Bút nghiên 3
CHƯƠNG II
Hai tháng sau, một hôm Tâm đang ngồi đọc bộ "Thi
Lâm" thì thấy ông Lý Tưởng ra. Chàng vội chào rồi hỏi dồn:
- Thầy ra chơi hay có việc gì thế thầy? Mẹ con có khỏe không?
Lúa má độ này thế nào?
- Ở nhà bình yên cả, lúa má năm nay thuận mưa tốt lắm. Tôi ra
ngoài này chơi thăm anh và mang cho anh tờ giấy sức này!
- Tờ sức gì thế hở thầy?
- Tờ sức về kỳ thi khảo vừa rồi! May quá, cả làng mừng! Con
được đỗ đầu con ạ! Đỗ đầu cả Tỉnh.
- Đâu? Thầy đưa tờ sức cho con xem.
Ông Lý giở vòng khăn lượt trên đầu, mở nếp ra lấy một tờ giấy
gập làm tám nép chặt vào nếp khăn, ông đưa cho Tâm. Tâm cầm lấy mở tờ giấy ra,
chữ thảo múa mang, dấu son đỏ se cả, chàng đọc:
"Hàn Lâm Viện Thị Độc lĩnh Nghĩa Hưng phán phủ Huấn Đạo
Quan Trần, thông sức Phú Lão Tổng, Thịnh Hậu Xã chu trì, tư thừa Tỉnh Đường Học
Chính lục sức bản hạt trúng khảo khóa sĩ nhân danh sách, chiếu đặc y xã nhân
Nguyễn Đức Tâm niên canh thập ngũ tuế, thiếu niên mẫn tiệp, danh quán quần
mông, nạp quyển chi hậu, hựu đắc Thượng quan triệu nhập diện hạch văn tài lưu
loát, mông ân ưu thưởng, tư sức y xã đồng dân chu trì, rĩ khuyến hậu lai tu chi
thông sức giả.
Tự Đức thập ngũ niên, tứ nguyệt, thập nhị nhật. Thư lại Nguyễn
Bích phụng thảo"
Dịch ra quốc văn:
"Quan Hàn Lâm Viện Thị Đốc, lĩnh chức Huấn Đạo phân Phủ
Nghĩa Hưng họ Trần, thông sức cho lý dịch xã Thịnh Hậu, Tổng Phú Lão tuân, nay
nhân theo Nha Học Chính Tỉnh Đường lục sức danh sách những người trong hạt ta
trúng kỳ khảo khóa này, xem có tên đỗ đầu tức là người xã ấy tên là Nguyễn Đức
Tâm, mười lăm tuổi, tuổi trẻ tài nhanh, danh trùm mọi trẻ, sau khi nộp quyển lại
được các quan trên triệu vào diện hạch, văn tài trôi chảy, mông ơn được ưu thưởng,
vậy sức cho lý dịch xã ấy chuyển bảo cho đồng dân đều biết, để khuyến mọi trẻ
sau này. Vì vậy phải thông sức.
Hoàng hiệu Tự Đức năm 15, tháng 4, ngày 12
Thư lại Nguyễn Bích thảo"
Quan Huấn phê một chữ "chiếu" dài.
Tâm đọc xong tờ sức, gập lại đưa giả ông Lý rồi hỏi:
- Ở làng người ta có nói sao không thầy?
- Giấy sức về ai cũng mừng. Có một vài đứa xấu bụng ghen ghét
phao những tin ám muội. Nhưng mồng một hôm nọ nhân kỳ lễ sóc, đông đủ các cụ
quan viên, đồng dâng chiếu lệ làng, trừ cho con mọi công sai, tạp dịch. Thôi đỗ
đặt chưa đến, nay hẵng cứ dần dần như thế cũng vẻ vang với làng nước và bõ công
thầy mẹ nuôi con đi học.
- Ấy sao thầy lại nghĩ thế. Mình bằng lòng với sự ít như vậy
thì còn mong đỗ cao làm sao được.
- Nhưng mà chưa có hoa, ta hãy mừng nụ đã. Con xem cả làng ta
hiện giờ đã có ai được trừ như thế chưa. Trước kia mới có ông Đồ Thức được
thôi.
- Đã đành thế, nhưng mình đi học phải mong Cử Nhân, Tiến Sĩ
chứ cần gì cái vặt ấy. Lạy Giời lạy Phật, đi hạch cũng đỗ mà Thi Hương cũng đỗ
cho, thì còn mừng chán. Dạo này nắng, thầy về đánh cho cái bia lều. Đã có cậy
chưa nhỉ?
- Cậy tháng bảy, tháng tám mới có chứ. Về dạo ấy hẵng đánh,
đánh sớm nó nhầu nát đi.
- Bao giờ cũng được. Thầy chọn tre để sửa gọng lều và đóng
chõng cho con nhé. Thầy để ý cho con việc ấy đấy. Cuối năm nay đã thi hạch rồi.
- Được rồi, bao giờ cậu đi là có sẵn tất cả.
° ° °
Tháng mười năm ấy mùa gặt vừa xong, giấy sức đã về khắp cả
các làng báo cho sĩ tử biết kỳ thi hạch sẽ mở vào ngày mồng một, tháng một để
chọn những học trò đủ sức vào dự kỳ Thi Hương năm Mão sắp tới. Kỳ thi hạch cũng
do Quan Đốc Học mỗi Tỉnh chỉ định lấy. Cách thức kỳ thi này khó hơn kỳ khảo nhiều.
Đầu đề phần nhiều ra tương tự như đề mục Thi Hương. Muốn cho việc chấm được
công bằng, người ta thường rọc phách của quyển rồi bỏ cả vào một hòm gửi đi Tỉnh
khác đổi lấy bài nơi khác về chấm. Những người trúng hạch gọi là thí sinh, tức
là người đi thi (candidat admissible au concours triennal)
Mồng một tháng một, ông Lý Tưởng thành tâm sửa một lễ chay đủ
xôi gà oẳn quả, năm trăm vàng hoa, một thẻ hương tầu bầy vào một cái quả phù
trang để đưa Tâm ra lễ Đức Thượng đẳng tối linh ở đình làng, cẩu khẩn ngài phù
hộ độ trì cho sở cầu như ý, sở nguyện lòng Tâm...
Quỳ trước bàn thờ, trông lên hương án vàng son chói lọi, khói
hương nghi ngút cuồn cuộn bay lên tản mát cả trong chính tẩm, Tâm chắp tay lâm
râm khấn, tâm tâm niệm niệm thành kính cầu Đức Thượng Thần trong làng hết sức
tin tưởng ở sự mầu nhiệm của ngài. Khấn xong, chàng khom khom giơ tay phải giọt
ném hai đồng tiền trinh lên cái đĩa để trên chiếu xin một đài "âm
dương" chứng tỏ sự bằng lòng của đức tối linh. Hai đồng tiền rơi xuống
quay quay tít, rồi dần dần nằm im hẳn trên đĩa, một đồng ngửa, một đồng sấp.
Nhìn hai đồng tiền song song đối nhau, Tâm thỏa thích lắm, để tiền lên hương án
rồi lễ tạ bốn lễ. Thế là Tâm được yên lòng ra đi với một vẻ tự tin mãnh liệt.
Hôm sau, mồng hai, Tâm đi sớm. Ông Lý Tưởng cùng với chú cu
Thìn đem lều chõng đưa chàng đến tận trường. Một tấm bia to hơn cái chiếu phết
bằng cậy, hai mép viền vải để căng, che mưa gió. Bốn cái khung bằng tre mật vót
rất nhẵn nhụi để cắm xuống bốn con cá đóng bám ở mỗi bên thang chõng. Mỗi khung
lại có ba cái ống tre luồn vào để uốn cong cho dễ. Khung ấy cuộn vào với tấm
bia vác lên vai rất tiện. Cái chõng tre thanh thấu nhẹ nhõm, vừa một người nằm
để cậu thí sinh nằm đấy mà viết bài. Ông Lý để mọi thứ ấy lên vai chú cu Thìn
và nói:
- Lều chõng này là lều chõng cử nhân đấy chứ chẳng phải chơi.
Tâm vội nói gạt:
- Thầy chỉ được cái chưa chi đã nói trước!
Rồi cả bọn ba người ra đi với một vẻ hoan lạc riêng.
° ° °
Sáng sớm tinh mơ, các học trò đã tề tựu đông đủ ở phía Đông
trường thi, trước lối vi Giáp, thật là nhung nhúc như đàn kiến tha mồi chen
chúc nhau mà đứng. Ai nấy đều ôm lều vác chõng, cổ đeo một cái ống quyển. Ống
quyển là một cái ống gỗ có nắp hẳn hoi, tựa như cái ống bút cậu học trò, để đựng
quyển thi, đầu và đít đều có hai bên hai cái móc đồng để luồn dây qua đeo vào cổ,
quay chéo xuống nách. Những người giầu có, những con nhà quan cách đều có người
nhà đầy tớ vác lều chõng và mang nắm cơm bình nước theo sau. Mọi người đều
ngóng đợi, thì thầm:
- Các quan chưa đến kia nhỉ?
- Sắp đến Dần sang Mão rồi còn gì!
- Còn chờ sĩ tử đến đủ đã chứ!
- Lại còn chưa đủ à. Đông chen chúc như thế kia còn gỉ nữa!
Năm nay còn đông hơn năm Hợi trước nhiều!
- Chuyện! Số học trò mỗi ngày một đông lên chứ.
Bỗng vẳng có tiếng trống tiêu cổ đưa lại:
- Bong! Bong! Bong! Bong!
Mọi người đều lắng tai nghe:
- Gì như tiếng trống các quan tiến trường ấy nhỉ?
- Chính phải rồi. Ta giãn ra để lấy lối các Ngài vào.
- Không các Ngài đi lối trên, tiện vào cửa tả nhị kìa. Đấy tiếng
trống nghe gần gần rồi đấy. Mọi người chạy ùa ra ngó chỉ còn thấy mấy tên lính
vác lọng đứng ở ngoài, võng Quan Đốc vừa chạy tuột vào trong vi tá rồi, còn các
Quan Giáo Thụ, Huấn Đạo đi bộ cũng đang lục tục vào hết.
- Sắp vào trường rồi, các anh em ạ.
Người nọ nói chuyện với người kia, đang nhốn nháo chờ đợi thì
cửa vi xịch mở, một người lính vác loa đồng ra để vào miệng múa một vòng rồi gọi:
- Oà! Sĩ tử các nhập!
Tức thì ai nấy đều chen nhau dồn cả đến lối vào. Bọn lính đứng
khám lều, chõng, lục lọi ống quyển để ngăn cấm sự mang văn bài làm sẵn vào trường,
chỉ kịp xem xét qua loa cho xong chuyện vì làn sóng người ở ngoài cứ cuồn cuộn
tràn vào không tài nào mà ngăn cản được. Những lều chõng đều phải giơ lên trên
đầu người tua tủa, trông ngổn ngang rối rít. Tiếng những người bị chen ngạt quá
kêu oái oái, lấn át cả tiếng gọi nhau, hỏi nhau. Cái cảnh tượng ấy diễn ra đến
nửa tiếng đồng hồ mới hết. Những người đã vượt qua cổng vi rồi, đi tìm chỗ để chõng,
cắm lều. Những người quen nhau cùng ở một làng, cùng học một trường hay có cả một
bọn thầy trò cũng tìm nhau cắm lều liền nhau vào một chỗ để họp nhau bàn bạc.
Nhiều những tay lão luyện mà chưa có cái may mắn đeo cái danh ông Tú đều đua
nhau mà làm gà (làm thầy thay hộ người khác) để kiếm lợi, khỏi lỗ vốn tiền đi
và thừa tiền ché chén ở phố phường, lại có thêm tiền mang về cho vợ, mỗi quyển
ba quan, năm quan, chục quan, tùy giá và tùy mặt. Còn quyển của mình làm lạo thảo
về sau thế nào chẳng trôi, văn bài của những bậc ấy vốn đúng lề lối mẫu mực rồi
kia mà!
Cho nên khi đề mục đã niêm yết rồi, mọi người đã đi chép về rồi,
thì là lắm người chăm chăm viết lấy lệ để đợi bài của người khác đưa cho. Họ chạy
lại, họ hỏi han, gần gần như ở nhà vậy.
Tâm hì hục mãi mới cắm xong lều, để chõng ngay ngắn lại rồi
chễm chệ ngồi xếp bằng tròn rung đùi, ở ngay cửa lều, nhìn tất cả mọi lều. Có
ông già đang cúi xuống nói thì thầm với một người trai trẻ. Có ông Đồ đang loay
hoay ráp rất nhanh, có những chàng thanh niên thì thụt rụt rè chạy sang hỏi một
vị đàn anh đang ngồi gật gù đọc. Tất cả đều đang làm việc hăng hái mải miết cả.
Tâm trông họ chán, chợt nhớ đến mình, chàng lấy quyển ra viết. Chàng nghĩ:
- Rõ ác chữa, giá năm nay bà đừng mất, cậu Đồ Trí cùng đi hạch
với mình, có phải mình làm nhẹ như tên!
Nhưng chàng lại nghĩ lại ngay:
- Không, mình đi học cốt để đi thi, chứ có phải cần lấy cái
danh hão như họ đâu, mà mong ước ông Đồ đi làm giúp! Rõ lẩn thẩn?
Chợt đằng sau có tiếng gọi:
- Cậu Tâm, cậu Tâm! Chép đầu bài chưa?
Tâm ngoảnh lại, nhận ra cái người gọi mình là Nhất Phiêu học
trò Cụ Nghè, đồng thời trông thấy cả bọn sáu bảy người, đều là bạn học cả.
Chàng muốn chạy ngay ra họp mặt với họ, nhưng chợt nghĩ rằng nếu lại với họ, tức
tỏ ra mình hèn, mình dốt, chả bõ để họ cười cho. Nên chàng lại thôi. Chàng tự
nhủ:
- Mình đã nghiệp dĩ đóng lều ở đây rồi, không đi đâu cả. Đứa
nào muốn đến thì đến, chẳng cần thằng nào hết.
Nhất Phiêu tưởng Tâm chưa nghe thấy câu hỏi, vội nhắc lại:
- Cậu chép đầu bài chưa?
- Chép rồi, nhưng chưa nghĩ được chữ nào.
- Cậu mà chưa nghĩ được, thì người ta đều hỏng hết à?
- Đại huynh cứ dạy quá thế, chứ đệ khôn nhà lú chợ là thường.
Rồi Tâm nằm xuống viết bài. Thỉnh thoảng lại có người chạy đến
thì thầm hỏi một đoạn trong "tứ thư" mà họ quên khuấy đi mất. Tâm vui
vẻ nhắc họ những đoạn mà chàng nhớ. Mà phần nhiều chàng nhớ hết. Vì đã từ lâu
ông Đồ Trí bắt chàng học làu như cháu trơn, như chôn hẳn vào ruột. Nhưng sau,
Tâm mải nghĩ bài mình cho thật hay, thấy họ cứ luôn quấy rầy, chàng dần dần đổi
tính và không thể chiều họ mãi được, lắm lúc đâm bẳn nói một vẻ gắt gỏng mà họ
vẫn không nể gì, cốt trơ mặt hỏi được thì thôi. Bởi vậy, có lúc chàng bực lắm,
chỉ đợi đến một dịp là nó nổ bùng ra. Cái dịp ấy đã đến. Chàng đang mải viết nắn
nót bài phú cho đẳng tả, óc đương chữa lại câu văn thì đằng sau có tiếng gọi:
- Này! Này! Ngồi dậy.
Tức quá chàng gắt một thôi:
- Hỏi đếch gì mà hỏi mãi, có yên để cho người ta làm xong bài
không nào? Hay muốn cho người ta ngoại hàm thì bảo? Người ta là đầy tớ nhà các
người đấy à?
Đằng sau có tiếng vừa cười vừa nói:
- Ơ hay! Cái bác này điên à? Mải gì mà mải thế?
Tâm càng tức nữa:
- Phải người ta điên! Người ta điên vì không bảo được các người.
Bấy giờ lại có bàn tay đập vào lưng và nói:
- Ừ thì bác không điên! Đưa quyển đây tôi đóng dấu giáp phùng
(là dấu đóng rìa để đè lên hai mép giấy giáp nhau để không xé được) cho nào.
Tâm giật mình đánh thót một cái và ngồi nhổm dậy, trông thầy
viên thư lại đi đóng dấu, chàng nhăn nhó mặt, chắp tay vái và nói khó:
- Lạy ông, xin lỗi ông, tôi mải để ý vào bài quá. Thành phạm
đến công việc ông. Xin ông đại xá cho!
- Nào ai làm gì cậu đâu. Cố làm đi lấy đỗ nhé. Đỗ cho tôi uống
rượu với. Không mấy, độ hai năm sành với chục đậu rán thôi!
Nói đoạn viên thư lại đi sang lều khác.
Tâm nói theo:
- Xin đội ơn ông lắm.
Rồi chàng nằm xuống viết. Từ đấy chàng không dám nói một câu
nào. Mà cũng không còn ai dám chạy đến hỏi chàng câu gì nữa. Chàng được yên
thân. Nhưng trong bụng thì bối rối. Chàng vẫn biết viên thư lại kia không làm
gì mình, mà cho rằng hắn có ý muốn gì chăng nữa, thì cái lúc hỗn xược kia đã
qua rồi, không còn bằng chứng gì, hắn cũng chẳng làm gì nổi mình. Thế mà chàng
nghĩ vẫn thế nào ấy, trong lòng chỉ phập phồng lo việc gì xảy ra. Chàng nghĩ bụng:
- Không đỗ kỳ hạch này thì không được đi thi. Lại phải đợi ba
năm nữa! Thế thì chết! Không dù sao mình cũng phải làm bài văn cho hay!
Chàng bình tĩnh lại, viết quyển rất cẩn thận. Được một lúc
lâu, chàng thắp bút lại, ngồi lên bửa nắm cơm ra ăn. Ăn xong, tu một mạch nước ở
cái bình sứ, xúc miệng đâu đấy rồi lại nằm xuống viết. Viết hết quyển, chàng vuốt
phẳng phiu lại đem lên nộp. Đoạn chàng giở xuống thu lều chõng ra về...Lúc ấy
chàng lại nhớ đến cái việc xảy ra ở trong trường. Chàng hối hận đã nóng nảy và
ích kỷ quá để đến nỗi thất lễvới một người thừa hành công vụ. Chàng quyết định
từ nay không bao giờ như thế nữa. Đọc nhẩm lại bài thi, mừng bài văn trôi chày
như vậy, ý văn rõ ràng như vậy, làm gì mà không chắc. Nhưng hễ nhớ đến viên thư
lại thì lại đâm lo!
CHƯƠNG III
Luôn mười hôm giời, Tâm phải lo âu sậm sột. Mười hôm giời chờ
đợi dài đằng đẵng như mười tháng. Cứ hai ba ngày một, nhằm vào hôm không phải
đi học, Tâm lủi thủi từ nhà trọ lần ra đến cổng trường thi ngóng bảng. Nơi trường
thi vẫn vắng vẻ tiêu điều dưới gió đông ủ rũ. Thỉnh thoảng một đứa trẻ kiếm củi
đi qua, vơ lá khô sào sạc và bẻ những cành củi nỏ răng rắc. Tâm lại rẽ qua dinh
quan Đốc học, may ra có bảng treo ở đằng ấy. Nhưng đến nơi vẫn không thấy gì,
chàng lại thui thủi ra về. Những người quen biết gặp, vồn vã hỏi:
- Kìa cậu Tâm đi đâu về đấy. Rước cậu vào chơi tôi đã.
Tâm thoái thác đáp lại:
- Đệ đi chơi đòi quyển sách về. Thôi cám ơn quan bác xin để
khi khác, đệ đương vội.
- Gớm vội gì vậy. Vội về làm văn hay vội về ai đợi?
Tâm mỉm cười không đáp, rảo cẳng đi chỉ sợ người ta biết mình
đi xem bảng về, người ta cười chết. Về đến nhà nhọc quá, chàng nằm xuống giường
ngủ thiếp đi, đến khi nhà trọ phải gọi dậy ăn cơm tối chàng mới tỉnh. Đến ngày
mười bảy tháng một, tức là ngày thứ mười một, Tâm chán không buồn đi nữa, quyết
đợi hẳn hôm nào có bảng hãy ra. Chàng đang nằm ở nhà thì thấy ngoài cổng có người
hỏi ông Phó Liên:
- Ông Phó ơi ông Phó. Bác Tâm có nhà không?
- Ai đấy? Ơ thầy Cả Mẫn đó à? Có ạ, thầy ấy có ở nhà, đang nằm
xem sách, mời thầy vào chơi!
- Ông vào bảo bác ấy đỗ đầu xứ rồi. Gớm gan nhỉ.
- Thế à? Có bảng rồi hả?
- Có rồi ông ạ. Đỗ được độ bốn trăm người.
Tâm ở trong nhà chạy bổ ra. Mẫn trông thấy vội reo lên:
- A ha! Ông đầu xứ bé con đây rồi!
Tâm chưa tin, tươi cười nói:
- Quan bác lại xỏ đệ rồi. Làm gì có của thế!
Mẫn lấy vẻ đứng đắn cãi:
- Không tin thì bác đi mà xem bảng lấy.
- Ừ, để tôi phải đi ra xem sau bảng nào.
Tâm hăm hở khoác áo đội nón ra đi. Giữa đường gặp những bạn ở
Tỉnh về đều nói chàng đỗ đầu xứ, chàng vẫn còn hơi ngờ, chàng cắm đầu rảo bước
cho mau đến nơi xem hư thực thế nào. Từ xa, đã thấy tới tấp những người quanh cổng
trường thi. Chàng chạy một mạch tới, lấy đầu húc qua hàng người mà chen vào gần
bảng. Chợt có người nói:
- Này các ông lui ra cho ông đầu xứ bé con ông ấy vào xem bảng.
Tâm chắc chắn là mình đỗ rồi, chen không hăng nữa. Nhưng lúc ấy
mọi người đã giãn cả ra thưa thớt. Tâm ung dung lại gần ngửa mặt lên nhìn thấy ở
dòng đầu tên mình và quán chỉ, chàng mừng quá tưởng chừng đến rú lên cũng chưa hết
sự vui mừng tràn lan ra tất cả, chàng nhìn chung quanh cái gì cũng đẹp đẽ vui
tươi. Ở ngoài văng vẳng có những tiếng đưa lại:
- Ông đầu xứ kỳ này trẻ nhỉ?
- Như thế làm gì đi vào Thi Hương chả lấy ăn đứt cử nhân.
- Này các cô đi xem thi kén chồng ra mà ngó mặt ông đầu xứ, rồi
theo ông ấy về xin nâng khăn sửa túi, sau tha hồ sung sướng, võng anh di trước,
võng nàng theo sau...
Tâm nghe thấy những câu nói về mình như vậy ngây ngất cả người,
không hiểu gì cả. Các bạn thấy chàng đứng đấy lâu quá, vội chạy vào giục, có kẻ
trêu đùa:
- Sướng nhé, đỗ đầu rồi còn đứng làm gì đây. Đứng cho các cô ấy
biết mặt biết tên à? Thôi đi về đi.
Rồi họ kéo Tâm lách qua đám đông người ra, đi đâu cũng được
người ta trầm trồ khen ngợi. Về đến nhà chàng tức khắc vào trình Cụ Nghè. Cụ đã
được tin từ trước, thấy chàng vào vui vẻ đón tiếp và khen ngợi.
Tâm lễ phép thưa:
- Bẩm thầy, con được như thế này đều nhờ ở công thầy dạy bảo.
Mà con chưa có gì đền đáp ơn sâu! Mới có đầu làm lễ bái tạ thầy.
- Anh cố học đi, đến khoa thi lại đỗ đầu như thế, để làm vẻ
vang cho anh và cho cả trường.
- Bẩm vâng, con xin lĩnh giáo!
Hôm sau Tâm xin phép nghỉ về làng. Được tin cả họ hàng quen
thuộc đều đến mừng, ai nấy hoan hỉ ca tụng trí thông minh của Tâm. Ông Lý phải
mổ lợn làm tiệc đãi bà con, ăn uống linh đình, chuyện trò vui vẻ. Ông lại không
quên sửa một lễ thanh khiết ra tạ Đức Thượng đẳng tối linh đã phù hộ cho Tâm bước
đầu may mắn. Những người khá giả trong họ ngoài làng đều đem lễ vật tiền nong đến
mừng Tâm, mong chàng sau này làm nên chớ có quên họ hàng làng nước. Ở nhà xong,
Tâm xuống Mỹ Lương chơi thăm ông Đồ Trí. Ông Đồ cũng biết tin cháu đỗ rồi, gặp
cháu ông mừng lắm, ông nói với mọi người đến chơi vì nghe tiếng có Tâm về:
- Đấy các ông tính tôi nói có sai đâu, tôi biết cháu tôi thế
nào công danh nó cũng sớm phát hơn tôi. Đã đầu xứ kỳ hạch thì đi thi dễ đỗ, ấy
là năm nay tôi cư tang, giá đi những kẻ ghen tị lại bảo là tôi gà hộ.
Ai nấy đến chơi đều khen, đại khái:
- Quý hóa quá nhỉ, vùng này tôi chưa thấy có ai đậu sớm như cậu
đấy.
Ông Chánh Bá cũng sang chơi ngay. Ông lại nói chuyện với ông
Đồ và Tâm lâu hơn hết. Vì từ năm ngoái đôi bên đã ngỏ lời đính ước nhau rồi. Xế
chiều, ông mời cả ông Đồ và Tâm sang chơi. Hai người cùng đứng dậy theo ông.
Lúc đi qua nhà dưới Tâm nói với ông chủ nhà:
- Cháu xin phép ông, sang chơi bên Cụ Bá với Thầy Đồ một lát ạ.
Ông kia đon đả thưa:
- Tôi không dám, xin rước thầy và cậu sang chơi bên ấy. Kính
chào cụ về.
Ông Bá vồn vả nói:
- Không dám chào ông, thế nào lát nữa cũng mời ông sang chơi
nhé.
- Bẩm vâng ạ!
Ba người phải đi qua đường cái mới rẽ vào được cổng nhà ông
Bá. Các cô gái làng trẻ tuổi trông thấy, nói chuyện với nhau có vẻ hằn học:
- Họ sang ăn hỏi cô Mai đấy.
- Phải, còn ai tranh được với cô Mai nữa, vừa đẹp vừa bề thế.
Những người nhớn tuổi lại bình phẩm khác:
- Ghê thật, cậu ta vừa đỗ đầu xứ là họ vồ ngay lấy.
- Thôi còn ai khôn bằng ông Bá làng ta nữa. Làm Chánh Tổng mười
năm nay, lõi đời chán rồi, ông ta săn đón trước là có chạy đằng giời!
- Coi như hai cô cậu cũng phải lòng nhau từ trước cho nên nói
đến chuyện được lấy nhau họ mừng rơn lên lại còn!
Ba người đã qua cổng vào đến sân. Những người làm trong nhà đều
ngừng việc đứng lên chào:
- Bẩm thầy ạ!
- Chào thầy ạ!
- Chào cậu!
- Chào cậu!
Rồi họ trố mắt nhìn Tâm và mỉm cười. Tâm thẹn cúi gầm mặt xuống.
Hai người đã an vị trên bộ trường kỷ trong nhà khách, ông Bá sắp khay chén ra để
trên bàn, rồi đi ra ngưỡng cửa gọi vói xuống dưới nhà:
- Mai ơi, Mai! Con đun cho thầy ấm nước sôi nhá rồi con mang
lên đây thầy bảo.
Một lúc sau, Mai đem ấm nước lên, ngập ngừng đứng nhú nhí
chào ông Đồ:
- Bẩm thầy ạ!
Nàng không chào Tâm, nhưng ngước mắt nhìn gặp ngay mắt Tâm
đang say sưa nhìn lại, nàng bẽn lẽn cúi đầu đi lại gần ông Bá, ông dặn nàng xuống
làm cơm thết khách. Nàng vâng lời lui ra đi qua chỗ Tâm, hồi hộp quá nàng phải
vượt mau vội bước qua cửa chạy xuống nhà dưới. Tâm được nhìn dung nhan Mai đẹp
bội phần hơn trước, chàng rất sung sướng sẽ được đẹp duyên với con người kiều
diễm ấy. Cho nên ngồi ở nhà khách, chàng vẫn lắng tai nghe cái tiếng dịu dàng của
Mai sai bảo ở dưới nhà. Trong lòng chàng đã phác họa sẵn một cái cảnh đôi vợ chồng
đoàn viên vui vẻ. Hình ảnh Mai lúc nào cũng theo dõi chàng và khích lệ chàng
hăng hái học hành, ganh đua ở Trường Cụ Nghè.
° ° °
Sau kỳ hạch ấy, cứ ba tháng một, Cụ Nghè lại mở một kỳ thi Tịch
Thượng cho học trò cụ và cả những người không phải học trò cụ mà muốn đua tài
thử sức với anh em lều chõng. Thi Tịch Thượng tức là thi thử mở theo như thể thức
Thi Hương, có ba kỳ đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và một kỳ Phúc Hạch, Tịch thượng nghĩa
là làm ngay ở trên chiếu, không được mang về nhà, hạn đúng một ngày như ở Thi
Hương vậy. Kỳ Tịch Thượng thứ nhất mở vào tháng hai, ngày mồng hai vào kỳ đệ nhất,
ngày mười hai kỳ đệ nhị, ngày hăm hai kỳ đệ tam và ngày hăm sáu, Phúc Hạch, cho
đến mồng một tháng ba là yết bảng.
Hôm mồng hai, học trò các nơi và cả hai lớp đều ngồi tụ tập
đông nghịch cả sân. Hai dẫy nhà của Cụ Nghè đã dọn đi hết đồ đạc để giải chiếu
càn lan cho học trò nằm viết. Mặt giời vừa lên cao quá ngọn tre, có lệnh truyền
tất cả các học trò đều phải vào ngồi trên chiếu hết lượt. Một lúc sau Cụ Nghè
và mấy ông Huấn, ông Cử, bạn cụ cùng với ông Thủ Khoa con cụ, đi lên. Ai nấy đứng
dậy chào. Cụ ra hiệu bảo ngồi xuống. Rồi cụ sai người đem treo hai nhà hai cái
bảng đề mục, kỳ nhất có bẩy bài kinh nghĩa, năm bài kinh và hai bài truyện. Một
người đi chép đầu bài chuyển cho chau. Họ bàn tán và nói chuyện với nhau rất
thân mật, vì ở đây đều là anh em quen biết cả. Cũng có lúc họ chen nhau. Cũng
có người ác giầu nhay hay bảo sai nhau. Nhưng ai nấy đều chăm chỉ, không làm ồn
ào trật tự trong trường, vì ai ai cũng đều một mực kinh sợ Cụ Nghè và ai củng đều
chỉ nghĩ đến bài văn của mình sao cho khá, cho hay. Họ làm mải miết đến quá chiều
mới xong đem nộp quyển rồi ra về cứ từng bọn một, bọn nào đi với bọn ấy nói
chuyện bàn tán mãi về cuộc thi. Có người quá ghen với Tâm xui anh em:
- Này các ông ạ. Lớp này chúng mình phải làm sao giữ thằng
Tâm không cho nó lên được, chứ tức lắm. Nó đỗ đầu hai kỳ khảo, hạch, bây giờ nó
lên như riều, có vẻ khinh miệt cả chúng mình.
- Nhưng giữ hắn thế nào được! Hắn đã lên thì chúng mình cũng
đành thúc thủ thôi.
- Ồ có thể chứ, nó được cái nhanh trí nhưng hay quên. Hôm nay
tôi thấy nó phải đi hỏi hai ba lần. Kỳ sau chúng mình bảo nhau kệ xác nó là nó
chết đấy! Có phải không?
- Ừ! Để xem sao đã!
Ngày mười hai, kỳ đệ nhị, lại tất cả những người có mặt kỳ
trước đến dự. Vì là thi thử ở nhà nên không có loại, người nào cũng được thi cả
bốn kỳ để xem rõ sức cao thấp. Bởi vậy, lắm người ốm mệt cũng phải cố gượng đến
làm cho trọn bài. Tâm ở vào số người ấy. Hôm trước, chàng cảm sốt nhức đầu, buốt
xương, ông Phó Liên phải xuống mãi dưới Tỉnh lấy thuốc. Thế mà hôm nay, chàng
cũng cố gượng đi. Ông Phó đã can:
- Thôi, hay cậu ở nhà thôi. Để tôi ra trình cụ cho. Thi thử ấy
mà cần gì. Nhỡ ra cảm nặng vào thì oan gia!
- Không, ông cứ để kệ tôi đi. Không có thua các bạn thì tức lắm.
Họ có biết đâu rằng mình ốm. Thế là chàng đến co ro ngồi một chỗ không trò chuyện
với ai. Làm lao thảo xong bài thơ và bài phú, đem nộp quyển rồi về ngay. Nhiều
người thấy Tâm về sớm quá, mà mình chưa động gì đến bài phú cả. Tức mình, họ
nói đổng:
- Mẹ kiếp! Ra nó khinh bọn mình thật!
Có người gạt lại:
- Nhào! Nó ốm nó phải làm liều lĩnh để về sớm.
Hôm hăm hai, Tâm cũng không được khỏe lắm, cố gượng đến làm
bài văn sách cho chu đáo. Đến hăm sáu phúc bạch, Tâm cố đem hết tâm trí vào bài
kinh nghĩa, phú và văn sách cho thật hay để kéo lại hai kỳ trước. Chàng ngồi
nghĩ rất lâu. Chàng không cần viết vội. Trong trường lác đác đã có người đem nộp
quyển rồi mà Tâm vẫn còn ngồi ỳ ra đấy, chưa viết lách gì cả. Thỉnh thoảng có
người thấy chàng còn bỏ giấy trắng lấy làm lạ hỏi:
- Sao hôm nay bác Tâm chậm chạp vậy?
Tâm vờ nhăn nhó giả nhời:
- Đệ hôm nay đến ngoại hàm mất. Mới ốm dậy, đầu óc nó làm
sao, lú lẫn cả, tựa hồ chữ thầy giả lại thầy!
Nhưng rồi Tâm cũng đem quyển nộp trước được nhiều người.
Chàng về nhà ngong ngóng đợi tin và mong Cụ Nghè chấm mau xong ngay ngày hôm
sau để chóng có bảng.
Ngày mồng một tháng ba lại nhằm đúng vào ngày hội làng Phạm
Xá. Gần xa được tin hôm nay là ngày treo bảng thi thử ở Trường Cụ Nghè, nên trẻ
già, giai gái khắp mọi nơi đều kéo nhau đến đông lắm, nhân tiện đi xem hội một
thể. Nửa buổi rồi mà chưa thấy có bảng, ai nấy đều sốt ruột chờ mong. Tự Đình
vào đến cổng Cụ Nghè, người đi tấp nập, gặp nhau toàn hỏi về việc thi. Gặp tên
người nhà nào ở trong nhà cụ ra, là người dồn vào hỏi:
- Thế nào sắp có bảng chưa ông?
- Sắp có rồi đấy. Các quan đương xếp thứ tự, ông Thủ Khoa
đương viết. Mọi người lại yên chí đợi.
Một lát sau, một tên phu tuần vác một cái liếp cạp chắc chắn
đi ra bãi cỏ trước văn chỉ nơi làm trò leo dây múa rối của ngày hội. Tên tuần vừa
chạy vừa nói to:
- Ai muốn xem bảng theo tôi này!
Tức thì mọi người xô nhau chạy ra bãi cỏ. Bảng yết xong, ông
Thủ Khoa đem ra dán vào tấm liếp, treo lên hai cái cột đu, cao quá đầu người. Mạnh
ai nấy được, họ xô nhau vào mà trông. Tâm thấp quá không chen vào được, đành đứng
nghe người ta đọc:
- Nhất, Đặng Thuần, Văn Đồng, Võ Tiên, nhất ưu, nhị bình, tam
thứ, phúc ưu...
- Nhì, Nguyễn Ngọc Tiến, Bách Tính, Nam Trực, nhất bình, tam
ưu, phúc thứ.
- Tam, Nguyễn Đức Tâm, Thịnh Hậu, Bình An, nhất bình, nhị thứ,
tam thứ, phúc ưu!
Tâm nghe đến đấy mừng quá, chàng nhẩy cỡn lên như một đứa bé
được quà. Mọi người đều reo lên:
- Cậu bé Tâm không được đầu, nhưng cũng ở thứ ba, chỉ kém có
một ông Tam Trường và ông Nhị Trường!
- Kìa, cậu ấy kia kìa!
- Cậu đỗ thứ ba, cậu ạ!
Mọi người lần lần quây quần chung quanh Tâm, từ người quen
cho chí người chưa biết tên, người ta trầm trồ, người ta khen ngợi. Những cô
thiếu nữ quanh vùng, những cô con nhà danh giá vọng tộc cùng những cô gái rượu
của các bậc phú hào đều đua nhau lách vai nghểnh cổ ngó cho được rõ ràng mặt
mũi cậu bé tài ba ấy. Các cô đều muốn khoe hết mọi vẻ thắm tươi mơn mởn, mọi
dáng điệu yêu kiều diễm lệ mong chàng ta lưu ý tới. Nhưng đứng trước trăm hương
nghìn sắc, Tâm nào có xao xuyến cõi lòng, chàng còn đương mãi nghĩ đến cô Mai
xa lắc ở miền quê kia gần đê sông Đáy. Chàng nghĩ bụng:
- Giá bây giờ Mai ở đây, nàng được mục kích cái cảnh hoan hỉ
này thì nàng sung sướng đến bậc nào!
Chàng chỉ tưởng nhớ đến cô Mai thôi. Tối hôm ấy về nhà trọ,
ông Phó Liên vui vẻ lên ngồi tiếp chàng ăn cơm, chuyện gần xa tán tụng mãi, ông
ta đưa đầu câu chuyện đến chỗ thiết thực hơn:
- Này cậu ạ! Quan Huyện Trần làng Đặng bên này hôm nay cũng
có sang hội, tỏ ý phục tài cậu lắm. Ngài có một ái nữ đẹp và giỏi lắm, cậu có
muốn để tôi đưa sang xem mặt, thế nào Quan Huyện cũng bằng lòng.
- Chết xin ông, tôi còn đương cần học, chưa dám nghĩ đến chuyện
ấy cả.
- Hay là cậu muốn đám ấy thì cô Nguyệt con cụ lớn đấy, tôi
xin nói giúp. Được đứt đi, tôi xem cụ quý cậu lắm!
- Ấy chết, ông chớ nói thế! Chỗ cụ lớn là bậc sư phụ, các cô ấy
là bậc bề trên. Đi học phải biết nghĩa lý chứ. Quàng xiên thế nào được!
CHƯƠNG IV
Bây giờ Tâm chỉ còn có điều bận rộn trong óc: Tưởng nhớ đến
cô Mai và chuyện nghĩ đến kỳ thi sắp tới. Tuy vậy hai điều ấy liên can cần thiết
tới nhau, kết tụ nhau thành một. Bởi hình ảnh cô Mai luôn luôn lúc nào cũng ở
bên Tâm, an ủi chàng, tưởng lệ chàng, vuốt ve chàng, cho chàng nhất tâm mà nghĩ
đến sự học, sự thi. Vậy thì ta có thể nói Tâm và Mai đang cùng nhau sửa soạn để
lều chõng lên đường.
Nhưng trước khi theo Tâm vào trường, tưởng ta cũng cần phải
biết nơi trường thi và cách xếp đặt trong ấy ra sao.
Chế độ khoa cử của ta thủa trước đều phỏng theo của người Tàu
cả. Nước Tàu bắt đầu có khoa thi từ đời Vũ Đế Nhà Tây Hán (hai trăm năm trước
Thiên Chúa Giáng Sinh), đặt ra khoa Bác Sĩ, bên ta Vua Thánh Tôn Nhà Lý, sau
khi lập ra Văn Miếu, tô tượng Đức Thánh Khổng cùng chư Hiền và mở Trường Quốc Tử
Giám, đã mở khoa thi trước nhất để lấy người bổ dụng vào các chức vụ của nước.
Đến Nhà Trần, Vua Trần T6hái Tôn đặt ra hai Trạng Nguyên,
Kinh Trạng Nguyên và Trai Trạng Nguyên.
Đến đời Lê, cái nguyên tắc thi cử vẫn giữ nguyên, còn quy củ
và chế độ trường thi cũng theo với các triều Minh, Thanh bên Tàu mà thay đổi
thêm bớt đi ít nhiều Lại mở ra những khoa chuyên môn là khoa Minh Kinh và khoa
Hoành Tứ. Cho đến triều Nguyễn gần đây, tuy có thêm bớt ít nhiều về thể lệ thi
và thay đổi một ít danh từ (đời Lê Hương Cống, bây giờ đổi là Cử Nhân, Sinh Đồ
đổi là Tú Tài), song vẫn theo y đường lối cũ, cứ ba năm một kỳ Thi Hương, năm
sau Thi Hương là có Thi Hội và Thi Đình. Thi Hương mở đúng vào những năm Tý, Ngọ,
Mão, Dậu. Hội Thi và Đình Thi nhầm vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ngoài những
năm ấy mà gặp những trường hợp đặc biệt như Vua lên ngôi, sinh Thái Tử, Khánh
thọ Thái Hậu hay Khánh thọ Đức Vua, lại mở những khoa đặc biệt gọi là ân khoa.
Gần đến những khoa thi, thường khoa hay ân khoa cũng vậy, đều có chiếu chỉ của
Nhà Vua ban ra và giấy thông sức của các quan địa phương biến báo cho thần dân
khắp hang cùng ngõ hẻm đều biết. Đọc được tờ thông sức ấy, con nhà cử nghiệp phải
đinh ninh nhớ lấy kỳ hẹn mà vác lều chõng đến trường thi. Ở Bản Triều về đời
Vua Minh Mạng và Thiệu Trị có cả thảy bảy trường thi là Hà Nội, Nam Định, Thanh
Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định (Nam Kỳ).
Đến cuối triều Vua Tự Đức (1884) trường Hà phải thi chung vào
trường Nam gọi là Hà Nam hợp thi. Từ đấy cho mãi đến năm 1915 là năm các nho sĩ
Việt Nam tụ tập lần cuối cùng để vĩnh biệt cái lề lối học cũ, ở trong nước chỉ
còn có bốn trường. Trừ ra trường Thừa Thiên ở Kinh Đô có tường gạch và hai mươi
mốt tòa nhà lợp ngói để dùng làm cả nơi Hội thi, còn các trường khác đều có
tính cách tạm thời, nhà gianh và rào nứa, thi xong có thể phá hủy đi, còn trơ một
cái bãi mông mênh. Nay ta hãy lục bản đồ cũ mà xem lại cái địa thế trường thi
Hà Nội tất ta hiểu được tất cả các trường kia, vì mọi trường đều giống nhau và
cũng làm theo một kiểu vẽ, cùng một lối kiến trúc.
Dài độ 200 thước tây, rộng chừng 150 thước, trường thi Hà Nội
phía Bắc là phố Trường Thi bây giờ, phía Nam, con đường từ Trường Bách Nghệ đến
hết Tòa Án, phía Tây là phố Lambert và phía Đông là Phố Jauréguiberry. Trên khu
đất ấy bây giờ ta thấy Sở Lưu Trữ Văn Thư, Phòng Thư Viện Pierre Pasquyer, Sở
Thanh Tra Nông Vụ, Sở Sen Đầm và Trường Kỹ Nghệ. Phòng đọc sách ở Thư Viện bây
giờ chính là chỗNhà Thập Đạo trường thi ngày trước, nơi các sĩ tử đón đổi quyển
và đem nộp quyển.
Khu đất rộng ấy chia làm hai phần, phần ngoài ngắn hơn phần
trong một ít tức là nơi thi, có rào riêng làm bốn vi Tả, Hữu, Giáp, Ất, để chừa
ra hai con đường chạy gặp nhau thành chữ thập. Ở giữa chữ thập ấy người ta dựng
Nhà Thập Đạo. Mỗi vi có hai cửa vào và một cửa lên Nhà Thập Đạo. Thẳng lối Nhà
Thập Đạo đi ra là cổng Tiền Môn, cái lối của học trò ra, sau khi đã nộp quyển rồi.
Thẳng Nhà Thập Đạo đi vào có một cái cổng đi vào phần trong. Phần trong lại
chia ra làm hai: Nội Trường và Ngoại Trường.
Ngoại Trường rộng gấp rưỡi Nội Trường, cũng có hai phần. Ở giữa
phần ngoài có một cái nhà rộng gọi là Thi Viện để các Quan Chánh, Phó Chủ Khảo
và Phân Khảo làm việc xem lại các bài thi. Hai bên có bốn cái nhà ở của các vị
quan ấy, mỗi ông một nhà. Ở trong cùng, giáp với phần trong có hai cái ao. Ở đầu
bên trái có một tòa nhà của Quan Giám Sát coi cả Ngoại Trường. Về bên phải một
dẫy nhà con, của các lại phòng (thư ký). Vào phần trong, ở giữa hai đầu hai cái
ao rộng, một bức tường vây kín bốn mặt chỉ để một lối đi thẳng sang Thi Viện.
Đây là nơi riêng của các Quan Đề Tuyển chuyên việc thu quyển. Ở giữa là Nhà Đề
Tuyển, nơi làm việc. Hai đầu là Nhà Quan Chánh và Quan Phó Đề Tuyển. Trong
cùng, sau Nhà Đề Tuyển là dẫy nhà lại phòng. Ở Khu Đề tuyển ra, ta vòng lại đằng
sau, đi qua một cái cổng ngõ, ta vào đến Nội Trường. Ngay trên hàng đất ta vừa
để chân lên, ở tận hai đầu quay lại mặt nhau, hai tòa nhà của các Quan Sơ Khảo.
Đi thẳng vào giữa là Nhà Giám Viện, một cái nhà rất rộng như Thi Viện, là chỗ
các quan đến đấy chấm bài. Hai bên giám viện là hai nhà các Quan Phúc. Đằng sau
Nhà Phúc Khảo, bên trái có một tòa nhà của Quan Giám Sát coi Nội Trường. Vào
hàng trong cùng, hai đầu lại có hai nhà sơ khảo đối với hai nhà ở hàng ngoài. Tất
cả có bẩy cái chòi canh: Hai cái ở góc trong cùng Nội Trường, hai cái ở góc
ngoài cùng bãi thi, hai cái ở hai lối vi Giáp Thông sang vi Tả và vi Ất thông
sang vi Hữu: Một cái ở cạnh Nhà Thập Đạo. Những ngày thi, các Quan Ngự Sử giám
sát và mấy viên đội thể sát lên ngồi trên chòi để kiểm soát hành động của mọi
người. Ở cổng Nội Trường ra Ngoại Trường và cổng Ngoại Trường ra bãi thi, ngày
đêm đều có lính canh, cấm ngặt hai bên không được giao thông với nhau. Đó là
cách xếp đặt trong trường thi. Bây giờ ta mới xét qua đến chức vụ các khảo
quan.
Ban Khảo Thi gồm có một Quan Chánh Chủ khảo, hàm tùng nhất phẩm
hay nhị phẩm, hai viên Phân Khảo, hai viên Giám Khảo, hai viên Đề Tuyển, bốn
hay tám viên Phúc khảo, tám hay mười sáu viên Sơ Khảo (tùy theo số thí sĩ). Ban
Giám Sát gồm có hai Quan Ngự Sử giám sát Nội Trường và Ngoại Trường và tám đội
thể sát, bốn coi việc thi, bốn giữ trật tự.
Đến kỳ thi, Văn ban đình thần hội họp lại để cử Ban Khảo Thi,
chọn hai viên Đề tuyển trong hạng lại điền xuất thân (không phải là người đổ đạc),
còn các vị khác đều có chân khoa mục cả. Kén chọn xong, đình thần làm sớ tâu
lên Hoàng Thượng lấy dấu chân phê (son phê). Từ năm Bính Tuất niên hiệu Đồng
Khánh nguyên niên (1885), triều thần chỉ cử các Quan Phân Khảo Đề Tuyển giở lên
thôi, còn các Quan Phúc Khảo và Sơ Khảo do các Quan Kinh Lược chỉ định.
Hoàng Thượng xem sớ tâu xong, phê lời chỉ dụ, đồng thời ngài
phê cử hai ngự sử sung giám sát Nội Trường và Ngoại Trường.
Trước khi lên đường, các quan được cử đi phải vào bái mạng
Hoàng Thượng, rồi ra Bộ Lễ (từ năm 1908 đổi sang Bộ Học) lĩnh cờ và bài, trên
có chữ "Chỉ" to và chữ "Phụng" nhỏ, ý nói chỉ vua truyền và
các quan phải tuân theo. Các quan phải đến trường thi trước ngày thi một tuần.
Đến nơi các quan vào tiếp kiến Quan Tổng Đốc địa phương rồi tức khắc làm lễ tiến
trường và ở luôn trong trường cho đến khi thi xong. Các quan chức địa phương phải
cử bốn mươi người lại phòng sung việc biên chép trong trường thi và cử lính đặt
dưới quyền Quan Ngự Sử, lại phải cung cấp lương thực cho các quan trường đủ
trong thời hạn thi. Đến ngày thi, lại phái một viên Lãnh Binh đem quân hộ thành
diễu quanh trường để tăng phần nghiêm ngặt.
Các quan đã vào trường rồi, phải ở riêng những nhà đã dành
riêng cho mình, không được đi lại với nhau. Hai Quan Đề Tuyền soạn các quyển
thi, đảo lộn lên, chia ra bốn phần rồi soạn các quyển thi riêng từng phần một,
viết rõ tên và quán chỉ thí sinh dán ra ngoài cổng các vi cho họ xem trước phải
vào vi nào. Độ hai giờ sáng hôm thi trường nhất, các quan chia nhau ra đứng các
lối vào, gọi tên thí sinh và giao quyển cho họ, các sĩ tử vào hết rồi, các quan
họp ởNhà Thập Đạo ra bài. Còn hai Quan Ngự Sử lên chòi trông coi sự gian lận.
Các quyển thu về giao cho hai Quan Đề Tuyển rọc phách rồi đưa vào Giám Viện, ở
đấy các Quan Sơ Khảo chia chấm rồi chuyển cho các Quan Phúc Khảo và Giám Khảo.
Người nào chấm quyển nào phải đề chức phận, họ tên, rồi điểm phê. Một quyển thi
đủ ba vị chấm rồi giao trả bên Đề Tuyển. Những quyển nào bình thứ trở lên đưa
ra Thi Viện để đến lượt các Quan Chánh Phó Khảo chấm lại và phê điểm lên trên
ba vị kia. Còn những bài bị loại thì giao các Quan Phân Khoa chấm.
Nếu có bài nào khá mà các quan kia bỏ sót thì sẽ được chọn
lên cho Quan Chủ Khảo định đỗ. Khi có một ý kiến bất đồng giữa các khảo quan
thì lập một hội đồng ở Thi Viện để bàn định, bao giờ cũng dựa theo ý kiến của vị
quan hạ trật hơn. Chấm xong viên Đề Tuyển lại làm giấy yết lên những người vào
kỳ sau. Khi ba kỳ thi chấm xong rồi, Quan Đề Tuyển kháp phách, đóng liền cả ba
quyển của những người có một bình giở lên rồi đưa sang cho Quan Chánh Phó Khảo
định thứ tự. Quan Đề Tuyển theo thứ tự ấy tra họ tên quán chỉ rồi làm danh sách
niêm yết ra cổng trường. Những người có tên trong danh sách ấy được vào Phúc Hạch,
phải đem nộp một quyển bài cũng như những quyển trước và cả lều chõng nữa. Ở vi
nào vào vi ấy. Lại phòng nhận thấy lều chõng và quyển ấy, sai lính đem cắm lên
sẳn sàng cách nhau rất rộng. Hôm sau thí sinh nhận được quyển, cứ việc tìm đến
cái lều có tên mình, đầu bài Phúc Hạch sẵn đấy rồi, chỉ việc bắt đầu làm việc
thôi. Xong kỳ Phúc Hạch Quan Chủ Khảo xét lại tất cả các quyển thi, định thứ tự,
đưa sang Quan Đề Tuyển kháp tên làm bảng, cứ một Cử Nhân thì ba Tú Tài. Những
người vào Phúc Hạch mà bài kém quá thì bị loại hẳn, còn những người khác được lấy
làm Tú Tài. Nếu số người đỗ trong kỳ Phúc Hạch mà không đủ gấp ba số Cử Nhân
thì lấy xuống những người ba trường đều được thứ cả.
Xong đâu đấy cử hành lễ Xướng Danh. Tất cả các quan đều họp ở
cái đàn ngoài cổng Tiền Môn. Một viên đội thể sát cầm loa hét vang dậy tên các
ông Cử mới. Thế là xong khoa thi, các Quan Trường làm danh sách các vị tân khoa
(chỉ nguyên các ông Cử thôi) và làm sớ tường thuật vụ thi tất lên Hoàng Thượng.
Nếu trong suốt kỳ thi có vị nào thiên tư, gian lận hay thiếu bổn phận cùng là
chểnh mảng trong công việc, hai viên Ngự Sử sung chức giám sát sẽ làm sớ đàn hặc.
Những người liên can sẽ bị giáng chức, cất chức hay tù tội tùy theo nhẹ nặng. Đồng
thời, các trường quan lại làm bản tấu riêng những người viết chữ phạm huý đệ
lên Hoàng Thượng phê phán. Phạm trọng huý sẽ bị tù tội, phạm kinh húy sẽ bị cấm
thi trong một thời hạn dài hay ngắn.
Việc thi cử ngày trước nghiêm ngặt và bó buộc người ta như vậy
nên kẻ cắp sách đi học, muốn cho nên danh phận phải cho việc thi là một việc
quan trọng nhất trong đời người, hơn cả những nổi sinh ly, tử biệt. Từ lúc thi
hạch đến lúc nộp quyển thi, lúc vào trường, việc gì cũng phải suy định ngẫm
nghĩ chu đáo từ lâu, lúc nào cũng chỉ tâm tâm niệm niệm đỗ mà thôi. Có như vậy
mới xứng đáng là con nhà cử nghiệp.
Tâm từ lúc biết thích học đến giờ, đã luyện theo khoa cử, nhất
nhất cái gì dính dáng về việc thi, chàng cũng lưu ý đặc biệt. Sau kỳ thi thử ở
Trường Cụ Nghè, tin chắc học lực của mình có thể chống chọi được với mọi sĩ tử
cừ khôi, chàng càng thận trọng để ý đến những sự vật chung quanh việc thi lắm.
Nhất là về việc nộp quyển chàng săn sóc đến một cách thiêng liêng. Chàng đi ra
chợ mua ba chục giấy tốt mặt trắng ngà mà mịn, không có một tờ giấy nhàu vá
nào. Đem về, chàng lấy dao thật sắc rọc đôi ra, chọn cái dùi thật nhọn, se cái
rất lề rất săn, đem đóng làm ba quyển vở rất đều, rất đẹp. Đoạn chàng lấy cái
bút thật mới nguyên mài nghiên mực rất đặc, dầm bút viết thử ra một tờ giấy.
Chàng nắn nót ba chữ "Nguyễn Đức Tâm" cho thật đẹp, dưới ba chữ tên
chàng viết hai dòng chữ nhỏ:
"Niên canh thập lục tuế, quán Nam Định Tỉnh, Nghĩa Hưng
phân Phủ, Đại An Huyện, Phú Lão Tổng, Thịnh Hậu Xã, Thụ nghiệp ư Phạm Xá, Đinh
Sửu khoa Tiến Sĩ Quan Trần...".Sang dòng bên liền mép giấy chàng viết bốn
chữ to bằng chữ tên "Cung khai tam đại", dưới lại viết hai dòng nhỏ
"Tằng tổ, Cố Lê Thập Lý Hầu Nguyễn Quốc Bảo, một Tổ, Tiền Bản triều tinh
binh đội trưởng Nguyễn Đức Tích, một Phụ, Bản xã cựu Lý Trưởng Nguyễn Đức Tưởng,
tồn". Viết thử luôn ba tờ như thế rồi chàng mới viết vào tờ đầu ba quyển
thi kia. Viết xong chàng cuộn bỏ cẩn thận vào ống quyển rồi giục ông Lý sửa giầu
rượu để lên cái khay son đem cả ống quyển ra đình lễ. Ông Từ thấp hương thỉnh
chuông xong, chàng thành kính đứng trước hương án trong chính điện lễ bốn lễ rồi
quỳ khấn rất lâu. Chàng đứng dậy, mở ống quyển lấy ba quyển vở ra đặt lên chiếc
mâm bồng ở giữa án thư rồi lại quỳ xuống khấn xin âm dương. Keng một cái, hai đồng
tiền quay quay rồi nằm dẹp xuống đĩa, một đồng sấp, một đồng ngửa. Chàng để đĩa
tiền lên hương án rồi hớn hở lễ tạ. Về đến nhà, ông Lý hỏi ngay:
- Thế nào, con?
- Tốt lắm! Thầy ạ, mới có một đài âm dương ngài cho ngay.
- Thế con đi ra lễ miếu Đức Long Thần đi, thầy cùng đi.
Ông Lý bưng khay lễ cho Tâm, còn chàng thì cầm ống quyển.
Cũng như ở đình, ở đây sau khi đã cầu khấn mọi lẽ rồi, chàng xin một đài âm
dương được ngay. Hai bố con lạy tạ rồi hớn hở ra về.
Hôm sau Tâm mang ba quyển lên tỉnh nộp ở Dinh Quan Đốc Học. Ở
đấy người ta đóng dấu giáp phùng vào tờ đầu rồi theo số quyển đã nộp làm bản thống
kê đệ vào Bộ để trong triều biết số học trò ứng thí. Còn các quyển thi kia sẽ
do Quan Tổng Đốc Sở tại giao cho Quan Đề Tuyển hôm tiến trường.
Nộp xong quyển ở Dinh Quan Đốc Học, chàng thấy nhẹ nhõm hẳn
người, hớn hở đi ra. Thì một viên Đô Lại có tuổi gọi giật lại:
- Này cậu! Đầu xứ kỳ vừa rồi đấy phải không? Tôi cầu cho cậu
được Khôi Nguyên khóa này nhé?
- Đa tạ cụ, nhưng làm gì đến lượt cháu!
- Không, giời không đóng cửa ai đâu! Cậu có tài, cứ chính tâm
thành ý, là thế nào cũng được.
- Vâng xin chào cụ thôi, cháu về kẻo muộn.
Chàng trở về làng Phạm Xá, trong lòng mung lung rạo rực, nghĩ
thấm thía về nhời viên lại già.
CHƯƠNG V
Khoa Thi Hương Đinh Mão này đã định kỳ thông sức khắp mọi nơi
đều biết: Ngày hai mươi nhăm tháng chín tiến trường, mồng một tháng mười vào trường
nhất, mười hai trường nhì, hai mươi trường ba, hai mươi sáu Phúc Hạch, mồng một
tháng một xướng danh, yết bảng.
Tiếp được giấy sức, Cụ Nghè đinh ninh dặn dò học trò cặn kẽ mọi
phép tắc trong trường thi. Nhất là đối với những người mới ứng thi lần thứ nhất,
cụ càng ân cần lắm, dặn đi dặn lại mấy lần. Cụ nói:
- Các anh chớ nên khinh xuất đừng có nóng nẩy, chớ có luống
cuống, cứ bình tĩnh như ở nhà. Nhất là chớ có mang một tí giấy má gì khả nghi,
mà người ta khám phá được thì chết. Không được thi mà còn bị tội nữa kia đấy.
Các anh chớ để trong bài phải khiếm đài, khiếm trang. Các anh lại phải nhớ luôn
luôn đến những chữ phạm huý, ngộ nhỡ ra liên lụy đến cả tôi chứ chẳng chơi đâu!
Cụ bắt nhắc lại tất cả những chữ phạm huý mà các học trò đã
phải học đến ngay từ khi mới tập làm bài. Có sáu bẩy chữ trọng huý là tên các
tiên đế và Kim Thượng thì cấm ngặt không được dùng trong các văn bài. Ngộ gặp
những chữ ấy trong câu văn không thể bỏ được, phải đổi ra những chữ khác có
nghĩa tương tự như vậy. Còn độ mười chữ khinh huý là những chữ đệm trong tên
các vua đương triều và tên các lăng tẩm của Nhà Vua, những chữ ấy được dùng
trong văn bài, nhưng phải tỉnh hoạch, nghĩa là bỏ bớt nét đi. Muốn cho những chữ
ấy nhớ như chôn vào ruột người ta đọc và viết theo lối "Tả tông...hữu
tông" (bên trái có chữ gì, bên phải có chữ gì). Cụ dặn riêng Tâm:
- Anh Tâm cố giật lấy cái Cử Nhân, nếu không giành được cái
Giải Nguyên cho thầy nhé!
Tâm hồi hộp cảm động quá, đỏ bừng mặt lên, không dám nói gì. Ở
trường về đến nhà trọ, Tâm đã thấy ông Đồ Trí và ông Lý Tưởng mang lều chõng ra
đưa chàng đi thi. Chàng mừng quá nói nũng với ông Đồ:
- Gớm thầy có công với con quá. Thầy cho học trò nghỉ để đi với
con kia à.
Ông Đồ dịu giọng đáp:
- Cũng không phải tự mình cho nghỉ, vì dạo này nghỉ mùa tháng
mười.
- Thế mà con quên đi đấy. Dạo này mải học mụ người đi.
Ông Lý ngồi buộc lại cái khung lều, giờ mới nói chêm vào:
- Tôi cứ nói chuyện với bu cháu, giá năm nay Thầy Đồ cứ đi
thi với cháu có phải hay, cháu nó khỏi bỡ ngỡ.
- Chuyện! Bắt buộc thế chứ, ai muốn làm gì. Đợi đằng đẵng ba
năm nữa mới lại được thi, chậm mất một khoa, một tuổi một già, chính tôi, tôi sốt
ruột lắm, song cư tang bất khả ứng thí, mình đi học biết chữ thì phải theo cho
đúng, không có người ta chửi cho đấy chứ!
Tâm đổi sang câu chuyện khác, hỏi ông Đồ:
- Sáng mai thầy có xuống Tỉnh, xem tiến trường không ạ?
- Có, tôi đưa anh và ông Lý cùng xuống.
Sáng hôm sau hai nhăm, ba người xuống Tỉnh sớm, đến đợi ở trước
cửa Đốc Bộ Đường. Ở đấy có bao nhiêu người tụ tập để đón xem cuộc rước long trọng
uy nghi của các quan tiến trường. Cờ, lọng, võng ở ngoài đưa vào Dinh Quan Thượng,
khuân khuân mãi. Quá Mão sang Thìn, tiếng chiêng trống trong Dinh nổi dậy, lên
xuống rất nhịp nhàng. Tiếng loa truyền vang khắp: Bọn lính tráng chạy tới tấp
nhộn nhịp:
- Loa! Truyền quân lính dẹp đường rẽ lối, các Quan sang Văn
Miếu tiến trường!
Bọn lính cầm roi vụt lia lịa ra khoảng không, mọi người xem đều
chạy tản mát hết. Các phu cầm cờ đã đến nhổ cán cờ lên, tiến đi dần dần. Chiêng
trống đã ra đến cổng dinh: Này phường bát âm, này trống con, trống tiêu cổ thi
nhau khua in ỏi. Rồi dưới hai cái tàn vóc đỏ thêu kim tuyến, lát mặt gương lóng
lánh, cờ và bài của Nhà Vua chuyển thong thả do hai tên lính mặc áo nâu đỏ cầm.
Sau đấy là chiếc võng điều đỏ tươi, trên có một vị đại thần đội
mũ có cánh hạc, vận áo vóc mầu cổ đồng, bối tử thêu tiên cưỡi hạc, có bốn lọng
xanh che. Đấy là Quan Chánh Chủ Khảo. Lễ Bộ Tham Tri sung Biện Các Vụ Đại Thần.
Tiếp đến võng điều thứ hai, ba lọng xanh che của Quan Phó Chủ Khảo. Võng đào thứ
ba, thứ tư hai lọng, có hai Quan Giám Sát Ngự Sử, đội mũ đen cánh bạc, mặc áo mầu
thanh thiên, bối tử thêu con công xòe cánh. Võng năm, võng sáu, hai lọng xanh
có hai Quan Giám Khảo vận áo mầu cam bích. Võng bẩy, tám có hai Quan Đề Tuyển mặc
áo mầu quan lục đi một lọng. Võng chín, mười, hai Quan Phân Khảo mặc áo mầu
quan lục đi một lọng. Bốn võng theo sau nữa của bốn Quan Phúc Khảo vận áo mầu
lam đi một lọng. Tiếp đến tám Quan Sơ Khảo đi bộ, đội mũ trơn hai hoa bạc mặc
áo nam sa mầu bảo giám (xám xám), mỗi vị có một lọng theo. Lại có một cái võng
điều với bốn lọng che Quan Tổng Đốc mặc đại triều phục đi tiễn các quan tiến
trường.
Sau đấy một cái án thư to do bốn tên lính khiêng trên để tam
sinh một con dê, một con bò, một con lợn. Có hai cái lọng đi kèm. Trên một án
thư nữa có hoa quả và ván sôi con lợn chín do hai tên lính khiêng và hai tên
phu che lọng. Kế đến bốn mươi lại phòng, khăn áo chỉnh tề, xếp hàng đôi đi trước,
tám viên đội thể sát với một toán lính vác gươm cầm giáo rất hùng dũng. Lại
phòng và lính do Quan Tỉnh cử vào giúp việc trong trường cho đến khi thi xong.
Một toán lính lệ đi tập hậu dẹp đường. Đám rước đi rất oai nghiêm và thong thả.
Đến trước cửa Văn Miếu các Quan ngừng lại, xuống võng đem lễ chín vào bái yết Đức
Thánh Khổng. Lễ xong, các ngài lại ra thẳng đến trường thi. Đến trước cổng trường
phu cờ tản ra hai bên, nhường chỗ cho phường trống tiến qua cổng chính (tiền
môn), qua Nhà Thập Đạo, thẳng lối vào Thí Viện, cả đoàn võng lọng và người từ từ
theo sau tụ tập ở đấy. Lễ tam sinh bầy ở giữa Thi Viện, các Quan chia cắt người
vào làm lễ tế bách linh và tứ phương Thần chủ. Tiếng chiêng trống dịu dàng, tiếng
thông xướng và đọc văn văng vẳng làm huyên náo trường thi trong chốc lát. Rồi lễ
tất, các phu lọng đi rước lui ra, khu trường thi sẽ sống biệt lập giang sơn
trong một tháng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ trừ có mấy viên đội thể sát
do Quan Ngự Sử cho giao thông với ngoài để chuyển vận lương thực.
Tâm được trông thấy cuộc rước cực kỳ oai nghiêm và long trọng,
chàng hết sức thán phục và tự nhiên mộng tưởng ngày sau mình cũng sẽ thành một
vị quan ngồi trong cái võng tiến trường kia. Muốn vậy chỉ có một cách: Do đường
khoa cử mà lập thân. Lúc này chàng mới lại càng hiểu rõ câu: "Nhất tự cách
trùng". Tự tin ở sức mình, chàng tự nhủ:
- Thế nào ta cũng đỗ.
Buổi chiều hôm ấy, ông Lý Tưởng và Tâm mua vàng hương cau rượu
vào lễ ở một ngôi đền tối linh gần Tỉnh, xin một quẻ thẻ. Thánh cho quẻ
"chu hành ngộ vũ" (đi thuyền gặp mưa). Cái quẻ thẻ nghe đã xấu lại có
bốn câu thơ tổng đoán rất vu vơ, mà nhời giải lại chua "Kim khắc hỏa, muôn
việc đều không nên". Xem xong quẻ thẻ, Tâm buồn lắm, buồn hiện ra sắc mặt,
không muốn ăn cũng không muốn nói. Chàng vừa buồn vừa tức, tự nhủ:
- Nếu quả thật thế nầy thì tội gì mà cắm cúi khổ thân, học
phát ho, phát hen lên!
Lúc ấy ông Đồ lại đi chơi vắng. Ông Lý thấy Tâm buồn, không
biết làm thế nào, đành khuyên giải con bằng những câu ngô nghê:
- Ấy con ạ, nhiều khi những thẻ tốt lắm người ta lại chê kia
đấy. Chính quẻ xấu lại tốt. Và "ngộ vũ tắc cát" (gặp mưa thì tốt), chữ
sách dạy kia mà!
Tâm cũng phải bật cười. Chàng sực nhớ đến chuyện ông Đặng
Đình Tướng đời Lê trước, gần kỳ thi cũng đến một đền thiêng lễ cầu mộng, đêm nằm
thần báo cho biết đến bốn mươi tuổi mới đỗ. Lúc tỉnh dậy ông không tin, làm một
bài thơ cãi lại:
Sách thuộc văn hay sự chẳng ngờ!
Văn hay chữ tốt đỗ đương vừa
Thần linh chẳng biết mà rằng vậy
Đến bốn mươi thì đã Thượng thư!
Sau quả như lời thơ, bốn mươi ông đã làm đến Thượng Thư. Tâm
ngẫm nghĩ, tự bênh vực:
- Mình cũng vậy đấy! Có lẽ vị thần đây chưa biết mình cho lắm,
có khi nhầm!
Lúc ấy chàng mới yên tâm.
Đêm ba mươi ra tỉnh trọ, chàng trằn trọc suốt đêm không ngủ
được, tuy đã sửa soạn xong tất cả, mà chàng vẫn khắc khoải sợ thiếu vật gì. Bút
mực, giấy nghiên, bình nước đủ cả rồi mà! Chàng liên tưởng mà nghĩ cả đến lời
ăn tiếng nói của cô hàng xén phố cửa trường ban chiều. Cô cười nói có duyên tệ.
Cô bảo chàng:
- Hàng em may mắn lắm cơ, khoa nào những khách mua hàng nhà
em đều đỗ cả. Đây bút ô long, bút thử tu, bút điệu tụ, thầy muốn chọn bút nào
tùy thích, thầy lấy giấy à, giấy kỳ này chỉ còn ít giấy thường. Thầy lấy bốn tờ
to đủ cánh quyển (đổi quyển, khi đổi quyển phải đem quyển cũ lên nộp lại phòng
và mang theo quyển mới lên lấy dấu giáp phùng ở tờ đầu), kỳ đệ nhất này. Mười
hai ngày nữa mới đến kỳ đệ nhị, có lớp giấy mới về thấy hẵng mua thêm. Ấy là
nói phòng thế, chứ em thiết nghĩ làm văn đã cánh quyển thì cũng khó đỗ lắm.
Tâm nằm nghĩ lời nói cô hàng mà có phần đúng. Đi thi mà đổi
quyển luôn thì cũng chẳng hay ho gì. Chàng quyết định viết rõ cẩn thận để khỏi
cánh quyển. Biết đâu lời người con gái nói chả đanh thép như đinh đóng vô cột!
Rồi chàng nằm ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến lúc ông Lý
đánh thức dậy thì chừng đã quá giờ Tý rồi. Trong nhà trọ, mọi người đều đã tỉnh
cả, đang nói chuyện rì rầm. Họ đã sắp sửa xong cả rồi, chỉ còn ngồi nán lại một
tí nữa cho tỉnh táo thêm. Tâm cũng vậy. Lều chõng, cơm nước, ống quyển, tráp,
nghiên bút, đã để sẵn ra đấy. Và ông Lý cứ lăn xoăn đứng lên ngồi xuống, đi ra
đi vào. Chỉ còn có việc đi, nhưng ông Đồ bảo:
- Thong thả đã nào. Ra sớm mà đứng mỏi chân!
Ở ngoài tiếng người đi lại nhộn nhịp, những ngọn đuốc tre tỏa
những làn ánh sáng rung rinh nhảy múa lướt qua, rồi bỏ rơi phố phường vào đêm tối.
Những người và đuốc đều đi dồn cả về phía trường thi.
Giời lay phay mưa. Gió heo may thổi lạnh từng cơn. Tối đen
dày, giơ tay qua mặt không nhìn thấy gì. Mặc dầu những sĩ tử đã thuộc làu đường
lối từ mấy hôm trước, cứ lần mò đường thẳng về phía bãi trường thi. Nơi đã có
trăm nghìn bó đuốc làm đích lập lòe như đàn đom đóm trên một bờ rào rậm rạp. Tứ
phía các sĩ tử đổ ra tiến về trường thi như nước chảy.
Chợt ba hồi trống đánh. Ở ba phía trường ba cây đinh liệu
cháy ngút ngàn, bùng bùng sáng rực một góc giời, chiếu rõ ràng cảnh vật và mặt
mũi các vị anh hào sắp sửa khua nghiên vác bút xông vào trận văn!
Thấy ánh lửa chiếu sáng rực, ông Đồ vội giục:
- Thôi ta đi mau!
Tức thì Tâm đeo ống quyển, khoác tráp, nghiên bút, treo gói
cơm và lọ nước lên vai. Ông Lý vác lều và chõng cùng theo ông Đồ ra trường.
Trên bãi cỏ rộng trước cửa trường, đặc nghịt những người, đầu nón chóp sơn nhô
nhố chen sát nhau như đàn vịt bị xô dồn vào một góc ao. Làn sóng người cứ cuồn
cuộn liên tiếp đẩy nhau vào trước bốn cửa vi ngỏ như nước chảy lan về mọi lỗ hổng.
Tâm với ông Lý, ông Đồ cũng bị cuốn về cổng vi Hữu, nơi hôm
trước Tâm đã tìm thấy tên mình trên bảng yết. Thôi thì đủ mọi hạng người, già
có, trẻ có, sang có, hèn có. Có người già nua sáu bẩy mươi tuổi, đầu bạc phơ đi
run rẩy bẩy cũng lụ khụ vác lều chõng vào trường. Có người phong lưu đài các áo
bông quấn sù sụ, thênh thang đi trong đám đông người, lều chõng đồ đạc đã có đầy
tớ mang hầu. Có người đúng mặt hàn nho kiết xác, gầy như cái que, cái áo nâu mỏng
dính đét vào da, co ro đứng nép người bên cạnh ngóng đợi. Có người yếu quá, cất
cổ không nổi, lều chõng bị lôi sềnh sệch trên mặt đất. Cũng có người sức vóc rắn
rỏi, hai vai đã nặng chĩu, hai khuỷu tay còn đủ sức thích bên kia, gạt bên nọ,
len đi băng băng. Có nét mặt dương dương tự đắc, có vẻ mặt tư lự lo âu.
Đủ các người, đủ các vẻ. Học trò vẫn còn dần dần kéo đến. Họ
gọi nhau, hỏi nhau, cãi nhau, nói chuyện lâm râm, hay quát tháo om sòm. Tất cả
các thứ tiếng ấy hợp thành một tiếng vọng âm thầm chuyển tít đi xa như chợ tết.
Các cây đinh liệu đã cháy hết non một nửa. Tàn lửa đỏ lòm bay
theo ngọn gió Bắc tản mát giữa lưng giời rồi từ từ rơi xuống đám đầu ngươi, xuống
quãng đồng không, xuống những làng mạc xa tít nhanh vụt như sao sa!
Trước cửa vi hữu, cũng như ở ba vi kia, một toán lính kiểm
soát đã đứng chực sẵn với một dáng điệu nghiêm trang. Gọn gàng trong tấm áo nẹp
xanh viền đỏ, đội chiếc nón sơn quang dầu, tay nghênh ngang cầm một cái tay thước
có sợi dây ngũ sắc thòng lọng xuống, họ đứng quanh cái ghế trèo cao chín bậc để
dành đợi vị khảo quan. Cái khung bảng dán giấy hàng mấy nghìn tên người vẫn còn
ngang nhiên treo ở cổng, tuy bấy giờ không còn ai đoái hoài đến.
Trong Nhà Thập Đạo, trống khẩu cùng với kiểng đồng theo nhau
gióng đủ ba hồi chín tiếng. Bóng đèn lồng lay động, các Trường quan sắp sửa xuống
các vi. Hai Quan Ngự Sử và mấy đội Thể Sát đã oai nghiêm với bổn phận giám sát
trên chòi canh. Hai ông Phân Khảo ra hai vi Tả, Hữu. Ông Phó Chủ Khảo theo biển
"Phụng chỉ" đến cửa vi Ất. Cửa vi Giáp do ông Chánh Chủ Khảo ra với
lá cờ Khâm Sai.
Hai hàng đèn lồng lấp ló soi hai bên đường, đôi lọng xanh
nghiêm chỉnh che cho vị Phân Khảo phẩm phục oai nghiêm tiến ra cửa vi. Ông
khoan thai trèo lên ghế, ngồi bệ vệ trên chiếc ghế tréo với một chồng quyển thi
của học trò. Tiếng ồn ào ở ngoài im bặt. Hàng vạn con mắt đổ dồn cả vào vị Khảo
Quan.
Bỗng như xé làn không khí, tiếng loa "chiếu lệ"
thét ở chòi canh:
- Báo oán giả tiên nhập! Báo ân gỉa thứ nhập! Sĩ tử thứ thứ
nhập!
Tâm nghe thấy mà phát sợ rợn tóc gáy lên. Những chuyện báo
ân, chàng đã được nghe nhiều rồi, không lấy gì làm quan tâm cho lắm. Nhưng giờ
đây, ở giữa nơi trường ốc, nơi người học trò tìm thấy sự hiển đạt, mà đầu tiên
chàng nghe ngay được thấy người ta mời các oan hồn báo oán vào trước, chàng
càng nơm nớp sợ cho số phận mình, lo ông cha mình ngày trước có làm điều gì tàn
ác tàn nhân hại vật. Những người lính đứng cạnh Khảo Quan theo miệng người lại
phòng cầm danh sách vừa múa loa lên gọi tên học trò.
Một tiếng "dạ" dội lên trong đám đông. Một thiếu
niên nóng nảy huých ngang huých dọc, lách qua "vòng vây", để các đồ đạc
kềnh càng trên khu đất trước mặt khảo quan cho toán lính kiểm soát xong vái
chào rồi lĩnh quyển bỏ vào ống, được phép vào trường. Tiếng loa lên gọi tiếp,
tiếng dạ đáp lại. Cứ lần lượt như thế mãi. Ở ngoài người đợi mỗi lúc một nóng
ruột thêm, người ta chen, dồn vào, nhưng lặng lẽ nghe. Tiếng loa vẫn cách quãng
gọi tiếp. Học trò "dạ" tiến vào vẫn đều đều. Trong trăm người mới họa
có người mang sách in hay văn cũ bị khám thấy, phải đuổi ra ngoài trường. Nhưng
không ai thương hại gì người ấy, ai nấy đều mải lo đến lượt mình. Người ta nóng
lòng ngóng đợi. Nóng lòng sốt ruột nhất là Tâm. Cây đinh liệu đã cháy hết ba phần
tư rồi, chừng đã quá Sửu sang Dần, mà tên chàng vẫn chưa được chuyển vang lên
loa đồng. Chàng ngơ ngác lo âu, chàng chỉ sợ vào sau hết chỗ và cắm lều lóng
ngóng quá giờ không kịp biên đầu bài thì nguy khốn. Ông Đồ biết ý mắng yêu:
- Yên mà chờ, làm gì mà rối lên thế. Trường thi rộng chứa
hàng mấy vạn người chưa hết, huống chi là từng này. Vào xong đâu đấy mới có bài
ra. Im mà nghe!
Chợt tiếng loa gọi:
- Nguyễn Đức Tâm! Nam Định, Thịnh Hậu.
Ông Đồ giục:
- Kìa cháu! Dạ lên Nguyễn Đức Tâm, Thịnh Hậu đấy, chen vào.
- Dạ -a-ạ!
Tâm đáp lại một tiếng thật to rồi chen sấn vào, ông Đồ đã giật
lấy lều chõng ở ông Lý đem theo vào cho Tâm. Vượt qua được làn người, ông Đồ
mang mãi lên chỗ đất khám cho chàng. Chàng vái chào khảo quan, chào các lính kiểm
soát. Bọn lính vẫn nghiêm nghị lạnh như sắt mà làm việc như máy. Họ tung cái
nón lên, họ giở cuộn áo lều, họ nhòm những mộng chống, khe chõng, chân chõng
nghi ngờ, họ tháo cả hai chân trước ra. Họ ghé mắt vào ống quyển, lấy que khuấy
vào bầu nước. Họ lần giải lưng thọc tay vào túi, vuốt các gấu áo, gấu quần. Họ
cởi tung cả bộ gọng lều. Sau cùng soát đến cái tráp son. Này một thoi mực, một
cái nghiên và cái bút, một cái dùi vở, một tập giấy trắng để cánh quyển. Này mấy
cái bánh lá, hai cặp bánh giầy, một nắm cơm, một khúc giò nạc và một gói muối vừng
với năm trăm vàng hoa. Ngoài ra không còn gì nữa.
Tâm được phép lĩnh quyển. Người lại phòng đưa quyển cho
chàng, chàng cuốn lại bỏ ống rồi thu lều chõng vác vào vi. Những người trước đã
đặt chõng cắm lều thành từng hàng dài. Có người cắm riêng hẳn ra một nơi. Trông
ngổn ngang như lều chợ cả một lượt. Tâm tiếp với dẫy của những người đến trước,
cắm lều ngay lối ra đường lên Nhà Thập Đạo.
CHƯƠNG VI
Vầng đông đã đỏ rực chiếu át cả ánh sáng úa vàng của mấy cây
đinh liệu cháy gần hết. Học trò ai nấy đóng lều đã xong, trông san sát liền
nhau như bát úp. Tâm áng chừng nguyên vi Hữu này cũng đến non hai nghìn. Chàng
kinh khủng nhận thấy số thí sinh nhiều nhường vậy, mà số đỗ vẻn vẹn chỉ có vài
ba chục Cử Nhân và non trăm Tú Tài. Cuộc đấu chọi thật là gớm ghê thay!
Giời sáng rõ. Trên chòi canh nổi một hồi trống thật dài. Viên
Đề Điệu Giám Trường và ba viên thuộc hạ, mỗi người vào mỗi vi đem giấy đầu bài
dán vào tấm bảng phên nứa cắm ở ngay lối vào, các thí sinh hấp tấp đến xem, đứng
vòng trong, vòng ngoài, đầu ngửng lên cúi xuống luôn, để trông và để chép. Tất
cả có bẩy đề mục kinh nghĩa. Tâm chép xong về lều đọc lại và xét đến căn nguyên
các đề. Chàng lẩm bẩm một mình:
- Một đề ở Dịch này, một ở Thi này, một ở Thư, một ở Xuân
Thu, một ở Lễ, một ở Trung Dung, một ở Luận Ngữ. Ta nhớ Thư, Lễ, Trung Dung
hơn, ta chọn ba đề ấy làm trước đã, xong ba bài ấy hẵng hay!
Vì cái lệ ở trường thi, ít nhất thí sinh phải làm lấy ba bài,
nên Tâm phải vội vàng giở bút mực giấy ra tì lên tráp nháp nhanh thoăn thoắt. Lần
đầu vào trường, chàng chỉ sợ ngoại hàm. Nháp xong chàng đọc lại, chữa lại rất
chải chuốt. Đoạn chàng lấy quyển ra viết vào, chàng viết chân phương nắn nót.
Viết đến dòng cuối trang đầu, trông thấy dấu giáp phùng màu son đỏ chói. Chàng
mới sực nhớ đến nhời Cụ Nghè và ông Đồ dặn, chàng giật mình đánh thót một cái,
ngồi nhỏm dậy đọc lại dòng trên. Đọc xong, chàng tươi nét mặt, nói một mình:
- May quá, không hỏng chữ nào. Tí nữa quên mất mình cứ viết bừa
thì bỏ đời! Giờ mình phải cẩn thận, quanh bốn bên dấu giáp phùng không được đồ
(xóa), di (sót), câu (móc), cải (chữa) chữ nào cả!
Chàng lại nằm xuống viết. Mỗi lúc đến gần dấu giáp phùng
chàng lại ngồi dậy đọc, rồi mới lại viết, chỉ sợ nhầm một tí là phạm trường
quy, lại phải cánh quyển thì rầy rà. Qua được cái dấu giáp phùng, chàng viết
luôn một mạch đến giữa trang. Thấy chung quanh, người ta tới tấp đi lại, chàng
sực nhớ đến đi lấy "nhật trung". Dấu này là một dấu con của quan trường,
chứng tỏ rằng bài làm ở trong trường, cốt đểphòng bị những kẻ thông với trường
quan biết trước đầu bài, viết sẵn ở nhà đem vào nộp. Chàng vội vác quyển lên
Nhà Thập Đạo. Ở đấy đã tấp nập những người, chàng đưa quyển cho lại phòng, rồi
phải đứng chờ, vì có những chồng quyển đưa trước chưa đóng kịp. Một dịp bọn học
trò quen nhau thì thầm với nhau, bảo nhau. Chàng đang thơ thẩn ngắm lớp ngói ống
của Nhà Thập Đạo, bỗng có tiếng gọi:
- Ai là Nguyễn Đức Tâm?
- Dạ. Tôi đây!
Chàng quay lại, người lại phòng cầm quyển đưa cho, chàng nhận
lấy, đem về, cắm cúi viết được mấy trang rồi đặt bút xuống, ngồi dậy vươn vai,
duỗi thẳng hai tay ra, miệng nói:
- Ăn đã!
Chàng thắp bút, mở tráp ra, lấy nắm cơm và mọi thức ăn, Ăn
xong, dốc bầu lên tu ực ực một mạch, rồi để xuống, miệng hà một cái. Chàng đổ
ít nước vào nghiên mài mực, đoạn mở bút ra viết. Mỗi lúc sang trang, chàng đều
ngồi lên đọc lại. Làm xong cả quyển, chàng ngồi rung đùi, mắt chăm chú, miệng
khẽ khẽ bình. Đọc đi, đọc lại bốn lượt, chàng đếm xem có mấy chỗ xóa, sót, móc,
chữa, để chua vào dưới chữ "Cộng quyển nội" ở cuối bài. Xong đâu đấy,
chàng vuốt thẳng quyển bài, gấp lại, thu dọn các đồ đạc vào tráp rồi mang quyển
lên nộp ở Nhà Thập Đạo. Một người lại phòng cầm lấy quyển, chụp cái dấu nhỏ, dấu
đóng nhật trung lúc trước vào cuối bài, rồi bỏ vào hòm trước mặt hai Quan Đề
Tuyển. Quyển nào không có dấu ấy thì bị coi như là ngoại hàm, vì một khi thi
xong, Quan Đề Tuyển sẽ thu dấu bỏ vào hòm niêm phong lại, đến kỳ sau mới lại lấy
ra. Tâm đứng trông rõ vở mình đóng dấu bỏ hòm rồi, mới trở xuống dỡ lều xách
chõng, đeo tráp, đeo ống quyển lếch thếch qua Nhà Thập Đạo thẳng lối tiền môn
đi ra. Ông Đồ, ông Lý đã đứng ở cổng đón. Thấy Tâm ra, ông Lý chạy sấn ngay vào
chỗ lính canh đỡ lấy lều, chõng và tráp. Còn ông Đồ, việc đầu tiên là ông đỡ ống
quyển lấy giấy ráp ra xem. Đọc đến đâu, ông gật gù đến đấy. Xem xong, ông cuộn
giấy bỏ vào ống, rồi thích chí nói:
- May ra được vào!
Vừa lúc ấy, trống cái trên chòi canh thủng thẳng buông những
tiếng ngân nga oai vệ. Tâm hớn hở nói:
- May quá tí nữa con ngoại hàm.
Ông Đồ nói:
- Còn kịp chán. Nghe thấy tiếng trống, mới đọc lại quyển cũng
đủ thì giờ đếm và chua đồ, di, câu, cải, rồi kịp đem nộp. Dứt hồi trống mới hết
hạn kia đấy. Nhỡ có gặp kỳ nào như thế, đừng cuống, cứ bình tĩnh.
Rồi ba người cùng về nhà trọ.
° ° °
Mới độ tảng sáng ngày mười một, ba hồi trống thánh thốt buông
tan vào không khí lạnh buốt báo cho sĩ tử xa gần biết đã có bảng kỳ nhì. Tức thời
các nơi người ta đều đổ dồn về trường thi, đứng túm tụm ở các cửa vi tranh nhau
nhìn vào cái phên nứa dán giấy chi chít những tên. Ông Đồ cũng vừa dậy, rửa mặt
xong, ông vội vàng đi xem bảng, dặn Tâm không phải đi:
- Con ở nhà, ra chen không được đâu!
Nhưng Tâm cũng cứ đi. Ra đến nơi, lách vào vi Hữu, không thấy
tên, chàng nóng bừng cả mặt, vội thích thục mạng chen ra chạy đến cửa vi Ất. Ở
bảng vi Ất cũng không có, như điên cuồng chàng chạy sang cửa vi Giáp. Ở đây
chàng đọc được rõ ràng dòng chữ: "Nguyễn Đức Tâm, Nam Định, Thịnh Hậu
xã", Chàng thở nhẹ nhàng, mừng quá. Lách ra vừa gặp ông Đồ đang chen vào,
Tâm vội nói:
- Con đã tưởng hỏng. Con cứ ngỡ thi ở vi nào thì tên ở bảng
vi ấy. Con đỗ thứ ba mươi cậu ạ.
- Không, bảng này chỉ kể người đỗ thôi, không kể thứ tự. Đến
bảng giải ngạch mới có hơn kém. Khi đủ số được vào rồi, người ta lại gắp thăm
chia vi rồi yết bảng.
Quá nửa đêm hôm ấy, Tâm lại mang lều, chiếu, chõng, tráp và mọi
thứ cần dùng xuống trường. Học trò đã tụ tập đông ở cửa trường, chỉ còn độ hơn
nghìn người, nên không được náo nhiệt lắm như hôm nọ. Hơn nữa, trăng đêm mười một
hãy còn vằng vặc chiếu xuống át cả ánh sáng mấy cây đinh liệu.
Số học trò bớt đi, nên việc vào trường dễ dàng chóng vánh, chừng
cuối giờ Dần, đâu vào đấy cả. Các cửa trường lại đóng im ỉm. Một lúc sau, một hồi
trống thật dài báo cho mọi người biết bảng đề mục đã yết. Kỳ này có một bài
thơ, một bài phú. Tâm chỉ việc đi lên đọc nhẩm thuộc mấy câu đề mục ấy rồi về
viết ra. Nháp xong cả hai bài Tâm viết vào quyển. Qua dấu giáp phùng, qua dấu
nhật trung, đều ổn thỏa cả. Viết luôn được vài trang, chàng ngồi dậy mài thêm mực.
Đến lúc nằm xuống viết, chàng giật mình thấy một vết mực lăn dài trên trương đầu
quyển thi. Chàng cuống lên, vì thế ngay vào trang cung khai tam đại và giáp
phùng, cần phải cánh quyển ngay mới kịp. Chàng ngồi thừ ra một lúc, mới tĩnh
tâm lại được, mở tráp lấy giấy, dùi và lề ra đóng lại quyển mới, viết nắn nót lại
dòng tên, quán chỉ và dòng cung khai tam đại. Chàng đọc lại không sót chữ nào,
rồi đem quyển lên Nhà Thập Đạo nộp quyển cũ và xin dấu quyển mới. Đem quyển về,
chàng nằm xuống viết, bụng bảo dạ:
- Lần này mình phải cẩn thận đây, cẩn thận chỗ giáp phùng, nhật
trung, không có lại cánh quyển lượt nữa thì chết bỏ mẹ!
Sực nhớ ra điều gì, chàng lẩm bẩm:
- Hay là có vị nào oán ghét điều gì, xin ngài buông tha, con
cắn rơm cắn cỏ lạy ngài, con người trần mắt thịt, không thể thấu rõ được. Thôi
thì tội vạ lây, xin ngài nguôi cơn giận mà phóng xá cho con. Oan tình thế nào
con xin ngài về đồng hay báo mộng cho biết, con sẽ xin tuân. Nay gọi là tâm
thành có chút kim ngân bạc lễ, xin bái tiến ngài...
Khấn xong, chàng mở tráp lấy mấy trăm vàng giấy ra. Thầy lều
bên cạnh có cái mồi rơm của một ông Đồ nghiện thuốc lào, chàng liền vặn cái mồi
giấy sang xin ít lửa về hóa. Chàng thổi phù phù mãi ngọn lửa mới bốc lên, bén
vào mấy trăm vàng cháy bùng bùng bay ra một làn khói lam lan tỏa.
° ° °
Đến mười chín ra xem bảng, Tâm lại được vào. Kỳ này có hai
bài văn sách. Chép xong đề mục, vừa gần hết một tờ, chàng đọc lại, rồi nói một
mình:
- Chà! Dài quá nhỉ, kim văn những năm dòng kia, Hỏi gì mà hỏi
lắm thế!
Chàng về lều làm bài. Chàng sửa đi sửa lại cho thật gọn thật
chín. Viết vào quyển được nửa bài rồi, vì kỳ này không phải viết đầu bài vào
quyển thi, chàng mới nghỉ ăn cơm. Ăn xong, đọc lại bài, chàng thấy thiếu nghĩa
một câu, chàng quặc toan chữa vào sáu chữ nữa. Nhưng đếm lại những chỗ móc,
xóa, chữa đã bẩy chỗ rồi, chàng đành tháo lề lấy tờ giấy ấy ra, thay tờ khác
vào viết lại. Vì trường chỉ cho phép móc, mất, xóa, chữa có mười chỗ thôi. Làm
xong bài đem nộp, chàng lấy làm khoan khoái lắm. Cả ba kỳ, chàng không thấy kỳ
nào văn trôi chảy, viết đẹp đẽ như kỳ này, Chàng đã chắc mẩm được vào, chàng
nghĩ thầm:
- Ba kỳ này mà trôi, thì Phúc Hạch cứ ăn đứt đi.
Nghĩ vậy, nhưng chàng vẫn kín đáo không dám thố lộ cho ai
hay. Ông Đồ về từ hôm mười ba đến hôm nay lại ra, có cả ông Chánh Tổng Mỹ Lương
cùng đi, đều ra đón. Trông thấy ông Chánh, Tâm nhớ ngay đến Mai, cô gái xinh đẹp
như Xuân đã đính ước với chàng. Chàng sung sướng nghĩ đến cái tiếng "cô Cử"
gán vào cho Mai thật là xứng đáng. Chàng sung sướng tưởng đến hạnh phúc mai
sau. Ông Đồ hỏi đến tờ nháp, Tâm mở ống quyển ra đưa. Ông Đồ cầm xem xong, rồi
đưa ông Chánh.
- Được lắm, bài này tôi thấy xuất sắc hơn cả các bài của cháu
làm từ trước đến giờ.
Ông Chánh xem qua cả quyển văn, rồi đưa lại cho ông Đồ và hỏi:
- Như vậy thì thế nào cũng vào được Phúc Hạch.
- Bẩm cái đó còn nhờ phúc phận.
° ° °
Đến sáng sớm ngày hai mươi nhăm, Tâm hí hửng đi ra xem bảng.
Số học trò vào kỳ đệ tam chỉ còn độ bốn trăm người, nên trước cổng tiền hôm nay
treo bảng Phúc Hạch, kể cả những người đi xem hộ cũng thưa thớt như không, chẳng
thấm vào đâu với mấy kỳ đầu. Tâm chen vào tận nơi nhìn qua một lượt, không thấy
tên mình chàng đã nóng cả ruột, sợ cuống lên. Chàng chăm chú đọc cả lại mào đầu:
"Khâm Sai Hương thi Nam Định, trường quan vi yết nhập
Phúc Hạch thí sinh danh sách, tính danh, niên canh, quán chỉ, liệt kê vu hậu"
Chàng đọc lần lượt từng tên cho đến hết, không thấy tên mình,
mặt sị ra muốn khóc. Chàng không hiểu gì cả, ù té chạy rẽ vượt vòng người ra
ngoài. Có người thấy thế hỏi:
- Này! Này! Cậu bé trượt phải không? Hoài nhỉ!
Chàng ngoảnh lại nhăn mặt, nhe răng, gượng cười không đáp.
Bây giờ chàng mới biết câu thơ cổ kia là đúng. Ý chừng anh chàng nào trước kia
cũng bị tên đề sau bảng, nên mới thốt ra được hai câu thơ ý vị:
Khấp như thiếu nữ vu quy nhật
Tiểu tự thư sinh lạc đệ thi!
(Cười như chàng trẻ hỏng thi
Khóc như cô gái mới đi lấy chồng)
Chột dạ, Tâm chạy vào xem cái bảng con gần đấy, biên tên những
người mắc tội phạm huý. Không thấy tên mình, chàng mới yên tâm. Chàng đi lang
thang vô định, không muốn về nhà trọ. Ông Đồ và ông Lý, sau khi xem bảng không
thấy tên và cũng không thấy Tâm về, liền đâm bổ đi tìm khắp chỗ. Tìm kiếm mãi,
bắt gặp chàng đương vơ vẩn ở chỗ làng An Trạch, ông Đồ dịu dàng khuyên:
- Đi về con, khoa này không đổ để dành khoa sau, chứ đi đâu
mà vội. Con nhà nho đỗ, trượt là thường, cũng như con nhà binh không thể do
thua mà bàn luận anh hùng được! Con mới tí tuổi đầu, thi một khoa đã vào Tam
trường, còn hơn cậu, gần hai thứ tóc, thi sáu bảy khoa mà mới chiếm được tam
trường. Danh giá chán, con ạ. Thôi con đi về. Không ai dám cười con đâu!
Tâm lẽo đẽo theo ông Đồ về. Nhưng trong lòng vẫn buồn dười dượi,
đã chán nản với cái nợ khoa danh nó bắt người ta cắm cúi nhiều mà chưa chắc đã
thu được phần thưởng mong mỏi. Ông Đồ ngẫm nghĩ hỏi:
- Quái! Bài như thế mà hỏng nhỉ? Cứ như văn ấy không khiếm
trang, khiếm tị, đáng lẽ mười phần đỗ cả mười, con nghĩ xem có khiếm đài chỗ
nào không?
- Không, con đã soát lại cẩn thận lắm.
-...Hay con viết sai chỗ nào?
- Không! Thầy ạ, con viết đúng cả...À, chữ "Tất". Tất
là rõ viết thế nào nhỉ ?
- Thái trên, tâm dưới.
- Chết rồi, con nghĩ quẩn mất, khổ quá, con đã viết như thế rồi,
lúc đọc lại, con ngẩn người ra, bụng bảo dạ: "chữ tất thì phải tất là ắt
dưới chứ, sao lại tâm". Thế là con phẩy ngay một nét dài nữa.
- Thôi phải! Hỏng vì đấy rồi. Văn cử nhân, người ta chấm lựa
lọc lắm, sai một nét là bị loại ngay.
Rồi tin ở số phận và phúc đức, ông Đồ ngậm ngùi thay cho đứa
cháu thông minh, ông đổi sang chuyện khác, sau khi đã dặn Tâm đừng nói lại chuyện
ấy với một người nào nữa, sợ người ta cười nhà mình kém phúc đức.
Về làng, mặc dầu vẫn được tiếng khen lao, chàng cũng không khỏi
buồn. Chàng xin phép nhà đi ngao du thăm sơn thủy quanh vùng để mượn cảnh khuây
sầu. Trước hết chàng xuống Mỹ Lương nói là thăm ông Đồ, nhưng kỳ thực là để
gián tiếp thăm Mai. Ở đấy mấy hôm, không thấy bóng vía ông Chánh đâu, và thỉnh
thoảng nghe tiếng cô Mai lào xào ở ngoài vườn, chàng vội thơ thẩn chạy ra hàng
rào nhìn sang thì chỉ nhận được một cái nhìn nhanh như cắt của con người ngọc,
cái nhìn không tha thiết mấy. Một hôm chàng sắp sửa ra về thì được tin đồn đến
là ông Chánh đã bằng lòng gả Mai cho ông Cử Tân Khoa làng Hiếu Cổ gần đấy.
Không tin, chàng săn đón hỏi cho được tên học trò ông Đồ, nhà ở ngay cổng ông
Chánh. Tên này cứ thực khai y như vậy và còn nói thêm chỉ vài ngày nữa là ăn hỏi
và sang trung tuần tháng chạp sẽ làm lễ vu quy.
Tâm buồn nản hỏi một câu vớt vát:
- Chậc! Sao ông ấy đổi ý chóng thế nhỉ? Đã biết ai hơn ai?
- Ấy, ông ta bảo nhà cậu không có đất, học giỏi thế, văn bài
lại làm hay cả, mà hỏng là tại giời, giời đã không cho đỗ, thì cầu thân với cậu
cũng uổng!
Thật là một cái đấm, một cái đạp! Vừa thi trượt lại vừa mất vợ.
Còn sự buồn chán nào bằng?Ông Đồ biết vậy, nên cố tìm lời khuyên giải:
- Thôi con ạ. Cần gì. Họ đã tiểu nhân không biết người, hám
danh trục lợi trước mắt, hạng người ấy ta cũng chả nên tiếc. Con cứ cố tu thân
luyện tính, sau này nên danh phận, chán vạn người đến cầu thân ngay đấy, vội
gì. Bao giờ ra đường cái hết lốt chân đàn bà, thì mới lo, mới buồn chứ. Mình phải
có gan chờ đợi. Biết đâu trong trần ai lại chả gặp người mắt xanh.
Nghe câu nói, Tâm cũng nguôi nguôi nỗi buồn nỗi tức. Từ đấy
chàng chỉ phiêu đãng đi chơi, lui tới những nơi đại gia văn tự, giao du cho
thêm rộng kiến thức, ngâm vịnh để tiêu khiển qua ngày. Tết về ở nhà một dạo,
chàng lại ra đi, còn ba năm nữa mới lại đến khoa thi, chàng chưa cần học vội.
Một hôm, chàng nghe tin ở miền Thanh Oai, Hà Nội, có một đại
phú gia có hai cô gái kén chồng. Hai cô sấp sỉ đôi tám xuân xanh, lại có theo
đòi nghiên bút, nên chỉ rắp danh lấy chồng hay chữ, không phân biệt sang hèn.
Ông bố chỉ có hai con gái nên cũng chiều con lắm, trong lòng mong mỏi kén cho
được rể hiền. Rõ được đích xác, chàng mới lần mò đến hỏi thăm vào tận nơi, nói
rõ ý định của mình. Ông cụ hoan hỉ mời chàng lên nhà khách. Ở đấy đã có hai
thanh niên anh tuấn đang ngồi nói chuyện, Ông cụ giới thiệu với chàng:
- Đây là hai Quan Cử Tân Khoa Trường Hà, người bên Bắc Ninh.
Hai vị kia chào lại bằng một vẻ kiêu ngạo rõ rệt. Qua một tuần
trầu nước, ông cụ thong thả đĩnh đạc nói đến chủ ý của ông:
- Hôm nay thật là một ngày đại hạnh cho tệ xá, bỉ phu được tiếp
cả ba vị danh sĩ cùng đến với một mục đích. Bỉ phu không may chỉ sinh được hai
tiện nữ ngu dại, cũng dốc lòng mong gặp khách đông sàng để con trẻ về sau được
nhờ nơi bóng cả. Nay ba vị quá thương mà ngẫu nhiên thành cuộc họp này. Khốn nỗi,
bỉ phu chỉ có hai cháu bé, thật tình không biết khu xử thế nào cho phải lẽ. Xin
ba vị định hộ.
Hai ông cử đồng thanh thưa, có ý đẩy Tâm ra ngoài:
- Bẩm xin tùy lượng cụ, lũ tiểu sinh không dám.
- Đã vậy bỉ phu xin xếp thế này cho công bằng. Cả ba vị đây,
bỉ phu không biết thế nào là hơn kém, xin ra một câu đối ai đối được trước hay
hơn, trội hơn, bỉ phu xin dâng cả hai tiện nữ.
Ba người đều ưng thuận. Ông cụ ngửa mặt lên giời một lúc rồi
quay xuống trông ba người đọc:
- Ba sĩ ngồi một ghế đội Đức Đường Nghiêu (Đường Nghiêu là một
vị vua giỏi đời trước. Chữ Nghiêu có ba chữ sĩ trên chữ kỷ là ghế).
Mọi người đều đọc lại vế ra, ngồi ngẫm nghĩ. Hai ông Cử xem
chừng băn khoăn lắm. Tâm lắp bắp xin phép đối. Ông Cụ nhũn nhặn nói:
- Thầy thong thả để nhường hai Quan Cử đã.
- Thế cụ không kỳ ai đối trước à?
- Có chứ! Vậy thầy cứ đọc.
Tâm ung dung đọc:
- Một bách sách hai cung đáng tài Lý Bật (Lý Bật là vị tướng
giỏi đời Lý Đường, được phong tước Vương, ngang với Quách Tử Nghi. Chữ Bật có một
chữ bách ở giữa, hai chữ cung hai bên).
Ông cụ gật gù khen:
- Hay lắm. Trội lắm. Quân tử nhất ngôn, bỉ phu xin công nhận
câu đối của thầy khóa Nam Hạ, vậy xin hai quan miễn đối!
Hai ông cử vừa bẽn, vừa tức hầm hầm nổi giận ra về. Ông cụ
cho gọi hai cô con gái ra xem mặt vị thư sinh trẻ tuổi. Hai cô đã nấp sau rèm
nghe trộm từ trước, bấy giờ mới yểu điệu kiêu hãnh bước ra. Hai chị em hơn nhau
có một tuổi, trông suýt nhau đều có một vẻ đẹp nghiêm trang chải chuốt, tuy về
tiều tiết có nhiều chỗ khác nhau. Tâm đáp lại lời chào thỏ thẻ của hai cô, rồi
ngây ngất nhìn hồi lâu không chán. Chàng sực tỉnh khi nghe có tiếng cô chị nói:
- Thưa tiên sinh, tài mẫn tiệp của tiên sinh, chúng em đã được
nghiêm đường cho biết, chúng em rất lấy làm hân hạnh được thừa tiếp tiên sinh
đây. Chúng em phận đàn bà con gái hèn mọn ở nơi quê mùa này, không biết gì về
văn tự, vậy xin có vế câu đối nôm na nhờ tiên sinh đối hộ!
Tâm sửng sốt hỏi:
- Lại đối nữa kia à? Nhưng đối được thì thế nào?
- Bẩm cái đó tùy ý tiên sinh!
- Vâng, xin quý nương đọc!
- Vế đối thế này ạ: "Cô gái cầu Cậy, má đỏ hồng hổng chỉ
muốn lấy chồng để mà trông cậy"
Tâm ứng khẩu nói:
- Tưởng gì chứ thế thì để tôi xin đối: "Cậu cả làng Mây
da đen mai mái, vớ được con gái, hát tràn cung mây"
- Kể cũng được, hay thì không hay lắm. Tiên sinh nói vậy thì
biết vậy chứ chúng em biết làng Mây ở đâu!
- Chuyện, thế tôi biết cầu Cậy ở đâu! Các cô muốn rõ làng Mây
thì đi về với tôi.
Cô em bấy giờ mới nói thay cô chị:
- Thôi, cũng cho là được. Nhưng em xin tiên sinh đối cho vế
này nữa, nếu được mới cho là thành.
- Thành cái gì kia?
- Thành...thành gì cũng được. Đây em xin đọc: "Vốn dòng
Thi Lễ, đôi tám Xuân Thu, gặp khách Thư sinh, đem lòng dục dịch...(lấy chữ tên
năm Kinh là Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu).
- Cũng dễ.
- Vâng dễ, xin tiên sinh đối cho.
- Tôi xin đối: "Đệ tử Trương Chu, mười năm Khổng Mạnh,
thấy nàng nhan sắc nên phải thưa trình"
Cả hai đều trông nhau mỉm cười, rồi quay lại nói với Tâm:
- Chúng em xin chịu tài tiên sinh.
Vừa lúc ấy ông cụ ở trong nhà lại giở ra. Ông nghiêm trang ngồi
vào ghế vồn vã nói với chàng:
- Hai tiện nữ đã phục thầy, vậy tôi lấy làm sung sướng nhận lời
thầy nói trước. Thầy nên về nói lại với nhà, tôi cho làm lễ thành hôn ngay cho
thầy tin. Còn việc học của thầy đang kỳ niên thiếu không nên trễ nải. Thầy phải
xa hẳn bọn nhi nữ để học hành thành danh thành tài, lúc ấy sum họp chưa muộn.
Tâm vui vẻ vâng lời. Ở đây ít lâu quen cảnh quen người, chàng
mới trở về cố hương, trong lòng đầy lạc thú, đầy hăng hái.
CHƯƠNG VII
Khoa Canh Ngọ, Tâm lại lều chiếu vào trường. Lần này, có cả
ông Đồ Trí đi thi càng khiến Tâm vui vẻ. Chàng sung sướng hơn nữa khi nghĩ đến
hai cô vợ trẻ đang ngóng đợi tiếng tăm chàng, hai cô vợ trung thành và tận tụy.
Chàng tự tin ở sức mình lắm, vì từ sau khi nghe lời khuyên của ông bố vợ thân
yêu, chàng đã dốc trí học cho bằng vượt mọi tay danh sĩ trong vùng mới thôi.
Cho nên vào trường, chàng làm văn chắc chắn lắm. Qua ba kỳ: Đệ nhất, đệ nhị, đệ
tam, chàng có tên trên bảng Phúc Hạch cùng với ông Đồ. Ông Đồ mừng quá, nói
khoe với mọi người:
- May ra lớp này phụ tử đồng khoa!
Ông Tú Phú Đông cũng được vào, đắc chí lắm. Ông vẫn lên mặt kẻ
cả với Tâm, lại vin là bạn ông Đồ, hay sai phái chàng một cách hách dịch nên
chàng muốn ông trượt quách cho đỡ ghét. Hôm ấy ba người đến nộp lều chõng và
quyển ra về, ông Tú vẫn tỏ vẻ kinh nghiệm mà nói:
- Cậu Tâm cố làm nhanh và đứng cuống thế nào chứ không có
không kịp, cả thầy ba bài kia đấy.
- Kịp chứ làm gì chả kịp! Ông Đồ nói.
- Biết đâu đấy!
Hôm sau, vào trường, Tâm tìm đến lều mình, lột tờ giấy đầu
bài xuống xem, kỳ này là lược hạch cả ba kỳ trước nên có một bài kinh nghĩa, một
bài phú ba vần, một bài văn sách ngắn. Chàng làm xong bài văn sách, rồi mới
nghĩ đến bài kia. Làm hết cả quyển đem nộp rồi ra về cũng chưa có trống tan.
Đến hôm làm lễ xướng danh, đông đủ mọi học trò và người xem đều
tụ tập cả ở cửa trường. Hàng quà bánh trầu nước được phép dọn bán quanh đấy. Thật
là một ngày long trọng và nhộn nhịp. Trong Nhà Thập Đạo, chiêng trống khua vừa
dứt, một đoàn lọng rước các quan lên đàn trong cổng Tiền Môn. Lá cờ Khâm Sai
bay phấp phới trên cái biển Phụng Chỉ, dưới hai lá lọng vàng. Các quan vận đại
triều phục phân thứ tự sau trước ngồi. Bên lá cờ, một người lại phòng cầm danh
sách các vị tân khoa. Liền đấy một viên đội lệ cầm loa xăm xăm chực gọi. Ở dưới
cổng trường trong một quán nước, ông Tú Phú Đông ngồi với ông Đồ Trí, đang vân
vê điếu thuốc cầm đóm đưa cho Tâm và giục:
- Cậu thổi hộ cái đóm mau.
Tâm cầm lấy đóm rồi. Nhưng lúc ấy trên chòi tiếng trống vừa dứt,
viên đội lệ đã đứng dé chân chèo ra, giơ loa lên chỉ còn đợi nghe người lại
phòng đọc. Ở dưới bỗng im bặt, mọi người đều chú mục lên đàn, chỉ có ông Tú
nóng hút thuốc giục Tâm:
- Người ta đã gọi đâu, thôi đi nào.
Tâm vẫn cầm yên cái đóm, ngẩng mặt lên đàn. Viên đội lệ quay
loa đi một vòng rồi hét:
- Canh Ngọ khoa, Nam Định Hương thi trường Cử Nhân đệ nhất
danh...
Viên đội lệ ngừng lại cho thêm vẻ thịnh trọng.
Ông Tú thúc Tâm:
- Chặc chặc! Thổi mau đóm, cậu Tâm!
Viên đội lệ trên chòi lại hét:
- Nam Định Tỉnh...Đại An Huyện...Phú Lão Tổng...Thịnh Hậu
Xã...
Viên đội lệ ngừng lại để thêm phần sốt ruột ở mọi người đứng
nghe. Theo lệ thì cứ gọi tên rồi đến tỉnh, huyện, làng là xong. Nhưng kỳ này muốn
cho tiếng Thủ Khoa được khác với mọi ông Cử Nhân khác, nên mới truyền gọi như vậy.
Tâm vẫn cầm que đóm, chăm chú nghe viên đội gọi tiếp:
- Nguyễn Đức Tâm!
Tâm dạ một tiếng dài, quay lại ném cái đóm vào mặt ông Tú và
nói:
- Bây giờ tôi không đốt đóm cho ông nữa.
Viên đội nhắc lại một lượt nữa, Tâm lại "dạ" một tiếng
nữa lách vào trước đàn, vái chào các quan rồi lĩnh áo mũ: Một cái mũ tím, một
cái áo nam sa mầu lam, một đôi hia, một cái hốt gỗ. Mặc áo đội mũ đi hia rồi,
Tâm được rước vào Nhà Thập Đạo. Ở ngoài, người ta lần lượt gọi tiếp các ông Cử
sau, tất cả có 24 vị tân khoa, trong số đó có cả ông Đồ Trí. Tâm mừng quá, nhắc
lại câu ông Đồ nói hôm Phúc Hạch:
- Phụ tử đồng khoa, thầy ạ!
Mọi người chuyện trò vui vẻ, hỏi thăm quê quán nhau, ai nấy đều
phục Tâm tài giỏi, khôi nguyên mới một tí tuổi đầu!
Buổi sáng hôm sau, cả bọn được rước sang Đốc Bộ Đường chào mừng
Quan Tổng Đốc, rồi sang bên vọng cung lễ tạ và ăn yến. Lúng túng trong chiếc áo
thụng, Tâm rất sung sướng được đứng đầu hàng, ngắm thẳng lên ngai vua mà lễ.
Mình run run vì cảm động ngắm kỷ những áo của các bạn đồng khoa, tự phụ áo của
mình đẹp hơn nhiều, chàng khoái chí lắm, tuy rằng mũ áo ấy cùng một kiểu, cùng
một thứ vải. Lễ xong cả bọn được mời vào ăn yến do một đội lính hầu hạ. Yến
cũng như bữa cổ thường thôi, chỉ khác có ít bánh bột pha đủ các mầu. Nhưng ai
cũng không hề để tâm đến thức ăn cho lắm. Chỉ có riêng Tâm, mỗi thứ chàng đều
véo lấy một ít, như các cụ ăn giỗ lấy phần, gói vào khăn tay chặt chẽ, bụng tự nghĩ:
- Lộc vua, lộc nước đây, mất bao công của mới có ngày nay. Ta
đem về cho hai cụ xơi được nếm mùi sung sướng.
Tan yến, chàng với ông Đồ, bây giờ là ông Cử Trí trở ra cổng
trường xem lại bảng. Cái bảng sơn son vẽ con hổ vàng đi hùng dũng, lưng đội cái
khoảng biên tên mấy ông Cử mới. Liền ngay đấy gài vào tường nứa, một cái phên
phất giấy trắng, chi chít những tên bẩy mươi hai ông tú tài. Tâm đọc lần lượt,
bỗng reo lên:
- A, ông Tú Phú Đông lại đỗ...Tú Tài, Tú kép rồi!
Đoạn hai người về mặc sắc phục vào hầu các quan hành tỉnh rồi
đi chơi phố. Ông Lý đã mua hai cái lọng xanh ngay sau khi xướng danh. Ông thuê
hai tên phu cầm lọng che cho hai người dạo chơi các phố phường. Thật là một
vinh dự độc nhất cho ông, khi thấy các người hai bên phố phải đứng lại hay ở
trong nhà chạy ra xem. Người ta trầm trồ khen:
- Kìa trông phúc đức chửa. Mới từng kia tuổi đã Cử Nhân! Cái
áo lê thê còn phải xắn lên kìa!
Nghe những lời khen ấy, Tâm cũng bội phần hoan hỉ, thật là
sung sướng nhất đời. Chàng nghĩ:
- Giá bây giờ có cả hai vợ ta ở đây thì hoàn toàn sung sướng!
Ông Cử Trí và Tâm còn lưu lại chơi ít bữa và vào Phạm Xá lễ
bái tạ Cụ Nghè để ông Lý về trước sắp sửa rước vinh quy.
Tin Tâm đỗ về đến làng, ai nấy đều vui mừng hớn hở, chỉ trong
chốc lát đã truyền tự miệng người nọ sang người kia:
- Cậu Tâm đỗ Thủ Khoa trường Nam!
- Quý hóa nhỉ! Cậu làm vẻ vang cho cả làng!
- Cả hàng xã, hàng tổng ấy chứ lị!
- Cả hàng huyện! Huyện ta đã có ông Thủ Khoa nào đâu!
Và trong một ngày, suốt cả vùng...tổng xa, xã gần đều hay được
cái tin vinh dự ấy. Ai cũng phục cậu là thiên tài và khen nhà cậu phúc đức. Trước
cái vẻ vinh hoa rõ rệt ấy, bao nhiêu sự ghen ghét tầm thường, thù hằn nhỏ mọn đều
dẹp đi hết, trong làng trên dưới nhất tâm trù định rước vinh quy Quan Thủ Khoa
cho thật long trọng. Đến ngày đã định, tất cả làng hội họp tại đình cắt cử đàn
anh Hương Lý và rất đông trai tráng đem đủ nghi lễ xuống tận huyện nha đón rước
vị Khôi Nguyên.
Tâm cũng vừa về tới huyện. Chàng mặc phẩm phục đội mũ, đi ủng,
do một tên hầu cầm lọng xanh che đi vào huyện chào Quan Đồng Trí. Vào đến cổng,
trên chòi canh nổi giật sáu tiếng trống báo, tức thì cánh cổng mở rộng, một
hàng lính đứng thẳng chống giáo chào. Và một tràng pháo nổ. Quan Đồng Trí
nghiêm chỉnh trong cái áo tấc màu lam tiến xuống sân công đường đón. Tâm vái
chào:
- Hạt dân xin kính chào quan lớn.
- Bản chức xin có lời mừng Quan Giải Nguyên.
Rồi hai người dắt nhau vào công đường chia ngôi chủ khách, cười
nói vui vẻ. Quan Đồng gọi lấy giấy hoa tiên đề một bài thơ mừng Tâm, chàng họa
ngay vần đáp tạ lại. Ở công đường ra, chàng rẽ sang Dinh Quan Huấn Đạo. Ở đấy
cuộc tiếp kiến cũng tương tự như bên Nha. Lúc trở về đã thấy đông đủ dân làng tụ
tập ở cổng Huyện, chàng vái chào đáp lễ các Hương Chức xuống đón mình. Chàng vồn
vã hỏi thăm:
- Kìa ông Lý, kìa ông Chỉ! Phiền hai ông quá, xa xôi thế kia
mà các ông cất công đi. Sao không để con em nó đi thôi, các cụ?
Họ lễ phép đáp lại:
- Bẩm Quan Thủ Khoa, chúng tôi không đi, để kệ chúng nó thì hỏng
cả. Còn thiên hạ quan chiêm chứ.
Tâm đi vào nhà hàng, thay áo và mời kỳ dịch ăn trầu uống nước.
Xong đâu đấy, đám rước khởi hành, có Quan Đồng Phủ, Quan Huấn Đạo và tất cả nha
lại ra ngoài cổng Huyện tiễn. Bái biệt các quan, Tâm bước lên cái võng xanh mắc
vào cái đòn sơn then chạy chỉ đỏ, do hai phu làng khiêng. Hai tên phu mặc áo
chùng thâm, thắt ngoài một cái lưng xanh bỏ múi về hông bên phải. Một tên phu
khác, cũng ăn mặc như thế, cầm cái lọng xanh che kèm. Đám rước bắt đầu đi. Hai
mươi lá cờ ngũ sắc rải rác đều nhau, bay phất phơ trước gió. Tiếp đến hai hàng
bát biểu và gươm giáo do những tên phu mặc áo nẹp đỏ vác trên vai đi rất nhịp
nhàng, đều đặn như toán quân ra trận. Sau đó là một cái trống tiêu cổ sơn đỏ
thiếp vàng anh ánh, thỉnh thoảng được điểm mấy tiếng bong bong từ tay một người
đã đứng tuổi đầu đội nón dứa chóp bạc, quai lụa bạc. Rồi đến một cỗ kiệu vàng ối
ngất nghểu trên vai bốn tên phu mặc áo nâu đỏ. Trên kiệu để mũ áo và hốt của
vua ban, có hai cái lọng vàng đi kèm. Sau đó là cái võng của Tâm, có Hương Lý một
lũ theo sau.
Chiếc trống cái do hai tên phu khiêng đi tập hậu, chốc lại điểm
mấy tiếng đo đường oai vệ. Vừa ra khỏi phố huyện, người ta trông ngay thấy ở
đàng xa mấy lá cờ bay phấp phới ở bên một cái hương án che lọng, trên có đôi lọ
song bình cắm hoa và một mâm bồng ngũ quả. Mấy người lố nhố đứng bên. Đám rước
đi đến đấy, một tràng pháo nổ. Mọi người đều phải ngừng lại. Tâm xuống võng vui
vẻ chào mừng Hương Lý đã có lòng tốt ra đón tiếp chàng. Nói chuyện qua loa,
chàng lại lên võng và đám rước lại đi, có thêm ở đàng sau mấy lá cờ của làng ấy
đi để tiễn về đến tận nhà, vì đây cũng là một làng cùng Tổng, cái Tổng chưa có
một người đỗ đạt nào! Đám rước lại đi. Và từ đấy về đến nhà, Tâm phải xuống
võng sáu, bẩy bận nữa để đáp lễ những làng ra bái vọng ở dọc đường qua. Đến quá
Mùi, đám rước mới đến làng. Tất cả các bô lão nhân dân đều đủ mặt ở ngoài cổng
làng ngóng đợi. Trông thấy võng Tâm, họ vui vẻ reo hò như hoan hô một vị đại
anh hùng. Chàng chả là một vị anh hùng rồi còn gì! Chàng xuống võng vái chào
các bậc già cả, hỏi han hết mọi người, như người đi xa mới về. Tất cả đoàn người
đều thứ tự kéo vào nhà ông Lý Tưởng. Tiếng pháo nổ vang lừng. Sau khi vào bái tổ
ở Từ Đường, sau khi đã lễ bái tạ ở Đình và ở Miếu, chàng mời mọi người vào ăn
tiệc, một bữa tiệc linh đình mà ông Lý đã hiệp cùng nhà vợ chàng sửa ra để thết
mọi người chạy đến. Khách ăn đông quá, phải ngồi san ra mấy nhà làng xóm. Người
ta phá cả các bờ rào, đi lại cho tiện. Bà con họ hàng ai cũng muốn góp một phần
vào bữa tiệc hiếm có này mà không nề tốn phí thiệt thòi. Hai cô vợ trẻ măng
cũng về trông coi vào bữa mừng cho thêm phần vui vẻ. Trong khi ăn uống, người
ta thi nhau khen ngợi nhà Tâm, khen chàng có thiên tài và lại duyên giời dun dủi
se được nơi tài sắc vẹn mười. Có người phàn nàn cho cô Mai Mỹ Lương và giận ông
Chánh Bá hám danh bỏ nghĩa, gả con cho một lão Cử góa vợ. Có người nhân đấy hỏi
đùa:
- Bây giờ giá cô Mai Mỹ Lương xin về thì Quan Thủ nghĩ sao?
Tâm cười đáp:
- Sao lại có chuyện lạ thế?
Người khác chen vào:
- Bẩm đấy còn quyền ở quan bà chứ? Bẩm bà Thủ Khoa, cô Mai Mỹ
Lương nhờ chúng tôi nói với quan nhà để xin về, bà định sao?
Vợ Tâm cười nóí:
- Bẩm, cái ấy dễ lắm ạ. Cô ấy về đây, chỗ chị em càng thêm
vui.
Tiệc mừng còn kéo dài hai ba ngày. Các bạn làng nho trong
vùng đến mừng đủ mặt, câu đối ca tụng treo đỏ se cả nhà.
Ngày hôm sau, Tâm đến bái tạ ông Đồ dạy học vỡ lòng. Một gánh
quả lễ vật đi trước, Tâm đi lọng xanh đi giữa, Đằng sau một tên gia nhân đội
cái hòm sơn mới sắm đựng mũ áo đăng khoa. Đến nơi, Tâm vào nhà một người bạn, mặc
phẩm phục, rồi mới đem lễ vào nhà thầy. Ông Đồ đon đả ra đón. Tâm chắp tay vái
chào:
- Lạy thầy ạ!
Ông Đồ vái lại:
- Chào thầy tân khoa!
Lễ vật để lên bàn thờ, đèn hương đã thắp rồi, chàng nghiêm
trang vào lễ bốn lễ bái tổ. Lễ xong, chàng ra xin phép lạy tạ ông Đồ. Ông xua
tay nói lắp:
- Thôi! Thôi! Xin thầy miễn cho! Xin, xin...
Tâm cung kính thưa:
- Bẩm thầy, công thầy khai hóa trước tiên, con chưa lấy gì
báo đáp, đạo học mênh mông, ơn thầy giời bể. Một lễ sống bằng đống lễ chết, xin
thầy cho phép...
Vừa nói, chàng vừa sụp xuống lạy. Ông Đồ ngồi tránh ra một
bên. Lạy hai lạy đứng lên vái ba vái rồi Tâm xin phép lại ngồi vào giường bên.
Bây giờ ông Đồ mới đứng dậy trước mặt Tâm và nói:
- Nãy ông giả nghĩa thầy mà lạy tôi, bây giờ tôi là người học
trò hèn xin lễ mừng một vị Thủ Khoa...
Tâm vội vàng đứng dậy đỡ thì ông Đồ đã sụp xuống rồi. Chàng
phải nằm soài xuống ôm ông lên. Ở ngoài bọn phu khúc khích cười ông Đồ quá cẩn
thận.
Ở nhà ông Đồ ra về, chiều Tâm mới lên Mỹ Lý bái tổ nhà ông Cử
Trí.
Mấy hôm sau, hai ông con rủ nhau ra Phạm Xá bái tạ Cụ Nghè và
hỏi chuyện về đi Thi Hội.
CHƯƠNG VIII
Hết tháng Giêng năm Tân Mùi, Tâm với ông Cử Trí, hai cậu cháu
thu xếp ít tiền để tiến Kinh Thi Hội. Thi ở mãi tận Kinh, đường xá xa xôi, phải
đi mất hàng tháng xiên qua rừng sâu, ven bên bể cả, đi lại rất nguy hiểm, nên
hai người đi rủ tất cả các người bạn trong vùng. Đi như thế lại xa phí nhiều,
thường mỗi ngày phải đi mấy cung cáng, nên những bạn nghèo quá không thể đi được.
Hai người vào đến nơi, để luôn hai ngày đi thăm Kinh Đô, vòng hết Hoàng Thành,
chơi dòng sông Hương, quanh chân núi Ngự, thẳng đường đi chiêm ngưỡng lăng tẩm.
Cả hai cậu cháu đều đồng ý rằng:
- Sao thì sao! Được dịp đến đây, ta hãy xem cho hả đã!
Đến đâu Tâm cũng nhận thấy sự đẹp nguy nga đài các của Nhà
Vua. Đến đâu, chàng cũng nhận thấy một vẻ thiêng liêng chúa tể. Chàng thán phục
lắm. Thăm hết Kinh Thành, chàng càng thấu rõ sự thịnh trị của Bản Triều, trăm họ
sung sướng, thái bình âu ca! Mỗi khi nghĩ vậy, chàng lại ngoảnh mặt về cửa Khuyết
vái ba vái.
Ngày thứ ba, hai người mới giở lại nhà trọ đóng quyển để đem
nộp, tên tuổi, quán chỉ cung khai Tam đại, cũng đề y như quyển Thi Hương, chỉ
khác ở dưới niên canh quán chỉ, phải để thêm cử nhân khoa nào. Viết xong hai
người đem nộp quyển ở Dinh Quan Phủ Doãn Thừa Thiên, rồi ngài đệ lên các khảo
quan Hội thi. Hội thi cũng thi ngay ở trường Thi Hương ở phường Tây Nghị, ngoài
cửa Thượng Tứ. Các khảo quan cũng đủ bộ như ở Thi Hương, nhưng ít hơn, bởi vì số
thí sinh ít lắm, từ ba bốn trăm đến sáu bảy trăm là cùng, ấy là kể cả các ông cử
tân khoa, các ông cử khóa trước cùng những ông Tú Tài tứ thập và Tú Tài ấm
sinh. Thí sinh Thi Hội không phải mang lều chõng.
Trong trường đã làm những nhà con sẵn sàng, nền cao tử tế, có
kỷ viết hẳn hoi, đông thì hai người, mà vừa thì mỗi người một lều. Ở vi nào,
người ta đã yết rõ ra đấy, chỉ việc mang ống quyển vào thôi. Thi Hội bài vở
khác Thi Hương. Thi có bốn kỳ và một kỳ Phúc Hạch nữa gọi là Thi Trúng Cách. Kỳ
đệ nhất, kinh nghĩa và luận, kỳ đệ nhị Tứ Lục, một bài chiếu, một bài biểu. Kỳ
đệ tam, một bài thơ, một bài Phú. Kỳ đệ tứ, văn sách. Kỳ đệ ngũ là thi trúng
cách, thi lược lại cả từng ấy bài. Về việc chấm ở bên Thi Hội cũng khác. Cũng
chia ra Nội Trường, Ngoại Trường gọi là Nội Liêm, Ngoại Liêm. Nhưng khi Quan Đề
Tuyển đã chia số quyển ra năm phần, đánh dấu bằng Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ hay
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, mỗi kỳ một khác, rồi đánh số rọc phách xong, giao xuống
văn quan ở lại phòng chép sang quyển khác, chép đúng y như vậy, hai người soạn,
hai người chép, một người ngồi coi, đọc, một người đọc chiếu lại. Xong, sáu người
phải chua tên và chức tước vào trang đầu cả hai quyển chính và quyển sao. Viết
làm ba dòng đại để như vầy:
"Hàn Lâm Viện Thi Độc, thần, Giám Soạn, Thị Lang, thần
phụng soạn.
"Hộ Bộ Lang Trung, Thần...giám đằng. Hàn Lâm Biên Tu, Thần...phụng
đằng.
"Hàn Lâm Viện thị giảng thần...giám độc. Hàn Lâm tu soạn
thần...đối độc"
Chép lại xong tất cả. giao giả bên Đề Tuyển. Ở đây người ta
chọn nguyên những quyển sao gửi vào Nội Liêm. Trong này hai vị giám khảo cùng
chấm một quyển và cùng cho điểm. Bài nào khá thì phê rất đằng tả: "Văn lý
đắc phân" tùy giá trị được phê từ 1 đến 20 phân. Bài kém thì phê "Văn
lý bất cập phân". Chữ phê phải rõ ràng đằng tả. Nội Liêm chấm xong, các
quyển được đem sang Ngoại Liêm để hai Quan Chánh, Phó Khảo chấm. Ngoại Liêm
cũng chấm như vậy và phê điểm bằng son tầu. Qua cả bốn kỳ, Quan Đề Tuyển đóng dồn
tất cả bốn kỳ, bản chính bản sao lại một tập soạn xem người nào đủ bốn phân thì
được vào dự kỳ Trúng cách tức là đỗ Hội Thi, thí sinh chỉ còn có việc sửa soạn
vào Thi Đình liền ngay mấy hôm sau, mà mong cướp lấy danh ông Bảng, ông Thám,
ông Hoàng và ông Nghè.
Ngày mồng một tháng ba, kỳ đệ nhất Hội Thi, Tâm và ông Cử Trí
đã đeo ống quyển cùng mấy trăm sĩ tử đứng đợi ở ngoài cổng trường. Ba hồi
chuông, ba hồi trống vừa dứt, tiếng loa đồng đã âm oẹ gọi tên. Các sĩ tử lần lượt
được vào, sau khi đã bị viên tứ phẩm xuất lục soát qua loa ống quyển và quần
áo. Tâm vượt qua cổng và ngơ ngác đi tìm cái lều trước mành có giấy dán tên
mình. Chàng bước vào đã thấy một người trong ấy. Chàng cúi đầu chào. Họ trọ trẹ
đáp lại. Chàng hiểu ngay là người miền trong, nên không dám nói chuyện gì nữa,
sợ họ nói khó nghe. Chàng ngồi vào cái kỷ mộc để ống quyển lên cái yên sơn dành
riêng cho mỗi người. Vì số thí sinh ít nên việc nhập trường rất chóng vánh.
Chàng mới ngồi được một lúc, thì đã có một hồi chuông và một hồi trống đóng cửa
trường. Trong cái lều của chàng có hai người thi. Một tên lính đem bảng đầu bài
đến treo vào cột rồi thản nhiên đi ra. Tâm chăm chăm viết đầu bài, rồi yên lặng
giáp không hay trông ngang trông ngửa nói với người này người nọ. Ở giữa chốn
yên tĩnh, liền kề ngay cung khuyết cao nghiêm, Tâm cảm thấy bỡ ngỡ và sờ sợ.
Hơn nữa, mấy toán lính dưới quyền chỉ huy của hai Quan Ngự Sử Giám Sát Ngoại
Liêm và Nội Liêm, luôn luôn đi tuần tiễu bên ngoài, làm cho Tâm thêm sợ. Chàng
chỉ còn có việc cắm cổ làm bài.
Qua bốn kỳ cần cù như thế, đến hôm hai mươi bẩy yết bảng vào
dự Trúng Cách, chàng mướt toát mồ hôi không thấy tên mình trên bảng. Cả ông Cử
Trí cũng không được vào. Buồn rầu, tối hôm ấy hai cậu cháu thuê thuyền dạo chơi
trên mặt sông Hương. Giời sáng sao mờ mờ, thuyền nhè nhẹ trôi, những cây cổ thụ,
những làng mạc bù rù hiện ra tỏ mờ trước mặt. Gió hiu hiu lướt, làn sóng nhỏ vỗ
vào thuyền lép bép. Hai người lẳng lặng như phiêu diêu lướt vào cõi mộng. Ông Cử
Trí thung dung bảo cháu:
- Sướng thật, giá mà đỗ ngay thì thầy trò mình đâu được thế
này!
Tâm cũng lên mặt khinh thường sự đỗ:
- Có thi trượt mới là tài giai chứ. Có trượt mới được ăn chơi
lịch lãm.
° ° °
Khoa sau, khoa Giáp Tuất, Tâm lại được dịp trẩy Kinh Thi Hội.
Qua ba kỳ, văn làm cứng vá ý bàn xác đáng, chàng tự tin và nghĩ bụng:
- Số ta chỉ thi hai lượt là đỗ. Có lẽ kỳ này may ra ta lại đỗ
Hội Nguyên cũng nên!
Nhưng đến kỳ đệ tứ văn sách, chàng quên khuấy ngay mất một đoạn
trong Minh Sử, cái đoạn dễ nhớ nhất mà chàng vẫn coi thường. Cháng bóp trán suy
nghĩ. Vẫn bị tắc không ra. Chàng lâm râm van lạy thần minh, cầu khẩn các bậc
linh thiêng phù hộ, van xin những kẻ oán thù buông tha. Vẫn không nhớ ra một chữ
nào. Chàng đành đánh bạo hỏi người cùng lều. Người này quê ở An Giang, Nam kỳ,
thấy chàng hỏi, liền hỏi lại:
- Ang, ang quý quán ở đâu?
- Đệ ở Nam Định, tôn huynh ạ!
- Nam Định Bắc kỳ à!
- Phải Bắc kỳ.
- Ở Bắc kỳ ang có biết Tâm bánh mật không?
Tâm hớn hở nói:
- Có, đệ là Tâm bánh mật đây!
Người kia vờ làm ra vẻ kinh ngạc nhìn Tâm và nói:
- Tâm Bánh mật nổi tiếng Bắc Hà, tui không bảo. Bọn chúng tôi
chỉ kiêng có Tâm bánh mật thôi!
Người kia nói vậy, rồi nằm xuống viết, không để ý gì đến Tâm
đang bẽn lẽn tức tối bên cạnh. Chàng ngồi thừ một lúc, rồi làm quấy quá cho
xong bài, đem nộp, chàng nghĩ thầm:
- Có lẽ oan hồn vào báo oán không cho ta làm xong bài. Thôi cầu
khẩn không được, ta cũng đành chịu, biết sao. Hay là đất nhà ta không có đại
khoa. Tâm buồn não giở ra, nói chuyện với ông Đồ:
- Con trượt mất thầy ạ!
- Sao vậy, con?
Chàng nghẹn ngào:
- Con quên mất đoạn Thường Ngộ Xuân trong Minh Sử.
- Thôi! Khoa này chẳng đỗ, để dành khoa sau, vội gì!
Rồi cả ông Cử Trí cũng trượt.
Hai cậu cháu lại phải khăn gói về quê, đợi chờ khoa sau.
Năm Bính Tí, Tâm vừa đúng hai mươi ba tuổi. Triều đình mở Hội
Thi ân khoa để ghi nhớ và vui mừng lễ Ngũ Tuần đại khánh của Đức Kim Thượng.
Ông Cử Trí bị đau không đi được. Một mình Tâm lại vượt đường thiên lý, leo qua
Đèo Ngang vào Kinh ứng thí. Kỳ này qua cả bốn kỳ, chàng được vào dự thi Trúng
Cách, văn lý được tất cả chín phần. Có năm mươi thí sinh được chọn, nên cổng
trường thưa thớt lắm. Giời đã sáng rõ mới có trống báo cho thí sinh vào. Quan
nơi cổng khám xét nghiêm ngặt, họ ùa chạy đi tìm tên mình trên mảnh giấy dán ở
mành mành treo trước mỗi gian. Vào đến nơi chàng đã thấy mảnh giấy đầu bài để
ngay ở trên yên. Chàng hăm hở đọc đi đọc lại, rồi đem nghiên bút, mực giấy ra
nháp. Làm xong, chàng đọc lại rất kỹ, chữa lại những đoạn cho gọn, xem lại cho
kỹ, rồi mới viết đằng tả vào quyển đem nộp.
Ngày mồng ba tháng tư yết bảng.
Thi Hội không có Truyền lô (gọi loa) nên các khảo quan cử
hành lễ yết bảng rất long trọng. Sáng hôm ấy Tâm dậy sớm, ăn mặc gọn gàng. Chít
khăn nhiễu chữ nhân, đội nón sơn chóp bạc ung dung ra đứng đợi ở trường thi.
Quá Mão sang Thìn: Trên chòi, ba hồi chín tiếng chuông trống ngân nga vừa dứt,
các khảo quan đã chỉnh tề y mão ra cổng trường. Lọng tàn che san sát, cờ bay phất
phới, gươm tuốt sáng phản chiếu những tia nắng chói lọi. Cờ Mao tiết cắm bên
hương án mềm mại bay dưới bốn lá lọng vàng. Các quan lạy tạ trước hương án rồi
lên ghế tréo ngồi. Một hồi lệnh ai nấy im bặt, viên xuất đội tứ phẩm từ từ trịnh
trọng treo cái bảng đỏ lên công trường.
Tất cả có mười bẩy người trúng cách, Tâm được đứng thứ ba. Kể
cũng là vinh hạnh lắm rồi, nên chàng vui sướng lắm, nét mặt tươi tỉnh với làn
da bóng lộng, trông chàng xuất sắc hơn cả vị Hội Nguyên, một người tầm thước trạc
gần tứ tuần. Chàng lại trẻ, ít tuổi hơn cả, ai ai cũng phải đặc biệt chú ý đến
chàng. Các khảo quan mời những vị trúng cách vào ngồi hàng ghế ở cổng trường, dặn
qua cách thức vào Điện Thi Đình thí và chúc cho được tên chiếm bảng Rồng! Rồi
tan cuộc.
Tâm hớn hở cùng các bạn ra về, tâm niệm nghĩ đến ngày vào
Đình Thi.
Đình Thi chỉ có một ngày thôi. Thí sinh được triệu vào hẳn
trong Điện Nhà Vua để làm bài chế sách tự Vua ra, hay là các Văn Quan Đại Thần
thay lời Vua mà ra. Bài chế sách cũng có hai phần, như văn sách: Một phần cổ
văn hỏi về sự nghiệp của các đế vương thời trước và những cuộc bĩ thái biến
chuyển của các thời đại, cùng những tai nạn lớn xảy ra với cách thức ngăn ngừa,
một phần kim văn hỏi về công việc của Nhà Vua đã làm và hiện làm, cùng những
phương pháp làm cho nước thịnh dân giầu. Như thế tức là làm một bài tổng bị bàn
về mỗi vấn đề một ít. Thí sinh vào Điện thi không phải mang theo gì hết ngoài
mũ áo hia bốt. Bút mực giấy, thức ăn, thức dùng đều tự Nhà Vua ban ra. Các giám
khảo đều là các văn thần cao cấp được vua cử ra chấm bài rồi đệ lên vua điểm lại
và phê thứ tự. Theo như của Tầu, ba vị nào đỗ cao và đúng số khuyên và số phân
đã định, được gọi là Tam Khôi và mang danh:
1.- Đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên)
2.- Đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng Nhỡn)
3.- Đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám Hoa)
Còn ngoài ra đều gọi là Tiến Sĩ xuất thân cả. Nhưng ở bên ta
từ triều Lê, ngoài Tam Khôi ra, còn đặt thêm Đệ nhị giáp Tiến Sĩ xuất thân, đệ
nhất danh (Hoàng Giáp).Và những người nào đỗ tương đương thế mà chưa đủ số
phân, đều được gọi là Đệ nhị giáp Tiến Sĩ xuất thân.
Những người đỗ kém một ít được gọi là Đệ tam giáp Tiến Sĩ đồng
xuất thân.
Tất cả các vị đỗ ấy đều mang danh Tiến Sĩ là những người đã
được tiến lên Vua. Tức là người đỗ Giáp Bảng vậy (Đấy có chữ khoa giáp). Những
người nào văn lý được nửa phân đỗ Phó Bảng. Phó Bảng là phụ vào bảng đỗ. Người
ta còn gọi là đỗ Ất Bảng. Còn những người nào văn lý bất cập phân thì bị loại.
Muốn phân biệt hơn kém của ba giáp, người ta phải theo cái định
lệ gấp đôi. Ví dụ Đồng Tiến Sĩ một phân, Nhị giáp Tiến Sĩ phải hai phân, Nhị
giáp Tiến Sĩ, đệ nhất danh (Hoàng Giáp) bốn phân, Thám Hoa tám phân, Bảng Nhơn
mười sáu phân, Trạng Nguyên phải ba mươi hai phân.
Về triều Nguyễn theo di ý của Vua Gia Long định ra cái luật
"tứ bất"(bốn điều không) nên không có Trạng Nguyên. Tứ bất là: Bất
thiết Tể Tướng, bất cử Trạng Nguyên, bất lập Vương tước, bất phong Hoàng Hậu
CHƯƠNG IX
Mồng mười tháng tư, ngày Đình Thi Tâm mặc áo, đội mũ, cầm hốt,
đi hia chỉnh tề, cùng các bạn đợi ở cửa Ngọ Môn. Bấy giờ vào khoảng cuối giờ Dần.
Mặt trời đầu mùa Hạ đã lên cao, chiếu ánh nắng vàng tươi ấm áp xuống cả Hoàng
Thành yên lặng, bên con sông Hương lững lờ và trên núi Ngự Bình hiền hậu.
Cái cổng Ngọ Môn đồ sộ và cao vót tắm trong ánh nắng tưng bừng
càng tăng vẻ thiêng liêng cao cả. Trên lầu, một hồi trống rồng ung dung rơi từng
tiếng một lan tỏa ra không gian và bay theo dòng nước bạc. Cổng tả và cổng hữu
từ từ mở. Các thí sinh vuốt lại áo, ngắm lại hốt, đứng theo hàng chữ nhất, thứ
tự sau viên Tham Tri Bộ Lễ tiến vào Nội. Đi theo một con đường thẳng lát đá chạy
giữa một bãi cỏ phẳng giồng cây cau rủ bóng, đoàn nho thần ấy để chân lên một
chiếc cầu sơn bắc qua Hổ Ngọc Tỉnh. Ở trên cầu xuống đi ngoặt về bên tả, mọi
người rẽ vào dẫy nhà đợi. Ở đấy đã sẵn bàn ghế và nước chè giải khát. Phía trước
nhà đôi là một khoảng đất chữ nhật chạy dài, lát gạch có một hàng cây thưa để
dành riêng cho các quan từ tứ phẩm giở xuống. Ngoài khoảng đất ấy là cái sân
lát cẩm thạch. Trong cùng sân là Điện Thái Hòa. Một tòa lâu đài bề thế to tát
chạy dài đến hai mươi thước tây. Trong điện cột sà chạm rồng sơn vàng chói lọi,
trông lóa cả mắt. Ở giữa có một cái sập long tọa trên đặt một cỗ ngai vàng lóng
lánh. Trên mái, chỗ ngự tọa ấy, căng một bức phương du đỏ thêu rồng vàng, vây lấy
bốn chữ "Thánh cung vạn tuế". Ngoài ra không còn một thứ đồ đạc nào.
Trong cung điện, đục qua bức tường chắn ngang, có hai cửa thông sang Điện Cần
Chánh.
Tâm đang mải đưa mắt đi lục soát mọi nơi mọi xó. Ông Hội tân
khoa của chúng ta vốn là một người ham thanh chuộng lạ, thấy một nơi cảnh trí
khác đời, ngài mắt la mày lét, nhất định xem cho được, chợt ba tiếng khánh ngân
nga giục giã. Vị quan dẫn đạo truyền mọi người bước lên sân cẩm thạch. Mấy vị
quan cao cũng lục tục đứng lên hàng trên. Trong Điện một toán quân ngự vệ, mặc
áo vàng đi ủng đen, vác gươm giáo sáng quắc. Ra đến giữa Điện, bọn lính chia
tách ra làm đôi, túc trực hai bên ngự toạ. Một viên nội giám cũng đội mũ đi hia
cầm lệnh ra đứng giữa điện, đánh ba tiếng và hô:
- Thiên tử lâm triều!
Tất cả mọi người đều phủ phục nằm xuống sân. Khi ngẩng lên quỳ
để tung hô "Vạn thọ vô cương" Tâm trông thấy ngồi trên ngai một người
ngăm đen nghiêm nghị dưới cái mũ long miện, trong cái áo long cổn bằng dạ đen
thêu vàng. Dứt lời tung hô một vị đại thần xuất ban phủ phục tâu:
- Thần đẳng xin dẫn mười bẩy người dự trúng cách vào Đình đối.
Một viên nội giám được lệnh truyền, lại gần vị Lễ Bộ Thượng
Thư, hô lớn:
- Thánh Thượng cho Quan Lễ Bộ bình thân dẫn tiến.
Vị đại thần bình thân đi sang bên hữu, nhường chỗ cho vị quan
dẫn đạo và mười bẫy nho sinh phủ phục đồng thanh tâu:
- Thần đẳng khể thủ bái chúc Thánh thọ vô cương.
Lại một viên nội giám cầm bài ra hô:
- Thánh Thượng truyền cho các nho sinh đăng điện đối sách. Cả
bọn bình thân yên lặng, nhẹ nhàng bước ba bậc lên điện do mấy vị đại thần dẫn
tiến. Trên Điện, người ta đã đặt đủ mười bẩy cái yên với mười bẩy cái tráp trên
mười bẩy cái chiếu rải rác khắp Điện.
Viên nội giám lại hô:
- Thánh Thượng tứ tọa!
Ai nấy đều quay đầu phủ phục về phía Vua rồi ngồi xuống. Lúc ấy
viên nội giám lại hô:
- Thánh Thượng truyền khai độc chế sách!
Ở mỗi yên đã có một cuộn giấy tròn, ai nấy đều cầm lên mở ra
xem. Khi ấy một hồi lệnh đánh mau, hai đoàn quân ngự vệ hợp làm một hộ giá
Hoàng Thượng đi sang lối Điện Cần Chánh hồi cung, sau khi viên nội giám hô lần
cuối cùng:
- Thiên Tử bãi triều!
Các quan cũng ra về cả, chỉ còn hai vị võ quan Hậu Quân Đô Thống
vận triều phục ngồi ở hai đầu Điện để giám cuộc.
Từ lúc vào Điện đến giờ, Tâm cảm thấy đầy vẻ sợ sệt, trong
trí óc chàng vẫn thấy nơm nớp lo sợ, mặc dầu chàng cố bình tĩnh. Gia dĩ chiếc
áo cử nhân thân dài, tay rộng lùng thùng, lúc nào cũng vướng vít như trêu chòng
chế giễu chàng, chàng càng thêm luống cuống, đọc chế sách không hiểu được rõ
ràng nữa, chàng nghĩ bụng:
- Chết chữa! Khéo lại đến trượt mất thôi!
Nhưng bây giờ Thánh giá đã hồi cung, chàng mới dần dần bình
tĩnh lại và đọc hiểu hết ý nghĩa trong chế sách. Chàng lấy bút ra nháp bài. Viết
xong hai chữ "Thần văn..." (tôi nghe) chàng đặt bút xuống đọc lại chế
sách, ngồi thừ một lúc ngẫm nghĩ, con mắt đăm đăm nhìn bọn lính thị vệ đi riễu
quanh Điện. Rồi chàng cầm lấy bút thoăn thoắt nháp lựa theo câu đầu chế sách mà
tán dương công nghiệp và nhân chính của Nhà Vua, từ khi lâm trị đến nay, liền đến
cái ý nghĩa kỳ thi ân khoa này. Sau mười hai dòng dài dằng dặc mào đầu, chàng
viết đến câu "Phục độc chế sách hữu viết" chàng xem lại chế sách,
chép lại một đoạn đầu, rồi luận rộng ra vừa một tờ đặc. Qua mỗi đoạn lại phải lấy
câu "Phục độc chế sách hữu viết" để chắp đoạn khác trong chế sách rồi
lại đáp suy rộng ra. Trong mỗi đoạn thuật lại công việc thời cổ, đều phải đem
so sánh với công nghiệp của Nhà Vua bây giờ. Cứ thế cho hết mỗi đoạn trong chế
sách, để kết cấu bằng một trang về ý định và chính sách của Hoàng Thượng và
mong Nhà Vua xét theo những điều đã trình bầy ở trên. Cuối cùng là một câu nói
nhún mình sức học tầm thường chưa quen được quy mô hoàng viễn, chưa có những lời
khẩn thiết để báo đáp tấm lòng Hoàng Thượng sách hỏi. Cái câu ấy đồng ba chữ
"Thần cẩn đối".
Tâm đương nháp thì lính thị vệ đã bưng trà ra cho chàng giải
khát. Một cái ấm Thế Đức màu gan gà, một cái chén bạc chạm rồng quấn chung
quanh, đặt lên một chiếc đĩa cũng bằng bạc, vừa để xuống, với tiếng mời của lính
thị vệ:
- Thánh Thượng ban trà cho quý sĩ.
Chàng đứng lên hướng về Nội Điện, khấu đầu năm lượt, mồm đọc:
- Mông ân Bệ hạ, thần phụng ẩm.
Đoạn chàng vội cầm lấy giấy nháp đọc đi đọc lại, xóa bỏ,
thêm, bớt hai ba lần. Rồi chàng lấy quyển ra viết văn vào rất đằng tả, tuy trường
quy cho phép viết thảo. Quyển đây khác cả những quyển Thi Hương và Thi Hội,
trông thấy ai cũng mến yêu.
Đóng toàn bằng một thứ giấy hội kẻ dòng và ô đỏ thắm tươi như
ngày mùa Hạ. Ở ngay trang đầu cũng đã khác. Ngoài chỗ tên và cung khai tam đại
như thường, lại có một dòng ở giáp lề, biên niên hiệu, khoa và ngày điện thí. Ở
dòng niên cạnh quán chỉ lại phải chua cả đỗ Thi Hương khoa nào và dự trúng cách
số mấy. Chàng chú hết tinh thần vào đấy, không dám sao nhãng đi đâu cả. Chàng
đang mải nắn nót, thì một tên thị vệ đã bưng trầu đứng bên cạnh và nói:
- Thánh Thượng ban trầu.
Chàng khó chịu lắm, nhưng không dám để lộ vẻ bực mình. Nhanh
nhẹn, chàng thắp bút lại, nhìn đến đĩa trầu trên cái đĩa sứ Nhật Bản, lỏng chỏng
một miếng cau tươi và một miếng trấu quế tiêm cánh phượng, chàng nghĩ bụng:
- Có thế này mà cũng làm rầy rà! Lễ năm lễ lấy cái đĩa Nhật
kia đắt quá.
Chàng buộc giải mũ, thắt giải áo tử tế, rồi đứng ngay ngắn, sụp
lạy năm lạy miệng đọc:
- Mông ân Hoàng Đế, Bệ hạ tứ phù lưu, thần bái lĩnh.
Lễ xong, chàng để đĩa trầu vào ngăn yên không ăn, chỉ mải
nghĩ đến bài. Chàng cặm cụi viết được nửa quyển, thắp bút ngồi lên mài mực, đã
thấy một tên lính thị vệ bưng khay quả lại gần:
- Thánh Thượng ban quả.
Chàng lại lạy như trước. Làm xong cái việc lễ nghi, chàng mới
kịp nhìn đến khay quả, một cái khay nhỏ bằng gỗ trắc khảm xà cừ, đựng ba thứ quả
với một con dao chuôi bạc, một quả chuối ngự, một quả vải tầu và một quả phi
đào. Chàng bóc quả chuối ngự và quả vải. Còn quả phi đào chàng bỏ vào ngăn yên
để định mang về cho ông bà Lý. Chàng nghĩ bụng:
- Quả đào đò ối này đem về cho thầy me gọi là một ít dư huệ của
Hoàng Thượng. Còn con dao chuôi bạc quý giá này ta đem về lập bàn thờ chấn trạch,
trị hết tà ma quấy nhiễu để bảo hộ bình an.
Nghĩ vậy, nhưng chàng lại phải vội vàng để ý vào bài. Chàng
nháp sang đoạn khác, nháp xong đọc lại kỹ càng, chữa xóa ưng ý rồi mới lại viết
vào quyển. Trong Điện vẫn lặng lẽ như không, ai phận sự nấy, không ai dám nói một
tiếng thừa.
Lính ngự vệ đi lại hầu hạ một cách im lặng lễ phép.
Mặt trời chừng đã lên gần đến đỉnh đầu. Ánh nắng vàng tươi đã
trở nên gay gắt dội thẳng xuống sân rồng phản chiếu rằng rặc vào cả điện. Tâm
viết xong một đoạn nữa vào quyển, thắp bút lại, ngồi lên vươn vai ngáp đói.
Ngay lúc ấy, những lính ngự thiện đã lố nhố bưng cơm lên, đặt ở mỗi chiếu một
mâm cơm với một câu mời chiếu lệ:
- Rước ngài nghỉ tay dùng cơm đã.
Sau khi đã giữ đủ lễ nghi, Tâm ngồi vào ăn. Bữa cơm thường của
Nhà Vua thết các thí sĩ cũng đủ những món ăn ngon lạ mà dân gian không bao giờ
có, đều bày trong đĩa sứ Giang Tây. Này món yến sào đựng trong cái chóe đậy
kín, này món tái dê bày trên chiếc đĩa "Thái công điếu vị" và mấy món
rau, thịt trên những đĩa quý giá. Một liễn cơm trắng muốt để liền với cái bát dỡ
kiểu "ngoạn ngọc" và đôi đũa ngà bịt bạc. Tâm giở cơm ra ăn xong, đem
rửa cả bát đũa vào chậu nước họ vừa bưng lên cho, để vào gầm yên đợi tí nữa
mang về. Chỉ để lại cái mâm, cái liễn và mấy cái đĩa thường mà chàng cho là kềnh
càng quá không mang xuể! Giá dư sức đem được cả, chàng cũng không tha. Vì theo
lệ, ngày thi là ngày Nhà Vua thù tiếp các thí sĩ, cái gì vua ban ra là thuộc
quyền sở hữu của học trò cả.
Cơm nước xong, Tâm lại bắt tay vào làm việc, nháp mấy đoạn rồi
viết vào quyển. Viết xong, chàng đọc lại một lượt cẩn thận, rồi gấp quyển để đấy
đợi người ta đến thu. Những người khác cũng làm xong cả rồi, cũng gấp quyển ngồi
ngất ngưởng ngắm cung điện như chàng, nhưng trông thấy nhau chỉ đưa mắt làm hiệu
chứ không dám nói năng gì cả, vì ở đây là nơi cung điện Nhà Vua, nào có phải
nơi trường thi hỗn tạp.
Một hồi lệnh ngân nga điểm. Lúc ấy vào độ giờ Mùi. Trước mỗi
yên đã có một người lính kính cẩn thu lấy quyển đệ lên Quan Hậu Quân Đô Thống để
chuyền đệ sang cho các quan "Nghè bút thiếp" chép lại. Các thí sĩ sửa
soạn ra về. Tâm lễ tạ năm lễ, xếp gọn ấm, chén, bát đĩa, mọi thứ lấy được, bỏ
vào tráp cắp lên (từ đời Vua Tự Đức trở về trước, trong ngày Đình Thí, mọi vật
ban ra đều là những thứ quý giá của Nhà Vua cho hẳn học trò, ai muốn lấy thứ gì
hay lấy cả cũng được. Về sau vì tiết kiệm dùng những vật thường nên cái lệ lấy
đồ vật mang ra không còn nữa). Chàng chào viên quan võ ở đầu điện rồi bước xuống
sân đi ra. Lúc ấy, gặp nhau, các bạn tha hồ nói chuyện, không ai cấm giữ nữa.
Ra về ai nấy đều mang theo một kỷ niệm êm đềm thỏa thích.
Rong chơi luôn bốn ngày giời ở Đế Đô, bọn Cử Sĩ mới quen
trong điện thi, thù phụng nhau, tán tụng nhau, tâng bốc nhau, tưởng như giời
cũng phải nhỏ lại. Thành ra mấy ngày ấy, ai cũng bận rộn suốt ngày. Đến ngày rằm,
truyền lô yết bảng, anh em đã bảo nhau tề tựu ở Ngọ Môn. Ở đấy hôm nay là nơi
hò hẹn của tất cả giai thanh gái lịch cả kinh thành và xa nữa. Ai nấy đều muốn
đến xem vẻ trịnh trọng của lễ "truyền lô" và xem mặt các tay tân khoa
giáp bảng, những rường cột quốc gia sau này. Cho nên trước cửa Ngọ Môn rất là
náo nhiệt.
Đúng giờ Thìn giữa ánh nắng tưng bừng reo múa của một ngày đầu
hạ, tiếng chuông và tiếng trống trên lầu thong thả liên tiếp nhau buông rơi
ngân nga văng vẳng đủ ba hồi chín tiếng. Trước cửa Ngọ Môn, ngay lối giữa, Quan
Thượng Thư và Quan Tham Tri Bộ Lễ đã đứng hai bên long đình để sắc Vua ban.
Quan Tham Tri hai tay đỡ lấy tờ sắc mở ra tuyên đọc lòng sắc xong, đọc đến tên
những vị đỗ cho người lính ngự vệ truyền lô:
- Bính Tý Ân khoa Điện Thí, Sắc tứ Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ xuất
thân nhị danh:
- Đào Tiếng Tường, tam thập nhị tuế, Hữu trực kỳ, Quảng Nam,
An Đà!
- Nguyễn Đức Tâm, nhị thập tam tuế, Bắc kỳ, Nam Định, Thịnh Hậu.
Tâm "dạ" một tiếng dài rồi cùng theo viên Tiến Sĩ họ
Đào vào lĩnh áo mũ, hia hốt, cân đai. Quan Tham Tri lấy ở trên hương án sau
long đình một cái mũ cánh chuồn chạy chỉ kim tuyến, giát hoa vàng, hai cánh bạc,
đội vào đầu Tâm, giao cho chàng cái xiêm bằng sa lam, một cái đai da đỏ có ba
miếng bạc, một cái hốt ngà, một đôi hia vóc. Chàng giở áo ra mặc, áo mầu lục, bối
tử hạc, mặt thêu tam sơn quần tụ. Chàng mặc sắc phục xong, đi hia cầm hốt đứng
đợi các bạn đồng khoa. Ở ngoài cũng truyền lô vừa xong. Cái bảng rồng vàng mang
tên các Quan Nghè mới đã ngang nhiên đứng dưới hai lá tàn vóc, và đám đông đang
xúm xít đứng ngửa mặt lên xem. Tất cả có mười lăm người đỗ, bị loại mất hai người,
còn hai Nhị giáp Tiến Sĩ, năm Tam giáp, tám Phó Bảng. Các vị tân khoa áo mũ chỉnh
tề, do hai Quan Bộ Lễ dẫn vào Điện Cần Chính bái tạ. Vua ngự trên ngai vàng ban
lời hỏi han và ủy lạo họ. Đoạn vua sai bầy yến ngay tại điện thưởng các vị tân
khoa. Vua về cung, các quan cũng lui ra. Trong Điện chỉ còn có mười lăm người
ngồi ăn uống, trò chuyện vui vẻ, họ tặng thơ, họa thơ cho nhau, mừng nhau, hay
hỏi vặn nhau về những thiên tuyệt tác của các danh nhân đời trước. Bọn lính ngự
thiện, áo vàng nai đỏ, vẫn kính cẩn đứng hầu rất chu đáo. Tâm vẫn không quên lấy
phần một ít bánh ngọt để mang về dâng cha me.
Ăn yến ở Điện xong, Tâm sang bên Bộ Lễ, lĩnh cờ và biển, trên
có chữ "Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ" và một bên chữ "Sắc Tứ Vinh
Quy". Đoạn chàng về nhà trọ thảo biểu tạ ơn.
"BIỂU RẰNG:
"Thần, Nguyễn Đức Tâm, rập đầu cúi đầu, cẩn tấu vi kính
tạ Hoàng ân, ngửa mong soi xét:
Năm nay kính gặp Hoàng Thượng ngũ tuần Đại Khánh, chính là
năm sau tiết thất tuần Đại Khánh của Thánh Hoàng Thái Hậu vậy. Năm ngoái hạ chiếu
lấy năm nay làm XUÂN THI ÂN KHOA. Thi xong, thần dự trúng cách. Vào Điện Thi,
khâm phụng Sắc tứ thần Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ xuất thân, lại cấp cho mũ áo, cờ biển
các hạng. Bái lĩnh xong, trong lòng xiết bao hân hoan, cẩn phụng biểu trần tạ.
Thần trộm nghĩ nhà thần ở về Nam Định đời chuyên hào lý, ông
thần, Bản triều linh binh đội trưởng Nguyễn Đức Tính tòng sự gần hai mươi năm,
cha thần, Thịnh Hậu xã Lý Trưởng được từ dịch, Nguyễn Đức Tưởng, làm việc rất
trung thành mẫn cán.
Thần, từ bé theo học đã trải nhiều nơi, vẫn không được thuần
hậu. Thu thi đỗ rồi, xuân vi hai trượt. Năm nay nhân gặp Ân khoa, vốn biết văn
rạng đã cùng, không tài khoe khéo, phương chi văn chiến thua nhiều, thực khó
nói hay. May dự trúng cách vào đối đại đình. Ngửa xem văn tảo sáng ngời, thấu
suốt GIỜI, NGƯỜI tinh túy. Đinh ninh phỏng vấn, tưởng thấy rõ cái lòng nghiêm
kính nể yêu: Một hai phô bầy, làm sao có được cái học thông suốt rộng khắp.
Nhân Hoàng Thượng muốn đổi cái thói quen sa lệ, mà cho thần được đem ra nhiều
câu quê mùa. Thế mà được lấy, cũng bởi muốn CẦU SỞ TRƯỜNG vậy thôi. Lạy tạ ơn
Vua, chính lúc nước nhà đương nam liên khánh. Thấy con thành danh lại kịp ngày
cha mẹ thần đều còn. Thấm nhuần đã lắm, báo đáp chửa gì. Đương lúc quốc gia đa
sự, chính thiết tài năng. Mà thần kiến thức thô thiển, học vấn vu khoát, biết
đem kiến minh gì, biết thi thố được gì để mà báo đáp hậu ý Cửu Trùng. Ngày thường
nghĩ đến, khôn xiết sợhãi. Thần chỉ còn cách càng đôn nghiệp cũ, cố sửa phép
hay, đem đạo thờ cha ra thờ Vua, để khỏi phụ với nền giáo dục, hiến thân mình lấy
nền tin, ngõ hầu không hổ với khoa danh.
Thần, tấm lòng cảm kích, cẩn phụng biểu bầy tạ đem tâu".
Tâm còn ở Kinh luôn mười hôm, đi bái yết các Quan trong Triều,
đến đâu, chàng cũng được người ta quý trọng, tiếp đãi một cách thân mật. Chàng
lại họp tất cả các bạn đồng khoa lại uống rượu trên sông Hương, trước hôm từ biệt
Đế Kinh, chàng làm một bài tự tự với họ rằng:
"Khoa Ân khoa Bính Tí này, chính là năm Ngũ tuần Đại
Khánh của Hoàng Thượng vậy. Tháng ba Hội Thi, tháng tư Điện Thi, ân tứ có bậc.
Sau khi chiêm bái, đều cùng bảo nhau rằng:
"Thanh thiên tử chi thành muốn hỏi mong kẻ sĩ quên đau.
Bài chế sách chăm chăm răn cái ngọn chương cú gọt rũa mà khuyên lấy phép trị nước
thường dân. Ấy lũ chúng ta nên kinh ngẫm mà ngay ngáy trong lòng. Nay may được
tuyển, phải nên thi triển thế nào để sở học sở hành, sở thủ, sở dụng không được
trái nhau, lấy đáp cái ơn cao dầy trong muôn một. Lũ ta phải cố gắng vậy
thay!"
CHƯƠNG X
Hai mươi nhăm, Tâm vào cung dâng biểu bái tạ Hoàng Thượng được
ngài ban lời ủy lạo và ân tứ vinh quy. Ngài lại ban sắc đối hàm Hàn Lâm, để đợi
đến tuổi lục dụng. Theo lời tâu xin, Hoàng Thượng truyền Bộ Lễ giao giả quyển
thi. Chàng lạy tạ lui ra, qua Bộ Lễ nhận quyển. Ở đấy người ta giữ bản chính,
chỉ giả bản sao có châu phê của Hoàng Thượng, Tâm kính cẩn mở ra xem, trông thấy
nét son múa mang già dặn của Hoàng Thư CHƯƠNG XI
Hai mươi nhăm, Tâm vào cung dâng biểu bái tạ Hoàng Thượng được
ngài ban lời ủy lạo và ân tứ vinh quy. Ngài lại ban sắc đối hàm Hàn Lâm, để đợi
đến tuổi lục dụng. Theo lời tâu xin, Hoàng Thượng truyền Bộ Lễ giao giả quyển
thi. Chàng lạy tạ lui ra, qua Bộ Lễ nhận quyển. Ở đấy người ta giữ bản chính,
chỉ giả bản sao có châu phê của Hoàng Thượng, Tâm kính cẩn mở ra xem, trông thấy
nét son múa mang già dặn của Hoàng Thượng phê mấy chữ: "Sác hữu học, từ
lão" (thực có học, nhời già giặn). Chàng bủn rủn cả người, vẻ sung sướng
có phần trọng đại rõ rệt hơn khi nghe tên gọi ở cửa Ngọ Môn. Chàng mang quyển về,
bằng một vẻ thiêng liêng sợ sệt gấp quyển cùng với tờ sắc bỏ vào hòm sắc sơn
son thếp vàng chói lọi, chàng mua sẵn từ mấy hôm trước.
Đúng ngày đã định, chàng thu thập mọi thứ, thuê võng lên đường.
Suốt dọc đường thiên lý, chỗ nào người ta cũng đón tiếp chàng một cách niềm nở
thân mật. Những quan chức địa phương, những bậc văn thân trong xứ, được tin
chàng qua đều thân hành ra nghênh tiếp và lưu chàng ở lại tiếp đãi ân cần. Họ lại
gửi thơ và câu đối đề tặng nữa. Thành ra tiền lộ phí không mất, mà còn được lợi
thêm. Về đến Thanh, gặp ông Lý dẫn gia nhân đi đón. Chàng bảo về trước để sắp sửa
lễ vinh quy, còn chàng thẳng đường đi Nam Định. Tính từ Kinh về đến đây hành
trình vừa đúng một tháng hai mươi ngày. Thấy mình đi mất lâu ngày quá, chàng lật
đật về Dinh chào Quan Tổng Đốc, rồi ra thăm Quan Bố, Quan Án và Quan Đốc Học.
Chiều hôm ấy, Quan Tổng Đốc đặt tiệc đãi Tâm, có đông đủ văn võ quan trong Tỉnh
đến dự. Ai nấy đều tỏ vẻ hoan hỉ mừng chàng thanh vân đắc lộ, và mừng Tỉnh nhà
được bậc khôi nguyên trẻ tuổi, làm rạng vẻ tiếng tăm cho cả châu quận.
Tan tiệc, Quan Tổng Đốc lấy hai vuông vóc tầu ra, thân thiết
viết câu đối mừng:
"Giáp bảng thất đề danh. Thánh Thiên tử đắc gia kỳ từ
lão!
Cao đường song chi khánh. Sĩ đại phu vưu quý hồ hiển thân"
Hôm sau, chàng chỉnh tề áo mũ vinh quy. Quan Tổng Đốc đã
thông sức tất cả các làng trên con đường từ Tỉnh về đến làng Thịnh Hậu phải sẵn
sàng túc trực để đón tiếp Quan Nghè Nhị Giáp Vinh Quy. Đầu tiên, làng Mỹ Trọng,
gần Tỉnh nhất, đem cờ quạt, dân phu cùng với nghi vệ rước thần đến trước cửa Đốc
Bộ Đường. Các kỳ lý mặc áo thung lam đội mũ tím vào Dinh, phủ phục trình diện
trước bảo tọa Quan Tổng Đốc. Quan cho ra truyền sắp sửa khởi hành. Đúng giờ định,
ông Nghè Tâm vận sắc phục mới vào, bái biệt Quan Tổng Đốc, ngồi lên cái võng
đào, đòn sơn hai đầu rồng thiếp vàng chói lọi do hai tên phu, đội nón sơn, vận
áo nâu đỏ, rước ra cổng. Các đồ nghi vệ đã dàn đủ cả. Đi đầu là mười lá cờ ngũ
sắc uyển chuyển đùa với gió. Kế đến hàng bát biểu do tám tên phu cầm đi rất nhịp
nhàng đều đặn. Mỗi tên phu mặc áo nâu đỏ, kính cẩn cầm lá cờ "Nhị Giáp Tiến
Sĩ Xuất Thân" đứng dưới lá lọng vàng của tên phu khác, và cả hai đều thong
thả cất bước. Liền đấy cái biển "Ân Tứ Vinh Quy" cũng ở tay một tên
phu áo đỏ thêu kim tuyến, đang ngạo nghễ khoe mầu sơn chói lọi. Đằng sau là một
cái trống tiêu cổ oai nghiêm điểm những tiếng dẫn đường.
Sừng sững đi sau là một cỗ kiệu son vàng đỏ ối, có cái quạt
vóc thêu cắm liền với bàng tam sơn, mang sắc và những đồ vật quý giá của vua
ban: Ấm cổ, chén bạc, dao bạc, đũa ngà. Hai bên, hai lá lọng vàng tranh nhau
che không kín kiệu. Kế đến võng điều của Quan Nghè, có hai lọng xanh bốn nụ
bông che nắng, hay che râm cũng vậy. Đi sau nữa, hai người đội hai cái hòm phủ
vuông vải đỏ đựng mọi thứ vặt vãnh của Quan Nghè. Cái trống cái cao bằng nửa
người sơn son vẽ rồng, kĩu kịt ở dưới cái đòn son, giữa hai tên phu lực lưỡng.
Một người nai nịt gọn gàng đứng ré chân chèo thỉnh thoảng múa dùi lên điểm vào
mặt trống thùng thùng...
Sau cùng là các Hương Lý kỳ dịch mặc áo thụng xanh đi đón rước.
Muốn cho thêm phần long trọng, Quan Tổng Đốc phái năm người lính với một người
cai, nón dấu, đai vàng, đi hộ tống, chia nhau đi trước đi sau, với một chiếc
loa đồng, để tiền hô hậu ủng. Đám rước đều đặn đi về làng Mỹ Trọng. Hai bên đường,
người đứng xem đông như hội, trẻ già, giai gái, ai cũng có lòng ngưỡng mộ Quan
Nghè Tân Khoa, khi võng ngài đi qua, ai cũng cúi đầu một cách kính cẩn. Qua địa
phận làng này, đã có làng khác sẵn sàng thay phiên nghinh tiếp. Các bậc văn thân
trong làng hết thảy đều có mặt ra chào mừng.
Nhân làng Phạm Xá ở gần đường đi, nên Tâm cho đám rước đi
vòng qua đấy để vào làm lễ bái tạ Cụ Nghè. Đến cổng làng, đám rước đứng cả lại,
Tâm xuống võng đi bộ vào. Ở đấy dân làng đã bái vọng và từ cổng vào đến nhà Cụ
Nghè, rải rác có cắm cờ. Đến nơi chàng thấy đông đủ các anh em bạn học đón
chào, chàng vui vẻ đáp lại và ân cần hỏi thăm. Rồi vào nhà. Cụ Nghè ngồi bệ vệ
trên sập, dưới đất đã giải sẵn một cái chiếu, Tâm chào cụ, rồi bước vào chiếu lễ
phủ phục xuống mà nói tiếp:
- Đội ơn thầy đào luyện cho con ngày nay thành danh, con xin
đem đầu đến làm lễ bái tạ!
Cụ Nghè rung đùi nói:
- Thôi, thầy miễn lễ cho!
Tâm liền quay mình, lùi về bên phải mấy bước, chắp tay đứng.
Cụ Nghè gọi:
- Trẻ lấy ghế thầy tân khoa ngồi, rót nước đi.
Người nhà mang ghế vào.
Cụ Nghè bảo:
- Thầy ngồi.
Tâm xin phép rón rén ngồi xuống. Cụ Nghè hỏi qua về chuyện
thi, khuyên bảo và mừng Tâm ít điều. Một lúc lâu sau Tâm xin bái biệt lui ra.
Đám rước lại bắt đầu đi vòng về đường cũ.
Khi Quan Nghè muốn ngừng lại để bái yết nơi đình miếu linh
thiêng hay vào thăm hỏi những bạn văn thân danh tiếng, cả đám rước lại đều phải
nghỉ ngơi để đợi. Nếu tiện bữa, làng sở tại ấy phải thết tiệc cả đoàn, bổ cho
các nhà giàu phải chịu mọi phí tổn. Ai nấy đều vui vẻ mà chịu lại cho là một
vinh hạnh rất hiếm có ở đời. Tâm là người rất nhã nhặn đi đến đâu cũng ân cần hỏi
han đến dân tình. Nên ai cũng mến yêu, thường cố mời chàng lưu lại trong làng
chốc lát, thành thử cái hành trình vinh quy càng thêm kéo dài. Qua mỗi làng,
Tâm đều có lời mời tất cả các huynh thứ trong làng về tận nhà mình dự tiệc.
Nhưng muốn tỏ lòng ngưỡng mộ và theo lệ, mỗi làng chỉ cử một vài người tai mắt
thân hành đến tận nơi bái hạ. Bởi vậy, số người theo sau đám rước cứ mỗi lúc một
đông. Đi hai ngày mới về đến huyện.
Được tin báo, Quan Đồng Trí đã đem lính tráng và nha lại ra đứng
đợi ở tận chỗ bái vọng của một làng liền huyện. Đám rước đến nơi, một tràng
pháo nổ, Quan Đồng đi vượt lên, lại gần võng Quan Nghè vái chào:
- Hạ ti xin kính mừng Quan Hoàng Giáp Vinh Quy.
Tâm cũng đã xuống võng, cung kính vái lại:
- Xin kính chào quan lớn, hạt dân lấy làm cảm kích đa tạ quan
lớn đã nhọc thân ra tận đây.
- Bẩm Quan Hoàng Giáp, theo lễ xử phải như vậy.
- Bẩm quan lớn, nói đến lễ thì lại khác, Tể Tướng còn bài Huyện
Quan, huống chi là hạt dân!
Hai người cùng cười, rồi cùng đi bộ về huyện. Đám rước cũng
thong thả đi kèm, Về đến huyện, lại một tràng pháo nổ liên thanh, chào mừng rất
dòn dã. Ở đấy, tất cả các chức dịch và dân phu trong Tổng Phú Lão và Xã Thịnh Hậu
đã đem đủ nghi vệ túc trực ở cổng huyện. Các văn thân trong làng huyện cũng đủ
mặt, đứng thành một hàng dài sau Quan Huấn Đạo. Cuộc chào hỏi rất ồn ào, lời
xưng hô rất phức tạp. Sự tán tụng rất quá đáng. Những tay chắp vái lia lịa cứ
liên tiếp không ngớt. Phố huyện đông nghịt những người đến xem. Cờ quạt của
hàng Tổng đến đón rước, cắm rải rác đỏ se như rợp cả giời.
Thật là một ngày long trọng từ cổ đến giờ chưa từng thấy diễn
ra ở hạt này. Từ trong đám đông ra ngoài đồng ruộng, từ kẻ sĩ phu đến người thường
dân, ai ai cũng đều một lòng hoan hỉ với cảnh tượng linh đình này, với cái tiếng
ông Nghè vinh quy của hạt này. Chỗ nào người ta cũng nhắc đến tên ông Nghè một
cách kính cẩn để đem làm gương khuyên con cháu. Tâm cùng Quan Đồng Trí, Quan Huấn
vào cung đường ngồi chơi uống nước, trò chuyện vui vẻ. Hai quan cùng nghĩ một
câu đối đứng chung nhau mừng chàng. Nghĩ xong, lính đem bút mực và vóc chữ thọ
đến, quan Huấn viết:
"Vạn thọ đặc khoa, long hổ bảng đầu quy thế trụ,
Song thân vị lão, trâm bào tất hạ tức ban y"
Nhận lấy câu đối, ông Nghè đứng dậy từ tạ ra về, mời cả hai
quan đến chơi dự tiệc vinh quy. Quan Đồng bận việc quan, phải ở lại Huyện, cử
Quan Huấn, một viên thư lại, một toán lính cùng đi hộ tống. Đám rước lại bắt đầu
dàn ra, có phần to tát rộng rãi hơn trước. Lúc ấy, vợ ông Nghè cũng vừa xuống đến
Huyện. Mọi người trông thấy đều thi nhau hoan hô, tức khắc người ta chạy vào những
nhà khá giả gần Huyện kiếm được cái võng xanh bắt ép nàng ngồi lên. Hàng phố
thì thầm bàn tán:
Rõ kia danh chiếm bảng vàng
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau!
Thế là đoàn vinh quy lại khởi hành. Đi đầu là một toán cờ dài
gấp mấy trước. Rồi đến một hàng gươm giáo mới thêm vào giơ lên tua tủa. Kế đến
bát biểu, cờ, biển vua ban, trống tiêu cổ...Sau kiệu lại thêm phường bát âm đi
những bài cao sơn, lưu thủy đầy giọng vui tươi, rồi mới đến võng điều của Quan
Nghè. Đi liền sau với võng điều là cái võng xanh của bà Nghè đi dưới lá lọng
xanh. Đằng sau là võng Quan Huấn Đạo, rồi mới đến chiếc trống đại tập hậu.
Một đoàn dài những kỳ lý, và văn thân đi sau, chuyện trò ồn
ào. Sau rốt là năm lá cờ lẻ tẻ cũng cố phất phới thi với dẫy cờ đầu. Những người
đi xem lũ lượt theo sau. Thỉnh thoảng đoàn vinh quy lại phải ngừng lại theo tiếng
pháo nổ của những làng bầy lễ báo vọng. Hương chức súng sính trong chiếc áo tế
thần khom lưng vái và dâng lời chúc tụng. Tâm phải xuống võng chào hỏi lại họ rất
vồn vã, gửi mấy lời cám ơn và khen lao họ, hỏi qua tình hình học hành trong
làng, rồi chàng lại lên võng. Xế chiều đoàn vinh quy mới về tới làng, sau khi
đã vượt qua mọi vẻ tưng bừng nô nức của cả bàn dân. Ở đầu làng, trong cái cổng
kết lá cài hoa, một cái hương án đặt bên đường, trên bầy đồ ngũ sự bằng đồng
sáng chói lọi. Hai bên có hai lá lọng tròn xoe, kêu hãnh như con cắt xòe cánh
lượn. Nối liền vào đấy, quan viên chức sắc trong làng khăn áo chỉnh tề đứng
thành một hàng dài. Những đàn bà, con trẻ chạy tản mát cả dưới bờ ruộng ngóng
trông. Đoàn vinh quy từ từ tiến đến cổng thì đứng lại. Giữa tiếng pháo nổ vang
khói tỏa mù mịt, ông Nghè, bà Nghè và Quan Huấn đều xuống võng vái chào các cố
lão huynh thứ trong làng. Mọi người đều đứng nép ra bên đường đề nhường đám rước.
Cả đoàn lại nhịp nhàng theo tiếng trống tiến về đến nhà. Ở đấy anh em họ hàng,
người quen thuộc, đã cắt cử nhau khăn áo chỉnh tề đón mời quan khách và tiếp
đãi những người có công trong cuộc tiếp rước. Sau khi đặt hòm sắc vào bàn thờ
và lễ bái tổ rồi, Quan Nghè Tâm ra đi khắp mọi nơi mời các người dự tiệc, không
phân biệt sang hèn trên dưới, ai nấy đều vui mừng thỏa thích vì cử chỉ nhã nhặn
của Quan Nghè. Tâm đi qua rồi, họ còn bàn tán ca tụng mãi.
Chàng đi mời hết lượt mới giở lại nhà khách tiếp Quan Huấn và
các bạn văn thân. Gần xa được tin Quan Nghè vinh quy, đều tấp nập đến mừng. Yến
tiệc kéo dài đến bốn năm ngày, hóa kiếp mười trâu, mười tám con bò và hai mươi
con lợn. Lễ vật mừng nhiều không kể hết. Có đến hai mươi bức trướng và ngoài một
trăm câu đối của hầu khắp mọi người tai mắt trong Triều, ngoài Nội. Ta hãy xem
qua một vài câu đối đặc sắc.
Câu của Hình Bộ:
Huyền cung tảo phó song đường khánh!
Sạ sách tiên đằng Nhị giáp danh
(Treo cung sớm báo hai nhân thọ
Bắn sách truyền vang nhị giáp danh)
Của học sinh Trường Quốc Tử Giám:
Đương sĩ ngưởng chiêm
Hàn Bắc đẩu Hán Đình thủ cử Đồng hùng văn
(Học trò đời Đường ngửa xem sao Bắc đẩu họ Hàn (chỉ Hàn Dũ)
Triều đình Nhà Hán đầu trọn hùng văn họ Đổng (chỉ Đổng Trọng
Thứ)
Câu của Viện Hàn Lâm:
Phẩm vọng Nam châu quy thiếu Nguyễn
Văn chương thiên hạ đáo Hàn Lâm
Của Hộ Bộ:
Thánh triều khao giáp quy danh sĩ
Thiên hạ văn chương xuất thiếu niên
Câu của Lễ Bộ:
Trữ trụ tự gia, vi văn lắc lưỡng Hán tam đường dĩ thượng
Phẩm đề tác sĩ, kỳ nhân ư Bồng lai Phương trượng chi gian.
Và bài trường của cả Văn thân hàng tỉnh mừng:
"Ông Hàn Xương Lê (Hàn Dũ) bảo rằng: Trước khi chưa ai
làm ra được, dẫu cái hay cũng chẳng rõ ra, sau khi chửa ai làm ra được, dẫu điều
lành cũng không thể truyền lại, mạnh thay lời nói ấy. Khoa danh hoạn nghiệp, điều
lành, điều hay của sĩ đại phu đều ở cả đấy. Truyền lại và làm rõ ra, đáng là khởi
thủy cho cả châu này. Đã làm khởi thủy cho châu này thời cái lòng mong mỏi của
người ta càng sâu sắc. Lòng mong mỏi sâu sắc thời lúc mừng lời nói thiết mà
tình thực. Khoa này Nhị Giáp Tiến Sĩ Nguyễn Quân là tay cự phách của Châu ta vậy.
Đình đối một thiên, ý giầu nhời cứng. Hoàng Thượng khen thưởng, đỗ nhân đều
vinh. Rằng Tích thiên, rằng Nghĩa phương, rằng Tráng chi, rằng Thịnh nhà, đếm
những lời ấy mà mừng ai dám bảo là không được. Mà riêng châu ta như thế cũng
chưa đủ để mừng Nguyễn Quân đây.
Quốc triều bắt đâu mở khoa thi đến giờ, Nhị Giáp ở Châu ta
chưa quá ba người, từ ông Hương Cáp đến ông Trịnh Phố mới vừa vặn số ấy. Nay
Nguyễn Quân tiến lên mà là bốn vậy. Thế là rõ cái điều hay về trước, một điều
đáng mừng. Mà truyền được điều thiện về sau: Hai điều đáng mừng. Làm rõ ra và
truyền lại, không thể tự người khác mà riêng tự Nguyễn Quân, lại càng nên mừng
lắm. Đấy là điều đáng mừng. Hơn nữa khoa này là khoa thọ thảo nên người. Nguyễn
Quân lạy vua vinh quy, mà mừng thọ cha mẹ, rồi từ đây về sau, đóng lại là học
hành, phát ra là hoạn nghiệp, vẻ vang cho nước tức là vẻ vang cho châu quận, để
cùng các vị nhị giáp lớp trước làm tiêu biểu cho đường đời. Đây là bốn điều
đáng mừng. Rồi còn tiến lên làm trăm nghìn điều đáng mừng nữa.
Châu ta, tất cả Nho lâm danh sĩ, đều cầm bút lấy đợi ở Nguyễn
Quân nhiều lắm. Cho nên có lời mừng.
Năm Bính Tị, tức là Hoàng Thượng Ngũ Tuần đại khánh mở Hội
Thi ân khoa. Hội bảng trúng cách mười bẩy người. Đình Thi, phụng sắc từ Nhị
Giáp hai người, Tam Giáp năm người. Phó Bảng tám người. Huyện ta, ông Giải
Nguyên Thịnh Hậu là Nguyễn Quân tên đề Nhị Giáp, Tiệp thư về, cả Huyện cùng
vinh. Đương lúc quốc triều trọng Khoa Giáp kén người, không phải học lực phi
thường sao được đến thế, Huyện ta từ Trần, Lê đến giờ, đỗ Đại Khoa, lên quan to
thường đời cũng có, tức là đất văn hiến vậy. Nguyễn Quân vốn là anh hoa phát
triển từ nhỏ, học lực uyên nguyên. Thu thi Giải Nguyên, Xuân Khoa Nhị Giáp, mà
vừa lúc song đường cập kiến còn vinh nào bằng!
Khoa này chế sách lấy thời vụ làm cốt yếu, ý muốn được người
để mà vãn hồi thế đạo. Quyển văn của Nguyễn Quân ta phụng châu, phê "Thực
có học nhời già". Không phải bọn sơ học mon men đến được như thế. Những lời
phô trần khẩn thiết, có đáng lòng vua sau này đem thực hành ra, tất có thể đưa
hết hoài bão giáp vào Thánh chính. Ấy Huyện ta đại kỳ vọng vậy. Bèn viết vào lụa
để mừng."
° ° °
Đến ngày thứ năm tiệc chỉ còn lưu lại những người thân thiết
mà thôi. Mấy anh em bên họ vợ, mấy bà con bên họ mẹ, mấy bạn văn thân "nối
khố" ông Cử Trí Mỹ Lý và cả ông Kép Phú Đông nữa.
Men rượu ngà ngà, làn không khí thân mật có đượm thêm mầu nhả
nhớt. Người ta cười cợt thỏa thích, nói năng huyên thuyên. Vì đấy toàn là những
người rất có công trong mấy ngày Khai hạ linh đình. Bây giờ, xong mọi công việc
rồi, bữa rượu này là riêng tạ ơn trước khi giã đám. Cho nên người ta được tự do
ăn nói hạch sách. Và có thế mới vui!
Đang giở chén giở say một người múa tay lắc lư nói:
- Im cả đã, xin anh em im cả đã! Xếp mọi công việc lại đấy.
Tôi xin hỏi một câu này.
Mọi người im, quay cả mặt về phía hắn ta. Có tiếng nói:
- Hỏi gì thì hỏi đi nào!
Hắn ta ưỡn người lên, quắc mắc nhìn về phía người nói đưa một
câu dọa nạt:
- Hượm đã nào! Việc gì đến anh?
Rồi hắn quay lại nhìn mọi người, hỏi một cách đắc chí:
- Thưa các ngài, tôi xin hỏi thế này: Đố các ngài biết tại
sao lại có tiếng gọi là Quan Nghè, là ông Nghè, là cậu Nghè. Tại sao gọi là
Nghè?
Giữa sự im lặng, bỗng nhao nhao nổi lên:
- À, Thằng nó nói láo!
- Nó hỗn xược với Quan Nghè.
- Say bét nhè ra rồi còn gì.
- Không, hắn hỏi khó đấy! Nghè là gì?
Vớ được câu ấy nên hắn vin ngay vào, bô bô nói át cả mọi người.
- Phải, Tôi hỏi chính như thế. Tại sao lại gọi là Nghè. Trạng
Nguyên lại gọi là ông Trạng. Bảng Nhỡn gọi ông Bảng. Thám Hoa gọi ông Thám. Cử
Nhân gọi ông Cử, Tú Tài gọi là ông Tú, Hương Cống gọi ông Cống. Sinh Đồ gọi ông
Đồ. Sao Tiến Sĩ không gọi là ông Tiến, ông Sĩ, lại gọi là ông Nghè? Nghè là gì?
Tôi xin hỏi các ngài?
Đâu đấy lại im lặng, người nào cũng có vẻ ngẫm nghĩ chợt có
người nói:
- Ông Nghè là...
Người ấy mới nói được ba tiếng, không hiểu nghĩ sao, im bặt
ngay, làm mọi người ngóng đợi một lúc, không thấy gì, nhao lên hỏi:
- Ô kìa, ông Nghè là...
- Ông Nghè là gì? Nói nốt đi chứ?
Có người khác đáp hộ:
- Ông Nghè là...là...ông Nghè trẻ tuổi.
Mọi người đều phá ra cười ồn ào một lúc, rồi mới lại im. Họ bảo
nhau:
- Thế mà khó! Ta phải hỏi đến các ông vào trường hai thứ tóc.
Ông Cử Trí, ông Kép Phú Động, và mấy ông Đồ ngồi riêng biệt ở
gian cùng đầu nhà, thấy đám đông cười vang rồi im bặt, các ông ngừng nói chuyện,
quay cả mặt về phía họ. Nghe được câu nói thế, các ông tưởng họ mỉa mai mình, vội
quay đầu về mâm rượu, khề khà. Những bọn người kia không để cho các ông yên, họ
quay dồn cả lại bảo nhau:
- Phải, ta hỏi ngay ông Kép nhiều tuổi kia trước.
Rồi một người đứng ra lễ phép nói:
- Bẩm trên có cụ Cử và cụ Kép, càng đông các cụ cả, kính lão
đắc thọ, tôi xin thay mặt các anh em, hỏi cụ Kép hơn tuổi một câu này: Tại sao
người ta lại gọi các ông Tiến Sĩ là ông Nghè?
Ông Kép Phú Động tớp một ít rượu, rồi ngồi ngay ngắn lại rung
đùi đáp:
- Các ông thì biết thế nào được. Nghè là tiếng nghe mà ra.
Người miền trong Quảng Nam thường nói tiếng nghe ra tiếng Nghè. Nguyên ngày trước
có một ông người Quảng Nam thi đậu Tiến Sĩ, được bổ ngay vào Tòa Hàn Lâm, sung
chức Thị Độc và Thị Giảng, suốt ngày chỉ nghe sách. Những người quen biết gặp
ông, hỏi thăm là làm chức nghiệp gì, ông đều giả nhời gọn lỏn: "Nghè...Tôi
Nghè"
Bởi vậy ai cũng gọi ông là ông Nghè quen đi, thành thử từ đấy
hễ ai đỗ Tiến Sĩ, người ta đều tôn là ông Nghè.
Ông Kép nói xong, gật gù nhún nhẩy ra vẻ đắc ý lắm. Mọi người
đều im lặng suy nghĩ không mãn nguyện vì câu giả nhời vu vơ. Có người ngông
nghênh hỏi lại:
- Xin phép cụ Kép chứ, tôi vẫn thấy nó thế nào ấy! Có phải
không cụ Cử nhỉ?
Ông Cử chưa kịp đáp, đã có người lanh chanh nói:
- Cố nhiên có vào nghe ở sân rồng mới được gọi là Quan Nghè
chứ.
Ông Kép vin vào ngay lấy câu ấy, sừng sộ nói:
- Có đạt lý như thầy ấy mới hiểu, chứ còn những đồ ngu ấy nói
làm gì.
Ông Cử phải vẫy tay bảo mọi người im đi để giữ hòa khí, trong
khi người kia đang đỏ gay mặt toan cãi. Giữa lúc ấy Tâm thấy tiếng ồn ào, vội đến.
Ai nấy đều im thin thít tỏ vẻ kính trọng mến phục. Một người ngồi ở góc giường
ngay lối cửa vào, ghé vào tai người bên cạnh thì thầm.
Rồi người ấy đứng lên, một tay khoanh trước ngực, một tay gãi
tay, nói rất lễ phép:
- Bẩm Quan Nghè, anh em chúng tôi đương mải bàn tán về tiếng
Nghè. Cụ Kép Phú Động bảo tiếng Nghè là do tiếng nghe của người miền trong nói
lớ ra. Chúng tôi chưa dám tin hẳn. Nhân quan lớn qua đây xin quan lớn phán bảo
cho.
Tâm tươi cười nhã nhặn đáp lại:
- Cụ Kép dạy thế cũng chưa đúng lắm. Nguyên là thế này. Ở
trong Điện Nhà Vua, cái Điện nào cũng có mái chạy dài ra hẳn quá sân, để khi
mưa nắng che cho các đại thần cao cấp. Cái mái ấy gọi là Nghè. Các Tiến Sĩ vào
Đình Thi phải đứng ở đấy tức là tiến lên vua rồi, cho nên người ta gọi gộp là
các ông Nghè.
Mọi người đều thỏa ý nghe được câu giảng rất hợp lý. Cái người
bị mắng lúc nãy, giờ mới gân cổ lên cãi:
- Bẩm trên Quan Nghè, Cụ Cử, Cụ Kép, dưới đông đủ anh em, tôi
xin phép hỏi tôi ngu hay ai ngu, hả?
Ông Nghè và ông Cử phải quắc mắt:
- Suỵt im! Không được xấc, thầy Cả!
ợng phê mấy chữ: "Sác hữu học, từ lão" (thực có học,
nhời già giặn). Chàng bủn rủn cả người, vẻ sung sướng có phần trọng đại rõ rệt
hơn khi nghe tên gọi ở cửa Ngọ Môn. Chàng mang quyển về, bằng một vẻ thiêng
liêng sợ sệt gấp quyển cùng với tờ sắc bỏ vào hòm sắc sơn son thếp vàng chói lọi,
chàng mua sẵn từ mấy hôm trước.
Đúng ngày đã định, chàng thu thập mọi thứ, thuê võng lên đường.
Suốt dọc đường thiên lý, chỗ nào người ta cũng đón tiếp chàng một cách niềm nở
thân mật. Những quan chức địa phương, những bậc văn thân trong xứ, được tin
chàng qua đều thân hành ra nghênh tiếp và lưu chàng ở lại tiếp đãi ân cần. Họ lại
gửi thơ và câu đối đề tặng nữa. Thành ra tiền lộ phí không mất, mà còn được lợi
thêm. Về đến Thanh, gặp ông Lý dẫn gia nhân đi đón. Chàng bảo về trước để sắp sửa
lễ vinh quy, còn chàng thẳng đường đi Nam Định. Tính từ Kinh về đến đây hành
trình vừa đúng một tháng hai mươi ngày. Thấy mình đi mất lâu ngày quá, chàng lật
đật về Dinh chào Quan Tổng Đốc, rồi ra thăm Quan Bố, Quan Án và Quan Đốc Học.
Chiều hôm ấy, Quan Tổng Đốc đặt tiệc đãi Tâm, có đông đủ văn võ quan trong Tỉnh
đến dự. Ai nấy đều tỏ vẻ hoan hỉ mừng chàng thanh vân đắc lộ, và mừng Tỉnh nhà
được bậc khôi nguyên trẻ tuổi, làm rạng vẻ tiếng tăm cho cả châu quận.
Tan tiệc, Quan Tổng Đốc lấy hai vuông vóc tầu ra, thân thiết
viết câu đối mừng:
"Giáp bảng thất đề danh. Thánh Thiên tử đắc gia kỳ từ
lão!
Cao đường song chi khánh. Sĩ đại phu vưu quý hồ hiển
thân"
Hôm sau, chàng chỉnh tề áo mũ vinh quy. Quan Tổng Đốc đã
thông sức tất cả các làng trên con đường từ Tỉnh về đến làng Thịnh Hậu phải sẵn
sàng túc trực để đón tiếp Quan Nghè Nhị Giáp Vinh Quy. Đầu tiên, làng Mỹ Trọng,
gần Tỉnh nhất, đem cờ quạt, dân phu cùng với nghi vệ rước thần đến trước cửa Đốc
Bộ Đường. Các kỳ lý mặc áo thung lam đội mũ tím vào Dinh, phủ phục trình diện
trước bảo tọa Quan Tổng Đốc. Quan cho ra truyền sắp sửa khởi hành. Đúng giờ định,
ông Nghè Tâm vận sắc phục mới vào, bái biệt Quan Tổng Đốc, ngồi lên cái võng
đào, đòn sơn hai đầu rồng thiếp vàng chói lọi do hai tên phu, đội nón sơn, vận
áo nâu đỏ, rước ra cổng. Các đồ nghi vệ đã dàn đủ cả. Đi đầu là mười lá cờ ngũ
sắc uyển chuyển đùa với gió. Kế đến hàng bát biểu do tám tên phu cầm đi rất nhịp
nhàng đều đặn. Mỗi tên phu mặc áo nâu đỏ, kính cẩn cầm lá cờ "Nhị Giáp Tiến
Sĩ Xuất Thân" đứng dưới lá lọng vàng của tên phu khác, và cả hai đều thong
thả cất bước. Liền đấy cái biển "Ân Tứ Vinh Quy" cũng ở tay một tên
phu áo đỏ thêu kim tuyến, đang ngạo nghễ khoe mầu sơn chói lọi. Đằng sau là một
cái trống tiêu cổ oai nghiêm điểm những tiếng dẫn đường.
Sừng sững đi sau là một cỗ kiệu son vàng đỏ ối, có cái quạt
vóc thêu cắm liền với bàng tam sơn, mang sắc và những đồ vật quý giá của vua
ban: Ấm cổ, chén bạc, dao bạc, đũa ngà. Hai bên, hai lá lọng vàng tranh nhau
che không kín kiệu. Kế đến võng điều của Quan Nghè, có hai lọng xanh bốn nụ
bông che nắng, hay che râm cũng vậy. Đi sau nữa, hai người đội hai cái hòm phủ
vuông vải đỏ đựng mọi thứ vặt vãnh của Quan Nghè. Cái trống cái cao bằng nửa
người sơn son vẽ rồng, kĩu kịt ở dưới cái đòn son, giữa hai tên phu lực lưỡng.
Một người nai nịt gọn gàng đứng ré chân chèo thỉnh thoảng múa dùi lên điểm vào
mặt trống thùng thùng...
Sau cùng là các Hương Lý kỳ dịch mặc áo thụng xanh đi đón rước.
Muốn cho thêm phần long trọng, Quan Tổng Đốc phái năm người lính với một người cai,
nón dấu, đai vàng, đi hộ tống, chia nhau đi trước đi sau, với một chiếc loa đồng,
để tiền hô hậu ủng. Đám rước đều đặn đi về làng Mỹ Trọng. Hai bên đường, người
đứng xem đông như hội, trẻ già, giai gái, ai cũng có lòng ngưỡng mộ Quan Nghè
Tân Khoa, khi võng ngài đi qua, ai cũng cúi đầu một cách kính cẩn. Qua địa phận
làng này, đã có làng khác sẵn sàng thay phiên nghinh tiếp. Các bậc văn thân
trong làng hết thảy đều có mặt ra chào mừng.
Nhân làng Phạm Xá ở gần đường đi, nên Tâm cho đám rước đi
vòng qua đấy để vào làm lễ bái tạ Cụ Nghè. Đến cổng làng, đám rước đứng cả lại,
Tâm xuống võng đi bộ vào. Ở đấy dân làng đã bái vọng và từ cổng vào đến nhà Cụ
Nghè, rải rác có cắm cờ. Đến nơi chàng thấy đông đủ các anh em bạn học đón
chào, chàng vui vẻ đáp lại và ân cần hỏi thăm. Rồi vào nhà. Cụ Nghè ngồi bệ vệ
trên sập, dưới đất đã giải sẵn một cái chiếu, Tâm chào cụ, rồi bước vào chiếu lễ
phủ phục xuống mà nói tiếp:
- Đội ơn thầy đào luyện cho con ngày nay thành danh, con xin
đem đầu đến làm lễ bái tạ!
Cụ Nghè rung đùi nói:
- Thôi, thầy miễn lễ cho!
Tâm liền quay mình, lùi về bên phải mấy bước, chắp tay đứng.
Cụ Nghè gọi:
- Trẻ lấy ghế thầy tân khoa ngồi, rót nước đi.
Người nhà mang ghế vào.
Cụ Nghè bảo:
- Thầy ngồi.
Tâm xin phép rón rén ngồi xuống. Cụ Nghè hỏi qua về chuyện
thi, khuyên bảo và mừng Tâm ít điều. Một lúc lâu sau Tâm xin bái biệt lui ra.
Đám rước lại bắt đầu đi vòng về đường cũ.
Khi Quan Nghè muốn ngừng lại để bái yết nơi đình miếu linh
thiêng hay vào thăm hỏi những bạn văn thân danh tiếng, cả đám rước lại đều phải
nghỉ ngơi để đợi. Nếu tiện bữa, làng sở tại ấy phải thết tiệc cả đoàn, bổ cho
các nhà giàu phải chịu mọi phí tổn. Ai nấy đều vui vẻ mà chịu lại cho là một
vinh hạnh rất hiếm có ở đời. Tâm là người rất nhã nhặn đi đến đâu cũng ân cần hỏi
han đến dân tình. Nên ai cũng mến yêu, thường cố mời chàng lưu lại trong làng
chốc lát, thành thử cái hành trình vinh quy càng thêm kéo dài. Qua mỗi làng,
Tâm đều có lời mời tất cả các huynh thứ trong làng về tận nhà mình dự tiệc.
Nhưng muốn tỏ lòng ngưỡng mộ và theo lệ, mỗi làng chỉ cử một vài người tai mắt
thân hành đến tận nơi bái hạ. Bởi vậy, số người theo sau đám rước cứ mỗi lúc một
đông. Đi hai ngày mới về đến huyện.
Được tin báo, Quan Đồng Trí đã đem lính tráng và nha lại ra đứng
đợi ở tận chỗ bái vọng của một làng liền huyện. Đám rước đến nơi, một tràng
pháo nổ, Quan Đồng đi vượt lên, lại gần võng Quan Nghè vái chào:
- Hạ ti xin kính mừng Quan Hoàng Giáp Vinh Quy.
Tâm cũng đã xuống võng, cung kính vái lại:
- Xin kính chào quan lớn, hạt dân lấy làm cảm kích đa tạ quan
lớn đã nhọc thân ra tận đây.
- Bẩm Quan Hoàng Giáp, theo lễ xử phải như vậy.
- Bẩm quan lớn, nói đến lễ thì lại khác, Tể Tướng còn bài Huyện
Quan, huống chi là hạt dân!
Hai người cùng cười, rồi cùng đi bộ về huyện. Đám rước cũng
thong thả đi kèm, Về đến huyện, lại một tràng pháo nổ liên thanh, chào mừng rất
dòn dã. Ở đấy, tất cả các chức dịch và dân phu trong Tổng Phú Lão và Xã Thịnh Hậu
đã đem đủ nghi vệ túc trực ở cổng huyện. Các văn thân trong làng huyện cũng đủ
mặt, đứng thành một hàng dài sau Quan Huấn Đạo. Cuộc chào hỏi rất ồn ào, lời
xưng hô rất phức tạp. Sự tán tụng rất quá đáng. Những tay chắp vái lia lịa cứ
liên tiếp không ngớt. Phố huyện đông nghịt những người đến xem. Cờ quạt của
hàng Tổng đến đón rước, cắm rải rác đỏ se như rợp cả giời.
Thật là một ngày long trọng từ cổ đến giờ chưa từng thấy diễn
ra ở hạt này. Từ trong đám đông ra ngoài đồng ruộng, từ kẻ sĩ phu đến người thường
dân, ai ai cũng đều một lòng hoan hỉ với cảnh tượng linh đình này, với cái tiếng
ông Nghè vinh quy của hạt này. Chỗ nào người ta cũng nhắc đến tên ông Nghè một
cách kính cẩn để đem làm gương khuyên con cháu. Tâm cùng Quan Đồng Trí, Quan Huấn
vào cung đường ngồi chơi uống nước, trò chuyện vui vẻ. Hai quan cùng nghĩ một
câu đối đứng chung nhau mừng chàng. Nghĩ xong, lính đem bút mực và vóc chữ thọ
đến, quan Huấn viết:
"Vạn thọ đặc khoa, long hổ bảng đầu quy thế trụ,
Song thân vị lão, trâm bào tất hạ tức ban y"
Nhận lấy câu đối, ông Nghè đứng dậy từ tạ ra về, mời cả hai
quan đến chơi dự tiệc vinh quy. Quan Đồng bận việc quan, phải ở lại Huyện, cử
Quan Huấn, một viên thư lại, một toán lính cùng đi hộ tống. Đám rước lại bắt đầu
dàn ra, có phần to tát rộng rãi hơn trước. Lúc ấy, vợ ông Nghè cũng vừa xuống đến
Huyện. Mọi người trông thấy đều thi nhau hoan hô, tức khắc người ta chạy vào những
nhà khá giả gần Huyện kiếm được cái võng xanh bắt ép nàng ngồi lên. Hàng phố
thì thầm bàn tán:
Rõ kia danh chiếm bảng vàng
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau!
Thế là đoàn vinh quy lại khởi hành. Đi đầu là một toán cờ dài
gấp mấy trước. Rồi đến một hàng gươm giáo mới thêm vào giơ lên tua tủa. Kế đến
bát biểu, cờ, biển vua ban, trống tiêu cổ...Sau kiệu lại thêm phường bát âm đi
những bài cao sơn, lưu thủy đầy giọng vui tươi, rồi mới đến võng điều của Quan
Nghè. Đi liền sau với võng điều là cái võng xanh của bà Nghè đi dưới lá lọng
xanh. Đằng sau là võng Quan Huấn Đạo, rồi mới đến chiếc trống đại tập hậu.
Một đoàn dài những kỳ lý, và văn thân đi sau, chuyện trò ồn
ào. Sau rốt là năm lá cờ lẻ tẻ cũng cố phất phới thi với dẫy cờ đầu. Những người
đi xem lũ lượt theo sau. Thỉnh thoảng đoàn vinh quy lại phải ngừng lại theo tiếng
pháo nổ của những làng bầy lễ báo vọng. Hương chức súng sính trong chiếc áo tế
thần khom lưng vái và dâng lời chúc tụng. Tâm phải xuống võng chào hỏi lại họ rất
vồn vã, gửi mấy lời cám ơn và khen lao họ, hỏi qua tình hình học hành trong
làng, rồi chàng lại lên võng. Xế chiều đoàn vinh quy mới về tới làng, sau khi
đã vượt qua mọi vẻ tưng bừng nô nức của cả bàn dân. Ở đầu làng, trong cái cổng
kết lá cài hoa, một cái hương án đặt bên đường, trên bầy đồ ngũ sự bằng đồng
sáng chói lọi. Hai bên có hai lá lọng tròn xoe, kêu hãnh như con cắt xòe cánh
lượn. Nối liền vào đấy, quan viên chức sắc trong làng khăn áo chỉnh tề đứng
thành một hàng dài. Những đàn bà, con trẻ chạy tản mát cả dưới bờ ruộng ngóng
trông. Đoàn vinh quy từ từ tiến đến cổng thì đứng lại. Giữa tiếng pháo nổ vang
khói tỏa mù mịt, ông Nghè, bà Nghè và Quan Huấn đều xuống võng vái chào các cố
lão huynh thứ trong làng. Mọi người đều đứng nép ra bên đường đề nhường đám rước.
Cả đoàn lại nhịp nhàng theo tiếng trống tiến về đến nhà. Ở đấy anh em họ hàng,
người quen thuộc, đã cắt cử nhau khăn áo chỉnh tề đón mời quan khách và tiếp
đãi những người có công trong cuộc tiếp rước. Sau khi đặt hòm sắc vào bàn thờ
và lễ bái tổ rồi, Quan Nghè Tâm ra đi khắp mọi nơi mời các người dự tiệc, không
phân biệt sang hèn trên dưới, ai nấy đều vui mừng thỏa thích vì cử chỉ nhã nhặn
của Quan Nghè. Tâm đi qua rồi, họ còn bàn tán ca tụng mãi.
Chàng đi mời hết lượt mới giở lại nhà khách tiếp Quan Huấn và
các bạn văn thân. Gần xa được tin Quan Nghè vinh quy, đều tấp nập đến mừng. Yến
tiệc kéo dài đến bốn năm ngày, hóa kiếp mười trâu, mười tám con bò và hai mươi
con lợn. Lễ vật mừng nhiều không kể hết. Có đến hai mươi bức trướng và ngoài một
trăm câu đối của hầu khắp mọi người tai mắt trong Triều, ngoài Nội. Ta hãy xem
qua một vài câu đối đặc sắc.
Câu của Hình Bộ:
Huyền cung tảo phó song đường khánh!
Sạ sách tiên đằng Nhị giáp danh
(Treo cung sớm báo hai nhân thọ
Bắn sách truyền vang nhị giáp danh)
Của học sinh Trường Quốc Tử Giám:
Đương sĩ ngưởng chiêm
Hàn Bắc đẩu Hán Đình thủ cử Đồng hùng văn
(Học trò đời Đường ngửa xem sao Bắc đẩu họ Hàn (chỉ Hàn Dũ)
Triều đình Nhà Hán đầu trọn hùng văn họ Đổng (chỉ Đổng Trọng
Thứ)
Câu của Viện Hàn Lâm:
Phẩm vọng Nam châu quy thiếu Nguyễn
Văn chương thiên hạ đáo Hàn Lâm
Của Hộ Bộ:
Thánh triều khao giáp quy danh sĩ
Thiên hạ văn chương xuất thiếu niên
Câu của Lễ Bộ:
Trữ trụ tự gia, vi văn lắc lưỡng Hán tam đường dĩ thượng
Phẩm đề tác sĩ, kỳ nhân ư Bồng lai Phương trượng chi gian.
Và bài trường của cả Văn thân hàng tỉnh mừng:
"Ông Hàn Xương Lê (Hàn Dũ) bảo rằng: Trước khi chưa ai
làm ra được, dẫu cái hay cũng chẳng rõ ra, sau khi chửa ai làm ra được, dẫu điều
lành cũng không thể truyền lại, mạnh thay lời nói ấy. Khoa danh hoạn nghiệp, điều
lành, điều hay của sĩ đại phu đều ở cả đấy. Truyền lại và làm rõ ra, đáng là khởi
thủy cho cả châu này. Đã làm khởi thủy cho châu này thời cái lòng mong mỏi của
người ta càng sâu sắc. Lòng mong mỏi sâu sắc thời lúc mừng lời nói thiết mà
tình thực. Khoa này Nhị Giáp Tiến Sĩ Nguyễn Quân là tay cự phách của Châu ta vậy.
Đình đối một thiên, ý giầu nhời cứng. Hoàng Thượng khen thưởng, đỗ nhân đều
vinh. Rằng Tích thiên, rằng Nghĩa phương, rằng Tráng chi, rằng Thịnh nhà, đếm
những lời ấy mà mừng ai dám bảo là không được. Mà riêng châu ta như thế cũng
chưa đủ để mừng Nguyễn Quân đây.
Quốc triều bắt đâu mở khoa thi đến giờ, Nhị Giáp ở Châu ta
chưa quá ba người, từ ông Hương Cáp đến ông Trịnh Phố mới vừa vặn số ấy. Nay
Nguyễn Quân tiến lên mà là bốn vậy. Thế là rõ cái điều hay về trước, một điều
đáng mừng. Mà truyền được điều thiện về sau: Hai điều đáng mừng. Làm rõ ra và
truyền lại, không thể tự người khác mà riêng tự Nguyễn Quân, lại càng nên mừng
lắm. Đấy là điều đáng mừng. Hơn nữa khoa này là khoa thọ thảo nên người. Nguyễn
Quân lạy vua vinh quy, mà mừng thọ cha mẹ, rồi từ đây về sau, đóng lại là học
hành, phát ra là hoạn nghiệp, vẻ vang cho nước tức là vẻ vang cho châu quận, để
cùng các vị nhị giáp lớp trước làm tiêu biểu cho đường đời. Đây là bốn điều
đáng mừng. Rồi còn tiến lên làm trăm nghìn điều đáng mừng nữa.
Châu ta, tất cả Nho lâm danh sĩ, đều cầm bút lấy đợi ở Nguyễn
Quân nhiều lắm. Cho nên có lời mừng.
Năm Bính Tị, tức là Hoàng Thượng Ngũ Tuần đại khánh mở Hội
Thi ân khoa. Hội bảng trúng cách mười bẩy người. Đình Thi, phụng sắc từ Nhị
Giáp hai người, Tam Giáp năm người. Phó Bảng tám người. Huyện ta, ông Giải
Nguyên Thịnh Hậu là Nguyễn Quân tên đề Nhị Giáp, Tiệp thư về, cả Huyện cùng
vinh. Đương lúc quốc triều trọng Khoa Giáp kén người, không phải học lực phi
thường sao được đến thế, Huyện ta từ Trần, Lê đến giờ, đỗ Đại Khoa, lên quan to
thường đời cũng có, tức là đất văn hiến vậy. Nguyễn Quân vốn là anh hoa phát
triển từ nhỏ, học lực uyên nguyên. Thu thi Giải Nguyên, Xuân Khoa Nhị Giáp, mà
vừa lúc song đường cập kiến còn vinh nào bằng!
Khoa này chế sách lấy thời vụ làm cốt yếu, ý muốn được người
để mà vãn hồi thế đạo. Quyển văn của Nguyễn Quân ta phụng châu, phê "Thực
có học nhời già". Không phải bọn sơ học mon men đến được như thế. Những lời
phô trần khẩn thiết, có đáng lòng vua sau này đem thực hành ra, tất có thể đưa
hết hoài bão giáp vào Thánh chính. Ấy Huyện ta đại kỳ vọng vậy. Bèn viết vào lụa
để mừng."
° ° °
Đến ngày thứ năm tiệc chỉ còn lưu lại những người thân thiết
mà thôi. Mấy anh em bên họ vợ, mấy bà con bên họ mẹ, mấy bạn văn thân "nối
khố" ông Cử Trí Mỹ Lý và cả ông Kép Phú Đông nữa.
Men rượu ngà ngà, làn không khí thân mật có đượm thêm mầu nhả
nhớt. Người ta cười cợt thỏa thích, nói năng huyên thuyên. Vì đấy toàn là những
người rất có công trong mấy ngày Khai hạ linh đình. Bây giờ, xong mọi công việc
rồi, bữa rượu này là riêng tạ ơn trước khi giã đám. Cho nên người ta được tự do
ăn nói hạch sách. Và có thế mới vui!
Đang giở chén giở say một người múa tay lắc lư nói:
- Im cả đã, xin anh em im cả đã! Xếp mọi công việc lại đấy.
Tôi xin hỏi một câu này.
Mọi người im, quay cả mặt về phía hắn ta. Có tiếng nói:
- Hỏi gì thì hỏi đi nào!
Hắn ta ưỡn người lên, quắc mắc nhìn về phía người nói đưa một
câu dọa nạt:
- Hượm đã nào! Việc gì đến anh?
Rồi hắn quay lại nhìn mọi người, hỏi một cách đắc chí:
- Thưa các ngài, tôi xin hỏi thế này: Đố các ngài biết tại
sao lại có tiếng gọi là Quan Nghè, là ông Nghè, là cậu Nghè. Tại sao gọi là
Nghè?
Giữa sự im lặng, bỗng nhao nhao nổi lên:
- À, Thằng nó nói láo!
- Nó hỗn xược với Quan Nghè.
- Say bét nhè ra rồi còn gì.
- Không, hắn hỏi khó đấy! Nghè là gì?
Vớ được câu ấy nên hắn vin ngay vào, bô bô nói át cả mọi người.
- Phải, Tôi hỏi chính như thế. Tại sao lại gọi là Nghè. Trạng
Nguyên lại gọi là ông Trạng. Bảng Nhỡn gọi ông Bảng. Thám Hoa gọi ông Thám. Cử
Nhân gọi ông Cử, Tú Tài gọi là ông Tú, Hương Cống gọi ông Cống. Sinh Đồ gọi ông
Đồ. Sao Tiến Sĩ không gọi là ông Tiến, ông Sĩ, lại gọi là ông Nghè? Nghè là gì?
Tôi xin hỏi các ngài?
Đâu đấy lại im lặng, người nào cũng có vẻ ngẫm nghĩ chợt có
người nói:
- Ông Nghè là...
Người ấy mới nói được ba tiếng, không hiểu nghĩ sao, im bặt
ngay, làm mọi người ngóng đợi một lúc, không thấy gì, nhao lên hỏi:
- Ô kìa, ông Nghè là...
- Ông Nghè là gì? Nói nốt đi chứ?
Có người khác đáp hộ:
- Ông Nghè là...là...ông Nghè trẻ tuổi.
Mọi người đều phá ra cười ồn ào một lúc, rồi mới lại im. Họ bảo
nhau:
- Thế mà khó! Ta phải hỏi đến các ông vào trường hai thứ tóc.
Ông Cử Trí, ông Kép Phú Động, và mấy ông Đồ ngồi riêng biệt ở
gian cùng đầu nhà, thấy đám đông cười vang rồi im bặt, các ông ngừng nói chuyện,
quay cả mặt về phía họ. Nghe được câu nói thế, các ông tưởng họ mỉa mai mình, vội
quay đầu về mâm rượu, khề khà. Những bọn người kia không để cho các ông yên, họ
quay dồn cả lại bảo nhau:
- Phải, ta hỏi ngay ông Kép nhiều tuổi kia trước.
Rồi một người đứng ra lễ phép nói:
- Bẩm trên có cụ Cử và cụ Kép, càng đông các cụ cả, kính lão
đắc thọ, tôi xin thay mặt các anh em, hỏi cụ Kép hơn tuổi một câu này: Tại sao
người ta lại gọi các ông Tiến Sĩ là ông Nghè?
Ông Kép Phú Động tớp một ít rượu, rồi ngồi ngay ngắn lại rung
đùi đáp:
- Các ông thì biết thế nào được. Nghè là tiếng nghe mà ra.
Người miền trong Quảng Nam thường nói tiếng nghe ra tiếng Nghè. Nguyên ngày trước
có một ông người Quảng Nam thi đậu Tiến Sĩ, được bổ ngay vào Tòa Hàn Lâm, sung
chức Thị Độc và Thị Giảng, suốt ngày chỉ nghe sách. Những người quen biết gặp
ông, hỏi thăm là làm chức nghiệp gì, ông đều giả nhời gọn lỏn: "Nghè...Tôi
Nghè"
Bởi vậy ai cũng gọi ông là ông Nghè quen đi, thành thử từ đấy
hễ ai đỗ Tiến Sĩ, người ta đều tôn là ông Nghè.
Ông Kép nói xong, gật gù nhún nhẩy ra vẻ đắc ý lắm. Mọi người
đều im lặng suy nghĩ không mãn nguyện vì câu giả nhời vu vơ. Có người ngông
nghênh hỏi lại:
- Xin phép cụ Kép chứ, tôi vẫn thấy nó thế nào ấy! Có phải
không cụ Cử nhỉ?
Ông Cử chưa kịp đáp, đã có người lanh chanh nói:
- Cố nhiên có vào nghe ở sân rồng mới được gọi là Quan Nghè
chứ.
Ông Kép vin vào ngay lấy câu ấy, sừng sộ nói:
- Có đạt lý như thầy ấy mới hiểu, chứ còn những đồ ngu ấy nói
làm gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét