Qua những ngày mưa
Chị trách móc tôi sao? Tôi đâu ngại. Anh là ân nhân của tôi. Cái mà tôi băn khoăn là tại sao lại không có tên chị trong sổ thăm nuôi. Hay chị có ý gì? Này, đừng thấy anh Huấn tù tội mà định gỡ tay để tính bài chuồn nhé. Nghi lắm, cái loại đàn bà từng có vết như chị dễ tính đường cho mình lắm. Hừ, sắc đẹp ấy, cái nụ cười đầy nhục cảm ấy và cả nghệ thuật giường chiếu thượng thừa như này nữa thì không vù theo trai trẻ lúc anh Huấn đi tù mới là chuyện lạ. Đột nhiên, tôi thấy mình cũng khốn nạn khi là kẻ đồng lõa, vui thú đam mê xác thịt cùng người đàn bà này khi anh Huấn đang chấp hành án trong trại giam.
1. Ngày mưa. Từng giọt nước cứ rỏ đều đều trên những tấm tôn.
Não nề, mệt mỏi. Từ ngôi nhà tập thể giáo viên nhìn ra, cả một màn mưa mịt
mùng, quây kín thị trấn nhỏ bên triền đồi. Bóng tối dần buông ôm lấy quãng đường
vắng lặng. Lại suy nghĩ vẩn vơ. Lạ, trai độc thân cứ tưởng là sướng ấy vậy mà
lúc mưa buồn thế này lại trào lên cảm giác của cô đơn. Cần biết mấy tiếng ai thủ
thủ, cần biết mấy một vòng tay ấm nóng để ôm ấp, mơn trớn cho những khao khát,
đam mê. Điện thoại tít tít báo tin nhắn của chị. Tôi vừa hồi hộp, phấn khích vừa
sờ sợ. Tôi có nên bước qua cái cổng sắt đóng im lìm, câm lặng trong mưa để chạy
vụt vào quán cà phê của chị không nhỉ? Nếu không qua, tôi sẽ chết chìm trong nỗi
chán chường đang gặm nhấm của ngày mưa cuối tuần. Nếu qua, tôi là kẻ tội lỗi.
Mà bấy nay tôi đã phạm phải tội lỗi rồi còn gì. Khốn nạn thật! Tôi đã từng tự xỉ
vả bản thân. Sao không biết nhịn đi cái thèm thuồng của thằng đàn ông tuổi ba
mươi!
Con người ta nếu không biết khắc chế những ham muốn nhục dục
thì còn làm nên cái trò trống gì ở đời nữa. Mà có muốn giải tỏa những ấm ách của
đàn ông ấy thì cái thị trấn này nào đâu thiếu. Chỉ cần năm xị thôi, đúng năm xị,
tôi có thể đưa một “con gà móng đỏ” nói chung là còn non tơ về phòng tập thể. Vậy
mà tôi vẫn cứ lao vào chị như một thằng mất trí. Chị đã cuồng nhiệt đón nhận,
đã vật vã, xuýt xoa và cả rỏ những giọt nước mắt lên cơ thể nhễ nhại mồ hôi của
tôi. Tôi thương chị. Nhưng làm thế là cả chị, cả tôi đã xúc phạm, xúc phạm ghê
gớm đến anh Huấn, ân nhân của chị và cũng là ân nhân của tôi. Vậy mà cái bước
chân vẫn dẫn tôi đến bên chị. Cửa quán cà phê đóng im lìm trong chiều mưa nhưng
cánh cửa vào phòng chị khép hờ. Tôi vuốt vội vạt nước mưa ran rát trên mặt và
run rẩy đẩy cửa… Vẫn như những lần trước, chị đằm thắm, dịu ngọt, đầy đam mê.
Trong cái khoảnh khắc của tột cùng thăng hoa, chị ú ớ “ôi, anh Huấn ôi!”. Tôi sững
lại và lòng chợt nguội tanh. Vậy ra, tôi chỉ là sự khỏa lấp nỗi trống vắng cho
chị khi vắng anh Huấn. Chị vẫn cuồng nhiệt cho đến phút cuối cùng. Tôi vội đẩy
chị ra khi điện thoại đổ chuông.
– Chú à! Anh Huấn đây!
– Ôi, anh Huấn. Trong đó thế nào anh? Anh vẫn được gọi điện
ra ngoài à? Tôi vừa lo vừa mừng đến lạnh toát người.
– Có, một tháng một lần, miễn là mình chấp hành án tốt! Bây
giờ anh có chuyện này nhờ chú. Ba ngày nữa là đến lúc người nhà thăm nuôi phạm
nhân. Chú đưa chị và cháu vô cho anh gặp nhá!
Tôi luống cuống.
– Dạ? là mẹ con chị Uyên?
– Chứ sao! Chị không biết đi xe máy. Chú chịu khó chở chị và
cháu dùm anh!
Tôi khẽ liếc sang chị. Chị cuộn mình trong chăn bình thản. Chị
đã nghe. Còn gì để giấu. Người mà anh Huấn muốn gặp lần thăm nuôi này là mẹ con
chị Uyên chứ nào đâu phải chị.
– Chị đã đăng ký sổ thăm nuôi. Mẹ con cô Uyên và chú thôi!
Lạ. Sao không là chị mà lại là tôi. Sổ thăm nuôi phạm nhân chỉ
có thể là người ruột thịt với phạm nhân. Tôi với anh Huấn chỉ là người làng cơ
mà. Như đoán được ý tôi, chị chậm rãi.
– Chị đã lo xong cả! Thì chú cứ xem như là đứa em ruột anh Huấn
đi. Mà nhớ ghé chị lấy mấy cây thuốc Hero!
– Sao phải là Hero chị?
– Đó là loại thuốc anh thích. Anh không ghiền, nhưng hút thì
chỉ có Hero. Chịu khó vì anh một chút!
Chị trách móc tôi sao? Tôi đâu ngại. Anh là ân nhân của tôi.
Cái mà tôi băn khoăn là tại sao lại không có tên chị trong sổ thăm nuôi. Hay chị
có ý gì? Này, đừng thấy anh Huấn tù tội mà định gỡ tay để tính bài chuồn nhé.
Nghi lắm, cái loại đàn bà từng có vết như chị dễ tính đường cho mình lắm. Hừ, sắc
đẹp ấy, cái nụ cười đầy nhục cảm ấy và cả nghệ thuật giường chiếu thượng thừa
như này nữa thì không vù theo trai trẻ lúc anh Huấn đi tù mới là chuyện lạ. Đột
nhiên, tôi thấy mình cũng khốn nạn khi là kẻ đồng lõa, vui thú đam mê xác thịt
cùng người đàn bà này khi anh Huấn đang chấp hành án trong trại giam.
Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy
2. Anh Huấn con ông Đồng, người cùng làng tôi. Anh lớn hơn
tôi cả giáp. Vậy nhưng từ nhỏ, chúng tôi là bạn chăn bò. Mỗi một buổi được chăn
bò cùng anh là một lần thích thú bởi được nghe anh kể biết bao câu chuyện hấp dẫn
về những vùng đất xa xôi hay những mẩu chuyện lịch sử đầy kỳ thú. Chúng tôi lớn
lên cùng những buổi chăn bò để được ủ ấp trong ước mơ lãng đãng xây đắp từ các
câu chuyện kể của anh. Tôi chỉ nhớ mang máng, khi tôi bước vào tiểu học anh đi
bộ đội. Bẵng theo năm tháng nghe nói anh công tác tận mãi Tây Nguyên. Là biết vậy
thôi, chứ lũ trẻ chúng tôi còn bận tâm với bao chuyện học hành và chơi bời của
tuổi nhỏ. Mãi cách đây chừng mấy năm, sau khi tôi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm,
loay hoay không kiếm được việc bởi ở quê thừa giáo viên, đang ngán ngẩm cho cái
tương lai mờ mịt thì anh gọi, bảo nếu không chê rừng rú thì vô đây với anh, anh
kiếm cho chỗ dạy ngay thị trấn. Tôi háo hức. Cha mẹ tôi lúc đầu ngần ngại, do dự
nhưng rồi cũng tặc lưỡi, ừ thì chim đủ cánh chim xa đàn, đi đâu lập nghiệp được
thì đi.
Hồi đó, đơn vị anh Huấn đóng quân dọc miền biên giới trải dài
trên những cánh rừng già của nam Tây Nguyên. Đúng vào dịp xuất ngũ, kiểm lâm
thiếu người, qua giới thiệu anh được tuyển vào làm nhân viên ngành kiểm lâm của
huyện. Là người đã kinh qua đời lính nên anh được điều động về trực chốt ở trạm
kiểm soát lâm sản Đăk Lu. Đây là một trong hai trạm kiểm soát lâm sản lớn nhất
của tỉnh. Ngày đêm, hàng trăm xe lặc lè, ậm ạch chở hàng ngàn khối gỗ thông trạm
để về Sài Gòn. Người ta kháo nhau rằng, riêng trạm trưởng mỗi ngày thu được cả
chục cây vàng từ những chuyến thông xe. Và cũng như các nhân viên khác trong trạm,
anh Huấn cũng có phần của mình. Dẫu không nhiều nhưng cũng rủng rỉnh cho những
gã thanh niên như anh chơi bời tẹt ga những hôm nghỉ trực. Ăn theo sự khấm khá
của trạm kiểm soát lâm sản Đăk Lu, nhà hàng, karaoke và mát xa thi nhau mọc lên
như cỏ tranh gặp mưa đầu mùa. Lần đó, sau chầu nhậu sương sương anh cùng đội
phó của mình đã tìm vào quán karaoke Sơn Cước. Lè nhè ca mớ bài tủ chán chê, gã
đội phó đã gọi hai em tiếp viên vào phục vụ. Hai người hai em, thế nhưng gã đã
vơ tất cho gã. Gã vừa nắn bóp vừa uống vừa nhồm nhoàm hát. Anh Huấn ngồi chịu
trận bởi giọng hát méo mó và những tiếng kêu la của tiếp viên. Gã đội phó bóp mạnh
quá nên một em tiếp viên hét lên rồi nhảy khỏi vòng tay lão. Sừng cồ lên, gã
tát cô em này văng ra cửa, máu trào cả miệng. Em còn lại sợ hãi thút thít xin
tha, không bo cũng được nhưng đừng đánh đập! Hừ, gã liếc nhìn anh Huấn: Bo chứ
sao không? Thằng đệ của tao sẽ bo cho chúng mày, nhưng phục vụ tao cho chu đáo!
Nào, làm tao sướng đi! Gã cầm cổ em tiếp viên dúi vào háng gã. Anh Huấn không
kìm được nữa, chạy lại lôi lão ra, bảo đừng làm thế. Gã trợn mắt vung nắm đấm về
anh. Đến nước này thì cơn nộ khí của anh Huấn bốc lên như muốn thiêu rụi lão: Đ
mẹ! ông đừng ỷ thế mà bắt nạt, ăn hiếp người khác nhé! Ông là cái thá gì, đồ
cáo mượn oai hùm! Ông tưởng ông có ông Hùng trạm trưởng chống lưng là ông xem
người khác như cứt đái à! Anh lôi xềnh xệch gã ra cửa sổ tầng hai và dốc ngược
người lên: Ông có tin tôi quẳng ông xuống sân cho chó ngửi không? Gã đội phó
toát mồ hôi hột, mặt vàng ềnh ệch, đũng quần nước chảy tong tong. Anh Huấn đã
quăng tỏm gã xuống sân nếu không có một bàn tay lay khẽ. Đó là bàn tay chị – tiếp
viên bị gã đội phó tát hộc máu. Cái nhìn của chị làm cơn giận trong anh chùng
xuống. Anh đi một mạch ra khỏi quán karaoke. Chuyện vậy mà lan ra toàn trạm.
Nhiều anh em trong cơ quan nhìn anh như đồng tình, thông cảm, nhưng cũng có người
tỏ ra ái ngại cho anh. Mấy hôm sau, anh Huấn có quyết định của Hạt kiểm lâm huyện
chuyển xuống làm kiểm lâm địa bàn. Lần đó, chị gặp anh, và trao cho anh cái bật
lửa. Sắp tới anh đi địa bàn lạnh lẽo, có cái bật lửa vừa hút thuốc vừa nhóm củi
cho ấm. Rồi anh và chị gặp nhau nhiều hơn. Một quyết định táo bạo anh đã làm mà
đến giờ tôi vẫn ngưỡng mộ. Đó anh đã dựng cái quán cà phê trên mảnh đất mặt tiền
của anh rồi đưa chị về. Từ đó, chị lột bỏ thân phận của một tiếp viên karaoke để
trở thành bà chủ quán cà phê Thung Lũng Vắng.
…Anh không yêu chị đâu! Tôi nghe câu đó của chị cũng đã nhiều
nhiều. Lạ thật. Anh đã đưa chị bước ra khỏi cái nơi mà nhiều người háo hức, mê
say khi đẫm bia đẫm rượu nhưng lại khinh miệt những con người tận tình phục vụ
họ ngay trong chính nơi ấy. Vậy thì anh phải yêu chị lắm lắm mới đủ dũng khí để
làm cái việc cao thượng này chứ? Chẳng lẽ anh vẫn mang cái mặc cảm là vác thân
trai đến với gái tiếp viên hay sao. Ừ mà có thể. Bởi dễ có đến gần chục năm về
sống với nhau nhưng chẳng thấy chị sinh đẻ gì sất. Tôi mấy lần định hỏi anh
nhưng rồi lại thôi. Sẽ rất kỳ khôi và vô duyên nếu vặn hỏi anh những chuyện
tình cảm đàn ông đàn bà. Mà ngay cả tôi, một ông giáo tuổi đã ngoài 30
cũng nào đã vợ con, biết gì mà đi hỏi những chuyện tế nhị như thế. Nhưng tôi
tin vào sự nhạy cảm của đàn bà. Chị nói đúng, đúng một trăm phần trăm khi tôi
biết anh đã có con với một người phụ nữ đồng bào bản địa ở mãi tận bon làng
Jarah. Lần này thì tôi không ngần ngại nữa, tôi hỏi thẳng. Anh gật đầu:
– Đúng! Đó mới là tình yêu.
– Thế chả lẽ chị chẳng là gì đối với anh à? Sao anh có thể
làm như thế?
– Đừng căn vặn. Chuyện tình cảm có những lý lẽ riêng của nó.
Chú mày không hiểu được đâu.
Tôi phải tìm hiểu xem người đã đánh cắp trái tim anh là người
phụ nữ như thế nào. Anh bảo.
– Rồi. Thích thì gặp. Có gì mà dấu.
Đó là H’Uyên, cô giáo ở điểm trường mầm non của bon làng
Jarah. Đôi mắt no tròn đen láy như nuốt lấy từng lời anh khi anh nói về tôi. Phải
yêu anh lắm mới đầy vẻ trìu mến và hàm ơn đến vậy. Anh bước vào một gian nhà thấp
lè tè bên cạnh một ngôi nhà dài khum khum. Tiếng đứa trẻ vang lên khi chợt thấy
bóng anh. Cha! Đứa trẻ gọi. Mắt anh rơm rớm long lanh nhìn đứa con rồi nhấc bổng
lên cạ mớ râu quai nón vào má thằng bé đang cười sằng sặc. Tiếng gọi cha|của thằng
bé ấm lòng đến lạ. Vậy ra anh đã tạo lập cho mình một mái ấm ngay trong bon
làng Jarah.
– Không biết ngoài quê có chê dâu con là người đồng bào không
chú nhỉ? H’Uyên hỏi thật hồn nhiên.
– Hỏi thế mà hỏi được à? Người nào mà chẳng là người. Như em
khối con gái làng xách dép!
Anh cười hì hì véo tai H’Uyên một cái đầy yêu thương. H’Uyên
lại đắm đuối nhìn anh chơi đùa cùng con nhỏ. Bếp lửa ấm soi rõ những gương mặt
hạnh phúc trong đêm mưa.
Anh Huấn nên cửa nên nhà với H’Uyên cũng từ chuyện bị điều xuống
làm kiểm lâm địa bàn. Công việc đi tuần tra rừng dọc vành đai biên giới đã đưa
anh đến với bon làng Jarah, nơi có điểm trường mầm non của xã Đăk Lu. Những đêm
không kịp quay về thị trấn, đây là nơi tá túc của anh. Và rồi tình yêu đã đến với
anh khi H’Uyên được điều động về thay thế cho cô giáo chuyển ra thị trấn. Được
dạy học ngay trên bon làng quê hương mình thì còn gì bằng. Sự hồn nhiên, yêu đời
và đầy sáng trong của H’Uyên đã hút hồn anh và anh đã không cưỡng nổi từng đợt
sóng tình trào dâng. H’Uyên đã yêu, đã dâng hiến và đem đến cho anh món quà quý
giá nhất là cậu con trai. Rồi anh ở hẳn trong bon Jarah. Thảng hoặc anh mới ra
quán cà phê Thung Lũng Vắng.
3. Anh gầy xọp hẳn. Đôi mắt thâm quầng như mất ngủ sáng lên
khi nhìn thấy đứa con trai. Cặp mắt anh và cả cặp mắt thằng con trai anh nữa giống
cặp mắt ông Đồng như đúc. Cái cặp mắt thông tuệ mà buồn xa xăm của ông già ấy
tôi không dám nhìn thẳng vào bởi cảm thấy có lỗi mỗi khi về quê ghé thăm ông.
Anh Huấn từng dặn đi dặn lại, đừng để ông biết anh đang ở tù. Biết ông sốc chịu
không nổi. Ấy thế mà mỗi lần chạm vào đôi mắt ấy, tôi có cảm giác như ông đang
trách tôi, rằng các anh đang giấu tôi điều gì đó đúng không? Sao lại phải giấu?
Khi đó tôi lại vội vàng quay đi chỗ khác, vì nếu cứ nhìn vào đôi mắt ấy, trong
phút yếu lòng tôi sẽ nói ra sự thật cho ông biết, rằng đứa con trai duy nhất của
ông đang thụ án trong trại giam.
H’Uyên nhấc điện thoại nhìn anh qua lớp kính chắn, chẳng nói
được câu nào, cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Anh vẫn nói, mỗi lần nghe
anh nói, H’Uyên chỉ biết gật đầu. Chắc hẳn anh đang động viên mẹ con H’Uyên cố
gắng giữ sức khỏe, đừng bi quan để rồi một ngày đón anh về. Nhưng hẳn anh không
biết được rằng, H’Uyên đang mắc căn bệnh hiểm nghèo mà cần rất nhiều tiền mới
có thể cứu chữa. H’Uyên không thể cho anh biết, và cả tôi cũng vậy, sao có thể
báo với một người đang thụ án trong trại giam rằng, người đàn bà mà anh yêu
thương nhất đang đối mặt từng ngày với cái chết. Biết làm sao đây? Hãy cứ cầu
mong và hy vọng một điều gì đó kỳ diệu sẽ đến với H’Uyên, đến với anh và cái
gia đình nhỏ bé ấy.
Đôi lúc tôi thử lý giải tại sao anh Huấn lại bỏ cái nghề kiểm
lâm địa bàn giữa chừng để về phát rẫy làm gì cho mang tù mang tội. Suy nghĩ mãi
cũng chẳng thấy thông. Có vẻ như số phận đã sắp bày. Khi đã có với H’Uyên cậu
con trai, anh dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc vợ con. Anh chán cái cảnh
tuần tra, cảnh giới và xử lý vụ việc của một kiểm lâm viên. Cửa rừng thì đã
đóng, làm gì có chuyện ồ ạt chặt phá rừng. Có chăng thì chỉ là dăm ba hộ di dân
tự do vào những cánh rừng già phát vạt đất rừng trồng cà phê và trỉa hạt bắp, hạt
đậu làm cái ăn chống chọi cơn đói. Hơn nữa, làm cái ông kiểm lâm địa bàn, lương
thì thấp, quyền rơm vạ đá. Sau mấy lần do dự, anh Huấn xin nghỉ chế độ một lần.
Sẵn có đám rẫy tận dụng đất công ty cao su bỏ hoang gần bon Jarah, anh bắt tay
vào dọn tỉa và canh tác. Ấy nhưng đám rẫy hoang đó xa nguồn nước, có trồng cây
thì cũng chẳng lên được. Nhưng chẳng lẽ một người như anh mà lại chịu bó tay.
Anh bèn thuê thêm mấy người trong bon làng tận dụng phát thêm cái khoảnh đất trắng
của lâm trường Đăk Lu chạy xuống dòng suối để có nguồn nước tưới. Chỉ một năm
sau, từng vạt cà phê xen lẫn cây ăn trái đã tốt bời bời. Nhưng đó cũng là lúc
chính quyền giao cho công ty Trường Phát cả nghìn héc ta theo mô hình nông lâm
kết hợp. Đám rẫy của anh nằm lọt trong lâm phần công ty Trường Phát. Không, đám
rẫy là nguồn sống của gia đình anh, anh không thể trả về cho Trường Phát được.
Hơn ai hết, anh hiểu rõ mánh khóe của mấy công ty như Trường Phát. Chả ai dại
gì bỏ ra hàng chục tỷ đồng ký quỹ cho địa phương để thế chấp việc mở rộng
khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng mấy cái cây ăn trái. Cái đích cuối chúng nhắm
đến là tận thu gỗ và kiếm cái sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư các
lĩnh vực hái ra tiền. Anh không chịu, nhất quyết không chịu. Ấy thế mà rồi người
ta vẫn có cách để buộc anh phải chịu, thậm chí cho anh vào tù. Mấy tay thợ xẻ
trong bon làng mà anh từng thuê dọn phát lấn vạt rừng chạy ra con suối làm đơn
tố cáo anh thuê họ chặt phá rừng làm rẫy. Nhân chứng, vật chứng còn bày ra đó,
anh chối cãi sao đây. Dù mấy sào mà anh tận dụng phát thêm chỉ là rừng nghèo
nhưng vẫn là rừng. Và cay đắng biết bao khi bản án dành cho anh chàng nguyên
cán bộ kiểm lâm là năm năm tù vì tội hủy hoại, lấn chiếm đất rừng.
4. Đêm. Mưa lất phất, nhoèn nhoẹt thấm từng vệt nước vào ô cửa
nhỏ. Tiếng con trùng rỉ rả kêu. Buồn, trống vắng đến hoang hoải thì chị gọi.
Hì, lại là cái chuyện ấy thôi mà. Hì, hì. Thiếu gì đàn ông mà cứ nhè tôi gọi nhỉ?
Mấy năm, khi anh Huấn chuyển vào bon làng Jarah sống, lũ đàn ông từ rừng rú ra
cứ như bầy ruồi muỗi vo ve quanh cái quán Thung Lũng Vắng để được ngắm nhìn, được
trò chuyện, được cợt nhả chị. Mà chị cũng nghiêm chỉnh ra phết. Thì đấy, có lần
tôi cùng hai đồng nghiệp ngồi chéo góc với cái quầy pha chế của chị, thấy một
lão là dân đầu nậu gỗ xem chừng đã ngồi ở quán tự bao giờ, bật dậy đi thẳng lại
chỗ chị: Xinh đẹp thế này mà cứ một mình lẻ bóng. Phí! Chị đứng lên, nhếch mép:
Nghiêm túc tí đi cha nội! Cha đang ở quán cà phê và tôi là chủ quán đấy nhé!
Lão kia cười hề hề chữa ngượng rồi đi thẳng. Thì biết là vậy nhưng dễ diễn kịch
lắm. Biết đâu có mặt tôi nên ra vẻ đoan chính? Không! có thể tôi đã thiển cận
và ác cảm. Hay đúng hơn cái thằng khốn nạn là tôi đang tự ghen tức với anh Huấn
sau cái lần ân ái với chị và bất giác nghe chị khẽ rên gọi tên anh. Nhưng, kệ.
Cứ đi. Anh Huấn yêu H’Uyên chứ yêu gì chị mà tôi phải băn khoăn. Hừ, cho thì tội
đếch gì không xơi. Nghĩ đến làn da trắng sứ và cặp mắt đen thăm thẳm có đuôi,
khóe môi như nhoẻn cười đắm đuối, trong tôi lại trào dâng những háo hức, mê
say. Tôi bật dậy khỏi giường. Lạ, quán sáng đèn dù không có vị khách nào cả. Chắc
muốn cho tôi bất ngờ để tăng thêm phần hấp dẫn cho cuộc yêu đây. Tôi đẩy cảnh cửa
bước vào phòng ngủ, tiện với tay tắt bóng điện ngoài quán.
– Chờ chị ở ngoài đấy. Chị ra!
Hì, trò gì đây. Chả lẽ là ở ngoài này cho thiên hạ thấy. Mà
sao giọng nói hôm nay xem chừng dứt khoát, lạnh lùng thế nhỉ. Thì chờ. Chờ đợi
là hạnh phúc. Chị vén vạt tóc qua một bên vai rồi nhìn tôi nghiêm nghị.
– Cảm ơn chú thật nhiều! Những ngày tháng qua chú đã quan
tâm, lo lắng cho chị.
Khách sáo. Tôi ngước lên nhìn vẻ giễu cợt.
– Gọi chú sang là có việc nhờ chú đây!
Lại nhờ. Nhờ gì? Sướng thì sướng cả hai chứ nhờ cậy gì. Mà
cũng phải công nhận, kể từ khi được hưởng mùi ái ân cùng chị, tôi đâm ra dửng
dưng với những người phụ nữ khác, có khi tôi còn cảm giác coi thường chính họ.
– Chú cho chị xin số tài khoản. Chị chuyển tiền.
Lần này thì tôi hoảng hồn thực sự. Đừng nói, chị rủ rê tôi
cùng bỏ đi để tìm kiếm tự do khoái lạc cho cả hai nhé. Tôi không dại đâu. Được
hưởng lạc thú ái ân với chị thì sướng thật nhưng tôi vẫn còn công việc, còn sự
nghiệp và còn tuổi trẻ đấy. Không bao giờ đâu nhé, chị đẹp.
– Chị bán mảnh đất và cái quán này rồi!
– Sao bán?
– Phải bán. Mọi việc xong xuôi cả rồi.
– Là sao? Đất anh Huấn mà?
– Không! Anh đã sang tên cho chị!
À, thì ra. Bán để rủ rê tôi à! Còn lâu nhé. Tôi gườm vào đôi
mắt chị.
– Này, lương tâm chị chó ăn rồi hả?
Chị thở dài.
– Chị chia ra ba phần chú ạ. Một phần để Uyên chữa bệnh, một
phần cho thằng cu anh Huấn, còn một phần nhờ chú chuyển về cho ông cụ anh Huấn ở
quê sửa lại cái nhà!
Vậy rồi chị sẽ ở đâu? Chả lẽ chị định bỏ đi thật sao. Tôi giật
mình thảng thốt đến lạc giọng khi đọc số tài khoản cho chị.
– Thế chị đi đâu?
Lần đầu tiên, chị cầm lấy tay tôi như là người chị cầm bàn
tay đứa em nhỏ.
– Đi đến nơi chị cần phải đến! Thôi, chú về đi!
Giọng chị lắng lại, ân cần mà dứt khoát. Mặt tôi lạnh toát, tê tê từng gợn nước rỏ xuống má, chân cứng đờ nhìn vào buồng ngủ của chị. Bóng đèn phụt tắt. Nhìn ra ngoài khoảng trống, chỉ còn một màn mưa mỏng loang loáng dưới ánh trăng mờ.
24/12/2022
Đặng Bá Canh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét