Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Tình yêu thánh hóa 4

Tình yêu thánh hóa 4
Khu rừng lau 3

Phần Bốn

CHẶT XIỀNG DĨ VÃNG

Chương Một

TIẾNG HÁT ĐỐI DIỆN VỚI SAO BẮC ĐẨU

Quỳnh Hương quả đã nhất định tới dự tiệc vui với Hãng, phút cuối cùng bỗng nhiên đổi ý. Khoảng tám giờ tối bà chủ New York Café thấy nàng tới làm như thường thì trợn mắt ngạc nhiên hỏi:

- Ô hay sao em bảo hôm nay em nghỉ để đi ăn cưới? Quỳnh Hương đáp gọn:

- Em lại thôi bà ạ.

Kiến tới, lẽ cố nhiên Quỳnh Hương ngồi tiếp Kiến. Khoảng mười giờ Kiến rủ Quỳnh Hương cũng tới khai trương tiệm nhảy Etoile Polaire. Nàng ưng liền vì cách đây một tuần chủ tiệm Etoile Polaire tìm tới nàng tại New York Café và muốn ký với nàng một hợp đồng sáu tháng, hát từ 11 giờ đến 12 giờ khuya. Nàng từ chối vì nàng bận ở China Doll và nàng không muốn phụ chủ cũ. Nàng muốn theo Kiến tới vào buổi khai trương vũ trường Etoile Polaire để xem nơi đây trang hoàng ra sao. “Giờ này - nàng nghĩ thầm - hẳn tiệc vui của anh Hãng cũng đã giải tán”.

Etoile Polaire ở ngay trung tâm điểm đô thành. Etoile Po- laire không lớn như Đại Kim Đô hay Arc-en-Ciel trong Chợ Lớn nhưng khung cảnh vừa thân mật vừa chọn lọc hơn nhiều. Một họa sĩ trừu tượng hữu danh người Ý ở thủ đô đã lâu năm được mời tới trang trí cho phòng này. Bốn bề tường đều lát gạch men màu với những khối hình và những đường loét kỷ hà ngộ nghĩnh. Những dàn đèn nê-ông lớn ở bốn góc và trên đỉnh cao giữa phòng cũng uốn éo thành những đường nét ngoạn mục như vậy. Dàn nhạc chơi trên một bực xây khá cao, phía sau là khoảnh phông lớn bằng kính mờ. Khi các nê-ông lớn tắt đi nhạc nổi lên, thì trên khoảng phông mờ đó xuất hiện hình mảnh trăng lưỡi liềm trắng lộng, chòm Đại Hùng Tinh như dáng một anh mục đồng đứng ưỡn mình giơ cao tay trên đỉnh núi và chòm Tiểu Hùng Tinh xa hơn với ngôi sao Bắc Đẩu lấp lánh như một viên ngọc màu đính trên một tấm thảm nhung treo.

Quỳnh Hương bằng lòng, bằng lòng lắm cách trang trí gây được không khí thăm thẳm của không trung đó. Các bàn gần kín khách, nhạc Mambo đã nổi, sao chưa thấy cặp nào xuống piste nhảy? Không khí đượm vẻ chờ đợi, quan sát mà Quỳnh Hương chưa hiểu lý do. “Trời ơi, bản này mà mình được nhảy với anh Kha!” Quỳnh Hương nghĩ vậy rồi đứng dậy kéo Kiến xuống piste. Kiến nhảy thật dở. Câu thơ của nhà thi sĩ Anh Cát Lợi “Một bông hoa tím bên một phiến đá rêu” chính là hình ảnh bước nhảy uyển chuyển của Quỳnh Hương đối với những bước nhảy vụng về của Kiến. Vẫn chưa có cặp thứ hai nào xuống piste nên Quỳnh Hương càng phải giữ cho đường nét thật mềm, bước chân tiến lui nhịp nhàng, cặp mông uốn éo vừa đủ để cử chỉ khỏi trơ, tay trái nàng đặt trên khoảng eo, tay phải nàng đặt hờ trên mái tóc phía gần gáy, dáng đẹp như một pho tượng tạc nhưng linh động biết bao vì đây là pho tượng sống đương nhịp nhàng chuyển bước cùng nhịp nhạc. Mọi cặp mắt như đổ dồn về phía nàng. Có tiếng xì xào.

Họ khen hay chê mình? Quỳnh Hương tự hỏi. Ồ nhưng làm sao không một cặp nào xuống piste cơ chứ? Nàng đưa mắt nhìn ánh sao Bắc đẩu biêng biếc. Mình độc sáng như sao Bắc đẩu chứ sao! Nàng nghĩ vậy và cảm thấy kiêu kiêu một cách xứng đáng.

Bản nhạc dứt. Tiếng vỗ tay như pháo giao thừa nhất loạt nổ ran. Tiếng đàn tranh lên tiếng dạo một bản cho nhạc Trung

Phần. Chủ tiệm Etoile Polaire đã nhận ra Quỳnh Hương lật đật từ trên dàn nhạc bước xuống, khẩn khoản nói:

- Mời cô lên hát cho một bài trong đêm khai trương long trọng nầy, cần lắm, xin cô đừng từ chối cô nhé, nào mời cô lên cho.

Quỳnh Hương hỏi:

- Ông có mời thêm cả ban cổ nhạc.

- Vì có Karl P. tài tử Đức. Cô hẳn đã xem nhiều phim của Karl P. Mình phải cho “thiên hạ” thưởng thức cái gì đặc biệt của mình chứ. Sớm nay hay tin Karl tới Sài Gòn tôi cho đạt thiếp mời ngay, cơ hội ngàn năm một thuở để gây thanh thế cho tiệm ngay từ buổi đầu.

Quỳnh Hương sững sờ một phút. Thì ra có Karl P. tại đây thảo nào lúc nãy mọi người dè dặt xuống piste và khi có nàng nhảy đẹp thì tất cả không ai bảo ai đều ngừng lời ở địa vị khán giả. Vô hình chung đêm nay nàng đã là đại diện nghệ thuật cho thủ đô ăn chơi. Quỳnh Hương theo chủ tiệm lên dàn nhạc, nàng cũng thích hát giữa bối cảnh thăm thẳm của không trung đó.

- Cô định hát bài gì nào để tôi giới thiệu.

- Tiện thể ông cho cổ kim hòa điệu, tôi hát bài “Đêm tàn

Bến ngự”.

- Hay, hay lắm!

Tức thì chủ tiệm chạy tới dặn ban nhạc rồi ra đứng trước micro thoạt giới triệu bằng tiếng Việt rồi bằng tiếng Anh:

- Tôi xin giới thiệu cùng quý vị và đặc biệt với vị quý khách vang danh quốc tế của chúng tôi là tài tử màn bạc Karl P. hiện có mặt ở đây trong giờ phút này... (Tiếng vỗ tay) Vâng tôi xin giới thiệu với quý vị đệ nhất danh ca thủ đô: Cô Quỳnh Hương sẽ hát tặng quý vị và riêng tặng tài tử Karl P. bảa “Đêm tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước (Tiếng vỗ tay nồng nhiệt và tin cẩn).

Trong lời giới thiệu bằng tiếng Anh, chủ tiệm Etoile Polaire đã khá thông minh mà giải thích thêm vài lời với Karl :

- Bến Ngự là một bến sông tại cố đô miền Trung của chúng tôi nơi các vua chúa xưa thường ngự tới ngồi ngắm cảnh hay buông câu. Lời ca và điệu ca sẽ nói lên niềm u hoài man mác của nhạc sĩ trước cảnh đêm tàn Bến Ngự... Tình đó ra sao, cảnh đó ra sao xin để vị quý khách trứ danh của chúng tôi hiểu lấy bằng thông cảm vì âm nhạc vốn là tiếng nói đại đồng!

Khúc dạo đàn tranh như dòng sông trăng chợt gợn ánh vàng vừa dứt. Hình ảnh Hãng, Thu dìu nhau vào đêm tân hôn thoáng hiện thì Quỳnh Hương cũng vừa cất tiếng êm như theo gió tự đâu thoảng tới:

Ai về bến Ngự, cho ta nhắn cùng...

Dáng nàng nhìn xa xôi, nàng luôn luôn nghĩ rằng nàng đang đứng trên đỉnh núi cao, một mình đối diện với sao Bắc Đẩu.

Nhớ chăng non nước Hương Bình

Có chăng ngày xanh Lưu luyến bao tình Vương vấn tơ mành...

Thuyền trôi trên bến nước Hương

Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương...

Giọng nàng càng về sau càng trầm và buồn và heo hút như gửi tâm sự theo gió núi chuyển vào vũ trụ để vang tới ngôi sao biêng biếc xa.

Tiếng vỗ tay hoan hô trần tục, ánh đèn bật lửa còn trần tục hơn, may sao ánh đèn được tắt ngay. Karl P. cao lớn tiến tới đón nàng. Nhạc Blue nổi lên. Karl cúi xuống nói rãi rệ mấy lời ca ngợi bằng tiếng Anh nhưng khi nghe nàng đáp lại thông thạo thì Karl nói lên lời cám ơn nhanh theo nhịp thường rồi mời nàng nhảy. Câu chuyện tiếp tục, Quỳnh Hương nói giọng còn êm thoảng, ảnh hưởng khúc hát vừa qua.

- Ông Karl ở bên ngoài cũng như ông Karl trong những cuốn phim tôi xem, nghĩa là cao lớn, thẳng thắn, cởi mở.

- Cám ơn cô... cô Kin-Hwang! - Karl khẽ cúi đầu mỉm cười đáp lại.

Trong những phim tôi đã xem ông đóng - Quỳnh Hương tiếp - tôi thích nhất phim “Kẻ tử tù”. Phim đó nhà dàn cảnh đã khai thác được hết vẻ dũng cảm hào hiệp của người tài tử tóc vàng mắt xanh là ông.

- Ồ hồ! cám ơn cô Kin-Hwang! Cô đẹp lắm lại hát hay, hay lắm, lại nhảy giỏi, giỏi lắm, trước đây cô có đóng phim?

- Cách đây vài năm tôi có đóng một phim rồi thôi.

- Chắc ông cũng biết kỹ nghệ điện ảnh Việt Nam chúng tôi còn non nớt lắm.

- Hay lắm, chắc cô cũng biết tôi vừa là tài tử vừa là nhà sản xuất phim, chúng tôi đương cần một nữ tài tử Á Đông, cô nghĩ sao nếu tôi mời cô sang Tây Đức đóng phim?

Cho là câu nói xã giao thường tình của bất cứ nam tài tử ngoại quốc nào nói với người đẹp bản xứ nên Quỳnh Hương chỉ cười. Karl P. phải nhắc lại:

- Thế nào, cô. Kin Hwang nghĩ sao nếu chúng tôi mời cô sang Tây Đức?

- Thì điều đó là một vinh hạnh lớn cho tôi! - Quỳnh Hương đáp.

Nhạc Blue vừa dứt, tiếng timbale huy hoàng mở đầu cho một điệu swing hết sức vui nhộn.Từng tế bào trong cơ thể Quỳnh Hương như cùng bừng tĩnh góp ánh sáng cho duyên dáng quyến rũ, cho tâm trí minh mẫn, nàng nhảy như gió rỡn mây. Karl nhảy không dở tuy vóc người to lớn mà đôi khi Karl cũng lơ đãng hẳn về phần mình để ngắm theo bước nhảy với đường uốn mau lẹ của tà áo với nét cong nhịp nhàng của thân hình Quỳnh Hương. Trên piste lần này cũng chỉ có cặp duy nhất Quỳnh Hương - Karl P. Và tiếng vỗ tay của các khán giả cũng nhất loạt vang dậy khi nhạc dứt. Karl đưa Quỳnh Hương về tới bàn Kiến, bắt tay Kiến, Quỳnh Hương giới thiệu hai người. Karl còn dừng lại xin địa chỉ và giờ gặp Quỳnh Hương. Nàng ghi phía sau tấm danh thiếp của Karl đưa ra địa chỉ tại New York Café. Đến giờ Kiến đưa nàng đến China Doll, cả ba cùng đứng dậy. Karl một lần nữa bắt tay chào từ biệt hai người rồi quay về chỗ cũ với cô thư ký tóc vàng của chàng.

Chương Hai

HOÀNG TỬ CỦA HẰNG NGA

I

Như tấm kính trũng qui tụ những tia nắng nhóm lửa, vận may của Quỳnh Hương cũng qui tụ mọi con cờ ưng ý. Ba giờ chiều hôm sau Karl đến tìm nàng ở New York Café. Karl ngồi nói chuyện với nàng khá lâu ở ngay quầy rượu. Lời đề nghị của Karl trong tối hôm qua không phải là lời nói phù phiếm Karl khẩn khoản mong Quỳnh Hương nhận lời. Karl dừng chân ở Sài Gòn ba ngày rồi sẽ đi Nhật quay nốt đoạn phim.

Karl nói nếu Quỳnh Hương ưng, Karl sẽ giới thiệu nàng ngay với tòa đại sứ Tây Đức, nơi đây người ta sẽ giúp nàng hoặc chỉ cách nàng đi lấy các giấy tờ cần thiết. Quỳnh Hương ưng và theo Karl tới tòa đại sứ Tây Đức ngay chiều hôm đó. Hôm sau Karl lên đường đi Nhật, Quỳnh Hương lo giấy tờ bận ba ngày liền. Là phụ nữ nên thể thức xin xuất ngoại cũng được dễ dàng.

Buổi sáng hôm đó, Quỳnh Hương đến New York Café hơi chậm. Nàng vén màn đi vào khoảng tranh tối tranh sáng của căn phòng, tiến thẳng tới quầy. Khi mắt nhìn đã thuần, Quỳnh Hương đưa mắt quanh phòng nàng ngừng lại ở bàn cuối cùng ngay sát với quầy, đôi mắt trợn tròn: “quân cờ” nàng cảm mến nhất đã ngồi kia nhìn nàng tự lúc nào với nụ cười mỉm vừa trong sáng vừa đượm vẻ riễu cợt hóm hỉnh. Nàng tiến lại:

- Làm sao mà anh mất mặt từ dạo đó đến giờ, anh Kha?

- Anh bận. Ngồi xuống Quỳnh Hương!

- Hôm nay nhàn? Giọng Quỳnh Hương hỏi giỡn.

- Còn bận - Kha giỡn lại - nhưng nhớ em quá thì lại. Cả hai nhìn nhau cùng cười, Kha tiếp:

- Hãng giận em đấy.

- Em biết nhưng… nhưng đúng tối hôm ấy em có việc cần gấp. Anh Hãng đi Đà Lạt với chị Thu rồi chứ anh?

- Hãng đi Đà Lạt rồi xuống Nha Trang, rồi đến Phan Rang, Phan Thiết... một công ba việc: vừa hưởng tuần trăng mật, vừa đi công việc của hãng anh, vừa đi công việc giúp tờ báo của nhà.

- Dễ thường một tháng nữa anh Hãng mới về?

- Nửa tháng!

Quỳnh Hương nói khẽ:

- Nửa tháng nữa vị tất em còn ở Sài Gòn để nghe anh Hãng trách.

- Em nói sao? - Kha hỏi.

- Chỉ còn mười hôm nữa Karl P. đã từ Nhật về đây đón em đi Tây Đức. Anh hẳn biết Karl P. trong những phim...

Và Quỳnh Hương thuật lại tất cả với Kha. Nghe xong câu chuyện, Kha nắm chặt cánh tay Quỳnh Hương:

- Anh mừng cho em nếu quả rồi đây việc đó thành sự thực, mà nhất định là thành sự thực rồi còn gì.

Quỳnh Hương ngẩng nhìn về phía quầy nhưng là nhìn tương lai nói:

- Em thấy mình không còn là cái ly rỗng nữa mà là cái ly được rót đầy một thứ rượu quý, em chưa đạt tới chiến thắng mà em đã thấy say men chiến thắng rồi.

Kha gật đầu hưởng ứng :

- Phải thế! Phải tự tin như thế em ạ! Thành công trong nghệ thuật là đã tự cắm hoa lên đời mình lúc sống, tự đặt hoa lên mộ mình lúc chết.

Cả hai cũng im lặng, thứ im lặng của suy tư khá nặng nề. Kha có nghĩ đến ngày nào về làng, sực thức giấc trong khoảnh khắc đêm tàn ngày rạng và nghe giọng hát đò đưa nhịp theo với tiếng chày thình thịch bên dậu thưa, tiếng hát nhuộm ánh trăng muộn màng thốt lên tự lòng đất, những hình ảnh anh Cầu, chị Trác bị vùi dập bốn bề. Mãi sau Kha mới lên tiếng:

- Nếu có mười triệu người Việt gặp mười triệu cái may tương tự của em thì Việt Nam tự do sẽ thành đại cường quốc về khoa học nghệ thuật vì xét ra khả năng chúng ta không thiếu, chỉ thiếu hoàn cảnh.

Cả hai lại im lặng. Quỳnh Hương sợ thứ im lặng đó, nàng lên tiếng:

- Giấy tờ của em sắp xong rồi, hết tuần này là xong hoàn toàn.

- Tốt!

Quỳnh Hương đưa mắt nhìn Kha rồi cười khanh khách:

- Hôm qua em nói chuyện với một anh Mỹ trẻ mới sang đây anh có biết y nói thế nào không?

- Nói sao?

- Y bảo con gái Việt Nam đẹp hơn con trai Việt Nam nhiều.

- Mới cách đây mấy ngày Kha đến Nha Thông Tin về một bài kiểm duyệt của tờ báo kỳ tới, gặp một người Bỉ nhân viên UNESCO mà trước đây chàng có quen ít nhiều. Khi hai người ra tới cửa Nha Thông tin, một trung úy không quân Việt Nam cao lớn giơ tay vẫy, vui vẻ nói với người bạn bên kia đường, đoạn nhảy lên chiếc xe Jeep, nhanh nhẹn cho máy nổ, vút đi ngay. Chàng trung úy không quân trẻ tuổi có vẻ hoạt động hấp dẫn lạ lùng khiến Kha thấy vui và kiêu lây; người bạn Bỉ hầu như cũng bị quyến rũ bởi hình ảnh trẻ trung tràn đầy sức sống ấy, thốt lời nói với Kha, “Nếu nước anh không bị mắc míu trong nạn chinh chiến với Cộng Sản thì với những thanh niên trẻ, đẹp, hoạt động như vậy các anh kiến thiết xứ sở mấy chốc mà hùng cường!”

Tuy nhiên lúc này Kha cũng trả lời Quỳnh Hương nghiêm trang:

- Y nói dúng, người trai Việt làm lịch sử trong ung nhọt, trong quằn quại có dễ trên bốn trăm năm trường rồi còn gì, như vậy làm sao mà đẹp được?

Quỳnh Hương luống cuống, biết thế nàng không nói đùa câu vừa qua. Khua nặng đầu nhìn trần tiếp:

- “Trai thời loạn gái thời bình” chỉ là một cách nói. Các em thời loạn cũng như thời bình đều nên và cần được gìn giữ cho đẹp. Cái vinh hạnh duy nhất của các anh ngày nay cũng chỉ là thấy các em đẹp.

Quỳnh Hương không biết nói sao, Kha nhìn Quỳnh Hương âu yếm nhưng nụ cười của chàng bỗng rắn đanh và khuôn mặt xa vời quá. Chưa lúc nào bằng lúc này, Quỳnh Hương cảm thấy không bao giờ nàng có thể là người yêu của Kha nghĩa là không bao giờ nàng có thể chiếm trọn vẹn được Kha. Nàng thốt ra câu lẽ ra nàng chỉ nên tự nhủ thầm:

- Em bất lực!

Kha không chú ý đến lời nói đó vì chàng đã tiếp:

- Đời con chúng ta, chúng nó sẽ Đẹp! Con trai cũng như con gái! Có rất nhiều đứa sẽ đẹp đến mức khi chúng ta chỉ khu- ôn mặt chúng và hỏi nhà điêu khắc: “Giả sử khuôn mặt kia bằng thạch cao, ông có cần sửa chữa gì không?” Nhà điêu khắc chắc chắn sẽ lắc đầu và ngao ngán cho chính nghệ thuật của ông.

- Anh thật lạc quan!

- Bây giờ đi Thủ Dầu Một với anh.

- Anh lên đấy làm gì?

- Liên lạc với nhà đại lý sách báo của anh xem tháng này tình hình tiêu thụ ra sao. Chỉ mất buổi sáng nay thôi, có sáu mươi cây số vừa đi vừa về mà.

- Phương tiện giao thông?

- Chiếc xe Prefect trắng của Hãng.

- Hay lắm, lần đầu tiên em đi Thủ Dầu Một đấy. Quỳnh Hương đến nói với bà chủ:

- Xin phép bà em nghỉ sáng nay, chiều và tối em làm. Em đi

Thủ Dầu Một với anh bạn.

Bà chủ mắng yêu:

- Trời ơi nghỉ ba ngày liền rồi, sáng nay vừa đến lại nghỉ! Cậu sắp đi Tây Đức đóng phim phải không?

- Đâu có thưa bà, anh bạn thân mà. Bà chủ cười:

- Nói đùa đấy, em cứ đi!

II

Kha đã trả tiền, Quỳnh Hương theo chàng ra xe. Khi xe bắt đầu chạy Quỳnh Hương nói:

- Em thấy cánh đàn ông các anh đối xử với nhau thích thật kia, cái gì cũng coi nhẹ như không, rộng rãi, phóng khoáng, đàn bà chúng em thì...

- Ấy thế cho nên mới không bao giờ có thể có bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà được!

Cả hai cùng đưa mắt nhìn nhau khẽ lắc đầu cười.

Thoạt Quỳnh Hương chẳng thiếu gì những câu lắt nhắt nêu lên phần nhiều là những câu hỏi trêu Kha để nghe Kha trêu lại, vì vậy mặc dầu đường đông, kể cả khi xe nối đuôi nhau qua cầu Bình Lợi, câu chuyện vẫn tiếp diễn không dứt, rả rích tiếng cười.

Đường Lái Thiêu nhỏ xinh vòng vèo tựa như con đường riêng do một đại điền chủ nào trải nhựa đưa vào vườn cây. Con kinh ven theo rìa đường đầy ắp, thấp thoáng màu xanh rờn cẩm thạch, cỏ loi thoi mặt nước, thỉnh thoảng lại một chiếc cầu gỗ bắc ngang. Vườn cây Lái Thiêu hai bên đường màu xanh phong phú đậm đà và êm mướt, từng rặng măng cụt, mãng cầu xiêm, mít, xoài... Đôi khi gặp khoảng ruộng màu giữa hai vườn cây gợi hình ảnh một thung lũng hoang vắng giữa hai đỉnh núi vòi vọi.

Đường tiếp tục cong queo theo những hình vòng thúng. Lẩn vào bên trong giữa các vườn cây, thấp thoáng nhà bê tông, nhà ngói kiểu cổ, đôi chỗ nhà kiểu kiến kiến ốc cục nhưng bề thế vững vàng hơn vì chính chủ nhân bỏ tiền ra xây cất lấy. Xe vượt khỏi Lái Thiêu chừng vài cây số, đường leo lên đồi cảnh trí khác hẳn, màu đất trắng xóa khô cằn, rồi cũng có những cánh đồng thẳng tắp với những luống màu khoai, sắn, khổ qua... nhưng cứ trông cảnh chiếc xe bò xa đương thủng thẳng tiến trên đường về làng để lại phía sau đất cát bụi mù, với cảnh san sát những cần vọt để vục nước tưới thì Quỳnh Hương cũng thấy rằng đất nơi đây kém xa đất Lái Thiêu một trời một vực.

Kha lái xe sát về bên tay mặt nhường quá nửa đường cho xe be từ xa rầm rộ nối đuôi nhau lại kéo theo phía sau những thân cây lớn từ một tới hai thước đường kính.

- Trời, những gỗ lớn dữ!

- Đốn ở rừng Bà Rá về đó. Đi gặp những xe này nên kính nhi viễn chi. Xe nhà binh cũng phải sợ nó.

- Sao vậy anh?

- Nếu phải đâm họ đành để cho đâm, họ không dám phanh bất chợt. Em thử tưởng tượng cả một thân cây nặng hàng tấn từ phía sau xô lên thì cửa sắt quan ải cũng bung ra nữa là cái gáy của bác tài.

Tiếng Quỳnh Hương cười vang. Nàng nói:

- Em thấy miền này tương tự miền trung du Vĩnh Yên ngoài

Bắc, mầu mỡ nghèo nàn.

- Ý em muốn nói khoảng đồng ruộng bên tay mặt?

Kha hỏi.

- Vâng!

- Khoảng đồng ruộng này tiến sâu về miền rừng giáp với Phước Thành đất có xấu, nhưng lát nữa chú ý bên tay trái em sẽ thấy có những vườn Cây xanh tốt chẳng kém gì Lái Thiêu.

- Vì sao vậy anh?

- Vì phía đó ngay sát bờ sông Sài Gòn. Quỳnh Hương thốt lời ngỡ ngàng ngây thơ:

- Hay nhỉ, cây cỏ gần nước!

- Như đàn bà gần đàn ông! - Kha tiếp.

- Chứ sao, như em gần anh! - Quỳnh Hương đáp ngay.

Xe lướt theo một viền đồi cuối cùng rồi vào Thủ Dầu Một. Ông chủ tiệm sách đại lý cho gia đình Văn hóa dáng người bé nhỏ mặt mỏng xương xẩu, lưỡng quyền cao, cổ ngẳng lộ hầu.

- Thưa ông - Kha giới thiệu - đây là cô thư ký của tòa báo, rất có thể lần sau cô xuống đây thay tôi, vậy xin giới thiệu với ông trước (chàng mỉm cười).

Đôi mắt ông chủ dướn lên thao láo như hai múi nhãn để biểu lộ nỗi ngạc nhiên một cách sung sướng:

- Cha cha! Hân hạnh lắm. Vâng lần sau cô cứ việc xuống một mình, tôi xin trình sổ sách, buổi trưa cô có muốn nghỉ lại thì có căn phòng riêng trên gác rất sạch và mát như ông Hai đây đã biết.

- Dạ dạ, xin cám ơn ông - Quỳnh Hương đáp - Dạ hình như ông người Bắc?

- Ấy, “Bắc cờ cũ!” Tôi đổi vô đây từ 1931, ba mươi năm rồi ạ. Tôi học deuxième année ở Lycée Protectorat, phá ngang ra thi vào làm thư ký Bưu điện. Nếu có Diplôm thì d’office được nhập ngạch thư ký mà. Làm ở ngoài Bắc bốn năm thì họ đổi tôi vào đây. Lạc bước giang hồ khắp lục tỉnh rồi.Về hưu tôi mới mở tiệm sách đấy chứ.

Ông lắc đầu:

- Lương hưu mấy ngàn bạc thì làm sao soutenir một gia đình bảy con? Cha cha tôi thấy cái nghề giáo sư và cái nghề bưu điện sao đông con dữ!

Kha bật cười nhìn Quỳnh Hương:

- Dạ tại cứ quanh quẩn ở nhà chứ có gì đâu.

- Dạ thưa ông thế còn bà nhà? - Vẫn lời Quỳnh Hương hỏi.

- Ấy mất rồi, mất năm 1957, cách dây ba năm il y a trois ans d’ici.

Quỳnh Hương thoáng thấy Kha quay đi giấu nụ cười mỉm. Nàng hỏi tiếp cho câu chuyện thêm đậm đà và có vẻ kẻ tung người hứng, vì nàng biết giá nàng không hỏi thì đà câu chuyện của ông chủ vẫn như chiếc xe xuống dốc không phanh:

- Dạ thưa ông em lớn nhất năm nay bao nhiêu tuổi?

- Ấy không kể thằng trưởng chết trước mẹ nó hai năm, thằng thứ hai mới mười tám tuổi dix- huit ans, mà chưa đỗ xong cái Trung học đệ nhất cấp. Bốn lần trợt rồi, khổ thế. Tôi ngày xưa ham học thì không được học. Vraiment, c’est bien regrettable! Ấy chết mời cô ngồi! Mời ông Hai ngồi! Xin lỗi, xin lỗi.

Khi ba người an tọa, ông tiếp tục hướng về Quỳnh Hương nói (câu chuyện này ông đã tái bản đi tái bản lại với Kha nhiều quá rồi) :

- Tôi vào đây từ 1931, đúng năm bắt đầu cuộc kinh tế khủng hoảng, crise économique. Décret Laval đánh sụt lương công chức, lương thư ký của tôi được lĩnh có ba mươi hai đồng một tháng. Oh ... je m’en souviens, mãi đến 1937 Léon Blum lên tôi mới được lĩnh theo mức cũ ba mươi tám đồng một tháng. Vào những năm 45 - 47 tôi theo Tây thì cũng làm lớn rồi cô ơi. Dạo đó cú secrétaire như tôi là có thể ra delégué tựa như Quận trưởng bây giờ.

Ông hạ giọng:

- Bây giờ khối anh Quận trưởng hay phó tỉnh trưởng là cùng promotion với tôi dạo xưa (ông lắc đầu), chịu các ông tướng, triều đại nào cũng ça va (ông làm điệu nghiêng bàn tay bên này, rồi nghiêng bên nọ).

Or çà, répondez!

Ông lắc đầu ngao ngán, đôi mắt vẫn dướn lên thao láo như hai múi nhãn, dường như nếu không dướn mắt như vậy ông không nhìn thấy mạch lạc câu chuyện để nói:

- Nàng Kiều thì “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”, chứ tôi thì “ba mươi năm ấy xiết bao nhiêu tình”.

Đêm mồng 9 tháng 3 đảo chính Nhật, tôi ở Mỹ Tho. Rồi phong trào Thanh-niên Tiền phong, rồi Việt Minh, rồi đến sự chia rẽ Bắc Nam do tụi Mặt Trận Bình Dân xúi giục mới thật là trần ai..

Tiếng Kha thoạt hốt hoảng, nhưng rồi chàng giữ được bình tĩnh ngay:

- Ấy thưa ông, à chúng ta hãy cùng nhau bàn qua về vấn đề sách báo đã.

- Ah oui! D’accord. Ấy thế để mời cô.. . có gì lên lầu nghỉ vì câu chuyện chúng tôi tính toán hôm nay hơi lâu. À khá lắm ça marche comme sur les roulette hôm nay mà ông Hai không xuống thì tôi cũng phải đánh điện mời ông xuống. Mời cô theo tôi lên đây.

Ông dẫn Quỳnh Hương lên lầu, chỉ cho nàng căn phòng phía trái.

- Xin cô ngồi nghỉ tạm ở đây chờ chúng tôi thanh toán với nhau, cứ tự nhiên, ne faites des façons, vous êtes chezvous ! Ah !

Rồi ông xuống, Quỳnh Hương vào phòng ba bề cửa mở rất thoáng. Sàn gạch trong phòng, sàn gạch ngoài hành lang đều sạch bóng. Quỳnh Hương bỏ dép đi chân không cảm thấy hơi gạch mát dịu, đúng câu “nhà gạch thì mát bát sạch thì ngon”. “Sàn gạch nhẵn bóng như da mặt chủ nhân, một công chức chân thật đã về hưu”- Quỳnh Hương nghĩ đùa. Nàng ra đứng bao lơn đối diện với cây xoài khá cao và cây sao cao ngất, cứ mỗi cơn gió lại rụng vài chiếc lá vàng chao chát. Trong phòng có treo mấy tấm ảnh sous verre: có bức ông chủ họp với các đại đức ở phòng trai của một ngôi chùa nào đó, có bức ông chủ đứng trước micro nói với các vị trong Giáo hội Tăng già, có bức ông chủ đương ngồi mạn đàm với mấy vị cư sĩ cùng lứa tuổi. Đặc biệt riêng một mảnh tường phía trong có treo tấm sous-verre văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học của cậu con trưởng đã mệnh một Từ sau lời thư non nớt của Thúy, hoa khôi Hưng Yên, viết sau tấm carte postale tặng cậu Kỷ của nàng, đây là một văn kiện thứ hai Quỳnh Hương đọc với tất cả sự chú ý đặc biệt, lần này thì vì một lý do khác.

Chính Phủ Lâm Thời

Cộng Hòa Nam Kỳ

Văn bằng Sơ đẳng Tiểu Học

Chiếu y lời nghị quan Tổng thống Đông Pháp ngày 18 Sep- tembre 1924

Chiếu y lời nghị quan Tổng thống Đông Pháp ngày 24 No- vembre 1924

Chiếu y lời nghị quan Thống đốc Nam Kỳ ngày 9 Mars 1944. Chiếu y tờ vi bằng của ban khảo hạch cử tử y theo thể lệ trong lời nghị trước đây, đã định hội khảo tại Cần Thơ về khóa 2 - juin

1947 thì các quan giám khảo nhận chứng tên Trần Văn T. sinh ngày.... tại.... đáng lĩnh văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.

Nghị chuẩn văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học cho tên Trần Văn T. Tại Cần Thơ ngày 3 Novembre 1947

Cử Tử ký tên.

Quan Thanh tra Hàng tỉnh ký tên.

Pour le Minisrc de l’ Education nationale et P. O. Le directeur du cebinnet

Nguyễn Văn D.

Một giờ sau tiếng cười nói rồi tiếng chân rộn rã lên thang của Kha và ông chủ. Họ đã xong việc.

Quỳnh Hương chỉ vào những bức ảnh trên tường:

- Thưa ông, ông theo đạo Phật?

- Vâng tôi là cư sĩ, một tháng ăn chay hai ngày: rằm và mùng một, còn nhà tôi trước kia trường chay.

Ông mang giấy tờ thanh toán cất sang phòng bên, Quỳnh

Hương chỉ tấm văn bằng Sơ Đẳng Tiểu học hỏi Kha:

- Anh đã đọc cái này chưa? Kha mỉm cười gật đầu:

- Rồi!

Ông chủ đã sang, ông khoát tay dướn mắt nói với Kha:

- Alors, vous êtes chez...

Ông bỗng ngừng bặt trong khi Kha mỉm cười hiểu ý. Ông chuyển hướng câu chuyện thao thao thuật lại việc bán sách báo, thu tiền. Một lần khác ông lại khoát tay, dướn mắt nói:

- Alors monsieur, ne faites...

Rồi ông lại ngừng bặt. Lần này Kha gỡ bí cho ông.

- Bây giờ công việc đã xong xuôi, chúng tôi xin phép ông chủ về Sài Gòn ngay, cô bạn tôi đây còn bận nhiều việc trên đó.

Ông chủ gật lia lịa:

- Vâng vâng được lắm!

Ông tiễn hai người xuống thang ra cửa đứng thẳng người trịnh trọng bắt tay Kha và cúi chào Quỳnh Hương.

- Alors. au revoir Monsieur, au revoir Mademoisel1e!

Xe ra khỏi Thủ Dầu Một, Quỳnh Hương lắc đầu:

- Ông ấy nói hơi nhiều! Un peu trop loquace!

- Nhưng mà tốt, rất tốt - Kha đáp - sách báo bán được bao nhiêu thanh toán phân minh ngay.

Thường mỗi lần xuống đây anh ở lại nghỉ trưa, mấy lần ông định bảo anh “Vous êtes chez vous” “Faites comme chez vous” nhưng sực nhớ ra còn em, ông lại thôi.

- Em biết! - Quỳnh Hương đáp rồi lảng sang chuyện khác

- Gớm anh có thấy đọc bản văn bằng Sơ Đẳng Tiểu học mà rợn người? Cả một thời nô lệ lạc hậu! Mà nào có xa gì mới từ năm

1947 tới nay, mười ba năm qua. Quan Tổng thống Đông-Pháp!

Quan Thống đốc Nam Kỳ! Quan Giám khảo! Cử Tử!... Ngán thấy mồ!

- Tại sao vậy, em biết không?

- Anh còn hỏi tại sao! Ngày nay ai còn “ngửi” được cái giọng đó?!

- Tại hiện tại là tổng số lớn nhất của sự sống, cho nên hiện tại của những kẻ còn tha thiết với cuộc sống bao giờ cũng giàu có hơn dĩ vãng. Dĩ vãng, kể cả những dĩ vãng vàng son nhất, chỉ để chiêm ngưỡng chứ không để sống lại, những mong ước thiết tha nhất phải được gửi về tương lai. Anh hỏi em, thế cuộc sống phải là gì nào?

Quỳnh Hương âu yếm đáp:

- Em chịu!

- Cuộc sống phải là một sự thể hiện, một sự khám phá liên tiếp như lúc nãy em ngồi trên xe này ngắm con đường Thủ Dầu Một lần đầu tiên. Còn gì vô duyên hơn quay ngược thời gian sống y hệt dĩ vãng với những ngày, những biến cố mà mình đã biết trước.

Quỳnh Hương đã nhẹ đặt tay lên vai Kha, ngắm nụ cười dí dỏm vừa nở trên môi chàng Kha khẽ nghiêng đầu nhìn nàng, cái nhìn của Kha lần này trong suốt, Quỳnh Hương có cảm tưởng đã hiểu lời chàng qua nụ cười kia, qua cái nhìn đó hơn là qua chính lời nói của chàng.

Xe đã qua Lái Thiêu lại cảnh những con kinh đầy ắp, cỏ xanh rờn loi thoi mặt nước. Những lạch nước nhỏ thẳng tắp lấp loáng lẩn dưới hàng dừa như những mảnh gương của Trời bỏ rơi trong tạo vật. Quỳnh Hương bỗng chú ý đến một khoảng ngã ba kênh nước khá mênh mang, một chiếc cầu ván bắt chênh vênh qua con kênh từ phía trong đổ ra, một người đàn bà bước vội trên cầu để đi tới một chiếc thảo lư dựng trên một thảm cỏ xanh hơi cao hơn mặt nước một chút. Quỳnh Hương bỗng ao ước vô cùng có được một thảo lư như vậy dựng giữa cỏ hoa tạo vật ngợp ánh sáng trên trời, ngợp bóng mát dưới sân, ngợp màu xanh của cỏ nước xung quanh. Và dưới mái tranh của bầu không khí yên tĩnh và bao la nàng được tự do dang đôi cánh tay đón nhận người mình cảm mến. Hoàng tử của Hằng Nga! Thốt nhiên nàng ngã đầu về phía sau, hơi cong người về phía trước, lim dim đôi mắt, và bàn tay vẫn đặt nhẹ trên vai Kha bỗng xiết lại.

Kha nhấn ga cho xe phăng phăng qua cầu Băng Ky, qua Ngã Ba Cây Thị, tới Ngã Năm Bình Hòa thì chàng nhả bớt chân ga và khi qua cầu vào Đa Kao chàng cất tiếng nói:

- Đúng mười hai giờ trưa, ăn cơm Tây Đa Kao nhé, Quỳnh

Hương?

Ánh nắng chói chang trên mặt đường xui Quỳnh Hương trả lời:

- Những tiệm ăn ở đây nhiều ánh sáng quá, cứ như người ăn ở vỉa hè.

- Tới phòng lạnh Cheong Nam vậy.

Bên Kha, bên Hãng, Quỳnh Hương luôn luôn cảm thấy không những nhân cách của nàng được kính trọng mà còn được “tưới bón” cho tươi đẹp, phồn thịnh hữu ích như... những vườn cây Lái Thiêu. Không khí mát lạnh của phòng ăn Cheong Nam âu yếm choàn lấy da thịt nàng như thái độ bao dung của Kha êm ả bao trùm lấy tâm tư nàng. Hai người ngồi đối diện, cái bàn xinh, trên bàn có chiếc lọ xinh cắm một bông hoa mười giờ đỏ xinh giữa mấy nhánh lá măng nhỏ tắp. Kha có suy nghĩ điều gì nên Quỳnh Hương thấy chàng tự ý com-măng thức ăn quên chẳng hỏi ý kiến nàng một câu. Những đĩa thước ăn xinh xinh nóng sốt mang lại. Ly nước Vĩnh Hảo nàng tự gọi lấy trong suốt bên cạnh ly vang đỏ xẫm của Kha. Bữa ăn vừa xinh, khi nàng đứng dậy bụng còn ngon ngót, rất đúng lời các bác sĩ căn dặn về cách ăn uống.

Xe dừng trước rạp Eden, Quỳnh Hương mở cửa và Kha nói trước khi nàng bước ra khỏi xe :

- Anh còn dịp tới đây thăm em nữa và ngày em lên đường anh sẽ đưa em ra phi trường bằng chiếc xe này.

Quỳnh Hương mỉm cười không nói, chỉ nhìn thẳng Kha, cái nhìn trầm tĩnh vì từ lúc cùng ngồi đối diện trong tiệm ăn Quỳnh Hương đã nảy ý tưởng thích thú: nàng sẽ bá cổ Kha vít xuống để hôn chàng. Nàng chỉ cần làm một cử động nhỏ khởi sự, tất nhiên Kha sẽ tức khắc đáp lễ nàng bằng cái hôn dài say đắm. Cử chỉ phong cách khoáng đó, Quỳnh Hương tin rằng chỉ có thể thực hành được với Kha như sông đổ ra biển mà không e dư nước.

Kha đã giơ tay làm hiệu chào nàng rồi cho xe đi thẳng.

Chương Ba

NHỮNG TRIỀU NƯỚC MẶN

I

Phải, nàng chỉ có thể hôn trước Kha mà không sợ bị hạ giá. “Ồ – nàng tự nghĩ – chẳng hiểu sang tới Tây Đức mình có xây dựng được một sự nghiệp quốc tế?”. Trở lại với ý nghĩ hôn Kha nàng tự nhủ: “Không phóng khoáng làm sao phục vụ nghệ thuật nổi, có ai muốn nhảy cao, nhảy xa mà mặc Jupe serrée?!”.

Đã vào New-york Café, đã tạm cởi áo dài để nằm ngủ trên ghế bố mà Quỳnh Hương có chợp ngủ được tí nào, thì đã tới giờ làm việc. Sáu giờ chiều bà chủ bảo Quỳnh Hương:

- Em có thể về ngủ sớm đi, chín giờ hãy lại đây.

- Dạ, cám ơn bà.

- Trông em phờ phạc cả người.

- Dạ.

Bà hỏi đùa:

- Vì lo đi Tây Đức hay vì sắp phải xa bồ? Quỳnh Hương cưới đáp:

- Thưa bà vì cả hai!

Ra khỏi New-york Café tới chỗ lấy xe, rồi chiếc Velosolex của nàng bon bon trên đường về, Quỳnh Hương cảm thấy dễ chịu hơn. Rồi chiếc xe rẽ vào đường hẻm quen thuộc, Quỳnh Hương dự định tới nhà, nàng sẽ tắm nước lạnh thật tỉnh táo.

Quỳnh Hương cho xe chạy từ từ rồi dừng lại. Có hai đứa trẻ đứng khép nép trước ngõ nhìn nàng, đứa anh chừng lên năm, đầu hớt cua, mặt mũi tròn trĩnh trắng trẻo, đứa em khuôn mặt trái xoan, nước da mai mái một tay víu lấy anh, một tay cho ngón cái vào miệng, cả hai anh em cùng giương đôi mắt to và đen bóng nhìn nàng trông thật ngộ nghĩnh.

Một thoáng hồi ức, Quỳnh Hương biết đã có một gia đình mới tới ở thay thế ba vợ chồng con cái anh nghiện rượu.

Thảo nào mấy ngày nay vắng hẳn tiếng la lối mắng chưởi om sòm.

Quỳnh Hương dựng xe sát tường âu yếm vẫy hai đứa trẻ:

- Lại đây với cô.

Thằng anh vui vẻ tiến tới kéo theo thằng em vẻ e dè hơn. Quỳnh Hương tiếc là trong ví tay chẳng còn ít kẹo Hòa Lan như mọi khi, nàng dịu dàng hỏi đứa anh:

- Cháu lên mấy?

- Cháu tuổi Thân – nó đáp.

- A tuổi Thân, cháu lên… lên năm rồi phải không?

- Phải.

- Thế cháu này, cháu lên mấy?

Thằng bé càng giương lên đôi mắt đen bóng rất đẹp của nó, chưa biết trả lời, nó chỉ khẽ lắc đầu, môi mấp máy nhắc lại rất khẽ:

- Lên mấy.

- Cháu nó nhát lắm ạ.

Quỳnh Hương ngẩng lên, một người đàn bà đứng tuổi, chửa vượt bụng có lẽ sắp tới ngày sinh, khuôn mặt hiền nhẫn nại, tiến lên nói vậy.

- Thưa bà mới dọn tới?

- Vâng chúng tôi mới dọn tới sáng nay. Quỳnh Hương chỉ lên căn gác:

- Thưa bà tôi ở trên này, chúng mình hàng xóm, bà mấy cháu rồi ạ?

- Năm ạ, hai gái đầu lòng, rồi ba trai, hai thằng này còn em ở nhà nữa.

- Chắc bà ngồi xó tháng này thôi. Người đàn bà đặt tay lên bụng:

- Vâng, tôi cũng thấy nặng nề lắm rồi (bà lắc đầu), chửa với đẻ mãi ngán quá cô ơi.

- Kể ông bà có thể tính ngày được tránh được đấy ạ.

- Thì chúng tôi đã tính ngày, từ khi chưa có thằng này (bà chỉ đứa bé) rồi có nó, rồi lại đẻ, rồi lại có mang nữa, thực chẳng biết đằng nào mà mò, cô tính mình ngày nay nuôi con đâu có giản dị như các cụ ngày xưa, lo chỗ ăn chỗ ở, lo cho chúng học hành, mệt quá đi mất.

Câu thổ lộ chân thật càng tô đậm mối thiện cảm của Quỳnh Hương với người đàn bà trong buổi sơ kiến. Hình như bà còn mãi lo mãi nghĩ trong việc gia đình nên cũng chẳng hỏi thêm gì. Quỳnh Hương chỉ cầu thang gác, nói với hai đứa trẻ:

- Mai các cháu trèo thang gác kia lên chơi, cô sẽ có kẹo cho các cháu nhé.

Đứa lớn gật đầu “vâng ạ”, đứa bé đôi mắt cũng sáng lên khi nghe tiếng “kẹp”.

Quỳnh Hương và người mẹ chào nhau lần nữa. Lên gác nhìn sang, Quỳnh Hương thấy căn nhà nhỏ vợ chồng anh say rượu ở nay thành nhà bếp, gia đình mới tới thuê thêm một căn phòng nhà trên. Có tiếng người đàn ông – hẳn là người chồng – nói giọng cảm khái:

- Về sau vợ chồng nhà nọ giải chiếu cạp điều từ nhà này đến cửa nhà nó tôi cũng ị… vào!

Tự nhiên nàng cũng thấy có cảm tình với ông ta như đã có cảm tình với người vợ. Ông ta tiếp, lần này giọng vừa cảm khái vừa câm phẫn:

- Thà là làm công cho Chính phủ! Chính phủ chẳng qua như một công ty vô danh, nhục với Chính phủ đấy mà lại hóa chẳng nhục với thằng nào.

Tiếng đứa nhỏ hỏi:

- Chân trái hay chân phải hở mẹ? Tiếng bà mẹ âu yếm:

- Trời ơi con tôi hễ cứ đi dép là hỏi chân trái hay chân phải, con đi nhầm rồi, chân phải đằng này, chân trái đằng kia!

Người bố ôm bổng con lên và tíêng vỗ đít đen đét kế đến tíêng hôn tiếng hít mạnh lên má:

- Con tôi ngoan lắm đấy! (tiếng vỗ vào đít). Bố yêu con! (tiếng vỗ) Bố quý con! (lại tiếng vỗ).

Tiếng người vợ gắt:

- Cái ông này, yêu con gì mà yêu lạ, còn gì là đít con nữa, kia có trông thấy nó nhăn mặt?

Người chồng cười:

- À ha nó nhăn mặt đâu, nó cười đây này. Thế con có yêu bố không?

Tiếng thằng bé :

- Yêu bố ố ố.

- Thế con có quý bố không?

- Quý bố ố ố.

- Thế con có “phược” bố không? (ý ông muốn nói có “phục”).

- Phược bố ố ố!

Quỳnh Hương mỉm cười, tâm hồn thanh thoát, một tay nàng với lấy chiếc khăn mặt lớn, một tay cầm hộp sà phòng thơm, nàng xuống thang gác rồi vào buồng tắm.

II

Chiều hôm sau Kha có đến thăm Quỳnh Hương, chàng ngồi ngay trên một chiếc ghế cao sát quầy rượu, bàn về chuyến ra đi sắp tới của nàng. Cuối cùng chàng nói trước khi từ biệt:

- Em hãy tạm ra đi phục vụ cho nền nghệ thuật bên đó. Em hãy đem tài mình sử dụng như ngọn lửa nhờ gió kỹ thuật ngoại quốc thổi bùng lên huy hoàng. Em sẽ là niềm an ủi lớn cho các nghệ sĩ bất đắc chí ở đây.

Câu nói của Kha càng khiến Quỳnh Hương phấn khởi. Khi về nàng không quên rẽ vào một cửa hiệu thực phẩm lớn mua một trăm gờ-ram kẹo Hoà Lan. Nghe tiếng máy quen thuộc – đã quen thuộc – hai đứa trai ló đầu ra, Quỳnh Hương cũng vừa dừng xe, vẫy chúng và giơ gói kẹo lên:

- Lại đây cô cho quà nào!

Thằng anh chạy tới để thằng em phải lẽo đẽo đuổi theo.

- Cô lại cho cháu quà – bà mẹ đã xuất hiện – cám ơn cô đi con! Hôm nay nhà cửa đã dọn xong rồi đây, mới cô vào chơi.

Quỳnh Hương vui vẻ theo bà. Căn phòng một bề bốn thước một bề sáu thước chỉ thấy kê toàn giường, giường của hai ông bà, giường của hai cô chị, giường từng của hai anh em chú nhỏ, giường mây có thành cao bốn bể để nhốt chú thứ năm mới được sáu tháng. Một chiếc tủ áo kê sát góc tường và góc đối diện là chiếc bàn con với một chiếc ghế dựa và ba chiếc ghế đẩu.

- Chật quá cô ạ! – người mẹ nói.

- Thì ở Sài Gòn phải thế chứ sao – Quỳnh Hương đáp an ủi – nhưng đồ đạc ông bà kê thế này là gọn lắm.

Bà mẹ chỉ hai đứa con gái một tay cầm truyện nhi đồng:

- Đây là hai cháu lớn, con lớn nhất “cây” đọc truyện cả ngày, con thứ hai này ngoan, hễ nghe em khóc là bế. Có một hôm chẳng biết nghe ai nó về giơ hai bàn tay lên nói với tôi: “Mẹ ơi, ngón tay con ngắn thế này về sau cực!”. Tôi bảo có cực thì cũng đến bằng mẹ mày là cùng?

Bà cất tiếng cười, Quỳnh Hương cười theo và càng thấy thương mến bà. Nàng tiến ra giường mây xoa má thằng bé thứ năm, thằng bé đã biết đi nhưng vào hạng nhỏ người, nó phải đứng lên chiếc chiếu gấp miệng mới vừa áp tới thành giường. Thấy Quỳnh Hương tới nó è è, nó phì nước bọt, nó cười tươi cùng với đôi mắt thật sáng, nó khôn biết lạ, khoảng gạch bên dưới là bãi nước đái chưa khô.

Quỳnh Hương nói:

- Các cháu nhà này đứa nào đôi mắt cũng to và đen, đến đẹp.

Bà cười khanh khách:

- Ấy các bạn của bố cháu cũng nói là hễ đến chơi mà quên số nhà thì cứ đi tìm thấy lũ trẻ nào mắt to là đúng nhà bố cháu. Cô trông, nhà con đàn, cháu mặc áo của anh cháu vừa đủ che chim khỏi quần, gặp đâu đái đấy.

Gói kẹo đã được phân chia, miệng đứa nào cũng nhai bỏm bẻm. Một dòng mật xinh xinh chảy xuống cằm thằng bé thứ tư, bà mẹ quát đứa con lớn:

- Đọc truyện hoài, ra lấy khăn lau miệng cho em!

Thằng bé tưởng mẹ quát mình vội lấy hai tay xich che mặt, đôi mắt đen lấp láy qua kẽ tay. Bà mẹ cười nói khẽ với Quỳnh Hương:

- Cô trông, hễ bị mắng là thằng bé che mặt như vậy.

Cô chị đã mang khăn tay ướt lại lau miệng cho em. Bà mẹ lại quát:

- Đi tìm khăn lau ướt lau bãi nước đái bên dưới cho em đi! Quỳnh Hương nhìn xuống bếp thấp thoáng bóng người và hỏi:

- Bà có mượn người làm đấy chứ?

Bà gật đầu:

- Có đấy ạ, người Quảng Nam, cũng mới thôi cô ạ nên tôi còn có thì giờ trông thằng bé kia. Tội nghiệp mấy tháng trước đây không có người làm tôi đành cứ bỏ vạ bỏ vật thằng bé trong giường mây, nó biết ngồi lúc nào tôi không biết, biết đứng lúc nào tôi không hay, cứ ăn no xong là đứng vịn thang giường trước gương chơi với bóng, ngoan lắm. Mẹ anh hay chị nào đi qua thì “ơ ơ” hóng chuyện, thương con quá mà chẳng biết làm thế nào; nhà nghèo con đàn, cô tính! (Bà hắn giọng) Nghĩ cũng tội nghiệp cái chị Quảng Nam này hiền lành, chồng đi bộ đội mới chết, có được một con gửi bà nội ở nhà quê. Chị trụ trẹ nói với tôi “chết nhiều quá bà ạ, cháu có thằng em họ mới tháng trước còn về thăm nhà, nay nghe tin đã chết trận rồi” (bà chép miệng). Di cư vào đây lủng liểng hơn một trăm, yên được hơn hai năm rồi lại loạn lạc liên miên, chẳng biết dân mình còn khổ đến bao giờ nữa.

Thằng bé lớn đã nhai xong kẹo chợt khám phá ra một điều bèn chạy lại kéo áo mẹ hỏi:

- Mẹ mẹ, có phải bao giờ em bé có răng thì mới nói được, bao giờ tay em bé dài bằng tay con mới biết khoanh tay “Cô ạ” phải không mẹ?

Bà mẹ cười gật đầu lia lịa:

- Phải phải, thôi ra kia chơi để mẹ nói chuyện với cô. Nó chạy ra giường với em rồi ngoái cổ lại:

- Mẹ mẹ, chân con sạch con lên giường, mẹ?

- Trời ơi, chân mày đi đầu sông ngọn sông, sạch ở chỗ nào, được rồi lên đi, gấp chiếu lại hai anh em chơi trên ván thôi nghe không?

- Dạ ạ ạ!

Cánh cửa ngõ mở tung, một người xuất hiện, lũ trẻ reo:

- A, bố về!

Người đàn ông đã trên bốn mươi, nụ cười trên môi vui vẻ, khẽ cúi chào Quỳnh Hương, nhưng đôi mắt đầy ưu tư.

- Công việc xong rồi mẹ nó ạ – ông nói.

- Vậy à, thế bao giờ bố đi?

- Mai, sớm mai.

Đứa con gái lớn hỏi:

- Bố đi đâu kia?

Người bố xoa đầu đứa con gái thứ hai đứng ngay gần đấy nói:

- Bố có đi mới có tiền nuôi các con chứ.

Khuôn mặt lũ trẻ buồn thiu. Người vợ ngồi lặng. Bầu không khí bỗng nghẹn ngào chia ly. Quỳnh Hương vội vàng cúi chào từ biệt hai vợ chồng, trở ra dắt xe về, rồi lên thang, bước chân cũng ra chiều uể oải nặng nề.

III

Hôm sau ông giáo (người chồng) ra đi từ sớm, ông cố ý vậy để tránh cảnh chia tay đau lòng với lũ con mà ông yêu quý vô cùng. Trước đây ông chịu bao tủi nhục và giờ đây ông ra đi nhậm chức ở một quận hẻo lánh cách Sài Gòn hơn sáu chục cây đường đi đầy nguy hiểm cũng chỉ vì chúng. Ông thường nói với vợ: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, bây giờ nghĩ lại mới biết thương cha mẹ mình xưa”.

Buổi trưa Quỳnh Hương đang phóng bon bon trên con đường về nàng bổng hãm tay ga, phanh vội cho xe dừng, rồi lui lại một quãnh nhỏ cúi xuống nhặt cây nến đỏ còn nguyên của ai đánh rơi. “Cho lũ trẻ bên bà giáo – nàng nghĩ thầm – cây nến này dùng để thấp nghịch chắc chúng vui lắm”. Hôm nay nàng còn mua cho chúng một ổ bánh mì săng-uých và một trăm gờ- ram pâté gan.

Khi nàng mang các thứ đó sang cho lũ trẻ, lần này bà giáo rẫy nẩy:

- Chết, cô đừng làm thế khó nghĩ cho chúng tôi quá!

- Có gì mà khó nghĩ thưa chị, (Quỳnh Hương quyết định gọi bà giáo bằng “chị” cho câu chuyện hết vẻ khách sáo), cho các cháu nó mừng, vả lại em cũng sắp đi xa.

Bà giáo sửng sốt:

- Cô đi đâu?

- Em sắp đi Tây Đức, người ta mời em sang đó đóng phim. Quỳnh Hương khoe câu trên với tất cả vẻ thơ ngây trong sáng của đứa trẻ khoe sắp có áo mới, trong khi với các người khác – Kiến chẳng hạn – nàng không hề hé nửa lời mặc dầu kiến vẫn đến với nàng luôn. Quả nhiên bà giáo lộ vẻ vui mừng như ý nàng mong muốn, bà đã coi nàng như em và nói:

- Cô có dịp đi như vậy may lắm, tôi thấy con trai con gái nước nhà, hễ có dịp đi là nên đi cho mở mang hiểu biết.

Quỳnh Hương đã là bạn thân của gia đình bà giáo, tình thân này làm phong phú thêm cho tình thân nàng đã có với Hãng với Kha và cảnh khổ của bà giáo cũng làm phong phú thêm cho cảnh khổ của chính nàng. Những đứa trẻ thật nàng không được săn sóc thì nay nàng săn sóc lũ trẻ này, có đứa ng- hịch đấy, nhưng đều rất ngoan và coi nàng như cô thật. Nàng không những học được cách đối xử của Hãng và Kha nàng còn thực hiện được cách đối xử đó mà nàng coi như một sự tạ ơn hai người. Lần sau khi nàng mua thức ăn về rồi xuống bếp giúp chị hai người Quảng Nam một tay, nàng nói với bà giáo: “Em không ăn cơm ở đây, em cũng phải đi ăn hiệu vừa tốn vừa không vui mà vị tất đã ngon bằng”, bà giáo chỉ mỉm cười hiền dịu chấp nhận sự gia nhập của nàng mà không thốt một lời khách sáo nào. Lũ trẻ đã biết gọi nàng là “Cô Hương”. Bà giáo tâm sự cùng nàng khi cùng nhau ăn cơm. Bên ngoài trời đổ trận mưa lớn, khiến lời tâm sự càng thêm ấm cúng.

IV

Ông táo tục danh là Vận xưa học hết ban Thành chung và thi đậu nhưng rồi nhất định không thi nữa: cậu Vận tuyên bố cương quyết học lấy biết chứ không lấy bằng. Cậu đọc rất nhiều sách đủ các loại văn chương, nghệ thuật, lịch sử triết lý… Kết quả cho đến ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cậu cũng có được cái vốn trí thức nhân bản khá rộng đủ để các cán bộ V. M. e nể và ngày theo gia đình tản cư ra hậu phương thì hành trang của cậu là một va-li đầy ứ sách chọn lọc. Một tháng sau cả va-li sách đó ra tro cùng căn nhà ngói ba gian hai trái nơi gia đình cậu đến tản cư nhờ, do một quả bom napalm phi cơ địch thả xuống trúng đích, may người không ai việc gì. Cậu đệ đơn xin dạy Pháp văn tại một trường trung học công lập. Đúng như ý cậu người ta căn cứ vào năng lực chứ không vào bằng cấp, đơn cậu được chấp nhận. Cậu gặp cô Trang nữ cán bộ tuyên truyền huyện, cha mẹ mất sớm anh trên em dưới không còn ai, hai người ý hợp tâm đầu, chẳng bao lâu cô Trang thành mợ Vận giúp mẹ chồng trong việc buôn bán, không làm cán bộ nữa. Một năm sau mợ Vận có mang được ngót bảy tháng thì đẻ non. Cậu Vận nói đùa (người tri thức thường có tinh thần hài hước dí dỏm):

- À thằng bé ra đời sớm để kháng chiến!

Thằng bé chỉ tham dự kháng chiến gọi là có mặt khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ rồi mất. Mợ Vận còn có mang hai lần nữa, lần nào cái thai cũng chỉ đậu đến tháng tư là sẩy.

- Giời sinh giời dưỡng cô ạ – bà giáo nới với Quỳnh Hương khi nhắc đến những kỳ tai nạn này – cô xem ở đây có mang hai tháng rưỡi mà sẩy cũng phải nạo rau cho kỹ, thế mà ngoài đó tôi hai lần sẩy bốn tháng chẳng sao. Bây giờ nghĩ lại rùng mình sởn gáy!

Dưới Vận còn một em trai một em gái. Em trai Vận vào bộ đội rồi biệt tăm, ai cũng đinh ninh là chết. Năm 1951 cả nhà về thành để buôn bán, năm sau mợ Vận có mang, lần này đậu, sinh một con gái, rồi hai năm sau sinh thêm một gái nữa. Vận di cư vào Nam trước với vợ con và cô em gái, bà mẹ ở lại dự định thu xếp hàng họ cho xong sẽ vào cùng với bà bác. Đứa em trai trong quân đội bất chợt trở về. Bà mẹ ở lại.

Di cư vào Nam, ông Vận trở lại nghề dạy học, dạy tư (vì lý do văn bằng ông chỉ có thể dạy tư). Năm ngoái đứa em gái ông vừa đỗ xong tú tài một thì có người hỏi và xin cưới ngay, ông cương quyết khước từ. Dù về sau ở nhà làm nội trợ ông cũng muốn đứa em gái học cho đến nơi đến chốn và có văn bằng tử tế (ông rút kinh nghiệm bản thân). Thế rồi qua đi một năm, cô em đã đỗ nốt phần hai. Nhà trai ngỏ lời xin cưới. Lần này ông ưng. Việc nhận đồ ăn hỏi, việc định ngày cưới xin ra sao nhất nhất ông có viết bưu thiếp ra Bắc kể lại với mẹ. Ngày nay mỗi lần nghe tin cơ hàn miền Bắc ông thấy lòng đau như dao cắt và mỗi lần nhận được bưu thiếp của mẹ ông không cầm được nước mắt, đôi lần ông khóc thổn thức như trẻ con. Cô em về nhà chồng đã được ba tháng, bưu thiếp ông gửi đi mà vẫn chưa nhận được bưu thiếp trả lời của mẹ, ông lo lắm, lo và buồn. Lo cho mẹ và buồn cho mình, buồn vì người khôn của khó, cách kiếm sống ở trường tư ngày một chật vật và… thiểu não. Nơi đây biến thành thị trường chữ nghĩa, cũng có chủ thầu, cũng có đầu cơ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và bệ rạc. Lũ thanh niên rất ít thấy gương tốt, hết tin tưởng vào bậc đàn anh, trở thành quấy phá cao bồi.

Người có tâm huyết đau lòng, phường trục lợi hốt bạc. Thiếu gì cảnh học sinh ngồi ghếch chân lên xe, tì tay lên vai bạn, mồm ngậm lệch một điếu thuốc lá, thản nhiên hay lơ láo nhìn thầy đi qua. Làm sao trách chúng được khi mà người lớn nêu những gương tày tiếp của ích kỷ, hèn hạ, mọt ruỗng.

Nếu ở đường Nguyễn Tri Phương trong Chợ Lớn có tiệm ăn sáng quy tụ hết các tay tai mặt nhà thầu để bắt mạch các áp-phe; thì bên Phú Nhuận, tại một hẻm kia, quanh chiếc bàn đèn của nhà giáo nọ cũng được mang danh là “Nha Tổng Tham Mưu” của giới tư thục. Vào dịp đầu niên khóa, buổi sớm khai trường thì buổi chiều nơi đây người ta đã biết trường nào mở bao nhiêu lớp, lớp nào đông, lớp nào vắng, vị giáo sư nào được mời nhận bao nhiêu giờ, vị nào bị đá đít… Niên học tuần tự trôi, ngày tháng ta đà, vẫn quanh bàn đèn người ta kháo nhau “tự tác” ma-cô của viên đấu thầu giờ dạy kia ra rao, thành quả ai tình của vị chủ trường nọ đã đến đâu, vì nào chịu nhường bao nhiêu phần trăm số lương giờ thi được cấp giờ dạy… Ai còn tâm huyết cứ việc đau buồn cho tiền đồ dân tộc, kẻ vô liêm sỉ tiếp tục hốt bạc, tựa như khẩu hiệu của thời đại “Vô liêm sỉ thì sống!”

Bão biển dâng nước triều lên cao tất nhiên bãi cát, sông lớn, sông con miền duyên hải đều chịu ảnh hưởng nước mặn – nước mặn dây chao ôi, là nước mắt chúng sinh – ông Vận cũng chẳng thoát khỏi cảnh đó, nhất là thuở thiếu thời ông chỉ chủ trương học lấy biết mà chẳng lấy văn bằng. Đã hơn một lần thờn bơn chịu lép một bề, nhìn đàn con đã đến tuổi ăn học, ông nuốt hận chửi đổng thầm. “Tiên sư chúng bây, vì vợ vì con mà ông chịu nhục đây thôi!” Nhưng rồi đến lúc cặn bã vẩn đục tới mức ông không chịu nổi, ông quăng giả văn phòng thời khóa biểu, về nhà tuyên bố: “Thà đi đạp xích-lô nuôi lấy vợ con còn hơn chịu nhục hơn với chúng nó!” Bà giáo đã thông cảm nhiều với những tủi nhục mà chồng đã phải cắn răng chịu đựng liên tiếp mấy năm nay rồi nên cũng vội biểu đồng tình để làm nhẹ nổi niềm thắc mắc cho chồng: “Anh nói phải, thiều gì việc khác mà phải lụy!”.

Thiếu gì việc khác!? Một mặt ông vẫn nộp đơn vào Nha Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình dân Học vụ xin bổ dụng giáo viên sơ cấp, một hôm ông đến gặp mặt người anh họ mở hãng xuất nhập cảng định xin một chân thư ký nhưng bị cả hai vợ chồng nhà giàu đó cư xử quá ư lạnh nhạt. Sau đó ông mới biết chuyện ngay em ruột y ở xóm lao động sợ cháy, mang đến gửi y rương quần áo mà cũng bị từ chối. “Vi nhân bất phú!

Chúng nó giàu là phải, mình nghèo là phải” – ông nói với vợ, như vậy. Ông đổi chỗ ở, dọn nhà đến hẻm này cho đỡ tốn. Còn giận người anh họ, ông đã thốt lên câu cảm khái mà Quỳnh Hương nghe thấy hôm nào: “Về sau vợ chồng nó giải chiếu cạp điều tự nhà này đến cửa nhà nọ tôi cũng i… vào!”. Cũng may khi ông đệ đơn xin gia nhập nghạch giáo viên sơ cấp thì Nha Tổng Giám Đốc nhận được tờ trình khẩu của một vị Thanh tra tại một Ty Tiểu học miền Đông gởi tới. Đính theo tờ trình là lá đơn tâm tình và xin thuyên chuyển hai trang đánh máy đặc kịt của một nữ giáo viên:

Kính gửi ông Thanh Tra Sơ Cấp Thưa ông,

Tôi tên Lê Thị… trưởng giáo trường sơ cấp B. T, trân trọng kính trình ông Thanh Tra một việc như sau:

Nguyên tối hôm 19 tháng 7 năm… ông đại diện xã B. T, ông ủy viên Tài chính, ông Thông tin, ông Cảnh sát mới bổ nhiệm và nhiều ông trong xã đến dùng tiệc trà nơi nhà tôi đang trọ. Một ông trong toán nói: “Kêu cô giáo dậy nói chuyện cho vui chớ”. Mấy ông thách ông Cảnh sát vào mời. Ông này đến giường tôi ngủ đã thấy tôi bỏ mùng xuống rồi. Lúc đó khoảng 9 hay 10 giờ đêm nên tôi đang thiu thiu ngủ. Lúc đầu ông Cảnh sát bèn xông đến vén mùng tôi lên… Đến chừng ấy bà cụ chủ nhà phải tới nói khéo rồi biểu tôi thức dậy đặng hầu chuyện.

Vào ngày 26 nghĩa là đúng một tuần sau, có 2 người đàn ông tôi không biết mặt vào nhà xin ở tạm ban đêm, bà lão cố từ chối vì nhà bà chật hẹp lắm. Khoảng 9 giờ đêm có một người lạ vào kêu cửa và nói: “ông Cảnh sát bảo bà cụ phải cho 2 người đàn ông nghỉ nhờ” nhưng cụ chủ nhất định từ chối.

Đêm hôm sau cũng vào lối 9 giờ các ông Hành chính Xã cùng một số người khác chia làm 2 toán đứng ở bên đầu đường, ông Đại diện đi thẳng tới hỏi bà lão trong nhà rằng: “Cô giáo đâu rồi?”. Cụ chủ nhà trả lời: “Cô giáo đã đi xóm không có ở nhà”. Ông Đại diện nói có vẻ hằn học: “” Cô ấy mới đến, quen với ai mà đi?” Rồi ông rọi đèn khắp nơi để kiếm tôi. Lúc ấy tôi quá sợ nên đã xuống mé sông mà trốn. Kiếm không được, ông Đại diện bảo người trong nhà ấy phải đi kiếm tôi về kẻo bị Việt Cộng tóm cổ rồi làm sao? Bà cụ chỉ lẳng lặng đóng cửa lại. Đi một vòng các ông trở lại kêu cửa nữa, bà lão tức mình nói sẵng: “Các ông muốn vô thì tôi mở cửa?” Thấy bà lão giận các ông rút lui.

Đã một tuần nay quanh trường tôi toàn phân người mỗi buổi sáng tôi phải thức sớm để quét dọn truờng rồi mới dạy học được. Sợi dây treo cờ cũng bị cắt đứt chỉ còn một đoạn ngắn. Tranh ảnh tôi đem trang hoàng trên tường hiện nay cũng không còn.

Theo lời phụ huynh học sinh thì từ trước đến giờ không gặp việc gì rắc rối như thế. E có sự thù hiềm nên tôi làm thinh. Hôm nay tôi đến trình việc uất ức này nhờ thượng cấp lượng xét cho. Tôi là phái yếu, ban đêm tăm tối, nếu xảy ra việc gì, tôi không sao tự vệ được.

Vậy xin ông Thanh Tra đề nghị cho tôi được thuyên chuyển về trường tỉnh, hoặc sát ngay tỉnh, nếu không tôi buộc lòng phải đệ đơn từ chức.

Trong khi chờ đợi sự quyết định của thượng cấp xin ông Thanh Tra vui lòng chấp thuận cho tôi được nghỉ ba ngày để đi bác sĩ vì tôi có chứng bệnh đau mắt hột thuờng trở đi trở lại.

Tôi rất đội ơn ông Thanh Tra

Nay kính.

Sau khi cứu xét hồ sơ trên, Nha Tổng Giám Đốc quyết định bổ nhiệm tới trường Sơ cấp B. T một nam giáo viên khác để nữ giáo viên kia được về làm việc tại văn phòng Ty trưởng. Do đó, lá đơn của ông giáo đã sớm được chấp thuận.

Ông giáo đi được hai hôm thì thằng bé thứ năm – bé Hy – chợt sốt li bì suốt đêm. Thoạt nó chỉ ngạt mũi, bà giáo bôi dầu khuynh diệp cho bé rồi vừa vỗ vỗ lưng vừa ru cho bé ngủ. Bé thiu thiu… bà vờ tờ nhật báo của Quỳnh Hương mang sang để lại, bà đọc và thấy lo… Chiến tranh thứ ba mà bùng nổ, bom nguyên tử dội xuống tứ tung, tất chết! Được chết cả nhà hạnh phúc biết bao, rủi kẻ còn người mất thì nguời chết đã đành yên phận, kẻ còn mới thực khổ. Sống héo hon thương nhớ, trên đời còn cực hình nào bằng?

Bé Hy bỗng khóc thét, bà giáo giật mình quăng tờ báo đấy chạy ra ôm con, cơn gió vừa lùa tới, tờ báo rơi nghiêng là là như cánh diều chao, luồng gió thứ hai nhẹ tiếp, tờ báo quần sát nền gạch, chui tụt vào gầm giường. “Chết chưa, con tôi sốt mất rồi! – Nói vậy rồi bà vôi đi kiếm cái cặp sốt. “Chết chưa, con tôi sốt quá mất rồi, ba mươi chín độ!” Khuôn mặt lo âu bà tự nhủ: “Thằng này mà sốt thì phải coi chừng!”.

Tháng trước bé Hy lên sởi, buổi sáng bé còn chơi với các anh chị, chiều ba giờ tắm xong bé lên cơn sốt, chín giờ tối chợt Lý gọi giật: “Mẹ ơi mẹ, em Hy làm sao này’. Bà ở dưới bếp chạy vội lên thấy bé Hy đương lên kinh, chân tay dần dật, người ưỡn ra răng nghiến và mắt trợn ngược chỉ còn thấy lòng trắng trông thê thảm. Bà hết hồn, bế vội con lên, bà thò ngón tay cái vào giữa hai hàm răng trước cửa để bé khỏi cắn vào lưỡi. Bà bảo My mang lại chiếc muỗng sắt để đặt ngang miệng sau đó vắt chanh vào miệng cho bé tỉnh. Theo kinh nghiệm thường lệ bà cho bé uống thêm aspirine cho hạ sốt. Ông giáo đi công chuyện cũng chưa về. Đến ba giờ sáng bé lại lên cơn kinh, chân tay lại giựt, mắt lại trợn ngược. Bà gọi chồng và cũng thò tay vào miệng bé để giữ cho răng khỏi cắn lưỡi, lần này bé nghiến mạnh làm đức cả tay bà, rồi lại vắt chanh có thêm cả nước củ xả, rồi uống thuốc an thần, bé tỉnh dần nhưng cơn sốt bừng bừng, bé phát hoảng luôn mồm gọi “mẹ ơi mẹ đâu”, nhìn thấy bố, bé càng víu chặt lấy mẹ. Ông giáo sựt nhớ lại lời một người bạn nói về một cách chữa kinh hơi dị đoan nhưng ông cũng làm, ông lấy kim chích đầu ngón tay trỏ cho rỏ vào tách nước lọc mấy giọt máu rồi cho bé Hy uống. Bà giáo thương con thương chồng, khi ông giáo đã đi ngủ rồi, bà cứ ngồi vậy canh chừng bé Hy, bà chăm chú hết nhìn hai bàn tay của bé một nắm vào mép chiếc khăn bông lớn quấn ngang bụng, một để xuôi xuống trước ngực, mỗi lần thấy những ngón tay xinh đó hơi dần dật là bà nín thở sợ bé lên kinh nữa. Mãi đến gần sáng cơn sốt của bé thật hạ bà mới thiếp ngủ được một chút. Sau đó bé Hy mọc sởi.

Đêm hôm nay bé Hy lại sốt, bà giáo sợ lắm: “Thằng này mà sốt thì phải coi chừng!” – bà luôn luôn tự nhủ thế và sau khi đã cho bé uống sirop an thần cùng thuốc trị sốt, bà lẳng lặng đi cắt sẵn lát chanh, lẳng lặng giã củ xả lấy nước, lẳng lặng lấy sẵn chiếc muỗng sắt để ngộ bé Hy có lên cơn kinh lần này… Bà bắt My sang tiệm chạp phô bên cạnh mua một đồng bạc đá rồi gói vào chiếc khăn mặt chườm lên trán cho bé. Thoạt bé giật mình khóc thét vì bất ngờ gặp hơi lạnh nhưng rồi bé nín dần. Cứ một vài giây bà lại xê dịch bọc đá. Cái nhìn của bà, ý nghĩ của bà hoàn toàn tập trung vào đứa con sốt, nỗi lo về chiến tranh thứ ba bùng nổ hoàn toàn bị xóa đi mất tích như nước triều với mép viền trắng xóa ùa tới xóa đi vết chân bộ hành trên cát ướt. Chườm hết đá bà mệt thiếp đi, khi sực tỉnh, bà thấy bé vẫn sốt và cứ như vậy lì bì suốt đêm. Nỗi lo sợ của bà còn in hằn trên khuôn mặt phờ phạc khi sớm hôm sau bà mời Quỳnh Hương sang hỏi ý kiến. Quỳnh Hương hứa sau buổi làm sẽ đi hỏi và mua thuốc cho bé, nàng khuyên bà giáo đừng tự ý cho bé uống gì vội.

May sao Kha tới New York Café vào lúc 10 giờ sáng. Quỳnh

Hương nhớ đêm ăn phở gặp Tân, nàng hỏi:

- Anh Kha, ông bạn bác sĩ quân y của anh giờ này có nhà không?

- Nó mới về chiều qua, chuyến vừa rồi suýt chết bị phục kích trên đường đi Bến Cát.

- Em muốn mời anh ấy đến thăm cho thằng cháu hàng xóm có được không anh?

Được chứ sao, miễn là nó có nhà.

- Anh ấy có khó tính lắm không? Kha phá lên cười:

- Ai? Thằng Tân? Trời, để anh đưa em đến nhà nó ngay.

- Em chưa thể đi ngay được, hay là phiền anh thế này, anh đi đón Tân cho em, 11 giờ anh quay lại đây, em có thể về sớm một chút được.

Kha gật đầu nói được rồi trả tiền đứng dậy ra đi mặc dầu bên ngoài đã bắt đầu đổ mưa.

Bé đã thiếp ngủ một giấc vừa thức dậy thì Quỳnh Hương, Kha, Tân tới. Cặp sốt, xem lưỡi, rọi đèn xét cuống họng xong, Tân cười nói với bà giáo:

- Thưa bà không sao hết, có thể cháu sốt mọc răng tôi còn sẵn đây biếu bà mười gói Euquinine Lactose, bà có thể cho cháu uống một ngày ba gói sáng, trưa, chiều. Hết sốt thì thôi.

Bà giáo cám ơn Tân, Kha. Quỳnh Hương tiễn hai người ra cửa rồi vào bếp, nhưng nàng không phải làm gì mâm cơm đã sẵn sàng và chị hai sửa soạn hưng lên nhà.

Bé Hy đã được mẹ cho uống Euquinine khậm khạch khóc. Lý – đứa gái thứ hai – ôm em lên rung rung cánh tay ru:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Bà giáo quát đứa lớn:

- Con My đâu, vào gấp chiếu quét phản để sửa soạn dọn cơm chứ!

Thằng bé em tên Thùy chạy lại níu vạt áo Quỳnh Hương, ngẩng đầu lên, đôi mắt tròn xoe, miệng dấp dính mách:

- Cô… c … anh Vi cục cức đó!

Bà giáo cười thông ngôn lại đại ý:

- Ấy cháu nó đương mách cô anh Vi nói nhảm. Quỳnh Hương xoa má nó:

- Được rồi để cô đánh anh Vi cho.

Thằng bé hài lòng lắm, chạy lại phía anh, giọng đắc thắng:

- Mách chooo… xeeem!

Bà giáo bảo Lý:

- Đưa em cho mẹ con, chim săn thế kia là em sắp tè rồi đấy, để mẹ xuy cho.

Bữa cơm náo nhiệt một cách lộn xộn như thường lệ, đứa đòi tự xúc lấy, đứa đòi nước thịt, bà giáo quát sẵng đứa này, dỗ ngọt đứa nọ rồi lại trở lại khuôn mặt bình thường nói chuyện với Quỳnh Hương.

Thỉnh thoảng bà nhắc bảo lũ trẻ: “Nước rau mẹ có vắt chanh, uống đi các con, thuốc bổ đấy!” Một lần bà nói với Quỳnh Hương: “Nước rau có nhiều chất sắt bổ máu phải không cô?”

Khi Quỳnh Hương đã về nằm nghỉ trưa, tiếng bà giáo quát đánh thằng con trai lớn (thằng nghịch nhất) lẫn với tiếng thằng em khóc thét:

- Tao đã bảo rằng đây là cái thóp của em, thóp còn yếu, phập phồng thế này mà hích khuỷu tay vào thì còn gì!

Tiếng roi đét vào đít, đến lượt thằng anh khóc thét. Bà giáo quát:

- Vi!

- Dà à à!

(Thằng bé có chút thịt dư ở cổ họng nên khi khóc thét giọng hơi khàn và nói “dạ” thành “dà”)

- Mẹ dặn thì phải nghe, Vi!

- Dà à à!

- Lần sau mẹ đuổi đi không nuôi nữa nghe không?

- Dà à à!

- Lên giường ngủ trưa mau!

Thằng bé lên giường, chắc là hích phải con chị. Quỳnh Hương nghe có tiếng đập, và thằng Vi lại khóc thét để rồi lại tiếng bà giáo:

- Trời ơi, ai khiến mày dạy em, con kia! Mày không có quyền đánh nó nghe không, mày chỉ có quyền thương nó thôi.

Ai lại cầm máy bay thiếc đập vào đầu em còn gì là em nữa! Chó!

Giờ đi làm chiều, Quỳnh Hương dắt xe ra khỏi nhà gặp bà giáo, bà lắc đầu, cười:

- Khổ quá cô ơi, quát hết đứa nọ đến đứa kia mãi chúng mới ngủ cho được một tí. Có bố chúng nó ở nhà tôi đỡ, anh ấy chỉ trừng mắt một cái là chúng sợ.

Quỳnh Hương an ủi rất hợp lý:

- Chúng nó có khoẻ mạnh mới nghịch, nói dại đứa nào cũng ngồi ì một chỗ hỏi không buồn nói, gọi không buồn thưa, chị còn khổ nữa, lại chết tiền thuốc.

- Ừ cô nói đúng! (Bà bỗng đặt tay lên bụng) thằng Thùy vừa chập chững biết đi thì đẻ thằng Kinh, thằng Kinh vừa chập chững biết đi thì lại sắp đẻ, khổ quá cô ơi.

Đến đây thì Quỳnh Hương không biết an ủi ra sao, nàng chỉ cười chào bà rồi đạp xe lấy đà trước khi cho nổ máy.

Buổi chiều hôm đó hết giờ làm, Quỳnh Hương chui luôn vào xi-nê. Nàng dự định tan xi-nê đi ăn hiệu, rồi buổi tối đi hát. Nàng vào giữa phim và khi hết phim đèn bật sáng nàng nhận thấy một con bạn cũng thuộc loại gặp may lấy được “ông lớn” ngồi bên dưới nàng mấy hàng ghế. Nó mặc quần blue-jeans màu xanh lợt và áo vàng kẻ vuông đỏ. “Ông lớn” này đã bị “nhào” từ mấy tháng nay, nên không còn tiền hô hậu hét, không còn vệ sĩ như xưa, y trở lại đời thường dân mặc sơ mi cụt tay giản dị nhưng dáng người còn giữ được vẻ bề thế với cái bụng bự và khuôn mặt phì nộn một cách vô duyên vì cái mũi quá tẹt. Một tháng trước đây con bạn khóc với Quỳnh Hương là nó mới xin được phương pháp bí truyền giữ tình yêu, nó ghé tai kể cho Quỳnh Hương nghe mấy thứ nhơ bẩn để pha vào đồ uống cho “đối tượng tình yêu”. Quỳnh Hương biết là nó đã sang giai đoạn lủng liểng lắm mới phải cầu cứu đến ngoại khoa như vậy. Quả thực, như điều nàng hiện thấy trước mắt, khuôn mặt “ông lớn” lạnh lùng hết nhìn bên trái lại nhìn sang bên phải, ngừng tia nhìn một chút vào những khuôn mặt gái tơ tươi mát, rồi ngửa cổ nhìn trần cao lơ đãng ngắm dàn đèn nê-ông màu, đôi lúc y chán nản ngáp chẳng buồn che miệng, nhìn nghiêng trông cái mũi bẹp dí của y càng vô duyên tệ. Con bạn nói nói cười cười cố làm duyên, ghếch chân lên hàng ghế trước; ngả đùi xuống cho sát với đùi y, y thản nhiên. Con bé ghé sát tai y lẳng lơ hỏi thầm cầu gì rồi hón miệng thổi vào gáy (chắc đó lại là một ngoại khoa khác) y vẫn thản nhiên khẽ gật đầu và đáp gọn một hoặc hai tiếng. Đèn tắt. Lơi dụng bóng tối Quỳnh Hương xuống bậc thang rẽ nhanh theo đường đi ra. Bên ngoài nắng chiều còn chói chang và hơi nóng hầm hập.

- Quỳnh Hương!

Quỳnh Hương tươi cười quay lại vì nhận ngay ra đó là tiếng Kha. Kha đi với Tân… Nàng cúi chào hai người dáng điệu ng- hiêm trang hơn và hỏi:

- Hai anh cũng vừa ở trong rạp ra?

- Hôm nay – Tân đáp – tôi đến Portail lĩnh mấy cuốn sách mới com-măng từ Pháp sang, tiện thể ghé vào đây xem affiche.

- Phim hay không Quỳnh Hương? – Kha hỏi.

Quỳnh Hương nghĩ đến con bạn “bùa phép”, nàng lắc đầu:

- Phim chẳng có gì đặc sắc, em vào nửa chừng hết thì ra, chẳng buồn ở lại.

Tân đề nghị nhỏ với Kha:

- Hay mời luôn cô Quỳnh Hương đến nhà tôi? Kha gật đầu:

- Phải đấy, càng vui.

Chàng nói với Quỳnh Hương:

- Nếu em không có gì bận, đến ăn cơm với anh chị Tân chiều nay.

- Em không bận gì nhưng liệu có tiện không? Tân cười, nụ cười dễ dãi của chàng!

- Sao lại phải đặt vấn đề tiện với không tiện, chúng tôi rất hân hạnh được tiếp đón minh tinh!

- Ồ anh Kha đã nói chuyện với anh?

- Anh đã khoe với anh Tân điều đó thì đúng hơn – Kha nói

– Anh Tân chưa được nghe em hát nhưng cũng chia xẻ niềm tin với anh.

- Thế thì còn hân hạnh nào bằng, em xin theo. Tân nói tiếp:

- Lê cũng khoái chụp hình lắm

Kha giải thích khẽ với Quỳnh Hương:

- Lê là Madame Tân đó.

Chương Bốn

TÌNH THƯƠNG TRONG MƯA

I

Chiếc villa xinh bên Vĩnh Hội phía trước mặt nhìn ra sông của cặp Tân Lê không còn trần trụi như bốn năm trước đây mà sầm uất màu xanh của cây ăn trái quanh nhà đã đủ cao lớn. Những cây roi, cây na, cây ổi, cây soài đều đã bói trái từ năm ngoái. Khóm lau Miên trồng tặng ở giữa sân cỏ nay ấm búi lan vùng ra đến gần bể non bộ và Tân đã cho quây đá xung quanh để giữ cho khóm lau đủ xinh xắn ở mức đó. Đường mùa mưa nên sân cỏ xanh mướt, núi non bộ lên màu rêu và bể đầy nước.

Kha giới thiệu Quỳnh Hương, Lê với nhau:

- Giới thiệu cô Lê đây là Quỳnh Hương em gái nuôi anh Hãng người đã chọn áo cho cô dâu dạo nọ. (Kha nói với Quỳnh Hương) Bà đầm anh với bà Tân đây là hai chị em con chú con bác ruột.

Lê vui vẻ nói với Quỳnh Hương:

- Chị chọn đồ cô dâu thật giỏi, thật khéo, hôm đó em thích mãi, (nàng hỏi Kha). Thế nào ông anh, bà giám đốc của em dạo này bận lắm hả anh?

Kha cười đáp:

- Cũng khá, nếu không hôm nay đã đến đây ăn cơm.

Lê giải thích với Quỳnh Hương:

- Bà chị tôi chả là chủ một nhà bảo sanh tư lớn lắm. Tân đã tới bên Lê âu yếm hỏi nàng:

- Hôm nay em cho tụi này “thời” những món gì nào. Lê để ngón tay trỏ lên miệng:

- Món bem! Em sẽ dành cho anh một ngạc nhiên! (Bem = BM: Bí mật)

Quỳnh Hương nói:

- Để em vào bếp giúp chị một tay. Lê xua tay:

- Ấy không được, một là chị là khách; hai là “món bem” mà hai người biết còn “bem” nỗi gì?

Nói dứt, Lê đi thẳng lên nhà, vào bếp. Ba người còn lại ngồi xuống ghế xi măng gần núi non bộ.

Kha nói với Tân:

- Cậu bị phục kích ra sao, tôi cũng chỉ mới nghe anh em ở tòa báo nói lại chưa được trực tiếp nghe cậu.

Tân khoanh tay ngả người về phía sau giọng bình tĩnh:

- Sau tối hôm gặp cậu ở tiệm phở khuya, hôm sau tôi lên đường đi công tác trưng binh Camion chở biệt động quân đi đầu, đây là một Camion thường mược của tỉnh đoàn Bảo an, sau đó một thiết giáp nồi đồng đi hộ vệ, thứ ba là xe Jeep của tôi rồi đến một thiết giáp nồi đồng nữa đi hộ vệ, sau cùng là hai GMC một chở lính, một chở tài liệu hồ sơ của thanh niên gọi nhập ngũ. Chiếc xe Jeep của tôi máy không được tốt chạy chậm dần. Quá Bình Dương mười cây số trên đường đi Bến Cát là lúc đoàn xe bị cắt làm đôi vì chiếc thiết giáp thứ hai bị hỏng phải dừng lại chữa, xe Jeep của tôi biến thành hậu tập cho khúc đầu. Chúng tôi bắt đầu đi vào một khoảng đất cao như sườn đồi, đường đi rất đỗi gồ ghề, bên trái có khúc rừng cao su còn non và thưa thớt chỉ mới cao hơn đầu người. Bỗng một tiếng nổ cực mạnh về phía trước, một cột khói đen vụt lên, cao sáu bảy thước rồi những tiếng mìn nổ liên tiếp phía cạnh đường. Xe Jeep đã dừng lại, tôi theo vị Trung úy phòng tuyển binh nhào ra nằm sát vệ đường. Từ đây chỉ còn nghe tíêng súng của hai bên, tiếng viên thượng sĩ biệt động quân – trưởng xa – ra lệnh và tiếng ồn ào hộ “xung phong” của phe địch. Thoạt bắn nhau được năm phút thì tiếng viên thượng sĩ: “Sao? Súng mình tắc hả? Để đấy tôi!”. Đúng vào lúc đó phe địch ồn ào hô “xung phong”. Chỉ hai phút qua, cây trung liên đã được sửa xong tiếp tục nhả đạn. Tiếng phe địch¬: “Chết cha, lính Cộng Hòa rồi chúng mày ơi!”. Súng tiếp tục nổ và tiếng viên thượng sĩ: “Không sợ, bên ta bắn đấy”.

Thì ra lúc chiếc xe Camion dẫn đầu tới quãnh đường này, địch tưởng đấy là xe Bảo an bèn cho giật mìn. Người tài xế bị những mảnh kính vỡ bắn vào mặt và ngực, dận mạnh ga. Quả mìn thứ hai nổ, chiếc xe húc ngoẹo về phía trái, dừng lại. Đội biệt động quân của ta nhảy phăng xuống đường, một bị đạn chết ngay. Viên thượng sĩ khi nhảy lên sửa trung liên rồi tức khắc cho xả về phía ụ đất thấp thoáng bóng địch.

Khi địch ngưng bắn, một biệt động quân nói với thượng sĩ: “Để chúng em xuống, may lấy được súng”. Viên thượng – sĩ xông xuống trước tay cầm khẩu tom-xông. Tới mô đất thấp thấy khẩu trung liên báng đầy máu và một băng đạn còn nguyên, tiến sâu hơn chút nữa thấy bình ắc quy và dây điện; quân ta tỏa ra một vùng lớn khiêng về một địch quân ngắc ngoải trong mình có ít thuốc quinine, một nắm cơm, một chiếc mùi xoa. Khúc thứ hai của đoàn xe cũng vừa tới, chiếc thiết giáp đã được sửa xong dẫn đầu.

Lúc đó nắng ghê lắm. Nếu đánh ban ngày địch thường hay đánh vào quá trưa như vậy, chả ngoài giờ hành chính, mọi việc đều chậm trễ, làm chậm trễ lây cả việc tiếp viện.

Quỳnh Hương hỏi:

- Lúc nhảy ra khỏi xe, nằm bên vệ đường anh thấy sao? Anh có cuống quýt?

Tân đáp:

- Không, tôi không hề cuống quýt. Khi nghe địch hô “xung phong” cũng vậy, tôi nằm chờ xem ra sao. Kể ra có một xích na nghĩ đến mình đấy, nghĩa là về sau này phân tách ra thì thấy vậy, sự thực lúc đó là một thứ cảm giác… vô giác.

Tân khoác tay tìm lời, sau cùng chàng tiếp:

- Une sensation étrangère à I’espérance ou à la crainte. Lúc đó mình là một sinh vật sống hoàn toàn cho hiện tại không dự tính tương lai, không hồi tưởng dĩ vãng.

Tiếng Lê ở trong nhà vọng ra:

- Bích Giao dậy rồi đấy anh ơi!

Tân vùng đứng lên đi vào nhà nói khẽ:

- Trời, sao con tôi lại ngủ vào cái giờ dở giăng dở đèn này. Kha nói với Quỳnh Hương:

- Là bác sĩ, Tân sống siêu giai cấp, siêu hận thù, vì vậy Tân luôn luôn giữ được tâm hồn thoải mái. Đã từ lâu Tân sống theo phương châm “Làm việc tận lực, hưởng thụ tận tình!” Lê là một dòng suối thần tiên đối với Tân.

Tân đã bế con gái ra. Bích Giao lên ba cũng nước da trắng mát và khuôn mặt trái xoan rất xinh giống mẹ. Quỳnh Hương đứng dậy giơ tay muốn bế, Bích Giao quay đi dấu mặt trên vai bố. Tân nói:

- Cháu khó tính lắm cô ạ, chỉ theo bố hay mẹ.

Ba người lại ngồi như cũ. Bích Giao thoạt ngồi trên lòng bố, rồi khi đã thật tỉnh ngủ thì tuột xuống đi trên cỏ, thỉnh thoảng cúi xuống ngắt một bông hoa cỏ.

Kha hỏi Tân:

- Sau đó con voi tíếp tục đi? Tân gật đầu:

- Tiếp tục rất thận trọng, gần chiều mới tới tỉnh Bình Long, ở đấy, tôi khám cho tân binh hai ngày rồi tiếp tục sang Phước Long. Mission kéo dài ngót một tháng khi về đã thấy anh cu Hãng đi… ở riêng rồi!

Cả ba cùng cười. Đèn đã bật trong nhà và ngoài hiên chiếu ánh ra chỗ ba người ngồi nói chuyện. Quỳnh Hương chợt thốt khẽ: “Phước Long, thôi đúng ông giáo đến nhậm chức ở một quận nào thuộc tỉnh này”. Tiếng Tân đã thốt lên với Kha, lần này đượm vẽ nghiêm trang:

- Đúng như anh em mình vẫn nói chuyện với nhau trong gia đình Văn Hóa Kha ạ, chẳng bài học nào phong phú hơn, giúp ta tiến vượt bậc hơn bài học ngay trong cuộc sống gay go cam khổ này. Thực tế phũ phàng sẽ bào nạo những “ý thức da dầy”, giúp chúng trở lại nhậy cảm. Cộng sản là liều thuốc đắng làm dã tật, những phong kiến lạc hậu, những độc tài tàn phá nhân cách tất nhiên đi vào hủy diệt. Tôi giữ được bình tĩnh trong mọi gian nguy vì biết nhìn vào tương lai và ánh sáng soi cho tôi thấy tương lai chính là các anh.

Đôi bạn nhìn nhau cười mỉm thì tiếng Lê nói lớn:

- Cơm đã sẵn sàng rồi, mời quý vị “dô”!

II

Nói về Lê, ngoài hai ưu điểm: có nhan sắc rỡ ràng tươi tắn, có tài điều khiển đại quy mô hãng nhập cảng tơ sợi và các đồ xây cất, còn thì nàng – theo lời các cụ ngày xưa – rất đoảng về phương diện nội trợ. Nàng nuôi con vụng, nhưng số nàng nhàn nên mướn được người chị hai đảm và khéo. Việc tiêu pha trong gia đình rất loang-toang nhưng bù lại hãng xuất nhập cảng của nàng chỉ lãi mà chưa bao giờ bị lỗ. Đã hơn một năm nay nàng không trực tiếp khiển hãng này nữa. Nhâm (em trai nàng) học xong trung học, bèn nhảy xổ vào giúp nàng, và chỉ sau chừng vài tháng tập sự, Nhâm đã thành thạo hết. Lê bỗng trở thành lười, ở nhà vui với Bích Giao và tính chuyện hỏi vợ cho Nhâm. Hoan

(cô chị con nhà bác) đã lấy Phát và có hai con rồi (mắn hơn nàng nhiều). Dạo này đôi khi gặp Hoan, hoặc gặp Miên, nàng thường cười nói với hai chị: “Em bây giờ bắt đầu già rồi, chỉ biết nuôi con, còn thì mũ ni che tai!”. Sự thật nàng vẫn còn đẹp và trẻ con như bao giờ. Nàng hát rất dở và nàng hay hát khi có Tân ngồi bên. Gần đây nàng đi vào một đam mê mới: làm bếp. Và nàng làm bếp cũng không hơn gì nàng hát. Được cái Tân thì coi nàng như trẻ con, luôn luôn nói đùa, kể cả khi chàng nói với Lê đứng đắn nhất cũng là đứng đắn một cách đùa. Trong trường hợp cả gia đình Văn Hóa đến họp bàn ở đây thì việc ăn uống hoàn toàn chỉ là một cớ phụ thuộc, bởi vậy Lê chưa bao giờ cảm thấy thất bại trong việc bếp nước.

Lần này cũng vậy không khí bàn ăn rất vui vẻ thân mật. Bé Bích Giao được chị hai bế vào bếp cho ăn riêng. Trước khi ăn Tân cho chạy một băng gồm những concerto, khởi đầu là một concerto cho vĩ cầm của Brahms. Tới ngồi bàn, Tân nói thêm:

- Máy stéréo nà Hãng mua cho tôi năm ngoái trong dịp anh đi Tân-gia-ba, tôi mới lắp thêm một haut-parleur ở trong bếp nữa để Lê vừa làm bếp vừa nghe nhạc.

Lê nói:

- Vừa làm bếp vừa nghe nhạc khoái thật cơ. Tân hỏi:

- Có hôm em thái khoai thái phải vào tay vì mải nghe nhạc phải không?

Lê vội vã đứng dậy đón liễn súp măng cua tự tay chị hai vừa mang tới nên quên không trả lời Tân. Mọi người tuần tự lấy súp trong khi Lê rót vang đỏ vào những ly cao chân.

Kha nếm súp trước rồi nói:

- Nhạt!

Tân với vịt nước mắm đưa cho Kha và nói:

- Món này cần nhạt để… ngọt, ai muốn đậm hơn xin tuỳ ý cho thêm nước mắm.

Tất cả mọi người đều lần lượt cho thêm nước mắm.

Món thứ hai là “món bem” của Lê, đó là món bít-tết mà Tân vẫn ưa.

- Trời – Tân nói – bít-tết của em ngon một cách kinh khủng! Đôi mắt Lê sáng lên:

- Được thật chứ anh?

Lê ăn miếng bít-tết nhỏ nhất vào bếp làm món thứ ba mà nàng bảo là cần phải ăn nóng. Lúc đó Tân mới đưa mắt nhìn Kha và Quỳnh Hương, cười nói khẽ:

- Nhưng phải cái hơi dai, nói trộm phép bà ấy thế.

Món thứ ba cần phải ăn nóng của Lê – và cũng là món cuối cùng – là món mì xào với thịt bò. Đưa mắt thấy Kha ăn một thìa rồi hơi rụt cổ, Tân biết ý kín đáo đẩy đĩa chanh lại:

- Cậu vắt nhiều chanh vào và ăn thêm với salade thì đỡ mặn.

Tất cả mọi người đều sử dụng rất nhiều chanh và gấp rất nhiều salade.

Tráng miệng có xoài cát do chị hai mua ở chợ Cầu Ông

Lãnh nên xóa được mọi lầm lỗi của những món chính.

Quỳnh Hương đã thấy nhớ gia đình bà giáo. Rõ ràng “quê hương tình cảm” của nàng giờ đây là gia đình này. Nàng từ biệt Tân, Lê, Kha vào tám rưỡi nói là đến nhà bạn có hẹn cần, sự thực nàng đến thẳng phòng trà Ly Ly, đó là lần đầu tiên nàng đến sớm đợi phiên mình hát vào lối chín giờ. Ở Ly Ly ra nàng rẽ vào tiệm bánh đậu Hải Dương mua rồi đi nhanh tới chỗ gởi xe, lấy vélosolex phóng thẳng về (tối nay nàng không phải tới New- york Café). Mới khoảng gần mười giờ, cửa còn ngỏ, bà giáo còn thức, bà vừa cho bé Kinh bú một bầu sữa, tay còn cầm bình sữa. Quỳnh Hương vừa bước tới vừa hỏi:

- Cháu bé thật khỏi rồi chứ chị?

Tự các giường, lũ trẻ cùng ngồi nhỏm dậy như lò so bật (trừ bé Thùy vẫn ngủ) và cùng cất tiếng reo:

- A cô Hương!

Bà giáo đáp:

- Vâng cháu khỏi, cháu mọc răng thật cô ạ, hai răng nanh nhu nhú, ngứa lợi gặp gì cũng nghiến, nghiến tay anh chị, ng- hiến vai mẹ.

Lũ trẻ đã nhảy xuống giường, Quỳnh Hương xoa đầu chúng hỏi:

- Cô mua bánh đậu Hải Dương đây, các cháu ăn bây giờ hay để đến sớm mai?

- Bây giờ! – mấy đứa lớn đáp. Bà giáo cười:

- Chúng nó làm gì có của để đến mai, thiu mất!

Quỳnh Hương mở gói bánh phát cho lũ trẻ và hỏi bà giáo:

- Nhà còn nước trà nóng không chị?

- Còn đấy cô ạ.

- Thế tốt, các cháu ăn bánh đậu cần nước uống.

Bé Kinh thấy các anh chị dậy cũng đã nhỏm dậy bấm bơ nói gì. Quỳnh Hương bế bé lên cười nói với bà giáo:

- Hôm nay chị lại cho cháu mặc si-líp. Ô hay mép si-líp rộng trông thấy cả… này!

- Ấy mặc thế để cháu có ngồi lê lết đỡ bẩn đít. Cái áo thì “xoay” của anh Vi, cái si-líp xoay của anh Thùy, tội nghiệp cháu chưa có cái gì là của cháu kể cả chiếc áo gối.

Thấy bà giáo chớp mắt, Quỳnh Hương chỉ lũ trẻ đương ăn bánh đậu :

- Kia chị trông lũ trẻ ăn vui không. Thế nào, các anh các chị phải để phần hơn cho bé Kinh mấy chứ.

Bà giáo cười nhìn theo rồi bảo lũ trẻ:

- Ăn xong phải uống nước nhé, con My rót nước trà vào cái ly lớn rồi cho các em uống nghe không.

Quỳnh Hương còn bế bé Kinh và đút vào miệng bé nửa thỏi bánh đậu. Bà giáo đã ra đứng trước giường bé Thùy vẫn ngủ say như thường. Bà nói với Quỳnh Hương:

- Cu cậu chả chạy nhảy cả ngày nên tối đến là dặt mình nằm ngủ một mạch, trạng nghịch mà cũng trạng ngủ.

Thấy tấm vải bông dùng làm chăn đắp bị Thùy đạp tung ra, bà vừa đắp lại cho kín bé vừa nói hơi dằn giọng:

- Lại tung chăn ra rồi, con phải đắp chăn nghe không (giọng bà dằn mạnh hơn) không chịu đắp chăn gì cả rồi lại ngạt mũi, ho, sưng phổi!

Bé Thùy hơi cựa quậy, vẫn ngủ nhưng có lẽ lới dằn giọng của bà giáo có lọt vào giấc mơ của nó, khiến nó chịu để cho đắp mà không dám tức khắc đạp tung chăn đi ngay như nhiều lần trước.

Đặt bé Kinh vào giường, Quỳnh Hương nói với bà giáo:

- Thôi em phải đi, em hát khoảng mười một giờ.

- Vâng thôi cô đi kẻo muộn.

Ra đến đường Quỳnh Hương nghe tiếng bà giáo quát:

- Tao đã bảo con My rót nước cho các em sao chưa rót? Chỉ lười!

Tiếng My:

- Con rót đây mà…

Quỳnh Hương bỗng mỉm cười vì nghe tiếng bà giáo lại quát:

- Trời ơi, thằng Vi bôi cả bánh lên áo rồi. Ấy tao cấm con

My đánh nó đấy.

Hôm sau Quỳnh Hương nhận được thư của Karl P, báo sẽ về chậm chừng hai tuần. Đó là một tin mừng với Quỳnh Hương. Nàng không hối hả ra đi cho lắm, trái lại nàng hối hả đắm mình vào không khí nhọc nhăn lo âu đầy tiếng quát tháo nhưng đầy tình thương yêu của tiểu gia đình bà giáo. Nàng thấy rõ chính những nhọc nhằn của tình liên đới gia đình đó giúp nàng trưởng thành gấp bội, nàng cần trưởng thành trong đất nước trước khi rời xa đất nước. Bà giáo đã viết thư cho chồng, lũ trẻ đã viết thư cho bố, bưu thiếp của bà cụ ngoài Bắc gửi vào cho con cháu đã từ chỗ ở cũ chuyển tới chỗ ở mới là hẻm này do chính tay cô em gái đi ở riêng trước đây ba tháng. Tất cả những giòng tâm thư hoặc vui gượng, hoặc nhớ nhung se sắt hoặc ngộ nghĩnh thơ ngây đó, Quỳnh Hương đều có được tham dự hoặc chứng kiến rồi lại chính bàn tay nàng mang theo đi bỏ vào thùng thư giúp.

Về phía ông giáo, ông cũng viết thư liên tiếp kể chuyện cho vợ con nghe phong cảnh, tình hình nơi ông làm việc, nỗi nhớ nhung của ông, lời hứa, lời khuyên… Trong một lá thư viết riêng cho Quỳnh Hương, ông ngỏ lời cảm ơn nàng đã có nhã ý săn sóc chu đáo cho tiểu gia đình ông; ông thú thật cử chỉ đó của Quỳnh Hương giúp ông bớt chán đời, giúp ông nhận được cõi đời chưa đến nỗi hoàn toàn hư đốn… Quỳnh Hương có cảm tưởng từ khi nàng gặp gia đình này, được đắm mình trong thương lo chia sẻ, tính tình nàng trầm xuống rộng ra, và hình như khôn ngoan lên rất nhiều.

III

Ngôi trường tiểu học của xã B.T, sát quận lỵ mà ông Vận được cử tới làm trưởng giáo xây cất trên khoảng đỉnh đồi, xung quanh, theo sườn đồi thoai thoải, rải rác những mái lá thành thôn xóm. Hợp với đường cong chân đồi là khúc quanh của con sông bao bọc lấy quận lỵ, trên bờ sông là ngôi chùa Tam Bảo lần dưới vòm xanh của hàng dừa cao vút, của hàng mít lá bóng nhãy, của hàng xoài mới thay lá màu xanh non. Đây đó vài cây mã tiền cao lớn, thân và cành xù xì gai mốc thếch mọc bên mấy cây ngọc lan cũng cao không kém nhưng dáng gầy và yểu điệu hơn với những cành mềm chĩu lá, lốm đốm hoa trắng, và mùi hương thanh quý như luôn luôn muốn nương theo tiếng chuông chùa mà tỏa rộng ra… tỏa rộng ra mãi. Đứng ở hiên trường hoặc trèo lên tam quan chùa có thể nhìn thấy khu quận đường với dãy nhà gạch, mái ngói cũ đen, tường vôi loang lỗ. Xa hơn về phía bên kia sông, thấp thoáng những đường đất đỏ quanh quất ven đồi rồi chui vào rừng, thấp thoáng những bóng nhà sàn đây đó, thấp thoáng những bóng đồng bào thượng ra nương.

Sáng chủ nhật nào các anh trưởng, chị trưởng trong gia đình Phật Tử Chánh Tử của quận lỵ cũng tổ chức cuộc họp bạn cho các em trong gia đình tại chùa Tam Bảo này.

ới nhậm chức hôm trước, hôm sau ông giáo nhận được công văn mới tới quận đường để cùng tất cả các công chức quận lỵ đưa đám ba dân vệ và một Trung úy Bảo an mới bị tử thương trong một trận phục kích của địch. Khi còn ở Sài Gòn xem báo hay nghe radio loan tin địch chết bao nhiêu tên, bên ta bao nhiêu chiến sĩ đền nợ nước, ông giáo cũng chỉ thấy loáng thoáng trong trí một vài hình ảnh chẳng lấy gì làm quan trọng cho lắm; nhưng đến nay thật mục sở thị bốn chiếc quan tài trắng trong sân, ông mới thấy sinh mạng con người lớn vô cùng; bóng bốn chiếc áo quan như tỏa rộng ra choán lấy và đè nặng lên những người sống hiện diện. Có người vợ trẻ thương chồng mà chẳng biết khóc chồng, chỉ biết thổn thức một câu duy nhất : “ới anh ơi là anh ơi”, đứa con trên tay khuôn mặt lem luốc, một tay víu lấy vai mẹ, một tay đưa lên cắn miếng bánh bò ăn dở, đôi khi cũng nhìn quan tài e e khóc theo mẹ. Có vị cha già râu tóc muối tiêu, cụ bận đồ bà ba đen, ngang vai vắt chiếc khăn vải kẻ ô vuông để thỉnh thoảng dùng thấm mồ hôi, khuôn mặt hốc hác của cụ biểu lộ niềm thống khổ vô cùng; nhưng “tuổi già hạt lệ như sương”, cụ không khóc, khi chiếc xe cam nhông chở bốn áo quan bắt đầu chuyển bánh, cụ lẳng lặng xách bát hương nhảy lên ngồi cạnh áo quan con, rồi nhẹ nhàng đặt chiếc bát hương nghi ngút khói lên mặt áo quan như thuở nào mua quà về đặt trên giường con ngủ. Chỉ có gia đình vị Trung úy ở mãi tận Long Xuyên chưa tới kịp.

Đưa đám xong, ông giáo đi cùng người bạn mới (ở đây người ta dễ thân nhau lắm, cho bớt cô đơn) đến ty Bưu điện để người đó mua măng đa gửi tiền về quê tại một quận miền Tây. Nhìn tấm măng đa hai ngàn trân trọng cho vào bì, ông giáo thấm thía cảm thấy cảnh bát cơm bát máu và sự nhẫn nhục cam go kiếm sống cho người thân càng đậm đà ý nghĩa.

Hai anh quân nhân pháo binh, kẻ trước người sau cũng méo mó theo nghề nghiệp trong câu chuyện đùa.

Anh đi trước:

- A lô, a lô, tiền sát viên xin tác xạ. Anh đi sau:

- A lô, a lô cho tọa độ đi.

- A lô, a lô phía trước về phải hai chục thước, xa hơn câu lạc bộ mười thước.

Anh đi sau theo tọa độ trên thấy một cô hàng xén đang gánh hàng ra phía chợ, bèn cười lớn đắc chí:

- Ha ha, a lô, đã hướng về mục tiêu, chuẩn bị tác xạ.

- Ha ha, alô, xin một bản tình ca 105 ly, bắn hiệu quả ngày! Ông Vận với người bạn mới ở trong nhà bưu điện ra cũng thấy vui lây với hai người quân nhân. Người bạn mới thủ thỉ nói với ông Vận là ngày này năm ngoái ông ta còn dạy ở trường tiểu học Hà Tiên, ở đấy cũng có cơ sở huấn luyện quân sự và là thủy quân lục chiến, giang hạm vẫn thường lui tới. Mỗi khi giang hạm tới, sự hiện diện của đoàn hải thuyền như có làm ấm bến đò, làm ấm lòng người dân, làm phồn thịnh nền kinh tế quận.

Nhưng mỗi khi nghe tiếng còi điện vang rền rồi giang hạm từ từ rời bến, thì mọi người đều có cảm tưởng người anh cả vừa ra đi theo tiếng gọi hải hồ, để lại nhà lũ em mồ côi, nhất là sau đó nếu trời lại đổ mưa thì bến tàu đượm màu hoang vắng không biết nói sao cho siết và khúc sông tựa như rềnh cao lên mênh mông mờ mịt thanh biển.

Hôm sau vợ và các con vị trung úy Bảo an mới từ Long

Xuyên tới. Bà viết lá thư cảm tạ nhờ Đại úy quận trưởng cho đánh máy làm nhiều bản gửi đến các vị trưởng cơ quan cùng thân hào trong quận. Ông Vận cũng nhận được một bản do ông hiệu trưởng từ trường tiểu học chính của quận lỵ chuyển tới:

LỜI CẢM TẠ Kính gửi

Quý ông:

- Đại úy tỉnh đoàn trưởng Bảo an

- Đại úy Quận Trưởng

- Trung úy phụ tá hành quân

- Quý vị Trưởng Ty, Chi, Sở

Quý vị:

- Đại Đức và gia đình Phật Tử.

Tôi Đặng Thị T. quả phụ trung úy Nguyễn Đình H. sĩ quan phụ tá hành chính xin chân thành cảm tạ Đại úy Tỉnh đoàn trưởng, Đại úy Quận Trưởng, Trung úy sĩ quan phụ tá hành quân, các quý ông Trưởng Ty, Chi, Sở và nhân viên trực thuộc, cùng quý vị đại đức và gia đình Phật tử chùa Tam Bảo đã đánh điện tín và đến tận nơi góp tiền phúng điếu đưa đám, an táng chồng chúng tôi đến nơi phần mộ an nghỉ cuối cùng.

Với tấm thịnh tình quý báu, quý vị đã không quản ngại giúp đỡ về mọi mặt trong lễ an táng. Trước cảnh đau đớn này, tôi không có mặt để tạ lại quý vị thật là một điều tôi rất ân hận.

Kính xin quý vị nhận nơi đây tấm lòng biết ơn chân thành của tôi. Trong lúc tang gia bối rối sơ sót quá nhiều xin qúy vị rộng lòng tha thứ…

Ngày … tháng … năm … Quả phụ Đặng Thị T.

Và các con đồng cảm tạ.

Buổi trưa bà quả phụ sang sông, tới chùa Tam Bảo, rồi tới trường tạ lỗi với ông giáo. Bà dắt theo ba con nhỏ sàn sàn bằng nhau; chúng đều quấn khăn ngang và bận đồ xô gai, quần là ống sớ chứng tỏ bà mẹ là người cẩn thận. Tay bà cầm chiếc làn mây có bánh mì và chai nước chuẩn bị đường trường. Lũ nhỏ theo mẹ thỉnh thoảng tự ngắm bộ đồ xô gai lấy làm khoái chí, trong khi bà mẹ gặp ai cũng kính cẩn chắp tay cúi chào. Bà đinh ninh là tất cả những người bà gặp trên đường đều đã có công hoặc ít hoặc nhiều trong việc an táng chồng bà, tất cả những người đó, theo ý bà, đều đã đi đưa đám chồng bà. Bà chắp tay vái chào từng người, đôi khi lòng chợt dâng trào xúc động bà nâng khăn tay thấm nước mắt.

Trận mưa trưa đổ xuống làm mờ các nét đồi và những cánh rừng xung quanh. Buổi chiều mực nước sông có rềnh lên và tiếng ếch nhái kêu buồn não nề. Ông chủ nhà tới định cư đây đã lâu mà cũng không chịu nổi bèn vừa quấn thuốc châm hút vừa kể lại với ông Vận những chuyện thời ông chạy loạn ở Nam Vang.

Tối hôm đó ông Vận thấy đau răng. Ông bị một chiếc răng khôn mọc chéo, húc đầu vào chiếc răng bên cạnh nên chi cứ vài tháng ông lại bị đau ê ẩm vài hôm. Chỉ còn cách nhổ chiếc răng khôn đi mà ông chưa kịp quyết định, vì khi còn ở Sài Gòn thì bận dạy học liên miên, đến đây thì không có nha sĩ. Mãi đến nửa đêm ông mới chợp ngủ được một chút, nhưng cơn đau răng vẫn tiếp tục hành hạ ông trong giấc mơ chập chờn. Chợt một tiếng nổ chát chúa làm ông giật mình tỉnh dậy, rồi những tiếng nổ khác liên tiếp. Đôi bên giao tranh? Hỏi lực của ta liệu có đàn áp được địch có lợi điểm đêm tối? Cái lo lớn lấn cái đau phụ, lúc đó ông giáo hoàn toàn quên hẳn răng đau. Tiếng nổ ngớt dần rồi êm… Rồi ông chợp ngủ… Khi tỉnh dậy vừng Đông đã hé rạng xua tan những bóng ma ám ảnh của lo âu bất trắc. Khi ông giáo bước ra ngoài hiên vừa lúc một đàn cò trắng từ một bờ lạch tung cánh bay lên thành những đốm trắng phấp phới nổi bật trên nền xanh thẫm của sườn núi, khi chúng bay tới phía sông, màu trắng mờ nhạt đi lẫn vào màu hồng của vừng đông Chân trời phía xa, sát mặt sông, màu đỏ rực, những đám mây ngồn ngộn bên trên cắt thành hình nổi; trăng hạ tuần trên ngang nóc nhà như một nụ cười ngượng ngập giữa màu hồng bẽn lẽn của đỉnh trời, màu hồng còn lan sang tận phía Tây. Bóng một chiếc thuyền mỏng manh lướt nhẹ trên mặt sông, một cái lưới ở khoảng tối gần bờ tung ra bất chợt như một sự phục kích phản bội. Không một sợi gió, rặng dừa phía chùa Tam Bảo như vẽ trong tranh.

Nhung ở hoàn cảnh nào rồi cũng quen dần. Hơn nữa thư của mẹ (từ Bắc gửi vào được chuyển tới), thư của vợ, thư của các con lần lượt gửi tới cũng giúp ông Vận khuây khỏa phần nào.

Anh chị Vận,

Mẹ đã nhận được bưu thiếp của các con. Các con đã thay mẹ chông nom em Tính được chừng chưởng thành, lại thay mẹ xết đặt cho em được vui vẻ ngày sánh duyên với anh Huy Mẹ rất mừng.

Tính, con gái của mẹ,

Con xa mẹ, anh chị chông nom con đến nơi đến chốn nay con đã chưởng thành tây riêng, con làm nên tiền con phải sử rụng đồng tiền cho có nhân có nghĩa, con phải bao khoát rộng rãi đối với nhà chồng, đối với anh chị con hết sức chông nom các cháu thế là mẹ được yên tâm. Mẹ nhớ con cháu biết đâu mà kể cho siết được.

Mẹ.

Anh yêu quí của em,

Anh mới đi mấy hôm mà em nhận thấy vắng đàn ông quanh nhà thật, mặc dầu đã có ba chú đàn ông xinh ở nhà.

Còn anh ở nơi đó ra sao, phong cảnh ra sao?

Công việc mới, anh có vừa ý không? Cơm anh ăn có khá không? Em cứ nghĩ rằng mọi khi ở nhà anh động mó vào việc gì là lóng cóng mà bây giờ không có ai săn sóc anh thì thật tội nghiệp. Anh nhớ ăn uống tẩm bổ, giữ gìn sức khoẻ nhé, xa vợ con nhỡ ốm đau thì khổ lắm. Cu Kinh sốt mọc răng làm mẹ lo sốt vó, may cô Hương bên cạnh mời bác sĩ đến cho thuốc, con khỏi ngay. Mấy hôm nay em thấy khoẻ và người dễ chịu, anh yên chí. Năng viết thư cho em, anh nhé.

Em.

Bố yêu quí của con.

Thưa bố con nhớ bố quá, bố làm sao mau về với con, em Kinh bị ốm luôn luôn nôn, cô Hương luôn luôn mua cho chúng con gói kẹo và cho em Thùy quả bóng đỏ, và đưa bác sĩ đến thăm em Kính và em Kính đã khỏi. Và mấy hôm nay em Lý cũng học giỏi, em Vi vẫn chưa học hết bài thứ 17 X xe, S sư tử, lò xo, sổ số, cụ xã xệ ho sù sụ má xị, da xù xì.

Bây giờ con phải cố học để mai sau nuôi bố mẹ.

Bố có mạnh khoẻ không, thưa bố bao giờ bố mới về bố nói cho con biết để con nói cho mẹ biết đi đón bố, bố đi xe lửa nào?

Con My của bố.

Bố yêu quí của con,

Thưa Bố con nhớ Bố con muốn khóc con không học dốt đâu Bố đừng lo, thầy bảo con vẽ con chim con vẽ mãi không vẽ được Bố ơi Bố đi xa con buồn Bố có nhớ con không Bố mau về để mua quà.

Trần Thị Lệ Lý.

Bố cái cún rất yêu quý,

Tuy đã nhận được thư anh mà mấy hôm nay thật là buồn rười rượi. Cả mẹ cả con đều nhớ Bố quá. Chả biết anh có sốt ruột không, chúng nó nhắc anh cả ngày, My và Lý biết viết thì thi nhau viết cho Bố, thằng Vi không biết viết ức quá cũng ngồi giữa nhà nói to như mình viềt thư thật: “Bố ơi, con nhớ bố quá, bố mau về mua quà cho con nhé”. Rồi tối đến cậu ta thủ thỉ với mẹ rằng: “Mẹ ơi, mẹ gián tem gửi con cho Bố.”

Còn Lý thì dễ cảm động, khi đọc xong thư của bố, nó nói rằng: “Mẹ ơi con nhớ bố chỉ muốn khóc” nó làm em cũng khóc luôn, cả hai mẹ con cùng mau nước mắt anh nhỉ.

Em.

Bố yêu quí của con,

Thưa bố sáng nay con nhận được thư của bố, em Lý, em Vi, em Thùy luôn luôn hỏi con bố đâu, thưa bố, em Vi chịu khó học lắm, bảo là chịu khó học để viết cho bố. Thôi đang viết thì con phải đi học, đến thư sau con viết nhiều.

Con My của bố.

Bố yêu quý của con,

Thưa bố con đã nhận được thư của Bố, thưa Bố con chưa có được 7, 8, 9 mà con chỉ được có 5, 10 thì con học như thế có được không hả bố?

Còn em Vi cũng học khá lắm, mà em đi học thỉnh thoảng đau răng rồi khóc, cô Hương bảo rồi đem em đi đốc-tờ chữa. Thưa bố có mạnh không.

Trần Thị Lê Lý.

Thưa Bố,

Đây là thư của Vi nhờ con viết:

Thưa bố mỗi ngày con uống hai ly sữa cho chóng béo đi học con không khóc Bố về mua quà cho con.

Trần Đình Vi.

IV

Bụng nặng nề quá rồi, bà giáo trông nom cho lũ trẻ ăn cơm tối xong bèn ngả lưng xuống giường nằm thiu thiu thì tiếng bé Thùy khóc òa, bà mở choàng mắt thấy My đương cầm sách học bài trên giường bên và Lý cũng ngồi gần đấy. Bà quắc mắt: hay sao?

My trợn tròn há miệng:

- Ô kìa mẹ!

Bà giáo dằn giọng tiếp:

- Lý nó yêu em, nó bế em, nó dỗ em mà mày là chị lớn hơn cả, mày chuyên tròng ghẹo đánh đập em!

My sua sua quyển sách trên tay:

- Ô kìa mẹ, Lý nó đánh em đấy chứ, bộ con sao?

Bà giáo thoạt chưa hiểu toan mắng thêm mấy lời nữa, Lý đã lủi ra ngoài sân, lúc đó bà mới biết là mình vừa sấn sổ mắng oan cô “trưởng nữ”. Bà hơi hối trong lòng và kín đáo nhìn gương mặt My nhưng My đã tiếp tục cúi xuống học bài không tỏ vẻ gì hờn giỗi vì vừa bị mắng oan. Bà giáo mỉm cười tự nhủ thầm: “Mình cứ có thành kiến với nó, tội nghiệp!”. Bà nhớ lại lần có mang bé Hy được ba tháng bỗng thấy có huyết ra, sợ động thai bà đến nhà hộ sinh quen, My khóc đòi đi theo và ở lại nửa buổi để bà sai vặt. Được hầu hạ mẹ My vui thích ra mặt, bà giáo cũng vui vì gặp hoạn nạn mới rõ lòng con hiếu.

Bà đứng dậy đưa bé Thùy ra giường. My hỏi:

- Mấy giờ rồi mẹ?

Liếc nhìn chiếc đồng hồ báo thức trên bàn, bà đáp dịu dàng:

- Tám giờ rồi con ạ. Thôi học xong chưa ra rửa chân tay rồi đi ngủ sớm, mai chắc nhận được thư của bố đấy con ạ.

My “vâng” rồi gấp sách lại.

° ° °

Bà giáo sực dậy không phải vì tiếng mưa rơi rào rạo trên mái tôn mái ngói, cũng không phải vì tiếng đồng hồ trầm cầm bên hàng xóm vừa rãi rệ gõ hai tiếng: bà thấy chuyển bụng. Bà bật đèn và gọi:

- My ơi, My, My.

My cựa mình, hé mắt rồi lại nhắm nghiền vì chói.

- My!

- Dạ.

- Dậy mẹ bảo.

Lần này My mở mắt lim dim nhìn mẹ rồi ngồi nhỏm dậy liền, vì thấy khuôn mặt mẹ My biết sắp có chuyện quan trọng.

- Mẹ bảo gì con?

- Con xuống bếp đánh thức chị Hai dậy bảo lên đây mẹ nhờ một việc, con chùm cái áo mưa lên đầu kẻo mưa lớn đấy.

My xuống bếp. Bà giáo soạn lại chiếc vali trong đựng đủ các thứ cần cho bà khi lâm bồn. Chị Hai đã lên cùng My, bà nói:

- Chị mặc áo mưa ra đường lớn đón chiếc xe tắc xi vào đây cho tôi ngay nhé.

Chị Hai “dạ” rồi đi, bà giáo hỏi My :

- Lát nữa mẹ đi đẻ em bé, con có đi với mẹ không? Đôi mắt My sáng lên:

- Có.

- Tốt!

Mười phút qua. Bà giáo nghiêng tai nghe, khuôn mặt lo âu vì mưa đổ xuống mỗi lúc một lớn, xem chừng còn lâu mới tạnh.

Chị Hai ở ngoài bước vào nói:

- Thưa bà con không thấy bóng một chiếc xe nào. Bà giáo khẽ lắc đầu:

- Thế mới rầy, biết làm thế nào bây giờ! A này, chị sang nhà bên, lên thang lầu gõ cửa, mời cô Hương sang đây cho tôi.

Chị Hai đi rồi, bà giáo chép miệng:

- Tội nghiệp, lại phá giấc ngủ của cô ấy.

Buổi sáng, được tin vợ chồng Hãng đã đi xong một vòng Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết về tới Sài Gòn, Quỳnh Hương rắp tìm đến bàn giấy gặp Hãng, thì ngay buổi chiều Hãng đã là đàn bà! Quỳnh Hương xin lỗi Hãng, Thu về sự vắng mặt của mình hôm cưới, nàng viện lẽ gặp Karl P. hãng hỏi Quỳnh Hương giấy tờ lấy đã đủ chưa, có cần chàng giúp đỡ chăng. Quỳnh Hương cám ơn Hãng, giấy tờ của nàng đã xong xuôi, chỉ còn đợi Karl ở Nhật về qua Sài Gòn là nàng “khăn gói gió đưa”. Câu chuyện giữa ba người thân mật lắm. Hãng, Thu mời Quỳnh Hương lên sân thượng của nhà hàng Bồng Lai ăn cơm chiều. Khoảng gần chín giờ biết Quỳnh Hương phải đến phòng trà Ly Ly, rồi China Doll , một giờ mới về tới nhà, giấc ngủ của nàng vừa chìm êm trong tiếng thác đổ của trận mưa lớn, bên ngoài thì có tiếng gõ cửa gấp :

- “Cộ” Hương, “cộ” Hương!

Nghe biết trọ trẹ của chị người Quảng Nam và cũng đón ra cơ sự, nàng vùng dậy vừa mở cửa vừa hỏi:

- Bà thấy giở dạ phải không chị?

- Thưa “cộ”, bà cháu bảo mời “cộ” sang ngay, mưa rông quá cháu không đón được xe.

- Chị cứ về đi tôi sang ngay.

Sang tới nơi Quỳnh Hương hỏi gấp bà giáo:

- Chị thấy sao?

- Lâm râm đau bụng mấy lần rồi cô ạ. Mấy lần trước cứ thế này tôi gội đầu xong là đi thì vừa. Hôm nay tôi đã gội đầu từ chiều, mà giờ này mưa như đổ cong nước không kiếm ra xe mà nhà hộ sinh quen thì ở khu Đa Kao cũng gần đây thôi.

Quỳnh Hương cắn môi suy nghĩ, rồi nàng nói ngay:

- Chị mặc áo đi mưa vào, em đèo chị đi bằng Vélosolex của em.

Quỳnh Hương tới bên chiếc vali còn bỏ ngỏ tinh ý lẹ tay chọn mấy chiếc tã, cái băng rốn, một sắp báo lót chỗ nằm cho bà giáo, gói tất cả vào một chiếc khăn bông lớn dùng để đắp bụng rồi nói:

- Hãy mang tạm những thứ này bỏ vào túi xe của em sớm mai em thuê tắc xi chở cái vali vào nhà thương Chị mặc áo đi mưa vào đi, em về lấy xe.

Bên ngoài mưa càng dữ dội như gián tiếp trả lời giúp bà giáo rằng bà không còn cách lựa chọn nào khác. Bà đưa mắt nhìn chiếc hàn thử biểu nhỏ treo gần đấy: 25 độ. Mới ban chiều

30 độ, xuống năm độ, thảo nào đôi bàn chân bà lạnh buốt; bà không dám mang bít tất vì bề nào cũng ướt:

- Con đi với mẹ! – My nói.

- Con phải ở nhà trông các em với chị hai; mai cô về đón con vào sớm để trông nom mẹ, con nhé.

Khi bà giáo đã ngồi vào phía sau xe, My nhìn theo mẹ mắt rưng rưng, Quỳnh Hương ngoái lại nhắc thêm:

- Chị ủ áo mưa cho kỹ và nép vào phía sau em.

Quỳnh Hương đạp lấy đà, thoạt loạng choạng rồi xe bon bon, dọc theo dãy tường nước sối xuống dưới ánh sáng mơ hồ tự trong các nhà tỏa ra, tiếng mưa càng rồn rập và mạnh gấp bội nghe như hàng ngàn vạn chiếc roi da cùng quất mạnh một lúc xuống mái ngói, mái tôn, mái fibrociment. Đường đã ngập nước nhưng Quỳnh Hương nhớ khoảng tương đối phẳng của con đường đã biến thành con sông nhỏ lờ mờ ngầu bọt dưới trời thác lũ. Đạp ra tới ngoài đường lộ màu trắng lờ mờ mênh mông hơn, tiếng mưa xả xuống cũng tỏa ra theo chiều rộng mênh mông và chiều dài mất hút của con đường vắng tanh nhoè ánh đèn. Quỳnh Hương cho máy nổ, bà giáo thở dài nhẹ nhõm vì sức máy đã thay sức người, Quỳnh Hương còn quay lại nói đùa:

- Giá anh có nhà mà đưa chị đi ở cữ thế này mới thật lãng mạn.

Bà giáo mím môi vì vừa thấy quặn đau, rồi bà mỉm cười. Bất giác bà khẽ ngả đầu lên lưng Quỳnh Hương và thấy lòng ấm cúng lạ, mặc dầu mưa vẫn tiếp tục rào rào hùng vĩ, thỉnh thoảng cũng có những tia chớp vang nhay nháy, nhưng tiếng sấm kế tiếp chỉ ầm ì thùy mị như tiếng thùng lăn từ xa vọng lại, tuyệt nhien khong m<)t tieng set !Cin, tlja h61u6ng set d6 vua loe da bi chvp cho chet ng<)p trong kh6i bien n6i menh mong h tr(ln mua n6i lien tn'1i v6i dat nay.

Chương Năm

TIẾNG HÁT LẠ TRÊN KINH THÀNH VIENNE

I

Tây Bá Linh, ngày 15-9

Anh Kha,

Xin lỗi anh, sang đây đã được một tuần mới viết thư về, không phải vì ham xem phong cảnh xứ lạ, cũng không phải em đã tới làm việc tại phim trường vì truyện phim đã viết xong đâu, em mất hết ngày giờ chỉ vì những tiếp đón nồng hậu, anh ơi. Chẳng hiểu Karl viết thư về giới thiệu em những gì mà giới điện ảnh ở đây chiêm nguỡng em như một tài tử lớn, thế mới mệt cho em chứ.

Một lần nữa em khẩn khoản nhờ anh và anh Tân trông nom bà giáo giúp em cho xong cái giai đoạn yếu đuối đầu của người sản phụ. Cùng với bức thư này em có gửi riêng cho vợ chồng anh Tân một bức khác và vợ chồng anh Hãng một bức. Thành thử với em kỷ niệm sau cũng còn bám vào trí nhớ trước khi tạm dời đất nước là hình ảnh đêm mưa đưa chị giáo đi đẻ. Em buồn cườo nhất khi chứng kiến cảnh mấy ông chồng – những thủ phạm – đưa vợ – những nạn nhân – đi đẻ. Quần áo ướt át, họ lo lắng nhìn vợ khi mới tới và ngượng ngập nhìn nhau khi các bà đã vào phòng đẻ…

Em cũng cảm động vô ngần khi trước ngày đi được chứng kiến cảnh từ biệt câm lặng của hai bố con ông giáo. Nhận tin điện “Vỡ Đê” ông giáo xin phép nghỉ ba ngày về thăm vợ con. Ngày cuối cùng ông giáo ra đi vào mười giờ sáng, ông nói dối lũ con là đến nhà bảo sanh thăm “mẹ và em bé”, ra tới đường thì Lý – đứa con gái thứ hai của ông – cũng vừa đi học về. Kể từ ngày ông giáo đi nhậm chức, Lý đã cảm thấy là bố đi vào một nơi nguy hiểm. Lý thương và nhớ bố nhưng lại biết dấu cảm động, hai bố con gặp nhau, Lý cười với bố rồi đi thẳng. Chắc là cổ họng hai bố con cùng nghẹn ngào. Em thấy ông giáo quay lại và đứng thần người giữa đường nhìn theo đứa con gái gầy gầy mớ tóc manh mảnh nhấp nháy theo với bước đi cố làm ra tuơi tắn, cho đến lúc nó khuất nhà.

Em có ngờ đâu nhà hộ sinh Hồng Đức lại chính là của chị Miên. Buổi sáng khi thấy chị cất ống điện thoại lên nói chuyện với anh đằng tòa báo em mới sực nhớ đến lời chị Lê hôm ăn cơm chiều bên Vĩnh Hội và cũng đến lúc đó em mới đọc thêm dòng chữ ở phòng sinh : “Có bác sĩ Vũ Đình Tân săn sóc”. Chị đảm và giỏi và hiền quá, người chồng như anh phải có người vợ như chị, đúng không? Chỉ tiếc là em chưa được chính thức giới thiệu làm quen với chị.

Thư sau anh nhé, EM.

Tái bút. – Trong khi chờ đợi họ viết xong truyện phim em theo học lớp cấp tốc tiếng Đức tại học viện Goethe ở đây. Chẳng phải vì em có khiếu về sinh ngữ nên thích học sinh ngữ mà chỉ vì em luôn luôn thèm được cấp sách đến trường để hồi tưởng lại thuở mình còn là nữ sinh.

Tây Bá Linh ngày 21 tháng 9… Anh Kha

Mới sang đây có hai tuần mà nhớ cơm, nhớ nước mắm, nhớ nói tiếng mẹ đẻ quá. Không có gì bực mình hơn đi giữa đám đông hàng ngàn hàng vạn người mà bất thần kêu “ối giời ơi” không ai thèm quay lại. Em nghe nói bên này cũng nhiều sinh viên Việt Nam lắm. Nghe nói có bạn đồng song tại Khoa Học Đại Học Đường Sài Gòn, hai người gặp nhau và yêu nhau ở đấy (nàng là con ông lãnh sự Tây Đức) rồi kéo nhau sang đây học nốt; lại nghe nói có một người Đức đã từng sống trên đất nước Việt rất lâu, nói thạo tiếng Việt, biết hút thuốc Lào, biết đánh tổ tôm, biết ngâm truyện Kiều, ông ta vẫn gửi mua đều một số tác phẩm Việt mới xuất bản sốt rẻo để theo rõi tình hình văn nghệ nước nhà. Ấy thế mà nào em đã gặp được mống nào đâu. Trong cuộc tiếp tân đêm qua họ yêu cầu em nói vài lời, em không nói mà ngâm thơ. Anh có biết em ngâm bài gì không? Em ngâm bài “Tình tuyệt vọng” tức là bài thơ dịch Sonnet d’Arvers của Khái Hưng:

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,

Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi người đó ta đây,

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân.

Nguyên là sau lời giới thiệu của Karl em bèn cất giọng rất nghiêm trang rất sầu não ngâm cả bài đó nhưng riêng hai câu đầu em đã ngâm rằng:

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu,

Mà người gieo thảm như mù không hay.

Toàn thể thính giả quả đã mù thật – mù tiếng Việt – nên sau đó họ vỗ tay nồng nhiệt. Chỉ biết thưởng thức giọng ngâm!

Thơ sau anh nhé. EM.

Tây Bá Linh ngày 29 tháng 9… Anh Kha,

Em đã thực sự giao thiệp với người viết truyện phim và nhà dàn cảnh Đức gốc Ba Lan, Lowinski, và giúp họ nhiều ý kiến, nhiều tình tiết trong việc dựng truyện phim đặc biệt này. Nhớ hôm các anh đưa em ra phi trường, dọc đường anh còn nhắc lại lời khuyên em hãy gắng thành công trong chuyến đi này vì: “Thành công trong nghệ thuật là đã tự cắm hoa lên đời mình lúc sống, tự đặt hoa lên mộ mình lúc chết”.

Ra khỏi nước em rũ bỏ được dĩ vãng. Ở đây không phải không có hàng rào giai cấp; về danh vị, em là một nghệ sĩ. Em có thực tài không? Em không dám trả lời, nhưng lòng yêu nghệ thuật và lòng ao ước phát triển tài năng của em thì mạnh như ngọn núi lửa đương thời hoạt động. Chính điều này làm danh vị em cao hẳn dưới mắt họ. Cũng vì em nhớ mãi lời anh nhắc buổi tiễn em lên phi cơ “Thành công trong nghệ thuật là đã tự cắm hoa lên đời mình lúc sống, tự đặt hoa lên một mình lúc chết”.

Chào anh, EM.

Tây Bá Linh, ngày 8 tháng 10… Anh Kha,

Em thật rũ bỏ được dĩ vãng tuy với xa Sài Gòn được một tháng. Em cảm thấy dĩ vãng đó như thuộc về một tiền kiếp nào mà nay dưới ánh sáng kinh thành Bá Linh em được sống một kiếp sống mới, hoàn toàn mới. Đi bên Karl em kiêu hãnh, một thứ kiêu hãnh không những vô hại mà cần thiết; em thẳng thắn nhìn mọi người, họ cao lớn hơn em nhiều, ngay như Karl cũng chỉ thuộc vào loại người Đức tầm thước, đồng thời em đón nhận những tia nhìn thẳng thắn của họ, những tia nhìn như biết mỉm cười nhã nhặn. Họ không nhìn em thèm muốn và ngầm vẻ khinh khi như những chàng trai đô thành. Tại nước nhà em ngóc đầu lên không được có lẽ chính vì sức nặng của những tia nhìn đó, tia nhìn muốn nói thẳng vào mặt em: “Mày là thứ gái nào, chúng tao biết!”. Em phải nói thẳng vậy để gián tiếp cám ơn các anh, cám ơn nhiều lắm, nhưng một con én chẳng làm nổi mùa xuân, chỉ có một anh, một anh Hãng, một anh Tân, một chị Lê không thể giúp em gây dựng lại mùa Xuân của đời. Em tin rằng ngược lại cũng đúng, nghĩa là một cô gái sa ngã Đức khi dời khỏi Bá Linh tới Sài Gòn cũng sẽ cảm thấy thoát khỏi giây xiềng dĩ vãng như em và trong khi được người ngoại ban nhìn bằng con mắt không thành kiến thì cũng thấy rằng mình không còn là một con chim bị thương mà trái lại đã mọc lông cánh mới để bay nhảy và vẽ những đường vòng trên không trung. Thôi em ngừng ở đây, viết thêm nữa em e sẽ có bộ mặt hãnh tíến khả ố, hoặc có giọng bội bạc.

Chúc anh vui mạnh, EM.

Tây Bá Linh, ngày 20 tháng 10… Anh Kha,

Truyện phim họ viết đã gần xong, họ căn cứ vào hoàn cảnh em mà viết. Đó là truyện một cô gái Việt có giọng hát hay, sống trong buổi loạn ly vàng thau lẫn lộn, lang bạt kỳ hồ, lấy chồng người Ao, theo chồng về ngụ tại Vienne. Người chồng cố tìm cách vận động cho vợ được dịp trình diễn giọng ca của nàng trước công chúng của kinh thành âm nhạc này. Sau nhiều tình tiết may rủi, rủi may nàng được trình diễn một màn ca vũ tại Đại Hí Viện.

Như lời nhà dàn cảnh nói với em thì rất có thể tháng sau khởi sự.

Em thở hút bầu không khí tự do, tâm hồn em thoải mái như hòn bi lăn trên mặt phẳng thoa dầu không gặp một hạt bụi trở ngại. Em chợt nhớ ra ở Âu Châu cũng như ở Mỹ Châu thiếu gì cô đào chiếu bóng nhan sắc chẳng lấy gì làm đặc biệt cho lắm, nhưng vì đóng giỏi, nghệ thuật tài ba đó tô điểm cho chủ quan đẹp, kích thích cho cái nhìn khách quan thấy mình đẹp. Hơn nữa họ ý thức được tài họ để tự tin, trong những điều kiện như vậy thì người có xấu thật cũng hóa đẹp nữa là.

Hôm qua nhà dàn cảnh Lowinski đã giới thiệu em với nam tài tử sẽ đóng vai người chồng Áo. Đó là một ngôi sao Đức thuộc đợt sóng mới và đã nổi tiếng nhiều ở nước ngoài trước khi nổi tiếng ở quê hương. Tên thật anh chàng là Schindler. Buổi tối nhà dàn cảnh mời Karl, Schindler và em cùng đi ăn. Schindler mời em khiêu vũ. Thật là một vinh hạnh cho anh chàng được khiêu vũ với em, anh chàng nức nở khen bước nhảy của em nhẹ và đẹp. Hồi còn ở Sài Gòn em vẫn ý thức được điều ấy nhưng vì ở nước nhà, trong hoàn cảnh em, những bước nhẹ và đẹp đó chỉ dùng để nuôi em khỏi chết đói nên ánh sáng tài năng của em cũng chẳng chiếu xa được hơn bát cơm em bưng lên hàng ngày (thảm quá anh nhỉ). Ở đây Karl càng ngày càng thêm kiêu hãnh về em, về sự khám phá của chàng.

“Hoàn cảnh nào cũng là một mê hoặc!” Ngày nay nhiều khi em nghĩ thế chẳng hiểu có đúng không anh! Thoát khỏi bầu không khí mê hoặc lâm vào đường độc đạo làm người đàn bà sa ngã ở nước nhà, tới đây – Tây Bá Linh – em là một nhân vật tái sinh với chính em, em có toàn quyền thử thách mọi việc, đúng sở trường tíếng hát điệu nhảy của em. Nhưng với lòng nhiệt thành muốn phát triển tài năng về điện ảnh của em thì sự thử thách đó không là thử thách nữa vì nó chẳng gặp trở ngại thành kiến nào. Em không phải uốn mình để làm duyên câu lũ thanh niên cao bồi, em không nơm nớp sợ phải nghe một câu phê bình khả ố, mặc dầu một câu khen hay cũng chẳng làm em kiểu hãnh, bởi câu khen hay đó cũng chỉ làm em tạm có đủ vật chất mà sống chứ nhất định chẳng khuyến khích em lớn lên về tinh thần để phát triển tài năng. Chao ôi tài năng làm sao phát triển được ở bầu không khí hỗn tạp đó của phòng trà, nơi mà nhiều kẻ khi bước chân vào, đinh ninh cho rằng đã bỏ ra hai mươi lăm đồng trả tách trà thì có quyền dày xéo lên nhân phẩm bất cứ ai đứng trước micro hát “hầu hạ” mình. Anh còn nhớ đêm đầu tiên em gặp các anh ở phòng trà Ly Ly, cô bạn em hát “Nếu biết rằng em đã có chồng; Trời ơi người ấy có buồn không?”. Lập tức có tiếng trả lời to và gọn “Không!” kèm theo tiếng cười đắc ý thỏa thuê như con chó sói nhảy vồ con cừu non, tưng bừng vọc mõm vào khoét bụng moi lòng con vật khốn nạn.

Chết chưa thư dài quá rồi. Xin lỗi anh, em đã víết lảm nhảm nhiều, nhưng những u uất em thản nhiên cam chịu ở nước nhà, đến đây cần phải được giải tỏa. Em còn có thể giải tỏa chúng với ai nếu không phải với anh hoặc với anh Hãng?

Chào anh, EM.

Tây Bá Linh, ngày 5 tháng 11… Anh Kha,

Truyện phim nhan đề “TIẾNG HÁT LẠ TRÊN KINH THÀNH VIENNE” đã được đạo diễn Lowinski viết thành bản phân cảnh kỹ thuật. Đạo diễn hỏi ý kiến em về bài ca Việt Nam nào em sẽ hát khi quay đến cảnh chính tại Đại Hí Viện Vienne, em chọn bài “Con thuyền không bến”. Em hát cho đạo diễn nghe, em giải thích lời ca, nói qua về sự tích và hình ảnh con sông Thương nước nhà, em nhấn mạnh tinh thần lãng mạn bài hát và góp ý kiến về cách dựng những hình ảnh phụ cho đúng với những hình ảnh thật của con sông đã đi vào ca dao đó. Cái đinh của cuốn phim là cảnh em lên hát tại Đại Hí Viện Vienne đấy anh ạ. Thế là em đã tới phim trường để lên sân quay. Nhạc vào phim cũng là bản “Con thuyền không bến” với tiếng hát của em.

Thôi nhé anh, thư sau, EM.

Tây Bá Linh, ngày 4 tháng 12… Anh Kha,

Xin lỗi anh dạo này em chậm viết thư vì bận liên miên ở phim trường, trên sân quay. Về đến phòng là vùi đầu vào đống chăn nệm ngủ quên giời đất. Nơi đây những danh từ chuyên môn dùng để chỉ huy lúc quay phim cũng bằng tiếng Anh. Lần nào xem em diễn thử trên sân quay, Lowinski cũng tỏ vẻ hài lòng, rồi đóng thực, quay thực. Em đã quen thuộc với những tiếng “Camera … ready!” Khi nghe dứt tiếng đáp “Yes, ready!” em nhẩm đón trước những khẩu lệnh của Lowinski “Light on! – Everybody keep quiet!

– Slat! – Motor!” Khi bản ghi cảnh đã giơ lên rập xuống một tiếng chát chúa, em bình tĩnh diễn xuất đúng tinh thần vai trò em sau tíếng hô “Action!” của đạo diễn. Em luôn luôn làm chủ được vai trò lúc đóng thử cũng như lúc quay thật. Tại em vẫn say mê nghệ thuật điện ảnh? Hay tại em muốn làm trội vì đem chuông đi đánh nước ngoài? Hay tại em luôn luôn nghĩ tới lời anh đã nhắc hôm nào ở trên đường tiễn em: “Thành công trong nghệ thuật là đã tự cắm hoa lên đời mình lúc sống, tự đặt hoa lên mộ mình lúc chết?” Em cũng chẳng biết nữa, nhưng điều này em chỉ nói riêng với anh để anh mừng là em diễn xuất giỏi vô cùng, nhiều khi với trực giác em đoán trước điều đạo diễn muốn đòi hỏi. Phục em chưa?

Chào anh, EM.

Tây Bá Linh, ngày 1 tháng 1… Anh Kha,

Em mang ơn rất nhiều về những ý kiến, những lời chỉ dẫn của anh và của anh Hãng. Thư của hai anh, em quý như hàng tì tướng quý cẩm nang của quân sư. Sang năm mới, em gửi đến các anh lời cầu chúc chân thành tốt đẹp. Thư chúc đầu năm nên ngắn. Em ghét gửi cartes postales lạ, không hiểu sao.

EM.

Vienne, ngày 15 tháng 1… Anh Kha,

Nhà dàn cảnh, các chuyên viên và em đã tới kinh thành Áo quốc để lấy những ngoại cảnh nội cảnh nơi này mà quay nốt những phân cảnh còn lại trong đó có những phân cảnh chính quay lúc em lên hát tại Đại Hi Viện. Em làm việc mê mãi, không cả thì giờ thoải mái đi dạo thành phố Vienne một chút. Có lần lấy bải cỏ xanh trên bờ sông Danube làm ngoại cảnh, em chỉ còn đủ ý thức nhận thấy màu nước lấp lánh của dòng sông chảy síết bên dưới, thế thôi. Có phân cảnh quay ở đường Karntnerstrasse, em chỉ kịp thoáng nhận thấy đường phố này vui thân mật như đường phố Tự Do Saigon. Mặc cho công việc bốn bề rối mù lúc sửa soạn cũng như lúc quay, em cương quyết giữ bình tĩnh và tận dụng thì giờ của em. Em ôn lại lời đối thoại, em nhắm mắt tưởng tượng cảnh mình phải đóng nét mặt mình phải có, rồi đóng thử, rồi khẩu lệnh “Action”, đóng thật.

Nhưng cuối cùng phải kể rằng hồi hộp nhất là lúc em đi vào Đại Hi Viện để quay những phân cảnh chính của “TIẾNG HÁT LẠ TRÊN KINH THÀNH VIENNE.” Tự nhiên em hồi niệm đuợc hết những kiến thức của em về Vienne trước đây. Em nhớ đã có lần nhìn hình bìa một tờ báo Pháp lớn: đó là cảnh bà mẹ già Áo ôm đứa con trai trong vòng tay sau ngày thế chiến thứ hai vừa chấm dứt. Con hỏi mẹ: “Vienne ra sao, mẹ?” – Mẹ trả lời: “Vienne vẫn khiêu vũ như bao giờ con ạ”. Ngày đó đọc những dòng chữ đó em nghĩ đến những luân khúc tưng bừng trong hoàng cung ánh đèn bên trên, sàn gạch hoa bên dưới mênh mông diễm lệ, em nghĩ đến những ballets trên sân khấu Đại Hi Viện này, màu voan trắng xóa luôn luôn gợi hình ảnh đoàn bạch nga cao quý. Em nhớ có đọc một tài liệu nói khi nhà đại danh cầm Pablo Cassal lên đây độc tấu violoncelle, ông nghĩ rằng nơi đây đã từng âm vang ngón đàn tuyệt diệu của Mozart, lòng chợt hồi hộp, run tay quá sức đến nỗi đánh rơi chiếc archet văng từ trên sân khấu xuống hàng ghế đầu. Vậy mà cả rạp vẫn im phăng phắc, một người đứng dậy nhặt chiếc ar- chet kính cẩn dâng lên cho nhạc sĩ. Rồi đợi… bây giờ đến chính em dùng bối cảnh đó cho bài ca “Con thuyền không bến” của chúng ta.

Em yêu bài ca này biết chừng nào, em hằng nắm vững từng nốt nhạc, từng nhịp thơ, từng nét cong của giọng uốn, ấy thế mà cũng thấy nghẹt thở vì hồi hộp và đóng hỏng mấy lần liền. Công việc đành tốp ở đây, và bọn em nghỉ cuối tuần. Em nhất định nghỉ xả hơi chuyến này, gột rửa hết mọi bận bịu trong lòng, hết mọi lo âu trong óc. Em bảo Karl đưa em đi xem Vienne. Chúng em vừa đi vào vùng ánh sáng vàng lộng của lâu đài Schonbrunn mà người ta vẫn thường ví với lâu đài Versailles của Pháp, thì gặp hai anh em một nam một nữ người Việt, anh bảo có vui không cơ chứ. Ông anh ngụ tại Ba Lê đã lâu năm, tốt nghiệp một ngành cổ học Đông phương, cô em cũng mới tốt nghiệp cổ nhạc Việt tại âm nhạc viện

Sài Gòn, cả hai tới Vienne để thuyết trình hai buổi liền về nhạc cổ điển và kịch cổ điển Việt Nam. Đã lâu quá rồi em mới được gặp đồng bào để nói tiếng Việt, em cũng chẳng còn thiết gì xem Vienne nữa. Chúng em đồng ý thuê taxi về một tiệm cà phê tại đường Karntnerstrasse. Karl nói: “Đến Vienne phải thưởng thức cà phê Vienne nức danh hoàn cầu chứ!” Em có thiết gì cà phê, nhưng trong tập quảng cáo nào của Vienne cũng thấy khoe là sau cái năm lịch sử 1683 quân Thổ không chiếm được Vienne phải rút về nước để lại trước cổng thành này những bao cà phê, thì kể từ đấy việc hàng ngày “nhậu” cà phê là tác phong bất khả chuyển của Vienne.

Một bức thư trước em đã nói là đường Karntnerstrasse này ấm cúng thân mật giống đường Tự Do Sài Gòn, nhất là tít phía xa cuối đường cũng có mũi nhọn chót vót của gác chuông: nhà thờ Stephansdom! Tới nơi em để Karl cùng người anh nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, em và chị bạn thủ thỉ nói với thủ thỉ nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Em còn thuê tạm một phòng liền với phòng chị bạn để tiếp tục tâm sự cho ấm lòng của cả hai. Rồi buổi tối hôm ấy, rồi buổi chiều hôm sau nữa, người anh diễn thuyết về văn hóa cổ truyền Việt Nam tại một thính phòng, chị bạn phụ diễn cổ nhạc. Cả hai cùng thành công rực rỡ, mỗi người về một phương điện. Lần trình diễn buổi thứ hai, một nữ thính giả người Áo khi nghe dứt bài hát Việt đã chạy lên ôm lấy chị bạn rồi cả hai cùng khóc. Sáng thứ hai, hai người lên đường trở về Ba Lê, em ở lại với sân quay. Sự thành công của chị bạn đã kích thích em và giúp em thành công nốt mấy phân cảnh chính và cuối cùng của phim: “Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne”. Câu chuyện hơi dài, em không thể nào viết được đâu, mà kể vắn tắt thì em không muốn. Vậy anh chờ dịp nào em trở về cố hương sẽ kể lại cho anh nghe.

Chiều mai chúng em đã dời Vienne nên em viết vội bức thư này để báo cùng ông “cố vấn” của em mọi tình hình tiến triển của công việc. Em hiện mệt bã người. Cho em ngừng bút.

Chào anh,

EM.

Đặc biệt trên hai chữ “Chào anh” của bức thư này Quỳnh Hương có viết hai chữ gì mà nàng rập xóa đi mất. Tò mò Kha đem lá thư ra cửa sổ soi lên ánh sáng. Chàng bỗng thở dài cúi đầu. Đó là hai chữ “Hôn anh”.

II

Hai chữ “Hôn anh” được viết rồi rập xóa không đơn giản như Kha tưởng, mà có lịch sử của nó.

Hai anh em Quan và Hiền mà Quỳnh Hương gặp ở Vi- enne là hai con một nhà triệu phú nhưng cũng là một nhà cựu cách mạng. Ông đã từng nằm cùng một giường với Đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông thoát nạn trong khi Đảng trưởng và mười hai đồng chí khác lên đoạn đầu đài. Trong bầu không khí khủng bố ngập máu đó của thực dân Pháp, ông lủi vội vào đời sống bình thường, ông lấy vợ rồi vùi đầu vào việc buôn bán cố làm ra vẻ cần cù, xoay xở, ngược xuôi để che mắt thực dân. Nhưng sự “cần cù, xoay xở, ngược xuôi” đó vẫn đem lại kết quả ngoài ước muốn của ông. Thoạt đời sống vợ chồng ông dễ thở, rồi dư dả, rồi giầu, thời vận cứ thế bốc lên mãi với tuổi giời, ông thành triệu phú với tiệm vàng Vĩnh Ký của ông. Tuy rằng ông không còn liên lạc gì với các đồng chí sống sót khác và những người nào còn tiếp tục hoạt động hầu như cũng quên khuấy hẳn ông, nhưng trong thâm tâm không bao giờ ông quên cái chết dũng khí của các đồng chí đã lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Đứa con gái lớn – Quan – khi đỗ xong bằng thành chung thì ông cho sang Pháp học đỗ tú tài bên đó, rồi vào Đại học theo một ngành cổ học Đông phương theo ý kiến của ông. Ngày di cư vào Nam thì Hiền – cô gái – mới mười sáu tuổi, kém anh chừng tám tuổi, cũng mới thi xong trung học đệ nhất cấp. Khi Quốc gia Âm nhạc việc được thành lập cô ghi tên theo học ngay niên khóa đầu tiên, và vẫn theo ý cha, cô chọn ngành cổ nhạc Việt làm môn chính. Theo ông Vĩnh Ký tiên đoán, tất nhiên về sau này nước nhà phải thành lập Nha Văn Hóa Dân Tộc để bảo tồn nền văn hóa cổ truyền. Hồi còn ở Hà Nội, ông luôn luôn bắt hai con về ở quê, một làng cách thủ đô Hà Nội không xa, nằm giữa đồng ruộng ngút ngàn và bên một con sông nhỏ. Di cư vào Nam, ngoài cửa hàng lớn đường Lê Thánh Tôn, ông cũng tậu một trại quê trên con đường đi Thủ Đức để vợ và con gái thường về đấy nghỉ ngơi. Ông chủ trương con người phải sống nhiều ở mìên quê, có gần gũi những người dân quê một sương hai nắng như thế mới giữ được lương tri vững vàng và nếp sống đôn hậu. Lũ người chỉ quen sống ở đô thành, theo ý ông bao giờ cũng dễ ích kỷ và đơn bạc. Ông hướng con cái trong việc học và trong nếp sống như vậy cũng là cách tỏ ra không quên ơn các cựu đồng chí đã đổ máu cho dân tộc. Tuy nay ông không còn làm cách mạng nhưng ông vẫn thường hay phát biểu với bất cứ ai thân sơ ý hướng và niềm tin cương quyết chắc nịch của ông: “Cách mạng chỉ thành công khi nào người ta biết săn sóc đến dân quê như kẻ uống nước biết nhớ đến nguồn!”.

Tại Paris Quan được tổ chức UNESCO mời đi mấy thủ đô Tây Âu diễn thuyết về đề tài văn hóa Đông phương nói chung, Việt Nam nói riêng. Quan có ý nhờ Hiền sang phụ diễn cho mấy màn cổ nhạc Việt. Hiền được cha cho phép đi Paris, và nàng sửa soạn hành trang theo đúng như ý anh đã dặn kỹ trong thư. Sự thành công rực rỡ của hai anh em tựa như bó đuốc thế vận hội khởi nhóm từ Paris, tuần tự qua Bruxelles (Bỉ) Amsterdam (Hòa Lan), Tây Bá Linh, rồi Vienne – nơi đây Quỳnh Hương gặp hai người.

Thể theo ý của Quỳnh Hương, Karl dùng dây nói của tiệm cà phê gọi giữ thêm một buồng sát với buồng của Hiền tại khách sạn để hai người đàn bà đồng hương tiếp tục tâm sự.

Tất nhiên trong số thính giả chọn lọc của kinh thành Vienne trong hai buổi thuyết trình đó đều có mặt Quỳnh Hương và Karl ở hàng ghế danh dự. Buổi đầu, sau mấy lời giới thiệu của ông đại diện UNESCO tại Vienne, Quan lên diễn đàn thuyết trình và diễn xuất về cái cười của Việt Nam. Quan diễn thuyết bằng tiếng Pháp có người dịch sang ngay tiếng Đức. Anh là người trí thức, ăn nói có duyên sâu sắc, anh giảng và trình diễn cho thính giả biết về cái cười Tây phương khác cái cười Đông phương ra sao, và cái cười Việt Nam có những điểm gì đặc biệt khả dĩ phân biệt được với những cái cười Đông phương khác, và cái cười ấy khi lên sân khấu thì có những điển hình gì.

Ra ngoại quốc gặp được một đồng bào xuất sắc như vậy

Quỳnh Hương thật kiêu hãnh.

Bài thuyết trình dứt, Quan giới thiệu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa bài cổ nhạc Việt mà Hiền sắp hát. Rồi hiền lên với chiếc trống nhỏ và đôi dùi. Hiền hát bài “Cò lả” khi thì nhịp với tiếng trống rung, khi thì nhịp với tiếng khua ròn hai bên tang trống, khi thì Hiền dựng đứng một chiếc dùi giữa mặt da, tiếng trống vì thế thay đổi đi, nghe tấm tức nghẹn ngào. Tiếng trống của nàng như thể hiện tình cảm con người vừa tắm nắng vàng tươi lồng lộng đấy rồi lại chợt có mây sầu ùa tới âm u thổn thức. Hiền hát dứt bài tiếng vỗ tay vang dậy phòng và kéo dài khiến Hiền phải trở lại mấy lần cúi đầu cảm ơn rồi hát lại lần nữa. Chị bạn trẻ người Áo ngồi bên Quỳnh Hương một lần đưa khăn tay lên chấm đuôi mắt.

Thật ra ở những nơi Quan, Hiền trình diễn trước đây – Bruxelles, Amsterdam, Tây Bá Linh – cũng đều gặt hái được thành công như vậy, càng về sau càng già dặn hơn càng đầy tin tưởng hơn, và vì diễn xuất với cả tấm lòng nhiệt thành của người nghệ sĩ phụng sự nghệ thuật nên sự thành công lần nào cũng giữ được vẻ sắc bén tinh khôi của nhát kiếm chặt xuống lần đầu.

Buổi tối hôm đó khi trở về khách sạn, Quỳnh Hương và Hiền còn ngồi tỉ tê nói chuyện với nhau đến khuya lắm, và Hiền hát khẽ bài “Thu nguyệt tình hoài” mà nàng sẽ trình diễn hôm sau.

Chiều hôm sau Quan diễn thuyết về ca, vũ, nhạc cổ truyền Việt Nam (hát bội). Quan lần lượt nói về cách vẽ mặt điển hình, cách diễn xuất của từng vai điển hình, từng nhạc cụ cổ truyền và cả dàn nhạc cổ truyền. Kèm theo bài diễn thuyết có chiếu phim màu.

Bài thuyết trình dứt, Quan giới thiệu một bài ca cổ truyền, bài “Thu nguyệt tình hoài” mà Hiệp sắp hát. Quan giải thích về ý nghĩa đầu đề, ý nghĩa từng câu, tình cảm trữ tình man mác của toàn bài. Quan lưu ý thính giả Áo cách hát lắt léo của bài ca, câu nọ quấn lấy câu kia với rất nhiều lời đệm xen kẽ. Hiền đã mang sẵn theo từ Sài Gòn đi một băng dàn nhạc bài ca đó, nàng chỉ sử dụng có chiếc trống con, và nàng hát theo dàn nhạc đó với tiếng trống của nàng. Đặc biệt lần này mỗi câu thơ Hiền hát có dòng chữ Đức bằng ánh sáng xuất hiện làm phụ đề để thính giả dễ theo dõi ý thơ và ý nhạc.

Cả thính phòng không một tiếng động nhỏ khi tiếng trống thiên tài của nàng vang lên, tiếng trống nhịp theo với tiếng phách, tiếng sênh, tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng sáo. Và Hiền cất tiếng hát bài “Thu nguyệt tình hoài”, lời ca trôi nổi trên dòng nhạc. Tiếng trống của Hiền tức tưởi nghẹn ngào lướt trên lời ca, lần vào lời ca ôm lấy lời ca như người thương yêu ôm lấy vết thương yêu đương. Những dòng chữ ánh sáng mang nặng ý nghĩa trữ tình lấp láy thay đổi, tỏa ra hút lấy các hơi thở, làm nghẹt các con tim:

Nước chảy hoa trôi… lỡ làng…

Nhắn tin sang cớ sao người chẳng (có) thấy sang

(chứ) Hẹn (tình) ba, bốn, năm hẹn (mà) để lòng càng sót sa

(cái) Nỗi đoạn truờng (cho nên này) thiếp phải lo xa…

Tiếng trống nức nở đi theo tiếng hát, đi theo từ đầu dến cuối như bóng đoạn trường theo với hình đoạn trường. Người nghe nhắm mắt lại, tiếng trống và lời ca lách thẳng vào các thớ tim. Giọng Hiền thật trong, thật dịu, thê lương mà dằm thắm, hờn giận mà trinh chuyên:

Nhắn tin sang mà người chẳng thấy sang, Hẹn ba, bốn, năm, hẹn lòng càng sót sa Nỗi đoạn trường thiếp phải lo xa

Gió thu hiu hắt sương sa lạnh lùng

Đương ở đời sống sáng chói lý trí giữa guồng máy quay, cuồng gay gắt, đám thích giả Áo chợt gặp những dòng trữ tình Á Đông, những dòng chữ bồi hồi quyện lấy tiếng trống, lời ca, dòng nhạc trở thành bàng bạc linh thiêng, và biến thành bàn tay dịu hiền dìu họ về gặp lại cái thế giới hiền hòa rất quen thuộc xa xưa mà không hiểu sao họ quên khuấy đi mất:

Chăn đơn gối chiếc lạnh lùng

Hai hàng châu lệ chiếc khăn hồng chứa chan

Gặp chàng đây cho thiếp thở than

Suối khe nước chảy trên ngàn thông reo

Bữa cơm ăn thất thểu ít nhiều

Dòng chữ ánh sáng tắt, dư âm lời ca ý nhạc còn muốn tiếp tục nung chảy bóng tối, ánh sáng bừng lên ngỡ ngàng, tiếng vỗ tay chỉ vừa thức giấc thì chị bạn trẻ người Áo ngồi bên Quỳnh Hương đã vùng đứng dậy chạy lên ôm lấy Hiền, hôn Hiền và cả hai cùng… khóc.

Sự thành công của Hiền không những chỉ kích thích và giúp Quỳnh Hương thành công dễ dàng trong những phân cảnh cuối của phim “Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne”, tiếng hát kỳ diệu đó còn khơi mở trong tiềm thức Quỳnh Hương những kỷ niệm đồng quê đất Việt. Quỳnh Hương bỗng nhớ lại những ngày về quê ngoại, làng Mậu Dương, hương đồng thơm phức, cánh chuồn, cánh bướm nhởn nhơ, hơi nước mát lạnh tỏa ra từ các mặt đầm, mặt ao. Vào hôm phân cảnh cuối cùng hoàn tất, tiếng hát của Hiền còn gợi Quỳnh Hương nhớ tới một đêm trăng mọc muộn. Không phải ngày mùa lại sau một trận mưa lớn, nên chỉ mới mười giờ khuya mà cả làng Mậu Dương chìm trong tịch mịch tưởng như đã khuya khoắt lắm rồi. Trăng mọc muộn phía chân trời Đông, bóng tối căn nhà đổ xuống, nhưng ánh trăng lạnh cắt một đường viền vàng ngang đỉnh ngọn cây ngay phía trước. Cảnh vật vừa lặng lẽ thô sơ, vừa phức tạp bí ẩn, và lần đầu tiên nàng trinh nữ Quỳnh Hương mơ ước bóng một người con trai. Tình yêu sưởi ấm tạo vật, hay đúng hơn tình yêu tỏa ra hơi nóng thần thánh bảo vệ lấy đôi trẻ giữa thiên nhiên vô tình và mênh mông hiu quạnh. Đi vào dĩ vãng, trong khoảnh khắc nhớ lại buổi gặp Kha lần đầu cùng Hãng ở phòng trà Ly Ly, nhớ lúc Kha ôm mình nhảy bản slow khuya và cúi xuống hôn nhẹ lên môi… Trời ơi, Quỳnh Hương bỗng thèm Kha điên cuồng. Ngày nào cùng Kha đi Thủ Dầu Một về cùng ăn cơm trong căn phòng ấm cúng của nhà hàng Cheong-Nam, rồi khi từ biệt trên vỉa hè Tự Do nàng đã có ý tưởng ngộ nghĩnh sẽ hôn Kha trước vì chỉ hôn trước một người như Kha mới không sợ bị rẻ rúng. Tưởng tượng nàng bỗng nhiên vít cổ Kha xuống hôn: Kha chắc thoạt bỡ ngỡ rồi cười, nụ cười trong sáng của chàng, rồi tất nhiên chàng cúi xuống hôn nàng: thành thử cái hôn trước của Quỳnh Hương giống như cái hích khuỷu tay khiêu khích và nhắc nhở, cái hôn thứ hai mới là cái hôn cộng hưởng. Rõ hoài! Nàng tự trách sao không thực hiện điều kỳ khôi rất đáng nên thơ đó khi còn ở Sài Gòn.

Vì vậy mà Quỳnh Hương đã tận cùng lá thư cuối cùng ở Vienne bằng hai chữ “Hôn anh”, nhưng khi nét chữ đã tròn trịa trên trang giấy, Quỳnh Hương mới sự nghĩ là rất có thể Kha lơ đễnh để bức thư lọt vào tay Miên. Tuy là cái hôn gửi, hôn tinh thần, nhưng cũng làm Miên…

Dù chỉ mới đơn phương gặp Miên một lần, vào buổi đưa bà giáo đi đẻ, mà Quỳnh Hương cũng cảm thấy không nên làm phiền lòng một người đàn bà hiền thục như Miên.

III

Tây Bá Linh, ngày 23 tháng 1… Anh Kha,

Trở về Tây Bá Linh em phải đợi một tuần sau mới được xem dương bản ráp nối đoạn quay ở Vienne. Em đã không phụ nhà dàn cảnh cũng như nhà dàn cảnh đã không phụ em. Hình ảnh em từ lúc cất tiếng hát khi thì lấy toàn cảnh Long Shot – con sông Thương (mà là sông Danube) với con thuyền nan xuôi dòng, với quán tranh bên khóm chuối; khi lấy một phân cảnh – Mid Shot

– con sông Thương với dáng những thiếu nữ Việt ríu rít xuống vò quần giặt áo, đập chiếu, hoặc hình ảnh một con thuyền có mui lướt qua với dáng cô gái Việt đầu đội nón lá, tay chèo nhịp nhàng. Em vẫn hát với điệu bộ nhuần nhã, với dáng nhìn xa xôi. Ống kính luôn luôn thay đổi vị trí, khi tiến thẳng về em, khi đi quanh em, khi đi theo em. Tới đây là phần kỹ thuật dàn cảnh cổ điển nhưng cũng không vì thế mà kém phần kỹ thuật dàn cảnh cổ điển nhưng cũng không vì thế mà kém phần gợi cảm. Hình ảnh có lúc mờ đi nhường cho hình ảnh đám đông thính giả ăn mặc tề chỉnh ngồi chật hàng ghế, nét mặt nghiêm trang theo rõi bài ca, rồi vỗ tay nồng nhiệt. Tiếng hát của em vang theo hình ảnh chuyến xe tốc hành đưa em đi trình diễn tại Paris, tiếng hát của em vang theo con tàu bập bềnh vượt biển Manche đi Luân Đôn, tiếng hát của em vang theo cánh phi cơ đi vào vùng trời xanh Ý Đại Lợi…

Em sung sướng muốn chảy nước mắt anh ơi. Chào anh,

EM.

Nhìn mấy dòng chữ cuối trang thư chữ nọ rúi vào chữ kia, Kha cũng thừa hiểu là Quỳnh Hương đã xúc cảm mãnh liệt khi thuật đến đó.

Tây Bá Linh, ngày 15 tháng 2… Anh Kha,

Cuốn phim “Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne” đã hoàn thành! Dương bản chính – Answer print – vừa in xong và chiếu lần đầu tiên cho toàn thể các tài tử và chuyên viên xem. Sau đó Karl mời em đi ăn và khi hai người đã ngồi đối diện trong phòng ăn bốn bề tường gương phản chiếu ánh đèn rực rỡ thi Karl nói với em, anh có đoán được không?Karl nói rằng trước đây khám phá ra em ở Sài Gòn chỉ có ý định duy nhất đưa em vào điện ảnh nhưng bây giờ thì Karl không chỉ khách quan có thế mà muốn chủ quan hơn để cam chịu làm “nô lệ cho thiên tài nghệ thuật của em”. Karl cầu hôn với em đấy! Karl còn nói thêm “Nhan sắc Đông phương rõ ràng đầy vẻ phục tòng mà sao mãnh liệt đến nỗi kẻ nào đã sa vào vùng nhan sắc đó thì lập tức biến thành một thứ mặt trăng bé mọn trọn đời tuân theo hấp dẫn lực của trái đất”.

Em bình tĩnh nhận lời cầu hôn của Karl, vì lấy Karl hay lấy một người ngoại quốc khác đối với em chỉ là việc phụ, điều em vừa qua chuyến thử lửa để tự kiểm soát thấy mình có đủ khả năng đi vào điện ảnh mới là chính đấy mới là lẽ sống và niềm an ủi lớn duy nhất của em. Thôi để bao giờ phim “Tiếng Hát Lạ Trên Kinh Thành Vienne” tới Sài Gòn các anh xem và phê bình. Hạ hồi phân giải.

Chào anh, EM.

Tây Bá Linh, ngày 25 tháng 2… Anh Kha,

Tuần tới chúng em làm lễ cưới, sau đó em, Karl và Lowenski sẽ tới Sài Gòn. Cũng là một công đôi việc, chúng em đi hưởng tuần trăng mật, Lowinski tới miền Nam nuớc Việt để nghiên cứu trước cuốn phím sắp tới, lần này bối cảnh lịch sử là cuộc kháng chiến vừa qua của dân Việt. Căn cứ vào lời em kể và tả, nhà dàn cảnh này dự định tới Sài Gòn rồi lần lượt đi Tourane và Huế. Những cuộc phục kích nhỏ sẽ dùng địa hình sông núi ngoại vi châu thành Huế làm ngoại cảnh, có thể ra tới cửa Thuận lấy chút hình ảnh biển. Một trong những trận phục kích lớn sẽ lấy đèo Hải Vân làm ngoại cảnh. Được một hãng phim lớn làm sống lại vài trang sử kháng chiến gian khổ của đất nước chắc chính phủ nhà cũng dành cho họ mọi điều kiện dễ dãi. Em không rõ hiện nay ở Sài Gòn đã có một hãng sản xuất nào lớn chưa để cộng tác với hãng của Karl, vừa được chia lãi cuốn phim về sau, vừa có dịp để các chuyên viên mình học hỏi hoặc trao đổi kinh nghiệm với các chuyên viên Đức.

Thực hiện phim này, Lowinski cần một cố vấn văn hóa để những hình ảnh được xác thực và đi thẳng vào lòng người Việt. Em đã giới thiệu anh. Khi bọn em tới Sài Gòn sẽ cùng bàn với anh về mọi thể thức tiến hành công việc. Em tin rằng những ý kiến anh nêu lên sẽ quý giá vô cùng cho cuốn phim sắp được thực hiện đó.

Em – vai nữ chính – lẽ cố nhiên rồi, anh! Sẽ gặp lại anh một ngày rất gần.

EM.

TÁI BÚT. – Anh nhớ đây chỉ mới là cuộc họp bàn sơ bộ căn cứ vào đó truyện phim sẽ hình thành. Bọn em tới Sài Gòn như những du khách thường, báo chí sẽ không biết gì mà làm rùm beng.

Chương Sáu

TIẾNG HÁT HỒI HƯƠNG

I

Quỳnh Hương, Karl, Lowinski tới phi cảng Tân Sơn

Nhất vào hồi 4 giờ chiều có gặp Hãng, Thu và Kha ra đón. Lẽ cố nhiên mọi người đều dùng Anh ngữ trong cuộc thù tiếp này. Quỳnh Hương trông đẹp quý phái ra rất nhiều mặc dầu nàng vẫn mặc quốc phục và vẫn nói cười đon đả như ngày nào.

Hay đó là do ảo tưởng chủ quan của bọn Kha?

Quỳnh Hương giới thiệu hai bên xong rồi mới hỏi đùa Kha:

- Thế nào ông anh, bà giám đốc của em đâu mà đi đâu cũng chỉ thấy có một mình như trai tơ ấy?

Kha cười đáp:

- Em đã đến trụ sở của “bà giám đốc” một lần rồi đó em biết, một lúc bận hàng chục “con mọn” “mẹ mọn” còn đi được đến đâu!

Hãng chỉ Quỳnh Hương nói với Karl:

- Tôi có cảm tưởng như “bà Quỳnh Hương Karl. P.” có đẫy ra một chút.

Karl ấu yếm nhìn Quỳnh Hương; cả hai hòa hợp trong nụ cười mỉm, rõ ra cảnh đôi vợ chồng mới đi hưởng tuần trăng mật, rồi Karl đáp:

- Vâng quả vậy, có lẽ tại sang xứ lạnh, và “nhà nữ tài tử của chúng tôi” hợp thủy thổ.

Thu nói:

- Em chỉ thấy chị Quỳnh Hương trước đã đẹp giờ lại đẹp hơn.

Lowinski cũng góp chuyện:

- Người đàn bà Á Đông có đẫy hơn một chút bất quá cũng chỉ đến bằng cô gái loại gầy xứ lạnh chúng tôi. Dầu sao thì bà Quỳnh Hương Karl. P. chưa béo đến mức bị từ chối không được đóng cuốn phim tới.

Mọi người cười ồ, Quỳnh Hương nói với tất cả:

- Em cũng sợ nhất phát phì.

Sau khi đã xếp gọn ba chiếc va li vào hòm sau xe, Hãng vui vẻ lên tiếng:

- Nào xin mời quý vị lên xe, hôm nay mới thật là ngày hai họ đi đón dâu, nhà giai có một ông Lowinski, còn bọn chúng tôi thuộc phe nhà gái cả; ấy thế mà hai phe cân đối vì vô hình chung cô dâu ngả về phe nhà trai mất rồi.

Kha tiếp:

- Vậy thời cô dâu chú rể ngồi hàng ghế dưới, còn phe nhà gái chúng tôi ngồi trên “lãnh đạo” xe.

Mọi người vui vẻ lên xe. Ra khỏi địa phận phi cảng Hãng lái thẳng tới khách sạn Caravelle, nơi đây chàng đã dành sẵn hai phòng.

“Ba người nhà gái” đưa “ba người nhà trai” lên đến phòng thì Hãng ngõ lời từ biệt ngay. Chàng nói:

- Các vị còn cần tắm rửa nghỉ ngơi, chúng tôi xin phép rút lui. Tối nay ba chúng tôi dành hân hạnh mời ba vị đi ăn cơm tại Nhà hàng Cầu Vồng trong Chợ Lớn ăn ở tầng dưới rồi lên nghe ca nhạc ở tầng trên.

Kha tiếp:

- Nghe ca nhạc thôi, vì khiêu vũ ở đây đã bị cấm.

Và hai toán chia tay ngay trước cửa phòng, Quỳnh Hương còn nói một câu sau cùng:

- Cám ơn anh Hãng, anh chu đáo với bọn em quá xá.

II

Mang quà đến cho các cháu, vừa nói chuyện ngây thơ với bọn chúng vừa trìu mến ngắm lũ chúng, đôi khi miễn cưỡng hỏi hoặc đáp chuyện với người chị dâu, sau cùng đến lúc Quỳnh Hương cảm thấy đã tạm đủ, nàng ôm hôn từng cháu, hứa với chúng một ngày gần đây lại đến thăm. Nàng ra về bịn rịn. Nàng muốn mang chúng đi phố để chúng được thả sức thích thứ gì thì nàng chọn mua cho chúng thứ ấy nhưng nàng biết là không được, không bao giờ người chị dâu ác nghiệt và dầy thành kiến kia chịu cho mấy đứa cháu gọi mình bằng cô ruột, được phép theo mình. Mới cách đây chừng vài giờ khi phi cơ vào không phận Việt Nam rồi hạ xuống trường bay Tân Sơn Nhất, nàng hoàn toàn cảm thấy thảnh thơi, nhưng đến khi tắm rửa, trang điểm xong, xuống thang máy, vẫy tắc-xi, đi một mình tới thăm các cháu, thì chút bận tâm mơ hồ bỗng thành nỗi buồn canh cánh, rồi được gặp các cháu, nhưng phải chịu đựng tia nhìn của người chị dâu, miễn cưỡng nói chuyện với người đó, tới đây thì nàng hoàn toàn thấy mình trở về nhà tù dĩ vãng với đầy đủ cùm xích của nó.

Đến thăm bà giáo! Lẽ dĩ nhiên chương trình sau đó của Quỳnh Hương là đến thăm tiểu gia đình của bà giáo! Nàng xuống xe thủng thẳng đi vào hẻm, ngước nhìn căn gác cũ thấp thoáng bóng mấy chú học sinh, căn bên – căn nhà bà giáo – thì vắng ngắt. Quỳnh Hương vẫn bước vào, gian bếp cũ có người đang sào nấu, một người đàn ông trẻ ở gian nhà trên nhô ra.

- Thưa ông tôi muốn đến thăm ông giáo.

- Chính tôi là ông giáo, mời cô vào.

Quỳnh Hương thoạt ngạt nhiên nhưng rồi nàng đoán ra ngay người mới tới thuê nay cũng đi dạy học.

Người đàn bà ở bếp – chắc là người vợ – cũng ló đầu ra. Quỳnh Hương vào hẳn nhà và nói:

- Thưa ông tôi có bà chị với lũ trẻ trước thuê ở đây.

- À tôi biết, bà ta theo chồng đi rồi, bả đi thì chúng tôi dọn lại đây ngay. Mời cô ngồi.

- Quỳnh Hương thấy mình chẳng có lý do gì nán lại nữa, lễ phép nói lời từ biệt và đi ra. Dọc theo đường hẻm tối tăm, bên trên vòm trời heo hút, Quỳnh Hương mang theo nỗi niềm chán ngán lên xe. Giá tối nay không phải Hãng, Thư, Kha mời đi ăn thì nàng đã từ chối và như vậy sẽ mang tiếng kênh kiệu biết bao.

Tiếng hát vọng cổ vang lên đâu đây, Quỳnh Hương vốn ghét điệu hát đều đều và nghèo nàn này, nàng bèn tự ý chậm bước lại để hoàn toàn hứng chịu điều mình không ưa thích như hệt người theo đạo khổ hạnh không bỏ lỡ dịp tữ hành xác. Tiếng hát bỗng như thấm vào ý thức nàng hay rằng tất cả mọi người đều đương làm trò hề. Tất cả những thành công, tất cả những thất bại đều là trò hề! Vạn vật đều hư không! Cảm giác hư không này càng trườn ra, vết thương tinh thần càng tự khơi sâu xuống, tựa như vinh quang thì hư ảo mà đau khổ thì có thật.

III

Khoảng 8 giờ Kha, Hãng, Thu đã lên tới phòng đón ba người đi. Câu chuyện vui của sáu người ở bàn ăn tầng dưới nhà hàng Cầu Vồng đã kịp thời giúp Quỳnh Hương thoát khỏi gông cùm dĩ vãng. Khi lên lầu một nghe nhạc, cảnh tượng nơi đây buồn tẻ không ngờ, xưa vũ trường này rộn ràng và quý phái biết chừng nào. Cấm khiêu vũ, nên khoảng piste rộng lớn, nơi chứa đựng linh hồn những bước nhảy ngày xưa, nay bày thêm mấy dàn bàn ghế. Dàn nhạc vẫn rất chững chạc bề thế, những vũ nữ biến thành chiêu đãi viên và bởi chân chẳng được nhảy thì tay mấy người khách luôn luôn tìm cách quờ quạng hoạt động cho đáng “đồng tiền bát gạo”, trông thật bệ rạc. Quỳnh Hương kể với Thu là trước ngày đi sắm đồ cưới cho Thu nàng đã bắt gặp Hãng ngồi đối diện với Thu ở tiệm Givral. Câu chuyện đó thật ra chẳng cần thiết phải nhắc lại, Quỳnh Hương nói để Thu có cớ chăm chú nghe và để cả hai khỏi phải nhìn ra xung quanh

Cũng may vừa lúc đó một nữ danh ca lên hát bài “Về miền Trung” của Phạm Duy; Kha và Hãng cũng cúi đầu lắng nghe vì đây là bài cả hai rất thích, nhạc và lời cùng gợi cảm phản ảnh trung thực cho một thời bi hùng nhất của cuộc toàn dân kháng Pháp. Hãng giới thiệu sơ qua bài ca cho Karl và Lowinski nghe, trong khi Kha bấm đốt ngón tay để tính ra rằng cuộc kháng chiến mà chàng tự biệt cách đây đã tám năm rồi. Tám năm qua

– Kha tự nhủ thầm – văn nghệ còn lại vẫn chỉ là văn nghệ kháng chiến, làm gì có văn nghệ vô sản?

Số người vào thoạt lác đác bỗng rộn rịp liên tiếp, căn phòng như bớt rộng và đã có không khí hào hứng. Đồng thời nam ca sĩ Ph. lên hát một bài ca ngoại quốc theo nhịp swing rất nhộn. Quỳnh Hương không quên bên nàng còn Karl và Lowinski luôn luôn quan sát để đánh giá sinh hoạt nghệ thuật du hí nước nhà, vì vậy mà nam ca sĩ kia chẳng làm vinh hạnh cho nàng chút nào. Người hắn bé nhỏ, mặt choắt, đôi mắt lươn ti hí, khi hắn hón môi hát lưỡng quyền càng nổi lên với vô số những dấu ngoặc kép hai bên má, khi thì miệng hắn há rộng hàm dưới chẹo hết bên này sang bên nọ như vừa hát vừa vo tròn những âm thanh trước khi cho chúng thoát ra khỏi miệng, lúc ngân dài giọng, đôi khi lưỡi hắn uốn lên che mấy cái răng trước làm vẻ lẳng lơ, đôi khi hắn liếm nhanh môi trên trước khi bắt kịp nhịp câu sau, hắn ngoay người bên tả, ngoay người bên hữu hung hăng như kẻ mang nặng mặc cảm bé mọn nên có thái độ bạo dâm; chỉ vì hắn còn trẻ quá nên chưa đem lại hình ảnh một thứ đĩ bợm thập thành. Giá như hắn hát trong bóng tối mờ mờ và giữ cho dáng điệu thuần thục hơn, chắc chắn giọng hắn được hoan nghênh.

Khách tiếp tục tới. Có ba người đàn ông vừa vào, họ nhận ra Kha, đôi bên giơ tay chào nhau kín đáo. Chắc vì thấy bàn Kha có người ngoại quốc nên cả ba rẽ lối, rồi ngồi ngay bàn phía sau. Họ cười nói tỉnh bơ, luôn luôn văng tục, tuy nhiên đó chỉ là cách diễn tả do thói quen của văn nghệ sĩ đương thời, dí dỏm và trắng trợn.

- Kha nói khẽ với Quỳnh Hương:

- Đó là bộ ba văn sĩ, kịch sĩ và họa sĩ cùng nhóm.

Những lời bô bô của họ từ phía sau vọng lên, Quỳnh Hương nghe chẳng xót câu nào:

- Đ.m chúng mày tính phê bình đ. gì mang đời tư của người ta ra mà nói. Ngu xuẩn! L’oeuvre me dépsse… évidemment. Puisqu’elle est faite d’un choix de mes meilleurs moments. Kìa trông ai như thằng N. đằng kia.

- Chính “lủy” đó. Tao đ. chịu được thằng đó. Giận nhất là hôm tao nghe nó nói: “Nguyễn Du có gì mà dịch!” Chúng bay bảo có lộn ruột không? Càng ghét tao càng thích theo dõi những gì nó viết. Trong khi nó phủ nhận cái đỉnh chót vót của cá tính văn chương Việt Nam, thì bài nào nó củng sủa đầu những trích dẫn, nào trích dẫn lời của “thánh” hiện tượng luận này, nào trích dẫn lời của “thánh” hiện sinh kia, tiên sư, thật mất gốc đến xương tủy! Mày có thể hỏi nó vào bất cứ lúc nào câu này: “Thế nào cậu đã đọc tác phẩm X. của tác giả Y. chưa?” Lập tức mày thấy nó lợ đãng để đóng khung cho câu trả lời cố tình hết sức thờ ơ: “Mình cũng chả đọc!” Cơ hồ như “sự đọc” đó, nếu có, sẽ làm nhơ bẩn cái trí thức cao vời của nó. Thằng hót phân! Đúng là thằng hót phân thiên hạ!

Quỳnh Hương giật mình… nàng kín đáo hơi quay đầu lại, đôi mắt liếc nhìn, nhận ra ngay nhà văn tác phẩm bán ế đã gặp ngày nào khi Kiến đưa nàng vào gian phòng Perroquet của khách sạn Continental.

Câu chuyện của họ vẫn tiếp diễn:

- Nói cho cùng, nghĩ cũng tội nghiệp cho một số những kẻ một mặt viết lách để thiết thực tranh đấu cho tự do, một mặt khi nghe bên phía trời Âu Mỹ nơi thiên hạ thừa mứa tự do có tin một vụ trao tặng nào, hoặc một văn nhân nào vừa bện ra sao, thì cũng phải làm bộ giật mình theo dõi hốt hoảng một tí cho… hợp thời trang.

Câu chuyện bỗng xoay chiều vì câu hỏi của họa sĩ:

- Nàng nào đương hát trên kia thế?

- Diễm M. đấy.

- Ủa Diễm M. đấy à, chết cha, sao đời nó tàn chóng thế? Già nua!

- Già nua và ọp ẹp!

Quỳnh Hương quay sang nói với Kha:

- Mai khoảng mười giờ mời anh tới họp bàn với bọn em để cùng đi Đà Nẵng rồi Huế.

- Kha khẽ gật đầu. Hãng tiếp tục nói chuyện với Karl và

Lowinski, Quỳnh Hương quay sang nói chuyện với Thu.

Tiếng nói ở bàn sau lại vọng lên, lần này là thứ giọng hơi lè nhè vì đã có “tẩm” chút ruợu:

- Chúng mày có thấy không, đêm khuya ấy mà, nghe tiếng kèn thổi điệu Mambo lải nhải từ xa vọng lại, thật tình tao thấy đó là bức vẽ bằng âm thanh hình một đượi – chúng mày hiểu chứ – hình một đượi khoác vẻ chính chuyên để bán mình cho một tên bợm có danh vọng.

- Hà hà… văn sĩ giàu tưởng tượng! Mẹ kiếp làm sao nghe điệu kèn Mambo trong đêm khuya mà lại tưởng tượng được ra hình ảnh một đượi bán mình?

- Mày là họa sĩ mày biết đ. gì!

- Suỵt! Im nghe hát.

- Nàng nào đấy mày!

- Kh. !

- Kh. Nào?

- Kh. phá thai suýt chết năm ngoái, mới tái xuất hiện ở phòng trà được ít lâu thôi.

Kh. đã ra đứng trước micro khẽ cúi đầu chào trước khi cất giọng.

Quỳnh Hương biết Kh. và biết mối tình tuyệt vọng của nàng. Kh. yêu một kỹ sư trẻ tuổi, chàng thanh niên hào hoa phong nhã này vẫn đến phòng trà vào giờ cuối để đưa Kh. về hoặc đưa đi ăn trước khi về, bằng xe hơi của chàng. Nhưng rồi chàng vâng lệnh song thân lấy vợ. Kh. biết phận, ngỏ ý chịu là thứ nàng hầu của chàng, miễn là được mặc nhiên công nhận sự kiện đó. Chàng sẽ hoàn toàn chỉ là điểm tựa tinh thần, thỉnh thoảng đến với nàng ở căn phòng riêng của nàng, về tiền nong tuyệt nhiên Kh. không hề nhờ, nàng kiếm được đồng nào tiêu đồng ấy. Nhưng chàng kỹ sư từ chối, an ủi Kh. đôi lời, rồi đoạn tình. Tuyệt vọng, Kh. ăn nằm với một quân nhân Mỹ, nàng có mang, người Mỹ về nước, nàng uống thuốc phá thai, bị băng huyết suýt chết. Đó là vào thời gian Quỳnh Hương sửa soạn dời Sài Gòn đi Tây Đức.

Tiếng nói ở bàn dưới tiếp tục vọng lên trong khi Kh. hát:

- Con nhỏ vừa chiếm trọn bát hụi dốc ống trăm ngàn của một tên xuất nhập cảng già chơi trống bỏi nào đó.

- Nên lắm chứ. Chúng mày tính thời của nó còn được là bao, một năm nữa là cùng.

- Tám năm trước di cư vào đây, lần đầu tiên tao nghe con nhỏ hát, nó hát bài này, bài hát cũ đến nỗi tao thường quên tên bài hát, quên luôn cả tên tác giả.

- Chết cha, thằng bạn giáo sư mỗi năm một lần trở lại bài dạy cũ mà nó còn kêu chán thấy mồ, đằng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…

- Vậy thì tác giả phải nên cám ơn con nhỏ chứ sao, bài hát chưa chết vì con nhỏ còn sống ha ha.

Kh. đương hát lần thứ hai điệp khúc. Đó là một bài ca trữ tình rẻ tiền: “nàng” kể nỗi lòng thương nhớ gửi tới “chàng” ở chốn biên cương. Tóc Kh. xõa ra, mi mắt mọng lên chua xót cho mối tình xưa vỡ lở (chắc chắn Kh. có liên tưởng đến mối tình xưa của chính nàng) đôi môi nàng ướt nhãy như kêu gọi tình yêu xa xôi nhưng lại phủ nhận hay miễn cưỡng chấp nhận tình yêu hiên tại. Toàn thể những đau thương đó, những u sầu đó đượm vẻ giả tạo đặc biệt của kẻ muốn thật sự đau thương nhưng lại muốn vươn ra khỏi đau thương để quan sát xem mình đương đau thương như thế nào, và nên sửa đổi như thế nào nữa cho vừa mức và hợp thời trang.

Quỳnh Hương rùng mình… nàng vùng đứng dậy. Khi thoáng thấy ai nấy ngạc nhiên, nàng vội vàng giơ tay lên đỡ đầu nói khẽ: “Em rức đầu”, tức thì Hãng đứng dậy theo:

- Nếu vậy chúng ta cùng về cho Quỳnh Hương nghỉ.

Kha đã biết vì sao Quỳnh Hương đột nhiên ra về, nhưng đi bên nàng, chính chàng cũng lúng túng không tìm được lời nói nào hợp tình hợp cảnh khả dĩ làm nhòa dịu bớt những góc cạnh dĩ vãng đầy hờn tủi của nàng.

Mọi ngươi đã tới bên chiếc xe Prefect, Hãng nói:

- Tôi sẽ đưa quý bạn về tới trước thềm Caravelle!

IV

Chiếc xe Prefect của Hãng đậu trước thềm khách sạn Car- avelle. Những lời chào tạm biệt xã giao nhưng rất thân mật. Khi xe của Hãng đã khuất phía sau Quốc Hội, Karl chợt vỗ túi nói với Lowinski:

- Chết rồi tôi hết thuốc lá!

- Để em đưa đi mua – Quỳnh Hương nói.

Lowinski lên trước. Quỳnh Hương đưa Karl sang đường, qua vườn hoa Quốc Hội tới trước người con gái bán thuốc còn ngồi nán lại dưới ngọn đèn đường bên hông hẻm Eden. Trên thềm gạch gần đấy, sâu trong bóng tối, Quỳnh Hương thấy hai em bé cùng quần đùi, áo cộc, chân đất, nằm châu đầu vào nhau ngủ; em đánh giày thì hộp đồ nghề bằng gỗ đặt ngay trước mặt; em bán báo thì chiếc cặp các tông lớn đặt ngang ngực. Trước đây đã một lần khoảng bốn giờ sáng Quỳnh Hương có dịp chứng kiến cảnh các em từ trong chợ báo khu dân sinh ra các ngả đường, tưng bừng như đàn ong nhỏ khởi sự đi kiếm mật hoa.

Thật ra cũng chưa khuya lắm, chừng mười một giờ hơn là cùng, nhưng vào giờ này đời sống Sài Gòn thu vào các phóng trà, các đường phố vắng tanh.
Lên tới phòng ở lầu bốn, Quỳnh Hương dừng lại bên ngoài, tì tay vào lan can. Mấy phòng lân cận đều đóng cửa im ỉm. Thoạt Quỳnh Hương nhìn về phía trước mặt, hàng chữ CONTINEN- TAL PALACE xuất hiện rõ dưới ánh đèn; khúc đường Tự Do đi về phía nhà Bưu Điện chui mất hút vào bóng tối hai hàng me. Quỳnh Hương nhích tia nhìn về phía trái một chút: cổng vào hẻm Eden tới New-york Café. Giờ này bên trong New-york Café chỉ còn là một khối bóng tối – nàng biết thế. Nàng hướng tia nhìn dọc theo dãy ánh sáng đương Lê Lợi. Nàng trông thấy chấm sáng đỏ của phòng trà Ly Ly, nhưng nàng đã đặt tia nhìn rất đúng vào khoảng đó. Bao nhiêu buyn-đinh phía chợ Bến Thành chắn mất lối nhìn về đường Trần Hưng Đạo, xa tít… xa tít…, trên con đường này, gần tới ranh giới Chợ Lớn, là Chi- na Doll. Quỳnh Hương xiết mạnh đôi bàn tay xinh thuôn của nàng trên lan can sắt lạnh. Phải, hãy so sánh hãng sản xuất phim kiếm bạc triệu một ngày với người con gái bán thuốc lá bên hẻm Eden kiếm vừa đủ số tiền còm cõi nuôi mẹ nuôi em hay số tiền mọn của một em mồ côi bán báo, đánh giày vào hôm đắt khách, hạnh phúc của đôi bên chẳng vì hoàn cảnh mà chênh lệch nhiều. “Đồng tiền còn có giá trị nhân bản của nó – Kha có lần thủ thỉ với nàng thế – nó nặng hay nhẹ tùy theo cách kiếm được ra nó”.
Quỳnh Hương nhớ đến lũ quyền hành có lợi lộc thừa, hạ bút ký một áp phe kiếm bạc triệu, chúng đường hoàng quyến rũ gái tơ, danh của chúng là một cái gì giả trá, nhưng lợi mà chúng đem ra dử mồi thì có thật. Một chiếc villa có điện thoại, một chiếc xe Mỹ, hay xe Pháp, hay xe Anh, hay xe Đức… Với mồi lợi ấy, chúng chụp được con nhà tử tế là thường!
Nào những đêm vùi đầu trong hoan lạc ở nơi lành lạnh climat de France là Đà Lạt.
Nào những đêm Vũng Tàu, Long Hải chúng buông lơi lòng dục còn rầm rộ hơn cả són gió Bãi Sau hôm kéo cờ đen.
Nào những đêm vui ở boite đặc biệt, một villa trá hình trên con đường lớn lịch sự kia của đô thành, nơi dành riêng cho những gia thần của chính quyền đương thời.
Quỳnh Hương rùng mình nghĩ đến bóng trắng của tên gác cửa boite, cao lớn, ăn bận rất tề chỉnh, lịch sự; Quỳnh Hương rùng mình nghĩ đến những chiếc tủ lạnh bên trong đầy ắp nho táo và những chai Whisky hình tròn, hình vuông đủ kiểu nhãn hiệu Scotland chính cống; Quỳnh Hương rùng mình nghĩ đến những tấm gương lớn dựng lên ở bốn bề để bất cứ nhìn về phía nào cũng thấy những gương mặt, những nụ cười, chao ôi, biết mệnh danh cho những gương mặt những nụ cười ấy là gì bây giờ, càng rùng mình khi nghĩ đến lũ lương tâm thanh thản – vì chúng không còn lương tâm – chúng, loại Phùng Văn G. mặt lợn, bụng phệ vui hưởng danh lợi bất nhân bất nghĩa bằng cách tận dụng năm giác quan như bầy quỷ tận tình hưởng lạc vì biết trước ngày tận thế.
Quỳnh Hương rùng mình.
Ôn lại những kinh nghiệm bản thân đó mà nàng thấy ê chề thân thể. Nàng chua chát nghĩ thầm: “Thì chúng cũng đạt được hạnh phúc chứ sao!”
Một bóng người choản tới, một bàn tay đặt nhẹ lên vai Quỳnh Hương, nàng biết là Karl. Đôi mắt nàng chợt đầy ứ nước mắt, lẽ ra nàng khóc từ lâu, nàng quay lại vừa kịp ôm lấy Karl và dấu mặt trên vai nàng. Karl đã thay bộ đồ ngủ và khoác ngoài chiếc áo choàng bằng sa-tanh hoa.
Karl âu yếm cúi xuống hỏi thầm bên tai nàng bằng tiếng
Đức:
- Wo uber denkst du nach? (Em có điều gì suy nghĩ thế?)
Quỳnh Hương lắc đầu – (cũng là cách để cho nước mắt thấm vào vai áo sa-tanh của Karl) – nàng đáp khẽ, rất khẽ để tránh tiếng nấc có thể bất chợt thoát ra khỏi cổ:
- Uber nichts! (Không!)
Karl ôm gọn Quỳnh Hương trong vòng tay rộng lớn hỏi mà như an ủi:
- Bist du gluklich? (Em sung sướng chứ?)
Nước mắt đã tràn đẫm vai áo sa-tanh của Karl, Quỳnh Hương gật đầu, nương nhẹ giọng khi đáp, vẫn là để tránh tiếng nấc:
- Ich bin sehr glucklich! (Em sung sướng lắm!).
Năm 1965
Doãn Quốc Sỹ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...