Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

"Lửa cháy" ngoài nhà thờ Đức Bà Paris

"Lửa cháy" ngoài
nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải sinh năm 1951, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Ủy viên Liên chi hội Nhà văn Đông Nam bộ. Là một cây bút kỳ cựu của Đồng Nai, tính đến nay nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải đã in 72 quyển sách cho cả 2 bút danh, vừa bằng số tuổi của mình.
Ngoài các Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức, ông đã có 2 lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm (năm 1990) và tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam (năm 2020)… Ông cũng dành rất nhiều tâm huyết cho văn học thiếu nhi với 39 tập truyện thiếu nhi đã xuất bản.
“Lửa cháy” ngoài nhà thờ Đức Bà Paris của nhà văn Khôi Vũ là truyện ngắn được Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai giới thiệu trên Chuyên trang Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai (số tháng 11/2022), Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngận muốn từ giã nước Đức sau một thời gian dài nhiều năm làm việc ở đây để về nước ở hẳn bằng một chuyến du lịch vài nước châu Âu cùng cha mẹ và đứa cháu gái ở Việt Nam vừa bay qua. Thương quá! Hai ông bà tuổi đã cao, lần đầu tiên xuất ngoại nên mọi việc từ thuê dịch các giấy tờ ra tiếng Anh, nộp hồ sơ xin visa, ra sân bay, lên máy bay, quá cảnh… đều trông cả vào Nga. Xem ra cô cháu gái của Ngận gọi cha mẹ anh là ông bà ngoại, vừa tốt nghiệp đại học đã khá tự tin nói: “Cậu Ngận cứ yên tâm. Cháu sẽ lo chu toàn cho ông bà mà”.
May quá, mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến khi Ngận đứng nơi khu vực đón người thân ở sân bay Đức trông thấy ba người và cái xe đẩy cồng kềnh hành lý. Mẹ Ngận vừa thấy con trai đã kêu lên: “Ơ kìa! Sao con lại để râu thế kia hả Ngận?”. Ngận ngẩn người ra ít giây rồi cười xòa: “Con cũng đã trên năm mươi rồi, để râu cũng bình thường mà mẹ!”. Anh hỏi: “Ngồi máy bay suốt mười mấy tiếng, cha mẹ có mệt không?”. Cha Ngận nói: “Tuổi chúng tôi mà không mệt mới lạ. Mà thôi! Về nhà đi. Tôi nóng lòng muốn tận mắt nhìn mặt thằng cháu đích tôn lắm rồi. Để coi năm năm nó lớn cỡ nào, biết làm những gì rồi”. Ngận lại ngẩn người lần nữa. Một năm, anh gửi ảnh của thằng Tuấn về nhà hai lần, lần nào cũng hàng chục tấm cơ mà! Tuy nhiên lần này anh không lên tiếng. Có thể cha anh vẫn coi ảnh, nhưng ông muốn nhìn cháu tận mắt bằng xương bằng thịt!
Tiệm Cơm Việt của vợ chồng Ngận không phải đóng cửa trong những ngày anh đi vắng. Một cô gái mới qua đây tìm việc đã bằng lòng phụ vợ anh một tay trong việc nấu nướng dưới bếp và cả bưng bê món ăn cho khách người Việt. Với khách là người bản xứ hay người một nước ngoài nào đó thì chỉ vợ Ngận mới giao tiếp được.
Trước khi gặp và “rổ rá cạp lại” với vợ, Ngận đi làm trong một tổ dịch vụ toàn đàn ông người Việt. Chỉ là những việc tay chân hoặc cần thêm kỹ thuật đôi chút như sửa điện, nước… mà tổ của Ngận vẫn có việc làm đều đều. Đặc biệt là các anh nhận làm cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, nhận làm hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ trong ngày nên thu nhập cũng tương đối. Tất nhiên đã phải trừ lại phần trăm theo hợp đồng với công ty dịch vụ mà chủ là một người Đức có ngoại hình khá dữ dằn, từ gương mặt để râu xồm đến cái bụng bia như đàn bà mang song thai!
Gặp vợ, một phụ nữ bị chồng bỏ, bơ vơ và gặp nhiều khó khăn nơi đất khách quê người, Ngận không khỏi chạnh nhớ đến hoàn cảnh tương tự của mình. Ngày đó ở làng quê mình, cô vợ của anh cũng đã dứt áo ra đi vì “Suốt ngày làm nông thế này thì biết đến bao giờ tôi mới được ngẩng mặt nhìn đời đây?”. Vợ bỏ đi ít lâu thì Ngận cũng chạy được một suất đi lao động ở Đức. Với người vợ sau, đầu tiên chỉ là giúp đỡ, sau tiến đến có cảm tình với nhau, cuối cùng Ngận ngỏ lời cưới. Sẵn có một số vốn, lại được bạn bè giúp đỡ bước đầu, hai vợ chồng thuê căn phố, mở tiệm Cơm Việt. Nơi đây vừa là nơi bán hàng, vừa là nơi ở của cả hai. Mà chủ căn phố chẳng xa lạ gì, chính là ông giám đốc công ty dịch vụ người Đức có ngoại hình khiến nhiều người sợ hãi tránh né! Công việc mới ngày càng thuận lợi hơn. Tổ dịch vụ người Việt cũ của Ngận hợp đồng ăn dài hạn ở tiệm Cơm Việt, sau đó còn giới thiệu thêm một hai nhóm lao động người Việt của công ty khác mà họ quen biết. Ông giám đốc râu quai nón cũng giới thiệu bạn bè mình đến ăn ở Cơm Việt thử một lần cho biết, sau đó nhiều người trong số đã trở thành khách quen.
Qua đây, gặp được cháu đích tôn, ngày đầu tiên hai ông bà nội cứ quấn quít suốt bên thằng Tuấn. Thằng bé đã hơn năm tuổi, hiểu biết nhiều chuyện, đủ để “giao lưu” với ông bà. Nó nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Đức. Xem ra, nó cũng mến tay mến chân bà nội. Những hôm sau thì sinh hoạt của hai người già có khác nhau. Mẹ Ngận hay ra nơi bán hàng của tiệm Cơm Việt xem mặt khách Tây, khách ta và xem họ nói năng, đặt món thế nào. Mỗi khi có một nhóm khách người Việt đến ăn, bà đều đến làm quen và còn đòi con dâu cho bưng một hai món ra bàn cho khách. Với khách Tây thì bà chỉ ngồi mà nhìn tò mò. Cha Ngận thì hôm nào cũng bảo con Nga dẫn đi loanh quanh các đường phố gần nhà, đi thử xe buýt, tàu điện… Đứa cháu gái luôn miệng nói với cậu: “Cậu Ngận cứ yên tâm, cháu lo cho ông được mà”. Nó rất tự tin vào vốn liếng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình. Vợ Ngận căn dặn Nga: “Ở các nước châu Âu này, có mấy nước khi ra đường là mình phải để ý đến an toàn cho bản thân. Đó là nước Anh, nước Pháp, nước Ý. Và cả nước Đức này nữa”. “Dạ, cháu nhớ rồi!”. Mấy ngày trôi qua suôn sẻ, hai ông cháu đi đến nơi về đến chốn và vui vẻ. Cha Ngận khen xã hội người ta nề nếp, lịch sự và cứ nhắc mãi chuyện uống nước ở vòi nước công cộng ngoài đường phố. “Nước máy của họ tốt thật. Giá như ở nước mình cũng như thế!”.
Ngận nói với vợ: “Lần này anh đưa cha mẹ đi chơi. Lần sau, trước khi về nước, anh sẽ đưa mẹ con em đi”. Vợ anh cười: “Thì anh cứ lo cho cha mẹ chuyến đi dối già thật chu đáo. Em hiểu mà”.
Đưa gia đình qua Pháp chơi, việc đầu tiên Ngận phải làm là cạo râu. Mẹ anh nói: “Anh để râu, tôi nhìn cứ thấy sờ sợ. Như cái ông chủ râu xồm ấy. Nhìn bẩn mà khiếp lắm!”. Thật ra trước kia khi còn ở trong nước, Ngận đâu có để râu. Hai ngày, anh lại cạo râu một lần cho sạch sẽ. Qua lao động ở Đức, thời gian đầu anh cũng chưa để râu. Nhưng rồi những va chạm trong cuộc sống giữa anh và đồng hương người Việt, giữa anh và người bản xứ, đã cho anh nhận ra một điều: một người có ngoại hình hiền lành dễ bị ức hiếp hơn có một ngoại hình “dữ dằn”. Anh bắt đầu để râu từ đó. Không biết có phải vì gương mặt để râu nhìn khá “ngầu” của anh hay không, mà anh sống tự tin hơn, những người muốn “gây chuyện” như trước đó cũng giảm dần. Bây giờ nghe lời mẹ, Ngận cạo râu. Vợ anh tròn mắt: “Em nhận không ra anh!”. Cháu gái thì cười thật tươi: “Cháu được đi chơi với người cậu đẹp trai rồi”. Mẹ Ngận cũng cười: “Thế mới giống con trai tôi chứ!”. Chỉ có cha anh là không nói gì. Cũng chẳng hiểu ông nghĩ gì.
Từ Đức, Ngận cùng gia đình đi xe buýt qua Thụy Sĩ rồi từ đây lại đi tàu qua Pháp. Trên tàu, cha mẹ anh hỏi: “Liệu anh Ngận sắp xếp đưa cả nhà đi Ý được không? Mình là người Công giáo, trong đời cũng nên đến Vatican một lần cho biết, anh ạ”. “Dạ, để con tính. Vì nếu muốn đi xem Tòa Thánh thì phải cắt bớt thời gian ở Pháp”. “Thì cứ cắt. Anh định ở Paris bốn ngày phải không? Hai ngày được rồi!”.
Trên một vài đường phố ở Paris có điểm khác Đức đáng ngạc nhiên. Không chỉ cha mẹ Ngận trố mắt nhìn và tắc lưỡi, mà cả Ngận, cả cô cháu gái cũng lấy làm lạ.
– Chắc họ là người nhập cư – Ngận nói với cả nhà – Vì là người nhập cư bất hợp pháp nên họ buộc phải sống ngoài đường phố, đêm ngủ ở vỉa hè rồi cứ để chăn nệm tại chỗ ngày qua ngày… Lạ là cảnh sát cứ để họ sống như thế… Hay là chính quyền cũng chẳng còn cách giải quyết nào khác…
– Cháu nhớ lại lời mợ dặn – Nga thêm – Mình phải hết sức lưu ý những người này. Nhìn họ cứ thấy lo lo sao ấy. Tốt nhất là mình đi đứng thì nên tránh xa họ một khoảng cách nhất định cho an toàn, cậu Ngận nhỉ…
Ngay cả đường phố nơi Ngận thuê phòng khách sạn cho cả nhà ở sáng sớm ngày thứ hai cũng có chuyện lạ. Căn phòng nằm trên lầu ba, ở góc tòa nhà nhưng hành lang chỉ quay ra con đường phía trước. Paris cũng đắt đỏ như ở Đức. Chỉ ở hai ngày nên căn phòng thế này là vừa túi tiền. Cái giường đôi dành cho cha mẹ, cái giường đơn là của cháu gái, Ngận trải drap nằm ngủ dưới sàn. Hai đêm sẽ qua mau…
Là nghĩ, là nói thế thôi, chứ ngay đêm đầu tiên Ngận đã bị khó ngủ. Gần sáng, vừa chợp mắt được một lúc thì anh nghe có tiếng hát đâu đó, của nhiều người. Anh ngồi dậy, thấy ba người còn lại đang ngủ say nên nhẹ chân mở cửa ra hành lang nhìn xuống đường. Sáng sớm, đường còn vắng xe qua lại, không gian cũng còn lặng lẽ với những tòa nhà nhiều tầng cổ kính vẫn le lói ánh đèn vàng ru giấc ngủ sâu cho mọi người. Giữa giao lộ cách khách sạn chừng trăm mét, có một nhóm trên mười người mà dù từ xa, Ngận cũng thấy là người da màu. Họ đứng trên tiểu đảo trồng cỏ giữa đường, cứ khi thấy một chiếc xe, lớn hay nhỏ, đi ngang qua là họ hát vang, tay vẫy cờ Pháp bằng giấy, rồi hô to một hai câu khẩu hiệu. “Chắc là một nhóm biểu tình đòi nhập cư hợp pháp hay đòi có việc làm đây”. Mặt trời lên dần, trải ánh sáng lên đường phố. Xe cộ các loại qua lại nhiều hơn. Những tiếng hát vang gần như liên tục. Những lá cờ giấy được vẫy. Những câu khẩu hiệu được hô…
– Chuyện gì vậy cậu? – Nga ra hành lang tự lúc nào, hỏi.
– Một nhóm biểu tình – Ngận đáp hờ hững.
– Ở Việt Nam thế này là bị dẹp ngay…
– Luật pháp mỗi nơi một khác… Đây là nước Pháp mà…
Nắng rõ. Xe nhiều nhưng người đi bộ trên vỉa hè vẫn thưa. Duy đã có nhiều hơn những người đi xe đạp chạy xe rất nhanh trên làn đường dành riêng cho loại xe này, sát vỉa hè. Phần đường này không có ở Việt Nam nên từ lúc mới đặt chân tới Paris, mấy lần Ngận phải nhắc cha mẹ và cô cháu gái không đi trên làn đường này để tránh tai nạn không đáng có. Ở Đức, anh đã quen thuộc với chúng.
Nhóm người biểu tình cũng không còn đứng ở chỗ cũ. Họ băng qua đường, đi nối đuôi nhau trên vỉa hè phía đường đối diện với khách sạn một quãng rồi mới giải tán.
Hai cậu cháu trở lại phòng. Cha mẹ Ngận đã thức dậy, vệ sinh sáng xong. Mẹ Ngận hỏi:
– Chuyện gì ngoài ấy vậy anh Ngận?
– Dân nhập cư họ biểu tình…
– Chết! Có sao không?
– Mẹ đừng lo. Ở đây chuyện này là bình thường. Mà họ giải tán rồi…
Cha Ngận quan tâm đến lịch trình đi chơi:
– Hôm nay mình đi những đâu?
– Dạ, buổi sáng đi xem Nhà thờ Đức Bà Paris. Chiều thì đi xem tháp Eiffel.
– Hay đấy. Ở trong nước, tôi đọc tin nhà thờ Đức Bà bị cháy cả năm nay rồi, phần còn lại thế nào thì mình vẫn phải xem tận mắt một lần cho biết. Chỉ không biết người ta có cho mình vào xem hay không nữa?
– Có con sông Seine chảy qua bên ngoài khu nhà thờ đó ông bà! – Nga khoe hiểu biết.
– Ừ, ông nghe nói về con sông này từ lâu lắm rồi…
Cả nhà đi taxi đến Nhà thờ Đức Bà Paris. Chín giờ rưỡi sáng. Du khách không được vào phía trước nhà thờ. Mọi người phải đứng trước một hàng rào tôn nhìn vào và chụp ảnh kỷ niệm với mặt trước ngôi nhà thờ nổi tiếng vẫn còn nguyên vẹn. “Khu vực bị cháy là giữa nhà thờ. Mình đi qua đường phía bên kia sông mới thấy được”. Cả nhà đi theo Ngận. Mấy nhóm du khách khác cũng đi dọc sông Seine, lúc ấy có một chiếc du thuyền chở khách đi ngang qua.
Từ đầu cầu bắc ngang đường hông nhà thờ phía bên này qua bờ bên kia con sông nổi tiếng, mọi người xuống những bậc thang đến con đường nhỏ ven sông thì tìm được nơi ngắm nhà thờ bị cháy khoảng giữa. Đây cũng là vị trí chụp ảnh kỷ niệm với nhà thờ khá lý tưởng.
Cả cha mẹ Ngận cùng nhìn về phía nhà thờ, làm dấu Thánh. Rồi mẹ anh chép miệng:
– Sao họ có thể vô ý làm cháy ngôi nhà thờ cổ kính đẹp đẽ thế cơ chứ! Không biết bao giờ người ta mới sửa chữa xong…
Cha Ngận giọng tỉnh rụi:
– Thời buổi này chuyện gì người ta cũng làm được hết. Cả cái tòa nhà to lớn mà họ cũng dời đi hàng trăm mét xa chỗ cũ được, cứ như ông thần đèn trong chuyện cổ tích xưa vậy. Bà lo gì…
Bất chợt trên bầu trời phía bên kia nhà thờ xuất hiện một đám mây đen, lúc một sà xuống thấp. Nhìn cứ như có một đám cháy và khói đang bốc lên. Một cơn mưa bóng mây sẽ đổ xuống đằng ấy?!
– Cậu Ngận ơi, chụp cho cháu tấm ảnh này đi. Sẽ rất giống như cháu có mặt lúc nhà thờ bị cháy vậy!
– Làm gì có ngọn lửa mà nghĩ là nhà thờ bị cháy…
– Thì… là lúc đám cháy đã bị dập tắt và khói đen bốc lên vậy…
– Sao cũng nói được…
Ngắm cảnh, chụp ảnh chán, lại nghe ông bà ngoại hối thúc, Nga mới chịu leo lên đường. Cả nhà hướng về phía trạm xe buýt…
– Vẫn còn sớm, hay ta đi dạo phố một lúc rồi hãy về… – Nga đề nghị.
– Nhưng bà ngoại thấy mệt rồi – Cha Ngận nói – Có đi thì đi một đoạn ngắn thôi…
– Giờ này ở tiệm cơm, chắc mẹ thằng Tuấn và cô giúp việc đang bận lắm đây. Tội nghiệp…
– Mẹ ơi, mình đi chơi thì đừng nghĩ tới việc nhà nữa cho nó thanh thản cái đầu…
Bỗng phía trước, nơi vỉa hè có một nhóm thanh niên nam nữ mặc đồng phục áo trắng quần sậm, trên tay mỗi người đều có một tờ giấy và một cây bút bi. Không hiểu họ làm gì mà khách bộ hành nào đi tới cũng có một người tiếp cận. Cha Ngận có đến hai người đến gần, một nam một nữ. Ngận nghe ai đó trong đám thanh niên còn lại nói: “Chai nờ”. Chắc họ tưởng ba Ngận là người Hoa. Ông không hiểu mình được hay bị yêu cầu làm gì nên lắc đầu với cô gái. Rồi ông giật mình kêu to bằng tiếng Việt: “Mấy người làm gì vậy?”, khi bị chàng trai xô đẩy từ phía sau. Lập tức Ngận chạy tới bên cha, dùng cả hai tay xô cả cặp nam nữ kia ra khỏi cha để “giải vây”. Cả hai người trẻ kia cùng “Sorry! Sorry!” rồi quay lưng bước đi.
– Cha có sao không cha?
– Không sao cả…
– Thôi mình ra trạm buýt về khách sạn nghỉ…
Hai giờ chiều, để cha mẹ nghỉ ngơi cho thật khỏe, Ngận mới rủ mọi người đi xem tháp Eiffel. Lần này anh chọn phương tiện di chuyển là tàu điện. “Ừ! Đi cho biết” – Cha anh gật gù.
Chuyến tàu khá đông khách. Toa tàu mà cả nhà lên không còn ghế ngồi. Phải tới trạm kế tiếp, khách xuống, Ngân mới giành được hai ghế cho cha mẹ. Anh và Nga vẫn đứng gần cửa lên xuống. Anh quay lưng về phía cửa để trông chừng hai người già. Chợt thấy Nga ra dấu. Anh quay lại vừa gặp ánh mắt của người khách ngồi ghế ngay cửa lên xuống và anh hiểu ngay là anh ta muốn nhường chỗ cho mình. Anh ta đứng lên và Ngận ngồi vào chỗ của người khách lịch sự ấy, không quên nói “Thank you”. Mà xem ra, anh kia cũng đúng là một người lịch sự chứ không sai. Anh ta có mái tóc hoe vàng, gương mặt xương, da có chỗ đồi mồi, lại đeo cặp kính khá dày, đứng lên chuẩn bị xuống trạm kế tiếp – Ngận đoán thế – anh ta còn cẩn thận sửa lại cổ chiếc vest màu ngà đang mặc, cứ như một quý ông chuẩn bị lên sân khấu hay ra mắt người đẹp vậy. Tàu dừng, cửa mở, anh ta còn nhìn Ngận, cúi đầu chào trước khi bước xuống. Bây giờ Nga mới nói:
– Ông kia chắc là người Paris gốc. Lịch sự hết sức. Cậu Ngận nhỉ!
– Ừ! Chẳng bù với đám thanh niên hồi sáng. Càng khác xa với những người nhập cư bất hợp pháp ngủ vỉa hè…
Qua thêm hai trạm nữa thì đến trạm gần tháp Eiffel. Ngận đứng lên bảo mọi người chuẩn bị xuống. Anh dìu mẹ, còn Nga dìu ông ngoại. Cửa tàu mở. Cả nhà bước xuống trạm. Khi ra khỏi trạm tàu, Ngận nói với cha mẹ:
– Mình phải đi bộ một đoạn mới đến tháp. Nhưng cha mẹ cứ đứng đây. Nga cũng đứng đây coi chừng ông bà. Ngoài kia có taxi, để cậu đến thương lượng xem họ có chịu chở mình đi một đoạn ngắn hay không. Có khi mình phải trả gấp đôi tiền họ mới chịu chở…
Theo thói quen, Ngận thò tay vào túi quần bên trái của mình, nơi anh để chiếc ví có ít tiền lẻ. Anh giật mình khi bàn tay không chạm vào bất cứ thứ gì trong túi.
– Chiếc ví mất rồi! – Ngận thảng thốt.
– Sao? Mất ví à? Xem xem nó có bị rơi xuống đất không?
Chiếc ví đã mất thật.
– Trong ví có những gì?
– Chỉ có hai loại giấy tờ và mấy trăm Euro để tiêu vặt…
Mọi người cùng đứng lặng thinh. Lúc này trời có sập xuống thì cũng chẳng ai phản ứng gì.
– Chắc chắn là gã lịch sự đã nhường chỗ cho cậu rồi – Nga nói với giọng cả quyết – Đúng là không thể xem mặt mà bắt hình dong…
– Cháu đừng nói thế. Không khéo mình ngờ oan cho người ta thì sao – Mẹ Ngận thở dài – Như thế thì tội lỗi lắm đấy.
– Cũng phải – Cha Ngận thêm – Biết đâu anh Ngận làm rơi từ lúc ngồi xuống ghế… Thôi lỡ vậy rồi thì cứ coi như của đi thay người, chỉ không biết có ảnh hưởng gì tới chuyến đi không?
– Phải đấy! Mình còn phải đi qua Ý viếng Tòa Thánh nữa…
– Không sao đâu ạ. Giấy tờ tùy thân và thẻ ngân hàng, con không đem theo, vẫn để ở va li trong khách sạn…
Mọi người thở phào. Nga than thở:
– Sao hôm nay nhà mình xui xẻo quá vậy!
– Thôi, bỏ qua – Ngận đã lấy lại trọn vẹn bình tĩnh – Chuẩn bị mà ngắm tháp Eiffel… Thời tiết hôm nay lạ quá. Cứ sáng được một lúc lại âm u như sắp mưa…
Từ tháp Eiffel trở lại khách sạn, cả nhà lại đi taxi. Tàu điện ngầm bây giờ như một nỗi ám ảnh mà không ai muốn gặp lại nữa. Mẹ Ngận được ưu tiên tắm trước, kế là cha anh. Nga là người tiếp nối và cuối cùng là Ngận. Sáu giờ chiều nay, cả nhà đã phải có mặt ở sân ga để đáp chuyến tàu qua Ý rồi.
Mẹ Ngận tắm xong, đến cha Ngận. Ông tắm nhanh hơn, than lạnh và mặc vội cái áo thun trước khi mặc áo ngoài. Nga vừa khuất sau cánh cửa phòng tắm thì ngoài này cha Ngận bật kêu lên:
– Chết! Tờ hai mươi Euro anh Ngận cho tôi để tiện mua cái gì đó lặt vặt tôi để trong túi áo đâu mất rồi…
– Cha xem nó có rơi xuống nền nhà không?
Cả cha mẹ Ngận cùng đeo kính già nhìn xuống sàn phòng tìm tờ tiền. Ngận mở đèn điện thoại soi tìm kỹ hơn. Và chính anh kết luận: “Chắc chắn là hai đứa thanh niên dàn cảnh đụng chạm vào người cha ngoài đường khu nhà thờ Đức Bà đã thó trộm tiền trong túi áo ngực của cha rồi”.
Không ai phản đối kết luận của Ngận. Lúc Nga trở ra phòng, cô khẽ lắc đầu: “Ai mà ngờ!”.
Ngận ngồi phịch xuống chiếc giường lớn của cha mẹ, rồi nằm ngả ra, mắt nhìn lên trần căn phòng có la-phông thạch cao khá hiện đại và chiếc quạt máy cổ lỗ sĩ như đang “chửi” nhau. Hình ảnh những người da màu nhập cư bất hợp pháp ngồi trên “căn nhà chăn nệm” của mình nơi vỉa hè, đôi mắt trắng hơn cả màu trắng nhìn người qua lại, hẳn đang nghĩ đến một thân phận được công nhận và một cuộc sống ổn định, đủ ăn đủ mặc… Hình ảnh trẻ trung của những thanh niên nam nữ đồng phục áo trắng quần sậm với bề ngoài năng động là thế mà lại ẩn chứa đầy sự nguy hiểm cho người khác. Cuối cùng là anh chàng lịch sự “người Paris gốc”. Chắc lúc cúi chào Ngận để bước ra khỏi tàu điện, anh ta đã nghĩ: “Chào con mồi tội nghiệp của tôi nhé!”.
Ngận bật cười rồi ngồi dậy. Anh nói một mình: “Chắc sự thật không phải như mình nghĩ!”.
Mẹ anh ngơ ngác hỏi: “Anh Ngận nói gì thế?”.
Cha anh vẫn giọng tỉnh rụi: “Tí nữa mình lại đi taxi đến ga tàu chứ anh Ngận?”.
Nga đang kiểm tra va li hành lý của mình cũng góp chuyện:
– Trả tiền taxi mà thấy xót cả ruột gan.
Tàu đi từ Paris qua Ý là chuyến đường dài, lại chạy qua đêm. Trời Âu tối chậm, cứ phải sau chín giờ tối. Ngận ngồi nhấm nháp mấy cái bánh quy Pháp mà Nga mua, chia cho mọi người ăn đỡ đói. Anh nhớ hồi mình còn nhỏ, cha mẹ anh dạy anh gọi bánh mì là “bánh Tây”. Mà cái bánh nào cũng dài hàng nửa thước chứ không chỉ gang tay như bây giờ. Nhà nghèo nên hôm nào “sang” lắm, anh mới được ăn “bánh Tây” với nhân thịt, bì heo và rưới nước sốt. Còn thì chỉ là bánh và nước sốt. Cái thời nghèo khổ ở quê kéo dài đến khi anh trưởng thành đã khiến anh mất vợ, bây giờ chắc chắn không trở lại nữa. Lần này, sau khi tiễn cha mẹ và cô cháu về lại Việt Nam, anh cũng thu xếp dần để đóng cửa tiệm Cơm Việt, hoặc sang lại cho một đồng hương nào đó, yên tâm đưa vợ con hồi hương. Nhiều người thắc mắc sao anh lại làm cái việc ngược đời ấy. Bao nhiêu người muốn sống ở nước ngoài mà không được, còn anh thì lại muốn trở về. Biết sao được! Anh thèm ăn cà pháo mắm tôm, canh rau đay cua hơn các món ăn làm bằng bột mì và thịt nguội. Quan trọng là vợ anh cũng nghĩ thế. Chẳng thế thì làm sao có ý tưởng rồi có tiệm Cơm Việt.
Ngận dỗ giấc ngủ bằng cách mở máy ảnh xem lại những tấm ảnh chụp ở Paris hai ngày qua. Đến tấm ảnh chụp Nga với hậu cảnh là ngôi nhà thờ Đức Bà bị cháy, phía sau nữa, trên bầu trời là đám mây đen như khói, Ngận không khỏi giật mình. Trong ảnh, một luồng ánh sáng không biết từ đâu chiếu xuyên qua đám mây khiến nó sáng rực lên ở phía dưới, liền với hình ảnh nhà thờ, nhìn cứ như nhà thờ đang bị cháy!.
9/12/2022
Khôi Vũ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...