Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

 

“Đỉnh núi” cô đơn của Phong trào Thơ Mới

Hàn Mặc Tử là một “ca” đau đầu cho các nhà nghiên cứu văn học. Năm 1942, Hoài Thanh than thở: “Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mặc Tử… Và tôi đã mệt lả” (“Thi nhân Việt Nam”)…

Hàn Mặc Tử là một “ca” đau đầu cho các nhà nghiên cứu văn học. Năm 1942, Hoài Thanh than thở: “Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mặc Tử… Và tôi đã mệt lả” (“Thi nhân Việt Nam”). Thế giới thơ ca Hàn Mặc Tử như một mê cung: Từ thơ Đường luật, rồi thơ lãng mạn, tượng trưng và chớm sang siêu thực; hệ chủ đề cũng quá rộng: Tả cảnh, thơ lãng mạn “anh anh em em”, thơ “đau thương” với những hình tượng kinh dị và kết thúc là chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiên chúa giáo.

Trong tương lai, những phương pháp phê bình mới tiếp tục khám phá ra chiều kích mới thơ ca Hàn Mặc Tử. Còn bây giờ, dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hàn Mặc Tử trùng với cái mốc 80 năm Phong trào Thơ Mới (1932-2012) ra đời, vị trí Hàn Mặc Tử trong phong trào thơ ca cách tân nhất ở Việt Nam ra sao? Và quan trọng hơn, thơ Hàn Mặc Tử thực sự đã để lại kinh nghiệm nghệ thuật gì cho hậu thế? Làm rõ hai câu hỏi này, sẽ góp phần khẳng định ông có phải là một thiên tài thơ ca thực sự hay cái danh hiệu trên chỉ là do những người quá yêu mến ông tôn vinh, trong đó có ông bạn thân Chế Lan Viên quả quyết vào năm 1942 rằng: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.

                                                ***

Khoảng năm 1930-1931, Hàn Mặc Tử đã nổi danh với bút hiệu Phong Trần do được cụ Phan Bội Châu (1867-1940) khen ba bài thơ Đường luật là “Thức khuya”, “Chùa hoang” và “Gái ở chùa”. Hai câu trong bài thơ “Thức khuya”: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”, báo hiệu một tài năng thơ ca đi rất xa. Thơ Đường luật nói chung không chỉ bó buộc nhà thơ trong niêm luật chặt chẽ mà trong tư tưởng khi cái tôi cá nhân bị hạn chế rất nhiều. Hàn Mặc Tử sử dụng những từ ngữ gợi cảm, ẩn dụ nhục thể, khác xa với kiểu thơ thanh cao cổ điển theo tư tưởng Nho giáo.

Những bài thơ Đường luật có hơi hướng hiện đại của Hàn Mặc Tử đã bác bỏ một nhận định sai lầm lâu nay: Thơ Mới Việt Nam là “con đẻ” của thơ Pháp! Không riêng gì Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu (1916-1985) được xem là nhà thơ tiêu biểu của Phong trào Thơ Mới cũng tập tành làm thơ bằng các thể thơ có niêm luật. Những nhà thơ mới kiệt xuất nhất đều là những người hiểu biết khá sâu thơ ca dân tộc. Nhờ được học dưới mái trường Pháp-Việt cộng với sự liên thông tư tưởng giữa Đông Dương và thế giới thời đó mà lớp nhà thơ như Hàn Mặc Tử tiếp thu trực tiếp tinh hoa văn hóa của Pháp. Thế hệ này được mệnh danh là những “ông Tây An Nam” đã khai sinh Thơ Mới với kỹ thuật làm thơ “đặc Pháp” nhưng không mất đi hồn điệu tình tự của dân tộc.

Việc Hàn Mặc Tử chuyển sang làm thơ trữ tình lãng mạn không có gì là khó hiểu vì Phong trào Thơ mới đã phát triển mạnh. Tập thơ “Gái quê” ra đời tháng 10.1936, có thể xếp vào hàng hay nhất trong những tập thơ lãng mạn cùng với “Mấy vần thơ” của Thế Lữ, “Thơ thơ” của Xuân Diệu. Tính trữ tình lãng mạn thể hiện cao độ ở cảm xúc mạnh mẽ của cái tôi cá nhân với những chủ đề gây xúc động là tình yêu: “Với ngày xanh hờ hững/ Cố quên tình phu thê/ Trong khi nhìn mây nước/ Lòng xuân cũng não nề…” (Tình quê).

***

Nếu như chỉ dừng lại với “Gái quê”, vị trí của Hàn Mặc Tử trong Phong trào Thơ Mới chỉ xếp ở “hạng hai” như lời phê bình ẩn ý của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”. Khi bệnh phong phát lộ phải sống cô đơn và thất tình liên tiếp khiến thơ Hàn Mặc Tử thay đổi đột ngột 360 độ với tập thơ “Đau thương” (tức “Thơ điên”). Tập trung ở phần III “Máu cuồng và hồn điên” là những hình tượng kinh dị lặp lại: “Máu”, “hồn” và “trăng”.

– “Hồn là ai? Là ai! Tôi không hay/ Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay/ Hồn mệt lả còn tôi thì chết giấc”. (Hồn là ai)

– “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng)

Trường hợp bệnh hoạn của Hàn Mặc Tử được nhiều người lấy làm ví dụ cho mệnh đề nổi tiếng “Văn là người” của Buffon. Bệnh tật chắc chắn khiến thơ Hàn Mặc Tử thay đổi chủ đề; nhưng không chắc khiến biến đổi thơ Hàn Mặc Tử từ trữ tình lãng mạn chuyển sang địa hạt thơ ca chủ nghĩa tượng trưng (symbolisme). Biết bao người dùng nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau nhưng để thay đổi phong cách nghệ thuật triệt để như Hàn Mặc Tử thì không có nhiều. Và nếu không mắc bệnh, có thể thơ Hàn Mặc Tử cũng sẽ dần chuyển sang chủ nghĩa tượng trưng theo cách “hiền lành” hơn và biết đâu sẽ cho ra đời những câu thơ mênh mang tính nhạc và ngập tràn thủ pháp “cắt dán” như Bích Khê (1916-1946) trong bài thơ “Tỳ bà” nổi tiếng: “Vàng sao nằm im trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây/ Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề/ Hoa vừa đưa hương gây đê mê…/ Buồn lưu cây đào xin hơi xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân/ Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”.

Thơ tượng trưng chống lại thơ ca lãng mạn quá thiên về tình cảm, chống lại sự lô-gíc, chống lại thơ hiện thực, đề cao ý nghĩa cuộc sống nội tâm sâu kín; đặc biệt nó đề cao tính nhạc, sự khơi gợi từ ngữ. Trên nền tảng tinh thần tượng trưng nhưng hoàn cảnh bệnh tật và truyền thống thơ ca cổ điển ước lệ đã khiến trong thơ Hàn Mặc Tử đầy rẫy các hình ảnh (đặc biệt là trăng) bị bóp méo, bị nhân cách hóa theo hướng bệnh hoạn, trở nên hư ảo độc đáo:

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Tên thánh rửa tội là Phê-rô (Pierre), tên thánh thêm sức là Phan-xi-cô Xa-vi-ê (Francois-Xavier). Tháng 6.1926, sau khi cha mất, gia đình dọn về Quy Nhơn (Bình Định). Sau đó, ra Huế học Trường Pellerin (1928-1930). Theo người em Nguyễn Bá Tín, sau lần bơi xa ra biển, suýt chết đuối, Hàn Mặc Tử trầm lặng hơn, có vẻ đau yếu, gia đình nghi ông mắc bệnh tâm thần. Năm 1936, bệnh phong phát rõ hơn. Gia đình muốn giấu, chữa chạy riêng, tìm đến các thầy thuốc bắc. Thuốc của vài lang băm đã khiến bệnh trầm trọng phải vào bệnh viện phong Quy Hòa. Hàn Mặc Tử mất ngày 11.11.1940.

– “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” (Đây thôn Vĩ Dạ)

– “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy mình lốm đốm những hào quang” (Ngủ với trăng)

– “Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng thiên/ Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên” (Trăng tử tự)

“Đau thương” còn là tập thơ ít nhiều chạm đến bến bờ của chủ nghĩa siêu thực (surréalism) với những câu thơ như: “Mới lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni cô” (Huyền ảo). Chủ nghĩa siêu thực đề cao lối viết tự động như một cách thức sáng tạo trong khi đang mơ; vì thế nó tạo ra những câu thơ vừa phi lô-gíc, vừa phá vỡ cú pháp thông thường dựa trên những liên tưởng bất ngờ. Đến đây, thơ Hàn Mặc Tử thực sự là “đỉnh núi” cô đơn của Phong trào Thơ Mới khi đưa thơ Việt Nam đi xa trên con đường hiện đại hóa; bởi thời điểm này chủ nghĩa siêu thực cũng mới bắt đầu thắng thế trên thi đàn Pháp.

Những tác phẩm tiếp theo của Hàn Mặc Tử là “Xuân như ý”, “Thượng thanh khí”, “Cẩm châu duyên” thấy rõ tư tưởng cứu rỗi của Thiên Chúa giáo. Và nhiều người cho rằng, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ Thiên Chúa giáo. Vấn đề này có lẽ cần phải được nghiên cứu sâu hơn; nhưng trước mắt, cách đọc của Đỗ Lai Thúy trong cuốn “Mắt thơ” là khá hợp lý khi ông cho rằng: Tư duy tôn giáo mới là niềm động lực sáng tạo để Hàn Mặc Tử dựng lên một thế giới vô thường tinh khôi như lúc khởi đầu của trời đất; qua đó cứu rỗi thể xác đau khổ của nhà thơ.

***   

Không còn nghi ngờ gì nữa khi Hàn Mặc Tử quả là thiên tài bởi sức sáng tạo vô bờ bến, ông đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật mà phần đông thi sĩ đương thời không bao giờ đạt đến. Đó cũng là lý do vì sao các nhà phê bình và nhà thơ có tiếng trước năm 1945 không thể hiểu nổi thơ Hàn Mặc Tử vì tư duy nghệ thuật của họ chỉ dừng lại ở chủ nghĩa lãng mạn!

Bài học Hàn Mặc Tử để lại là thơ ca không phải trò chơi thuần túy mà là một một lao động nghệ thuật. Thơ ca không chỉ có kỹ thuật mà cần có tính tư tưởng mới có thể cất cách!.

23/12/2022

Trần Hoàng Hoàng

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...