Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Trăng đỏ - Truyện ngắn của Phước Hội

Trăng đỏ - Truyện ngắn
của Phước Hội

Đêm Trung thu đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của gần sáu trăm con người già trẻ lớn bé của ấp Tân Thành. Những xác người chết không toàn thây trông khủng khiếp hơn cả cái chết từ hình phạt thời trung cổ. Trước khi bỏ đi chúng còn nhẫn tâm gài trái nổ dưới những xác người. Thêm người chết, bị thương khi chôn cất thân nhân, có người chết đến hai lần. Nhiều người bị ám ảnh hoảng sợ rời bỏ miền đất này đi biệt xứ.
Ông Sáu Hạng thả cái nhìn mông lung về phía vạt rừng cao su xanh thẳm đang thời sung sức. Ở cái tuổi tám mươi, vẫn còn khá minh mẫn, tuy nhiên chuyện nhớ quên cũng đã chập chờn theo quy luật của vô thường. Mỗi mùa mưa rừng trở về có một quá khứ cứ như vết thương không lành sẹo lại nhoi nhói cồn cào đau trong ông. Bốn mươi năm trôi qua mà những gì xảy ra trong cái đêm khủng khiếp đó vẫn cứ đeo bám ông hoài. Sáu Hạng chép miệng: “Chắc mang theo đến hết đời luôn quá!”.
Những cơn mưa đầu tháng tám âm lịch chiều nào cũng trút nước xuống miền biên giới này. Khi thì sầm sập lúc lại nhẩn nha. Không khí cô lại tưởng chừng như có thể vắt ra nước. Hình như ông Sáu Hạng cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó, rồi chợt nhớ ra ông quay lại nói với vợ: “Sao năm nay không thấy con Thênh hả bà?”. “Ừa. Mọi năm lúc này là chiều nào nó cũng thơ thẩn đi qua nhà mình. Tội nghiệp con nhỏ quá!”. “Con nhỏ” là người đàn bà tuổi nay cũng gần sáu mươi, cứ vào mùa Trung thu là về đây lang thang trên con đường nhựa chẻ dọc giữa rừng cao su của miền biên giới này lên đến tận cửa khẩu Xa Mát. Những người dân kỳ cựu của ấp Tân Thành đã quá quen với hình ảnh đó. Nó nhắc nhở một kỷ niệm hãi hùng như vết dao sắc ngọt chém vào thân cột gỗ để lại dấu khuyết không làm sao tẩy xóa được
Trung thu năm 1977.
Trăng tròn vành vạnh đổ miên man thứ ánh sáng nửa thực nửa hư trên vùng biên giới. Những ngôi nhà bé nhỏ của một khu dân cư hiền lành như đang thu mình lại nằm yên lặng ngáy ngủ. Mấy ngọn đèn dầu lập lòe giống hệt bầy đom đóm nhấp nháy trên cái nền đen thẩm của một vạt rừng xa. Không ai ngờ trong cái yên ả thanh bình đó đang có những con thú mang lốt người âm thầm vượt biên giới để thực hiện một tội ác tày trời. Thoạt tiên là những loạt đạn khô khốc xé toang màn đêm. Lửa bốc cháy ngùn ngụt trên những mái nhà tranh. Tiếng la khóc đầy kinh hoàng, đau đớn dậy lên làm lung lay cả đất trời. Những gương mặt bàng hoàng ngơ ngác bị mấy họng súng lạnh lùng lùa ra trước sân. Và khi còn chưa biết điều gì đang xảy ra thì họ đã nhận những nhát cuốc, dùi cui tàn bạo bổ vào đầu. Những tên lính Khơ- me đỏ sặc sụa mùi rượu, cổ quấn khăn rằn, vũ khí lăm lăm trên tay, gương mặt ẩn vào màu đêm lờ nhờ chỉ thấy đôi mắt long lên sòng sọc hung hãn và tàn bạo. Phụ nữ thì bị chúng hãm hiếp rồi lạnh lùng xả súng, trẻ con cũng không thoát khỏi bàn tay quỹ dữ…Tội ác của bọn chúng khiến trăng cũng rùng mình, màu trăng bỗng úa đi như bị thoa máu.
… Thênh ngồi thu mình ở miệng hầm ôm chặt đứa con mới được bốn tháng tuổi vào lòng. Thênh vẫn nghe rất rõ nhịp đập của tám, chín trái tim người lớn và trẻ con phía sau lưng. Nỗi sợ hãi đặc quánh lại nặng nề đè lên lồng ngực của họ. Mùi rêu mốc, mùi đất ẩm của căn hầm còn sót lại từ thời chống Mỹ xông lên đọng lại nhột nhạt ở cánh mũi, nhưng ai cũng cố nén chịu. Chỉ cách căn hầm một vạt mía nước là tiếng la hét man rợ của bọn lính Pôn Pốt, là tiếng kêu khóc thảm thiết của những con người yếu đuối bất lực trước lũ bạo tàn. Tiếng chân thình thịch của bọn ác thú như những nhát búa gõ vào trái tim Thênh. Chị rùng mình khi nghĩ đến điều tồi tệ nhất nếu bọn Pôn Pốt phát hiện ra căn hầm. Đứa bé bỗng ngọ ngoạy trong tay, Thênh vội áp mặt con vào bầu vú căng tròn lần lượt hết bên này đến bên khác. Được một lát đứa bé lại bắt đầu quấy khóc. Không khí ngột ngạt hơi người và mùi đất của căn hầm làm nó khó chịu. Giữa cái không gian im lặng đến tê người, tiếng khóc của thằng bé dù nhỏ vẫn nghe rõ mồn một. Giọng ai đó thì thầm sau lưng Thênh: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế âm Bồ tát…”. Thênh có thể hình dung được những đôi mắt tuyệt vọng đang hướng về mình. Chỉ cần tiếng khóc của đứa bé lọt ra ngoài hầm và đến tai bọn quỷ sứ thì… Thênh hoảng sợ nghỉ đến số phận của tám, chín con người này, những nhát cuốc đập đầu, họng súng đen ngòm tóe lửa, một quả lựu đạn… Không, không thể được. Thênh cuống cuồng ép chặt đứa con vào ngực. Bầu vú ấm mềm thơm mùi sữa trùm lên mặt đứa bé. Tiếng khóc của nó trở nên ngằn ngặt vì ngộp thở, chân tay chòi đạp vẫy vùng. Thênh biết chỉ cần thả đứa bé ra là mọi thứ sẽ kết thúc. Cách đó chừng năm bước chân, bọn Pôn Pốt vẫn đang lùng sục la hét một cách man rợ. Không hiểu sao vòng tay Thênh mỗi lúc mỗi siết chặt đứa con vào ngực, chặt nữa…đầu óc Thênh trống rỗng. Đứa bé yếu ớt cố lấy đầu ra khỏi ngực mẹ, rồi lả dần, lả dần… Đôi mắt Thênh trừng trừng nhìn lên vầng trăng đang vành vạnh trên bầu trời bỗng lịm đi vì đám mây đen bất chợt kéo đến. Đứa bé mềm nhũn trong tay Thênh, bất động. Đôi mắt nó vĩnh viễn khép lại bên cạnh bầu sữa mẹ thơm tho, ấm áp.
Mưa. Ầm ào, xối xả. Trời như cũng đang giận dữ trút nước để rửa trôi bầu không khí tanh tưởi chết chóc do bọn người man rợ gây ra. Những đống tàn tro bật lên âm thanh lèo xèo bốc khói mù mịt trên những nền đất la liệt xác người. Mùi của máu, của da thịt bị cháy khét theo đám khói lan tỏa cả một vùng xóm nhỏ hiền lành. Những giọt mưa phũ phàng quất vào mặt Thênh rát rạt. Đau hơn nữa đi, buốt hơn nữa đi mưa ơi!… Nước chảy tràn vào hầm dường như mang theo cả mùi tanh của máu. Những gương mặt vẫn câm lặng chịu đựng. Tiếng súng thưa dần, giọng gầm rú của dã thú cũng mất hút về phía biên giới. Mưa đột ngột tạnh, trời quang quẽ một cách lạ thường.
Trăng đã chếch về hướng Tây, đỏ ửng. Ngôi sao mai run rẩy ở chân trời phía Đông. Thênh bồng xác con rời căn hầm đi như người mộng du. Mái tóc chị xỏa tung rối bời. Bóng hai mẹ con nhập lại gầy mỏng kéo dài trên mặt đất khê nồng mùi tử khí. Phía sau lưng Thênh, tám chín con người quỳ mọp xuống lạy như tế sao, rồi tất tả bước thấp bước cao lao về phía ngôi nhà của mình. Cả một miền quê tang thương phút chốc chìm trong cái yên lặng đến rợn người…
Đêm Trung thu đẩm máu đã cướp đi sinh mạng của gần sáu trăm con người già trẻ lớn bé của ấp Tân Thành. Những xác người chết không toàn thây trông khủng khiếp hơn cả cái chết từ hình phạt thời trung cổ. Trước khi bỏ đi chúng còn nhẫn tâm gài trái nổ dưới những xác người. Thêm người chết, bị thương khi chôn cất thân nhân, có người chết đến hai lần. Nhiều người bị ám ảnh hoảng sợ rời bỏ miền đất này đi biệt xứ. Gần cả tháng sau, chiều nào cũng có một người phụ nữ gầy xác xơ tay bồng con búp bê quấn chiếc khăn nhàu úa lang thang khắp ngõ, miệng hát ầu ơ ví dầu còn đôi mắt thì dài dại gióng cái ánh nhìn hun hút vào cõi xa xăm. Nhiều người còn rơm rớm nước mắt khi kể đến cái lúc phải giằng đứa bé đã tím ngắt ra khỏi tay Thênh để chôn cất. Tiếng gào thét xé lòng của người mẹ trẻ khiến mọi người không thể cầm lòng. Ai đó đã đặt vào tay Thênh con búp bê bằng nhựa quấn khăn và nó đã theo người đàn bà khốn khổ đó nhiều năm sau nữa
Người đàn bà bước những bước chân chậm rãi như đang hành thiền. Mặt trời chiều biên giới lặng lẽ khuất phía sau cái màu xanh bời bời của rừng cao su thâm u. Vài chiếc xe lôi chở lỉnh kỉnh hàng hóa vội vả vụt qua hướng về phía cửa khẩu bỏ lại đằng sau mùi khói khét nồng vẩn vơ tan vào chiều không. Ông Sáu Hạng mừng rỡ lớn tiếng gọi: “Bà ơi, hình như con Thênh nó về kìa!”.
Thênh rẻ vào ngõ nhà ông Sáu Hạng. Bộ quần áo màu lam sương khói khiến ông Sáu Hạng tưởng chừng như Thênh từ một cõi khác trở về, hư hư thực thực. Mái tóc bạc quá nửa búi cao, đôi mắt bớt vẻ u ẩn nhưng vẫn còn xa xăm vời vợi buồn. Nhấp ngụm nước trà thảo mộc, giọng Thênh thong thả …Sau cái đêm Trung thu tang tóc, Thênh chìm trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của người điên. Nỗi đớn đau thương nhớ và mặc cảm tội lỗi của người mẹ giết con làm Thênh hóa dại. Chồng Thênh đi làm ăn xa trở về thắt cả lòng khi suốt mấy tháng trời phải chịu cảnh đêm đêm nghe tiếng ru con khắc khoải của người vợ trẻ. Chồng đưa Thênh về quê mình tuốt ở miệt Gò Dầu Thượng để bứt Thênh ra khỏi miền đất ám ảnh đó. Dần dần nỗi đau cũng dịu bớt trong lòng nhưng cứ hễ đến mùa trăng tháng tám là Thênh lại chìm trong trạng thái mụ mê và tự tìm về miền biên viễn này lang thang mấy ngày.
Ông Sáu Hạng thở dài, chẳng biết phải nói lời gì để an ủi người đàn bà hình như vẫn còn đeo đẳng cái mặc cảm tội lỗi này. Mấy mươi năm rồi mà ông Sáu Hạng lần lựa mãi chưa nói được với Thênh rằng cái chết của đứa con Thênh cũng đã khiến vợ chồng ông băn khoăn trăn trở không yên. Thênh không hề biết ông và vợ có mặt trong căn hầm nghiệt oan đó và chứng kiến toàn bộ bi kịch đã xảy ra. Ông là người sau cùng rời căn hầm rồi lặng lẽ đi theo Thênh vì lo lắng Thênh sẽ làm điều dại dột. Cũng như Thênh, hai ông bà vẫn đau đáu nỗi niềm ray rứt thấy mình như đang vay mượn cuộc đời ngắn ngủi của cái sinh linh bé nhỏ đó. Mỗi năm, đến mùa trung thu ông bà lại trông ngóng Thênh về để được nhìn thấy Thênh vẫn còn sống, khỏe mạnh và âm thầm quan tâm chăm sóc như bù đắp phần nào cái ơn cứu tử. Giọng Thênh vẫn đều đều bình thản kể tiếp câu chuyện…
Trong một lần ghé ngôi chùa cổ, không hiểu sao khi nhìn vào ánh mắt dịu dàng đầy vẻ từ bi của vị sư già trụ trì Thênh đã kể như trút hết câu chuyện đau buồn của mình cho thầy nghe. Vị sư từ tốn giảng giải cho Thênh về luật nhân quả trong lục đạo luân hồi, duyên nghiệp của nhân sinh theo quan niệm nhà Phật. Hành động của Thênh và cái chết của đứa con để cứu những người trong căn hầm hôm đó là quả báo trả vay từ tiền kiếp. Cái duyên của hai mẹ con đến đó là hết, đứa bé đã trả xong món nợ mình vay và đi vào nẽo luân hồi. Những điều sư nói đã giúp Thênh trút được gánh nặng đeo đẳng bao năm trời, lòng trở nên nhẹ nhàng thanh thản hơn.
Xa Mát mùa này rộn ràng tấp nập những chuyến xe tải cõng đầy hàng vào ra cửa khẩu. Sức sống một vùng biên đang cuồn cuộn cái hơi thở của tuổi thanh xuân. Chừng như những giọt máu và nước mắt oan nghiệt trong cái đêm kinh hoàng đó đã tan vào đất hóa thành dòng nhựa trắng đem lại sự sung túc cho miền đất này. Ông Sáu Hạng nhấp ngụm trà rồi nhìn theo cái bóng áo lam của Thênh khuất ngõ như một vệt khói mỏng nhẹ tan vào chiều. Từ bây giờ ông bà đã có thể yên ổn mà sống nốt quãng đời còn lại.
Truyện ngắn này viết để tưởng nhớ về cuộc thảm sát của Pôn Pốt đêm Trung thu năm 1977 tại Xa Mát, Tây Ninh.
17/6/2024
Phước Hội
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...