Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

XQ sử quán một không gian tâm thức

XQ sử quán một
không gian tâm thức

Nói đến XQ Sử quán Đà Lạt, người ta nghĩ ngay đây là một thương hiệu được làm nên bởi hai nghệ nhân nổi tiếng: Ông Võ Văn Quân và bà Hoàng Lệ Xuân. Cũng thật hiếm có đôi vợ chồng nào cùng một niềm đam mê vừa lưu giữ nét đẹp truyền thống của nghề dệt thêu thủ công vừa phát triển theo cách đột phá mang lại nhiều thành công nhất định. Và thương hiệu XQ với những bức tranh thêu tay đã làm bao du khách đắm say khi đến tham quan, thưởng lãm. XQ Sử quán hầu như đã có mặt khắp nơi cả trong lẫn ngoài nước với hơn hai ngàn nghệ nhân lành nghề.
Tôi thật sự bị mê hoặc khi lần đầu đặt chân vào đây. Một không gian tĩnh lặng trong khuôn viên mang phong cách kiến trúc độc đáo được khắc hoạ như cung đình Huế xưa nhưng mang nét sang trọng, hiện đại hơn nhiều. Cách bày trí theo từng chủ đề, bố cục khác nhau mà hài hoà, cuốn hút. Nếu không được hướng dẫn cụ thể ta như đi lạc vào thế giới của những bí ẩn với muôn vàn bức tranh thêu tay cùng những sắc màu đa dạng và phong phú. Vốn có sở thích thêu thùa tôi muốn được tìm hiểu, khám phá sự sắp đặt mang tính ước lệ của chủ nhân khu “làng nghề” dệt thêu này. Góc nhìn nào ta cũng bắt gặp sự nhẹ nhàng thanh thoát trong tâm hồn họ. Tất cả như đang thiền định dù vẫn đang hoạt động. Nơi đây thật sự là điểm đến đầy quyến rũ. Một nơi thoát tục chăng?
Ngày nay, nếu nghề thêu tay truyền thống có mai một đi ít nhiều thì đến XQ Sử quán Đà Lạt lại tạo cho ta một niềm tin về nghề này vẫn luôn được giữ gìn và không ngừng phát triển. Mỗi bức tranh thêu khi đã hoàn thành là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang giá trị thẩm mỹ cao và là nền văn hoá tinh tuý của nước nhà. Bởi muốn thêu được bức tranh không hề đơn giản, đòi hỏi người thêu phải có kỹ năng, kinh nghiệm, niềm đam mê và nhiều yếu tố khác nữa.
Sự cẩn trọng, tỉ mỉ, tính kiên trì của mỗi nghệ nhân là kết quả của một quá trình gần như là khổ luyện, tích luỹ kinh nghiệm. Ta thử tưởng tượng, một bức tranh về phong cảnh thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, một dãy núi, dòng sông, cánh đồng xanh hay lúa chín vàng. Từ đền chùa, miếu mạo, cây đa hay giếng nước, mái nhà tranh, con én liệng giữa trời xuân, hay cánh bướm dập dờn bay cho đến nhân vật cụ thể. Tất cả do hoạ sĩ vẽ ra, in trên nền vải trắng. Nhiệm vụ của nghệ nhân là từ một cây kim bé xíu, những sợi chỉ màu công nghiệp kết hợp sợi chỉ tơ óng ánh qua bàn tay tài hoa, khéo léo của mình làm sao cho bức tranh ấy trở nên sinh động như thật. Trước khi thêu, khâu chọn chỉ màu vô cùng quan trọng góp phần tạo nên bức tranh đẹp lung linh. Rồi tĩnh tâm, an yên như đang làm thanh sạch tâm hồn. Bắt đầu đặt mũi chỉ đầu tiên cho một quá trình lao động liên tục diễn ra, họ dồn tất cả tâm trí vào đó đến mũi thêu cuối cùng. Nó giống như ta đặt mục tiêu cho việc làm của mình và phấn đấu đạt kết quả tốt nhất. Nếu không có niềm đam mê cháy bỏng cùng một tình yêu mãnh liệt không ai có thể ngồi hàng giờ, hàng ngày, rồi hết tháng lại năm chỉ cắm cúi, đối diện với khung thêu, chỉ tơ chán ngắt. Sự lao động nghiêm túc, miệt mài của các nghệ nhân rất đáng trân trọng. Vì mỗi bức tranh thêu không đơn thuần chỉ để trang trí, trưng bày mà trong từng đường kim mũi chỉ, từng gam màu sáng tối nghệ nhân muốn gởi gắm một triết lý nhân sinh sâu xa, hay số phận con người qua đường nét khắc hoạ tinh tế vô cùng ý nghĩa.
Để đạt được sự thành công rực rỡ như hôm nay, XQ Đà Lạt gần như có sự nhất quán trong tâm thức của người yêu cái đẹp, cái truyền thống, biết gìn giữ và phát huy những tinh hoa của dân tộc. Tôi đã nhìn thấy điều độc đáo đó khi đến XQ.
Một người thông tuệ họ có lối đi riêng, biết khám phá cái mới từ khả năng tiếp thu cuộc sống. Họ bắt đầu từ sự yêu thích cái đẹp. Nhưng cái đam mê, dám dấn thân vào công việc không có lối mòn mới tạo nên bản lĩnh. Hơn hết là sự đồng lòng đã giúp họ đặt một chân vào sự thành công khi đi trên con đường không hề bằng phẳng. Việc biết chấp nhận thất bại là sự trải nghiệm tuyệt vời. Tôi rất thích điều này. Một dòng suối nhỏ chẳng cần ai biết đến, cứ âm thầm chảy ra từ khe đá đủ làm mát lòng người khát nước đang đi ngang qua.
Ở XQ Sử quán hình như tôi bắt gặp được những trạng thái cảm xúc dâng tràn và nó bắt tôi phải suy nghĩ, suy luận trôi theo dòng thời gian. Phải chăng chính trí tuệ và kinh nghiệm đã ngấm vào máu thịt, thấm vào từng tế bào, nó được lưu giữ trong lý trí và cả tâm hồn của mỗi người? Nhưng không phải ai cũng có được điều đó. Và chỉ có người thông minh mới biết vận dụng đưa nó vào cuộc sống.
Có thể nói ở bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, nhưng với nghệ nhân thêu tay nhất là những bức tranh mang tính nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc đòi hỏi tính cẩn trọng rất cao. Nên khi bắt đầu công việc họ đặt toàn bộ tâm trí vào đó. Chưa kể, nếu có một luồng suy nghĩ mông lung thiếu tập trung rất dễ bị tổn thương. Tôi đã từng ngồi thêu những bức tranh kéo dài hàng tháng mới xong. Quá trình thêu phải tuân thủ theo quy tắc bắt buộc. Nét đậm nhạt trong việc phối màu, tạo nên sự hài hoà nhằm nổi bật đối tượng chính của bức tranh. Mũi chỉ ngắn dài cũng tuỳ chi tiết được thể hiện. Nhưng có một điều, dù có lúc mệt mỏi hay nản lòng thì khi ngắm tác phẩm của mình mọi ưu phiền đều tan biến. Chính vì lẽ đó họ mới gắn bó với nghề. Thời gian trôi qua, tất cả đều trở thành kỷ niệm để tiếp tục chinh phục cái mới.
Vào XQ Sử quán Đà Lạt tôi phát hiện một không gian tâm thức, như suối chảy về nguồn mà tôi là kẻ lạc bước bao năm mới tìm gặp lại. Hình ảnh những nghệ nhân ngồi thả dáng bên khung thêu bản thân nó đã tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Trong cái tĩnh có cái động. Đó là các nghệ nhân vẫn luôn tay luồn kim, xỏ chỉ. Họ làm việc chăm chỉ, say sưa trong tĩnh lặng. Bước vào đây ta có cảm giác các cô gái ai cũng dịu dàng, thuần khiết trong tà áo dài tha thướt, lời thưa khẽ khàng, đi đứng khoan thai, chậm rãi như đang thiền định trong cõi riêng tư. Không gian như lắng đọng mặc ngoài kia ồn ào hay giông bão. Mọi lặng lẽ ấy khiến tôi có chút suy tư, bất chợt mọi thứ trong tiềm thức hiển hiện về làm tôi hoài nhớ. Thì ra, tiềm thức có thể là kết quả của tác động bên ngoài nhưng được tìm thấy bên trong con người. Sự đồng điệu này làm ta nhớ và nếu được lặp lại nhiều lần nó trở thành một loại ký ức nằm trong tiềm thức của ta. Tôi đã biết nuôi dưỡng tâm hồn mình trong không gian tâm thức những lúc thiền định như vậy.
Rời XQ Sử quán Đà Lạt trong một thoáng bâng khuâng. Người thông tuệ mang một tâm hồn đẹp, đầy sáng tạo trên lối đi riêng. Những bức tranh trừu tượng đậm nét XQ ẩn chứa một tâm hồn Việt thanh tao, thanh thoát khiến bao du khách ngắm mãi không chán. Còn tôi lại thích ngắm nhìn những cô gái xinh đẹp thuần khiết mang dáng vấp e ấp, dịu dàng, rất Huế. Họ làm việc trong một không gian tâm thức đầy chất thiền. Đây là một nơi an trú tâm hồn. Rất XQ!.
10/6/2024
Cao Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...