Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Truy vết bản thể văn chương trong thế giới nghệ thuật thơ Lê Va

Truy vết bản thể văn chương
trong thế giới nghệ thuật thơ Lê Va

Nhà thơ Lê Va, người con đặc biệt của xứ Mường, Hoà Bình. Đặc biệt bởi, ông gốc Hà Đông cũ – Hà Nội nhưng ngót nửa thế kỉ trải/chiêm nghiệm trên vùng đất quanh co, uốn lượn dọc đôi bờ Đà giang bốn mùa mây phủ, sương sa. Hơn nữa, nhà thơ từ một chiến sĩ Công an nhân dân sôi sục trong mình tình yêu văn hoá, con người đã đến với nghệ thuật thơ ca nhiệt huyết, hăm hở và thấm đẫm như khúc dạo đầu của một bản tình ca Tây Bắc.
Ông hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Trong bất kì cương vị, lĩnh vực nào thì Lê Va luôn để lại những đóng góp nổi bật. Trước hết là chùm thơ có giá trị nội dung, tư tưởng, góp phần định hình phong cách và tạo dấu ấn quan trọng trong tiến trình lịch sử văn chương nước nhà, có thể kể ra như: Ông tôi, Người vùng cao đón khách, Tản bước sông đêm, Nghịch lý, Chiếc thạp, Sinh nhật trong tù. Nhiều công trình được xuất bản với thể loại phong phú: Nắng giao thoa, Nhịp đập hai mùa, Chớp núi, Khúc thức, Tha thẩn xanh, Lên núi tìm trầm, Bức đại tự đỏ (thơ); Làng rừng đang phố, Người không bị lãng quên, Về gần (bút kí); Như chưa hề có thác, Họ Quách tìm về (tập 1) (kí); Bờ xưa (sách ảnh);…
Đi sâu tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ của Lê Va để thấy được quan điểm và tư duy của nhà thơ trong việc thể nghiệm bản thể luận là mục đích của bài viết. Bản thể luận là một khuynh hướng nghiên cứu chủ đạo trong triết học phương Tây cổ đại. Nếu như chuyên ngành triết học, họ đi sâu tìm hiểu thực tại và bản chất của sự tồn tại, thì trong văn chương cũng tương tự, nếu có khác chăng, thì bản thể văn chương phải gắn liền với những thuộc tính xuyên suốt, cơ bản, và đặc trưng nhất mà thiếu yếu tố đó thì văn chương không còn là văn chương nữa, theo B. Brecht: “khi tính người đã mất thì nghệ thuật cũng không còn nữa” [6].
Văn chương trước hết là một văn bản của ngôn từ, là lớp vỏ vật chất của tác phẩm. Cho nên, nói đến văn chương còn là nói đến tính đa nghĩa, tính hình tượng của/từ lớp ngôn từ đó. Còn trong các công trình lý luận đứng trên phương diện tiếp nhận văn bản văn học hiện đại, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung xem xét, đề xuất bản thể tính của nó chính là sự bất ổn của nghĩa. Ở điểm này, thì quan điểm của nhà nghiên cứu đưa ra lại trùng khít với quan điểm bản thể luận của Phật giáo là tính không. Tính không ở đây là biểu thị của quá trình thay đổi, biến thiên dưới tác động những yếu tố như ngũ uẩn, nhân duyên,… Nhưng ở đây, người viết chủ yếu tìm hiểu, nghiên cứu bản thể văn chương thuộc phạm trù nội dung, tư tưởng tác phẩm. Nó có thể được xem như là cái chất ban đầu, gốc rễ căn bản nhất ẩn bên trong lớp ngôn từ đa nghĩa, hình tượng, có khi nó còn vượt qua cả giới hạn bất ổn của tiến trình tiếp nhận thông thường. Trong phạm trù nội dung, tư tưởng của một tác phẩm văn chương có giá trị, không thể không đề cao nhân đạo chủ nghĩa. Nhân đạo chủ nghĩa là tất cả những biểu hiện của sự khắc khoải về phận người, những bất an trong sự cảm nhận thế giới của con người. Bởi mục đích cứu cánh của văn chương là “sự sáng tạo hình thức ký hiệu tình cảm nhân loại” (S. Langer) [6].
Phạm Quang Trung qua bài tiểu luận Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần gọi đó là: bản chất nhân văn phổ biến, hay khoa học nhân văn thuần tuý. Ở trong thế giới thơ ca Lê Va, nhân đạo chủ nghĩa với những hình thái thật phong phú và đa dạng, vừa biểu hiện của thực tại vừa đúc kết những bản chất. Và, với Lê Va, thơ ca vừa thể hiện qua những biểu hiện chung vừa mang những nét riêng biệt, mang tính phong cách xuyên suốt trong hành trình sáng tạo, đặc biệt là đề tài – chủ đề, như: tình cảm thắm thiết với quê hương – nguồn cội, lòng đau đáu và tự hào với nền văn hoá dân tộc – vùng miền, ý niệm về lịch sử, ý nghĩa của sự tồn tại người,…
Lê Va, một nhà thơ trầm tĩnh đến lạ, lạ trong tâm thái tĩnh lặng giữa cuộc đời bộn bề, khi đi, khi nói, khi trầm mặc trong tư lự miên man. Cũng có khi là đang thai nghén một dự cảm/tưởng để hoá thành thơ. Lạ nữa là, trong tư duy về nghệ thuật thơ ca, nhà thơ luôn dự tưởng những ý thơ độc đáo, bất ngờ, như kiểu đốn ngộ trong thiền. Tư duy trong thơ Lê Va thuộc nhóm tư duy nhận thức, có nghĩa là người đọc sẽ có nhiều khoảng-trống-nghệ-thuật để cảm nhận, tri nhận và đưa ra một cách hiểu mới từ những vấn đề cũ. Tìm ra cái mới trong vấn đề cũ cũng là một công việc vất vả của người cầm bút, đó chính là nghệ thuật chân chính. Nhà thơ lúc nào cũng từ những cảnh đời/phận người trước mắt, đập ngay/luôn vào trực giác để thành thơ, để thành một quan điểm mới, một tư duy mang tính bản thể cao nhất.
Nếu như Trương Đăng Dung đi tìm Em là nơi anh tị nạn [2] để vơi dịu những bất ổn trong cảm nhận đời sống nghệ thuật thì Lê Va lại khác, ông đi tìm bản thể tính từ cuộc đời, từ những thứ ngay/gần gũi trước mắt, thứ bản thể không thuộc vào phạm trù ngôn ngữ, triết học mà thuộc khuynh hướng nhân văn chủ nghĩa thuần tuý, (Sinh nhật trong tù: “Sinh nhật trong tù/ có lời chúc thoát thai từ tội lỗi/ có ngọt ngào từ đắng cay/ người được chúc mừng vui hay hổ thẹn/ thêm một năm – thêm một tuổi tù/ tiếng hát chay không kèn không nhạc/ những lời nhầm phách lạc có hoàn lương?”). Bởi trong thơ Lê Va, nhà thơ nhìn từ điểm nhìn là một con người quan sát thấu đáo, nghĩa là vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan, vừa là điểm nhìn hạn tri vừa là điểm nhìn toàn tri. Bởi Lê Va kinh qua nhiều công tác khác nhau. Bởi vì Lê Va có viết về phê bình nhưng chủ yếu là phê bình chủ quan/cảm tính. Thơ Lê Va, vì thế mà, người đọc dễ chấp nhận hơn trong tầm đón đợi/nhận đa dạng, nhiều phân khúc “khách hàng” – độc giả hơn. Một trong những tiêu chí để xác lập một nhà thơ có tầm vóc hay không. Thơ ông vì thế hiện diện khắp nơi trong đời sống con người đương đại, hoá thân trong những ca khúc mượt mà, sâu thẳm; khuôn thước trong giáo án nhà trường; đau đáu trong những hội thảo bàn về đặt tên đường, tên cầu trên mảnh quê hương trìu mến; khiêm tốn ẩn mình trên kệ thư viện văn chương.
Thơ Lê Va hẹn hò với khắp mọi nẻo đường. Góp mặt lênh đênh trên miền sông nước (Đồng Tháp: “Tôi mang làng tôi/ vô phương xa – Đồng Tháp/ Chưa gặp người/ thấy cây chuối trổ bông/ Hồi chiều/ ngắm lục bình trôi sông/ Hỏi sớm mai/ tới biển Đông/ hoa nở?”). Khấp khởi trèo non trên miền sơn khê, sương phủ mây giăng, Xuân sớm trên bản Mông: “Em gái bản mông ủ xuân thêu váy/ đào mận canh trời ngơ ngẩn hoa/ đường kim mũi chỉ cài chớp núi/ rực cả góc rừng – Em – Tiên sa/ Môi em tươi ngon như mận hậu/ để anh thai nghén lần đầu/ tiếng còi rúc núi xe dồn dốc/ em đổ tràn rừng trống ngực anh/ Tết tụ mắt em xuân đợi/ líu lo gió dậy thức mây/ ước em thổ cẩm quây xuân suối/ anh hừng lên khi em giội trắng trong. Thơ Lê Va trò chuyện với tuổi trẻ. Thơ Lê Va tâm sự buổi xế chiều. Thơ Lê Va ngào ngạt tình đồng hương.
Nghệ thuật xây dựng cấu tứ trong thơ ông vì vậy cũng có những mô típ đặc thù cho kiểu thơ tư duy/tưởng nhận thức. Trước tiên là, những biểu tượng được liên tưởng, biểu trưng, cắt nghĩa khá bất ngờ nhằm tạo ra những cách hiểu mới, những nghĩa phái sinh. Nó thể hiện rõ nét tính đa nghĩa trong văn chương. Hãy xem cấu tứ và phương thức liên tưởng, tưởng tưởng trong Tay em tạo những dư vang trong lòng người đọc, “Người ta nói/ đôi con mắt là cửa sổ tâm hồn/ anh lại thấy/ bàn tay em khoá, mở/ Cửa núi rụt rè/ đôi tay em măng nhú/ đóng vào/ mở ra/ Xa em/ anh nóng đôi bàn tay/ gần em/ anh bỏng đôi con mắt/ Chỉ một ánh nhìn ai đó/ đậu vào tay em/ anh cũng tiếc”. Thứ hai là, kiểu mô típ theo hướng tư duy ngược, chúng đem lại một cách hiểu khác lạ, không như thường thức, vượt qua quy chuẩn thế gian giác/giải. Ta nhận ra kiểu tư duy thơ như trên trong tác phẩm Nghịch lý, Những mảnh vá, Sinh nhật trong tù, Khúc thức. Thứ ba là, kiểu đặt ra những câu hỏi liên tiếp, bất ngờ để người đối diện tự đốn ngộ. Đây là phương pháp của thiền tông theo trường phái Đốn ngộ, hay chúng ta cũng thường bắt gặp trong các cuộc đối thoại giữa các nhà triết học. Họ thường không sử dụng phương pháp thuyết minh, diễn giải mà đối thoại theo cách đặt các câu hỏi cho nhau, để phản biện tư tưởng của nhau. Rồi, một cách tiếp cận mới, một cách hiểu mới tự loé lên từ/trong nhận thức thông thường của con người. Thứ tư, kiểu kết cấu đầy mâu thuẫn, nghịch lý đan xen, lẫn lộn vào nhau như một mớ bùi nhùi trong ngày không có nắng, cố thắp lên ngọn lửa mà vô vàn những gian truân, nắng đương về mà mưa đã nhỏ giọt, những niềm vui trên khuôn mặt lắm u sầu. Đây là kiểu tư duy, kết cấu của các nhà thơ đương thời ít nhiều ảnh hưởng bởi lối viết của người khai phá, không ai khác ngoài Franz Kafka.
Trong tác phẩm Khúc thức, một chuỗi những hình ảnh đối lập, nghịch lý phối hợp đan xen nhau tạo nên một trường liên tưởng ấn tượng trong từng khổ thơ, để rốt cùng, độc giả tự nhận thức ra ý nghĩa qua những hình ảnh, liên hình ảnh đối lập được bày ra bằng thể nghiệm và cảm xúc của từng người: “Đã nắng hạ/ trong vô khối cơn mưa/ những cơn mưa/ khác nhau mà giống nhau đến thế/ chưa biết hoang mang/ sắp cạn mùa/ Tấm lưới hăm hở/ choàng lên/ bủa vào bầu trời – hy vọng/ rã cánh thu về rong rêu/ nặng trịch/ những chân chì – thất vọng/ Vời xa/ con đường trở lại/ chiếc máng đãi còn lành/ trong tay kẻ vụng/ vảy vàng trong hoang mạc lẩn sâu/ Ngày hửng/ trời hạ thủy một tia nắng mới/ giọt sau cùng thắp lại dòng trôi?/ khúc thức/ sau bao mùa ngái ngủ”.
Trong đời sống lẫn nghiên cứu, sáng tác văn chương, Lê Va như một kẻ hành khất trên con đường tìm kiếm những giá trị chân thật, như nhất của kiếp người. Đối với ông, một người con nương mình trong vòng tay êm dịu của vùng núi rừng Hoà Bình, không khi nào, không ở đâu mà nhà thơ không ý thức sự hiện diện của bản thân trước cuộc đời. Với Lê Va, ta là ai, ta đến từ đâu – những câu hỏi ấy chỉ được giải đáp trên hành trình tìm lại cội nguồn lịch sử. Lê Va, bởi trước tiên, ông là một nhà nghiên cứu về gia phả nhiều dòng họ. Những buổi ròng rã đó đây. Những ngày điền dã khắp chốn để cố tìm những manh mối, dấu vết xưa cũ còn sót lại, lắp ghép chúng, cố dựng lại hiện trường đã xảy ra hàng thập kỉ, thế kỉ, hòng lí giải một phần khúc mắc trong lịch sử con người: tồn tại – diệt vong – lưu vết – kế thừa – phát triển.
Ngoài ra, để trả lời những câu hỏi mang tính bản thể luận nêu trên, con người cần hiểu sâu, tìm ra những ám thị của cha ông ta qua vết tích ẩn tàng trong trầm tích văn hoá đồ sộ. Và, Lê Va lại một lần nữa hoá thân trở thành một sứ giả văn hoá vùng miền. Những buổi sang tận Sầm Nưa – Lào đem chiêng Mường đi giao lưu, học tập, phổ biến. Những hôm đón khách phương xa cũng đem văn hoá đậm chất Mường ra để giới thiệu. Lại những ngày công tác tận Đắk Lắk, nhà thơ cũng không quên gặp gỡ những người Mường lưu trú nơi đây để tìm hiểu ngọn nguồn. Hay, nhà thơ vẫn “bảo lưu ý kiến” về việc đặt tên cầu mang bản sắc văn hoá dân gian – vùng miền. Thế mới biết, những bài thơ của Lê Va, ông tâm đắc nhất và độc giả yêu mến nhất vẫn là những bài thơ đậm chất văn hoá, như: Xuân sớm trên bản Mông, Người vùng cao đón khách, Nắng Điện Biên,…
Dưới điểm nhìn văn hoá – lịch sử – nguồn cội, bản thể văn chương được hiện lên thật hồn hậu, gần gũi. Nó không còn là một mớ khái niệm/thuật ngữ triết học khó nhằn, và hỗn độn. Được như thế, nhà thơ phải cố đi trọn, hiểu thấu lẽ đời, và nắm bắt được mọi ý niệm đang diễn tiến trong bản nguyên tâm địa, cảm nhận niềm hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại, tức là nhìn cuộc đời của ta và tha nhân bằng con mắt của một bậc thiền sư liễu ngộ: “Tôi/ quản giáo/ đang tự do/ tự do quên ngày sinh nhật/ thảng thốt/ hóa ra đời người/ cũng có một ngày sinh” (Trích Sinh nhật trong tù). Trong giây phút liễu ngộ đó, ta và tha nhân, tiểu ngã và đại ngã (theo triết học Ấn Độ) vô phân biệt, bất nhị: “Còn lại mình tôi/ ngồi ngắm chiếc Thạp/ nhận ra dấu tay mình/ ẩn trong những vân mây/ mang dáng hình Tam Đảo” (Trích Chiếc thạp). Bản thể luận không còn nhìn nhận dưới con mắt siêu hình, chủ nghĩa không tưởng. Bản thể luận dưới góc độ văn chương, trước hết phải là “viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người” (Ernest Hemingway). Trong văn chương không thể dung nạp một thuyết bản thể mang tính tiên thiên, tiên nghiệm; dù có chấp nhận đi chăng nữa thì nó cũng dễ dàng bị bác bỏ và khó chinh phục được số đông tầm đón đợi của độc giả.
Với Lê Va, sống tức là viết, viết tức là sống. Mọi biến thiên trong đời sống được thâu tóm vào trong chiều sâu của nội hàm văn chương. Cũng giống như, trong triết luận Phật giáo, bản thể luận thường gói gọn trong cặp phạm trù như: sắc tức là không, không tức là sắc. Không là bản thể/bản nguyên/chân như, còn sắc là là hiện tượng bộc phát/thế giới vật chất. Chúng luôn luôn tồn tại song hành, hiện diện mồn một ngay trước mắt thi nhân. Trong thơ Lê Va, những hiện tượng bộc phát/thế giới vật chất thường được diễn ngôn trong các khổ thơ đầu, để các khổ thơ sau nhà thơ thể hiện cái tâm trong trẻo, nhân hậu, vị tha (chính là cái bản thể/bản nguyên/chân như). Chẳng hạn như, trong tác phẩm Sinh nhật trong tù, nhà thơ kể về cảnh những người tù làm sinh nhật (hiện tượng) nhưng bản chất là gợi nhắc chúng ta về sự cảm nhận và sự cần thiết của chắt chiu niềm hạnh phúc, tự do đang có. Hay, trong Tản bước sông đêm, mở đầu tác phẩm hiện lên quanh cảnh chài lưới (hiện tượng), thế nhưng, cái nhà thơ muốn nhắm đến là, tinh thần cảnh giác trước những cám dỗ cuộc đời để sống an nhiên, tự tại, bởi cẩn tắc thì vô ưu.
Để người đọc nắm rõ cái tâm/tình của nhà thơ một cách tự nhiên, không bị khiên cưỡng, gò ép thì các tác phẩm của Lê Va thường sử dụng nghệ thuật phú – tỉ – hứng (chúng thường được sử dụng thuần thục trong hình thức ca dao dân gian, đáng chú ý nhất là tác phẩm Kinh Thi, Trung Quốc). Các phương thức nghệ thuật trên lấy việc trình bày – so sánh – khởi hứng từ những cảnh vật, con người xung quanh (hiện tượng/thế giới vật chất) nhằm tạo đòn bẩy, bắc cầu để nói đến/về cái khắc khoải của con người, kiếp người. Tức là nói đến thái độ hiện sinh, cái cốt yếu/bản thể/bản nguyên trong văn chương từ ngàn xưa. Vậy, bản thể luận mà văn chương nhắm đến, chính là cái chí, cái đạo trong quan niệm nghệ thuật phổ biến trong các nhà nho trung đại: văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí. Cái chí, cái đạo của nhà thơ được gói ghém, chắt lọc từ những khắc khoải, ưu tư về phận người dưới điểm nhìn nhân hậu, hồn nhiên, và trong trẻo vô cùng, như trẻ thơ. Bài Đàn ông và đàn bà, nhà thơ lấy nghệ thuật phú – tỉ – hứng để tạo ra trường liên tưởng phong phú, bất ngờ: con người – sự vật, hiện tượng; đàn bà – dòng sông – đàn ông – trái núi, “Đàn bà như dòng sông/ đàn ông như trái núi/ sông/ núi/ tôn nhau/ hiền hòa, lặng yên và dữ dội”, và cuối bài thơ là những ước mơ nhẹ nhàng, hồn nhiên, mà sâu lắng, khắc khoải, “Ước gì/ sông luôn đầy và trong/ ước gì/ núi mở được lòng cho mây cùng thấy”. Còn với Tản bước sông đêm thì lấy nghệ thuật hứng đi thản bộ ở mép bờ sông để diễn bày cái đạo: cố tránh những cạm bẫy ở đời vì thói mê đắm, tham lam những ham muốn tầm thường, giả dối, “Tôi đi bộ/ ở bờ sông/ ngay gần mép nước/ Một chiếc thuyền/ đỏ đèn dò la vợt cá/ vài người quăng câu/ dẻo tay cuộn cước/ Người đỏ đèn săn lùng cá/ người quăng câu đánh lừa cá/ chuyện đêm hay ngày/ hình như không đáng bàn ở đây/ Tôi đi bộ ở bờ sông đêm nay/ để mai còn đi đó đi đây/ và cố tránh cái điều/ cá không tránh được”.
Như vậy, nếu bản thể văn chương là một sinh thể sống thật sự thì thế giới nghệ thuật thơ Lê Va như một trái tim nóng hổi, đập liên hồi để tiếp thêm năng lượng đầy nhân văn cho cuộc đời qua ngôn từ, hình ảnh thật gần gũi, giản dị, mà đầy trầm tư, mặc khải. Với nhà thơ, xét trong bản thể văn chương, viết không còn là hoạt động văn nghệ thường thức, mà viết như là một cuộc trò chuyện mở với tương lai, như gửi trao lời tri âm thành kính với thế hệ cha ông quá vãng, như diễn ngôn (discourse) sự bất an trong niềm vui tồn-tại-người, và để rồi như khéo léo mở ra cánh cửa cuộc đời đang vẫy gọi, yêu thương, bằng tất cả sự chân thành, nhiệt huyết: “Em gái Thái mắt trong Tây Bắc/ Lời véo von ngọt đắm ngọt chìm”- (Trích Nắng Điện Biên).
Tài liệu tham khảo:
1. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nhà xuất bản Khoa h ọc Xã hội, Hà Nội.
2. Trương Đăng Dung (2020), Em là nơi anh tị nạn, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
3. Đỗ Lai Thúy (2021), Thơ rìa mắt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
Internet
4. Đinh Quang Hổ (21.12.2021), Những phạm trù cơ bản về bản thể luận trong triết học Phật giáo, https://frs.ussh.vnu.edu.vn/.
5. Ngô Khiêm (10.1.2022), Một hồn thơ xứ Mường, https://www.bienphong.com.vn/.
6. Phạm Quang Trung (19.2.2007), Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần, https://www.vanchuongviet.org/.
7. Văn Nghệ số 8/2022 (25.2.2022), Một số đặc trưng bản thể của văn bản văn học, https://baovannghe.com.vn/.
14/6/2024
Đỗ Văn Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...