Dấu chân cát xóa
CHƯƠNG MỘT
Những niềm vui muốn khóc
1
Thật tuyệt, bao giờ cũng vậy cứ sau vài năm dạy học vừa lúc bắt
đầu cảm thấy đầu óc mình ngu đần đi là mình lại có dịp đi xa một chuyến!
Chương nói với Huynh khi hai người vừa lên tới đỉnh ngọn
Tri-States Rock. Mặt trời đúng ngọ, nắng hanh vàng trong suốt. Gió đứng.
Huynh tiếp lời bạn:
- Như vậy là chuyến cậu sang Mỹ lần thứ hai này vừa đúng sau
năm năm cách biệt đấy!
- Đúng! – Chương đáp.
-1964! – Huynh đáp và nhắc lại mấy câu thơ chàng làm vào một
dịp hành quân khác cùng Chương:
Lũ chúng tôi
Yêu nhau tình yêu trai gái
Lau chung khăn
Đánh răng chung bàn chải.
- Ha ha! – Tiếng Chương cười – Cậu có biết không, ngày đó, về
đọc lại bài thơ cho đám em gái tôi nghe, chúng cười thét lên và la: “Mất vệ
sinh!”
Huynh chỉ xuống vùng thượng lưu dòng sông:
- Cậu hãy chú ý: từ ngang sườn núi bên kia sông, ta có thể mắc
một dây tử thần để luyện quân. Họ sẽ buông tay khỏi ròng rọc để rơi xuống đúng
khoảng mặt sông lấp lánh đó.
- Đúng! – Chương đáp – Và ngay khoảng thành núi gần đấy chúng
ta có thể tổ chức địa hình huấn luyện leo núi, trượt núi.
- Ờ ờ... Và cuối khu rừng kia, đúng là vùng sình lầy để huấn
luyện quân ta sáu tuần cuối cùng!
Đôi bạn đương hăm hở ôn lại thuở nào họ thụ huấn sình lầy ở Dục
Mỹ, Nha Trang. Cả hai cùng nheo mắt. Có thể họ đương ôn lại cảnh leo heo: “bốn
chân” bám lấy dây, đầu dốc ngược, trông xa như đàn heo bị trói khiêng về lò thịt.
Và hai tuần sình lầy cuối cùng, hai tuần không tắm rửa, đêm phải cởi áo… cho ấm
vì áo ướt sũng nước muối, đeo vào người chỉ tổ lạnh.
Chương lên tiếng:
- Tôi còn nhớ tuần đầu tiên ra trường, chúng ta hành quân ở Đức
Lập – Ban Mê Thuột. Nhá nhem tối, tôi vừa xuống suối lấy nước thì bên kia bờ có
tiếng trọ trẹ giọng Nghệ An: “Ủa, sao mi sang bên nớ, gặp địch toi mạng đó mi!”
Rồi chỉ một tích tắc, cả hai cùng nhận ra là tử thù của nhau, nó phản ứng nằm
lăn xuống nấp sau gốc cây và rút súng lục bắn cũng lẹ bằng mình, cả hai cùng
thoát, rút sâu về hai bên bờ suối. Giá kỷ niệm chiến trường cứ thuần như vậy
thì vui!
Huynh góp kỷ niệm với bạn:
- Vừa ra khỏi trường, được biệt phái về Vùng Bốn Chiến thuật
dự trận Cao Lãnh, tôi đứng sau thân cây, đứng hiên ngang theo đúng tác phong Biệt
động quân thì người xạ thủ trung liên nằm nép sát dưới chân, cũng nấp sau gốc
cây, không may bị đạn địch trúng đầu, óc phọt ra tung tóe – giống hệt những hạt
bắp trắng nhuộm phớt phẩm hồng. Vì đó là lần đầu tiên chứng kiến cảnh chết ở
chiến trường chăng nên tôi nhớ hoài nhớ mãi tới giờ! Càng về sau lòng mình càng
chai đá đi! Lần cuối cùng, trước khi giải ngũ, tôi thu dọn chiến trường: Hai
người đàn bà có mang bị bắn lòi thai nhi lẫn với cơm và than lửa tung tóe, xung
quanh còn rải rác gần một trăm xác lính quốc gia nhà. Vậy mà tôi vẫn không cảm
thấy ghê rợn bằng kỷ niệm nhớ lại màu óc trắng phọt ra như những hột bắp nhuộm
hồng lần đầu!
Chương chợt đứng thẳng người vươn vai như để xua đuổi những kỷ
niệm đen tối của chết chóc và nói:
- Cái khổ của người lính bút nào mà tả xiết cho được! Dạo đó
đọc báo Sài Gòn mình luôn luôn muốn chửi cha những thằng cầm bút nào hô hào
đánh cho khỏe. Cứ kéo những thằng đó cho đi hành quân một chuyến! Nhớ lần tiểu
đội Biệt kích của tôi hành quân trong rừng tỉnh Quảng Trị. Lần đó một người
trong bọn tôi bắt sống được một dân quân mà chẳng hiểu về sau thế nào bị đối
phương lật ngược thế cờ, dùng radio của mình đánh lừa để tóm gần trọn ổ. Tôi là
kẻ thoát duy nhất suýt chết đói trong rừng, lần mò ra được bờ biển, rồi về cửa
Thuận An bằng thuyền nhỏ.
Thấp thoáng bóng Linh đương theo đường lên dốc, tay cầm hai hộp
Coca-Cola.
Kỷ niệm chiến tranh của hai người là một vùng mê hoặc. Đã
không nhắc đến thì thôi, động nhắc tới là càng muốn dứt ra, kỷ niệm chiến trường
càng ùn ùn kéo tới đen kịt và hung bạo như mây bão. Họ cùng là sĩ quan trừ bị
năm 1962, rồi ra thụ huấn thêm sáu tuần Biệt động quân tại Dục Mỹ, Nha Trang.
Sau nửa năm hành quân cùng đơn vị, Chương chuyển sang Biệt kích, một lần theo đội
lính Dù ra Bắc vào tháng
7-1963. Cả hai cùng được giải ngũ vào năm 1966 và cùng đi Mỹ
vào năm 1967. Chương được học bổng của AID, theo học tại Đại học đường Ohio;
Huynh, con nhà giàu, du học tiền nhà, theo học tại Đại học đường Maryland. Học
xong Cao học, Huynh “hủ hóa” (lời Chương thường nói đùa) tự nhiên đi mê gái, kết
duyên với Linh cũng là con nhà giàu mới ở Việt Nam sang, rồi tạm ở lại Mỹ. Mãi
tới 1969 – sau biến cố Mậu Thân một năm – Chương mới xong Tiến sĩ ngành Sử học,
về nước chưa chịu lấy vợ, sống nửa êm đềm riêng tư phóng túng kế sát với gia
đình người anh, làm chú ba đứa cháu, hai trai một gái. Vô tình, Chương tuột
thoát vòng chiến tranh, trong khi chiến trường càng về sau càng ác liệt gấp bội.
May mắn đấy nhưng Chương luôn luôn có cảm tưởng ray rứt mình là kẻ trốn tránh
trách nhiệm như kẻ đào ngũ. Chàng ném hết mình vào công việc mới, mà không làm
chênh cán cân là bao – bên kia cán cân là những sinh mạng bị đốn ngã trong cuộc
chiến!
2
Giá như Linh chưa về hai người còn ôn lại kỷ niệm chiến
tranh. Về nước qua đi bốn năm, Chương được trường cũ tiếp xúc mời sang phụ
trách một giảng khóa ba tháng về Lịch sử Việt Nam qua những cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm. Hoàn tất xong giảng khóa, Chương đến với tiểu gia đình Huynh nghỉ xả
hơi mấy ngày ở tiểu bang Pennsylvania này, rồi hôm nay chàng lại theo vợ chồng
bạn tới Port Jervis lấy vé xe lửa đi Harpers Ferry (West Virginia) thăm gia
đình một cụ già Mỹ đỡ đầu cho Linh và ăn lễ Thanksgiving ở đấy. Căn bệnh mê ly
nhất của Chương là đi lang thang. Trước đây chàng khoái cuộc đời quân đội cũng
chỉ vì được phục vụ một đơn vị chuyển dịch hoài hoài trong thiên nhiên.
Huynh vốn chẳng lạ gì tình bạn nên đã có lần nói đùa: “Này
Chương, cậu yêu thiên nhiên dễ bằng nàng Artemis trong thần thoại Hy Lạp yêu
chàng Endymion.”
- Chuyện nàng Artemis và chàng Endymion ra sao? – Chương hỏi.
- Nàng Artemis tức Diana là Nữ thần Mặt Trăng, em sinh đôi với
thần Mặt Trời Apollo. Nàng trong trắng và là nữ thần hộ mệnh của các trinh nữ.
Một lần sau cuộc săn vất vả, nàng khỏa thân xuống tắm dưới một dòng suối. Có
chàng hoàng tử đi săn tên Acteon tò mò… dòm!
Chương phá lên cười:
- Thấy mẹ! Huynh tiếp:
- Đừng tưởng bở! Chàng bị Artemis hóa thành hươu, rồi bị
chính đàn chó săn của mình phanh thây. Tuy nhiên nàng chỉ nghiêm khắc với phàm
nhân thôi, một lần bất chợt gặp chàng Endymion, một thứ Phan An, Tống Ngọc Hy Lạp
ngủ ở truồng, nàng say mê chàng đến nỗi hiện xuống tự ý làm tình với chàng
trong lúc chàng ngủ, có với chàng năm chục con gái mà vẫn còn hằng đêm đi lại với
chàng. Endymion vốn là con thần Zeus và bà Calyce, được cha ưng ban phép cho trẻ
mãi, ngủ mãi và bất tử.
- Như vậy coi mòi chàng sung sướng hơn bất kỳ vị thần nào
trên núi Olympus.
- Dĩ nhiên, trong những cuộc ái ân tuyệt vời với nàng Diana
trong mộng… (giọng Huynh nhấn mạnh) như cậu yêu thiên nhiên!
Ngày đó Chương đã cười thật tình, vì quả thật chàng thống
khoái cuộc sống lang thang giữa thiên nhiên y như cuộc làm tình mà chàng Endymion
tốt phước được thụ hưởng trong giấc mộng vàng bất tuyệt với nữ thần Hằng Nga
Diana.
Tự nhiên Chương nhớ đến cha mình xưa. Không rõ có phải chàng
gián tiếp chịu ảnh hưởng tình cảm của cha? Cụ chỉ bày tỏ lòng ham sống giữa
thiên nhiên mà chẳng hề một lần ngỏ lời ca ngợi thiên nhiên. Tuy nhiên với đám
người chỉ biết sống quanh quẩn và chui rúc ở thành phố cụ có một thành ngữ,
hình như đượm màu khinh bỉ thì phải, gọi họ là: “Lũ uống nước máy!”
Lần này trên đỉnh ngọn Tri-States Rock, chàng kể với vợ chồng
Huynh:
- Trước 1945 tôi đã sống nhiều năm liền với thầy tôi, người dạy
học tại một huyện heo hút thuộc Tuyên Quang. Huyện lỵ này có tên thật đẹp: Hàm
Yên (ngậm khói!) Đồn binh thì lại mang cái tên khủng khiếp: Bắc Mục. Thời thực
dân Pháp, những địa danh Bắc Quang, Bắc Mục quả thực gợi hình ảnh ma chê quỷ hờn
của chốn rừng thiêng nước độc. Anh chị biết không, dân sống ở đồng bằng nghe
nói đến hổ, đến gấu thì sợ, tôi và đám nhóc đồng niên ở Hàm Yên vác gậy tre vào
rừng đôi khi đuổi hổ như đuổi chó. Có lần tôi theo bác lính lệ vào rừng gặp một
ổ hai chú gấu mới đẻ, vừa định ăn cắp một chú thì gấu mẹ về. Trời, mẹ gấu ghen
con, nó hầm, nó hè, nhất định tử chiến với bác lính lệ làm tôi phải chạy về cầu
cứu thêm mấy bác lính nữa, gấu mẹ mới chịu ôm con rút lui. Ấy người và vật chỉ
đụng chạm nhỏ đại loại như vậy, ít khi có vụ đổ máu.
Huynh hỏi:
- Còn về săn bắn, những người ở chốn đó săn bắn gì?
- Tôi còn nhớ thầy tôi và các bạn khoái nhất và hãnh diện nhất
về thành tích săn hoàng trĩ – tiếng Pháp faisan doré.
- Còn có loại bạch trĩ sao?
- Có chứ, tiếng Pháp faisan argenté. Nhưng đã đi săn thì
phải săn hoàng trĩ, còn săn bạch trĩ, các tay sành điệu cho là trò trẻ , con
nít như tôi thời đó săn cũng được.
- Khác nhau chỗ nào?
Chương vung tay, vô tình tóc xõa theo gió cùng hướng với một
vùng mây khói đương trôi trên cao:
- Khác nhau chỗ nào ư? Tôi còn nhớ thầy tôi nói thịt bạch trĩ
thớ cứng, muốn bỏ lò phải bọc một lần mỡ; còn hoàng trĩ thì khỏi phải nói, thịt
quay thơm dòn đến xương. Riêng tôi vẫn nghĩ sở dĩ các cụ khoái trĩ vàng chỉ vì
săn trĩ vàng công phu quá. Trĩ vàng không đậu tênh hênh trên cây để ai muốn bắn
thì bắn như bạch trĩ. Hoàng trĩ ở trong bụi, mình phải theo dõi để biết trước
là trĩ thường đi uống nước buổi trưa khoảng suối nào, để rồi trở về khoảng bụi
nào. Sáng sớm mang chó đi, chó và người cùng khôn khéo rất đúng điệu khi tới
vùng có trĩ vàng cư ngụ. Người dán mắt vào chó. Chó đương đi từ tốn, bỗng nằm bẹp
xuống: đó là chó báo hiệu cho người biết có trĩ trong bụi. Chó lết đi cực kỳ thận
trọng, chợt đuôi vểnh lên ngoe nguẩy, đó là chó báo hiệu đã tới mức tư thế chuẩn
bị bắn, rồi bất chợt ra lệnh: “Hốp!” Chó nhẩy vút lên như bị lò xo đẩy, trĩ
vàng vù bay. Người bình tĩnh đợi chim bay lên vừa đủ chiều cao mới lẩy cò. Chim
trúng đạn bay lảo đảo, nhiều khi lạng đi một quãng khá xa nữa. Tới đó lại là
công con chó tinh khôn, nó theo dõi, qua suối, qua bụi gai và ngoạm cổ trĩ mang
về, ngoạm rất khéo để khỏi làm hỏng lông trĩ.
Huynh tủm tỉm nhìn Chương, vừa thưởng thức câu chuyện, vừa
thưởng thức chính giọng kể chuyện say mê của bạn. Nhưng Chương không hề chú ý tới,
chàng tiếp:
- Bắn trĩ công phu và khó như vậy nên bắn trượt một lần là xấu
hổ hàng tháng! Thầy tôi kể, có lần một ông thanh tra người Pháp tới, được nhã
nhặn mời đi săn vì ông là dân mộ điệu. Tuy nhiên thầy tôi không tin cẩn ở tay
súng ông ta chút nào. Khi thầy tôi ra lệnh “Hốp” cho chó nhảy vào bụi xua trĩ
lên, ông thanh tra Pháp kém bình tĩnh không đợi chim bốc lên đủ chiều cao đã lẩy
cò, thầy tôi vội hô “Baissez la tête!” (Cúi đầu xuống!) rồi bắn tiếp
một phát. Tế nhị lắm, thầy tôi nói khéo: “Ông bắn đã trúng, xin phép ông tôi bồi
thêm cho chắc!” Tôi nhớ khi nào nhà ăn thịt trĩ vàng, y như trên lò sưởi có quả
đu đủ chín cắm phủ lông trĩ, trông xa như hệt con trĩ nằm phục dưới bụi, rồi
lúc vào bữa ăn, thầy tôi lại bóp một cái kèn cũng do tự tay thầy tôi làm, kèn
kêu “quéc, quéc” hệt như tiếng trĩ. Còn loại gà gô thì thiếu gì, muốn ăn là có
liền.
Chương bỗng ngừng lại, chẳng phải tới đây là hết chuyện săn bắn,
mà chính vì tới đây mới là ý chính cần đốt đuốc lên nhìn:
- Tôi thụ hưởng lòng yên thiên nhiên của thầy tôi ở đấy. Thầy
tôi yêu thiên nhiên còn có phần cuồng tín hơn tôi nhiều. Như đã nói, thầy tôi gọi
một cách khinh bỉ đám người chỉ biết ru rú ở thành thị là “lũ uống nước máy”! Bất
kỳ một hành vi bất nhân bất nghĩa nào xảy ra tại Hà Nội đăng tải trên các nhật
báo Hà Nội dạo đó đều được thầy tôi phê bình một câu ngắn gọn: “Lũ uống nước
máy mà!”
3
Gió càng giá lạnh với bóng chiều tà. Cả ba trở lại thị xã
Port Jervis ăn chiều ngay tại nhà ga, rồi lên toa Pullman với ba phòng nhỏ
riêng, nhưng chỉ có Linh sử dụng trọn vẹn phòng của nàng để nằm nghỉ, còn
Chương và Huynh thường ở cùng một phòng nào đó của nhau để tán gẫu suốt dọc
hành trình Port Jervis – New York – Washington D.C. và Harpers Ferry.
Đêm đó tuyết rơi trái mùa, cao gần nửa thước, đài phát thanh
đã báo trước mà vẫn như thể tuyết rơi bất thình lình, có hàng vạn người lái xe
tại khắp các ngả xa lộ lớn nhỏ bị kẹt, đành phải ngồi trong xe chờ sáng. Ấy là
không kể hàng trăm tai nạn xe hơi trượt bánh khác.
Cụ già người Mỹ, vị đỡ đầu Linh, đã trên bảy mươi tuổi, nhà ở
trên đỉnh đồi cao, nhìn ra bốn phương thấy ba tiểu bang: Virginia, West
Virginia và Maryland. Cụ ở có một mình, cụ bà mất đã được hai năm nay. Cụ tha
thiết mong vợ chồng Huynh và Chương tới là vì vậy.
Giữa tiệc, cụ vừa tiếp thêm thịt gà tây vào đĩa của Chương vừa
hỏi chàng:
- Tới đây và nghe tên làng Harpers Ferry không biết anh có biết
và chuyện John Brown không nhỉ?
- Dạ thưa cụ cháu có mang máng biết. – Chương đáp. Lịch sử nước
cháu có nhiều vị anh hùng áo vải như vậy lắm, thấy sự bất bình là khởi nghĩa.
Tuy nhiên thưa cụ, cháu cũng không còn nhớ nhiều chi tiết về vụ khởi nghĩa bênh
dân nô lệ da đen này của John Brown. Cách đây hơn một trăm năm rồi còn gì!
- Phải, vào năm 1859 đấy, tôi nhớ chứ! Ông đánh phá, cướp
súng đạn được mấy đồn thì cuộc hành quân giải phóng các nông trại của ông bị
quân đội liên bang dẹp tan. Sau khi ông bị treo cổ, người da đen tôn sùng ông
như thần thánh. Có người nói ông hiển linh. Cũng không lâu sau đó, cuộc nội chiến
Hoa Kỳ bùng nổ.
Câu chuyện cứ như vậy dìu dịu kéo dài cho đến khi dùng đồ
tráng miệng. Tịnh không có một lời nào về thời sự Việt Nam. Thực khác hẳn với
năm, sáu năm trước đây, hồi Chương còn là sinh viên đương theo học, thời sự Việt
Nam là câu chuyện cửa miệng giữa thầy trò cũng như giữa dân chúng bên ngoài – lời
nói thường hàm ngụ oán trách “vì Việt Nam mà Hoa Kỳ sa lầy”. Đã có trường hợp một
nữ sinh viên Việt Nam ở một trường đại học thuộc tiểu bang Louisiana cãi nhau với
thầy, vì ông thầy có thái độ bất công với miền Nam Việt Nam về cuộc chiến và cô
xin đổi trường sang tiểu bang Florida kế cận. Nhưng kể từ ngày vụ Mỹ Lai được tố
cáo bằng tranh ảnh màu trên báo chí Mỹ, rồi kế tiếp hoặc công khai, hoặc úp mở,
báo chí Mỹ đề cập đến nhiều vụ khác dưới nhiều hình thức khác, người dân Mỹ mới
chợt hiểu là bên việc Mỹ tới giúp người Việt miền Nam ngăn chặn làn sóng đỏ,
quân đội Mỹ và chính trị Mỹ cũng đã một mặt khác mang lại nhiều họa lớn nhỏ chồng
chất lên đầu người dân Việt và phần nào làm người Việt miền Nam sa lầy cứ không
hẳn chỉ người Việt miền Nam chịu trách nhiệm làm cho Mỹ sa lầy.
Hôm sau, Chương từ giã cũ và cặp vợ chồng Huynh-Linh, ngược
đường trở lại Virginia, cố ý chọn chuyến buýt sẽ tới Chesterfield khoảng gần mười
hai giờ khuya.
4
Ngược đường trở lại Virginia, Chương cố ý chọn chuyến buýt sẽ
tới Chesterfield khoảng mười hai giờ khuya. Nguyên do khoảng sáu năm về trước,
Chương có đến ăn Christmas vào đêm 24 với gia đình một người bạn học người Mỹ
đã có vợ con ở gần Mount Vernon thuộc tiểu bang Virginia. Sáng ngày 25, Chương
theo vợ chồng, con cái bạn tới thăm mẹ bạn ở quận Stafford. Ngày đó cụ bà đã
khoảng sáu chục tuổi, góa chồng từ mười năm trước – hồi cụ còn làm điều dưỡng
viên tại một nhà thương trong quận. Cụ sống cô độc tại một căn nhà xinh xắn
ngay bên bờ dòng suối đẹp Stafford Brook. Khi Chương cùng tiểu gia đình bạn tới
thì trong nhà cụ còn một người bạn hàng xóm, ấy là một cụ ông trên sáu mươi tuổi,
cũng sống cô độc và không có con cháu gì cả.
Dịp lễ Giáng Sinh của người Âu Mỹ vẫn là dịp của gia đình
đoàn tụ, nào khác gì đêm Ba mươi Tết của Việt Nam. Bữa tiệc đoàn viên cuối năm ấm
cúng làm sao, trong khi bên ngoài tuyết phủ trắng xóa, cả vòm trời như một hang
động với thứ ánh sáng giao thoa huyền ảo lạ lùng. Lúc dùng cà-phê là lúc trao
quà. Bạn Chương được cụ cho chiếc sơ-mi bằng thứ tơ trắng nõn. Anh chạy lại hôn
mẹ và nói với cả nhà: “Tôi lớn ngần này mà còn được mẹ săn sóc mua áo lót mình
cho!” Cụ cảm động rưng rưng nước mắt. Vui câu chuyện, cụ giới thiệu thêm ông cụ
bạn hàng xóm xưa là nhạc sĩ đánh trống trong đoàn quân nhạc. Cả nhà bỗng đề nghị
cụ đánh trống. Dĩ nhiên nhà không thể sẵn thứ nhạc cụ đó, cụ bèn kiếm được hai
thanh que dài làm dùi trống và dùng một chiếc nệm ghế giả làm mặt trống, rồi cụ
làm điệu đánh trống theo những cử động thật nhịp nhàng và thật nghiêm chỉnh, y
như cụ đương hòa tấu trong ban quân nhạc thật. Mà quả vậy, rõ ràng cụ đánh “trống
đệm” say mê theo một bản quân nhạc còn sống động trong trí nhớ cụ. Bỗng một chiếc
dùi bị gãy, một nửa văng mạnh vào góc nhà. Cụ không chịu ngừng vì bản nhạc
trong trí cụ chưa tới đoạn kết. Với một tinh thần trách nhiệm tự giác đặc biệt
Mỹ, cụ đánh thêm một số nhịp, cử chỉ của cụ dịu dần… dịu dần… theo đúng kiểu
Rallentando diminuendo đoạn cuối một bản nhạc. Rồi ngừng đúng với bản nhạc
trong trí vừa chấm dứt. Lẽ cố nhiên ai nấy vỗ tay nồng nhiệt. Chắc chắn chưa
bao giờ, tại xứ hai trăm triệu dân, kỹ nghệ hóa hàng đầu thế giới, mà lại có được
cuộc hòa nhạc siêu âm thành kính đến như vậy.
Đến khi lũ con cháu đứng dậy từ biệt ra về, cảnh đó thật não
lòng, Chương khó quên được. Người mẹ già cô độc ôm lấy từng người con, dâu,
cháu hôn mà nước mắt lưng tròng. Vì vậy, Chương giữ vững thư từ thăm cụ từ đấy
– hồi còn ở Mỹ cũng như khi đã về Việt Nam. Một lần cụ viết thư ngỏ ý thích nghe
dân ca Việt Nam, Chương đã đích thân thu ngay một băng những bài dân ca điển
hình của ba miền Trung, Nam, Bắc với bản dịch Anh văn lời ca được đánh máy đính
kèm và gửi sang biếu cụ ngay bằng đường hàng không.
“Anh chu đáo quá làm tôi phát khóc!” (Your thoughtfulness
makes me cry!) Đó là dòng chữ duy nhất trong bức thư cám ơn của cụ khi cụ
nhận được băng nhạc.
Bất kỳ cái đẹp chân thực nào – Chương vẫn nghĩ vậy – đều có
khả năng đem lại cho người ta niềm vui muốn khóc. Vì yêu thiên nhiên, vì thích
đi nhiều nên dường như Chương được phú bẩm về trực giác kiến tạo những “niềm
vui muốn khóc” không riêng gì cho người mà cho chính chàng nữa. Chàng đã đi nhiều,
chắc chắn chàng còn tiếp tục đi nhiều nữa, nhưng dấu chân của chàng chỉ
là dấu-chân-cát-xóa chẳng để lại gì, nhưng đâu có vì vậy mà chẳng cố
gắng gây thêm rung động của những niềm vui muốn khóc – chàng luôn luôn tự nhủ vậy.
Phương châm đó nay đã thành nếp sống, nếp phản ứng vô thức của chàng.
Your thoughtfulness makes me cry! Tất nhiên khi trở lại
Mỹ lần thứ hai này, Chương có viết thư báo cho cụ hay và hứa sẽ tới thăm cụ,
nhưng không nói ngày nào sẽ tới. Chương còn nhớ vào hôm thứ Hai, thứ Ba hàng tuần,
cụ làm việc tại nhà thương từ tám giờ tối đến mười hai giờ khuya. Xe buýt
Greyhound tới Stafford khoảng mười một giờ rưỡi. Chương thuê
xe taxi đến ngay trước cửa nhà thương, chàng chỉ phải đợi chừng năm phút dưới
cơm mưa tuyết, đã thấy cụ từ bên trong đi ra. Chương đã khéo sử dụng sự đúng giờ
của Mỹ cho một cứu cánh tình cảm Việt Nam. Khỏi phải nói sự bất ngờ đó làm cụ mừng
mừng tủi tủi y hệt cụ gặp thằng con ruột của cụ vừa dự cuộc chiến ở Việt Nam về.
Cụ ôm lấy Chương vừa cười vừa khóc dưới tuyết, “You make me cry! You make
me cry!”
Về nhà cụ cho chạy ngay băng dân ca Việt Nam mà Chương gửi biếu
ngày nào. Bên ngoài nổi gió, và thấp thoáng dưới ánh đèn những cánh tuyết rơi
càng tới tấp. Cụ đun cà-phê, mùi thơm ấm áp, cụ hấp tấp loay hoay mở hộp bánh
loại selected biscuit assortment rồi vừa cùng ăn bánh uống cà-phê vừa
hàn huyên, nghe nhạc dân ca Việt Nam, những bài “Đèn Cù”, “Lý Con Sáo”, Lý Chim
Khuyên”, “Se Chỉ Luồn Kim”… Mãi đến bốn giờ sáng Chương mới được ngủ, cụ làm
giường cho Chương ở chiếc đi-văng ngay phòng khách. Bên ngoài tuyết đã thấp
thoáng cao gần tới cửa sổ. Tiểu gia đình con trai cụ - bạn học của Chương – đã
chuyển đi Miami, thành phố cực Nam Florida, làm ăn từ hơn một năm nay.
5
Hôm sau, ăn cơm trưa với cụ xong, Chương lên đường đi ngay
Goldsboro thuộc North Carolina, tiểu bang kế cận (chương trình ngao du chàng đã
hoạch định sẵn trên giấy và thuộc làu trong bụng.) A, a, nơi đây chàng sẽ gặp một
thằng bạn thân thiết tên Joe, cùng đỗ với chàng một khóa. Cái thằng cha bê bối
này! Nguyên hắn có vợ và hai con rồi mà còn mê một cô học trò của chính hắn (hắn
vừa học Ph.D, vừa dạy) rồi ly dị vợ. Đúng cái ngày hắn mũ áo vinh quy, người vợ
- cũng là bạn Chương – quyết định đem lũ con dời đi Los Angeles. Chính Chương
phải giúp chị một tay thu xếp đồ đạc, mang mấy đứa nhỏ đi ăn trưa tại cafeteria
của Đại học, rồi tiễn ba mẹ con ra tận phi trường. Thằng cha thật bê bối –
Chương luôn luôn nghĩ về Joe như vậy! Nhưng nếp sống Mỹ, tình cảm rất sòng phẳng,
vợ chồng khi đã biết không thể ăn ở với nhau được nữa thì ly dị, không ai tỏ vẻ
oán ai. Lương người chồng đã được tòa án phân xử, tháng tháng khấu ra một phần
chuyển về bên vợ, thế là xong! Joe là người bạn đồng học cũ nhất và tận tâm nhất
của Chương.
Tới Goldsboro, đến lượt Chương được hưởng niềm vui bất ngờ muốn
khóc. Thì ra từ sau buổi dự lễ tốt nghiệp lĩnh bằng, những bạn đồng khóa của
Chương ở Mỹ cũng chẳng anh nào có dịp gặp lại anh nào. Nay có tin Chương tới,
Joe bèn truy lùng địa chỉ của mấy bạn vùng quanh, hẹn quy tụ tại nhà chàng:
Bill từ Florence bên South Carolina, Phil từ Knoxville bên Tennessee và Bob từ
Athens bên Goergia. Cả bốn cùng ra đón chàng ở bến xe buýt, Phil nắm chặt tay
chàng nói “Chào người từ cõi chết trở về” rồi cả hai cười lớn.
Nguyên do vào một ngày cách đây hai năm, Chương còn ở nước
nhà, báo chí Việt Nam và Mỹ nhất loạt đăng tải tin “Giáo sư Tiến sĩ kiêm chính
khách Nguyễn Chưởng bị ám sát bằng lựu đạn trên đường từ trường về
nhà.” Phil đọc trên báo Mỹ chỉ thấy ghi Giáo sư Tiến sĩ Chương (báo Mỹ làm sao
phân biệt được Chương với Chưởng) bị ám sát bằng lựu đạn thì tin
ngay kẻ xấu số là bạn mình, bèn viết ngay lá thư dài phân ưu cùng gia đình
Chương và ân cần hỏi xem Phil có thể giúp đỡ được gì (ý nói về tài chính).
Chương đã cười bò, vừa vui vừa cảm động và trả lời Phil bằng lá thư dài gấp
đôi, chia vui với Phil đã… bé cái lầm.
Tới nhà Joe, ôi chao, tiệc rượu tẩy trần, đúng là tiệc rượu tẩy
trần! Bốn người bạn trẻ ôn lại thời gian “hỏa ngục” mấy tháng cuối cùng học thi
phần Qualifying Exam của khóa trình Tiến sĩ. Không kể thời gian vùi đầu ở thư
viện, đi cafeteria cũng mang theo sách, thậm chí thời gian học ở nhà lúc vào
nhà cầu cũng khư khư ôm theo sách. Chương, “kẻ về từ cõi chết”, nhắc đùa một kỷ
niệm về Phil. Ngày đó Phil ở một apartment ngoài campus, ba tuần cuối trước khi
thi, Phil cúp mọi hẹn hò, chính cô bạn phải lại ở với Phil suốt dịp cuối tuần,
làm sandwich cho chàng, pha cà-phê cho chàng và vào dịp Phil quá mệt mỏi với
sách vở thì nàng để chàng làm tình – gọi là để… thay đổi không khí – ham hố đấy
nhưng vẫn vội vã. Nhiều khi – Phil thú thật với bằng hữu – Phil nằm thẳng cẳng ủy
thác mọi động tác cho cô bạn đảm đang cho đến khi hoàn tất.
Lần này, nhắc lại kỷ niệm đó của Phil, Chương thêm câu: “Cậu
đúng là chàng Endymion trong thần thoại Hy Lạp.”
Lẽ dĩ nhiên Phil hỏi Endymion nào. Và Chương kể lại chuyện
Endymion với nữ thần Diana. Cả bọn lại được dịp cười nắc nẻ.
- Cha cha! – Lời Phil – Ai bảo nợ sách đèn không vất vả ngang
với điều khiển máy cày, máy ủi, cần trục hay làm phu mỏ.
Đã ngà ngà say, Chương nheo mắt nhìn Phil, nhớ lại suốt khoảng
thời gian học gay cấn đó, Phil luôn luôn chỉ có chiếc xi-lip che thân, gọi là
kín hơn ông Adam một chút, kể cả khi Chương tới cùng thảo luận về một chương
sách nào. Và tuy không hỏi, Chương cũng thừa biết cô bạn gái kia của Phil vào
những ngày tiếp tay đó chắc cũng chỉ tự nhiên hơn bà Eva chút xíu cho tương xứng.
Hễ Chương uống cạn ly đầy là Joe đã tới châm cho đầy ly cạn. Bốn anh em đồng học
tiếp tục chuyện trò và cùng cười gập người lại mỗi khi ôn tới loại kỷ niệm điểm
hình tương tự, quên khuấy còn có vợ Joe là bà chủ nhà nữa. (Joe cũng đã có với
cô vợ mới một bé gái và hai người thỏa thuận tốp ở đấy.)
Chương đã khá say, chàng ngồi xuống chiếc ghế bành nệm nhung
lớn. Giờ đây nheo mắt lại, chàng chỉ thấy bóng các bạn mờ mờ nhân ảnh, khi xa
khi gần. Họ có phần còn say hơn chàng nữa. Thốt nhiên, Chương nhớ đến câu chuyện
ôn lại quãng đời chiến binh mấy hôm trước đây cùng Huynh trên mỏm Tri-States
Rock, lấp lánh tít dưới xa dòng sông như sợi chỉ bạc, Neversink. Chàng trìu mến
ôn thầm trong trí thời gian thụ huấn sáu tuần Biệt động quân ở Dục Mỹ, Nha
Trang. Chỉ trong một loáng, chàng nhớ lại cả dòng Dakbla ở ngoại ô thị xã
Kontum, nhớ lại những cuộc hành quân ở Đức Lập, Ban Mê Thuột, nhớ lại màu óc
tung tóe của người chiến hữu xấu số trông như những hạt bắp trắng nhuốm phớt phẩm
hồng, nhớ lại thuở là kẻ sống sót duy nhất trong rừng thuộc Quảng Trị, đói
khát, nhưng cũng dùng được thuyền nhỏ vượt biển tới cửa bể Thuận An… Chỉ một
loáng, Chương nhớ lại tất cả những thứ đó. Chàng mỉm cười nghĩ, kể cả người sắp
chết cũng chỉ có thể ôn nhanh đến thế là cùng. Chàng thấy như cuộc đời cựu chiến
binh xưa cũ với cuộc đỗ đạt và đi giảng dạy trên trường quốc tế ngày nay là hai
cuộc đời của hai cá nhân riêng biệt hẳn. Chương cố rướn mắt lên tìm lại trong
trí khoảng chắp nối của hai mảnh đời khác biệt đó để yên chí rằng sở hữu chủ
hai thế giới bão tố là mình. Nhưng… chàng say quá rồi! Mọi ý nghĩ nhòe góc cạnh,
ý chí tìm kiếm sau cùng chỉ còn là một nét chập chờn ma trơi.
CHƯƠNG HAI
câu chuyện trong đêm
Từ biệt lũ bạn đồng khóa, Chương dùng đường hàng không từ
Raleigh, thủ phủ North Carolina, đi Rockford, đô thị lớn thứ nhì của Illinois
sau Chicago, thăm vị giáo sư bảo trợ cũ mà thực chẳng khác người tri kỷ. Ông
thoạt không để ý chút gì đến địa danh Việt Nam là trung tâm hỏa ngục của cuộc
tranh chấp ý thức hệ đương làm sôi nổi dư luận nước Mỹ và toàn cầu. Vào một dịp
Âu du, qua Paris, ông cùng một người bạn già khác tới Collège de France nghe một
vị giáo sư khả kính người Pháp thuyết trình về một khuôn mặt anh hùng Việt Nam:
Nguyễn Trãi đời Lê, tiền bán thế kỷ XV. Hôm đó vị giáo sư Pháp giới thiệu kỹ
bài hịch “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi mà ông cho là một trong những áng
văn tuyệt tác của nhân loại. Giáo sư thoăn thoắt viết những dòng chữ Hán lên bảng
như một cụ đồ nho chính cống. Giáo sư có ví Nguyễn Trãi với vị anh hùng xứ ông
là Napoléon, nhưng ông thú thực nghiêng cảm tình về Nguyễn Trãi hơn, vì theo
ông, một vị tham mưu giỏi lại văn hay nữa bao giờ cũng là một vĩ nhân của nhân
loại.
Chính vì vô tình được thưởng thức bài hịch văn của vị anh
hùng Việt Nam tiền bán thế kỷ XV, vị giáo sư Mỹ mới để ý chút ít đến Việt Nam.
Trở về Mỹ, ngay khóa học mùa xuân đó, ông nhận làm giáo sư bảo trợ cho Chương.
Sau Chương, ông còn làm giáo sư bảo trợ cho hai sinh viên Việt Nam khác. Chương
là học trò nhưng rồi chẳng bao lâu là bạn thân với cả gia đình gồm hai vợ chồng
và ba con – một gái, hai trai – chỉ vì thời gian viết luận án Chương thường được
ông đưa về nhà vào dịp cuối tuần, thầy trò thả thuyền câu trên một cái hồ rộng
giữa khu rừng kế cận, rồi vừa câu vừa sửa chữa những trang đã viết, hoặc bàn về
các chương mục kế tiếp, nội dung phải viết, tài liệu phải tham khảo… Ngày
Chương thi đậu, chính ông tổ chức tiệc trà mời một số giáo sư cùng bằng hữu của
Chương tới dự ngay tại nhà. Chương còn nhớ lắm, chàng cảm động vô cùng khi
chàng cùng bằng hữu tới thì có tiếng một tràng pháo đốt, dài y như pháo cưới,
sau cùng có cả tiếng pháo đùng chấm dứt. Đó là tràng pháo của chú bé Dave, mười
bốn tuổi, đốt mừng. Chú nhờ mua bánh pháo tận phố Tàu. Ngày Chương thành tài về
nước thì cô gái lớn của ông thầy chàng, mười tám tuổi, qua châu Âu du học tại
Ý. Rồi hai năm sau, ông thầy chàng cũng thôi không ký hợp đồng với trường cũ,
mà nhận dạy tại Đại Học New York. Vì vậy mà lần này tới phụ trách giảng khóa về
Lịch Sử Đối Kháng Của Dân Tộc Việt Nam, Chương không gặp thầy cũ, và cũng đúng
dịp dự tiệc cưới cô con gái đầu lòng của ông đã du học Âu châu về từ năm ngoái,
đương dạy môn Văn Minh Cổ La Mã tại phân khoa văn học ngay tại Đại học đường
Illinois.
Ông thầy nói với Chương bằng một giọng trầm tĩnh: “Thật là hi
hữu, anh đến với gia đình tôi vào đúng lúc chúng tôi sắp phân tán mỏng, thật mỏng!”
Thì ra trong tiệc cưới này có sự hiện diện của bà dì cô dâu từ
Luân Đôn tới, ông bác cô dâu từ Los Angeles lên. Tiệc cưới tan, cô dâu chú rể tất
nhiên đi hưởng tuần trăng mật, rồi sau cùng về dạy tại Đại học đường Kentucky.
Ông bác, bà dì ai về nhà nấy. Dave vừa đến tuổi nhập ngũ. Tom, cậu em, vào nội
trú năm cuối trung học. Riêng vợ chồng ông thầy dọn hẳn đi Bos- ton, trang trại
này đã dạm bán xong xuôi đâu đấy. Chương ghi địa chỉ mới, cùng số điện thoại của
thầy tại Boston. Tiệc cưới đó chàng dự thật vui mà cũng thật buồn, tưởng như
chàng tham dự sự phân ly của chính gia đình mình.
Người Việt Nam nặng óc gia đình – Chương nghĩ – thì dù có
phân ly năm châu bốn bể, cuộc họp mặt vẫn gần gũi với lẽ đương nhiên. Nhưng gia
đình của ông thầy chàng thuộc một nền văn hóa khác, cá nhân được tự do hơn, thảnh
thơi hơn, nên cuộc ly tán đến như thế kia thì khó lòng có cuộc tái hợp đầy đủ.
Nhất là mái tóc của ông thầy đã trắng phau! Tới lúc đó Chương mới thật thâm cảm
thế nào là “tử biệt sinh ly”! Nửa đêm hôm đó thầy trò còn nói chuyện, hôm sau
đã chia tay rồi.
- Sau đây anh về Việt Nam ngay chứ?
- Thưa ông, có lẽ phải ba tuần nữa tôi mới về tới Việt Nam.
- Anh còn đi đâu nữa?
- Thưa, tôi sẽ đi xuống thủ phủ Springfield bằng xe buýt thăm
cô bạn gái, rồi từ đấy bay xuống New Orleans thuộc Louisiana thăm gia đình một
anh bạn ở cùng phòng với tôi xưa. Anh hiện ở Việt Nam, ngay tại trại Mỹ, gần
phi cảng Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Cha mẹ chỉ có mỗi mình anh nên lo cho tính mạng
anh ở Việt Nam lắm. Trong khi đó ở Sài Gòn anh sống thật nhàn, anh phụ trách bếp
nước cho một ông đại tá nào đó. Tôi có mời anh lại ăn cơm với gia đình tôi vài
lần. Tôi có hỏi đùa anh: “Dạo mày cùng ở với tao, mày toàn đi ăn ở cafeteria,
tao có thấy mày nấu nướng gì đâu, mà sao nay lại phụ trách bếp nước?” Anh trả lời:
“Ấy ông đại tá cũng chỉ ăn toàn đồ hộp, thành thử mình đâu phải nấu nướng!”
Hai thầy trò cùng bật cười. Ông thầy hỏi:
- Kế đó anh còn đi những đâu nữa?
- Tôi sẽ lên xe buýt dọc theo xa lộ qua các tiểu bang New
Mexico, Arizona, Neveda và nhất định tôi sẽ tới Los Angeles qua ngã Thung Lũng
Tử Thần. – Giọng Chương nhấn mạnh: Yes, Death Valley, I said.
- Anh có vẻ khoái Thung Lũng Tử Thần?
- Thưa việc đó cũng có lý do của nó. Vụ hè đầu tiên ở đất Mỹ
tôi có dịp đọc một kiệt tác của Zane Grey, Con Lừa Nhỏ của Chàng Tappan
(Tappan’s Burro). Có những tác phẩm vì những lý do bí ẩn nào đó, đọc một lần mà
nhớ trọn đời! Tôi nhớ cảnh chàng Tappan đi qua Thung Lũng Tử Thần dưới ánh nắng
chói lòa trên sa mạc cát bỏng, những tia nắng đã thực sự biến thành những mũi
kim xiên thấu da thịt… Nhớ lúc Tappan chịu cơn bão cát giết người về đêm chết
ngất trên lưng lừa… Nhớ lúc Tappan lên được đỉnh núi tuyết rồi sống bốn mùa êm ả
trên đó. Tình yêu thiên nhiên của Tappan đã tuyệt vời, tình thương của Tappan với
con lừa nhỏ Jenet còn tuyệt vời hơn. Cho đến giờ đây đương nói chuyện với ông
mà tôi còn nhớ lại tình cảm nghẹn ngào ngày đó khi đọc đến đoạn chót Tappan cứu
được con lừa Jenet ra khỏi cơn bão tuyết từ đỉnh cao xuống tới triền thung lũng
thấp có rêu, có cỏ xanh, thì lừa sống mà chủ chết vì kiệt lực. Tiếng lừa “be
be” cất lên vang động cả một khoảng núi rừng, mà chủ nó thì nằm bằn bặt ngay
bên chân nó.
Hai người ngừng lại giây lâu, rồi dường như ông thầy cho rằng
lần chia tay này có thể là chẳng bao giờ còn gặp lại nhau, ông tự cho phép hỏi
một câu tế nhị:
- Anh nghĩ gì về Việt Nam đất nước thân yêu của anh? Tôi thật
tình xin lỗi, lẽ ra tôi không được quyền hỏi câu này mới phải.
- Trước đây, ông cho tôi biết ông đã đọc kỹ cuốn biên khảo
mang nhan đề “Phản Ứng của Người Việt Nam Trước Những Cuộc Xâm Lăng” trong đó vị
giáo sư người Việt đã dịch những bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch
Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo và cả bài kêu gọi nhân dân nổi dậy đánh đuổi quân
Thanh của Nguyễn Huệ… Thưa ông tôi sinh trưởng tại miền Bắc, quê hương tôi ở gần
bờ biển nơi có nghề làm muối. Thuở đó dù còn nhỏ tôi đã chứng kiến cảnh muối vượt
quá độ bão hòa (oversaturated) không bốc hơi được, do đó không kết
tinh được trông sền sệt và ù lì. Đó chính là trạng thái hiện thời của dân tộc
tôi. Tôi muốn nói những người Việt thực sự trực tiếp chịu đựng và gánh vác sức
nặng chiến tranh của hai chiều đổ lại: Chiến tranh phá hoại tận tình và tuyệt kỹ
của Cộng Sản; chiến tranh bom đạn tuyệt kỹ của Mỹ theo kỷ luật máy tính điện tử.
Chúng tôi tất nhiên phải chai lì đến ù lì để tự bảo tồn. Ông có biết gặp trường
hợp muối bão hòa phải làm thế nào cho muối kết tinh?
Chương ngừng lại thân ái nhìn ông thầy. Mái tóc bạc phơ của
ông hơi bù lên dưới năm ngón tay ông đã vô tình thọc sâu vào. Đôi mắt ông nhìn
lại Chương thân ái gấp bội ngày nào chứng kiến Chương biện minh thành công luận
án tiến sĩ trước Hội đồng Giám khảo.
- Thưa ông – Chương tiếp – muốn cho muối ở trường hợp đó kết
tinh, chúng tôi chỉ cần ném vào một vốc muối đã kết tinh từ ngoài vào. Trần
Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Quang Trung chính là những người Việt tinh ròng có tác
dụng như vốc muối được ném vào để kết tinh cả một vùng ruộng muối. Muối khác!
Cát khác!
Một già một trẻ cùng bật cười ha hả. Ông thầy già lại hỏi:
- Anh còn nhớ ngày anh biện minh xong luận án Tiến sĩ, một
giáo sư đại diện cho Ban Giám khảo đã nói là kể từ sau giờ phút đó chúng ta là
bạn đồng hành. Trên đây anh đã cho tôi biết ý kiến của anh về Việt Nam, ý kiến
của một nhà sử học, dĩ nhiên, giờ đây, người bạn đồng hành trẻ tuổi của tôi,
xin cho biết ý kiến của anh về nước Mỹ, về dây liên hệ của nước Mỹ với Việt Nam
hay với thế giới nói chung. Không hiểu sao đêm nay, trong lúc tuyết rơi êm ả
bên ngoài – (ông chỉ tay ra bên ngoài cửa kính chưa kéo màn, những ánh tuyết trắng
ẩn hiện trong vùng điện sáng) – tôi có cảm tưởng như đây là giây phút sự thực dễ
chói sáng.
Chương hơi nhíu lông mày, lặng thinh giây lâu rồi đáp:
- Vâng thưa ông, ông đã hỏi ý kiến tôi như một nhà sử học,
tôi cũng xin thực tình thưa lại với ông như thế này. Sử có chính sử, dã sử, có
sử quan chép sử, nhưng cũng có dân chúng tự động thuật sử, vì vậy sự thực lịch
sử như ánh sáng chẳng cái gì trói giữ nổi. Lịch sử Việt Nam ghi nhận vào năm
1942, cơ quan tình báo chiến lược OSS Mỹ ở Trung Hoa ép buộc Thống chế Tưởng Giới
Thạch thả một người tù Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, cán bộ Cộng sản Quốc tế, ra
khỏi nhà tù Liễu Châu. Sau việc làm có liên quan tới Việt Nam đó, lầm lỡ về phía
các ông thật, nhưng chẳng đáng trách chút nào vì chẳng ai học được chữ ngờ. Tới
việc lầm lỡ thứ hai của chính sách Mỹ quả tình đáng thống trách, đó là suốt thời
gian cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chúng tôi, chính sách Mỹ đã tiếp
tay hẳn cho bên thực dân Pháp. Thực dân Pháp thất bại, chính sách Mỹ tính chuyện
dùng Quốc tế Đen chống lại Quốc tế Đỏ. Thứ Quốc tế Đen lạc hậu thời ông Diệm đã
bị ngọn lửa Quảng Đức làm tiêu điểm thu trọn sức nóng quốc gia Việt Nam thiêu rụi.
Chính sách Mỹ bèn có ý định dùng Quốc tế Vàng chống lại Quốc tế Đỏ. Chết nỗi đạo
Phật vào đến Việt Nam đã được Việt hóa đến xương đến tủy rồi còn đâu. Thành thử
dùng chất vàng chống lại chất đỏ là phải dùng chất vàng ròng quốc gia Việt Nam,
điều mà chính sách Mỹ cho đến nay vẫn lảng tránh khước từ. Quả thật dưới cái
nhìn soi mói của một sử gia, những phần tử quốc gia Việt Nam chỉ có một lỗi duy
nhất – một lỗi sinh tử - là họ không đủ mạnh như Do Thái, Tây Đức, Nhật Bản để
ép buộc chính sách Mỹ phải theo chiều hướng dung hòa quyền lợi. Những lỗi đó thật
ra lại bắt nguồn từ hoàn cảnh. Từ bao nhiêu năm nay rồi, những phần tử đó bị
giày xéo, triệt hạ, tróc rễ, phạt ngọn, ngắt mầm bởi mọi lực lượng quốc tế “tự
do” cũng như Cộng sản. Mọi sinh hoạt chính trị bây giờ tất yếu phải nằm trong cộng
đồng quốc tế của phe bên này hay phe bên kia. Chính sách Mỹ đã phá những người
quốc gia thuần thành thì những người thuần thành đó đành chuyển sang thế du
kích là thế của kẻ yếu – còn bị bắt buộc ở thế yếu, thưa ông. Tiền của Mỹ tràn
ngập miền Nam nước Việt những ngày vừa qua, điều đó làm bước tiến của làn sóng
đỏ đứng khựng lại, nhưng tiền bạc không đủ chút nào! Người dân Việt Nam cũng
như người dân Mỹ còn thiết tha hơn nhiều với tự do, với nhân phẩm.
Chương lắc đầu, đôi mắt và vừng trán tràn ngập suy tư:
- Khoa học kỹ thuật bão hòa, thưa ông! Tính từ manh nha thời
Phục Hưng vào thế kỷ XV đến giờ, qua đi năm thế kỷ, Tây phương đơn thương độc
mã xây dựng nền văn minh khoa học kỹ thuật cực kỳ huy hoàng mà tuyệt đỉnh nơi
hiện tại là phóng phi thuyền thám hiểm không gian, trong đó có việc hạ xuống
nguyệt cầu, từ đó gửi hình ảnh mình về địa cầu, nói chuyện với người địa cầu.
Làm sao chúng tôi không thán phục, không bái phục?! Khoa học kỹ thuật Tây
phương do đó còn tiến nữa, chói lọi huy hoàng, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấp
thỏm e ngại đến kinh hoàng ánh sáng khoa học kỹ thuật đó lâm tình trạng bão hòa
– ý tôi muốn nói một thứ ánh sáng mù lòa, không chiếu sáng được cái gì, thứ ánh
sáng thiếu chất nhân bản kết tinh! Thưa ông, trong giảng khóa ba tháng vừa rồi
tại trường cũ về “Lịch Sử Đề Kháng của Dân Tộc Việt Chống Ngoại Xâm”, tôi có nhắc
nhở đến thông điệp ý thức nhân bản này của riêng tôi, nhân danh một nhà sử học
Việt Nam. Thưa ông, khi tôi nhìn hệ thống xa lộ tuyệt kỹ nơi đây; khi tôi nhìn
New York, Chicago, Los Angeles với những khối xi-măng cốt sắt chất ngất chế ngự
thiên nhiên; khi tôi thưởng thức vẻ xinh xắn của thị trấn Reston (Virginia) như
một điều hòa tuyệt hảo giữa nếp sống thị thành với tâm hồn thôn dã, tôi luôn
luôn tự hỏi: Chúng ta đã đẽo gọt lại thiên nhiên mà không đẽo gọt được phần
tương xứng nội tâm sao? Phi thuyền thắng được sức hút của trái đất chỉ để đánh
thức phi thuyền nội tâm thắng được sức hút của lòng vị kỷ. Tôi đã lặn lội đi
xem siêu tuyệt phẩm Cuốn Theo Chiều Gió (Gone with the Wind) đến lần
thứ sáu, chỉ để nghĩ rằng nước Mỹ quả thực có đủ khả năng kỹ thuật và thẩm mỹ để
thực hiện được thế tương xứng vừa nói trên – ít ra là cho phần nhân loại tự do
này. Nếu không, chính nước Mỹ sẽ tự hủy diệt! Cuộc chiến dai dẳng ở Việt Nam há
chẳng có thể là một trong những khúc dạo sắt lửa cho cuộc Thế Chiến Thứ
Ba rồi sao? Thưa ông, nếu tôi là Thượng Đế, tôi cũng sẽ như
Thượng Đế lẳng lặng bao la mà thôi, nước Mỹ hoàn toàn tự do quyết định lấy
trách nhiệm và vận mệnh mình với khả năng đó nơi chính mình.
Chương bỗng thân mật nắm lấy hai cổ tay thầy cũ rồi mới tiếp:
- Dù sự quyết định ấy có thế nào, phóng cái nhìn cho đến vô
cùng thì cũng chỉ là những dấu-chân-cát-xóa mà thôi!
Mái tóc bạc phơ như chợt chói sáng, ông thầy gật đầu mấy cái
liền:
- Tôi rất quý tư tưởng vừa rồi của anh. Tôi có dòng máu Đức
trong huyết quản, tôi dễ thông cảm với một số tư tưởng Đông phương. Anh luôn
luôn đặt mọi hành động trên cái nền rộng lớn của hư vô. Y hệt cách anh lý luận
trong luận án Tiến sĩ xưa. Mà thật thế, người ta không nên chỉ vui hưởng ốc đảo
mà không phóng tia nhìn ra cả vùng sa mạc bao quanh. Đặt mọi hành động vào bối
cảnh hư vô – hay cái vô cùng vô tận cũng vậy – để mãi mãi giữ lấy những đức
tính thành thực và khiêm nhường!
Lại một lần nữa Chương nắm lấy hai cổ tay ông thầy khả kính
siết mạnh hơn:
- Cám ơn ông đã hiểu thâm ý đó của tôi. Cuộc thế chiến nguyên
tử tất sẽ bùng nổ nếu người ta – đây là các siêu cường
– không giao thiệp với nhau trên căn bản thành thực và khiêm
nhường. Trách nhiệm đó người Mỹ có phần nặng phải mang, bởi như trên tôi đã
nói, việc phóng phi thuyền thắng được sức hút của trái đất chỉ để tiếp sức cho
phi thuyền nội tâm thắng được sức hút của lòng vị kỷ. Đó không phải là hai việc
khác nhau mà chỉ là hai bề mặt của một thực tại, hai sườn núi của một trái núi.
Nếu mất chiều tương xứng, mọi tiến bộ kỹ thuật vật chất sẽ tác động ngược chiều
lại, hủy diệt chính mình, để mình trở về với… Thôi cứ tạm gọi là hư vô đi. Núi
mà chỉ có một bề mặt, dĩ nhiên chỉ có thể là núi vẽ trên vải, trên giấy, cho dù
có nguy nga đến mấy.
Ông thầy đắn đo suy nghĩ một giây rồi hỏi:
- Tôi chưa tới Việt Nam lần nào, ở Việt Nam có nhiều người
tin tưởng nhiệt thành như anh không?
Chương bật cười và chàng thấy hối hận ngay vì tiếng cười như
có vẻ vô lễ. Chàng nói ngay:
- Người Việt chúng tôi đã lâu rồi không bày tỏ lòng nhiệt
thành. Nhiệt thành, chúng tôi ủ kín bên trong như người tuyệt vọng ủ lấy niềm
hi vọng. Đất nước tôi đã từ lâu là hỏa ngục, mà hỏa ngục thì thiêu rụi hết trừ
cái lõi nhân bản. Một sự kiện sử học: “Người Việt nổi tiếng là đa nghi nhất thế
giới!” Đúng vậy, chúng tôi bị lừa quá nhiều rồi! Tất cả những ai đương sống
trên đất nước chúng tôi, hay sẽ đến với đất nước chúng tôi đều bị bóc trần bằng
ngọn lửa thiêng – hay ma quái – đó, ngọn lửa tự vệ tiêu cực mà chúng tôi tự luyện
lấy trong cuộc chiến dài đằng đẵng trên một phần tư thế kỷ. Ngọn lửa thiêu rụi
hết, thưa ông, trừ cái lõi nhân bản.
Tới đây một già một trẻ cùng lặng thinh. Đồ đạc quanh phòng
nhắc họ trở về dần với thực tại: Sớm mai Chương lên đường, sau đó gia đình ông
thầy phân tán mỏng, thật mỏng, đúng như hình ảnh chiếc bè tự ý vỡ, mà chẳng bao
giờ còn có thể kết hợp lại như xưa được nữa. Thật buồn! Như có cái gì bên ngoài
mạnh hơn mình nhiều lắm. Thật buồn!
Thầy trò nhìn nhau trìu mến và chịu đựng. Ông già nhìn đồng hồ
rồi nói khẽ:
- Hơn ba giờ rồi anh ạ, chúng mình đi ngủ thôi!
CHƯƠNG BA
đất màu
1
Chia tay với gia đình sắp phân tán – sắp tan tác – của ông thầy
khả kính, thật buồn! Chương phải xuống Springfield, thủ phủ Illinois, là phải.
Chàng đâu có ngờ cuộc sắp xếp hành trình của mình ở đoạn đường này lại hợp lý đến
thế! Buồn vui phải thay đổi như guồng nước chỗ đổ, chỗ đầy. Chương đến
Springfield để trả một món nợ tình. Martha đợi gặp chàng vào cuối tuần này.
Martha! Martha!
Bên kia bờ sông có tiếng vang lại: “Martha!
Martha!” Con sông tâm tưởng, – Chương lúc đó đang ngồi ngửa mặt, nhắm mắt
lười lĩnh trên chuyến xe buýt liên tiểu bang – con sông xuân tràn đầy, chảy
lênh láng, màu nước biêng biếc như màu tóc mềm (tóc Martha) gặp gió xõa trên bờ
vai. Chương biến thành gió, luồn tay vào mớ tóc đó, bàn tay vô hình mơn man êm
dịu. Màu mạ kiều mạch xanh ngút ngàn. Bàn tay của con sông xuân không trực tiếp
ôm lấy những bờ lúa, nhưng mạch nước con sông xuân đã ngầm thấm dưới lòng đất
dâng màu lên nuôi thân mạ, như chàng trai lén quỳ dưới chân giường, khẽ đặt môi
hôn lên bàn chân người yêu, nhưng nhiệt tình ẩn chứa bùng nổ nào khác gì màu
xanh ngút ngàn của cánh đồng kiều mạch mùa xuân.
Vào thuở hai năm cuối học trình Ph.D của Chương, Martha sắp
hoàn tất cái B.S. của nàng. Trong học trình Ph.D. Chương phải có một số tín chỉ
về Thống kê học, mà căn bản Toán của chàng thì quá đơn sơ, chàng phải đi lại những
bước đầu từ trình độ B.S. Chương gặp Martha ở đó.
Khuôn mặt gọn ghẽ xinh, thân hình chắc lẳn, nụ cười thật cởi
mở, Martha một lần nói với Chương: “Số phone của tôi là… Anh có thể gọi tôi bất
kỳ lúc nào anh thấy tôi có thể giúp anh được việc gì.”
Đó là cách mở ngỏ cửa hẹn hò cuối tuần, Chương biết, nhưng
Chương đã trót hẹn hò với đám khác, đành phụ Martha. Hai tháng sau khi Chương
được tự do thì Martha lại mắc bận. Tuy nhiên tình bạn cùng lớp thì bao giờ cũng
nồng thắm. Hết khóa hè ngắn ngủi đó, Martha xong B.S. nàng đi tập sự dạy Toán tại
một trường trung học nào đó. Khi Chương thành tài về nước, Martha mới thành
giáo sư thực sự tại một trường trung học của Springfield. Thư từ đôi bạn trao đổi
chỉ vào đúng dịp lễ Giáng Sinh, nhưng bao giờ cũng vui dí dỏm, đậm đà và tràn đầy
hứa hẹn, như con sông tuy đã nhũn nhặn lẩn dưới thiên nhiên nhưng tràn ngầm các
mạch nước. Mar- tha vẫn chưa lấy chồng như ruộng màu đợi gieo mầm kiều mạch vào
mùa xuân! Tới lúc đó Chương mới chợt thấy cái tên Springfield – Cánh Đồng Mùa
Xuân – thủ phủ Illinois thật hữu tình và có tính cách tiền định. Đến
Springfield để trả món nợ tình, Chương biết vậy, mà thực ra chàng cũng chưa biết
đôi bên sẽ tháo khoán cho nhau trả nợ ra sao.
Martha lái xe tới đón Chương tại ga xe buýt cùng một cô bạn
Nhật. Hòa ngay vào câu chuyện hàn huyên của Chương và
Martha, cô bạn Nhật xem ra còn tân tiến hơn cả Mỹ nữa. Trên
đường về nhà, một lần Chương ca tụng nước Nhật của Hokusai và Kawabata, cô ta
làm Chương có cảm tưởng như chàng là Trang Tử vừa nửa mơ nửa tỉnh lạc đường xuống
đây. Chính cô hôn lên miệng Chương làm cách giữ không cho Chương nói thêm về những
“cổ kính lạc hậu” đó.
Tự nhiên, không hiểu sao, Martha nhắc đến mùa xuân năm qua:
- Chương ạ, năm rồi mùa xuân về quá chậm.
- Sao vậy, Martha? – Chương hỏi lại.
- Anh biết không, cuối tháng Tư mới thấy hơi ấm áp, hoa
forsythia vàng vẫn chưa nở, lilac cũng vậy.
- Ồ!
Là Chương làm bộ ngạc nhiên điểm xuyết thế, chứ nào chàng có
sành về các mùa hoa. Tuy nhiên âm thanh hai loại hoa xuân forsythia và lilac bỗng
như được chiếu sáng để trở thành vĩnh cửu trong câu chuyện. Cũng như ngoại vật
nhiều khi thốt nhiên hiện ra với một dung nhan lạ thường, khiến mình muốn ứa nước
mắt, chỉ trong khoảnh khắc thôi, rồi biến đi mất, nghĩa là trở lại tầm thường.
Martha lái xe vào một con đường tắt xuyên rừng, qua một dòng suối nhỏ nước
nông. Tuy nhiên khi qua suối xong, Martha vẫn phải đạp thắng mấy lần để rũ hết
nước không cho thấm vào làm trơn tuột bộ thắng. Chương thoáng nhận ra bên lề rừng
có một cây táo dại thấp, gai dài và nhọn, vội bảo Martha hãy tạm dừng xe. Chàng
mở cửa, đi vào cái lạnh ghê gớm, bẻ vội được một cành nhiều gai nhất nhưng cũng
nhiều nụ cứng và chắc như cườm.
Trong căn nhà ấm, ven thung lũng ngoại vi Springfield, ba người
bạn một trai hai gái làm bếp ồn ào, ăn uống ồn ào. Cành táo dại – quince –
được cắm vào một bình đặt gần lò sưởi ấm.
Ăn xong, bên ngoài đã lên đèn, cô bạn Nhật ngỏ ý từ biệt.
Martha lái xe cùng Chương đưa nàng về một vùng ngoại vi châu thành đối diện.
Vắng đi cô bạn Nhật, đôi bạn cũ chợt ngỡ ngàng hẳn trong một
thế quân bình mới chưa quen. Thời gian, không gian giờ đây là của hai người. Mười
giờ ngày mai Chương đã lên phi cơ xuôi về miền cửa sông Mississipi, New
Orleans. Vẫn giữ nguyên hơi ấm của câu chuyện vui vừa qua, trong khi Martha
chưa cho xe chạy, Chương ưu ái vuốt mái tóc vàng óng của nàng:
- Martha để tóc dài thế này đẹp hơn kiểu uốn tóc ngắn ngày
xưa nhiều lắm.
Chương nghiêng đầu sát tới nói thầm bên tai Martha:
- The closer I get, the better you look!
Chàng muốn hôn lên miệng Martha…
- A. A. A!
Martha đã cho xe chạy ngay.
Những âm thanh đơn giản đó là dấu hiệu rất Mỹ của bất kỳ cô
gái Mỹ nào muốn nói, “Ấy chớ. Đừng. Chưa được đâu!” Ánh mắt, nụ cười của Martha
cũng như của Chương được vẻ tếu đặc biệt, rất thông cảm, y như những dòng chữ
hai người vẫn thân thiết trao đổi nhau vào dịp lễ Giáng Sinh. Sau mấy năm cách
ngỡ, đường eo Martha đẫy hơn xưa nhưng khuôn mặt vẫn xinh đặc biệt, nụ cười má
lúm đồng tiền với hàm răng trắng bóng, tràn trề sinh lực.
Chỉ vào căn nhà kiến trúc thanh lịch phía trước với dòng chữ
nê-ông xanh biếc, Chương nói:
- Hãy vào uống cà-phê đã, Martha!
Dòng chữ xanh biếc: Inspired Italian Cuisine-Stella Hotel.
Martha cười má lúm đồng tiền:
- Đúng lắm, Chương!
2
Chương và Martha vừa mở cửa bước vào cùng với mùi cà- phê sực
nức, ấm cúng, quyến rũ, thì một tiếng reo vui làm Chương giật mình:
- A ha! Tha hương ngộ cố tri!
Chương nhận ngay ra Đạm anh bạn họa sĩ. Ở xứ Hoa Kỳ rộng lớn
không hẹn mà gặp như thế này có thể nói là “thiên tải nhất thì”!
Đạm nói lớn, giọng Đạm luôn luôn sang sảng như chuông vàng
làm rung động hàng râu mép rậm tốt như râu Bismarck:
- Ngồi đây với tôi cả đi, tôi vừa mới tới mà, rồi tôi cũng lại
đi ngay mà!
Chương giới thiệu Đạm với Martha. Cả hai vui vẻ cùng ngồi. Đạm
hỏi:
- Ba cà-phê hay ice-cream?
- I’m coffee drinker – Martha cười mỉm, má lúm đồng
tiền. Chương nói với nữ chiêu đãi viên vừa tới:
- Tất cả chúng tôi đều là dân ghiền cà-phê!
- OK. – Cô chiêu đãi viên cười, má cô cũng hơi lúm đồng tiền.
- Năm năm trước đây – Chương nói thêm với Martha – nghĩa là
thuở chúng mình còn theo học ở trường, vào một dịp hè, tôi tới dự phòng triển
lãm của Đạm ở đường Madison, New York, Đạm còn đồng thời làm cho hãng Cosmotech
ngành dịch thuật bằng máy điện tử những sách khoa học từ tiếng Anh sang tiếng
Việt. Năm nào, ít ra cũng một lần Đạm về nước liên lạc với Bộ Giáo dục. Đã hai
lần chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn. À anh Đạm, vì sao lại có mặt tại Springfield?
- Tôi tới để triển lãm một số mộc bản mới toanh ngay trong
khuôn viên Đại Học Bradley ở Peoria gần đây. Nhưng không phải chỉ có mộc bản mà
thôi.
- Còn gì nữa? – Chương hỏi.
- Kỳ này đặc biệt là một retrospective show – những
tác phẩm chọn lọc đã được triển lãm từ mười năm qua.
Martha nói:
- Anh vừa làm cho Cosmotech lại vừa vẽ được, giỏi thật đấy! Đạm
trợn mắt, hàm râu mép rậm của anh rung lên:
- Tôi nhìn vấn đề khác hẳn, Martha! Việc kiếm sống lăng nhăng
bên ngoài không thể cắt đứt sợi dây liên lạc giữa tôi và nghệ thuật. Mà được vậy,
chỉ vì tôi không quan trọng hóa cực độ vấn đề. Sáng tác, tranh đấu hay không
thì vẫn vật đổi sao dời! Tôi hay chúng ta, phải sáng tác và tranh đấu, không phải
vì hai cái này quan trọng, mà chính vì chúng chẳng quan trọng quá lắm như mọi
người tưởng. Martha à, hứng lên, tôi cầm bút vẽ, vẽ như ăn uống, như bài tiết,
như làm tình…
Martha ngửa cổ cười thật tình, nheo mắt nhìn Chương, ánh mắt
tự nhiên dâm đãng lạ lùng, khoảng lúm đồng tiền trên má nàng như sâu xuống chới
với. Tưởng như hai người có thể đồng tình đứng dậy ngay ra về không cần thưởng
thức cà-phê nữa. Nhưng Đạm đã tiếp tục câu chuyện:
- Thật vậy, khi mình đã vẽ với tinh thần phóng khoáng hình
hài như vậy, mình sẽ thoát được những mấu, những móc mà bao nhiêu năm lăn lộn,
vất vả, đau khổ đã tạo nên những ảo ảnh ma quái. Cho dù cuộc đời có phi lý đến
mấy đi nữa – như gần đây người ta vẫn kêu toáng lên – chỉ lòng thương yêu và
tin cậy của một người cũng đủ hóa giải tất cả! Ha ha, có đúng vậy không?
Martha hỏi:
- Anh lạc quan đáng quý! Anh ưa vẽ gì, anh họa sĩ?
Đạm nhắm mắt lại, ngửa cổ lên, trong khi một cô chiêu đãi
viên đã mang cà-phê lại đặt từng tách trước mặt từng người, tiếng lách cách
nghe vui tai lạ.
- Tôi sẽ trả lời hơi dài dòng. – Đạm trả lời Martha vài giây
suy nghĩ, mùi cà-phê bốc lên thơm lừng phủ ấm cả ba người… Nhưng hãy uống
cà-phê đã chứ!
Cả ba vui vẻ lấy đường, quậy đường, rồi cùng nâng tách.
- Nơi tôi ở - Đạm tiếp tục trả lời Martha – là một xóm làng
quê nhỏ bé tại New Jersey, mỗi khi tôi rời làng đi New York, y như rời chốn thần
tiên êm ả tới chốn trần tục hôi hám.
Đạm dừng lại làm điệu mời mọi người cùng uống, sau đó hơi suy
nghĩ một chút, ôn lại một điều gì rồi mới tiếp:
- Đặc biệt bao giờ tôi cũng rời New York trở về nhà vào ban
đêm. Một lần cùng vào một đêm trăng tròn như đêm nay – Đạm chỉ bóng trăng bên
ngoài cửa kính – xe buýt đã ra khỏi New York nửa giờ, không khí bắt đầu thanh
thoát hẳn, trăng trên trời cũng đã tuột khỏi vùng bủa vây của lũ nhà chọc trời
thành phố. Trăng và tôi như đôi bạn tù cùng vượt ngục, nhìn nhau thông cảm. Xe
cứ việc vun vút trong đêm lạnh, hai bên đồi núi nhìn toàn khối như đen ngòm,
nhìn kỹ là màu bạc sậm. Trăng cứ thế theo tôi trên đường về, soi sáng những
cánh đồng cỏ bao la, những đỉnh đồi lớp lớp. Tôi vẫn ưa vẽ trăng, Martha. Những
người bạn Âu Mỹ và cả nhiều người Á Đông khi xem tranh tưởng rằng tôi muốn biểu
lộ tình cảm thơ mộng, lãng mạn. Đâu có vậy! Tôi vẽ lòng khao khát vượt ngục của
tôi! Bất kỳ cái gì mình bám vào cũng thành ngục tù giam hãm mình ngay, ha ha!
Mà tôi thì ít khi chịu đắn đo cân nhắc gì cho lắm! Đôi khi có chọn lựa, sự chọn
lựa đó là của linh tính – lý trí chỉ đóng vai phụ, rất phụ! Các bạn có thấy tuyết
bên ngoài đã rơi nhiều? Tôi khoái đi ngoài trời vào lúc tuyết rơi đều đều như
trận mưa cánh hoa mai vào lúc kẻ tu hành… đốn ngộ, ha ha.
Đạm đứng dậy, “xin phép” trả tiền cà-phê ở quầy, rồi về trước,
sửa soạn hành lý chút xíu, sớm mai chàng lên xe buýt đi Peoria, chuẩn bị cho
phòng triển lãm.
Chương nói đùa thay lời từ biệt:
- Tôi khoái bộ ria của anh.
Đạm bất giác đưa tay lên vuốt đám râu mép rập đó, giọng càng
sảng khoái:
- Ấy bao giờ vào mùa đông nó cũng hung hăng sống động như thể
nó là lộc là chồi gì đó, mọc mạnh và rậm, ha ha!
Rồi chia tay. Đạm cũng chẳng hề hỏi Chương mới sang Mỹ từ bao
giờ và bao giờ về. Chắc Đạm nghĩ rằng nếu Chương còn ở đây, tất nhiên Chương sẽ
mò tới phòng triển lãm tại Đại học đường Bradley, và hai người còn được dịp gặp
nhau.
Chương theo dõi bóng Đạm gần ra khuất cửa, Đạm bỗng vùng quay
lại như bỏ quên cái gì quan trọng lắm. Nhưng không, Đạm hỏi hai người:
- Martha và Chương có định đi Chicago không?
Chương và Martha nhìn nhau cùng rướn lông mày rồi nhìn
Đạn, Chương đáp thay cho cả hai:
- Cũng có thể!
- Cũng có thể là thế nào, một khi đã vào Illinois là phải tới
Chicago! Tới Chicago là phải vào Viện Nghệ thuật của Chicago để xem toàn bộ
tranh của trường phái Ấn tượng Pháp. Thuở đó, cuối thế kỷ XIX, Pháp chê đám nghệ
sĩ ấn tượng. Hai chị em bà già Mỹ không chồng, tới Paris mua hết tranh ấn tượng
mang về Mỹ. Ha ha, bây giờ đã mấy lần Pháp đề nghị cứ một đổi một: Mỹ có quyền
lấy một tranh của Viện Bảo tàng Le Louvre để Pháp được mang về một tranh ấn tượng.
Mỹ không chịu. Thế giới muốn xem tranh của Monet, Picasso, Renoir, và đặc biệt
của Degas, phải đến Chicago, ha ha!
Thấy tách cà-phê để lại của mình còn kha khá, Đạm nâng lên uống
nốt, đặt tách xuống, lau râu bằng ngón trỏ, tiếp:
- Mới tuần trước tôi bay ngang qua Arizona, bay ngay trên
Grand Canyon. Tôi vẫn khoái cái đại vực dài 217 dặm, rộng 18
dặm, sâu trên 1 dặm này từ lâu, lâu lắm, nhưng đặc biệt lần này vào mùa đông
tuyết phủ, tôi mới được chứng kiến một hiện tượng lạ lùng. Từ phi cơ nhìn xuống,
trên nền đá xám là những kẽ nứt tuyết đọng trắng xóa, những nét tuyết phóng
khoáng ngang dọc tung hoành y hệt nét bút trừu tượng của tranh Jackson Pollock,
đường nét tỏa ra, mất hút vào không gian vô cùng.
Đạm vung tay làm điệu vẽ theo kiểu Pollock và nói với
Martha:
- This way of Pollock, with surfaces extending laterally
into infinite space, ha ha!
Lần này Đạm ra về thật! Hai cánh cửa đã tự động khép lại phía
sau Đạm. Trong vài giây, Chương quên hẳn sự hiện diện của Martha, lòng chàng bỗng
dàn trải như kẻ nằm phương Nam mà tìm những chòm sao phương Bắc. Giây phút đó bỗng
như ngưng đọng để trở thành vĩnh cửu.
Giọng Martha đánh thức chàng:
- Chương về chăng?
- Về chứ. - Đôi mắt Chương bừng tỉnh, gặp ngay tia nhìn của
Martha.
Phải về ngay chứ, - chàng nghĩ thầm – chúng ta đồng tình như
thế mà!
Sự gặp gỡ bất ngờ với Đạm, câu chuyện tựa như đầu Ngô mình Sở
với Đạm, nhưng mỗi điểm đầu Ngô mình Sở đó đều chiếu sáng một nét điển hình của
cả cuộc đời, đốt nóng tình cảm của cả hai, đặc biệt của Martha. Mười giờ mai
Chương đã lên phi cơ bay tít về cuối trời Nam, New Orleans, miền cửa con sông
dài Mississippi.
Chương đã đứng dậy đi trước mấy bước mở cửa cho Martha. Trời
bên ngoài thật lạnh, cái lạnh khô sắc, nhưng trăng tròn – trăng rằm hay mười
sáu thì phải – vằng vặc trên trời chiếu xuống cả một vùng tuyết trắng. Cả hai
bước vội ra xe, gót giày va vào những vạt tuyết trên thềm nghe xào xạo như đá vụn.
Vừa vào trong xe chưa kịp ngồi gọn, cả hai đã tự thấy ôm ghì lấy nhau từ lúc
nào, tựa hồ như hồn họ đã vào xe trước, ôm nhau trước, hai cái xác nặng nề ì ạch
rượt theo vừa kịp nhập vào để tự soi sáng cảm giác. Chương tì môi mạnh hơn trên
điểm lúm đồng tiền của Martha, nói khẽ:
- Đạm bảo bất kỳ cái gì mình bám vào cũng thành ngục tù giam
hãm mình ngay! Tôi hoàn toàn bị giam hãm trong khoảng má lúm đồng tiền này. Ôi,
cô bạn tuyệt vời của tôi!
Chương tìm lại hương vị thơm đắng mùi cà-phê trên môi Martha,
một bàn tay Chương xoa lên khoảng vai rồi cả khoảng ngực tròn trịa của nàng.
- Về nhà đã, Chương! – Martha van vỉ.
Chương lắc đầu giữ chặt lấy nàng, không đáp. Martha cảm thấy
những vùng sao lóe sáng rụng lả tả… rụng lả tả trên khắp vùng da thịt.
Nhưng rồi Martha cũng cố gạt được Chương và cho nổ máy. Xe
vun vút dưới trăng. Lúc qua cầu vào thành phố, Chương nhận thấy ánh điện sáng
quắc, dòng sông bên dưới trắng xóa, hơi nước đá bốc lên nghi ngút phả sương mờ
vào vùng sáng ấm. Về tới nhà, bật đèn lên, họ đâu có để ý đến cành táo dại
không còn khẳng khiu trơ trụi, mà đã bừng tỉnh với những nụ hoa chúm chím kỳ diệu.
Cả hai không thể chú ý vào bất kỳ cái gì – dù kỳ diệu đến mấy! Tình yêu hút lấy
họ vào lòng vĩnh cửu của hạnh phúc. Chương mải miết tìm lại trên môi Martha
hương vị thơm đắng của cà-phê. Nhưng không còn, hương vị đó cũng đã nhạt nhòa
và tan biến vào lòng vĩnh cữu. Những vùng sao lóe sáng không còn rụng lả tả xuống
da thịt Martha nữa, mà chính da thịt Martha bốc ngược chiều của ánh sáng, hào
quang tỏa ra mênh mông bất tận.
Cơn rạo rực của Chương được thỏa mãn rồi dịu đi rất chóng và
không hiểu sao chàng nhớ lại câu chuyện tâm tình đêm trước, cũng khoảng giờ đó,
với thầy học cũ. Cũng chính cái bình tĩnh của Chương gặp cái rực rỡ bốc cháy của
Martha làm cho cuộc tình gặp gỡ phù du của đôi bạn cũ tránh được thứ lửa tình
chóng bốc chóng tàn, mà trái lại như được chuyển hóa thành thứ tình của thâm
sâu của trường cửu suốt phần đêm còn lại… Cả hai cùng lập lờ chìm trong trạng
thái nửa thức nửa ngủ với những cử động phản xạ - những vuốt ve, những nụ hôn,
những áp đầu, dụi mũi.
Có lẽ Chương là người đã mở mắt trước để nhìn thấy cành táo dại
đã nở hoa. Lúc đó chỉ khoảng tám giờ sáng. Cành táo dại kia – chàng nghĩ trong
miên man – nếu không được bẻ mang vào nhà thì dưới ánh trăng khuya, rồi dưới
ánh bình minh trắng đục, giờ đây nó vẫn chỉ là cành cây khẳng khiu trong cái lạnh
kinh khủng của thiên nhiên bao trùm. Phải, nó vẫn chỉ là cành cây khô gầy thấp,
gai dài và nhọn, không nụ, không hoa – những nhú tròn thô lậu, cứng và chắc như
cườm đó, chưa thể gọi là nụ được! Vậy mà qua đêm, gặp sức ấm trong nhà, cành
hoa đã nở bung, dáng dấp giống hoa mai, nhưng không vàng không trắng, mà lại hồng
màu rượu Pink Champagne. Chương mỉm cười tự nghĩ trong bâng khuâng, giá như
mình có tài của Vương Duy, Lý Bạch, với cảnh hoa, trăng, tuyết đêm qua mà làm
được một bài tứ tuyệt giản dị, lồng lộng thì hay biết mấy. Nhưng nếu như hình ảnh
đó quá đẹp mà trở trành ước lệ thông thường, nói ra không gây cảm xúc thì dù
sao đi nữa từ đêm qua cho tới sớm nay, tại miền Trung Đông Bắc Hiệp Chủng Quốc
mênh mông này, ai là người thứ hai đã chứng kiến hình ảnh hoa, trăng và nghe tiếng
khóc của tuyết hóa thạch?
- Sức sống của thiên nhiên thật là kỳ diệu! – Lời Martha,
nàng vừa cựa mình, cả bầu ngực tròn mịn áp lên lưng Chương.
A, thì ra còn người thứ hai nữa, Martha. Chương quên mất.
Martha tiếp:
- Qua một đêm bên lò sưởi điện, hoa nở như thế kia! Chương hỏi:
- Martha còn nhớ năm nào bão tuyết tập trung từ vùng núi Cleverland
thổi về Ohio tàn phá bao nhiêu là cây cối trong khuôn viên đại học mình?
- Nhớ lắm, Chương! Tinh sương hôm sau sinh viên chúng ta đã từ
những khu nội trú ùa ra dọn dẹp những cành cây gãy ngổn ngang. Cả một vùng trắng
xóa, vắng lặng, nửa thanh bình nửa rờn rợn.
- Martha, bão tuyết thì tàn phá, bão tình thì làm nở hoa.
Không phải chỉ có hơi ấm của lò sưởi điện làm nở hoa, Martha, mà còn hơi ấm của
ba thứ tình nơi chúng ta: tình bạn đồng học, tình trai gái và… và… thôi cứ gọi
chung là tình người đi!
Chương xoay mình quay lại đồng thời với hai cánh tay Martha vừa
mở ra, họ ôm ghì nhau lần cuối. Với Chương, một nỗi buồn không phải là buồn, một
tê tái gần như thản nhiên. Càng vào những lúc cố giữ tâm thần an lạc nhất,
chàng càng cảm thấy bềnh bồng tê tái. Chương nghĩ đến những pho tượng Phật thật
đẹp ở nước nhà, ở Thái Lan, ở Miến Điện, ở Mã Lai Á, ở Tích Lan, những nơi
chàng đã đặt chân qua, đều có nụ cười trầm mặc mênh mông nửa vui nửa buồn như vậy.
Hãy tận hưởng hạnh phúc nơi đây, cũng như khi đã trở về lòng
quê hương sẽ tận hưởng niềm đau nơi đó! – Chương nghĩ thầm như vậy và ghì
Martha mạnh hơn như muốn làm nghẹt thở. Nhưng chính đó lại là điều Martha thầm
ao ước!
Chiếc kính chiếu hậu hếch ngược một chút lên trời phản chiếu
những cành cây gầy guộc trụi lá, thoạt trông tưởng như là những vết rạn nứt của
chiếc gương. Martha lái xe đưa Chương ra phi trường. Bên ngoài tuyết đã hết
rơi, nhưng gió càng thổi mạnh. Hàn thử biểu trụt xuống 7 độ Fahrenheit. Tuyết cứng,
nặng và khô, giẫm lên như giẫm phải đống đường trắng mà ai vừa đánh đổ.
Martha nói khi xe qua cầu:
- Chương nhìn xem kìa, lạnh đột ngột quá nên mặt sông phẳng
lì trắng phau.
Chương đặt bàn tay lên khoảng gáy Martha, vuốt ve mớ tóc mềm
của nàng. Thật là kỳ lạ, mãi tới lúc đó Chương mới ý thức được ở Martha cái gì
hầu như cũng nửa vời một cách quyến rũ. Nàng nửa như là đàn bà nửa như là con
gái, nàng không gầy, không béo, da thịt chỉ vừa đến độ nây nây. Nàng đúng là đất
màu kiều mạch: lòng đất dâng màu lên và cánh đồng kiều mạch ngút ngàn xanh.
Martha mỉm cười, má hơi lúm đồng tiền và đưa mắt nhìn Chương
một chút để đáp lại cử chỉ vuốt ve của chàng. Cũng vào lúc đó Chương mới sực nhớ
rằng Martha đã có công xua tan được áng mây buồn bàng bạc phủ trong hồn chàng
khi chứng kiến giây phút phân tán cuối cùng của gia đình thầy học cũ. Bão tình
làm nở cành mai trong vùng băng giá – nghe như lời nói bông lơn, tuy không thực
mà thực đó chứ! Tới phi trường, chàng và Martha còn thì giờ vào cafeteria gọi
hai tách cà-phê. Rồi tiếng nói trong hộp phóng thanh mời hành khách đi New
Orleans tới xuất trình vé. Hình như hai người chia tay cúi chào nhau theo lễ độ
Nhật Bản một cách tếu như những dòng chữ tếu thân mật và thặng dư trên những tấm
“các” của họ vào mỗi dịp Giáng Sinh.
Chương theo hàng người nối đuôi ra phi cơ, lòng bồng bềnh, nửa
như trống rỗng nửa như say sóng. Chàng hơi ngửa nhìn mặt trời, nhìn vào khoảng
xanh thăm thẳm. Lạnh ngọt! Chàng đã leo tới bực thang cuối cùng. Trước khi vào
hẳn phi cơ, chàng quay lại vẫy chào từ biệt Martha một lần nữa. Martha ở dưới
xa, sau bờ tường trắng. Ô, tấm áo choàng bằng nỉ màu boóc-đô của nàng! Hình như
mãi tới lúc đó Chương mới để ý đến màu đỏ của tấm áo choàng đó và thưởng thức
nét đẹp xa vời của nó.
CHƯƠNG BỐN
nhân loại tuyệt diệt
1
Chia tay với Martha, Chương bay xuống New Orleans miền Nam.
Mùa đông nơi đây khí hậu dịu ngọt, hơi
ấm của gió biển đã sớm thổi bùng mấy nhành redbud đỏ. Hy vọng
xuân tình lấp ló đâu đây.
Hai cụ thân sinh người bạn Chương ngụ tại một vùng ngoại vi
khá xa châu thành New Orleans. Nhận được tin trước, hai cụ lái xe tới phi trường
New Orleans đón Chương. Lần đầu gặp hai cụ (cụ ông là họa sĩ) ăn mặc hao hao
như đạo sĩ. Rồi sống với hai cụ một ngày, Chương được chứng kiến thêm vài hình
thái phản đối khác về nếp sống máy móc ở Mỹ, những hình thái phản đối trầm mặc
của người già chứ không bốc đồng, râu ria hay lõa thể như giới hippy trẻ. Thì
ra bà cụ cố thân sinh ra cụ ông xưa, chính là người đã sáng tạo một lối vũ mới,
cách mạng hóa hoàn toàn quan niệm ballet cổ điển vào thời ngành nghệ thuật này
thịnh hành nhất ở Pháp (1910-1920). Cụ ông theo ngành hội họa. Đã từ lâu vợ chồng
cụ bỏ lối ăn mặc Tây phương, tự dệt lấy vải thô, may áo như lối Hy Lạp cổ điển.
Vì vậy mà khi gặp hai cụ ở phi trường lần đầu Chương ngỡ là hai cụ mặc áo đạo
sĩ. Nhà cụ ở tít xa vùng ngoại ô New Orleans là cả một học viện nghệ thuật để
văn nghệ sĩ có nơi gặp gỡ, trình diễn. Vì cũng giỏi về mộc bản, cụ khắc lấy chữ
gỗ phát minh ra một cách in để in thơ, kịch và các thứ lặt vặt như bích chương,
thiếp mời cụ in quả thực đượm thi vị riêng của chúng. Căn trại xinh cụ ở có giếng
nước cụ đào lấy. Và vì nơi đây miền Nam khí hậu ấm áp nên cụ trồng rau, nước giếng
đó tưới rau đủ ăn quanh năm. Đài phát thanh New Orleans cho nghe một bài hát rất
thịnh hành và cũng hợp với tâm thức Chương lúc đó, bài “Both Sides Now”:
Hãy nhìn cuộc đời cả hai mặt của nó! Mây đem giông bão, sấm
sét lại, nhưng mây cũng đem mưa tới tưới mát hoa mầu…
Nhìn nếp sống của cụ già nghệ sĩ, nghe “Both Sides Now”, lòng
Chương thấy dịu đi nhiều, nhiều lắm.
2
Rời New Orleans bằng xe buýt để sẽ qua Thung Lũng Tử Thần như
đã dự định, đặc biệt khi xe vào Nevada, Chương dừng lại cả một buổi chiều tại
Las Vegas, đi nghênh ngang như con nai vàng giữa rừng người, rừng xe cộ, rừng
màu sắc của những biển ánh sáng mang những tên Overland Hotel, Fremont Hotel,
Golden Gate Hotel… Chương dừng lại trước một sòng bạc lớn có một đoàn vũ nữ
đương biểu diễn quảng cáo theo kiểu Folie Bergère của Pháp.
“Tại sao ta không thử thời vận một phen nhỉ?” – Chương tự
nghĩ vậy. Rồi quả nhiên mười phút sau chàng đã ở trong sòng bạc lớn Bingo, đứng
trước một bàn roulette, tay cầm token coin.
“Coi như ta sẽ cúng không cho Nevada một trăm đô-la là cùng
chứ gì!” – Chương lại tự nghĩ và bắt đầu đánh bạc theo phép tính xác suất của
chàng, tự cho mình có quyền thua ba lần liền theo ba lần đặt: mười đô-la, ba
mươi đô-la, sáu mươi đô-la.
Roulette đổ vào đỏ, Chương bèn đặt token coin trị
giá mười đô-la vào đỏ cho kỳ quay tiếp. Đợi! Rouletter đổ vào đen! Chàng đặt ba
mươi đô-la vào đen. Roulette đổ vào đen. Thế là tiếng bạc thứ hai đó thu về cho
chàng hai mươi đô-la tiền được.
Chàng lại khởi hành mười đô-la vào đen. Roullete đổ đỏ. Chàng
đặt theo ba mươi đô-la vào đỏ, roulette đổ đen. Chương mỉm cười bình tĩnh tự an
ủi: “Kẻ nào qua Las Vegas mà không “nộp thuế” nếu không là nộp mạng, vậy ta cho
phép ngươi thua liền một lần thứ ba nữa rồi ra bến xe buýt đi là vừa. Tới giờ
lên đường rồi đó!” Và chàng đặt token coin trị giá sáu mươi đô-la vào
đen. Máy quay chạy êm ru, hòn đạn tròn nhảy tung tăng như chú lùn vô tư, không
biết rằng chú đã lạc vào vùng tử địa của một con yêu uống máu người không tanh.
Ha ha, nhưng con yêu này còn hiền lành lắm, hòn đạn tròn còn rùng mình nhưng đã
lẳng lơ nằm gọn trong khoảng đen huyền lấp lánh. Như vậy là đánh năm tiếng bạc,
Chương đã thu về thắng lợi tượng trưng năm chục đô-la.
“Đùa với Las Vegas chút xíu thôi mà, thua được là chuyện bên
lề” – Chương nghĩ vậy và đi tới chỗ đổi jeton lấy tiền.
Ra bến xe buýt, Chương còn kịp vào cafeteria ăn chiều để đợi
giờ xe lên đường.
Khi xe buýt đã chuyển bánh, Chương suy nghĩ trang nghiêm hơn:
Cuộc thắng của chàng ở Las Vegas là một cuộc thắng nhỏ, tượng trưng và… lõa lồ.
Theo đúng truyền thống, lẽ ra người Việt luôn luôn thắng dưới hình thức thua!
Có lẽ định mệnh muốn như vậy để người Việt luôn luôn giữ được tính khiêm nhường,
luôn luôn giữ men nồng của tình người trải qua nhiều bất hạnh! Người Việt thắng
Tàu suốt một ngàn năm lịch sử, nhưng vẫn chịu tiến cống sau mỗi chiến thắng.
Người Việt thắng Pháp “Đệ Nhất Danh sĩ Lục quân” Tây Âu dưới hình thức đất nước
bị chia cắt. Khối băng sơn văn hóa kinh tế khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa với
người anh sinh đôi là khối băng sơn văn hóa kinh tế kỹ thuật tư bản chủ nghĩa,
cùng một lúc ùa vào khoảng trũng Việt Nam bốn bề bỏ ngõ. Và Việt Nam chịu đựng
tiết ra sức nóng đối kháng dị kỳ và dai dẳng, ma quái và thiên thần, kỳ cho đến
khi cả hai nền văn hóa Tây phương đã phát triển đến cùng đường đó phải biến
tính đi. Nhưng chẳng biết rồi đây Việt Nam còn phải ngụy trang cuộc chiến thắng
gai góc đó dưới một hình thức thất bại nào đây để không làm sượng mặt các siêu
cường!
3
Đó là cái nhìn xa tổng hợp cho thấy trăng tròn, còn cái nhìn
gần để thấy chi tiết thì lại khôi hài đến chảy nước mắt.
Trong khi quân đội cả hai miền – vũ khí do hai khối cấp cho!
– đều thiện chiến đến thần sầu quỷ khốc, thì chính đồng bào họ trên đất Miên bị
quân lực Miên – còn mới toanh, nên yếu vào bậc nhất hoàn cầu – tận tình “cáp duồn”
vĩ đại, có nơi cả làng Việt kiều bị lính Miên dẫn đi xử bắn tập thể rồi thả
xuôi theo dòng con sông dài Cửu Long. Hàng dãy dài xác người Việt xấu số trôi dạt
vào một bãi cát mênh mông, tay xâu tay nối kết thành bè, được chụp hình màu câu
khách, trưng trên những trang báo quốc tế… Đó, định mệnh người Việt Nam khi
hoàn thành cuộc chiến làm nát nhiều khối băng sơn Cộng sản cho cả thế giới an
vui, buôn bán phát đạt, nhậu nhẹt bù khú và làm tình thác loạn! Như vậy thì những
định mệnh trớ trêu nhất, chua chát nhất trong thần thoại Hy Lạp dễ dàng tìm thấy
ngay bạn đồng hành trong định mệnh Việt Nam. Thần Zeus, chúa tể chư thần, đã
lang chạ với nhiều nữ thần trên thiên đình và nhiều mỹ nhân dưới trần thế, duy
có nữ thần đẹp nhất, tình tứ nhất trên thiên đình – Vệ Nữ Thần – thì Zeus lại bị
từ chối. Để trả giá đó, vị nữ thần đẹp nhất, tình tứ nhất thiên đình đã phải lấy
thần Lò Rèn què quặt, xấu xí nhất thiên đình làm chồng. Chú nhỏ Eros với mũi
tên tình yêu có thể đùa dai với khắp hàng quỷ thần, nhưng “sinh ư nghệ, tử ư
nghệ”, chú đã là nạn nhân chính mũi tên của chú khi chú tìm gặp nàng mỹ nữ
Psyche.
Giữa tiếng máy nổ dìu dịu, tiếng người tài xế báo với hành
khách qua máy phóng thanh:
- Death Valley! (Thung Lung Tử Thần!)
Chương nhắm mắt lại thích thú tưởng tượng mình là chàng
Tappan đang chạy trốn cùng con lừa Jenet qua Thung Lũng Tử Thần với những tia nắng
đã thực sự biến thành những mũi kim xiên thấu da thịt. “Như Việt Nam cắn răng
trong lò luyện ngọc!” – Chàng mỉm cười nghĩ thầm khi trí lực chuyển sang cảnh
Tappan đã thoát hiểm, sống êm ả trên đỉnh núi bốn mùa tuyết phủ, vắng lặng cô
đơn. “Vắng lặng cô đơn như Việt Nam!” Chàng ngủ thiếp đi không mơ về vịnh San
Pedro của Los Angeles, cũng không mơ về phi cảng Los Angeles nơi sẽ đưa chàng về
Việt Nam; chàng mơ thấy một khu rừng nào đó ở lưng chừng một ngọn đèo nào đó.
Chàng mơ thấy mưa lớn, nước tự trời đổ xuống như thác, và trên mặt đường chàng
đi, rắn cuộn khúc đầy dẫy: chúng vừa nhô khỏi những hang hố ngập nước. Có con
trăn lớn cuộn khúc ngỏng đầu nhẫn nại đội mưa; có con rắn hổ mang nóng tính
phun nọc phì phì; có con rắn cạp nong, cạp nia khúc đen khúc vàng uể oải thu hẹp
vòng cuộn khi chàng bước qua. Đặc biệt có con chim đương biến trở lại thành rắn
mất rồi! Nó chỉ còn hình thù chim nhưng không có lông vũ: toàn thân da rắn bóng
nhãy.
Mưa càng tầm tã. Cơ hồ nhân loại tuyệt diệt đến nơi… Chỉ còn
rắn!
CHƯƠNG NĂM
dải ngân hà và vùng cải tần ô
1
Phi cơ hạ cánh xuống phi trường Anchorage (Alaska) vào hồi mười
giờ. Khí lạnh lâng lâng nơi đây là một cái gì phi thời gian, siêu không gian!
Trên chuyến bay trở về
Việt Nam. Chương quyết định dừng lại nơi đây hai mươi bốn tiếng.
Đã từng thưởng thức cái nóng lục địa Nevada, Chương muốn thưởng thức thêm cái lạnh
miền kế cận Bắc cực này. Đây cũng là một cá tính đặc biệt của Chương: ưa tận
tình thưởng thức những đối cực!
Còn thêm hình ảnh những dấu chân cát xóa nữa chứ!
Những dấu chân cát xóa! Chẳng hiểu vì sao tự nhiên hình
ảnh và ý nghĩ về những dấu chân cát xóa lại chợt đến
ám ảnh chàng vào lúc này! Cũng là một cách ùa nhập vào hư vô chứ sao! Ùa nhập
vào hư vô, không phải để chạy trốn mà để hóa giải mọi nóng bỏng, mọi bất quân
bình của thế thái nhân tình!
Chương qua đêm êm ả trong một phòng khách sạn do hãng máy bay
đã giữ chỗ trước cho. Chẳng có gì để thưởng ngoạn ngoài màu tuyết mênh mông trắng
xóa nơi này.
Hôm sau, Chương tới phi trường một giờ sớm hơn giờ phi cơ tới.
Chàng thở ra màu mây xà cừ. Bỗng trước mắt chàng, qua màu mây xà cừ xuất hiện một
thiếu phụ thì phải. Nàng có mang – dáng nàng hơi đẫy mà không thô, đặc biệt
khuôn mặt nàng có nét đẹp của nữ thần Hy Lạp.
Phải rồi, với dáng người đó – khi nàng chưa có mang – với khuôn
mặt đó mà nàng mặc cái toga trắng rộng và đứng ở thềm điện Pantheon thì nàng thực
là hiện thân của nữ thần Athena. Bất giác như bị thu hút bởi cái nhìn hiền hậu
của “nữ thần”, Chương cúi chào nàng không hề bỡ ngỡ, đúng như chào một người
quen biết đương nhiên. Nàng cũng nở nụ cười và cúi chào Chương, và còn “đương
nhiên” hơn khi nàng cất giọng hỏi – nàng hỏi bằng tiếng Việt:
- Ông hẳn là người Việt Nam?
- Sao bà biết? Nàng lắc đầu:
- Là tôi đoán vậy!
Vừa lúc đó một người đàn ông nhô ra khỏi cửa phòng đợi, tiến
vào hành lang, dáng đi hơi một chút khập khiễng thì phải. Mái tóc chàng gợn
sóng bồng bềnh, vừng trán cao, khuôn mặt dài, đôi mắt mờ ánh suy tư và đượm buồn.
Khoảng bên hàm trái của chàng có chiếc nốt ruồi và một sợi râu dài mà chàng để
nguyên không nhổ. Nàng giới thiệu chàng với Chương:
- Nhà tôi!
Hai người đàn ông bắt tay nhau, Chương tự giới thiệu tên mình
trước, người chồng Việt giới thiệu người vợ Mỹ:
- Nhà tôi, tên Mỹ là Horthy, tên Việt là Hoa. Tôi là cựu
trung úy Biệt động quân Trần Nguyên Lĩnh.
- Ủa, tôi cũng là cựu trung úy Biệt động quân. Chúng ta là bạn
cũ cùng một binh chủng!
Vào lúc đó tiếng ở máy phóng thanh mời mọi người lên phi cơ.
May sao chuyến phi cơ này vắng khách, hàng ghế hai vợ chồng Lĩnh-Hoa còn một ghế
trống ngoài cùng. Chương tới để tiếp tục câu chuyện khi phi cờ đã cất cánh qua
Bắc cực, trực chỉ Tokyo – Hoa ngồi trong cùng sát bên cửa kính nhìn ra ngoài.
Cái nhìn của Lĩnh bao giờ cũng đượm suy tư và u buồn, nhưng mỗi khi chàng cất
tiếng nói, vẻ mặt bừng sáng, khoáng đạt, trầm tĩnh. Sợi râu duy nhất mọc dài từ
chấm nốt ruồi đen không còn vẻ dị đoan hay cẩu thả, mà thành một nét cá tính của
chiều sâu suy tư.
- Chị nói tiếng Việt giỏi quá! – Chương nói với Hoa.
- Cám ơn anh – Hoa đáp – nhưng đọc sách Việt thì còn dở lắm,
cứ phải mở quyển tự vị hoài.
- Chị ở Việt Nam bao lâu?
- Tôi sang Việt Nam hai lần, mỗi lần hai năm.
- Nhà tôi – Lĩnh nói – thuộc giáo phái Mennonite, tôn chỉ bất
bạo động tương tự như giáo phái Quaker. Hai lần sang Việt Nam, nhà tôi đều hoạt
động trong Cơ quan Xã hội Tình Thương và Hòa Bình Cơ Đốc – A Service of
Christian Love and Peace.
- Anh gặp chị ở Mỹ?
- Không, tôi gặp nhà tôi ở Bình Định, quận Hoài Ân. Cả hai lần!
- Ý anh định nói cả hai lần khi chị sang Việt Nam phục vụ
trong Cơ quan Xã hội?
- Vâng! Mặt trận Bình Định luôn luôn nặng. Binh chủng Biệt động
quân của chúng ta mấy năm gần đây tới lui nơi này hầu như thường xuyên. Cơ quan
cứu trợ xã hội của nhà tôi cũng vậy.
Nữ chiêu đãi viên đẩy xe rượu tới. Cả ba cùng chọn uống
Cognac Champagne. Chương tiếp tục câu chuyện sau ngụm rượu nồng ấm. Chàng hỏi:
- Anh thụ huấn sáu tuần sình lầy ở Dục Mỹ, Nha Trang xong là
ra chiến tuyến ngay?
- Vâng, dọc theo con đường huyết mạch thuộc Bình Định, đó là
quãng Quốc lộ số 1 tính từ Nam ra Bắc qua các địa danh thoạt là Phù Cát, Phù Mỹ,
rồi quận Hoài Ân bên trái trên vùng núi, kế tiếp trước mặt là quận Hoài Nhơn có
xã Bồng Sơn, tiếp tục đi thẳng nữa là quận Tam Quan, đèo Bình Đê, phía tay mặt
là biển và núi – núi Gà, tôi còn nhớ. Cả bản đồ Bình Định như in hằn trên tim
tôi, từng vị trí máu lửa đó.
Cả ba cùng nâng ly uống. Giọng Lĩnh trầm xuống hẳn, ôn lại một
hình dung héo hắt:
- Những rặng dừa Tam Quan bị chặt cụt ngọn hết, chỉ còn những
thân dừa cao ngẳng trơ trẽn, vụng dại, hệt đám tù binh gầy gò vừa bị chặt cụt đầu
trong một cuộc hành hình tập thể!
- Anh ở Bình Định suốt thời gian phục vụ trong quân đội?
- Quãng giữa tôi có sang Mã Lai sáu tháng học về chiến tranh
chống du kích do các sĩ quan người Anh phụ trách.
Ngụm rượu thứ ba làm Chương bừng vui, chàng hỏi:
- Anh gặp chị Hoa ngoài Bình Định?
- Vâng! Vào ngay dịp đầu! Thuở đó Hoa cùng hoạt động với ông
anh ruột, đoàn ngũ hóa các em bụi đời nạn nhân chiến tranh. Chuyến thứ hai trở
lại Việt Nam, Hoa mới chuyển sang công tác săn sóc thương bệnh binh. Thực ra
tôi thân với ông anh trước – Lĩnh quay lại nhìn Hoa cười. Lần đầu, Henry, tên
Việt là anh Hạnh, ăn cơm với tôi tại một tiệm ăn nhỏ ở ngay
quận lỵ Phù Mỹ, tôi thấy anh đã biết húp canh, mút xương cá, kể cả xương đầu. Đến
khi gặp Hoa, cũng vậy.
Lĩnh nghiêng đầu về phía Chương nói đủ cho chàng nghe giữa tiếng
động cơ phản lực êm ả đều đều:
- Thoạt tôi tưởng họ chỉ sống giả vờ giản dị để dễ gần dân
chúng Việt Nam, như ông Tây thực dân hồi nào vẫn ăn nước mắm mà vẫn chửi mình
là nhà quê. Nhưng không, họ sống thực như vậy, họ không hề cho mình là con dân
cường quốc tới sống với tiểu nhược. Về sau này càng sống nhiều với họ - ở Bình
Định tôi gặp họ hàng ngày, trừ những dịp phải đi hành quân - tôi càng khoái họ,
tôi càng hiểu không phải họ chỉ thích giản dị, xuềnh xoàng – vì giản dị, xuềnh
xoàng thì nước nào cũng có theo cái cách riêng của họ - nhưng họ thích giản dị,
xuềnh xoàng lối Việt Nam, vì họ biết người Việt Nam không lầm cái đơn giản với
cái thô kệch. Vào một dịp ăn lễ Thanksgiving, hạ tuần tháng Mười Một, hai anh
em giữ thói quen riêng gia đình họ bên Mỹ, nhịn đói trước hai mươi bốn tiếng đồng
hồ. Lần đó họ mời tôi ăn, tôi cũng xung phong nhịn mười hai tiếng. Họ nói phải
nhịn như vậy khi ngồi xuống ăn bữa cơm Thanksgiving mới cảm thấy ý nghĩa hai chữ Thanks và Giving.
Tôi nghĩ linh hồn của nước Hoa Kỳ sống động là sống động trong những người như
vậy. Họ có bảy anh em, nhà tôi là người thứ hai, cha là vị mục sư Tin Lành. Cả
bảy anh em đều sống dấn thân như thế, kẻ ở Nam Mỹ, kẻ ở Phi Châu, kẻ ở Việt
Nam.
- Bây giờ anh chị trở lại Việt Nam?
- Không, chúng tôi chỉ tới Tokyo, để rồi từ đó sẽ đi Helambu
(Nepal), công tác xã hội giữa những bộ lạc Sherpa, giống Mông
Cổ. Giữa vùng Hy Mã Lạp Sơn núi xanh đỉnh tuyết trùng trùng điệp điệp đó, tôi
được sống gần dòng suối màu ngọc bích, hay đi dưới hàng cây cao vút hoa trắng
như hoa nhài, hay dừng lại bên một bụi rhododendron hoa đỏ như hoa hải
đường, hay nói như đồng bào Thượng, tự nhiên tôi cảm thấy được xoa dịu phần nào
vết thương chiến tranh Việt Nam. Có lẽ sang năm tôi sẽ đi Châu Phi, hoặc Nam Mỹ,
hoặc Đại Dương Châu.
- Anh đã là một đoàn viên của giáo phái Mennonite?
- Gần như vậy!
- ?
- Tôi nói “gần như vậy”, vì quả thật tôi đang công tác cho Cơ
quan Xã hội Tình Thương và Hòa Bình Cơ Đốc, nhưng bình sinh tôi không hề thuộc
về một nhóm phải nào cả. Tôi như một tên tuyệt đối thích ở trường, dù chỉ đóng
khố cũng bận bịu không chịu nổi.
Cả ba cười rộ thực tình. Ba ly Cognac Champagne đã vợi nửa
hoàn toàn hâm nóng tâm tình họ. Lĩnh nói tiếp:
- Trước đó tôi vẫn nói đùa với anh Hạnh là khi nào giải ngũ sẽ
nhập đạo Mennonite. Tôi nói vậy vì biết tình thế nước mình lúc đó làm gì có
chuyện giải ngũ, trừ khi mình ngã đạn. Thực là kỳ, tôi chỉ đinh ninh mình có hai
trường hợp, một là tại ngũ tiếp tục nhập cuộc chiến đấu, hai là chết. Không ngờ
rơi vào vị trí thứ ba, tôi bị thương ở mắt cá chân tại mặt trận Tam Quan, vùng
núi. Gặp ngay chuyến trực thăng đưa về quận Phù Mỹ. Nơi đây Hoa vào thăm tôi và
tự ý xin gặp cấp chỉ huy cho chở gấp tôi về Quân Y Viện Quy Nhơn. Để chậm sẽ bị
hoại thư cưa đến đùi. Phương tiện giao thông không còn gì ngoài hai chiếc GMC,
một chở quan tài có phủ quốc kỳ - một Đại úy Quân Y vừa tử trận – chiếc kia chở
hai xác binh nhì còn bó poncho. Chiếc trực thăng vừa tới thì đã phải trở lại
mặt trận Tam Quan cùng Bộ Tham mưu Hành quân. Hoa đã “tháp tùng” tôi trên chiếc
GMC thứ hai. Tôi, kẻ bị thương còn sống, được đặt nằm trên băng, hai chiến hữu
xấu số nằm dưới sàn xe, Hoa ngồi ngay sát bên tôi. Trên đường về Quy Nhơn, đôi
ba lần tôi có kín đáo nghiêng đầu nhìn xuống sàn xe. Hai xác chiến hữu cùng được
cuộn trong poncho, khoảng đỉnh đầu buộc túm của mỗi xác có gài chiếc mũ
cát-két vải cùng màu với poncho, sau đó là bốn khoảng thắt bằng dây dù trắng:
cổ, eo, đầu gối và gót chân.
Người tử sĩ lùn thấp thì được poncho gói kín cả
chân, người kia cao hơn nên hai chân thò ra ngoài, màu xám ngoét – hay trắng bệch
thì cũng thế. Không hiểu rõ người chiến hữu lúc chết tư thế ra sao, chỉ biết
nhìn theo vết hằn bó dưới poncho lúc đó thì tay trái áp lấy tai.
Lĩnh ngửa cổ cạn ly Cognac Champagne rồi tiếp:
- Hoa đã đưa tôi về kịp lúc. Tôi chỉ bị cưa khoảng trên mắt
cá một chút và được giải ngũ. Tôi dùng nạng ở Việt Nam, nhưng khi sang Hoa Kỳ
chỉnh hình, tôi không cần dùng nạng nữa, đi chỉ hơi khập khiễng. Chúng tôi làm
lễ thành hôn trên đảo Puerto Rico, nơi có cô em thứ ba của Hoa đương làm công
tác xã hội. Chúng tôi hưởng tuần trăng mật ngay trên đảo đó, đảo có tre mọc hai
bên đường lộ, có những vườn cam, vườn quýt, vườn chuối, sao mà giống Việt Nam!
Chỉ khác có một điều, các cô gái nơi đây khi ra đường đều có bà chaperon đi
kèm để giữ gìn, theo tập tục Tây Ban Nha cổ.
Lĩnh quay lại hỏi vợ:
- Hoa còn nhớ trên hòn đảo thần tiên đó, chúng ta chỉ lái xe
một ngày là hết các danh lam thắng cảnh?
Hoa gật đầu cười tươi:
- Và tới bãi biển nào cũng ùa xuống tắm một lúc.
Phi cơ bay ngang Bắc Cực hơi nghiêng cánh. Thời gian như
ngưng lại trong màu tuyết trong sáng, lạnh thăm thẳm và biến thành tấm gương
trong cũng lạnh thăm thẳm để Chương soi vào nhìn thấy rõ vết thương của người
khác mà không thấy đau đớn gì trong giây lát. Lúc đó Chương mới cạn ly Cognac
Champagne. Mùi rượu thơm lừng bốc lên, tỏa ra như một tấm voan hồng phủ lên mối
sầu của chàng.
- Anh thật là đại diện cho hạnh phúc Việt Nam – Chương chợt
nghe thấy mình nói với Lĩnh – anh trả nợ nước, xứng đáng với công ơn tiền nhân,
vừa một bàn chân tiện trên mắt cá nhưng vẫn đi được; anh có người bạn đường mặt
đẹp như Phật Bà Quan Âm, hòa hợp trong mối tình nhân bản quốc tế; về Việt Nam
lúc nào cũng được, không tự tôn, xa Việt Nam lúc nào cũng được, không tự ti!
Các nữ chiêu đãi viên đã bắt đầu dọn ăn cho những hàng ghế
trên. Chương đưa mắt nhìn khuôn mặt Lĩnh trở lại chìm trong suy tư. Chợt Lĩnh
quay sang hỏi Chương:
- Anh có biết kinh Phật diễn tả cái vô cùng của không gian và
cái vô tận của thời gian ra sao không?
Chương đỡ khay thức ăn từ tay cô chiêu đãi viên chuyển qua
Lĩnh vào cho Hoa. Khi ba người đã ngồi nghiêm chỉnh trước ba khay, Chương gật đầu
đáp lời cô chiêu đãi viên thứ hai vừa đẩy xe rượu tới:
- Vâng, cô cho chúng tôi uống vang hồng. Ba chúng ta uống
vang hồng chứ?
Và Chương hỏi Lĩnh:
- Kinh Phật diễn tả cái vô cùng của không gian và cái vô tận
của thời gian ra sao?
Lĩnh nhìn ba ly vang sóng sánh hạnh phúc, bất giác bật cười:
- Có cái gì khác giữa ly vang này với cái vô cùng vô tận của
Thời-Không?
Lĩnh hơi cúi xuống kiểm điểm lại những hình ảnh nội tâm sắp
được phát biểu, rồi khẽ ngửng lên, không nhìn vào ai, nhưng nói với tất cả:
- Kinh Phật nói – là tôi cũng chỉ nhớ mang máng – hay nghĩ có
một phiến đá vuông mỗi bề ba dặm, một người cầm một tấm áo cứ một trăm năm lại
phẩy lên phiến đá một cái cho đến khi phiến đá mòn hết. Hay vo tròn dải Ngân
Hà, tán thành bụi hòa vào với nước, rồi tiến về phương Đông với cây bút lông, gặp
thế giới nào thì chấm một cái cho đến khi hết mực Ngân Hà.
Cả ba cùng nhấc ly vang hồng làm điệu mời nhau, nâng lên môi
nhắp ngụm thứ nhất trước khi ăn.
Và họ đồng tình im lặng cho đến khi dùng xong bữa.
2
Họ đã dùng xong bữa!
Phi cơ lại nghiêng cánh. Vẫn một màu tuyết trắng xóa và lạnh
thăm thẳm. Chưa ra khỏi Bắc Cực! Chương có cảm tưởng cái lạnh bên ngoài đã làm
cho tắt ngấm hết thảy, không còn gì, kể cả tiếng động mong manh nhất, trừ tiếng
động cơ êm êm rù rì, dĩ nhiên. Khoảng rộng bên trong phi cơ trở thành mênh mông
như có mang theo sông núi. Tuy nhiên sự vắng lặng nơi mọi hàng ghế không ghê rợn,
chỉ buồn buồn, nỗi buồn bềnh bồng, nhẹ đấy mà núi Thái Sơn cũng bất lực không
nhấn chìm nổi.
Chương nhíu lông mày nghĩ thầm: cảm giác đầu tiên khi con người
vừa từ kiếp thú chuyển sang kiếp người hẳn là nỗi buồn bềnh bồng bỡ ngỡ đó.
Không rõ Lĩnh quay sang nói những gì với người vợ Mỹ, Chương
chỉ thấp thoáng nghe tiếng Horthy–Hoa đáp thành những câu ngắn đầy dẫy những tiếng
“Ồ”, “Phải rồi” đượm vẻ ngộ nghĩnh đặc biệt của người ngoại quốc nói – dù đã
sõi lắm – tiếng Việt. Giọng nàng rõ ràng có khả năng làm tiêu tan mọi mâu thuẫn
như dòng sông hóa giải những dòng suối, và biển cả hóa giải những dòng sông.
Chương không lầm về nỗi buồn bồng bềnh khôn nguôi, vì chính khuôn mặt Lĩnh lúc
đó cũng buồn, thật buồn, tựa như thực thể của cuộc đời là buồn, và Lĩnh nói với
Chương bằng giọng êm hơn đông cơ phản lực vang vọng từ cái lạnh Bắc Cực ùa vào:
- Thực là lạ lùng, từ ngày trưởng thành hầu như mọi bất hạnh
và hạnh phúc của đời tôi đều rình để được thể hiện vào hôm ba mươi Tết – thời
gian thiêng liêng nhất của người Việt, thiêng liêng còn hơn sự sống và sự chết
nữa. Thời còn là sinh viên tôi chống chính thể độc tài, gia đình trị, kỳ thị
tôn giáo ngu xuẩn của Đệ Nhất Cộng hòa, bị nhốt vào xà lim đúng tối hôm ba mươi
Tết. Vừa đủ một năm sau, chiều ba mươi Tết, tôi ở tù ra, về tới nhà bước vào bếp,
mẹ tôi đang nấu bánh tét. Thấy con về, mẹ tôi khóc bù lu bù loa, vui buồn lẫn lộn
đến tức cười. Anh biết không, tôi bị cắt cụt chân cũng đúng vào chiều ba mươi Tết
đấy anh ạ, và khi tỉnh thuốc mê, lúc đó vào khoảng mười giờ tối ba mươi Tết thì
phải, khi mở mắt thấy Hoa ngồi ngay bên đầu giường bệnh. Cho đến bây giờ nhiều
khi cố nhớ lại, tôi cũng không rõ tôi và Hoa đã nói với nhau những gì để rồi
hai đứa đi tới hứa hôn, chỉ tiếc thầy mẹ tôi đã mất.
Lĩnh và Chương cùng cười. Đôi mắt Hoa long lanh mở lớn trên
khuôn mặt Phật Bà Quan Âm của nàng, miệng nàng khuất bên má Lĩnh nhưng Chương
biết nàng cũng đang mỉm cười. Chương nói:
- Dầu sao cũng còn là đêm ba mươi Tết! Lĩnh gật đầu:
- Đúng thế! Mùa hạ năm ngoái chúng tôi đã bắt đầu làm công
tác xã hội ở Helambu rồi. Tôi và Hoa tới dự lễ Losar đón mừng năm mới. Tôi mến
những người dân bộ lạc Sherpa biết là dường nào! Họ yêu thiên nhiên như người
dân Việt, họ là những thiên tài về vũ, y như người dân Việt có thiên phú về thi
ca. Chúng tôi tham dự cuộc nhảy múa với họ suốt đêm tại một tiền đình tu viện.
Đêm đó là đêm gì anh biết không?
Chương đáp ngay:
- Đêm ba mươi!
- Đúng! Bên ngoài tuyết rơi tới tấp như để cho đúng nhịp với
lời ca bước nhảy bên trong. Bước ra ngoài, tuyết ngập lút tới bụng chân. Bình
minh ló dạng, chúng tôi hoàn toàn bị tuyết băng nhốt kín. Suốt một đêm ca hát
nhảy múa, chúng tôi càng thêm sung sức, đào phăng phăng từ trong tu viện đào
ra. Khi mọi người đã chui ra, nhìn lại, như thể chúng tôi vừa tái sinh, chui ra
khỏi cái linh cữu tuyết băng tập thể. Tuyết đã ngừng rơi, tia nắng đầu năm vừa
bừng sáng. Ngẩng nhìn đỉnh núi Yurin bên Tây cao mười ngàn bộ, đỉnh núi Yangri
bên Đông cao mười một ngàn bộ, kẽ nứt ở giữa phảng phất một làn sương mù bao phủ.
Nhìn xuống bên dưới: thung lũng con sông Melamchi mở ra êm ả thần tiên! Đứng ở
khoảng cao bảy ngàn bộ đó, vào vị trí thời gian đó, cái đẹp hùng vĩ của tạo vật
chụp lấy tôi như một giấc mơ thần tiên chụp lấy một con người vừa hóa thành bướm,
và thực tình tôi có cảm tưởng mình đứng ngoài cái sống chết.
Giọng Lĩnh tự nhiên miết mải và càng thăng trầm xuống say mê
một cách kỳ lạ khiến Chương có cảm tưởng như giọng đó từ xa, xa lắm, từ phía
ngoài Bắc Cực thấp thoáng màu tuyết trắng xóa vẳng vào. Chương quên khuấy nỗi
buồn bềnh bồng bất diệt trong khi nghe Lĩnh kể một hơi dài rồi ngừng lại trong
cái tiếc nuối bàng bạc của cả hai:
- Vâng, đúng lúc nhìn cái linh cữu tuyết băng tập thể mà
chúng tôi vừa chui ra, đúng lúc mình có cảm tưởng hóa thành cánh bướm thần thoại,
bay vào một giấc mơ thần tiên đứng ngoài cái sống chết, thì tôi tê điếng cả người,
sực nhớ đã bỏ quên cả lũ cải tần ô chết vùi dập dưới làn băng tuyết. Nguyên khi
rời Việt Nam cùng Hoa tới vùng Hy Mã Lạp Sơn công tác xã hội, tôi có mang theo
ít hạt cải tần ô, thứ cải mà thuở sinh thời mẹ tôi vẫn hay nấu canh cho ăn. Tới
Helambu, hai vợ chồng đem gieo ngoài vườn, ngay phía bên hông nhà. Cải mọc mới
bằng ngón tay, tôi nếm thử… gần muốn ngồi bệt xuống đất vì quá cảm xúc – nhớ lại
những bát canh nóng mẹ nấu với tôm tươi, ngồi ăn dưới giàn bí đao quê nhà khi
trời vừa chạng vạng, thuở còn đi học. Hè qua thu lại, thế nào tôi quên khuấy việc
bóc lấy hạt cải từ những bông đã khô đi năm ấy – cho tới lúc bình minh ló dạng,
vừa lúc dự lễ Losar đón mừng năm mới, mới sực nhớ ra. Tiếc ngẩn tiếc ngơ, nghĩ
mình chắc còn lâu lắm mới về Việt Nam để lấy được hạt giống. Nào ngờ qua mùa
đông đó sang xuân, khi những bông huệ rừng crocuses trồi lên,
hoa mimosa cũng sắp trổ, nhìn lại vườn rau đã thấy những búp cải xanh
rờn. Bán tín bán nghi, tôi ngắt một lá nếm lại lần nữa, đúng là cải “cố nhân”,
cải năm ngoái. Sướng quá anh ơi! Muốn chảy nước mắt! Nghiệm ra cũng lạ, vì thứ
cải này tuy là cùng tộc với loại cúc dại và loại cúc nhà…
- Daisies and chrysanthemums!
Hoa giải thích bằng tiếng Anh, chứng tỏ nàng vẫn chăm chú
theo dõi lời Lĩnh kể… Cả khuôn mặt lẫn nụ cười vời vợi của nàng nghiêng nghiêng
hướng về Chương, khuôn mặt của nữ thần Athena Hy Lạp, của Phật Bà Quan Âm Việt
Nam.
- Phải, – Lĩnh tiếp – những thứ cải tần ô đó mang sang Việt
Nam là miền nhiệt đới, đáng lý phải chết đi rồi trong mùa đông qua. Mấy hạt cải
đó thì sống chi nổi dưới tầng đất đông cứng của miền Helambu lưng chừng Hy Mã Lạp
Sơn! Thế mà chúng vẫn đâm mầm khi tuyết đã qua. Hè năm đó nhờ cả một vốc hạt cải
đã được vãi xuống đất nên “vườn cải quê hương Việt Nam” của chúng tôi xum xuê
không thể tả được, hoa vàng rực! Tôi có cảm tưởng như mẹ tôi sống lại, hay đúng
hơn mẹ tôi đã trở thành vĩnh cửu. Tôi đã không uổng công bao nhiêu năm vào sinh
ra tử! Tôi nghĩ giá như mình có mất nốt bên chân kia, nghĩa là mất cả hai bàn
chân cũng chẳng uổng. Tôi sung sướng muốn chảy nước mắt là vì thế! Thu tới – tức
là thu năm ngoái – tôi cẩn thận để dành cả thẩu hạt cải vào một dịp cùng Hoa tới
công tác tại mấy làng vùng thung lũng hai bên bờ sông Melamchi, tôi đã đem ba
phần tư thẩu hạt cải tần ô rải khắp lượt, cả tả ngạn lẫn hữu ngạn con sông
hoang sơ và trong suốt Melamchi, sau khi đã rắc cùng khắp mảnh vườn nhà, rắc ra
cả ngõ. Kể từ đó tôi tin rằng cải tần ô Việt Nam sẽ như diều gặp gió mọc bất kể
ở đâu. Cứ tính rồi đây mỗi mùa thu, cải chết đi, số hạt tăng theo cấp số nhân,
chim chóc tha đi, gió thổi đem đi, rồi năm này qua năm khác, ắt là cả vùng Hy
Mã Lạp Sơn tràn ngập màu hoa cải vàng của mẹ tôi. Màu vàng rực anh ơi! Đất nước
mình dung dị như vậy làm sao tiêu diệt nổi?! Ha ha, tôi truyền bá đạo Cải Tần Ô
cũng là một hình thức của đạo Việt Nam hồn nhiên dung dị! Biết đâu, tới ngày nào
đó, có một nhà thực vật học Tây phương đi dạo bờ sông Melamchi hay bất kỳ một dải
đất hoang vắng nào miền lưng chừng Hy Mã Lạp Sơn đó, tình cờ ngó xuống bắt gặp
một hoa vàng, lấy làm lạ và ngắt đem về, loay hoay tìm hiểu sau lớp kính phóng
đại – loupe – tìm mãi mà không biết hoa đó là hoa khỉ khô gì của miền
núi này. Daisy không phải, mà chrysenthemum cũng không,
không phải Âu, chẳng phải Nhật. Chung quy chỉ vì bát canh rau nóng nấu với tôm
tươi ngày nào thuở tên thương phế binh Việt Nam còn là cậu học sinh trung học,
được mẹ cho ăn, ngồi dưới giàn bí đao, khi trời chiều vừa chạng vạng.
Chương đã không dằn được lòng, thốt lên hào hứng:
- Tôi khoái màu vàng rực của loại hoa cải này. Ở Huế anh gọi
là cải tần ô, ngoài Bắc chúng tôi gọi là cải cúc.
Màu vàng của cải tần ô không chỉ sáng rực trong lòng Chương
lúc đó mà mãi mãi về sau. Đồng thời Chương cũng hiểu vì sao khi nãy lúc ba người
cùng nâng ly vang hồng, họ đã đặc biệt cùng bị ám ảnh bởi cái vô cùng vô tận của
Thời- Không. Kể từ đây cái vô cùng vô tận ấy được nhuộm vàng màu cải tần ô. Tất
cả trở thành vĩnh cửu – như niềm đau Việt Nam! Chương càng mở lớn đôi mắt nhìn
Lĩnh, sững sờ. Chàng đâu ngờ, thật đâu ngờ, hai người cựu quân nhân của binh chủng
Biệt động quân lại đã gặp nhau ở chỗ ùa nhập, mỗi người một cách, vào hư vô –
ùa nhập vào hư vô không phải để chạy trốn thực tại, mà là để hóa giải mọi nóng
bỏng, bất quân bình của thế sự nhân tình. Bây giờ thì Chương hiểu vì sao khi gặp
Lĩnh, tự nhiên chàng có khuynh hướng nép mình và tự xóa nhòa một cách tin cẩn. Ở
chàng chỉ có bề rộng mà ở Lĩnh là chiều sâu chàng khao khát, chiều sâu mang đủ
những vấn đề tương ứng với những gì chàng đặt lang bang trên bề mặt: thời gian,
không gian, hư vô, tình yêu thiên nhiên – và khuôn mặt Phật nữa chứ! Chương hiểu
rồi, tại sao nụ cười trên mọi khuôn mặt Phật đều phảng phất nửa vui nửa buồn. Rồi
đây khi tới Tokyo, chia thành hai ngả, biết rằng Chương có bao giờ gặp lại cặp
vợ chồng Việt Mỹ này – chàng sinh trưởng từ một đất nước đau khổ đến tuyệt đỉnh
của khổ đau, nàng sinh trưởng ở một đất nước mà óc tổ chức đạt tới chỗ tuyệt hảo
của máy móc, nhưng do đó nhiều khi bộ não chính sách cũng máy móc đến chỗ điên
khùng! Họ chắp cánh bay xa quê hương – mà không phải là rời bỏ - để thành một cặp
hoàn hảo ngoài ý muốn và ngay cả ý thức họ!
Chương có ghi địa chỉ của họ tại Helambu và cũng đã cho họ địa
chỉ của chàng – tại một hẻm Sài Gòn. Biết rằng rồi đây Chương có còn gặp lại họ?
Tuy nhiên trong cái vô cùng vô tận của thời gian, không gian, họ và Chương há
chẳng vẫn thường xuyên gặp nhau đó sao!
3
Thấm thoắt đã lại thêm một năm nữa qua đi. Khoảng thời gian
ngót hai năm đó, với bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng chưa thể có gì thay đổi
đáng kể dù vui hay buồn, tốt hay xấu. Nhưng ở Việt Nam thì sự điêu tàn khủng
khiếp nhìn thấy rõ từng ngày!
Đêm Giao thừa năm nay, Chương đứng tì tay bên cửa sổ nhà mình
chứng kiến một khung cửa sổ khép kín câm nín và tối om đối diện ngang bên hông
nhà.
Xóm Chương ở là một xóm lao động, rất đông trẻ con lúc nhúc,
lũ trẻ đen đủi con nhà lao động thuần túy: có; thấp thoáng dăm đứa da trắng,
tóc hơi vàng, mắt hơi xanh là lũ trẻ lai Mỹ: có. Sâu trong xóm và phía sau xóm
là khu những cô gái điếm. Đối diện với khung cửa sổ bên hông căn gác gỗ nhà
Chương, cách một mái nhà thấp, là khung cửa sổ của một căn gác gỗ khác hẹp hơn,
xơ xác hơn, vũng tối đọng bên trong nông choèn như vũng bùn trâu đầm. Đó là
gian gác của một cô gái điếm! Mới trưa nay Chương còn thấy lủng lẳng phơi phía
ngoài cửa sổ chừng một chục cặp lạp xưởng. Giờ đây đêm ba mươi, vào lúc Giao thừa,
tiếng chiêng trống bắt đầu vang rền của đền, chùa quanh đấy, hỏa châu xanh, đỏ,
vàng chiếu sáng cả vùng trời Sài Gòn; những mâm hoa quả cúng lộ thiên, và nến,
và hương lấp lánh như sao sa. Riêng hai cánh cửa sổ bên căn gác gỗ cô gái điếm
vẫn đóng chặt câm nín, ôm lấy bóng tối cũng câm nín và mất hút. Nếu ban ngày
không đã từng nhìn thấy, chắc Chương không thể ngờ khoảng đó có hai cánh cửa sổ
- trong khi những khung cửa sổ khác trên những từng gác cao thảy đều như những
nụ cười chan hòa ánh sáng. Chương nhớ có lần chứng kiến cảnh hai cô gái điếm dời
chỗ ở. Chiếc taxi hai cô gọi vào sâu trong xóm – cũng xóm này – đậu ngay trước
cửa. Hai cô vừa rúc rích cười vừa hấp tấp khuân “đồ nghề” ra. “Đồ nghề” đây là
chăn, là gối, là mấy cái gối ôm. Chương không bao giờ quên cảnh các cô cười ngặt
nghẽo khi ném vội những bạn đồng hành vô tri mà vô cùng gợi cảm đó vào trong
taxi. Trong khi các cô cố ấn chúng thật nhanh, thật gọn vào phía ghế sau taxi,
thì hai chiếc gối ôm tai ác đã đã như thể hềnh hệch cười ưỡn mình tuột khỏi
cánh tay một cô mà lăn kềnh xuống mặt đường, báo hại các cô phải cúi xuống lượm
vội lên, nhét vội vào taxi, lườn bụng và hai vai rung lên. Các cô vẫn cười!
Đôi mắt Chương trân trân nhìn vào khoảng có hai cánh cửa sổ
khép chặt câm nín đêm ba mươi Tết. Cô gái điếm hẳn đã về quê! Đêm ba mươi Tết,
những đứa em lang bạt, những đứa con hoang tàng đều cố lần về quê tìm hơi ấm của
mẹ, của gia đình chút ít. “Má, con đã về!” – Chương nghĩ vậy. Cô chào má và giơ
lên một chục cặp lạp xưởng đã phơi khô. “Con mua về ăn Tết nè, má!” Bà mẹ già,
Chương tiếp tục nghĩ, mái tóc trắng, nét mặt nhăn nheo – bà mẹ nào mà chẳng biết
con làm gì, nhưng thế bất khả, không có chọn lựa!
Ba mươi Tết Chương bỗng thành một thời điểm lạ lùng quy tụ
tinh hoa của khổ đau, của hạnh phúc của cả kiếp người. Chương lại nghĩ tới cặp
vợ chồng Việt Mỹ - Lĩnh, Hoa - và liên tưởng đến vùng cải hoa vàng mênh mông của
họ. Sau hai năm, hẳn là vô vàn các hạt giống đã tung bay theo gió! Chẳng hiểu,
sau khi rời đám thổ dân Sherpa vùng Helambu, dấu chân họ - những dấu chân
cát xóa – đã lưu lạc sang những miền nào của châu Phi, hay Nam Mỹ, hay một
hòn đảo nhỏ nào của Đại Dương Châu mịt mù khói sóng?
Ôi những dấu chân cát xóa trên những ngả đường đời!
Chương chợp ngủ!
Chàng mơ thấy hai cô gái điếm tay ôm chăn gối, tóc xõa, chạy
ùa vào vùng hoa vàng rực của một dải tần ô ngút ngàn như dải Ngân Hà, phủ gần
kín cả đôi bờ một dòng sông rộng tại một thung lũng – ngang sườn núi thì phải!
VÕ ĐÌNH (1933 - 2009)
Doãn Quốc Sỹ
và tiếng hát từ lòng đất
“Chúng ta có thể biết được cái hay cái đẹp của một cuốn sách ở
mãnh lực của những cú đấm mà nó phóng vào ta, và ở thời gian ta tình nguyện chịu
trận như vậy.”
Gustave Flaubert
Tôi nghe nói (hay tôi đã đọc?) rằng gợi nên nỗi nhớ không gì
bén nhạy bằng khứu giác. Một thoáng hương hoa, hương trầm, một mùi cỏ ướt, một
mùi phân trâu, mùi áo cũ… “Xếp tàn y lại để dành hơi…” Lại có khi tôi
nghe nói rằng chính vị giác và thính giác mới thật mãnh liệt: chất ngọt thơm của
chiếc bánh madeleine ở đầu lưỡi… Tiếng ếch kêu xa mà nghe như ai gọi đò…
Đã 30 năm qua, tôi ăn ở với nàng hội hoạ, cho nên thế giới
hình ảnh trong tôi trở nên quá no nê, quá thừa mứa. Tôi sống vương giả trong
đó, quá sung túc nên không còn nhớ nhung một hình ảnh cho bằng một mùi thơm, nuối
tiếc một màu sắc cho bằng giai điệu. Vì thế, chỉ nói riêng về âm thanh, âm
thanh thôi chứ chưa phải âm nhạc, khi có dịp được người khác hiến tặng, tôi hưởng
thụ một cách ê hề.
Như Võ Phiến đã cho tôi nghe tiếng con ó đêm “kêu chão
choẹt đâu đó suốt đêm trường” (Cỏ Bồng Phất Phơ). Mai Kim Ngọc đã cho tôi
tiếng phong linh “nghe trong mà ròn rã như tiếng cười” (Một Chút
Riêng Tư). Hay Kiệt Tấn, “tiếng động rần rật của bánh sắt trên đường rầy” (Vườn
Chanh Miệt Biển). Tiếng kêu của một con chim, tiếng gió leng keng trong những vỏ
ốc, tiếng “sầm sập, sầm sập” của bánh xe lửa, của những chuyến đi trong đời,
rồi thì tiếng dế kêu sau lò sưởi củi (Van Gogh), tiếng “vạc kêu sườn núi
trăng mờ đầu non” (ca dao)… Và tiếng sáo diều. Tiếng sáo diều của người bạn
mới “được” nhà nước xã hội chủ nghĩa chiếu cố đem ra xử cuối tháng Tư
vừa qua, và ân cần trao tặng chín năm tù. Tiếng sáo diều của Doãn Quốc Sỹ…
Khu Rừng Lau, bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ của Doãn Quốc
Sỹ gồm bốn quyển. Quyển thứ hai là Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến gồm
hai phần, do nhà Sáng Tạo xuất bản năm
1964. Với tôi như một độc giả. Chương Bảy của Phần Một, tuy
chỉ có 43 trang nhưng là một trong những đoạn quan trọng nhất trong bộ tiểu
thuyết mấy nghìn trang này.
(…) “Có tiếng lá cây xao xác tự đằng xa, rồi một đợt gió
khác mạnh hơn ào ào tới như một đoàn âm binh trảy gấp vì một nhiệm vụ khẩn cấp.
Kha vẫn đứng nguyên chỗ cũ hoàn toàn bị giọng hát thôi miên, hay đúng hơn để
cho tâm hồn tan vào tiếng hát, xóa nhòa ý niệm về thời gian và không gian. Tuy
nhiên chàng vẫn cảm thấy lạnh, cái lạnh của một tâm hồn cô đơn. Hình như chàng
mỉm cười vì trong cái vô cùng cô đơn ấy chàng thấy rõ chiến tranh tàn phá gây
biết bao cảnh đổi đời, nhưng có một cái gì đó mà không gì tàn phá nổi là tiếng
sáo diều và nhất là tiếng hát kia, TIẾNG HÁT TỪ LÒNG ĐẤT, tiếng hát sầu
dằng dặc nhưng là tiếng hát bất tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng
phì nhiêu và bất tuyệt như nó.” (...)
Đó là lần cuối cùng Kha ngủ lại giữa lòng quê trước khi vô
Nam sau hiệp định Genève.
Cũng vì thèm khát một “tiếng hát từ lòng đất” như vậy mà mùa
hạ năm 1967 tôi hoàn thành mộc bản năm màu cực kỳ công phu, gọi là Giấc Mộng
Con Diều.
Rồi mùa thu năm ấy, một đêm mưa tầm tã, tôi ngủ lại nhà một
ông bạn vong niên gốc Bắc ở ngoại ô thành phố New York. Đã lên giường, với tay
tắt đèn, tình cờ bắt được một cuốn sách dầy đọc chơi vài trang. Tôi đọc trọn cuốn
đến gần sáng. Đọc đến “nhưng có một cái… mà không gì tàn phá nổi…” tôi
khép sách, đặt lên bụng, nằm ngẩn ngơ. Hôm sau, hỏi ra thì được biết cuốn Người
Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến là của Nguyễn Ngọc Bích, hồi ấy còn học ở đại học
Columbia, cho ông bạn mượn. Về nhà, tôi vội viết thư thăm “người không
quen”, gửi về New York nhờ ông Nguyễn chuyển giao. Kèm theo thư, tôi đính kèm một
cái ảnh màu chụp bức mộc bản Giấc Mộng Con Diều mới hoàn thành ba
tháng trước.
Đúng mùng Một tháng giêng năm 1968, Doãn Quốc Sỹ (DQS) lặn lội
đi xe buýt Greyhound từ Nashville, Tennessee miền Nam nắng ấm lên tận cực bắc
Pennsylvania khỉ ho cò gáy thăm tôi. Mùa đông vùng “tam bang” (NY,
NJ, PA) đang ở thời kỳ khốc liệt nhất: bốn bề băng tuyết, có nắng vẫn lạnh ở độ
âm, con sông Delaware nước thường chảy xiết đông cứng lại thành một vực sâu chết
cứng. “Khách” phương xa người cao, gầy, phục sức xuề xòa, mặt vuông,
nước da ngăm đen, hai mắt sáng, quyết liệt nhưng hiền hòa. DQS đã ở lại với tôi
hai ngày đầu tiên của năm 1968. Cũng dễ đến mười năm sau, sau năm 1975, tôi mới
được đọc Nguiễn Ngu Í viết về DQS:
… “Thật tôi không ngờ người sinh viên Văn khoa cao cao,
gầy gầy, có cặp mắt u hoài ấy sau này lại đủ sức kiêm luôn ba nghề nặng nhọc và
bạc bẽo nói trên (dạy học, viết văn, làm nhà xuất bản – VĐ) mà nghề
nào cũng đánh dấu một cái gì. Thế mà từ chiếc lều con lạc lõng tại trung tâm thủ
đô, sang căn buồng chật chội co mình trong khu Đại học xá Minh Mạng, đến gian
nhà khiêm tốn anh tạo được trong cái hẻm đường Thành Thái, mười năm đã trôi
qua, nặng nề, bực bội, anh vẫn giữ được cái niềm tin ấm áp trong đôi mắt hiền
hòa, đôi mắt mà nhìn sâu vào, tôi có cảm tưởng rằng chúng không sợ lửa, mà cũng
chẳng sợ giá băng.”
Nếu tôi đọc Võ Phiến, ngoài những lý do “thuần
túy” văn chương ra, vì ông là người “đào được thật sâu và biết thật kỹ
về ý nghĩa của sự mất mát” (Làng Văn, số 43 tháng 3 năm
1988) thì tôi lại yêu đọc DQS vì một lý do “trái ngược”:
ông Doãn là người có một lòng tin bao la và sâu sắc ở sự tồn tại. Ông Võ nhắn
nhe: Còn đấy, nhưng coi chừng, thật ra chúng ta đã “mất”. Ông Doãn nhắn nhủ:
Mất rồi nhưng xét lại cho kỹ, chúng ta vẫn “còn”. Mất còn, còn mất,
hai nhà văn của chúng ta đã lấy cái lý vô thường và vĩnh cửu của cuộc nhân sinh
để tặng cho chúng ta những bài học về tình yêu. Tình yêu cho quê hương dân tộc,
tình yêu cho tông tộc gia đình, tình yêu bằng hữu, trai gái. Và tình yêu cho
con người, cho cả những con người không “đáng” được yêu.
Trong cuốn Viết và Sống với… (Ngèi Xanh, 1966),
Nguiễn
Ngu Í hỏi DQS: “Tò mò một chút, anh nhé. Có người cho rằng
trong các truyện của anh nhân vật chánh thường dễ thương, tốt, đẹp, phải chăng
vì ngoài đời, anh đã từng chung đụng với những con người dễ ghét, xấu,
hèn?” DQS trả lời: “Không phải thế đâu anh! Ngoài đời tôi có gặp người
tốt, bạn hiền, nên tôi cho mình có quyền lý tưởng hóa một số nhân vật trong
truyện mình.”
Gần đây hơn, trong Văn Học Miền Nam, Tổng quan (Văn Nghệ,
1986), Võ Phiến viết: “Khu Rừng Lau phơi bày cái hiểm ác của chế độ
này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn hiển lộ
trong tác phẩm. Tuy vậy ông Doãn (…) trước sau “kiên trì theo con đường
văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó xấu nó ác. Mà ông thì nhất tâm
phục vụ cái thiện cái mỹ. Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm:
trong các chuyện của ông nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay.
Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông, thơm tho cả
tâm hồn”…
“Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn”. Ông Võ Phiến khéo ví
von. Mà ông cũng ví von thật khéo.
Một trong những truyện của DQS được bạn đọc yêu mến đông đảo
nhất là Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (1960). Kết luận truyện này DQS thổ
lộ: “Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều
gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị
khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp
điều, (…). (…) Cũng kể từ sau ngày xảy ra chuyện đó, thái độ tôi đối với
người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo,
ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình
vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống,
tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam
lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, tôi thương những
kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác giữa kinh thành. Ở thế giới
thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực
dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất
bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và
chân thành.”
Chưa hết! Ông đã từng kêu lên, kêu lên hoài, như một tâm niệm: “Chẳng
ai làm bẩn được mình, cũng như mình chẳng thể làm bẩn được ai dù mình nắm trọn
quyền hành. Chỉ những hiện thân của u tối, của thiện cận mới tưởng rằng nắm được
quyền hành là nắm vững lòng người. Hãy quay trở về với chính mình (…) vun
xới tâm hồn mình là chuốt lọc danh dự cho dân tộc, là gieo hưởng hạnh phúc cho
đồng loại (…)” (Tiền Kiếp, 1960)
DQS nói lên những điều trên một cách khơi khơi, tỉnh bơ, nói
đúng hơn có lẽ nên dùng một thành ngữ của người Anh, “with a straight
face!” Bởi vì ông nói mà không có chút mắc cở. Bởi vì ông nói với tất cả sự
nhiệt thành của một tấm lòng đôn hậu và một trí óc sáng suốt. Sống ở một thời đại
mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm, mà biết bao con người trở thành hời hợt, trân
tráo, DQS nói chuyện ăn ở thanh bạch, về tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu,
về nhân đạo và danh dự, v.v... mà không mảy may e dè, ngượng nghịu. Thiển nghĩ
ông thật đáng yêu ở chỗ đó. Ông đáng yêu không phải chỉ vì cái cao thượng, cái
phong phú của tâm hồn ông mà chính vì, như ông đã mượn lời một nhân vật của ông
trong Cúi Đầu (1970): “Lời ông (…) nói thật có lý, thật thống
thiết, lời nói của người đau khổ nội tâm nhiều, lời nói của kẻ cam chịu biết
bao hủy diệt để đúc kết lấy một chút ít chân lý trong nhận định. Chân lý vẫn
đơn giản nhưng chẳng phải ai cũng dễ nói lên được nó để xúc động kẻ khác”.
Cái lý tưởng của chàng thành niên trong “Chiếc Chiếu Hoa
Cạp Điều” vẫn rực rỡ một cách hết sức hồn nhiên ở người trung niên và, tôi
tin thế, ngay cả bây giờ, ở ông lão ngoài sáu mươi. Trong Con Chuột
Chù (1966), sau khi nửa đêm loay hoay mãi mới đập chết được con vật xấu xí
hôi hám, Kha đứng thần người nhớ lại hồi đi kháng chiến:
“Một số bạn Kha hỏi cung tù binh da trắng thường cố tình hỏi
mỉa ý muốn thực sự làm nhục họ. Một số khác đông hơn đồng ý với Kha là nhục mạ
tù binh không làm đẹp thêm chiến thắng của mình, trái lại nữa. Riêng với Kha, từ
ngày ấy chàng đã có quan niệm: làm nhục người khác là làm nhục chính mình, nhìn
người khác quỵ lụy – nhất là vì miếng ăn, việc thường hay xảy ra ở trại tù binh
– chàng có cảm tưởng như chính nhân phẩm mình bị sa sút. Bất cứ một cá nhân
nào, theo ý Kha, đều mang trọn vẹn hình ảnh nhân loại nói chung. Tước đoạt nhân
phẩm của một cá nhân nào là thương tổn đến nhân phẩm của cả nhân loại” (…)
Đến như cái chết của một con chuột bấy lâu phá phách mà còn
làm cho Kha nửa đêm đứng chống cái then cửa suy nghĩ vẩn vơ như vậy, huống hồ…
Mà sở dĩ như vậy cũng vì DQS là một trong số những người Việt Nam un đúc và un
đúc tới nơi tới chốn bởi cả hai nguồn tinh hoa văn hóa Đông Tây. Phật Lão Trang
ở ông, đương nhiên rồi. Đồng thời, ngay cả trước thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ
(66-68) ông đã có những suy tưởng về nhân loại, nhân quyền, về bình đẳng xã hội,
bình đẳng nam nữ, về giáo dục con cái, rất tiến bộ, rất “hiện đại”…
Tháng tư vừa qua, tại đại hội Văn bút Việt nam Hải ngoại, tôi
được nghe luật sư/nhà văn Trần Thanh Hiệp, cũng là bạn thân lâu đời của DQS, diễn
thuyết về ý thức người cầm bút. Tôi không nhớ rõ lời văn, nhưng đại ý ông Trần
nói rằng DQS, tuy đang ở tù, là một người tự do. Ông Trần nói thật tha thiết và
thật đúng. Nhưng khi tôi nghe ông bảo rằng DQS vẫn tự do vì ông (Doãn) không
khuất phục trước bạo lực, thì tôi lại nghĩ rằng có lẽ ông Trần nói chưa chí lý.
Tôi thiển nghĩ DQS là một người tự do vì ông biết thương người.
Những kẻ như chính người viết bài này và những ai trong số bạn
đọc chưa từng trực tiếp chịu đựng những đớn đau nhục nhã do hoàn cảnh cốt nhục
tương tàn gây nên, trước 75, sau
75, những người như chúng ta mà dám mở miệng nói về “tình
thương xóa bỏ hận thù”, thật có một cái gì không ổn. Riêng tôi, tôi không dám
nói rằng tôi có đủ tư cách và sức mạnh để làm việc đó khi phải trực diện với
hoàn cảnh thực tại. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi tin rằng DQS, sau 4 năm “học
tập” (1976-1980), sau bốn năm giam cầm (1984-1988) vẫn không thay đổi cái
nhìn hướng về con người của ông.
Ngày xưa, gặp ngoài đường một ông tai to mặt lớn với những
thành tích xấu xa mà DQS còn biết “thương những kẻ thù dân tộc hôm qua,
ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành”. Ngày nay, dẫu có đắng cay
khổ nhục mấy đi nữa, ông còn biết nhìn với đôi mắt thương hại những công tố
viên đang xỉa xói ông, những cán bộ chấp pháp đang truy vấn ông, những cai tù
đang kềm giữ ông. Và như vậy, ông mới còn tự do, cái tự do ông trả với tất cả đớn
đau ê chề, cả thể xác lẫn tinh thần. Trái tim của ông vẫn không suy suyển. Bạo
lực có thể uy hiếp ông. Nhưng bạo lực không cách gì đập nát trái tim ông và đặt
vào đó một lò lửa căm thù. Ông chỉ căm thù bạo lực, ông không thể căm thù con
người, dẫu dù đó là con người dùng bạo lực để hành hạ ông. Tất cả những ai đang
mang lại khổ đau cho ông, và cho gia đình của ông, hãy ghi nhận, dù chỉ trong
thâm tâm, hãy ghi nhận điều đó.
(…) “bầu không khí u uất – Cơn giông – Một trận mưa đổ
xuống cho trời rạng dần – Tôi vẫn có ý nghĩ lạc quan thế để cười vào mọi điêu bạc,
hèn hạ, ngu xuẩn của đời”…(Cánh Tay Nối Dài, 1966)
Trong cơn lốc tàn bạo của lịch sử, người người quay cuồng
theo cái đà xoay bất tận của những chuỗi nhân quả oan nghiệt trùng trùng, DQS
cũng không thể lạc vào cái mê hồn trận ấy. Nhưng tôi cũng tin rằng, ở đâu, bao
giờ, ông cũng vẫn là con người chẳng những không có tội đối với đất nước quê
hương, mà còn là một kẻ “chiến thắng”, “chiến thắng” lấy mình, trong nghĩa giữ
vững được tư cách và tỉnh táo, trong nghĩa không quên rằng đao phủ thủ và kẻ tử
tội đều là nạn nhân.
(…) “Đã lâu lắm kể từ ngày dời miền Bắc sau hiệp định Genève,
di cư vào miền Nam ấm áp mưa nắng hai mùa. Huy không được gặp tiết thu.” (…)
“Và hôm nay trước khi dời tân lục địa này, Huy vô tình bắt gặp một chớm thu
khác.” (…) “Huy nhắm mắt lại cho tình thu thêm ngờm ngợp, gió ùa tới… ùa tới…
ghê ghê lạnh, từng đợt từng đợt, liên tiếp liên tiếp, đẩy hồn chàng vào vũ trụ
với lời nhắn nhủ thiết tha và bất lực (càng bất lực nên càng thiết tha) nhắn nhủ
chàng hãy níu lấy thời gian này, không gian này, bám lấy không gian này, nơi
trú ngụ hạnh phúc rực rỡ và mong manh: hãy níu bắt lấy hạnh phúc dù là bóng;
hãy níu giữ lấy mong manh, dù tuyệt vọng. Sự níu giữ tuyệt vọng tự nó đã là cái
đẹp rỡ ràng nổ tung vào vô tận để trở thành bất diệt rồi.” (Sầu Mây, 1970)
Tôi nghe kể lại rằng trong phiên xử ngày 27-4-88, sau khi
công tố viên đọc lớn bản cáo trạng buộc tội “Doãn Quốc Sỹ và Đồng bọn” “chống
phá cách mạng”, v.v... DQS đã có cơ hội phát biểu vài đôi lời:
“Tôi tin rằng chế độ nào cũng có hai mặt tốt và xấu, giống
như con người vậy. Nhận định và phản ánh cái xấu là cũng để còn mong được cải
thiện, còn mong được tiến bộ. Là những người cầm bút, chúng tôi có bổn phận phải
làm việc đó. (…)
“Nếu tòa cứ nhất quyết phán xét vấn đề qua lăng kính đặc biệt
của riêng tòa, thì tất cả chúng ta chỉ còn nước kẹt tuốt vào trong một cái vòng
luẩn quẩn không lối ra, một cái vòng mà, thưa tòa, tôi đã cố hết sức tránh hoài
rồi đó!”
Tôi cũng nghe kể lại rằng Doãn Quốc Sỹ đã nói như vậy một
cách hùng hồn mà dung dị, tha thiết mà ung dung. Như hệt những khi ông đứng
trên bục các lớp học ở Đại học Sài Gòn, ở Đại học Vạn Hạnh, mà nói với sinh
viên. Bạn bị hành hạ, lòng tôi đau đớn. Nhưng tôi không khỏi mỉm cười nhớ lại
nét mặt đam mê, đam mê mà sáng suốt, của ông khi ông giảng bài cho học trò. Và
nhớ lại câu văn cuối cùng, kết liễu cuốn truyện dài Sầu Mây:
“Lên cao nữa phi cơ chui vào một vùng mây khói sầu giăng man
mác, nhưng sao lòng Huy vẫn vời vợi chiến thắng? Có thể sầu mây lên cao thành
niềm vui chiến thắng!”
“Bao giờ chúng ta cũng là những kẻ chiến thắng – Huy tự nhủ
thầm vậy – nếu chúng ta biết nhìn trước thấy dòng luân lưu của sự vật.”
Đầu năm 1970, tôi có gửi tặng Doãn Quốc Sỹ và gia đình một bức
tranh sơn dầu vẽ trên vải. Chiều cao họa phẩm gần như chia thành hai bởi một
nét cọ lớn từ tả sang hữu, sáng rực. Bên trên là không gian trống vắng mênh
mông, thấp thoáng một hình tam giác bạc trắng làm người ngắm tranh nghĩ đến một
con diều. Bên dưới, hình tượng và màu sắc chằng chịt, dữ dội, gai góc. Tôi có
thư dặn ông khi cho vào khung, hãy đặt dưới kính. Ông viết thư phản đối, bảo rằng
tác giả lẩm cẩm, tranh sơn dầu đời nào lại “xú-ve” (sous-verre), cứ để trần
hay hơn. Tôi hồi âm, biện hộ cho sự dặn dò.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét