Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Chiếc bánh phồng nếp của ngoại

Chiếc bánh phồng nếp của ngoại

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dỉ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương....
....Nên tôi tìm lại một mùa xuân
Người xưa không biết lạc phương nào
Không biết khi xuân về trên áo
Màu xanh năm đó còn xanh không...
( Tôi đi tìm lại một mùa xuân, Đoàn Nguyên )
Tết sắp đến rồi.
Giờ ngồi không chẳng làm gì, đầu óc cũng thảnh thơi nên hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Tôi chiêm nghiệm một điều: Người ta hoặc nhớ tiếc về quá khứ hoặc mơ tưởng đến tương lai chứ hiếm có ai chịu sống với hiện tại. Trong ngôn ngữ VN, những câu nói thường nghe như: “ chờ mai mốt lớn lên, chờ vài năm nữa, chờ một thời gian nữa...”
Rồi: “ nhớ hồi xưa mình đi học, nhớ hồi nhỏ vui hơn bây giờ, nhớ hồi còn trẻ....”
Lúc còn là em bé chập chửng đi, được bà ngoại, má, chị đút bột ; biếng ăn vừa đưa muỗng tới miệng đã vội bậm môi, lấy tay gạt ra khiến bột văng dính đầy mặt thì được dỗ dành: ráng ăn đi bé, ăn mau chóng lớn để còn đi học như các anh chị nha.
Đến tuổi cắp sách đến trường thì mong mình lớn nhanh hơn để được vào trung học. Nếu là con gái thì cứ lén chờ cho mẹ hay chị đi vắng là lôi giầy, áo, son phấn ra mang,mặc, thoa môi rồi đi tới đi lui ngắm vuốt trước gương. Ao ước ngàyđược mặc áo dài trắng với vành nón lá nghiêng nghiêng để tha hồ làm duyên làm dáng và nhận được nhiều thư tình như mấy chị vậy.
Con trai thì vì phá phách lén theo chúng bạn leo trèo cây ổi nhà hàng xóm hái trộm, hay ra bờ sông bắt chuồn chuồn cho cắn rún để biết bơi. Ba má sợ chết chìm, láng giềng mắng đồ vô giáo dục nên bắt về cho ăn roi. Làm gì cũng bị ngăn cấm hết, chả bù với mấy ông anh lớn người thì quần xanh áo trắng có cài huy hiệu trường, cắp cặp da chửng chạc. Người thì dáng phong trần mùi trận mạc, giầy bottes de saut hiên ngang lẫm liệt. Bạn bè tới nhà kẻ đàn người hát hoặc bàn luận những điều cao xa khó hiểu, cái gì mà “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, cái gì mà “chí lớn chưa về bàn tay không”...nghe hay quá mà chả hiểu gì,cho nên cầu mong cho thời gian qua mau để mình lớn lên cũng uyên bác tài giỏi như các anh.
Chỉ khi ở giai đoạn trở thành thanh niên thiếu nữmớichịu “xin thời gian ngừng trôi” vì đó là tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi giả từ thơ ngâynhưng chưa hẳn là người lớn. Tính bắt chước Faust bán linh hồn cho quỷ Mephisto để được trẻ mãi ( J.W.Goethe ).Nhưnglàm sao xin mà được chứ, cái giòng thời gian vô hình được đo lường bằngba cây kim giờ phút giây tíc tắc,nhích từ từ theo vòng tròn từ trái sang phải đều đặn.Tuy trông nó giản đơn, thế mà có sức tàn phá huỷ diệt vạn vật chưa gì ngăn cản được.Nó đã chứng kiến hằng hà sa số cái vòng Sinh, Lão, Bịnh, Tửáp đặt lên nhân loại, không ai thoát được.
Đến khi vào đời, bắt đầu vật lộn túi bụi với cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp, nuôi dạy con cái..v..v..quá mệt mỏi nên lại ước tới ngày về hưu để được an nhàn hưởng lộc thọ. Có người hồi đi học nghĩ là sau này có nghề nghiệp sẽ báo đền công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng hởi ôi, lương ba cọc ba đồng có khi nuôi bản thân và cái tiểu gia đình chưa đủ lấy gì báo hiếu đây. Đếnchừng có khả năng thì cha mẹ đã mòn mỏi vì chờ đợi, rủ nhau về chầu tiên tổ còn đâu!!!
Rồi cái ngày chính mình nhảy lên hàng thất thập cổ lai hy, con cái rời đi xây tổ ấm riêng, còn lại hai ông cụ bà lão sáng trưa chiều tối ra vào đụng mặt nhau chỉ mình với ta. Giận hờn cãi cọ vì cái kính đeo trên mắt mà chạy tìm tở mở hoặc chùm chìa khoá vừa để đó giờ biến mất tiêu. Bà đổ lỗi ông, ông đổ lỗi bà, mỗi người kiếm một góc ngồi nhớ chuyện ngày xưa. Nhớ thời con nít chơi nhà chòi,chơi nhảy dây đánh bi đánh đáo. Dần lên tuổi hoa niên, những kỷ niệm lần lượt sống dậy khiến lòng bùi ngùi xao xuyến.Ước gì được sống lại thuở ấu thơ.
Tôi mới bắt đầu mùa thu của cuộc đời thôi, nhưng vì tính đa sầu nên hay hoài cảm. Dù hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng tâm hồn vẫn thường nhớ về thời niên thiếu của mình rồi đâm ra lẩn thẩn, bâng khuâng.
Gia đình tôi hai bên nội ngoại có điểm giống nhau là sống về nghề nông. Nhưng khác nhau chỗ ông bà nội có bảy người con và là địa chủ ở một làng ngày xưa chuyên về sản xuất chiếu ( bây giờ thì hoàn toàn biến mất, chẳng còn một ai trong làng hành nghề nầy nữa). Còn ông bà ngoại chỉ có má tôi là con một duy nhất, và chỉ sở hữu có vài mẫu ruộng. Người miền
nam được trời ưu đãi, ngoại chỉ cần trồng một mùa lúa là thu hoạch dư ăn cho cả năm không hết còn đem bán bớt. Nếu đừng tiếp nuôi một bầy cháu sáu cái tàu há mồm chỉ biết ăn với học là chị em chúng tôi thì cuộc sống của ngoại cũng khá nhàn hạ, phong lưu theo kiểu của người nông dân chân chất thời bấy giờ.
Hết mùa lúa nhàn rỗi thì ngoại quay qua ủ rơm cho nấm mọc, trồng dưa leo, khổ qua, bắt giàn cho bầu bí mướp leo. Tôi nhớ nồi canh nấm rơm vừa thơm vừa ngọt, trái dưa leo to dòn không hạt mùa mưa ăn với mắm chưng hết cơm trong nồi mà vẩn còn thèm thuồng tiếc nuối.
Còn ông bà nội là địa chủ nên ba tôi được học hành tử tế như bao cậu công tử, rồi sau ra làm công chức. Cuộc đời của ba lắm thăng trầm như hầu hết đàn ông sinh ra trong thời ly loạn, có dịp tôi sẽ nhắc lại.
Nghe kể là ngày xưa người ta hay bịt răng vàng như một mode trang sức, và cũng là cách thể hiện sự giàu sang. Ba tôi lúc mới lớn cũng bịt một hàm răng vàng 24K chói lọi, ra đường được mọi người kêu bằng cậu hai. Chỉ nghe kể thôi chứ tôi không thấy, chắc sau này mắc cở nên ba tôi đã nậy ra rồi. Tôi chỉ thấy ba có một hàm răng trắng đều đặn thôi.
Tôi nhớ bài hát Khúc Ca Ngày Mùa của nhạc sĩ Lam Phương:
“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời
Bị chế lại thành:
Cười lên đi cho răng vàng sáng chói
Hát lên đi cho răng vàng le lói
Má tôi là một thiếu nữ rất thông minh ham học, dám tranh luận trước mọi người chứ không e thẹn rụt rè như các cô thôn nữ, xinh đẹp nhất nhì trong làng bên cạnh, nên mới 16 tuổi đang ôm mộng trở thành y tá bị ông ngoại bắt nghỉ học đem về gả cho ba tôi. Má tôi khóc lóc van xin, thầy giáo dạy má cũng đến nhà thuyết phục, bà ngoại tuy là phụ nữ phục tùng nhưng đã có tư tưởng tiến bộ cũng xúm vào năn nỉ nhưng không lay chuyển được ông ngoại “con gái học tới đó là đủ rồi”. Thế là má tôi đành nuốt lệ theo chồng, làm vợ anh công chức đẹp trai, hào hoa phong nhã.
Tình yêu đến sau hôn nhân, ba má tôi sống trong hạnh phúc hoà hợp. Vì vậy sáu chị em tôi mới có mặt trên trần gian nầy đó!!!
Dù nắm một chức vụ khá quan trọng, nhưng ba tôi là một công chức thanh liêm nên gia đình chúng tôi sống rất thanh bạch. Má tôi tuy là “lady” nhưng cũng phải cặm cụi ngồi may quần áo cho dân trong làng để phụ thêm vào đồng lương của ba. Có lúc kiêm thêm nghề cô giáo nữa.
Và nhất là nhờ ông bà ngoại cưu mang, nếu không thì chị em chúng tôi không thể vào đại học ở Saigon với bao chi phí nhà trọ, sách vở,tiền ăn, xe...
Ông bà nội mất sớm, lúc chị hai tôi mới ra đời được mấy tháng. Đất đai tiêu tán bởi bị cướp và bởi chiến tranh. Ngay cả xác ông nội bị vùi nơi đâu con cháu chưa bao giờ tìm ra. Bà nội thì bị Tây đi ruồng bắn chết cùng tất cả dân làng, những ai không kịp chạy trốn hoặc nghĩ là đàn bà chắc được chừa ra. Mỗi năm giỗ bà nội, cả làng đều làm giỗ cùng ngày.
Với người khác, khi nhắc đến gia đình là người ta nghĩ đến ba mẹ, anh chị em. Nhưng với tôi, gia đình bao gồm ông ngoại, bà ngoại, ba má, chị em. Ông bà ngoại là những thành viên không-thể-thiếu trong khái niệm Gia-Đình của chúng tôi.
Nếu được hỏi: ai là người mà tôi ngưỡng mộ nhất?Tôi không ngần ngại trả lời, những người đàn ông tôi tôn thờ yêu quí nhất trong đời chính là ông ngoại và ba của tôi ( sau này thêm vào chồng tôi nữa). Những người đàn bà tôi tôn thờ yêu quí nhất trong đời chính là bà ngoại và má của tôi. Vì đó là những người đã hy sinh cả đời để nuôi và giáo dục chúng tôi khôn lớn.
Tôi khâm phục những vĩ nhân anh hùng, những anh thư nữ kiệt, những người có tấm lòng quảng đại vị tha nhân. Nhưng chính sự hy sinh lặng lẽ âm thầm của ông bà ba má tôi mới là tấm gương chói sáng nhất, gần gũi nhấtsoi chiếu vào tâm hồn chúng tôi, dẫn dắt cho chúng tôi noi theo đến tận cuối đường đời vậy.
Nhiều lần tôi muốn viết về ông bà ngoại, ba má tôi. Nhưng tôi biết mình không đủ tài năng để diển tả. Cần phải một bộ trường thiên tiểu thuyết mới đủ, với bao giai đoạn thăng trầm một đời.
Thôi thì ở đây tôi chỉ nhắc đến một việc nho nhỏ nhân dịp xuân về. Tuy nhỏ nhưng là một mảnh không thể thiếu trong bức tranh ký ức của tôi được.
Ngày xưa khi tôi còn bé, mỗi năm vào cuối tháng chạp, khi đã xong vụ mùa, lúa gặt đem về phơi khô đổ vào bồ để dành ăn dần cho đến mùa tới. Ngoại để ra một công đất trồng nếp, vì vậy nhà chúng tôi có nếp ăn quanh năm không phải mua. Nếp tươi mới gặt ngoại đem một ít
rang giã thành cốm dẹp, trộn với cơm dừa già nạo, nước dừa, đường thơm thơm dẻo dẻo tuyệt ngon. Sau nầy tôi có ăn nhiều lần do người ta bán vẫn không sao tìm lại cái hương vị thơm dẽo của hạt nếp tươi ấy nữa.
Ngoài cốm dẹp, ngoại còn làm bánh phồng để ăn dần ra mãi hết tháng giêng.
Để cho ra chiếc bánh phồng, giai đoạn đầu thì tôi không biết vì lúc ấy còn bé lo chơi hơn bếp núc nên không để ý ngoại làm thế nào. Giờ đây ngoại đã khuất bóng, tôi chẳng thể hỏi người được nữa. Nhưng giai đoạn sau thì tôi nhớ rõ vì chúng tôi có tham dự vào.
Trẻ con tuổi ăn ngủ, tôi còn nhớ buổi tối má vào giường đánh thức mấy chị em để cán bánh. Trời cuối năm lành lạnh, tối đen vì phải thức thật sớm kịp làm cho xong để bình minh le lói ánh rạng đông là phải hoàn tất mang ra phơi nắng.
Tôi nhớ hình ảnh ông ngoại đứng dùng cái chày gỗ cao bằng người lớn giã vào cái cối cũng bằng gỗ, bà ngoại thì ngồi hai tay xoay trở khối bột trắng tinh đựng trong cối. Mỗi lần ông ngoại giã chày xuống, nhấc chày lên thì bà ngoại nhúng hai tay vào chậu nước lạnh hay nước cốt dừa chi đó rồi lẹ làng lật khối bột sang mặt khác cho ông ngoại nện chày vào. Ông bà ngoại tôi làm rất ăn khớp, nhịp nhàng: ông giã, bà xoay. Tôi nhìn mà cứ lo sợ rủi bà ngoại không rút tay ra kịp sẽ bị cái chày nện trúng, và thán phục ngoại tôi vì chưa bao giờ hai người trật nhịp.
Lúc thấy nếp đã nhuyễn nhừ, không còn hạt nào nguyên thì ngoại đem ra khỏi cối. Ông ngoại xong nhiệm vụ nặng nề, lấy khăn lau mồ hôi ướt đẫm thân thì lại bàn rót cà phê, nước trà ra uống, vấn thuốc lá hút.
Ba má chị em tôi xúm xít vây quanh, trước mặt là tấm thớt và miếng lá chuối có thoa dầu cho trơn. Ba cũng phụ một tay trước khi vào ty sở.
Bà ngoại bắt bột thành viên tròn như viên chè trôi nước để vào lá chuối cho từng người. Tay dùng tấm lá thứ hai đậy lên viên bột rồi cán mỏng ra. Mấy chị em tôi còn nhỏ nên chưa đủ lực, cứ mắm môi mắm lợi mà ép bột Vì nếp quá dẽo nên cứ phải đẩy nhiều lần nó mới không thun lại, cái nào cái nấy méo mó. Người lớn phải chỉ dẩn nhiều lần, từ từ mới tạm tròn và xinh xắn.
Bánh cán xong thì đem đặt lên chiếc chiếu mới đã giặt sạch chuyên dùng phơi bánh. Cả nhà vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, không khí rộn ràng của những ngày giáp tết có chút hơi hướm mùa đông, chỉ cần khoát chiếc áo len mỏng là đủ ấm.
Viết đến đây mà tôi vẫn còn như thấy lại hình ảnh sum vầy, hạnh phúc giản đơn của gia đình tôi mấy mươi năm về trước.
Chiếc bánh cuối cùng vừa cán xong thì mặt trời cũng dọi tia nắng đầu tiên lên vạn vật. Các chiếc chiếu đựng bánh phồng được mang ra phơi trên giàn cây bầu cây bí đã thôi ra trái bên vườn.
Tôi còn nhớ có một năm, sau khi phơi được vài giờ thì mặt trên đã khô, phải ra trở bánh cho đều. Lúc đó được nghỉ tết không phải đến trường, tôi lân la ra tiếp ngoại thì thấy có con chim sẻ xà xuống kiếm ăn trên bánh ướt nên hai chân tí hon của nó bị kẹt cứng vào chiếc bánh tự hồi nào không bay đi được. Đến khi tôi nhìn thấy, mừng quá tôi bắt nó gọn vào trong tay, nó kêu chiêm chiếp, giãy giụa. Tôi đem vào nhà khoe ầm ỉ hết. Định tìm cái lồng để nuôi. Nhưng sau nhớ câu: cá chậu chim lồng, tội nghiệp quá nên tôi thả cho nó bay hoà vào đất trời mùa xuân.
Đến giai đoạn... ăn.
Một hình ảnh khác mà tôi không bao giờ quên, là giáp tết có mấy ngày trời trở cơn gió bấc. Lá xoài, lá cây lý rụng đầy sân. Buổi sáng, bà ngoại và má thức dậy nấu xôi – nếp đầu mùa thơm phưng phức - rồi ngoại ra sân gom lá đốt để nướng bánh phồng. Ngoại tôi rất khéo tay, làm gì cũng kỹ lưỡng và ngon đẹp, bánh ngoại nướng bỏ ra có má nhanh tay múc xôi để vào, rắc dừa nạo, đậu phộng rang vàng, đường... lên mặt xong gói tròn lại lúc bánh còn nóng kẻo nó nguội thì sẽ bể. Sau đó chia cho mỗi đứa. Chúng tôi chỉ ăn một phần ba chiếc là đã no ứ vì bánh phồng ngoại tôi làm nó rất to và dầy. Đường kính dể đến 30cm, dầy gần 1cm lận.
Hương vị chiếc bánh ngọt dịu thơm mùi nếp mới, âm thanh khi cắn nghe dòn rụm. Vào trong miệng thì nhẹ tan trên đầu lưỡi, tôi nhớ hoài chiếc bánh phồng ngoại làm, nếu chọn thi thì chắc chắn ngoại tôi sẽ được giải nhất ngay.
Khi tôi 14 hay 15 tuổi thì ngoại yếu không giã bánh phồng nữa, thế là chúng tôi không còn được ăn chiếc bánh dân dã chứa nhiều tình tự quê hương.
Năm rồi về VN, buổi sáng qua piscine để bơi tôi có thấy vài người bán xôi trước cổng vào Trung Tâm: xôi lá dứa, lá cẩm, đậu xanh, xôi vò... được bọc bằng bánh phồng cán thật mỏng cắt làm tư. Mừng quá, kêu chị tôi mua mang về nhà. Hí hửng vì sắp được thưởng thức món xôi bánh phồng, nhưng vì họ gói xong còn nóng, cho vào cái bao plastique nên về tới nhà, lớp bánh đã mềm nhũn nhệu, thất vọng quá chừng.
Sau đó, cháu tôi có đi tìm mua bánh họ nướng bán riêng,vì bánh mỏng chứ không dầy như của ngoại làm nên không cảm được cái dòn tan trên đầu lưỡi.
Tôi tiếc nhớ hoài hương vị chiếc bánh phồng của ngoại, hay đúng hơn là tôi thương tiếc cái kỷ niệm êm đềm thời xa xưa ấy.
Qua rồi, qua thật rồi. Nhưng hình ảnh ông bà ngoạigiã bánh phồng vào dịp tết, ông bà ngoại gom đốt lá trong vườn vào mùa gió bấc thì sẽ còn đọng mãi hoài trong tôi cho đến cuối đời.
Giọng ca sĩ Minh Hiếu cất lên nghe bùi ngùi não nuột:
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Dù không mong đến chuyện tương phùng
Dù tháng năm trôi vào xa vắng
Và xuân nay khác biệt xuân xưa
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân năm đó chưa thấy lại
Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái
Tìm để mà tìm như thế thôi...
Thanh Hà
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...