Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Tao đàn Chiêu Anh Các: Bước khởi đầu vững chắc trong tiến trình phát triển văn hóa của vùng đất Hà Tiên - Kiên Giang

Tao đàn Chiêu Anh Các: Bước khởi đầu
vững chắc trong tiến trình phát triển
văn hóa của vùng đất Hà Tiên - Kiên Giang

Tao đàn Chiêu Anh Các là một hiện tượng văn hóa mới xuất hiện ở một vùng đất mới. Xét trên phương diện nghệ thuật, những thành tựu của Tao đàn Chiêu Anh Các không thua kém văn học Đàng Ngoài lúc ấy đang hồi phát triển rực rỡ nhất. Hơn nữa, với sự giao lưu thơ văn với những thi nhân Trung Quốc, Tao đàn Chiêu Anh Các thực sự là một hoạt động văn hóa ít nhiều mang tầm vóc quốc tế. Với những hoạt động của mình, Tao đàn Chiêu Anh Các với chủ soái Mạc Thiên Tích đã đặt nền móng cho tiến trình phát triển văn hóa ở vùng đất Kiên Giang và xứng đáng là những người mở đầu cho lịch sử văn chương Nam bộ…
I. DÒNG HỌ MẠC TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VÙNG ĐẤT HÀ TIÊN – KIÊN GIANG.
Trong các luồng di dân tìm đến vùng đất Nam bộ để lập nghiệp, người Hoa có quá trình nhập cư xuyên suốt chiều dài lịch sử. Những cuộc di dân ồ ạt vào đầu thời nhà Thanh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, khi triều đại Mãn Thanh lên ngôi thì đồng thời cũng bắt đầu một phong trào nhập cư đông đảo vào Việt Nam của một bộ phận người Hoa, mà phần lớn là những người xin tỵ nạn chính trị. Trước đây, Việt Nam từng là nơi trú ẩn của những quan binh bị xua đuổi ra khỏi Trung Quốc, song họ chỉ là thiểu số trong số những người nhập cư đã từng phiêu lưu vào miền cực Nam của Việt Nam. Đến khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh lật đổ thì họ đã trở thành một bộ phận quan trọng.
Họ là những quan quân nhà Minh không chịu quy phục nhà Thanh đã rời bỏ quê hương tìm nơi khác để sinh sống. Việc từ chối cộng tác với những kẻ xâm lược làm cho họ càng kiên định trong việc dứt khoát rời bỏ quê hương. Họ đến Việt Nam nương nhờ vào chúa Nguyễn và phần lớn đến định cư ở Nam bộ. Trong số đó, một nhóm người Hoa đã đến Hà Tiên lập nghiệp và tên tuổi của họ đã gắn chặt với vùng đất này, đó là dòng họ Mạc mà người đầu tiên là Mạc Cửu.
Mạc Cửu sinh năm 1655 ở phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)([1]). Khi Trung Quốc bị Mãn Thanh thôn tính, Mạc Cửu không chịu tuân phục nhà Thanh, dẫn gia đình và thuộc hạ khoảng 400 người rời quê hương trôi dạt xuống vùng đất đông nam châu Á để lập nghiệp.
Năm 1671, Mạc Cửu đến Hà Tiên (lúc này có tên là Mang Khảm, thuộc Chân Lạp). Ông đã xin thuần phục vua Chân Lạp và xin định cư ở đây. Vua Chân Lạp ưng thuận và giao cho Mạc Cửu toàn quyền khai thác vùng đất này. Vùng đất Hà Tiên khi Mạc Cửu đến là một vùng đất rộng lớn, rất phì nhiêu nhưng chưa được khai khẩn gì nhiều, nhìn chung còn rất hoang vu, dân cư thưa thớt. Chính quyền phong kiến trung ương ở xa nên không thể quản lý. Nơi đây cũng đã có một số cư dân từ nhiều nơi đến khai phá lập nghiệp, sống lẫn với nhau. Họ đến từ nhiều nước lân cận. Có người do phiêu bạt giang hồ, có người đến đây để tránh sự truy nã của chính quyền phong kiến của các nước lân bang, trong đó đông nhất là những người đến đây với mục đích định cư khai hoang sinh sống lâu dài. Và họ là lực lượng chính có nhiều công lao và sáng tạo để biến vùng đất Hà Tiên hoang vu thành một nơi phát triển trù phú sau này.
Trước tình hình nhiều tộc người cùng sống chung với nhau nhưng chưa có tổ chức, với kinh nghiệm vốn có của mình, Mạc Cửu đã đứng ra tập hợp những người dân ở đây, tổ chức khai hoang, canh tác và đề ra những kế hoạch, biện pháp hữu hiệu nhằm mở rộng sản xuất nông nghiệp. Mạc Cửu chủ trương khuyến khích những lưu dân mới đến tự do khai hoang, không thu thuế, qua đó khích lệ người ở nơi khác về Hà Tiên khai khẩn lập nghiệp. Nông nghiệp của Hà Tiên do đó cũng phát triển rất mạnh. Sản phẩm của người dân làm ra được ông thu gom tổ chức bán cho các vùng khác. Chính sách thu hút nhân lực của Mạc Cửu làm cho lưu dân các nơi quy tụ về đây ngày một đông. Chẳng bao lâu, cư dân ở đây dưới sự lãnh đạo của Mạc Cửu đã lập thành 7 xã theo ven biển vịnh Thái Lan, chạy dài từ Kom-pon-xom (Campuchia ngày nay) xuống tận Phú Quốc, Cà Mau. Sự việc này được Đại Nam thực lục tiền biên chép lại như sau: “…Cửu người ở Lôi-châu, Quảng-đông. Nhà Minh mất, để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân-lạp làm chức Ốc-nha, thấy phủ Sài-mạt ở nước ấy có nhiều người buôn các nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu. Nhân chiêu tập dân xiêu dạt đến các nơi Phú-quốc, Cần-bột, Giá-khê, Luống-cày, Hương-úc, Cà-mau (thuộc tỉnh Hà-tiên) lập thành 7 xã thôn…” ([2]).
Có thể nói, địa thế của Hà Tiên rất thuận lợi cho việc sinh sống, làm ăn buôn bán. Đây cũng là nơi tiện lợi cho thuyền bè trong và ngoài nước qua lại tránh giông bão và buôn bán. Để làm chỗ dựa cho sản xuất nông nghiệp, Mạc Cửu đã tổ chức nền thương nghiệp, gồm cả nội thương và ngoại thương với chính sách mở cửa, tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế toàn diện. Mạc Cửu thúc đẩy việc trao đổi buôn bán với các thuyền buôn nước ngoài qua lại vùng này. Vùng đất Hà Tiên sau một thời gian khai phá đã trở nên thịnh vượng, ghe thuyền trong và ngoài nước ra vào tấp nập. Việc phát triển của Hà Tiên thời kỳ này được Pierre Poivre, một nhà du hành người Pháp ghi lại như sau:
“…Lãnh thổ của Ông (tức Mạc Cửu) trở thành cái xứ của những người siêng năng muốn đến đó lập nghiệp. Hải cảng của Ông được mở rộng cho tất cả các quốc gia. Chẳng bao lâu, rừng hoang được khai phá một cách thông minh, đất hoang thành ruộng lúa, kênh rạch được đào đem nước vào ruộng, mùa màng dồi dào, lúc đầu cung cấp cho dân cày ruộng no đủ, về sau là một mối lợi cho thương mãi lớn mạnh…
Cái mảnh đất nhỏ kia, ngày hôm nay đã được coi như một kho lúa dồi dào nhất trong phần đất miền Đông châu Á này. Người Mã Lai, người Nam Hà, cả đến nước Xiêm đều trong hải cảng này như một nguồn lợi bảo đảm cho những nạn đói…” ([3]).
Nhờ tài thao lược của mình, Mạc Cửu được vua Chân Lạp tin dùng. Hà Tiên lúc bấy giờ được xây dựng như là một giang sơn riêng có tính chất “tự trị” của dòng họ Mạc. Nhưng sau đó, Chân Lạp bắt đầu suy yếu, nội bộ trong giới cầm quyền tranh giành quyền lực với nhau. Lợi dụng thời cơ này, quân Xiêm đưa quân sang đánh chiếm vùng Thủy Chân Lạp, trong đó có Hà Tiên. Mạc Cửu bị bắt sang Xiêm. Nhân lúc tình hình nước Xiêm lộn xộn, Mạc Cửu trốn về lại Hà Tiên. Qua sự việc này, Mạc Cửu thấy rằng bản thân mình không thể đương đầu nổi với nước Xiêm, tuy xa Hà Tiên nhưng có một tiềm lực quân sự rất mạnh, lúc nào cũng muốn chiếm lấy mảnh đất này. Trong khi đó, Chân Lạp lại đang trong thời kỳ suy yếu không thể dựa dẫm được. Lúc này thế lực của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang ngày càng mạnh với những chính sách di dân, mở rộng bờ cõi xuống phía Nam. Lực lượng chủ lực khai phá Hà Tiên là người Việt ngày càng đông, trong đó có cả người Hoa và người Minh Hương. Mạc Cửu quyết định quy phục chúa Nguyễn. Năm 1708, Mạc Cửu xin sát nhập Hà Tiên vào Đàng Trong của chúa Nguyễn. Chúa Hiển tông Nguyễn Phúc Chu đồng ý và phong cho Mạc Cửu chức tổng binh, tước Cửu lộc hầu và đặt tên cho vùng đất này là trấn Hà Tiên. Việc này được ghi lại như sau: “Cửu ủy cho người bộ thuộc là Trương Cầu và Lý Xã dâng thư xin làm Hà tiên tổng. Chúa nhận cho, trao cho chức tổng binh”([4]). Với sự đỡ đầu của chúa Nguyễn, Mạc Cửu tiếp tục mở mang thương mại, tổ chức cuộc sống cho dân chúng, biến Hà Tiên thành một thương cảng lớn. Năm 1735, Mạc Cửu mất. Chúa Nguyễn đã ban sắc chiếu cho Mạc Cửu chức “Khai trấn Thượng trụ Quốc đại Tướng quân” và cho họ Mạc đời đời nối chức Tổng binh Đại đô Dinh (Đốc), trấn thủ Hà Tiên([5]). Con trai ông là Mạc Thiên Tứ, lúc đó mới 18 tuổi lên thay cha cai quản vùng đất Hà Tiên.
Mạc Thiên Tứ, tự Sĩ Lân còn có tên là Mạt Tông, sau khi thụ tước phong của chúa Nguyễn đã đổi tên thành Mạc Thiên Tích. Nối nghiệp cha, Mạc Thiên Tích tiếp tục khuyến khích nhân dân khai hoang và mở rộng đất Hà Tiên ra phía bắc. Ngoài việc phát triển kinh tế, ông còn cho xây dựng ở đây nhiều công trình phòng thủ cùng với một lực lượng quân sự khá mạnh. Đội quân này đã giáng trả những cuộc xâm lấn của quân Xiêm, tiễu trừ bọn cướp biển đến đây quấy phá, giữ cho Hà Tiên được yên ổn trong một thời gian dài. Dưới thời Mạc Thiên Tích, vùng đất Hà Tiên phát triển phồn thịnh, hoạt động buôn bán trong và ngoài nước ngày càng được đẩy mạnh. Lúc này, Hà Tiên là một hải cảng lớn, là nơi lui tới của các tàu buôn Mã Lai, Xiêm, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Nhật Bản… Tàu buôn người Việt từ các nơi khác cũng thường xuyên lui tới đây để mua gạo, sáp ong, ngà voi và những loại hàng hóa khác. Những sản phẩm ở Hà Tiên như tơ lụa, đường mía, lúa gạo… được các thương buôn đem đi bán cho các nước khác trong khu vực. Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, Hà Tiên có thể được coi như là một hải cảng quan trọng vào bậc nhất của Nam bộ và của Chân Lạp lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, nguồn lợi chính của Hà Tiên lúc ấy lại là nông nghiệp. Họ Mạc chủ trương đặt thuế nhẹ đối với các tàu buôn, tạo điều kiện cho tàu thuyền các nơi đến đây buôn bán được dễ dàng.
Bên cạnh đó, văn hóa ở đây cũng phát triển mạnh mẽ, trong đó tiêu biểu là việc thành lập hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Chính Tao đàn Chiêu Anh Các là diễn đàn chiêu tập nhân tài kiến đức theo về giúp Mạc Thiên Tích. Sách Thanh văn hiến thông khảo năm 1747 đã viết về sinh hoạt ở Hà Tiên dưới thời Mạc Thiên Tích như sau: “Nhà cửa không khác Trung Quốc, từ nhà của Vương (Mạc Thiên Tích), tất cả đều làm bằng gạch lợp ngói, trong cách ăn mặc, họ bắt chước triều đại trước (nhà Minh). Vương bới tóc bọc lưới, đội khăn hay mũ bằng nhiễu, mình mặc áo thêu rồng, đai bằng sừng, mang hia. Dân chúng mặc áo cổ cao, tay rộng… Gặp thì họ chắp tay chào nhau. Còn phong tục thì trọng văn học, thích thi thơ có cả một hàn lâm viện nhỏ” ([6]).
Chỉ trong vòng mấy năm, Hà Tiên đã trở nên nổi danh khắp chốn. Dân chúng được an cư, lạc nghiệp, kinh tế trù phú, đất đai được mở rộng, tàu bè các nước vào cảng tấp nập. Danh tiếng của trấn Hà Tiên lan rộng đến Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Anh Pháp cũng như các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Xiêm, Ma Cao… Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã khen ngợi Mạc Thiên Tích, ban cho ông đặc quyền về kinh tế, có thể tự đúc lấy tiền kẽm để tiêu dùng mua bán, được quyền thiết lập khu kinh tế tự quản, tự do giao thương với nước ngoài, cho tàu thuyền chở hàng hóa đi sang các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản… Các hải cảng ở Đàng Ngoài như Hội An, Đà Nẵng có quá nhiều chế độ thuế khóa, nạn hối lộ nhiễu nhương nên các thuyền buôn nước ngoài thời gian này thích vào Hà Tiên hơn.
Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lãnh đạo bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành được thắng lợi, dẹp tan chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và đánh bạt cả lực lượng chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trước tình hình này, Mạc Thiên Tích trước đây do chịu ơn chúa Nguyễn nên đã ra sức giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn. Do tài dùng binh của anh em Tây Sơn nên lực lượng của chúa Nguyễn bị đánh tan tác, Mạc Thiên Tích phải chạy sang Xiêm lánh nạn. Về sau, Mạc Thiên Tích bị triều đình Xiêm nghi ngờ và lăng nhục dẫn đến cái chết của ông vào năm 1780. Gia quyến của Mạc Thiên Tích gồm 53 người đều bị giết. Những người Việt theo sang đây lánh nạn cũng bị đuổi ra khỏi biên giới ([7]).
Sau cái chết của Mạc Thiên Tích, họ Mạc mất dần địa vị của mình. Về sau Nguyễn Ánh và các vua nhà Nguyễn nhớ tới công lao cũ nên đã nâng đỡ con cháu họ Mạc. Lần lượt Mạc Tử Sinh, Mạc Công Bính, Mạc Tử Nhiêm, Mạc Công Du đều được cất nhắc làm quan trấn thủ Hà Tiên. Tuy được giao kế nghiệp, cai quản Hà Tiên nhưng do tài trí không bằng cha ông nên con cháu họ Mạc đã khiến vùng đất này ngày một đi xuống. Từ đó, Hà Tiên đã mất đi vị thế của mình để nhường địa vị ấy cho vùng Sài Gòn – Bến Nghé sau này. Trấn Hà Tiên dưới thời Gia Long không còn phồn thịnh như trước nữa. Sau khi Mạc Công Du chết, sử sách không còn thấy nhắc đến con cháu họ Mạc nữa. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Thánh tổ Nhân hoàng đế nhớ đến cha con Thiên Tứ có công với nước nên truy phong Mạc Cửu làm Thụ đức Thuận nghĩa Trung đẳng thần, Thiên Tứ làm thần Đạt nghĩa, Tử Sang làm thần Trung nghĩa, chuẩn cho xã Mỹ Đức ở Hà Tiên thờ phụng như cũ([8]). Năm Tự Đức thứ 1 (1848), cháu cố họ Mạc là Mạc Văn Phong được triều đình phong chức Đội trưởng để coi việc thờ cúng tổ tiên họ Mạc.
Nhìn chung, họ Mạc có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển của vùng đất Hà Tiên nói riêng và Kiên Giang nói chung, trong đó Mạc Cửu được coi là một “công thần” của đất Hà Tiên. Ông đã có công tổ chức, mở mang bở cõi. Với vai trò là một thủ lĩnh, ông đã cùng với những lưu dân biến vùng đất Hà Tiên từ một vùng hoang vu trở thành một hải cảng nổi tiếng. Đặc biệt dưới thời Mạc Thiên Tích, Hà Tiên càng phát triển hơn nữa về nhiều mặt kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, trong đó có văn hóa. Ngoài việc là một nhà chính trị, quân sự, kinh tế xuất sắc, Mạc Thiên Tích còn là một nhà thơ với những bài thơ có giá trị. Việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các là một trong những thành tựu rực rỡ của Mạc Thiên Tích trong quá trình phát triển của vùng đất Hà Tiên.
II. TAO ĐÀN CHIÊU ANH CÁC – BƯỚC KHỞI ĐẦU QUAN TRỌNG TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỦA VÙNG ĐẤT HÀ TIÊN – KIÊN GIANG
Khi đặt tên cho Tao đàn là Chiêu Anh Các, hẳn Mạc Thiên Tích có gửi gắm vào đó một ngụ ý sâu xa: Trong tiếng Hán, chiêu có nghĩa là chiêu tập; tập hợp; anh là bậc anh tài tuấn kiệt; các có nghĩa là gác, lầu. Nói chung, Chiêu Anh Các là nơi tập hợp những văn nhân nho sĩ, là nơi giảng sách, bình văn, truyền bá Nho học và sáng tác thơ ca. Cụ thể hơn, Tao đàn Chiêu Anh Các trước hết là nơi xướng họa, ngâm đề thơ văn; thứ đến đó là nơi mang chức năng giống như văn miếu, thờ Khổng Tử, tứ phối và thập nhị hiền; cuối cùng, Chiêu Anh Các còn là một nhà nghĩa học, dạy cho học trò không lấy học phí. Quãng thời gian hoạt động của Tao đàn Chiêu Anh Các được ghi nhận từ năm 1736 đến năm 1770.
Công lao đối với việc phát triển văn hóa ở vùng đất Hà Tiên – Kiên Giang của Mạc Thiên Tích được Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi nhận “Người Hà Tiên bắt đầu biết học hành là từ lúc đó”([9]) và như đánh giá của nhà nghiên cứu văn học cổ lão thành – giáo sư Bùi Duy Tân thì “Đây là một Hội đồng có tính chất tư vấn bên cạnh hệ thống chính quyền ở Hà Tiên, đảm nhiệm nhiều hoạt động trong và ngoài lãnh vực văn hóa giáo dục. Bộ phận sáng tác văn học của Chiêu Anh Các có tính chất một thi xã, một Tao đàn, kết hợp hoạt động của nghĩa thục với việc ngâm vịnh, xướng họa, in sách lưu hành ở địa phương và sang cả Hoa Nam, Trung Quốc”([10]). Điểm đặc sắc của dòng họ Mạc ở Hà Tiên là bên cạnh nghiệp võ hiển hách, họ còn xây dựng được một nghiệp văn cũng không kém phần rực rỡ. Vì vậy, nhà thơ Đông Hồ – một người con tài danh của đất Kiên Giang cho rằng trong sách vở ngày xưa, Hà Tiên còn có tên gọi là “Văn hiến quốc” và có câu thơ:
Từ phú tăng hoa Văn hiến quốc
Văn chương cao ngật Trúc bằng thành ([11])
1. Vấn đề tác giả sáng tác và văn bản tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các.
Những văn nhân nho sĩ tham gia Tao đàn Chiêu Anh Các cho đến nay vẫn chưa có con số khẳng định chính xác. Các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học sử đành bằng lòng với một con số ước lượng có thể từ 32 đến trên 70 người, gồm cả người Việt và người Minh Hương (tức là người Trung Hoa nhập cư). Theo sử sách cũ thì có một số tên tuổi không trùng khớp nhau. Nhưng cũng có thể tạm kể một số thi nhân người Việt như Trịnh Liên San, Nguyễn Nghi, Đặng Minh Bản… một số thi nhân người Hoa như Chu Phác, Trần Minh Hạ, Tôn Thiên Thụy, Lý Nhân Trường…
Mạc Thiên Tích khởi xướng làm mười bài thơ chữ Hán vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên:
Kim Dữ lan đào (Kim Dữ chắn sóng)
Bình Sơn điệp thúy (cây rậm Bình Sơn)
Tiêu tự thần chung (chuông sớm chùa Tiêu)
Giang Thành dạ cổ (tiếng trống đêm ở Giang Thành)
Thạch Động thôn vân (Thạch Động nuốt mây)
Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham)
Đông Hồ ấn nguyệt (trăng in Đông Hồ)
Nam Phố trừng ba (sóng nước Nam Phố)
Lộc Trĩ thôn cư (xóm làng Lộc Trĩ)
Lư Đàm ngư bạc (bến cá Lư Đàm)
Các thi nhân trong Tao đàn Chiêu Anh Các đua nhau xướng họa. Hơn thế nữa, những thơ văn này còn được một người Trung Quốc là Trần Tử Hoài đi thuyền đem về Quảng Châu (Trung Quốc). Các bậc trí giả ở Quảng Châu xướng họa theo, gửi sang cho Mạc Thiên Tích đưa khắc in chung thành tập Hà Tiên thập vịnh cảnh, năm 1737. Đây là tác phẩm quan trọng nhất của Tao đàn Chiêu Anh Các. Tập thơ ngoài mười bài thơ do Mạc Thiên Tích xướng, còn có 31 người tham dự và 310 bài thơ. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi nhận tên tuổi của những người Thanh (tức là người Minh Hương) như Chu Phác, Trần Tự Hương gồm 25 người, người Việt như Trịnh Liên San, Mạc Triêu Đán gồm 6 người cùng họa vần. Hai văn nhân Trung Quốc là Dư Tích Thuần và Trần Trí Khải đề hai bài bạt. Cũng cần phải nói thêm là Nguyễn Cư Trinh đối với Mạc Thiên Tích có mối quan hệ thi hữu rất gắn bó và có trao đổi nhiều thơ xướng họa, nhưng đến ngày nay đều không còn. Năm 1755, khi Nguyễn Cư Trinh vào Hà Tiên có họa thêm mười bài Hà Tiên thập vịnh cảnh nữa.
Ngoài ra Tao đàn Chiêu Anh Các còn có các tác phẩm chữ Hán khác: Thụ Đức hiên tức cảnh; Minh bột di ngư thi thảo nay chỉ còn gồm bài phú Lư Khê nhàn điếu dài trên 100 câu và 32 bài thơ Đường luật vịnh Lư Khê, một trong 10 cảnh đẹp Hà Tiên nói trên, được xác định là của chính Mạc Thiên Tích (văn bản tập này được Trịnh Hoài Đức sưu tầm lại và cho khắc in năm 1821, nhưng bản trùng san này cũng đã thất lạc, gần đây tìm lại được bài phú Lư Khê nhàn điếu được chép trong Nam hành ký đắc (1777) của Phạm Nguyễn Du); Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vị tập… nhưng hầu như đã thất truyền do những thăng trầm, loạn lạc của lịch sử.
Sáng tác chữ Nôm có tập thơ nhan đề là Hà Tiên quốc âm thập vịnh, cũng nói về mười cảnh đẹp trên. Đông Hồ sưu tầm được tại Hà Tiên và đổi thành Hà Tiên tập cảnh khúc vịnh, gồm mười đoạn thơ lục bát gián thất và Đường luật bát cú, tổng cộng 422 câu thơ liên ngâm, nội dung có phần giống với Hà Tiên thập vịnh cảnh bằng chữ Hán. Giáo sư Ca Văn Thỉnh khi xem xét tác phẩm Lư Khê vãn gồm gần 200 câu lục bát và bốn bài thơ, tác giả khuyết danh, đã làm công tác khảo sát văn bản học tỉ mỉ, dựa trên phong cách và thể loại, cho rằng đây cũng là tác phẩm của Chiêu Anh Các.
Vấn đề tác giả sáng tác và văn bản tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các còn nhiều tồn nghi. Muốn xác định cho thật chính xác, chúng ta phải trông cậy nhiều vào công tác nghiên cứu văn bản học của các nhà nghiên cứu Hán Nôm. Nhưng căn cứ vào những tư liệu ít ỏi có được trong tay, chúng ta có thể khẳng định một cách vững chắc rằng đã từng có một Tao đàn Chiêu Anh Các tồn tại trên vùng đất Hà Tiên, do Mạc Thiên Tích làm chủ soái. Và hơn thế nữa, sự ra đời của Tao đàn Chiêu Anh Các còn là một động lực quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển nền văn học viết Nam bộ.
2. Những thành tựu về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Chiêu Anh Các là những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa ở vùng đất Hà Tiên – Kiên Giang nói riêng và cả Nam bộ nói chung.
Trước khi Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời, đất Nam bộ không phải là không có tác giả sáng tác văn chương. Nhưng chính Tao đàn Chiêu Anh Các, được lập nên từ mảnh đất mới khai phá vùng cực nam của tổ quốc, nơi mà trước đây dấu ấn của người Việt và nền văn hóa Việt còn rất thưa thớt, mới thực sự là bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng và hình thành nền văn hóa của người Việt trên đất Nam bộ.
“Ý nghĩa của thơ văn Chiêu Anh Các không chỉ ở tình cảm lạc quan của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống một vùng đất mới khai phá; thơ văn vịnh cảnh, vịnh vật của các thành viên thi xã này còn có ý nghĩa như là việc đồng hóa về mặt văn hóa đối với một vùng đất mới mà trước đó chưa thuộc về người Việt, chưa in dấu văn hóa người Việt”([12]). Đây là một nhận định khái quát được tầm vóc quan trọng của những hoạt dộng văn hóa, văn học của Tao đàn Chiêu Anh Các. Những thơ văn của Tao đàn Chiêu Anh Các còn lưu lại được cho thấy nội dung chính là miêu tả phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất Hà Tiên.
Đó có thể là cảnh chùa thanh vắng, không gian tĩnh lặng khi canh đêm vừa tàn, ban mai mới bắt đầu ló dạng:
Tàn tinh liêu lạc hướng thiên phao
Mậu dạ kình âm viễn tự xao
Tịnh cảnh nhân duyên tinh thế giới
Cô thinh thanh việt xuất giang giao
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ
Hựu súc ô dề ỷ nguyệt sao
Đốn giác thiên gia y chẩm hậu
Kê truyền hiểu tín diệc tiêu liêu
(Tiêu tự thần chung)
Ngô Bách Bộ dịch:
Sao tàn lác đác về đông
Chùa xa lắng tiếng kình rung canh tàn
Cõi đời cảnh tĩnh nợ duyên
Tiếng trong trẻo vút băng miền sang sông
Hạc kêu cây chuyển gió đồng
Quạ đâu lên tiếng, lá lồng trăng in
Dậy đi, nghìn giấc triền miên
Te te gà đã báo tin sáng rồi.
Đó cũng có thể là nơi sơn thủy hữu tình, nơi mây và núi gặp nhau:
Sơn phong tủng thúy để tinh hà
Động thất lung linh uẩn bích kha
Bất ý yên vân do khứ vãng
Vô ngân thảo mộc cộng bà sa
Phong sương cửu lịch văn chương dị
Ô thố tàn di khí sắc da
Tối thị tinh hoa cao tuyệt xứ
Tùy phong hô hấp tự ta nga.
(Thạch Động thôn vân)
Vũ Đình Liên dịch:
Núi cao chót vót chạm trời xanh
Trong núi, lung linh động ẩn hình
Mây khói ở đi không chủ ý
Cỏ cây rung động cũng vô tình
Văn chương thêm lạ, phong sương lắm
Khí sắc càng nhiều, thay đổi nhanh
Tuyệt đỉnh vinh hoa, phong cảnh ấy
Gió trời hô hấp, ngọn chênh vênh.
TS Hà Thanh Vân và PGS-TS Trần Nam Tiến đồng tác giả bài viết.
Tác phẩm chủ yếu của Tao đàn Chiêu Anh Các là hai tập thơ: Hà Tiên thập vịnh cảnh bằng chữ Hán và Hà Tiên quốc âm thập vịnh bằng chữ Nôm. Hà Tiên quốc âm thập vịnh gồm 10 khúc ngâm, mỗi khúc khoảng trên dưới 30 câu lục bát gián thất và một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú kết thúc. Cuối cùng có một bài Tổng vịnh cũng bằng Đường luật thất ngôn bát cú. Đáng chú ý là mười bài thơ kết thúc mười khúc ngâm, bộ vần trùng khớp với mười bài thơ chữ Hán của Hà Tiên thập vịnh cảnh. So sánh hai tác phẩm, chúng ta thấy rõ thơ chữ Hán được làm trước, thơ chữ Nôm được làm sau, và gần như diễn Nôm những bài chữ Hán, nhưng thời gian không cách xa nhau lắm, nếu không muốn nói là ngay sau đó. Lý giải điều này thật ra không khó khăn. Chữ Nôm đã từ Đàng Ngoài theo chân những lưu dân vào Đàng Trong và vào đến tận đất Hà Tiên. Họ Mạc ở Hà Tiên đang tiến hành công cuộc mở mang bờ cõi, cần có những bài thơ, bài văn ca ngợi, cổ động, tuyên truyền cho vùng đất mới, thu hút đông đảo người đến khai phá. Người khai phá ở đây là người Việt, thậm chí đa phần là người Việt nông dân. Nếu thơ văn sáng tác thuần bằng chữ Hán thì phạm vi phổ biến sẽ thu hẹp lại trong giới nho sĩ, không đến được với người dân đang cần có những tiếng nói khuyến khích, động viên trong những ngày đầu đi mở cõi. Đầu óc nhìn xa trông rộng của dòng họ Mạc đã nhìn ra điều đó. Chủ trương của Mạc Thiên Tích dùng chữ Nôm để sáng tác là để tạo đà cho công cuộc quân sự, kinh tế của mình. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi đọc thấy những dòng thơ Nôm tao nhã, đẹp đẽ:
Thợ trời sao khéo tạo hình
Đá giăng lưng hạm cây đoanh khúc rồng
Lược đông phong chải đầu điệp thúy
Lúc mưa xuân rơi phỉ muôn cành
Rờn rờn trúc lục thông xanh
Chồi xuân non bện, lá quỳnh phơi gie.
(Cây rậm Bình Sơn)
Nhưng bên cạnh đó vẫn có những câu thơ Nôm mộc mạc, giản dị, lấy từ lời ăn tiếng nói của nhân dân, thậm chí không hiếm những câu thơ cho thấy người sáng tác đã có một một vốn hiểu biết khá phong phú về cảnh sống nông thôn Việt Nam, đặc biệt là ở một nơi vừa có đồng bằng, vừa có núi non, lại vừa có biển cả như mảnh đất Hà Tiên:
Cò đâu kể số muôn vàn
Tuồng mây vén ngút man man bay về
Đầy bốn bề kêu la tở mở
Lượn rồng rồng như vỡ chòm ong.
(Cò đậu Châu Nham)
Hay là:
Đã hay lai láng dòng xanh
Cá phun nước mực, hạc quanh khói trà
Nhạn gần xa hãy còn hiệp lũ
Chốn bãi nồm bay phủ mừng xuân.
(Sóng nước Nam Phố)
Miêu tả thiên nhiên Hà Tiên bằng giọng thơ đậm đà tình cảm, thiết tha trìu mến, chứng tỏ các thi nhân Chiêu Anh Các đã thực sự gắn bó với mảnh đất này. Từ tình cảm gắn bó ấy, không khó khăn gì khi họ viết những dòng thơ mang nội dung ca tụng tráng chí mở đất, qua đó thể hiện lòng yêu nước, xây dựng cơ đồ nước Việt:
Vững cơ đồ khỏe phò thế nước
Mở đường đi khỏi bước chông gai
Sắt đinh là chí con trai
Dành người điều vạc, để ai chống thành.
(Tiếng trống đêm ở Giang Thành)
Thơ văn Chiêu Anh Các xét về mặt thi pháp rất gần với thơ văn của Hội Tao đàn thời vua Lê Thánh Tông. Lời lẽ điển nhã, đẹp đẽ, trau chuốt, điêu luyện, đúng với phong cách văn chương cổ của nhà nho. Tất nhiên không tránh khỏi đôi chỗ cầu kỳ, ngoa ngôn, nhưng nhìn chung là thanh tao, sinh động, tươi tắn. Điều đáng quý là các thi nhân đã cố gắng đưa không ít những từ ngữ địa phương vào tác phẩm, tạo nên một ý vị riêng biệt.
Ghi nhận những đóng góp của Tao đàn Chiêu Anh Các, chúng ta thấy có những sách sử cũ như: Thanh văn hiến thông khảo (1747) của những nhà chép sử Trung Hoa; Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn; Kiến văn tiểu lục (1777) của Lê Quý Đôn; Hà Tiên trấn, Hiệp trấn Mạc thị gia phả (1818) của Vũ Thế Dinh; Gia Định thành thông chí (1820 – 1841) của Trịnh Hoài Đức; Đại Nam liệt truyện tiền biên (1852) của Quốc sử quán triều Nguyễn… đều có nhắc đến vai trò văn hóa nổi bật của Tao đàn. Trong các sách nghiên cứu hiện đại, có những câu chữ khẳng định rằng Tao đàn Chiêu Anh Các đã có ảnh hưởng lớn đến nền văn học viết Nam bộ suốt mấy trăm năm sau đó. Khoảng gần một trăm năm sau khi Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời, trên đất Nam Bộ có Gia Định tam gia thi với ba tác giả: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh. Đầu thế kỷ XX, thi nhân nổi tiếng của đất Hà Tiên – Đông Hồ đã lập nên Trí Đức học xá, một hình mẫu phảng phất bóng dáng của Tao đàn Chiêu Anh Các ngày xưa. Những truyền thuyết đẹp đẽ và bi thảm xung quanh dòng họ Mạc là nguồn cảm hứng cho nữ sĩ Mộng Tuyết viết nên thiên tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái cơ trong chậu úp, xuất bản tại Sài Gòn năm 1961. Nhà thơ Đông Hồ đã nghiên cứu, tìm hiểu khá sâu về Tao đàn Chiêu Anh Các và kết quả là cuốn sách Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên được xuất bản ở Sài Gòn năm 1970. Năm 1986, nhân kỷ niệm 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, một hội thảo được tổ chức quy mô với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh Kiên Giang. Nhiều tham luận giá trị, nhiều khám phá, phát hiện mới về Tao đàn Chiêu Anh Các được trình bày trong dịp này.
Tao đàn Chiêu Anh Các là một hiện tượng văn hóa mới xuất hiện ở một vùng đất mới. Xét trên phương diện nghệ thuật, những thành tựu của Tao đàn Chiêu Anh Các không thua kém văn học Đàng Ngoài lúc ấy đang hồi phát triển rực rỡ nhất. Hơn nữa, với sự giao lưu thơ văn với những thi nhân Trung Quốc, Tao đàn Chiêu Anh Các thực sự là một hoạt động văn hóa ít nhiều mang tầm vóc quốc tế. Với những hoạt động của mình, Tao đàn Chiêu Anh Các với chủ soái Mạc Thiên Tích đã đặt nền móng cho tiến trình phát triển văn hóa ở vùng đất Kiên Giang và xứng đáng là những người mở đầu cho lịch sử văn chương Nam bộ. Công cuộc khai phá mở đất của con người ở đây, nói một cách hình tượng, gần như đồng nghĩa với công cuộc mở mang văn hóa.
Những tư liệu tham khảo chính:
1. Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường, Từ điển văn học Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1995.
2. Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn An. Tác giả văn học Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1990.
3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1998.
4. Emile Gaspardone, Bibliographie annamite, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême Orient XXXIV, 1935, số 113.
5. Emile Gaspardone, Un Chinois des Mers du sud, le Fondateur de Hà Tiên, Journal Asiatique, 1952.
6. Đông Hồ, Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên, Xuất bản Quình Lâm, Viện Văn nghệ – hiên biên khảo, S., 1970.
7. Trần Xuân Hùng (chủ biên), Kiên Giang điểm hẹn, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
8. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Khai Trí, S,. 1970.
9. Maw Kuey, Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Ủy ban nghiên cứu sử học và khoa học xuất bản, 1968.
10. Huỳnh Lứa (chủ biên). Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
11. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
12. Hãn Nguyên, Hà Tiên chìa khóa Nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông Cửu Long, Sử Địa số 19 – 20, 1970.
13. Nhiều tác giả. Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt – Hoa trong lịch sử, Nhà xuất bản Thế giới, H., 1998.
14. Nhiều tác giả. Từ điển văn học, tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H., 1983.
15. Nhiều tác giả, 250 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 – 1986), Sở Văn hóa thông tin Kiên Giang xuất bản, 1987.
16. Monographie de province Hà Tiên, Publications de la Société des Etudes Indochinoises, S., 1901.
17. Dương Tấn Phát (chủ biên), Tìm hiểu Kiên Giang, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Kiên Giang xuất bản, 1986.
18. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Sử học, 1962,
19. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao Tự Thanh dịch, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H., 1995.
20. Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1999.
Chú thích:
([1]) Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Bản dịch của Viện Sử học do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản 1998, trang 119 ghi rõ Mạc Cửu là người xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông nước Đại Minh.
([2]) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Sử học, 1962, tr. 167.
([3]) Emile Gaspardone, Un Chinois des Mers du sud, le Fondateur de Hà Tiên, Journal Asiatique, 1952, pp 367-369.
([4]) Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr.167. Xem thêm Gia Định thành thông chí, Sđd, tr. 120.
([5]) Cheng Ching Ho, Mạc Thị Gia Phả. Dẫn theo Hãn Nguyên, Hà Tiên chìa khóa Nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông Cửu Long, Sử Địa số 19 – 20, 1970.
([6]) Emile Gaspardone, Bibliographie annamite, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême Orient XXXIV, 1935, số 113.
([7]) Xem Gia Định thành thông chí, Sđd, tr. 129.
([8]) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao Tự Thanh dịch, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H., 1995, tr. 249.
([9]) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Sđd, tr. 243.
([10]) Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1999, tr. 588.
([11]) Xem Đông Hồ, Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên, Xuất bản Quình Lâm, Viện Văn nghệ – hiên biên khảo, S., 1970, tr. 32.
([12]) Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường, Từ điển văn học Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1995, tr. 57.
9/12/2022
Trần Nam Tiến - Hà Thanh Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...