Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Tôi với người chung một trái tim

Tôi với người chung một trái tim

Giới thiệu tác giả
Ông sinh năm 1942, tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Sau Hiệp định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lục, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 (cái tên "Du Tử" được ông lấy từ bài thơ "Du Tử ngâm" của thi sĩ Mạnh Giao thời Đường, nghĩa là "đứa con xa mẹ", còn "Lê" là họ của ông) cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967–1972.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ.
Ông chuyển đến sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay Phải, và Văn nghệ ở Hoa Kỳ.
Ông qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 2019 tại nhà riêng ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
Chương 1
Nếu một người có một trăm, con chiên, mà một con chiên đi lạc, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?”
Mt. 18.42.
Lúc bước ra khỏi xe của chị Hảo, tôi choáng váng, lảo đảo như người say rượu. Cơn mưa chưa dứt hẳn. Tàng phượng dại giao nhau trên cao, làm thành chiếc vòm nõn xanh. Gió mang những sợi chỉ vô hình xâu đám lá run rẩy xen khẽ, đan kết chặt chẽ như cái kén lớn mà, tôi là con sâu nhỏ, bẩm sinh không biết cắn hầu tìm đường chui ra. Nằm trong kén như nằm trong khoảng chân không, tôi đâu biết người ta từng ví đời sống như một mặt nước và, mỗi con người là một viên sỏi, ném xuống. Tôi chưa từng là một viên sỏi, đã hẳn rồi! Hồi nào giờ tôi chỉ là chiếc lá, để bay cho tới một lúc, sự đưa đẩy của cuộc đời hay do sự xếp đặt của Chúa, tôi biết được cái cảm giác chóng mặt của sự gia tăng tốc độ cũng là một quyến rũ ghê gớm. Nó giống như hấp lực tự nhiên của trái đất. Điều quen thuộc tới mặc nhiên, khiến con người không cần thắc mắc sao ta lại đứng được trên mặt đất.
Sự quyến rũ vào cái chóng mặt xây xẩm của tốc độ, tôi không chỉ nghĩ thế. Tôi thực sự cảm thấy như thế. Kể từ lúc tôi nhấn mạnh ngòi bút cho mực chảy ra, thấy chữ ký mang tên mình, trên phần giấy trắng cuối lá đơn, xin cởi áo tu... ra khỏi nhà Dòng, tôi thực sự cảm thấy như thế. Rõ ràng, tôi đã rơi. Tôi đã rơi với một vận tốc được tính theo cấp số nhân, cấp số lũy thừa. Tôi không rơi với sức nặng của một viên sỏi mà sức nặng của một khối đá, như sức nặng của một cánh bướm so với con nhộng lúc còn trong kén.
Mỗi giây phút đi qua, khoảng trống trong tôi một rợn ngợp. Trọng lượng của thân thể tôi tăng trưởng cấp kỳ. Nó gia tăng mãi tới lúc tôi không còn cảm giác được cái vùn vụt lao xuống mà dường như tôi đã chính là sự rơi. Sự đánh mất mình, sự mất phân biệt giữa mình và mọi thứ quanh mình, là điều tôi chỉ mới nhận ra gần đây, sau những ngày mưa xầm xập. Những ngày mưa trắng lóa, bôi xóa không gian, bôi xóa trời đất, bôi xóa mọi dấu vết, kỷ niệm, rung động làm nên tôi. Những ngày mưa cậy tróc, dọc tuốt tôi, trần trụi tôi trước một tôi run sợ trong mắt nhìn nghiêm khắc của một tôi được đúc khuôn gấp nếp.
Khi cơn mưa dứt, trời đất hừng lên giữa lúc các xoáy nước cuồn cuộn đất đỏ, ào ạt chảy trôi, bật lộ ra những vạt cỏ, vạt đất tươi sáng tinh khôi như một tờ giấy mới. Tôi lại thấy nhen lên từ đó, một nhớ nhung mơ hồ, rất lạ. Nó không giống niềm nhớ nhung của đứa nhỏ lúc xa cha mẹ. Nó cũng không giống niềm thương nhớ của một người bạn xa một người bạn...
Cảm nhận này không có ở nơi tôi, ở tuổi dậy thì. Cảm nhận này, không có ở nơi tôi, ở những năm bước vào đời thiếu nữ. Nó chỉ thập thò, chỉ lấp ló đâu đó, kể từ lần gặp sau chót, người đàn ông tôi ngỡ sẽ mãi thấy như một người anh cả hay anh hai trong gia đình.
Bao nhiêu tháng sau, tôi còn thấy trong mỗi nhớ lại, một hòn than hồng nóng rẫy, cháy bỏng trên phần thịt da mà người đàn ông kia, đã liều lĩnh một cách hung tợn hôn lên và, tôi cũng đã ngỡ ngàng, (trong ngây ngất sung sướng) đón nhận. Bây giờ, trong mỗi nhớ lại, tôi vẫn gặp lại nguyên vẹn cảm giác rùng mình xấu hổ. Cái xấu hổ kỳ cục của kẻ không bao giờ nghĩ tới chuyện ăn vụng vậy mà lại bị bắt gặp, bị trông thấy như một kẻ chủ tâm ăn vụng, và cái rùng mình bởi không kịp biết sự nóng bỏng đến từ đôi môi của chàng hay khởi đi từ thịt da, từ khao khát thầm kín nơi mình.
Không cần ghi nhật ký, cũng chẳng cần ai nhắc lại tôi vẫn nhớ, đó là một cuối tuần đầu của mùa chay, Mẹ Bề Trên bảo tôi xuống phố mua cho nhà Dòng ít vật dụng cần thiết chuẩn bị cho ngày lễ trọng, tôi tới khu thương mại của người Việt Nam. Đậu xe xong, mới dợm bước thì thình lình người đàn ông mà tôi hằng nghĩ như một người anh trong gia đình, đứng chắn trước mặt. Tôi chỉ kịp nhận ra chàng cùng lúc với vòng tay chàng ôm chặt lấy tôi. Không biết bởi sự chi phối nào, từ đâu, tôi đứng chết trân, không một phản ứng. Toàn thân tôi tê liệt. Đôi tay tôi rũ ra. Đầu gối tôi muốn quỵ xuống. Tôi chỉ làm được một hành động duy nhất (nhưng hành động này lại không thể gọi là hành động phản kháng) là nhắm nghiền đôi mắt... Mùi đàn ông, nếu tôi không được phép gọi như vậy, lạ lẫm, mùi thuốc lá khét khét, như một thứ thuốc gây mê, làm tôi mềm nhũn. Như tôi nói, sự kiện xẩy tới quá nhanh, quá đột ngột, tới độ, lúc được chàng thả ra, tôi vẫn còn bàng hoàng, không biết, có phải sự thực chàng đã hôn tôi? Có phải, sự thực, đã có một người đàn ông ôm tôi trong tay? Có phải sự thực, một phần da thịt trên má tôi đã cọ sát với đôi môi tham lam, liều lĩnh của một người đàn ông? Hỏi lại vì kinh ngạc. Hỏi lại vì không hề tưởng tượng nổi một chuyện như thế, lại có thể xẩy đến cho tôi, trong một hoàn cảnh bất ngờ và công cộng như vậy. Hỏi là hỏi vậy thôi. Chứ sự thật, còn sờ sờ ra đó. Cảo đã và vẫn còn đứng đó. Nụ cười dưới đuôi mắt chàng đã ngúm tắt trong lúc nụ cười trên đôi môi tôi chưa kịp mở ra. Khuôn mặt chàng từ hồng chuyển nhanh sang xanh rồi xám. Tôi không nhìn thấy mặt mình. Tôi chỉ biết tất cả các mạch máu trong cơ thể tôi, dường đã chảy ngược. Tôi bưng ngực, cảm tưởng như trái tim đang thịch thịch đập tới muốn văng khỏi lồng ngực. Tôi quay vào xe ngay. Tôi không dám nhìn lại Cảo. Tôi bưng ngực. Rồi bưng mặt. Tôi gục xuống volant xe. Tôi muốn khóc. Muốn òa khóc. Nhưng đôi mắt tôi khô rang. Toàn thân tôi khô rang. Tôi chồi lên, chìm xuống trong hàng trăm đợt sóng dập vùi. Tôi ngợp trong cơn sốt hầm hập dữ dội. Cơn sốt theo tôi nhiều ngày sau. Cơn sốt khuấy đảo, hành hạ, dằn vặt tôi, cả những lúc tôi đi tìm lại mình trong nhà nguyện. Sau này, tôi hiểu, không phải lúc sự việc xẩy ra, mùi hơi đàn ông, mùi thuốc lá khét lẹt nơi Cảo, làm tôi mất khả năng tự vệ. Không phải vậy. Thành thật mà nói, chính là tôi, từ vô thức, tôi đã có chờ đợi, tôi đã có ý mong muốn điều đó xẩy ra, mà tôi không biết. Ít nữa, thì đó cũng là điều, nếu cực chẳng đã, phải xẩy tới, thì tôi cũng sẽ không cự tuyệt.
Sau này, những lúc quỳ gối trong nhà nguyện, tôi lần lần hiểu rằng, tôi đã thương Cảo, tôi đã, yêu Cảo lúc nào, tôi không hay. Việc nhìn Cảo như một người anh lớn trong gia đình, có lẽ, đó cũng chỉ là lớp sương mù là màn mưa mỏng manh, che dấu một sự thật rất tầm thường, rất thấp hèn, nhưng cũng rất người. Sự thật muôn đời của thân xác. Sự thật muôn đời của những rung động bản năng, thắp lên bởi những đụng chạm, cọ sát. Không biết tôi có ngụy biện chăng khi đã nghĩ rằng, ngay khi con rắn trong vườn địa đàng, không xúi bẩy, không dụ dỗ bà Eva thì cuối cùng, chính bà cũng sẽ tự tìm tới, tự là nạn nhân của chính mình, bởi trái cấm trước mặt kia. Cũng như tôi cho Chúa thật nhất, gần với con người nhất, khi ngài mặc khoác dạng người, là lúc Chúa run sợ trước linh cảm quân dữ sẽ tới bắt ngài. Lúc ngài bỏ các đồ đệ trong nhà, một mình bước ra ngoài trời, ngửa mặt, kêu Chúa Cha và hỏi Chúa Cha rằng tại sao Chúa Cha lại có thể bỏ ngài một mình với nỗi run sợ như thế?
Sau này, nhìn lại, tôi biết, ngay từ những gặp gỡ thứ nhất, lúc Cảo xuất hiện giữa nhà dòng, giữa chúng tôi, như một người anh lớn, như một con chiên lành của Chúa, tôi đã nhìn Cảo khác hơn một người anh. Khác hơn một người anh là gì? Chẳng biết nữa. Có thể, lúc nào, mỗi con chiên được Chúa thương mến, gọi tới dưới chân Ngài, cũng đi kèm những thử thách không ngừng, quyết liệt. Có thể Chúa đã mang Cảo đến gặp tôi trong cuộc hành trình mười bốn đoạn đường khổ giá. Mười bốn đoạn đường Chúa đã trải qua, đã đi trong thánh ý cứu chuộc tội tổ tông, cứu vớt chuộc tội cho con cái của ngài. Tôi không biết mình đã vượt qua được bao nhiêu đoạn đường khổ giá này. Tôi không bao giờ tự hỏi sau lưng tôi, có bao nhiêu đoạn đường đã được bỏ lại? Hay tôi vẫn chưa vượt khỏi đoạn đường thứ nhất? Điều đó, có còn quan trọng không? Còn ý nghĩa không? Còn được phép nhắc tới nữa hay không? Một khi trái tim tôi đã mù lòa. Một khi tâm hồn tôi đã ẩn nấp dưới tàng lá xum xuê của quỷ dữ.
Mới đầu, mỗi khi hình ảnh Cảo, tiếng cười, đôi mắt lúc nào cũng như cười, ngay cả chàng không hề cười, xuất hiện, lấp ló đâu đó, dù chỉ thoáng chốc trong đêm tối, giữa bữa ăn, trong lúc cầu nguyện... tôi đều gạt đi. Tôi dập tắt được nó một cách dễ dàng, như dập tắt điều xấu, xa, bôi xóa sạch sẽ sự cám dỗ của Sa tăng. Nhưng mỗi lần thêm gặp Cảo, mỗi lần thêm, tiếp xúc với Cảo, qua những ngày dài, dẫn các em đến làm việc cho nhà xuất bản kinh, sách của Cảo, tôi thấy một sự xóa bỏ một khó khăn hơn. Nó không còn dễ dàng như trước. Mỗi lần gặp gỡ, mỗi lần tiếp xúc thêm với Cảo, tiếng cười ròn rã của chàng, giọng nói nhanh, cao, dí dỏm của chàng, một ngân vang, lâu dài hơn trong tôi. Thời gian có hàm răng vô hình nhưng khỏe và tốt hơn răng loài chuột, gậm nhắm hình ảnh Sa Tăng để mỗi ngày tôi một thấy tình cảm của Cảo dành cho tôi không phải tình cảm của Sa Tăng (hay loại Sa Tăng dễ thương.) Cám dỗ, cứ tạm gọi như vậy, nếu có nơi Cảo, là một cám dỗ nhẹ nhàng, phớt thoảng nhưng chặt chẽ và bền bỉ. Đó là sự bền bỉ của những sợi dây cước làm thành những tấm lưới chịu đựng nổi nắng mưa, chịu đựng nổi sự ma chiết của thời gian với bao đợt sóng hưng phế. Có điều, thời gian chưa chứng thực bao nhiêu sự bền bỉ của tấm lưới cám dỗ thì tôi đã là người rơi hẫng, ngã chúi vào chiếc lưới êm ái mà oan trái này.
Chương 2
"Và Phêrô, nhớ lại lời Đức Jêsu, khi Ngài bảo ông: trước khi gà gáy hai lần, ngươi đã chối Ta ba lần, và ông òa khóc.”
Lc. 22.61.
Bầu trời đã thấp lại còn bị bàn tay nghịch ngợm nào đó vãi đầy muối tiêu mà chấm đen là những ngọn cây trơ trụi. Chút diệp lục tố còn sót cũng được trả nốt cho hư vô mà, ngày mai chỉ là hôm nay úng gốc. Khép lại vạt áo dạ, tôi thu rút mình trong cái buốt giá bấp bênh, không ngày mai của chính đời mình. Chị Hảo dơ tay chào trước khi mang chiếc xe tách khỏi lề đường. Tôi không có can đảm nhìn thẳng vào đôi mắt chị. Tôi cũng không có can đảm ngoảnh lại nhìn theo chiếc xe chị đang trôi lềnh bềnh giữa hai dòng nước chảy xiết. Đã ba đêm, nằm ép bụng trên chiếc giường đôi (chiếc giường của vợ chồng chị Hảo), chịu đựng những tia nhìn soi bói, chịu đựng những câu hỏi lẫn tiếng thở dài, chốc chốc bục vỡ ra, kêu khẽ như tiếng bong bóng nước ở chân tường... tôi cho là đủ rồi. Đã quá đủ cho tôi, tia nhìn kỳ lạ của anh Hảo. Đã quá đủ cho tôi, tia nhìn soi bói (những tia nhìn phẳng lặng mà nhọn hoắt như những lưỡi dao xuyên suốt thân thể, lách sát vào trái tim tôi) của Sơ Khâm, phụ tá Mẹ Bề Trên.
Đúng ra, tôi có quyền gọi Sơ Khâm là “chị” bởi chúng tôi chỉ cách nhau vài năm. Lúc tôi được Mẹ Bề Trên chọn bước vào giai đoạn “Khấn Tạm”, là lúc Sơ Khâm được “Khấn Trọn”. Tôi không có ý dựa trên khoảng cách thời gian vài ba năm sai biệt để xếp mình ngang hàng với Sơ Khâm. Nhưng chính Sơ Khâm là người đã san bằng khoảng cách ấy giữa chúng tôi. Nói cách khác, khi tôi phát giác ra những ganh tỵ, những bắt bẻ, những khó khăn một cách vô lối mà Sơ Khâm dành cho bọn tôi, nhất là tôi, ngay từ giai đoạn Khấn Tạm... Tôi cũng không có ý nhắc tới Sơ Khâm, như một trong vài lý do tốt nhất để giải thích việc xin ra khỏi dòng tu, trở lại đời tục. Tôi chỉ muốn nói, một cách thành thực, (Chúa chứng dám cho sự ngay thẳng này), là tôi không cảm thấy thoải mái đi cùng đường với Sơ Khâm. Trong những buổi đọc kinh, trong những bữa ăn sáng hay tối, trong những sinh hoạt chung hay riêng của nhà Dòng, lúc nào tôi cũng có cảm giác nhất cử nhất động của mình, đều bị đôi mắt lạnh lùng của Sơ theo dõi, rình rập. Cả những lúc tôi biết rõ, không có Sơ Khâm bên cạnh, cả những lúc dắt các “đệ tử”, “lính mới” đi tham dự các sinh hoạt xã hội, tôi cũng vẫn thấy cái bóng lặng lẽ, ủ rũ mà buồn rầu một cách khó hiểu của Sơ Khâm. Thoạt tôi cho mình bị ám ảnh một cách quá đáng. Chính Mẹ Bề Trên, khi nghe tôi rơi vào tình trạng mà người xưa gọi là “tự kỷ ám thị” đó thôi. Nghe Mẹ Bề Trên giải thích, tôi nghĩ mình sai. Tôi nghĩ mình không phải với Sơ Khâm. Tôi đã đi xưng tội...
Sau, nhờ “phút nói thật” bất ngờ của một trong những em mà tôi có bổn phận chăn dắt, tôi mới biết mình không sai. Sự biết này làm tâm hồn tôi giao động nhiều ngày. Chính em bé kia thú nhận với tôi rằng, em là một trong những “mắt thần” được Sơ phó tuyển chọn để theo dõi mọi hoạt động của chúng tôi, rồi báo cáo lại cho Sơ mỗi cuối ngày. Tôi giao động rồi đâm sợ chính trực giác nhậy bén của mình. Hóa ra tôi đã có một linh cảm khá chính xác mà tôi không hay?
Nhưng kìa, tôi nào có ý định nhắc tới Sơ Khâm nhiều thế đâu. Tôi chỉ muốn nói, mấy ngày nằm lì trong phòng của anh chị Hảo, tôi đã nhận đủ rồi, câu hỏi. Tôi chỉ muốn nói, những ngày mưa dầm dề muốn chảy nhão, muốn thành nước, trôi theo lượng mưa, biền biệt chảy không ngừng ở khu Bellaire, tôi đã biết mình muốn gì. Tôi cũng thấy rõ hơn, cái cảnh đời sẽ chọn. Điều quan trọng nhất, lý do đầu tiên, sâu kín, với chính tôi, là tại sao. Tôi hiểu từ Mẹ Bề Trên, người nâng dắt, dạy dỗ và thương yêu tôi như một đứa con thương yêu nhất của mẹ, cho tới ba má, các em tôi ở tiểu bang Washington... cho tới giờ phút này vẫn còn ngơ ngẩn trước quyết định của tôi. Một đêm, Mẹ Bề Trên vào phòng tôi. Mẹ ngồi xuống vuốt tóc tôi. Đôi mắt mẹ trìu mến, thiết tha, yên lặng. Mẹ không nói mà tôi nghe được biết bao câu hỏi trong đôi mắt chĩu nặng nắng mưa, đôi mắt ẩn hiện những chân trời cứu rỗi. Tôi muốn ngồi lên nhưng bàn tay mềm mại hơi ướt của bà đã ra dấu cho tôi nằm im. Tôi ngoan ngoản như một đứa bé đang ốm, biết mình được nuông chiều, vốn tính nhõng nhẽo, lại càng nhõng nhẽo hơn. Trong tình cảnh đó, dưới tượng Chúa trên cao, hai mẹ con chỉ nhìn nhau, không nói. Trước khi rời phòng, Mẹ Bề Trên thở dài, cầm tay tôi, rung nhẹ, thì thầm “con ngủ đi. Hồi này mẹ thấy con có phần gầy xanh lắm đấy!” Bà thở dài, dợm bước. Nghĩ sao, bà quay lại, cúi xuống đặt cả đôi bàn tay nhân ái lên vai tôi. Mẹ nhắn nhủ “không nhất thiết phải đi tu mới giúp được đời đâu con. Bất cứ kẻ nào, tự làm tốt lấy chính mình, thiết tha và chân thực trong nỗ lực giúp người thua kém mình thì, họ cũng đã mặc nhiên thủ diễn làm vai trò của một tu sĩ rồi. Được như vậy, có khi họ còn đáng ca ngợi hơn một tu sĩ nữa!.. Phần mẹ, ngày nào còn sống, mẹ sẽ không quên cầu nguyện cho con...”
Tôi nhìn theo chiếc bóng gầy khô của mẹ hắt xuống nền gạch mà, ứa nước mắt. Tôi biết một ngày không xa, chỗ nằm này, sẽ thuộc về người khác. Và, sẽ chẳng bao giờ nữa, còn có lần thêm, tôi cảm được hơi ấm lẫn tan trong bàn tay ướt ướt của người Mẹ hằng cửu.
Tôi biết, ngay những người chỉ cần thấy mặt tôi không thôi, cũng đủ làm họ “ngứa mắt” rồi, điển hình, như Sơ Khâm, cũng đủ hiểu tại sao tôi lại từ bỏ cái địa vị cao quý mà bao phụ nữ muốn đạt tới, để bước xuống cuộc đời, chỉ hứa hẹn cho ta, khổ đau và dối trá. Chẳng một ai, ngay Cảo, người đàn ông, là tất cả nguyên nhân gần, xa, nguyên nhân nội, ngoại tại, cũng không biết tôi quyết định cởi áo tu vì chàng. Sẽ chẳng một ai biết được điều bí mật kia, ngày nào tôi còn muốn giữ lấy cho riêng mình.
Tôi chỉ muốn nói tới sự kinh ngạc của anh chị Hảo trước quyết định của tôi. Phản ứng tự nhiên của hai anh chị là cùng dơ tay làm dấu và không bảo nhau họ cùng thốt kêu “Jê Su Ma... Lậy Chúa tôi.” Giống như thể họ vừa nghe được một điều gì vô cùng tội lỗi.
Tưởng cũng nên kể rõ rằng chị Hảo không phải là chị ruột tôi. Chị là con ông bác, anh ruột ba tôi. Ở đây, tôi không có người thân nào khác hơn chị Hảo. Anh chị bỗng trở thành người giám hộ tôi, một thứ đại diện toàn quyền thay ba má tôi. Những ngày đầu mới xin vào nhà dòng, khi còn ở giai đoạn “Nhà Tạm”, thỉnh thoảng tôi vẫn được chị Hảo đón về nhà chơi vào những cuối tuần hay giữa những kỳ nghỉ dài. Gia đình chị trở thành gia đình thứ hai của tôi. Tôi chia sẻ với chị tất cả mọi buồn vui, mọi hân hoan hay khó khăn, chán nản. Cả một tuổi thơ, ngoài nhà Dòng, anh chị và những đứa cháu, cho tôi những bóng mát nhỏ bé nhưng cần thiết. Những an ủi, những khuyến khích của anh chị, giúp tôi rất nhiều trên đường tu trì, tìm về dưới nhan Chúa.
Mặt khác, tôi biết dù đã nghe giải thích, dù biết tôi đã có tới sáu tháng dài trằn trọc, trăn trở với những suy nghĩ, cân nhắc, lắng nghe mình, lắng nghe tiếng đời khua động chung quanh, với hàng trăm giờ quỳ dưới chân Chúa trong nhà Nguyện riêng của Dòng... chị Hảo vẫn không thể tin rằng quyết định cởi áo tu của tôi là một quyết định chín chắn. Chị càng không thể chia xẻ với tôi dù chỉ chút xíu khi tôi bảo “chị ạ chính Chúa đã giúp em có lấy quyết định cho mình đấy...”
Tựa chiếc xe đã lỡ nhập vào lưu lượng xe trên đoạn xa lộ không có lối ra, tựa trái banh đã bị đá văng đi bởi một kicker chuyên nghiệp trong những trận football tranh tài của các đội tuyển toàn nước Mỹ, tôi chỉ còn duy nhất một lối đi: bước tới. Bước tới. Đã hẳn. Tôi đang bước tới đây. Tôi đang bước tới một chiếc máy điện thoại công cộng gắn bên ngoài quán cà phê với cơn mưa vừa dứt. Cơn mưa dứt trả lại cho bầu trời chút nắng trưa yếu ớt, tái nhợt như người đau nặng mới ốm dậy. Không ai dám tin sau mấy ngày đêm tầm tã, những khối mây đen mọng nước, còn lẩn quất chân trời mà, cái giá buốt đã thấm sâu, xuống đậm trên nền phố xám.
Tôi chọn quán cà phê này. Quán cà phê duy nhất tôi biết nhờ Cảo đã cho tôi và các em đến một lần, cũng vào một buổi trưa, khi công việc xếp giấy xong sớm hơn dự tính. Ngày đó đã xa. Xa như những ngày nắng ấm phải lùi khuất. Xa như khoảng cách tưởng chừng không bao giờ lấp bỏ được giữa tôi và chàng. Ngày đó xa thật. Có thể nó xa mất hút trong trí nhớ tùm lum tà la nghìn triệu chuyện của Cảo. Chỉ riêng tôi thấy nó gần. Nó đem Cảo lại cho tôi hôm nay. Tôi quyết định gọi Cảo.
Chương 3
“Những hạt giống khác nữa rơi vào gai, và gai vươn lên, làm chúng chết ngạt.”
Mt. 13.7.
Đường phố ập tối. Mưa xầm xập với những bước chân vội vã quành trở lại, như cùng lúc có hàng triệu con sóng cùng vỗ một lần vào bờ cát. Tin thời tiết trên TV đã loan sẽ còn mưa trong nhiều ngày nữa. Ảnh hưởng trận bão thổi qua miền Nam Mexico, Houston nhiều hy vọng biến thành biển. Ở một vài quận hạt khác, người ta đã bắt đầu phải di tản vì nước ngập gần tới mái nhà. Giữa trưa mà những xe đã phải pha đèn, trôi trong màn nước kín đặc. Từ trong quán nhìn ra, lòng tôi cũng chia đôi, như hai dòng nước xiết hai bên lòng đường. Cảo nói, cho chàng mười lăm phút. Chàng đang bận khách? Tôi không hỏi. Chỉ bảo: “Anh. Đến với Thiện. Thiện buồn quá!” Cảo chỉ kịp hỏi tôi đang ở đâu, rồi cúp máy. Lúc nào chàng cũng có vẻ bận rộn tuồng như công kia việc nọ nhiều lắm. Sự thực, Cảo rất lè phè. Chàng có thể làm việc cả ngày cả đêm nhưng cũng có thể đóng cửa tiệm sách đi suốt tuần.

Tôi gọi cho mình một ly cà phê đen. Tôi chưa từng uống cà phê. Hôm nay tôi muốn thử. Thêm nữa, tôi muốn tự nhắc nhở “mình đã lớn”. Bề gì tôi cũng đã hăm mươi lăm. Hai mươi lăm rồi chứ bộ? Nhỏ nhít gì nữa! Tôi đã chọn lựa. Lần này, ở tuổi hai mươi lăm, lần đầu tiên tôi quyết định lấy đời mình. Ngày ba má tôi, gửi tôi vào nhà dòng, tôi mới mười một. Hơn mười năm đã qua. Cuộc đời bỗng rẽ ngang. Trước mặt tôi là cánh rừng già. Tôi chưa từng một mình đi trong bất cứ cánh rừng nào, dù nhỏ. Bây giờ tôi đi. Không những một mình và cánh rừng không có lối. Tôi biết tôi phải rẽ lấy cỏ tranh, gạt mây song mà bước. Tôi chưa từng học lấy cho mình một môn võ để phòng thân. Không sao. Tôi tin tôi đủ sức tự vệ trước hố hầm, trước móng vuốt của mọi loài thú dữ. Tôi chưa được trang bị một hành trang, một võ khí nào, như những người đi rừng, như những nhỏ bạn tôi, lớn lên giữa cuộc đời... Có đứa đã có gia đình, con cái. Có đứa đã ra trường lâu, đã giữ những chức vụ chỉ huy trong các công tư sở. Các bạn tôi, cũng có đứa đã chết, trên biển. Cũng có đứa ở lại Việt Nam, trải đời con gái trên những vũng bùn nhầy nhụa của một xã hội nằm dưới đáy cùng lầm than, đói khát. Không sao. Chưa sao thì đúng hơn. Tôi còn may mắn chán. Tôi hơn chúng, những nhỏ bạn ở Việt Nam kia, rất nhiều. Tôi được trang bị một niềm tin nơi Chúa. Tôi được trang bị một tấm lòng thành khẩn, thiết tha với đời và, với người. Tôi được nuôi dưỡng trong ý thức chia xẻ những buồn đau của đời khác, băng bó, xoa dịu những vết thương của xã hội. Và, trên hết, tôi đang ngồi đây. Tôi đang có trong tay một trái tim, lần đầu, rung động. Tôi đang nhìn theo những mơ ước, những khát khao rưng rưng không trôi theo dòng nước mà phơi giữa lòng đường. Chẳng ai biết được ngày mai, trừ Chúa. Nhưng tôi tin nơi hồn mình, rất trong. Nhưng tôi tin tình mình, rất lắng. Chén rượu đời dù có cay xé môi non, tôi vẫn tin men tinh khiết đượ ủ giữ đúng tháng năm, đúng thời khắc. Bây giờ, vấn đề còn lại, xin hoàn toàn phó thác nơi tay Chúa.
Sau lần Cảo thình lình hôn tôi (trong bộ áo nữ tu) giữa đường phố, trước mặt mọi người, tôi có gặp lại chàng đôi lần. Tôi phải gặp vì công việc. Tôi gặp Cảo với tất cả cái ngượng ngùng chín đỏ. Cảo ngược lại, tỉnh bơ. Chàng không tỏ một dấu ăn năn, hối hận hay tha thiết quyến luyến gì hết. Cái tỉnh khô của chàng làm tôi bực mình. Tôi bực mình lắm. Nhưng biết sao bây giờ. Cuối cùng, rồi tôi cũng phải quen đi. Không quen cũng chẳng được. Dần dà, sự bơ bơ với cái mặt lúc nào cũng như cười cười, cợt cợt của Cảo, giúp tôi cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Tôi bớt dần cái lo sợ, cái lính quýnh mỗi khi đem các em ra làm việc cho nhà xuất bản và nhà sách của Cảo. Dẫu sao, lần này tôi tin, Cảo sẽ khác. Phải khác chứ bởi đây là lần thứ nhất, tôi hẹn hò với chàng. Hai chữ này chạm vào tâm trí tôi, như hai tia lửa ngọn, đốt tôi cháy xém cả mặt mày.
Tôi chuẩn bị kỹ càng mọi thứ. Tôi đặt ra những câu hỏi mà chàng sẽ hỏi. Tôi chuẩn bị những lời nói, sao cho Cảo không thể coi thường, không thể nghĩ sai về sự táo tợn của tôi. Dám hẹn hò với Cảo.
Nhưng mọi chuẩn bị, mọi dự trù đều sai bét. Cảo xuất hiện trong tầm nhìn của tôi là một chiếc bóng chạy vụt vào quán. Chàng không mặc áo mưa, cũng không có dù. Mưa đọng trên tóc, trên áo chàng, lấp lánh như những hạt thủy tinh óng ánh. Chàng cười hề hề. Tôi bất giác cười theo.
Gặp gỡ do tôi hò hẹn đã diễn ra một cách suôi chảy, tự nhiên hơn tôi tưởng. Cảo hỏi:
“Ai cho Thiện sự rảnh rỗi kỳ lạ vậy kìa?”
Tôi chưa kịp trả lời, Cảo nhìn thấy ly cà phê của tôi, chàng ngúc ngoắc cái đầu:
“Hôm nay còn bày đặt uống cà phê nữa ta?”
Tôi cười gượng, không biết phải mở lời như thế nào. Trả lời ư? Nói một câu gì khác ư? Có nhẽ Cảo không biết tôi đã cởi áo tu. Có nhẽ Cảo không biết tôi không còn là một ma soeur của chàng nữa. Phút chốc, tôi đã thành một con bé, lơ ngơ, lóng cóng, lạc lõng... trước cuộc đời. Chẳng thể nói Cảo không biết được. Trong lần gặp sau chót, ở nhà Dòng, tôi có nói với Cảo, ý định cởi áo tu của tôi. Tôi nhớ, Cảo lúc đầu tưởng tôi đùa. Cảo không tin. Sau Cảo trân trọng lắng nghe. Cảo nghiêm trọng khuyên tôi bỏ đi cái ý định đó. Rồi một lần nữa, khi các em loay hoay xếp giấy trong nhà kho, ở phòng tiếp khách của nhà xuất bản, tôi lập lại ý định... Cảo lắc đầu. “Đừng có điên. Thiện ạ”. Tôi nghiệm thấy khi nói một chuyện gì quan trọng, Cảo gọi thẳng tên tôi, chứ không gọi bằng ma soeur. Tôi biết, Cảo bất mãn. Cảo thất vọng không ít. Cảo bảo “cuộc đời mọi người cần tới một Thiện nữ tu, chứ không cần tới một Thiện thiếu nữ. Chúng ta, xã hội vật chất này, có quá nhiều thiếu nữ, nhưng lại có quá ít những nàng tiên áo nâu, áo trắng”. Tôi vẫn không cãi chàng. Tôi vẫn không hé lộ dù chỉ một tí thôi, cho Cảo hiểu, quyết định kia, từ chàng mà có, từ chàng mà nên. Tôi chỉ cúi đầu. Tôi lắng nghe. Tôi im lặng. Như tôi đã hằng im lặng suốt hai mươi mấy năm sống trong gia đình, sống trong nhà Dòng. Như tôi đã im lặng và chỉ chảy nước mắt sống khi Mẹ Bề Trên bước ra khỏi phòng ngủ của tôi. Mẹ để lại cho tôi câu nói bất hủ “không nhất thiết phải đi tu mới giúp được đời... Bất kể kẻ nào, tự làm tốt lấy chính mình, thiết tha và chân thật trong nỗ lực giúp người thua kém thì, cũng giống như vai trò của một tu sĩ, có khi còn đáng ca ngợi hơn nữa!” Và, cái mẹ mang đi ra khỏi phòng tôi là chiếc bóng gầy gò, khắc khổ in trên nền gạch hoa... Tôi nhớ, tôi đã im lặng từng giờ từng phút dưới chân tượng Đức Mẹ, dưới chân tượng Chúa để nghe được những tiếng nói thương yêu trìu mến, từ người.
Cảo đâu biết tôi đau biết là chừng nào, trước sự hồn nhiên, đùa cợt, như thể không có gì. Đã không có một thay đổi nào dù rất nhỏ xẩy tới cho tôi. Hay chàng không quan tâm tới mình? Hay chàng không nhớ, ngay những điều quan trọng nhất mà mình đã chọn chàng để thổ lộ? “Cảo”, tôi gọi chàng bằng đôi mắt muốn khóc, nhìn thẳng, “Cảo”, tôi gọi chàng bằng một thứ âm thanh câm lặng. Chỉ đôi mắt tôi muốn nói hộ tôi, nói thay tôi bằng những giọt lệ đang muốn chảy quanh. Tôi bảo mình “đừng. Đừng khóc nghe nhỏ. Khóc cái gì? Xấu lắm. Đừng. Đừng khóc. Việc gì phải để chàng thấy. Mày đã không muốn chàng biết. Mày đã không muốn chàng bị liên lụy, dù là liên lụy gián tiếp, liên lụy tự nhận trong việc làm của mày. Hãy để chàng giữ mãi cái hồn nhiên của người đàn ông trẻ con. Hãy để chàng sống tiếp cái ngây thơ, cái trẻ dại của chàng. Mọi ràng buộc, mọi hiểu nhầm, không giúp gì chàng, cũng chẳng giúp gì mày hết, Thiện à...”
Tiếc thay, khi tôi bảo mình “đừng. Đừng khóc nghe” thì cũng là lúc mà nước mắt tôi đã bật chảy. Tôi vội vàng cúi xuống. Nhưng tôi có hành động nhanh chóng, mau lẹ khéo léo tới đâu, cũng không dấu được đôi mắt tinh anh, sắc sảo của chàng. Tôi biết chắc, như thế.
Cảo cầm lên chiếc khăn giấy đưa cho tôi. Chàng nói:
“Thiện”.
Tôi đáp theo thói quen:
“Dạ”.
Sự thực chàng chẳng có điều gì để nói với tôi. Sau này, nhớ lại, tôi hiểu chàng chỉ muốn nhắc nhở tôi cầm lấy tấm khăn giấy mà thôi.
Trong lúc tôi chậm nước mắt, Cảo châm thuốc hút, xong đăm chiêu nhìn ra ngoài mưa. Chàng cố tránh cho tôi khỏi xấu hổ trước mặt chàng? Hay chàng đã hiểu mọi sự? Cách nghĩ nào, tôi cho, có lẽ cũng đều đúng cả.
Lúc bình tĩnh lại, tôi ngỏ lời xin lỗi Cảo. Tôi phân bua với chàng rằng, tôi không hề có ý định làm như vậy. Chẳng qua, tôi không kềm giữ được tôi mà thôi. Cảo lắc đầu nguầy nguậy:
“Anh hiểu. Thiện không cần phải nói nữa.”
Tôi gật đầu, thay vì phải nói cảm ơn Cảo.
Trận mưa giữ Cảo lại bên tôi tới khuya. Rời quán cà phê, Cảo cho tôi đi ăn. Ngồi với nhau trong một nhà hàng Mỹ, Cảo gỡ sợi dây chuyền nhỏ có tượng Chúa trên thập tự giá, đưa cho tôi. Tôi ngập ngừng không hiểu. Rồi tôi đánh liều thò tay ra nhận. Cảo cầm lấy tay tôi. Bóp lại từ từ. Hai nhịp tim đập được nối liền bằng tượng Chúa và hơi mát của sợi dây kim loại. Chúng tôi nhìn nhau. Thẳng thắn nhìn vào mắt nhau. Cảo gật đầu. Tôi cũng gật đầu.
Từ đấy cho tới lúc chia tay, chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Cảo cũng không hề cầm lại tay tôi. Chàng ngồi trong xe dõi theo tôi khuất sau cửa nhà chị Hảo.
Mưa vẫn nặng hạt. Trên lầu cao, tôi thấy xe Cảo chuyển động mờ mờ, như bị nhận chìm dưới mưa và trôi trong biển nước. Tôi tiếc mình không đủ mạnh dạn, cầm lấy tay Cảo, hoặc, ít nữa, cũng nói với chàng một câu gì. Một câu gì? Chẳng hạn... Bạn muốn nghe? Xí! dại gì...
Chương 4
Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi.”
Jn. 8.7.
Khu chung cư, nhìn từ bên ngoài là một dẫy nhà hai tầng mầu xám nhạt, căng dài theo chiều ngang, ngó vào lòng đường. Đầu bên kia nối vào một khu thương mại của người Việt Nam, trước khi chạm tới tòa nhà vòm, dome, một vận động trường lớn nhất nhì tại Houston. Cảo chọn thuê cho tôi căn apartment một phòng, tầng hai, trong khu chung cư này. Từ đây, tôi có thể đi bộ tới trường, nằm lọt trong “Thành phố Y khoa”.
 Bước vào trong, chung cư có hình chữ “U” với một hồ tắm nằm giữa, được bao quanh bởi những bồn hoa đa số có mầu đậm của miền nhiệt đới. Để ngăn bớt ánh mắt tò mò soi bói của người qua đường, chủ nhân trồng một hàng liễu lùn, thành một bức tường thưa, ngay lối cửa chính. Nhờ hàng liễu lùn này mà hồ tắm bớt tênh hênh, trống trải. Buổi chiều khi Cảo đưa tôi tới coi, nhận phòng, hai đứa đứng với nhau bên một bồn cúc tía, Cảo nói “nếu bán được một bông hoa để nuôi một em bé đói ăn ở Việt Nam, anh sẵn sàng làm công việc ăn cắp”. Tôi hiểu chàng đang nhớ tới người vợ và hai đứa con mà chàng đã bỏ đi khi chúng còn rất bé. Tôi hiểu, từ lòng thương nhỏ hẹp là những người gần gụi, thiết thân nhất, lòng Cảo còn như một đóa hoa, tỏa tâm ra bốn phía.
Lời nói vô tình, có thể là dỡn chơi, vô tình của Cảo làm dềnh lên trong tôi niềm thương yêu chàng quặn sót. Đêm đó, nằm trên thảm, trong căn nhà còn gắt mùi sơn mới, tôi cầm tay Cảo đặt lên ngực mình. Không biết Cảo có hiểu cử chỉ bất ứng của tôi mang một ý nghĩa rất trong sáng, rất thánh thiện không? Có thể Cảo hiểu lầm. Có thể Cảo không đọc thấu những phần kín khuất nhất của tâm hồn tôi. Nhưng có sao. Chả sao hết. Hãy yêu thương một người với tất cả thiếu sót của họ. Và, tôi cũng chỉ mong chàng thương yêu tôi như vậy.
Bàn tay Cảo im lặng lên xuống theo nhịp thở cảm được từ lồng ngực tôi nhấp nhô. Lát sau Cảo bảo:
“Hình như tim Thiện đập mạnh?”
Tôi gật đầu.
“Tại sao?”
“Tại Thiện đang hạnh phúc”.
Cảo trở người. Chàng rút tay về, nằm nghiêng ngó vào mặt tôi. Lưng chàng quay ra ngoài ban công. Ngọn đèn cao từ nơi này bị tấm lưng chàng chặn bớt một phần ánh sáng. Tôi thấy trong đôi mắt Cảo những vùng tối thẳm và có dễ vì vậy mà mắt Cảo sâu và buồn bã hơn.
“Giá chúng ta cứ được nằm với nhau mãi mãi thế này nhỉ?”
Tôi nói cùng tiếng thở dài không nén được.
Hình như hạnh phúc là mặt khác của sự biếng nhác.
Cảo rít một hơi thuốc dài. Đốm lửa soi khuôn mặt chàng xương xẩu. Đôi gò má chàng nhô cao. Cục xương yết hầu mà người ta gọi là cục adam lên xuống. Tôi nghĩ Cảo đang nuốt trỏng một nỗi buồn hay một niềm vui nào đó. E nhiều phần là nỗi buồn hay một niềm vui nào đó. E nhiều phần là nỗi buồn.
Cùng với những đợt khói thuốc vươn lên lưng chừng chưa chạm tới trần nhà đã tan, là tiếng nói của tôi. Nó cũng vang lên lưng chừng rồi rơi hẫng trong niềm thinh lặng mang nhiều ý nghĩa bất trắc. Lâu lâu tiếng nước tát toét lên bờ bởi những chiếc xe chạy dưới thấp, lọt qua khe cửa, hắt từng bụm hơi nước tưởng tượng vào chỗ nằm. Tôi không muốn nghĩ, rồi đời sống tôi sẽ ra sao những ngày tới. Đời sống, có dễ không có một danh từ nào đẹp đẽ, quyến rũ ta hơn và cũng không có một danh từ nào gợi lên nhiều buồn bã hơn.
Cảo vẫn nằm nghiêng. Chàng đưa tay nghịch những lọn tóc rối trên ngực tôi. Chàng bảo:
“Thiện hông nói nữa đi. Anh đang lắng nghe đây”.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
“Nói gì cơ anh?”
“Bất cứ một điều gì”.
Tôi cũng xoay người nằm nghiêng lại để được nhìn Cảo rõ hơn.
“Thiện tưởng Thiện đã nói với anh rồi chứ.”
Mắt Cảo tròn xoe. Trong bóng tối nhờ nhợ, tôi thấy được mi mắt trái của chàng giật giật.
“Hồi nào?”
“Lúc nay”.
Tôi đáp với nụ cười chọc ghẹo.
Cảo nghiêm sắc mặt, ra chiều suy nghĩ.
Chả cách gì Cảo đoán được đâu, tôi bằng lòng với ý nghĩ của mình.
Cảo loay hoay, nửa muốn nằm lại nửa muốn xấp mình xuống. Tôi thấy ngón tay chàng đập đập nhẹ nhẹ trên mẩu thuốc đã ngúm tắt. Đó là dấu hiệu mỗi khi Cảo suy nghĩ lao lung?
Khuôn mặt Cảo rất trẻ thơ những lúc chàng chọc rỡn nhưng lại già cỗi lúc khác. Những nếp nhăn kéo từng hàng trên trán và lờ mờ những vết kẻ dọc tựa những vết sẹo mỏng trên đôi má và nơi hai cánh mũi chàng. Tôi không đành lòng, bắt chàng chờ đợi. Tôi hỏi:
“Anh chịu thua Thiện đi. Chịu thua thì Thiện sẽ “bật mí” cho anh biết”.
Cảo lắc đầu. Tôi biết chàng rất bướng bỉnh. Chỉ cần thấy cái trán “dồ” của cháng không thôi, cũng đã đủ nói lên cái tính khí ngang như cua bò của chàng rồi.
“Chưa gì mà Thiện vội vậy. Có thua cũng phải từ từ chứ. Chiến thắng mau lẹ là chiến thắng kém vinh quang. Ô kê không Ma Soeur?”
Từ ngày được phép của tòa án giáo hội địa phương, cho phép trở lại đời, tôi rất ngượng mỗi khi nghe Cảo gọi bằng hai chữ ma soeur. Tôi chẳng còn là ma soeur, cũng chẳng là ma soeur của chàng hay bất cứ ai, dù chỉ thêm một ngày. Tôi chỉ còn là Thiện. NhỏThiện mau nước mắt, nhỏ Thiện hay hờn, ưa dỗi của chàng mà thôi.
“Í anh. Thiện không thích anh gọi Thiện như vậy nữa đâu nha. Giờ Thiện chỉ là Thiện, Thiện mình ên không thôi. Anh nhớ nha. Anh Cảo”.
Cảo gật đầu lia lịa. Chàng có tính mà sau này, tiếp xúc nhiều mới thất rõ và tôi rất thích đó là tính nhận lỗi rất mau lẹ. Chả biết Cảo có thực tình nhận lỗi hay chỉ nhận vội cho nó xong chuyện... khó mà biết được. Dù sao, sự mau mắn của chàng cũng làm tôi vui hơn. Nó cho tôi cảm tưởng tôi đang được chiều chuộng, đang được nâng niu, đang được mặc sức mà nhõng nhẽo.
Đêm xuống sâu trên con đường thưa thớt đèn. Tiếng giầy, tiếng khua động nơi ổ khóa, rồi tiếng kẹt cửa, tiếng mở nước, chốc chốc vang lên, ở hai bên hàng xóm. Những tiếng động thật xa lạ, thật mới mẻ với tôi. Những tiếng động làm lấp lánh thêm nỗi cô đơn, bất trắc của mình. Tôi nói Cảo đừng về. Cảo hãy ở lại với tôi đêm nay. Đêm nay, một mình trong căn nhà lạ, tôi sợ lắm. Tôi chưa từng ngủ một mình giữa một căn nhà trống trải, hoang vu như thế này bao giờ. Cảo nói, Cảo cũng thấy thế. Cảo cũng muốn ở lại, nếu có lời yêu cầu của tôi. “Còn nếu không?” Tôi hỏi. Cảo đáp nhanh “thì Thiện ở một mình với con... ma bự của Thiện.” Tôi rùng mình. May quá, nếu mình không chịu nói, chắc Cảo đi mất tiêu, tôi nghĩ.
Gió mỗi lúc một thổi gắt như thể trong không gian mới có một cuộc rượt đuổi ghê gớm giữa những con lốc thi nhau mọc thêm rất nhiều chân. Tôi nghe tiếng oằn mình của những gốc cây nhãn non, tiếng vi vu của mấy gốc liễu lùn nơi hồ tắm. Tiếng lá rì rào, lâu lâu lại biến tan đi, nhường chỗ cho tiếng hú âm u, lồng lộng, tuồng những con gió đã đuổi kịp nhau và đang diễn ra một trường chiến đấu sinh tử.
Dù có Cảo bên cạnh, mỗi lúc, tôi một thấy mình bé nhỏ và vô nghĩa hơn giữa những niềm bí ẩn muôn đời không rọi thấu của thiên nhiên và cái nghĩa thường hằng, vĩnh cửu của thời gian. Tôi tự hỏi thượng đế sinh ra con người để làm chi, không lẽ chỉ vì nhu cầu cần người thờ phượng? Rồi tôi nữa, liệu tôi có làm được điều gì tốt đẹp cho cha mẹ, cho các em, cho những người chung quanh, nhất là sự kỳ vọng nơi Mẹ Bề Trên? Tôi bỗng thấy thèm làn hơi nóng từ tay Cảo truyền qua. Như lần nắm tay thứ nhất, khi Cảo xòe bàn tay trên bàn trong một tiệm ăn của Mỹ. Tượng Chúa trên thập tự giá, nằm gọn trong lòng tay chàng. Sợi dây chuyền, như một ước nguyện đời kiếp (phải thế không Cảo) tôi đã đeo trên người từ đêm thứ nhất đó. Cảo nhỏm người búng mẩu thuốc bay về phía cửa mở vào ban công. Chàng quay lại. Đôi mắt chàng thấp trên tôi. Tôi nghe được hơi thở đều, rất đều của chàng. Mùi đàn ông, ngái ngái, mùi thuốc lá gắt gắt, phả trên tôi như một lớp sương mù thật mỏng. Tôi nhắm mắt, buông lơi trí óc. Tôi không muốn nghĩ ngợi, không muốn gì nữa. Tôi đang là con bò trong chuồng, lười lĩnh nhai lại đám cỏ tươi dành cất từ trước.
“Thiện”.
Tôi mở mắt vì mơ hồ nghe tiếng gọi của chàng.
“Thiện đang nghĩ gì vậy?”
Đúng rồi, Cảo gọi.
“Đâu có. Thiện có nghĩ gì đâu nào.”
Chàng lắc đầu:
“Có mà.”
“Hồi nào, anh?”
“Mới xong.”
Tôi trộm nghĩ tại sao Cảo nói vậy kìa. Nãy giờ tôi có nghĩ gì đâu kìa.
Chắc mặt tôi nó nghệt ra, nếu không giống con mèo ăn trộm bột thì nó cũng tức cười lắm nên Cảo dịu giọng. Chàng kể:
“Hồi nãy, anh trông thấy rất nhiều... mây trong mắt Thiện.”
Tôi hiểu Cảo không muốn câu chuyện giữa chúng tôi trở thành trầm trọng. Vịn vào câu nói của chàng, tôi liến thoắng ngay:
“A. Thiện biết rồi. Chắc tại Thiện nằm quay ra cửa. Nên mây nó mượn mắt Thiện làm “bãi chiến trường” bay tùm lum chứ gì?”
Cảo bật cười:
“Ờ há. Thiện bắt đầu biết xạo rồi há”.
Cảo mắng cùng lúc với bàn tay vòng qua vai tôi. Chàng kéo tôi từ từ ngã về phía chàng. Tôi để mình lăn theo chiều kéo của tay Cảo. Vùng ngực Cảo có lẽ là vùng mang nhiều “mùi chàng” nhất. Tôi lại nhắm mắt. Lần này tôi nhắm mắt vì ngợp và ngộp. Tôi thấy rõ ràng mình đang bị ngộp thở, bởi ở đâu, chỗ nào cũng là mùi của Cảo hết.
Rất thánh thiện, đêm đó, tôi ngủ quên trên ngực Cảo. Sáng ra chàng lêu lêu mắc cở, có người ham ngủ... Tôi xấu hổ muốn trốn luôn trong phòng tắm.
Chương 5
“Hỡi những người bị chúc dữ, hãy đi xa Ta, mà vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỷ cùng chủ thầy của nó.”
Mt. 25.41.
Niên học mới của tôi bắt đầu bằng một ngày nắng ấm. Cảo chở tôi đến trường. Chàng cẩn thận tìm lớp cho tôi đâu đấy rồi mới trở về văn phòng làm việc. Buổi trưa chàng tới cafeteria, cùng ăn với tôi. Nếu còn giờ, hai đứa kéo nhau lên ngọn đồi sau trường, nằm hay ngồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Đây là dịp chàng kể tôi nghe cuộc đời chàng cũng như cuộc đời tôi. Dưới những tàng phong đổi mầu theo từng mùa, tôi thấy cuộc đời dường như trôi chảy dễ dàng theo những mơ ước nhỏ bé, khiêm nhường của mình. Một hôm được nghỉ sớm, Cảo tươi tỉnh khác thường. Chàng nói:
“Hôm nay anh cần mua ít đồ supply. Thiện đi theo anh không?”
Tôi ngạc nhiên:
“Đi chứ. Bộ anh Cảo muốn tống Thiện về nhà giờ này cho “nỗi buồn gác trọ” nó gậm nhấm Thiện sao?”
Cảo nói, cần phải hỏi kỹ để sau này tôi khỏi ân hận. Ân hận? Cảo nói gì kỳ vậy? Hay có điều bất thường xảy tới cho chàng? Có thể lắm chứ. Tôi ném một hòn sỏi dò đường:
“Nếu anh Cảo không muốn Thiện đi theo làm quẩn chân anh thì Thiện vào thư viện. Xong việc anh đón Thiện cũng được.”
Cảo lắc đầu:
“Đâu có chuyện dễ vậy. Hôm nay không phải mua đồ supply cho anh mà mua cho Thiện.”
“Cho Thiện?”
“Chứ còn ai vào đây?”
Cảo trả lời chắc nịch.
“Thiện chưa đổi nghề mà anh.”
Vừa lái xe Cảo vừa hát khẽ khẽ bằng giọng mũi. Đó là thói quen của chàng những lúc lòng đầy hứng thú. Tôi quay ngang nhìn chàng. Biết bị nhìn, Cảo càng làm bộ tỉnh. Chàng khoe:
“Sáng nay anh trúng mối.”
“Vậy tối nay Thiện sẽ được ăn ngon?”
“Trăm phần trăm. Nhưng...”
“Nhưng gì cơ anh?”
“Thiện quên mình cần đi mua đồ supply sao?”
Tôi gật đầu:
“Thiện vẫn chưa hiểu.”
Nắng trong veo, nhảy múa trên những nóc nhà xám, hiếm như những lần tình cờ bắt gặp tuổi nhỏ của mình trên đường phố. Tôi thấy trong mắt Cảo những tàng phong cũng nhảy múa, cũng chập chờn như niềm vui khác thường chưa được bật mí ở nơi chàng.

Một tuần qua, tôi sống với những mơ ước, những khát khao mỗi ngày được làm đầy hơn. Tôi đã có lấy cho riêng mình một chiếc giường, một bàn học, một bàn phấn, một bàn ăn và những chén đũa, những nồi niêu cần thiết cho một gia đình con con. Mỗi lần bước xuống bếp tôi lại tự hỏi có thực Cảo đang mang lại cho tôi những cần thiết để làm thành một gia đình con con? Hai chữ gia đình, lần nào chạm tới, cũng làm tôi đỏ mặt. Cái sung sướng hòa lẫn thẹn thùng, ngượng ngập. Cái sung sướng được nhận chìm xuống, được che dấu đi. Tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Giữ mãi. Thật riêng, cho tới lúc nào không thể giữ được nữa. Được bao lâu? Chưa biết. Nhưng được ngày nào, hay ngày nấy.
Cảo vẫn hát khi lí nhí, khi cao giọng, nhảy xọ từ bài này qua bài khác. Làm như chàng quên biệt cái bí mật mà chàng mới chỉ hé mở chút xíu cho tôi. Sự quên tiệt của Cảo khiêu khích cái tò mò trong tôi. Những câu hỏi, những suy nghĩ vẩn vơ như đám cỏ dại gặp mùa mưa lũ, thi nhau lan tràn mọc. Tôi nói:
“Anh Cảo...”
Cảo nghiêng đầu:
“Gì cơ Thiện?”
“Nói cho Thiện nghe đi.”
“Nói cái gì?”
“Vụ supply của anh í...”
Cảo cười lớn:
“Supply nào của anh?”
Cảo trả lời ngon lành, chắc nịch.
“Thì của Thiện vậy.”
“À. Có thế chứ. Giờ này mới chịu thua phải không?”
Tôi cười theo, buột miệng:
“Có khi nào Thiện muốn ăn anh đâu. Suốt đời Thiện chỉ muốn được thua. Và, chỉ thua một mình anh Cảo mà thôi.”
Cảo đột ngột quay hẳn người lại. Tôi giật mình về câu nói của mình. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại nói như vậy. Khuôn mặt của Cảo dịu xuống, xa vắng. Lòng tôi cũng chùng lại, như những tàng cây nhãn dại hai bên đường dường uốn thấp thêm theo chiều gió thổi. Cảo nói:
“Anh biết Thiện cần một số vật dụng cá nhân. Những vật dụng cần thiết cho một người phụ nữ mà, anh không biết rõ nó là những thứ gì. Cái này... cái này. Thiện phải tự lo lấy cho mình mà thôi...
Tôi chợt hiểu. Hôm qua, trước khi chở tôi đi học, nhìn thấy mấy cái túi xách và một valise lớn, vứt trong closet, Cảo hỏi tôi rằng đồ dặc tôi chỉ có chừng đó thôi sao? Ủa. Không lẽ tôi có nhiều hơn? Đó là tất cả “gia tài” tôi gom được khi rời khỏi nhà dòng. Từ năm mười một tuổi, bước vào nhà Dòng, nhu cầu đời sống tôi đâu có gì khác hơn tiếng chuông, những buổi đọc kinh, sách giáo lý và ít quần áo thay đổi. Hôm nhận được giấy phép của tòa án giáo hội, chính thức cho phép trở lại đời thường, dọn tủ, thu xếp đồ đạc của mình, tôi cũng nhận thấy là “đồ tế nhuyễn của riêng tây” của tôi quả có ít thật. Điều đó, với tôi nào có quan trọng? Dẫu sao, sự quan tâm, nhắc nhở của Cảo cũng làm tôi cảm động. Tôi hiểu Cảo tình cảm Cảo dành cho tôi không chỉ là tình cảm của một người anh, dành cho một đứa em gái. Nó hơn thế. Nó là tình cảm của một người cha. Một người cha thương đứa con gái côi cút, quê mùa, lạc lõng.
Giờ tôi hiểu. Càng hiểu tôi càng thấy thương yêu, kính trọng Cảo hơn nữa. Cảo đã lo tất cả mọi chi phí liên quan tới việc học của tôi. Càng đã chu đáo lo cho tôi, những gì mà một người phụ nữ cần phải có. Khốn nổi, đó lại là thứ mà Cảo không biết. Những ngày qua, bao lần tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Cảo. Những ngày qua, bao lần tôi muốn chảy nước mắt khi Cảo bê về cho tôi, cái giường, cái chăn. Từ cái nhỏ nhặt nhất là cái bàn chải đánh răng cho tới cái khăn mặt, cái ly uống nước. Cảo lo cho tôi như một bà mẹ cẩn thận lo cho đứa con nhỏ vô tâm, chậm đụt... Nghĩ lại tôi càng thấy thương Cảo. Nghĩ lại tôi càng muốn được khóc trong tay chàng, như một đứa nhỏ, khóc trong tay người cha. Như một đứa con, khóc trong tay người mẹ. Tôi muốn khóc. Thực sự tôi lại muốn khóc rồi đấy.
Cảo thả tôi vào một tiệm bách hóa của phụ nữ. Chàng dặn:
“Thiện có một tiếng muốn chọn gì, mua gì thì mua. Nhớ chỉ đúng một tiếng thôi nghe. Anh qua tiệm sách bên kia. Đúng giờ sẽ quay lại. Hai đứa mình đi ăn.”
Tôi đứng nhìn theo bóng Cảo nhỏ bé, lao chao, chìm khuất trong đám người Mỹ cao lớn, mà không rõ lòng mình buồn hay vui nữa!
Chương 6
"Đức Jêsu nói: Ta cũng không xử tội ngươi đâu! Đi đi! Và từ nay đừng phạm lỗi nữa.”
Jn. 8.11.
Tôi đã được thói quen dậy thật sớm, lúc trời còn tối mờ mịt, pha cho Cảo ly cà phê, dọn sẵn cho chàng một bữa ăn sáng. Khổ nỗi tôi không biết nấu ăn. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa hề vào bếp. Bữa ăn sáng nào tôi dọn ra cho chàng cũng chỉ là vài cái trứng ốp la hay mấy miếng bánh mì nướng ăn với bơ hoặc mứt. Đã ba tháng trôi qua, chưa một lần tôi nghe Cảo kêu ca, than phiền hay khó chịu. Những đêm ngủ lại, Cảo trải một tấm chăn mỏng lên chiếc ghế sofa ngoài phòng khách. Chàng ngủ một mạch ngon lành, tới sáng. Luôn luôn chàng ngủ trước tôi, ngay sau khi tôi gấp sách, vào phòng và nói “ngủ nha anh!”, người trằn trọc, khó ngủ lại chính là tôi, chứ không phải Cảo.
Những đêm Cảo về nhà riêng, tôi không ngủ được. Tôi trăn trở, tôi lăn lộn tới sáng. Nỗi quạnh vắng, niềm nhung nhớ trong cảm phục, trong thương yêu chàng như những ngày mưa tầm tã, như những trận bão không ngớt thổi qua tâm hồn tôi trống trãi, ướt sũng. Sự xa cách, những vắng mặt, làm người ta thấy rõ lòng mình. Quả thật là như vậy. Những đêm không có Cảo, tôi nhìn thấy lòng thương yêu Cảo trong tôi ngùn ngụt lửa. Tôi thấy rõ tôi cần Cảo. Tôi thấy rõ, Cảo bắt đầu là tất cả lẽ sống của đời tôi. Bao đêm tôi nói một mình. Tôi nói thành tiếng. I need you. I love you. Cảo.
Những đêm không có Cảo, luôn luôn tôi có cái quyết định táo tợn, rất mãnh liệt, rất dứt khoát, đó là ngày mai, khi gặp Cảo, câu đầu tiên tôi phải nói với chàng sẽ là câu “Cảo ơi! Thiện yêu anh! Đừng đi nữa. Hãy ở lại với Thiện. Đừng bỏ Thiện, dù chỉ thêm một đêm, trong căn nhà này!” Nhưng cái quả quyết, cái thề hứa, cái can đảm tưởng có thể xô ngã cả một trái núi, đánh sập cả một tòa building ở trong tôi, lại tan biến ngay khi thấy Cảo. Tôi không hiểu mình ra sao. Tôi không hiểu cái nguyên nhân thầm kín, cái lý do bí mật nào đã bắt tôi phải im lặng quên tiệt hay im lặng trong nỗi sợ hãi.
Dọn xong bữa ăn sáng, tôi rón rén bước lại gần chiếc ghế sofa, lay Cảo dậy. Tôi gọi sẽ. Rất sẽ. “Cảo. Dậy thôi Cảo. Sáng rồi!” Lần nào gọi đánh thức Cảo tôi cũng có cái cảm giác mâu thuẩn kinh khủng. Một mặt tôi muốn Cảo dậy ngay để còn kịp ăn sáng, kịp ngồi chơi với tôi ít phút trước khi tôi đi học. Mặt khác, nhìn Cảo say mê mệt trong giấc ngủ, tôi lại thấy không nỡ. Tôi lại mong tiếng gọi tôi đủ khẽ để chàng đừng nghe thấy, đừng tỉnh giấc. Tôi muốn chàng được ngủ thêm, được tiếp tục giấc mơ của chàng. Cái giấc mơ mà tôi luôn luôn đinh ninh, có tôi trong đó. Lần này, cũng vậy. Tôi tiếp tục gọi. Tôi gọi nữa. Tiếng gọi của tôi lúc nhạt, lúc rõ. Cảo vẫn thiêm thiếp. Tôi ngồi bên mép ghế. Cả khuôn mặt hồn nhiên, vô tư của chàng bỗng nhăn lại tựa chàng vừa mơ thấy một điều gì ghê khiếp. Tôi nghe lòng nhói đau. Tôi lay nhẹ vai chàng. Cảo mở mắt xong khép lại thật nhanh. Làm như Cảo không nhận ra tôi. Làm như Cảo không thấy tôi. Tôi lại lay chàng. Vừa lay, tôi vừa gọi chàng. “Anh. Anh. Dậy mau. Trứng của Thiện nguội hết là Thiện bắt thường anh đó...”
Cảo mở mắt. Như lần trước, hai mí mắt chàng lại xụp xuống rất nhanh. Tôi nghĩ Cảo đùa, chàng muốn chọc ghẹo tôi. Tôi làm bộ giận. “Anh không dậy Thiện ăn một mình. Thiện ăn hết cho coi.” Cảo thở mạnh với tiếng ú ớ gì đó, không rõ trong cuống họng. Tôi định lùa tay vào tóc chàng. Khi bàn tay vừa chạm tới trán Cảo, tôi có cảm tưởng như vừa đụng vào một vỉ sắt nóng. Tôi rụt tay về. Cảo sốt? Phải rồi. Toàn thân chàng nóng hổi như một khối than đỏ. Chàng đau. Cảo đau rồi. Chàng không hề giả bộ. Tôi quýnh quáng lay chàng. Tôi quýnh quáng gọi chàng. Lần này, tôi gọi lớn. Tôi gọi lớn và chỉ sợ chàng không nghe được tiếng tôi. Vừa gọi, vừa lay. Vừa gọi vừa nghe được tiếng kêu thảng thốt của mình, bay quầng trong căn phòng, dội lại chính tai mình. Tôi nghe được tiếng tôi hoảng hốt, xa lạ như tiếng kêu của một người nào khác.
Cuối cùng, Cảo tỉnh dậy. Chàng bảo cho chàng ly nước. Tôi nâng đầu chàng dậy. Đôi mắt chàng lạc thần. Vừa cho chàng uống nước, tôi vừa khóc. Tôi sợ quá. Không lẽ chàng chết. Vừa cho chàng uống thuốc, tôi vừa lâm râm cầu nguyện. Không. Xin Chúa đừng cất chàng đi trong lúc này. Xin Chúa nếu được hãy cất tôi. Xin hãy cất tôi đi. Tôi xin được đi thay cho chàng.
Khoảng trưa thì Cảo tỉnh hẳn. Chàng ngồi dậy ngơ ngác thấy tôi đang đăm đăm nhìn chàng mà nước mắt cứ chảy xuống. Chảy xuống. Cảo ngạc nhiên:
“Ủa sao Thiện không đi học?”
Trời đất. Làm sao tôi có thể bỏ chàng trong khi chàng bị high fever để đi học? “...Sao Thiện không đi học?” Câu hỏi của chàng làm òa vỡ niềm đau đớn, lo sợ bị nén giữ trong mấy tiếng đồng hồ qua. Tôi ôm chầm lấy chàng một cách rất tự nhiên rồi khóc sung sướng. Như đứa trẻ tìm lại được món đồ chơi yêu thích nhất mà nó đinh ninh không thể tìm được. Tôi ôm ghì lấy Cảo, mặc cho nước mắt chảy ướt nhem mặt chàng. Cảo nằm bất động. Sau tôi biết, trong nước mắt của tôi, có cả nước mắt chàng.
Tôi không nhớ là chúng tôi ôm nhau như vậy trong bao lâu. Chỉ biết ngay khi ra khỏi cơn xúc động, tôi dìu chàng vào phòng. Tôi muốn chàng được nằm tử tế trên giường trước khi điện thoại vào trường xin nghỉ, hỏi tên một vài loại thuốc khỏe cực mạnh. Tôi quyết định chích cho chàng một mũi thuốc. Cảo thiếp đi với cơn sốt hạ dần.
Chương 7
“Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, vì sao Người lại bỏ tôi?”
Mc. 15.34.
Khi tôi tỉnh lại, căn phòng đã ắp đầy bóng tối. Tôi nhớ in là tôi chỉ ngồi bên cạnh Cảo. Tôi ngồi canh giấc ngủ cho chàng. Thỉnh thoảng, vuốt tóc hoặc vỗ về khe khẽ cho chàng ngon giấc. Tôi nhớ, tôi mang luôn bài học vào giường. Tôi nhớ, tôi đã cho chàng uống thêm hai lần thuốc và ép chàng ăn được nửa tô cháo loãng. Vậy mà tôi ngủ đó sao? Tôi ngủ lúc nào? Bao lâu rồi? Sao trời đã tối. Tôi mò mẫm trí nhớ để cố tìm hiểu tại sao tôi lại có thể hư đến như vậy. Nhưng vô ích. Tôi không nhớ được điều gì thêm ngoài cảm giác thật rõ ràng, thật hiển nhiên là tôi đang dụi đầu trong ngực Cảo. Mùi hơi chàng, mùi thuốc lá khua động khứu giác tôi trước tiên, mạnh mẽ. Từ đó, tôi nhận thức được một cánh tay chàng đang luồn dưới cổ tôi. Từ đó, tôi nhận thức được, bàn tay còn lại của chàng đang xoa nhẹ trên lưng tôi. Hơi nóng từ ngực chàng tỏa ra, ấm áp. Nhịp đập trong lồng ngực chàng, đều đặn. Tôi biết chàng đã thức. Có thể chàng đã thức lâu. Tôi tin cơn sốt đã rút khỏi chàng, như tôi tin tôi đang nằm trong tay chàng. Tôi đang như một con chó con, cuộn mình trong tổ ấm. Tự nhiên tôi nhắm mắt. Tôi muốn được tiếp tục giấc ngủ, cũng như muốn chàng tiếp tục nghĩ rằng tôi vẫn còn say ngủ. Nhắm mắt lại, trong ý nghĩ ngây ngô của tôi, tôi cho chàng sẽ không biết tôi đã thức. Xấu hổ với ý nghĩ của mình, tôi dụi mặt sát hơn lên ngực chàng. Có lẽ cái hành vi ngu đần của tôi đã tố giác với chàng rằng, tôi đã tỉnh. Cảo biết tôi đã tỉnh nhưng có thể chính chàng cũng muốn tự đánh lừa, như tôi tự đánh lừa tôi, rằng mình vẫn ngủ.
Tôi nghe những ngón tay chàng như những con sâu bò ngoài lớp vải áo ngủ. Tôi nghe hơi thở tôi mỗi lúc một dồn dập hơn, cùng cảm giác gai ốc mọc trên những phần thịt da mà những ngón tay chàng đi qua. Tôi nghe thân thể tôi đột nhiên chĩu nặng. Tôi nghe nhịp đập trong lồng ngực chàng không còn đều nữa. Những nhịp đập mạnh dần. Mạnh dần làm hơi thở chàng nhanh hơn, nóng hơn, thổi qua tóc tôi, chạy dọc thân thể tôi. Tôi nghe những tiếng động chung quanh. Những tiếng chân thật nhẹ hay lệt xệt dưới thấp. Tôi nghe những tiếng động chung quanh. Tôi nghe tiếng gió vín những cành liễu lùn, làm đám lá như những ngón tay búp măng. Bật lên, lào xào, xao động. Tôi nghe được tiếng ly tách, tiếng nồi niêu va chạm bên vách. Mọi người đang sửa soạn bữa cơm tối? Hay họ đang dọn dẹp để chấm dứt một ngày đã đi qua. Một ngày đã qua hay một đời sắp tới? Một ngày sắp hút trong màn đêm, hay một bình minh đang lấp ló như mơ ước, mhư khao khát tỏ dần; dù chẳng một ai, ngay tôi, luôn cả chàng, biết được, chân trời sẽ là nắng ấm hay sẽ bay về đầy mây đen? Nắng ư? Đẹp lắm. Mưa ư? Thì đã sao? Cớ sao ta cứ phải trốn chạy, cứ phải chơi trò cút bắt hoài với chính ước mơ của mình? Có sao, ta không thể bước tới, nhìn tận mặt thèm khát, ham muốn của ta? Sao ta không thể đối diện với nó. Sao ta không thể chân thật mà mở rộng đôi tay tình yêu ta, đón nó vào. Ôm lấy nó. Ôm lấy. Thật chặt? Tại sao không?
Tôi rùng mình với những ý nghĩ táo bạo vừa lóe. Tôi nhớ lại những đêm một mình với hồn không với mơ ước với tưởng tượng Cảo quay lại. Chàng tra chiếc khóa vào trong ổ. Miếng sắt mỏng sẽ bật về một phía. Tiếng cách gọn, sắc nhưng đam mê biết bao, nhảy về một phía. Tôi sẽ làm bộ ngủ. Cảo sẽ bước vào phòng tôi. Cửa phòng tôi có lúc nào khép kín? Cảo sẽ ngồi xuống giường. Chàng vẫn đinh ninh tôi ngủ đã lâu. Chàng sẽ vuốt tóc tôi. Chàng sẽ cúi xuống. Sẽ hôn trộm lên đôi môi tôi. Đôi môi mà chàng không hề hay biết nó đã thầm kín đợi chờ chàng bấy lâu. Tôi sẽ tiếp tục giả bộ ngủ say. Hoặc tôi sẽ choàng tỉnh. Sẽ ghì xiết lấy chàng. Tôi sẽ khóc trên vai chàng. Chỉ khóc thôi, đủ để chàng biết tôi không hề say ngủ. Chỉ khóc thôi, những giọt lệ hân hoan đủ để chàng hiểu, tôi chỉ giả bộ, vì thực ra, tôi đã chờ đợi chàng, lâu rồi.
Cùng với những ý nghĩ, những hình ảnh như thác lũ chen lấn, gấp gáp, xô đẩy nhau ùa qua tâm hồn tôi, làm lở vỡ bờ đê bảo vệ những phần sâu kín hằng được dấu diếm ở trong tôi. Cùng với những luồng ánh sáng chói gắt rọi tới những vùng rung cảm trong tôi, được chôn chặt là hơi thở chàng, là hơi thở tôi, là những ngón tay chàng nóng rẫy, bấu trên da thịt tôi. Tôi thốt kêu tên chàng. Tôi oằn người, như thể đang trải qua một cơn đau bất chợt, ghê gớm. Cùng với những bờ đê bị phá vỡ từng mảng, tôi biết mọi lớp rào cản, mọi lớp son phấn che đậy đã trôi tuột. Tôi bị cuốn trôi đi băng băng như mảnh gỗ nhỏ, như cọng bèo, như nhánh rong chìm trong thác lũ.
Rồi tôi nghe không chỉ thân thể chàng nóng như một khối than hồng mà thân thể tôi cũng hừng hực, cháy đỏ, không kém.
Chàng bị high fever lại với độ nóng cao hơn buổi sáng? Trên trăm độ rất xa?
Tôi cũng bị high fever? Cơn sốt cũng trên trăm độ, như chàng? Khác chăng hòa trong trận high fever kia, là những cơn đau tưởng chừng xé thịt, làm nước mắt chảy ra sau đó.
Lần này tôi cũng không biết những giọt nước mắt của tôi mang ý nghĩa gì? Xót xa? Hối hận? Hạnh phúc? Thương đau? Hân hoan? Mất mát?
Cảo dùng những ngón tay khô dòn của chàng, chùi nước mắt cho tôi. Dù trong bóng tối, cả hai đứa vẫn cùng tránh nhìn vào mặt nhau. Cả hai đứa cùng cố để không buột miệng nói với nhau lời nào. Có thể cả hai cùng sợ nghe được chính tiếng nói của mình. Hoặc giả, tiếng nói vô tình kia sẽ làm mất một cái gì thiêng liêng mà mỏnh manh vừa thắp lên giữa hai đứa?
Chương 8
“Tôi đã phạm tội vì nộp máu vô tội.”
Mt. 27.4.
Mùa thi tới sau khi tôi quyết định bỏ căn nhà đang thuê, để dọn về nơi chàng ở. Tôi không muốn chàng phải tốn kém cho hai nơi ở khác nhau, với một khoảng cách xa xôi diệu vợi như vậy. Bề gì tôi sau kỳ thi này, nếu đậu tôi sẽ ra trường. Tôi không thấy nhất thiết phải ở gần trường làm chi. Đằng nào thì chàng cũng phải đưa tôi đi học, đón tôi về. Căn nhà chàng đang ở tuy có xa trường học tôi thật đấy nhưng nó lại gần với văn phòng của chàng hơn. Đằng nào cũng vậy. Giảm được thời giờ bên này thì lại mất thì giờ bên kia. Thêm nữa, tôi không thể nào sống xa Cảo dù chỉ một đêm. Sau lần Cảo đau, mặc nhiên chúng tôi đã là một. Sau lần Cảo đau, mặc nhiên chúng tôi không còn là hai. Ít ra Cảo cũng thuộc về tôi cho tới ngày vợ con chàng ở Việt Nam, có giấy xuất cảnh, đoàn tụ với chàng ở đây. Tôi không chịu nổi những đêm ở một mình và tôi nghĩ chàng cũng thế. Trên một phương diện nào đó, thì chúng tôi đã là vợ chồng. Tôi muốn tự tay mình lo cho chàng không chỉ một bữa ăn sáng mà cả bữa cơm tối. Về phương diện nấu nướng, dường như tôi đã tiến bộ thấy rõ. Những chỉ dạy của chị Hảo về những món ăn bình thường, giúp tôi khá nhiều. Tôi lại đi hỏi thêm những người bạn Việt Nam, cùng lớp. Mỗi người dạy tôi một món. Mỗi người truyền lại cho tôi những kinh nghiệm bếp núc quý giá của họ. Tôi thấy việc nấu ăn không còn là cái gì khó khăn nữa. Chỉ cần có một tình yêu, chỉ cần có một tha thiết được chăm sóc, được tự tay làm lấy món ăn.
Còn tới một tuần nữa mới phải rời Houston đi Austin thi bằng hành nghề, vậy mà mỗi khi nghĩ tới lòng tôi đã quặn xót, cứ y như chuyến đi này là chuyến đi vĩnh biệt, chuyến đi cắt lìa tôi vĩnh viễn khỏi chàng. Cảo cũng nhận ra nỗi bồn chồn, bịn rịn của tôi, nên chàng chọc hoài. Một buổi tối khi thấy tôi mang giấy bút ra viết những thứ cần mang theo trong bốn ngày ở Austin, chàng nói:
“Chuyến này Thiện đi, ở nhà, nhỡ anh bị high fever rồi ai lo cho anh đây?”
Hai chữ “high fever” với chúng tôi mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Cái ý nghĩa rất thâm sâu, rất mặn nồng, rất vợ chồng giữa chúng tôi. Thậm chí nhiều khi tôi đang trong ca trực, Cảo điện thoại vào hỏi thăm xong kêu ầm lên “Thiện ơi, anh đang bị high fever...” Tôi biết chàng chỉ muốn chọc ghẹo đùa rỡn thôi, nhưng khi nghe tôi vẫn thấy sung sướng, cảm động, nóng ran cả người. Cái sung sướng cảm động đầy kỷ niệm, đầy thương yêu. Cái nóng ran của tình nghĩa, gối chăn chồng vợ. Nó làm tôi chỉ muốn bỏ hết công việc bay ngay về với Cảo.
Tuy nhiên, lúc tôi phải sửa soạn xa chàng thật sự thì, lời nói đùa của chàng không làm tôi nôn nả, không làm tôi náo nức mà chỉ khiến tôi buồn bã, lo lắng. Tôi không nghĩ chuyến đi mấy ngày của tôi là một mở đầu cho một thảm kịch, cho một đoạn lìa bất hạnh nào giữa tôi và chàng. Tôi không nghĩ khi tôi trở về, sẽ không còn Cảo. Nhưng chẳng hiểu sao, linh tính vẫn mơ hồ báo cho tôi biết, chuyến đi ngắn hạn của tôi sẽ dẫn tới những chuyến đi khác, dài lâu hơn.
Tôi ngừng bút, quay lại bảo Cảo:
“Thiện đã buồn. Anh không thương thì thôi. Lại còn chọc Thiện nữa. Thiện nghỉ chơi với anh bây giờ.”
Tôi nói với chàng và thực sự thấy tiếc những ngày còn đi học. Tôi nghĩ nếu đừng cố gắng quá, nếu cứ ì ra, nếu lười một chút, có khi lại tốt hơn cho hạnh phúc của mình. Trước phản ứng của tôi, trong những lần như vậy, bao giờ Cảo cũng bắt tôi ngừng tay. Bao giờ Cảo cũng kéo tôi ngã vào lòng chàng. Chàng muốn đánh tan những đám mây đen trong tâm hồn tôi bằng những “cơn sốt” của chàng.
Dù né tránh cách nào, dù cho chàng có tế nhị đến đâu thì ngày thi của tôi cũng đến. Buổi chiều, Cảo nghỉ làm việc. Chàng ở nhà phụ tôi thu xếp những thứ cần thiết, dồn vào một chiếc valise. Chàng đưa tôi ra sân bay thật sớm. Hai đứa ngồi với nhau ở phòng đợi. Chàng hút thuốc liền tay. Tôi nghĩ có thể chính Cão cũng không được bình tĩnh lắm. Chàng chỉ làm bộ cứng rắn để giúp trấn an tôi mà thôi.
Trước khi lên máy bay, Cảo nhắc tôi đủ thứ. Chàng có làm như tôi là một đứa trẻ con lần đầu tiên phải xa gia đình. Chàng làm tôi vừa cảm động lại vừa bùi ngùi thương Cảo.
Vừa tới nơi, tìm xong chỗ ở trọ, tôi gọi điện thoại cho chàng hay. Chương trình thi chính thức có hai ngày rưỡi. Tôi nói, nếu thi xong sớm, có người về Houston bằng xe, tôi sẽ quá giang họ về. Đi mất mấy tiếng có mệt thiệt nhưng vẫn hơn phải ngủ lại ở Austin thêm một đêm nữa. Cảo đồng ý. Chàng bảo, bỏ vé máy bay chuyến về cũng không sao. Miễn chúng ta thấy được mắt nhau, dù một giờ cũng là vô giá. Nói chuyện với Cảo gần một tiếng đồng hồ, tôi tìm lại được cho tâm hồn sự bình an cần thiết. Cảo bảo tôi đi nghỉ sớm, không ngủ được thì ôn bài. Chàng không muốn tôi gọi chàng nhiều sợ sẽ bị chia trí. Trước khi gác máy, tôi còn dặn vói chàng một câu. Tôi bảo “Thiện không bằng lòng cho anh Cảo bị “high fever” trong lúc Thiện ở xa đó nghe”. Cảo cười ròn bên kia đầu máy. Chàng nghiêm trọng “thề” sẽ không bao giờ “lên cơn sốt” khi không có tôi ở cạnh. Tôi an lòng được một lúc rồi bồn chồn, lo lắng ngay. Hay linh tính muốn báo cho tôi biết trước một điều gì?
Tôi thầm mong lần này linh tính tôi sai. Nó chỉ dọa nạt cho tôi sợ thiệt.
Như dự tính, buổi thi thực tập, tôi bốc thăm trúng một đề tài hơi khó. Nó đòi hỏi sự hiểu biết và khéo tay. Bù lại, thời gian bỏ ra không lâu. Tôi làm gọn gàng, suông sẻ. Thế là xong, tôi nghĩ. Kỳ thi lấy bằng hành nghề, thực ra không đến như lời đồn đãi. Đêm trước, tôi đã hẹn với chị Khương cùng lớp, nếu xong sớm, chị cho tôi quá giang xe của chị về Houston bằng đường bộ cùng với chị. Chị Khương ô kê.
Ra khỏi phòng thi, tôi đứng ngoài hành lang chờ chị đón. Buổi trưa đẹp và ngon như một miếng bánh bông lan trắng phau phau với những con cò trắng từ con sông vắt ngang thành phố, bay lạc về. Chúng đậu trên các trụ đèn thấp trong khuôn viên, xù lông nghiêng đầu che nắng ấm. Chốc chốc gió đẩy nhẹ những chiếc lá bã đậu to bản lướt trên mặt đường nhựa, hay chao nghiêng giữa khoảng trời xanh, làm cho một hai chú cò nhát gan mở cánh, xếp cẳng bay lên... Người ta nói Austin là thành phố của những người yêu nhau, chiếc võng đưa của những lãng mạn thân ái, tôi cũng cho đúng. Con sông Austin lúc nào cũng là nơi hò hẹn của những cặp tình nhân. Nó cũng là “nhân chứng” cho những lời thề non hẹn biển và, đồng thời cũng làm chứng cho những chia ly, mất mát.

Tôi nghĩ nếu Austin là một thiếu nữ đài cát, tóc dài, kín đáo mà thơ mộng một cách đằm thắm, quyến rũ bao nhiêu, thì Houston là một người đàn bà nhà quê, dị hợm với những lớp quần áo tưa rách, chắp vá chằng chịt bấy nhiêu. Vẻ tỉnh lỵ của Houston không che dấu được dẫn cho bên cạnh những con đường lỡ loét, những xa lộ mọc thêm, những vòng đai mới bó rọ, những dải cầu chồng chất lên nhau, là những tòa nhà kính chọc trời, những khu lọc dầu suốt ngày phun khói hoặc bập bùng lửa ngọn. Dù có thoa trét lên mặt mình bao nhiêu lớp phấn son, thì Houston cũng vẫn lồ lộ cái đỏm dáng học đòi, bắt chước một cách vụng về. Vẻ đẹp của Houston nằm nơi những mộc mạc, những da trần dám nắng và những chân đất lem lấm bụi đỏ. Đấy là cái mặt đáng yêu nhất của Houston. Đấy là cái nhan sắc thật “trời cho” của thành phố này. Và tôi yêu nó, như tôi yêu Cảo. Như tôi yêu chính tôi vậy.
Tôi định về tới Houston, tôi sẽ kể cho Cảo nghe những ý nghĩ “nặng phần thơ phú” của mình. Tôi nghĩ chắc Cảo sẽ thích lắm. Cảo sẽ cười tít mắt hay chàng sẽ mơ màng, tuồng như lắng nghe dòng sông Austin nước chảy đôi bờ, lắng nghe tiếng lá bã đậu chạy trên hè phố, hoặc hình dung bóng cò trắng xếp chân, soải cánh bay lên, lên mãi, làm thành một chấm trắng, như nhúm bông gòn lơ lửng không tan giữa khoảng trời xanh... Tâm hồn Cảo rất cũng nhẹ bâng. Tâm hồn Cảo cũng tựa nhúm bông trắng không tan giữa trời tôi xanh miết. Tôi yêu biết bao cái thi sĩ rất mực trong tâm hồn chàng.
Nghĩ tới Cảo, tôi lại nghe ruột gan cồn cào nhớ nhung, khao khát thấy mặt nhau, được nằm trong vòng tay của nhau tựa lòng tôi bỗng dưng bị xát chà bởi cả một khối muối ớt đỏ ké. Tôi lấy tấm thiệp mua được trong buổi chiều dạo downtown Austin, kê lên mặ tường, viết cho Cảo mấy chữ. Tôi viết:
“Anh ơi ờ! Thiện đây. Thiện và Austin và con sông bên tay trái, và con cò bên tay phải (đã bay mất tiêu) đang cùng nhớ anh. Nhớ anh, như thể nếu lóc bỏ khỏi em nỗi nhớ này, thì đời sống em, chỉ còn là một con chó nhồi bông, vô cảm. Gửi anh bài thơ “I Miss You” của Cathy Lynn Oaks. Cơn sốt, High Fever của anh, sẽ về bên anh, trước khi thơ của Oaks tới. Bằng lòng không?”
Tôi đọc lại bài thơ trước khi bỏ phong bì, gửi cho chàng. Bài thơ có những đoạn thật đáng mê như:
“I sit remembering all we’ve shared,
dreaming of all that we will be,
and crying a tear for every minute
we are apart.
Though somewhere
in the loneliness,
somewhere in the emptyness,
I find myself feeling very loved,
and I realize that
it’s not the loving that hurts so much…
it’s being without you.
Tôi mỉm cười một mình, bỏ tấm thiệp vào phong bì vừa lúc chị Khương từ phòng thi bước ra. Chị nhìn tôi bằng đôi mắt chọc ghẹo:
“Gớm! Gì vậy? Thư cho chàng phải không?”
Tôi ấp úng:
“Dạ không.”
“Lại còn dấu? Đấy là mới xa nhau có một hai ngày đấy.”
Tôi nóng ra hai vành tai:
“Thiệt mà chị Khương. Thiện chả nói dối đâu.”
Thiện nào biết nói dối anh bao giờ đâu, phải không Cảo?
Tôi về tới Houston vừa hay trời xẩm tối. Hàng phố đã lên đèn. Bãi đậu xe chung của khu apartment đã đầy xe. Mọi người đi làm về. Tôi bước xuống, cảm ơn chị Khương, chúc kỳ thi này chị thi đậu xong liếc tìm xe của Cảo. Chỗ đậu có ghi số của chúng tôi còn trống. Tôi khấp khởi mừng nghĩ Cảo còn ở văn phòng. Tôi sẽ gọi điện thoại cho chàng, nói tôi đang ở trong cái “tổ chim” của hai đứa. Chắc chắn chàng sẽ ngạc nhiên vô cùng, Đêm qua điện thoại về, tôi còn bảo ngày mốt nhớ đi đón tôi. Tôi muốn dành cho chàng sự bất ngờ to lớn hơn bất cứ một vui mừng nào khác.
Niềm vui bồng bồng như khói bốc lên trong huyết quản, mỗi bước tôi nhảy tới hai ba bậc thang. Dường như nếu tôi không nhảy nhanh, nhảy cao, có thể niềm vui sẽ phá vỡ lồng ngực tôi, và khi chàng về tới, tôi sẽ chỉ còn là một cái xác không hồn. Một cái xác còn ấm áp và tươi rói niềm hân hoan. Mở rộng cánh cửa, tôi vất valise giữa nhà, ôm ngực thở. Tôi tham lam hít đầy buồng phổi mùi hơi quen thuộc của căn nhà. Mùi quần áo cũ, mùi dầu mỡ, mùi thức ăn để quá ngày, mùi chàng, mùi tôi, mùi hai đứa. Tôi chạy a vào phòng ngủ... như đứa nhỏ đi học về xục xạo tìm mẹ. Tôi biết chàng không có nhà chứ. Nhưng tôi vẫn muốn ào vào. Nhưng tôi vẫn muốn được bước vào, được ở giữa nó, dù chỉ sớm hơn một vài giây. Tôi thấy trên chiếc end table dưới chụp đèn ngủ, tấm ảnh bán thân của tôi đang cười toe. Tôi thấy bên cạnh, khung ảnh, chàng cũng cười toe. Tôi nhìn trân trối... như mới thấy lần thứ nhất không bằng. Tôi ném mình xuống chiếc giường quen thuộc. Tôi lính quýnh bấm điện thoại cho chàng. Chuông reo. Chàng có ngay đầu dây. Tôi thì thào: “Anh. Thiện đây. Thiện đang bị high fever...” Chàng la hoảng: “Ở đâu? Thiện đang ở đâu?” Tôi đáp thật nhỏ, tuồng sợ phải nghe được chính tiếng nói của mình “Ở nhà. Trong phòng của chúng ta”.
Tôi buông điện thoại, lăn trên giường. Úp mặt mình lên mặt gối đầy mùi Cảo.
Mùi da thịt của Cảo như thuốc mê đối với tôi. Bất cứ lúc nào được thở hít mùi chàng, tôi cũng đều thấy mình muốn ngủ. Đôi mắt tôi díu lại. Thần trí tôi từ từ nhẹ hều rồi bay đi mất tiêu. Tôi chìm vào giấc ngủ.
Tôi ngủ liền một khi không đợi chàng về. Có lẽ những ngày thi làm đầu óc tôi căng thẳng. Cũng có thể đường dài, ngồi xe lâu không quen làm tôi ngầy ngật muốn sốt. Tôi thực sự ớn lạnh, muốn sốt.
Chương 9
“Đương lúc họ ăn, thì Đức Jêsu cầm lấy bánh và sau khi đọc lời chúc tụng đã bẻ ra, ban cho họ. Ngài nói: Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình ta.”
Mt. 26.26.
Tôi nghe ê ẩm, lười biếng như một người ốm lâu ngày. Khắp thân thể tôi dường như có những đàn kiến bò dọc ngang. Nắng lên cao. Cảo đã đi làm. Tôi nằm nán, nghiêng mình ngó vào khung cửa sổ. Chùm lá sung nhảy múa như cũng reo mừng với nắng ấm. Vài con chim đuôi dài, ức đỏ nhảy nhót. Lâu lâu chúng lại im lặng, ghếch mỏ ngó vào phòng. Tôi muốn nhỏm dậy nhìn cho kỹ nhưng tay chân tôi cứng đơ. Mọi cử động đều khó khăn, tựa đã tê liệt. Đêm qua, khi Cảo về, tôi cũng không dậy nổi. Cảo phải nhấc đầu tôi lên. Chàng đặt tôi lên đùi chàng. Chàng vỗ về, chàng hôn tôi ướt nhẹp khắp mặt. Tôi nhớ tôi bảo chàng tôi muốn đau. Tôi muốn sốt. Sốt thật sự chứ không phải sốt giả bộ. Tôi nói: “Thiện muốn ốm rồi anh ơi? Không phải high fever đâu. Anh đừng nghĩ bậy”. Cảo gật đầu. Chàng có những lúc thật hiền lành, chất phác. Tôi nói nhiều phần trăm sẽ đậu. Nhưng điều đó không phải là điều tôi thực sự muốn kể. Điều thực sự muốn khoe với chàng, là điều khác. Điều tôi cảm thấy, tuy không chắc chắn. Điều khó nói. Nó còn khó hơn cái lần đầu tiên, tôi víu đầu chàng xuống, để nói thầm vào tai chàng rằng tôi yêu chàng. Điều này, kỳ lắm. Chẳng biết Cảo có muốn, có thích sau khi nghe. Điều tôi không chờ đợi, thú thật là tôi không chờ đợi, tôi đã tránh, đã chuẩn bị rất chu đáo để nó không xảy ra. Vậy mà nó đang hay xảy ra. Tôi xin Cảo cho tôi một tô cháo thật nóng. Cảo bón tôi từng thìa cháo nhỏ. Nằm trên đùi chàng, được chàng chăm chút, tôi hạnh phúc và thấy tự tin hơn. Ăn xong, hai đứa nằm ôm nhau. Tôi rúc vào nách chàng. Định nói cho chàng biết cái cảm giác hay sự nghi ngờ mới xảy đến trong cơ thể tôi. Nhưng lần nào định nói thì, lần đó, không may, lại bị chàng chặn lại bởi những nụ hôn tham lam, cuồng nhiệt của chàng. Rồi dự định của tôi như những hạt cát mất tiêu trong biển cát thương yêu, ân ái. Cảo thức dậy trong tôi cơn sốt trên trăm độ. Cảo thức dậy trong tôi trận high fever. Cảo nghiến nát tôi. Tôi mất tích trong chàng. Tôi mất tích trong tôi...
Bây giờ nằm lại trong căn phòng, tôi lại nghe cơ thể có những biến chuyển lạ lẫm. Tôi nghĩ có dễ mình mang bầu. Có dễ tôi có thai? Kỳ thật. Làm sao có thể mang bầu được khi hàng tháng tôi vẫn uống thuốc đều. Vậy thì tại sao tôi bị chậm? Tháng này tôi chưa có. Tôi bị chậm. Đã hơn mười ngày. Tình trạng này thật khó hiểu. Hiện tượng thật đáng nghi ngờ. Tôi biết cơ thể tôi, rất bình thường, rất khỏe mạnh. Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của tôi rất đều đặn, chính xác từ hồi nào giờ.
Có thể những ngày qua tôi bị giao động, hoang mang vì kỳ thi. Sự bất thường tâm trí, lo nghĩ thái quá cũng có thể làm máu huyết bị lệch lạc đi chăng? Tôi mong là như vậy. Nhưng ngược lại, giả thử có? Giả thử thuốc không hiệu nghiệm? Làm sao biết được. Cũng có khi thuốc không hiệu quả, dù họa hiếm. Tôi nằm im, tự trả lời tất cả mọi câu hỏi của mình. Tôi tự hỏi, có nên nói với Cảo? Có nên kể chàng nghe? Có nên. Câu hỏi lập lại hoài trong óc như hồi chuông cứ ngân nga không dứt. Những hồi chuông hạnh phúc và xấu hổ. Hoang mang và tuyệt vọng.
Nắng rời bỏ những cành sung mang theo những con chim đuôi dài ức đỏ khỏi khung cửa sổ. Tôi nhắm mắt, xua đuổi mọi ý nghĩ để chỉ còn những đợt sóng không đều vỗ vào rồi lại rút ra khỏi cơ thể tôi. Những đợt sóng mệt mỏi, uể oải... cho cảm giác buồn nôn, lợm giọng.
Tôi lại rơi hẫng vào giấc ngủ mệt, đẫm mồ hôi. Trong giấc mơ, tôi thấy tôi nhận được giấy báo thi rớt cùng lúc với thư của vợ Cảo, ở Việt Nam, gửi cho chàng. Lá thư cũng buồn bã như nỗi buồn bã của tôi. Trong thư, An trách Cảo cả năm qua không hề có một dòng chữ nào cho nàng và cho các con. Tôi choàng tỉnh dậy, cảm giác nghẹt thở bởi một bàn tay nào rất to, chẹn ngang cổ. Tôi nghe lạnh dưới lưng. Toàn thân tôi mồ hôi tươm tướt. Tôi bước vào phòng tắm. Nước ấm giúp tôi tỉnh dần. Tôi chỉ còn nghe chĩu nặng ở đâu đó, từng phần, từng nơi, như đầu và ngực.
Tôi xuống bếp, dọn dẹp, định làm một vài món gì đó cho Cảo. Nghe chóng mặt, tôi ngồi xuống chiếc ghế nơi bàn ăn. Tôi nhìn mảnh giấy Cảo để giữa bàn, được chặn bởi chai nước tương. Tôi cầm lên đọc. Cảo để lại cho tôi cái note. Chàng dặn tôi hâm lại nồi cháo. Cố ăn một chút cho đỡ mệt. Trưa chàng về sớm, cho tôi xuống phố. Cuối cái nốt, chàng bảo cảm ơn cơn sốt đêm qua của tôi. Tôi cười một mình, nghe lòng ấm tựa được ngồi bên cạnh lò sưởi sau những giờ lội mưa.
Tiện tay, tôi vói lấy xấp thư để trong giá thư. Đa số là những thư quảng cáo, dụ mua hàng. Tôi chỉ có một lá thư của trường, báo cho biết tình trạng financing của quarter vừa qua. Vừa định loại bỏ những lá thư không cần thiết, vứt vào thùng rác thì một trang giấy học trò có kẻ ô mầu nâu đục rơi xuống. Tôi nhặt lên xem. Thư của con chàng. Mỗi nét chữ của con bé là một nhát dao lạnh lùng chém xuống tim tôi. Không biết con bé bao nhiêu tuổi nhưng lời lẽ trong thư rất chững chạc, ý tứ. Con bé cho biết mẹ nó, tức vợ chàng đã hoàn tất thủ tục phỏng vấn. Gia đình đã dọn hết về Sàigòn. Chỉ còn chờ giấy báo đóng tiền, lên list máy bay thôi. Cuối thư con nhỏ nhắc nhở Cảo cần giữ gìn sức khỏe bởi chàng là chiếc phao hy vọng duy nhất mà bao nhiêu mạng sống lay lắt bám vào. Nó cũng cầu nguyện Chúa giúp cho cha con sớm được thấy lại nhau.
Tôi nhét lá thư vào giữa đống thư quảng cáo, đặt vào giá thư như cũ. Cái cảm giác nhói buốt tan nhanh. Tôi bỗng thấy mình dào dạt sức mạnh. Chỉ trong vòng vài phút mà, tôi đã như một người khác. Tôi đứng lên, vào bếp rửa hết đống chén bát trong sink. Vừa làm tôi vừa nghe nước mắt chảy xuống mà rồi xuống ngực. Lạ một điều, tôi biết những hạt lệ kia lăn đi từ đôi mắt tôi. Vậy mà mặt khác, tôi lại không cảm thấy một xúc động, một đau đớn nào. Cứ y như nó là nước mắt của một người không phải là tôi. Có thể con người kia trong tôi đã biết nó phải làm gì!
Chương 10
“Ngài nói: Abba, lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cất chén đắng này khỏi con; nhưng không phải điều con muốn mà là điều Cha muốn.”
Mc. 14.35.
Những chuyến bay cuối cùng đã rời phi trường Hobby. Cả khu phi trường chỉ còn lại những ngọn đèn vàng yếu. Những tầng lầu vắng hoe. Những phòng đợi thẳng tắp hàng hàng ghế đợi. Một vài người có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, kiểm soát cầm trong tay những chùm chìa khóa lớn, thong thả đi lại tựa dạo chơi hay đang đắm chìm trong một suy tính mung lung nào đó.
Cảo ngồi gác chân lên thành tường kính. Chàng hút thuốc liên miên. Chuyến bay tới, mới thả ra ít khách muộn. Đa số là những người già. Chuyến bay kế tiếp về Seatlle đã lên bảng. Sau quầy vé, cô tiếp khách đại diện hãng máy bay thu dọn giấy tờ, lâu lâu lại đưa tay che miệng ngáp. Mọi quầy hàng đã thả xuống những tấm lưới sắt. Chỉ còn một căn snack bar mở hé. Những người lao công lạnh, lơ đãng làm nốt công việc của mình. Phi đạo trống. Sương mù dâng lên như từ dưới thấp, đang nuốt mất một phần cảnh vật. Chúng tôi cố gắng tránh những lời nói thừa. Khuôn mặt Cảo chợt nhăn nhúm như vừa mới bị một luồng điện chạy qua. Chàng thở dài:
“Cho anh gửi lời thăm ba má và tụi nhỏ.”
Tôi gật đầu lơ đãng nhìn người đàn bà hớt hơ hớt hải từ xa tới. Nàng ngồi xuống chiếc ghế có ống gạt tàn thuốc lá bằng nhôm trắng. Ngọn lửa héo hắt soi khuôn mặt nàng cũng héo hắt. Điều gì tới đã tới. Cái ý nghĩ này đã làm tôi buồn thảm biết bao.
Chẳng điều biết trước nào giúp ta khá hơn, một khi nó xảy tới.
Đó là ý nghĩ tôi đã nói đêm qua với Cảo. “Như khi Thiện yêu anh.”
Đêm qua, Cảo cũng ngồi như thế này. Khác chăng chàng dựa vào vách tường. Chúng tôi đã nói được với nhau, điều tưởng không bao giờ nói được. Tôi nhận được thư của má tôi, báo tin ông cụ bị đụng xe. Phải ở nhà dưỡng bệnh. Các em tôi, có đứa dự tính bỏ học, tìm việc làm, để giữ lại căn nhà. Má tôi viết “gia đình rất cần con”. Tôi hiểu, cuộc đời là những nương tựa rờ rẫm, đôi khi mang ý nghĩa của những hy sinh tối tăm. Gia đình cần tôi, như An và các con của Cảo, cần chàng. Tôi hiểu. Như mùa mưa đang trở lại trong thành phố này. Rồi những ngày mưa sẽ lại đi qua. Đường phố sẽ sạch bóng như được quết bởi một lớp sơn mới. Lớp sơn mang tên thời gian và niềm lãng quên. Ai cũng phải sống. Tôi nhớ Mẹ Bề Trên. Tôi nhớ bà quay quắt. Nhớ những lời an ủi, nhắn nhủ dịu dàng. Nhớ bà bảo “... bất cứ kẻ nào tự làm tốt lấy chính mình, thiết tha và chân thực trong nỗ lực giúp người yếu kém thì cũng giống như vai trò của một tu sĩ...”
Tôi biết mình chỉ có thể làm được một trong hai điều bà dạy. Điều chân thực giúp cho người yếu kém. Nói cách khác, tôi muốn hy sinh tôi cho An, cho những đứa con của chàng bên kia biển. Những con người tôi chưa biết mặt. Những con người cũng một hình hài, một trái tim như tôi. Tôi muốn được hy sinh cho họ. Tôi làm được vế thứ hai. Nhưng còn vế thứ nhất? Thành thật mà nói, tôi không làm được. Tôi không tự làm tốt lấy mình. Nếu không có lá thư của con chàng mà tôi tình cờ nhặt được. Phải chi tôi đừng nhặt lá thư đó. Phải chi tôi có thai với chàng. Liệu tôi có làm tốt, có hy sinh được chăng? Ai trả lời có, tôi không biết. Cá nhân tôi, là không.
Ngay hôm nhận được thư của bà cụ, tôi điện thoại về nhà. Tôi nói sẽ lấy chuyến bay sớm nhất. Tôi sẽ trở về. Tôi sẽ có mặt bên cạnh mọi người. Lúc buông máy xuống, tôi cũng hiểu ngay, khi tôi có mặt ở nơi đó, thì cũng là lúc tôi không có mặt ở nơi này. Cảo để rơi tờ báo trên tay xuống thảm. Tôi chỉ kịp nhìn thấy lúc chàng luống cuống cúi nhặt.
Lẽ ra chàng phải biết chuyện phải đến đó. Vấn đề chỉ là thời gian. Chúng tôi đã có một đêm nói chuyện với nhau. Rất thẳng thắn. Rất thành thực và đầy tự trọng.
Chàng bảo tôi đã học xong, đã có bằng hành nghề. Chàng thấy an tâm, chàng thấy mãn nguyện lắm rồi. Bây giờ là lúc tôi cần lo cho kẻ khác. Còn chàng? Chàng không cần. Đúng hơn, chàng cần tôi chứ. Cần lắm. Cần cho phần tâm linh. Cần cho phần trái tim. Bởi vì, chàng bảo: “tự lúc nào không biết, anh và Thiện chỉ còn một trái tim duy nhất. Chúng ta đã chia nhau trái tim ấy”. Tôi gật đầu. Chàng nói đúng. Mặc nhiên, tôi và chàng, đã chung một trái tim.
Nhưng, chàng nói, đời sống của mỗi con người không chỉ là đời sống của trái tim, dù cho người ta có chung nhau. Đời sống còn làm thành bởi những bổn phận, những trách nhiệm. Chính nhờ cái phần bổn phận hay trách nhiệm này mà đời sống con người trở nên cao quý hơn, ý nghĩa hơn. Thiếu một trong hai, là đời sống tàn tật. Là handicap. Thực sự handicap.
Chàng bảo đã tới lúc chàng phải chạm mặt với trách nhiệm. Trách nhiệm bảo lãnh vợ và các con. Tôi nói, tôi hiểu. Tôi thông cảm, tôi chia xẻ hoàn toàn với chàng. Tôi bảo nếu chàng không làm giấy tờ bảo lãnh họ thì, chính tôi cũng sẽ nhắc nhở chàng làm việc ấy. Tôi nói rất chân thành (một cách đau đớn) rằng “Thiện cảm thấy vinh dự được sống với anh một thời gian. Việc làm của anh làm Thiện hãnh diện, không ân hận.”
Tôi tin Cảo không một chút nghi ngờ trước bày tỏ này. Cũng như tôi tin, Cảo sẽ tha thứ tất cả mọi sai quấy cho tôi, trong thời gian chung sống với nhau. Tôi cũng xin Cảo tha lỗi cho sự yếu lòng của tôi. Tôi nói, nếu tôi không yếu lòng, nếu tôi giữ được trái tim mình không mềm yếu quá... chắc chúng tôi đã không có những ngày, như những ngày vừa. Cảo không cho tôi nói hết ý tưởng của mình. Chàng đưa tay bịt miệng tôi. Chàng bảo “nếu phải có một lời thú nhận nào đó thì, người nói phải là chính chàng. Không phải tôi...” Cảo nhấn mạnh “điều quan trọng là khi xa nhau, thâm tâm, ta tự biết đã không có một điều gì xấu hổ với chính mình. Điều quan trọng là trước nhan Chúa, chúng ta trong sạch như giọt nước thứ nhất. Như khi chúng ta được sinh ra, trong mắt nhìn thương yêu của Ngài”.
Suốt đêm nói chuyện với nhau, không thiếu những lần cả hai đứa chảy nước mắt. Lúc đứa này lau nước mắt đứa kia. Lúc đứa kia an ủi, khích lệ tinh thần đứa nọ. Cũng có lúc cả hai đứa cùng khóc. Đó là lúc không đứa nào còn đủ bình tĩnh lau nước mắt cho nhau nữa. Mỗi đứa, tự bưng lấy mặt mình, như bưng lấy nửa trái tim mà nó đang gìn giữ.

Với sự tha thứ trước của chàng, tôi xin lỗi chàng trong mấy năm chung sống với nhau, tôi đã chỉ cho ba má biết mặt chàng là một ân nhân, giúp đỡ tôi từ tinh thần đến vật chất... Mà, tôi không kể tôi với chàng đã chung sống đời sống vợ chồng với nhau. Tôi không kể với gia đình, tôi đã cho chàng đời con gái của tôi. Với sự tha thứ trước của chàng, tôi nói, nhưng thế nào cũng sẽ có một ngày, bí mật cuối cùng ở trong tôi sẽ được phơi bày một cách thẳng thắn với ba má... Đó là ngày có một người đàn ông định lấy tôi làm vợ. Đó là ngày tôi sẽ nói với ba má tôi trước nhất và sau đấy là người đàn ông kia, nếu có. Cảo hỏi lại tôi, có cần thiết chăng? Có nên chăng? Để làm gì? Tôi đáp cần lắm chứ. Nên lắm chứ. Nếu ta phủ nhận chính ta, thì ta có còn là ta nữa không? Nếu ta phủ nhận cái phần đời sống quan trọng của ta, làm nên ta ngày hôm nay, thì, ta và con vật khác nhau chỗ nào? Không có khinh bỉ nào ghê gớm hơn sự khinh bỉ chính mình. Tôi nói.
Bây giờ ngồi đây. Hai đứa, như hai hòn đảo, như hai vũ trụ xa lạ, chỉ tiếp cận mà không hòa nhập? Tôi chua xót, nhiều lần lén nhìn Cảo. Không biết những gì sẽ chờ tôi ở cuối đường bay? Không biết tôi có còn nhìn thấy mặt chàng? Không biết tôi có còn giữ được thói quen mỗi ngày viết cho chàng một cái note, như một lá thư nhỏ, những lúc ở với chàng cũng như những lúc xa chàng? Không ai biết được ngày mai. Không ai biết được giờ sắp tới. Chỉ biết sẽ không còn ai cho tôi những cái note như những lá thư nhỏ, những lượng dưỡng khí, những khoảng trời xanh, bé, nhỏ nhoi, nhưng cần thiết cho tôi thấy cuộc đời còn đáng sống.
Bây giờ ngồi đây, tôi chỉ mong chuyến bay được hủy bỏ hoặc hoãn lại vì lý do thời tiết. Tôi sẽ xách valise trở về căn nhà tôi đã sống. Tôi sẽ được chui vào cái ổ chuột của hai đứa trong nhiều năm qua. Tôi mong. Tôi ao ước. Tôi thèm khát. Nhưng tôi không hành động. Tôi không tích cực. Tôi không tự chủ. Tôi chờ chàng quyết định. Tôi muốn chàng quyết định. Nói đi. Nói với Thiện đi, Cảo. Hãy bảo Thiện, đứng lên. Ta về nhà. Hãy bảo Thiện, anh yêu em. Anh muốn sốt. High fever. Nói đi. Nói cho Thiện muốn sốt theo.
Chuyến bay Seattle khởi sự. Hành khách vào cửa. Chưa tới mười người. Tôi là người cuối cùng chui vào cái cửa đó. Người nữ tiếp viên hàng không chỉ chờ có thế, để khép cửa phi cơ. Tôi không nhìn lại. Cảo còn đó. Ở đầu hành lang. Tôi biết chứ. Nhưng quay lại để làm gì? Nếu được, hãy khóc. Khóc đi con.
Chương 11
“Và Ngài bảo họ: Hồn ta buồn phiền quá đổi, muốn chết được. Các ngươi hãy ở lại đây và canh thức.”
Mc. 14.34.
Tôi trở lại Houston, như một người khách lạ. Thành phố vẫn như xưa. Xa lộ tiếp tục được mở thêm với tất cả sự dở dang, như một trong những dấu hiệu đặc biệt nhất của nó. Những ngày nắng hiếm hoi vẫn chen kẽ ngày mưa dầm. Tôi có trong tâm hồn cái xúc động của người trở lại quê cũ cùng lúc với cảm giác vĩnh viễn chia tay, trên máy bay tôi nghĩ vậy. Tôi chỉ thông báo cho Cảo ba ngày trước khi lên máy bay. Tôi không muốn Cảo cản trở quyết định của tôi. Cũng chẳng còn được bao ngày sống với nhau. Sau chuyến đi này, tôi là một người đàn bà có chồng. Chính thức có chồng. Chồng tôi là Phong, con trai một người bạn cũ của ba má tôi. Tôi cho Phong biết tất cả mọi chuyện về quá khứ mình. Tôi nói với Phong về Cảo. Tôi cũng nói thật với ba má tôi, những gì họ không biết trong tương qua giữa chúng tôi. Phong nghe xong, im lặng. Chàng có cái vẻ đạo mạo kính cẩn của một người lắng nghe một câu chuyện đau buồn, thảm khốc. Tôi bảo “đấy, em đã nói hết. Phần anh, em nghĩ chẳng có gì phải nói. Hơn nữa, em cũng không thấy cần thiết phải nghe.” Rồi tôi nhấn mạnh, hai tuần sau, chúng ta gặp lại nhau. Tôi nghĩ Phong cũng cần thời gian để suy nghĩ, tôi muốn vậy. Tôi xin phép ba má tôi cho tôi được rời khỏi Seattle trong hai tuần lễ. Tôi gọi đó là thời gian tĩnh tâm. Thời gian suy nghĩ, nhìn lại mình. Sau khi biết rõ chuyện tôi và Cảo, ba má tôi trầm lặng hẳn. Ông bà không nói gì, chỉ kín đáo theo dõi tôi, kín đáo buông những tiếng thở dài nhẹ nhẹ. Điều may mắn là lòng thương yêu và quý trọng nơi ông bà không vì thế mà sút giảm.
Tôi thấy Cảo ngay khi đi qua phần uốn vòng của cửa cuốn. Chàng vẫn như xưa, nếu không muốn nói là hơi xanh và ngơ ngác.
Tôi đưa valise cho chàng xách hộ. Chàng hỏi trong đó có những gì mà nặng thế. Tôi đùa “tất cả kho tàng của Thiện.”
Những lời đối đáp giữa chúng tôi, dù có là những câu nói đùa, nhưng hiển nhiên hai đứa chưa có được cái hồn nhiên thuở nào. Cảo âm u, xa vắng như bầu trời lúc nào cũng lẩn quất một cơn mưa. Tôi cũng chẳng còn cái hồn nhiên cũ. Mặc cảm phản bội, ý thức mất mát, là những con nước cứ vỗ hoài lên đôi bờ tâm hồn tôi bồi lở.
Cảo hỏi tôi có đói bụng không? Tôi nói đói nhưng không muốn đi đâu hết. Tôi bảo “Thiện chỉ muốn mọc cách để bay về căn nhà của mình. Cái ổ chuột của chúng ta.” Cảo mỉm cười gượng gạo.
Quả thật tôi đang ăn từng miếng bánh còn lại của chiếc bánh tình yêu đầu đời. Phần bánh mà tôi biết khi hết, sẽ không bao giờ còn có lại được nữa.
Về tới nhà, tôi thay quần áo, xăn tay xuống bếp dọn nhà bếp cho chàng. Tôi thấy tôi giống như con cá được trả lại vùng nước quen. Tôi hân hoan, tôi chân sáo, tôi nghe hồn mình líu lo muốn hát. Tôi lau bàn ăn bừa bộn thức ăn với những ly cà phê quẹo quánh và những lon coca lăn lóc. Tôi dọn lại chiếc bàn ở phòng khách bừa bãi sách báo. Tôi kê lại cái sofa, kéo lại cái tủ nhạc. Tôi cố tình để lại cái phòng ngủ. Tôi muốn dọn nó sau cùng. Tôi không đủ bình tĩnh bước vào nó dù rất muốn. Tôi sợ thấy những thay đổi bắt buộc sẽ có kể từ ngày tôi đã bỏ đi. Tôi không muốn thấy trên chiếc end table tấm ảnh bán thân của tôi cười toe, không còn. Thay vào đó, có thể là một bức ảnh khác. Không. Tôi muốn quay lưng lại nó. Lẩn tránh nó được lúc nào hay lúc đó. Bề gì, nơi chốn đó, tôi cũng đã có những ngày tháng là vợ chàng. Nhưng trốn chạy cách gì, cuối cùng tôi cũng phải bước vào. Vừa mở rộng cánh cửa, tim tôi đã thắt bóp. Tôi ngửi được nguyên vẹn mùi gối chăn, mùi ân ái, mùi tình nghĩa, mùi đêm thâu, mùi sớm mai, mùi hạnh phúc... Tôi bước vào. Ồ! Tôi muốn khóc. Tôi muốn khóc quá đi. Tôi quay lại tìm Cảo. Chàng đứng ngay sau lưng tôi. Tôi nhìn chàng. Nước mắt tôi tự động ứa ra. Tôi buột miệng “Cảm ơn Cảo. Thiện cảm ơn Cảo!” Tôi thấy rõ Cảo bối rối. Tim Cảo đập mạnh. Đôi cánh tay chàng run trên lưng tôi. Tôi ngửi được mùi chàng. Tôi ngửi được mùi thuốc lá. Cái mùi hơi làm tôi trằn trọc, làm tôi điên đảo những ngày xa nhau. Tôi khóc. Thành tiếng. Tôi đã nhìn thấy tận mắt tấm ảnh bán thân của tôi, đang cười toe, vẫn ở chỗ cũ. Vẫn nguyên vẹn đó, bức ảnh tôi. Vẫn nguyên vẹn đó, hình ảnh tôi. Chỉ khác chăng, cũng vị trí kia, cũng nụ cười nọ, nhưng nhác trông, giống như đó bức ảnh được đặt trên chiếc bàn thờ kê thấp.
Chương 12
“Nó nhỏ tí thua mọi thứ hạt giống, nhưng khi nó đã lớn lên thì nó to hơn rau cỏ mà thành một cây đến đổi chim trời đến nương náu trên cành nó.”
Mt. 13. 22.
Hai tuần lễ trôi qua như một chớp mắt. Mười bốn ngày tôi không ra khỏi nhà. Mười bốn ngày, chàng cũng chỉ ra khỏi nhà trong những lúc thật cần thiết. Thức ăn được dự trữ. Văn phòng giao cho người khác. Trước cửa nhà, chúng tôi treo tấm bảng “đi vắng”. Mỗi một ngày đi qua, tôi một bước gần hơn tới chiếc mộ huyệt chôn sống đời mình. Mỗi một ngày đi qua, Cảo không ngớt rót vào tai tôi “nếu thực sự thương anh, Thiện nên lấy Phong.” Hay chàng bảo “Lấy Phong, là Thiện yêu anh vậy.” Tôi nghĩ chàng không sung sướng khi nói câu này. Tôi biết chàng phải vận dụng tất cả sự cao thượng, hy sinh để trước sau chỉ nói với tôi, một câu như vậy. Tôi hiểu mình phải quyết định, Quyết định để cứu nhau. Quyết định để còn chàng, còn tôi nữa, trong tình yêu của chàng.
Trở về Seattle, tôi đồng ý đề nghị làm đám cưới thật gấp của Phong. Ba tôi điện thoại thông báo mọi chuyện với Cảo. Gia đình tôi muốn chàng hiện diện trong ngày cử hành hôn lễ. Tôi cũng vậy. Tôi bảo “đến với Thiện, lần cuối”. Cảo không hứa. Chàng nói, chàng chỉ xin lúc Cha làm thủ tục hỏi có phải tôi tự ý bằng lòng lấy Phong hay không thì tôi sẽ nhìn xuống cuối nhà thờ. “Có thể Thiện sẽ tìm thấy anh nơi sát cửa.”
Đêm cuối cùng nằm trong vòng tay chàng. Cảo đọc cho tôi nghe một bài thơ của ai đó. Giọng chàng có chỗ loãng đi, có chỗ không nghe rõ:
này, yêu dấu, em nhớ gì không nhỉ
những mùi cây cỏ mọc rã bên đường
đêm thơm ngát với chùm hoa dạ lý
nụ hôn nào đã ướp lá hương sen? 
này, yêu dấu, những mùa trăng quê cũ
những đêm nồng, chăn gối có hơi nhau
những mơ mòng nói nhỏ với... mai sau
những không thể..., nói riêng cùng cây cỏ 
ta thất chí đứng bên này bờ biển
ngóng chút tình còn sót lại bên kia
hồn tan vỡ từng miểng chai phụ rẫy
cắm lên tường kỷ niệm đã bong khô 
đời trôi dạt còn chút tình cố quốc
chết đem theo cho bớt tủi linh hồn. 
em cũng thế có vì cơm với áo
mai chia tay cố giữ lại cho mình
mai chia tay cố giữ lại chút tình
chút rực rỡ của dòng sông quê cũ
chút kiêu hãnh của một thời thiếu nữ
chút êm đềm của những sáng trong... mơ
chút mơ màng của những tối mưa, xưa
chút đau khổ vu vơ thời mới lớn
chút ngây dại của tình yêu vừa chớm
những con đường xanh mát lá me non
những bâng khuâng sánh bước với... u buồn
đến lớp học và ngồi chung một... góc 
những e ấp ngủ chung cùng mộng đẹp
những gọi thầm xấu hổ với... môi thơm
những rộn ràng dấu nhẹm dưới... chăn đơm
những tha thiết hiện thân thành cuống quýt... 
em cố giữ chút hồn con gái Việt
mai chia tay, ta gửi nốt cho người
mai chia tay, ta bước xuống cuộc đời
với tan nát từ đây: ngày... tháng... ấy. *
(*) “Di chúc cho một chia tan”, trong Thơ Tình, Du Tử Lê.
Hôm sau lên máy bay, mở ví kiếm thỏi son, tôi bắt gặp bài thơ mà Cảo đã đọc cho tôi nghe. Chữ chàng xiêu đổ. Bài thơ không ghi tên tác giả. Cuối trang giấy Cảo viết “quà cưới của Thiện”.
Chương 13
“Vì này là máu Ta, máu giao ước đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội.”
Mt. 26.28.
Người đàn ông đứng lên. Chàng vói tay tắt chiếc T.V. Hình ảnh người con gái trong hôn lễ ngoảnh hẳn mặt nhìn xuống cuối giáo đường giữa mắt nhìn ngơ ngác, kinh ngạc của Cha chủ tế và của những người tham dự. Ánh sáng không mất ngay trên mặt kính. Hình ảnh cũng thế. Nó nhạt đi thật từ từ.
Người đàn ông khoác vội lên người chiếc áo đi mưa. Chàng bước ra khỏi căn nhà. Trước khi bước xuống những bậc thang lộ thiên, anh treo lên nắm đấm của cửa chính tấm bảng có hai chữ “đi vắng” đã nhòe nhoẹt.
Du Tử Lê
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...