Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Chiêm bao trắng

Chiêm bao trắng

Phần I
Người bơi thuyền trên giòng sông xanh
Thấy trăng vàng dưới đáy long lanh
Đưa tay bắt vô tình chấn động
Trăng tan rồi sông cũng loanh quanh
(thơ Thanh Hà)
Vừa đi chợ xách giỏ về đến nhà, đang tìm chìa khoá đã nghe tiếng điện thoại reo giục giã. Quýnh quáng tôi mở được cửa rồi quăng đại giỏ thức ăn vào góc, chạy lại bắt máy thì giọng nói ỏng ẹo cất lên:
-- Bồ làm cái chi mà ta gọi gần cháy máy luôn tới chừ mới trả lời vậy?
-- Ta đi chợ mới về đây, ai biết bồ gọi mà ở nhà chờ chứ. Lãng quá đi!
-- Từ sáng giờ cứ 30’ là ta gọi 1 lần, vị chi khoảng sáu lần rồi đó.
--Làm gì hôm nay gọi sớm thế? Bình thường bồ hay gọi vào buổi chiều hoặc tối. Có chuyện gì hả?
-- Ta gọi để kể bồ nghe là ta đã đặt vé đi Vietnam rồi. Hai tuần nữa là đi.
-- Vậy bồ nhất quyết đi, không thay đổi à?
-- Không!
-- Nghĩ kỹ chưa?
-- Kỹ rồi, đã nghĩ hàng ngàn lần rồi, không thay đổi nữa.
Đó là Dạ Quỳnh, cô bạn thân học cùng tôi từ năm lớp 6, cách đây hơn 40 năm rồi.
Con nhỏ người Huế, ba nó là dân nhà binh vào tận quê tôi đóng trong tiểu khu tỉnh nên đem vợ con theo. Còn tôi ngày ấy là một con nhóc nhút nhát đến bịnh hoạn, không bao giờ tự ý dám bắt chuyện với bất cứ ai. Vì vậy trong lớp tôi rất ít bạn, hồi còn học tiểu học, tôi có một chị bạn người Cam Bốt, lớn hơn tôi 3 hay 4 tuổi, rất hiền lành và yêu thương bảo vệ tôi hết mực nếu có bạn khác bắt nạt. Đáng buồn là hết lớp nhất (tức lớp 5) thì chị nghỉ học ở nhà chăm sóc em, thế là tôi lẽ loi.
Giờ ra chơi mọi người xúm nhau lại trò chuyện, hay đi dạo trong sân trường, còn tôi chỉ đứng ở một góc nào đó, lắng nghe mọi người líu lo chứ không hề dám xen vô câu nào hết. Vào trung học năm đầu tiên, được mặc áo dài tự cảm thấy mình lớn và quan trọng hẳn lên,nhưng cái tính nhút nhát thì không bớt đi chút nào. Trong lớp rất đông, sĩ số những 60 người. Có rất nhiều gương mặt lạ nên tôi càng thu người trong vỏ ốc của mình kỹ hơn nửa.
Khi Thầy, Cô điểm danh hoặc kêu trả bài, hể đến tên Dạ Quỳnh là hầu hết học sinh đều cười rộ lên, vì giọng xứ Huế của nó. Có đứa còn thử nhại lại rất chi là...bất lich sự. Những lúc đó Dạ Quỳnh xấu hổ mặt đỏ gấc, đầu cúi xuống, luống cuống đưa tay vén lọn tóc phủ một bên má rất tội nghiệp. Có lần tôi còn thấy nó lén đưa tay chùi giọt nước mắt chảy trên má nửa. Bị Thầy Cô trách mắng là không tử tế với bạn thì họ trêu ghẹo vào những lúc khác, kín đáo hơn.
Các bạn không ác ý, chỉ vì nghe lạ tai bởi thời ấy ít có dân ở miền khác đến sống nơi cái tỉnh gần tận cùng phía Nam lắm.
Tôi rất bất bình nhưng không dám lên tiếng bênh vực, chỉ thỉnh thoảng nhìn Dạ Quỳnh bằng ánh mắt biểu lộ thông cảm mà thôi.
Một buổi ra chơi nọ, tôi đang đứng dựa vào cửa lớp nhìn mông lung ra sân trường thì nghe có tiếng thỏ thẻ bên tai:
-- Chào bồ, phải bồ tên T.H không?
Quay qua, thì thấy “ cô Huế “ đứng cạnh bên, và hỏi mình.
Tôi lí nhí trả lời
-- Phải, tôi là T.H đây.
– Còn tôi là Dạ Quỳnh, xin được làm quen nha.
Tôi mừng rơn, gật đầu lia. Từ đó chúng tôi thân nhau.
Dạ Quỳnh kể rằng, vì thấy tôi ít nói, e thẹn, cách biệt, và mỗi khi bị các bạn khác chọc cái giọng Huế bỏ dấu nặng khó nghe thì tôi hay nhìn nó bằng ánh mắt tội nghiệp nên nó cũng để ý tôi từ đó, và muốn kết bạn. Thế là “hai kẻ lạc loài” cặp kè nhau không rời. Ngộ một điều, là với người trưởng thượng hay người lạ thì tôi không dám trò chuyện, nhưng với người nào tôi cảm nhận sự quan tâm đến mình thì tôi nói năng dễ dàng, thoải mái. Nên giữa hai đứa tôi, hầu như không có chuyện gì giấu nhau hết.
Dạ Quỳnh hay đến nhà tôi chơi, nhiều khi mùa thi còn ngủ đêm học bài cùng nhau. Gia đình tôi rất yêu quí nó. Ba mẹ nó cũng biết và yêu quí tôi lắm (lời nó kể lại ).Nhưng tôi chỉ đến thăm gia đình Dạ Quỳnh hai, ba lần gì đó. Vì ba nó là sĩ quan, làm việc trong tiểu khu tỉnh, nơi lính tráng đông đúc mà ba tôi thì khó như hầu hết các công chức thời xưa. Ngoài giờ đi học ra, chỉ quanh quẩn trong nhà chơi với các chị,em. Ba tôi khó đến nổi dặn chị em tôi chỉ được nói chuyện với bạn học trai trong phạm vi trường lớp thôi, hể bước ra khỏi cổng trường thì dù có đụng mặt cũng làm như không quen biết gì hết! ( Chắc một phần do sự giáo dục quá nghiêm khắc ấy, cộng vào bản tính nhút nhát có sẳn nên càng khiến tôi trở thành con rùa rụt cổ thêm chứ gì?!)
Thời gian đầu, Dạ Quỳnh nói rặt giọng Huế. Tôi cứ thường xuyên yêu cầu nó lập lại nhiều lần. Giọng đã khó nghe mà danh từ lại càng lạ lẫm, nên thỉnh thoảng chúng tôi tức giận cãi nhau vì nó hiểu lầm tưởng tôi cố tình giễu cợt. Lúc giận, nó nói càng nhanh và càng rối rắm, tôi tròn mắt nhìn, đợi nó nói xong thì hỏi lại:
-- Ê, bồ vừa nói gì vậy?
Nó đỏ mặt tía tai, oà lên khóc. Tôi không hiểu gì hết, hỏi thêm:
--Ủa? Sao bồ khóc? Tui đâu có làm gì hay nói gì mà bồ lại giận?
Suy nghĩ lại, nó bật cười híc híc mà nước mắt nước mũi còn chảy tèm hem:
-- Ừ, tui quên là bồ không hiểu cái chữ tui vừa nói, xin lỗi nha.
Rồi nó giảng giải ý nghĩa của danh từ đó, lát sau tôi mới..ngộ ra được. Dần dần, Dạ Quỳnh bắt chước sửa giọng nói lẫn dùng những danh từ miền Nam cho dễ nghe. Các bạn cũng không còn chọc ghẹo lối phát âm du dương, bỏ dấu nặng như điệu nhạc của nó nữa. Lâu lâu quên thì nó cũng chêm vào vài chữ Huế như: mô, tê, răng, rứa, ni, chừ,...thế thôi. Chúng tôi bớt cô lập, có thêm nhiều bạn. Ở nhà thì nó nói giọng Huế với ba mạ, các em.
Thời gian nhẹ trôi. Từ giai đoạn chúng tôi chỉ là mấy nhóc con tuy mặc áo dài đến trường, nhưng khi về nhà vẩn còn chơi bán hàng, chơi nhảy dây, cút bắt... cũng lớn dần theo năm tháng. Sau kỳ nghỉ hè, tựu trường năm đệ tứ, tức lớp 9 thì Dạ Quỳnh trổ mã thành thiếu nữ, biết làm duyên khi gặp người khác phái!
Mái tóc đen nhánh mượt mà buông dài tới tận eo, gương mặt hình ovale với đôi mắt long lanh như nước hồ, miệng làm duyên lúc thì mĩm nụ hoa hàm tiếu, lúc cười khoe hàm răng trắng đều. Thân thể cô cũng nẩy nở chứ không gầy guộc trẻ con như đa số chúng tôi nữa.
Trên đường đi học hể thấy bóng dáng thanh niên từ xa là cô ấy bắt đầu nghiêng nghiêng vành nón lá—chiếc nón bài thơ mạ cô ấy mang vào mỗi khi về thăm nhà --, nét mặt từ nhí nhảnh biến đổi sang mơ màng như thể đang được nghe ai tỏ tình ấy. Và bao lời liếng thoáng bỗng mất tăm để trở thành một thiếu nữ e ấp thuỳ mị. Tôi mang cảm giác như có hai Dạ Quỳnh trong một người.
Còn tôi tuy cũng bắt đầu hay buồn vu vơ, vỏ vẻ làm thơ tình và viết tiểu thuyết nhưng hình dáng bên ngoài vẩn chả thay đổi bao nhiêu ; cứ thẳng đuột cao như cây sậy ấy.
Tuổi 15, 16 thành thiếu nữ nên tập tành làm dáng chút chút. Chút- chút có nghĩa là khi mặc áo dài chuẩn bị đi học cũng nhìn vào gương để xem mình có tươm tất không ấy mà. Và cứ mỗi tuần thì thay quai nón lá: xanh ngọc, xanh da trời, xanh đại dương, hồng sen, tím nhạt, vàng mơ.... Chỉ đến thế thôi.
Ôi cái thời mới lớn saohồn nhiên, hoa mộng!Viết mấy dòng trên, tôi chạnh lòng bâng khuâng nhớ tiếc ngày xưa của mình quá
Thôi qua rồi em một thời thanh xuân.
Trí tuệ tài năng đua nhau nẩy mầm.
Đôi mắt nai vàng nhìn đời trong sáng.
Ai cũng thiên thần như chính bản thân.
( Thơ Thanh Hà )
Nhà chúng tôi chỉ cách trường hơn cây số nên chúng tôi đi bộ. Thỉnh thoảng có “cái đuôi” bám theo kiểu:
Em tan trường về, anh theo Ngọ về.
(Ngày xưa Hoàng Thị, Phạm Duy )
là tôi sợ bất chết. Sợ rủi người quen trông thấy về mách lại ba má, sợ bị Thầy, Cô, chúng bạn chê cười tưởng mình lăng nhăng...
Hai chúng tôi thường nhận được thư tình của bạn học cùng trường chuyển cho. Nhưng mỗi đứa phản ứng một cách khác nhau. Dạ Quỳnh thì bâng khuâng, mơ màng khi đọc thơ dù không đáp ứng lại tình cảm. Phần tôi thì vừa đọc vì tò mò vừa run sợ ( tính tôi còn con nít cơ mà ) rồi đưa cho Dạ Quỳnh nhờ đem về nhà cô ấy xé đi chứ tôi không dám mang về nhà, lỡ ba má thấy là bị phạt
Cô ấy la:
-- Trời cái con ni, sao mà khờ quá. Nhận thơ con trai mà làm như lên đoạn đầu đài ấy, cái mặt xanh lét tưởng bịnh đến nơi.
Tôi cứ ngạc nhiên tự hỏi sao Dạ Quỳnh chỉ lớn hơn tôi một tuổi mà cô ấy chín chắn quá, giờ đây chủ đề các buổi nhỏ to tâm sự không còn nói về chuyện làm bài tập, chuyện tối ngủ sợ ma, hay rủ tới nhà nấu chè ăn... Mà luôn thấp thoáng hình ảnh một chàng trai nào đó. Tôi lắng nghe rồi nghĩ thầm:
- Cái con nhỏ nầy không lo học hành cả ngày chỉ nghĩ có mỗi chuyện yêu với đương, con nít quỉ!
Một hôm gần hết niên học đệ tứ, Dạ Quỳnh vào lớp ghé tai tôi nói nhỏ:
-- Ê T.H, giờ ra chơi mình đến góc phượng tuốt đầu sân kia, tui kể bồ nghe chuyện nầy hay lắm.
Cái chuyện mà cô ấy định kể là:
-- Mình gặp tiếng sét ái tình thật rồi.
Cô đổi cách xưng hô để nghe thanh tao hơn khi nói về chuyện tình của mình, nên tôi cũng tự động đổi theo luôn.
Tôi nhìn cô gái đối diện: đôi má hồng mơn mởn, cặp mắt rạng ngời toát lên hạnh phúc của người đang yêu, mái tóc đen huyền buông rủ tận vòng eo thon thả trông thật duyên dáng dễ thương làm sao ấy.
Tôi nói:
-- Bồ quyến rũ như thế có người yêu cũng phải thôi.
Cô khoe với tôi đó là anh chàng lớp trưởng đệ nhất ( lớp 12), cái tên cao cao ốm ốm, mái tóc bồng bềnh dáng nghệ sĩ, hồi lễ Tất Niên ôm guitar hát nhiều bài hát rất hay như Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, Hoài Cảm của Cung Tiến...nhưng chính bài Đạo Ca số 3 của Phạm Duy: Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng mới chinh phục trái tim của Dạ Quỳnh:
Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong ruỗi sa trường, một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong suốt thời gian
Một chàng dũng sĩ đôi mắt u buồn như ánh trăng vàng, lòng chàng nung nấu một mối u sầu tìm dấu người yêu...
Tôi hỏi:
-- Vì sao anh ta hát bài đó mà lại làm tim bồ xao xuyến? Nó cũng đâu có gì đặc biệt lắm.
– Ôi bồ không biết đâu, lúc hát bài đó anh nhìn thẳng vào mình với đôi mắt rực sáng như thể muốn gởi gấm tâm sự của anh cho chỉ mình thôi. Mình như bị thôi miên không ngó đi đâu được hết, cái giây phút huyền dịu đó như thể thế giới chỉ có hai đứa. Trái tim mìnhrung động dữ dội, nhận ra anh chính là người trong mộng của mình, và mình đúng là người anh đi tìm kiếm như trong bài hát đó. Hai đứa mình sinh ra là thuộc về nhau mà.
– Anh ta có thể đúng là người trong mộng của bồ, nhưng sao bồ biết bồ chính là người anh ta tìm kiếm?
– Linh cảm cho mình biết. Cái nầy không giải thích được đâu, chỉ những người cùng cảm nghĩ, cùng tần số thì mới nhận ra nhau giữa đám đông thôi.
Rồi cô ấy giảng giải thêm:
--Bồ không nhớ có lần mình đọc cuốn sách nói về con chim cánh cụt Hoàng Đế ở Nam Cực ( Emperor penguin), là giống chim rất chung thuỷ và tính xã hội cao. Mỗi năm đến mùa thu, đông là hằng trăm ngàn, hằng triệu con từ phương xa kéo nhau về miền băng giá để hội ngộ trống mái và sinh con đẻ cái. Nhờ tiếng kêu chúng vẩn nhận ra nhau giữa hàng triệu âm thanh, không bao giờ lẫn lộnvới những con khác, và không bao giờ “lăng nhăng, láng cháng”ngoại trừ bạn nó qua đời thì nó mới đi tìm bạn khác. Mình với anh cũng vậy đó. Mình chắc chắn là tìm ra một nửa của mình giữa thế giới mênh mông này rồi.
Cô ấy còn diễn thuyết cho tôi nghe nhiều nữa về cái chàng dũng sĩ của cô, giống như trong bài hát, đã rong ruỗi khắp nơi đi tìm người yêu tới nổi ngựa vàng thay đổi sắc lông, tới nổi chiếc áo tươi mầu đã nhạt phai mà vẫn chưa tìm ra. Không ngờ người yêu ở ngay bên cạnh, chính là con ngựa vàng mà chàng hằng cưỡi.
Ngựa vàng đã hoá thân hoá thân là người yêu muôn thuở
Ngựa vàng đã hoá thân hoá thân là người vẫn hằng mơ
Rồi cô ấy dựa người vào gốc cây phượng, hơi ngửa mặt lên trời hát tiếp mấy câu cuối:
Rồi chàng dũng sĩ đôi mắt sáng ngời như ánh mặt trời
Cùng người yêu quí đi suốt cuộc đời tình ái nở hoa
Giây phút ấy hình ảnh Dạ Quỳnh bỗng thăng hoa, đẹp tựa thiên thần. Ghê gớm thay mãnh lực của tình yêu, tâm hồn trong sáng thánh thiện của tuổi trẻ mới tập tễnh bước chân vào đời, chưa qua lần vấp ngã nên nhìn đâu cũng thấy toàn điều tốt đẹp.
Tôi thành thật chúc mừng bạn, vui lây với niềm hạnh phúc đó.
Qua cơn phấn khích, bỗng Dạ Quỳnh quay lại nhìn tôi:
-- Còn bồ nửa, bao giờ mới chịu yêu hả? Cũng khối chàng trồng cây si,mà trong đó mình chấm dùm bồ vài chàng để bồ lựa mà sao chưa chịu hả?
-- Trời, bồ nói như thể mình đi lựa táo lựa nho ấy.
Dạ Quỳnh nghe vậy lại hát tiếp:
Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư
Ngày nào cánh thiên đường, đã mở hé tình yêu là trái táo thơm
Tôi ghé răng cắn vào miếng môi ngọt đắng...
(Bao giờ biết tương tư, Phạm Duy)
- Thì đấy – tôi nói – chính vì sợ cắn nhằm trái táo đắng mà mình không dám quen ai hết. Cứ đứng ngoài cổng thiên đường nhìn vào,giử khoảng cách như vậy để còn có cái mà mơ. Thực tế bao giờ cũng trần trụi lắm bồ ơi.
-- Bồ nói như thể mình đã kinh nghiệm vậy, bộ từng yêu mà giấu ta hả?
-- Hồi nào đâu? Bồ gần gũi ta vậy mà không hiểu ta à? Ta đọc trong sách nói vậy và suy ngẫm thấy cũng có lý.
--Sách nào? Nói chi? Kể ta nghe coi.
--Thì đại khái nói rằng: Tình yêu giống như sương ban mai, ở xa trông lóng lánh ngỡ là hạt kim cương, đến khi lại gần chỉ là giọt nước mắt
Dạ Quỳnh cười ngặt nghẽo:
-- Thôi, cho xin mấy cuốn sách lãng mạn của bồ đi. Câu đó chắc là do cái bà hoặc cái ông nào bị thất tình viết ra đó, đừng tin.Bằng chứng là mình
đã tìm được tình yêu trong đời thực đây.
--Thì bồ cứ yêu đi, còn ta thích học thêm nhiều năm nữa.
Phần II
Dạ Quỳnh như được tình yêu tiếp thêm sinh lực, càng ngày càng rạng rỡ, yêu kiều. Nhưng việc học tỷ lệ nghịch, càng ngày càng yếu. Tôi nhắc nhở thì cô cười chống chế:
-- Con gái mà học giỏi quá, mai mốt ế chồng. Bồ lúc nào cũng học với học, coi chừng đó.
Một mặt tôi mừng cho hạnh phúc của bạn, mặt khác tôi hơi chán vì cô ấy không còn hứng thú với những câu chuyện mà chắc cô cho là chỉ dành cho trẻ con của tôi nữa. Những lúc ấy cô chỉ nghe chiếu lệ, ậm ừ trả lời mà đầu óc thì lang thang nơi khác.
Trong đầu cô giờ chỉ có “anh Quang” và tình-yêu là hai chủ đề đáng nói thôi. Tôi vẫn chịu khó nghe cô thủ thỉ kể chi tiết lúc hai người hẹn hò, từng câu trao đổi, bài thơ anh Quang viết tặng về mái tóc thề,nụ cười e ấp, giọng nói như điệu hát Nam Ai...về cảm giác của cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn phớt trên má....Vì thực ra tuy tôi rất sợ “có bồ “ nhưng cũng tò mò, cái tò mò của tuổi mới lớn.
Giống như một vùng đất hoang sơ lạ lẫm vừa thu hút vừa khiến ta ngại ngần dấn bước. Thôi thì thẹn thò kiểu của thi sĩ Hồ Dzếnh:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân....
....Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đổ
Cho nghìn sau lơ lững với nghìn xưa.
Tôi nói điều này với bạn,thì cô ấy chỉ lắc đầu tặc lưỡi:
--Bồ còn lãng mạn gấp mười lần ta nửa, có điều cái lãng mạn của bồ là cái siêu thực, ảo mộng, muốn đạt tới Chân, Thiện, Mỹ. Ta e là trên đời này không dễ đạt được đâu.
--Thì chính vì ta cũng nghĩ như vậy nên ta không dám yêu đó. Thà là ta cứ thần-tượng-hoá một người không có thực còn hơn là bị vỡ mộng. Thử tưởng tượng một chàng tuổi trẻ phương phi tuấn kiệt,hào hoa phong nhã, đàn hát tài ba... mà bị bịnh cảm cúm lúc dẩn ta đi chơi đang lúc ăn kem nhìn nhau tình tứ bỗng sổ mũi rút khăn ra hỉ mủi rồn rột thì còn gì là thơ mộng nửa. Tệ hơn, có thể chàng còn mắc chứng hắc lào gì đó...
--- Ha ha ha, bồ làm ta cười chết đi được. T.H dí dỏm quá. Mà đó là chuyện tự nhiên ai mà không có lúc bị bịnh. Nhỡ chính bồ là người bị sổ mũi thì sao?
Hai đứa ôm nhau cười ngặt nghẽo với hình ảnh kém thi vị vừa gợi ra.
Tóm lại cả hai chúng tôi đều bước vào đường yêu, nhưng mỗi người theo mỗi lối riêng. Dạ Quỳnh thì tìm được một nửa của mình bằng xương thịt nơi trần thế. Còn tôi thì yêu một người do mình tự tạo, ở góc nào đó trên vườn Eden mà chính tôi cũng chưa tương ngộ bao giờ. Tôi mượn hai câu thơ của thi sĩ Tạ Chí Thiện để nói dùm tâm trạng tôi (lúc đó), chỉ đổi danh xưng:
Có phải anh là người không bao giờ tôi gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim
May thay, nhiều năm sau này khi tôi bớt lý-tưởng-hoá cuộc đời thì tôi đã gặp một người chồng tuyệt vời với Nghĩa và Tình trọn vẹn, chứ không thì tôi thành một bà cô già chua chát rồi còn đâu. Vì mình đòi đối tượng phải hoàn hảo mà chính bản thân thì khuyết điểm đủ đường!
Mùa hè đến. Cũng là mùa thi. Riêng lớp chúng tôi chuyển qua Đệ Nhị Cấp, đệ tam (lớp 10) không phải thi nên cũng nhàn hạ.
Mối tình của Dạ Quỳnh càng thắm thiết với thời gian. Anh Quang của bạn tôi thi đậu Tú Tài 2, chuyển lên Saigon học tiếp Đại học Khoa Học. Hai người viết thư tình cho nhau đều đặn. Ba mạ Dạ Quỳnh biết chuyện nhưng không ngăn cấm, chỉ khuyên là phải lo học để kiếm một cái nghề sau này nuôi thân. Lần nào được thơ thì cô ấy đem vào đọc cho tôi nghe, hai má hồng lên khi tới những đoạn tình tứ. Tôi cũng vui lây.
Thời gian êm đềm trôi theo đời học sinh thêu hoa dệt mộng. Tới bãi trường năm đệ tam, tôi hết được rảnh rang ngồi làm thơ viết truyện tình mà bắt đầu theo các lớp luyện thi Tú Tài 1. Mục đích gần của tôi là phải thi đậu để tiếp tục học lên cao, không uổng công ông bà ngoại ba má hy sinh cực khổ nuôi nấng. Rồi từ đó mới có thể tiến bước qua mục đích xa hơn là đi du học – mà phải là du học Thuỵ Sĩ cơ—Không hiểu vì sao tôi lại thích quốc gia Thuỵ Sĩ từ thời ấy, có lẽ từ những bài học về địa lý thế giới mà thầy giảng, một quốc gia trung lập,thanh bình với núi rừng, sông hồ tuyệt đẹp và cơ cấu tổ chức chính phủ đặc biệt, tôn trọng ý kiến và chăm lo cho dân hết mực.
Tôi yêu quê hương và gắn bó với gia đình, nhưng luôn ôm mộng được học hành và sống trên xứ sở phù hợp với lý tưởng của mình.
Nhiều năm sau tôi thực hiện được nguyện vọng nhưng không phải bằng con đường du học mà bằng việc xách valise theo chàng về dinh.
Trong thời gian ấy, tôi bắt đầu chú ý về chiến tranh, nhưng chỉ giới hạn ở chỗ nhìn thấy thỉnh thoảng có các cuộc hành quân thì nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng, caribou...lên xuống ầm ỉ ở phi trường tỉnh, hoặc từng đoàn xe thiết giáp, xe jeep, xe GMC chở quân chạy ngang nhà. Có đôi lần nghe tiếng đại bác bắn, xa xa vọng lại. Hoặc nghe tin tức qua radio, đọc báo. Hoặc khi các người lính trở về sau cuộc hành quân, tràn ngập trên phố. Nhìn thấy họ rất hiên ngang nhưng cư xử lễ phép với người lớn, vui đùa với trẻ con, nét mặt hiền hậu (có điều các anh ấy khi gặp các nữ sinh thì thái độ khá đa tình, giống như mọi chàng trai trẻ khác. Chính bản thân tôi cũng nhiều lần bị các anh đi theo làm quen khi đi học về, khiến tôi sợ xanh mặt, tay chân run rẫy).
Sắp tới hè chuẩn bị thi Tú Tài 1, tôi ngày đêm chúi đầu vào sách vở trong khi Dạ Quỳnh thản nhiên như không. Hình như chuyện yêu đương đã choáng hết tâm trí cô ấy rồi.
Kết quả kỳ thi năm đó Dạ Quỳnh rớt, cô cũng không buồn lắm, nói:
--Mình sẽ xin đi học y tá hoặc cô giáo dạy các em lớp tiểu học, mộng của mình bình thường thôi, mình muốn như bao người phụ nữ khác....
--Như bao phụ nữ khác là thế nào? Là “mống chuồn” đó hả?
Cô đỏ mặt,giơ tay đánh vào vai tôi:
--Chà bồ cũng biết nói lái nửa đó, ghê thật.
--Bồ ghê thì có, chưa được mười tám tuổi đã toan tính chuyện lấy chồng rồi.
Thế là hai chúng tôi không còn chung trường chung lớp, gặp nhau hằng ngày nửa. Tôi theo người chị lên Saigon học tiếp lớp đệ nhất, vì chị tôi vào đại học, ba má tôi không muốn chị tôi thân gái một mình. Dạ Quỳnh phải sang tỉnh khác có khoá đào tạo y tá. Chúng tôi liên lạc qua thư từ, chỉ dịp tết về nhà thì chúng tôi mới gặp nhau.
Mối tình của Dạ Quỳnh càng sâu đậm. Giờ cô ấy học xa nhà nên thỉnh thoảng lén lút cuối tuần trốn lên Saigon gặp anh Quang, hai người đưa nhau đi dạo phố ăn kem hoặc vào rạp Rex xem phim Cleopatre do Elisabeth Taylor đóng. Lúc đó cô cùng người yêu có ghé qua nơi tôi trọ để thăm.
Cô có vẻ khôn ngoan già dặn so với tuổi. Trong cái nhìn của cô ấy, tôi chỉ là một cô gái ngây thơ khờ khạo, chỉ biết sách vở chứ chả có chút vốn sống nào. Tuy vậy chúng tôi vẫn giử được tình thân thiết như ngày xưa.
Một năm sau, tôi giờ là cô sinh viên năm thứ nhất Văn Khoa Saigon. Cái mộng du học không thành vì tôi không đủ tiêu chuẩn, Dạ Quỳnh năm cuối khoá y tá.
Một hôm tôi nhận được thơ Dạ Quỳnh thông báo là gia đình anh Quang đã lên tiếng dạm hỏi, được ba mạ cô đồng ý chỉ còn chờ cả hai ra trường: người đi dạy, người làm trong bịnh viện là cưới.
Tưởng mọi sự an bài theo ý định của con người, nhưng cuộc đời không là quyển tiểu thuyết mà ta có thể viết như mong muốn. Dạ Quỳnh chưa kịp mặc chiếc áo trắng của cô y tá lẫn áo trắng tinh khiết của cô dâu thì Tháng Tư Đen làm chia ly tan tác mọi gia đình. (Tôi không cần phải tả lại giai đoạn này nửa vì ai cũng quá thấu hiểu). Chị em tôi thu xếp quần áo sách vở lếch thếch về quê.
Tôi chạy đại vào tiểu khu tỉnh tìm gia đình Dạ Quỳnh thì chỉ gặp những khuôn mặt lạ lẫm. Người cũ tứ tán đâu hết. Tôi mất liên lạc với cô luôn, đoán hay là gia đình cô trở về Huế? Hay đã kịp theo tàu nhỏ chạy ra biển lên hạm đội của Hải Quân mà di tản rồi? Tôi cũng không hề gặp anh Quang, gia đình của anh thì tôi không quen biết nên không thể hỏi tin tức từ ai được.
25 năm sau.
Tuy muộn màng, nhưng giờ đây tôi đã đạt được hai ước mộng thời con gái: hạnh phúc bên người chồng hiểu biết, nhân hậu và sống trên xứ sở Thuỵ Sĩ đẹp như trong carte postale từ 10 năm nay.
Tuy nhiên vẩn còn thấy thiếu, vì không có gia đình và bạn xưa bên cạnh. Tôi luôn nhớ Dạ Quỳnh, tự hỏi bây giờ cô ở đâu? Sao cô biến mất khỏi đời tôi không hề để lại chút dấu vết nào?
Rồi Đức Phật như hiểu thấu lòng nên cho tôi toại nguyện
Thường mỗi khi chuông điện thoại reo là chồng tôi bắt máy, hôm ấy
anh nghe rồi trao cho tôi, nói:
-- Có ai gọi em đó, xưng là bạn em.
--Allo? Tôi hỏi
--Chào T.H, biết ai đây không? Tiếng trong máy nghe reo vui
--Xin lỗi, ai vậy?
--Không đoán ra à? Giọng nói chuyển sang âm điệu xứ Huế
--Ô, Dạ Quỳnh phải không?
Tiếng cười dòn tan:
--Mình đây chứ còn ai.
Tôi gần như hét lên khiến chồng tôi giật mình tưởng tôi điên. Tôi hỏi dồn dập khiến cô không biết phải bắt đầu từ đâu. Mừng vui khôn xiết.
Cuộc trò chuyện kéo dài hơn 3 giờ. May mà lúc ấy ngành viễn thông đã có tiến bộ gọi bằng thẻ nên tiết kiệm chứ không thì cô phải nhịn ăn mất hai, ba tuần tiền chợ.
Cô kể rằngcuối tháng 4 năm ấy, khoảng ngày 28, cô đang ngồi trong lớp học thì gia đình gởi đứa em trai kế của cô lại trường tìm bảo cô thu xếp quần áo sách vở về nhà ngay tức khắc không được chậm trễ, nói đây là lời ba dặn phải bằng mọi giá đón xe về nội trong ngày. Hiểu tình hình đã vô cùng trầm trọng nên mới có sự gấp rút như thế. Khi hai chị em về tới tiểu khu đã chiều tối. Bước vô căn phòng dành cho gia đình cô ở, mạ và các em nai nịt gọn gàng, mấy ba lô túi xách nằm trơ trỏng, mạ thở ra như trút nổi lo âu khi thấy hai chị em cô:
-- Mạ lo từ sáng đến giờ, chỉ sợ hai đứa về không kịp hôm nay.
– Mạ, có chuyện gì vậy? Mình chuẩn bị đi đâu thế?
Mạ nhỏ giọng thì thầm, phải kê sát tai mới nghe rỏ:
-- Suỵt đừng nói lớn, mấy em con nó nghe không tốt. Rồi giả bộ nói to lên:
-- Chờ ba về chở mạ con mình ra bến xe về Huế thăm ông bà.
Mạ kéo cô ra sau, và nói là lát nửa ba chở mấy mẹ con ra bến, tàu của Hải quân đang đậu ngoài ấy sẽ đưa ra biển, có hạm đội lớn đón đi.
--Hả? Mình sẽ bỏ nước mà đi luôn hả mạ? Ba cũng cùng đi với mạ con mình? Cô thảng thốt hỏi
--Không đâu, chỉ mấy mạ con đi thôi. Ba ở lại cùng đồng đội. Mạ oà lên khóc nức nở.
Thế rồi cuộc sinh ly tử biệt cũng đến. Ba về ôm hôn từng đứa con, ôm mẹ thật lâu trong cánh tay. Lần đầu tiên Dạ Quỳnh thấy ba khóc. Lòng cô tan nát gấp đôi vì không gặp người yêu. Ba nói để ba nói chuyện với gia đình anh Quang, cô viết vội vài dòng nhắn lại.
Bỏ qua những chi tiết mà nhiều cuộc điện đàm tiếp theo chúng tôi mới đủ thời gian kể lể, cô vắn tắt là mẹ con cô sang Mỹ, các em đều đổ đạt thành tài. Còn cô chỉ học thêm vài năm chi đó cố thi lấy cái bằng y tá rồi vào làm trong bịnh viện đến tận giờ để phụ giúp mẹ nuôi các em và đại gia đình bên Vietnam. Phần ba thì đi cải tạo 12 năm, sau mẹ con cô làm giấy bảo lãnh giờ cũng sum hợp gia đình. Mẹ còn khoẻ, nhưng ba thì bịnh yếu nhiều.Cách nay 9 năm, cô mới lập gia đình, có hai con gái 8 và 6 tuổi.
Tôi hỏi:
--Thế chồng bồ là...?
-- Không phải anh Quang mô, người khác.
Ba cô trước khi vào trại cải tạo có đến gia đình anh Quang, chỉ gặp ba mẹ anh còn anh vẩn kẹt ở Saigon chưa về nhà. Sau 12 năm, thì ba cô phải về nguyên quán ngoài Huế sống, không liên lạc được với họ nên mất dấu luôn. Bên Mỹ cô thử gởi thư nhiều lần mà chẳng bao giờ có hồi âm. Cô nghĩ chắc họ cũng vượt biên.
Cô chờ đợi 16 năm, vẩn không tin tức gì.
--Mạ nói con gái có thời, mà chồng mình đã theo đuổi mình từ khi hai đứa mới sang đây. Anh biết tình yêu của mình dành cho anh Quang nhưng vẩn bền lòng nên cuối cùng mình chấp thuận làm vợ anh. Anh là người tốt, nhưng hình như ngọn lửa tình mình đã trao hết cho anh Quang rồi nên giờ đây mình sống với anh vì nghĩa vì tình thương chứ không thể nào giống tình yêu mà mình cảm nhận như với anh Quang được.
-- Trời, bồ chung tình dữ đa.
Cô mới cùng chồng con về VN thăm gia đình bên chồng, nhân dịp ghé tìm tôi mới hay tôi đã sang bên này. Ba má tôi cho địa chỉ và số điện thoại nên cô gọi cho tôi.
– Vậy trong 25 năm, sao bồ không gởi thư về nhà ta?
--Lúc đầu thì ai mà dám gởi thơ từ gì. Vài năm sau ta có gởi thì địa chỉ đã thay đổi đâu còn tên đường phố cũ. Ta không nhận được hồi âm, rồi có người qua sau đồn rằng gia đình T.H đi kinh tế mới hết trơn.
Dạ Quỳnh cũng đi tìm anh Quang nhưng hàng xóm nói gia đình anh dời nhà đi về miền Đông từ lâu rồi. Giờ người mới họ không biết gì hết.
--Nhưng mình sẽ không bỏ cuộc đâu, Dạ Quỳnh nói thêm. Mình có liên lạc với nhiều người quen, bạn cũ để lại số điện thoại và địa chỉ để nếu họ có tin gì thì cho mình hay.
--Bồ vẫn yêu và nhớ ảnh à?
--Ừa mình không quên được, nhất quyết phải tìm cho được ảnh.
--Nếu tìm được thì bồ làm gì? Bỏ chồng để trở về với anh à? Chưa kể chắc chắn là anh đã lấy vợ rồi nữa.
Dạ Quỳnh ngập ngừng:
--Chưa biết sẽ thế nào, nhưng trước nhất là phải tìm được anh rồi tính tiếp.
Vợ chồng tôi có qua Mỹ thăm vợ chồng Dạ Quỳnh và ngược lại.
Anh Tiến chồng Dạ Quỳnh là người hiền hậu, dáng gầy tóc bạc nhiều, hơi khép kín, ít biểu lộ tình cảm qua lời nói hay cử chỉ. Nhưng rất nhẹ nhàng lịch sự trong giao tiếp với bạn của vợ. Làm việc trong ngành vi tính:
--Ông đi làm thì thôi, về tới nhà là ru rú trong phòng ôm cái computer
ấy, mê cái máy hơn vợ. Việc nhà mặc kệ mình muốn làm sao thì làm. Khi nào lên tiếng nhờ thì ông mới nhúng tay vào. Dạ Quỳnh kể lể, rồi thêm:
--Nhưng về tiền bạc thì ổng cũng chẳng màng tới. Con cái thì ông chỉ lo dạy dỗ giúp làm bài tập, chứ ít khi đưa mẹ con mình đi ra ngoài giải trí cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Khi nào nói quá thì mới chịu dắt vợ con đi chơi. Đôi lúc mình bực nói thôi đổi vai trò, em làm chồng anh làm vợ cho rồi. Vợ đẹp con ngoan mà bộ anh xấu hổ sao không chịu đi chung sợ người ta thấy. Anh chống chế: thì em và con thích gì phải nói anh mới biết mà chìu chứ. Bồ coi ổng cù lần như vậy đó. Nếu là anh Quang thì đã khác rồi, anh Quang rất tâm lý, tế nhị...
Rồi cô nhắc lại một lô những kỷ niệm ngày xưa, được người yêu chìu chuộng từng li tí thế nào, đoán tâm trạng của cô vui buồn mà xử sự ra sao...
Phần III
Từ đó về sau, chúng tôi đều đặn gọi điện kể đủ thứ chuyện trên đời giống như thời học sinh, có điều giờ nội dung câu chuyện không liên quan tới trường lớp – thỉnh thoảng mới nhắc—mà về chồng con, cuộc sống hiện tại...
Quên nói, 25 năm mới gặp lại, thời gian có làm chúng tôi già dặn hơn nhưng không đến nổi nhẫn tâm rạch nhiều dấu ấn lên gương mặt hình dáng chúng tôi lắm. Chúng tôi nhận xét về nhau tất nhiên là thiên vị rồi, toàn là khen lẫn nhau thôi! Chỉ vài khác biệt là Dạ Quỳnh đã cắt đi mái tóc thề mượt mà đen nhánh thay vào kiểu tóc rất thời thượng. Dáng dấp khi xưa đã sớm nẩy nở quyến rũ giờ càng mặn mà của một thiếu phụ ở tuổi chín muồi. Như đoá hoa nở rộ vào thời đỉnh cao nhất, bung hết cánh để đón nhận tất cả tinh tuý của đất trời. Còntôi thì hình thức y chang ngày xưa nghĩa là mái tóc vẫn kiểu lửng vai,nhưng bớt nhút nhát chút ít, bản tính tự tin cởi mở hơn –công nầy phải nhờ ở chồng yêu quí của tôi đó--.
Giờ trong hai đứa tôi mới là người hài lòng với hạnh phúc bên cạnh anh chồng nhân hậu, vui tính, dí dỏm, săn sóc chia sẻ việc nhà cùng tôi mà cũng không thiếu phần lãng mạn, ngọt ngào.
Còn Dạ Quỳnh hầu như trong các cuộc đàm thoại thường phàn nàn kêu ca về sự vô tâm của anh Tiến, rồi nhắc lại sự chu đáo tế nhị của anh Quang mà so sánh, tiếc nuối quá khứ.
Tôi thử kéo cô trở về lý lẽ:
-- Qua những gì mình chứng kiến và những lời bồ kể thì mình nhận xét thấy bồ hơi chủ quan, khắc khe khi phê bình anh Tiến và ngược lại càng bất mãn chồng bao nhiêu thì bồ lại càng thăng hoa người cũ bấy nhiêu. Bồ không nghĩ sở dĩ trong mắt bồ, anh Quang là người toàn vẹn bởi vì hai người lúc ấy đang trong giai đoạn yêu đương, chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau chứ có cận kề 24/24 đâu. Mỗi khi gặp thì quá vui mừng phấn khích, người này chỉ mong biểu lộ cái phần tốt đẹp của mình cho người kia thấy, chưa kịp gì hết thì đã chia tay rồi. Nên cái khuyết điểm, cái xấu chưa kịp lộ ra đó thôi, chỉ khi về sống chung với nhau thì mới rõ đá vàng bồ ơi.
Dạ Quỳnh chống chế:
--Bồ nên nhớ mình với anh Quang yêu nhau 5 năm dài, ít nhiều mình cũng hiểu tính anh. Hơn nửa mình yêu anh bằng sự rung động thật sự của trái tim ngay từ đầu. Tình đầu là tình vụng dại nhưng ghi dấu mãi mãi. Còn anh Tiến là tình thương, tình nghĩa. Mình thấy anh bền gan theo đuổi chờ đợi mình 16 năm nên mình chấp nhận để yên phận chứ mình đâu có cái cảm giác như đối với anh Quang. Nếu đừng vì thời thế thì giờ này chúng mình đã hạnh phúc sum vầy, mình đâu có canh cánh bên lòng nỗi đau khổ
mấy chục năm nay. Nói xong cô thút thít trong máy.
Tôi an ủi:
-- Mình hiểu, nhưng nay mọi sự đã an bài đâu thay đổi được gì nửa. Bồ hãy bình tâm mà xem lại đi, giờ bồ có mái gia đình bình yên, hạnh phúc. Hai đứa con ngoan ngoãn xinh xắn giống mẹ nó. Anh Tiến không ăn chơi, bỏ bê bồ để tụ họp đàn đúm, cờ bạc rượu chè. Chỉ có anh ghiền cái computer, bồ thích anh ghiền cái máy hay ghiền gái trẻ nào?
--A a a, ổng thử đi, ta sẽ lấy luật sư liền cái một.
--Ha, thì ra bồ cũng Hoạn Thư dữ, thế mà nói không yêu anh Tiến. Ta mới chỉ gợi ý thôi mà đã nổi máu ghen lên thấy ghê.
Dạ Quỳnh cười dòn:
--Vậy chứ tình nghĩa bao nhiêu năm quen hơi bén tiếng rồi.
-- Thì đó. Nếu bồ lấy người khác thì chắc gì con bồ được xinh đẹp như vậy, mà chúng nó thông mình giống ba nó nửa. Bồ còn nói là hai đứa con gái hình như quyến luyến ba hơn mẹ, chứng tỏ anh là người cha tốt nên con mới yêu thương chứ. Trẻ con chúng cảm nhận hay lắm đó, chúng biết ai yêu ai ghét. Nếu bồ lấy anh Quang thì chắc gì sau mấy chục năm sống chung anh còn galant, lịch thiệp, chu đáo như lúc ban đầu hay lúc đó với vợ nhà thì đâm ra nhàm chán, rồi đem hết cái nghệ thuật chinh phục phái nữ dồn hết cho các cô gái trẻ khác..
--Ủa, bồ nói vậy còn chồng bồ đó thì sao? Ảnh cũng galant, lịch thiệp, chu đáo, tình tứ với bồ mà đâu phải hạng người courir les jupons (tán gái) đâu? Sống với bồ mấy chục năm mà vẩn nồng nàn y như ngày đầu đó?
-- Chồng ta khác, một phần là do bản tính của ảnh, phần khác là do phong
cách cư xử của đàn ông xứ ảnhđã được giáo dục ngay từ thơ bé như vậy rồi. Đó là chuyện bình thường thôi, nếu ảnh mà không cư xử như vậy thì cái đó mới không bình thường. Mà kể ra ta cũng là người phụ nữ may mắn vậy.
Tôi dùng ba tấc lưỡi thuyết phục, cô nhìn nhận:
-- Bồ nói cũng có lý, mình thôi không nghĩ vẩn vơ hờn trách anh Tiến nửa.
Mà cái chuyện tụi nó thương anh Tiến hơn mình là vì ảnh có la rầy chúng bao giờ đâu, ảnh dồn phần khó khăn cho mình gánh, mà con nít nếu không nghiêm khắc là chúng sẽ hư nên mình mới dạy dỗ, giống ba mạ mình ngày xưa ấy. Nhưng dù thế nào mình phải dò tìm cho ra tung tích anh Quang rồi mới yên ổn tâm hồn được, mình tin anh Quang vẫn còn nhớ đến mình như mình luôn nhớ đến ảnh.
Nói vậy nhưng một thời gian sau thì đâu cũng hoàn đấy, Dạ Quỳnh gọi điện để trút nỗi bực dọc về chồng, cằn nhằn:
--Thật chán chết đi được, người đâu mà ù lì biếng nhác. Tối qua mình đã dặn sáng nay thứ bảy mình đi Chùa sớm với mấy chị bạn nhờ anh tưới dùm mấy cái cây trong vườn vì đã 2 hôm rồi không làm. Anh yes yes, chiều mình về mấy ngọn salade mới lên chút xíu héo hết. Hỏi thì nói quên vì mãi lo làm. Mình hỏi làm gì thì nói làm gì đó trên internet, dùng danh từ chuyên môn mình chả hiểu mô tê gì. Mình hỏi có đưa con đi học khoá tiếng Việt không thì nói định đưa nhưng ba của đứa bạn của con nói sẳn ghé qua chở luôn nên không đưa nửa, trưa họ chở con về dùm luôn. Hỏi vậy mấy cha con không ra ngoài ăn phở, ăn bún bò Huế à, thì nói con than ăn mấy món đó hoài chán quá, đòi ăn pizza nên anh gọi điện kêu họ mang lại nhà. Nghe đến đây mình nổi cơn tam bành, trời ơi đã nói ăn pizza không tốt mà cứ chìu chúng cho ăn mãi. Không thích ăn phở, bún bò thì ăn món khác, chẳng qua là anh cứ thích ngồi ôm cái máy. Ngày thường đã vậy cuối tuần cũng không nhúc nhích.
-- Thế sau đó thì sao?
--Sau đó mấy cha con sợ hãi thấy mình khóc vì tức nên ba cha con lân la đến nịnh rũ mình đi ăn bánh bột lọc, bánh căn, anh xin lỗi đã làm mình buồn.
--Bồ cũng quá đáng. Tôi chọc, ấy là mới vừa đi chùa về nữa chứ, Phật nào chứng cho bồ hỉ. Mà nói thật bồ đừng giận lây mình, thời đại ngày nay đâu còn giống thời ba má nhất là lại sống trên đất nước Tây phương mà bồ bắt buộc các con phải vâng lời tuyệt đối được. Theo mình biết thì tụi trẻ nó có khuynh hướng thích ăn đồ Tây hơn Việt, đồng ý đồ Việt thì ít béo, ít gây bịnh hơn nhưng lâu lâu cũng cho chúng nó được tự do theo ý chứ, phải dân chủ chút đi. Còn anh Tiến cũng chìu bồ vậy mà bồ cứ chê hoài, sao bồ không lựa lời dịu dàng mà “dụ dỗ” ảnh rời bỏ cái computer chốc lát, dẫn mẹ con cuối tuần đi ra ngoài chơi? Bồ đã có sẳn giọng nói truyền cảm, du dương làm chết mê người rồi.
-- Sau bao nhiêu năm sống chung bây giờ mà giọng ta có hay như của pa Maria Callas chăng nửa cũng hết thiêng rồi bồ ơi. Ừ, kể ra ảnh cũng hiền lành nhưng mà quá vô tâm vô tính, ít khi nào biểu lộ qua lời nói, mà phụ nữ thì rất cần những lời nói ngọt ngào bồ công nhận không?đâu có giống như vợ chồng bồ, tình tứ lãng mạn. Mình thấy mà bắt thèm, tủi thân... Nếu là anh Quang thì đâu phải vậy.
--Mỗi người mỗi tánh, nếu cứ đem người này so sánh với người kia thì rốt cuộc không ai bằng lòng với cái mình đang có hết.Giờ bồ nên thực tếhãy nhìn vào ưu điểm của anh Tiến chứ đừng nhìn vào yếu điểm, ai mà không có. Đừng nên đứng bên này cánh đồng thấy cỏ ở cánh đồng bên cạnh xanh hơn, bồ sẽ làm hỏng cuộc đời mình vì cứ chạy theo ảo tưởng. Chồng hiền con ngoan vậy là có phước quá rồi.
Dạ Quỳnh chặc lưỡi:
--Cha chà, anh Tiến có nhờ nhà mi làm luật sư cho không mà binh vực anh ghê hỉ. Chả bù hồi xưa, nhà mi lý- tưởng- hoá cuộc đời, đòi hỏi cái tuyệt đối
-- Lúc đó còn ngây thơ khờ khạo, theo thời gian thì phải chín chắn lên chứ.
Hơn một năm sau...
Dạ Quỳnh gọi cho tôi giọng nói đầy kích động, lập bập:
--T.H ơi mừng cho ta đi, ta đã tìm được tung tích anh Quang rồi!
--Sao? Ai tìm ra? Anh ở đâu?
--VN. Bồ còn nhớ Lệ học chung lớp với tụi mình không? Nó ngồi trong góc cái bàn sau tụi mình đó. Lệ tìm dùm mình.
-- Anh ra sao?
--Lệ không nói, chỉ nói đã biết chính xác địa chỉ và đúng người bằng xương thịt. Kêu mình về tự gặp, tự tìm hiểu.
--Gì mà bí mật thế. Sao Lệ không chịu kể rõ?
–Ai biết gì, nó xưa vẩn thích bí mật úp úp mở mở, T.H quên rồi sao
Dạ Quỳnh cứ rối rít, trù tính xin nghỉ mấy tuần để đi VN, định nhờ mạ tới trông chừng và nấu ăn cho ba cha con anh Tiến. Cô cũng nói sự thật cho chồng biết chứ không giấu diếm. Tôi hỏi phản ứng của anh ra sao, Dạ Quỳnh kể lúc vừa nghe xong thì anh mở to mắt nhìn cô vẻ sửng sờ bàng hoàng không thốt ra lời nào. Lát sau anh lấy lại tự chủ, bình tĩnh nói vắn tắt ‘’tuỳ em quyết định anh không cản trở”. Xong đứng lên bỏ vào phòng làm việc đóng cửa lại, ở trong đó đến gần 3 giờ sáng vẩn không lên
giường ngủ, cô đến gõ cửa nhìn vào thì thấy anh ngồi gục đầu trước màn hình computer không hoạt động. Cô kêu anh đi ngủ để mai còn đi làm, anh nghe lời cô như cái máy, gương mặt vô hồn. Dưới ánh đèn vàng anh có vẻ già thêm mấy tuổi, hốc hác.
--Mình cảm thấy bứt rứt như người có tội. Phải chi anh giận dữ quát mắng chưởi bới nhục mạ mình là đàn bà lăng loàn nầy nọ thì lương tâm mình có lẽ thanh thản hơn. Đằng này anh nhẫn nhịn cam chịu, khiến cho sự nao nức của mình xẹp xuống phân nửa. Nhìn hai con lại xót xa quá.
-- Hay thôi đừng đi tìm nữa. Hãy để quá khứ ngủ yên đi.
--Nếu vậy thì mình tự hành hạ suốt đời. Sống với chồng mà hể khi buồn giận thì cứ nhớ tới người yêu cũ, đem ra so sánh làm sao hạnh phúc được. Thôi thì thà một lần đối diện đểnhận thức rõ mình cần ai, yêu ai, chứ cứ sống như con người hai mặt thế này mình cũng đau khổ lắm đâu vui sướng gì.
Tôi tội nghiệp cho Dạ Quỳnh quá. Người đời ca ngợi sự chung thuỷ sắt son, nhưng lắm khi chính sự chung thuỷ sắt son đó lại gây đau khổ cho người đeo mang.
Trước khi Dạ Quỳnh lên đường đi tìm chàng-dũng-sĩ- mất- dấu-hơn-
ba-mươi- năm của mình, tôi cố vớt vát khuyên răn:
-- Gì thì gì, bồ hãy kết hợp giữa lý trí và tình cảm đừng để tình cảm uỷ mị chi phối vì bây giờ không phải bồ sống cho riêng cá nhân mà còn cho hai đứa con của bồ và chính anh Tiến nữa nhé. Mình thấy anh Tiến là người rất cao thượng quân tử. Hồi trước biết bồ yêu anh Quang, nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi 16 năm. Thời đại này là rất, rất hiếm. Người ta nói: “Làm cho 20 người đàn ông yêu mình cùng một lúc là chuyện dể, nhưng để cho chỉ 1 người thôi yêu mình trong 20 năm mới là chuyện khó”. Rồi bây giờ bồ xăm xăm đi tìm anh Quang, ảnh cũng không một lời oán trách. Nói thật nếu là tui thì tui sẽ cho bồ vác valise một-đi-không-trở-lại đó chớ đừng hòng tui bật đèn xanh. Sống là sống cho hiện tại và tương lai chứ có ai níu kéo thời gian trở về quá khứ được đâu.
--Mình biết chứ, nhưng hãy thông cảm cho mình...
--Không muốn làm bồ nhục chí, nhưng để ta kể cho nghe câu chuyện có thật đây. Chồng của một cô bạn ta lúc chưa lấy cô ấy cũng có người yêu bên VN. Mất liên lạc nhiều năm, sau có dịp về chơi liền đi tìm thăm, chắc cũng muốn nối lại tình xưa cho lãng mạn tí vì cứ vấn vương mãi nụ cười tươi tắn duyên dáng của nàng chả bù với bà chằng suốt ngày léo nhéo quạu quọ bên tai là bạn ta đó. Một phần chắc cũng “ăn no rửng mỡ”. Lặn lội đi tìm cuối cùng hội ngộ với nàng, mừng ơi là mừng. Lòng lâng lâng vì sắp được nhìn lại nụ cười xưa...
Bỗng chàng giật thót người khi nàng nhoẻn miệng cười, một-nụ-cười-trống-hoác- không- răng, giống như căn nhà lá ngày thì soi nắng, tối thì thấy cả trăng sao, mưa gió luồn dột hiện nàng đang sống chen chúc cùng với gia đình cả chục nhân mạng vậy. Chàng đau khổ vò đầu bứt tai khiến nàng tưởng là chàng cám cảnh cho nàng. Ai dè đó chỉ là phần thứ yếu thôi. Phần chính là chàng đang thương tiếc cho giấc mơ vừa tan vỡ. Chàng ngồi nói ba điều bốn chuyện, tặng cho các em nàng quà, có bao nhiêu tiền bà chằng cho dằn túi trút hết đưa cho ba má nàng rồi ra đi luôn, quay về với bà-chằng đề huề đến giờ.
-- Ha ha ha, con nhỏ T.H có lối dí dỏm ngầm cười chết được. Mi là bạn thân của ta mà không đồng tình với ta chỉ toàn nói ra.
--Mình chỉ nhắc bồ là đừng có ảo tưởng thôi. Thực tế thường khác xa với kỷ niệm huống gì đã hơn 30 năm. Tâm tính con người có thể thay đổi với thời gian lắm chứ. Kể thêm đoạn kết, là chàng về với tâm trạng tan-giấc-mộng-vàng nên thú thật với vợ mọi chuyện. Tuy bị chồng kêu là bà chằng nhưng có lòng từ tâm, thời gian sau lại chính cô ấy đi gởi tiền giúp gia đình nàng sửa lại cái nhà lá lợp ngóilại. Lợp ngói thôi, vì gia đình cô ấy cũng đi làm ăn lương mỗi tháng chứ không dư dã gì. Chồng quá cảm phục vợ nên giờ thôi mơ tưởng gì nữa.
--Được rồi mình cám ơn T.H đã nhắc nhở. Để rồi xem.
Theo chương trình Dạ Quỳnh về VN ba tuần. Được một tuần thì cô gọi điện sang.
--Ồ, bồ đang ở đâu? Có gặp anh Quang chưa? Tôi nôn nóng
--Ở Mỹ, mình về hôm qua rồi. Có gặp anh Quang
--Ơ hay sao lại về sớm?
Hỏi vậy nhưng tôi cũng lờ mờ đoán ra. Dạ Quỳnh thở dài giọng nói buồn hiu:
--Những gì bồ cảnh cáo ta đều đúng hết. Thảo nào Lệ không muốn kể gì cho mình nghe mà để tự mình nhận thức.
--Tức là bồ gặp anh Quang với nụ- cười- trống- hoác- không- răng hả?
--Con khỉ, hi hi, còn tệ hơn nữa.
Dạ Quỳnh được Lệ, bạn học cũ đưa địa chỉ và số điện thoại của Quang. Cô không gọi mà đến trực tiếp vì muốn tạo bất ngờ để xem phản ứng Quang ra sao. Đó là một cơ sở kinh doanh khá bề thế chuyên về đồ gỗ ở một quận ngoại vi Saigon. Lấy cớ muốn gặp ông chủ để đặt mua lượng hàng lớn cho khách sạn đang xây, nhân viên lễ phép kêu ngồi đợi vì ông chủ đang bận điện thoại. Trong lúc chờ đợi Dạ Quỳnh đi một vòng để ngắm nghía cơ đồ và xem các người thợ làm việc. Lòng thầm thán phục, không ngờ một người xưa kia có tâm hồn nghệ sĩ thích đàn ca và mang lý tưởng cao đẹp trở thành giáo sư phục vụ cho thế hệ trẻ hơn mà nay lại thành công trong thương trường, không liên quan gì đến hoài bão. Đúng là thời thế tạo anh hùng có khác.
Đang chìm đắm trong suy tưởng thì bỗng giật mình nghe tiếng quát tháo om sòm của ai trong khu thợ làm việc, định thần lắng nghe, âm hưởng quen quen nhưng từ ngữ thì thô lỗ xen lẫn câu chưởi thề. Chả lẽ là Quang? Cô lại gần, thì kia bóng dáng đường bệ xuất hiện. Tóc cắt ngắn, gương mặt phính phính những bia rượu, ánh mắt cao ngạo. Ô, phải anh Quang không? Người đàn ông vẫn còn đang há miệng la hét, liếc thấy cô liền nín bặt. Rồi nhìn cô chăm bẳm, ngạc nhiên: là em ư, Dạ Quỳnh? Dạ, em đây. Trời ơi không ngờ, anh tưởng không bao giờ còn gặp em nữa. Anh dang hai cánh tay đón cô ôm chặt, cả hai nghẹn ngào lúc lâu.
Qua giây phút xúc động ban đầu, Quang lái xe chở cô vào một nhà hàng
thanh lịch ở trung tâm Saigon, để có giây phút thảnh thơi kể lại thời gian đứt đoạn hơn 30 năm.
Ngày ấy anh bị kẹt lại ký túc xá trường Đại học, mấy ngày sau mới tìm được xe để về tỉnh thì hay tin mẹ con cô đã ra đi, ba cô có lại tìm, đưa bức thư cô viết. Anh quá đau khổ mất vợ sắp cưới, tương lai mù mịt vì không được học tiếp. Vài tháng sau cả gia đình bị đưa đi vùng kinh tế mới. Không chịu được cảnh sống khắc nghiệt nên gia đình tìm cách trốn về miền Đông Saigon sống với họ hàng rồi dần dần khai thác củi gỗ.Thời gian trôi qua, mọi người tập thích nghi với hoàn cảnh, chấp nhận nó. Rồi thời kinh tế mở cửa, anh bước vào nghềnhờ bên vợ giúp đỡ vì là con cái của người có chức quyền.
A, vợ anh..?! Ừ, anh lấy vợ sau 10 năm vì chúng mình bặt tin hoàn toàn, nghĩ là em bên ấy chắc cũng yên phận. Em chờ anh 16 năm lận. Trời ơi anh đâu biết, mà nếu biết thì anh làm gì được? Ba má anh già yếu, anh là con trưởng gánh trách nhiệm lo cho đàn em gái bảy đứa, anh không thể bỏ đi để họ chết đói được. Anh giờ là một doanh nhân tăm tiếng rồi em biết không? Em thấy anh tài chưa?
Cười tự mãn, giọng sôi nổi,anh thao thao khoe về cơ sở chế tạo đồ gỗ to lớn có nhiều hợp đồng với các nước Tây phương. Bao nhiêu căn nhà, biệt thự, bất động sản,cửa hàng điện tử gia dụng. Những chuyến du lịch ngoại quốc cùng với vợ... Quên nói, sống với vợ hơn mười năm thì anh chia tay vì không hợp, bà ấy quê mùa quá. Thế giờ anh tự do à? Không, xin lỗi, anh kết hôn lần thứ hai từba năm nay rồi. Có hai con với vợ đầu và một với cô sau.
Anh rút ví lấy tấm hình cho mình xem, khoe: vợ anh là cô gái nhà giàu, từng là người mẫu trình diễn thời trang đấy, đẹp mê hồn chưa? Anh tiếp tục khoe về vợ và những thành công trên thương trường cùng dự tính sắp tới..tưởng không bao giờ dứt.
Mình nhìn anh, có cảm giác như đang nói chuyện với người lạ. Ngoại trừ chút xúc động ngắn ngủi ban đầu giờ sao lòng dững dưng, hoàn toàn khác với tưởng tượng giây phút tương phùng sau hơn ba chục năm xa cách, hơn mười ngàn ngày cách biệt sầu nhớ khổ đau.
Tự mắng đáng đời mi chưa Dạ Quỳnh. Quang đây sao? Chàng dũng sĩ đôi mắt sáng ngời của mình đây sao? Vẫn phảng phất đường nét đó nhưng sao lạ lẫm vô cùng. Ngày xưa ánh mắt anh nhìn thăm thẳm hút hồn còn bây giờ sao mà ngạo nghễlọc lõi. Nụ cười giờ cũng thâm hiểm,đểu cáng thế nào ấy. Cùng gương mặt nhưng mình không còn nhận ra Quang-ngày-xưa mà mấy chục năm nay mình tôn thờ nữa.
Khoe khoang đã đời, sau cùng anh ta mới chợt nhớ là chưa hỏi han gì về mình hết, mình kể vắn tắt rồi xin từ giã, nói là có việc. Anh ta cũng lịch sự nài mình nếu có thời gian thì chiều hoặc mai anh đến chở mình lại nhà chơi giới thiệu vợ rồi nói thêm: sẵn cho biết nơi anh sống, không thua gì ông hoàng bà chúa đâu nhé!
A thì ra mục đích mời mình đến nhà để khoe sự giàu sang và vợ đẹp chứ đâu phải ước mong tạo nhiều cơ hội gặp mình đâu. Mình nói là chắc không có thời gian vì đi lâu nhớ chồng nhớ con phải về rồi.
Đến khách sạn, lúc mình bước ra khỏi xe anh ta nắm cánh tay mình cười nham nhở: Nầy, em có muốn anh lên phòng với em không? Đừng lo, bà xã anh không biết đâu, chúng mình tha hồ tâm sự sau hơn 30 năm xa cách. Nhìn em còn ngon lành lắm!
Trời, mình muốn tát cho anh ta một cái vô bản mặt.
Giờ mình tỉnh mộng rồi, giống như cái ông chồng của bạn nào của bồ đó.
Mới thấy anh Tiến là người quá cao thượng quá tốt, mình nghĩ lại mà yêu anh quá trời. Suýt chút nữa là mình đánh mất hạnh phúc trong tầm tay. Mình nguyện sẽ đền bù cho anh những tổn thương mình đã gây ra. Trời ơi, sao mà mình lại sống trong ảo tưởng mù loà bao nhiêu năm thế hả!!
Cô vừa khóc vừa cười, tôi cũng chảy nước mắt vì mừng cho bạn đã thoát khỏi Giấc Chiêm Bao Trắng.
Thanh Hà
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...