Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Tình yêu thánh hóa 2

 Tình yêu thánh hóa 2
Khu rừng lau 3

Phần Hai

VỠ BỜ

Chương Một

Ngày đầu di cư, hai chị em mới gặp nhau ở Sài Gòn, khi Miên hay tin Lê làm ở Viễn Đông Ngân hàng dưới quyền Tân, Miên đã vội vã nắm chặt lấy hai cổ tay Lê:

- Anh Tân là bạn thân lắm của anh Hiển và của chị... Lê đã gật đầu ngắt lời:

- Em có được ảnh cho biết.

Khi Miên hỏi Lê “Anh Tân đối với em tốt chứ?” Lê đáp ngay: “Anh Tân tốt với tất cả mọi người”. Đến khi Miên nói với Lê: “Chắc là anh Tân không làm cho ngân hàng lâu đâu, đầu niên khóa tới anh trở lại học thuốc” và nghe Lê trả lời gần như hối hả: “Điều đó anh Tân có nói với em”, thì với trực giác của nữ giới Miên đã thấy là vai trò trung gian của nàng tác thành cho hai người không cần thiết nữa.

Quả nhiên sau tiệc trà cưới Kha Miên một tháng đến bữa tiệc linh đình hơn của của cặp Tân Lê.

Kể ra cuộc tình duyên nào mà chẳng giản dị khi dùng trực giác linh cảm, rồi lại chứng kiến ngày làm lễ thành hôn. Nhưng sự thực có cuộc tình duyên nào mà giản dị nếu ta chịu khó theo dõi một chút, một chút thôi.

Đương thời vào lúc tình trạng nhộn nhạo ba bè bảy mối như khoảng đầu 1955 mà Viễn Đông Ngân hàng vẫn tiếp tục khuếch trương và tuyển thêm nhân viên - (Lê) - đủ chứng tỏ uy tín quốc tế của ngân hàng này.

Hàng ngày Lê phải liên lạc với Tân là chủ sự, hoặc nàng mang hồ sơ vào, hoặc nàng vào hỏi Tân cách giải quyết một vài vấn đề giấy tờ. Lê kém Tân những mười hai tuổi, Tân coi nàng như người em gái nhỏ, có lẽ vì thế mà Tân thoạt chỉ thấy là Lê xinh rồi không chú ý gì hơn. Tiếng Lê cười ròn (nàng cười luôn) từ ngày có Lê văn phòng bên ngoài có thêm sinh khí, những người trẻ thì hoạt động hơn, yêu đời hơn, người già - có một ông già - thì như trẻ lại.

Tân ngồi làm việc ở phòng trong. Chàng tuy còn trẻ thật đấy nhưng đã quá phong trần. Mỗi khi nói với Lê để chỉ bảo nàng điều gì, giọng chàng dịu dàng che chở đúng như giọng người già nói với người còn trẻ. Chàng rất gần với các nhân viên văn phòng, thường khi vẫn nói đùa với họ, lời nói đùa lẽ cố nhiên cũng chừng mực chứ chẳng bao giờ xuồng xã để họ nhờn. Từ ngày Lê đến làm việc, đôi lần vui câu chuyện Tân nói đùa Lê, đặc biệt có lần Tân ghép Lê với anh chàng thư ký lém lỉnh nhất của văn phòng tên là Phát. Lần đó Lê cười không thành tiếng và quay ra ngay. Tân linh cảm thấy là Lê không bằng lòng nhưng không dám cãi. Chàng hối hận tự hứa về sau quyết tránh cảnh đùa đó.

Hôm nay, sắp đến giờ tan chiều, Tân lắng nghe tiếng cười đùa ồn ào bên ngoài. Tiếng cười ròn, giọng nói thanh thanh của Lê luôn luôn nổi bật lửa như tiếng vĩ cầm chính trong dàn nhạc. Thốt nhiên Tân mỉm cười và muốn ra góp vui thêm vài lời. Chàng thu gọn các hồ sơ vừa toan đứng dậy thì Lê vào. Câu chuyện vui bên ngoài còn hiện rõ trong ánh mắt và nụ cười của nàng khiến Tân vui lây.

- Chuyện gì thế cô Lê?

Lê chỉ kịp nói: “Dạ thưa không ạ” rồi che miệng quay đi, thân hình cao và thon của nàng rung động và ngả về phía trước như một cây còn non cả thân lẫn cành cùng mềm mại chịu dưới một chiều gió mạnh. Tự nhiên Tân muốn thoát xác, muốn nói một câu gì thấm thía, tha thiết với Lê. Câu đó đến ngay trong trí và Tân nói liền khi Lê đặt tập hồ sơ cuối cùng xuống trước mặt chàng:

- Ông giời tai ác thật, nhưng duy có một việc làm khiến ông chuộc lại được hết tội lỗi.

- Thưa anh việc gì thế ạ - Lê hỏi, giọng thanh thanh của nàng đượm vẻ tinh nghịch.

- Là... (Tân ngừng lại nhìn thẳng vào đôi mắt Lê, cười mỉm) là ông ấy bắt đàn bà con gái đẹp có thì. Nếu họ cứ đẹp mãi... ng- hĩa là ví dụ Lê cứ đẹp mãi thì chết tụi đàn ông.

Thực ra Tân định nói câu đó dưới hình thức vui đùa, hoặc nếu vụng ra thì câu nói sẽ thành kiểu cách, khách sáo, nhưng trong khi nói, Tân chợt nhìn thẳng vào đôi mắt Lê và Lê cũng nhìn chàng như vậy, Tân thấy tâm hồn chuyền động, thành ra câu nói bỗng nhuộm sắc thái một lời ướm tình. Đồng thời Tân nhận thấy dáng điệu Lê cô hơi luống cuống, chính vẻ luống cuống đó làm tăng vẻ quyến rũ của nàng. Tân thấy Lê sao mà đẹp - Lê vẫn đẹp?

Hôm sau Tân chú ý nhìn Lê kỹ hơn khi nàng mang tập hồ sơ đầu tiên vào. Khi nàng cúi xuống đặt hồ sơ lên bàn, những boucles tóc ở hai bên xõa xuống như những yêu tinh nhỏ vừa tuột khỏi đôi vai xinh kia đến đánh đu trước mắt Tân mà trêu cợt và đó cũng là lần đầu tiên Tân nhìn thấy chấm nốt ruồi nhỏ màu nâu thẫm bên vòng cung lông mày phía phải của Lê. Và Tân rùng mình. Ký ức mơ hồ xao động một thuở niên thiếu xa xưa chàng gặp một người con gái cành vàng lá ngọc bận đồ lụa bạch trên toa xe hỏa dừng lại giữa cảnh đồi nương chập chùng man rợ của ga Thanh Ba (Phú Thọ). Phải người con gái bận đồ lụa trắng mát xưa cũng có một nốt ruồi trên một gò má...

Buổi chiều khi nhìn gần Lê lần nữa, chấm nốt ruồi màu nâu đó vẫn làm Tân rùng mình. Ảo tưởng bị kích động, Tân thấy như chấm nốt ruồi đó làm vẻ đẹp của Lê trở thành khốc liệt. Tân liên tưởng đến một mối tình bên trời Âu giữa một chàng sinh viên cao, đẹp, hiền với một nàng gitabe sắc sảo. Họ tiễn nhau trên sân ga. Nằng gitane mất hút trên đường thiên lý, chàng sinh viên ở lại ôm tương lai vỡ lở trong lòng, chàng bỏ học, để giải khuây chàng suốt ngày la cà ở các quán rượu và rất có thể chàng trở thành thi sĩ với những vần thơ khốc liệt làm nứt rạn cuộc đời.

Nhưng Lê không phải là gitane, Lê không mất hút trên đường thiên lý, Lê nhân viên văn phòng Viễn Đông Ngân hàng và ngày ngày trực tiếp liên lạc với Tân là chủ sự.

Khi Lê chưa vào trong bàn giấy, Tân thêu dệt trong trí cuộc đối thoại hóm hỉnh giữa hai người, những lời đối thoại mà chắc chắn sẽ xảy ra hết sức tự nhiên. Nhưng khi Lê vài, đầu óc chàng bỗng trống rỗng và “trắng tinh” như màn ảnh lúc vừa dứt phim, chàng chỉ còn biết mỉm cười như máy, lặng nhìn đôi lông mày vòng cung với chấm nốt ruồi xinh màu nâu sẫm hơn, lặng nhìn những cụm tóc vừa tuột khỏi vai bung ra lủng lẳng như những yêu tinh đánh đu, lặng nhìn nụ cười của Lê với hàm răng rất đều, trắng bóng. Bao nhiêu lần ý định tỏ tình đều lở dở như thế cả. Đến lúc đó, Tân mới chịu tự thú là mình đã yêu Lê mất rồi.

Tình yêu làm cho Tân tính toán đối thủ. Văn phòng bên ngoài có một ông thư ký kế toán trạc năm mươi tuổi đã hai thứ tóc trên đầu; một cậu thư ký đánh máy chừng mười chín tuổi nghĩa là trạc tuổi em Lê và hai chàng thư ký trẻ tuổi nữa thì một chàng lại chỉ thấp bằng vai Lê. Người con gái nào chịu đi phố với một chàng trai đứng chỉ bằng ngang vai mình? Vậy thì địch thủ của Tân chỉ còn anh chàng khá cao, khá đẹp trai hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, nói năng hoạt bát, tức là anh chàng Phát đã nói trên, nổi tiếng là nhảy giỏi, rất nhiều vũ nữ mê hắn.

Buổi sáng hôm đó Lê bước vào bàn giấy của Tân. Nàng đi đôi giày gót cao và nhọn. Nàng đặt hồ sơ lên bàn và đôi bên trao đổi nụ cười thân mật hơn nụ cười xã giao, nhưng vẫn chưa đủ tha thiết để Tân tỏ tình mà không sợ từ chối. Rồi Lê quay ra, dáng lanh chao, khiêu khích. Tân nói lên một ý bâng quơ:

- Cô Lê nhảy giỏi lắm thì phải.

Lê dừng lại, hình như nàng chỉ đợi có tiếng nói của Tân để dừng lại.

- Em nhảy dở lắm - Lê đáp - thứ bảy vừa rồi anh Phát đến nhà em chơi và mời em đi Arc-en-ciel, em từ chối.

- Thứ bảy này tôi sẽ đến thăm cô, nhà cô ở đâu? Tân thản nhiên hỏi vậy như thể không một chút chú ý đến câu Lê vừa nói trên.

Đôi mắt Lê sáng lên:

- Nhà em số 30 đường H. Thứ bảy anh đến thật nhé.

- Nhưng tôi cũng đến rủ Lê đi nhảy ở Arc-en-ciel.

Lê nhoẻn cười không thành tiếng, nhưng dáng điệu vô cùng nũng nịu, rồi nàng bước vội sang văn phòng nơi làm việc của nàng.

Tân cảm thấy tâm hồn lâng lâng nhè nhẹ Chàng vui vì mấy lời đối thoại rất thanh thoát vừa qua. Từ hôm cảm thấy yêu Lê, Tân vẫn tự dằn vặt về thái độ rụt rè một cách quá ư lý tưởng của mình. Chàng thầm ôn lại mấy lời đàm thoại vừa qua.

Tại sao - Tân tự hỏi - Lê lại nhắc cho chàng hay chuyện Phát mời nàng đi Arc-en-ciel và nàng từ chối? Phải chăng nàng gián tiếp muốn tỏ cho Tân hay là tuy nàng vui tươi với mọi người nhưng thái độ đằm thắm nhất thì chưa với ai cả. Tại sao đôi mắt Lê sáng lên khi nghe chàng hỏi số nhà, như thể việc Tân hứa lại thăm Lê tại nhà là một vinh hạnh lớn cho nàng. Dáng diệu nũng nịu của Lê khi bước vội sang văn phòng ngầm chứa một sức mạnh đổ quán siêu đình đấy chứ.

Cúi xuống xét hồ sơ nhưng rồi luôn luôn Tân nhìn trần nhà, đôi mắt lơ đãng vừa ôn lại những hình ảnh đẹp khi nãy, vừa dàn xếp trước trong trí cách tỏ tình với Lê.

Đã yêu thì đành tính chuyện tỏ tình vậy chứ sao. Tỏ tình bằng cách nào bây giờ? Với Lê, một nữ thư ký trực tiếp dưới quyền chàng, chính điều này làm cuộc tỏ tình gặp nhiều trở ngại vô hình vì Tân luôn luôn nêu nghi vấn: “Nếu chẳng may bị Lê cự tuyệt ?”

Tỏ tình với Lê! Tỏ tình bằng cách nào bây giờ? Hãy biết nhất định chiều thứ bảy này Tân đến nhà số 30 đường H. thăm Lê đã.

Nhưng rồi đến sáng hôm sau, sáng thứ sáu, khi Tân nghe tiếng Lê thanh thanh bên ngoài, từng chuỗi cười trong như suối của nàng len vào giữa những lời đùa cợt của phái nam thì Tân lại thấy bao hy vọng muốn thành đôi lứa với Lê bỗng biến đi một cách mỉa mai chua xót như một tàn lửa nhỏ rơi trên mặt miền băng giá mênh mông.

Tuy không dám tự thú nhận là mình có ý ghen nhưng Tân cũng không tự phủ nhận là chàng đã hoàn toàn rơi vào hấp dẫn lực của thứ nhan sắc ma túy đó, như một lưu tinh đương lao mình ngoài vũ trụ thênh thang chợt sa vào hấp dẫn lực của trái đất.

Trí tưởng tượng theo đà bám lấy hình ảnh lưu tinh lúc vào hấp dẫn lực của trái đất tự thiêu hủy đi rất nhanh thành ánh sáng, có lẽ sau cùng chỉ còn lưu lại một chút tro tàn khi rớt xuống khoảng đại dương hoặc núi rừng nào đó.

Thật là thiểu não - Tân nghĩ tiếp - sao lại ví mình là một bolide nhỉ. Quả thực tình yêu kia đương thiêu lòng Tân.

Khi Lê vào trình hồ sơ như mọi khi, Tân nhìn đi nơi khác (tuy trong lòng rất tiếc rẻ), vẻ mặt lạnh lùng. Chàng cho rằng với ai Lê cũng có cảm tình như vậy thì Lê có cảm tình thực với ai? Và Tân, chàng nhất định không chấp nhận một tình yêu hời hợt, Tân chỉ tỏ tình với Lê - và có nghĩa là hỏi Lê làm vợ - khi Lê cũng phải tỏ thái độ đặc biệt say đắm chàng như chàng say đắm Lê.

Lê nói, Tân vẫn viết, thỉnh thoảng chỉ khẽ gật, Lê cúi đầu chào chàng thì phải, rồi quay ra, lòng Tân quặn lại. Chàng tiếc - và tự trách mình nữa - đã bỏ lỡ mấy phút được ngắm khuôn mặt người yêu, Tân bỗng cảm thấy mình khao khát tình yêu như đứa con côi khát sữa mẹ.

Tân bỗng hốt hoảng gọi:

- Này cô Lê ơi!

Tiếng Lê “dạ” ngoan và dịu ở phía sau cánh cửa vừa khép làm tâm hồn Tân cũng dịu đi như mảnh đất khô cằn đón nhận trận mưa đầu hè. Lần này Tân đón Lê bằng tia mắt tràn ngập yêu thương ngay từ lúc Lê vừa ẩn cánh cửa tái xuất hiện. Lê lật đật... vội vã... bước vào. Tân mỉm cười bình tĩnh, khẽ lắc đầu như muốn nói “Có việc gì cần đâu mà lật đật thế em Lê”. Tân hỏi lại cho có chuyện về tập hồ sơ Lê vừa đưa trước đấy một phút. Rồi ngửng nhìn Lê lần nữa Tân định nói: “Chiều thứ bảy tôi sẽ đến thăm Lê nhé”, nhưng chàng kìm ngay không nói e như vậy hối hả quá. Vả lại còn sớm mà, mới là sáng thứ sáu, câu đó nên để đến mai hãy nhắc thì hợp tình hợp cảnh hơn.

Lê nhìn Tân hơi lẳng lơ một chút hỏi:

- Anh có định bảo em điều gì nữa không?

Nhìn khóe mắt đong đưa một cách thầm kín của Lê, Tân cho câu hỏi thực của nàng là “Hình như anh định nói với em điều gì?” và Tân đã khẽ gật đầu đáp Lê theo câu hỏi tưởng tượng đó:

- Cô nói đúng, tôi vừa định nói điều gì nhưng quên mất rồi. Cả Lê lẫn Tân cùng cười, rất tự nhiên. Chỉ có sự dày dạn trong cuộc đời kháng chiến trước đây mới làm Tân giữ được vẻ tự nhiên như vậy, khiến mặc dầu là con người theo đuổi tình yêu lý tưởng chàng cũng không hề bị ngô nghê trước người đẹp giữa tiếng cười chan hòa và bất ngờ đó.

Chương Hai

CON ĐÊ

I

Ra khỏi phòng giấy của Tân, Lê đi thẳng tới bàn làm việc của nàng, đôi mắt chớp nhanh. Lê biết là Tân bắt đầu yêu nàng từ hôm chàng nói đùa câu: “... ví dụ như Lê cứ đẹp mãi thì chết tụi đàn ông”, Lê cũng thấy rõ ở Tân một vẻ tế nhị đặc biệt hiếm có trong giới đàn ông ngày nay. Ở Tân toát ra một cái gì vừa hiền vừa kiêu hãnh. Lê cũng chú ý thấy từ cách ăn mặc đến cách chải tóc của Tân chỉ vừa đủ cho chàng giữ được vẻ thanh lịch mà không hề một chút diêm dúa. Nhưng Lê quý nhất là cái nhìn của Tân, cái nhìn vẫn tha thiết mà vẫn tinh nghịch, tinh nghịch đến như dám coi nhẹ cả ái tình. Lê là con bướm bay nhởn nhơ, Tân chỉ đi vừa sát và không có dáng vội vã để bướm bay phải hốt hoảng, không có dáng nham hiểm để bướm phải coi chừng, chàng thảnh thơi đứng ngay bên, khoanh tay (đôi bàn tay chàng có những ngón thon dài, lẽ ra phải đài các lắm nhưng lại lanh chao và rất bình dân) nhìn theo bướm mà đôi mắt harn muốn nhưng hiền lành như có ý chờ bướm tự ý đậu lên vai, lên tay. Chính bướm cũng cảm thấy càng bay tới gần càng xa vòng nguy hiểm và giả sử khi bướm đậu lên tay người đó, bướm đã đậu trên một thứ bùa hộ mệnh, thoát mọi lo âu những mong manh, những phản trắc của đời.

Sáng thứ bảy, Lê vào với tập hồ sơ thường lệ. Lê nhớ hôm nay là ngày Tân hứa đến thăm nàng vào buồi chiều. Lê có ý đứng lại chờ thêm mấy giây xem Tân có nhắc lại lời hứa không. Nhưng Tân chỉ mỉm cười nhìn nàng mà không nói. (Sự thực Tân càng nhớ đến lời hứa, có muốn nhắc, nhưng lại nghĩ đến gần đến giờ tan hãy nói thì hơn).

Suốt buổi sáng thứ bảy đó Lê còn vào buồng giấy Tân thêm ba lần nữa. Lần cuối cùng Tân giơ tấm báo hỉ của cặp Kha Miên lên (ngày đó Tân đã biết Lê là em con nhà chú của Miên) nói với Lê thân mật như nói với em gái:

- Trời ơi cô Lê này, tôi biết mua mừng cái gì bây giờ đây?

- Anh định mừng món quà với khoản tiền bao nhiêu - Lê hỏi.

- Khoảng trên dưới một ngàn. Lê lơ đãng hỏi?

- Anh quen anh Hiển em trước hay chị Miên em trước?

- Tôi gặp cô Miên trước. Hiển thì mãi tới khi tôi về Hà Nội mới gặp. Ngày nay lâu quá rồi tôi không còn nhớ gặp cô Miên vào năm nào thời kháng chiến, chỉ biết tôi gặp cô tại một đơn vị hậu cần quân y chiến dịch.

Thấy đôi mắt Lê mở ngạc nhiên, Tân hiểu chàng đã dùng những đanh từ rất lạ tai “đơn vị hậu cần quân y chiến dịch” với một cô gái không hề biết không khí kháng chiến miền Bắc. Chàng khoát tay tìm cách giải thích một cách giản dị hơn:

- Chả là... ngày ấy tôi là sinh viên trường Thuốc và làm việc ở quân y vùng kháng chiến.

Lê thốt ra tiếng “à” hiểu chuyện. Miệng nàng hé mở. Tân thoáng thấy hai hàm răng trắng muốt đều và khỏe của nàng.

- Thế bây giờ cô bảo tôi mua gì nào? - Tân hỏi.

Lê cắn môi một chút để làm dáng hơn là để suy nghĩ rồi nói:

- Em cho món quà hay nhất anh mua tặng chị Miên là một hộp đồ trang điểm Paris.

Tân khẽ lắc đầu:

- Tôi thấy Miên không hay làm dáng e rằng thứ đó vô dụng. Giọng Lê cương quyết

- Không hay làm dáng đâu phải là không bao giờ làm dáng, anh cứ nghe em, đàn bà con gái nào cũng cần đến thứ đó.

Tân gật đầu:

- Vâng xin theo ý kiến cô.

Vừa lúc đó tiếng chuông điện réo lên báo giờ nghỉ việc. Tiếng chuông xao xuyến làm Tân, Lê nhìn nhau cũng xao xuy- ến, luống cuống nữa. Rồi Lê chào Tân đi ra. Khi bóng Lê vừa khuất sau cánh cửa, Tân bỗng hối hận đã bỏ lỡ dịp mời Lê cùng đi chọn với mình thứ quà biếu do sáng kiến của nàng đề nghị (chàng biết chắc chắn Lê sẽ không từ chối) mà rồi do thế Tân còn đề nghị Lê sẽ chờ chàng tới rủ để cùng đi đến nơi dự tiệc trà nữa chứ. Lại một lần để lỡ dip may. Đến cả việc nhắc chiều nay sau tiệc trà sẽ đến thăm nàng Tân cũng quên nốt.

Buổi chiều hồi ba giờ Tân đi qua nhà Lê dừng lại trước cửa, tay cắp đồ mừng mới mua. Tân định lấy cớ đem đồ mừng đến cho Lê xem để nàng phê bình đắt rẻ.

Đó là căn nhà lầu kiểu cổ, bề rộng tới tám thước, ngoài cùng là hàng rào sắt, hai cột trụ cửa ra vào xây theo hình vuông bằng đá cao khoảng ba thước trông rất thô. Qua khoảng vườn nhỏ chừng mười thước có trồng những loại cây cảnh thấp. Tới bực lên thềm nhà thoạt là khoảng tiền đình nhỏ, với bốn cột gạch vuông đỡ lấy ban công phía trên, bốn cột gạch này tuy nhỏ hơn cột trụ ngoài cửa nhưng dáng thì cũng thô như thế, cửa ra vào chính giữa, hai cửa sổ hai bên rất đăng đối. Trên từng lầu cũng vậy. Các cửa đều sơn màu cánh gián, tường quét vôi màu vàng đã cữ nhiều chỗ loang lổ rêu nên trông căn nhà càng có vẻ cổ kính. Nhà hướng Tây, vào giờ này tất cả các cửa đều đóng kín mít. Ánh nắng xiên khoai buổi chiều chói chang oi ức. Tân chợt nhớ đến một câu nói của Kha trước đây: “Người đàn ông lịch thiệp đến thăm đàn bà con gái bao giờ cũng nên đến vào buổi tối, dưới ánh đèn nhan sắc của họ được tôn tôn lên rất nhiều, lịch thiệp ở chỗ đó”. Thế là Tân quyết định ngay sau tiệc trà mới quay về thăm Lê.

Tiệc trà tan vào khoảng bảy giờ rưỡi, khi Tân qua nhà Lê thì vừa tám giờ. Các cửa trên ban công, các cửa bên dưới đều mở tung, ánh đèn nê-ông xanh dịu từ trong chiếu ra thật chào đón. Thấp thoáng có bóng hai người con gái, một cậu nhỏ, nhưng không thấy Lê. Tự nhiên Tân ngần ngại, trong óc chàng thoáng một lúc biết bao lý lẽ được nêu lên để tự khuyên rằng đừng nên vào thì hơn, trong số có lý do mạnh nhất là suốt buổi sáng nay Lê không hề một lần nhắc lại lời mời, rồi trong tiệc trà, Lê có mặt ở đám nữ, đôi bên chỉ chào nhau có một lần, đến khi tan tiệc Lê ra về lúc nào... Như vậy mà chàng vẫn đến thăm có phải là đã theo đuổi ái tình một cách hăm hở quá, lộ liễu quá, khiến giá trị của chàng vì thế mà có thề giảm đi khá nhiều không?

Trên đường về Tân cảm thấy đôi chút hối tiếc nhưng chàng nêu ngay một ý nghĩ cương quyết để tự an ủi: Lê có cảm tình với mình thật, đôi mắt sáng với lời nói “thứ bảy anh đến thật nhé”, tuy đáng cảm động thật, nhưng trong tình yêu, bước đầu người đàn ông không bao giờ nên vội vã quá, nhất là người đàn ông ấy lại ở cương vị như chàng. Giá Tân cũng làm việc ở văn phòng với Lê, chàng có thể suồng sã hơn một chút không sao, đằng này...

Tuy nghĩ thế mà suốt đêm đó Tân vẫn trằn trọc. Khi chợp ngủ trong giấc mơ thấp thỏm, luôn luôn chàng gặp khuôn mặt đẹp của Lê.

Ngày chủ nhật qua. Sáng thứ hai khi Lê vừa bước vào phòng giấy, Tân ngẩng nhìn Lê bằng cặp mắt âu yếm và sẵn sàng nhận mọi lời trách móc. Quả nhiên Lê trách:

- Làm sao anh để em chờ suốt chiều tối hôm qua? Tân đáp xúy xoa:

- Cô quên rằng chúng mình cùng đi dự tiệc trà cưới?

- Em đâu có quên! Tiệc trà bắt đầu từ năm giờ rưỡi, bảy giờ rưỡi đã tan, em về ngay nhà chờ anh đến chín giờ mới đi xi-nê. Mất cả xem thời sự!

Thì ra nàng lẳng lặng về ngay đề sửa soạn chờ Tân!

- Thôi đến thứ bảy tới vậy, tôi sẽ đến thăm cô từ bốn giờ chiều - Tân vùa trả lời an ủi, vừa nhìn đôi bàn tay xinh đẹp của Lê tì trên mép bàn.

Khi Lê cúi chào đi ra Tân mới hối sao đã không nắm lấy một bàn tay của Lê khi trả lời an ủi nàng. Nhưng rồi suốt tuần lễ đó biết bao lần dềnh dàng nói chuyện với Lê, biết bao lần đôi bàn tay xinh đẹp của Lê tì lên mép bàn như khuyến khích mà Tân vẫn không dám nắm lấy. Những lúc quyết định nhất thì tự nhiên Tân lại cảm thấy cử chỉ đó trơ trẽn vô duyên, rồi ý nghĩ chàng như bị ngưng đọng, chân tay chàng như bị đóng đinh. Chính tình yêu lý tưởng với Lê đã gây nên cho chàng trạng thái tê liệt cả về tinh thần lẫn thể xác như vậy.

Thứ bảy, lần này Tân đến thăm Lê thật. Tới ngày đó Tân mới biết em trai nàng, - Nhâm - vẫn theo học và nội trú tại trường J.J.Rousseau (Chasseloup Laubat cũ).

II

Kể từ ngày mẹ Lê - bà Thuật - mất đi nốt, ông bà Hoạch coi hai cháu mồ côi như con. Tuy Lê mới mười bốn, ông Hoạch cũng công bố giữa đông đủ gia đình và một số bạn thân tín cho Lê hay số tiền kinh doanh của ba me Lê để lại. Cho đến ngày nào Lê trưởng thành hoặc lấy chồng ông sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lãi để vợ chồng Lê tùy ý tiếp tục kinh doanh chung với ông hay mở hãng xuất nhập cảng riêng.

Lê, Nhâm tiếp tục theo học, ngày tháng tiếp tục nhau qua. Sự chăm nom săn sóc cháu của ông bà Hoạch làm sao đằm thắm bằng tình cha mẹ thật? Nhâm thì còn nhỏ chưa biết gì, vả lại để bù vào tình mẹ, Nhâm có chị Lê đã biết thương mến em như thể muốn đem cả tâm hồn mình dệt thành nhung lụa mà phủ quấn lấy em thay cho tình mẹ.

Riêng Lê, nàng thấy cõi đời chênh vênh bất trắc. Hình ảnh môi dưới của Nhâm căng ra, môi trên rúm lại, cả khuôn mặt Nhâm méo xệch dưới ánh đèn vàng lộng phi nhân, hình ảnh mẹ đầu ngoẹo chệch khỏi gối, tóc xõa ra bốn bề, chết tự lúc nào dưới ánh đèn xanh ma quái, những hình ảnh trên luôn luôn có tác động làm loãng không gian khiến Lê có cảm giác cõi đời trở thành hoang vắng mênh mông đến ớn lạnh và hư vô đến rã rời khủng khiếp.

Mẹ chết được một năm, Lê mười lăm tuổi. Cao, thon, xinh dẹp, các cậu con trai trong trường tranh nhau đến làm quen với nàng. Nàng học cùng trường với Nhâm, trên Nhâm bốn lớp. Lê cũng thấy mến các bạn trai, muốn luôn luôn được gần họ, vì tuổi dậy thì cũng có, nhưng vì sợ cuộc đời hoang vắng nhiều hơn.

Trong số các thanh niên theo đuổi Lê có một chàng trai Pháp, Paul Noverre. Hắn học trên Lê hai lớp và có cô em gái, Jac- queline Noverre học cùng lớp với Lê. Là người Pháp nhưng thái độ si mê của hắn cũng e dè kín đáo chẳng khác gì những chàng trai Việt. Chẳng hiểu vì cả quãng đời hoa niên Paul thấm nhuần cuộc sống trên đất nước Việt, hay vì yêu một hoa khôi Việt mà Paul trở thành như vậy, chỉ biết chính vì thế mà Lê có biệt nhỡn tới hắn tuy thâm tâm với bản năng cố hữu của người con gái Việt nàng vẫn thấy sờ sợ sự gần gũi với người khác giống. Cha Paul là một công chức thuộc địa già, hiện làm giám đốc sở Công chính, ông góa vợ đã từ lâu.

Cuối niên học Paul đỗ Bacc 1. Lê cùng Jacqueline thi Brevet é/émentaire, chỉ có Jacqueline đỗ. Để an ủi Lê, suốt vụ hè Jac- queline thường rủ Lê đến nhà đường Pasteur chơi (có lẽ do Paul xúi giục). Đôi khi gặp dịp Paul lái chiếc Citroen của ông bố, cả ba cùng ngồi để dạo quanh các phố lớn châu thành. Tuyệt nhiên Paul không có một cử chỉ gì xuồng xã.

Một lần Lê đến chơi, Jacqueline lên phố vắng, có một mình Paul ở nhà. Hai người đối diện nói chuyện. Paul kể huyên thuyên về lai lịch dòng họ, ông cụ tổ mấy đời nhà anh tên Jean Georges Noverre sinh vào cuối thế kỷ XVIII, mất vào đầu thế kỷ XIX, là một bậc thầy nổi đanh của ngành ca vũ Pháp tạt Paris. Paul vừa ca ngợi xong cụ tổ Jean Georges Noverre thì Jacqueline về. Paul lái xe, cả ba đi kem.

Một lần khác vào cuối hè năm đó, để cuộc đi chơi phố được thêm phần hào hứng Paul rủ thêm hai anh bạn trai Việt. Lê ngồi với Paul ở trên. Jacqueline ngồi giữa hai anh bạn Việt ở dưới. Hôm đó Lê đặc biệt nói chuyện nhiều hơn mọi khi, câu chuyện chẳng có gì là sâu sắc nhưng vì giọng nàng hay - hay hơn chính cả Jacqueline nên ai nấy nhiệt liệt tán thưởng và cười luôn miệng, thỉnh thoảng Paul quay sang nhln nàng say đắm.

Xe đương bon vào khoảng giữa dường Pasteur vắng teo thì một tốp sau xì hơi. Hai anh bạn Việt xuống giúp Paul thay bánh xe secours. Công việc xong xuôi mọi người vào xe đợi, Paul còn ra vòi nước gần đấy rửa tay. Lê quay xuống nói chuyện với Jac- queline và hai anh bạn Việt. Lê vừa nhìn hai anh bạn vừa nói với cái nhìn và nụ cười khiêu khích kín đáo. Từ ngày đến tuổi dậy thì biết bao nhiêu bạn trai chết mê chết mệt về nàng chính vì họ không sao tự chủ được trước cái nhìn và nụ cười có sức quyến rũ kỳ lạ đó.

Bỗng Viên - một trong hai anh bạn Việt - đôi mắt thoáng rực như lên cơn sốt, anh cương quyết giơ ngón tay trỏ đưa thẳng tới gần Lê, ngón tay hơi run run, giọng anh cũng phải cố tự chủ lắm mới có vẻ mạnh bạo, anh nói bằng tiếng Việt: “Tôi thì cù Lê” Lê cảm thấy một luồng điện chạy ran khắp cơ thể, nàng cười hốt hoảng, toàn thân co rúm như bông hoa muốn cụp hết cánh lại.

Vừa lúc đó Paul vào. Tuy không hiểu câu chuyện gì Paul cũng nhìn Lê cười phụ họa. Ngón tay của Viên tiến lên muốn cù Lê thật. Lần này nàng cười như thét và lùi hẳn lại ngồi sụp xuống sàn xe, khi ngón tay tiến tới nữa nàng cười thất thanh, nằm quay ra nép mình vào tận góc trong lổn nhổn những chân ga, chân phanh, chân côn và ôm lấy hai chân Paul như muốn dùng chúng làm mộc che. Paul sung sướng nâng Lê lên, ai nấy được mẻ cười thắt bụng.

Về nhà tối hôm đó Lê như muốn hờn dỗi với chính mình. Sao ngón tay Viên không tiến mạnh thêm chút nữa, sao mình không cứ ngồi yên? Đêm hôm đó nàng thao thức như đã từ lâu thèm khát một cái gì mà chỉ gặp trong mơ.

Niên học sau các bạn trai tìm đến Lê rập rình như chảy hội. Với ai Lê cũng niềm nở, nàng hoàn toàn cư xử theo phương châm: “Lắm kẻ yêu còn hơn nhiều người ghét”. Nàng sung sướng trong sự ồn ầo đó, tuy nông cặn nhưng nó đã giúp nàng quên được cảm giác cô độc vận hành ám ảnh nàng từ xưa. Họ mời nàng đi dự các bals de famille nhất là vào cuối niên học. (Những bals này thường tổ chức từ ba hoặc bốn giờ chiều, đến chín, mười giờ khuya là cùng). Điều này nàng không hề dấu hai bác. Ông, bà Hoạch cho rộng: “nó học trường Tây, phải thế”. Các con ông Hoạch theo học ở Pétrus Ký và Gia Long).

Ai gần Lê mà tránh khỏi say mê đắm đuối nàng, nhưng chưa ai - kể cả Paul - dám tỏ tình với nàng. Có lẽ vì nàng đẹp sắc sảo quá khiến những chàng trai đó rờn rờn thấy nàng nguy hiểm như thanh kiếm sắc.

Được bề rộng tất nhiên hỏng bề sâu, với ai Lê cũng niềm nở vì vậy mà nàng không thân với ai, người duy nhất chiếm được chỗ ngồi khá rõ rệt trong tâm tưởng Lê là Paul. Cuối niên học đó khi vừa đỗ nốt Bacc. 2 Paul phải theo cha về Pháp cùng với Jacqueline, Sở Công chính bàn giao cho chính phủ Việt Nam “độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp”. Suốt niên học sau nữa (Lê đã mười tám tuổi), không tuần nào Lê không nhận được thơ của Paul - chỉ có thơ của Paul thôi, Jacqueline như quên hẳn nàng. Và trong thơ, Paul thú thật yêu nàng, tuy nhiên Paul chưa dám hỏi Lê có ưng làm vợ. Cuối niên học Lê nhận được thơ Paul bảo anh sắp tòng ngũ, anh chọn hải quân để có dịp qua Sài Gòn gặp

Lê. Một tháng sau Lê nhận dược thơ của Jacqueline - lá thơ đầu tiên và cũng là lá thơ cuối cùng của nàng viết cho Lê - Jacqueline báo tin sét đánh: Paul vừa bị chết đuối trong dịp anh đến nghỉ hè ở bãi biển Royan (Rochefort).

Trong giấc ngủ chập chờn có lần Lê mơ thấy ống khói một con tàu lớn tiến dần vào bến Sài Gòn. Lại có lần nàng mơ thấy mình đứng trên bờ bể và tít ngoài trùng dương một chiếc thuyền buồm lớn kiểu thuyền cướp bể của người Tây Ban Nha hai ba thế kỷ trước đây.

Hai năm liền nàng thi trượt Bacc 1. Ngành xuất nhập cảng của ông Hoạch gặp nhiều trở ngại và thua lỗ, nàng quyết định bỏ học, ngày ngày đến hãng giúp việc bác như một nữ thư ký. Nàng đã hai mươi tuổi. Cũng năm này - l954 - xảy việc chia cắt đất nước. Trong số đồng bào ùn ùn di cư vào Nam có cụ Huấn là nhạc mẫu ông Hoạch và bà Thành là em ruột bà Hoạch, góa chồng có hai con: một trai mười bốn tuổi, một gái mười hai tuổi.

Cụ Huấn bắt ne bắt nét các cháu từng ly, từng tí, kể cả Nhâm khi đó đã mười sáu tuổi, khá lớn rồi. Trẻ con thích chạy nhảy nô đùa, cụ quắc mắt quát: “Không được chạy! Ngồi xuống đây!”. Trong lúc ăn trẻ con thích đi đi lại lại, cụ bắt đứa nào ngồi chỗ nấy không được đi lại lộn xộn, cụ xếp cho lũ trẻ được ngồi dưới khoảng mát của quạt máy. Đứa nào ra khỏi nhà phải khoanh tay xin phép. Cụ giải thích cho bà Hoạch: “Đứa trẻ ra khỏi nhà, mình phải biết nó chơi ở đâu, không bắt xin phép ngộ nay chơi ở trước cửa, mai ra tận vườn hoa đầu phố bị mẹ mìn thì sao?” Buổi trưa tất cả lũ trẻ phải lên giường nằm, không ngủ càng phải nằm đấy. Một hôm cậu con trai út lên sáu đánh vỡ nắp ấm, may sao ông Hoạch vừa ở hãng về, cậu bé sợ xanh mặt chạy lại, níu ấy ống quần ông nói khẽ: “Bố ơi bố cứu con”. Ông Hoạch mỉm cười khẽ gật, cụ Huấn cũng mỉm cười (cự đương rửa mặt ở ngoài hiên) Khi cụ thong thả bước vào, ông Hoạch nói: “Thưa cụ con vừa lỡ tay đánh vỡ mất chiếc nắp ấm”. Cụ Huấn nháy mắt một cái rồi vờ làm mặt nghiêm cự ông Hoạch: “Ông thế là không được! Lát nữa tôi cấm không cho ông ăn cơm”. Khi cụ đã đi khuất vào buồng trong, cậu út ghé tai bố nói thầm: “Bố đã cứu con, chốc nữa con lại cứu bố, con mang cơm vào buồng cho bố”.

Cụ Huấn luôn luôn giải thích một cách đắc ý về thái độ giáo dục của mình. “Có người lại cứ bảo còn trẻ con không chấp, bao giờ thì cũng có trẻ con mới thành người lớn chứ!”

Kể ra phương pháp giáo dục đầy thiện chí của cụ cũng có điểm hay, không khí nghiêm khắc quá ư cầu kỳ đó làm Lê và Nhâm thấy nghẹt thở (Lê và Nhâm vốn đã theo học trường Tây lại không phải là con cháu thật gần của cụ).

Bà Thành tuy là người Nam Định, nhưng theo chồng vào ở Nghệ An tới hai mươi năm liền, (ông Thành làm thư ký Công chính ở đó) nên nay bà có giọng xứ Nghệ, các dấu hỏi, dấu ngã thường lẫn với dấu nặng. Ngày ngày bà kèm con học, những lúc đó mẹ con như kẻ thù. Bà lồng lộn vừa đập bàn vừa quát mắng: “À mi cại à, dạ ngu lại hay cại. Mi giọi ợ chộ nào mà mi cại tau?”

Bầu không khí trong nhà vô tình trở thành nặng nề với hai chị em Lê. Nàng không để tình trạng đó kéo dài với Nhâm, nàng viện cớ sang năm Nhâm sắp thi cử xin phép ông Hoạch cho Nhâm vào nội trú. Còn lại một mình những giờ ở nhà, nàng sống riêng biệt trong phòng, khóa trái cửa lại đọc sách, chỉ cùng mọi người họp mặt vào giờ ăn. Có lẽ lúc được sống thật với bản năng là lúc nàng làm việc ở hãng. Tình cảm của nàng như một ly nước luôn luôn được rót cho tràn đầy ra bốn ngả, nàng lanh chao quá, tràn trề sức sống, những khách hàng của hãng hoặc già hoặc trẻ người nào nói chuyện với Lê cũng tự gây được chút ảo tưởng về tình yêu khiến thâm tâm họ thấy cuộc đời bỗng phồn thịnh lên bội phần.

Tuy Lê ở phòng giấy có cứu vãn được số lượng khách hàng, củng cố được cảm tình khách hàng nhưng việc buôn bán vẫn ngày một khó khăn, lỗ nhiều lãi ít. Ông Hoạch quyết định đóng cửa hãng ngừng buôn trong ít lâu. Lê cho là bác đã hết lộc buôn bán. Nàng thoáng có ý chính nàng sẽ đứng ra hoạt động. Nhưng nàng còn trẻ quá - mới hai mươi tuổi - nàng quyết định trong thời gian bác tạm đóng cửa hiệu nàng hãy xin vào Viễn Đông Ngân hàng làm ở ngành xuất nhập cảng. Tất cả mọi người nơi đây, kể cả Tân, ai ngờ rằng Lê vào làm việc đâu có vì số lương hàng tháng mà chỉ cốt nghiên cứu học hỏi ngay tại chỗ cách thức cùng mách lới giao dịch giữa ngân hàng với các nhà xuất nhập cảng để chuẩn bị ngày gần đây nàng có thể một mình điều khiển công việc thay bác. Nàng đến Viễn Đông Ngân Hàng với lòng tự tin vô bờ của một viên dũng tướng ra đi chuẩn bị chiến trường. Với nhan sắc nàng, ai có thể từ chối khép kín cửa lòng? Lê đã mang ánh sáng vào cho chẳng riêng gì văn phòng ngành xuất nhập cảng mà cho cả ngân hàng. Không ai là không biết Lê, không ai bỏ lỡ đi làm quen với Lê.

III

Năm giờ chiều ngày thứ bảy đó là lần đầu tiên Tân đến thăm Lê tại nhà, Lê đã chờ sẵn ở phòng khách từ bốn giờ rưỡi. Nàng có nói trước về cuộc thăm viếng nầy với cụ Huấn, và ông bà Hoạch, nàng có giới thiệu trước tính tình Tân với Hoan, Mỹ, hai cô chị.

Hoan hơn Lê một tuổi nhưng to lớn gấp rưỡi. Hoan ưa mặc đồ chật cho bớt sồ sề, vì vậy các đường nét của thân thề nàng nổi hẳn lên rất rõ sau lằn áo. Khuôn mặt Hoan hơi nhiều tàn nhang trông thẳng thì vuông vắn quá nhưng trông nghiêng lại có những nét khá dẹp. Trước đây Hoan học ở Pétrus Ký (thời đó trường nầy còn là trường hỗn hợp), năm mười tám tuổi nàng đỗ Trung Học Phổ thông. Vì thấy con gái lớn bồng hẳn lên, bà Hoạch e sự học chung với con trai đáng ngại, mà trường nữ Gia Long lại không còn chỗ để xin chuyển, bà đành quyết định cho Hoan nghỉ. Ông Hoạch dạo dó bận tíu tít về hàng đến hàng đi nên không có ý kiến gì. Khi Lê bỏ học đến hãng làm việc giúp ông Hoạch, Hoan cũng muốn theo Lê nhưng ông Hoạch bảo nàng là một mình Lê cũng đủ lắm rồi. Thực ra ông muốn tránh sự so sánh rất bất lợi cho Hoan về nhan sắc giữa nàng và Lê dưới mắt các khách hàng. Thành thử sớm bỏ học một cách phí phạm mà rốt cuộc Hoan vẫn chỉ quanh quẩn trông nom việc trong nhà và học thêm được chút ít về dương cầm.

Mỹ, em Hoan, kém Lê những năm tuổi, theo học ờ trường nữ Gia Long. Mỹ rất chăm học mà vẫn kém có lẽ vì nàng ốm yếu luôn nên trí thông minh bị cùn nhụt. Được cái ở nhà cũng như ở trường ai cũng mến Mỹ, nàng hiền lắm, hiền đến nhiều khi như đần độn.

° ° °

Tân vừa bấm chuông chưa được vài giây, cánh cửa giữa đã mở tung, tiếng Lê reo làm chàng ấm lòng:

- Anh Tân, mời anh vào. Em đợi anh mãi.

Lê giới thiệu Tân bằng một giọng hân hoan với cụ Huấn, với ông bà Hoạch, với Hoan (Bà Thành khi đó đương kèm con học trên gác).

Cụ Huấn ngồi ghế giữa, trước mặt cụ là bình hoa, mỗi lần hỏi Tân một câu gì về quê quán, về gia thế, về công việc cụ lại rướn cổ lên cho cao hơn nhánh hoa hồng và chớp chớp mắt kh- iến câu chuyện trở nên muôn phần trịnh trọng. Ông bà Hoạch cũng hỏi về những ý đó nhưng giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Hoan không nói gì, nàng làm ra vẻ bận rộn trong việc pha trà tiếp khách. Lê, trái lại cười nói luôn miệng để hoặc bổ khuyết câu hỏi, hoặc bổ khuyết câu trả lời, rõ ra Tân là khách của riêng nàng.

Tân không hề nói chuyện về ngân hàng. Chàng kể trước đây hai năm chàng còn là sinh viên năm thứ tư trường thuốc... chàng thuật lại những năm ngoài hậu phương lưu động theo chiến dịch, càng làm việc càng thấy tinh thần hăng hái.

Cụ Huấn đỡ lời giọng rất văn vẻ: việc tận tâm tận lực như ông thực cao cả hiếm có.

Tân không tìm lời từ chối câu khen tặng quá đáng đó vì chàng thấy nghề thuốc quả đáng quý thật. Trong khi ôn lại kỷ niệm làm việc, Tân thấy lòng rộn ràng. Chàng nói:

- Thưa cụ, thưa ông bà, nghề thuốc mới chính là nghề của cháu. Vì hoàn cảnh cháu phải vào làm việc tại Ngân hàng ít lâu nhưng đầu niên học tới cháu đã trở về ngành thuốc rồi...

Lê cười ngắt lời chàng:

- .... để làm bạn với dao kéo. Em cứ nghĩ đến những dao cùng kéo, những mồ những xẻ mà chết khiếp người.

Tiếng Lê cười ròn để chấm câu. Tân ngửng lên nhìn bắt gặp đôi mắt tình tứ của nàng. Nàng không dấu giếm gì với chàng nữa. Vả nàng nghĩ nhìn Tân như vậy giữa đông đủ gia đình mà lại chỉ có một mình Tân biết thì càng kín đáo chứ sao.

Bỗng Lê hơi cúi đầu xuống nàng nhớ lời kỷ niệm ngày nào ngồi trong ô-tô với Paul và một anh bạn Việt chọc ngón tay muốn cù nàng. Khi ngẩng lên Lê còn gặp đôi mắt Tân giao tình trầm lặng, đôi mắt ấy bỗng có sức mạnh của ngón tay thọc vào bên sườn nàng. Đôi môi vẫn mím, Lê nửa như mỉm cười, nửa như bĩu môi nũng nịu để vừa trách, vừa thách thầm Tân: “Sao anh nhìn em lâu thế, em thi gan với anh nào”.

Cụ Huấn và Hoặc rút lui sang buồng bên, ông Hoạch xin lỗi Tân đưa mấy đứa trẻ đi xem phim Charlot, Hoan vội vã lủi lên gác với Mỹ... tất cả như đồng tình rút lui trong một thái độ khả ái để nhường sân khấu cho riêng hai vai trò chính. Tình thế thay đổi quá đột ngột làm Tân lúng túng khó chịu. Tự nhiên Tân cảm thấy việc tỏ tình Lê không cần thiết, việc nhân lúc vắng này nắm tay Lê không cần thiết, cả việc yên lặng nhìn thẳng vào đôi mắt Lê cũng không cần thiết còn nói chi đến việc ôm Lê vào vòng tay mà hôn?

Tân biết sự đột biến tâm lý đó chẳng qua là một biến chứng của căn bệnh lý tưởng. Chàng đành cam chịu như một trường hợp bất khả kháng vì chàng thấy giữa hai miền tuyệt đối - lý tưởng và thực tế - vẫn chưa có yếu tố môi giới nào để dung hòa. Mây vẫn bay trên trời cuồng nộ, trái đất bên dưới chóng mặt nhìn theo mây khao khát, nhưng đất, mây vẫn cách biệt. Tân muốn lắm, muốn có một tia chớp tựa như tia chớp đó làm lành được không khí, để mây đổ xuống thành mưa cho đất trời hòa hợp.

Tiếng Lê cười khẽ nhưng ròn:

- Chủ nhật trước Phát lại đây anh ạ.

Tân chột dạ nghĩ thầm: “Chết chửa Phát còn lại đây làm gì”. Nhưng chàng trấn tĩnh ngay và thản nhiên hỏi lại Lê:

- Ồ thế à, Phát vui tính đấy chứ.

Như không để ý đến lời nói trên của Tân, Lê hạ thấp giọng và cúi đầu về phía Tân (khi đó Lê đã ngồi ở ghế đối diện cách Tân cái bàn có lọ hoa) dáng nghiêm trọng chứ không nũng nịu hay lẳng lơ nữa

- Anh có biết không, Phát muốn bắt bồ với Hoan.

- Hoan nào nhỉ ? - Tân hỏi.

- Hoan chị em vừa đứng pha trà đây, trưởng nữ của bác

Hoạch em đấy.

Tân thấy nhẹ lòng muốn thở phào một cái, nhưng chàng thở nhè nhẹ và nói cũng nhè nhẹ:

- Hoan đẹp đấy chứ.

Lê mỉm cười vì biết Tân nói vậy để mà nói, rồi nàng tiếp, giọng vẫn hạ thấp:

- Hoan đánh piano cho Phát nghe một bài ngắn thôi trong

Classiques favoris quyển I. Phát vỗ tay!

Tân khẽ nghiêng đầu:

- Chắc Hoan chơi piano khá lắm.

Tân lại thoáng thấy Lê mỉm cười, nàng chớp mắt nhìn Tân chuyện đàn bà:

- Đào mỏ, Phát muốn đào mỏ! Lúc Phát về, Hoan tặng anh chàng chiếc mùi xoa.

Biết rằng nếu còn ngồi tiếp tục nghe chuyện như vậy Tân sẽ coi thường Lê mất, điều mà Tân không muốn, chàng bèn thủng thẳng nhưng đĩnh đạc đứng dậy rồi nói:

- Thôi tôi về nhé, cô Lê.

Một tia thất vọng thoáng qua trong ánh mắt Lê:

- Anh về làm gì vội, còn sớm mà.

- Thôi tôi còn phải đi có chút việc cần nữa.

Và Tân nghĩ thầrn: Lê muốn giữ mình ở lại lắm đấy nhưng thôi nên để người con gái thèm mình hơn! Rút lui như thế này là phải!

Lê tiễn Tân ra tận cửa ngoài. Tân dừng lại nói bằng giọng âu yếm khác thường để an ủi sự thất vọng của Lê:

- Thôi cô Lê cho tôi gửi lời chào cụ và ông bà Cả nhé. Qua ngày mai là ngày chủ nhật, ngày kia lại gặp cô ở nơi làm việc rồi.

Hai người cúi chào nhau, miệng cùng giữ nụ cười tươi.

Đi lang.thang một quãng khá xa, vô tình Tân thấy mình đứng trước một rạp chiếu bóng thường trực và phim đương chiếu chàng chưa xem. Mua một tấm vé Tân bước vào phòng tối, vừa ngẩng lên màn ảnh thì gặp cảnh một anh chàng cowboy tiến thẳng tới trước mặt người đẹp bên một dòng suối chảy róc rách, rồi bất thình lình anh chàng ôm lấy ngang lưng nàng kéo sát vào người khiến khuôn mặt nàng phải ngửa ra, chàng lập tức cúi xuống hôn, người đẹp thoạt vừng vẫy hai tay đập lên lưng chàng, rồi chỉ vài phút sau hai tay ngừng gây lộn mà víu lấy vai chàng trong một niềm vui cộng hưởng. Cái hôn say sưa yên lặng kéo dài.

Tân thẫn thờ đưa ngón tay cái lên miệng, chàng không dám ôn lại cảnh từ biệt với Lê vừa rồi vì chàng biết giờ đây thì chàng có đủ bình tĩnh để thấy sự vô lý của chàng khi ra đi như vậy.

Chương Ba

MỤ CÁT THÀNH

I

Tiếng Lê vui vẻ đối đáp với mọi người ở ngoài văn phòng làm Tân khó chịu mặc dầu chàng thừa biết sáng thứ hai nào cũng vậy, sau hơn một ngày cách biệt người đẹp ai nấy thấy cần phải hỏi Lê một điều, đùa Lê một câu để giải bớt niềm... tương tư.

Vẫn lắng nghe Lê, Tân nghĩ thầm:

- Có lẽ không bao giờ Lê buồn hay đúng hơn ngay cả khi buồn giọng Lê cũng vui như vậy. Có lẽ ngay cả khi gần chết Lê cũng không xấu đi.

Tiếng chân Lê tiến về phía buồng giấy cắt đứt mọi ý nghĩ bông lông trong đầu óc Tân. Tuy nhiên tiếng xì xào của các nhân viên văn phòng làm Tân kiêu hãnh vì chàng biết họ đang bàn tán về cảm tình giữa chàng và Lê.

Tiếng gõ cửa rồi tiếng Lê:

- Em vào được chứ ạ?

- Mời cô vào. - Tân cảm thấy tâm hồn mình man mác như cây cỏ dưới trận mưa dài liên tiếp và dập dìu.

Lê vào với nụ cười thật tươi, với ánh mắt thật sáng, lông mày và môi được trang điểm kín đáo, nàng mặc chiếc áo màu khá lộng lẫy. Nàng nhìn thẳng vào đôi mắt Tân, không có dáng khíêu khích nhưng giọng nói tha thiết:

- Em muốn thưa với anh một câu chuyện.

Một ý nghĩ thoáng qua đầu Tân: “Lê muốn tỏ tình trước chăng?” và chàng bình tĩnh nói:

- Mời cô ngồi.

Vừa ngồi xuống Lê nói ngay:

- Anh còn nhớ hồ sơ của ông Cát Thành đã nộp đủ từ sáng thứ bảy vừa qua để xin mở ngân khoản cho chuyến hàng sợi nhập cảng tự Pháp?

- Có chứ, sao?

- Đây là lần đầu tiên ông Cát Thành giao dịch với ngân hàng nhà.

Tân gật đầu:

- Vì vậy mà chúng ta chưa rõ năng lực cùng uy tín của ông trên thị trường.

Lê cười:

- Ông bà ta có tìm đến em và nhờ em nói chuyện với anh. Lần đầu tiên ông đứng tên nhập cảng ngành sợi nhưng em thấy quả là ông có thừa năng lực về tiền bạc, ông không phải hạng người bỏ hàng, xin anh hạ mức bảo đảm cho ông từ ba mươi phần trăm xuống mười lăm phần trăm để ông dùng tiền ấy kinh doanh ngay tại thị trường Sài Gòn.

Biết là mình không thể và không nỡ từ chối lời xin đặc ân của Lê nhưng Tân muốn trêu Lê:

- Không những tôi giữ nguyên mức bảo đảm cũ mà còn muốn tăng thêm một chút như với bất cứ khách hàng mới nào… Thất vọng hiện rõ trên nét mặt Lê, nàng cúi xuống nên không thấy cái mỉm cười rất hiền của Tân khi chàng ngẩng lên nhìn nàng cho đến khi nghe thấy tiếng Tân nói:

- Nhưng thôi cũng được, nếu cô đảm bảo ông Cát Thành là một nhà buôn đứng đắn thì tôi hạ mức bảo đảm xuống mười lăm phần trăm.

Lê ngẩng đầu nhìn Tân mắt sáng miệng cười, vẻ cuống quýt thơ ngây như con trẻ bất ngờ được quà mẹ, giọng nàng nói cũng cuống quýt như vậy:

- Cám ơn anh, ồ cám ơn anh!

Lê đứng dậy tay trái tì lên mép bàn, tay phải đặt mềm mại lên góc hồ sơ như muốn quờ nắm lấy bàn tay Tân gần đấy, phải chăng vì vậy mà Tân nghe giọng Lê êm như một dòng suối xuân chảy lẩn dưới rừng (lúc đó Tân không nhìn Lê nữa mà chỉ đăm chiêu nhìn vào bàn tay trắng mượt của nàng):

- Không hiểu sao anh ạ, hễ có ai nhờ việc gì em chỉ sợ làm không xong...

Lê đã chào chàng đi ra, chợt nàng trở lại:

- À có “giấy phạt” đấy anh ạ - nàng vừa cười vừa trao cho chàng thiếp mời dự tiệc cưới của người bạn cùng sở, chủ sự bên Ngân Quỹ.

Đọc lướt tấm thiếp bảo hỉ rồi Tân nói:

- Tất cả chúng ta bên Chứng Khoán góp tiền nhau lại mà mua đồ mừng anh bạn bên Ngân quỹ đó, như thế là tiện hơn cả.

Lê gật đầu hạ giọng:

- Hôm đó ăn xong là xuống pisle liền, ăn ở nhà hàng Đồng

Khánh.

Tân cười, giọng chàng âu yếm:

- Tôi sẽ là người đầu tiên mời cố nhảy. Lê khẽ cúi đầu:

- Hân hạnh, rất hân hạnh! Em được biết sẽ có cả vợ chồng ông Cát Thành, em sẽ giới thiệu với anh.

Lê ra ngoài và trước khi khép cửa còn ngoái cổ lại nhìn Tân nhí nhảnh thách thức.

Tân thấy mình như một công tử con quan chán ngán nếp sống bảo thủ, gò bó thốt nhiên gặp một nhan sắc phóng khoáng gần như “mất dạy” khêu gợi thú tính và chỉ thứ nhan sắc đó mới làm thỏa dược những sự dồn ép bấy lâu của chàng. Có lẽ chính vì vậy Tân luôn luôn cảm thấy Lê là người con gái đáng sợ (càng đáng sợ vì nhan sắc của nàng). Tân cho rằng Lê xuất hiện chỉ để hành hạ chàng, hành hạ nhẹ nhàng, kín đáo nhưng dai dẳng hữu hiệu như những giọt nước thánh thót rơi đều.., rơi hoài... làm mòn lõm phiến đá lớn.

- Cho đến ngày cưới Chính, anh bạn bên Caisse. Đám cưới thật linh đình, rõ ra đám cưới của một nhân viên nhà băng. Bạn bè hai họ dự tiệc chật ních cả gian phòng lớn, những thồi ăn kê sát nhau chỉ còn đủ chừa lối đi nhỏ ngay phía trước cửa cầu thang máy.

Tân ngồi cùng bàn với toàn những bạn quen trong ngân hàng hoặc cùng làm bên Portefeuille với chàng hoặc làm bên Caisse với Chính (chú rể). Câu chuyện đương có bề ngoài sôi nổi về thời giá tiền tệ thì có tiếng Lê nói với Tân ở phía sau. Tiếng nói của Lê tuy khẽ và rất êm mà vẫn làm chàng giựt mình vì trong tiềm thức chàng vẫn đợi tiếng nói đó từ lúc bước chân vào nhà hàng Đồng Khánh.

- Thưa anh, ông bà Cát Thành đến chào anh.

Khi Tân quay lại, Lê tươi cười làm công việc giới thiệu.

Tân kéo xê chiếc ghế sang bên rồi tiến ra cúi chào bà Cát Thành và bắt tay ông Cát Thành. Bốn người không bảo nhau mà đồng tình đứng gọn gọn vào khoảng trống giữa các thồi ăn để nói chuyện cho tự nhiên. Thực ra câu chuyện chẳng có gì đặc biệt.

Ông Cát Thành giơ ngón tay trỏ lên gãi gáy, mắt chớp nhanh, nhưng giọng nói trôi chảy:

- Dạ thưa ông chúng tôi rất hân hạnh được gặp ông hôm nay.

Bà Cát Thành nghiêng về phía Tân:

- Lẽ ra chúng tôi phải đến tận cư xá thăm ông, nhưng cô Lê đây cũng không được rõ ông ở dãy nào, buồng nào.

Ông Cát Thành lại đưa ngón tay trỏ lên gãi gáy:

- Dạ thưa ông, ông vẫn ở khu nhà do Ngân hàng cấp? Tân cúi đầu giản dị và nhã nhặn đáp:

- Thưa vâng, cư xá chúng tôi ở ngay bên kia cầu Quay Khánh

Hội, dãy C căn số 9.

Bà Cát Thành tiến lại một chút, giọng bà thân mật hơn:

- Thế nào một ngày gần đây chúng tôi cũng đến thăm ông. Bà cười, tiến thêm một bước nữa khiến Tân cảm thấy hơi thở của bà qua gáy chàng khi bà nói tiếp:

- Chúng tôi quyết định mở hãng xuất nhập cảng chắc chắn phải đợi lời chỉ giáo của ông nhiều. Dạ thưa, ông thường có nhà vào giờ nào ạ?

Tới lúc đó Lê mới xen vào:

- Thôi được bao giờ ông bà muốn đến thăm, tôi xin báo trước giúp.

Câu chuyện xã giao còn kéo dài thêm vài phút và Tân nhận thấy cứ trước mỗi câu trả lời ông Cát Thành lại giơ ngón tay trỏ lên gãi gáy tựa hồ nếu không có động tác đó ông sẽ không sao đẩy nổi ý tưởng ra khỏi đầu. Cùng với cử chỉ gãi gáy và đôi mắt chớp nhanh người ta tưởng lời nói của ông sẽ dấp dính rụt rè, trái lại lời nói của ông rất rõ ràng và trôi chảy. Điều đó làm Tân khó chịu vì chàng biết mình đương giao thiệp với hạng người xảo quyệt. Còn bà Cát Thành, bà đã xích gần chàng tới mức không thể gần hơn được nữa, khi bà nói bà còn hơi ngả đầu về phía trước khiến môi bà ở ngay dưới tai Tân. Gần cuối câu chuyện, cả hai vợ chồng tiếp lời nhau kín đáo cảm ơn Tân về việc chàng đã ưng cho hạ mức đặt tiền bảo đảm trong khi chờ hàng tới và kín đáo hơn hứa sẽ có cách tỏ lòng biết ơn. Tân cương quyết gạt lời hứa đó và nói chàng chỉ đại diện ngân hàng chứng tỏ lòng tin cẩn vào khâch hàng mới, có thế thôi. Đôi bên chào nhau một lần nữa.

- Tôi hạ mức bảo đảm là vì tin ở lời giới thiệu của cô chứ đâu để cầu một sự đền đáp cho riêng tôi! - Tân hơi cau có nói với Lê khi chỉ còn một mình nàng đứng bên.

Lê kéo ghế mời chàng ngồi rồi nàng ngồi ngay bên, điều đó đã làm cho Tân quên giận, nàng âu yếm giải thích thêm:

- Ông bà ta quen cách giao thiệp thường tình, đâu có biết tính anh, thôi anh bỏ qua cho điều đó anh nhé.

Khi Lê đã trở về bàn với các bạn gái của nàng, một anh bạn làm bên Caisse ở bàn bên sang hỏi Tân:

- Anh quen vợ chồng Cát Thành?

- Tôi cũng vừa được giới thiệu lần đầu - Tân đáp.

- Terrible!

- Terrible, sao?

Anh bạn ghé lại gần giải thích:

- Thằng cha chuyên dùng vợ làm phương tiện! Tân cười:

- Vợ hắn tự hiến thân làm phương tiện thì đúng hơn. Anh bạn chắc lưỡi phản đối Tân:

- Đã đành thế nhưng nhận xét của anh chỉ dừng một phần, tôi hỏi: vợ thích tự hiến thân vì dâm dật nhưng người chồng đứng đắn, nghiêm khắc, trọng danh dự thì sao?

Thấy Tân gật đầu, anh bạn tiếp câu chuyện dở:

- Hầu như hắn chỉ có một tham vọng duy nhất là làm giàu, hắn bèn sử dụng vợ làm phương tiện giao thiệp với các yếu nhân ngân hàng...

Anh bạn đặt một tay lên vai Tân:

- Như anh chẳng hạn. Tân bật cười:

- Trời ơi, tôi mà là một yếu nhân ngân hàng!

- Chứ sao, chủ sự bên Portefeuille trông nom hết về hối đoái cùng các hồ sơ xuất nhập cảng, chuyện chơi anh! Lát nữa anh sẽ thấy người chồng rút lui về trước để vợ lại tùy nghi giao thiệp...

Anh bạn trở về bàn. Vợ chồng Cát Thành đến chào xã giao một nhân vật khác ở ngay bàn đối diện. Tân tò mò quan sát họ kỹ hơn.

Người chồng dễ thường xấp xỉ năm mươi tuổi, mái tóc đã hoa râm. Đặc biệt mụ vợ chỉ mới trên ba mươi tuổi (cở tuổi Tân) dáng người khá đẫy đà. Mụ có nước da bánh mật, nước da khỏe mạnh của một Tahitienne. Mụ không đánh phấn mà chỉ tô đậm nét son ở môi. Chiếc áo dài mụ mặc thuộc loại nylon mỏng làm nổi hằn chiếc corset viền dentelle bên trong. Gấu quần của mụ cũng viền dentelle. Bộ ngực rất lớn và bắp thịt phía sau nổi lên như một nữ lực sĩ. Mụ đi giày cao gót - cao đến mười hai phân

- đế nhọn, dáng mụ đi không dở chút nào, trái lại nhịp nhàng lanh chao như dáng đi của những cô gái xinh xắn thon người, ngoài ra ở dáng đi đó còn có một vẻ gì rún rẩy khiêu khích đặc biệt riêng của mụ.

Rồi mọi người vào tiệc và quả nhiên lúc tiệc ta người chồng tiến đến trước cô dâu chú rể đưa ngón tay trỏ lên gãi gáy nói vài lời xã giao rất trôi chảy để sau cùng xin lỗi ra về trước. Quá nửa quan khách cũng lục tục ra về, còn lại những người biết nhảy. Tất cả các bàn ăn đã được gập lại cất đi để chừa một khoảng pis- te lớn ở giữa, một người bồi tới rắc bột talc lên dó rồi ánh đèn đỏ bật lên, đồng thời nhịp blue dìu dặt như tiếng nói thầm của yêu đương, một thế giới mới mở màn khác biệt hẳn với thế giới trước cách đấy chưa đầy nửa giờ.

Tân, Lê ở hai bên đối diện cùng đứng dậy mỉm cười nhìn nhau. Giây phút chờ đợi đã tới, họ sẽ xuống piste cùng với các cặp khác.Nhưng Tân chỉ vừa bước tới được mấy bước thi bà Cát Thành đi ngang qua nhìn chàng mỉm cười trang nhã, chờ đợi... Tân khẽ cúi chào và buộc lòng kèm theo lời mời xuống piste.

Mụ nhảy cũng nhẹ và đẹp như dáng mụ đi. Cả hai vừa nhảy vừa thù tiếp nhau bằng những lời xã giao đưa đẩy. Mùi hăng hắc của thân thể hòa với mùi Bain de Champagne tỏa ra tự mớ tóc dầy nhưng kéo chải của mụ làm Tân thấy bứt rứt. Gần tới cuối bản nhạc, qua đi mấy giây ngừng nói chuyện, mụ nhìn thẳng Tân vô cớ mỉm cười, đôi mắt không một chút lẳng lơ nhưng rõ ràng là lời tuyên bố thầm của một cánh cửa bỏ ngỏ, chàng có thể vào lúc nào cũng được. Khi bản nhạc dứt, toàn thân mụ hơi đổ về phía trước rồi đứng thẳng lại ngay. Tân rùng mình thấy ở mụ như cả một cây xác thịt kêu gào gió mưa.

Sang bản Pasodoble - bản thứ hai - Tân mời được nhảy với

Lê. Nàng đã từ chối mọi lời mời và ngồi chờ chàng ở một góc.

Cao, thon và thanh nhã, Lê uốn người bước theo nhịp nhạc tưng bừng, đôi lúc tà áo của nàng quấn lấy đùi chàng, những boucles tóc của Lê rủ xuống phủ gần kín tay chàng ở phía sau. Hơi ấm... hơi nóng ở toàn thân Lê như có tăng nhiệt độ để truyền thấm sang cánh tay Tân. Chẳng cần nói gì hơn, nhìn nhau trong đôi mắt, ôm nhau trong cánh tay như thế không đủ sao?

Sang bản Rumba (bản thứ ba) Tân nói với Lê:

- Thôi Lê ở lại tôi về, tôi hơi mệt không thể thức khuya hơn được.

Thật ra Tân muốn về để khỏi phải nhìn Lê nhảy với kẻ khác, vì chẳng lẽ chàng giữ Lê mãi. Như cá mắc cạn ngửi thấy mạch nước Lê nói ngay:

- Em cũng không ở lại, anh đưa em về nhé.

Lời đề nghị vừa ngoan vừa tế nhị. Đông phương biết mấy! Cửa lòng rộng mở như cửa trời một sớm bình minh huy hoàng, Tân đưa Lê xuống thang máy, Chàng hối hận trước đây đã nhiều lần muốn giận dỗi Lê một cách vô cớ. Trong khoảng thời gian ngắn ngồi trên tắc-xi cả hai ngập ngừng ôn lại tiệc vui vừa qua. Xuống tắc-xi Tân đưa Lê tới cổng sắt lớn nhà nàng sát lề đường. Thấy Tân nhìn mình hơi lâu, Lê hỏi khẽ:

- Anh định nói gì với em?

Tân lắc đầu:

- Định nói nhưng quên mất rồi Lê ạ.

Đó lần đầu tiên Tân bỏ chữ “tôi” để câu đáp được thân mật lên bội phần.

Cũng với nụ cười, Lê cúi chào, rồi dáng cao thon của nàng bước vào bóng hoa lá của khoảng vườn nhỏ. Tân nhìn theo cho tới khi bóng cao thon đó nhòa sâu vào bóng tối dưới hàng biên.

- “Em đừng khiêu khích như mụ Cát Thành, anh muốn giữ nguyên tình cảm nhẹ nhàng này với em!”. Tân nhủ thầm với hình ảnh Lê trong tâm hồn chàng như vậy, rồi chàng trở lại tắc- xi.

Xe qua chợ Bến Thành, vào đường Hàm Nghi một quãng Tân bỗng ngồi thẳng người và ngoái cổ lại. Một cặp... nhân tình, người đàn bà đúng là mụ Cát Thành, còn người đàn ông hình như là Kha.

“Lẽ nào, - Tân vừa giơ ngón tay giữa lên miết mạnh và môi dưới vừa nghĩ - có lẽ nào! Chắc mình trông lầm!”.

II

Sự thực Tân đã không lầm!

Một tháng trước đây vào một buồi chiều Kha cùng mấy người bạn trong giới văn nghệ vào ngồi giải khát tại tiệm La Pagode đường Tự Do.

Khi ra về một mình, còn đương đứng ở góc dường đợi tắc- xi thì một chiếc 203 bóng loáng lái sát chỗ chàng đứng. Trong xe một người đàn bà đẫy đà cầm tay lái, bên cạnh là người đàn ông gầy gò. Xe vừa thắng cho đứng khựng lại, người đàn bà thò đầu ra giọng đon đả:

- Anh Kha, anh còn nhớ em không?

Kha nhìn người đàn ông khẽ cúi chào, người đàn ông vội giơ ngón tay trỏ lên gãi gáy cúi chào đáp lễ. Người đàn bà tuy đẫy đà hơn xưa nhiều, nhưng chàng cũng nhận ra ngay:

- Cô Diễm!

- Cảm ơn anh - Diễm cười - em nghĩ anh quên em rồi. Xin giới thiệu anh đây là nhà em. Chúng em hiện mở hãng xuất nhập cảng ở đường Lê Lợi gần đây. Mình đưa cho tôi tấm carte.

Người đàn ông vội mở ví lấy ra tấm danh thiếp đưa cho

Diễm, Diễm đưa cho Kha:

- Địa chỉ đây, anh nhớ đến thăm chúng em.

Kha thấy lúng túng, không phải vì Diễm quá đon đả với mình ngay trước mặt chồng (Kha lạ gì tính Diễm) nhưng thấy khó xoay xỏa cách xưng hô thích hợp với hai chữ “chúng em” quá thân mật của Diễm, người chồng xem ra lớn tuổi hơn Kha rất nhiều. Sau cùng Kha ấp úng hướng về người chồng nói:

- Vâng khi nào thong thả tôi xin đến thăm ...ông… Tức thì người đàn ông giơ ngón tay trỏ lên gãi gáy:

- Dạ, chúng tôi hân hạnh... rất hân hạnh. Chiếc xe đã vụt đi, Kha cúi nhìn tấm thiếp: Cát Thành

Hãng xuất nhập cảng

Đường Lê Lợi số...

Hồi còn ở Hà Nội, từ sau ngày nấu nung khao khát Vân, suýt làm bậy với Miên, rồi đâm nhào đi tìm Diễm, cô gái lẳng lơ vẫn thầm yêu mình, Kha không gặp Diễm lần nào nữa. Diễm theo bà cô buôn hàng tấm xuống Hải Phòng và vào Nam trước.

Từ sau lần gần Kha, Diễm không quên được chàng. Trước kia, Diễm đã hưởng ân ái với bao nhiêu đàn ông và sau Kha với bao nhiêu nữa, nhưng chưa với ai nàng được như với Kha. Một sự ân ái đằm thắm từ lúc sắp hưởng qua lúc được hưởng, còn kéo dài... kéo dài như bất tận sau đó nữa. Chỉ vì Kha có thái độ tôn trọng người đàn bà và tựa hồ trong cuộc ân ái đôi bên đều mang ơn nhau. Đêm dó Diễm thủ thỉ với Kha trước khi chợp ngủ là mình có tính hễ gặp ăn mày thế nào cũng phải cho tiền mới yên tâm. Sớm hôm sau Kha đưa Diễm đi ăn điểm tâm tại một tiệm lớn Hàng Buồm. Lúc ra khỏi hiệu thấy có một bà cụ ăn mày đứng chực ngoài cửa, Kha trao chỗ tiền lẻ vào tay Diễm và nói:

- Em bố thí cho bà cụ trước cửa.

Cử chỉ đơn giản đó của Kha cũng khiến Diễm không sao quên được chàng sau này. Đưa cho bà cụ số tiền xong Diễm thấy chính mình mới là kẻ được ban ơn.

Di cư vào Nam, Diễm và bà cô thoạt thuê được căn nhà gần trại gia đình Thủy quân, Diễm đã quyến rũ được hai viên sĩ quan trẻ tuổi, sau nầy đều thành đại úy hạm trưởng. Khi dời nhà xuống khu Phú Thọ, chiều chiều Diễm ra đánh vũ cầu với những nữ sinh hàng xóm, tay lăm lẳm cầm vợt, mắt lim dim, ngực ưỡn... Toàn thân Diễm ngày một rắn chắc, tựa như càng mây mưa xuân tình càng nguyên vẹn, và ở đây Diễm đã quyến rũ được một nhà giáo đạo đức. Lần thứ ba Diễm mang hai con theo bà cô dọn xuống khu gần chợ Bến Thành mở được một cửa hàng vải. Diễm đảo mắt xung quanh chẳng thấy có chàng trẻ nào để quyến rũ. Sát với cửa hàng vải của cô cháu Diễm là tiệm sách lớn: Cát Thành.

Chủ tiệm Cát Thành là một người đã đứng tuổi lại còn nhom nên Diễm đâu có lưu ý tới. Y cũng mới di cư vào Nam. Hồi nhỏ ngoài Bắc y có học đến lớp nhất nhưng thi Certificat ba năm liền không đỗ, y bỏ học xoay ngang. Thoạt y xin vào làm công cho một hiệu sách tại phố Hàng Bông Hà Nội. Y chú ý học cách bày hàng xếp sách theo thứ tự nào cho dễ kiếm, cách vào sổ sách, cách kiếm hàng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, nói một cách khác y chuẩn bị ăn cắp nghề. Học thì dốt nhưng mánh khóe ăn cắp nghề thì y rất sáng ý, nửa năm sau y đã ra mở được một tiệm sách nhỏ ở phố Hàng Nón, vốn do người anh rể giàu có cấp cho. Ba năm dóm rau dóm bếp, tiệm sách nhỏ đã thành tiệm sách lớn, y mở thêm nhà xuất bản sách giáo khoa. Tất nhiên y đã học được những bí quyết ăn cắp tác quyền như in thừa sách, đổ chì để có thể tái bản mà tác giả không kiểm soát nổi. Y phát tài lớn. Y nghe lời chị và anh rể lấy vợ. Y tậu được chiếc traction 15 để tự tay phát hành sách quanh Hà Nội, Hà Đông, vợ y trông hàng. Vận y phát thì ngược lại người anh rể buôn hàng sơn - ân nhân cũ của y lại sa sút phải bán xe, bán một căn nhà. Đôi lần người anh rể vì cần quá phải mượn xe của y, khi y cho mượn khi không, nhưng người anh rể nhận thấy hễ lần nào y ưng cho mượn xe là y như lần đó xe vừa cạn xăng. Vợ y có mang nhưng bị tiểu sản chết, y không quan tâm điều đó cho lắm vì y đương kiếm ra tiền, y đam mê tiền chứ đâu có đam mê vợ. Y bỏ ngoài tai tiếng súng kháng chiến. Y bỏ ngoài tai những tin tức chiến sự, Việt Minh thắng Quốc Gia thua hay ngược lại thì có hề gì, y sở dĩ ở vùng quốc gia chỉ giản dị vì ở vùng này kiếm ăn được. Rồi y di cư vào Nam cũng do trực giác của kẻ ham tiền biết rằng vào Nam thì kiếm tiền dễ và giữ tiền được. Trước khi vào Nam y có được rất nhiều bạn hàng ở lại gởi y hàng tấn sách đóng thùng nhờ mang vào Nam bán được đồng nào hay đồng ấy và gửi tiền ra. Y niềm nở nhận tuốt, gửi theo đi mấy chuyến tàu thủy. Vào Nam sách bán hết bay nhưng y không gởi ra Bắc cho các khổ chủ lấy một xu nhỏ. Với số tiền lớn ăn không ăn hỏng đó y mở được hiệu sách lớn ngay sát cửa hàng vải nhỏ của Diễm.

Đã tạm thỏa mãn về vấn đề thu tiền, kín đáo ngắm cô hàng xóm đẫy đà y sực nhớ là y góa vợ đã mười năm có lẻ. Tiền nong không làm y béo ra, trái lại vì bao lo âu bố trí để kiếm ra chúng càng khiến y gầy yếu thêm và già đi trước tuổi.

Về tới chỗ ở mới đã hai tháng mà không kiếm được anh tình nhân nào. Diễm sốt ruột tưởng phát điên lên được. Diễm không ngờ mình đã được ông hàng xóm chú ý trong mối tình hồi xuân của y (với y có thể nói đây là mối tình hồi xuân được lắm). Một hôm thấy y vờ sang hỏi giá vải, Diễm hiểu ngay y có ý thăm mình. Theo phản ứng quen thuộc, Diễm có những cử chỉ nhỏ để khiêu khích quyến rũ ngay, trong thâm tâm Diễm chẳng thấy mảy may hào hứng. Lần thứ hai y sang, Diễm liếc nhìn y rất nhanh, cười chao chát một chút rồi kê chiếc ghế đẩu đứng lên với tấm vải hoa y chỉ. Y nhìn chiếc quần Diễm mặc bằng sa tanh láng còn trắng bong nhưng nhàu thiệt là nhàu (khi ngồi khi nằm Diễm cố dày vò cho ra thế) nơi đũng quần xác một con muỗi dính bẹp dí với một chút máu khô đen, áo viền đăng ten ở gấu, quần cũng viền đăng ten gấu. Y có cảm tưởng nếu y lấy Diễm, khối xuân tình và sức lực đó sẽ san sẻ một phần sang cho y. Thế là y quyết định tục huyền. Y mua được căn hàng lớn hơn ở đường Bonard (Lê Lợi), y chuyển sang nghề xuất nhập cảng, y bán chiếc traction 15 cũ mua chiếc 203 và cưới Diễm, Y đã nhầm, sức lực Diễm không hề chuyền sang cho y, ngược lại y cảm thấy... “vỡ nợ” dần. Sau cùng y bất lực hẳn. Không sao, lúc đó y mới thấy rõ là quả thực y chưa bao giờ tha thiết với tình ái, điều đam mê duy nhất của y vẫn là tiền.

Với cả hai đời vợ y cùng không con, nhưng thôi hai đứa con hai đời chồng trước của Diễm kia y thấy như con y là được. Từ đấy vợ, y... thả cỏ, hay đúng hơn y dùng vào những áp phe. Cho vợ học nhảy đầm, học lái xe hơi, ăn diện diêm dúa theo sở thích, và giới áp phe không ai còn lạ mụ Cát Thành từ đấy. Mụ giao thiệp với chủ tịch Ủy ban xét các nhà nhập cảng để có nhiều điểm mà được chia nhiều quota; mụ giao thiệp với nhà báo nọ để bịt miệng cây bút đó đừng tố cáo việc chồng mụ một lần tăng giá hàng phi pháp với số khách từ lục tỉnh lên; mụ giao thiệp với các chủ sự nhà băng để họ giảm mức phải đặt tiền bảo đảm, có lần mụ thành công mức bảo đảm giảm tới số không, tức là chồng mụ buôn khỏi vốn, nhà băng lại bảo đảm với Tổng nha Quan thuế thành thử mỗi lần có hàng về là chồng mụ lấy ra sớm nhất, tha hồ làm chủ thị trường.

Sau này khi chính thể nhơ bẩn gia đình trị đã làm ruỗng nát đất nước, làn sóng đỏ mấp mí ụp vào các đô thị, đã có những nhà xuất nhập cảng khác tới bàn với nhà xuất nhập cảng Cát Thành về việc qua Pháp cư ngụ. Riêng về vấn đề này y hầu như bỏ ngoài tai, vì tuy y cũng ham tiền như họ nhưng cái thông minh của y chưa đủ sâu sắc để trông xa, chuẩn bị lúc tổ quốc không sao cứu gỡ được nữa thì mang gia đình cao chạy xa bay sang nước người sinh cơ lập nghiệp, vừa yên thân vừa cho con cái được tiếp tục ăn học.

III

Từ sau ngày gặp Kha ở góc đường Catinat, Diễm có ý mong chàng đến thăm vợ chồng mình, nhưng biệt vô tăm tích, Diễm hiểu là hy vọng đó mong manh lắm. Lần đầu tiên Diễm ý thức được sự nhày nhụa của cuộc đời mình.

Hôm ở lại đám cưới để dự khiêu vũ rồi kín đáo quan sát thấy Tân ra về với Lê, Diễm cũng tự thấy mình không còn đối tượng để ở lại. Về gần đến nhà, phải dừng xe lại trước đèn đỏ Diễm vô tình đưa mắt vào một tiệm giải khát ngay bên góc phố, tiệm giải khát trải bề rộng, cửa mở cả hai góc để thu hút khách của cả hai hè phố, thấy Kha vừa đứng dậy với một cô gái trẻ tuổi. Thoạt Diễm ngờ là Kha đi với vợ, tuy nhiên Diễm cũng vội lái xe sát vào vỉa hè rồi chui ra lách vào đám đông hè phố theo Kha. Kha và người con gái dừng lại ở bờ hè đợi vẫy tắc xi, Diễm vờ nhìn vào cửa kính một tiệm bán đồ trang điểm gần đấy.

- Anh lên tắc-xi đưa em về nhé - người con gái nói.

- Cũng được! - Kha đáp.

Diễm đoán ngay cô gái chỉ là một nữ độc giả chả hạn cửa

Kha.

- Đưa em về anh có sợ chị ghen không?

Nghe cô gái vừa cười làm nũng vừa hỏi câu trên Diễm muốn nổi khùng lên, nhưng Diễm cũng thấy ngay rằng đó là sự nổi khùng tuyệt vọng vì làm sao mình còn có giọng nói trong sáng đáng yêu ấy nữa. Giọng nói chính là phản ảnh của tâm hồn.

- Làm sao mà chị ghen, anh coi em như em anh! Nhà em ở đâu nhỉ? Lời Kha đáp.

- Đường Hàm Nghi anh ạ,

Họ lên tắc xi.

Diễm quay lại xe, phóng theo. May sao Kha xuống xe và đưa người con gái vào hẻm gần đấy. Kha ra ngay gặp Diễm đã đứng trên hè làm bộ ngạc nhiên:

- Ủa anh Kha! Em đương đi kiếm số nhà một người bạn buôn (lúc này chiếc tắc xi có Tân lướt qua và Tân ngoái cổ lại rồi cho là mình trông nhầm thấy Kha).

- Cô đã kiếm thấy chưa?

- Chưa vì em không nhớ số đích thực. Anh đi kiếm với em được không?

Thoáng một giây ngần ngại Kha đáp ngay:

- Được chứ.

Hai người đi xuôi theo đường, Diễm đương lúng túng không biết gợi chuyện ra sao, một người ăn mày ở trong hẻm nhô ra, Diễm cười nói với Kha:

- Anh cho em một đồng.

Kha vừa mở ví vừa hỏi giọng vui vẻ:

- Cô vẫn còn giữ thói quen hễ gặp ăn mày là phải cho tiền? Cả đầu óc, cả tâm hồn Diễm bị choáng bởi tiếng cười trong suốt như ngọc và mát như sương mai của cô gái khi nãy, Diễm nói liều một câu theo tiềm thức không đắn đo.

- Anh muốn đưa em đi đâu cũng được, suốt đêm nay!

Kha như muốn dừng lại nhưng tiếp tục bước ngay, mấy giây sau Kha mới nói:

- Không được, cô đã có chồng.

Tuy Diễm đau đớn vô cùng về cách xưng hô của Kha cứ gọi mình bằng “cô”, nhưng tuyệt nhiên Diễm không hề oán hận Kha. Sau cùng Diễm vẫy được chiếc tắc xi và nói rất tự nhiên với Kha:

- Chắc là nhà người bạn buôn của em phía trước đây, anh về nhé, mong hôm nào anh lại thăm cửa hiệu nhà em.

- Còn tôi hiện vẫn ở đại học xá dãy ngoài cùng, có dịp nào qua đấy cô vào chơi tôi giới thiệu bà đầm tôi.

Kha đã vào ngồi trong xe Diễm nghiêng đầu hỏi:

- Có phải chị là cô bạn gái chiều chiều thứ bảy chủ nhật ngày nào ở Hà Nội vẫn đến làm cơm cho anh?

Kha gật đầu:

- Đúng đấy cô ạ.

Xe Kha đã quành lại phóng về phía Chợ Lớn, Diễm đứng lặng nhìn theo rồi thong thả trở lại xe, không vào nhà mà nhấn ga thẳng tới... tổ quỷ.

Tổ quỷ ở đây là một villa ở một khu thanh lịch và tĩnh Chủ nhân chiếc villa này không phải một người mà là ba cặp. Họ không phải hạng giàu lỏi con buôn gặp thời, họ đều là những bậc... trí thức nếu trí thức được căn cứ vào văn bằng và nhất là sự đã từng du học tận phía trời Âu. Họ đúng là những quái thai của khuynh hướng tìm hưởng thú vui nhục dục. Thoạt họ giao du với nhau thân mật đùa cợt rất chớt nhả mà họ đồng ý là như thế mới đúng với tinh thần tiến bộ phóng khoáng của Tây phương. Rồi họ tiến tới cả ba cặp cùng ngồi xem xi-nê “con lợn” cười đùa, nô rỡn, cấu véo nhau. Rồi tình trạng đó đến lúc nào không ai hay! Những con người sống buông thả như vậy trong một thứ mặc cảm văn minh thác loạn kiêu kỳ như vậy, tình trạng đó tất nhiên đến như chiều hết thì bóng tối tới có gì mà phải quan tâm, đó là tình trạng sống cộng đồng về tình dục.

Nhưng khi ra khỏi tổ quỷ họ lại là những kẻ “ta phết” trong xã hội phồn hoa và có dự phần quyết định trong những họp bàn chính trị sa lông.

Nhà xuất nhập cảng Cát Thành dạo này đã tạm thỏa mãn về giàu rồi, tấp tểnh muốn sang nữa, mụ Cát Thành mới đây gia nhập tổ quỷ vì thế. Cả ba nhà “trí thức” đều rất ham mụ. Mụ cũng được thu xếp để có một phòng riêng và khi mụ đến, thì nhanh chân anh nào anh ấy được.

Đêm hôm đó sau cuộc truy hoan, nằm lại một mình Diễm mơ thấy mình trở về thời con gái vừa làm lễ hợp hôn với Kha. Diễm ngồi bên màn, thắp ngọn nến leo lét hồi hộp chờ Kha ở buồng bên, hai buồng cách nhau bức tường ván. Diễm gỡ một tấm ván, lòng ngập niềm vui bâng khuâng chờ đợi, rồi Kha khom người bước sang. Tới đây giấc mơ chuyển ngay sang cảnh trí khác, Diễm ngồi trong một chậu tắm, Kha đứng cạnh đấy đọc báo cho Diễm nghe. Khi tỉnh dậy lần đầu tiên Diễm thấy thương mình xót xa và nghĩ thầm: “Nếu anh Kha yêu mình, lấy mình đời mình đâu đến nỗi này?” Từ đấy Diễm luôn luôn cảm thấy chua chát sau cơn vui. Hình như vì vậy mà Diễm không còn dư sinh lực chống nổi thời gian như trước, nhan sắc bắt đầu suy giảm.

Thử theo dõi thêm một quãng đường con thuyền bạc mệnh đó trên dòng đời (cũng là một thứ bạc mệnh chứ sao). Sau này khi chính thể quốc gia trong tay lũ gia đình trị đạt tới mức thối nát tối đa của nó thì cũng là lúc nhà xuất nhập cảnh Cát Thành thực hiện được chữ sang. Nhờ công vợ, y được nâng làm chủ tịch một chi hội quốc tế chuyên về công cuộc từ thiện. Một lần chi hội họp hội nghị ở Việt Nam, y đi đón các hội viên tại phi trường Tân Sơn Nhất. Lần đó chính phủ cho riêng y mượn một công xa Mỹ lớn. Y cũng đọc diễn văn mà một trong số ba nhà trí thức chuyên nhau ngủ với vợ y làm cho. Rồi đoàn người lên xe, một cảnh sát bận lễ phục trắng cưỡi chiếc mô-tô Hác-lây đi trước mở đường, rồi đến chiếc xe Mỹ lớn sơn đen bóng loáng riêng “ngài” chủ tịch ngồi, sau nữa đến năm xe chở hội viên, cứ hai vị một xe. Cả đoàn xe đi vun vút, y còm nhom ngồi co rúm nép vào một góc xe, trông như một con đỉa bể bám vào khoảng đuôi con cá voi trong khi cá đương bơi vun vút trong biển cả. Trước ngày họp hội nghị, y nhân danh là chủ tịch thết tiệc các hội viên tại nhà hàng Caravelle. Tất nhiên có sự hiện diện của mụ vợ chưng diện cực kỳ diêm dúa, nhưng tất cả những phấn soa trát lên mặt đó, những hàng xa xỉ phủ lên thân đó chỉ là một thứ mặt nạ, một thứ bình phong lòe loẹt che đậy một tâm trạng chán chường đến cực độ. Từ thượng từng, đứng ở khoảng nhà kiếng tì tay vào lan can sắt nhìn xuống theo dõi những chiếc xe hơi như những đồ chơi trẻ con tự động di chuyển trên đường, chiếc nọ nối đuôi chiếc kia, Diễm nẩy ý tưởng muốn đâm đầu xuống đó tự kết liễu đời mình. Chồng đạt tới mức “cao sang quốc tế” thì vợ cũng vừa tàn tạ như bông hoa rũ cánh ruỗng nhị. Giờ đây mỗi lần ngồi trước gương, người đàn bà đó cũng ngại không muốn nhìn kỹ bộ mặt của mình. Má đã có vết nhám của người đứng tuổi, hàm răng đã ngả màu vàng; tình nhân cũ khi nhập cuộc họ thường kín đáo tắt đèn đêm. Trước đây phải đến sau cuộc lang chạ người đàn bà ấy mới ôn lại ý nghĩ đã thành thói quen: “nếu anh Kha yêu mình, lấy mình, đời mình đâu đến nỗi này!” Nhưng giờ đây ngay từ giây phút khởi đầu, ý nghĩ đó đã vang thầm.

Tội nghiệp!

Chương Bốn

MỘT KÝ ỨC THÔ BỈ

I

Trên đây chúng ta vừa đi quá xa.

Hãy trở lại với cặp tình nhân trẻ Tân, Lê. Đứng nhìn theo bóng cao thon của Lê nhòa sâu vào bóng tối dưới hàng hiên, Tân nhủ thầm với hình ảnh Lê trong tâm hồn: “Em đừng khiêu khích như mụ Cát Thành, anh muốn giữ nguyên tình cảm nhẹ nhàng này với em!” Rồi chàng ra về, khi xe qua đường Hàm Nghi chàng ngoái cổ lại ngỡ là trông nhầm thấy Kha. Sự thực chàng đã không nhầm!

Về tới nhà thay đồ ngủ lên giường nằm Tân mới tự thống trách vừa rồi đã quá thận trọng với Lê. Từ lúc xuống thang máy cho đến khi cả hai ngồi bên nhau trên tắc xi sao không một lần cầm lấy tay Lê mà tuyên bố tình yêu. Tân nhớ lại nguyên vẹn lời Kha nói với chàng ngày nào ở Hà Nội:

“Tình yêu lý tưởng là tình yêu trọn vẹn! Tình yêu không thể đơn phương toàn vẹn ở cử chỉ âu yếm, ở lời nói âu yếm. Tình yêu toàn vẹn phải có con dấu của nó, đôi tình nhân phải ở trong vòng tay nhau say mê để tự chứng thực. Kể cả sự trần truồng cũng sẽ không bao giờ là thô bỉ nếu có sự say mê chân thật làm nòng cốt. Thuần xác thịt sẽ quái đản như kẻ có hình mà không có bóng, thuần lý tưởng sẽ phi lý như có bóng kia mà chẳng có hình!”

Tân vùng dậy mở tung cửa sổ rồi mới trở lại nằm. Gió đêm lùa vào mát lạnh. Tân còn nhớ lại cảm giác khi ôm Lê theo nhịp nhạc, lần áo nylon trơn mỏng mát rượi dưới tay, tà áo nylon trơn mỏng đôi lần quấn lấy chàng như muốn bủa rộng ra thành một thứ vải liệm êm ái. Lâu lắm chàng mới chợp ngủ được.

Ánh hồng rực trời Đông hồi sáu giờ sáng làm hồng cả mặt sông rộng Sài Gòn. Ngọn đèn điện đỏ đòng đọc trên tấm biển một công sở trông nhỏ mọn trơ trẽn như một kẻ cố tình u mê, cô độc bám vào ảo mộng. Tân vùng dậy với tiếng chim hót. Chàng vục đầu vào chậu nước lạnh. Khi chải đầu nhìn vào gương Tân thấy nhớ những boucles tóc của Lê rủ trên hai bờ vai xinh, trên lưng thon của nàng! Tân ra khỏi nhà sớm, rẽ vào một con đường nhỏ nhưng rất sạch, hai bên là những biệt thự trầm lặng và quý phái dưới những vòm cây. Vô tình Tân dừng lại trước một dậu bìm hoa tím, một con bướm chỉ bằng chiếc khuy áo xinh cánh vàng bay lăng xăng. Vẻ hoạt động của con bướm nhỏ trông vừa nên thơ vừa cảm động, cái hồn nhiên của đôi cánh nhỏ như choáng ngợp hồn Tân. Tự bên trong dậu bìm hoa tím có tiếng một thiếu nữ, nàng đương bực tức điều gì:

- Mần chi cũng phải cho hộp pháp mới đặng chớ!

Giọng miền Nam của nàng nhầm chữ hợp ra hộp nhưng Tân thấy sự lầm lẫn đó đáng yêu như chính giọng nàng. Tâm tưởng như có thoảng thấy đôi môi chúm tròn với đôi má phụng phịu. Tân muốn ngay khi đó được ôm Lê hôn thật dài lên môi nàng và ao ước được nghe Lê nói: “Em chết ngộp trong yêu đương, anh ơi”.

Tân vẫn bước đều rất thong thả... Tia nhìn của chàng bỗng ngừng lại ở một mái nhà rêu phủ xanh đen những lá úa từ những cây cao rụng xuống mủn ra trên đó thành một lớp màu đủ cho một số cỏ và một số cây leo bám vào mà mọc lên khá xanh tốt. Tân vùng quay lại để tránh một... ký ức thô bỉ (đó là danh từ của riêng chàng đặt ra). Tân tiến đến một hiệu ăn sáng ở ngã tư đường lớn. Cái ồn ào của hiệu ăn sáng không xua đuổi được “ký

ức thô bỉ” (lẽ ra phải nói là “kỷ niệm thô bỉ” mới đúng). Khi Tân tới ngân hàng còn nửa giờ nữa mới tới giờ làm việc. Cái vắng lặng của phòng giấy và của toàn thể ngân hàng ép buộc Tân phải quy hàng trước “ký ức thô bỉ”. Sức chống đối của chàng chỉ khiến “ký ức thô bỉ” giờ đây phản ứng lại với tất cả mạch lạc chi tiết rạch ròi của nó như một cuốn phim hình nổi không những đầy đủ màu sắc còn đầy đủ mùi vị nữa.

II

Phóng tia nhìn vào ký ức...

Căn nhà cao ráo lợp rạ với ba gian riêng biệt ngăn bằng vách dựng trên đồi thông, khi trông xa không có bóng người như am ẩn sĩ, nhưng khi có bóng Sinh thấp thoáng ra vào, căn nhà thanh đạtn bỗng nhuộm vẻ ân ái có thực của câu sáo ngữ “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Lá thông rụng xuống mái nhà biến thành thứ đồ bón cực tốt, chừng một năm sau ngày nhà được dựng, hai mái biến thành hai khu vườn xinh kiểu mẫu có thảm cỏ xanh làm nền cho rất nhiều cây hoa nhỏ màu sắc khác nhau.

Tân còn nhớ một buổi sớm mùa đông hiếm có kia với vừng Đông phớt hồng, gió dạt dào trong rặng thông và chim hót trên một cây sim già gần đấy, trời rét ngọt... Sau một đêm dài đẫy giấc. Tân vươn vai ngồi nhỏm dậy tỉnh táo nhưng đôi lông mày chợt nhíu ngay lại, khuôn mặt cau có đượm một vẻ thất vọng chua chát. Nguyên do: cánh cửa buồng bên mở tung, không có màn che, hắn ôm Sinh; người đàn bà đẹp thùy mị - vợ hắn - trong một thế nằm co quắp. Hắn còn ngủ say và giấc ngủ của hắn mệt nhọc một cách thô bỉ, mồm hắn há hốc, hắn thở đều trên mái tóc đen mượt của người đàn bà mà ngay cả khi ngủ nàng vẫn giữ được vẻ thùy mị khả kính.

Đó là hôm thứ bảy, hôm cuối cùng Tân ở nhà hắn. Lẽ ra

Tân cũng không có quyền gì giận hắn ở cái thế nằm co quắp đó.

Rất có thể sau nầy lấy vợ, Tân cũng ôm vợ như vậy. Chàng giận vì mới hôm trước đây chàng được biết thêm về một chuyện tình khác của hắn với một cô gái thơ ngây xảy ra vào những ngây đầu kháng chiến, cô gái đó tên là Thoa. (Mãi sau này về Hà Nội quen Lãng gặp Thoa, Tân mới biết Thoa chính là em ruột Lãng). Hắn đã ăn nằm với Thoa - cô gái thơ ngây ấy - ở một căn nhà đổ nát phố Hàng Buồm để rồi bốn ngày sau hắn lẳng lặng theo trung đoàn Thủ đô rút lui khỏi Hà Nội, không một lời từ biệt. Thoa ở lại có mang. Anh nàng - Lãng - tìm thấy nàng trong một tình trạng thảm thương đến nỗi hai ba phút sau người anh mới dám tin là cô đàn bà tiều tụy trước mặt là em mình. Người anh đã gầm lên: “Tao sẽ giết thằng đó! Tao sẽ giết thằng đó!”

Khi hồi cư vào Hà Nội hắn có chạm trán với người anh, hẳn không bị giết vì nhiều lẽ giả định. Có thể vì bào thai Thoa mang đã chết yểu, rồi nàng cũng lấy được người chồng công chức tử tế. Tân có dịp được gặp Thoa tại Hà Nội do Lãng giới thiệu trước khi nàng theo chồng đổi vào Nam (trước ngày di cư nhiều), như thế còn khơi dĩ vãng lên làm gì? Có thể vì xã hội quốc gia thời đó có những cái bỉ ổi chướng tai gai mắt gấp ngàn vạn lần, tỉ như chuyện tên tổng trấn miền Trung kia đã dùng uy quyền của mình phá hoại trinh tiết biết bao con nhà tử tế; hay mỗi khi có một “tai to mặt lớn” của chính phủ trung ương tự Sài Gòn kinh lý đến Hà Nội, tức các “tai to mặt lớn” địa phương tự bích thành một thứ ma cô quý phái đi tìm những đĩ quý phái dâng lên quan thầy... Xã hội như vậy thì so với việc dĩ vãng đôi trai gái bám lấy hạnh phúc trong một hoàn cảnh cheo leo thập tử nhất sinh có gì là đáng trách? (Sau này khi rõ hết nguyên ủy, Tân nghĩ nếu đã lý luận như vậy để tha thứ cho hắn, tâm hồn Lãng quả thực đáng mến lắm thay). Phải rồi, Tân còn biết hồi cư về tới Hà Nội chưa được một tháng hắn thích một vũ nữ rất trẻ và đẹp. Số hắn đào hoa thế đấy! Cô vũ nữ ghen ngược, đến tận nhà chửi nhau với Sinh rồi xông lại túm tóc Sinh. Hai người đàn bà vật lộn giữa nhà trong một cảnh tượng vô cùng bỉ ổi. Càng bỉ ổi ở chỗ đối tượng ghen tuông là... hắn! Càng bỉ ổi ở chỗ trong khi hai người đàn bà nguyền rủa nhau như vậy thì hắn khoanh tay đứng ngoài, cười thích chí, ngăn không cho hàng xóm vào can và tuyên bố với những người này: “Mặc chúng nó! Đứa nào thắng được chồng”. Đứa thắng lẽ cố nhiên là vũ nữ. Khi đó Sinh đã có hai con với hắn và đành mang hai con về ở với cha mẹ - ông bà lục sự. (Đã không cần mẹ thì hắn cần gì con?) Tình trạng lờ mờ đó kéo dài cho đến ngày di cư vào Sài Gòn. Sau cùng Sinh đành đệ đơn xin ly dị. Tình cờ vào đúng ngày tòa xử, Tân gặp Sinh. Tân vô vùng bất bình về cách cư xử thô bạo của hắn, nhưng điều làm Tân bất bình hơn cả chính là thái độ của Sinh. Sinh vẫn ra chiều bịn rịn với hắn, nàng rút mùi xoa chấm nước mắt nói với Tân: “Thực là anh ấy tệ quá lắm, em mới đành phải thế này.” Tân bực dọc suốt một tháng sau. Rồi một ngày kia không hay tin Sinh lấy chồng, một kỹ sư mới du học ở Đức về. Chàng thở dài sung sướng, thấy nhẹ hẳn người.

III

Hắn đây chẳng phải là ai xa lạ, chính là Hoạt bạn đồng hương của Tân. Tính tình Hoạt rất thẳng thắn, điều đó Tân không quên, trái lại trong thâm tâm, Tân luôn luôn nêu đức tính đó lên làm thứ bửu bối phòng vệ cho Hoạt mỗi khi “ký ức thô bỉ” nổi dậy làm máu trong người Tân sôi lên...

Ngày nào phải bỏ học về quê đúng vào năm lụt, Hoạt Tân cùng nhau đi bắt cá hai tháng liền, tình thân của tuổi trẻ khá thắm thiết. Sau dó Hoạt - như chúng ta đã biết - được một người bà con đem ra Hà Nội chân “ét” tài xế trên con đường Hà Nội

- Nam Định, Tân ở lại quê tiếp tục đánh cá với cậu bé Phiệt em họ chàng. Mùa nước rút chàng bắt đầu giúp mẹ trong việc buôn bán. Chẳng bao lâu Hoạt bỏ nghề “ét” ô tô, đăng vào công binh. Qua đi ba năm Hoạt giải ngũ, xin được chân tập sự thợ máy trong một xưởng chữa ô-tô, Hoạt đã thật sự là một chàng trai trưởng thành lực lưỡng cao lớn, da bánh mật, mặt vuông, râu mép râu cằm xanh om, thường ngày nào Hoạt cũng phải một lần cạo để làm dáng. Hoạt thấy rằng cũng nên cạo râu cho nhẵn nhụi để có thể nói đùa dăm ba câu với bất kỳ cô gái xinh đẹp nào gặp ngang đường, nhưng Hoạt làm dáng theo tiếng gọi của trực giác hơn là của lý trí, tựa như con gà sống đến tuổi đạp mái thì tự nhiên biết xòe cánh chạy quanh, thế thôi.

Cao lớn, khỏe mạnh, ăn nói bạt mạng, Hoạt có cái tướng uy hiếp đàn bà, nên lời nói đùa của Hoạt tuy không có gì là duyên dáng - thường là thô lỗ - nhưng vẫn được các cô tiếp nhận bằng nụ cười nếu không niềm nở thì cũng ít khi có tính chất dè bỉu.

Ngày còn là cậu con trai mới lớn đi bắt cá với Tân năm lụt, Hoạt ngô nghê lắm. Khi ra Hà Nội làm “ét” ô-tô mấy năm bản năng hung bạo được dịp phát triển mạnh, khi vào công binh hàng ngày va chạm với bạn đồng ngũ, với cấp trên, sự hung bạo được soi mòn góc cạnh, hành động của Hoạt có khôn ngoan hơn nhưng vẫn là thứ khôn ngoan do bản năng tự vệ đúc kết thành chớ không phải thứ khôn ngoan chuốt lọc của lý trí sau nhiều suy tư. Khoảng thời gian giải ngũ về làm thợ máy ô-tô, Hoạt có ý tránh mặt Tân mỗi khi đôi bên có thể gặp nhau trên đường phố Hà Nội. Đó là mặc cảm tự ti của Hoạt khi thấy người bạn cũ trở lại đời ăn học. Tân cũng biết vậy và mặc dầu chàng hết sức niềm nở với Hoạt, đôi khi đích thân đến thăm Hoạt, cũng không khiến Hoạt gần chàng thêm chút nào. Cuộc kháng chiến bùng nổ, trong khi Tân theo lớp huấn luyện cán bộ tăng gia sản xuất tại đồn điền Lợi Ký ở Phú Thọ thì Hoạt tản cư lên Đức Thắng (Bắc Giang) mở ngôi hàng chữa súng lấy cái tên rất kêu là Việt Hùng. Trại tăng gia ở Ấm Thượng bị tan rã, Tân kịp về quê gặp mẹ trước ngày mẹ mất, kế đó Tân đi Chiêm Hóa (Tuyên Quang) theo học quân y rồi lang thang theo trường nay đây mai đó. Mãi đến 1950, nhân một dịp đi khám sức khỏe cho sinh viên lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V, Tân qua Đức Thắng và gặp Hoạt đúng vào thời cửa hiệu Việt Hùng thịnh đạt nhất. Hoạt đã cưới vợ được hơn một năm. Lần này vì trong hoàn cảnh tản cư, thái độ tự ti không còn lý do tồn tại, đôi bạn đồng hương cùng nhau tỏ bày tình cảm nồng hậu. Hoạt đứng ở cương vị chủ nhân ân cần lưu Tân ở lại nhà mình trong thời gian chàng công tác trong địa phương này. Lẽ cố nhiên Tân vui vẻ nhận lời. Thời gian công tác của chàng là bảy ngày.

Trong thời gian bảy ngày ở nhà Hoạt, được dịp gần gũi để chứng kiến nếp sống của Hoạt, được nghe chính Hoạt tự thuật trong tiếng cười hề hề, được nghe một số thanh niên năng đi lại nhà Hoạt thuật lại, tới ngày đó Tân mới rõ hết cuộc đời tình ái của Hoạt. Chính những điều tai nghe mắt thấy này đã kết hợp lại thành cái mà Tân gọi là “ký ức thô bỉ” và chàng thường cố tìm cách xua đuổi mỗi khi chúng rục rịch tái xuất hiện, bởi chúng mâu thuẫn một cách quá sỗ sàng với bản tính của chàng.

° ° °

Ngày đầu kháng chiến cửa hiệu chữa súng Việt Hùng của

Hoạt mở ở gần chợ Đức Thắng. Lính thì đeo súng dài: mút-cơ tông, sì ten, mas 36, indochinois. Cấp chỉ huy thì kè kè “đùi chó” (súng lục) bên hông thôi thì đủ kiểu: Colt, walter, Browning,

Mauser... danh từ thời thượng gọi là “quan to súng ngắn”. Cửa hiệu Việt Hùng là nơi đi lại của các “quan to có súng ngắn” hoặc hóc đạn, hoặc hỏng một bộ phận nào. Cách cư xử cùng lời ăn tiếng nói của Hoạt tuy không được lịch sự nhưng đàng hoàng,

Hoạt lại vào hạng khéo chân khéo tay nên các quan to đều rất hài lòng mỗi khi súng ngắn của các ngài lại sử dụng được như xưa.

Nhưng điều làm ông chủ hiệu Việt Hùng lừng lẫy một thời, ấy là có lần phi cơ địch thả xuống một trái bom không nổ, Hoạt tháo ra, lấy thuốc súng cùng một số bộ phận bên trong. Các quan to càng tín nhiệm cửa hiệu Việt Hùng. Và một thiếu nữ trẻ đẹp, có học đem lòng cảm phục Hoạt, tên nàng là Sinh.

Sinh là con một ông lục sự tại tòa án Hà Nội. Nàng được theo học năm thứ tư trường Đồng Khánh thì xảy ra cuộc kháng chiến toàn quốc. Nàng còn một người em gái tên là Nhàn theo năm thứ hai tại một tư thục lớn thủ đô (Ông bà lục sự hiếm hoi chỉ sinh hạ được hai cô con gái). Hai chị em theo cha mẹ về ấp nhà ở Đức Thắng lánh nạn. Tại miền quê xa xôi này, những chàng trai trong đoàn thể thanh niên trong dân quân tự vệ đều là những người thật thà chất phác. Sinh năm đó vừa mười tám tuổi, khuôn mặt tròn, nước da trắng, đôi mắt đen hiền, nụ cười rất hiền với hàm răng trắng đều, ở nàng có một vẻ đẹp vừa thanh thản, vừa chịu đựng, vẻ đẹp của tượng bà Thị Kính trong chùa tay ôm đứa trẻ đặt trên đầu gối, đôi mắt nhìn sâu vào niềm đạo lý xa xôi. Nhàn kém Sinh hai tuổi cũng khổ người như vậy nhưng nhí nhảnh và tinh ranh hơn.

Từ ngày hai người đẹp về ấp, thanh niên quanh vùng có ưa chải chuốt hơn xưa, chiều chiều họ năng tới sân vô lây ở ngay trước cửa ấp, đường banh bay bướm hơn nhiều, sự nói cười hào hứng hơn nhiều, nhất khi thấp thoáng sau lũy tre thưa có bóng người đẹp tựa cửa nhìn ra. Tuy nhiên nếu được gặp người đẹp ngoài đường hoặc đi ngược chiều với người đẹp, các chàng lúng túng ra mặt, chân tay như thừa, thường khi họ cúi mặt rảo bước, Nhàn thường bụm miệng cưới nhiều khi trêu họ thêm để họ càng lúng túng. Những lúc đó Sinh phải nghiêng nét mặt đưa mắt làm hiệu phản đối em. Sinh thấy thương hại những chàng trai đó, quả thực nàng cảm thấy họ họ với nàng tuy hiện gần nhau đấy mà vẫn cách xa nhau muôn trùng, chắc chắn chẳng bao giờ họ dám ngỏ tình yêu với nàng. Vừa lúc đó Hoạt tới mở cửa hiệu Việt Hùng. Là người Hà Nội tản cư, Hoạt luôn luôn giữ ưu thế tự tôn mặc cảm từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói. Nhân viên hành chính huyện, thanh niên địa phương thích đi lại làm quen với Hoạt để quan sát, học hỏi lấy cách cư xử của... người Hà Nội. Ngày đầu kháng chiến còn những căn nhà dựng biệt lập trên đồi để những bông hoa biết nói (cũng mới từ Hà Nội tản cư tới), chờ đón khách tìm hoa. Cửa hiệu Việt Hùng phát đạt nên về đêm Hoạt rất năng lui tới chốn này, thường kéo theo một thanh niên địa phương hoặc một nhân viên trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện để họ học hỏi thái độ ăn chơi. Không bao giờ Hoạt quên mang theo một chiếc đèn pin. Tia đèn rọi, tiếng rầy la hốt hoảng nhưng âu yếm thanh thanh, kèm theo với tlếng cười hề hề của Hoạt. Rồi Hoạt ra ngồi phòng khách trao đèn pin cho người đi theo thản nhiên uống nước đợi. Hoạt lại có tham gia giúp các nam nữ thanh niên địa phương tổ chức những buổi diễn thuyết hoặc những buổi kịch tuyên truyền tại đình Đức Thắng. Các nữ cán bộ các thiếu nữ xã cũng ra chiều mến Hoạt lắm. Hoạt luôn luôn chớt nhả vởi các nàng mà các chỉ cười hoặc lườm yêu. Buổi kịch đầu tiên có vai thôn nữ do một thanh niên nhỏ nhắn trắng trẻo phụ trách. Đến phút cuối cùng nhà dàn cảnh Hoạt mới thấy thiếu chiếc yếm, bèn tức tốc đảm nhiệm việc đi mượn. Hoạt vẫy một thiếu nữ lẳng lơ nhất xã ra góc đình, nơi có một bụi găng lớn.

Thiếu nữ nguýt yêu:

- Bảo gì?

Hoạt ghé sát tai nàng:

- Cho mượn cái yếm.

- Nỡm!

- Thật đấy, ai đùa! Để đóng kịch mà. Mau lên!

- Nỡm!

- Ngượng cái con khỉ gì, mau lên. Rồi đóng khuy áo lại ai biết đấy là đâu mà sợ.

- Khỉ! Chờ một tí vậy.

Đoạn thiếu nữ đứng sau bụi găng, khi ra nàng trao cho Hoạt chiếc yếm. Hoạt mừng rơn cầm lấy chảy thẳng vào buồng trò, trao cho chàng thanh niên nọ, cười hề hề:

- Này cầm lấy, còn ấm hơi người đấy, thế là đủ lệ bộ nhé! Buổi kịch đầu tiên đó, Hoạt đứng ra giới thiệu và cũng là lần đầu tiên Hoạt bắt gặp Sinh trong số khán giả đứng bên dưới.

Mỗi lần ra giới thiệu numéro mới Hoạt lại cố ý nhìn Sinh như con rắn thôi miên con nhái và Sinh e lệ cúi đầu, trong lòng nàng hơi nao núng trước cái bề thế uy nghi của thân hình Hoạt. Kế đó đến việc Hoạt tháo quả bom không nổ, danh tiếng chấn động cả một vùng. Các thanh niên suy tôn Hoạt như người anh cả, các thôn nữ coi Hoạt như một chàng trai lý tưởng, Sinh thấy lòng bâng khuâng. Một buổi chiều kia, lúc đó đã nhòa nhòa tối, Hoạt gặp Sinh từ xa đi lại trên con đường đất đỏ rộng từ chợ về ấp. Hoạt tiến lên để gặp Sinh. Chính Sinh luống cuống. Con đường vắng, cả cảnh đồng vắng, Hoạt ôm gọn lấy Sinh hôn lên má kh- iến nàng càng luống cuống cố ẩn ra không được, sau cùng nàng muốn khuỵu xuống... Khi Hoạt buông ra, nàng cắm đầu rảo bước về ấp. Nàng không dám chạy, không đủ sức chạy nữa, bên trong lồng ngực như trống rỗng, hơi thở hổn hển. Nửa tháng sau Sinh đã chính thức là vợ Hoạt. Lễ cưới theo đời sống mới rất đơn giản, cử hành ngay tại đình. Các thanh niên địa phương giúp Hoạt trong việc trang hoàng trụ sở hành lễ và đạt giấy mời các đại diện quân, dân, chính. Mặc dầu Hoạt không chính thức nhận một nhiệm vụ nào trong các cơ quan địa phương, nhưng theo sáng kiến của đồng chí xã bộ, một khẩu hiệu lớn nhất được căng ra chính giữa: “Không nên vì ái tình mà quên nhiệm vụ !”

Đọc khẩu hiệu đó Hoạt đã hề hề cười và nói:

- Ý tôi muốn sửa lại là “Không nên vì nhiệm vụ mà quên ái tình!”.

Sự thực không những Hoạt không có nhiệm vụ mà không có cả ái tình để mà quên. Bảo là Hoạt yêu Sinh mà lấy nàng? Không phải! Hoạt chỉ thấy Sinh đẹp và muốn sử dụng nhan sắc đó. Quả thế, cái đặc biệt khác người ở Hoạt là điểm Hoạt hoàn toàn coi đàn bà như một “đồ dùng” và không một chút bận tâm đến tình cảm họ. (Có thể nói Hoạt thản nhiên dẫm lên tình cảm của họ.)

Rồi có những thanh niên Hà Nội tản cư về vùng này, họ vào giúp Ủy ban Hành chính Kháng chiến, họ vào giúp ban kịch lưu động, họ vào dạy trường công hay là mở trường tư... Tới đó thanh niên địa phương mới hiểu thế nào là người Hà Nội thật. Họ lém lỉnh trong lời nói, thông minh và thận trọng trong cách cư xử, kín đáo và nhã nhặn trong tình yêu. Thanh niên địa phương bắt đầu ác cảm với Hoạt nhất là họ từng chứng kiến thái độ thô bạo của Hoạt đối với thần tượng của họ là Sinh. Thêm một điều khiến thanh niên địa phương càng ghét Hoạt: chính là vụ Hoạt tháo được quả bom không nổ. Nguyên do giới quân sự tỉnh cho đó là một kỳ công và hết lời ngợi khen lòng đũng cảm của Hoạt. Lời ngợi khen nồng nhiệt của giới quân sự tỉnh đã làm giới quân sự địa phương cảm thấy bẽ mặt chẳng khác nào vừa nhận được một lời khiển trách gián tiếp.

Ông bà lục sự sau buổi đầu kháng chiến, tâm trạng có ho- ang mang và ưng gả con gái lớn cho Hoạt. Cả hai ông bà cùng đồng ý cho việc gả con gái như “chiếc bánh, bóc được cái nào hay cái ấy”. Vào thời loạn Sinh lấy được Hoạt cũng là may. Kịp khi ông bà nhận ra tính tình con rể thì ván đã ghép thuyền rồi, hối cũng chẳng kịp. Duy có Sinh, nàng đã có khuynh hướng chịu nép một bề dưới uy thế hung bạo của Hoạt ngay tự buổi gặp mặt vào đêm kịch đầu tiên, uy thế đó hoàn toàn chiếm lĩnh nàng vào buổi chiều ngày nào Hoạt ôm gọn và ép chặt nàng trong cánh tay. Rồi sau ngày cưới, Sinh không hối, không trách, nhiều khi được hưởng ân tình trong vui vẻ nàng còn thấy kính trọng Hoạt. Đó là cách biểu lộ tình yêu thụ động nhưng sâu xa của nàng!

Mãi về sau này Tân còn nhiều khi tự hỏi về tâm lý kỳ dị đó của Sinh. Lẽ ra nàng phải kiêu hãnh về nhan sắc của nàng thì nàng lại cam chịu nép mình nô lệ cho hung bạo không một chút phản ứng.

IV

Gặp nhau ở Đức Thắng, Hoạt thu xếp chỗ ngủ cho Tân góc trong gian giữa, gian này cũng là phòng ăn. Vợ chồng Hoạt ngủ gian bên trái; gian bên phải dành cho “quan to” nào đến chữa súng, hoặc có công tác qua đó tạt vào ngủ nhờ.

Trong thời gian bảy ngày ở đây, Tân nhận thấy các quan to đến ngủ nhờ luôn và chỉ một thoáng quan sát Tân còn hiểu thêm họ đến vì bị hấp dẫn bởi nhan sắc của Sinh. Có thể là Sinh biết điều đó nhưng Hoạt thì không, không phải là Hoạt ngốc, trước sau Hoạt vẫn chỉ coi phụ nữ là một thứ đồ dùng...

Ngày Tân đến ở nhà Hoạt thì Sinh đã bị sẩy đứa con đầu lòng sáu tháng. Sự sẩy thai đó lỗi ở chiến tranh một phần nhưng lỗi ở Hoạt một phần lớn.

Nguyên sau ngày cưới Sinh, Hoạt cho dựng ngay căn nhà ba gian trên đỉnh đồi thông này và dời cửa hiệu chữa súng Việt Hùng lên đó. Phía sau đồi là nhà bếp và dưới chân đồi là một khoảng thung lũng nhỏ, Sinh cho làm chuồng nuôi lợn và nuôi gà. Hoạt còn cho trồng một dãy chuối viền theo chân đồi và vỡ nương ở sườn đồi trồng sắn. Một năm sau Sinh có mang. Nàng có mang được sáu tháng thì có tin đồn Tây sẽ nhảy dù ở Đức Thắng, Hoạt bèn cấp tốc quyết định tạm tản cư lên nhà một người bạn cũ ở một địa điểm thuộc huyện Lạng Giang cách đấy chừng hai chục cây số nhà ở ngay bên bờ sông Thương và dựa lưng vào một miền chập chùng những đồi thông, ông bà lục sự tới can thế nào Hoạt cũng không nghe. (Kể từ sau ngày cưới, Hoạt cho là ông bà lục sự không còn một tí quyền hành gì với mình cũng như với Sinh). Ông bà lục sự đành khóc mà từ biệt con gái. Bấy giờ đã bắt đầu mùa đông.

Hoạt đưa vợ lên đường vào buổi chiều. Anh chàng đi phăng phăng phía trước, Sinh khệ nệ vác bụng cố rảo bước theo sau. Thỉnh thoảng Hoạt quay lại cau có giục: “Mau lên! mau lên! con Khỉ!”. Đi được mười cây số Sinh muốn khuỵu xuống, hơi thở phì ra cả hai tai, may sao vừa khi đó gặp một “Quan to” đã có lần nhờ Hoạt chữa súng và đã nhiều lần đến ngủ đỗ nhà Hoạt “Quan to” này là một cán bộ đại đội trẻ tuổi, có học, nét mặt thanh tú.

Chàng “Kim Trọng quân sự” đó dừng xe hỏi chuyện Hoạt. Sau khi hiểu rõ sự tình chàng tức khắc quay xe lại - chiếc xe Ster- ling còn mới nguyên nhỏ và nhẹ như chim én - mời Sinh ngồi lên porte-bagage và cắm đầu đạp cho đến bờ sông Thương cách đó mười cây. Lẽ cố nhiên trên đường đi chàng có nói chuyện với nàng - câu chuyện hết sức đứng đắn - và Sinh khép nép trả lời.

Một giờ sau Hoạt tới, Kim Trọng quân sự lịch thiệp trả lại người đẹp và bâng khuâng trở lại đường cũ.

Vừa đến địa điểm mới Sinh thấy đau bụng, đêm hôm sau nàng sẩy, may mà không bị băng huyết.

Cùng một đêm nàng sẩy, chàng cán bộ đại đội chỉ huy đột kích một đồn địch bên kia sông Cầu. Họ vô tình đi vào một bãi mìn ngụy trang. Hai quả mìn đầu nổ làm tung xác hai đội viên. Quả thứ ba nổ, nạn nhân chính là viên cán bộ chỉ huy đại đội chàng Kim Trọng quân sự.

Về sau có người biết chuyện nói đùa: “Hai trái mìn đầu nổ, trong ánh hào quang chàng còn thấy mình đương đạp xe đèo nàng trên con đường đất đỏ Lạng Giang, tới trái thứ ba, chàng thực sự đạp xe vào ánh hào quang đó ôm theo hình ảnh nàng vào một giấc mộng tình bất tuyệt”.

Là lời nói đùa nhưng cũng có thể là sự thực, ai biết?

Tuy bị sẩy nhưng ở chỗ cảnh đẹp, khí hậu tốt, sẵn thức ăn, sẵn hoa quả, Sinh lại người rất chóng, nàng đẫy lên một chút và đẹp một vẻ đẹp vô cùng quyến rũ của người đàn bà mà tục ngữ gọi là “gái một con...” Một tháng sau thấy rằng tin Tây sẽ nhảy dù Đức Thắng là tin vịt, Hoạt cau có trở lại căn nhà trên đồi xưa tuyệt nhiên không một chút ngượng ngập về cái việc vội vã ra đi vô cớ, không hối hận vì việc Sinh đã bị sẩy oan. Ông bà lục sự cũng chỉ biết mừng là được gặp lại con gái, tuyệt nhiên không tỏ vẻ oán giận gì Hoạt vì ông bà biết có oán giận Hoạt cũng bằng thừa. Hoạt cần gì!

Dưới đây là lịch trình câu chuyện bảy ngày Tân ở lại nhà

Hoạt.

Hoạt hơn Tân hai tuổi, Tân có khuynh hướng tự nhiên coi Hoạt như anh, coi Sinh như chị dâu. Ở với Hoạt được một hôm, trưa hôm sau khi Tân vừa đặt mình lên giường định chợp ngủ một lát cho lại sức sau một buổi làm việc tận lực thì có tiếng Hoạt ở buồng bên dõng dạc gọi:

- Sinh!

Tiếng Sinh ở ngoài rất thùy mị:

- Dạ?

Tiếng Hoạt càng dõng dạc và gọn:

- Vào anh bảo!

Sinh vào và kín đáo khép cửa lại...

Một lát sau nàng rón rén ra, mái tóc hơi xô lệch, dáng bẽn lẽn liếc trộm về phía Tân. Tân đã tinh ý vắt tay lên trán vờ ngủ.

Kể ra thái độ đó của Hoạt rất thường đối với Sinh, nhưng lần này nàng bẽn lẽn vì ngượng với Tân, người bạn đồng hương của chồng và là một thanh niên - nàng biết lắm - có học thức và nhã nhặn.

Nhàn, em Sinh, hàng ngày vẫn tự ấp lên căn nhà trên đồi thông thăm chị. Nhàn cũng đã tới tuổi mười tám. Nếu Sinh đẹp tươi mát thì Nhàn đẹp nồng nàn, nếu Sinh lúc đó có sức quyến rũ thụ động của “gái một con” thì Nhàn có sức quyến rũ chủ động của một cô gái tràn trề sức sống và vừa đến tuổi dậy thì. Ngay hôm đầu gặp Nhàn, Tân đã bị hấp dẫn bởi nhan sắc đó. Sự làm quen với Nhàn không khó bởi Nhàn tự nhiên lắm. Đôi mắt sáng, nụ cười nhí nhảnh, má hồng, môi hồng, cả vẻ hồng hào của khuôn mặt và sức sống tràn đầy ở cơ thể Nhàn như có tiết ra hơi ấm mà Tân cảrn thấy khi đứng bên nàng nói chuyện.

Ngày đó gần Nhàn (cũng như ngày nay gần Lê) Tân vẫn tự khép mình ở thế đứng trầm tĩnh và trang trọng của người đứng ngắm một tác phẩm tuyệt mỹ của hóa công.

Ngày đó Tân có được nghe câu chuyện mà chàng ưng lắm vì nó phản ảnh hết tâm trạng chàng. Có chàng trai kia yêu cô em gái người bạn học thân. Cô gái biết cách làm dáng, son phấn dùng vừa đủ má hồng môi đỏ rất tự nhiên. Mỗi lần đừng trước nàng - dù gặp dịp vắng vẻ - chàng trai cũng không dám có cử chỉ sỗ sàng. Chàng quan niệm ôm nàng, hôn nàng đều là những cử chỉ xúc phạm người đẹp, rất đáng khiển trách. Một buổi sớm kia chàng đến chơi, nàng vừa rửa mặt chưa kịp son phấn, đôi quầng mắt hơi thâm và đôi môi trắng bệch. Được biết nhan sắc thật của nàng và mãi đến ngày đó - nhân lúc chỉ có hai người ở buồng ngoài - chàng mới dám mạnh bạo tiến lên ôm nàng như hằng mơ ước và hôn nàng say sưa, say sưa vì chàng đã tỏ tình một cách hợp lý nhất mà lòng không hề bị dầy vò. Khám phá thấy người đẹp không đẹp lắm đáng lẽ phải thất vọng thì trái lại anh chàng tỏ vẻ rất yên lòng. Ba tháng sau cặp đó thành vợ chồng và cho đến nay sống với nhau rất hạnh phúc. Có những chuyện tình kỳ lạ như vậy!

Nhan sắc của Nhàn - và nhất là sau nầy nhan sắc của Lê nữa - đâu có cùng trường hợp như câu chuyện trên. Vào những lúc Tân đứng gần và nhìn thẳng vào một trong hai nhan sắc đó Tân có cảm tưởng nhìn vào một thứ gương trong vằng vặc không một gợn bụi. Dạo đó gần Nhàn, Tân giữ được trang nghiêm và thanh thản ; thanh thản vì quanh chàng không có tình địch. Sau này gặp Lê chàng vẫn giữ được trang nghiêm nhưng thường hay có thái độ dằn dỗi, phải chăng vì thấy Lê quá cởi mở về tình cảm khiến chàng luôn luôn có cảm tưởng bị vây bọc bởi không biết bao nhiêu tình địch vô hình. Sự dằn vặt đó còn do lòng kiêu hãnh của Tân trong tình yêu lý tưởng vì chúng đinh ninh rằng chỉ với chàng, Lê mới tìm được một tình yêu xứng đáng với nhan sắc nàng.

Trở lại chuyện Nhàn! Một nhan sắc đầy quyến rũ như Nhàn đâu có được Hoạt kiêng nể. Tân thấy Hoạt từng thản nhiên sai Nhàn xuống chợ mua thứ này thứ nọ như sai con sen. Và Nhàn cũng lẳng lặng tuân theo, không một thái độ phản đối nhỏ. Hoạt có tướng khuất phục đàn bà như thế đó. Kỳ lạ!

Hôm đó, hôm thứ năm Tân ở nhà Hoạt, gã để ý thấy rõ sự thân mật chớm nở giữa Tân và Nhàn, vào buổi trưa trước giờ ăn, Hoạt chặc lưỡi bảo Tân:

- Ối chào! lúc nào vắng, cậu cứ ôm béng nó “làm” bừa đi. Nhõng nhẽo!

Thoạt Tân trợn tròn mắt ngạc nhiên vì thái độ Hoạt. Ở miền đồi nương chập chùng giáp giới Việt Bắc này phải hàng mấy vạn cây số vuông mới có được một người đẹp như vậy!

Buổi chiều đó Nhàn lại từ ấp lên chơi, chủ tâm để được nói chuyện với Tân. Nhàn không giấu tình cảm của nàng với chàng trai sinh viên quân y ấy.

Thoáng thấy bóng Nhàn, Hoạt hỏi:

- Hình như dưới chợ hôm nay có bán thịt bò tái?

- Dạ có - Nhàn đáp.

- Cô xuống mua cho tôi ba lạng để ăn cơm chiều. Tiền đây. Hoạt xòe tiền đưa cho Nhàn và Nhàn lùi lũi đi xuống đồi

Khi nàng trở lên, Hoạt bảo:

- Cô thái cho tôi, dao thớt ở dưới bếp.

Sinh bưng mâm cơm lên. Nhàn đi xuống bếp. Tân đưa mắt thấy Nhàn mang dao thớt ra vại nước rửa. Nàng vừa vào bếp thì con chó vàng tự trong nhảy ra và tiếng nàng la:

- Thôi chết con Vàng tha mất miếng thịt rồi!

Tân thấy nét mặt Hoạt xa sầm, khi Nhàn vừa lên tới nơi, Hoạt đập mạnh tay xuống bàn, mâm cơm nẩy lên một chút, bát canh chao đổ ra mâm, mấy chiếc bát lật nghiêng trên bàn và mấy chiếc đũa rơi xuống đất, kèm theo tiếng nói sẵng rất thô bỉ:

- Thế thì còn nói chuyện làm chó gì nữa. Nhõng nhẽo!

Sinh xanh mặt lẳng lặng cúi nhặt đũa và xếp lại mấy chiếc bát. Trông Sinh lúc ấy mà Tân muốn gắt lên với nàng: “Làm sao chị sợ nó như một nô lệ vậy?!” Mặt Nhàn thì đỏ bừng, nhưng cũng đành quay đi. Nhàn khóc, Tân còn ở lại mấy ngày nữa nhưng không được gặp Nhàn, nàng ngượng mà không tới. Tân càng căm phẫn về thái độ thô lỗ của Hoạt.

(Không bao giờ Tân còn được gặp Nhàn nữa, vì sau khi Tân dời khỏi nhà Hoạt được một tuần, thì Dakota địch đến thả bom giày xuống chợ Đức Thắng đúng ngày phiên, Nhàn bị tử nạn vào dịp đó.)

V

Sáng hôm thứ sáu - chỉ còn một hôm nữa Tân hết nhiệm kỳ công tác - vô tình nói chuyện với một thanh niên huyện. Tân thâu lượm thêm được một thành tích thô bỉ nữa của Hoạt. (Những thành tích này Hoạt vẫn tự động bô bô kể lại cho người khác nghe với đầy đủ chi tiết coi như chuyện thường tình chẳng đáng khinh mà cũng không đáng trọng). Đó chính là câu chuyện tình của Hoạt với Thoa, em gái Lãng.

Câu chuyện Tân vô tình thâu lượm được đó, sau này khi chàng về Hà Nội quen Lãng, biết thêm về Thoa, đem kháp lại thì có thể tóm tắt cho có mạch lạc như sau:

Trước ngày kháng chiến toàn quốc, khoảng từ 1940 đến

1945 Hà Nội đầy rẫy những tay bịp bợm, anh chị, trên thượng lưu một chút có tướng số bịp bợm, quan thầy bịp bợm, dưới hạ lưu thì là những tay anh chị với những tên như Thành què, Sinh bơi chèo, Tạ poing américain...

Cuối phố Gia Long, gần hồ Thuyền Quang có hai vợ chồng kia đều lai: tây lai và đầm lai.

Anh chồng nghiện và gầy oặt nhưng cách ăn mặc bao giờ cũng đỏm đang. Hắn nói tiếng Việt y như người Việt nhưng khi nói tiếng Tây thì lại đặc Tây, lúc đó người nghe có thể chú ý thấy mũi hắn có hơi cao một chút, đôi mắt hắn có hơi xanh một chút nghĩa là hắn có lai Tây ít ra vào khoảng hai mươi lăm phần trăm. Tên hắn: Victor P.

Ngược lại với thân hình gầy gò của người chồng, Nicole - người vợ - cao, khỏe và lẳn. Khuôn mặt Nicole không một chút vết tích của sự lai. Nicole cũng không nói được cả tiếng Pháp trừ nhưng tiếng “toa”“ moa” và vài danh từ thường dùng. Có lẽ Nicole hưởng được dòng máu lai ở chỗ thân hình cao lớn và ở tinh thần phóng đãng khi giao du với nam giới quen thuộc. Để duy trì ưu thế về dòng máu lai, Nicole rất chịu khó tập thể dục để giữ cho corps thon với bộ ngực nở. Nicole hết sức tránh sinh đẻ và dùng những xú-chiêng đắt tiền, loại đặc biệt gởi mua tận Paris để khi mặc áo dài (Nicole không bao giờ mặc đầm) có thể biểu diễn được bộ ngực vừa cao vừa gọn rất... đầm.

Nicole không làm gì cả chỉ biết tiêu tiền. Kiếm tiền là việc của Victor.

Ngoài cửa nhà, Victor cho dựng tấm bảng lớn để toàn tiếng

Pháp:

Victor P.

- Professeur de danse

- Tuilerie

- Blanchisserie

- Auto-école

- Charcuterie

- Import Export.

Có một người Pháp chính cống dừng lại trước tấm bảng lởn, đọc rồi mỉm cười thốt ra câu:

- Il fait tout! (thằng cha làm tuốt!)

Nếu danh thiếp của các ông nghị hiếu danh thời đó in đặc những chức tước thì danh thiếp của Victor P, in đặc những nghề nghiệp.

Trong ngần nhiêu nghề, nghề chính của Victor là dạy nhảy đầm nhưng hắn dạy quá ư tài tử nghĩa là chểnh mảng lắm. Ngày đầu nhận tiền, hắn có nhúc nhích dạy cho học viên quy tắc vài bước tang hoặc boston rồi từ lần sau hắn để mặc các học viên cũ, mới nhảy với một số vũ nữ điệu ngồi chầu ở đấy. (Trong số vũ nữ này có những cô đến tập nhảy cho quen, có những cô đến câu khách). Nhiều học viên đóng tiền ba tháng, được Victor chiếu cố dậy cho ba lần (vào những ngày đầu tháng y nhận tiền) rút cuộc chưa biết gì hết, cũng có học viên sau một tháng ghi tên đã nhảy giỏi, đó là công cửa chính học viên năng đến thực hành với một vũ nữ thành thạo nào đó (rất có thể đôi bên đã thành tình nhân). Nghề chính, nghề dạy nhảy của Victor, thì tiến hành như vậy, còn các nghề khác: sản xuất ngói lợp nhà, thợ giặt, dạy lái xe hơi, hàng thịt, xuất nhập cảng các dụng cụ làm nhà, các đồ phụ tùng xe hơi... là hắn đứng thầu. Dưới trướng hắn túc trực một lũ anh chị để hắn sai đi lấy hàng mỗi khi có mối. (Y gầy yếu nhưng là Tây lai, y bịp khách hàng nhưng rộng rải với người dưới vì vậy rất được các tay anh chị khâm phục và trung thành.)

Chính là hồi Hoạt đương tập việc thợ máy tại một garage ở phố Lò Đúc, cách đấy không xa. Hoạt có đến “Hãng xuất nhập cảng các đồ phụ tùng xe hơi” của Victor mấy lần để mua đồ. Cách ăn mặc của Hoạt mỗi lần đi giao thiệp như vậy không sang nhưng không tồi - tàn, dáng người quắc thước vạm vỡ và cái nhìn sống sượng của Hoạt khi đặt vào thân thể Nicole đã khích động người đàn bà lai này. Nicole chưa kịp “vẫy tay” Hoạt đã “xông vào”

Sau buổi đầu hợp hoan, Nicole thốt lời khen Hoạt.

- “Toa” hay lắm!

Rồi Nicole đích thân dạy Hoạt nhảy đầm, chỉ một tháng sau Hoạt nắm được hết bí quyết những pas thuộc loại bay bướm - fantaisie.

Victor cũng biết vợ y thân mật với Hoạt nhưng y coi đó là thường (có lẽ y cho như thế mới thực Tây!) Rồi chính Hoạt đứng ra dạy khiêu vũ, lĩnh lương tháng khá hậu và bỏ nghề thợ máy ô tô. Thế là ở ngay lĩnh vực dạy nhảy này, Victor cũng rút nốt về vị trí một chủ thầu.

Những cuộc đi lại bán công khai giữa Hoạt và Nicole tiếp tục Cả đôi bên cùng coi nhau như phương tiện nên không có gì đáng nói. Hoạt cũng cho in danh thiếp dưới dòng họ tên là dòng ghi chữ bằng tiếng Pháp:

Trần Hoạt

Professeur de danse

Sau ngày cách mạng tháng tám, Hoạt cho in lại danh thiếp hoàn toàn bằng tiếng Việt cho hợp với tình thế:

Trần Hoạt

Giáo sư khiêu vũ

Tai nạn của Thoa cô gái thơ ngây bắt đầu từ đấy.

Thoa mồ côi mẹ từ sớm, trước đây theo học ở Couvent des oiseaux, nhưng rồi khi cha - quan phủ về hưu - cũng mất nốt, anh còn theo học bên Pháp, nàng tự ý bỏ học về quê - làng Thương Điền (Bùi Chu) - trông nom gia sản. Nói là trông nom sự thực Thoa có biết gì mà trông nom, nàng chỉ về quê cho có mặt, điều khiển trông nom là các vị bá thúc bên nội bên ngoại.

Đỗ kỹ sư điện học ở Pháp, về nước vào năm 1942 nhưng vì thấy cách thức thực dân tuyển dụng người bản xứ không xứng đáng với tài năng, Lãng từ chối nhập ngạch công chức. Coi mảnh bằng như một thứ trang trí, Lãng đứng ra mở một tiệm cơm Tây lớn - tiệm Oasis - ở đầu phố Tràng Tiền trông ra hồ Gươm, từ chín giờ tối trở đi có khiêu vũ.

Thoa đã chót nghỉ học một năm, ngại không muốn tiếp tục nữa, thì Lãng giao cho việc trông nom sổ sách cửa hàng.

Là một thanh niên phóng khoáng nên việc làm “chủ quán” này cũng hợp với khả năng Lãng, khả dĩ giúp chàng quên được mối hận sinh bất phùng thời. Lãng còn biết thổi saxophone, rất nhiều đêm Lãng có mặt trên dàn nhạc khiêu vũ mà hầu hết các nhạc sĩ đều là bạn hữu của chàng.

Thái độ coi khinh danh lợi của Lãng vừa có tính chất cách mạng vừa có tính chất nghệ sĩ. Lãng có liên lạc cảm tình với một số bằng hữu là chiến sĩ cách mạng, rồi theo con đường cảm tình đó chàng đi vào dự chung một lập trường chính trị với họ. Lãng liên lạc với Khiết vào dạo này.

Năm có cuộc Cách mạng Tháng tám, Thoa vừa mười tám tuổi. Dáng người phổng phao, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi lông mày cong đậm, đôi mắt mở lớn lay láy. Thoa có vẻ đẹp phúc hậu của Thúy Vân và mặc dầu theo học trường đầm ngay từ nhỏ, nét mặt Thoa vẫn hao hao như một cô Tầu lai. Cho đến năm đó nàng đã mười tám tuổi mà ngôn ngữ chỉ vẫn còn bỡ ngỡ lắm.

Thường chiều chủ nhật nào Thoa cũng có mặt ở quầy hàng từ sáu giờ đến chín giờ tối, thay cho cô caissière nghỉ. Từ chín giờ tối trở đi bắt đầu khiêu vũ, quầy hàng sẽ do mụ chủ vũ nữ tới ngồi thay.

Một chiều chủ nhật Hoạt được một học viên là một công chức hạng lớn có xe hơi mời đi tới tiệm Oasis để lấy lòng mong Hoạt truyền cho hết bí quyết những pas bay bướm. Bàn của hai người kế cận với quầy hàng đủ để Hoạt buông vài lời bông lơn xuồng xã tới tai Thoa. Thoa nghe và hồn nhiên mỉm cười, đôi mắt đen láy nhìn vào khoảng không như nhìn vào một xứ mộng nào mà nàng cũng chưa hiểu và đang tìm cho hiểu.

Lúc ra về, Hoạt đi sát vào quầy tiền đưa mắt lẳng lơ thìn nàng rồi ghé xuống nói:

- Đẹp lắm, em ơi!

Tiếng cửa xe đóng xầm, Hoạt còn ngoái cổ nhìn nàng lần nữa, giơ tay vẫy. Khi xe đã rồ máy chạy, Hoạt nói với ông bạn:

- Trông con bé ngon mắt đấy chứ? Ông bạn cười đáp:

- Nếu ngon mắt chủ nhật sau chúng ta lại đi.

Chủ nhật sau ông bạn lại rủ Hoạt đi thật, và lẽ cố nhiên

Hoạt cũng có những cử chỉ để Thoa nhận ra mình ngay.

Chín giờ, các vũ nữ đã đến, dàn nhạc bắt đầu hoạt động, khởi đầu là bản Tango.

Thấy Thoa còn ở quầy hàng, Hoạt đứng dậy mời một vũ nữ quen và nhảy giỏi nhất xuống piste (vũ nữ nầy vẫn thường đến nhà Victor). Cuộc biểu diễn bất ngờ nhưng chính vì thế mà càng thêm phần hào hứng. Thoa đã bước lên cầu thang gác còn đứng lại xem. Lãng cũng vừa từ trên gác xuống đứng chung với dàn nhạc. Theo nhịp nhạc dìu dặt cặp nam nữ biểu diễn đó khi tiến khi lui, khi lướt nhanh, khi ngập ngừng, khi bước theo góc ngang bằng xổ ngay, khi xoay tròn như bị gió cuốn.

Bản nhạc vừa dứt cử tọa vỗ tay, Lãng từ trên dàn nhạc bước xuống nói lớn:

- Bravo, ông bạn nhảy hay lắm!

Hai người bắt tay thân mật và Hoạt trao cho Lãng tấm danh thiếp trong khi Thoa lên cầu thang về phòng riêng của nàng. Hoạt cho rằng tấm thiếp “Trần Hoạt - Giáo sư khiêu vũ” đó sẽ gián tiếp giới thiệu mình với người đẹp tò mò, nhưng Thoa có tò mò gì đâu, nàng dừng lại dưới cầu thang theo dõi cuộc biểu diễn như theo dõi một tấn tuồng hay mà thôi.

Cuộc Cách mạng tháng tám bùng nổ, tiệm Oasis vắng khách hẳn, nhất là về sau chinh phủ độc lập lại hô hào toàn dân cần kiệm và thanh niên đừng đi nhảy để tập trung tất cả năng lực và tài lực vào việc gìn giữ và kiện toàn nền độc lập mới giành được của xứ sở. Khiết thoạt làm chủ tịch tỉnh Kiến An rồi được mời về thủ đô giữ chức chánh văn phòng bộ Nội Vu. Khiết thường tìm Lãng và nhờ Lãng làm thoi liên lạc giúp Khiết với một số anh em đồng chí ở Nam Định. Tiệm Oasis dạo này đã đóng cửa.

Rồi Khiết đi Nam Kinh với một số anh em, Lãng còn ở lại với một số anh em. Khiết đã dặn Lãng kỹ đường lối sang Tàu để Lãng có thể đi một mình sau này nếu cần. Tuần sau Lãng đi Nam Định về một việc Khiết ủy khác. Cuộc kháng chiến bùng nổ bất ngờ, Lãng bị mắc kẹt tại thành Nam.

Một mình Thoa sống giữa kinh thành khói lửa xiết nỗi hãi hùng. Khi quân Pháp kiểm soát được khu phố Tràng Tiền, Thoa chạy tới ở nhờ nhà một người bạn học tại phố Cầu Gỗ, đêm đêm nhìn về phía nhà cũ chỉ thấy những vệt đèn pha ô tô loang loáng chạy tới chạy lui trên dường Tràng Tiền, từ khu nhà Morlière xuống hay từ nhà Hát Lớn lên. Các anh em quân đội đóng giữ khu Bắc bộ phủ phải mò đi lấy nước ở vùng lân cận, vì vặn hết các vòi nước ở Bắc Bộ phủ không nhỏ một giọt.

Hà Nội khi vừa tác chiến còn một số cụ già, đàn bà, trẻ con và trí thức tiếp tục tản cư thoát. Khi cuộc chiến đấu lan tới khu Cầu Gỗ và mỗi ngày một trở nên ác liệt, Thoa lui về nhà một người bạn khác ở phố Hàng Bạc. Rạp Tố Như chật ních những đồng bào tản cư muộn. Những cụ già khăn đống áo dài hướng tia nhìn trầm ngâm và điềm tĩnh về phía bờ Hồ, những bà mẹ áo quần sộc sệch ôm con luôn luôn lo lắng ngơ ngác nhìn quanh, lũ trẻ nheo nhóc khóc như ri. Đồng bào đợi tới đêm được anh em tự vệ dẫn tản cư theo đường qua Cột Đông Hồ, dọc theo bãi, lên Yên Phụ rồi thoát lên Chèm, Vẽ. Gia đình người bạn cũng tản cư theo đêm ấy, Thoa không dám theo, vì nếu theo rồi biết đến bao giờ nàng mới được gặp anh. Một lần nữa một mình nàng bơ vơ giữa cảnh chinh chiến hãi hùng, tiếng súng rền vang không kể ngày đêm, đôi bên giành giật nhau từng khu phố, từng căn nhà.

Sực nhớ còn ông chú họ xa ở cuối phố Hàng Buồm, Thoa lần đường về phía ấy.

° ° °

Ngay từ khi chưa tác chiến Hoạt đã gia nhập tự vệ thành đeo phù hiệu sao vàng nền đỏ vuông trên mũ ca lô (tụi Pháp gọi là Les Viêtminh carrés). Một sự hi hữu trước ngày tác chiến

Hoạt được theo lớp huấn luyện ở Bắc bộ phủ có lần ông Hồ tới giảng, ông kể chuyện về Sao chiến sĩ thành Cô-Tô bạn Tàu không chịu hàng Nhật, chiến đấu đến người cuối cùng.

Đêm thứ hai kháng chiến tại thủ đô, trong khi anh em ở khu Đông Thành, khu Đông Kinh Nghĩa Thục, khu Đồng Xuân tiếp tục xây đựng phòng tuyến, chuẩn bị cố thủ vị trí, thì anh em khu Hoàn Kiếm chuẩn bị đánh nhà Morlière. Hai mũi tiến quân, Hoạt có mặt trong toán thứ nhất vòng theo Hàng Gai ra nhà Thủy Tạ, rồi thận trọng tiến lên phía nhà Bưu Điện; toán thứ hai tiếp theo phố Hàng Trống. Khi toán thứ nhất xung phong vào khu nhà Morlière chênh vênh trên bờ hồ, thì toán bên Hàng Trống cũng cho nổ súng rồi phá cổng phía đó xông vào. Tiếc thay trên đó không bắt sống được Morlière, một anh bồi cho biết y không có nhà, Hoạt xuống nhà xe, mở máy lái chiếc Ford của y lên giữa sân, đổ xăng đốt thế mạng. Ngọn lửa chiến thắng bốc cao xua hết những luồng gió lạnh buốt căm căm về phía hồ. Sau trận này Hoạt được chỉ định về ban chỉ huy vẫn đóng ở khu Hoàn Kiếm, nơi đây các Hoa kiều tiếp tế cho anh em đủ thứ, rất hậu hĩ. Tại ban chỉ huy Hoạt cùng một số anh em thay phiên nhau giữ dây nói, nghe báo cáo tình hình chiến đấu các nơi trong thủ đô để cấp tốc tổng kết báo cáo cho bên ngoài, rồi nếu có chỉ thị bên ngoài thì mệnh lệnh lại cho từng Khu. Đây là dịp cho phía anh hùng tính của Hoạt phát triển.

Khi Thoa lên đường tìm đến nhà chú ở cuối Hàng Buồm, nàng thấy vắng tanh, gia đình chú đã tản cư đi nơi nào rồi. Cả ngày hôm đó có cuộc kịch chiến lớn ở khu Bờ Hồ, phi cơ địch (chiếc máy bay bà già Morane) bay lượn trên không chỉ điểm cho trọng pháo địch từ Cột Cờ rót vào các khu phố Ngõ Gạch, chợ Đồng Xuân... Tiếng đạn trái phá nổ rộn ràng quanh đấy làm Thoa khiếp đảm nấp nép ở xó tưởng như con chó con. Buổi chiều khi tiếng súng ngớt được một lúc nàng mới dám rón rén ra cửa nhìn đường phố. Các Hoa kiều tấp nập đem đồ tiếp tế đến ổ chiến đấu cho các chiến sĩ mà tụi Pháp sau một thời gian so tài đã phải thốt ra: “Ils sont terribles! - fomidables! - les Viêtminh carrés!”

Thoa còn đương ngơ ngác, một thanh niên tự vệ thành cao lớn xăm xăm tiến lại phía nàng, một bên hông khệ nệ khẩu súng lục, bên kia gài gọn vào dây lưng hai quả lựu đạn. Giọng quen quen của chàng ta làm Thoa giật mình:

- Đây cũng là nhà của em sao?

Thoa nhận ra anh chàng nhảy biểu diễn ngày nào bất giác mủm mỉm cười. (Hoạt vừa hết phiên canh dây nói).

Phố vắng, Hoạt quờ tay ôm gọn Thoa cúi xuống hôn trên má. Thoa càng cố ý lùi lại, sức ghì càng chặt. Hoạt ghé xuống hỏi thầm lại bên tai nàng:

- Đây cũng là nhà em sao?

Thoa bước vào, Hoạt theo sau. Hoạt ngơ ngác nhìn quanh phòng khách, biết là nhà không người. Một tiếng trái phá bắn đi từ cột cờ rồi nổ ầm ở ngay khu kế cận, cửa chớp nhà hàng xóm bật tung, kính rơi loảng xoảng, cùng với một loạt liên thanh như tiếng cười sằng sặc của tử thần từ phía bờ hồ bắn lại. Trong khoảnh khắc kinh hoàng ấy Hoạt ôm ngang lưng Thoa nhảy hai bước tới di van ở góc phòng. Thoa bị kéo theo, hai bàn chân nàng lê sát đất Hoạt đè ép nàng xuống divan như thể muốn đem tấm thân trượng phu che chở cho khách má đào. Ánh chiều còn chạng vạng nhưng gần divan là khung cửa sổ lớn hai cánh mở ngỏ, ánh sáng tự ngoài đổ vào đủ để cho Hoạt nhìn rõ khuôn mặt Thoa cùng cả thái độ phản ứng của nàng lúc đó. Hoạt còn quờ tay với lấy chiếc da báo bên trong lót nhung đỏ trải trên sập, kéo xuống lót thêm bên dưới cho Thoa.

Cũng là may cho Hoạt (hay may cho Thoa?) thoạt tiếng đại bác nổ liên hồi, tiếng kính rơi, tiếng tường sập, tiếng mái ngói lật rào rào làm Thoa thất lạc tinh thần quên cả cái đau xé của thân thể. Khi tiếng súng tạm dứt, nàng định thần lại nhưng đôi mắt ngơ ngác - nàng vẫn ngơ ngác trước cuộc đời như vậy - nàng chưa hiểu ái tình, chưa khao khát ái tình, nhưng giờ đây nàng ngơ ngác chấp nhận ái tình không phải vì tò mò mà vì không biết phản kháng ra sao.

Khi Hoạt cúi xuống hôn lên miệng xinh của nàng, nàng khẽ nghiêng đầu tránh, đôi mắt thoáng sợ hãi, chớp liền mấy cái.

Hoạt đưa Thoa đi kiểm soát nhà, dưới bếp còn nhiều gạo, lạp xưởng, trứng muối, dưới gầm bàn thờ còn vô vàn cam, quýt, bưởi...

Hoạt bảo nàng:

- Ngày ngày em làm cơm cho anh ăn với nhé. Nàng ưng thuận.

Từ những lần sau chung đụng với Hoạt, Thoa vẫn giữ nguyên vẻ rửng rưng. Điều này làm Hoạt bực mình, nhất là khi Hoạt hồi tưởng lại thái độ nồng nhiệt của Nicole.

Sang ngày thứ năm, Thoa chờ Hoạt về ăn cơm, suốt buổi trưa không thấy. Hoạt đã cùng toán tự vệ đầu tiên ra khỏi Hà Nội từ đêm hôm trước, trở lại đời thường dân, tản cư lên Đức Thắng, mở cửa tiệm Việt Hùng chữa súng. Không một lời từ biệt!

Ba tháng sau Lãng từ Nam Định về gặp Thoa ở căn nhà cũ, đầu phố Tràng Tiền. Hành trang của Lãng lúc đó chỉ có chiếc saxophone là thứ luôn luôn theo chàng như bóng với hình. Phải định thần giây lâu Lãng mới nhận ra em Thoa có mang, khuôn mặt hốc hác. Nàng vùa khóc vừa kể.

- “Tao sẽ giết thằng đó! Tao sẽ giết thằng đó!” - tiếng Lãng thét lên cùng với cứ đấm lên bàn rồi tay chàng khoát rộng hất chiếc ảnh sous-verre trên tường rớt xuống nền gạch hoa, kính vỡ tan tành.

Lãng mím chặt môi, hai má rung động, lồng ngực thở mạnh và mau, chàng đưa mắt nhìn, Thoa lo sợ ngồi nép gọn trong chiếc ghế kê sát góc tường tối. Lãng thấy thương em vô cùng, chàng bước vội lên gác mang theo hộp saxophone. Chàng ngồi trên đó suốt buổi chiều cho đến lúc trời tối xẩm chẳng buồn bật đèn lên, mà Thoa cũng không dám mời anh xuống ăn cơm. Chàng mở hộp gỗ lấy kèn ra, vô tình chàng thổi bài La jeune mère của Schubert. Tiếng kèn càng êm trong bóng tối, êm như hệt tiếng ru. Bài Người mẹ trẻ đơn giản biến thành bản nhạc thân yêu của chàng kể từ buổi chiều hôm đó.

Suốt ba tháng vừa qua gặp nạn và xa anh, Thoa từng trải biết bao sầu muộn, thiếu thốn. Từ ngày anh về nàng cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Nhưng một lần đi một mình trên vỉa hè Bờ Hồ, nàng chứng kiến cảnh một tên lính Pháp say rượt thẳng cánh đâm ngập con dao găm tới cán vào khoảng bụng một thanh niên Việt đã dám sừng sộ với hắn. Lần đó Thoa ôm bụng thét lên vì cảm thấy như đường dao nhọn của tên lính Pháp xiên ngập bụng nàng. Cái thai chỉ đậu đến tháng thứ tư thì sẩy.

Được anh săn sóc thuốc men, săn sóc tình cảm, Thoa trở lại cuộc sống êm đềm xưa, tâm hồn tuy chẳng còn thơ ngây như cũ nhưng đã thảnh thơi hẳn. Nàng chưa hề phạm tội đã đành, nhiều khi nàng có cảm tưởng nàng chưa hề là mẹ. Cuối năm nàng lấy một người chồng công chức nhà giàu, có cửa hàng ở phố Hàng Ngang.

Yên phận em, Lãng bấy giờ mới tính chuyện liên lạc với Khiết ở bên Tàu. Sang tới Nam Kinh nhiều khi “ngân quỹ cách mạng” thiếu thốn quá chừng Lãng phải đi thổi saxophone tại một tiệm khiêu vũ lớn đường Tôn Trung Sơn. Ban nhạc này rất hâm mộ tài của Lãng, và đêm nào có mặt thì ít nhất cũng một lần con người cách mạng hào hoa đó thổi bài ca La jeune mère theo nhịp slow, tiếng kèn còn giữ nguyên tâm tình thương em ngày nào không những dẫn dắt say mê cả dàn nhạc mà còn làm xúc động tùng cặp đương ôm nhau đu đưa theo nhịp nhạc dưới piste.
Văn phòng bên ngoài ồn ào. Đã tới giờ làm việc từ bao giờ.
Tiếng cười nói của phe nam như bao quyện tiếng cười, nói thanh thanh của Lê. Tân đã quen với sự trạng đó nên lần này giữ được tâm hồn thản nhiên và chàng mỉm cười nghĩ thầm: “Thì bao giờ mình cũng giữ thái độ xứng đáng, nhưng tình yêu cần cởi mở để hòa vào dòng thời gian mà quên thời gian trôi. Để tâm hờn dỗi có khác chi hai người giữ miếng nhau trên bờ cuộc đời, trong khi dòng thời gian vẫn trôi miết... trôi miết...
Có tiếng chân khởi đầu, bước chân quen thuộc của Lê, tiếng gõ cửa xinh xinh, Lê xuất hiện như cả một bó hoa, nàng mặc áo hoa, trên môi nàng một nụ cười hoa nhí nhảnh. Áo nàng rnàu xanh mát, hoa dentelle trang nhã, hơi thắt ở ngang đáy càng làm nổi bộ ngực thanh tân với vẻ quyến rũ, dịu ngọt. Trong lúc Lê tiến lên những bông hoa trên người nàng uyển chuyển... Tân cảm thấy chàng như một mãnh hổ đương thu mình lại nhỏ như con mèo trước khi tung thân ra vồ lấy mồi ngon. Vừa lúc Lê dừng lại, thân nàng hơi ngả tới để đưa tập hồ sơ, tay áo hơi co lên để lộ đôi cổ tay trắng, tròn, xinh, chiếc đồng hồ oméga mạ vàng chiếc kim trotteuse đỏ tí tách đuổi theo thời gian miết mải...
Bất chợt Tân nắm lấy hai cổ tay ấy, tập hồ sơ rơi lên mặt bàn có tấm kính:
- Em đẹp lắm, Lê!
Đôi mắt Lê vừa kịp thoáng tia nhí nhảnh, Tân đứng dậy quành bàn giấy tới. Chàng ôm lấy ngang lưng Lê, ghì nàng theo hình ảnh Hoạt ôm và giằn Thoa giữa tiếng đại bác kinh hoàng. Sự hung bạo đó của Tân rập theo đúng sự hung bạo của Hoạt trong “ký ức thô bỉ” làm át cả vẻ ngạc nhiên lẽ ra phải có ở Lê. Tân nói:
- Anh muốn em xấu đi để một mình anh yêu em.
Lê cười, chớp mắt... miệng nàng hơi hé, đầu lưỡi áp lên môi che mấy chiếc răng trước cửa trắng muốt. Tân chỉ kịp nhận thấy màu lưỡi của nàng hồng hồng, chàng đã cúi xuống hôn nàng ngập miệng.
Sau đó Lê ngoan ngoãn nép đầu vào vai Tân, ngước nhìn chàng biết ơn.
Bao hình ảnh người đẹp trong dĩ vãng đã đến cùng một lúc trong đầu Tân, tuy đến cùng một lúc mà vẫn tuần tự rõ ràng: hình ảnh Sinh tận tụy chiều chuộng Hoạt để sau cùng nhận lấy cái án ly dị, hình ảnh Nhàn chết thảm thương trong trận bom Đức Thắng, hình ảnh Thoa bị vùi dập trong cánh tay Hoạt giữa một chiều khói lửa, hình ảnh Vân chịu nép một bề trong cánh tay của tên chủ tịch huyện hiếu sát, hình ảnh Miên ngày nào kháng chiến hiền lành trôi giạt như một cánh bèo trên con sông rộng....
Tân cúi xuống tìm gặp môi Lê lần nữa, cái hôn dài mà như nhấm nháp, mặc cho sức mạnh thành tựu của hai dòng tưởng tượng và ước vọng nay đã hòa làm một.
Chàng sinh viên quân y, con người chừng mực ấy, từng biết thế nào là nghèo khổ, từng ngót nửa đời phiêu bạt, đã lấy đà từ hình ảnh hung bạo của Hoạt, phá vỡ bờ đê lý tưởng thuần túy cho đam mê tràn bờ vào thành một thế quân bình.
Năm 1965
Doãn Quốc Sỹ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...