Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Mây trôi rừng chiều

Mây trôi rừng chiều

Đến tối, trăng vằng vặc, Mạn xuất hiện với khẩu súng, mấy chiếc bánh bao và một bát nước lá còn ấm, nói bánh cầm theo chống đói, còn bát thuốc bổ mới sắc uống vào cho bền sức. Tôi cảm động uống một hơi cạn. Mạn bảo tôi đi theo cô ấy lên phía trên đỉnh núi, chỉ cho tôi hướng đi an toàn về biên giới, núi không cao nhưng trời đêm nay có thể nhìn rõ cả một vùng. Sau khi nghe cặn kẽ đi theo hướng nào, tôi ngồi xuống bên cạnh Mạn đang buông mắt ra xa xăm về phía cánh rừng. Ánh trăng xuyên qua những đám mây đêm trở thành thứ ánh sáng tinh khiết chạm vào khuôn mặt đẹp đẽ người phụ nữ.
1. Đây là lần thứ hai tôi tới đất này, lần đầu cách đây hơn hai mươi năm, một tôi, một súng. Hôm nay, một tôi, một ba lô, chẳng khác gì cuộc hành quân xưa. Tiết trời khi ấy đã cuối xuân, những cánh hoa trắng không biết vô tình hay hữu ý thi thoảng lất phất bay qua tầm mắt khiến tôi lắng lại. Xung quang, rừng tràn lên những ngọn núi cao, đùn ra màu một màu loang lổ sẫm. Tôi thấy những đám mây muốn nghỉ lại cánh rừng, mặc cho gió bắc chẳng bay đi.
Tôi gặp những người lính trẻ, già đủ cả, họ đứng chỗ này chỉ chỏ chỗ nọ. Trong đôi mắt họ một ánh nhìn giống nhau, đầy nỗi niềm gai góc. Khi sang bên kia, một đoàn người mặc quần áo quân nhân nước sở tại đang nghe thuyết minh, xì xà xì xồ, hảo lơ hảo la, tôi không hiểu họ nói điều gì nhưng lại im bặt, trân trân nhìn khi tôi ngang qua.
Tôi nhờ một người Việt gọi giúp chiếc taxi đưa đến địa điểm cách đó vài chục kilômét. Càng đến gần, kí ức càng rõ nét, nhất là dãy núi hình lưng ngựa mờ mờ phía xa. Tôi đã lạc tới đây sau một trận đánh kinh hoàng, cả đại đội tan nát bởi pháo, đỉnh núi mịt mù khói lửa, mỏm đá nào cũng mùi tanh của máu. Giặc tràn lên, xung quanh không còn ai đủ sức chiến đấu, chỉ còn tôi với những tiếng la hét, kêu gào, đồng đội la liệt khắp nơi. Chẳng thể giữ chốt, tôi chạy xuống núi, lao vào bóng đêm, trong đầu không ngừng nghĩ đến cảnh đồng đội bị tàn sát, những tiếng súng bắn găm bùng bục vào thân thể, nhưng đôi chân tôi vẫn chạy không có dấu hiệu dừng lại, cảm giác sợ chết lớn hơn mọi thứ lúc này.
Sau một đêm dò dẫm, người mệt lả, thấy trước mặt một dòng sông chảy ngược về phía ngọn núi, tôi biết mình đã lạc. Tôi nhớ mình bị mất phương hướng khi nghe thấy tiếng chó sủa, tôi phải di chuyển xuôi theo hướng gió, vừa đánh lạc hướng vừa xoá dấu vết, nếu không cái chết chỉ được tính bằng phút, nhưng điều đó khiến tôi không còn xác định được vật chuẩn. Nơi tôi đứng bây giờ có lẽ đã ở sâu trong đất kẻ thù. Áo quần ướt sũng, không thấy đói, chỉ thấy rét, cái lạnh xứ lạ như những mũi kim chạy dọc ngang cơ thể cố làm cho tôi yếu đi. Định thần lại một lúc, tôi lẫn vào sương đi về phía dải núi hình yên ngựa.
Tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ trở lại nơi này, còn gì nhục nhã hơn sự phản bội, tôi chôn vùi điều xấu hổ ấy, cũng như cố quên mình từng là lính suốt bao nhiêu năm qua dù diều ấy chỉ mình tôi biết. Nhưng dạo gần đây, tôi thường gặp những điều đáng sợ, chúng lặp đi lặp lại trong giấc mơ nửa đêm về sáng. Giấc mơ đầy những tiếng đạn pháo trùm lên trận địa, đất đá và máu trộn lẫn nhau như đống đất nhão nhoẹt trát lên tường nhà. Giấc mơ có đám chó săn với những chiếc răng nanh nhọn hoắt nhìn tôi gầm gừ, hung tợn. Tôi tỉnh dậy ú ớ với chiếc cổ họng bị đám chó ấy xé toạc, người tôi ám mùi khói lửa và máu tanh, mồ hôi tứa ra, vật vã và ám ảnh. Và lần nào người phụ nữ ấy cũng xuất hiện lẩn khuất, ánh mắt như thiết tha, như vẫy gọi.
2. “Tại ông thiếu đàn bà quá lâu”, thằng Cao nói khi nghe tôi kể về những giấc mơ. Nó là bạn chiến đấu với tôi, hai chân bị pháo gặm tới đùi, thương binh một trên bốn. “Lấy vợ đi, tôi còn muốn đẻ nữa đây, chẳng gì giàu bằng đông con”, người đàn ông ngồi trên xe lăn, bố của bảy đứa con thúc giục. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tôi không uống thứ rượu Cao gửi, nó bảo rượu gia truyền, uống vào ngoài khoẻ xương cốt còn làm đàn ông cô đơn như tôi thèm lấy vợ. Với tôi, rượu chỉ làm cho con người dễ chìm sâu vào giấc ngủ, tôi cất trong góc tủ, hiển nhiên quên. Khi những giấc mơ kia quấy rầy, tôi mới sực nhớ và đem ra nhâm nhi vài chén trong những bữa tối. Ngạc nhiên là rượu tác dụng ngoài mong đợi, tôi ngủ say đến sáng, chỉ có điều cơ thể ngày càng rạo rực, bừng bừng kì lạ, tôi biết mình muốn gì.
Chỗ tôi đến cách nhà khá xa, đảm bảo kín đáo, những người có một cuộc sống đủ đầy không lai vãng. Trời nhá nhem tối, con người không nhìn rõ mặt nhau, tôi có thể trở về nhà không quá muộn. Chỗ rượu hết đã mấy ngày, bản năng giống loài giục giã, lúc này tôi không khác gì con trâu khoẻ, cả mùa cày chưa được động dục. Cái nhu cầu ấy thúc thúc, đưa đẩy bước chân tôi, nhưng có điều gì trong sâu thẳm trỗi dậy, khiến bước chân lừng khừng, mặt cúi gằm như kẻ mắc tội. Chẳng qua vì hoàn cảnh mà tự mình phải ém đi, tôi tự huyễn hoặc mình như thế.
Con phố chỉ dài đôi trăm mét, lập loè biển hiệu xanh đỏ bằng loại đèn bóng ba vôn đặt trong chiếc hộp hình chữ nhật. Phố thường tấp nập về đêm, người ra kẻ vào, nhân viên nữ thường ngồi trước quán với những trang phục thiếu vải. Đàn ông đi qua đa số thường liếc mắt thèm thuồng, đàn bà, phụ nữ bỉ bôi, dè dỉu.
Từ các căn nhà ánh đèn xanh đỏ ấy, những ánh mắt dính chặt ngay khi tôi xuất hiện ở đầu phố, kinh nghiệm khiến họ biết rõ ai là khách đang tìm kiếm nhu cầu, ai là người đi đường. Một vài người đứng dậy khi tôi đi tới, lại ngồi xuống tiếp tục ngồi chờ khi tôi đi qua. Chẳng một lời mời, không vồ vập, chèo kéo như mấy bà bán hàng ngoài chợ, họ chỉ đon đả khi khách thực sự có ý định bước chân vào quán mình. Càng bớt ồn ào càng tốt, một sự giải quyết nhu cầu cần tối đa sự im lặng.
Tôi vẫn nhớ sắc mặt sốt sắng của thằng Cao cố đả thông tư tưởng khi thấy tôi còn do dự. “Suy nghĩ xong chưa? quyết nhanh, đi chuyến này biết còn sống trở về được không?”. Câu chốt đó khiến tôi quyết định vượt rào cùng nó, ba ngày nữa ra trận, nếu không phải lúc này thì không bao giờ còn cơ hội, tôi không muốn chết làm một con ma trinh nguyên.
“Trên đồi hay chỗ nào ?” – Tôi băn khoăn.
“Cứ vào thẳng quán, ở ngoài gặp vệ binh đi tuần là toi”.
Đời tôi chưa biết gì về đàn bà. Hồi đi học tôi có thích Liên, nhưng lời chưa dám ngỏ Liên đã theo mẹ vào Nam vì đơn vị bố đóng quân trong đấy, hai năm sau mẹ tôi gửi thư kể bố Liên hi sinh ở chiến trường K, mẹ con Liên không về quê mà buôn bán ở chợ Bến Thành.
“Lần đầu phải không?”. Cô gái nhìn tôi trong khi những ngón thuôn dài vân vê cởi từng cúc áo, làn da trắng ngần hiện dần ra trước mắt, chúng càng trở nên hấp dẫn khi chút ánh sáng yếu ớt cuối ngày hắt qua khe cửa bỗng bừng sáng nhởn nha trên khuôn ngực đầy đặn. Viễn cảnh ấy khiến miệng tôi trở nên khô khốc. Tôi hay bị như vậy mỗi khi nói nhiều, nhưng lần này tôi vẫn đang câm lặng. Hẳn là đẹp như của Liên, tôi nghĩ thế dù chưa bao giờ được nhìn thấy ngực Liên theo đúng nghĩa đen. Cơn mưa bất ngờ hôm hai đứa đi xem chiếu bóng khiến tôi nhớ mãi. Mưa hằn vào da thịt Liên, kéo ánh mắt tôi bám dai dẳng vào vòm ngực căng vồng, hẳn phải vĩ đại lắm, tuyệt tác lắm, tôi nghĩ thế. Dường như có mùi hương phảng phất vùng ngực lấp ló ấy toả ra, có vị thanh thanh bồ kết quyện với vị nồng nàn đất trời, mùi hương ấy quyến rũ hơn mọi thứ trên đời.
“Cứ nằm xuống đi”. Tôi làm theo không thắc mắc, ánh mắt là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của tôi lúc này, dù không hề yêu nhưng cặp vú trước mặt đang làm trỗi dậy bản năng trong tôi, trong quần, một sinh thể đang vươn mình như một đứa trẻ mỗi khi thức giấc. Tôi đón nhận đôi môi nóng hổi của cô gái phả hơi thở vào da thịt, người ta bảo chỉ yêu mới hôn, mắt tôi nhắm tịt để cố tưởng tượng về Liên, Liên của tôi đây mà.
Tiếng kẻng báo động vọng đến khiến tôi giữ lại thứ cuối cùng cho mình. Thằng Cao nghe thấy trước, nó vẫn cởi trần, tay cầm chiếc áo chưa kịp mặc hớt hải xộc thẳng vào gọi khi tôi vẫn còn đang đắm mình. Hai thằng lao về đơn vị, để lại những tràng cười khanh khách đằng sau.
3. Ngôi nhà đã xây mới nhưng vẫn ẩn mình sau những hàng cây nằm sát chân cầu, tôi mạnh dạn xi nhan, rẽ phải là đến cửa, mái lợp bờ rô xi măng che mảnh sân nhỏ. Lối vào ở giữa được mở ra gấp đôi, cửa làm bằng gỗ công nghiệp, rộng cỡ hai mét tư, hồi trước nó chỉ là một miếng sắt gắn với bản lề bằng mấy sợi sắt, muốn mở ra phải nhấc lên. Sân không có nhân viên ngồi ngoài đon đả mời như những quán khác, hơi chột dạ nhưng nó phù hợp với sự lừng khừng của tôi. Hơn nữa, người có tuổi vốn không thích sự ồn ào cũng không cần nhiều lựa chọn. Tôi xuống xe, tắt máy, gió từ sông thốc ngược hất mái tóc hoa râm, mùi tanh nồng sộc thẳng vào mũi khiến tôi hơi khó chịu, tôi bước vào trong nhà với một tay che miệng. Quán không có quầy, chỉ có một người phụ nữ luống tuổi nằm trên ghế dài cạnh chiếc bàn uống nước. Tôi vội quay ra, lúc ấy trong đầu nghĩ rằng quán không còn kinh doanh món dịch vụ kia, và đã trở thành nhà riêng, vì thế sự xuất hiện của tôi lại quá đỗi vô duyên.
“Bác đi tàu nhanh hay qua đêm? Tàu nhanh thì trăm hai, qua đêm thì bốn trăm”. Giọng người phụ nữ the thé phía sau, tôi khựng lại không phải vì cái giá gần chỉ vàng cho việc qua đêm mà sự rõ ràng trong mua bán cái không còn là ngàn vàng. Đàn bà làm gì còn cái ngàn vàng khi vào đây, chúng đã bị rơi tận đẩu đâu trước khi tới nơi này.
“Đi tàu nhanh.” – Tôi quay lại nói với người phụ nữ.
Chị ta bật dậy, tôi sững sờ nhìn khuôn mặt trắng bệch bởi lối trang điểm qua loa, cẩu thả, cái bọng mắt thâm chảy xệ xuống gò má là thứ ấn tượng rõ nhất, thế này thà để mộc còn dễ nhìn hơn. Giữa căn phòng tôi vẫn thấy mùi tanh của sông phảng phất. Đúng là chị ta, cô gái của hai mươi năm trước. Tôi có cái tật nhớ dai, đã ấn tượng thì mãi không quên, còn chị ta sau ngần ấy năm, chắc không thể nhận ra tôi. Khi con người cần tiền, họ sẽ chẳng nhớ gì khác ngoài tiền, làm sao có thể nhớ tôi trong số bao nhiêu đàn ông đã giày vò thân thể, nó nằm trong giao dịch bóc bánh trả tiền, tất cả đều vui vẻ tự nguyện.
“Thế thì 45 phút, quá 10 phút tính thêm 30 nghìn, cứ thế mà nhân lên, quán chỉ còn một em thôi.” Chị ta nói khi thấy tôi lưỡng lự, cũng để khách yên tâm rằng chị ta không phải là người phục vụ. Tôi để ý nói giọng điệu ấy như một tú bà, có khi lại là chủ quán, nghề nào cũng thế, cứ miệt mài cống hiến sẽ có cơ hội ngồi ở vị trí quản lí.
Chị ta đưa tôi đến một căn buồng phía trong bảo chờ, “một nữ nhân viên kiệm lời sẽ tới ngay”. Chị ta nói rồi vọng gọi ai đó. Tôi đặt mình xuống chiếc giường đôi trong đó, trông có vẻ chắc chắn, không ọp ẹp như ba tấm ván gỗ ghép lại ngày trước, căn phòng có đủ mọi thứ từ quạt, tủ và cả vài cái bao cao su trong ngăn kéo. Lặng yên chờ đợi, cảm giác hồi hộp khó tả không kém gì hai mươi năm trước, tôi có thể tự giải quyết một mình nhưng điều đó sẽ khiến tôi tổn thương nhiều hơn là tận hưởng, một cảm giác cô đơn đến cùng cực. Chuyến tàu này sẽ giúp tôi đến đích và kết thúc sự ham muốn âm ỉ.
Vài phút sau, cánh cửa đột nhiên mở ra, cô gái còn rất trẻ bước vào, chắc chỉ độ đôi mươi, cô cúi người chào rồi cụp vội mắt khi thấy tôi.
“Trẻ quá!” – Tôi thốt lên trước nhan sắc thanh xuân. Điện tắt, căn phòng trở nên huyền bí với thứ ánh sáng xanh nhàn nhạt đèn ngủ bám lên những khuôn mặt người.
“Bao nhiêu tuổi?” – Tôi hỏi
Cô gái không nói, mà nhìn tôi ra dấu bằng tay rằng mình mười chín tuổi.
“Quê ở đâu?”
Cô gái loay hoay lấy từ trong ví mảnh giấy cứng cũ đưa cho tôi, mở ra thấy ghi địa danh Ba Vì, Hà Tây. Là ở đây mà, ở đây, cô bé chắc không phải con người phụ nữ ngoài kia, người mẹ nào lại nhẫn tâm đến thế. Nhưng sự băn khoăn biến mất ngay khi cô gái cởi chiếc váy trên người, bộ ngực trẻ trung phơi trần trụi đầy khêu gợi trước mắt tôi. Cô nhẹ nhàng bước lên giường, chiếc chăn mỏng kéo ngang ngực, nằm bên cạnh tôi và nhắm mắt. Có lẽ cô ta đang lo lắng xem người đàn ông này sẽ tử tế, nhẹ nhàng với mình hay lại giống một kẻ phàm phu chăng, tôi nghĩ. Vậy tôi sẽ là ai, vừa nghĩ bàn tay thô ráp từ từ chạm lên làn da mềm mại.
Tôi thèm nghe những thanh âm dục vọng, những rên rỉ của niềm khoái lạc sau những mơn chớn, thanh âm ấy là bùa chú dắt lối bản ngã đi đến tận cùng, nhưng đêm lặng câm không nói, đêm u tịch không lời. Có nỗi hoang mang, sợ hãi nảy mầm trong tôi khi thấy miệng cô gái như con cá ngáp ngoải, bất lực không phát ra được thanh âm, tôi chợt nhận ra cô gái bị câm chứ không phải kiệm lời. Tôi đờ người, mắt trợn trừng nhìn cô gái, mồm khô khốc, cảm giác đắng ngắt, mọi hưng phấn trước đó bay biến.
Chút nữa tôi đã chiếm đoạt một thân thể khuyết tật. Hình ảnh cô gái với đôi bàn tay ra những kí hiệu tôi đã có linh cảm chẳng lành. Khi tôi lao ra khỏi giường, cô gái ôm chặt chân tôi, như van xin, như tuyệt vọng cùng sự bất lực của thanh âm. Tôi hiểu rằng nếu bỏ đi cô gái sẽ bị phạt, nhưng nếu còn ở lại một phút giây nào tôi sẽ ghê tởm chính bản thân mình. Tôi mang tức giận ném vào mặt mụ chủ quán những đồng tiền khinh bỉ, dẫu tới đây tôi mới là kẻ đáng khinh. Tôi rồ ga, chiếc xe lao vút khỏi quán xé rách đêm và rú lên như một con thú bị thương.
4. Cô gái lạ hốt hoảng chạy đi khi nhìn thấy một kẻ sắp chết, chẳng cần hô hoán thì tôi cũng sẽ chết, chỉ là chết trong sự tĩnh lặng, không ồn ào, không bị đánh đập. Tôi cay đắng nghĩ hay đây là cái giá của sự phản bội, chết ở một nơi xa lạ không phải Tổ quốc mình. Tôi chờ đợi cái chết chạm vào giữa không gian thơm thoang thoảng ngô non, cái mùi dễ chịu và đượm đà, chỉ thiếu hương tóc bồ kết nữa tôi sẽ nghĩ mình đang chết trong ruộng ngô nhà Liên. Những cây ngô năm ấy cũng cao lớn như thế này, nhìn bàn tay Liên nâng niu, vuốt ve những bắp non, tôi đã nghĩ về viễn cảnh ngôi nhà và những đứa trẻ. Bầu trời ngày ấy vời vợi, cao xanh, giờ trong mắt tôi trời u tối với những đám mây thâm màu đá đang từ từ khép lại, đè lên ngực.
Không biết đã thiếp đi bao lâu, tôi gượng dậy giữa đống cỏ khô, không thấy khẩu AK, vết rắn cắn ở bắp chân được đắp lá và băng bó cẩn thận, không còn phù nề. Tôi chắc đó là loài rắn lục cắn khi nấp giữa lùm cây um tùm, chỉ có rắn ấy cắn mới làm vết thương phù nề, buồn nôn và choáng váng. Nếu là loại rắn độc khác người tôi đã nóng ran. Cô gái tôi thấy trên ruộng ngô khi sáng ngồi bên cạnh, trên tay cầm bánh bao còn toả hơi nóng, khuôn mặt cô không chút sợ hãi, cũng chẳng biểu cảm vui mừng khi thấy tôi tỉnh lại, coi việc tôi không chết là điều đương nhiên. Cô ta mặc chiếc áo sáng màu, điểm thêu mấy bông hoa nhỏ, khuôn mặt dễ nhìn dù có nỗi buồn phảng phất, mái tóc dài buộc sau, lưa thưa vài sợi xoã xuống trước mặt.
“Cảm ơn” – Tôi gắng nói hai từ tối thiểu. Cô gái thản nhiên nhìn tôi, trong khi bàn tay chìa ra cái bánh bao.
“Bánh vừa hấp lại, anh ăn đi” – Tôi sững người vì người phụ nữ nói tiếng Việt sõi, tôi thều thào:
“Súng của tôi đâu, tôi phải đi ngay.”
“Anh chưa đi được đâu, dưới đường quân đội đi lại liên tục, đợi vết rắn cắn lành hẳn mới có sức vì đến biên giới đi bộ xa lắm, khi ấy tôi sẽ trả súng cho anh.” – Cô gái nói như biết rõ tôi là ai.
Có tiếng ồn ào vọng tới, cô gái dặn cứ nằm yên, vơ đống cỏ phủ lên người tôi rồi chạy đi. Đến xẩm tối, cô lại ra mang cho tôi bát cơm, thấy tôi còn có biểu hiện đề phòng, cô giới thiệu về mình.
Người phụ nữ tên Mạn, chồng tên Khiết, hai vợ chồng chưa có con, họ từng sống, kinh doanh vài năm ở bên kia biên giới trước khi xung đột xảy ra, khi gia đình có tang, họ trở về đây và không quay lại Việt Nam nữa. Ngày bị gọi đi lính, chồng cô bỗng phát bệnh hiểm nghèo. Chính quyền nghi ngờ liền bắt giam, sau đó trả về vì bệnh của anh ta ngày càng nặng. Mạn không mua được thuốc chữa cho chồng, các cửa hàng quanh vùng đều từ chối bán cho họ, hỏi ra mới biết đây là lệnh của chính quyền khi tung tin Khiết giả bệnh để không phải đi lính.
Mạn nói lúc chiều trưởng thôn và dân quân đến ngó nghiêng trong nhà, bảo có dấu vết người lính Việt Nam đang có mặt tại vùng này, yêu cầu gia đình cảnh giác.
“Họ nói nếu gia đình tôi phát hiện ra đối tượng lạ và báo cho họ, chúng tôi sẽ được phép mua thuốc” – Mạn nhìn tôi, lời nói bình thản nhưng ánh mắt chất chứa đắng cay.
Hôm sau, Mạn mang nắm lá mới vừa giã còn ướt thay vào chỗ vết thương cũ. “Vùng này nhiều rắn, những loại lá cây đặc trị này hầu như ai cũng biết, quanh đây chỗ nào cũng mọc.” Mạn thay băng, bàn tay mềm mại, nhanh nhẹn. Chúng tôi nói chuyện tự nhiên hơn. Mạn hỏi quê tôi. Tôi bảo Ba Vì, Hà Tây. Thực ra đó chỉ là nơi tôi huấn luyện tân binh. Tôi nghĩ hỏi cho có câu chuyện thì trả lời sao chẳng được. Mạn gật gù bảo “Tôi biết ở đó có 3 ngọn núi cao, thờ thần của người Việt”.
Tối ấy, tôi đã nghĩ về người chồng bệnh tật của Mạn, dù gì Mạn cũng đã cứu sống tôi, dẫu sợ chết nhưng bây giờ bị bắt, chắc họ sẽ không giết tù binh. “Hãy khai về tôi với chính quyền để cứu chồng cô”. Tôi nói với Mạn vào sáng hôm sau, ánh mắt Mạn đăm chiêu khó hiểu.
“Tôi đã kể cho chồng về một người lính bị thương trong vườn nhà mình.” Mạn nói với tôi vào ngày thứ ba. Tôi coi điều đó bình thản, không nghĩ nhiều vì đã xác định tư tưởng. Tôi đã đi lại được, nhưng để tránh bị phát hiện, tôi chỉ có thể ra khỏi đám cỏ khô vào ban đêm, di chuyển lên cao hơn để nhìn về phương nam, trong mắt tôi, chốc chốc chân trời lại loé lên những vùng sáng nhỏ, đó là ánh sáng của đạn pháo.
Ngày thứ tư, Mạn tháo băng, thứ lá kì diệu khiến vết thương mau chóng lên da non. “Chồng tôi chắc không qua khỏi, yếu lắm rồi”. Tôi thấy đôi mắt Mạn ngân ngấn.
Sáng ngày thứ năm, tôi nói với Mạn sẽ đi vào tối nay. Mạn nhìn tôi, lẳng lặng quay vào.
Đến tối, trăng vằng vặc, Mạn xuất hiện với khẩu súng, mấy chiếc bánh bao và một bát nước lá còn ấm, nói bánh cầm theo chống đói, còn bát thuốc bổ mới sắc uống vào cho bền sức. Tôi cảm động uống một hơi cạn. Mạn bảo tôi đi theo cô ấy lên phía trên đỉnh núi, chỉ cho tôi hướng đi an toàn về biên giới, núi không cao nhưng trời đêm nay có thể nhìn rõ cả một vùng. Sau khi nghe cặn kẽ đi theo hướng nào, tôi ngồi xuống bên cạnh Mạn đang buông mắt ra xa xăm về phía cánh rừng. Ánh trăng xuyên qua những đám mây đêm trở thành thứ ánh sáng tinh khiết chạm vào khuôn mặt đẹp đẽ người phụ nữ. Khoảnh khắc ấy khiến tôi rung động, tôi bỗng muốn chạm vào những cọng tóc lất phất bay. Người tôi rạo rực lạ kì, muốn đứng dậy nhưng chùng chân, mỏi gối, chỉ có thằng đàn ông giữa hai chân tôi trỗi dậy như khát khao thèm muốn. Tôi lờ đờ cố nhìn rõ người phụ nữ bên cạnh, khuôn mặt Liên đang nhìn tôi trìu mến, chẳng nói chẳng rằng tôi kéo Liên vào hôn như gắn xi. Tôi như lạc giữa đỉnh trời, những cơn gió nhấc bổng tôi lên giữa không trung, khiến tôi như thấy mình nằm trên một làn mây trắng, trên một cánh rừng, bồng bềnh êm ái. Đêm ấy, tôi chẳng nhớ mình đã làm tình bao nhiêu lần. Chỉ đến khi Mạn gọi tôi dậy, trên người không một mảnh vải, tôi ú ớ xin lỗi rối rít. Khi ấy trăng vẫn tỏ, trời vẫn đêm, Mạn báo tôi đi ngay không trời sáng.
5. Tôi bước xuống xe, đứng trước con đường nhỏ dẫn đến ngôi nhà nhỏ phía trên. Giấc mơ về người phụ nữ đã kéo tôi đi một hành trình dài, trong giấc mơ ấy, có bãi ngô xanh, có rừng chiều đỉnh núi mây bay và tiếng người gọi ai, gọi ai.
Đang chìm trong suy nghĩ, tôi thấy ai như Mạn đang đi ngược về phía mình, “Mạn phải không?”. Người phụ nữ trung tuổi mặc chiếc áo bông, nghiêng đầu trân mắt nhìn cho rõ người đàn ông đối diện. Khi tôi định nói lời tiếp, Mạn không nói mà ra hiệu cho tôi đi theo cô ấy lên nhà. Sau bao nhiêu năm, cái kiểu thản nhiên, bình tĩnh lạ kì của Mạn không thay đổi, tôi nghĩ, rồi lững thững theo sau. Chiều, mặt trời ấm áp đằng sau, bóng người lênh khênh. Mạn nhìn thấy cố ý điều chỉnh nhịp đi cho bóng tôi chạm vào gót chân nàng. Cứ thế tôi bước theo Mạn đi qua khoảng sân, mảnh vườn và qua cả bãi ngô, suốt quãng đường, chúng tôi không nói với nhau lời nào, đôi khi trong vài trường hợp im lặng cũng là giao tiếp, lúc sau chúng tôi có mặt trên đỉnh núi hình yên ngựa.
“Sao bây giờ anh mới tìm tới, nếu anh đến sớm hơn sự thể đã không như thế này”. Mạn hỏi tôi còn nhớ nơi này không, tôi bảo nhớ. Mạn kể, vì vợ chồng cô không thể có con, chồng lâm bệnh nặng nên hi vọng có con càng mong manh. Đúng lúc ấy tôi xuất hiện. Thứ lá Mạn cho tôi uống là loại thuốc khiến con người ta mê đắm vào nhục dục mà quên mất mọi thứ.
“Chúng ta có một đứa con anh ạ”. Mạn nói như một điều dĩ nhiên, nó là kết quả đêm ấy.
“Một mẹ một con cứ thế sống qua ngày qua tháng, con bé thừa hưởng cá tính của mẹ nhưng cứng đầu hơn. Đến khi đủ lớn em đã kể cho nó nghe về người cha ruột. Vài tháng trước, con bé bỏ đi, em nghĩ nó sang Việt Nam, vì trước đó nó hỏi về bố đẻ, em không có thông tin gì ngoài địa danh Ba Vì, Hà Tây anh từng nói, nơi có ba ngọn núi cao. Em nghĩ, con bé có thể sẽ tìm được đến đó nhưng không chắc sẽ tìm được anh, còn do duyên, do số mệnh, với lại biết anh còn sống sau cuộc chiến ấy không. Có điều đáng tiếc là con bé bị câm bẩm sinh, không thể phát âm thành tiếng, em không muốn đi, nhỡ con bé về mà không thấy em thì sao, em chỉ biết lên đây cầu trời phật cho cha con anh gặp nhau, mà nếu gặp chắc gì đã nhận ra nhau”.
Tôi như chết lặng, hình ảnh cô gái câm hôm nào đang cào xé tâm can. Trước mắt tôi, Mạn đang mơ hồ nhìn về những vùng xa xăm, y như người phụ nữ xuất hiện trong những giấc mơ. Giọng cô ấy cất lên, không gian dội lại những lời thê thiết.
Tôi như đang rơi. Đang rơi.
“Anh sao thế?”. Mạn kéo tôi về thực tại trong nỗi hoang mang.
“Tôi phải trở về”. Tôi nhìn Mạn nghẹn ngào, nước mắt chảy thành dòng.
Cuối chiều, bóng tối từ rừng chừng chực ào ra, những đám mây màu nắng vội vã kéo nhau trôi về phương Nam.
11/6/2024
Bùi Tuấn Minh
Nguồn: Báo Văn nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...