Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Hai con bướm đen cánh viền vàng

Hai con bướm đen cánh viền vàng

Tôi theo đạo Phật, lúc còn ở Việt Nam thỉnh thoảng có đi vài ngôi chùa nghe các Sư Thầy thuyết giáo tuy không thường xuyên: Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Saigon; Thường Chiếu, Viên Chiếu ở Long Thành và còn vài ngôi chùa, đình thờ ở Rạch Giá, các tỉnh thành khác nữa.
Tôi rất tin Đức Phật, Đức Chúa, Thánh Thần, Tiên, các Đấng Linh Thiêng, Thượng Đế… cõi trên theo phù hộ độ trì cho chúng sinh dương thế.
Lúc tôi khoảng 6 tuổi suýt chết vì bịnh thương hàn, các bác sĩ tây y ở Rạch Giá đã ngã nón để tiễn biệt tôi sang thế giới khác rồi, may nhờ uống thuốc nam chế bằng cây cỏ không tốn xu nào của ông thầy Sáu Mậu mà tôi kêu bằng ông chú ở chùa Ông Địa, Cầu Ván Rạch Sỏi mà cứu sống tôi, nay mới còn ngồi đây để viết đủ chuyện lẩn thẩn. Tôi đội ơn cứu mạng của ông chú Sáu đến mãn kiếp này.
Ông đã ngủ yên chốn vĩnh hằng từ hơn 35 năm rồi.
Có hai điều tôi xem như chân lý sống:
—Ở hiền gặp lành
—Điều gì mình tin thì sẽ có, không tin sẽ không có.
Tôi không tin những việc như:
–Kỵ ra ngõ gặp gái.
–Đi xe không được lấy lược chải tóc.
–Xuất hành đi chơi xa lựa ngày lành tháng tốt, (những tai nạn lưu thông xảy ra bất cứ ngày, giờ nào trong tháng chứ có chừa ra ngày nào).
–Không chui qua hàng dây căng phơi quần áo.
–Ba ngày tết thì không được quét nhà đổ rác.(Ông bà ngoại ba má tôi cũng làm như vậy. Tôi đâu dám cãi, nên vâng lời).
–Không mua sắm tổ chức lễ lạc vào cuối tháng vì là năm cùng tháng tận.
–Mấy người buôn bán nhắm ngày ế ẩm thì đốt phong long đuổi xui xẻo.
–Không được làm di chúc lúc mạnh khỏe.
–Cô dâu chú rể khi làm lễ gia tiên ai mà nhanh tay giành được đốt nến trước thì sẽ nắm đầu cưỡi cổ người kia.
Và còn một danh sách dài những kiêng kỵ khác mà tôi không biết, hay nhớ hết.
Vì không tin thì sẽ không có nên tôi chưa bao giờ tuân theo qui tắc nào trong những điều kể trên. Thực tế chứng minh là tôi cũng chưa hề gặp xui vì không chịu tuân theo cả.
Bằng chứng: Đám cưới của tôi tổ chức vào ngày 30 tháng 10 tối thứ bảy, buổi chiều trời khô ráo tuy rất lạnh nhưng đến khoảng 8g tối thì tuyết rơi ào ạt kín đường xá nhà cửa ít nhất là ba, bốn tấc. Tiệc tùng xong về nhà cũng 3 g sáng chủ nhật. Chiếc xe chúng tôi đậu ở parking trước nhà, tuyết phủ trắng xoá nên chắc người lái chiếc xe nào đó không thấy rõ, ủi trúng bị móp thanh chắn sau xe khá nặng. Thủ phạm cao bay xa chạy nên không biết ai mà bắt đền. Có điều bảo hiểm xe bồi thường để sửa chữa.
Đã vậy trước giờ đến toà thị chính để làm lễ ký giấy kết hôn tôi còn bị một phen hồn phi phách lạc giống như bị chơi khăm do cô bạn phù dâu kiêm nhân chứng đãng trí vì mãi ngồi lê đôi mách với bạn trên điện thoại, bỏ quên tôi ở viện uốn tóc khiến tôi phát khóc tưởng đâu đến trễ sẽ bị huỷ bỏ buổi lễ quan trọng nhất một đời –kỷ niệm này cũng có thể ghi vào guinness chuyện hi hữu về đám cưới. Có dịp tôi sẽ kể. Giờ nhớ lại thì cười nhưng lúc đó thần trí bấn loạn không sao tả xiết.
Đã vậy, vì gấp gáp quá nên bỏ quên bó hoa ở nhà, không cầm theo như mọi cô dâu đều phải cầm trong buổi lễ nữa chứ.
Những điều kể trên, nếu ai mê tín sẽ cho là điềm xui. Thế mà chúng tôi sống an bình trong tình nghĩa lẫn yêu thương hòa hợp, chỉ lưỡi hái tử thần mới làm cho dây tơ hồng nối liền chúng tôi bị đứt đoạn sau 22 năm hạnh phúc.
Qua câu chuyện trên, tôi càng củng cố niềm tin là không tin sẽ không có.
Nhưng với chuyện sắp kể này thì tôi lại tin.
Nếu tin thì sẽ có, nên với tôi, nó là có thật.
Tất nhiên đây là ý nghĩ chủ quan của mình chứ ngay cả ngành Tâm-linh-học cũng chưa chứng thực chuyện: Có một đời sống khác sau cái chết hay không.
Đó là vào mùa xuân sau khi chồng mất, tôi có dịp về Việt Nam, đến Thiền Viện Trúc Lâm- Huế, và Thánh Địa Mỹ Sơn-Quảng Nam nơi có di tích của người Chăm. Muốn đến được Thiền Viện Trúc Lâm, sáu dì cháu tôi thuê ba chiếc xe gắn máy từ Huế.
*Trí nhớ bị bào mòn nên tôi ăn cắp một đoạn lược tả cách đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thuộc nhánh Yên Tử cho chính xác hơn. Trang vntrip tả cảnh rất sinh động hấp dẫn, tôi chỉ trích 1 đoạn ngắn:
Từ thành phố Huế đi về phía nam 30 km sẽ đến cầu Truồi. Bên phải là con đường rẽ vào đập Truồi, đi men theo giòng sông ta gặp một vùng đất khô cằn thưa thớt nhà dân. Thêm một đoạn là bãi đất hoang toàn mồ mả.
Từ đất liền đã thấy đập Truồi hiện ra.
Thiền viện nằm gọn gàng giữa lòng hồ nước.
Ta dùng đò sang bên thiền viện.
Đoạn đường toàn mồ mả họ có nhắc ở trên nhìn hoang vu ảm đạm, kéo dài vài cây số. Chỉ toàn cây cối cỏ dại xen lẫn lác đác các ngôi cổ mộ xây theo lối xưa, rất cầu kỳ kiên cố, có lẽ đặc trưng ở miền Trung hay Huế chứ tôi không thấy kiểu mộ ấy ở miền Nam.
Khiến lòng người viễn khách là tôi không khỏi dậy lên cảm giác ngậm ngùi thương cảm. Tự hỏi ai là người nằm dưới mộ kia? Rồi nhớ mấy câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng làm thơ khóc than người thiếu nữ ông yêu mất sớm:
Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…
… Em hãy cười lên vang cõi âm
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm
Những hồn phiêu bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm…
… Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình
Nắm xương khô lạnh còn ân ái
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?
(Gởi Người Dưới Mộ, Đinh Hùng)
Phải nói là mấy dì cháu tôi rất hợp về chuyện du ngoạn, theo kiểu lãng tử phóng khoáng, tự túc lên chương trình, bay ra Huế rồi thuê moto thăm phong cảnh, chứ không dùng xe bốn bánh có người lớn theo chăm sóc, hướng dẫn, mất cả hứng thú.
Tôi thích cảm giác trực tiếp đón nhận làn gió trời mát rượi thổi vào người, chứ không phải toát ra từ máy lạnh nhân tạo. Bình thường tôi sống rất nguyên tắc, ngay cả bửa ăn, giấc ngủ theo thời khoá biểu chính xác đến từng chi tiết. Nếu hẹn với ai thì cũng đúng không bao giờ trễ hẹn bắt họ chờ đợi.
Vì vậy, mỗi khi du ngoạn, tôi muốn mình sống ngược lại với những thói quen tự mình đặt để cho mình. Phản kháng, đả phá các lề thói cứng nhắc, tận hưởng chờ đón những niềm vui bất ngờ mà chuyến đi sẽ mang lại.
Mấy đứa nhỏ xếp tôi cùng thế hệ với chúng chớ đâu có coi tôi là người lớn như ba mẹ chúng, lý do tôi vừa nêu, theo kiểu nói trần tục là chịu chơi vậy. Nhưng chỉ về phương diện du lịch, hoà đồng với mọi lớp tuổi, chứ không phải việc nhảm nhí khác đâu à.
Không phiêu lưu sao mà dám lấy moto từ Huế vượt đèo Hải Vân sang Đà Nẵng, Hội An, các vùng phụ cận…nếu không gặp chuyện ngoài ý muốn thì còn đi thăm động Thiên Đường ở Quảng Bình bằng mấy con ngựa sắt thuê đời cố luỹ cố lai, cũ mèm rên xiết, mỗi lần lên dốc cứ lo ngay ngáy bị chết máy nằm đường.
Đã vậy, chuyến vượt đèo Hải Vân quay lại Huế chúng tôi còn mò mẫm chạy trong đêm tối mịt nữa, vì mãi ham vui ghé dọc đường thăm viếng cảnh quang nào đó ngoài chương trình, mà chợt thấy thú vị. Đi ban ngày thiên hạ còn lo sợ lật đèo huống gì đi ban đêm, không đèn đường soi lối. Mà đường đâu có tráng nhựa phẳng lì cho cam, vẫn còn lục cục đá to nhỏ lẫn lộn đất bụi. Chỉ cần bánh xe cán lên hòn đá nào đó là sẽ ngã lộn nhào như chơi.
Đoạn lên, xuống đèo chúng tôi thấy rất nhiều những bàn thờ, am dựng theo dốc, có tượng Chúa, Phật cùng hoa, nhang, đèn. Chắc chắn là để thờ những oan hồn đã bỏ mạng nơi này.
Ngày xưa đường đi trong miệng. Bây giờ thì chỉ cần vô Google Map là tìm được ngay. Vậy chứ đôi lúc ông Gu Gồ chỉ trật lất, nên thỉnh thoảng cũng phải dừng chân hỏi thăm người dân. Chuyện hỏi thăm đường cũng có vài giai thoại vui, làm giàu thêm vào kho truyện cười thú vị của chúng tôi.
Trong các cháu trai gái của tôi, có một cô tuy vóc dáng, gương mặt, cách nói năng cử chỉ rất liễu yếu đào tơ, tha thướt nhưng lại là chỉ huy trong chuyến đi bởi tài tháo vát xếp đặt chương trình, thời khoá biểu cùng trí nhớ chính xác phương hướng cảnh vật. Cho nên chúng tôi 5 người còn lại yên tâm phó mặc số mạng cho cô gái xinh đẹp nầy lèo lái dẫn dắt, phân công ai chở ai, đi đến đâu là dừng để nghỉ ngơi, đổ xăng, ăn uống… tôi chỉ việc ngồi đằng sau tha hồ ngắm cảnh hai bên đường.
Trở lại câu chuyện đến viếng thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Nghe kể ngày xưa Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc vào động Thiên Thai. Không biết cõi thiên thai họ gặp ra sao, nhưng từ lúc mới bắt đầu ngồi đò sang thiền viện tôi đã có cảm giác cảnh thần tiên là đây rồi, không cần phải mơ đâu nữa.
Từ xa đã thấy thiền viện ẩn hiện giữa lòng hồ Truồi, bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ, rừng thẳm. Mặt hồ nước xanh trong, là đà sương khói, không hề có sinh hoạt của con người làm xáo trộn sự an nhiên tĩnh tại của thiên nhiên, ngoại trừ tiếng máy chạy đò.
Tôi lại ăn cắp tiếp đoạn tả thiền viện của trang vntrip, vì họ tả chính xác và hấp dẫn hơn tôi:
Rời đò chúng ta đi hết con dốc lên lưng chừng đồi, thiền viện dần hiện ra như bức tranh thiên nhiên sinh động, núi rừng chập chùng, cỏ cây chen đá tô điểm thêm sắc hoa.
Bên dưới tiếng suối reo như hát vọng lại, cùng giọng muôn chim đua nhau hoà điệu. Con người như càng nhỏ bé trước cảnh vật, rồi dần chìm lắng vào hư không chỉ còn thiên nhiên thơ mộng.
Khí hậu ôn hoà từ 19–21 độ C nhờ độ cao 1450m và đón nhận hai luồng gió từ biển và lục địa thổi vào.
Trang nầy còn tả nhiều chi tiết rất thú vị, nếu ai có hứng thú thì vào web ấy để nghiên cứu thêm.
Thiền viện có tất cả sự trang nghiêm, tráng lệ, thanh tịnh mà chúng ta ít nhiều đã từng chiêm ngưỡng ở các ngôi chùa nổi tiếng khác.
Tôi không có ý định tả chi tiết về thiền viện, mà viết chuyện khác có liên quan đến chủ đề “tin thì sẽ có”.
Ngày hôm ấy chỉ lác đác chừng chục khách đến viếng nên rất yên tĩnh. Chúng tôi hơi thấm mệt vì sáng dậy sớm chạy xe từ Huế vào hơn 30 km, chặng đường đi khá vất vả. Hết ngồi moto cà rịch cà tang, còn phải lội bộ trên đường đất mòn, tiếp tục vượt qua khoảng đất bồi gập ghềnh có chỗ chưa khô hẳn.
Đến bến ngồi chờ đò, chủ đò thấy ít khách nên ra điều kiện: một là chúng tôi phải bao nguyên chiếc nếu muốn đi liền, hai là phải chờ cho đầy khách là 20 người (hình như vậy) thì mới đủ tiền xăng dầu và công sức.
Sợ trễ nên chúng tôi đồng ý bao nguyên chiếc đò, để đi và về cho sớm trong ngày. Vì buổi tối có chương trình đi dạo trung tâm phố Huế, sáng sớm hôm sau phải trực chỉ Đà Nẳng. Luôn luôn trên mấy con ngựa sắt già nua ấy.
Sau khi vào đốt nhang lạy Phật và nghe Thầy (không biết tên vì Thầy không nói) giải thích về nhánh tu thiền phái Yên Tử và sự tích xây cất chùa, đa số do tiền của những mạnh thường quân Phật Tử ở ngoại quốc cúng dường.
Chúng tôi đi vòng vòng quanh sân viếng phong cảnh và chụp hình–điều này không thể thiếu - Lúc ấy đã 2 giờ trưa. Cảm thấy hơi mệt nên vào hành lang bên chái phía trái của thiền viện ngồi bệt xuống nền gạch mát rượi sạch bóng nghỉ ngơi, hứng làn gió trong lành từ rừng thổi tới, rung cành cây xào xạc.
Cách ngẫu nhiên, các cháu chọn một góc hành lang thiền viện để ngồi. Tôi đến nhập hội. Khi đã an vị xong xuôi, cúi xuống định cởi đôi basket cho đỡ nóng chân thì tôi sững người khi nhìn thấy nó, cách đôi giày của tôi chừng 2 phân, mém chút thì tôi đã giẫm lên.
Ngay từ đầu cho đến khi ấy, các cháu và tôi đều hoàn toàn không nhìn thấy gì hết, thật lạ lùng.
Vậy có phải chỉ là ngẫu nhiên, hay có sự sắp đặt của đấng vô hình? Sao hành lang bao bọc thiền viện cả ba mặt dài hun hút, mà chúng tôi lại chọn ngồi đúng chỗ nầy, và để chính tôi bắt gặp nó chứ không là các cháu tôi?
Nó là con bướm đen, đôi cánh mở hờ hững, cạnh đôi giầy của tôi chừng 2 cm!
Nhưng bất động, không còn sự sống nữa.
Con bướm màu đen nhung tuyền, khá to, rộng khoảng nửa bàn tay người lớn, có đường viền vàng dọc theo phần dưới đôi cánh.
Chỉ nhìn bằng mắt thường, cũng nhận thấy thân và màu sắc bướm vẫn còn tươi. Có nghĩa là nó vừa chết không lâu.
Thoạt tiên tôi ngạc nhiên, kêu lên:
—A, có con bướm nằm ngay dưới chân má tư (m4 ) nè mấy đứa.
Các cháu tôi thấy lạ, xúm lại quan sát rồi mỗi người một câu:
—Hay thật. Sao nó lại nằm ngay dưới chân m4, mà không phải chỗ tụi con ha.
—Mà cái gì xui khiến m4 ngồi đúng chỗ nó nằm vậy?
—Chắc là dượng tư theo hộ vệ chúng mình đó m4.
—Dượng tư theo bảo vệ m4 mới chính xác hơn.
Cầm xác bướm đặt lên bàn tay. Nghe các cháu nói, tôi chạnh lòng nghĩ đến chồng. Chúng tôi xa nhau hơn năm rưỡi rồi. Kẻ dương gian, người cõi vĩnh hằng.
Nhân gian tin loài bướm tượng trưng linh hồn người đã mất hoá thân bay về thăm viếng, hay báo trước một tin vui, điềm hoạ nào đó cho người còn ở lại. Họ cho rằng bươm bướm màu đen, vàng, nâu, vàng pha trắng mang điều lành, may mắn, hạnh phúc, tình yêu. Ngược lại, bướm trắng, bướm đen có đốm dữ tợn mang hung tin, bệnh tật, tai nạn…
Tôi nửa tin, nửa ngờ. Vì đâu dể gì tôi tin ngay những chuyện mơ hồ như vậy.
Rồi lập luận chẳng qua người ta có khuynh hướng tin vào mấy chuyện siêu nhiên hoang đường nên sáng tạo ra huyền thoại.
Mặt khác, tôi tự thuyết phục là nếu đúng như mọi người nói thì ít ra tôi cũng được an ủi là chồng lúc nào cũng bên cạnh bảo vệ trên từng bước đường đi. Dù không thấy anh bằng xương thịt nhưng anh luôn hiện diện trong tâm tưởng trong trái tim. Nhờ nghĩ vậy nên nỗi sầu đau cũng vợi bớt phần nào.
Vì hể tin là có.
*Thánh địa Mỹ Sơn
Sau đó tôi cũng quên đi câu chuyện nầy.
Chúng tôi tiếp tục cuộc du ngoạn Đà Nẳng, Hội An, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà nơi chùa Linh Ứng có tượng Phật Quan Âm cao 67m, núi Tiên Sa…bãi biển với những resort, khách sạn lộng lẫy kiêu sa nối tiếp nhau chạy dài hằng nhiều cây số, chẳng thua kém gì ở quốc gia tây phương.
Ngày cuối ở Đà Nẳng, chúng tôi quyết định đi thăm Thánh Địa Mỹ Sơn, nơi có di tích đền đài của người Chăm còn sót lại.
Theo Wikipedia:
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc quận Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẳng 69 km gần thành cổ Trà Kiệu, có nhiều đền đài Chămpa nằm trong thung lũng đường kính 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Được xem là một trong những trung tâm đền đài Ấn Độ Giáo chính thống thuộc khu vực Đông Nam Á. Được bình chọn là di sản văn hoá thế giới.
Thông thường 69km chúng ta chỉ chạy khoảng 45-50 phút là đến nơi. Nhưng ở VN nhà cửa đông đúc, đường phố không được rộng rãi nên mất nhiều thời gian hơn. Với ba con ngựa sắt già cằn, mà Google Map lần này chỉ đường không rõ ràng nên chúng tôi tuỳ cơ ứng biến, chốc chốc ngừng lại hỏi thăm mấy người dân ngồi ngoài hiên nhà hoặc quán hai bên đường.
Họ vui vẻ chỉ dẫn. Nhưng có người không biết Mỹ Sơn chỗ mô nên chỉ sai hướng, khiến chúng tôi cứ lẩn quẩn loanh quanh quay tới quay lui nhiều bận.
Đặc biệt, có một người đòi phải trả tiền thì mới chỉ. Các cháu tôi nghe vậy cám ơn rồi lên xe chạy tiếp. Kể ra đưa tiền cho họ cũng chẳng tốn bao nhiêu. Nhưng các cháu tự ái, nghĩ sự tử tế giờ sao hiếm hoi, cái gì cũng tính bằng tiền, nên nhất định không chịu chi ra đồng nào “cho bỏ ghét thói tham lam”.
Đó là trường hợp riêng lẻ, ở đâu cũng gặp.
Trong số người tử tế, có một người đàn ông trung niên ngoài 50, rất sốt sắng, giải thích cặn kẻ chi tiết. Cuộc đối thoại như sau:
Cả đoàn tấp xe vào lề, hai cháu xuống xe mở mạng che mặt, lễ phép hỏi người trung niên đang đứng chăm sóc cây kiểng trước sân:
—Thưa chú cho con hỏi thăm phải đường này đi đến thánh địa Mỹ Sơn không chú?
Ông liền ngưng việc, đi ra tận lề đường nơi dì cháu tôi đậu xe, và bắt đầu nói. Ông nói như thế này (hy vọng là sau mấy năm tôi vẫn còn nhớ gần đúng những chữ ông phát âm):
—Céc êm cứ đi thẻng đèng trước mẹt, khoẻng trem thước, thì tháy có he con đường, tré vè phẻ. Céc êm đừng rẽ tré, mè nhớ rẽ phẻ lè đi đúng hướng tới Théng Địa Mỹ Soan đoá.
Và còn giải thích một tràng gì nữa mà chúng tôi không hiểu nổi.
Chúng tôi cứ im lặng. Như trời trồng. Ai ngồi xe thì cứ ngồi trên xe. Ai đứng thì cứ đứng. Không đáp lời hay hỏi thêm gì hết.
Vì đâu có hiểu ông nói gì, ngoại trừ loáng thoáng mấy chữ đừng rẽ tré, moà rẽ phẻ được ông lập đi lập lại nhiều lần.
Có lẽ thấy bộ mặt ngơ ngác của hai đứa (không che mạng) và sự nín thinh thít của cả nhóm chứng tỏ là không hiểu, nên ông lập lại những gì vừa nói.
Lúc đầu tôi chỉ nghe được mấy chữ rẽ tré với rẽ phẻ, mà tôi cố đoán nhưng vẫn hoàn toàn mù mờ. Tôi tưởng ông khuyên chúng tôi ngừng lại nghỉ ngơi cho khoẻ, mà ông phát âm thành phẻ, rồi hãy đi tiếp.
Chúng tôi quá bối rối, cứ ấm ớ như thể vịt nghe sấm.
Thấy thế ông kiên nhẫn lập lại nhiều lần. Có kèm theo cử chỉ cánh tay đưa ra bổ túc cho đừng rẽ tré, mè rẽ phẻ, như người Việt nói tiếng Anh, Pháp luôn kèm động từ “tu quơ” vậy. Tức là quơ tay quơ chân diễn tả thì người đối diện mới hiểu đó.
Nhờ ông vừa nói vừa quơ tay chỉ trỏ con đường nên sau cùng chúng tôi nghiệm ra. Rằng:
—Các em cứ đi thẳng đằng trước mặt, khoảng trăm thước thì thấy có hai con đường, trái và phải. Các em đừng rẽ trái, mà rẽ phải thì mới đúng hướng.
Các dì cháu tôi “chợt bừng tỉnh cơn mơ”, hiểu ý của ông. Nên cả sáu đồng thanh cảm ơn ông đã mất thời gian chịu khó giải thích đường cho chúng tôi.
Ông cười ngoác miệng, có vẻ sung sướng vì đã làm cho lũ dân Nam Kỳ nầy hiểu lời ông nói.
Chắc ông là dân xứ Quảng vào đây lập nghiệp. Vì hai vợ chồng bạn thân người Đà Nẳng của tôi phát âm rất dể hiểu.
Nhờ nghe lời ông đừng rẽ tré, mà rẽ phẻ nên chúng tôi chạy một mạch mấy chục cây số tới tỉnh Quảng Nam, theo bảng có mũi tên chỉ đường quẹo vào Thánh Địa Mỹ Sơn mà không còn phải hỏi thăm ai nữa.
Trên đường đi, tôi ngồi sau lưng cho một cô cháu khác – là em của cô chỉ huy nhóm– chở. Nhớ tới người đàn ông tử tế, tôi nhắc lại với cháu:
—Hồi nãy con có hiểu lời ông ấy nói không vậy?
—Dạ không. Con không hiểu một chữ nào hết m4.
—M4 cũng vậy. Ổng nói cái gì mà….
Rồi tôi thử phát âm theo cách của ông ấy cho cháu nghe.
Cô nầy tính trầm lặng, ít nói dù hưởng ứng mọi trò vui. Chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng chậm lại loạng choạng, tôi tưởng có trục trặc máy móc. Lại thấy bờ vai của cháu cứ rung rung không ngừng. Tưởng cháu bị trúng gió, hỏi chuyện gì vậy con, thì cháu trả lời ngắc ngứ trong cuống họng không rõ làm tôi càng quýnh. Cháu phải lập lại lần nữa tôi mới hiểu:
—Má tư đừng có kể nữa, làm con cười nôn cả ruột, con lái xe không được nè m4.
A thì ra cháu cười rung cả người không lái xe được chứ không phải bị bịnh bất tử. Ai biết cô cháu nầy cũng có máu hài hước giống dì của mình.
Đây chỉ là kể cho vui, chứ tôi không có ý chế giễu, xúc phạm giọng nói vùng miền nào hết. Tỉnh Rạch Giá đa số người ta phát âm chữ R thành G hết đó thì sao. Chẳng hạn như:
Đã chật lất gồi mà còn nói mình ên nữa chứ.
Hỏi sáng nay anh, chị đi guộng hả? Ừ tui đi ga guộng bắt dài con cá gô về chiên dí nấu canh. Nhiều ăn hổng hết thì đem gộng lại bửa sau ăn tiếp…v..v..
Hồi nhỏ tôi cũng nói như vậy đó. Giờ vẫn còn nói vần V ra vần D.
Dân Cao Lãnh quê ông ngoại tôi thì nói chữ TR thành T, ông trời thành ông tời…
Đến Thánh Địa Mỹ Sơn.
Qua cổng, chạy đoạn ngắn đến nơi bán vé, bên trái là parking gởi xe. Sau đó đi bộ tiếp vài trăm mét nữa mới đến tận nơi có các đền đài xây dựng hàng ngàn năm của vương triều Chăm một thời huy hoàng, có khán phòng nơi trình diễn ca nhạc vũ hội..v..v..
Thật may mắn, chúng tôi đến đúng vào lúc bắt đầu trình diễn vũ điệu Apsara huyền thoại làm rộn ràng cả vùng đất yên tỉnh. Ngoài ra có các nghệ sĩ chơi nhạc cụ Chăm, nghe trầm hùng, ma lực lẫn man dại tiếng vọng thâm sâu của núi rừng. Màn trình diễn nầy lôi kéo tâm hồn tôi tưởng tượng bay đến thời xa xưa khác. Tôi như nghe văng vẳng lời ca u trầm thống thiết Hận Đồ Bàn, khóc thương cho một kinh thành, một quê hương đã mất:
Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù…
…Vạc kêu sương, buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường
Đàn đóm vương, như nhắc ai trong lúc đêm trường về…
…Người xưa đâu? Người xưa đâu???
(Hận Đồ Bàn, Xuân Tiên)
Trở lại lúc đầu xe vừa qua cổng thánh địa, ba dì cháu xuống đứng chờ ba cô cậu kia đem xe vào bãi gởi. Đó là khoảng đất lộ thiên trống trải. Trời trưa nắng tháng hai miền Trung như đổ lửa lên đầu lên mặt.
Tôi lấy nón rơm đội lên che nắng, đi lại gần các cháu. Bỗng một cháu đưa cánh tay ra xua xua, hấp tấp nói:
—Khoan khoan m4, m4 coi chừng bước chân kẻo lại giẫm lên nó à.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
—Sao? Có chuyện gì?
—M4 nhìn xuống chân coi.
Tôi cúi xuống nhìn. Ô kìa, lại một xác bướm đen cánh viền vàng nằm bất động ngay dưới chân tôi nữa!!!
Tôi ngẩn ngơ, ngó quanh quất. Chung quanh là khoảng không gian trống tênh, dưới chân trơ trụi chỉ toàn đất với đất không hề mọc một cọng cỏ. Trên đầu là bầu trời xanh ngắt lẫn nhiều cụm mây trắng bềnh bồng. Những cây cổ thụ cách xa hàng trăm mét. Con bướm nầy từ đâu bay tới, rơi xuống nằm chết sẵn ở nơi mà tôi định đứng chờ các cháu đang vào gởi xe?
Nơi đứng chờ rất rộng, du khách không đông đúc. Tại sao chúng tôi lại đứng đúng vào chỗ có con bướm đen nằm chết mà không chọn đứng nơi nào khác?
Tôi cầm xác bướm lên quan sát. Vẫn màu đen nhung tuyền, vẫn to bằng bề ngang bàn tay xoè, vẫn cánh viền vàng, xác tươi nguyên không hề lấm bụi dù nằm dưới đất pha cát vàng. Chứng tỏ là nó vừa qua đời không lâu.
Lần đầu gặp xác bướm ở thiền viện Trúc Lâm, tôi còn nghi ngờ chỉ là sự ngẫu nhiên. Nhưng đến lần thứ hai nầy, thì…
Như thể hai con bướm là một, hoặc sinh đôi.
Nếu tôi đứng dưới những tàng cây xanh cổ thụ hay cạnh các khóm hoa thì còn giải thích việc xuất hiện của bướm vờn chung quanh để hút mật là chuyện bình thường. Đàng nầy tôi đứng giữa không gian trống trải, khô khốc, ngay cả gió còn không có!!
Các cháu tôi lại bàn tán tiếp:
—Chắc chắn là dượng tư đi theo bảo vệ m4 thật đó.
—Vì sao mà có sự trùng hợp kỳ lạ thế. Cả hai con bướm đều nằm chết ngay dưới chân m4 như thể cố tình cho m4 thấy vậy.
—Chỗ nầy đất khô cằn, cỏ còn không mọc thì bướm từ đâu bay đến nằm chết ngay đây. Mà xác còn tươi nguyên. Không hiểu nó định mang thông điệp gì?!
Lòng tôi rúng động. Nhờ mang kính màu chống chói nắng nên không ai thấy mắt tôi ươn ướt. Nếu cho rằng linh hồn chồng hoà nhập vào bươm bướm để theo bảo vệ tôi, thì tại sao lại là xác con bướm chết mà không là bướm đang bay? Cả hai lần tôi đều mang xác bướm đến chỗ các gốc cây cổ thụ, thả vào không gian nhờ gió mang theo hoà với đất.
Phải đợi mấy ngày sau, khi trở lại Huế, tiếp tục khám phá đất thần kinh, thăm thành nội, lầu đài…Buổi chiều nhạt nắng từ lăng Khải Định quay ra phố, xảy ra một tình tiết nữa thì tôi mới thật sự tin: điều gì tin thì sẽ có.
*Cố Đô Huế
Vì chúng tôi đặt vé máy bay khứ hồi Saigon-Huế, và thuê moto ở đây nên bắt buộc chúng tôi phải trở lại cố đô để trả xe và bay về Saigon.
Hơn nữa, chúng tôi còn dự định đi khám phá động Thiên Đường ở Quảng Bình nữa. Tính đoạn đường đi từ Huế thì gần hơn là từ Đà Nẳng, nên mới lấy vé máy bay hành trình Saigon-Huế chứ không đi Đà Nẳng là vậy.
Nhưng chúng tôi còn dành ra thêm một ngày thăm Thành Nội.
Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về Đại Nội, vương quốc của triều Nguyễn, dòng họ quân chủ cuối cùng Việt Nam mà chúng ta là con dân Việt đều biết.
Bên trong kinh thành có nhà dân, nhà các quan. Quan trọng nhất là Hoàng Thành, nơi thiết triều và làm việc của Vua. Tử Cấm Thành nơi sinh hoạt của toàn thể hoàng gia. Điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, cung Diên Thọ, nơi thờ tự tổ tiên cùng các vị vua Nguyễn…và còn nhiều những di tích khác nữa.
Lúc vừa đặt chân qua Ngọ Môn Quan tức cửa chánh của Hoàng thành, lòng tôi gợn chút xao xuyến vì được chứng kiến ngay cảnh một đoàn lính vài mươi người trong y phục lính đời xưa cùng binh giáp, kèn trống đi diễn hành.
Không ngờ có ngày mình được đặt chân vào nơi sinh sống của các vị Thiên-tử tức con-trời, sắp đi lung tung bươi móc từng ngõ ngách dòm ngó ngai vàng, chỗ thiết triều, chỗ ở của Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Hậu, Công Chúa, ái thê ái thiếp…
Đến điện Càn Thành nơi vua ngủ, nghỉ. Thái Bình Lâu chỗ vua đọc sách.Lầu Ngũ Phụng nơi tổ chức các lễ hội lớn.
Sau đó còn được xem nhã nhạc cung đình ở Duyệt Thị Đường nữa.
Cứ tưởng tượng mình là thượng khách của vua cho oai hỉ!
Nếu còn thời vua chúa, chắc đã bị chặt đầu ngay từ lúc lò dò ở ngoài cổng rồi ấy chứ vì tội dám bén mảng định xem mặt vua.
Mới có chuyện dân gian kiêng ra đường vào ba ngày mùng 5,14,23 âm lịch mỗi tháng. Vì đó là ba ngày tốt vua xuất hành ra khỏi hoàng cung để thăm dân (hay làm gì đó). Hể nơi nào vua hiện diện thì dân phải tránh, trốn trong nhà không một ai được quyền thấy thiên-nhan hết. Lơ mơ ngoài đường, lỡ chưa tìm được chỗ núp quan quân mà bắt được sẽ lôi xử trảm tội khi quân, đầu lìa khỏi cổ ngay lập tức.
Thành ra ba ngày đó là ngày tốt được vua chọn để xuất hành, nhưng biến thành ngày đại kỵ của dân, có cơ may chết thành ma không đầu là vậy.
Lúc đùa, tôi nói thế thì tôi cũng chọn mấy ngày đó để ra đường, vì là ngày lành tháng tốt vua đi.
Ủa mà vô lý thật. Vua xuất cung để đi thăm dân chúng, mà cấm không cho dân được thấy long nhan, là sao nhỉ?!!
Kết luận: Có thể niềm vui của người này lại là nỗi sầu đau của kẻ nọ.
Suy rộng hơn, có những biến cố đau thương tang tóc cho hàng triệu triệu người, nhưng lại là đại lễ cho hàng triệu người khác. Không cần kể ra thì ai cũng tỏ tường.
Lúc ấy vào hè, tôi nhớ tiếng ve kêu râm ran dọc theo các con đường có hàng cây xanh cạnh bức tường bao bọc thành nội. Lâu lắm rồi không còn dịp nghe điệp khúc báo hiệu mùa bãi trường, khiến gợi nhớ về thời đi học với bao nhiêu hoài bảo và ước mộng. Tôi nhớ về cô gái mặc áo dài màu tím Huế, làm duyên cho bạn chụp hình bên các khóm hoa. Nhớ cảm giác đứng trước phiên bản trống đồng Đông Sơn đặt trong sân cung điện. Đọc bản thông điệp về chủ quyền hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà rờn rợn sống lưng, nổi da gà dù trời trưa nắng.
Chúng tôi tiếp tục thăm Khương Ninh Cát (còn gọi là Am Phước Thọ), thuộc cung Diên Thọ, là tòa nhà có ba gian hai tầng.
Tầng trệt, giữa có bàn thờ, hai bên làm nơi ở của các sư nữ.
Tầng trên phía trước có năm gian thờ. Giữa thờ Phật, hai bên thờ Quan Công cùng các thần linh khác.
Phía sau cũng có năm gian. Chính giữa thờ thánh mẫu Thiên Y A Na, hai bên thờ các thần linh đồ đệ của thánh mẫu, các công chúa chị và cô của vua Gia Long, và tổ nghề hát bội…
Nơi thờ phượng này dung hòa, kết hợp giữa Phật giáo, Thánh giáo, Thiên Tiên…
Một nhân viên chào đón và dẫn chúng tôi vào Khương Ninh Cát, giải thích cặn kẻ sự tích nguyên nhân thờ cúng các Đức Phật, thần, thánh mẫu, tiên thiên. Cùng vài giai thoại về vua Thiệu Trị, có vợ là hoàng hậu đức bà Từ Dụ (còn gọi là Từ Dũ) mẹ vua Tự Đức.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì ông kể về việc Đức Vua Thiệu Trị (hay là vua khác?) bị bịnh nặng, thần linh phán rằng số ông đoản thọ, chỉ sống thêm được đúng ít năm-không nhớ -. Các hoàng hậu, cung phi ngày ngày dốc lòng cầu nguyện cho ngài được sống lâu hơn, nhưng vẫn không tránh được số trời đã định.
Ông giải thích vì sao thờ thánh mẫu A Na, tôi quên gần hết chỉ nhớ ông nói bà rất linh thiêng, ai thành tâm cầu nguyện sẽ được bà chứng giám ban phước, rồi đề nghị chúng tôi hãy khấn vái xin xăm với thánh mẫu.
Các cháu lần lượt quì vái và lắc hộp cho lá xăm rớt ra. Tôi đứng bên cạnh nhìn cảnh ấy. Tố Trân quay qua tôi nói nhỏ:
—Má tư cũng xin xăm đi m4.
Tôi lắc đầu trả lời cũng nhỏ cho ông đừng nghe:
—Thôi, m4 không xin vì không tin vào mấy chuyện nầy đâu.
Vừa nói xong tôi hoảng hồn giật thót. Chết rồi, lỡ thốt lời bậy bạ thất kính mà lại đang đứng ngay trước bàn thờ bà thánh mẫu nữa.
Tôi vội vàng quì ngay xuống, chắp tay cầu:
—Con lỡ dại nói lời bất kính xin thánh mẫu tha lỗi. Ý con là hiện giờ cuộc sống con đã an bài nên không còn ước vọng cầu mong gì nữa, con trớ lời nói bậy bạ quá, xin Bà tha lỗi cho con.
Sau khi các cháu đã có lá xăm trong tay, thì theo ông xuống dưới lầu để ông giải nghĩa lời ghi trong lá xăm.
Có đưa tiền để cám ơn công ông chịu khó kể lịch sử thờ cúng và giải lá xăm.
Chúng tôi tiếp tục đi thăm lăng mộ vua Minh Mạng và vua Khải Định.Tôi cứ áy náy nghĩ sao trước bàn thờ bà thánh mẫu mình ăn nói khinh thị quá. Tự dặn lòng sau này phải cẩn thận hơn nữa khi phát ngôn mới được. Không biết Bà có giận mà phạt mình chăng?
Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy là vậy.
Kể thêm một việc nhỏ. Ở lăng vua Khải Định, chúng tôi khá mệt vì đi trong thời tiết nắng gắt gao, lại leo trèo nhiều nên ai đã từng vào thăm rồi thì không vào nữa. Ngồi uống nước dừa ở một trong những hàng quán phía trước lăng, vừa trông chừng xe đậu cạnh.
Chờ mọi người trở ra, trả tiền nước dừa. Họ tính giá mắc gần gấp hai lần nơi khác. Thôi cũng chấp nhận. Chuẩn bị lên xe thì người chủ hàng nước kế bên chạy qua đòi tiền gởi xe!
Gởi xe? Cháu tôi nói tiền gởi xe gì. Chúng tôi ngồi uống nước thì xe để ngay bên cạnh, có gởi xe đâu mà đòi?
Thế nhưng họ vẫn cãi bướng, nói uống nước là tính riêng, còn gởi xe là tính riêng.
Cháu nói: - Mà có để xe bên phía chú đâu mà chú đòi tiền gởi?
Họ nói ngang: - Để bên nào cũng là thuộc phạm vi của họ hết.
Hỏi chủ quán bán nước dừa, họ trả lời tỉnh bơ là: ai biết đâu à.
Thật hết nói luôn. Đành trả thêm tiền để đi cho nhanh.
Cái kiểu lừa đảo vặt trắng trợn cò con thế này nên nền du lịch VN không thể nào vươn lên, cạnh tranh với quốc tế nổi. Rất nhiều bạn, người quen tôi kể là đã đến VN một lần, khen cảnh đẹp, nhưng “một đi không bao giờ quay lại”mà họ chọn Thái Lan để quay lại hầu như mỗi năm. Vậy đủ biết thế nào rồi.
Lăng Khải Định toạ lạc trên núi Châu Chữ, Hương Thuỷ cách trung tâm Huế khoảng 10 km.
Lúc ấy mặt trời đã ngả bóng, chúng tôi quyết định quay về khách sạn nghỉ ngơi tắm rửa cho mát để tối ra cầu Trường Tiền ngắm cảnh Huế ban đêm.
Trên đường về, chắc do trời quá nóng bức, tôi bỗng dưng buồn ngủ hai mắt cứ nhíp lại kỳ lạ. Ngồi sau lưng Thuỷ Tiên chở, thay vì như thường lệ là nhóng cổ qua vai cháu, chiêm ngắm cảnh vật hai bên thì tôi hơi dựa đầu vào lưng cháu, lim dim nửa tỉnh nửa mê.
Bỗng…!
Dù không mở mắt, tôi cũng cảm nhận chiếc xe thắng gấp, chựng lại. Rồi con ngựa bằng sắt nầy hình như biến thành ngựa thật, nó rùng rùng cử động, lắc lư thân khá uyển chuyển. Tôi nghe tiếng Thuỷ Tiên kêu lên–dù rất nhỏ nhẹ như bản tính–nhưng âm thanh đầy kinh hoàng:
—Trời ơi!!!
Trong giây phút ngơ ngác, một ý nghĩ còn thoáng qua đầu tôi là chả lẽ chiếc xe này biến thành ngựa thật, giống xưa kia ngựa sắt biến thành ngựa thần đưa Phù Đổng Thiên Vương bay về trời sau khi thắng giặc Ân?
Chỉ tích tắc ý nghĩ xẹt qua đầu, thì toàn thể con ngựa lẫn hai dì cháu tôi ngã nghiêng về bên trái nghe một cái rầm thật lớn.
Vậy là thay vì bay lên trời thì nó lăn đùng ra đất.
Tiếp theo lại nghe thêm một tràng trời ơi không ngớt đầy khiếp hãi của mấy đứa cháu kia dội lại.
Thuỷ Tiên bị chiếc xe đè lên một chân, nằm bất động giữa đường. Tôi thì văng ra cách đó chừng hơn mét.
Cả bốn cháu kia dựng xe cạnh lề, chạy lại kêu tên Thuỷ Tiên vang động góc trời. Mà cháu vẫn êm ru bất động, không dấu hiệu nào của sự sống khiến mọi người đều bấn loạn, cứ vừa lay vừa gọi:
—Thuỷ Tiên ơi Thuỷ Tiên à. Có nghe không trả lời đi Thuỷ Tiên sao nín thinh vậy…hu hu, hic hic..
Tôi lồm cồm ngồi lên tuy đau nhưng ráng nhích vô lề. Một luồng nước ấm chạy từ mũi xuống thở không được, mở mạng che mặt, nón bảo hộ, cùng kính mát ra. Lấy tay quệt xem cái gì ướt cả mặt. Máu! Máu!
Các cháu quay qua tôi, kêu thất thanh:
—Trời ơi, mặt m4 đầy máu kìa trời.
Bửa đó ông trời bị kêu réo liên tu bất tận.
Vì tôi không thở được nên phải há môi ra thế là máu từ mũi chui vào miệng rồi chảy tiếp xuống cằm. Sau này các cháu nói nhìn tôi ghê rợn lắm, như quỉ Dracula hút máu người vậy đó.(cái này là tôi nói thêm, chứ các cháu không có nói vậy).
Có bao nhiêu khăn giấy lôi hết ra để chậm máu vẫn không đủ, lấy luôn mạng che mặt bằng vải, rồi thêm vài cái mạng khác của các cháu, máu vẫn chảy không ngừng, tôi phải hơi tựa đầu vào lòng một cháu thì lát sau máu mới từ từ tạm ngưng.
Phần Thuỷ Tiên, sau màn bất tỉnh kéo dài mấy phút cũng bắt đầu ngọ ngậy rên lên khe khẽ, mọi người hơi hoàn hồn chút chút. Vì cứ tưởng…
Tội nghiệp cô cháu của tôi. Trước đó mấy tháng, trên đường đi làm về đã bị tai nạn té xe ở Saigon cũng theo thế nằm y hệt, xe đè lên chân trái nứt đầu gối, khuỷu tay rách 1 đường sâu hoắm. Chưa kịp lành, nay cũng bị đúng vào vết thương cũ, chính xác ngay đầu gối và khuỷu tay, đau đớn thấu trời sao chịu nổi.
Sau này, chúng tôi đùa nhau. Thủy Tiên nói:
—Vận xui của con năm ngoái đã qua rồi. Tử vi con năm nay rất tốt, m4 gặp vận xui mà vì con chở m4 nên con bị lây cái xui của m4 đó.
Cũng dám lắm chứ. Phần khuỷu tay trái tôi cũng u lên một cục to bằng trái chanh vàng, do máu đọng lại dưới làn da, nhìn phát khiếp.
Bỗng…lại bỗng nữa!
Các cháu la thất thanh:
—Chết rồi, cái mũi m4 bị gãy, lệch qua một bên kìa.
Hả? Cái gì? Mũi tôi gãy hả? Thôi nguy to rồi. Cha mẹ sinh tôi ra nguyên vẹn, không có dao kéo gì, nay mà mũi gãy thì… Thà bị tật nguyền thân thể, chứ gương mặt bị biến dạng thì buồn cỡ nào!
Tôi đưa tay lên sờ. Ủa, nó vẫn còn nguyên, đâu có bị rách mà không đau nữa.
Các cháu quả quyết:
—Thật mà, mũi m4 bị lệch rõ ràng, chắc nứt bên trong, ngoài không thấy được.
—Phải tìm bịnh viện tức tốc.
Đường vắng xe lưu thông. Lạ là đã hơn 20’ hay 30’ rồi mà chả thấy chiếc xe lớn nhỏ nào qua lại hết.
Nhà dân hai bên đường san sát nhau, một nhúm người lố nhố trong sân nhà, khép nép đứng nhìn chúng tôi lăn lóc máu me, chộn rộn quýnh quáng mà không ai lại gần phụ giúp hay tỏ cử chỉ hoặc nói năng gì hết. Cháu tôi lên tiếng:
—Dạ thưa cô bác cho con hỏi có biết bịnh viện nào ở gần đây không?
Họ lắc đầu nói không biết. Lại hỏi tiếp:
—Dạ vậy đường từ đây ra Huế còn xa không?
Họ cũng lắc đầu nói không biết luôn.
Chúng tôi á khẩu, chẳng còn gì để hỏi nữa. Bèn lướt thướt dắt dìu nhau lên xe đi tiếp. Lần nầy Thuỷ Tiên được ngồi sau cho cô chị Tố Trân chở. Còn cháu trai Tiến Đạt chở tôi.
May sao, chạy chừng một cây số thì nhìn thấy tấm bảng ghi Phòng Khám Bịnh Viện Tư, mừng quá sáu dì cháu ghé vào. Tức là đã vào tới trung tâm thành phố rồi.
Chỉ cách một cây số từ nơi tai nạn, mà sao dân nói không có bịnh viện nào ở gần hết, mà cũng không biết Huế gần hay xa là sao nhỉ?
Họ không biết thật hay cố tình không chỉ?
Vào nơi ngồi chờ. Các cô y tá lăng xăng tới lui hỏi han. Một cô hỏi:
— Có mấy người bổ?
—Bổ gì chị? Đâu có ai bổ chị. Tiến Đạt trả lời.
—Chị hỏi là có bao nhiêu người bổ. Cô y tá nhắc lại.
—Chị ơi, chị nói gì em không hiểu. Là thuốc bổ hả chị? Tiến Đạt thay mặt chúng tôi trả lời. Cậu nầy nhanh nhẹn bặt thiệp nhất trong đám.
—Không phải, chị hỏi ai bổ, tức là bị.. bổ đó. Rồi cô ra dấu té xuống đất.
A thì ra vậy. Cô lấy lời khai xong, kêu chờ tiếp. Rồi vào phòng trong làm thủ tục.
Tiến Đạt quay qua Bảo Lâm cằn nhằn nho nhỏ:
—Người ta té đau gần chết không chịu trị ngay, còn ở đó bổ với dưỡng gì nữa.
Lúc đó chúng tôi mệt và lo lắng, chả ai còn tâm trạng nào nghĩ gì khác. Chỉ sau này khi nhắc lại, thì mới có nhiều trận cười vỡ bụng vì không hiểu danh từ địa phương lẫn cách phát âm.
Sau khi may vá mấy mũi kim cho Thuỷ Tiên, băng bó vết thương đầu gối, chích thuốc ngừa độc… tới phiên tôi vào chụp IRM đầu và mặt. Bác sĩ nói mũi tôi bị nứt, phải chỉnh xương cho ngay lại càng sớm càng tốt trong vòng 2 tuần chớ để lâu xương lành lại thì khó chỉnh. Cũng chích một mũi thuốc trừ độc. Còn cục u ở khuỷu tay thì do máu đọng lại, từ từ nó sẽ tan đừng lo.
Quay về khách sạn, Tố Trân gọi điện đặt vé sáng hôm sau tôi tức tốc bay vào Saigon cùng với Tiến Đạt (theo chương trình thì cháu cũng phải về sớm để dạy học). Tìm bệnh viện tư Columbia do người ngoại quốc làm chủ, khám tiếp. Nghĩ nếu tình hình không ổn thì trở về Thuỵ Sĩ điều trị mới yên tâm.
Bác sĩ nói tôi may mắn là xương nứt hơi lệch sang bên nên chỉnh lại cũng dể dàng và lành nhanh chóng chứ nếu bị dập nát từ ngoài bẹp vô thì sẽ khó khăn chữa trị và nguy cơ mũi không trở lại như nguyên thuỷ.
Trong cái rủi vẫn còn cái may mắn.
Tôi vào bịnh viện 1 ngày 1 đêm để bác sĩ chỉnh lại xương mũi.
Gọi điện cho hãng bảo hiểm sức khoẻ ở Thuỵ Sĩ, họ tiếp xúc với bịnh viện để thanh toán mọi chi phí rất nhanh chóng hữu hiệu.
Bác sĩ dặn tránh đừng đụng chạm vào mũi. Về nhà vẫn phải băng bông gòn kỹ lưỡng trong vài ba tuần đầu.
Về quê chơi tiếp cho hết kỳ nghỉ. Billy cháu ngoại của chị tôi lúc ấy khoảng 2 tuổi nói được ít nhưng hiểu nhiều mon men lại gần đùa giỡn. Tôi bèn giải thích với nhóc là tránh đụng vào “mũi bà tư kẻo lại gãy xương nữa”. Lời chưa kịp dứt thì bé cung nắm tay nhỏ xíu tông một cú đấm vô đúng cái mũi tội nghiệp của tôi, đau nổ đom đóm mắt. Thật là tình, con nít dặn chúng đừng làm thì chúng làm ngược lại, chỉ biết nửa mếu nửa cười!
Thế là việc đi tìm động Thiên Đường bị đình lại. Thiên đường đâu không thấy suýt chút đã sa địa ngục.
Nguyên nhân tai nạn: Thoạt đầu, tôi đinh ninh Thuỷ Tiên sơ ý cán lên cục gạch to nằm giữa đường, ai dè không phải.
Mà do hai con chó con đùa giỡn gây ra cớ sự. Cháu kể:
—Đầu tiên con nhìn thấy con chó nhỏ băng qua đường, con đã thắng lại tránh cho nó chạy qua rồi. Ai dè thêm con thứ hai trong nhà rượt con đầu tông thẳng vô bánh xe. Mắc kẹt giữa bánh và thân xe, nó tìm cách chui ra, con nắm chắc tay lái cho đừng bị bẻ ngược, mà kềm không nổi nên xe mới lật ngang.
Ý là con đã thắng lại tránh con chó đầu, ai dè thêm 1 con nữa chạy ra bất ngờ mà nó chạy thẳng vô xe như vậy.
Thì ra là lỗi của hai con chó đùa giỡn làm dì cháu tôi suýt tàn tật. Chưa kể nếu lúc ấy có xe lưu thông hai chiều, họ không tránh kịp thì chúng tôi chắc đã hồn lìa khỏi xác.
Hai con chó nhỏ quỉ sứ chắc thấy chúng tôi té cũng biết sợ nên lủi mất tiêu trong nhà nào đó, không lú đầu ra nữa.
Chúng tôi suy ra thái độ mấy người dân cứ lấp ló trốn tránh, chỉ đứng từ trong sân nhà quan sát mà không tò mò lại gần để xem như thường thấy ở VN, là vì con chó của họ gây tai nạn, họ sợ chúng tôi bắt đền chứ gì. Cho nên hỏi bịnh viện ở đâu hay Huế gần xa, họ cũng không chỉ nốt.
May là chó tông vào xe đã ngừng, không hề hấn gì rồi chạy mất chứ nếu nó nằm lăn ra đất thì chắc chắn chủ nó bắt đền ngược lại chúng tôi rồi nhỉ. Hú hồn.
Sau chuyến đi. Tôi ngẫm nghĩ diễn biến câu chuyện, liên kết chúng lại thành một chuỗi.
—Xác hai con bướm đen cánh viền vàng cố tình để chính tôi bắt gặp nằm chết ngay dưới chân, ở thiền viện Trúc Lâm và thánh địa Mỹ Sơn.
—Nói năng bất cẩn trước bàn thờ bà thánh mẫu Thiên Y A Na trong Đại nội, mà tương truyền rằng bà rất khó tính và linh thiêng.
Vậy có đúng là linh hồn chồng tôi nhập vào xác bướm cảnh báo tôi biết hãy coi chừng tai hoạ sắp xảy đến để tôi đề phòng? Nhưng vẫn không tránh thoát được?
— Có phải Thánh Mẫu đã tức giận, phạt tôi tội ăn nói bất kính bằng cách cho hai con chó chạy giỡn đuổi nhau xô ngã xe-dù đã ngừng-?
Vì là lần đầu, với lại ngươi đã quì tạ lỗi ngay lập tức nên ta chỉ cảnh cáo ngươi sơ sơ thôi đó nhé. Cho từ đây về sau phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, chớ báng bổ thánh thần nghe chưa!?
Như đã nói, vì tin thì sẽ có, mà chuỗi câu chuyện trên thì tôi lại tin. Cho nên tôi kết luận: Kinh nghiệm tôi trải qua là có bàn tay từ cõi vô hình can dự vào.
Phần độc giả, thì tùy theo suy nghĩ, tín ngưỡng của mỗi người vậy.
Thanh Hà
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...