Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Những ân tình sắn

Những ân tình sắn

Với những người con đất Tổ, bên cạnh hình ảnh cây cọ, cây chè, thì có lẽ cây sắn mới là thứ cây gắn bó sống còn với cuộc đời, nhất là với tuổi thơ của họ.
Tôi còn nhớ, hồi còn học cấp một, bọn trẻ con tinh nghịch chúng tôi trên đường tới trường, khi đi ngang qua những sườn đồi trồng sắn đang lên xanh tốt, cao chừng đến ngực người, bao giờ cũng rủ nhau đi tìm những hòn sỏi to, dẹt, sắc cạnh rồi thi nhau xem ai ném gục được nhiều ngọn sắn. Có đứa ném hàng chục lần vẫn không trúng gì. Nhưng có đứa chỉ vung tay hết cỡ và bằng một hòn sỏi đã hạ gục liền hai, ba ngọn sắn. Nhìn những ngọn sắn như bị một nhát kiếm lia đứt, khựng rơi xuống đất mà cả bọn hả hê, hò reo thán phục.
Tuy nghịch ngợm, đôi khi như phá phách là vậy, nhưng suốt tuổi học trò, càng lớn chúng tôi lại càng hiểu ở miền đất toàn sỏi đá này không có loại cây nào lại tận hiến hết mình cho con người như cây sắn.
Lá sắn khi vàng rụng xuống được lượm về, gốc sắn, thân cây sắn trừ những cây được chọn để làm giống được phơi khô, đều là thứ củi quí giá của mỗi gia đình.
Rau sắn hầu như đã trở thành một món đặc sản của vùng quê Phú thọ. Thường thì mỗi gia đình ở đây đều lấy cây sắn cắm dọc theo ‘bờ rào xung quanh nhà mình. Khi những ngọn non chồi lên từ những mắt ở thân cây sắn, người ta hái đem rửa sạch rồi vò thật kỹ cho hết nhựa. Cách ăn đơn giản nhất là đem luộc chín rồi chấm với tương ta sẽ cảm nhận được vị bùi của rau và vị ngọt của tương hoà quyện. Cách cao cấp hơn là rau sắn được cho vào vại ủ chua, rồi cố kiếm một ít tôm riu hoặc tép, dù đó chỉ là cánh đòng đong, cân cấn hoặc cá mại, rồi cho vào nồi đất ninh cho đến khi mềm rục. Vị chua nhẹ, bùi bùi của rau sắn quyện với vị beo béo, đậm đà của tôm, tép làm người ta có cảm giác tuyệt ngon, không thể nào quên.
Còn củ sắn chính là thứ lương thực chủ yếu đã nuôi tôi lớn lên, cho tới khi tốt nghiệp phổ thông, rời làng quê đi học ở nước ngoài.
Thủa ấy nhà tôi nghèo lắm, đông con, bảy tám miệng ăn mà chỉ có mẹ tôi là lao động chính. Tháng ba ngày tám, khi giáp hạt, mỗi bữa cả nhà chỉ có hơn một bơ gạo để nấu cơm, đủ để xới cho mấy đứa em nhỏ nhất, mỗi đứa một lưng bát. Cứ gần đến bữa ăn là ông tôi lại lảng sang nhà ông chú ngồi chơi. Khi em tôi sang gọi về ăn thì ông bảo là đã ăn sắn no rồi. Ông, bà, mẹ, tôi và đứa em gái kế theo ăn sắn trừ cơm hầu như đã trở thành thường nhật. Món ngon nhất và có lẽ cũng là dễ ăn nhất là cháo sắn nấu với ốc. Những con ốc đá, ốc vặn mò được khi đi làm đồng hoặc mua ngoài chợ về được luộc chín rồi nhể ra, nước luộc ốc hòa với bột sắn cho vào nồi đun lên đến khi chín sền sệt thì đổ ốc vào khuấy đều và bắc xuống.
Bên cạnh chiếc mâm không cơm là một rổ rau ghém đã được thái nhỏ. Múc cháo vào những chiếc bát loa to, trộn thêm rau ghém vào, ăn liền một mạch hai, ba bát là no bụng và có lẽ cũng là đủ chất. Sau này khắc khoải mãi với dư vị của bát cháo sắn trong một bài thơ của mình tôi đã viết: “Nhắm mắt nhớ bao lần ta đã hụt hơi, từng gánh nước ngược đồi leo dốc, bát cháo sắn quyện ghém rau cùng ốc, đói no rồi cũng nên người “.
Rồi để thay đổi món cho đỡ ngán trong những bữa chính, bột sắn còn được đồ chín lên rồi nắm thành từng nắm to, tròn, ở giữa phết một ít hành phi bằng dầu sở cho thoảng chút mùi thơm rồi cắt thành từng khoanh ăn đến lúc no. Còn bữa sáng của tôi thời đi học thường là sắn luộc. Sáng nào, bà và sau này là mẹ cũng dậy từ rất sớm để luộc một nồi sắn. Nếu là sắn tươi thì hai, ba khúc; còn sắn khô thì khoảng mươi lăm lát được nhét đầy hai túi áo tôi, nóng hổi. Trong khi cuốc bộ gần bốn cây số đến trường, tôi luôn có một bữa sáng “ngon lành” như vậy. Món có vẻ sang nhất được làm một phần từ sắn mà tôi biết đó là bánh chưng sắn.
Hồi ấy, cứ vào dịp Tết, do ít gạo nếp nên ngoài năm bảy chiếc bánh chưng được gói với đúng nghĩa của nó để bày cúng tổ tiên, nhà tôi bao giờ cũng gói thêm hàng chục chiếc bánh chưng sắn để ăn lúc ra giêng. Gạo nếp được trộn với sắn duôi thành sợi, nhân là một ít đậu xanh được gói thành những chiếc bánh chưng dài, tròn lẳn, đánh dấu riêng, sau Tết được cắt thành từng khoanh nếu có mỡ thì đem rán, còn không thì nướng lên trông vàng ươm, ăn cũng rất ngon và cho người ta cảm giác như Tết vẫn còn đâu đó.
Để tích trữ được thứ lương thực nuôi sống mình quanh năm ấy, hễ cứ đến mùa thu hoạch sắn là làng tôi lại nhộn nhịp thâu đêm. Thường được trồng ở những quả đồi khá xa, nên vào mùa sắn, mỗi nhà thường dựng một túp lều đơn sơ được che chắn bằng lá cọ ngay trên nương sắn của mình để ở qua đêm, tranh thủ thu hoạch và chế biến sắn sao cho nhanh nhất. Ban ngày những củ sắn sau khi được nhổ lên, chặt khỏi gốc được gom lại thành từng đống. Tối đến sau khi ăn qua loa bữa cơm đạm bạc do người nhà mang tới, mọi người bắt tay ngay vào việc. Người dóc vỏ, người thoăn thoắt thái những củ sắn to, dài thành những lát sắn trắng phau. Những củ sắn nhỏ được chặt thành khúc. Tiếng thái và chặt sắn trên thớt âm vang, ánh đèn bão hắt ra từ những lều lá cọ rải rác trên khắp các quả đồi cho người ta một cảm giác thật kỳ ảo. Tờ mờ sáng, sắn đã thái được đem rải ra phơi trên những vạt đồi toàn sỏi nhỏ. Tuỳ vào hình thù và kích cỡ của các vạt sỏi mà lúc này những lát sắn đem phơi như được ghép lại và tạo thành những bức tranh muôn hình vạn dạng. Gặp nắng hanh và gió heo may, chỉ hai ba ngày những lát sắn khô ron, trắng tinh được kĩu kịt gánh về nhà trong niềm hân hoan của cả dân làng vì một mùa sắn bội thu.
Mấy chục năm đã trôi qua, nhanh như chớp mắt. Nhiều quả đồi trồng sắn khi xưa đã được san bằng để làm “Khu công nghiệp Thụy vân” thuộc thành phố Việt Trì. Nhờ khu công nghiệp này mà đời sống của người dân làng tôi cũng đổi thay và trở nên khấm khá. Song giờ đây, mỗi lần về quê, bao kí ức liên quan tới cây sắn lại ào ạt dội về. Và những ân tình với sắn- thứ đã nuôi tôi lớn khôn chắc chắn sẽ mãi còn nặng sâu và theo tôi suốt cả cuộc đời!.
13/6/2024
Tạ Minh Châu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...