Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Trở lại Đắc Lua

Trở lại Đắc Lua

Đã hai mươi bảy năm tính từ lần đầu đầu tiên tôi đến với Đắc Lua, mảnh đất địa đầu của tỉnh Đồng Nai. Ngày đó, đi từ Ban bảo vệ rừng cấm Nam Cát Tiên về Đắc Lua theo đường rừng, anh em kiểm lâm cho tôi mượn chiếc xe đạp bị xịt hơi bánh trước, phải lấy dây thun quấn quanh bánh xe để đi tạm. Vậy mà ngày đó tôi vẫn hoàn thành bài ghi chép, viết về con vượn Uyên ly nhà anh Ba Tòng. Bài viết sau đó được đăng ở tờ Sài Gòn Giải phóng và một vài tờ báo khác.
Hôm nay trở lại Đắc Lua, tôi được ngồi xe hơi có máy điều hòa mát lạnh. Xe chạy trên đường nhựa bon bon theo hướng Tân Phú – Lâm Đồng, đến ngã ba Đạh Tẻ thì rẽ trái “đi nhờ” qua địa phận Lâm Đồng độ năm mươi cây số rồi quẹo trái qua một cây cầu bê tông vĩnh cửu, hoành tráng, tức đã sang địa phận Đắc Lua – Đồng Nai.
Nói thiệt tình, sáu năm trước trong một đêm tôi đã được về Đắc Lua. Vâng. Chỉ một đêm thôi. Hôm đó tôi đi với Nhà Thiếu nhi Đồng Nai cùng nhà văn Khôi Vũ, anh đi tặng sách cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Sáng hôm sau đã phải rời Đắc Lua. Lần đó, trước khi về thành phố, tôi vẫn kịp chạy bộ qua nhà anh Ba Tòng để thăm ảnh. Cơ duyên là thế này, đêm đó tôi, anh Khôi Vũ được xã bố trí nghỉ tại nhà anh Nguyễn Văn Nhì, phó chủ tịch xã. Sáng ra nghe tiếng vượn hú, tôi giật mình vì trong tâm thức vẫn nhớ anh Ba Tòng và chú vượn năm nào… bèn hỏi người nhà thì được biết tiếng vượn kêu là của nhà ông Ba Tòng. Tôi suy diễn và hỏi, có phải nhà ông Ba Tòng không? Bảo đúng.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Uống với anh vài ly trà, tôi phải chạy vội ra bến phà. Lúc đó, muốn qua sông phải “lụy phà “. Con phà là quà tặng của một anh bộ đội Đoàn 600 tặng nhân dân Đắc Lua. Con phà không dùng tay chèo hay máy nổ, mà dùng phương pháp phân tích lực vecter của dòng chảy. Phà được nối bằng một sợi dây cáp với một sợi cáp nữa căng ngang sông. Nước chảy xuôi với một lực đủ để sợi cáp căng ra, con phà cứ thế trượt lên. Tất nhiên nó lao về phía trước, cập bến  theo nguyên lý đó. Nhưng hôm nay như đã nói ở trên, cây cầu Đắc Lua với tổng kinh phí 59 ngàn tỷ đồng do tỉnh và huyện đầu tư, bắc qua sông Đồng Nai, nối Đắc Lua với thế giới bên ngoài đã như một kích hoạt quan trọng giúp kinh tế, xã hội của xã phát triển.
Đắc Lua có trên 850 ha trồng lúa hai vụ. Buổi chiều, đi trên những con đường nội đồng bằng bê tông, ngắm nhìn thảm lúa bát ngát cò bay không kém phần mỏi cánh, hương lúa đằm sâu trong ngực, lòng tôi không khỏi mừng vui và cảm phục bàn tay cần cù, sáng tạo của bà con.
Hai mươi nhăm, ba mươi năm trước đây là những bàu, bưng ngập tràn cây ma dương, một loại cây hoang dã gai nhọn tua tủa. Nhìn mà phát ngán. Rồi cỏ năn, lác mọc ken dày, nơi trú ngụ của các loài chim nước. Theo các anh lãnh đạo của xã, khi bà con nhập cư vào tới đâu, cây ma dương, cỏ lác lui dần tới đó. Bà con nhập cư đã bứng đi hàng ngàn, vạn gốc ma dương, bàn tay họ tứa máu, găm đầy gai nhọn để hôm nay những cánh đồng bát ngát hai vụ lúa ăn chắc hiện ra. Theo anh Trương Văn Oanh, phó chủ tịch xã, lúa ở đây cho sản lượng 5,5 đến 6 tấn/ ha. Còn theo anh Hải chủ tịch, ở đây bà con  một năm làm đến 2,5 vụ. Tôi bèn nhẩm nhanh trong đầu, 850 ha nhân với 5 tấn, với 2,5 vụ, một sản lượng lúa không hề nhỏ.
Không chỉ có lúa, diện tích và năng suất về bắp ở Đắc Lua cũng là những con số ấn tượng đáng nể. Theo anh Chuyên, phó bí thư xã cùng anh Oanh phó chủ tịch, tổng diện tích trồng bắp của xã là 1400 ha. Bắp ở đây bà con cũng thâm canh 2,5 vụ/ ha. Tương tự như lúa, 1400 ha nhân với 8 tấn/ vụ. Thật là một con số “khủng”, 28.000 tấn. Có lúa ăn dư dả quanh năm, với sản lượng bắp khổng lồ. Chăn nuôi hộ gia đình, tiểu trang trại phát triển. Đời sống dần khấm khá. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn, của để. Ti vi, xe máy là chuyện nhỏ. Gia đình ít thì hai xe, gia đình nhiều thì năm, sáu xe máy các loại. Từ khi có cầu Đắc Lua, số xe vận tải nhẹ loại 2,5 tấn tăng vọt lên, toàn xã có đến hàng chục chiếc.
Đắc Lua là vùng đất phù sa cổ, hàng năm hứng được hàng ngàn tấn phù sa từ thượng nguồn đổ về làm tăng lên độ phì nhiêu của đất. Vậy làm thế nào để phát huy thế mạnh này, nếu không mãi chịu yên tâm với cây lúa, cây bắp như hiện nay? Đó chính là trăn trở của lãnh đạo và nhân dân ở đây.
Bài toán về tái cơ cấu giống cây trồng và chăn nuôi gia súc được đặt ra nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Nhưng đầu tư một ha trồng cây ăn trái như xoài Đài Loan, chuối Mê-hi-cô.v.v… số vốn đầu tư gấp 10 lần một hecta lúa. Lượng sức mình, bà con đầu tư trồng cao su tiểu điền, điều, mía v.v… Dưới tán cao su thả bò, dê. Cá biệt có hộ đã có đàn bò, dê gần cả trăm con. Có những gia đình có thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi đến hàng trăm triệu một năm. Nhưng cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu vẫn chưa là thế mạnh của Đắc Lua. Từ mười lăm, hai mươi năm trước, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã xuất hiện ở đây. Bà con nhập cư từ Hải Dương, Hà Tây quê lụa vào đến Đắc Lua mang nghề truyền thống vào theo. Biết tôi muốn đi thăm những cánh đồng dâu, các anh trong Ủy ban cử Quách Tiến Nam, một cán bộ trẻ chở tôi đi bằng xe máy.
Những nương dâu bát ngát xanh, rộng đến hàng trăm mẫu của bà con ấp 2, ấp 6 càng làm cho cảnh quan sinh động, có sức gợi về một vùng quê thanh bình. Các cô gái có chiều cao khiêm tốn đứng chỉ xem xém lưng thân cây, phải vít cây xuống dùng một loại dao hái cực sắc, phạt ngang thân. Dâu được bó thành bó chuyển về nhà cho tằm ăn. Tại sao không phải thái lá dâu nhỏ ra mới rắc vào nong cho tằm ăn? Anh Dương Hữu Sanh, người gốc Hưng Yên cho biết, đây là giống tằm lai. Giống tằm này rất khỏe, đã phù hợp với điều kiện sinh trưởng ở đây. Lá dâu cũng không phải thái nhỏ như kiểu nuôi tằm bản địa, mà cứ đặt nguyên cành dâu vào, chỉ vài mươi phút là tằm ăn hết ngay. Thấy lá dâu to bàn bạt như bàn tay, lại dày, tôi hỏi anh Sanh, đây là giống dâu gì?
Anh Sanh cho biết, giống dâu này nhập từ Trung Quốc đã được lai với dâu bản địa từ hai mươi năm nay. Cây dâu phát triển tốt với thổ nhưỡng Việt Nam, tiêu biểu như vùng đất màu mỡ Cát Tiên. Giống tằm và giống dâu cho sản lượng kén gấp ba, bốn lần kén của tằm trong nước. Kén có màu trắng. Sợi tơ dai và rất dài. Một kén này cho 1200 mét, trong khi một chiếc kén của tằm trong nước chỉ cho 700 mét. Tôi hỏi anh Sanh, hiện nay bà con ở đây đã tự túc được nguồn giống chưa? Câu trả lời là không. Anh Sanh dẫn tôi vào những gian phòng được buông màn kín và giới thiệu những nia tằm giống đang trong giai đoạn chăm sóc như tằm ăn một, ăn hai của ta. Anh còn cho hay, hơn hai mươi năm trước Bộ Nông nghiệp đã nhập chính ngạch trứng tằm Trung Quốc về ươm. Tằm có nở nhưng nở không đều, rồi chết. Bà con ở đây đã tự lo liệu bằng cách sang tận Quảng Đông mua theo đường tiểu ngạch. Tằm giống mua về đủ cung cấp cho các hộ ấp 2, ấp 6 và toàn xã. Anh Sanh lại cười vui và cho biết, nếu đợi nhập tằm qua đường “chính ngạch”, thì phải qua hơn hai mươi ngày với nhiều giấy xin phép nhiêu khê. Trên đường về Việt Nam, tằm đã nở. Tức là tằm vừa đi vừa nở. Về đến nơi, tằm đã chết, vì không được ăn lá dâu ngay khi nở.
Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ… Đó là câu ca xưa với nghề chăn tằm truyền thống. Chăn tằm ở Đắc Lua không phải lo mưa nắng, gió Đông lúc tằm đang nhả tơ xây kén, mà lo canh cánh lỡ một mai “khó về tằm giống” từ đường tiểu ngạch? Nhưng đó chỉ là nét “lăn tăn” thoáng qua. Kẻ mua người bán từ hai mươi năm nay đã có chữ “tín”. Bà con Quảng Đông cần bán được tằm giống. Các hộ như anh Sanh cần mua. Giá cả hợp lý, đôi bên cùng có lợi. Vậy là OK. Bằng chứng là nghề tằm ở Đắc Lua ngày càng ổn định, phát triển. Tôi hỏi anh Dương Hữu Sanh, thu nhập từ chăn tằm một năm được 500 triệu không? Anh gãi tai, cười: Không tới. Độ gần 200 thôi.
Tôi đến hộ ươm tơ nhà anh Nguyễn Văn Lành. Anh Lành gốc Hà Tây cũ, là cựu chiến binh, thành dân bản địa từ năm 1984. Anh không chỉ nuôi tằm, mà còn là đại lý thu mua kén của bà con. Hai máy ươm tơ tạo việc làm cho gần hai mươi lao động. Bình quân 5 triệu đồng một người/ tháng. Nhưng thợ chính phải 10 triệu đồng/ tháng. Hỏi mức thu nhập một năm sau khi trừ hết đầu vào? Anh Lành cũng cười cười: “Dạ, cũng được khoảng vài bốn trăm… hì hì.” Vẫn cười. Cái cười của một nông dân đã ăn nên, làm ra, chân thành nhưng tự tin. Tự tin vì đã trải bao mưa nắng, bầm dập trên đồng ruộng, nay mới tìm ra và ổn định với cây dâu, con tằm để khởi nghiệp.
Thế là sau cây lúa, cây bắp đến cây dâu, con tằm là những điều giúp Đắc Lua đi lên, đạt chuẩn xã Nông thôn mới. Khi đời sống kinh tế phát triển, lập tức kéo theo sự đi lên của đời sống văn hóa. Đem nhận xét đó, tôi hỏi anh Hải, rằng phải chăng kinh tế phát triển chính là điều kiện tiên quyết, là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của xã? Đúng vậy anh ạ, anh Hải tán đồng và bổ sung, nghị quyết của Đảng ủy phù hợp với lòng dân. Từ lâu, người dân trong xã đã muốn Đắc Lua cần được phát triển mọi mặt để đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Nhà văn Lê Đăng Kháng nhận giải xuất sắc nhất viết về Đồng Nai trong Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần II năm 2022
Đến Đắc Lua hôm nay, cảnh quan đã mười phần thay đổi. Đường xá phong quang, sạch đẹp. Hai bên đường cây xanh đang vươn lên giao tán, thay cho những con đường ổ trâu, lầy lội năm xưa. Những căn nhà xây hai, ba tầng mọc lên. Cửa hiệu tạp hóa, shop thời trang, nhà hát karaoke, điểm truy cập Internet, đủ cả. Ta có cảm giác như mình đang đi giữa lòng một thị trấn chứ không phải một xã vùng sâu nữa. Giao thông ví như mạch máu trong cơ thể người. Giao thông ở Đắc Lua, một xã vùng sâu càng chứng minh điều đó.
Khoảng trên 80 km từ đường trục liên xã, tỏa về các xóm ấp, nối liền với đường nội đồng, tạo thành một thế liên hoàn, được bê tông hóa theo chuẩn Quốc gia phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống dân sinh rất hữu dụng. Hệ thống tưới tiêu được kiên cố hóa đến 85%, phục vụ đắc lực cho cây lúa, cây bắp năm hai mùa tươi tốt. Mặc cho mưa nắng, trẻ con đi học, người lớn đi làm, cưới xin, thăm hỏi lễ tết đề huề, vui vẻ. Những khó khăn, trở ngại về giao thông chỉ còn là kỷ niệm của thời quá vãng. Tưởng cũng cần nói về tổng kinh phí cho công việc trên để thấy được sự quan tâm xứng đáng của Nhà nước và đóng góp của sức dân. Đó là con số: 27.653.351.746 đồng. Đắc Lua có một chợ mang tên xã. Chợ nhà lồng hiện đại bán từ cây kim đến hàng điện máy. Tổng kinh phí: 1.607.320.000đ. Những gì chợ huyện có, ở đây đều có. Từ khi có chợ, giao thương hàng hóa tấp nập, thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp càng phát triển. Đời sống thực chất của người dân được cải thiện rõ rệt. Bình quân thu nhập hộ gia đình là 35 triệu/năm. Trạm xá xã cũng là một điểm sáng về công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Bác sỹ Lê Thị Yến, trạm xá trưởng, được địa phương cử đi học. Bác sỹ Yến là bác sỹ nội, ngoại khoa lại biết cả siêu âm, được bà con quý mến.
Trẻ em dưới sáu tuổi 100% được vào lớp 1. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chỉ còn 12,5%. Niên học 2015 – 2016, học sinh THPT đạt tốt nghiệp trên 90%. Đắc Lua có 1539 hộ gia đình với trên 6000 nhân khẩu, hiện chỉ còn 172 hộ nghèo và cận nghèo chiếm 11,17%. Số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa chiếm 98%. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn Quốc gia ở Đắc Lua, không có tiêu chí nào được xem nhẹ. Mọi tiêu chí đều có sức gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, tạo tiền đề để Đắc Lua phát triển. Nhưng việc xác lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch vẫn là yếu tố hàng đầu. Chính vì vậy mà Đắc Lua mới có sự phát triển về kinh tế xã hội như hôm nay.
Bên cạnh yêu cầu về đời sống kinh tế – văn hóa, đời sống tâm linh cũng được lãnh đạo xã quan tâm, tạo điều kiện để bà con thực hiện. Đó là nhà thờ, giáo xứ Đắc Lua, tịnh thất Diệu Nghiêm được xây dựng bằng tiền, công sức của giáo dân và bà con Phật tử để người dân có nơi hành lễ, thờ cúng theo tín ngưỡng của mình.
Tiễn chúng tôi bằng chén rược quê đậm chất vùng sâu, trong một quán bình dân, tôi nhận ra đội ngũ cán bộ xã ở đây hầu hết còn trẻ. Nói “trẻ” cũng một phần vì tác phong của họ rất trẻ. Hỏi ra mới biết, hầu hết họ đã qua Đại học. Chỉ riêng anh Hải hơi “cứng” một chút về tuổi tác, nhưng vẫn chưa quá năm mươi. Bù lại, anh khá vui tính. Anh bảo, xã mời chúng tôi một bữa cơm rau. Nói rau chứ thực ra vẫn có cá. Cá trắm ở sông Đắc Lua thịt chắc và thơm chứ không như cá lồng người ta bán ở chợ. Hỏi bí quyết về thành công như hôm nay Đắc Lua có được, anh Hải nói, chính là nhân dân. Nhân dân trong xã có sức mạnh to lớn biến nghị quyết của Đảng ủy thành hiện thực, nếu cán bộ có năng lực, gương mẫu biết truyền cảm hứng cho họ. Thế mới biết, những vấn đề, những bài học quý về kinh nghiệm gắn bó giữa lãnh đạo với nhân dân vẫn mới và mãi mới cùng với thời gian.
Mai tôi rời Đắc Lua. Trong đêm, tôi vẫn một mình đi tản bộ để hưởng không khí trong lành của một xã vùng sâu. Điện vẫn sáng từ trong nhà dân hai bên đường hắt ta. Người và xe ở đây đi lại “ôn hòa” hơn, không như vùng phố thị phồn hoa chen lấn. Tiếng Thác Trời lúc xa, lúc gần vọng về. Nơi đó, từng thấm máu bao chiến sỹ Giải phóng năm xưa. Từ một quán Karaoke, một giọng nam cao vút lên: “… Con nước trong về miền Đông con nước đỏ, con nước đỏ nhuộm hồng đã bao đời. Ruộng lúa lên xanh nhờ người nhanh tay bón… Trong từng con người cũng thấy ơ… những niềm tin… Tổ quốc ơi! Ta yêu người mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta xây lại bằng mười… Từ trận thắng hôm nay…” Phải. Người dân Đắc Lua yêu Tổ quốc bằng cây lúa, cây bắp, con tằm và những nương dâu. Tình yêu Tổ quốc, qua bài hát nghe ở đây, lúc này, sao có sức lan tỏa khác thường. Mai tôi rời xa Đắc Lua. Âm hưởng của bài hát, cùng những gương mặt bà con ở đây, chắc còn ám ảnh tôi mãi…
13/12/2022
Lê Đăng Kháng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...