Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Thân phận người kỹ nữ trong văn chương Việt

Thân phận người kỹ nữ
trong văn chương Việt

Cùng với lịch sử văn minh của nhân loại, gái mại dâm là một tầng lớp xã hội đã có từ lâu đời, trải khắp mọi quốc gia từ phương Đông sang phương Tây.
Trong tiếng Việt có một số lượng định danh khá lớn (khoảng hơn 30 đơn vị) để gọi tên tầng lớp này, điều ấy chứng tỏ một sự quan tâm không hề nhỏ đối với tầng lớp được xem là vô cùng nhạy cảm. Không chỉ tồn tại trong đời sống ngôn ngữ sinh hoạt qua các đơn vị định danh, tầng lớp này còn đi vào nhiều đơn vị thành ngữ tục ngữ cũng như nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng, bao gồm cả thơ và văn xuôi. Việc tìm hiểu gái mại dâm trong văn chương Việt có thể cho ta thấy được các góc nhìn khác biệt, cách đánh giá, tình cảm của cộng đồng dành cho tầng lớp gái mại dâm. Việc tiến hành nghiên cứu đối tượng này, theo chúng tôi là rất cần thiết để có một cái nhìn thấu đáo, đủ bao dung và nhân văn trước một hiện tượng xã hội vẫn còn được coi là chưa có tính hợp pháp ở nước ta.
Người kỹ nữ trong thơ Việt 1932 – 1945
Thơ mới lãng mạn 1932 – 1945 là thời kỳ xuất hiện nhiều nhất những bài thơ thể hiện niềm đồng cảm sâu sắc và sự sẻ chia của các tâm hồn thi nhân với thân phận dập vùi truân chuyên của người ca kĩ. Xuất hiện sớm nhất và có lẽ được biết một cách rộng rãi nhất là bài thơ Lời kĩ nữ của Xuân Diệu. Đây là một trong số 15 bài thơ mà theo ý Hoài Thanh là hay nhất của Xuân Diệu, được chọn in trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam. Thi phẩm được viết và đăng trên tờ Ngày nay (1939), sau được đưa vào tập Gửi hương cho gió (1945). Nỗi cô đơn của người kĩ nữ trong bài thơ là nỗi cô đơn muôn đời. Trái tim nàng luôn thiết tha nồng ấm nhưng tất cả mọi người khách mãi là kẻ vô tình, đến rồi đi, thường phũ phàng và không mấy khi lưu luyến. Đỉnh điểm của tâm trạng cay đắng được đưa đến cao trào trong đoạn kết của tác phẩm: Lời kĩ nữ đã vỡ vì nước mắt/ Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi/ Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi/ Gỡ tay vướng để theo lời gió nước/ Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt/ Mắt run mờ kĩ nữ thấy sông trôi/ Du khách đi, du khách đã đi rồi… Bài thơ của Xuân Diệu có thể nói cũng là tác phẩm duy nhất của thời kỳ Thơ mới gọi tên nhân vật một cách chính danh ngay từ nhan đề: kĩ nữ, có lẽ một phần không nhỏ vì điều này mà thi phẩm tạo ngay được ấn tượng và sự chú ý mạnh mẽ của nhiều thế hệ độc giả, nhạc sĩ Lê Thương cũng đã nhanh chóng phổ nhạc bài thơ thành ca khúc cùng tên và được hát rộng rãi từ năm 1941.
Nguyễn Bính lại góp thêm một bi kịch khác vào những câu chuyện của người kĩ nữ mà cũng là bi kịch giả tưởng của chính mình trong bài thơ Oan nghiệt. Nhận được tin người kĩ nữ mà ông từng dan díu vừa sinh con gái, thi sĩ đau xót nghĩ đến cái cảnh: Mẹ con nịt vú cho tròn lại/ Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi/ Đời cha lưu lạc quê người mãi/ Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười… Nhưng sự khủng khiếp nhất chưa dừng lại mà nó có thể sẽ tiếp diễn trong một tình huống như thế này: Cha lo ngại lắm con là gái/ Chẳng có bao giờ biết mặt cha/ Con mười sáu bảy xuân đương độ/ Cha bốn năm mươi chửa trót già/ Cha buồn tiễn khách nơi hiu quạnh/ Con thẹn che đàn nửa mặt hoa/ Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được/ Bố bố con con chẳng nhận ra/ Một lứa bên trời chung lận đận/ Thương nhau cha soạn khúc Tỳ Bà/ Áo xanh mà ướt vì đêm ấy/ Tội nghiệp đời con xấu hổ cha…
Nhưng người có nhiều bài thơ nhất về thân phận ca kĩ phải kể đến là Vũ Hoàng Chương. Tác giả Thơ say và Mây đã viết ít nhất 4 bài trong thời kì trước 1945 về người kĩ nữ và đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Đó là các bài: Dựng, Dâng tình, Đà giang và Nửa đêm ca quán. Các từ ngữ như tỳ bà, Tầm Dương, Giang Châu, Hà Mô và không gian sông nước xuất hiện rải rác và bàng bạc trong cả bốn thi phẩm: Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi/ Nghe hồn li phụ khóc trên tơ/…Chén đã vơi mà ngập gió sương/ Men càng ngây ngất ý Tầm Dương/ Gót sen kĩ nữ đâu bên gối/ Tìm ái ân xưa dễ lạc đường (Đà giang); Cô đơn men đắng sầu trăng bến/ Đất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa/ Nhịp đổ càng mau nghe ríu rít/ Tê rời tay ngọc lúc buông thưa (Dựng); Nẻo bướm rờn tươi lửa cố đô/ Mộng phai ca quán tủi giang hồ/ Tình dứt men say còn vĩnh biệt/ Tiếng tỳ đâu vẳng gái Hà Mô (Nửa đêm ca quán)… Bài Dâng tình có một vài âm hưởng giống như tình ý của Lời kĩ nữ (Xuân Diệu): Lũ chúng em ca nhi/ Đón dâng chàng một buổi/ Nỗi yêu mê cuồng dại nén từ lâu/ Rồi mai đây chàng rong ruổi/ Thuyền buộc song mưa/ Ngựa dừng trăng khuyết/ Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt/ Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu…
Một thi sĩ rất đặc biệt khác đã có những vần thơ về người ca kĩ từ những năm 1940 là cố nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao và bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Bài thơ cũng là một cuộc kì ngộ và đồng điệu của hai tâm hồn nghệ sĩ nhưng khác với Tỳ bà hành, ở đây thi sĩ là người đệm đàn còn mĩ nhân là người hát. Văn Cao đã sáng tạo ra một từ rất mới để gọi tên người con gái là “phấn nữ”: Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời điểm một sao rơi/ Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/ Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi. Nhưng rồi cũng giống như cái lẽ muôn đời, hai người chia tay nhau và phấn nữ đã để lại nỗi nhớ, nỗi ám ảnh khôn nguôi trong hồn thi sĩ: Em cạn lời thôi anh dứt nhạc/ Biệt li đôi phách ngó đàn tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.
Đối trọng lại với tất cả các thi sĩ lãng mạn kể trên, nhà thơ cách mạng Tố Hữu từ tháng 8.1938 đã viết bài thơ Cô gái sông Hương trong một cách nhìn khác. Bên cạnh hiện thực đen tối của thân phận kĩ nữ, nhà thơ tin tưởng vào một tương lai trong sáng, tốt đẹp, một tương lai được gột rửa sẽ đưa người con gái về cuộc sống hạnh phúc: Răng không cô gái trên sông/ Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài/ Thơm như hương nhụy hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng/ Ngày mai gió mới ngàn phương/ Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân/ Ngày mai trong nắng trắng ngần/ Cô thôi kiếp sống đầy thân giang hồ/ Ngày mai bao lớp đời dơ/ Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay…
Nhưng dù đứng trên bút pháp lãng mạn hay cách mạng thì cái nhìn của người nghệ sĩ với những kiếp nữ nhi giang hồ luôn là tấm tình trân trọng, xót thương, sẻ chia và nhung nhớ. Những người con gái bị coi là dưới đáy xã hội ấy bỗng trở nên đẹp hơn ở trong thơ, được tôn lên từ một góc nhìn khác và quan trọng hơn là được thông cảm ở mức độ cao nhất. Theo tôi, những thân phận kĩ nữ ấy chính là một “dạng” nghệ sĩ bởi họ đã mang trong mình một nét lãng du phiêu bạt, có phẩm chất nghệ thuật, hầu hết là những tâm hồn nhạy cảm, biết lắng nghe và biết sẻ chia. Có lẽ chính vì thế mà mọi thế hệ thi nhân đều có thể tìm thấy những đồng điệu và đồng cảm ở những thân phận truân chuyên lạc bước…
Đời gái giang hồ trong thơ Việt sau 1975
Giai đoạn 1945 – 1975, cả dân tộc cùng đồng hành trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Các tác phẩm thơ ca cũng giữ vai trò, nhiệm vụ phản ánh thời đại, nếu có những nỗi niềm riêng cũng phải đặt trong cái chung, vì thế thời kì này ít gặp những thân phận riêng tư như kiểu những cô gái giang hồ được trở thành những hình tượng trung tâm. Phải đến thời kì sau 1975 mới lại có sự xuất hiện của hình tượng văn học này. Vẫn là đối tượng miêu tả ấy nhưng chữ “kĩ nữ” giờ đây có xu hướng trở thành một đơn vị từ cổ, nặng màu sắc ước lệ nên không được sử dụng nữa. Thay vào đó, các tác giả có những sự lựa chọn khác, cách gọi tên khác. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn gọi cô gái là ca ve: Bãi trồng hoang đêm vô vọng tôi ngồi/ Chiếc ghế bố khuất nửa vành trăng khuyết/ Một ca ve và một chàng lữ khách/ Thôi nữa mà, chặc lưỡi cũng thành đôi…/ Trong mắt em, tôi đâu phải thiên thần/ Đơn giản thôi, tôi chỉ là con đực/ Em nói cười mà sao tôi muốn khóc/ Tôi không là Thượng đế của em đâu/ Nào ngồi đây, ta trò chuyện cùng nhau/ Chân giẫm cát ngang đầu vành trăng khuyết/ Tôi là điếm! Còn em giờ là khách/ Thôi nữa mà, chặc lưỡi hát đi em (Và tôi đối mặt, 1998). Từ một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên trên bãi biển, thi sĩ cảm thấy trong thân phận của cô gái giang hồ kia có cả chính mình. Và một cuộc hoán vị đổi ngôi đầy bất ngờ đã diễn ra, cũng là chỗ độc đáo của tứ thơ, đẩy bài thơ lên đỉnh điểm của cao trào: Tôi là điếm! Còn em giờ là khách. Một cây bút nữ là Đinh Hoàng Anh đã viết bài thơ Lời cô gái điếm, bài thơ nằm trong tập thơ đầu tay Tia lửa nhỏ (2007), một tập thơ tạo được nhiều dư âm trong lòng độc giả: Những cánh hoa vàng bán đi/ Đời em củ hành bóc vỏ/ Càng vào trong càng bé nhỏ/ Càng vào trong càng tơ non/ Càng sâu lại càng đau hơn/ Đáy giếng mình em với nước/ Đường về làm sao với được/ Những vì sao khóc trên đầu/ Có khi choàng dậy đêm thâu/ Sờ ngực biết mình đang sống/ Da trắng… những màu hoa mộng/ Đêm đen… những màu tro than/ Bán rồi những cánh hoa tàn/ Từng lớp hành buông lả tả/ Lệ cũng không còn rơi nữa/ Quen rồi hương đời bỏng cay. Cái độc đáo của Đinh Hoàng Anh ở chỗ, dùng hình ảnh củ hành bóc vỏ như một ẩn dụ cho đời cô gái điếm. Cô gái điếm càng quăng mình vào chốn giang hồ giống như càng tiêu đi những tháng ngày trắng trong đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình mà không lấy lại được nữa. Cả hai bài thơ của Trịnh Thanh Sơn và Đinh Hoàng Anh đều chưa chỉ ra được một lối thoát cho những người con gái ấy, thay vào đó, chỉ đành biết ngậm ngùi xót xa cảm thông. Và họ cố gắng yêu những nhân vật của mình nhiều nhất có thể, gửi gắm tình yêu thương ấy qua từng câu chữ.
Những năm gần đây, những cô gái giang hồ vẫn đi vào thơ, họ là những chi tiết trong một bức tranh toàn cảnh, qua đó để người làm thơ bộc lộ tấm lòng thương cảm, mong đời những người con gái ấy vơi bớt nhọc nhằn: Cho anh mượn son môi của em/ Anh tô hồng lại tất cả những đôi má hồng đã bạc/ Cơn mưa đêm qua tan tác/ Cô gái bán hoa vắng khách ngủ vùi (Cho anh mượn son môi của em – Tạ Anh Thư).
Gái mại dâm trong một số tiểu thuyết Việt Nam hiện đại
Nếu tính từ đầu thế kỉ trước đến nay, Làm đĩ (xuất bản năm 1937) của Vũ Trọng Phụng vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên và xuất sắc nhất với nhân vật chính là gái mại dâm. Thông qua nhân vật Huyền, Vũ Trọng Phụng đã gửi tới chúng ta những thông điệp sâu sắc, còn nguyên giá trị cho tới ngày hôm nay. Một cô gái vốn là con nhà có học, xinh đẹp nết na, thông minh tử tế, mà dần dần bị đẩy vào chỗ trụy lạc. Đó là bi kịch của sự thiếu sót trong giáo dục gia đình, khi cha mẹ chưa thật quan tâm đầy đủ đến con cái, đặc biệt là việc giáo dục giới tính. Cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh quan trọng về trách nhiệm của mỗi con người trong việc giáo dục con em mình.
Rất lâu sau Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, văn xuôi Việt Nam mới lại có một cuốn tiểu thuyết với nhân vật chính là gái mại dâm và gây được nhiều sự chú ý từ phía dư luận. Đó là tiểu thuyết Gái điếm (Nxb Văn học) của Nguyễn Văn Học, in lần đầu năm 2007 (sau Làm đĩ vừa tròn 80 năm) và được tái bản 4 lần những năm sau đó (lần tái bản gần đây nhất là 2014). Khác với Huyền trong Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Vy – nhân vật chính trong Gái điếm của Nguyễn Văn Học bước chân vào con đường mại dâm do hoàn cảnh éo le. Vy buộc phải bán thân để có tiền chạy chữa thuốc thang cho mẹ. Nhiều cô gái điếm khác trong tác phẩm, bên cạnh Vy, cũng đều là những thân phận bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh tha hóa. Nó cũng là sự phản ánh những hạn chế của một nhóm xã hội ở nông thôn khi tiếp xúc với đời sống đô thị. Cùng với sự chấp nhận phải bán thân xác để mưu sinh, trong lòng những cô gái ấy vẫn không nguôi một khát vọng hoàn lương, khi dành dụm được chút vốn sẽ trở về quê để sống một cuộc đời lương thiện, trong sạch. Qua từng trang viết, tác giả không ngần ngại bày tỏ sự phê phán, lên án sự suy thoái đạo đức của những lãnh đạo địa phương, sự tàn độc, nhẫn tâm, dã man của các chủ chứa trong việc đối xử với những cô gái bán dâm. Tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Văn Học (sinh năm 1980) được in khi tác giả mới 27 tuổi đã chứng tỏ nhiều nỗ lực trong lao động chữ nghĩa qua từng trang viết. Những chất liệu đời sống được anh đưa vào dồi dào, nhuần nhuyễn, vừa chứng tỏ một khả năng quan sát hiện thực và phản ánh kĩ càng tinh tế, vừa bộc lộ được tấm lòng nhân ái của người cầm bút, yêu thương và trân trọng con người. Đoạn kết của tác phẩm mang đến cho mỗi người đọc niềm tin về sự trở lại thiên lương của Vy, khi một mầm sống phôi thai sắp sửa ra đời.
Từ ngôn ngữ bình dân đến văn chương bác học của mọi thời kì, có thể thấy, gái mại dâm là tầng lớp không ngừng được xã hội và giới văn nghệ sĩ quan tâm. Xã hội quan tâm thì đặt ra nhiều tên gọi. Văn nghệ sĩ quan tâm thì dẫn tới nhiều tác phẩm văn chương được ra đời, bao gồm cả thơ và tiểu thuyết. Trong văn học trung đại Việt Nam mà rộng hơn là cả đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, Thúy Kiều có thể xem là kĩ nữ vĩ đại nhất, được kính trọng và yêu thương nhất, thậm chí còn được phong là tiên theo cách nói của dân gian: Lạy vua Từ Hải lạy vãi Giác Duyên lạy tiên Thúy Kiều (câu khấn khi dùng Truyện Kiều để bói). Nhìn rộng ra văn chương thế giới, nhiều văn tài danh tiếng đều có những tác phẩm đề đời về tầng lớp gái mại dâm. Đó là Trà hoa nữ của Alexandre Dumas con, xuất bản lần đầu năm 1848. Đó là Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, một trong những tiểu thuyết lừng danh của văn tài Colombia, Gabriel García Márquez, được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, thể hiện niềm thương xót con người, đặc biệt là những người phụ nữ.
Tìm hiểu về tầng lớp gái mại dâm trong ngôn ngữ và văn học Việt, một lần nữa cho ta biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn về số phận chìm nổi của bao kiếp người.
11/6/2024
Đỗ Anh Vũ
Nguồn: Văn Nghệ số 19.2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...