Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Lối xưa xe ngựa 4

Lối xưa xe ngựa 4

Chương IV- TÚ XƯƠNG CÓ ĐI THI CHỮ QUỐC NGỮ HAY KHÔNG?
Đây là một loạt ba bài đăng trong Thế Kỷ 21 để tranh luận với ông Bằng Vũ vì ông cho rằng Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ:
Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX.
Tú Xương có thi chữ quốc ngữ hay không?
Ai cứng đầu?
I- Khoa cử thời cải cách
Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX
Sau khi chinh phục nước ta bằng vũ lực, Pháp nghiên cứu phép cai trị của "dân bản xứ", nhận thấy quyền hành nằm cả trong tay vua quan. Câu hỏi họ đặt ra lúc ấy là nên giữ hay nên bỏ chế độ cũ? Sau khi thử đi tính lại, họ quyết định duy trì trật tự có sẵn, chỉ "chặt bớt tay chân" nhà vua để giảm sức phản kháng của triều đình bằng cách tước hết quyền hành của các quan, biến bọn này thành những người thừa hành mệnh lệnh của họ, do đó Khoa cử được tiếp tục tổ chức. Để tỏ ra "nước mẹ" vẫn quan tâm đến vấn đề khai hóa "dân bản xứ" và cũng thể theo lời yêu cầu của một số trí thức của ta, nhà nước Bảo hộ đưa ra những đề nghị cải cách Khoa cử.
Theo Bằng Vũ (Thế kỷ 21, số 14) thì nghị định cải cách do Toàn quyền Doumer ký từ 6/6/1898. Tôi chưa được đọc nghị định này (1) song tôi nghĩ chính nó là cha đẻ ra đạo dụ Thành Thái năm thứ XVIII (1906) bắt các Thí sinh phải thi môn chữ Pháp kể từ 1903 theo Doumer, kể từ 1907 theo Thành Thái. Tại sao phải đợi 8 năm triều đình ta mới "biến" được nghị định của Doumer thành sắc dụ? - Có thể do sĩ phu nhao nhao phản đối và triều đình cũng nhận thấy khó lòng thực hiện nổi chính lệnh của Doumer trong một thời gian quá ngắn cho nên sau khi bàn ra tán vào, triều đình mới quyết định, năm 1906, thành lập một Hội đồng Học vụ để quy định phép học và phép thi, bắt đầu áp dụng từ năm 1907. Như thế có nghĩa là những khoa thi Hương năm 1900, 1903, 1906 vẫn được tổ chức y như cũ, chữ Hán vẫn chiếm địa vị độc tôn.
Về phép thi Hương, Hội đồng quyết định như sau:
Kỳ 1: (cũng gọi là trường 1): 5 đạo văn sách hỏi về luân lý, sử, địa, luật, chính trị, viết bằng chữ Hán,
Kỳ 2: 3 bài luận quốc ngữ (văn, sử, địa, cách trí).
Kỳ 3: 2 bài chữ Pháp:
- 1 bài chữ Pháp dịch ra quốc ngữ,
- 1 bài chữ Hán dịch ra chữ Pháp.
- 1 bài chữ Pháp dịch ra quốc ngữ,
- 1 bài chữ Hán dịch ra chữ Pháp.
Kỳ 4 = Phúc hạch:
- 1 luận chữ Hán,
- 1 luận chữ quốc ngữ,
- 1 bài chữ Pháp dịch ra chữ Hán.
(Đại nam điển lệ, tr. 397).
- 1 luận chữ Hán,
- 1 luận chữ quốc ngữ,
- 1 bài chữ Pháp dịch ra chữ Hán.
(Đại Nam điển lệ, tr. 397).
Ta nhận thấy mỗi khoa vẫn chỉ có bốn kỳ như thường lệ, nhưng kể từ nay chữ quốc ngữ và chữ Pháp đều là những môn thi bắt buộc như chữ Hán.
Ta cũng nhận thấy chữ Nôm không được nhắc đến. Chữ Nôm tuy được đặt ra từ lâu và đã cống hiến cho nền văn học nước nhà những áng văn thơ bất hủ, song trừ một vài trường hợp đặc biệt như dưới thời Mạc Mậu Hợp, đề mục kỳ đệ tứ khoa Tiến sĩ năm 1565 là một bài phú Nôm (2) và dưới thời Quang Trung, kỳ thi Hương ở Nghệ An khoa 1789 bài làm viết bằng chữ Nôm tuy đầu bài vẫn bằng chữ Hán - Nguyễn Thiếp tức La Sơn Phu tử làm Đề điệu (3) - còn thì chữ Nho vẫn chiếm địa vị độc tôn, thứ nhất dưới triều Nguyễn. Nhà nước phong kiến coi chữ Hán mới đủ nghiêm túc để "chở đạo", để bàn những vấn đề "kinh bang tế thế", chữ Nôm chỉ được dùng những lúc giải trí, vui chơi ngẫu hứng, tuyệt nhiên không được có mặt trong các kỳ thi, bởi Khoa cử kén người ra gánh vác những việc "quốc gia dại sự" nên không dùng đến thứ chữ "nôm na mách qué" ấy!
Trên nguyên tác, chương trình cải cách sẽ được áp dụng từ năm 1907, song trung bình ba năm mới có một khoa thi, mà năm 1906 vừa trùng với Khoa thi Hương năm Bính Ngọ, nên chỉ có thể thực sự áp dụng cải cách vào khoa kế tiếp, năm 1909, trừ phi có ân khoa, tức là một khoa ngoại lệ được tổ chức vào những dịp vui mừng đặc biệt như vua mới lên ngôi chẳng hạn. Năm 1907 quả vua Duy Tân lên kế vị vua cha Thành Thái vừa bị hạ bệ, song tôi không nghe nói có ân khoa nào trong dịp này.
Đáng lẽ quyết định của Hội đồng được áp dụng kể từ 1909, nhưng có thể vì sĩ phu phản đối hay vì chính quyền nhận thấy khó lòng thực hiện được nên đến năm 1908 lại thành lập thêm một Hội đồng Cải cách Học vụ (Conseil de Perfectionnement de l'enseignement indigène) sửa lại những quyết định năm 1906 của Hội đồng Học vụ như sau:
a) Thi Hương
Kỳ 1: 5 đạo văn sách,
Kỳ 2: 2 bài luận chữ Hán,
Kỳ 3: 3 bài luận chữ quốc ngữ.
Trúng kỳ 1 mới được vào thi kỳ 2, trúng kỳ 2 mới được vào thi kỳ 3, trúng cả ba kỳ, ai tình nguyện thi chữ Pháp sẽ dịch một bài chữ Pháp ra chữ quốc ngữ, ai không thi không bắt buộc.
Kỳ 4 = Phúc hạch:
1 bài luận chữ Hán (kinh sử)
1 bài luận chữ quốc ngữ (cách trí, địa dư, sử)
b) Thi Hội
Kỳ 1: 7 đạo văn (kinh, truyện (4), Nam sử, Bắc sử, Thái tây liệt quốc sử, cách trí, địa dư, luật nước nhà).
Kỳ 2:
1 bài chiếu dụ
1 bài tấu sớ
1 biểu văn (5)
cả 3 đều bằng chữ Hán, văn kim
Kỳ 3:
1 luận bằng chữ Hán
1 luận chữ quốc ngữ
Kỳ 4: 7 đạo sách văn (địa dư, chính trị Đông dương, chính trị nước ta, nhân vật nước ta, hiến chương sáu Bộ, thời vụ) (6).
Ta nhận thấy lần này thi Hương có thêm một kỳ đặc biệt dành cho những ai tình nguyện thi chữ Pháp. Câu thơ "Bốn kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa" có phải đã được Tú Xương viết sau khi có quyết định này không? - Chắc chắn là không, bởi vì nhà thơ đã mất ngay từ năm trước (1907), ta chỉ có thể phỏng đoán rằng tuy dự tính cải cách đến 1908 mới chính thức công bố, song dân chúng đã được nghe phong thanh từ trước.
Sau khi công bố, chương trình cải cách có được triệt để áp dụng không? Tôi thu thập được đầy đủ chi tiết hai khoa thi Hương 1909 và thi Hội 1910, xin chép cả ra đây:
a) Thi Hương khoa 1909, trường Hà Nam (7)
5/11/1909
Kỳ 1: 5 đạo văn sách (tu thân, ngũ luân, Nghiêu Thuấn và Khổng Tử, Khoa cử Trung quốc và Khoa cử thời nhà Lê, phép cai trị Đông Dương).
Kỳ 1 có 3068 Thí sinh, 934 người đỗ, được phép thi kỳ 2.
5/11/1909
Kỳ 2: 2 bài luận chữ Hán (kinh, sử)
408 người đỗ, được dự thi kỳ 3.
2/12/1909
Kỳ 3: 3 bài luận quốc ngữ (văn, địa dư, khoa học và tính đố).
261 người đỗ, được vào Phúc hạch.
8/12/1909
Kỳ thi đặc biệt dành cho những ai tình nguyện thi chữ Pháp. Đề mục là một bài chữ Pháp đơn giản, dịch ra chữ quốc ngữ.
32 người thi, 20 người đỗ.
11/12/1909
Kỳ 4 = Phúc hạch:
1 bài luận chữ Hán
1 bài luận chữ quốc ngữ
đều hỏi về đạo trị nước.
Lấy đỗ 50 Cử nhân và 150 Tú tài
16/12/1909
Yết bảng và lễ Xướng danh.
5/11/1909
Kỳ 1: 5 đạo văn sách (tu thân, ngũ luân, Nghiêu Thuấn và Khổng Tử, Khoa cử Trung quốc và Khoa cử thời nhà Lê, phép cai trị Đông Dương).
Kỳ 1 có 3068 Thí sinh, 934 người đỗ, được phép thi kỳ 2.
5/11/1909
Kỳ 2: 2 bài luận chữ Hán (kinh, sử)
408 người đỗ, được dự thi kỳ 3.
2/12/1909
Kỳ 3: 3 bài luận quốc ngữ (văn, địa dư, khoa học và tính đố).
261 người đỗ, được vào Phúc hạch.
8/12/1909
Kỳ thi đặc biệt dành cho những ai tình nguyện thi chữ Pháp. Đề mục là một bài chữ Pháp đơn giản, dịch ra chữ quốc ngữ.
32 người thi, 20 người đỗ.
11/12/1909
Kỳ 4 = Phúc hạch:
1 bài luận chữ Hán
1 bài luận chữ quốc ngữ
đều hỏi về đạo trị nước.
Lấy đỗ 50 Cử nhân và 150 Tú tài
16/12/1909
Yết bảng và lễ Xướng danh.
b) Thi Hội khoa 1910 (8)
Kỳ 1: 10 đạo văn sách (chứ không phải 7) hỏi về kinh, truyện, Nam sử, Bắc sử. Chỉ làm 6 bài cũng đủ, ai giỏi muốn làm nhiều hơn càng tốt.
Kỳ 2:
1 bài chiếu dụ
1 sớ, tấu
1 biểu
cả 3 đều bằng chữ Hán, văn kim
Kỳ 3:
1 bài luận chữ Hán
2 bài luận quốc ngữ (đầu bài bằng chữ Hán, bài làm viết quốc ngữ).
Kỳ 4: 10 đạo văn hỏi sách hỏi về Thái tây, cách trí, địa dư nước nhà, nhân vật nước nhà và thời sự.
Kỳ 2:
1 bài chiếu dụ
1 sớ, tấu
1 biểu
cả 3 đều bằng chữ Hán, văn kim
Kỳ 3:
1 bài luận chữ Hán
2 bài luận quốc ngữ (đầu bài bằng chữ Hán, bài làm viết quốc ngữ).
Kỳ 4: 10 đạo văn hỏi sách hỏi về Thái tây, cách trí, địa dư nước nhà, nhân vật nước nhà và thời sự.
Ai trúng cả ba kỳ đầu và tình nguyện thi chữ Pháp sẽ dịch một bài chữ Pháp ra quốc ngữ. Đầu bài sẽ do tòa Khâm sứ ra, chọn một đường quan (quan lớn) ở kinh, người Việt hiểu chữ Pháp chấm. Theo Quốc Triều Đăng Khoa Lục thì các khoa thi Hội năm 1901, 1904 và 1907 vẫn được tổ chức như cũ, nghĩa là chữ Hán chiếm địa vị độc tôn.
Tóm lại hai khoa thi Hương năm 1909 và thi Hội năm 1910 đích thực là hai khoa đầu tiên áp dụng chương trình cải cách như đã chua rõ trong Quốc Triều Đăng Khoa Lục và Concours triennal du Tonkin, 1909 (9). Ta thấy chữ quốc ngữ nay được nâng lên địa vị ngang với chữ Hán, chữ Pháp mới chỉ là môn thi phụ, "tình nguyện" chứ không bắtt buộc. Theo Robert de la Susse (10) thì đến khoa 1912 chữ Pháp vẫn chỉ là môn tình nguyện. Về quốc ngữ, khoa trước (1909) đầu bài ra bằng chữ Hán, Thí sinh cũng làm bài bằng chữ Hán rồi phiên âm ra quốc ngữ khiến những ai không biết chữ Hán đọc không hiểu (11), kỳ này đề mục ra thẳng bằng quốc ngữ.
Phải đợi đến khoa 1915, theo Trần Văn Giáp chữ Pháp mới trở nên một môn thi bắt buộc vào kỳ đệ tam. Tiếng gọi là môn thi bắt buộc nhưng chữ Pháp lúc ấy chưa thể sánh ngang với chữ Hán, Thí sinh chỉ phải dịch một bài chữ quốc ngữ ra chữ Pháp chứ chưa đủ khả năng viết một bài tràng giang đại hải như khi viết luận chữ Hán.
Nói vậy không có nghĩa là tiếng Pháp lúc đầu không được "dân bản xứ" hoan nghênh, đã có người từ hoan nghênh đi đến khâm phục sát đất, đề nghị nên dùng "tiếng Pháp làm quốc văn" và vứt bỏ tiếng ta đi. Trong Nam Phong số 22 (1919) Thượng Chi (Phạm Quỳnh) đã trích lại lập luận của một "thức giả" (12): "Nói thương tiếc tiếng An Nam vẫn là hay lắm, nhưng một tiếng nghèo nàn kém cỏi như tiếng An Nam mình thương sao cho đặng? Chi bằng ta liệu sớm mà bỏ đi, mà theo học một thứ tiếng rất hay, rất đẹp, rất cao thượng, rất hoàn toàn là tiếng Pháp... Tiếng An Nam ta không đủ dùng, không biết còn tập luyện đến bao giờ mới thành được một thứ tiếng hoàn toàn? Tiếng Pháp không đợi ta tập luyện đã là một tiếng hoàn toàn... Ta thông đồng được với mấy trăm triệu người trên thế giới, chẳng hơn là dùng tiếng An Nam chỉ ngót 20 triệu người hiểu được mà thôi... Hiện tình không những Nam kỳ mà ngay ở Bắc kỳ phàm bọn thượng lưu giao thiệp với nhau toàn dùng tiếng Pháp cả; tiếng An Nam không ai bảo bỏ mà tự nhiên cũng bỏ, vì dùng nó không tiện bằng tiếng Pháp... Không mấy nỗi mà cả xã hội ta sẽ dùng tiếng Pháp làm cái tiếng phổ thông. Đó là kết quả tự nhiên của Tây học, dầu không muốn cũng không được... Tôi có thằng con nhỏ từ thuở biết nói tôi cho vào học trường Tây, nói thuần tiếng Tây; nay nó không nói một tí tiếng ta nào nữa". Đọc mà bàng hoàng. Dĩ nhiên Thượng Chi đã phản đối từng điểm cái đề nghị kỳ quặc của ông Tây da vàng này.
Về phần chữ quốc ngữ thì ngay từ bước đầu đã chiếm được một địa vị khả quan trong các khoa thi, tuy chưa đánh bật được chữ Nho ra ngoài. Tuy thế, dân chúng lại không "nhất trí". Trừ những bậc sáng suốt như Trần Quý Cáp hay nhóm "Đông Kinh Nghĩa Thục" v.v... đề cao chữ quốc ngữ, phần đông vẫn bảo thủ, khinh bỉ thứ chữ do các giáo sĩ ngoại quốc đặt ra. Đấy là thành phần trí thức, người dân quê xem ra lại còn bảo thủ hơn, nếu ta dựa vào mấy bài đăng trong Nam Phong:
Nguyên Tất Tế, Tri phủ Mỹ Đức, trong Nam Phong số 21, viết: "Trong 100 người có đến 60 người có thể miệng đọc tay viết được (chữ Nho) trên dưới thông dụng thành ra chữ bản quốc... Nhiều khi tôi bảo Tổng sư dậy trẻ thuần bằng quốc ngữ cho chóng thì bố mẹ đem ngay con đi tìm thầy khác. Hỏi cớ sao, người ta đáp: "Quốc ngữ mất dấu, chữ nọ ra chữ kia, nếu không học Nho, chắc sau con cháu lẫn cả tên ông vải... Thấy trường Pháp Việt mở ra cũng biết cho con học đó thì dễ kiếm ăn, ngặt vì nhà nghèo, một quyển "lecture" (tập đọc) giá 7 hào, đặt hơn 4 quyển Tứ truyện (Tứ thư), một tập giấy Tây giá hào rưỡi, đặt bằng 100 tờ giấy Nam; mình làm mồ hôi, nước mắt nửa năm trời không đủ tiền gửi con vào trường học một tháng, đành cho con học Nho vậy, để biên ký việc nhà" (13).
Trần Duy Nhất, (Nam Phong số 47) đặt câu hỏi: "Tại sao mà sự quốc dân giáo dục không có cơ tiến bộ?". Theo tác giả thì phần đông cho "học quốc ngữ là vô dụng". Chỉ vì nghị định b?t người ra làm Tổng Lý phải biết chữ quốc ngữ nên khi nào sắp đi làm họ sẽ học rút. Họ nói "Học làm quái gì chữ cò quăm mách qué ấy? Chữ Thánh hiền nào lại có chữ thánh thế? Thánh nào lại dậy nhảm nhí những con cua, con ốc ấy? đến đàn bà, trẻ con cũng thừa biết nữa là" (14). Bởi những người này đơn giản nghĩ rằng học chữ quốc ngữ hiểu ngay, không phải học nghĩa như chữ Nho, nên cho rằng không khó, không học cũng biết, không cần học, và tin tưởng rằng "học quốc ngữ thì đến già đời cũng không làm gì được". Đến khấn vái tổ tiên cũng dùng chữ Nho, sợ chữ Nôm sai lạc, gia phả, chúc thư, văn tự, văn tế, đơn từ đều bằng chữ Nho. Khi nhà cầm quyền cưỡng ép bắt họ cho con em đi học chữ quốc ngữ hay chữ Pháp thì có người "coi chỗ học đường hầu như giám thất, mà cho đi học là một cái tội, phải bắt bớ, phải chạy bậy mới được thả ra" (15).
Người dân quê hồi đầu thế kỷ tôn trọng chữ Hán không có gì lạ bởi Khoa cử chỉ mới bị bãi bỏ từ năm 1919, nhưng đến 1970 mà họ vẫn tôn trọng chữ Nho thì quả là điều đáng cho ta lưu ý. Nguyễn Văn Xuân, trong Phong Trào Duy Tân (1970) viết: "Ở thôn quê hiện nay, đôi nơi vẫn còn cái tục trọng chữ thánh hiền, người ta dùng bất kỳ thứ giấy quốc ngữ, Tây, Mỹ để biến thành giấy vệ sinh, nhưng giấy có chữ Nho thì tuyệt nhiên không bao giờ!" (16), mặc dầu khi ấy chữ quốc ngữ đã chiếm một địa vị vượt xa chữ Hán. Cho nên nói rằng đạo Nho thâm nhập cốt tủy của dân ta không phải là nói ngoa vậy.
Chú thích:
(1) Phan Kế Bính, (Việt Nam Phong Tục), Trần Văn Giáp (Khai Trí Tiến Đức Tập san số 2 và 3) đều không đả động đến nghị định của P. Doumer chỉ có Đại Nam Điển Lệ (tr. 369) nhắc tới "nghị định của Thống sứ Bắc kỳ".

(2) Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Hoan, Hà Nội, 1985, tr. 30.
(3) Nguyễn Trọng Thuật, "Vấn đề quốc văn", Nam Phong số 182, 3-1933, tr. 271.
(4) Kinh = những lời giảng dậy của Khổng Tử ở phần đầu các kinh sách.
Truyện = những lời giảng giải thêm của môn đệ Khổng Tử ở phần cuối kinh sách.
(5) Chiếu = lời vua ban cho thần dân.
Biểu = bài văn của thần dân dâng lên vua để bầy tỏ điều gì.
Sớ = tờ điều trần dâng lên vua.
(6) Nguyễn Sĩ Giác, dịch giả, Đại Nam Điển Lệ, Saigon: Viện Đại Học Saigon, 1962.
(7-9) Concours triennel du Tonkin, 1909. Hanoi-Haiphong: nhà in Extrême-Orient, tr. 7 "Cette épreuve (facultative) de français, de même que la troisième épreuve de langue annamite était une innovation car dans les précédents concours toutes les compositions étaient rédigées en chinois". (Kỳ thi chữ Pháp (tình nguyện) này cũng như kỳ thi trường ba bằng chữ quốc ngữ là một điều mới lạ, vì trong các khoa thi trước, tất cả mọi bài làm đều viết bằng chữ Hán).
(8) Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục, dịch giả Lê Mạnh Liêu. Saigon: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962.
(10) Robert de la Susse, "Les concours littéraires en Annam", Revue Indochinoise N°2, 1913.
(11) Một số người Pháp biết quốc ngữ được cử ra phụ giúp quan chấm trường.
(12) Thượng Chi (Phạm Quỳnh) "Chữ Pháp có làm quốc văn Annam được không?", Nam Phong số 22, 4-1919, tr. 279-86.
(13) Nguyễn Tất Tế, "Bàn về việc học của quốc dân. Chữ Nho có bỏ được không?", Nam Phong số 21, 3-1919, tr. 197-201.
(14) Trần Duy Nhất, "Tại sao mà sự quốc dân giáo dục không có cơ tiến bộ?", Nam Phong số 47, 5-1921. Tr. 386-405.
(15)  Nguyễn Văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, Saigon: Lá Bối,1970.

II- Tú Xương có thi chữ quốc ngữ hay không? 
Thế Kỷ 21, số 20, đăng bài "Từ nghị định Doumer 1898 đến dụ Thành Thái 1906" của nhà nghiên cứu Bằng Vũ hàm ý trách tôi đã "phỏng đoán" Tú Xương chỉ "nghe phong thanh" chuyện cải cách khoa cử khi viết câu thơ:
"Bốn kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa"
Nếu trong bài "Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX" (Thế kỷ 21, số 18) tôi chỉ lược lại những tài liệu tôi đã đọc thì nay xin trích thêm để chứng tỏ chỉ từ năm 1909 ta mới thi chữ quốc ngữ.
Trích: "Le concours triennal du Tonkin pour 1909 a eu lieu à Nam Định du 6 novembreau 16 décembre, dans les conditions déterminées par l'arrêt du 30 mars 1908 " (Khoa thi Hương ở Bắc kỳ năm 1909 tại trường Nam Định b?t đầu ngày 6/11 và kết thúc ngày 16/12, tổ chức theo nghị định ngày 30/3/1908).
Sau cái tựa dài dòng đến phần trích lại nghị định do J. Morel ký tại Hà Nội ngày 30/3/1908, được Bonhoure duyệt và ký ngày 3/4/1908. Ta thấy mỗi khoa gồm bốn kỳ thi bắt buộc, trong đó có môn thi quốc ngữ, và thêm một kỳ thi tình nguyện chữ Pháp. Bài vở sẽ được chấm từ 0 đến 20 điểm.
Tiếp đó là bài diễn văn của viên Thống sứ Bắc kỳ Simoni đọc bằng tiếng Pháp và được Án sát tỉnh Nam Định đọc lại bằng chữ Hán, trong có câu:
"Grâce au quốc ngữ, la pensée occidentale peut être rapidement diffusée au Tonkin dans toutes les classes de la population. Ce concours comprendra donc une épreuve de langue annamite.
Avant peu d'années, tous les Annamites cultivés auront à coeur de parler le langage de la nation qui les protège; c'est en vue de préparer cet avenir prochain qu'une épreuve de langue française facultative a été inscrite au nouveau programme".
(Nhờ chữ quốc ngữ, những luồng tư tưởng Tây phương sẽ có thể truyền bá nhanh chóng ở Bắc kỳ đến mọi tầng lớp dân chúng. Vì vậy khoa này gồm có một kỳ thi bằng quốc ngữ.
Chẳng bao lâu, tất cả thành phần trí thức An Nam sẽ thích thú sử dụng tiếng của nhà nước Bảo hộ, chính vì để chuẩn bị cho một tương lai gần đây mà một bài thi tình nguyện bằng chữ Pháp đã được ghi vào chương trình mới).
Sau bài diễn văn đến chi tiết các đề mục khoa 1909 như tôi đã chép trong Thế kỷ 21, số 18. Về môn thi chữ Pháp có một câu tuy đã trích kỳ trước, nay xin trích lại vì nó nói rất rõ:
"Cette épreuve facultative de français, de même que la troisième épreuve de langue annamite était une innovation car dans les précédents concours toutes les compositions étaient rédigées en chinois". Kỳ thi chữ Pháp (tình nguyện) này cũng như kỳ thi trường ba bằng chữ quốc ngữ là một điều mới lạ vì trong các khoa thi trước tất cả mọi bài viết đều bằng chữ Hán).
Cho rằng một tài liệu này chưa đủ để tin, tôi xin nêu thêm Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục:
"Khoa Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ tư (1910)" (tức là Khoa thi Hội theo liền với khoa thi Hương 1909).
Lệ thi khoa này đổi định như sau:
Kỳ đệ nhất: 10 đạo văn sách v.v... (như đã chép trong Thế Kỷ 21, số 18)... Khi chấm bài đổi phân ra điểm (1) kể từ 0 đến 20 điểm, quyển nào 10 điểm trở lên là hạng trúng...
... Kỳ đệ tam viết riêng bài luận chữ Nho ra một quyển, bài luận chữ quốc ngữ ra một quyển bằng giấy tây. Sau khi nộp quyển do Viện Đề Tuyển soạn cùng một hiệu, như quyển chữ Nho đánh số "giáp nhất hiệu" thì quyển quốc ngữ cũng hiệu "giáp nhất hiệu" rồi mới rọc phách cả (2).
Quyển chữ Nho chiếu lệ các khoa trước, cũng do các viên lại phòng viết ngay ngắn phân minh ra rồi đệ giao các quan trường chấm (3). Quyển quốc ngữ không phải sao ra như chữ Nho, giao ngay cho các quan trường chấm.
... Các khoản khác đều theo lệ cũ".
Nếu khoa 1910 không phải là khoa đầu tiên cải cách thi Hội thì Cao Xuân Dục đã không dành tới bốn trang rưỡi để ghi chú những chi tiết khoa này. Cứ xem những khoa trước và sau khoa Canh Tuất cũng thấy rõ:
- Khoa 1913: Cao Xuân Dục chỉ dành chưa đầy nửa trang để ghi những điểm đáng lưu ý của khoa này, có hai chỗ liên quan đến cải cách:
1) Các Cống sĩ làm văn thi kỳ đệ nhất và đệ tứ đổi dùng 5 đạo văn sách thôi...
2) Nguyên lệ trước đầu bài quốc ngữ ra bằng chữ Hán, nay Tòa Khâm sứ bàn xin ra đầu bài cũng bằng quốc ngữ... (4).
- Khoa 1907: những đặc điểm khoa này chỉ gồm vỏn vẹn có mấy dòng: "Kỳ thi Hội này viên Sử quán Tổng tài Cao Xuân Dục tâu xin, được Vua ưng, cho các Cống sĩ vào thi đóng vi lẫn lộn chứ không chia vi Giáp, Ất như trước (nguyên lệ trước các Cống sĩ quán từ Quảng Bình trở về Nam thì vào vi Giáp, các Cống sĩ quán tự tỉnh Hà Tĩnh trở ra Bắc thì vào vi Ất (5).
Cả Quốc Triều Đăng Khoa Lục và Le concours triennal... đều cùng ghi tỉ mỉ, nhưng với tư cách một người đã từng nhiều phen làm khảo quan, Cao Xuân Dục chú trọng đến phép chấm thi, còn tác giả cuốn Le concours triennal... thì quan sát với con mắt một người ngoại quốc nên ghi chép đầy đủ các đề mục, ngày thi, số Thí sinh và số Tân khoa... Mỗi người nhìn theo một khía cạnh, ráp cả hai lại ta có một cái nhìn khá rõ về hai khoa cải cách đầu tiên.
Một bằng chứng nữa tỏ ra khoa 1909 mới bắt đầu thi quốc ngữ là con số Thí sinh trường Hà Nam khoa này sụt hẳn đi.
Theo Nguyễn Tuân (Chuyện Nghề) thì
Khoa 1891 có 9000 người dự
Khoa 1894 có 11000 người dự
(Le Petit Journal số 245: có 60 người đỗ)
Trong Bút Nghiên (trang 190) Chu Thiên đưa ra những con số sau:
Khoa 1889 có 7760 người
Khoa 1891 có 9772 người
Khoa 1894 có 11872 người
Theo Doumer
Khoa 1897 có 10000 người
Theo Le concours triennal... thì
Khoa 1909 chỉ còn có 3068 Thí sinh.
Tôi nghĩ sở dĩ Thí sinh trường Hà Nam khoa 1909 sút hẳn đi vì khoa này các thầy khóa lần đầu phải thi quốc ngữ (chữ Pháp là môn tình nguyện nên không kể) có nhiều người không chịu học chữ quốc ngữ bởi quốc ngữ do các giáo sĩ Tây phương đặt ra nên nhiều nhà Nho thiếu cảm tình với quốc ngữ, cho học quốc ngữ là "vong bản", là " vọngngoại" v.v... thà bỏ hẳn thi cử. (Đây là một hi sinh to lớn vì các thầy Khóa trọn đời đi học chỉ cốt thi đỗ ra làm quan, nay bỏ thi tức là cắt hết đường tiến thủ).
Ngược lại, những khoa cuối thế kỷ 19, con số Thí sinh trường Hà Nam lại tăng vọt hẳn lên chỉ vì sĩ tử nghe phong thanh (6) sẽ có cải cách nay mai nên đổ xô nhau đi thi vớt mấy khoa cuối. Trung bình số người thi mỗi trường từ 3000 đến 5000, đặc biệt trường Hà Nam đông đảo hơn vì hợp thí hai trường Hà Nội và Nam Định. Tại sao lại hợp thí và phải ở Nam Định? Như tôi đã trình bày trong bài "Ai làm chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu?" (Thế Kỷ 21, số 2) trường Hà Nội bị lính Pháp chiếm, phải đóng cửa, khoa cuối của trường Hà là khoa 1879.
Đến năm 1884, trường Nam Định bị quân Pháp đốt, chưa sửa sang kịp, lại nhân sĩ tử miền Bắc náo loạn phản đối hòa ước Giáp Thân (Patenôtre), nhà cầm quyền bắt các Thí sinh cả hai trường phải vào Thanh Hóa hợp thí, khóa này gọi là "Khóa Thanh", chỉ có trên 2000 người dự.
Mãi đến 1886, khi vua Đồng Khánh lên ngôi mới cho hai trường Hà Nội và Nam Định hợp thí ở Nam Định, sau vì loạn lạc thành lệ. Ta thường dùng lẫn lộn "trường Nam Định" với "trường Hà Nam", nếu muốn phân biệt rõ thì "trường Nam Định" trỏ vào cái trường bằng gạch ngói ở ngoại thành Nam, còn "trường Hà Nam" trỏ vào đám sĩ tử của hai trường Hà Nội và Nam Định hợp thí tại trường Nam Định.
Theo nhà nghiên cứu Bằng Vũ thì "các thí nghiệm đem quốc ngữ và chữ Pháp vào các kỳ thi chỉ xảy ra đơn độc tại trường thi Nam Định", những chi tiết tôi đưa ra trên đây đều thuộc trường Hà Nam, như thế không có gì là không ổn.
Tôi không được rõ nhà nghiên cứu Bằng Vũ dựa vào tài liệu nào khi viết trường Nam là "thí điểm độc nhất"? Theo Robert de la Susse thì chương trình cải cách được áp dụng cùng một lúc cả ở miền Trung.
Ngay trang đầu Robert de la Susse đã nói rõ ông chỉ cho biết những chi tiết ở các trường miền Trung chứ không viết về trường Nam Định: "La note qui va suivre...ne vise que les concours ayant lieu en Annam. Je ne suis donc entré dans aucun détail concernant le concours de Nam Định".
Trang 4 viết về trường thi ở Huế: "Le concours se compose de quatre épreuves... des dissertations en caractèresdes sujets de quốc ngữ obligatoires et un sujet de français facultatif encore en 1912". (Khoa thi gồm bốn trường... chữ Hán và chữ quốc ngữ là những môn thi bắt buộc, chữ Pháp mãi đến 1912 cũng vẫn còn là môn thi tình nguyện). Chữ "encore" chứng tỏ trước khoa 1912, ít nhất cũng có một khoa mà chữ Pháp là môn thi tình nguyện ở trường Thừa Thiên.
Vấn đề khó giải quyết là biết rằng đến 1909 mới bắt đầu thi quốc ngữ và Tú Xương mất từ hai năm trước (1907) tại sao lại có bài "Cũng đi thi" khiến người đọc có thể hiểu Tú Xương đã thi quốc ngữ?
Cũng đi thi
Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi,
Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi.
Tiễn chân cô mất hai đồng chẵn,
Sờ bụng thầy không một chữ gì!
Lộc nước còn mong thêm giải ngạch;
Phúc nhà may được sạch trường quy.
Bốn kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa, (7)
Á, ớ, u, ơ, ngọn bút chì.
Đọc bài này ta có thể hiểu, trong một khoa nào đó không chua rõ, Tú Xương đã thi cả năm trường, trong có môn thi quốc ngữ, và lần này đặc biệt được "sạch trường quy". Dựa vào bài thơ, nhà nghiên cứu Bằng Vũ đã phản đối khi tôi phỏng đoán rằng Tú Xương chỉ "nghe phong thanh" chuyện cải cách, và viết: "Tôi luôn luôn kính trọng Tú Xương và nghĩ ông không phải con người nhìn "vỏ dưa" ra "vỏ dừa". Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu đã có chê Tú Xương về một số mặt, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai trách nhà thơ hiện thực này "nghe phong thanh" một sự việc rồi gắn việc đó vào bàn chân ông. Sự việc ông dự một kỳ thi Hương "bốn kỳ trọn vẹn", lại đèo "thêm kỳ nữa", ông đã trung thực ghi nhận như các văn bản xưa cũ nhất đã sao chép".
Trước hết, đối với tôi, "những văn bản xưa cũ nhất" chưa hẳn đã chắc chắn sát với nguyên bản nhất. Nếu quả thế thì các học giả Đông Tây còn mất công nghiên cứu mọi văn bản để hiệu đính làm gì?
Thêm nữa, vì "kính trọng" Tú Xương mà tin ông đã "trung thực ghi nhận"... theo tôi là một lập luận dựa trên tình cảm, không phải trên những bằng chứng cụ thể.
Vì nhà nghiên cứu Bằng Vũ tin chắc chắn Tú Xương đã đi thi quốc ngữ, bằng vào bài thơ "Cũng đi thi", ta chỉ việc xét trong ba khoa thi Hương Tú Xương đã dự sau khi nghị định Doumer ra đời và trước khi nhà thơ mất (cũng dựa vào văn thơ của Tú Xương) xem có khoa nào nhà thơ thi cả năm kỳ, lại "sạch trường quy" hay không thì biết. Ba khoa ấy là 1900, 1903 và 1906. Tôi đã soát lại, nếu Tú Xương đi thi từ năm 15 tuổi thì đến 1906 là vừa đúng tám khoa, trừ phi có ân khoa. Ba khoa kể trên cùng dưới thời Thành Thái và theo các tài liệu tôi được đọc thì không có ân khoa nào.
- Khoa 1900 bị loại ngay vòng đầu, nhờ những chi tiết rất rõ rệt trong bài "Phú hỏng thi khoa Canh Tý" (1900). Bài này khá dài, tôi chỉ xin trích những câu có liên quan đến vấn đề thi hỏng của Tú Xương.
... "Năm vua Thành Thái mười hai (1900)
Lại mở khoa thi Mỹ Trọng.
Kỳ đề tam văn đã viết rồi,
Bảng đệ tứ chưa ra đã ngóng...
Nào ngờ
Bảng nhỏ thấy tên,
Ngoại hàm còn trống...
Tức là khoa này Tú Xương chỉ vào được đến tam trường là hỏng... Khi xem bảng để vào thi kỳ đệ tứ thì thấy tên mình trên "bảng nhỏ". Tên nêu lên "bảng nhỏ" có nghĩa là không những Tú Xương không "sạch trường quy" mà còn phạm trường quy và lỗi rất nặng, lỗi nhẹ chỉ bị đánh hỏng thôi, không bị nêu tên ra bảng con. Vừa bị phạm trường quy, vừa không được thi kỳ đệ tứ, dĩ nhiên không phải Tú Xương viết bài "Cũng đi thi" năm 1900.
- Khoa 1903, Quý Mão, xin xem bài:
Phận hẩm duyên ôi
Trách mình phận hẩm lại duyên ôi,
Đỗ suốt hai trường, hỏng một tôi!
"Tế" đổi ra "Cao" mà chó thế!
"Kiện" trông ra "Tiệp" hỡi Trời ơi...
Theo Bảo Vân, vì thi hỏng mãi, năm 1903 Tú Xương đổi chữ lót "Tế Xương" ra "Cao Xương" nhưng vẫn hỏng (8).
Câu "Đỗ suốt hai trường, hỏng một tôi" cho thấy Tú Xương hỏng ngay từ trường hai vì đã nhầm chữ "Kiện" với chữ "Tiệp", như thế tức là Tú Xương không thi 5 trường và cũng không "sạch trường quy" khoa 1903.
- Khoa 1906 (Bính Ngọ). Ai cũng biết Tú Xương lận đận với thi cử chỉ vì không thuộc trường quy, nhờ câu thơ:
"Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy!"
(Buồn vì hỏng thi)
Câu này cho thấy ít nhất khoa thứ 8, Tú Xương lại phạm trường quy một lần nữa, mà khoa thứ tám chính là khoa Bính Ngọ (1906) vì Tú Xương chỉ thi tất cả có 8 khoa.
Nếu cho rằng lập luận này không vững, và tin là Tú Xương đã thi cả năm trường và "sạch trường quy" khoa này, vậy thì một người "nổi tiếng tài hoa" như Tú Xương, lẽ ra không đỗ Cử nhân, cũng phải đỗ Tú tài, dù là Tú tài đội bảng như năm 1894, đằng này Tú Xương hiển nhiên không phải là "ông Cử" mà cũng không ai gọi ông là "Tú kép", hóa ra bài làm dở lắm hay sao? Bảo Tú Xương làm bài "dở", tôi nghĩ tội còn nặng hơn là nói Tú Xương dùng óc tưởng tượng "vẽ" cảnh mình đi thi quốc ngữ. Các văn, nghệ sĩ đều là những người có óc tưởng tượng rất phong phú và rất cần đến óc tưởng tượng khi sáng tác. Nói Tú Xương nghe "phong thanh" chuyện cải cách rồi viết bài thơ "Cũng đi thi" tôi không nghĩ là đã thiếu kính trọng hay xúc phạm đến danh dự nhà thơ. Huống chi Tú Xương đã từng thực sự "nghe phong thanh" mà làm thơ:
Nghe nói khoa sau sắp đổi thi,
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi.
Nếu không bia đá còn bia miệng,
Vứt bút lông đi, giắt bút chì. (9)
Giờ xin bàn đến vấn đề Tú Xương có luôn luôn ghi nhận "trung thực" hay không. Nếu ta có thể tin Tú Xương "trung thực" trong câu:
"Ví phỏng chăm nghề nghiên bút thì mười ba, mười bẩy đỗ những tự bao giờ"
(Phú hỏng thi khoa Canh Tý)
thì ta cũng có thể đánh dấu hỏi khi Tú Xương viết:
... Cao lâu thường ăn quỵt,
Thổ, đĩ lại chơi lường..."
(Tự vịnh)
Đến bài:
"Hán tự chẳng biết Hán"...
thì không cần phải đánh dấu hỏi cho mất thì giờ, hiển nhiên Tú Xương biết chữ Hán. Lại đến bài:
"Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay"...
rõ ràng nhà thơ nói ngoa, thi hỏng xong vẫn nằm nhà chứ không hề "sang Tầu" và cũng chẳng "tếch sang Tây".
Nhà thơ cũng đã có lần công nhận ra miệng là mình viết chuyện tưởng tượng:
"Ông trông lên bảng thấy tên ông,
Ông nốc rượu vào, ông nói ngông:
Trên bảng, 52 thầy Cử đội,
Bốn kỳ, mười bẩy cái ưu thông"...
Trung bình mỗi trường thi lấy 50 người đỗ Cử, nếu khoa ấy vua "gia ơn" cho lấy thêm ba người nữa (Tú Xương đỗ thứ nhất, 52 người kia phải đội ông) thì bốn kỳ Tú Xương cũng không thể có được mười bẩy cái "ưu thông" bởi mỗi kỳ chỉ có bốn khảo quan chấm: Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo (Nội trường) và Chánh, Phó Chủ khảo hay Phân khảo (Ngoại trường) dù cho ai cũng phê bài của ông "ưu" thì ông cũng chỉ lĩnh được có mười sáu cái "ưu thông" chứ không thể có "mười bẩy" cái được.
Bài này có thể bảo tại Tú Xương đùa, nhưng còn bài:
"Nào có ra gì cái chữ Nho?
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co!
Chi bằng đi học làm thầy Phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò".
Ai đọc mà chẳng tưởng Tú Xương đã sống dưới thời Khoa cử tàn rồi? Thật ra Tú Xương mất từ năm 1907, mà khoa thi Hương cuối cùng ở miền Bắc là khoa 1915, và khoa thi Hội cuối cùng là khoa 1919.
Tóm Lại, nhà nghiên cứu Bằng Vũ có quyền tin Tú Xương đã thực sự đi thi quốc ngữ, tôi cũng có quyền tin đến 95% Tú Xương chưa kịp đi thi quốc ngữ đã mất, 5% còn lại xin hẹn khi nào có thêm tài liệu sẽ công bố, dù tài liệu đó chứng tỏ tôi sai lầm.
Chú thích:
(1) Dưới triều Nguyễn, lúc đầu thi Hội chấm cũng lấy các hạng ưu, bình, thứ v.v... như thi Hương. Từ 1829, đổi ra lấy phân số, tức là đỗ "ưu" được 9, 10 phân, "ưu thứ" được 7, 8 phân v.v... Đến 1910 lại đổi ra chấm lấy điểm từ 0 đến 20.

(2) Rọc phách là đánh dấu trên tờ đầu quyển thi rồi gập đôi lại, xé ra lấy nửa có mang tên họ Thí sinh cất đi, cái ấy gọi là cái phách. Khi quyển thi chấm xong, đem ráp lại với phách thấy đúng khớp là biết tên họ tác giả. Rọc phách cốt để khảo quan chấm thi cho công bình.
(3) Cũng vì muốn khảo quan không nhận ra tự dạng các Cống sĩ thi Hội nên quyển thi được các "ông Nghè bút thiếp" sao lại rồi đưa cho khảo quan chấm bản sao. Những "ông Nghè bút thiếp" này chưa từng đỗ ông Nghè, mà chỉ là những người viết chữ đẹp, ngay ngắn, rõ ràng, nên được chọn làm công việc sao lại quyển thi của những ông Nghè tương lai.
(4) Đề mục kỳ trước bằng chữ Hán, Thí sinh cũng viết bằng chữ Hán rồi phiên âm ra quốc ngữ khiến những người Pháp chấm bài, không biết chữ Hán, không hiểu. Lần này Tòa Khâm yêu cầu ra đề bằng chữ quốc ngữ.
(5) Đây là một trong những "kỳ thị" của nhà Nguyễn đối với sĩ phu miền Bắc. Miền Nam, miền Bắc thi riêng, có đầu bài riêng và cách chấm cũng khác nhau.
(6) Chuyện sĩ tử "nghe phong thanh" là chuyện có thật, xin xem Chuyện Nghề của Nguyễn Tuân viết về khoa Đinh Dậu (1897).
(7) Bài này tôi chép theo Bảo Vân, chỉ đổi câu 7 từ "Ba kỳ" ra "Bốn kỳ" cho hợp ý nhà nghiên cứu Bằng Vũ, tôi chưa từng nghiên cứu về Tú Xương nên không có ý kiến.
(8) Bảo Vân, sđd, tr. 125
(9) Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 762

Sách tham khảo:
- Bảo Vân, Thơ nôm Yên Đổ, Tú Xương, Canada: Quê Hương, 1980?

- Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục, Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962
- Chu Thiên, Bút Nghiên, Đại Nam tái bản ở Mỹ
- Paul Doumer, L'Indo-Chine française (Souvenirs) Paris: Vuibert et Nony, 1905
- Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, Saigon: Nam Chi Tùng Thư, 1966, tái bản ở Mỹ
- Le Concours triennal du Tonkin pour 1909, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d
'Extrême-Orient
- Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề, Hà Nội: Tác phẩm mới, 1986.
Robert de la Susse, Les Concours littéraires en Annam. Extrait de la Revue Indochinoise n° 2 Février 1913, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d'Extrême-Orient.
 

III- Ai cứng đầu?
Trong Thế Kỷ 21, số 26, nhà nghiên cứu Bằng Vũ tuyên bố ông "cứng đầu", vẫn tin Tú Xương đã đi thi quốc ngữ và khuyên tôi nên đọc một số bài đăng trên các báo Việt và Pháp. Nếu có dịp tất nhiên tôi sẽ tìm đọc. Duy bài của A. Salles được nhà nghiên cứu Bằng Vũ trích đăng một câu để bênh vực cho thuyết của mình thì tôi thấy cần phải nhận định lại ý nghĩa câu văn. Câu ấy như thế này:
"Déjà, à la session de 1908, une épreuve spéciale d'annamite et de français a été introduite".
1) Câu này có thể hiểu Salles định nói: "ngay từ khoa 1908 đã bắt đầu có đề tài chữ quốc ngữ và chữ Pháp". Song nghĩ lại thấy không ổn, bởi thi Hương ba năm mới có một kỳ, tính từ khoa Canh Tý (1900), tức khoa Tú Xương viết bài "Phú hỏng thi", thì các khoa kế tiếp phải rơi vào những năm 1903, 1906, 1909 chứ không phải 1908. Năm 1908 không có khoa thi nào cả.
2) Cho dù 1908 có khoa thi Hương đi chăng nữa thì khi ấy nhà thơ cũng đã mất được một năm rồi (1907).
3) Nếu ta lại nhìn đến ngày tháng số báo đã đăng bài của Salles, Bulletin du Comité de l'Asie française, thì sẽ thấy ghi số 75, tháng 6 năm 1907. Vậy thì đúng lý ra nếu muốn trỏ vào khoa thi sẽ được tổ chức vào năm 1908, tức là một năm sau, thì Salles không thể dùng những chữ "a été introduite" mà phải viết "sera introduite" nếu không sẽ sai văn phạm.
Theo tôi, câu này phải hiểu là "đề nghị dùng chữ quốc ngữ và chữ Pháp kể từ khoa 1908 đã được (Hội đồng Học vụ) chấp thuận (từ năm 1906)" như thế những chữ "a été" mới thích hợp. Đến năm 1908, khi Hội đồng Cải cách Học vụ nhóm họp lại thì chữ Pháp chỉ còn là một môn thi tình nguyện mà thôi chứ không bắt buộc nữa.
4) Trong một bài trước, nhà nghiên cứu Bằng Vũ tỏ ý tin rằng đề tài quốc ngữ được dùng ngay từ kỳ thi Hương năm 1900, sau khi có nghị định do Toàn quyền Doumer ký (1898). Nhưng khoa 1900 Thí sinh chưa bắt buộc phải thi chữ quốc ngữ, bằng chứng là nhà cách mạng Phan Bội Châu, đỗ thủ khoa trường Nghệ năm 1900, chỉ "đọc được sơ sơ chữ quốc ngữ", còn thì suốt thòi kỳ bị giam lỏng ở Bến Ngự, vẫn thường xuyên phải có thư ký đi kèm để ghi chép những sáng tác bằng quốc văn, cụ Phan chỉ tự ghi lấy những bài viết bằng chữ Hán. Ít nhất chúng ta cũng có tới hai chứng nhân, Vương Đình Quang và Quang Đàm, đã từng làm thư ký cho cụ Phan (1). Một người đã đi thi chữ quốc ngữ lẽ nào còn cần phải có thư ký để ghi chép hộ những sáng tác của mình bằng chữ quốc ngữ?
Trên đây là để trả lời phần "ngoại lý", về "nội lý" nhà nghiên cứu Bằng Vũ cho biết ông dựa vào bài thơ "Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi". Tôi xin nêu ra một thuyết không phải là vô căn cứ : bài này chưa chắc đã do Tú Xương viết. Lời lẽ tuy rất giống nhưng có một chi tiết khiến người ta phải nghi ngờ:
"Tiễn chân cô mất hai đồng chẵn"
Nhà Tú Xương ở phố Hàng Nâu, thành Nam Định, trường thi nằm ở chân thành Nam, nghĩa là nhà của Tú Xương không xa trường thi, cho nên không có lý do gì để "cô Tú" "tiễn chân" chồng mất "hai đồng". Người xưa tiễn các Thí sinh đi thi vì lý do phần đông những người này ở xa trường, thường khi cách sông phải qua đò cho nên món tiền tiễn chân được gọi là "tiền đò". Thực sự "tiền đò" không những giúp Thí sinh qua đò mà giúp cả tiền nhà trọ trong suốt cả thời kỳ thi dài năm tuần. Nhà đã gần trường thi thì Tú Xương không phải qua đò, cũng không phải ở trọ.
Cho nên:
Tú Xương vẫn không đi thi chữ quốc ngữ!.
Chú thích:

1. Ông già Bến Ngự, Hồi Ký (của nhiều người). Huế Thuận Hóa, 1987, tr. 109, 134, 138.

Tháng 8/1991
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Nguồn: Rút trong Thế Kỷ 21, 
số 29, tháng 9/1001
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...