Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Nét riêng biệt của lục bát Lê Phương Liên

Nét riêng biệt của
lục bát Lê Phương Liên

“Quá giang lục bát” là một tập thơ gồm 68 bài đầy đặn với nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm, tâm trạng, tâm thế khác nhau. Những cung bậc này như đan cài, dằng dịt, níu kéo lẫn nhau, nương tựa vào nhau trên cái nền của sự nhất quán của cảm xúc. Nhiều lúc chúng như tung tẩy, phiêu bạt, bay bổng vượt ra khỏi vùng ý thức của chính người viết nhưng vẫn dung dị, tươi mới.
Và cộng tất cả những giấc tầm gai, giấc sen, giấc lộc vừng, giấc xuân thì, giấc xa… thành giấc thơ, đã làm nên nét riêng biệt của lục bát Lê Phương Liên.
Lục bát là một thể loại thơ tưởng như dễ viết mà rất khó viết, tưởng như dễ chiều mà rất khó chiều. Nó là loại thơ khó tính, tạo ra nhiều thách thức. Nếu chỉ áp vào vần điệu cùng những quy định chặt chẽ và có phần gò bó của nó mà viết, thì người viết dễ rơi vào tình trạng bị động và mải mê chạy theo hình thức thuần túy. Một khi “chỉ chạy theo hình thức thuần túy”, những câu thơ trên sáu dưới tám trở nên xơ cứng và máy móc, nói gì đến ý tứ, đến hồn đến vía – một đòi hỏi tối thượng của thi ca nói chung và lục bát nói riêng.
Hai cặp lục bát trích dẫn dưới đây có thể coi là đỉnh cao của thơ lục bát Việt Nam. Tất nhiên, đỉnh cao thơ lục bát Việt Nam không chỉ có vậy.
Cặp thứ nhất:
Cuộc đời là cuộc đời đi
Nếu mà dừng lại là đi cuộc đời.
Cặp lục bát thứ hai:
Cái tình là cái chi chi
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.
Cặp thứ nhất thuộc về ca dao. Cặp thứ hai thuộc về Nguyễn Công Trứ.
Thông thường, ít khi người viết dùng từ cuối của câu sáu lặp lại từ sáu của câu tám. Nói cách khác: Đây là điều cấm kỵ trong cách gieo vần. Nhưng áp dụng vào hai cặp lục bát trên, lại khác. Xét về mặt ngữ nghĩa, đi có nghĩa là vận động nhưng đi còn có nghĩa là chết; chi chi là để hỏi nhưng chi chi còn để khẳng định. Diễn nôm: Cuộc đời là một cuộc vận động không ngừng, nếu không vận động nữa thì về cơ bản, cuộc đời đồng nghĩa với kết thúc; cái tình là cái gì nhỉ, dù là cái gì nhỉ thì cũng gì gì (hết lòng) với nó.
Bìa tập thơ “Quá giang lục bát” của Lê Phương Liên
Một sự quyền biến nào đó của chữ, từ chữ sinh nghĩa, tăng sự biến ảo của chữ từ nghĩa, là thế!
Từ xưa đến nay, thơ vốn bao hàm sự khác nhau. Chính sự khác nhau mới làm nên sự khác biệt, đa dạng, phong phú. Chính sự khác nhau mới làm tăng thêm sự hấp dẫn, sự mới mẻ cho thơ. Và cũng như thế giới này, lĩnh vực thi ca vốn vô cùng rộng lớn và còn nhiều việc phải làm. Có lắm khi nó là con đường không lối mà người viết phải tự tìm ra xuất phát, hành trình và đích đến cho riêng mình, của riêng mình mà sáng tạo. Đường đi vốn dĩ ở dưới chân người. Cho nên, số người làm thơ thời hiện đại vẫn tiếp tục gia tăng là vì thế và bởi thế. Đối với thơ nói chung và thơ lục bát, cũng không phải là ngoại lệ.
“Quá giang lục bát” là một tập thơ gồm 68 bài đầy đặn với nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm, tâm trạng, tâm thế khác nhau. Những cung bậc này như đan cài, dằng dịt, níu kéo lẫn nhau, nương tựa vào nhau trên cái nền của sự nhất quán của cảm xúc. Nhiều lúc chúng như tung tẩy, phiêu bạt, bay bổng vượt ra khỏi vùng ý thức của chính người viết nhưng vẫn dung dị, tươi mới. Trong cái hơi hướng nhiều khi gần như là vô thức ấy, nhà thơ Lê Phương Liên vô tình tạo dựng cho mình một không gian tự do về mặt ý tưởng, về mặt nội dung, thoát khỏi sự ngặt nghèo của thể loại và sự giam cầm của hình thức.
Có thể coi “Con về vin ngọn trầu cong” là một bài thơ trọn vẹn. Khi viết Con về vin ngọn trầu cong/ Nâng trái cau thắm thầm mong bà về thì cũng là lúc người cháu nâng niu, gìn giữ những kỷ niệm không thể nào quên về một người bà. Một người bà luôn bỏm bẻm nhai trầu luôn gợi về sự bình thản, tin cậy như một biểu tượng từ bao đời nay. Ấy cũng là nơi con cháu luôn hướng về với sự quá đỗi kính yêu và kính trọng. Quá khứ ấy máu thịt đến nỗi như đang sống (hoặc trở về) cùng hiện tại thật đẹp đẽ trong cảnh sắc thật rạng rỡ:
Vườn bà, hoa nở mầy bề
Mẫu đơn rực lối cận kề ngày xưa.
Trên “đường chiều” với “bước tỉnh bước mơ”, một kỷ niệm máu thịt nữa lại trở về. Ấy là những lần người cháu, cũng như bà, luôn “ngóng chờ chợ phiên”. Bài thơ kết ở hai câu tài hoa ngỡ khó có thể tài hoa hơn:
Gánh cong cong cả muộn phiền
Áo nâu nâu cả nỗi niềm tóc tơ…
Nhưng trong “Quá giang lục bát”, Lê Phương Liên không chỉ có thế! Chị còn nhiều bài thơ đáng nhớ khác. Ấy là “Ơi gió”, “Cái tên bỏ bùa”, “Cởi”, “Đổ”, “Cây và cỏ”, “Giấc lộc vừng”, “Đã từng”, “Nơi gió dừng chân”, “Em về”, “Đông về cởi áo cho cây”, “Sắc…không”, “Tự trăng”, “Quá giang lục bát”…
Về những chi tiết thơ đắt, câu thơ hay… trong tập thơ này không thiếu. Có thể tạm thống kê: Bỏ bùa ta một cái tên/ Biết còn ai để bắt đền nhớ thương; Đổ vào anh những gầy hao/ Đổ vào nhau những chiêm bao cuộc người; Chuông chùa thỉnh ngược đường tơ/ Lộc vừng thăm thẳm đôi bờ sắc không; Ru người giấc mộng mong manh/ Bao nhiều hư ảo thì thành phù du?; Cháy lên thôi chút mỹ miều/ Để tro bụi cả những điều viển vông; Một mình tôi với mênh mông/ Ngỡ là tất cả, ngỡ không là gì; Khuyết tròn/ đã ngả đầu non/ Bắt đầu/ kết thúc/ mất còn/ tự trăng; Mây non chưa biết thở dài/ Cỏ ngây ngô biếc gió đài các say; Đêm nồng men nhớ đầy cơi/ Nghiêng sang bên ấy sợ vơi bên này…
Đây là cặp lục bát nói về sự chuyển mùa thật tài tình:
Hạ còn chưa tỉnh giấc sen
Hồn mưa đã giục loa kèn vào thơm.
(Nơi gió dừng chân)
Tương tự như thế, người đọc sẽ nhận ra ngay những câu thơ khác. Có lúc tác giả tự tin đến mức:
Chỉ mình em tự đầy em
Tự đầy ngày
tự đầy đêm
tự đầy
Tự đầy từ lá xanh cây
Tự đầy đến bạc màu mây
vẫn đầy.
(Tự…)
Có lúc, tác giả buồn đến thấu ruột:
Lạnh lùng
cô quạnh hàng cây
Tiếng dương cầm vọng
những ngày không ai.
(Chiều đông Tây Hồ)
Có lúc, tác giả thương đến xót xa:
Thương về mùa cũ xa xăm
Mưa thâm gốc rạ, rét bầm nón tơi.
(Ơi gió)
Ta bắt gặp những câu thơ thuần thục và tài tình nhất ở chỗ dùng từ láy ba:
Mõ gầy thỉnh khúc tương tư
Chuông thây lẩy những ừ hư ta bà
(…) Ngẩn ngơ cầm một đức tin
Đã bay theo tiếng chim bìm bịp kêu.
(Lạc)
Đó cũng là hiện tượng độc đáo trong ngôn ngữ thơ Lê Phương Liên.
Đọc lục bát của Lê Phương Liên, ta có thể cảm nhận màu Thiền qua cách chị đánh thức trong lòng người những dư âm, những triết lý, chiêm cảm. Từng câu thơ của chị luôn ẩn hiện những cảm nhận về sự vô thường ở cõi nhân sinh.
Nhắm mắt nhớ thuở còn son/ Mở mắt đã thấy hoàng hôn giăng đầy/Tóc giờ phai bạc màu mây/ Ta ngồi đếm ngược những ngày đã qua. (Vô đề)
Câu thơ như lời triết lý về sự vô thường. Giữa tuổi trẻ và xế chiều chỉ cách nhau một cái nhắm mắt. Cuộc sống thay đổi không ngừng theo từng giây từng phút.
Vạt xuân chưa xén đã gầy/ Giọt xuân ngơ ngẩn dìu mây về trời/Vẳng xa con gió đưa lời/Tầm xuân vừa thắm đã rời rợi xanh(…)/ Cuộc người thoảng mấy sát na/ Thanh mai trúc mã” hóa là phù du (Tự ngẫm). Hay sự trong trẻo của một dòng sông, một đời người : Dòng xanh giữ mạch vô thường/Hoàn nguyên giữa một sắc hường tịnh không (Quá giang lục bát).
Nói về sự thay đổi, về sự ra đi trong thoáng chốc của tuổi thanh xuân, về sự ngắn ngủi của một kiếp người, nói về nỗi buồn vô thường đấy mà phía sau những câu chữ ấy lại thấy thấp thoáng một Lê Phương Liên khoan thai đón nhận sự thật đó bằng một nụ cười rất đỗi nhẹ nhàng ung dung tự tại: Thản nhiên khóc thản nhiên cười/ Thản nhiên sen nở giữa trời bão giông (Sắc không).
Khrachenko – viện sĩ, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng người Nga (thời Xô Viết) trong “Cá tính sáng tạo văn học” từng cho rằng: “Trong thơ có ngôn ngữ hữu sinh và ngôn ngữ vô sinh”. Theo ông, ngôn ngữ vô sinh là ngôn ngữ của người làm thơ sáng tạo ra và chỉ tồn tại trong văn cảnh nhất định. Chúng hầu như không có trong từ điển nhưng chúng vẫn rất đặc trưng, rất sinh động, vẫn có nghĩa, vẫn lay gợi và vẫn tồn tại. Nếu soi chiếu vào thơ lục bát của Lê Phương Liên, chúng ta bắt gặp một hệ thống ngôn ngữ vô sinh đa dạng và phong phú ấy. Cách sử dụng từ láy ở hầu hết trong từng câu thơ, bài thơ cho thấy cái nhìn hóm hỉnh, tinh tế được khéo léo vận dụng đã tạo ra một giọng điệu riêng của Lê Phương Liên, làm cho mỗi câu thơ, mỗi bài thơ như nốt nhạc thiền thả vào không gian tĩnh lặng, trong suốt mà dư âm cứ vang vọng mãi.
Đó là liu khiu trong Liu khiu đêm ấp ngực ngày, thấp thểnh trong Heo may thấp thểnh đường trời, rổng rông trong Gió vi vu hát những điều rổng rông, thỏng thảnh trong Gió sương thỏng thảnh triền đê, ngần ngật trong Áo khăn phố thị vẫn ngần ngật quê, nưng nức trong Vườn em nưng nức ru lời biếc xanh …
Và cộng tất cả những giấc tầm gai, giấc sen, giấc lộc vừng, giấc xuân thì, giấc xa… thành giấc thơ, đã làm nên nét riêng biệt của lục bát Lê Phương Liên.
21/12/2022
Đặng Huy Giang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...