Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Những vấn đề hậu chiến trong tập truyện "Bất chợt mai vàng" của Nguyễn Trí Huân

Những vấn đề hậu chiến trong tập truyện
"Bất chợt mai vàng" của Nguyễn Trí Huân

Cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng dân tộc và liền đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc đã mỗi lúc một lùi xa. Công cuộc tái thiết đất nước trong cơ chế thị trường đã cuốn con người vào một hình thái đời sống khác hẳn với thời kỳ chiến tranh. Hàng vạn con người may mắn, không còn phải đối mặt với bom đạn, chết chóc, nhưng ra khỏi chiến tranh đó, ngay cả với tư cách là những người “bên thắng cuộc”, có người là anh hùng với nhiều công trạng, có người từng là kẻ hèn nhát trước bom đạn, sống sót trở về, có người ở lại hậu phương…không phải ai cũng nhẹ nhõm, bình yên, hạnh phúc trong đời sống hòa bình. Chiến thắng đã lo xong phần cơ bản, phần “đại cục” rất ngoạn mục, nhưng những “vết thương lòng” thì mỗi người một kiểu như những “cơn bão vẫn chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người” (Trần Đăng Khoa – Thơ tình người lính biển), và hình như càng lúc càng buốt tấy. Tập truyện (gồm 2 truyện vừa Bất chợt mai vàng và Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót) của Nguyễn Trí Huân giúp ta hiểu rõ điều này.
Trước hết là trường hợp của Phong trong truyện Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót. Với “thiên phú trận mạc trong tư duy” (Tr.123), ông từng bước trưởng thành trong chiến tranh. Là một chiến sỹ dũng cảm, mưu lược, căm thù giặc sâu sắc, ông đã cùng đồng đội đánh thắng nhiều trận với lối đánh vu hồi đặc biệt của riêng ông đã làm quân thù khiếp đảm trên chiến trường. Vốn là con trai của một cặp vợ chồng làm nghề mõ làng, bị quân Pháp giết bi thảm trong cuộc kháng chiến 9 năm, mười bảy tuổi Phong đã là một chiến sỹ du kích can đảm trong làng, rồi là đội phó đội Cải cách ruộng đất không khoan nhượng trong những cuộc đấu tố. Xuất thân từ một gia đình dưới đáy xã hội như vậy, lại thất học, cho nên gặp phải thời buổi sự cực đoan trong mỗi con người, trong xã hội được kích hoạt lên đến tầng nấc cao nhất, Phong hành động theo bản năng của lòng thù hận, thậm chí theo sự xui khiến của kẻ xấu, đã để lại hậu quả tai hại trên quê hương mình. Phong là “một thanh niên cốt cán của đội cải cách lúc nào cũng hừng hực, coi trời bằng vung” (Tr.107), “người làng…đều cảm thấy gờn gợn, ghê ghê, khi tới gần lão” (Tr. 109). Phong trả thù cho bố mẹ mình bằng cách tử hình những người bị quy thành phần “đạn xuyên vào đầu Tổng Quỳnh máu óc phọt ra nhỉ giọt xuống sàn chòi” (tr. 108), ông đấu tố quyết liệt với cả những người vốn là ân nhân của chính mình (cô Thuộc), tuyên bố từ bỏ Tổ tiên, dòng họ Phạm chỉ vì ông bác họ của mình bị nghi là quốc dân đảng, cho dù ông không hiểu quốc dân đảng là gì. Trước mắt ông, chỉ có Đội cải cách đang “thế thiên hành đạo” là trên hết, là tất cả. Với một “vị thế” như vậy ông nhập ngũ, và hiển nhiên lòng thù hận trong ông phát huy tác dụng trước kẻ thù xâm lược, từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Ông lập nhiều chiến công, và trở thành anh hùng Lực lượng vũ trang.
Trong mắt người đời Phong là người anh hùng thành đạt với một quá khứ rất đáng tự hào trên chiến trường. Nhưng trong mắt những người dân làng Hạ, Phong là cố nông nhẫn tâm, thất đức, “một thời đã gieo rắc nỗi khiếp hãi cho nhiều gia đình, dòng họ” (Tr. 131). Lời của ông Cài, trưởng họ: “Đến Tổ tiên, dòng họ nó còn từ bỏ thì anh hùng cái nỗi gì” (Tr.131). Phong “đo” được sự khinh bỉ ấy trong lòng người dân làng Hạ, nên ông không dám về làng. Ra quân, làm việc tại một cơ quan giữ các chức vụ quan trọng, nhưng tận sâu trong tâm khảm ông, Phong luôn sống trong mặc cảm tội lỗi, chưa bao giờ thanh thản, chưa bao giờ hết ân hận “Cả cuộc đời lão là một hành trình dài để gột rửa, cứu chuộc những lỗi lầm mà lão đã phạm phải trong cuộc cải cách ruộng đất đầy tai biến ấy” (Tr.92), cho dù đến khi đã luống tuổi, ông luôn muốn được “về thắp hương trên bàn thờ Tổ tiên của dòng họ, xin được tạ tội với cô Thuộc, với dân làng Hạ với những lỗi lầm không ý thức của lão thời gian xảy ra cuộc cải cách ruộng đất” (Tr.128).
Nhưng Phong không phải người xấu, có tâm địa độc ác. Để cứu chuộc những lỗi lầm quá khứ, những ngày còn lại ông luôn có ý thức giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là con em dòng họ Phạm, ông muốn sống vị tha, sống thật gần những người nghèo khổ, muốn gánh chịu sự thua thiệt, ông luôn muốn quay về với dòng họ, với làng xóm, nơi mà trong cơn say máu cải cách ruộng đất, ông tuyên bố từ bỏ. Trong quan hệ với Chính ủy, rồi bà vợ của Chính ủy, khi Chính ủy đột ngột hy sinh trên chiến trường phía bắc, ông hết sức ân cần quan tâm: “Những lúc bà ốm đau, lão lo thuốc thang, cơm cháo. Nhiều đêm thức trắng bên giường bệnh của bà. Ngược lại, khi lão ốm đau hoặc khi vết thương cũ tái phát, bà lại lật đật đến chăm sóc lão, còn hơn cả chăm sóc chồng” (Tr. 143). Nhưng họ vẫn giữ được khoảng cách thật cảm động. Có điều “con người ý thức” ấy của ông có vẻ đến khá muộn, cho nên dù cố gắng sống tốt bao nhiêu hình như vẫn không đủ. Và trong cuộc sống tình cảm riêng tư, sự giữ gìn khoảng cách mà ông cho là cần thiết với bà vợ ông Chính ủy đã quá cố, hình như vẫn thấp thoáng đâu đó mặc cảm của những ngày xưa. Rút cuộc, ông vẫn lẻ loi một thân một mình không vợ con trong căn hộ tồi tàn như một sự quả quyết lựa chọn, để tự chứng minh cho lòng tốt của ông, như muốn làm vơi nhẹ lỗi lầm quá khứ.
Bìa tập truyện “Bất chợt mai vàng”- Nguyễn Trí Huân.
Tuân trong Bất chợt mai vàng lại mang một nỗi ân hận khác. Vốn là giáo viên dạy văn, trong một gia đình “độc đinh”, dù đã lấy vợ mấy năm rồi nhưng anh chưa có con trai thừa tự. Vào chiến trường, Tuân rất sợ nếu phải chết khi chưa có con nối dõi. Tư tưởng ấy cùng với xuất thân là tiểu tư sản đã góp phần “điều chỉnh” hành vi của anh trước bom đạn. Anh sợ sệt cái chết luôn rình rập, anh tìm cách thoái thác nhiệm vụ nếu có thể. Luôn luôn trong  con người Tuân là ý nghĩ sẽ đào ngũ, chạy trốn cái chết. Tuân đơn phương tìm mọi cách để gần gũi Hương trong hoàn cảnh bom đạn chiến trường cũng vì hy vọng có thể Hương sẽ sinh cho anh con trai. Từ đó Tuân ghen tuông với Kháng, người mà Hương mến cảm vì lòng tốt cũng như sự dũng cảm của Kháng.
Những gì đến cuối cùng cũng đến. Đó là lần đơn vị nhận lệnh tập kích Đà Nẵng. Tuân đùn đẩy trách nhiệm, giả vờ ốm để không phải ra trận trong khi Kháng hăng hái thay Tuân lên đường quyết tâm lập công để chờ ngày kết nạp đảng. Trường hợp hy sinh đặc biệt với cái chết kinh hoàng của Kháng và hai chiến sỹ khác là nỗi khiếp sợ tạo thêm cơ hội để Tuân chạy trốn khỏi đơn vị. Và từ đó cho đến cuối đời Tuân sống chui nhủi, khuất lấp trong bóng tối, bị khinh bỉ của đồng đội, của người đời dành cho kẻ đào ngũ. Rồi ngay cả khát vọng có con nối dõi của Tuân rút cuộc cũng không thành. Những đứa trẻ con anh bị nhiễm chất độc da cam như một sự trừng phạt của số mệnh.
Rồi chính Tuân, lúc này đã trên tám mươi tuổi, một ông già tội nghiệp vẫn theo dõi hoàn cảnh gia đình Kháng, bao năm không hết ân hận đã lén lút mang chậu mai vàng đến nhà, tặng vợ con Kháng như thể để chuộc lại lỗi lầm trong chiến tranh, rồi lặng lẽ ra đi cố để không ai biết tung tích của mình. Một cử chỉ như thể sự “phản tỉnh” muộn màng với chút lương tâm còn lại của một con người đã từng cầm súng nhưng lầm đường lạc lối.
Nguyễn Trí Huân viết hai truyện này vào thời điểm nhân loại đang trong những ngày thảm họa đại dịch covid 19. Và cả hai nhân vật chúng ta vừa nhắc: ông Phong và ông Tuân, thế hệ chống Mỹ đều đã trên tám mươi tuổi, đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời họ. Thời buổi đã sang một trang mới, những quan tâm của con người và xã hội cũng đã khác, sự đe dọa mạng sống bởi covid 19 là thường trực không chừa bất cứ ai. Nhưng nỗi đau, nỗi ân hận với lỗi lầm quá khứ (ý thức và không ý thức) trong họ (Phong và Tuân), những người tiêu biểu cho con người trong chiến tranh thì dường như không hề giảm sút, dường như vượt trên cả sự đe dọa bất thường của cái chết covid 19. Không thể nói họ là những con người hạnh phúc. Ngược lại, quá khứ đang từng giây phút “đòi nợ” họ, cật vấn họ như một thứ “quả báo”. Đấy là cái giá của quá khứ chiến tranh, của những con người về từ chiến tranh. Mới hay, dưới lớp bề mặt của cuộc sống tưởng yên bình hôm nay, những cơn bão chiến tranh vẫn chưa bao giờ yên.
Tác giả của Bất chợt mai vàng còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác của chiến tranh và hậu chiến, mà nổi bật hơn cả là số phận của những người phụ nữ đằng đẵng xa chồng. Ông cho rằng: “Khi nói về sự hy sinh của người phụ nữ ở hậu phương trong chiến tranh, thường người ta hay nhấn mạnh khía cạnh giỏi việc nước đảm việc nhà mà ít đề cập đến sự thiếu thốn, cam chịu trong tình cảm vợ chồng của họ. Một sự thiếu thốn, đôi khi còn gây ra những tai họa” (Tr. 49). Lớp người như Kháng ra mặt trận thường để lại ở hậu phương những người vợ trẻ mới trong ngoài ba mươi tuổi với những đứa con còn nhỏ. Ngày chồng còn bên cạnh, vì công việc mưu sinh, có cảm giác có chồng cũng được mà không có chồng cũng chẳng sao. Nhưng khi hậu phương chỉ còn lại là những người mẹ, người vợ: “Họ,… mới chợt nhận ra sự gần gũi chung đụng chồng vợ quan trọng đến thế nào. Nó đốt cháy họ từng đêm, nó bủa vây, dồn ép họ bởi những bản năng, tưởng chừng luôn ở trong trạng thái bị thiếu hụt, không tự kiểm soát được” (Tr. 50). Và, “Thường sau những vật vã mất mát là sự liều lĩnh, buông bỏ đến rồ dại” (Tr. 51). Đó là cơ hội cho những “con chim lợn” đê mạt rình rập cướp đoạt, phá vỡ hạnh phúc gia đình của người ra trận. Một thực trạng nhức nhối của những ngày chiến tranh, kéo theo những bi kịch đau xót âm thầm đằng sau mỗi tấm cửa xanh, kể cả khi bom đạn đã lùi về quá khứ, kể cả khi người trong cuộc đã gần đất xa trời. Bao nhiêu nụ cười chiến thắng thì cũng bấy nhiêu nước mắt. Những trang tự sự của Bất chợt hoa vàng day dứt, ám ảnh mãi sau những tiếng chim lợn gieo chết chóc và đau thương ở làng quê.
Chiến tranh cho dù là “bất chợt” nhưng đã để lại những vết cắt hằn sâu trong tâm khảm mỗi con người của một lớp người. Những vết hằn này tạo nên thực trạng xã hội về tâm lý, tình cảm, tư tưởng, tạo nên “chất lượng sống” của mỗi công dân, những điều mà một thể chế muốn nhân danh con người, đề cao con người không thể bỏ qua. Những trang viết của Nguyễn Trí Huân đưa chúng ta đến trước thực trạng: Một lớp người về từ chiến tranh đang hiện diện trong đời sống hôm nay không phải ai cũng thanh thản, ngược lại họ đang bị dày vò lương tâm đau đớn, tội nghiệp. Những lỗi lầm quá khứ là vô cùng tai hại, không thể làm lại, không thể biện minh. Cần có một nhận thức, một cách nhìn thấu đáo, minh bạch…, nhưng cũng cần một tinh thần nhân đạo trước những bất toàn ấy. Bởi vì họ gần như đã đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, hơn thế những con người này đang không ngừng ao ước được làm một công dân bình thường, có ích cho đời sống hôm nay. Đó chính là “thông điệp” của Bất chợt mai vàng.
Với một lối kể chuyện cô đọng, dồn nén thời gian, với một ý thức gắn những hiện thực chiến tranh “đã xẩy ra” cách đây mấy chục năm với các sự kiện đang “đang xẩy ra” ngay ngày hôm nay, tác giả như muốn ngầm báo về sự nhức nhối của những ngày chiến tranh vẫn còn hiện diện, như muốn khẳng định đề tài chiến tranh hôm nay vẫn còn cấp thiết, một đề tài tưởng như không còn gì để khám phá. Có điều, viết về chiến tranh, như ta đã thấy, không còn đơn giản như trước đây. Chiến tranh được đào sâu ở khía cạnh đời sống tình cảm riêng tư kín đáo và khúc mắc của mỗi con người, những điều khó nắm bắt đối với mỗi cây bút, chứ không phải chỉ là những chiến công nổi bật ai cũng nhìn thấy. Nghĩa là điểm nhìn nghệ thuật của tác giả đã có những chuyển đổi phù hợp với nhận thức đời sống. Và một khi điểm nhìn nghệ thuật của tác giả thay đổi hợp lý, thì tính cách nhân vật (Phong, Tuân và Luyến) cũng như chủ đề tư tưởng, tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm theo đó cũng được mở rộng đa diện hơn. Về phương diện này, Bất chợt mai vàng đầy sức thuyết phục!
Với một văn phong điềm đạm, dung dị, kỹ lưỡng, giàu chất thơ…, cũng như trước đây ở các tiểu thuyết Năm 75 họ đã sống như thế (1979), Chim én bay (1988), tập truyện Bất chợt mai vàng của Nguyễn Trí Huân để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống, đánh thức trong mỗi người đọc niềm xúc động thiêng liêng về con người, những con người dù mang trong mình nỗi ân hận lỗi lầm, vẫn ánh lên tình người trong hoàn cảnh đặc biệt. Gợi nên tinh thần nhân đạo ấy trong người đọc cũng là một trong những chức năng cao cả của văn học.
13/6/2024
Lê Thành Nghị
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống số 20
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...