Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Mùa cỏ đắng - Truyện ngắn của Trang Thụy

Mùa cỏ đắng
Truyện ngắn của Trang Thụy

Chiều cuối đông.
Sương giăng trắng cánh đồng sau vụ gặt, ánh sáng trôi êm trên gốc rạ hao gầy.
Ven sông Vũ, cải đang vào độ trổ ngồng, hoa vàng rộ và lá úa như áo của người cha ngồi gỡ cá trên con thuyền độc mộc.
Tôi đi tắt qua bãi ngô, tìm về cây cầu gỗ. Lối lên cầu nhành tre vây kín, lâu ngày những mố cầu bị mối xông, những tấm ván cong như đôi môi của các chị hay lườm, nguýt.
Tròn sáu năm, tôi xa làng. Cây cầu tôi đi giờ cỏ mọc khắp lối, làng đã cất mới một cây cầu sắt nối với con đường dẫn xuống chợ huyện.
Tôi đã bỏ nhà đi.
Trưa ấy, mưa tầm tã, cây cầu dẫn xuống làng chài còn một vết xước ửng đỏ, những thanh tà vẹt run lên trong cơn ngâu đầu tiên của mùa hạ. Tôi không ngoái đầu lại bởi ngày ấy tôi tàn nhẫn và ngu muội hơn bất cứ cô gái nào khi nhất nhất đặt vọng tưởng vào yêu.
Tôi đẩy cửa bước vào.
Mẹ giật mình, thả rơi cái ống bơ vẫn dùng để đong cám, ống móp và hóp như má của cụ già ăn cháo loãng cầm hơi. Từ sau nhà, bố chạy vào, cái đầu trống hoác, tóc bết vào trán.
Tôi ấp úng nhìn…, bố cầm nón trở ra vườn. Mưa đuổi theo cào cấu chiếc áo rộng thênh. Mẹ đổ cám vào nồi, ra sức khuấy. Không ai nói với tôi một lời, chỉ bóng tối ngoạm lấy tôi nhai ráo.
Tối đến. Im lặng tiếp tục lấy đi ô xi ở trong nhà. Bố rít thuốc. Khói rút tọp hai má. Mẹ hớt cơm nguội, đơm đầy bát cơm nóng đưa cho tôi.
Tôi nhìn bố, mắc kẹt trong hạt sạn. Đầu xóm. Cuối xóm. Chó sủa. Mưa bay. Bố vẫn không nói gì.
Cuối bữa, bố trộn cơm cho chó, tôi mang bát đi rửa, bữa tối của ngày trở về đã kết thúc như thế.
Sợ tôi đói, mẹ đỏ lửa, hấp bánh khoai. Chỗ tôi trọ, có cặp vợ chồng hay ăn đêm, họ cũng nấu khoai khô với nếp, chị vợ gọi là khoai xéo.
Gió đưa mùi bột khoai vào tận chỗ tôi nằm. Trên cái giường ọp ẹp, cái bụng rào rào sôi tôi nghe thấy cái áo bỏ quên trên dây thép rỏ nước tì tạch, những tiếng tỉ tê khi hờ hẫng khi cọ quẹt như hàng cây xô trong gió.
Tôi nhớ nhà, nhớ cái bánh gói lá, nhớ bóng mẹ chập chờn trên bức vách, nhớ những mùa cỏ đắng dưới ráng chiều đỏ gạch… Tôi không biết lấy cớ gì để trở về cho tới khi, có một người xuất hiện.
Bóc cho tôi cái bánh, mẹ hỏi dò:
– Lâu rồi…, có ai nhìn ngó gì không?
Tôi cười:
– Tết này con đưa người ta về, có được không?
Mẹ dịch đẵn gỗ lại gần:
– Thế…, nó làm gì?
– Thợ mộc… ạ.
Mẹ dịch gỗ về, ánh mắt vừa hửng sáng đã kéo mây đen. Mẹ đang lo lắng điều gì…? Mẹ không nói, hơi thở sẽ nói.
Những đêm gió bấc thổi khô mắt con chó già nằm vạ vầy bên bì vỏ trấu, những lúc cái chum sành hết sạch gạo, hơi thở của mẹ kéo lê như gió đi qua cánh đồng vào mùa lúa chết cóng.
Tôi cầm rá đi vay gạo. Mẹ đứng ở cổng nhìn theo, ánh mắt cồn lên những nỗi sợ. Mẹ sợ hàng xóm hết gạo. Mẹ sợ tôi vấp phải cục đá sẽ ngã, tung hết gạo ra đường. Tất cả đã qua rồi, mẹ vẫn sợ. Mẹ sợ cái đói, cái nghèo sẽ cắn cụt móng tay, rút gầy cây rơm béo. Mẹ sợ tình yêu sẽ chết chỉ vì cơm, áo, gạo, phiền và đèo bòng nheo nhóc. Mẹ sợ đàn ông sẽ lại rũ áo đi bỏ lại người đàn bà với những gánh lo, vò rối đầu, bứt đứt cúc áo.
Mẹ sợ đủ thứ vì đã đi qua quá nhiều triền dốc của cuộc đời, thấy quá nhiều cuộc cờ bày ra rồi xoá. Mẹ sợ…!
Đêm đen.
Mùi cỏ khô bay là xà trên mái ngói. Mùi nhang váng vất quanh ô cửa nhìn ra triền cát. Ở đó, cỏ đắng mọc ra rả, cao quá rốn người. Gió đông về. Cỏ khô như đốt, chênh chao, gày gò. Đời cỏ, đời người đùm lấy nhau đi qua những ngày nắng nôi, mưa móc.
Tôi sẽ đưa người ấy lên đồi cát, một lần vốc mặt trời thả qua kẽ tay, gối đầu vào cỏ may nghe xác xơ cồn lên nhức nhói. Mùa này, xương rồng găm đỏ cát, quả chín mọng. Mỗi trận gió lùa, gấu váy quệt vào khóm gai, sợi chỉ màu víu vào những tép cỏ tím dịu, khẽ rung lên.
Tôi ngồi giữa vạt cỏ hanh gầy nhìn ngày trôi, mùa trôi. Mặt trời đè trĩu ngọn lau, cháy đỏ môi mắt. Một hoàng hôn khép lại và sẽ không lặp lại hai lần.
Gà gáy.
Tiếng lợn rống hồi dài, chó đồng loạt sủa.
Tết về tới rìa sông Vũ, làng rủ nhau đụng lợn sớm để gói bánh chưng.
Sương rã vào cát. Mặt trời đỏ như nước tưới gốc ngô mỗi xế chiều. Đàn trâu chạy ào qua đoạn đường găm trắng vỏ trai, vỏ hến. Trên con đường này, những cơn mưa xoá mờ dấu chân người đàn bà mơ mị, xoá cả vết bánh xe khắc khổ bố vẫn đèo chổi đót xuống chợ buổi mờ sương.
Hôm nay, ngày lẻ, chợ lại họp, giáp Tết cất chân xuống chợ sẽ vấp phải bạt ngàn gừng, sả, măng miến, vôi ve… Giang xếp đè lên nhau, trăm ống đều như một. Chọn những ống bánh tẻ, bố cột lại đủ một bó. Ở nhà, mẹ chùi lá giong, đợi bố mang giang về sẽ vót lạt gói bánh.
Chỗ tôi đứng, có vài cái rọ đan bằng tre nằm sát bì ngô tẻ. Người chỉ trỏ xem lợn đen, lợn trắng tìm giống tốt. Người nắn bắp ngô đoán hạt lép, hạt đầy nhặt lấy một nồi…
Tết còn non tháng, chợ đã bộn người. Sắc đỏ, sắc xanh ồn ã. Chợ ngày ấy, bây giờ vẫn chợp chờn mùi cỏ cháy ven sông. Vị đắng khẽ của mộc nhĩ mọc trên gỗ mục, lâu ngày không có nắng.
Tôi đi chuyến tàu chiều, quá ngọ sẽ ra Ga.
Mặt trời lên tới đỉnh, tròn vo một nắm. Tôi và bố đứng trước cánh đồng bao la cỏ đắng.
Gió thổi vù và. Cỏ đổ về phía mặt trời lặn. Ngọn dạt vào đá. Ngọn gập đôi, gãy gục. Những chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây mận già âm ỉ chảy nhựa, người lở loét, khô khằn.
Vẫn còn vật cản nào đó khiến bố chưa thể chấp nhận việc tôi trở về. Vì quá kỳ vọng nên khi tôi đổ vỡ, bố đã chẳng thể tha thứ cho ai, kể cả đó là câu chuyện của cuộc đời.
Tôi nghĩ, bản chất của cuộc đời là không bằng phẳng. Nếu yên ái như cảnh vợ nhổ tóc bạc, chồng gối đầu lên chân vợ lim dim ngủ thì đó lại không phải là cuộc đời. Tôi nghĩ thế, còn bố cho rằng “cá không ăn muối, cá ươn…”.
Dưới sông, người đàn ông ba lần buông lưới chỉ cất được gỗ mục ở ven sông. Ném khúc gỗ lên bờ, y chèo thuyền đi về cuối bãi. Chỉ còn tôi và bố ở lại với mùa đắng của cỏ, rồi bố cũng lên tiếng:
– Tết đưa hai đứa nhỏ, đưa cả… về.
Nói xong, bố đi về phía ngôi mộ nằm sau bụi xương rồng cao vói. Cái dáng rắn như cây sắt cắm ở bến phà bé dần, mất hút sau tiếng chuông nhà thờ lanh lảnh.
Gió nổi. Cỏ lùa thùa trước mặt. Một màu nâu bất tận ghim vào vạt áo trắng muốt. Mùa cỏ ấy, âm thầm như người chồng đợi vợ về đứng ở đầu giường, mỗi khi sét chẻ đôi khu rừng dưới ngọn núi giáp ranh với cửa khẩu.
Tôi bẻ nhánh cỏ đưa lên mũi. Vị đắng cọ vào bờ môi khô nẻ. Mùi cỏ nhân nhẫn như quả ớt bị khói ám ròng rã một mùa đông.  Ít phút nữa thôi, những cỏ những may này sẽ nằm lại ở phía sau lưng.
Hai sáu tháng Chạp, tôi dắt con về.
Mẹ đón tôi từ đầu dốc.
Những bà già cắp cháu đứng cái dáng vẹo sườn, họ chờ tôi tới gần để nói những lời chua loét. “Hai đứa lớn nhỉ? Cô đi kỹ thế?  Bà cụ Rế đợi mãi không thấy miếng thịt luộc vắt qua nắm xôi của cô… Bà ấy chết rồi”.
Tôi cười gượng. Hỏi là hỏi thế thôi, làng biết chuyện cả rồi. Họ thích đào, bới câu chuyện của người khác như thể mình là gà. Tôi không phải là hạt thóc nằm sót lại khi làng cuống quàng quấn bạt, chạy cơn mưa. Tôi là con giun trốn kỹ trong đất cầu yên ổn. Xin đừng ai rung cây chỉ vì để nhặt những chiếc lá vàng.
Bố cầm điếu đi ra, đảo mắt tìm… Tôi hiểu ý, vội nói:
– Con về trước. Hai chín, anh ấy về.
Bố gật đầu, cầm chổi đi thẳng ra chuồng lợn để đánh con đại bạch vì cái tội ăn no, cạp hỏng máng. Lũ trẻ chạy theo, cười như ngô nổ.
Tháng Chạp ở làng tôi.
Chuồn chuồn bay đỏ mái nhà.
Khói thơm mùi mật mía.
Nắng mỡ gà.
Lúa vào kỳ ở cữ, sữa chảy ướt áo.
Tôi dứt ngọn cỏ đắng xoi vào mũi, cù vào gáy. Lũ trẻ cười phá lên, tháo chạy.
Hoàng hôn lụi về chân núi, nắng mỏng dần. Gió thổi cát bay vào ruộng ngô, nhao ra mé sông. Loáng thoáng, có tiếng mái chèo khua nước, vỗ cành cạch vào mạn thuyền, vào buổi tờ mờ sẽ không thấy rõ mặt người.
Tôi gặp người đàn bà điên ở chân đồi. Tóc cháy. Môi tróc. Bà mặc cái áo rách để lộ cặp vú đen nhẻm, hai chân trần nứt toe toác. Bà nhìn tôi, nhe nhe cười:
– Mắt mày buồn như mắt cá… Rồi mày sẽ đa đoan, mất trí, không thể nhớ nổi cuộc tình xa xưa và người tình gần nhất của đời mình.
Bà ấy nói tôi hay đang nói chính mình?
Mất trí có gì không tốt?
Nhớ để làm gì khi tất cả đã xa xưa, đã đi qua dù là gần nhất. Ai không thể buông bỏ, kẻ đó sẽ phải lệ thuộc về cảm xúc, bị truy bức và phát điên.
Tôi lùi lại. Người đàn bà chệnh choạng đi về phía ngôi nhà không có cửa sổ. Tóc xoã ra, khô đét. Tôi nhìn theo, trong ý nghĩ chợt gợn lên một nỗi sợ mơ hồ.
Gà lên chuồng.
Đêm nhão như vắt bột nhồi quá nước.
Hai đứa trẻ ngáp dài, ngáp ngắn.
Cái tĩnh lặng ở vùng cỏ, cát này khiến con mắt dễ díp lại. Mẹ ướp thịt ngan với lá tắt, đợi rể về sẽ nấu giả cầy.
Đêm yên ả. Mùi nhang bay phả phất, thiêu thân bu kín cái bóng đèn mới lắp. Tôi ngồi nán lại để gọi điện.
Máy ò ò kêu, có lẽ lại hết pin. Tết nào, người thợ ấy cũng bận, nhiều đêm không có giấc ngủ. Gió thổi rùng rùng, những tiếng ho khụ khụ chốc lại vang lên. Mẹ đổ ho khi cái cổ bị lạnh.
Tôi chui vào màn. Mùi khói ngấm vào gối, vào tóc. Mẹ ở giường bên nói vọng sang:
– Nó đi tàu hay xe?
– Con dặn rồi, về tàu cho dễ đón.
Mẹ không hỏi nữa, đêm trôi đều, gà gáy sang canh, chả mấy nữa mặt trời lại đội thúng ngoi lên.
Trong giấc mơ, tôi thấy y ngồi ở ven đồi hát những lời sến số, khổ lụy. Gió bẻ ngược cổ áo, bóng tối ăn đen hai má. Tôi cố gọi thật to. Có ai đó siết cổ không cho tôi gọi. Trời lắc thắc mưa, đêm nhầy nhụa mùi cỏ ướt. Một làn khói đục thổi qua, y chỉ còn là hạt gạo chìm trong nồi nước vo, bở nát dần và trắng xoá.
Tôi mở choàng mắt.
Ngoài ngõ, rộ lên tiếng người đi chợ sớm, người đàn ông thu lưới, nhặt đầy rổ cá ngạnh. Ai cũng đòi mua hết để nấu mẻ, họ tranh nhau rầm rĩ một góc làng.
Mẹ lê dép xẹt xẹt xuống bếp. Gió sớm mai tràn vào theo cánh cửa ét ét mở ra.
Tôi cho gà ăn, bụng bắt đầu thấy lo.
Hai mươi tám Tết, điện thoại của y đổ chuông. Tôi thở như trút được mớ lo, cắm cổ chạy lên đồi.
Y không bắt máy. Y không gọi lại. Y không nhắn nổi vài dòng…
Gió thổi dạt vạt cỏ, thổi vào tôi dự cảm về sự ra đi của những chiếc lá, những cơn gió và một mùa đông không còn trẻ. Tôi ngồi với đồi cỏ cho tới khi nắng tắt, mặt trời ủy khuất như một mối tình đi vào ngõ cụt, kết thúc trong im lặng và người đàn bà không được biết lý do.
Tôi trở về. Mặt bạc vì gió. Nghe tiếng trẻ con ùa ra cổng, mẹ thò đầu hỏi:
– Mai hai chín, nó về buổi nào?
Tôi lắp bắp:
– Con mất liên lạc… từ hôm…, tới giờ.
Tôi không tìm được lý do nào để… Lời nói thật đó liệu có khiến mẹ buồn như cái lúc nghe tin tôi ly hôn? Qua ô cửa nhìn ra chuồng lợn, tôi thấy mẹ dốc cái nồi, cám chảy tọc tọc vào cái máng, ánh mắt đục như khói bay lên từ gian bếp thiếu hơi người.
Mũi tôi cay nhói.
Đèn tắt.
Tôi ngồi trong bóng tối nghe gió lấy đi những hạt cát đem trỉa vào màn sương loang lổ sáng, tối.
Đêm đen như máu khô.
Tôi không nghe thấy tiếng ngáy gồ ghề của bố.
Ông chưa ngủ. Hơi thở đứt nối. Cái trở người khó nhọc. Vạc giường kêu en ét.
Tôi không nhớ, đây là đêm thứ bao nhiêu, bố chẳng thể ngủ vì buồn. Tôi đã yêu không màng tới điều gì, kể cả một lần mặc áo cưới. Tôi đã yêu không cần bất cứ thứ gì, kể cả giấc ngủ của cha…
Ôi, Chúa ơi! Ngài hãy trừng phạt tôi, đứa con bất hiếu nhưng tôi còn hai đứa con, có thể nào che chở cho những lỗi lầm, sự vội vàng và không may mắn đã vì tôi mà xảy ra?
Nhà im phắc.
Cái im đó xoáy vào tôi, treo lên xà bếp.
Tôi ngót đi, khô quắt.
Đàn ông vẫn tự cho mình cái quyền được tới, phá bỏ hết mọi luật lệ rồi đội nón ra đi khi đàn bà còn đang vùng vẫy trong những khốn khó và khao khát yêu đương.
Tôi nhớ, một chiều căm căm rét, ông Xán ở xóm Cỏ, dắt con bò vàng về ở với người đàn bà vác củi khoẻ nhất làng Ót. Người vợ nằm ôm cái chậu móp, nôn ráo. Vài năm sau, bà ấy chết vì bị con lao ăn thủng phổi, vì những hận si với đàn ông cô đặc lại hoá thành cao ở trong người.
Người phát điên, kẻ đi tới nấm mồ của mình khi Chúa vẫn còn bận rộn với vườn địa đàng của ông ấy. Thế còn tôi…, tôi sẽ thế nào?
Phía sau im lặng bao giờ cũng là những bí mật động trời, không quan trọng lý do người rời đi là gì, càng không cần sống phải thấy người, chết phải thấy xác, khi đàn ông đối đãi với tình yêu bằng im lặng tức là tất cả đã chấm hết.
Đàn ông tới rồi đi, nhẹ như gió thổi cái vỏ trấu bay lên. Đàn bà sẽ hụt hẫng vì những trống rỗng, hoang phế nhưng việc đi hay ở giữa cái cõi vô thường này, bảo nó nhẹ thì nó ắt phải như xốp, như tơ, như hơi rượu say.
Tôi sẽ để tang cho mối tình vắn số này hết đêm nay. Xin gửi luyến lưu theo mùa cỏ đắng, trôi rông dài trên sông Vũ vào những chiều nước cạn…
Liu thiu, tôi thấy mình đi về phía ngọn đồi vàng rộc, hoàng hôn cuối cùng của người đàn bà lâm vào bạo bệnh cũng vàng và xanh y thế. Trong đôi mắt của con thú mồ côi, mặt trời ăn được, trắng đêm nó lùng sục để rồi sụp đổ khi thấy mặt trời nhoi lên khỏi họng núi, mỗi lúc một cao…
Trời sáng.
Tôi cầm bó nhang đi theo bố.
Người ven sông Vũ bảo nhau, ai rồi cũng sẽ lên đồi nằm nhìn mây trôi qua rặng núi phía trước mặt.
Đồi lặng gió.
Chó đuổi nhau đè ngã cỏ. Những nấm mộ ẩn, hiện sau rạn cỏ bồng bềnh. Nấm bịn rịn khói hương. Nấm cắm thánh giá, quét vôi tôi.
Cắm hết số nhang, tôi đứng dưới gốc mận nhìn bố. Chỗ bố đứng, thèn thẹn trổ hoa trắng, gió thổi rung rinh chiếc lá cụp, lá xoè. Tôi rẽ cỏ tới gần, ngập ngừng gọi:
– Bố ơi…
Tôi không thốt thêm được từ nào, cổ thít đặc. Những đêm trắng đã đắp vôi lên mái đầu cha phờ rạc, tôi chẳng thể cậy bong…
Bố nheo mắt nhìn mặt trời trôi trong mây, giọng vẫn gắt và gằn:
– Về là tốt rồi, đừng tha hai đứa đi đâu nữa…
Dáng bố thấm vào cát, vàng như mặt trời vỡ. Tôi bật khóc. Gió thổi đỏ đôi mắt một mí, mới đêm qua thôi giờ nó đã chẳng thể giấu nổi những rét mướt ở trong tròng.
Dọc sông Vũ, những que nhang dứt khói, rịn lại mùi hương của chân rạ mới cắt. Làng cắm nhang khắp triền sông để siêu sinh cho những linh hồn tha vãng, chưa thấy lối về nhà.
Hai chín Tết, bãi sông vắng hoe.
Người đàn bà điên cởi đồ, từ từ lội xuống dòng nước lạnh. Cái áo, cái quần vò một nùi, nhét vào gốc cây gạo.
Làng nào cũng có ít nhất một người điên, một “Chí Phèo”. Khi cởi bỏ hết, không còn che đậy, con người trở về với bản thể nguyên thủy, nghĩa là còn hồn nhiên và chất phác. Gỡ sợi rêu mắc vào tóc, người đàn bà khoát nước lên người, mơ màng cất tiếng hát.
Tôi rẽ một lối khác thì điện thoại có tin nhắn. “Hết Tết, em ra Hà Nội, ta nói chuyện”.
Tai tôi ù đi.
Tiếng hát gần như thể người đàn bà điên đã ở phía sau lưng.
Đừng hát nữa! Hãy dừng lại việc hát lên những lời yêu đương nồng nã bởi nó đang lấy đi sự kiêu ngạo của một người đàn bà đầy mâu thuẫn, yếu đuối và bất cần. Ở đây, bây giờ chỉ có cỏ biết, trời biết, cát biết…, tôi đang lao đao.
Một dòng tin cụt ngủn, chuyện kết thúc như một kịch bản vụng về.
Tôi và y đã bước qua đời nhau như thế, chẳng ai giữ lại gì trong áo.
Hết đông rồi, heo may vẫn về, để lá rụng đỏ ngắt con đường chẳng có bóng chim bay.
Trời trưa.
Mây phủ trắng những chóp đá gầy rạc.
Cái xác rắn nhẹ hều mắc lại trong vạt ngô rã ra, dính vào gốc cây mốc đen.
Sông Vũ về trưa, tịnh như vừa trút hết những gánh lo đen đúa, gột đi những chì chiết của một mối tình đã trở nên xa lạ.
Người đàn ông thả lưới gần đó thấy tôi chờ mãi trên bờ bèn tấp thuyền vào hỏi:
– Cô Trang vào làng à? Để tôi đưa về.
– Sao anh biết tên tôi?
– Mẹ cô đi đò, nói về cô. Bà bảo, cô có hai đứa con gái…, cô không có chồng.
Người đàn ông trả lời rành rọt khiến tôi bật cười. Tôi hỏi lại:
– Khi nào, anh nghỉ Tết?
– Tôi không nghỉ.
– Sao lại không nghỉ? Vợ, con anh đâu?
Nói tới vợ, y đảo nhanh tay chèo, im lặng suốt quãng đường, điều đó khiến tôi thấy lời vừa thốt ra thật vô ý.
Mười hai giờ, tôi về tới nhà.
Bố đặt nồi bánh. Mẹ xé măng, xào giá đỗ.
Tôi kể về người đàn ông chèo đò, mẹ liền mách. Người đó, tên là Cường, lấy vợ ở làng Ót. Ông bố chèo thuyền đi vớt củi rồi làm củi trôi về đâu không rõ. Y thả lưới mãi ở khúc sông này, không chịu lên bờ. Vợ y bỏ vó, theo lão Minh buôn gỗ, giờ đã là bà chủ. Tính ra, y ở vậy đã ba năm ròng.
Tôi thở dài.
Những thề thốt rồi sẽ tan vào nước biển trở thành vị mặn, chỉ dòng sông gánh đỏ phù sa là vẫn cưu mang ta và chẳng thể nào từ bỏ. Y là một trong số những kẻ hẩm hiu đang sống trong cái vỏ ốc rỗng ruột, ở dưới gốc ngô đồng.
Ba mươi Tết.
Nắng rát vai.
Gió sông thổi vào làng, mát như đi giữa rừng keo vào mùa thay lá, hạt rụng vàng gốc.
Cơm cạn. Tôi xới một lượt, gác đũa lên nắp. Ngoài ngõ có tiếng chó sủa, người đàn ông đi vào. Quần bò bạc. Áo cộc. Tóc húi cua. Tay cầm chai rượu nút lá, hai con cá trắm đen…
Y nhìn tôi rất lạ, không giống lần gặp ở dưới bãi. Người vui nhất là mẹ, bà cười suốt từ lúc y tới. Chủ đề bữa cơm xoay quanh con cá y xách tới.
Bố khen cá tươi. Mẹ bảo cá nở vây, ít xương dăm. Lũ trẻ ăn cá thay cơm. Có con cá, cút rượu, bố lai rai tới hai giờ chiều. Tàn cuộc, tôi tiễn y xuống bãi để kịp giờ cất tôm.
Cuối chiều, nắng vàng như cá kho nghệ, mẹ cắp chiếu đi giặt. Tôi chưa kịp hỏi, mẹ đã bảo:
– Ý mày thế nào? Lấy nó đi. Gái có chồng, người ta đỡ khinh.
– Mẹ nói gì thế? Vừa gặp đã xúi lấy nhau.
– Gật đầu đi. Cả làng, cả cái Hà Nội…, thằng nào dám nuôi con mày? Thằng nào?
– Sao mẹ cứ vơ vào thế?
Tôi cãi lại và dường như đã chạm vào cái máu điên của mẹ, những tức tối đóng mảng bao nhiêu năm giờ được thể bà nói hết ra.
– Nếu không có ai níu chân, mày sẽ lại đi, sẽ gặp những thằng đểu cáng và to bụng. Ngày đó, tao đã nói hết nước hết cái… Mày biết tao chỉ có mình mày là con gái nhưng mày vẫn đi. Mày xem, mày đã làm gì với cuộc đời mày. Tao là cái cuốc mẻ gì với mày? Tình yêu có khiến mày đổi đời không?
Mẹ nhúng chiếu vào nước, dùng bàn chải cọ lấy cọ để, bà giặt thật lực và xem như tôi vô hình.
Lá tre rơi lên cổ áo, bóng mẹ buộc bó lại.
Tôi đứng im.
Có quá nhiều thứ tình cờ tìm đến trong cuộc đời mỗi người. Ở thời điểm đó, không điều gì có thể bất chấp hơn, đã lựa chọn thì làm gì có quyền ân hận mà cũng không nên ân hận. Nếu nghĩ cứ sắp đặt sẽ được như ý thì nhân gian này lấy đâu ra bội phản, ly tán, những van lơn ủy mị và những nhà văn bước ra từ số phận.
Mẹ ơi! Con không trả lời được.
Khuya! Mưa bay xiết qua hiên cửa, lối mòn dẫn xuống bến đò đen như đôi mắt của mỏ.
Bố nhổ râu với cái nhíp mới mua ở chợ. Mẹ cuốn tờ lịch thành cái bông để xoi tai. Tôi chèn thêm gộc củi to vào bếp, nếu sáng mồng một cời tro ra vẫn thấy than đỏ thì đó là điềm may.
Nửa đêm.
Trời bặt gió.
Làng đẩy thuyền ra, thắp đỏ đèn cầy. Người làng tôi vẫn tiễn năm cũ trên sông, nhà nào cũng có một chiếc thuyền gác ở đầu hồi. Người đàn ông dong thuyền đi dọc đồi cỏ để khi nhìn về chân cầu sẽ thấy đèn kết thành một dải cườm lấp lánh. Pháo nổ. Đèn vàng như nắng về sau cơn bão. Tôi phấn khích reo lên. Y cười:
– Đi đâu cũng không bằng quê. Trang về đi.
– Về quê, tôi biết làm gì…?
– Tôi thả lưới. Trang đi chợ bán cá. Chúng ta…
Nghĩ tôi không tin, y nói tiếp:
– Tôi có căn nhà ở trên đồi. Tôi ở trên thuyền suốt nên bà điên vào ở. Nếu lấy vợ, tôi sẽ đòi lại… Nhà rất rộng. Tôi sẽ đục thêm cửa sổ.
– Tôi không quen đi chợ, mổ bụng cá. Tôi có công việc ở Hà Nội. Anh nên lên bờ, biết đâu…
Những lời thẳng thừng đó đã khiến y tự ái:
– Tại sao cứ phải lên bờ…? Phụ nữ các cô sợ thuyền, chài đến thế sao?
Nếu y đã hỏi thì tôi sẽ nói thật.
Phải! Phụ nữ sợ gắn bó với một người ngày, đêm trằn mình với mưa, nắng chỉ để mót nhặt vài ba hom cá. Khi đã đi qua quá nhiều lo toan, họ nhận ra có một thế lực đứng sau hạnh phúc. Hãy đặt mái chèo xuống và nghĩ về người đàn bà giờ đã là vợ người ta. Có lúc nào, anh thấy có lỗi vì đã để cô ấy thuộc về người khác chỉ vì câu chuyện ở lại và lên bờ? Trời không đày anh, dòng sông này không bắt bớ anh. Tất cả là do anh lựa chọn.
Người đàn ông lẳng lặng khua chèo, y nhận ra những chới với khi hai người sinh ra ở vùng cỏ khát nhưng lại không gặp nhau ở cuộc sống mưu sinh.
Tết, y không tới chơi, mẹ không vui. Và tôi cũng biết, tôi chưa thực sự ở vị trí của y để hiểu…
Trời nồm.
Cỏ bện hơi mốc.
Mối bò đen gốc củi mục.
Tôi cởi dép lội vào trảng cát, thò tay ngắt những quả xương rồng to. Tôi hái được lưng rổ thì mẹ gọi điện.
– Về mau. Con Lâm nhét ngô vào lỗ mũi. Nó không thở được.
Tôi ném đống quả dại, chạy băng qua nghĩa địa, tìm về cây cầu gỗ. Người đàn ông cầm lái, tôi ôm chặt đứa con…
Bác sĩ gấp rút soi mũi. Màn hình muỗi như ti vi của thập niên tám mươi. Có dị vật nhưng bác sĩ không dám gắp vì hình ảnh quá mờ, không cẩn thận sẽ đẩy hạt ngô đi vào đường thở.
Ở cái đất, cỏ ăn khuất mặt trâu, bò này dường như cứ nghèo lại gặp phải cái eo. Tôi gọi xe, tức tốc đưa con gái ra tỉnh. Đi hết quãng đường bảy mươi cây số, xóc bã người cũng tới thị xã. Bác sĩ lựa lựa, gắp hạt ngô ra, giây phút đó tôi mới cho phép mình được thở.
Từ đồi cỏ chạy về, tôi đã cầu xin Chúa cứu lấy đứa con bé bỏng. Mọi tai vạ xin ngài hãy giáng xuống đầu tôi. Lũ trẻ còn quá bé để đối diện với sống, chết và vô vàn cơ sự ở cái cuộc đời nhỏ nhoi này.
Tôi ngồi thừ trước hiên nhà đầy khói.
Mùi rơm cháy dở, tiếng chét chét của đàn dơi ùa ra từ chái nhà, tiếng nước rì rạch chảy qua bãi lầy trồng khoai nước…, tất cả đệm thêm vào cái hiu hắt của một buổi chiều ràn rạt gió giêng hai.
Mẹ vá áo, ống chỉ lăn ra góc bàn. Cái áo đó, bố vẫn mặc để cắt lá đót ở trên đồi. Tối mai, tôi sẽ ra Hà Nội. Căn nhà chìm trong tiếng gió thổi rù rù. Bố đốt thuốc, gửi hết trầm u vào khói. Mẹ rấm rứt khóc, bà chỉ hận không thể từ mặt tôi.
Tôi không biết nói sao cho mẹ hiểu, ai cũng có nơi để cắm rễ, giống người đàn ông một mực ở lại với dòng sông, cặm cụi ngồi vá những lỗ thủng trên lưới như đang vá lại đời mình.
Tôi gặp lại người đàn ông trên đồi, dép còn dính vẩy cá, có lẽ y vừa ở chợ về.
Nói gì đây? Việc lên bờ hay ở lại với tôm, cá không quyết định việc y có vợ hay không, vì cuộc đời là những chuỗi ngày tìm kiếm sự phù hợp.
Sẽ có lúc, tình yêu gục chết dưới chân của nỗi sợ như những vạt cỏ cháy khét bởi gió Lào và nắng rát nhưng khi mưa tới, những mậm non sẽ nhú trắng những triền, những lối, những bạt ngàn.
Dúi cho tôi bọc cá khô, y trở về với con đò, trầm tư đốt thuốc. Người đàn bà điên trông thấy đã bật cười và rồi lại hát. Câu hát nói về người con gái để bung một nút cúc và những lầm lỡ đầu đời…
Mắt sâu hùm hụp. Tóc bết rít. Bộ đồ bốc mùi. Người đàn bà úp mặt xuống vạt cỏ nhưng không khóc.
Tôi nhận ra, yêu thôi đã là định mệnh và không ai có thể chống lại được sự triệu hồi của Chúa. Nếu tất cả chỉ vì yêu mà phải chịu đoạ đày thì xin Chúa đừng bao giờ thức tỉnh người đàn bà ấy. Hãy cứ để nàng bay trong trớ trêu của cuộc đời, tự vắt kiệt mình và được giải thoát bằng một giấc ngủ dài, ở ngọn đồi miên viễn.
Trời tối dần.
Khu làng nhoè đi.
Cây cầu rầu rĩ như ngọn núi phải lìa xa mùa thu để sống với một mùa đông khô cằn, hiếm muộn những cơn mưa.
Khói phát ra từ những ngọn đèn uống no dầu. Khói hun trắng những già nua cồn lên trong đôi mắt của đàn ông, đàn bà.
Trong mỗi nóc nhà im ắng đều mang những câu chuyện cuộc đời, chỉ có khói biết và mang lên trời.
7/6/2024
Trang Thụy
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...