ Nhiên cười dòn:

- Con khỉ, tiền bán hàng đầy ngăn tủ sao không chịu mua gì mà ăn. Thiệt tình đôi lúc mày làm tao hết hiểu nổi. Bây giờ để tao trông hàng cho, mày đi ăn cơm, kẻo xỉu ra đấy, mất công tao phục vụ, nhưng ăn rồi, nhớ mua cho tao một hộp cơm sườn nha.

Đông Ngân cười khổ:

- Trời đất, mày cũng chưa ăn sao?

- Tao đâu thể ăn trước mày, bạn bè sướng khổ, đói no cùng chịu kia mà.

Đông Ngân chỉ còn cách cười trừ. Nhỏ bạn của cô, nó tham công tiếc việc quá. Phải chi cực khổ phải bon chen cho cam?

- Tín à! Tín, con hôm nay có đến công ty không vậy?

Bà Chung nhẹ giọng hỏi Tín, khi anh đang ngồi ăn điểm tâm.

Tín mỉm cười:

- Thưa dì, hôm nay chủ nhật, con được nghỉ trọn ngày, dì muốn nhờ con dẫn dì đi đâu phải không ạ?

Bà Chung tươi cười:

- Con đoán trúng ý ta. Ta muốn con đi cùng ta xuống Cần Thơ, nhưng không hiểu con đi được hay không?

Tín mừng rỡ:

- Về thăm ngoại hả dì? Đã lâu rồi con không về thăm ngoại. Tiện dịp, cũng phải về kính thăm sức khoẻ của Ngoại.

Bà Chung gật đầu:

- Vậy thì tốt rồi. Dì cần chuẩn bị vài thứ cho ngoại và bà con ở quê. Con ăn xong, thay đồ, chờ dì chút nha.

Tín vui vẻ:

- Dạ! Con nhớ mà.

Bước được hai bước, bà Chung nghe chuông điện thoại reo inh ỏi. Bà dừng chân, chợt nói:

- Con hẹn với Mỹ Linh à? Nếu đã hẹn, con nên đi chơi với nó. Dì không muốn nó theo chúng ta về quê.

Tín do dự:

- Thật ra, con và cô ấy giận nhau cả tuần nay rồi. Dì đừng lo.

Bà Chung trầm giọng:

- Không phải dì cấm cản con chuyện có bạn gái. Dì già rồi. Cả dòng tộc chỉ còn lại mình con là con trai, dì mong mỏi con sớm thành gia thất, để dì có cháu ẵm bồng. Nhưng, đứa cháu dâu dì mong đợi ấy, không thể là Mỹ Linh.

Tín gượng gạo:

- Dì à, Mỹ Linh còn trẻ, nhất thời cô ấy có nhiều thái độ không tốt lắm nhưng…

Bà Chung xua tay, ngắt lời Tín:

- Ta chỉ muốn lưu ý con, chọn vợ phải chọn người phụ nữ đoan trang hiền thục, tất nhiên không phải khép nép sợ sệt như chúng ta ngày trước. Mỹ Linh, con bé này chảnh chẹ, khinh người quá. Tư cách của nó không tốt.

Tín trấn an bà Chung:

- Dì đừng lo cho con. Phận trai, con biết mình phải thế nào mà dì.

- Ngoại của con, bà còn muốn con nhận lời uỷ thác của bà. Dì nghĩ, hôm nay về hẳn ngoại sẽ cho con biết đấy.

Dứt lời bà Chung chậm rãi trở về phòng riêng.

Đến lúc này, Tín mới chịu nhấc ống nghe. Chưa kịp hỏi, anh đã nghe một luồng âm thanh ồn ào như sóng vỗ qua ống nghe. Anh hình dung ra cơn giận dữ của Mỹ Linh mà cười thầm.

- Phải anh không Tín?

Giọng Mỹ Linh vừa hồi hộp, vừa chua lè.

Tín gật đầu:

- Gọi anh có chuyện gì vậy Linh?

Mỹ Linh cao giọng:

- Anh! Không lẽ, chuyện ngoài đường hôm ấy, anh vẫn còn giận em sao chứ? Cả tuần này, em gọi anh, mà máy cứ im hoài. Em không tin là anh lại phạt em bằng hình thức ấy.

- Mỹ Linh à? Anh đi công tác xa thành phố, vừa về đến đây thôi. Anh nghĩ, tự em biết điều mình làm đúng hay sai kia mà.

Mỹ Linh hạ giọng:

- Mình đừng nhắc chuyện đó nữa nha anh. Em rất nhớ anh, muốn được đi ăn trưa cùng anh hôm nay. Em hứa sẽ không làm buồn lòng anh nữa đâu. Anh đến đón em nha.

Tín từ tốn:

- Hôm nay anh kẹt rồi. Anh có việc phải đưa dì anh đi công chuyện.

Mỹ Linh kêu lên:

- Dì Chung đi công chuyện ư? Anh có thể nhờ chú Giáo lái xe chở dì anh đi vậy. Bà cũng thông cảm cho anh thôi, khi biết ngày chủ nhật là ngày dành cho những kẻ yêu nhau.

Tín khẽ khàng:

- Không được đâu. Dì muốn anh về quê thăm ngoại.

Mỹ Linh kêu nhỏ:

- Thăm ngoại ư? Vậy thì em sẽ về cùng anh. Em muốn ngoại biết, tương lai em sẽ là cháu của ngoại.

- Ôi! Không được đâu, em cũng biết tính dì anh rồi đó. Chuyện gì bà không muốn thì nhất thiết không ai được xen vô.

Mỹ Linh năn nỉ:

- Tín à, hãy cho em được nói chuyện với dì của anh đi.

- Không được đâu. Hôm nay dì anh không muốn ai đi chung, ngoài anh.

- Hứ, trừ việc dì anh định về quê hỏi vợ cho anh thôi. Chỉ có thế bà mới không muốn cho em đi theo, chứ mọi khi, có bao giờ bà từ chối em.

Tín lạnh lùng:

- Em nghĩ sao cũng được. Nếu có đúng là dì anh muốn về quê hỏi vợ cho anh chăng nữa, anh nghĩ em cũng đâu cản được anh, đúng không nào. Thôi trễ rồi, anh sẽ nói chuyện cùng em khi trở về.

Đặt mạnh máy xuống bàn, anh hình dung khuôn mặt Mỹ Linh đang tức giận. Và chắc hẳn cô đang chửi anh bằng một câu quen miệng 'tức chết được. Con chuột có trái tim băng giá. Ta thề sẽ đốt nóng lại trái tim cho ngươi'.

- Tín à? Sao còn chưa chịu thay đồ.

Tín mỉm cười, nịnh bà Chung:

- Ôi! Dì ăn mặc thế này, nhìn thật hiền lành, đúng kiểu mấy bà mẹ nông thôn. Dì quả là biết cách làm vui lòng người già.

Bà Chung nạt đùa:

- Thằng nhóc con! Ta không cần con nịnh ta đâu. Chỉ cần sau này tìm cho ta một cô cháu dâu đẹp nết đẹp người được rồi.

Tín cười vang:

- Con gái thành phố bị cuộc sống 'hiện đại hoá' hết rồi dì ơi. Cô nào cũng mắt xanh mỏ đỏ, con e ngoại nhìn sẽ nhăn mặt tổn thọ nhanh. Ngoại vốn sẵn không ưa mấy cô đào hát cải lương loè loẹt. Hay lần này về quê, dì thử tìm dùm con một đoá hoa đồng nội nghe dì.

Bà Chung cười lặng. Cái thằng, hai bảy, hai tám tuổi đầu rồi, thêm ba năm làm giám đốc một công ty lớn. Chuyện kinh doanh làm ăn đều giỏi. Mà sao việc vợ con nó cứ lần lựa mãi. Chả lẽ, bà đã sai lầm khi để Tín tự do quan hệ với Mỹ Linh? Con bé này, ngày đầu mới bước chân đến nhà, bà đã không mấy ưa, sau vì thấy cháu mình khen con bé quá, thêm nữa Mỹ Linh là con gái của ông tổng giám đốc công ty cao su miền Nam. Dẫu sao là người kinh doanh, bà cũng thừa kinh nghiệm, để biết phải xử sự thế nào, trong mối quan hệ tình cảm này. Cháu bà là con trai, nếu nó có vịn cành bẻ hoa, cũng không thể trách được. Vì rõ ràng Mỹ Linh đã rất dễ dãi với nó. Khổ nỗi, càng lúc Mỹ Linh càng quá quắt. Chưa là vai vế gì trong nhà, đã muốn sai khiến kẻ ăn người ở của bà. Bà đâu dễ dàng để Mỹ Linh muốn làm gì thì làm chứ?

Dọc đường, bà Chung khẽ hỏi Tín:

- Phải hồi ở nhà, Mỹ Linh gọi cho con không?

Tín gật đầu:

- Cô ấy muốn cháu đưa cổ đi ăn. Sau nghe cháu nói đi về quê, cổ đòi đi, đòi gặp dì nữa. Nhưng cháu không chịu.

Bà Chung nheo mắt:

- Sao hôm nay, cháu lại khó khăn với Mỹ Linh vậy? Mọi lần, đi đâu xa cháu đều muốn có con bé bên cạnh kia mà. Thật ra, hai đứa đã xảy ra chuyện gì?

Tín nhếch môi:

- Mỹ Linh làm mất mặt cháu giữa đám đông. Dì cũng không có nhã ý cho cô ấy đi.

Bà Chung nhăn mày:

- Chả lẽ nó không biết hậu quả sẽ khiến cháu ghét nó sao?

Tín chậm rãi kể lại cho bà Chung nghe câu chuyện hôm ở quán cơm. Anh chấm dứt câu chuyện bằng câu hỏi bà Chung:

- Theo dì, Mỹ Linh và cô gái kia, ai đúng ai sai?

Bà Chung vẻ bất mãn:

- Ta không tin, Mỹ Linh lại hồ đồ như vậy. Nếu không do chính cháu nói ra. Cô gái kia vì lòng tự trọng, mà bồi thường chiếc áo, con bé ấy biết nghĩ đấy. Cháu nói, cô gái ấy có vẻ đau xót khi xé chiếc áo à?

Tín gật đầu:

- Cô ấy rất dửng dưng bình thản khi đưa tiền cho Mỹ Linh. nhưng lúc tự tay huỷ chiếc áo, cháu đọc thấy những nét đau xót cùng cực trên khuôn mặt của cổ. Cháu nghĩ không đơn giản vì cô ấy tiếc tiền. Mà như cô đang tự lên án mình phải làm một việc thật không đúng.

- Cháu nói thử xem?

- Ý cháu đoán. Chiếc áo tượng trưng cả một triệu đồng, xé áo, nghĩa là cô ấy xé tiền, là khinh thường những đồng tiền của mình, đó chính là do cô ấy đang tự dằn vặt cổ. Sự dằn vặt trước một việc làm bất đắc dĩ.

Bà Chung gật đầu:

- Dì cũng nghĩ như cháu, Mỹ Linh thật đáng trách. Mà, sao cháu không đề nghị được đưa tiền, gián tiếp nhận lỗi giùm Mỹ Linh?

Tín cười khổ:

- Dì nghĩ con không biết vậy sao? Nhưng Hạ Nhiên bướng lắm, cô ấy không chịu.

Bà Chung ngạc nhiên:

- Tín? Con vừa nhắc tên cô bé ấy một cách thân mật. Lẽ nào hai đứa con đã biết nhau?

Tín giả lả:

- Dì à! Tại con nghe bạn cô ấy gọi như thế nên con cũng kêu theo. Chứ con biết cô bé ấy là ai đâu. Dì cũng biết, con ít quan hệ với phái nữ kia mà.

Bà Chung cười:

- Ấy là dì hỏi thế. Có gì đâu mà con phải quýnh quáng giải thích. Tín này, về nhà nhớ đừng gây ra điều gì phật lòng ngoại nhớ không? Bà bây giờ già rồi. Dì Tư và cậu út con đều lận đận về đường con cái. Tình thương ngoại dành hết cho con. Người già khó tính một chút, con đừng chấp nhất.

Tín cười cười:

- Hôm nay dì dặn con kỹ quá vậy. Cứ y như con chuẩn bị đón một điều gì hệ trọng lắm vậy. Dì yên tâm đi, cháu của dì tuy là con trai thật, nhưng rất biết cách chiều lòng các cụ già khó tính nhất.

Bà Chung gật đầu:

- Vậy thì ta yên tâm rồi.

Xe về đến quê đã hơn mười giờ trưa. Bà Chung nhìn quanh sân, nhíu mày:

- Ủa, sao nhà cửa vắng hoe vầy nè? Vội vã, bà mở cửa xe đi nhanh vào nhà. Vừa mày, cậu út từ phía sau vườn đi ra. Chắc do cậu nghe tiếng xe.

- Chị Ba! Chị vừa về à?

Bà Chung nhìn em trai:

- Cậu út, mẹ khoẻ không hả? Sao nhà vắng tanh thế.

Ông Tám Tình từ tốn:

- Mẹ vẫn bình thường, hồi sáng bà đòi đi chùa, nên chị Tư đã đưa mẹ đi. Có lẽ xê xế một chút là về đến thôi. Vô nhà đi chị.

Tín lễ mễ xách những giỏ quà, trờ tới.

- Thưa cậu út, cháu mới về.

Ông Tình gật đầu:

- Một mình thôi sao? Công việc ở trển vẫn tốt hả cháu?

Tín cười lớn:

- Cháu vẫn sô lô, đi đâu có dì Ba kèm, lần này về quê, cậu út nhớ giới thiệu cho cháu một cô gái làng nha cậu.

- Chỉ sợ cháu chê con gái nhà quê cù lần.

- Cậu nói thế chứ, các cô từ quê lên thành phố học, đều gia giáo, phép tắc hơn con gái thành phố nhiều. Cháu đâu dám chê ạ. Thưa cậu, để cháu vô chào ngoại đã, kẻo bà mắng nữa đó cậu.

Ông Tình xua tay:

- Bà ngoại đi chùa, trưa mới về. Bay ra sau rửa mặt mũi tay chân cho mát. Để cậu chặt trái dừa, làm nước uống.

Bà Chung hỏi ông Tình:

- Vườn tược mùa này đỡ không cậu?

- Dạ, cũng khá chị ạ. Em định thu hoạch xong đưa má lên thăm chị và thằng Tín. Bây giờ chị về đây rồi, em khỏi phải đi nữa.

Tín trêu cậu:

- Cậu út lại ki bo nữa rồi. Đi đâu cũng sợ tốn kém. Vầy đi, cháu sẽ bao cậu các khoản, trong những ngày cậu ở chơi thành phố. Già rồi, cũng nên đi đây đó cho thong thả đầu óc cậu ạ.

Ông Tình lắc đầu:

- Không phải cậu sợ tốn tiền đâu. Tại nhà đơn chiếc quá. Bà ngoại cũng không thích những nơi đông người.

- Người già luôn thích gắn cuộc đời mình với đất cát ông bà. Đành chịu thôi cậu ơi.

Tín cười vang, rồi đi về phía nhà sau.

Bà Chung hỏi em trai:

- Độ rày, cậu thấy tính tình má có thay đổi chút nào không?

Ông Tình trầm ngâm:

- Trước hôm má biểu em ra điện thoại cho chị, em thấy má lôi từ đáy chiếc rương cũ rích ra một chiếc hộp sơn mài đen. Trong hộp chỉ có một phong thư đã ngả màu vàn, và một chiếc vòng bạc. Má nhìn mãi chiếc vòng, nét mặt buồn ghê gớm. Sau đó má biểu em điện thoại gọi chị và cháu Tín về. Má ít nói hơn trước, nên vợ em cũng không còn bị má ca cẩm mãi về việc con cái nữa.

Bà Chung thở dài:

- Đừng trách má, cậu ạ. Chị em chúng ta được má sanh ra, chăm chút lớn khôn, má những mong tất cả đều hạnh phúc. Nhất là con cháu đông vui. Ai ngờ, chị Hai thì chết trẻ, chị phải ở vậy thay chị Hai nuôi dưỡng thằng Tín. Cậu thì không có con, dì Tư lại chỉ được hai đứa con gái. Má buồn cũng phải cậu ạ.

Ông Tình chậm rãi:

- Em nghĩ, má còn giấu chị em mình điều gì đó liên quan đến thằng Tín thì phải.

Bà Chung cười cười:

- Cậu đoán mò làm gì cho mệt óc. Chiều nay, chắc má sẽ nói thôi mà. Bây giờ chị muốn ra vườn một chút. Cậu coi soạn đồ giùm chị nha. Nhớ cẩn thận mấy hộp thuốc bổ, của Pháp cả đấy. Tôi mua cho má, bà cực khổ một đời giờ mới được thảnh thơi đôi chút. Chị em mình nên có trách nhiệm lo lắng cho má, cậu ạ.

Ông Tình gật đầu:

- Em biết mà chị!

Hơn mười hai giờ trưa thì bà Cửu đi xuồng máy về tới nhà.

Tín vội chạy nhanh xuống bến sông, dìu bà ngoại:

- Ngoại ơi, để cháu đỡ bà lên nhà.

Bà Cửu cười móm mém:

- Chèng đéc ơi! Rốt cuộc cháu cũng chịu về với bà già này rồi sao? Ôi! Cháu của bà, cao lớn và đẹp trai quá.

Vịn vào tay Tín, bà Cửu rạng rỡ nét mặt dặn con dâu út:

- Vợ thằng út, nhớ bắt con gà trống thiến làm thịt cho thằng bé nó ăn. Còn con cá lóc chiều qua chị Tư con đem sang, con nhớ nướng trui lên để cậu cháu thằng nhỏ cuốn bánh tráng ăn nha.

Tín bật cười:

- Ngoại ơi, con ăn gì cũng được. Ngoại bày vẽ làm gì, gà vịt thành phố đâu có thiếu hả ngoại.

Bà Cửu dí tay vào trán Tín, mắng đùa:

- Thằng chó con của bà. Gà vịt ở đâu lại không có chứ. Nhưng gà vườn nhà tự nuôi bằng thóc, ăn ngọt thịt và ngon hơn cháu ạ. Thành phố của cháu, toàn gà loại 'cao sản, tăng trọng, ăn cám công thức', lơ mơ còn đau bụng chết ấy chứ.

Tín rụt cổ:

- Nếu vậy khi về trển, cháu phải nói dì Ba mua vài chục con, đem về để dành ăn.

- Cháu dám đem, ngoại cũng dám cho cháu cả bầy gà đó. Ngoại nuôi thiếu gì.

Cả nhà cùng cười vui vẻ. Buổi trưa ở vùng quê thật yên tĩnh. Hèn chi ngoại của Tín không thích về thành phố cũng phải!

- - - -

Trên chiếc võng treo tòn teng dưới hai gốc nhãn, bà Cửu vừa thủng thẳng nhai trầu vừa nhẩn nha kể chuyện cho Tín nghe. Hình như câu chuyện có liên quan gì đó đến Tín. Nên nét mặt anh lúc trầm ngâm thảng thốt, khi xúc động đong đầy.

Nhổ miếng bã trầu xuống đất, bà Cửu chậm rãi hỏi:

- Cháu nghĩ sao về chuyện ngoại vừa kể?

Tín cầm tay ngoại, những ngón tay của ngoại gầy gò, nhăn nheo. Vẫn còn nhiều vết chai sạn.

- Ngoại, tại sao tới nay ngoại mới cho cháu biết sự thật về quê hương? Thì ra quê chúng ta tận ngoài miền Trung? Cháu đã biết gì về nơi đó, nên cháu chưa dám nói ngoại ạ.

Bà Cửu buồn buồn:

- Ngoại không áp đặt cháu đâu. Trong chuyện này, ngoại chỉ là người được mẹ cháu ký thác lại, giữa mẹ cháu và mẹ cô gái kia, rất thân nhau. Sau này có dịp đã về ngoài ấy, được biết thêm cha chồng của mẹ con bé kia chính là bạn tâm giao ngày trước của ông bà ngoại. Tức là ông nội cô bé ấy. Mẹ cháu cho ngoại biết, chiếc vòng bạc này do ông nội con bé đánh một đôi tặng cháu nội, vào năm nó được ba tuổi. Vì ba mẹ cháu vô Nam nên mẹ con bé đã tháo bớt một chiếc vòng đưa cho mẹ cháu. Coi như người lớn có lời ước nguyện với nhau.

- Nhưng trời đất bao la, biết người ta còn ở đó không hả ngoại? Hoặc chưa chừng cô ấy đã lấy chồng, yên bề gia thất.

- Dù thế nào đi nữa, cháu cũng phải tìm được cô gái ấy, không có duyên chồng vợ thì kết nghĩa anh em. Cháu giữ lấy cho ngoại vui.

Tín buột miệng:

- Chiếc vòng cầu hôn. Trời nay con gái ai người ta xài bạc nữa. Muốn tặng vợ chưa cưới phải vòng lắc bằng vàng kìa. Nội giao cháu chiếc vòng này, cháu nhất định tìm ra cô gái ấy.

- Vậy thì ngoại yên lòng rồi.

- Cháu muốn ra đồng chơi một chút ngoại à.

Tín xin phép.

Bà Cửu dễ dãi:

- Ừ! Về quê mà không ra đồng, coi tụi nhỏ bắn chim, đào dế, mới là chuyện lạ đó cháu.

Tín chậm rãi bước trên con đường làng rợp bóng dừa, chằng chịt những dòng kênh xanh thẳm. Vừa đi, tâm trí anh không nguôi nghĩ đến câu chuyện của ngoại anh. Bà muốn anh ra ngoài Trung tìm cô gái nhỏ, có chiếc vòng bạc lục lạc, đính một chùm bảy trái tim nhỏ xíu. Chiếc vòng của cô gái tượng trưng cho linh hồn, trái tim của người đàn ông! Còn chiếc vòng ngoại anh trao cho anh cũng bằng bạc lục lạc, nhưng chỉ đính duy nhất hai trái tim thôi. Ngoại biểu nó tượng trưng cho sự đính ước hôn thê giữa anh và cô gái ấy.

Chân trời gió bể, mấy chục năm thành kẻ xa xứ. Bây giờ anh ra đó, liệu gia đình nhà bà Hạnh, còn ở đó hay họ cũng như ngoại anh, vì sự sinh tồn của con cháu, phải rời bỏ quê cha đất tổ, vào một vùng đất nào đó để lập nguyệp. Miền Trung của anh, qua lời ngoại, thật nghèo. Chỉ giàu nắng, gió và những cơn xoáy cát điên cuồng!

Nhưng, nhất định anh phải ra đấy.

- Ôi chao! Ở đâu ra một hoàng tử lạc vào xứ dừa vậy tụi bây?

- Đẹp trai kinh dị.

- Xuỵt! Hình như anh ta là cháu của bà Cửu ở xóm trong. Hồi sáng tao đang vớt bèo, thấy một chiếc xe du lịch mới cáu cạnh, chạy về phía nhà bà Cửu.

- Có ông anh giàu sang về làng, chị em nhỏ Trà My lại tha hồ kênh đời.

Lao xao đâu đó dưới những dòng mương nhỏ, Tín nghe tiếng các cô gái bàn tán, bình phẩm. Đúng là nhà quê có khác. Chỉ một chiếc xe hơi lạ về làng đã khiến mọi người để ý! Kiểu này, lần sau anh có về chắc đi honda cho khoẻ. Mải suy nghĩ, Tín bước hụt chân, té cái 'bõm' xuống mương nước.

Lập tức tiếng cười nổi lên khúc khích, khiến Tín đâm luống cuống:

- Này! Anh gì ơi, có cần tui giúp không.

Tín đang cố gắng leo khỏi kênh nước, quần áo đầu tóc anh ướt tùm lum. Nghe tiếng hỏi dịu dàng của một cô gái, anh ngẩng đầu nhìn lên.

Trời ạ, ngoài hai con mắt sáng lấp lánh như hai vì sao, che dưới hàng mi dài cong vút ra. Khuôn mặt cô gái bị che khuất bởi chiếc khăn rằn và chiếc khăn kéo kín mít. Anh đành đoán cô gái chắc cũng xinh vì cô có giọng nói dịu dàng vô cùng.

Tín cười khổ:

- Tôi sơ ý, không ngờ bờ mương trơn quá. Phiền cô vậy.

- Anh bám vô tay tui nè, rồi lấy đà nhẩy mạnh lên, ừa vậy đó.

Tín bối rối nhìn xuống áo quần mình:

- Cảm ơn cô.

- Không có chi đâu. Đồ anh ướt và dơ hết rồi, mau về thay đi. Con gái ở đây ưa chọc phá người lạ lắm đó.

Cô gái từ tốn nói, và quay lưng bước đi.

Tín vội vã:

- Này cô. Tôi muốn hỏi nhà cô gần đây không?

Cô gái cúi đầu:

- Tui hả, ở tuốt ngoài khu kênh hai. Nhưng tui biết nhà ngoại của anh đó.

- Í, trời ơi sao mày không giới thiệu cho ảnh biết, mày là người đẹp nhất xứ dừa này. Quen người Sài Gòn để có điều kiện đổi đời Thu ơi.

Một cô gái nào đó ngân nga trêu.

Tín kêu nhỏ:

- Thì ra cô bé tên Thu. Một tên gọi hiền và dễ thương. Tôi sẽ không quên cái té kỷ niệm này.

Thu liếc anh sắc lẻm:

- Nhớ hay quên cũng đâu mắc mớ gì tới tui chứ. Quen với mấy người, thêm phiền phức, chớ ích gì.

Dứt lời cô gái bỏ đi thẳng, mặc cho Tín đứng ngẩn ngơ.

Vừa về tới sân, Tín đã đụng ngay cô em họ Trà My. Thấy anh, Trà My bụm miệng cười:

- Trời đất, anh Tín đi đâu về, sình bùn trét tùm lum áo quần, đầu tóc vậy?

Tín lúng túng đưa tay xoa lên mặt:

- Trà My, bộ mặt anh dơ lắm hả?

- Còn hỏi. Em ngỡ anh vừa đi cày ruộng về chứ. Anh vào hỏi ngoại coi.

Tín vội hỏi:

- Ngoại đâu rồi My?

Trà My tinh quái:

- Thường khi giờ này ngoại hay ra chõng ở hàng ba nằm cho thoáng. Hôm nay ngoại có cục cưng về nên tụi em ra rìa hết. Đã thế ngoại còn ngồi tại phòng khách chờ anh nữa đấy.

Tín kêu lên:

- Vậy thì, anh phải đi vòng sau chái nhà thôi.

Bà Cửu chợt bước ra hiên, hỏi tới:

- Chi vậy Tín?

Tín lúng túng:

- Dạ thưa… là cháu định ra bể nước rửa mặt, ngoại à.

Bà Cửu nhíu mày:

- Tín! Cháu làm gì mà ướt mem, lại đầy sình bùn vậy hả?

Tín gãi tai:

- Dạ, cháu mãi nhìn những trái dừa treo trên cây, nên té nhằm kênh đó ngoại.

Bà Cửu chậc lưỡi:

- Có đau không cháu? Về đây, kênh rạch nhiều đi không cẩn thận, té sặc nước chết như chơi đấy cháu ạ.

Tín vẻ biết lỗi:

- Cháu không sao đâu ngoại, chỉ ướt sơ đồ đạc chút đỉnh.

Trà My nheo mắt:

- My đoán chắc tại anh Tín mải ngắm hoa đồng nội nên mới té đó. Anh thấy hoa cỏ quê mình đẹp không anh?

'Con nhỏ lí lắc này, nó tinh ranh hơn cả sự tưởng tượng của anh'.

Lừ mắt đe doạ My, Tín cười tỉnh bơ:

- Quê hương dẫu xấu với người, nhưng đẹp với anh đó nhóc.

Vừa lúc bà Cửu gọi Trà My:

- My à, sao chưa dọn cơm hả cháu? Chiều lung rồi, anh Tín đói bụng trưa giờ đó.

Trà My lém lỉnh:

- Chắc tại đói bụng, hoa mắt, ảnh mới té đó ngoại ơi. Tội ghê.

Tín chỉ lắc đầu cười:

Ăn cơm chiều xong, dì Ba xin phép ngoại trở lên thành phố.

Bà Cửu buồn buồn:

- Không ở lại chơi với má thêm ngày nữa sao Ba? Lâu rồi thằng Tín mới về, nếu đi ngay, thì con đem thằng nhỏ về chi vậy?

Bà Chung khiêm nhường:

- Thưa má, để con về thu xếp công việc rồi quay trở xuống chơi lâu lâu cho má vui. Chớ nhận điện của má, con đi gấp. Công việc thì không thể bỏ bê được. Má thông cảm cho con.

Tín cũng nói:

- Ngoại à, thế này đi, cuối tháng sau khi cháu ra trung về, cháu sẽ xuống thăm ngoại và cho ngoại hay tin tức ngoài quê. Ngoại không buồn cháu chứ?

Bà Cửu trầm giọng:

- Buồn cũng đành chịu cháu ạ. Công việc của cháu đúng là không thể nghỉ mà không có sự thu xếp trước. Ngoại ở đây chờ tin lành cháu đưa về. Cháu nhớ, hãy bằng mọi sự cố gắng tìm ra họ, nghe Tín?

- Dạ! Cháu nhớ.

Ngồi trên xe, bà Chung hỏi Tín:

- Ngoại đã nói gì với con hả Tín?

Tín cười nhẹ:

- Ngoại kể con nghe về những kỷ niệm ngoài quê. Dì tệ thật, bao nhiêu năm mà không hề cho con biết quê thiệt của mình là đâu. Hay dì cũng có nỗi thắc thỏm tương tư nào đó, ở ngoài ấy?

Bà Chung thở dài:

- Dì ngần này tuổi, thay đổi chỗ ở vài ba lần lẽ đương nhiên phải có những vui buồn để lại trên vùng đất dì đã ở thôi. Nè, đừng đánh trống lảng nữa. Bà ngoại còn dặn gì con?

Tín hỏi lại bà Chung:

- Thế, dì đã biết được bao nhiêu phần trong nguồn tin của ngoại?

- Là chuyện mẹ con bé Xíu phải không? Dì ngày ấy cũng được coi là thành viên trong đám bạn của mẹ con. Nên dì không lạ gì mẹ của Bé Xíu, dì Hạnh nổi tiếng một vùng quê nghèo, về nhan sắc và tài tháo vát. Ngặt nỗi gia đình nội Bé Xíu khắt khe lắm. Bởi ba con bé cố tình lấy cho bằng được dì Hạnh, nên bị mấy đứa em ghét.

Tín chau mày:

- Dượng ấy lấy ai là quyền của dượng ấy, sao lại bị ghét hả dì?

- Vì lỗi dì Hạnh nghèo. Nghèo nên bị rẻ rúng con ạ.

Tín chép miệng:

- Rốt cuộc, chỉ vì những đồng tiền mà gia đình đày ải, giam cầm con cái vào những điều họ không muốn làm. Theo dì, liệu gia đình ông bà Hạnh còn ở ngoài quê không?

Bà Chung trầm ngâm:

- Cũng khó nói trước được. Khi chiến sự xảy ra, quê mình được coi là nơi hứng chịu nhiều bom đạn, các cuộc lùng bắt, càn quét, xây vành đai trắng. Người dần ngoài ấy vốn đã lam lũ thiếu thốn bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Giờ thêm bom đạn nữa, ai chịu cho xiết. Dì nghĩ, chắc gì gia đình Bé Xíu còn ở ngoài. Bây giờ cháu tính sao?

Tín chậm rãi:

- Con chưa biết. Con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên. Con không dám tin rằng con sẽ tìm được họ. Nhưng con đã hứa với ngoại, thì con vẫn phải làm dì ạ.

- Nghĩa là, con trở ra quê tìm Bé Xíu? Làm sao con biết được con bé là ai chứ? Thật ra ngày trước con mới là đứa bé trai hai tuổi, còn dì Hạnh lúc ấy đang mang bầu, nhưng ai cũng đoán dì ấy sẽ sanh con gái. Đôi vòng do ông nội con Bé Xíu đánh, dành cho cháu nội đích tôn, khi nào nó lên ba mới đưa. Cũng không ai rõ vì sao, trước ngày bà ngoại con rời quê hương, ông nội Bé Xíu đã lấy một chiếc vòng ra đưa trước cho ngoại con. Chuyện đã hai mươi tám, hai mươi chín năm, dì nghĩ chả còn ai nhớ đến lời đính ước nữa. Bà ngoại con không chịu những lời phân tích của dì. Bây giờ con nghĩ sao?

Tín chắc chắn:

- Con sẽ ra đó ít ngày dì ạ.

Bà Chung tủm tỉm:

- Phiêu lưu quá. Nhưng ai biết trước điều hi hữu chứ. Dì Hạnh đẹp thế, nhất định Bé Xíu cũng đẹp lắm.

Tín thắc mắc:

- Từ ngày xa quê, ông bà ngoại có gặp lại ông nội Bé Xíu không hả dì? Sao biết dì ấy sinh con gái? Và đặt tên Xíu.

- À! Cách đây gần mười năm, một lần ngoại con nằm bệnh viện Hoà Hảo, đã gặp một bà bác cũng điều trị ở đấy. Bà này cùng quê ngoại, họ nhận ra nhau khi bà bác sắp chết. Bà ấy đã cho ngoại biết chút ít về gia đình dì Hạnh. Sau đó, con cái họ lo tang chay, ngoại cũng quên hỏi địa chỉ họ. Hồi nhớ ra, thì tất cả không còn ai ở bệnh viện nữa.

Bà Chung chợt cười:

- Nè, hay thế này, ra đó con đi vòng quanh là vài bận, nhìn cô nào xinh nhất làng biết đâu chừng lại trúng.

Tín le lưỡi:

- Dì xúi dại con không à. 'Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ'. Nếu con và cô bé ấy có duyên phận, nhất định ông trời vẫn còn dành chỗ cho con trong trái tim cô ấy.

Nhấn thêm ga, Tín cho xe chạy nhanh hơn. Đường trở về thành phố lộng gió đồng quê thoảng những mùi hương trái cây ngọt ngào, khiến Tín thấy tâm hồn thư thái hơn nhiều.

Bên cạnh anh, bà Chung tựa đầu vào thành ghế, mắt nham lại như đang tìm giấc ngủ bình yên giữa cuộc sống xô bồ, phức tạp, đời thường!

+++

Buổi sáng thứ hai, chẳng hiểu vì sao, Tín không đi xe du lịch như thường lệ, anh lại dẫn chiếc Suzuki 150 phân khối ra sân. Bà Chung chau mày:

- Con định đi xe à?

Tín cười nhẹ:

- Tại sao dì lại nghĩ như vậy? Con muốn đi xe này cho tiện. Đầu tuần, hay bị kẹt đường.

Bà Chung mỉm cười:

- Không có gì. Bởi dì thường thấy khi nào đi xa một mình, con hãy dùng xe máy.

- Đi xe máy nhiều khi tiện và nhanh hơn xe du lịch dì ạ. Thôi con đi đây.

Rẽ vào một quán cà phê trên đường, Tín gọi cho mình ly cà phê đen, thêm tách trà lipton bỏ đường, thói quen uống trà đường, anh nhiễm từ dì Chung thì phải.

Lơ đãng nhìn dòng xe cộ ngược xuôi trên đường và nghe nhạc. Từ chiếc máy cát - sét vọng ra bản nhạc 'chiếc vòng cầu hôn' do ca sĩ:

'Một sáng yên bình. Một người lính rời xa quê nhà, mang trên tay chiếc vòng cầu hôn. Toả sáng dịu dàng một khúc tình ca đợi chờ. Theo anh, theo anh trên những đường xa…'

Tín chợt cười vu vơ, ít khi anh chú ý đến các bản nhạc trẻ. Anh chỉ thích nhạc không lời. Vậy mà! Chả lẽ ấn tượng về chiếc vòng lục lạc bằng bạc đã bắt đầu khiến anh phải suy nghĩ. Và cuộc tình của anh, không lẽ sẽ do chính người lớn quyết định giùm.

Đang mải mê suy nghĩ, mắt Tín chợt dừng lại ở một quầy báo nằm bên kia đường. Hai cô gái đang bận rộn xếp báo, bán báo cho khách. Ôi chà, thật không thể ngờ được. Cuộc mưu sinh quá đơn giản của hai cô gái, chắc chắn không thể dư giả gì. Vậy mà, cô gái có đôi mắt sắc lẻm, tinh nhanh kia đã thản nhiên cầm đến một triệu đồng cho Mỹ Linh. Công việc buôn bán bình thường thế này, phải mất đi số tiền ấy, hẳn hai cô gái đã phải nhịn ăn tới vài ba tháng. Trong khi, Mỹ Linh vô tình cầm số tiền đó, ăn xài vài ba giờ đồng hồ là xong.

Chậm rãi băng qua đường, Tín nhìn nét mặt vui vẻ, hồn nhiên, rịn ướt mồ hôi của hai cô bé mà chạnh lòng.

- Anh mua báo gì ạ?

Vẫn đều tay đếm và xếp chồng báo công an ra từng 5 tờ một, Hạ Nhiên hỏi nhỏ.

Tín mỉm cười, anh bắt gặp nét ngỡ ngàng của cô bạn Hạ Nhiên, tỉnh bơ, anh cúi xuống:

- Cho tôi tờ Tuổi trẻ chủ nhật, và tờ Sài Gòn tiếp thị.

Hạ Nhiên chớp mắt, giọng nói quen thuộc này, cô không thể lẫn vào đâu được. Lẽ nào cô cứ phải đụng anh ta hoài?

Mím môi, cô ngẩng lên:

- Chào anh! Anh cũng có nhã ý đọc báo à.

Giọng cô đầy vẻ kê kích:

Tín cười cười:

- Đọc báo là món ăn tinh thần của tôi. Không ngờ gặp lại Nhiên ở đây.

Nhiên lơ đãng:

- Tôi cũng vậy.

Đưa hai tờ báo cho Tín, cô bảo:

- Báo của anh đây. Anh cho xin 12 ngàn.

Tín ngạc nhiên:

- Có thế thôi sao?

- Nó thấy anh quen, nên bán vốn cho anh, chỉ rẻ hơn nơi khác một ngàn đồng thôi. Anh cầm đi.

Đông Ngân vui vẻ.

Tín đẩy đưa:

- Thế này, ngày nào tôi cũng phải ghé quầy báo của hai cô đấy.

Hạ Nhiên chua ngoa:

- Không phải vì giá tiền rẻ hơn chứ. Tôi chỉ bán không quá một lần giá vốn để làm quen khách thôi.

Tín bật cười:

- Nhìn tôi keo kiết vậy sao? Tại Nhiên chưa biết đấy, ngày nào tôi cũng mua báo.

Hạ Nhiên nhếch môi:

- Trong ấy có báo 'Phụ nữ' không?

Tín gật đầu:

- Có chứ. Tôi mua cho dì tôi. Bà thích đọc báo 'Phụ nữ Việt Nam' và 'Công an thành phố'.

Đông Ngân vui vẻ:

- Coi như sáng nay tụi em may mắn có thêm một khách hàng vừa quen, vừa sộp như anh.

Hạ Nhiên lẩm bẩm:

- Không dám may đâu. Chưa chừng xui thì có.

Tín nhìn cô:

- Hạ Nhiên vẫn giận chuyện hôm nọ phải không? Tôi rất áy náy và muốn được giúp cô. Chỉ tại cô…

Hạ Nhiên cong môi:

- Tại tôi tự ái, cố chấp chứ gì. Bỏ ra ngần ấy tiền, tôi tiếc đứt ruột. Thà cho một người ăn xin còn được phước, đằng này phải đền một cách vô lý cho người đẹp của anh. Tôi hận lắm. Tôi tức thái độ kiêu ngạo của chị ta. Nên phải chứng tỏ cho chị ta biết: Đồng tiền chưa hẳn đã lớn. Chị ta coi thường tôi, nhưng lại nhận tiền. Còn tôi, tôi thoả mãn lòng tự ái. Mà thôi, tôi không thích nhắc lại chuyện cũ. Và nói thiệt tôi rất sợ anh thành khách hàng của tôi.

- Sao vậy?

- Đơn giản vì bạn gái anh còn cố chấp hơn tôi. Chị ta sẽ vì một ý nghĩ ngốc nghếch nào đó, phá sạp báo của tôi thì sao?

Tín hiểu ra, anh bình thản:

- Mỹ Linh không quan trọng lắm với tôi. Tôi không có thói quen phải chiều theo những ý thích ngông của phái đẹp đâu.

- Ai biết trước cơn bão hôm sau, lớn hay nhỏ hơn cơn bão hôm nay chứ.

Dứt câu, Hạ Nhiên tiếp tục cúi xuống lựa báo, đưa cho người khách khác.

Đông Ngân nói nhỏ:

- Anh đừng buồn, tín nó là vậy. Nhưng tốt bụng lắm. Nếu anh thích đọc báo mỗi ngày, mời anh ghé lại mua giùm tụi em.

Tín gật đầu:

- Bây giờ tôi phải tới công ty. Chào hai cô.

Đưa tờ giấy hai chục ngàn vào tay Đông Ngân, anh tủm tỉm:

- Đừng có thối tiền lại. Coi như tôi đặt tiền trước tờ 'Văn hoá thể thao' ngày mai.

Chậm rãi, tự tin, anh trở lại quán cà phê lấy xe. Vài phút sau, bóng anh đã mất hút trong dòng xe cộ buổi sáng vội vã.

Hạ Nhiên nạt đùa:

- Bữa nay, mày tài lanh ghê. Tao nghĩ mày nên chuyển sang làm nhân viên tiếp thị được đó. Bẻm mép, nhiều chuyện, không phải là điểm tốt cho một kỹ sư kinh tế tương lai đâu mụ.

Đông Ngân cong môi:

- Coi mày đó, tao làm gì sai đâu hả? Bán hàng gặp khách mua, phải vui vẻ, mày không ca điếc tai tao bản nhạc đó là gì?

Hạ Nhiên gắt:

- Riêng hắn, trừ ra!

- Tao chưa nghe mày dặn thế bao giờ. Hơn nữa, mỗi ngày quả thật anh ta mua một vài tờ báo loại đắt tiền nhất, tao dại gì bỏ mối sộp đó.

Nhiên bĩu môi:

- Ngữ hắn mà đọc báo nỗi gì! Thời gian dỗ người đẹp chưa chắc đã đủ?

Đông Ngân chấp chới:

- Kể cả hắn mua về quăng vào sọt rác, cũng mặc xác hắn. Điều đáng nói là mình bán được hàng kìa. Ê! Mày khiến tao hơi bị nghi ngờ à nha.

- Nghi ngờ chuyện gì?

- Ừ! Thì chuyện hắn tán ai, dỗ ai mắc chi mày phải khó chịu nhỉ. Chả lẽ, trái tim mày có vấn đề?

Hạ Nhiên la lên:

- Đủ rồi đó Ngân. Mày nói giọng đó, từ mai hắn ghé đây, biết tay tao. Đúng là xui xẻo mới gặp hắn.

Đông Ngân cười toe:

- Tao đừa cho vui thôi. Nhưng mày không nên vô lý như vậy. Gặp khách thì bán, nếu mày tránh anh ta, cũng như mày đã vô hình sợ con ma nữ kia. Vậy đâu còn là con gái kinh tế nữa.

Hạ Nhiên cong môi:

- Tao mà thèm sợ con ma nữ ấy. Thôi được cứ kệ người ta. Tao chỉ ngại hắn làm phiền tụi mình. Tao chẳng thích bị đàn ông đeo bám.

Đông Ngân tủm tỉm:

- Ngoại trừ Hoàng Văn phải không?

- Khỉ ạ, Văn là bạn học, tránh hắn còn ra thể thống gì.

Đông Ngân reo nhỏ:

- Sáng nay tụi mình bán nhanh ghê. Mày ghé trường thử, coi thông báo hôm nào nhập học.

- Cũng được, ăn chút gì dằn bụng đã. Ủa, anh Văn đến hồi nào, sao im re vậy?

Đông Ngân cũng hét nhỏ:

- Gớm, linh thiệt, giá nhắc vàng nhắc bạc được ngay phải hơn không.

Hoàng Văn cười hiền:

- Anh đến nãy giờ, tại tụi em bán đắt quá nên phải chờ. Bán đỡ không?

Đông Ngân leo lẻo:

- Tàm tạm, đủ sống qua ngày. Anh Văn ngồi chơi với Hạ Nhiên chút nhe.

- Đi đâu nữa Ngân?

- Tao ăn trước đây. Chứ còn đi đâu.

Đông Ngân nói xong, là băng nhanh qua đường mặc kệ Hạ Nhiên gọi phía sau.

Hoàng Văn nhìn Hạ Nhiên:

- Ngày mai khai giảng, tụi em bán hàng liệu đến lớp được không?

Hạ Nhiên gật đầu:

- Em đang định tới trường. Bây giờ nghe anh nói, em không phải đi nữa. Sáng mai tạm thời, em đi dự lễ khai giảng, xem thời khoá biểu, rồi về sắp xếp lại công việc.

- Nếu học sáng, làm sao tụi em bán? Với lại năm nay, bài vở nhiều, hai em ham việc rồi thời gian đâu học bài.

Hạ Nhiên tự tin:

- Tụi em tính cả rồi. Không dễ dàng gì, có được chỗ bán thế này đâu. Ngoài báo, mỗi ngày Nhiên còn bán được một trăm rưỡi tờ vé số. Gặp hôm may mắn, còn hơn hai trăm tờ ấy. Trong khi có những nơi phải mua chỗ con không yên thân với bọn anh chị. Vào học, tụi em sẽ kêu thêm nhỏ Tuyết, nếu năm nay nó học chiều. Cũng như giúp nó vậy.

- Không ngờ, chưa ra trường, tụi em đã tính sẵn cho mình được hướng đi khởi đầu sự nghiệp. Anh quả là phục hai cô.

- Đói thì đầu gối phải bò. Chứ tụi em mà giỏi gì.

Hoàng Văn chép miệng:

- Anh có nghe lầm không Nhiên. Ba năm nay, anh đâu thấy hai em thiếu hụt như những bạn học xa nhà khác. Nếu không nói là dư giả.

Nhiên thoáng buồn:

- Cuộc sống mà anh. Thay đổi mấy hồi. Nhiên muốn tự mình làm ra tiền, không còn phải đợi chờ lo lắng mỗi khi tới hạn nộp tiền bạc, tiền nhà nữa.

- Đơn giản thế này, đủ tiền cho tụi em trang trải không?

Hạ Nhiên tươi nét mặt:

- So với những người làm ăn lớn, sạp báo của tụi em như bữa ăn sáng của họ. Thật ra, cũng khá lắm anh ạ. Dân thành phố, nhu cầu đọc báo nhiều, không giống ở quê em, chục tờ báo bán cả ngày không hết. Khách quan hơn, sạp báo này đủ cho tụi em tồn tại với mức sống khá giả. Có điều bận rộn chút đỉnh.

Hoàng Văn nhìn Nhiên:

- Hay, Nhiên đừng bán nữa, tập trung thời gian cho học tập. Anh sẽ hỗ trợ em.

Hạ Nhiên cười nhẹ:

- Cám ơn anh đã có lòng nghĩ đến Nhiên. Dẫu khó khăn cỡ nào, Nhiên cũng cố gắng, Nhiên không bỏ cuộc đâu. Nhất là tính Nhiên anh biết rồi đó. Phải sống dựa dẫm là điều bất đắc dĩ. Anh cũng chưa làm ra tiền, giúp Nhiên anh sẽ phải nói dối ba mẹ. Đâu cần như thế hả Văn.

Giọng Văn trầm xuống như năn nỉ:

- Nhưng em sẽ không từ chối, khi anh muốn được giúp em chứ?

- Hiện tại Nhiên chưa cần gì cả. Nhiên hứa sẽ nhờ anh lúc khó khăn, được chưa.

Hoàng Văn gật đầu:

- Thi thoảng anh ghé chỗ tụi em chơi, Nhiên không đuổi anh chứ.

Hạ Nhiên ngần ngừ:

- Bà chủ nhà trọ của Nhiên khó tính lắm. Dạo thuê nhà, bà ra một điều kiện, tụi em không được tiếp bạn trai ở nhà. Bà mới cho ở. Và Nhiên đã đồng ý.

Văn kêu lên:

- Sao lại ra điều kiện kỳ cục vậy. Con người phải có bạn bè chứ.

- Nhiên không biết. Chắc tại dì ấy có mặc cảm với đàn ông. Tụi em đã đồng ý điều kiện bây giờ không thể làm khác.

Hoàng Văn xụ mặt:

- Lần đầu tiên anh nghe chủ nhà đặt điều kiện như vậy với khách trọ. Chán ghê.

Hạ Nhiên vô tư:

- Gì mà chán. Tụi mình ngày nào không gặp nhau ở trường. Vậy cũng vui rồi. Sau này ra trường còn khối thời gian tự do dành cho tình bạn. Chỉ sợ khi ấy, anh Văn chẳng còn rảnh rỗi và nhã hứng đi ăn hàng vỉa hè với tụi em thôi.

Văn chợt nhìn Hạ Nhiên bằng ánh mắt thật lạ. Ánh mắt anh như có ngàn hoa lửa bên trong, khiến Hạ Nhiên hết dám nhìn vào, cô bối rối cúi xuống những xấp báo, xếp lung tung.

Hoàng Văn muốn nói vô cùng, cho Hạ Nhiên biết tình cảm của anh dành cho cô. Khổ nỗi Văn cũng khá nhát… lời nói mạnh. Nhất là nói vào lúc thanh thiên bạch nhật giữa bầu trời đầy nắng, xung quanh là cuộc sống sôi động thế này, Văn thấy nó… khó làm sao ấy. Phải chờ thôi!

Hạ Nhiên làm bộ bâng quơ:

- Đông Ngân này, bộ ăn hết hàng quán người ta chắc.

Văn đứng lên:

- Nhiên, chắc chưa ăn gì phải không? Để anh mua cho Nhiên tô phở nha.

Hạ Nhiên lắc đầu:

- Không cần đâu. Nhiên ăn sáng từ hồi sáu giờ lận. Tranh thủ mà.

Vừa lúc có một tốp học sinh ghé vào mua báo 'Tuổi trẻ cười' Hạ Nhiên quay lại với công việc của mình một cách say mê. Hoàng Văn biết ý, anh cáo từ Hạ Nhiên để ra về.

Hạ Nhiên thở phào, như trút được gánh nặng. Bao tử cô bắt đầu réo như thác đổ. Thật khó chịu!

Đông Ngân quay lại, với ánh mắt tinh quái:

- Chàng về rồi à? Người gì cù lần thế không biết cả một lời mời bạn gái đi ăn sáng. Vậy mà đòi thích người ta.

Hạ Nhiên nhéo Đông Ngân một cái thật đau vô mạng sườn:

- Con khỉ còn lẻo mép. Bộ mày định mọc rễ ở quán người ta sao hả? Có ăn cũng nhớ đến bạn bè. Người ta mời tao, tao láo ăn như mày ai coi hàng hả? Ê! Mày vừa nói, ai thích ai hả?

- Còn bày đặt màu mè. Biết rõ rồi còn gì nữa. Không phải Văn thích mày, tao đi đầu xuống đất.

- Hắn làm lớp trưởng, đứa nào hắn không quan tâm chứ. Mày đừng nói ẩu. Con Quỳnh lớp kế toán tài chánh nghe được mất công nó không còn đầu óc học bài. Tội lắm.

Đông Ngân cong môi:

- Mày ác thiệt, véo tao muốn rách thịt, tao cho mày nợ đấy, có ngày tao véo luôn hai người một lúc cho sướng tay. Con Quỳnh đỏng đảnh, hở chút là soi gương, tô phấn ấy, Hoàng Văn đâu có ưa. Con gái mà suốt ngày kèo kèo sang lớp người ta, nhột nhạt ghê được. Tao không hiểu da mặt nó dày cỡ nào.

Hạ Nhiên chậm rãi:

- Mỗi người mỗi tính. Tao và Văn không có gì ngoài tình bạn. Còn Quỳnh, mưa lâu thấm đất sẽ có ngày Văn hiểu nó. Thôi, tao cà kê với mày mãi, có nước tao chết đói. Nhớ coi hàng cẩn thận đấy.

Thoắt cái, Hạ Nhiên đã biết mất sau một ngõ hẻm. Quả là tiếng gọi của bao tử có sức mạnh tuyệt vời vô cùng.

Hạ Nhiên nhăn nhó:

- Hôm nay, vé số bán chậm quá, chắc phải trả lại thôi Ngân.

Đông Ngân ngần ngừ:

- Tao không mấy ưa cái bà ở đại lý chút nào. Đã đồng ý cho người ta trả lại vé nếu gặp ngày ế ẩm, thì phải vui vẻ. Đằng này tao thấy bà ta hoạnh hoẹ mấy đứa nhỏ bán dạo, nghe phát bực. Tao không đi trả đâu.

Hạ Nhiên cười cười:

- Hôm nay, mày sao vậy hả? Mày không trả thì để tao. Tụi mình. Tụi mình bán đã mấy tháng, nhưng chưa khi nào trả lại họ. Hôm nay mưa gió thế này, phải chịu chứ. Ai không muốn bán cho hết để kiếm lời.

Đông Ngân nhấm nhẳng:

- Nếu vậy, mày đem trả đi. Tao nói thiệt, nhất định mày sẽ phải nghe những câu đại loại như 'không bán hết mà lấy cho cố. Để phiền hà cho người khác'. Lần sau có trả chỉ chục tờ thôi. Nhiều hơn là tôi không có nhận. .v.v… và .v… Tao nói thiệt, phải nghe những lời nói trịch thượng ấy, máu tự ái của mày lại bốc lên. Vậy là đem về hết, xé bỏ.

Hạ Nhiên nhún vai:

- Nếu bà ta có thái độ ấy, tao cũng đâu có ngán. Tụi mình lấy vé của bà, trả tiền đàng hoàng, đâu lấy trước trả sau mà sợ. Có tiền không mua chỗ này thì mua chỗ khác, miễn biết người biết ta thôi.

Đông Ngân cầm xấp vé số:

- Tao mua lại chục tờ này.

Hạ Nhiên chau mày:

- Chi vậy?

- Để cầu vận may. Bán vé số mà không dám mua lấy một tờ, tao nghĩ mình quả là bần thiệt. Biết đâu ông trời thương cho tao trúng số. Tụi mình sẽ ung dung học, chẳng cần phải thức khuya dậy sớm nữa.

- Mày nói chuyện ngang bỏ xừ. Bộ trúng số rồi, là khỏi phải làm hả? Tiền tỉ miệng ăn, núi phải lở đó mụ. Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng. Chưa giàu đã nghĩ đến việc ngồi không ăn chơi. Thiệt hết biết.

- Kệ tao.

Dứt câu. Đông Ngân tỉnh bơ rút tiền cho vào hộc bàn, và lấy chục tờ vé số cho vô túi mình.

- Hai cô bé, còn vé số bán không?

Nghe tiếng hỏi, cả hai mừng quýnh, vội đáp ngay:

- Dạ còn, anh mua vé số nào ạ.

Hạ Nhiên xăng xái. Cô chợt xụ mặt khi nhận ra người vừa hỏi là Tín.

Đông Ngân hích vai Nhiên, bỏ nhỏ:

- Mày khùng hả? Sao chù ụ một đống thế. Không phải mày đang muốn bán hết mấy chục tờ đấy sao?

- Nhưng, tao…

- Điên, - Đông Ngân gắt lên, cô vội vã nhìn lên cười với Tín:

- Sao hôm nay, anh lại ghé tụi em buổi chiều? Phải ai đó vừa cho anh biết con số may mắn chiều nay không?

Tín mỉm cười:

- Tôi đi công tác hai ngày nay rồi. Dì tôi tự nhiên hối tôi mua cho bà chục tờ nên tôi xách xe chạy xuống đây. Còn nhiều không Ngân?

Đông Ngân rên rỉ:

- Hôm nay tụi em gặp ngày xui tận mạng. Vé số còn đến bốn mươi mấy tờ, chả biết phải sao nữa.

Tín kêu nhỏ:

- Còn nhiều thế sao? Vậy thì may cho anh rồi, tưởng tụi em hết, anh mất công đi nơi khác. Đưa anh mua hết cho.

Đông Ngân kinh ngạc:

- Hả? Anh… mua hết chỗ này?

- Ừ!

- Gần cả trăm ngàn đồng, anh không thấy tiếc sao, nếu buổi chiều dò số đều trật lất. Đâu phải món ăn mua về ăn dần được.

- Đã muốn giàu, thì lâu lâu phải mạnh tay, đánh bạc với nhà nước một lần trúng thì thành tỉ phú, không trúng thì như mình đóng góp công quả với nhà nước thôi. Có gì mà Ngân phải kêu lên chứ. Đưa đây cho anh.

Hạ Nhiên chợt bảo:

- Bán cho anh ấy mười tờ thôi Ngân?

Tín ngơ ngác:

- Sao lại như thế?

- Đơn giản vì Nhiên không muốn bị anh thêm những lần tốt bụng đốt xuất. Mua vé tượng trưng thôi, ăn thua là không tốt vì anh đã giàu rồi, đâu cần phải trúng số nữa anh mới giàu hơn.

Tín bật cười:

- Cô bé kỳ ghê, tôi mua là quyền của tôi. Ai nói với cô, tôi muốn giúp cô chứ. Cô chẳng là gì để tôi phải ngốc nghếch đốt tiền thế đâu.

Hạ Nhiên nóng mặt:

- Anh! Dám…

- Đừng nóng, cô bé. Hoà nhã với khách hàng mới buôn may bán đắt. Cô không muốn thì thôi, tôi đi vậy.

Đông Ngân vội vã:

- Anh Tín à, anh đừng giận, Hạ Nhiên đang có chuyện bực mình ở trường nên từ sáng đến giờ em bị nó gây suốt. Em đang rầu ruột với những tấm vé số này. Anh mua giùm, em rất cám ơn đấy.

Tín nhếch môi:

- Còn những số báo tôi thường mua hai ngày qua không?

Đông Ngân lắc đầu:

- Không thấy anh ghé, thoạt đầu em cũng tính để lại. Nhưng anh cũng biết, buôn bán thế này lời có bao nhiêu, nên em đã bán hết. Lần sau anh đi đâu, nếu dặn, em sẽ giữ lại cho anh vậy.

tín gật đầu:

- Ngân biết người biết ta, mới thật sự là người làm kinh doanh. Háo thắng, tự ái dễ bị chết chìm. Cô bạn nhớ đấy.

Đông Ngân nhã nhặn:

- Cám ơn lời khuyên của anh.

Tín liếc Hạ Nhiên, thấy nét mặt cô lạnh ngắt, dửng dưng, anh làm bộ quay sang hỏi Đông Ngân:

- Cô Ngân nè, nếu tôi giới thiệu cho cô một việc làm với mức lương gấp ba lần công việc cô đang làm, cô nhận không?

Đông Ngân từ tốn:

- Anh nói rõ hơn coi.

- Nghề của cô, sau này sẽ là kỹ sư kinh tế, vậy thì việc phụ trách một quầy hàng giới thiệu sản phẩm hoặc làm thư ký cho giám đốc. Cô không từ chối chứ?

Đông Ngân bình thản:

- Toàn những việc tốt cả. Ngặt nỗi, em không thể bỏ học. Mà việc làm ở công ty phải theo giờ giấc, ngày 8 tiếng. Ngân đành phải từ chối lòng tốt của anh rồi.

Tín thủng thẳng:

- Đứng quầy giới thiệu sản phẩm, cũng nhẹ nhàng như việc bán báo, có khi cô còn nhiều thời gian để tranh thủ học bài nữa. Bởi, chỉ phải tiếp thị, giới thiệu khi có khách vào cửa hàng thôi. Và công việc này, cô có thể bắt đầu làm vào buổi tối từ 6 giờ đến 9 giờ 3không, lương tháng từ một triệu đến một triệu bốn trăm ngàn đồng một tháng đấy.

Đông Ngân liếm môi:

- Làm chưa đầy ba tiếng đồng hồ, lương lại cao như thế ư? Mà anh không nói xạo Ngân chứ?

Tín ngạc nhiên:

- Mặt mũi tôi thế này, mà đi nói xạo cô hay sao? Nếu cô đồng ý, ngay ngày mai cô có thể đi làm đó. Chịu không hả?

- Tôi… để tôi suy nghĩ đã. Đâu phải muốn nghỉ là nghỉ đâu. À! Hay anh xin cho cả Hạ Nhiên nữa nghen.

Tín chưa kịp trả lời, Hạ Nhiên đã gay gắt:

- Nếu mày thích, cứ tự nhiên đi làm cho hắn ta. Dẫu sao thì công việc ấy cũng tăng được chiều cao và sự già dặn của mày lên một chút. Và, coi như mày có móng xây sẵn, khi thi xong. Còn tao, tao không muốn thay đổi. Tất cả mọi thay đổi phải tự tay tao làm nên kìa, khi nào tao đủ thực lực.

Tín nhún vai:

- Hạ Nhiên, bữa nay cô hơi lạ đó. Tôi đã làm gì khiến cô bực dọc vậy nhỉ? Hay vì hai ngày qua, tôi không ghé nên cô buồn bực, đúng không?

Hạ Nhiên nhếch môi:

- Hứ! Anh tưởng anh là ai chứ? Thật ra, tôi không hề có thành kiến với anh. Nhưng, cô bạn gái xinh đẹp của anh đã khiến tôi chỉ muốn đánh cô ta.

Đông Ngân kinh ngạc:

- Hả! Chả lẽ bà hồ ly tinh ấy lại gây lộn với mày? Hồi nào mà tao không biết vậy?

Tín cũng hỏi:

- Mỹ Linh, cô ấy đã làm gì cô?

Hạ Nhiên bực bội:

- Nếu tôi nói chị ta bị điên tình, bị anh hớp hồn, anh tin không hả? Trưa hôm qua lúc tôi ra dọn hàng, chị ta đã lù lù xuất hiện và la lối om sòm lên rằng tôi đã cướp người yêu của chị ta! Rằng, tôi muốn yên ổn làm ăn, thì nhất định không được bán báo cho anh nữa. Rằng, anh chẳng có thời gian ngó ngàng báo chí đâu. Tại anh thích tôi, tôi bỏ bùa vào báo để anh mua về, vất đầy cả nhà cửa. Chị ta nói vậy đó. Tôi nghĩ, nếu đúng anh mua báo, chỉ là cái cớ để tán tỉnh tụi tôi, thì anh hoài công vô ích. Tôi không thích dây dưa với hạng người vô học như cô bạn của anh đâu.

Tín sạm mặt:

- Có chuyện Mỹ Linh đến đây thật à? Cô ta quả thật quá quắt. Cô yên tâm đi, tôi nhất định bắt Mỹ Linh phải đến xin lỗi cô.

- Chi vậy? Đằng sau cô ta có một đám đệ tử khá chì đấy. Tôi muốn yên ổn.

- Mỹ Linh là người có học. Ba mẹ cô ấy rất nghiêm khắc, có lý nào cô ấy giao du với đám du đãng chứ.

Hạ Nhiên chát chúa:

- Tôi biết ngay mà, ai lại không bênh vực cho người yêu của mình chứ. Tôi cũng không thèm bịa chuyện đâu. Muốn rõ trắng đen anh có thể hỏi chị ta kia mà. Dùng tiền để sai khiến mọi việc, tất cả những kẻ giàu có, ai không làm được.

Rồi cô hạ giọng:

- Bây giờ tôi nói hết những gì cần nói với anh rồi, anh về đi. Nơi này còn để tôi làm ăn, sinh sống.

Dứt lời Hạ Nhiên lạnh lùng quay ra đường, cô mỉm cười mời khách thật vui vẻ.

Đông Ngân kéo tay Tín:

- Hạ Nhiên không biết nói láo đâu. Chuyện này nó chưa kể tôi nghe. Chắc vì thế, nó mới có thái độ bất nhẫn với anh. Thôi, anh về đi, tôi sẽ lựa lời nói với nó.

Tín thở dài:

- Mỹ Linh không phải là người yêu của tôi. Khổ nỗi, ba mẹ cổ và dì tôi có mối quan hệ thân thiết, nên cô ấy thích tôi, muốn tôi là của riêng cổ. Dì tôi, bà cũng không thích tính nết Mỹ Linh. Tôi thật không ngờ cô ấy dám tới đây nói năng bừa bãi. Bây giờ tôi về. Lời tôi hứa với cô khi nãy cô cứ suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời tôi sau.

Quay sang Hạ Nhiên, anh nói:

- Tôi về nha, Hạ Nhiên.

Hạ Nhiên làm lơ, cô như không hề nghe được lời anh nói.

Chờ Tín đi khuất, Đông Ngân mới cau có:

- Những lời mày nói lúc nãy, tao biết mày phải tức con hồ ly tinh ấy lắm, mày mới nặng nhẹ hắn ta. Tại sao từ hôm qua đến giờ mày không hề kể tao nghe chuyện là sao? Mà, kẻ đáng ghét là Mỹ Linh, cớ sao mày hằm hè với Tín?

Hạ Nhiên bĩu môi:

- Tại chị ta tới đây hăm he tao, khi không nghi tao có tình ý với hắn ta. Bây giờ mày cũng bắt đầu bênh hắn phải không? Tao không trách mày đâu. Bởi tao đã kéo mày vào cuộc mưu sinh này, bắt mày dãi nắng dầm mưa. Trong khi tiền bạc của mày dư thừa. Mày nên nghe lời hắn, vào làm việc ở công ty hắn nói, mày sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm để tích vốn cho ngày mai.

Đông Ngân hét lên:

- Mày đuổi tao à? Hay lại để thoả mãn tự ái? Tao cóc thèm cái viễn cảnh Tín vẽ ra. Sau này tốt nghiệp, chả phải mày đã nói, hai đứa mình sẽ hùn vốn mở một công ty đấy sao. Mày giàu hơn tao đến ba lần, tại sao mày vẫn kiếm từng đồng tiền để tích lại? Tao không đi đâu hết. Trừ khi cái quầy báo này bị công an hốt.

Hạ Nhiên thở dài:

- Tao xin lỗi đã làm buồn lòng mày. Thôi, cứ mặc kệ chuyện người ta. Tụi mình cắn đắn nhau chẳng hoá ra tầm thường hay sao.

Cả hai lại vui vẻ cười nói như giữa họ chưa hề xảy ra chuyện gì vậy.

Đông Ngân cười ngất:

- Nói gì thì nói, cuối cùng tụi mình cũng thoát khỏi cảnh nài nỉ đại lý vé số. Hên thiệt.

Hạ Nhiên cắn môi:

- Tao không nghĩ được, tại sao hắn lại mua nhiều vé số như vậy.

- Trời ạ! Mày lẩn thẩn những chuyện ấy làm gì chứ. Phần đông bọn nhà giàu thường chơi ngông. Hắn dư tiền mà. Không đến những nơi ăn chơi mới lạ, chứ mua những tờ vé số này cũng là một trò giải trí của họ thôi. Ủa, hắn bỏ sót lại mấy tờ đây nè.

Hạ Nhiên áy náy:

- Bỏ sót, hay cố tình quên? Nếu chiều nay những vé này trúng thưởng, mày nghĩ sao?

- Tao hả? Đi lãnh tiền, chuyển thêm vào sổ của tụi mình. Nghĩ ngợi gì.

- Lỡ hắn biết?

- Trời ạ! Mày sao vậy? Hắn quơ tất tật cho vào túi, rơi rớt nơi nào hắn có biết khỉ gì? Mà đã trúng đâu chứ.

Hạ Nhiên lắc đầu. Cô thật lẩn thẩn như lời Đông Ngân nói chắc. Hay tại cái gã Tín đẹp trai, mỗi lần gặp mặt là y như mỗi lần cô gặp rắc rối vậy?

Buổi sáng hôm sau, Tín ghé sạp báo, nhưng không gặp Hạ Nhiên và Đông Ngân. Chỉ có Tuyết đang chăm chú soạn báo.

Tín khẽ hỏi:

- Cô bé, làm ơn cho anh hỏi hai bạn Nhiên và Đông Ngân sao hôm nay không thấy? Cô bé là ai?

Tuyết cười cười:

- Em là tiểu muội của hai chị ấy. Vào năm học, các chị học sáng, nên em nhận bán giùm. Chiều hai chị mới ra. Anh cần nhắn gì không?

Tín vỡ lẽ, cười nhẹ:

- Anh tên Tín, là bạn của hai chị ấy, hôm nay anh đi công tác dài ngày, định ghé qua cho hai cô ấy biết. Thế, em cùng học chung trường à?

Tuyết lém lỉnh:

- Em học bên kinh tế, kế toán. Không dám học quản trị kinh doanh, vì năng lực em kém hai chị ấy nhiều. Nhất là chị Nhiên, học suốt ngày, tối về còn đi học thêm vi tính nữa.

Tín gật gù:

- Tụi em giỏi thật. Toàn dân kinh tế tương lai cả, hèn chi cô nào cũng sắc sảo.

- Anh quá khen, bọn em mà sắc sảo nỗi gì.

Tín chào Tuyết, kèm theo câu dặn dò thật dài:

- Nhờ em nhắn giùm Nhiên, Ngân, báo của anh mỗi ngày cứ chừa lại. Sau anh về đọc luôn nha. Còn chuyện anh nói với chị Ngân, nếu chị ấy quyết định rồi, em đưa cho Ngân địa chỉ này, chị Ngân tới đó sẽ được tiếp đón cẩn thận. Anh đi nha.

Tuyết buột miệng:

- Không lẽ, anh là… bồ của Đông Ngân?

Tín háy mắt:

- Trái tim anh vẫn đóng khung một số không to tướng. Chị của em dễ thương thế, anh sợ mình không đủ khả năng với tới.

Rồi mặc Tuyết ngẩn ngơ với bao ý nghĩ trong đầu. Tín nhấn ga, chiếc Mercedes màu đen lao vút vào dòng xe cộ, mất hút.

Tín đang bắt đầu vào cuộc hành trình tìm lại cội nguồn quê hương, và chủ nhân của chiếc vòng bạc lục lạc.

Buổi trưa, vừa thấy bóng Hạ Nhiên, Tuyết đã tra khảo:

- Chị Nhiên, khai thật đi, rồi em cho coi cái này hay lắm.

Hạ Nhiên nhăn mặt:

- Khai chuyện gì? Nhỏ này bữa nay bày đặt tra xét chị nữa. Cơm nè, ăn đi kẻo đói.

Tuyết chậm rãi:

- Để em mang về nhà ăn, rồi thay đồ đi luôn. Chuyện về một anh chàng lãng tử, có nét mặt đẹp trai nhưng kinh bạc, lạnh lùng như thần Hi Lạp?

Hạ Nhiên buột miệng:

- Là Tín à? Hắn ghé đây ư? Tuyết tủm tỉm:

- Không ngờ Đông Ngân có anh chàng tuyệt vời thế, mà giáu kín bưng. Cả chị nữa, giấu kiểu ấy có ngày em không biết, lỡ yêu thầm nhớ trộm hắn thì sao? Hồi sáng anh ta ghé đây. Còn gởi cho chị Ngân tờ địa chỉ này. Anh ta chu đáo ghê. Đi công tác thôi, mà lo lắng cho chị ấy ở nhà gặp chuyện không hay dặn dò đủ thứ.

Hạ Nhiên ngơ ngẩn:

- Em nói, Đông Ngân là người yêu của Tín?

Tuyết cười dòn tan:

- Coi mặt chị kìa, ngẩn ngơ như vừa nghe chuyện thi rớt vậy. Chị đừng nói rằng chị Đông Ngân yêu anh Tín, chị không biết đấy nhé.

Hạ Nhiên từ tốn:

- Chị không biết thiệt mà. Con khỉ này, thì ra là thế. Bây giờ thì rõ rồi. Không có lửa đâu có khói, để mụ hồ ly tinh tới đây sủa chứ?

Tuyết ngơ ngác:

- Chị nói cái gì mà 'mụ hồ ly tinh' là 'đến đây sủa' y như chị đang nhắc đến một loài cẩu trệ vậy? Hai người lúc nào cũng ở bên nhau, mà chị Ngân có bồ, chị không biết em thật không thể không tin?

Hạ Nhiên rên nhỏ:

- Tin hay không tuỳ em thôi. Nhưng thật là vậy. Chị còn đang kinh ngạc đây nè.

Tuyết nhìn đồng hồ, vội dúi tờ giấy vào tay Hạ Nhiên:

- Trễ rồi, em phải về, kẻo tới trường muộn lại mất công năn nỉ bảo vệ. Chị cầm lấy, chốc đưa cho chị Đông Ngân.

Hạ Nhiên vội kéo tay Tuyết:

- Chờ chị chút.

Cô loay hoay mở cặp, lấy ra một phong bì khá dầy:

- Em cần lấy, chiều tan học ghé luôn bưu điện, gởi tiền về quê cho cha mẹ.

Tuyết vội vã chối lia:

- Ôi! Em không nhận đâu. Tuần trước chị vừa đưa tiền cho em đóng học phí, hơn một triệu đồng. Em phải phụ chị bán hai ba tháng mới mong trả đủ.

Hạ Nhiên cười hiền:

- Em khờ quá đi. Tụi chị kêu em ra bán, lời chia ba chứ đâu phải kêu em làm công chứ. Chị em cùng cảnh ngộ, chia sẻ cho nhau những vất vả đời thường. Em ngại gì hả. Hiện tại ba em đang bệnh, tại sao em không cho các chị phụ em?

Tuyết cảm động:

- Ở nhà, em đã có anh chị lo cho cha rồi. Đầu năm này, không phải cho em tiền đóng học phí và tiền ăn, anh chị em đã mừng lắm. Em còn đi học, gởi tiền về, chỉ khiến anh chị và ba em suy nghĩ?

Hạ Nhiên cương quyết:

- Em cứ gởi về cho ba mẹ, rồi từ từ viết thư giải thích sau. Không phải hai năm rồi em hoàn toàn tự túc để học hay sao?

Tuyết cắn môi:

- Dù sao, khi đầu năm học, gia đình vẫn cho em tiền học phí học kỳ đầu. Năm nay ba em ốm nặng, ruộng lại bị lũ lụt mấy lần nên kinh tế khó khăn, em về hè mới hiểu rõ hoàn cảnh gia đình. Cũng tính lên trên này tìm việc làm, ứng lương đóng học phí trước. May sao được hai chị cho bán phụ, em khỏi phải chạy vạy khắp bơi. Bây giờ em thật không dám nhận.

Hạ Nhiên hừ nhẹ:

- Nếu không nhận, chị sẽ không cho em bán nữa, để xem em xoay xở ra sao. Em biết tính chị mà.

Tuyết cuống lên:

- Chị Nhiên, đừng ép em chứ. Được rồi, em nhận nhưng từ nay đến tết, nhất định em không lấy tiền của hai chị nữa.

Hạ Nhiên tỉnh bơ:

- Tạm thời cứ vậy đi.

Còn lại một mình, Hạ Nhiên nhìn mãi tờ giấy ghi hàng chữ 'Công ty đầu tư và phát triển nông nghiệp, số… đường… hỏi ông Trương Đức Hiệp…'.

Chả lẽ, Tín thích Đông Ngân thật? Và Đông Ngân vì biết Nhiên ghét Tín, nên đã giấu cô chuyện nó quan hệ với Tín? Một chút gì đó thật mơ hồ, khó chịu xen nhẹ vào đầu Hạ Nhiên! Kỳ cục! Khoảng hai giờ chiều, Đông Ngân mới ra đến. Vừa dừng xe, cô đã leo lẻo:

- Hôm nay bán đỡ không Nhiên? Tao đau đầu quá định nằm một chút cho khoẻ, ai dè ngủ quên mất. Mày không giận tao chứ?

Hạ Nhiên bật cười:

- Chỉ ngủ quên thôi, có gì đáng để tao giận mày đâu. Ai biểu đêm qua tao kêu ngủ sớm đi, không chịu, ráng thức theo tao làm gì.

Đông Ngân le lưỡi:

- Lâu lâu tao mới thức đùa một vài giờ, không ngờ sức chịu đựng của tao tệ thiệt.

- Tại hồi còn ở nhà, vào mùa cà phê, tao hay thức xem công nhân rang sấy cà phê. Thêm mấy năm tao học võ, đêm nào cũng tập ngồi thiền từ 12 giờ đêm cho đến một giờ khuya. Riết thành quen. Mày coi hàng, để tao đi trả tiền, nhận báo ngày mai nha.

- Mày ghé đây nữa không?

- Có chứ. Quên nữa, có người gởi cho mày tờ giấy này.

Đông Ngân nhăn nhó:

- Mày lại bày trò ú tim với tao hay sao? Giấy gì đây?

Hạ Nhiên dừng lại, nhún vai:

- Tao không biết. Chỉ nghe nhỏ Tuyết nói có một gã đàn ông đẹp trai, ghé qua sạp báo, nói gởi mảnh giấy cho mày.

Đông Ngân kêu lên:

- Gởi cho tao cái địa chỉ này làm quái gì?

- Tao chịu. Mày về hỏi Tuyết là rõ thôi, không phải của tao, nên tao không tò mò hỏi rõ làm gì.

Đông Ngân ngần ngừ:

- Nhiên à! Chả lẽ là của ông Tín?

- Sao mày đoán như vậy? Hay địa chỉ này là công ty của hắn?

- Tao đoán bậy thôi. Vì ở đây, tao có quen ai đâu. Mấy ông khách nhìn sang trọng một chút, bọn mình cũng không bao giờ hỏi họ. Chỉ có ông Tín, hôm qua hắn muốn giới thiệu việc làm cho tụi mình.

Hạ Nhiên nheo mắt:

- Nhỏ Tuyết nói, của bồ mày gởi lại. Đông Ngân khai thiệt đi, giữa mày và hắn đã hình thành mối quan hệ gì? Nếu tình yêu, mày không ngán phải đối đầu cùng Mỹ Linh à?

Đông Ngân nhảy đổng:

- Cái gì? Mày… nói tao với ông Tín có tình ý hả? Tình con mắt mày ấy khỉ ạ. Tao quen gì hắn? Tất cả đều từ mày, tại mày có ác cảm với hắn, khi nào gặp Tín, mày cũng hằm hè, nên đâu để mắt thấy hắn rất ưu ái mày. Thật ra, nếu hắn không thích mày ấy hả, còn khuya hắn mới mua báo ở chỗ mình.

- Mày cãi hay thật, muốn ăn gắp bỏ cho người, gắp đi gắp lại nó rơi vô mồm.

Hạ Nhiên cong môi.

Đông Ngân tức quá hét lên:

- Tao có thèm cũng chẳng được. Dưới con mắt đa tình của hắn, tao chả là cái gì cả. Nhưng mày thì có đấy. Chịu suy nghĩ một chút là ra thôi. Không tin, bữa nào hắn ghé đây, mày thử nhìn vào mắt hắn một lần coi sao.

Hạ Nhiên bình thản:

- Tao sợ gì mà không dám chứ. Tao ghé hắn kinh khủng. Cứ như hắn là ngôi sao chổi luôn thích quét sạch tao vậy. Xui xẻo và bực mình.

Đông Ngân cong môi:

- Ghét của nào trời trao của ấy. Từ cổ chí kim, ông bà ta đã có kinh nghiệm.

Hạ Nhiên gắt lên:

- Cứ đứng đó mà nói nhảm, sang muộn hết báo, sáng mai tao cho mày nhịn đói đi học, cho hết tật tài lanh.

Đông Ngân le lưỡi:

- Sư tỉ ơi, dù sao em cũng phải có chút ngân lượng phòng thân. Sư tỉ quên rằng em tên Ngân hay sao?

Dứt câu, né người tránh cú nhéo của Hạ Nhiên, Đông Ngân cười khúc khích, dắt xe đạp thật nhanh.

Dọn dẹp bàn ghế, gởi vào nhà chủ xong xuôi. Hạ Nhiên chậm rãi đạp xe về nhà trọ. Nghĩ sao, đi được nửa đường, cô quẹo xe về phía bưu điện thành phố.

Sau khi đọc số máy rồi vào phòng ngồi chờ. Hạ Nhiên nghe nôn nao bứt rứt trong người.

Nhấc máy, cô gọi:

- Alô, phải Thiên Hồng không?

Hạ Nhiên nghe thật rõ tiếng reo của nhỏ em họ:

- Ôi! Chị, chị Nhiên. Em nhớ chị quá, sao chị không gởi thơ cho em?

- Chị bận quá Hồng ạ. Công việc của em dạo này sao rồi? Mợ Hảo khoẻ không?

Giọng Thiên Hồng buồn nghiến:

- Mẹ theo bám, phá em riết, bắt em phải về sống với mẹ, em không chịu, nên đã nghỉ việc rồi chị ạ.

Hạ Nhiên lo lắng:

- Rồi, em sống ra sao? Thiên Hồng, dẫu chết hoặc có bị người đời chửi rủa là đứa con bất hiếu, em cũng không được về ở với mợ. Thà một tuần, mười ngày, em gởi cho mợ một ít tiền. Chứ về đó, sớm muộn gì mợ cũng biến em thành cô gái bán hoa. Chị không chịu điều đó đâu, em hiểu chưa?

Thiên Hồng dè dặt:

- Hay, em vô đó tìm việc làm nha chị? Chứ sống thế này, em sợ lắm.

Hạ Nhiên cắn môi:

- Để thư thả vài ngày, chị tìm việc làm cho em coi sao. Nếu được, chị điện ra, em vô có việc làm ngay cho đỡ buồn.

- Chị biết không, hôm rồi mẹ em tìm lên rẫy cà phê, đòi vợ chồng chú Hai đưa tiền cho mẹ. Nhưng họ không chịu. Mẹ em hăm doạ đốt hết rẫy của chị đấy. Em chán lắm, không rõ vì sao mẹ em cứ cay cú chị mãi thế.

Hạ Nhiên bình thản:

- Chị đã biết chuyện đó. Mẹ em không dám đâu. Em đừng lo cho chị, mợ mà dám làm những điều thất đức nữa, chị không tha cho mẹ lần nữa đâu.

Thiên Hồng bỗng nói:

- Chị ơi, hôm rồi em tìm thấy dưới đáy rương của ba mẹ chị, một chiếc hộp nhỏ, trong hộp đựng một chiếc vòng bạc lục lạc, xinh lắm. Chiếc vòng có đính đủ một chùm bảy trái tim nhỏ xíu kèm theo một tờ giấy viết bằng chữ Hán đã ngả vàng. Em nghĩ, đó là vật kỷ niệm của mẹ chị.

Hạ Nhiên nói:

- Chị chưa hề nghe ba mẹ nhắc đến chuyện này. Em cứ giữ cẩn thận. Khi nào gặp nhau, em đưa cho chị. Thôi nghen, khoảng ba ngày nữa, chị sẽ gọi cho em. Quên nữa, em còn học anh văn như lời chị khuyên không?

Thiên Hồng dạ thật ngoan:

- Mấy tháng nay, thầy khen em tiếp thu nhanh, có giọng phát âm chuẩn. Một tuần nữa, em thi bằng B chị ạ.

Nếu vậy, em cố gắng thi xong bằng B, rồi vô đây chị lo tiếp. Vậy nghen.

Gác máy, Hạ Nhiên đi ra quầy tính tiền. Cô định gởi ra cho bà Hảo một ít tiền để bà tiêu xài. Nhưng, rồi cô lại quay bước. Hiện tại cô đang gom góp từng đồng để chuẩn bị cho một tương lai. Cái công ty ấy, từ rất lâu rồi được cô vẽ trong óc cô, từng chút, từng chút. Nếu ai biết, họ sẽ nghĩ cô viễn vông, mơ mộng.

Riêng cô, cô tin rằng, ngày mai của cô nhất định phải tươi sáng. Muốn làm được điều đó, cô không thể thiểu vốn khởi đầu.

Vừa ra khỏi cổng trường một đoạn, Hạ Nhiên nghe tiếng phụ nữ la thất thanh:

- Cướp! Cướp…

Hạ Nhiên nhìn quanh, cô nhận ra phía trước mặt cô, một gã đàn ông đang ôm chiếc bóp da chạy thục mạng.

Cô vội vàng tăng nhanh vòng đạp. Đông Ngân quýnh quáng đuổi theo, chưa kịp gọi Hạ Nhiên, Đông Ngân đã thấy Đông Ngân quăng xe đạp, chạy theo tên cướp. Dẫu biết bạn rất giỏi võ, Hạ Nhiên là cháu ba đời của dòng võ Tây Sơn, tuy phận gái, cô vẫn được cha mẹ cho học võ để mai sau ra đời, khỏi bị đám người xấu làm càn, hiếp đáp. Hạ Nhiên đã kể cho Ngân nghe như vậy. Nhưng tận mắt, Đông Ngân chưa một lần thấy Hạ Nhiên đánh đấm, bảo sao cô không lo lắng. Cô cũng quăng xe đạp, miệng la to:

- Cướp, bắt cướp, bớ bà con.

Trong lúc ấy Hạ Nhiên bắt kịp tên cướp, bằng một cú chém tay nhanh và chính xác, cô chặt xuống cánh tay tên cướp, hắn rú lên đau đớn, bỏ rơi chiếc bóp. Nhận ra người dám cản đường hắn chỉ là một cô gái mảnh khảnh, hắn nhào đến dùng chân đá Hạ Nhiên loạn xạ. Hạ Nhiên lẹ làng giơ tay, chụp chân hắn, hất ngược lên. Tên cướp đau đớn nằm la om sòm, vừa kịp mọi người ùa vô bắt hắn.

Hạ Nhiên cầm chiếc bóp, cô thong thả trở lại chỗ người phụ nữ bị hại:

- Thưa dì, chiếc bóp của dì đây. Dì coi lại có rơi mất thứ gì không?

Bà Chung (người phụ nữ chính là dì của Tín, bà vừa từ cổng ngân hàng công thương mại đi ra, chưa kịp lên xe đã bị cướp) từ tốn nói với Hạ Nhiên:

- Cám ơn cháu, nếu không nhờ có cháu kịp thời cứu giúp, coi như dì mất hết giấy tờ, vàng ngọc. Chỉ một chiếc bóp này, nó trị giá hàng chục tỷ đồng. Cháu giỏi quá.

Hạ Nhiên bối rối:

- Dì quá khen, cháu không làm, người khác thấy cũng giúp dì thôi. Nếu không có gì, cháu xin phép ạ.

Bà Chung vội kéo tay Nhiên:

- Cháu gái à, sao phải vội vã như vậy. Ta muốn được làm quen với cháu. Hãy về nhà ta nhe.

Vừa lúc Đông Ngân, hai tay kè hai chiếc xe tới, cô lo lắng:

- Mày sao không Nhiên?

Hạ Nhiên mỉm cười:

- Tao không sao. Đưa xe đây tao dắt cho.

Quay sang bà Chung, cô lễ phép:

- Thưa dì, cháu còn rất nhiều việc ở nhà. Cháu xin lỗi, đã không thể theo dì được. Hơn nữa cháu làm vậy vì sự bất bình của lương tâm thôi.

Bà Chung năn nỉ Đông Ngân:

- Cháu à, hãy giúp ta, nói giùm bạn cháu. Ta chỉ muốn được nói chuyện với các cháu thôi. Các cháu không nhận sự đền ơn, ta không dám ép. Nhưng lòng ta thật sự mến các cháu, hãy cho ta cơ hội được có thêm những người bạn nhỏ tốt bụng đi.

Đông Ngân cắn môi:

- Nhiên à, dì ấy đã nói vậy, mày không đi họ sẽ nghĩ mày làm cao đấy.

Hạ Nhiên dậm chân:

- Gần 12 giờ rồi, mày định bắt nhỏ Tuyết chờ đỏ mắt sao? Hôm nay nó có hai giờ kiểm tra đấy.

Đông Ngân chắt lưỡi:

- Thì mày ghé nhà người ta một chút thôi, tao về trước, chịu không?

- Như vậy, kỳ chết!

- Kỳ gì chứ, đâu phải mày tham tiền bạc mà sợ. Vậy đi nha.

Đông Ngân mỉm cười với bà Chung:

- Bạn cháu chấp nhận rồi. Bà nhớ đừng miễn cưỡng nó nhận những điều nó không muốn. Bạn cháu khái tính lắm đó.

Bà Chung kêu lên:

- Ủa! Cháu không đi luôn cho vui sao?

Đông Ngân thật thà:

- Tụi cháu quả là còn kẹt công chuyện, Hạ Nhiên tới nhà bà cho biết được rồi. Cháu xin phép.

Hạ Nhiên mắng đùa:

- Con khỉ, coi chừng tao đấy. Nhớ ra ngay sạp hàng, nếu không trễ giờ học của nó, hiểu không.

- Biết rồi, nhắc mãi à.

Đông Ngân lên xe đạp thật nhanh, phần vì sợ trễ giờ của nhỏ Tuyết, phần nữa, ruột gan cô đói muốn nhão ra. Hồi sáng, cô dậy trễ có kịp ăn gì đâu. Vô lớp được Nhiên mua cho hộp xôi, mới ăn được một miệng đã bị tên Danh la đói, xin mất tiêu.

Bà Chung vui vẻ:

- Cháu bỏ xe đạp vào cốp xe sau, đi chung xe với dì luôn.

Hạ Nhiên ngần ngại:

- Hay, dì cho cháu địa chỉ, hôm nào rảnh cháu ghé dì. Chứ chiều nay, một giờ cháu còn phải đến trường.

Bà Chung kêu lên:

- Thì ra cháu còn đi học à. Cháu học trường nào, sao ta không thấy phù hiệu?

Hạ Nhiên nói nhỏ:

- Cháu học năm cuối trường đại học kinh tế.

- Ây da! Giỏi đến thế sao. Nhìn cháu trẻ quá, ta tưởng cháu đang học lớp 12 thôi. Nếu vậy ta không miễn cưỡng cháu nữa. Địa chỉ của dì đây, hôm nào rảnh ghé nhà dì chơi một ngày nha. Nhớ rủ cả bạn cháu tới cho vui. Nhà dì ít người lắm, cháu đừng ngại.

Hạ Nhiên đón tấm card của bà Chung, cô chậm rãi đạp xe về.

Bà Chung gật gù:

- Một cô gái đẹp người đẹp nết, cá tính mạnh. Thằng Tín phải gặp được mẫu người như cô gái này, bà mới yên tâm. Thôi rồi, bà đãng trí tới mức quên hỏi tên cô bé. Biết con bé có chịu đến nhà bà không chứ. Đâu phải ai cũng muốn làm ơn để được đền ơn đâu!

Bà về nhà mà mãi tự trách sự sơ ý của mình. Nếu cô bé không đến, một ngày nào đó thằng cháu bà về, bà sẽ nhờ nó chở bà đến trường đại học kinh tế, bà nhất định chờ gặp cho được cô bé.

Xe vào đến sân, bà thoáng sầm mặt khi nhìn thấy chiếc Wave màu đỏ của Mỹ Linh dựng trước sân. Dạo này, bà thấy không được vui mỗi khi gặp Mỹ Linh, dù cô vẫn hết mực chiều chuộng bà. Là người từng trải, bà không lạ gì cách lấy lòng của các tiểu thư nhà giàu. Họ sẽ vô dụng, bất tài nếu bị tách khỏi cha mẹ và tiền bạc. Những cô gái như thế, chẳng bao giờ đem lại được hạnh phúc gia đình.

Mỹ Linh đón bà ngay bậc tam cấp, với nụ cười tươi rói trên môi:

- Cháu chào cô. Cô tới công ty về à?

Bà Chung gật đầu:

- Chào cháu, hôm nay cháu không phải trực bệnh viện hay sao?

Mỹ Linh cười cười:

- Cháu đang muốn xin nghỉ việc đây cô.

Bà Chung ngạc nhiên:

- Sao vậy? Công lao cháu học hành bao nhiêu năm, nghỉ việc cháu không tiếc à?

Mỹ Linh vân vê những ngón tay:

- Ngày trước cháu đi học vì sự thúc ép của gia đình, ai cũng muốn cháu phải thành bác sĩ. Bây giờ thực tế mỗi ngày cháu phải tiếp xúc cùng hàng trăm bệnh nhân với đầy đủ các chứng bệnh khác nhau, nhất là những hôm trực cấp cứu, nhìn bệnh nhân máu me đầy người, chân tay, đầu cổ bầm nát sai tai nạn giao thông, cháu lại sợ, và nhà ăn gì cũng bị ám ảnh.

Bà Chung thở dài:

- Ngày trước cháu luôn thích được chăm sóc những vết đau cho người thân, ba mẹ cháu nghĩ cháu có trái tim nhân hậu, nên mới hướng nghiệp cho cháu đi vô ngành y. Quá trình học, cô nghe nói cháu học cũng thuộc loại khá, bây giờ bỏ ngang vậy, cháu không tiếc hay sao? Và cháu sẽ làm gì đây.

Mỹ Linh tự tin:

- Cháu sử dụng vi tính thuộc loại giỏi, cháu định về phụ việc văn phòng cho ba cháu. Ba cháu thì nghiêm khắc lắm, cháu chỉ ngại cha con lại gây nhau. Nên cháu tính sang nhờ cô nói với anh Tín, cho cháu về công ty của ảnh.

Bà Chung lựa lời:

- Gia đình cháu tiếng tăm như cồn, cháu đi làm nơi khác, không phải là mất mặt ba má cháu sao? Chuyện này cô thật không dám đâu.

Mỹ Linh ôm vai bà Chung, giọng thật ngọt:

- Cô không thích cháu về công ty của anh Tín chứ gì. Cháu không dám phiền cô đâu. Tự cháu biết mình phải làm gì mà cô. Hôm nay cháu sang mời cô đi ăn trưa cùng cháu. Cô không từ chối cháu chứ.

Bà Chung từ tốn, nói tránh một chút sự thật:

- Hồi nãy vừa trong công ty đi ra, cô chưa kịp lên xe, đã bị một gã côn đồ cướp mất chiếc bóp da. Đến giờ này cô vẫn không bình tâm được. Nên cô chỉ muốn được nghỉ ngơi.

Mỹ Linh tròn mắt:

- Cướp ư? Rồi cô có bị sao không? Tên cướp chạy thoát hả cô?

Bà Chung mỉm cười giơ chiếc bóp màu đen khá dầy cho Mỹ Linh coi:

- May có một cô gái đi đường, nghe tiếp cô kêu cứu, cô ấy đã đuổi theo tên cướp lấy lại chiếc bóp cho cô.

Mỹ Linh bật cười:

- Chuyện cô kể, cháu nghe giống phim xã hội đen quá. Cô ơi, có khi nào tụi nó dàn cảnh để em bé có cơ hội làm quen với cô không? Chứ sức đàn bà, gặp bọn cướp cạn ai mà dám làm gì họ chứ.

Bà Chung cau mày:

- Tại sao cháu lại có ý nghĩ đó hả Linh?

Mỹ Linh cười nhạt:

- Cô hiền quá nên không biết, xã hội bây giờ tồn tại đủ các loại người. Gia đình cô giàu có, anh Tín vừa đẹp trai, vừa làm Giám đốc một công ty lớn. Cháu sợ bọn họ làm bộ như vậy chủ yếu để cô mang ơn con nhỏ kia, rồi từng bước nó sẽ tìm đến nhờ vả cô đây mà.

Bà Chung đứng dậy:

- Cám ơn cháu đã nhắc nhở ta. Ta ngần này tuổi, biết ai tốt xấu cháu ạ. Bây giờ ta muốn đựoc nghỉ ngơi, cháu đừng buồn nha. Cháu thích cháu có thể ở lại.

Dứt lời, bà chậm rãi đi về phòng của mình.

Mỹ Linh hậm hực, nghiền ngẫm:

- Bà già không chồng nên lúc nào cũng khó tính, đã thế còn cố chấp độc đoán. Sau này khi thành chủ nhân của ngôi biệt thự này, nhất định ta phải làm thay đổi tất cả. Không biết Tín biến đâu mất tiêu, cả con thư ký Hà Thiên nữa, hỏi gì cũng không biết, tức điên người! Rồi có ngày mày sẽ biết tay ta! Mỹ Linh này đã muốn điều gì, nhất định phải làm cho bằng được! Nhếch môi, Mỹ Linh cười kiêu hãnh gọi chị bếp của bà Chung, cô quyền hành:

- Lát nữa, chị đưa chiếc hộp cho bà chủ giùm tôi. Bây giờ tôi về, chị đóng cổng lại nghen. Nhớ đưa cho bà ngay đó.

Cô nhấn ga cho máy xe kêu ầm ĩ, rồi lái thật nhanh ra cổng. Mỹ Linh không hề nhìn thấy bờ môi chị bếp bĩu thật dài và câu nói: 'Một cô gái nhà giàu khó ưa. Cậu Tín không thương là đúng' nếu những lời trên lọt vô tai Mỹ Linh, chắc cô dám cho chị bếp vài xáng qua!

Đông Ngân cau mày:

- Việc giúp Thiên Hồng vô đây thì dễ rồi. Tao ngại là ngại bà mợ hắc ám của mày kìa.

Hạ Nhiên nhìn Ngân:

- Thiên Hồng ra đi lặng lẽ. Có thể tao hơi ác, khi đã cố tình chia cắt hai mẹ con mợ ấy. Nhưng, để mợ tao biết, thà Thiên Hồng ở lại quê cho xong. Mợ tao là người mẹ nhẫn tâm, vì tiền bà ấy đâu sợ tai tiếng. Tao không thể để Thiên Hồng trở thành con mồi cho bà ấy bán buôn. Sau này khi con bé yên ổn, tao tìm cách gởi tiền về cho bà Hảo, với địa chỉ không ở đây. Đông Ngân thở dài.

- Không ngờ chị em mày có nỗi khổ tâm như vậy. Cũng may, phòng trọ tụi mình rộng, lại rất ít bạn bè học chung biết. Mày định để Thiên Hồng làm việc gì?

- Trước mắt, cứ để em bé phụ bán báo tụi mình sắp thi học kỳ rồi. Cần thời gian nghỉ nhiều hơn. Mày không buồn tao chứ, Đông Ngân nhún vai:

- Nếu tao không thích, mày có rút lại lời nói không?

Hạ Nhiên cười buồn:

- Nó là em tao, tao không thể bỏ mặc cuộc đời nó.

Đông Ngân cao giọng:

- Tao đùa đấy, thêm người nhà cửa thêm vui, tao cũng muốn mày có một người thân bên cạnh, để mỗi khi đau ốm, mày không tủi phận.

Hạ Nhiên chớp mắt:

- Mày tốt với tao quá.

- Tại cuộc đời này, thiên đình đã phán chỉ bắt tao ở cạnh mày, để được mày lo cho tao ăn uống đấy.

Hạ Nhiên bật cười:

- Khỉ ạ, mày cũng múa mép giỏi ghê.

Đông Ngân chợt hỏi:

- Dạo này mày thấy Hoàng Văn ra sao rồi?

Hạ Nhiên nhíu mày:

- Lại mưu mô gì đây bà?

- Mưu mô gì chứ. Tại tao thấy hắn si mày ra mặt, nên hỏi thử.

Hạ Nhiên tỉnh bơ:

- Tha cho tao đi Ngân. Tao chẳng thích dây dưa ba cái vụ yêu đương này chút nào.

- Sao lạ vậy? Mày không sợ bị kêu là con gái có máu lạnh, là trái tim giá băng à?

- Gọi là tảng băng hay là gì kệ tụi họ. Tao miễn quan tâm. Điều quan trọng nhất bây giờ là học tập.

- Thì mầy vẫn mỗi ngày mỗi học đấy thôi.

- Nhưng chưa đủ để tạo chỗ đứng sau này.

Đông Ngân cong môi:

- Lạy trời, học giỏi nhất khoa, mày còn chưa vừa ý nữa sao?

Hạ Nhiên buồn buồn:

- Cuộc đời bây giờ nhiều ngang trái lắm. Biết bao nhiêu anh chị ra trường trước tụi mình, với bằng thủ khoa hạng nhất vẫn thất nghiệp đó thôi.

Đông Ngân thở dài:

- Cũng không trách được ai cả. Xã hội tiến hoá, học trò cũng nhiều, kỹ sư vài ba tấm bằng bây giờ không thiếu gì ở ngoài. Khổ nỗi nhu cầu sản xuất vẫn còn hạn chế các công ty có thể nhận hàng ngàn công nhân chỉ với văn hoá cấp hai. Nhưng lại không thể nhận mười kỹ sư giỏi. Bởi thực tế họ cần lao động chân tay hơn nhận lớp trí thức văn phòng.

Hạ Nhiên đứng lên:

- Tao ra chỗ bán hàng, mày ở nhà nấu cơm nha.

Đông Ngân lười biếng:

- Cách rách mỗi ngày, mày không thấy mệt sao? Theo tao từ mai tụi mình báo cơm phần giá bình dân ăn cho tiện.

Hạ Nhiên lắc đầu:

- Bình dân cũng năm ngàn đồng một đĩa. Thêm bữa sáng hòm hèm hai ngàn nữa, vị chi một ngày mỗi đứa hết mười hai ngàn đồng, chưa kể cả các khoản lặt vặt khác. Bán lụi cụi cả ngày chắc cũng được dăm chục ngàn đồng, thêm tiền vé số nữa cũng đâu được bao nhiêu. Chã lẽ mày muốn làm ngày nào sào ngày ấy?

Đông Ngân chặc lưỡi:

- Sợ mày luôn, tao chỉ muốn gợi ý một chút, mày làm luôn một con tính công trừ kinh tế nhanh như gió. Tao nghe qua dẫu lười nấu cơm cũng phải ráng.

Hạ Nhiên trầm giọng:

- Tao không muốn nhỏ Tuyết buồn, hoàn cảnh nó đang khó khăn, tụi mình nên dành dụm lại giúp nó. Nay người mai ta, chẳng ai trọn vẹn một đời sung sướng, cũng chẳng ai bị trời bắt khổ mãi đâu. Hạ Nhiên đi ra sạp báo, để Tuyết về đi học buổi chiều.

Vừa thấy Nhiên, Tuyết đã nói:

- Chị Nhiên, hôm qua mình bán vé trúng số độc đắc quá trời. Từ sáng đến giờ em được họ cho gần một triệu rồi.

Hạ Nhiên ngơ ngẩn:

- Thật vậy sao?

Tuyết gật đầu:

- Em nghĩ, không chừng xấp vé mình bán cho anh Tín trúng hết cũng nên. Nếu anh ấy ra đây, nhất định chị em ta có lộc.

Hạ Nhiên vui vẻ:

- Số tiền này em giữ lấy mà gởi về cho cha em chữa bệnh.

Tuyết lắc đầu nguầy nguậy:

- Em không nhận đâu, người ta cho cả ba chị em, em không muốn chị Ngân không vui.

- Có gì mà không vui chứ. Đông Ngân tính nết còn dễ hơn chị nữa. Em ở với tụi chị bấy lâu, em không biết hay sao?

Nói riết, cuối cùng Tuyết chỉ chịu lấy hai phần số tiền đó. Lâu nay cô đã chịu ơn hai chị em quá nhiều, cô được cưu mang không còn phải sớm khuya vất vả chạy vạy nữa. Đã thế Nhiên còn thi thoảng cho cô vài trăm ngàn gởi về cho gia đình. Là sinh viên, cô rất hiểu chân giá trị của những đồng tiền ấy.

- Ủa, sao còn ngồi ngẩn ra hả Tuyết? Chiều nay em không có giờ học hả?

Tuyết bối rối:

- Dạ! Em về ngay đây chị. Quên nữa, hồi sáng có một chị đẹp lắm ghé hỏi thăm chị. Em chưa thấy người này lần nào, em đoán chắc không phải bạn chị rồi.

Hạ Nhiên bình thản:

- Cám ơn em, chị sẽ lưu ý.

Buổi chiều việc bán báo thường buồn tẻ hơn nhiều. Do vậy Hạ Nhiên hay tranh thủ lúc vắng khách để học bài. Nhưng hôm nay đã cố gắng hết sức, cô vẫn chẳng thể học được chữ nào cả.

Xếp lại cuốn đề cương chính trị kinh tế. Hạ Nhiên lơ đễnh nhìn ra đường phố.

- Hạ Nhiên!

Nhìn về tiếng gọi, Hạ Nhiên ngơ ngác khi nhận ra Hoàng Văn:

- Anh Văn! Đi đâu đây?

Hoàng Văn tươi tỉnh.

- Tới Hạ Nhiên chơi nè.

Hạ Nhiên cũng cười:

- Chỗ này mà nói chuyện, chơi bời cái gì. Văn không thấy Nhiên nghèo đến thế nào sao?

Hoàng Văn dí dỏm:

- Ngồi bán giùm Nhiên không được chắc? Dạ, mời anh, dạ vé số chiều nay sổ đấy ạ. Còn vài tờ này, anh mua giùm luôn đi. Dạ, cám ơn anh.

Đợi người khách đi khuất, Hoàng Văn nhìn Hạ Nhiên:

- Sao hả, liệu 'chủ quầy' có dám thi nhận tôi không?

Hạ Nhiên che miệng cười:

- Văn, không ngờ cũng khéo miệng ghê nơi. Nhưng chỉ đùa vui thì được, chứ để ông ngồi bán hàng đây hả, tôi dám bị cha ông đến đây tùng xẻo quá.

Văn rún vai:

- Tại Hạ Nhiên quan trọng vấn đề quá đó, chứ con người đâu phải khí trời. Phải làm lụng mới sống được chứ, phải không nào.

Hạ Nhiên lí lắc:

- Điều ấy tất nhiên là đúng rồi. Nhưng với ai thì chấp nhận được, chứ anh là 'cục cưng' của ba mẹ anh, một đời không dám làm hỏng đầu móng tay. Em đâu ngu để bị trách mắng chứ.

Văn cười ngất:

- Ôi lớp trưởng ơi, sao lúc nào bà cũng khắt khe với tôi quá vậy? Người ta đường đường là một đấng nam nhi, bị bà coi y như tiểu thư khuê các vậy. Chán ghê!

Cả hai vui vẻ chuyện trò, cho đến khi chiều xuống.

Hoàng Văn phụ dọn hàng với Nhiên, anh đùa:

- Hôm nào, Hạ Nhiên cũng cho Văn được phụ Nhiên như vậy, thì cuộc đời vui lắm đó.

Hạ Nhiên tươi cười:

- Đa tạ tấm lòng tốt của anh, Nhiên không dám đâu, hơn nữa ngày mai tới lượt Đông Ngân đứng bán hàng, anh có nhã hứng cứ việc tới, Đông Ngân thích anh lắm đó.

Hoàng Văn cười lãng:

- Bạn bè học chung, ai Văn cũng coi như nhau cả thôi. Nhiên đừng nói như thế, Văn buồn.

Cả hai đạp xe đi bên nhau trên con đường rợp bóng cây.

Hạ Nhiên lơ đãng:

- Nhiên cứ nghĩ hoài không tìm ra được câu trả lời. Tại sao Văn thừa khả năng mua xe máy đi học lại cứ lóc cóc đạp xe là sao nhỉ?

Hoàng Văn tỉnh bơ:

- Tại mấy người đều đi xe đạp cả, nhìn dễ thương và thân mật. Hoàng Văn muốn được hoà chung không khí ấy.

Hạ Nhiên le lưỡi:
- Chứ không phải ông cũng thích lang thang vô các quán cóc với tụi này hả?
Văn nhận xét:
- Nhưng dạo này, Văn đâu còn thấy hai người ghé quán nữa, sao vậy?
Hạ Nhiên buồn buồn:
- Bởi thời gian của tụi nhiên đã được trải kín từng giờ, còn rảnh đâu mà dám đi chơi nữa.
Văn nhìn Hạ Nhiên:
- Hạ Nhiên định đi đâu nữa?
Hạ Nhiên từ tốn:
- Cám ơn anh đã đến với Nhiên buổi chiều nay, chúng ta không còn bao nhiêu thời gian nữa, những giây phút gần gũi bạn bè, với Nhiên như là những kỷ niệm đẹp. Nhiên ghé bưu điện có chút việc.
Dứt lời, Hạ Nhiên đạp mạnh pê đan, chiếc xe như biết nghe tâm sự của cô chủ, lao nhanh vào dòng xe cộ, và thoáng cái đã đi qua vạch đỏ đèn đường.
Văn đành ngẩn ngơ vòng xe lại.
Hạ Nhiên dừng xe ở bưu điện, cô đến quầy điện báo đọc số điện thoại.
Phải ngồi chờ khá lâu, chuông mới reo.
Hạ Nhiên nhấc máy lên.
Thật may cho cô, hôm nay Thiên Hồng không đi làm, con bé ở nhà.
Hạ Nhiên kêu lên:
- Là chị Nhiên đó Thiên Hồng. Em không đi làm hả?
Giọng Thiên Hồng vui thật vui:
- Ôi chị, em đang nằm nhớ đến chị, không ngờ chị đã biết để gọi cho em, em mừng quá.
- Mợ còn tìm đến quấy rầy em không?
Thiên Hồng buồn nghiến:
- Em không dám cả đi ra đường, đã ba ngày rồi em phải trốn trong nhà. Cũng may mẹ em chưa tìm được nơi này. Em đang bối rối lắm.
Hạ Nhiên bặm môi:
- Ngay sáng mai, em nhất định phải vô đây với chị nghe không.
- Nhưng chị đang đi học, em đâu để phiền chị được.
- Yên tâm mà vô đây Hồng ạ. Chị đã tìm cho em một công việc thích hợp, chị cam đoan em thích nó.
- Nếu thế, em sẽ vô với chị.
- Khi nào lên tàu, hãy điện thoại cho chị, chị sẽ ra đón em tại ga, nhớ nhé!
Dặn dò thêm Thiên Hồng vài câu nữa, Hạ Nhiên mới cúp máy.
Buổi chiều, thành phố có vẻ mau tối hơn so với ở quê cô.
Chậm rãi, Hạ Nhiên quay trở về nhà trọ. Giờ này chưa thấy cô, chắc hai nhỏ nha đầu đang luýnh quýnh lên tìm cô.
Làm thêm được một việc có ích, cô thấy cuộc đời như có ý nghĩa hơn.
Cô càng muốn sớm tự tay làm chủ cuộc sống của mình.
Trong chiếc đầu nhỏ bé của cô, đã chứa đầy những tính toán cho ngày mai. Nhất định cô phải là cô, là một giọt nắng trong nhất giữa bầu trời mùa hạ đầy tiếng ve.
Diễm Thanh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...