Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Đi tìm sông Trẹm ngày xưa

Đi tìm sông Trẹm ngày xưa

Sau khi đi Cao Lãnh thăm họ hàng bên ông ngoại về được mấy hôm, vợ chồng em út vẫn tiếp tục thảnh thơi rảnh rỗi nên bàn chuyện du ngoạn tiếp. Chưa có tháng giêng nào mà các em lại nhàn hạ như năm này.
Thế là chị em chúng tôi lại lên đường đi thăm chú thím bảy ở Cà Mau, nhân dịp ghé Thới Bình, là nơi tôi ra đời mấy chục năm trước, coi như cuộc hành hương tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Chú thím rất vui có con cháu đến thăm, chuẩn bị các món ăn chu đáo. Nhắc lại chuyện ngày xưa. Tâm lý chung. Cuộc đời dần thu hẹp. Khi xưa có những dự án hay kế hoạch tính bằng năm bằng tháng, giờ chỉ tính bằng ngày. Một ngày trôi qua bình yên thì mừng một ngày. Thế nên người ta có khuynh hướng muốn chia sẻ tâm tình trước đây cất giữ kỷ trong ngăn ký ức, giờ hộc tủ bỗng bật ra cho nỗi niềm tuôn trào không kìm nén lại.
Dọc đường đi Cà Mau chúng tôi thấy bảng chỉ dẫn đề Khu du lịch sinh thái sông Trẹm. Chợt nhớ nhà văn Dương Hà có viết quyển tiểu thuyết Bên Giòng Sông Trẹm. Tôi không biết nội dung viết gì nhưng đoán chừng ông kể lại một chuyện tình đẫm nước mắt lẫn ngọt bùi nào đó. Bèn đề nghị quay xe lại đi theo mũi tên vào thăm cho biết.
Đây là khu sinh thái thuộc U Minh Hạ khoảng 20 km toàn rừng tràm. Xe chạy theo con đường nhỏ tráng nhựa, từa tựa như lần chúng tôi đi Cao Lãnh vô vùng xoài thăm các dì bảy dì tám. Nhưng thay vì xoài, ở đây là tràm.
Cạnh đường có con kinh chiều rộng khoảng 3 m chạy song song. Hỏi thăm mấy công nhân đang đào đất có phải đó là sông Trẹm không, họ cười nói không phải đâu, đây là vùng sinh thái thôi. Hỏi có gì trong đó, họ nói là khỉ, cá sấu thôi à. Mùa hè mới có sen nở.
Cám ơn xong, đi tiếp đến cổng. Chẳng thấy bóng người lai vãng lẫn nhân viên nào hết. Thật sự hoang vắng nên chúng tôi trở ra.
Trót đến, thôi thì mấy chị em cũng leo xuống chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm. Lại được đứng giữa con đường làng hai hàng cây tràm dài hun hút hai bên chào đón.
Nhắc đến U Minh, khiến tôi liên tưởng đến Kinh Làng, Thứ Bảy thuộc U Minh Thượng. Đó là nơi xưa kia sau tháng tư năm 1975, kéo dài nhiều năm ròng rã má con tôi mỗi tháng một lần thay phiên nhau lặn lội xách giỏ thức ăn, khuya dậy sớm xuống bến đò Rạch Sỏi ngồi ghe máy qua khỏi sông Cái Lớn tới đầu kinh làng Thứ Bảy. Lên bờ, lần theo con đường đất mòn từ đầu kinh vô trại tù xa cả chục cây số để thăm nuôi ba và em trai bị khổ sai trong ấy. Chầu chực chờ nghe đọc tên đến phiên gặp mặt người tù khoảng nửa tiếng là hết giờ thăm. Lội bộ trở ra đầu kinh đón ghe máy thì đã xế chiều ai nấy đều lê lết rã rời về đến nhà cũng 9, 10 giờ tối.
Con đường gập ghềnh chỗ cao chỗ thấp, chỗ trũng nước ngập bùn trơn trợt, chỗ đá nhọn dễ té mà các bà mẹ, vợ, người yêu, con cái từng sắp hàng rồng rắn tay xách nách mang đồ tiếp tế cho hàng chục ngàn tù nhân, được gọi bằng cái tên văn vẻ là “học tập cải tạo”.
Ai đã từng đi qua đoạn đường này thì mới hiểu hết.
Ba tôi không nhắc nhiều về giai đoạn ấy, chắc không muốn làm chúng tôi đau lòng thêm. Nhưng tôi còn nhớ ba kể là ba nằm trong toán vài trăm người đầu tiên bị đưa xuống đó. Khởi đầu người hãy còn ít, rừng rậm dầy đặc nên muỗi nhiều không tả xiết. Mỗi ngày mọi người phải đi đốn gốc tràm về dựng lều trại, người đi sau không thể thấy lưng áo của người đi trước bởi hàng ngàn con muỗi bu đen kín,đậu cắn hút máu người tù gây bệnh sốt rét rất khổ sở.
Chúng tôi đến Thới Bình.
Tôi không nhớ hành trình vòng vo thế nào, vắn tắt là có chạy ngang qua con sông, hỏi một chú đi đường có phải đó là sông Trẹm, chú nói:
- Không phải, đây vẫn còn là sông Ông Đốc. Còn sông Trẹm từ sông Ông Đốc nối dài, ở đằng kia, phải đi thế này thế này…
Chú giải thích đường đi, em rể cám ơn. Chú còn vỗ vai Thành, cười nói:
- A, các cô cậu đi tìm “Bên Giòng Sông Trẹm” của nhà văn Dương Hà đây.
Nghe chú nói thấy lòng vui hẳn. Người của thế hệ chúng tôi vẫn nhớ những điều đã học, đã đọc của ngày xưa.
Rồi sông Trẹm hiện ra. Thành-em rể- cho xe chạy chầm chậm song song theo giòng. Đúng như em rể đã tả, mặt sông phẳng lặng gần như không chảy. Nước phù sa im lìm giống say ngủ dưới ánh nắng gay gắt chói chang. Tôi lẩn thẩn:
- Không biết nhân vật trong tiểu thuyết của ông Dương Hà cư ngụ ở đoạn nào. Giờ hai bên bờ nhà cửa san sát nhau hết rồi. Nơi nào cho họ hẹn hò nhỉ?
Chị hai chị ba cố bươi óc lần giở lại trang sách đời cách nay hơn nửa thế kỷ xem có còn nhớ chút gì không về vị trí căn nhà nơi hai chị từng sống mấy năm đầu đời. Tôi thì chẳng nhớ, bởi lúc đó mới được sinh ra còn ọ ẹ, khoảng thôi nôi thì ba tôi được bổ nhiệm về Xẻo Rô rồi.
Hai chị thay phiên nhau nói. Chị hai kể cái nhà chúng tôi sống–hay chính xác hơn là dinh quận trưởng - phải đi qua cây cầu nhỏ bắc ngang kênh mới đến chợ. Má thỉnh thoảng kêu chị hai theo xách giỏ tiếp chị Lành (người phụ việc) đi chợ, hôm nào cần phải mua nhiều thức ăn đãi khách.
Ngoài ra còn cái sân vận động lớn lắm ( tất nhiên so với một cô bé con thì cái gì cũng to lớn hết), chị hai thường dắt chị ba, đôi khi ẵm tôi theo đến sân vận động xem nhiều cô chú (chắc là các nam nữ quân nhân những hôm không phải phiên trực, gác) mặc đồ thể thao trắng tinh, mang giầy ba-ta trắng ra đây đá banh đánh vũ cầu thật vui nhộn.
Các chị còn nhớ thỉnh thoảng được chị Lành dắt ra sông Trẹm xem mấy chú trổ tài trượt bằng tấm ván có dây cột vào chiếc ca-nô kéo chạy băng băng trên mặt nước cứ y như trong phim ngoại quốc vậy. Hình ảnh các thanh niên mạnh khoẻ yêu đời lướt trên sông trông chẳng khác anh hùng nên chị cứ nhớ hoài đến tận bây giờ.
Ủa sao các chị nhớ hay vậy, chị nói:
- Ừ thì có những hình ảnh hay câu chuyện gì đó cứ khắc sâu vào tâm khảm mình rồi ngủ yên đó. Bỗng nhiên có dịp, ngăn ký ức mình bắt đúng tần số thì nó sẽ tái khởi động vậy.
Cây cầu. Sân vận động. Vậy thì đi tìm cây cầu bắc ngang kênh. Xong tới sân vận động.
Chúng tôi nhìn thấy sân vận động trước. Đảo tới đảo lui lát thì nhìn thấy cây cầu nho nhỏ đằng xa. Chắc là đây thôi. Thành, em rể lại gần. Cầu nhỏ quá, sợ xe qua không được nên chúng tôi cản: thôi đừng, lỡ cầu sập lọt xe xuống nước là tiêu.
Hay là thử tìm người tuổi cỡ ba má hỏi thăm chắc họ nhớ. Có lần chú bảy nói mấy năm trước những người dân Thới Bình mà chú có dịp gặp, đó là quê thím vẫn còn nhớ và nhắc đến ba tôi với lòng tôn trọng dù đã nhiều năm ba tôi không còn làm việc ở đó nữa.
Nghĩ vậy nhưng ngại nên chúng tôi không thực hiện. Mấy ai còn sống đến hơn 90 tuổi? Hơn nữa có khi tự chuốc rắc rối vì bỗng đâu kéo đi tìm dinh quận trưởng cũ, họ lại tưởng có ý đồ gì nữa.
Tần ngần trước cây cầu một lát, tiếp tục hay không tiếp tục? Đã chịu khó đến tận đây, đích cận kề rồi mà bỏ đi sao đành. Dùng dằng bàn tới bàn lui, sau cùng tôi đề nghị bỏ cuộc với lập luận là:
- Hơn nửa thế kỷ, cảnh đã khác nhiều, lại còn thay ngôi đổi chủ, ngày xưa gọi là dinh quận giờ kêu tên khác, rồi còn những thứ hoàn toàn lạ lẫm. Mình có đến thì cũng không nhận ra đâu, khỏi cần xem mất công bị thất vọng.
Chúng tôi quay xe ra. Mặt trời nghiêng dần về phía tây.
Câu chuyện đi tìm lại nơi tôi được sinh ra chỉ có vậy. Ít nhất, tôi cũng đã tới quận Thới Bình. Được nhìn thấy sông Trẹm hiền hoà. Cũng có cái nhìn bao quát về nơi tôi chào đời. Dù chẳng còn chút gì giống với ngày cũ, chắc chắn thế.
Thanh Hà
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...