Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

XXXXTrích đoạn tiểu thuyết chưa đặt tên, chưa viết xong

Trích đoạn tiểu thuyết
chưa đặt tên, chưa viết xong

Có khi tôi là một người đàn ông 50 tuổi tranh đấu cho nữ quyền được 25 năm. Tôi được vô số phụ nữ yêu mến dù tôi không cao lớn đẹp trai cho lắm. Họ có vô vàn đau khổ. Chỉ cần tạo cho họ một sự tin cậy để nói ra và đem lại cho họ cảm giác được chia sẻ là họ hoàn toàn tự nguyện hiến thân. Tôi không lừa phỉnh họ. Tôi thật sự cảm thông với họ. Tất cả đều làm tôi rung động (rung động với mọi màu da, mọi tâm hồn), có những người khiến tôi rung động mãnh liệt, cho dù không phải tất cả đều có khuôn mặt đẹp và thân hình gợi cảm. Và bằng cách nào đó, tôi thuyết phục được mình rằng, chia sẻ thân xác với họ là sự cho nhận hạnh phúc giữa đôi bên. Những lúc ấy, tôi không kịp nhớ con người không phải là động vật sống giây phút nào là xong giây phút ấy. Nó còn đầy rẫy ký ức, ghen tuông, sự trả giá cho tương lai... Không phải ai cũng biến được kỷ niệm thành những dư vị ngọt ngào. Hoặc chính sự ngọt ngào không có lại được ấy vò xé những sát na còn lại.
Tôi có phải một người đàn ông tử tế?
Nếu phải hoặc không phải, tại sao không đủ đàn ông tử tế cho đàn bà?
Có khi tôi là một nhà văn. Tôi thường cảm thấy sự chú ý của độc giả tập trung vào khuôn mặt, thân hình bắt mắt và đời tư sóng gió của tôi hơn là những điều tôi viết. Tôi căm ghét sự ngu xuẩn đã thành nếp đó. Thật tréo ngoe, tôi lại rất tận tình chăm sóc hình ảnh của mình; cũng như tỏ ra hết sức dịu dàng và ngọt ngào khi giao lưu với độc giả. Không đơn giản đó là sự làm duyên bản năng của phụ nữ kết hợp với sự tự rèn luyện của tôi. Tôi làm điều đó còn vì muốn họ ghi nhớ tôi hơn, từ đó, phần nào để ý đến các tác phẩm của tôi. Như thế, khác nào thú nhận tôi phục vụ chính cái thị hiếu ngu xuẩn mà tôi căm ghét. Và như vậy, gián tiếp công nhận sự thất bại của các tác phẩm, đến nỗi phải cầu viện đến những điều ngoài nó?
 
Lí lẽ này sai toét. Nếu bạn cảm thấy mình là con người của thời đại này; nhận thức được sự bùng phát của điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, dịch vụ, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin... cũng như sự lên ngôi và cả nguy cơ bão hòa của quảng cáo như một hệ quả tất yếu; bạn sẽ hoài nghi sự tự đến với độc giả của một tác phẩm, dù nó tuyệt thế vô song chăng nữa.
 
Bởi vì, dù tác phẩm của bạn là một giọt nước ngọt giữa đại dương tiêu thụ thì nó vẫn bị vùi lấp giữa vô vàn giọt nước mặn có hình dáng tương tự. Ngày xưa, có thể bạn bị chọn giọt nước duy nhất trên chiếc lá, khá hơn, bạn được chọn giọt nước nào đó trong cốc, rồi trong bình... Một ngày kia, bạn được chọn trong ao, trong hồ... Giờ, trước một đại dương, bạn cần người chọn giúp bạn, bạn đâu thể bơi hết biển. Ngoài biển là biển của biển, cứ như thế mãi. Nếu bạn là một người thuộc thế hệ sau tôi, tôi thấy thương bạn, và cả khâm phục bạn. Bởi, để tìm cái đẹp, bạn không chỉ chọn mà còn phải có năng lực chọn người chọn giữa vô số người chọn.
 
Có lẽ tôi chẳng cần mất nhiều lời đến thế để chứng minh sự cổ hủ trong luận điệu tác phẩm hay có thể tự nhảy đến miệng người đọc; hay chí ít, hầu hết các nhà phê bình sẽ hết sức tử tế cũng như thông minh đã đặt sẵn lên khay trước giường ngủ của bạn. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, mặc dù nạn đói, độc tài và sự hung bạo vì ngu dốt, đau khổ vẫn còn, thì cũng có một vài người đưa được tầm mắt vượt lên những vũng lầy để nhận ra: không nên quá chờ đợi vào sự kiểm chứng của thời gian. Thời gian đã được xã hội hóa một cách tất yếu trong nền kinh tế thị trường ngày một tất yếu. Và nếu bạn không phải tuýp người viết tranh đấu, bạn chỉ việc dành cả đời cầu nguyện mình rơi vào một xã hội không quan liêu khi bạn đến trình đơn đề nghị đọc tác phẩm hay đúng thời đại của nó.
 
Vậy là bạn có thể tha thứ cho sự khêu gợi ngoài tác phẩm của tôi?
 
Bạn thật ngộ nghĩnh. Tôi cóc cần bạn tha thứ. Bạn là nhà cung cấp tha thứ nào mà cho mình quyền ban phát món tha thứ cho một điều hết sức bình thường và hợp pháp. Chỉ có tôi, chỉ có tôi là kẻ lựa chọn và vùng vẫy giữa sự dằn vặt và tha thứ. Bởi tôi làm quá nhiều điều mà tôi không muốn làm. Tôi không khao khát kiếm tiền nhờ các tác phẩm, cũng không khát thèm danh tiếng nhà văn. Tôi càng không trông chờ những sự ngưỡng mộ, những tò mò, ham muốn của đàn ông (và có thể, cả đàn bà) trước các cuộc phiêu lưu ngoài trang viết. Nếu cần, với ngoại hình và vốn kiến thức của tôi, tôi có thể chọn một nghề mang lại nhiều tiền bạc và danh tiếng hơn hầu hết các nữ nhà văn lớn.
 
Các tác phẩm đã viết của tôi, với sự nhìn nhận công bằng trước chính mình, không phải loại quá xuất sắc. Tuy nhiên, tôi vẫn cần chuẩn bị cho sự ồ ạt đón đọc của độc giả trước cái tác phẩm rất xuất sắc chưa được viết ra. Đó là lí do tôi phần nào tha thứ cho sự hiện diện ngoài trang viết của mình. Có lẽ, đọng lại trong tất cả những gì tôi muốn viết chỉ là câu tôi vốn ấp ủ từ khi còn là một cô bé (nhưng giờ mới tìm được cách diễn đạt):
 
Thật quá chán cho những người có cơ hội tử tế mà không chịu tử tế. Sao cứ phải chờ cái gì tác động mạnh mẽ mới chịu mở rộng lòng tốt của mình. Nhất là những độc tài. Tốt luôn đi chứ, ít ra là cho chính mình đỡ khổ bởi những quả báo khủng khiếp từ thói xấu của mình.  
 
Tôi cứ tìm một tác phẩm thực sự mãnh liệt để đặt câu ấy vào, để nó được chú tâm và ghi nhớ. Rồi người ta quên tất cả phần còn lại của tác phẩm đi, cũng được.
 
“Ở vào thế có thể làm việc ác mà không làm, là thiện
Có khả năng làm việc thiện mà không làm, là ác”
 
“Tự do là không xâm phạm tự do của người khác”
 
“Phải hy sinh tất cả cho con người, chỉ trừ, những người khác”
 
...
 
Lời tôi viết đâu sâu sắc, bao la, thấm đẫm như như lời tuyệt diệu chứa đựng tinh hoa muôn đời (trong sự phi lí của nhân loại) mà cũng bị lãng quên kia. Nhưng tôi vẫn thèm được thốt ra và thèm hy vọng con người sẽ lắng nghe, sẽ ngưng lãng quên những gì rồi họ sẽ phải trả giá quá đắt để tìm lại. Thậm chí, khi họ không sớm xác định, họ không còn cơ may tìm lại.
 
Tôi biết tôi không phải người viết kiệt xuất. Tôi đã nỗ lực, đã hy sinh, đã để tuột quá nhiều cơ may hạnh phúc... mà dường vẫn chưa đủ trả giá cho sự ra đời của cái cơ thể đợi tôi đặt vào lời khát khao kia, khơi nhịp đập trái tim của nó. Có thể, tác phẩm ấy sẽ bị hắt hủi. Cũng có thể nó được đón nhận nồng nhiệt. Rồi đâu lại vào đó... Nhưng cũng có thể nó có một định mệnh kỳ diệu (nếu có định mệnh) hay rơi vào một sự đúng lúc nào đó. Thế mà, tôi lại không chịu viết ra bởi vướng vào cái tâm thức “tất cả đều vô nghĩa” của mình; thì phải chăng, tôi có tội lớn, trước nhất, với tôi? Bởi sự không tự ý thức “quyền lực/tài năng càng cao, trách nhiệm càng lớn” của những người có quyền lực và sức mạnh kinh tế, quân sự, cơ bắp (những người trực tiếp làm chủ tác phẩm Cuộc Đời), tôi (và tôi nghĩ, nhiều người khác cũng) luôn bị vò nhàu trong những sự phi lí này. Luôn bị ám ảnh, dằn vặt chừng nào tác phẩm thúc đẩy cái ý thức ấy chưa được viết ra, chưa được phổ biến khắp nơi, chưa được con người thẩm thấu.
Vâng, mọi thứ tùy duyên, không nên gượng ép. Nhưng nếu không có sức mạnh sống trong mâu thuẫn, làm sao xé được bức màng nhầy phi lí, làm sao duyên xuất hiện. Cái duyên muốn trên đầm lầy, nhân loại nở hoa.
Có khi tôi là kẻ viết tác phẩm này. Hắn nổi tiếng khắp thành phố là một tên siêu ngủ nướng. Ngủ quên khổ đau, quên hạnh phúc, quên chính mình, quên tha nhân, quên kiêu hãnh, quên dặt vằn, ngủ quên thời đại...
Nguyễn Thế Hoàng Linh
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vòm trời của mẹ Tôi cầm nắm nhang dâng từng ngôi mộ rồi dừng lại trước ngôi mộ có gắn bia khắc tên bác Dệu. Tấm bia bằng đá xám, uốn con...