Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Lối xưa xe ngựa 7

Lối xưa xe ngựa 7

Chương VII - KHOA CỬ THỜI HẬU LÊ
DƯỚI MẮT SAMUEL BARON

Bức họa của Samuel Baron in trong cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen, viết khoảng 1685-6, được nhiều người chú ý và in lại, coi là bức họa đầu tiên vẽ cảnh Thi Đình ở Việt Nam.
Samuel Baron là ai?
S. Baron là một người Hòa Lan lai Bắc kỳ, có lẽ sinh tại "Ca Cho" (= Kẻ chợ, tức Thăng Long). Cha là đại diện cho công ty Ấn Độ của Hòa Lan ở Bắc vào năm 1663, nhưng có thể đã sống ở đấy từ trước. Lớn lên, S. Baron nối nghiệp nhà, cũng làm cho công ty Ấn Độ của Hòa Lan, sau chuyển sang làm cho công ty Ấn của Anh, nhập tịch dân Anh, và cuối cùng bỏ đi buôn riêng quanh vùng Đông Nam Á. Năm 1678, 1680 và 1682 có trở về "Ca Cho". Trong sách, S. Baron công nhận mình đã sinh ra ở Bắc kỳ và viết cuốn này có ý giới thiệu Đằng Ngoài với người Anh, do đó đã đề cập đến đủ cả mọi vấn đề: sử ký, địa dư, dân tộc, phong tục, chính sự, y học v.v...
Thoạt mới tìm thấy bức họa, tôi rất vui mừng tin tưởng ở óc quan sát cùng cách ghi chép tỉ mỉ và chính xác của người Âu. Tuy chỉ có một nửa dòng máu Âu trong huyết quản, nhưng cách trình bày cuốn sách tỏ ra S. Baron đã chịu ảnh hưởng rõ rệt của nền văn hóa Tây phương.
Nhưng sau khi ngắm kỹ bức họa, tôi thấy có lẽ nên dè dặt, vì nó không phù hợp với những điều tôi đọc trong "Nghi thức thi Đình" của Phan Huy Chú(1). Phan Huy Chú tuy chỉ đỗ Tú tài, song là con Tiến sĩ Phan Huy Ích, một người đã từng dự thi Đình thời Hậu Lê, Phan Huy Chú lại viết sách nghiên cứu về Khoa cử ở Việt Nam, còn S. Baron chỉ là một nhà buôn và là một người lai, chịu ảnh hưởng Tây phương nhiều hơn, nên tôi cho sự hiểu biết về Khoa cử của S. Baron chỉ có giới hạn và tin Phan Huy Chú hơn.
Để tiện việc so sánh, tôi xin lục đăng cả bức họa của S. Baron và bài "Nghi thức thi Đình" của Phan Huy Chú:
NGHI THỨC THI ĐÌNH
"Sáng sớm hôm ấy, Thượng thiết ty đặt ngai vua ở chính giữa điện Kính Thiên, đặt hương án và bàn ở trước ngự tọa, đặt ngự tọa của Chúa ở bên ngự tọa của Vua. Thừa dụ cục đặt bàn ở hai bên tả, hữu sân rồng, để quyển thi, bút và nghiên mực ở trên bàn. Các quan Đề điệu, Tri cống cử, Giám thí chia nhau đứng ở hai bên các bàn để quyển thi. Nhân viên hai vệ Cẩm y, Kim ngô bày lều thi (2) và quyển thi ở hai bên sân rồng. Một viên Lễ quan (dùng quan Lễ bộ), một viên Tuyên chế sách (dùng quan Đông các) đứng ở bên tả sân rồng (hướng về bên hữu), một viên Nghi chế ty (đứng ở bên hữu sân rồng hướng về bên tả), hai viên Tuần xước (lâm thời được sai) đứng ở hai bên tả hữu sân rồng (hướng về phía Bắc). Quân lính các ty vệ cắm cờ xí theo nghi thức. Hồi trống nghiêm đầu, các đại thần văn võ tiến vào chầu, ai nay đều mang phẩm phục đứng sắp hàng ở ngoài cửa Đoan môn. Hồi trống nghiêm thứ hai, rước ngự giá Vua đến điện Kính Thiên, rước Chúa ngự lên điện (hơi về phía Đông). Tự ban dẫn các đại thần đầu ban và các quan văn võ vào đứng hầu ở hai bên sân rồng (hướng về phía Bắc). Vua đội mũ xung thiên mặc áo bào vàng, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa. Chúa đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, lên ngồi ngự tọa. Vút roi (3). Cáp môn xướng :"Bài ban, ban tề, cúc cung bái (năm lạy, ba vái), hưng, bình thân". Các quan chia ban đứng hầu. Lễ quan vào giữa ngự đạo quỳ xuống. Hai viên Tự ban dẫn các sĩ nhân vào giữa ngự đạo, đứng sắp hàng hai bên. Xướng: "Quỵ". Các sĩ nhân đều quỳ. Lễ quan tâu: "Những sĩ nhân trúng thức kỳ thi Hội này là bao nhiêu người, tên là gì, vâng vào Điện thí". Tâu xong lui ra đứng chỗ cũ. Tự ban xướng: "Khấu đầu". Các quan Đề điệu, Tri cống cử, Giám thí đưa quyển thi, bút, nghiên, mực cho sĩ nhân xong, lại lui ra đứng chỗ cũ. Quan Tuyên chế đến giữa ngự đạo quỳ tâu: "Tấu truyền chế". Rồi phủ phục, vẫn quỳ. Quan Tư lễ giám đem tờ chế sách giao cho quan Tuyên chế, viên này nhận lấy chế sách rồi đứng dậy, lui ra đứng tựa về phía Đông sân rồng. Đọc xong, quan Tuyên chế lại đem chế sách đến giữa ngự đạo quỳ xuống dâng lại cho quan Tư lễ giám nhận lấy, rồi quan Tuyên chế lui ra đứng chỗ cũ. Quan Tuần xước dẫn các sĩ nhân ra ngồi ở lều thi (2). Nghi chế ty đến giữa ngự đạo quỳ tâu: "Lễ tất". Lại rút voi. Vua về cung. Chúa về nội phủ. Các đại thần văn võ đều lui ra" (1).
Căn cứ vào Phan Huy Chú và những bài viết về thi Đình thời nhà Nguyễn - vì Khoa cử dưới triều Nguyễn tổ chức theo khuôn mẫu nhà Hậu Lê (4) - tôi thấy có lẽ S. Baron đã sai lầm ở những điểm này:
A.- Về bức họa
1) Vua Lê, Chúa Trịnh. Tranh vẽ vua Lê ngồi chứng kiến thi Đình, nhưng lại ngồi một mình, vậy thì chúa Trịnh đi đâu? Từ 1664, Trịnh Tạc đã đặt chỗ ngồi của Chúa ở bên tả ngai Vua thành lệ rồi. Thi Đình lại là một chuyện tối quan trọng: kén nhân tài giúp nước, chọn người phù tá đắc lực cho mình chính là ở đấy. Năm 1736, Trịnh Giang còn cho thi Tiến sĩ ngay trong Phủ đường, tự chấm bài ấn định cao thấp, bài thi ở Điện bỏ đi không đưa cho Vua chấm (Cương Mục XVII, 30) thì đời nào chúa Trịnh lại chịu để vua Lê một mình tự do kén chọn người tài giỏi để thêm vây cánh chống lại Soái phủ?
Tuy tranh vẽ bỏ quên chúa Trịnh, nhưng trong sách S. Baron viết rõ Vua và Chúa chứng kiến hai ngày thi đầu, những ngày sau để cho các quan Thượng thư đại diện.
2) Canh phòng. Ngắm tranh ta có cảm tưởng Vua ngồi đó suốt cả ngày, trong khi Phan Huy Chú viết sau khi làm lễ khai mạc xong, Vua Chúa đều rút ngay về cung, các quan cũng nối gót ra về. Tuy Phan Huy Chú không nói rõ, song các sĩ nhân chỉ làm bài sau khi tất cả các quan rút lui, chỉ để lại hai ông quan võ Tuần la, Tuần xước ngồi canh, tiếng là quan to nhưng không đủ chữ nghĩa để "gà" các sĩ nhân. Vì không hiểu dụng ý này nên S. Baron mới cho hai ông quan ngồi canh là ông Tuncy (Tiến sĩ) và vẽ trong khi Vua Lê còn ngồi sờ sờ ra đó, các sĩ nhân đã cắm cúi viết bài!
3) Lều hay chiếu? Theo S. Baron, các cống sĩ ngồi thi ngay trên sân rồng mỗi người trong một cái lều bằng gọng tre căng vải.
"Nghi thức thi Đình", trong bản dịch của Hà Nội, cũng nói các sĩ nhân "ra ngồi lều thi".
Tôi thấy điều này cần phải kiểm tra lại vì đã gọi là thi Đình, hay Điện thí, tức là thi trong cung của Vua thì còn gì cần đến "lều" nữa ? Thi Đình thời nhà Nguyễn chắc chắn không có lều, các cống sĩ đi thi chỉ mang mũ áo, hia hốt, vì được coi là đã làm quan nên khi thi phải mặc áo thụng ngồi viết,  còn các thức khác như giấy, mực, yên, tráp, chiếu ngồi cho chí đồ ăn, thức uống đều do Vua ban (5).
Ngô Tất Tố tả thi Đình diễn ra ở Tả vu và Hữu vu điện Cần Chính. Yên (bàn) và chiếu đã được bộ Lễ đưa vào bầy từ chiều hôm trước. Các cống sĩ tuy có quỳ ở sân để lĩnh đầu bài nhưng sau đó phải đem đầu bài về chiếu ngồi của mình mà viết (6).
Chu Thiên tả thi ở điện Thái Hòa. Quan Lễ bộ Thượng thư xuất ban quỳ trước sân điện xin cho 17 người Trúng cách vào "Đình đối" (tức thi Đình) rồi nhường chỗ cho quan dẫn đạo dẫn 17 Nho sinh Trúng cách vào phủ phục trước sân. Sau khi được Vua truyền cho "đăng điện đối sách" các Nho sinh đứng dậy bước ba bước lên điện. Trên điện đã có sẵn 17 cái yên và 17 cái chiếu rải khắp điện. Khi Vua cho phép "khai độc chế sách" các Nho sinh mới cầm đầu bài mở xem trong khi Vua hồi cung và các quan văn võ ra về chỉ để lại hai ông quan võ và lính canh (7).
Chu Thiên và Ngô Tất Tố tiếng là viết tiểu thuyết song những chi tiết về thi cử, thể lệ cũng như nghi thức, đều có tra cứu chứ không bịa đặt. Đại Nam Thực Lục Chính Biên xác nhận các cống sĩ thời nhà Nguyễn thi Đình không ngồi "lều" mà làm bài ở "bàn thi" :
1822 Cống sĩ làm bài ở bàn thi tại Tả vu và Hữu vu điện Cần Chính.
1856 Thi Đình ở điện Khâm Văn: "Trước một ngày, bộ Lễ bầy bàn thi, chiếu ngồi ở hai nhà hành lang bên Tả, bên Hữu điện Khâm Văn. Ngày thi, các Giám thí mặc đại triều đến sân điện Khâm Văn, viên Kinh-dẫn dẫn Cống sĩ vào sân điện quỳ, ngoảnh mặt hướng Bắc. Viên Đằng-tả đem những bản giấy vàng chia cho những người thi tiếp lấy giơ cao lên trán rồi trao lại cho viên Đằng tả, lạy năm lạy rồi đến bàn thi, chiếu tên mình làm văn. Các viên Giám thí dự việc thi đều đến nhà Hữu vu, điện Cần Chính chực hầu. Các viên Tuần la, Tuần sát ở lại kiểm soát. Đến hết trống sưu-không (bắt đầu canh một, lúc trời tối) phải đem quyển thi và bản thảo nộp. Quan Tuần la thu xong mới mở cửa cho Cống sĩ ra" (8).
Robert de la Susse cho biết điện Khâm Văn sau Vua dùng làm nhà học nên lại đổi ra thi ở điện Cần Chính và những hành lang dẫn đến Đại Cung Môn. Robert de la Susse cũng xác nhận hai viên quan ở lại canh phòng đều là quan võ (9).
Ta thấy rõ, tuỳ thời, nhà Nguyễn có thể thay đổi nơi thi khi ở điện Cần Chính khi ở điện Thái Hòa, lúc ở điện Khâm Văn, nhưng dù thi ngay trên điện, hay tại Tả vu, Hữu vu v.v... thì chỗ nào các Cống sĩ cũng ngồi chiếu và bàn thi chứ không ngồi lều.
Tuyết Huy, Trần văn Giáp và Dương Quảng Hàm đều nói thi cử nhà Nguyễn rập theo khuôn mẫu nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn thi Đình không có lều thì chắc nhà Lê cũng vậy, dẫu thi ở điện Kính Thiên hay ở điện Hội Anh (10).
Có lẽ S. Baron đã lẫn thi Hội với thi Đình. Thi Hội thời nhà Lê các Cống sĩ ngồi lều thật - như đã thấy trong Tang Thương Ngẫu Lục (11) - vì thi trong trường thi.
Còn về bài "Nghi thức thi Đình", tôi ngờ người dịch sơ ý đã thêm chữ "lều" vào, chỉ vì nói đến thi cử là ai cũng lập tức nghĩ ngay đến hai chữ "lều chõng" (2).
Tóm lại, không chắc S. Baron đã thấy tận mắt cảnh thi Đình để mà vẽ, hay nhờ người vẽ cho tường tận, mặc dầu đã sinh và sống một thời gian ở "Ca cho". Cung đình là chốn thâm nghiêm dễ gì ai muốn ra muốn vào cũng được ? Huống chi lại là lúc có tổ chức một kỳ thi trọng đại nắm vận mệnh quốc gia? Ngay như thi Hương cũng phải có lính canh gác nghiêm mật bên trong, và lính võ trang cùng voi, ngựa tuần hành rầm rập suốt ngày bên ngoài nữa là thi Đình. S. Baron chỉ là một nhà buôn lẽ nào lại được tự do vào quan sát? Huống hồ luật nhà Lê cấm ngoại quốc, dù là Trưởng tầu, qua cung điện cũng "không được xông xáo đi lại" (Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính, tr. 177) vào xem thế nào được ?
B.- Về Khoa cử ở Việt Nam
S. Baron thành thực cho biết những vấn đề nào không nắm vững đều nhờ người bản xứ có học thức và có tín nhiệm giảng giải hộ. Song có lẽ vì không hiểu rõ, hoặc khi viết chỗ nhớ chỗ quên, nên đã lẫn lộn thi Hương với thi Hội và thi Đình. Theo S. Baron thì Việt Nam có ba loại thi khác nhau: "loại thứ nhất lấy những người đỗ "Singdo" (Sinh đồ, tức Tú tài), loại thứ nhì lấy những người đỗ "Hungcong" (Hương cống, tức Cử nhân) và loại thứ ba lấy những người đỗ "Tuncy" (Tiến sĩ). Lại chọn trong đám "Tuncy" lấy người nào có khả năng cử vào chức "Trangiveen" (Trạng nguyên) ngang với chức Giáo sư hay Viện trưởng".
Chắc S. Baron giở sách Tầu ra tra cứu, tin rằng Việt Nam tổ chức Khoa cử theo khuôn mẫu Trung Hoa, không biết rằng ở Việt Nam thời nhà Lê cũng như thời nhà Nguyễn, Sinh đồ, Hương cống thi chung một khoa, ai đỗ ba trường thì gọi là Sinh đồ, đỗ cả bốn trường thì gọi là Hương cống, không có lệ thi Sinh đồ riêng và Hương cống riêng như ở Trung Quốc(12).
S. Baron tưởng thi Hội với thi Đình là một, tổ chức bốn năm một lần. Thi Hương ba năm một lần thì thi Hội cũng thế, vì thi Hội bao giờ cũng diễn ra ngay năm sau khi có thi Hương. Tuy cũng có người coi thi Đình là kỳ thi sau cùng của thi Hội, tổ chức cách nhau độ một tháng, nhưng thi Hội và thi Đình khác nhau nhiều chỗ. S. Baron nói thi Đình hoặc ở trường thi, hoặc ở cung điện. Không thể "hoặc" chỗ này, "hoặc" chỗ kia được. Thi Hội ở trường thi, còn thi Đình phải ở trong cung điện vì thi Đình còn được gọi là Điện thí. Có đỗ thi Hội mới được thi Đình. Người đỗ thi Hội gọi là Trúng cách, có bảng yết, còn đỗ thi Đình, có lễ truyền Lô (= Lễ Xướng Danh) long trọng và lại phân biệt ba hạng thi đỗ :
a) Đệ nhất giáp Tiến sĩ chỉ có ba người, theo thứ tự từ cao đến thấp là:
Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, gọi chung là Tam Khôi
b) Đệ nhị giáp Tiến sĩ thường chỉ có một người là Hoàng giáp
c) Đệ tam giáp Tiến sĩ, tức Tiến sĩ hạng ba, số người đỗ không nhất định.
Triều Lê gọi là "đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân" hay "Phụ bảng". Ta không nên lẫn "Phụ bảng" của nhà Lê, tức các ông nghè hạng ba, với "Phó bảng" của nhà Nguyễn, chỉ có từ 1829, vốn là những người được điểm cao trong số người thi Hội không Trúng cách. "Phó bảng" là những người hỏng thi Hội cũng chẳng khác gì Tú tài là những người thi Hương không đỗ. Gọi "Phó bảng" là "ông Bảng" không đúng, chức "ông Bảng" dành cho những người đỗ Tiến sĩ thứ nhì của hạng nhất (đệ nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhị danh) chỉ kém có Trạng nguyên mà thôi. Ấy là chưa kể dưới triều Nguyễn, Bảng nhãn tuy hạng nhì song chính là hạng nhất bởi nhà Nguyễn không có lệ lấy ai đỗ Trạng nguyên(13).
Về sách học, S. Baron cũng chỉ biết lờ mờ có 9 cuốn (cửu kinh) nhưng lẫn sách của Khổng Tử với môn đệ của Khổng Tử. Thật ra sách của môn đệ chỉ có cuốn "Mạnh Tử" còn những cuốn nói là của Khổng Tử, trừ cuốn "Xuân Thu", cũng chỉ do Khổng Tử chắp nhặt những gì người đời trước đã viết (Kinh Dịch, Kinh Thi v.v...) hoặc do học trò Khổng Tử ghi lại những lời thầy dạy (Luận ngữ, Đại học v.v...)
Nói đến đề mục các kỳ thi, ta càng thấy S. Baron "hồ đồ". Ví dụ thi Hương S. Baron hiểu rằng:
Kỳ 1 có 5 câu hỏi, bài viết phải dùng 24 tờ giấy
Kỳ 2 có 3 câu hỏi, bài viết phải dùng 12 tờ giấy
Kỳ 3 có 2 câu hỏi, bài viết dùng 8 tờ
Đúng ra bài dài hay ngắn không phải tuỳ số câu hỏi nhiều hay ít mà tuỳ đề tài. Nếu là "kinh nghĩa" (giảng giải kinh sách) hay "văn sách" (bàn phép trị nước) thì bài viết thường dài, phải cần đến nhiều giấy, còn "thơ phú" ngắn hơn, quyển thi dĩ nhiên mỏng hơn. Nhưng "thơ phú" không nhất định phải thi vào kỳ 3, nhiều khi thi ngay kỳ 2.
S. Baron nhận xét rằng về mặt khác người Việt thường tỏ ra gian tham nhưng về thi cử thì tổ chức rất nghiêm túc, rọc phách là một bằng chứng. Nhưng lại giảng rằng rọc phách tức là khi Thí sinh nộp quyển văn ở trường phải kèm theo một tờ giấy riêng kê khai tên tuổi, quê quán v.v... Quyển nộp rồi, các "Tuncy" mới rọc phách. Như thế là lầm. Trước mỗi khoa thi Hương chừng mấy tuần, các Thí sinh phải ghi tên bằng cách nộp ba quyển cho ba kỳ thi đầu, trên mặt quyển phải khai tên tuổi của cả mình và ông cha ba đời v.v... vào những chỗ đã được ấn định trước để khi quyển đưa vào trường thi các ông Đề tuyển, có phận sự rọc phách, đánh dấu rồi xé đôi tờ khai, cất phần có tên tuổi Thí sinh đi, nửa ấy gọi là cái phách. Khi nào chấm xong mới kháp phách và biết tên người thi. Tiến sĩ là khảo quan, chỉ được chấm quyển khi đã rọc phách, Tiến sĩ không giữ việc rọc phách.
S. Baron không phải là một chuyên gia mà chỉ là một nhà buôn, cầm bút viết được đủ mọi vấn đề như thế không phải là dễ, dù có sai lầm cũng đáng khen nhiều hơn đáng chê. Có điều khi ta đọc S. Baron cũng nên dè dặt. Nói chung, sách của S. Baron vẫn là một tài liệu hiếm quý cho chúng ta, vì nó ghi chép tỉ mỉ đời sống ở Đàng ngoài thời Hậu Lê, cống hiến nhiều chi tiết không dễ gì tìm thấy trong sử sách của ta, tỉ như tiền chi tiêu hằng năm của vua Lê được ấn định khoảng 8000 đô la, trong khi tiền thưởng một viên Tân khoa đỗ thi Hương, cả tiền mặt lẫn sấp vải đen để may áo, trị giá 4 đô la. Những gì quá tầm hiểu biết của S. Baron dĩ nhiên ta phải kiểm tra lại còn những điều S. Baron có dịp quan sát hàng ngày thì ta có thể tin và không phải là tác giả không có những nhận định đặc sắc đáng cho ta lưu ý.
Chú thích:
1. Phan Huy Chú. "Nghi thức thi Đình", Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí, tr. 33.
2. Tôi ngờ dịch giả sơ ý thêm chữ "lều" vào bài. Tôi đã nhiều lần viết thư về Việt Nam hỏi, chỉ được phúc đáp một lần, tác giả lá thư khuyên tôi nên giở Lịch Triều Hiến Chương ra mà đọc. Rất mong sự chỉ điểm của vị nào có bản dịch ở Saigon hay bản chữ Hán.
3. "Vút roi" có nghĩa là ra lệnh phải yên lặng trong khi cử hành lễ.
4. Trần văn Giáp, Khai Trí Tiến Đức, tr. 52.
Tuyết Huy, Nam Phong, số 5/1919.
Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, tr. 84.
5. Mỗi lần vua ban, dù chỉ là một miếng trầu, các Cống sĩ cũng phải đứng dậy sửa mũ áo lạy tạ. Nếu không dùng ngay cũng được tự do mang về nhà, kể cả khay, chén, bát, đĩa đựng thức ăn cùng dao, đũa v.v...
6. Ngô Tất Tố, Lều Chõng, tr. 252-3.
7. Chu Thiên, Bút Nghiên, tr. 218-9.
8. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, XXVIII, tr. 234.
9. Robert de la Susse, "Les Concours littéraires en Annam", p. 13.
10. Trần Ngọc, Văn Bia Hà Nội, Tập I, tr. 64.
11. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang Thương Ngẫu Lục, tr. 226.
12. Ta thường dịch Tú tài xưa cũng là "bachelier", tôi thấy không được sát lắm vì nó khiến mọi người liên tưởng đến một kỳ thi riêng rẽ như thi Tú tài ngày nay. Nếu dịch Cử nhân là "Licencié" thì nên dịch Tú tài là "Sous admissible" thích hợp hơn. "Sous admissibles" là những người thi không đỗ nhưng được điểm cao và có tên trên bảng dự khuyết.
13. Theo lệ "ngũ bất lập" của vua Minh Mệnh đặt ra thì nhà Nguyễn không phong vương, không phong Tể tướng, không lập Đông cung Thái tử, không lập Chánh cung Hoàng hậu và không lấy ai đỗ Trạng nguyên.
Sách tham khảo:
  • BARON, Samuel. Description du Royaume du Tonkin. Bản dịch của H. Deseille, không đề xuất bản năm nào.
  • CHU THIÊN. Bút Nghiên. Saigon: Đồ Chiểu tái bản, 1968.
  • DƯƠNG QUẢNG HÀM. Việt Nam Văn Học sử yếu. Saigon: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1968, in lần thứ mười. Fort Smith: Sống Mới tái bản.
  • Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch của Hà Nội, XXVIII.
  • HÉDUY, Philippe. Histoire de l'Indochine. La conquête 1624-85. Paris: Henri Veyrier 1983.
  • NGÔ TẤT TỐ. Lều Chõng. Hà Nội: Văn Học tái bản, 1963.
  • NGUYỄN SĨ GIÁC. Lê triều chiếu lịnh thiện chính. Saigon: Viện Đại Học, 1961.
  • NGUYỄN KHẮC NGỮ. Việt Nam ngày xưa qua các họa ký Tây phương. Montréal: Nhóm Nghiên cứu Sử Địa, 1988.
  • PHẠM ĐÌNH HỔ VÀ NGUYỄN ÁN. Tang Thương Ngẫu Lục. Hà Nội: Văn Hóa, 1960.
  • PHAN HUY CHÚ. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Khoa Mục Chí. Hà Nội: Sử Học, 1961.
Dịch giả: Đỗ Mộng Khương, Trịnh Đình Rư và Cao Huy Giu.
  • SUSSE, Robert de la. "Les Concours littéraires en Annam", Revue Indochinoise, N°2, Fév. 1913.
  • TRẦN NGỌC. Tuyển tập Văn Bia Hà Nội, I. Hà Nội: KHXH. 1978.
  • TRẦN VĂN GIÁP. "Lược khảo về Khoa Cử Việt Nam", Khai Trí Tiến Đức, Số 2 và 3, Hà Nội, Janvier-Juin 1941, tr. 41-88.
  • TUYẾT HUY. "Khảo cứu về sự thi ta", Nam Phong, số 5/1919 và kế tiếp.
  • VŨ PHƯƠNG ĐỀ. Công dư tiệp ký. Saigon: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1962.
Dịch giả: Nguyễn Đình Diệm.
Công Dư Tiệp Ký I tr. 137, chép khoảng năm Vĩnh Thọ (Lê Thần Tông, 1658-62) Nguyễn Văn Phong làm Đề điệu Hải Dương "sai đào lỗ cho học trò thi Hương ngồi thi, trên chụp một cái lồng thưa", quang cảnh hơi giống với bức tranh vẽ của S. Baron (1685) chỉ khác Thí sinh của S. Baron thi Đình và không phải ngồi dưới lỗ.

Tháng 8/1991
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Nguồn: Rút trong Văn Học
tháng 9/1991
 Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...