Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Tiếng vọng đêm - Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Tiếng vọng đêm
Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Nhà văn Nguyễn Duy Hiến còn ký bút danh Duy Hiến là cây bút giàu năng lượng ở Bình Phước, vừa đoạt Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần II năm 2022 với truyện ngắn Tìm về dưới gốc tiêu xanh. 
Ông sinh năm 1959, quê quán xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện sống tại ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Các tác phẩm của Nguyễn Duy Hiến đều do NXB Quân Đội Nhân Dân ấn hành: Tiểu thuyết Những ngày thơ ấu chưa xa (2015), tiểu thuyết Đêm cháy (2021), tiểu thuyết Phận trăng (2022), tập truyện ngắn Hai cơn bão (2017). Tiếng vọng đêm là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Duy Hiến, Vanvn.vn xin giới thiệu đến bạn đọc.
Tư Bụng đẩy máy phóng1 xuống chẹc2 rồi nhảy lên bờ tháo dây buộc. Quân kéo hai bửng cầu chẹc lên rồi ra sau quay máy. Tiếng máy dầu nổ bùm bùm đùn lên từng xoắn khói đen trắng. Quân cầm lái hướng chẹc chở máy phóng ra kênh Tứ Thường.
– Ngày nay mình chạy gần 20 công. Lúa đông xuân nhẹ máy, phóng cũng lẹ. Ông phải xác định đứng máy gần suốt đó nghe, nước thuốc có Tư Bụng lo…
Tư Bụng nói và nhìn Quân cười cười, hàm răng ố vàng do bám khói thuốc lâu ngày. Là chủ nhưng Tư Bụng ít đứng máy mà giao hẳn cho Quân. Tất thảy từ việc đứng cho máy ăn, đến giữ máy phóng nằm lại ở đồng. Nhà Quân ở Bình Phước, cứ tới mùa lúa chín lại khăn gói về xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đi máy phóng lúa mướn. Có năm đó, máy phóng  đặt làm ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã cũ, răng đập lúa bị mòn, lúa theo rơm ra ngoài nhiều. Mấy người theo hứng rơm lấy lúa vui ra mặt, một cà lan3 hai công dồn lại phóng ra rũ rơm được cả giạ lúa chứ không ít. Chủ ruộng nhăn mặt, ít người kêu phóng. Vụ lúa đó Quân chỉ được 20 giạ, tiền đò, tiền xe, tiền quán xá còn lại đem về nhà chẳng được mấy. Lúc giao mùa, Quân về nhà Tư Bụng, hai người chạy chẹc về Cầu Xéo, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đặt làm máy phóng ở cơ sở Tư Sang nổi tiếng máy phóng không ra lúa, thùng đẩy không phải tháo ra từng bộ phận khiêng lên xuống chẹc như một số máy phóng của các cơ sở khác. Ngày làm việc Quân đứng máy hàng giờ mà không mỏi chân. Có mỏi chân này thì anh đổi sang chân kia hay đứng đều hai chân. Công vác lúa đến để lên bàn ăn cao ngộn, nhưng Quân vẫn giữ được miệng thùng để liên tục đẩy lúa vào đều. Tư Bụng đưa tay lên trán che sáng nheo mắt nhìn họng máy phóng rơm ra dày rơi xuống mặt ruộng thành đụn mà không thấy lúa chắc theo rơm tẻ ra. “Đấy, mọi người xem, máy phóng Tư Sang có khác. Phóng rơm không ra lúa. Vì lúa chắc hạt thường không theo rơm mà tẻ ra ngoài xa hơn”. Nói rồi Tư Bụng lấy cái thúng úp hờ họng rơm thử, đưa xuống hai tay rũ rũ vứt rơm ra ngoài đáy thúng chỉ trơ lại ít lúa lép. Từ đó về sau năm nào thùng phóng nhà Tư Bụng cũng nhận ruộng không kịp làm, các chủ ruộng đăng ký ngày nhiều thêm. Mỗi vụ lúa đi theo máy phóng Quân thu nhập hàng chục giạ.
Tư Bụng và gia đình yêu quý Quân lắm vì có tính chịu khó, hiền lành. Cô em gái Tư Bụng mỗi khi ra ruộng phóng lúa nhà, nhìn Quân vẻ thinh thích. Sau buổi đi đồng về sớm, Quân không nghỉ ngơi mà lấy búa bửa gốc củi tràm. Đẹp trai, trắng trẻo, Quân cởi áo ngoài, lưng trần, bụng thót, ngực nở, hai cánh tay rắn chắc bập lưỡi búa xuống gốc củi tràm vỡ hai. Em gái Tư Bụng để ý nhiều tới Quân. Ánh mắt cô nhìn Quân vẻ khác. Anh ấy đậm chất đàn ông. Được anh, con cái khỏe, mẹ cũng nhờ. Đêm đưa máy phóng xuống chẹc, cô cầm đèn pin rọi cho Quân tháo dây buộc. Những lần cô gái đứng sát Quân nghe hương tóc bồ kết thoảng thơm. “Thằng Quân chưa có vợ. Nghe đâu hắn có vợ ở quê, bỏ nhau rồi. Đẹp trai lại bộ đội về, được đó, mày chịu nó tao bắt rể ở lại làm ruộng Vĩnh Đại luôn”. Cô em gái của Tư Bụng đã qua tuổi hăm, nghe anh mình nói thì càng để tâm tới Quân.
Sáu Thanh nhận cắt 3 công lúa. Trăng mùng 10 rọi xuống mặt ruộng như dát bạc. Chiếc xuồng ba lá đậu mé kênh dập dềnh dạt ra ngoài mỗi khi có ghe máy hay tắc ráng chạy qua. Ánh đèn bình vừa đủ sáng khoảng giữa trong hai tấm liếp hình chữ nhật được lợp bằng lá dừa nước úp vào nhau như hình chữ A. Nhìn kỹ giữa khoang xuồng chỉ vừa đủ cho hai người nằm và để giỏ áo quần, gương lược chải đầu. Cắt được hơn nửa diện tích nhận lúa khoán, Sáu Thanh tạm nghỉ, tắm rửa, cơm nước. Trong ánh sáng từ bóng đèn câu điện bình 12V, khuôn mặt người phụ nữ màu trắng nhạt. Duy có mái tóc đen dày và đôi mắt lá răm vẻ buồn buồn. “Cô Sáu Thanh tối nhận cắt 3 công lúa. Sáng mình phóng cho chủ ruộng bên kia kênh xong, chiều qua ruộng cổ cắt rồi đậu máy luôn. Mới 30 tuổi mà đã 3 đứa con. Thằng chả ra thành phố Tân An làm thợ hàn rồi sẵn hàn luôn con gái người ta. Con gái ông chủ lỡ thời như con Năm nhà này. Nhà có tiền, thằng chả thả neo… Tội nghiệp cô Sáu Thanh, thân nhỏ con mà gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học. Ấp Vĩnh Châu A này, cổ là gái có chồng nhưng xinh nhất và hiền lành nữa, ít nói siêng làm”. Tư Bụng nhìn Quân, bộc bạch kể.
Tư Bụng xưa nay tính tình hiền lành ngay thẳng. Anh hay thương người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Tư Bụng nguyền rủa kẻ phản bội, vũ phu tham giàu có mà bỏ vợ con. Nhưng ông này bộ không thương em gái mình hay sao mà cứ kể tốt người khác. Trong khi đó em gái chả lại để ý tới Quân và hy vọng chàng trai trẻ miền Trung đáp lời. Thật tình mà nói, Quân cũng đang chiêng chao về tình cảm của cô em gái Tư Bụng đối với anh. Mặc dầu hai người chỉ mới trên hình thức quan tâm nhau trong công việc nhà và đồng áng. Thấy Quân khỏe mạnh đẹp trai, nhiệt huyết với mọi việc trong gia đình chẳng hề có ý so đo tính toán, bác Bảy trai, bác Bảy gái ba má của anh em Tư Bụng coi Quân như người nhà. Nấu miếng gì ngon, hay nhà có giỗ tiệc mà thiếu vắng Quân đều bảo cô Năm cất dành phần.
Từ hôm được Tư Bụng kể về hoàn cảnh của Sáu Thanh và hôm nay tận mắt nhìn thấy. Quân thực sự thương cảm hoàn cảnh của người phụ nữ hồng nhan bạc phận này. Sáu Thanh đã 3 mặt con? Quân xua đi ý nghĩ hẹp hòi đó. Khuôn mặt Sáu Thanh xinh đẹp một cách nhân từ, đôi mắt đen, nước da trắng, mái tóc dày dài quá gấu áo bà ba. Cô trở thành tiêu điểm cho kẻ có vợ con đuề huề thèm của lạ lui tới gạ gẫm, cả trai tơ nơi khác đến làm ăn cũng tán tỉnh khi đã có ma men trong người, Sáu Thanh đều cự tuyệt.
Nhà có đám giỗ, Tư Bụng đẩy thùng phóng lại nền trải bạt sẵn, rồi quá giang xuồng máy về nhà. Hiện trường chỉ còn lại mình Quân ở giữ máy phóng. Đêm xuống, Sáu Thanh cắt nốt đám lúa. Tờ mờ sớm Quân phải đứng cho máy ăn, giải quyết xong để phóng tiếp mấy cà lan lúa bển. Trời đầy sao, trăng mùng 10 vừa tỏ. Hương lúa chín thoảng trong gió mơn man. Xa xa, rặng cây tràm sẫm đen như con tàu khổng lồ đậu trong đêm. Quân lấy điếu thuốc lá hiệu Long An bật quẹc mồi rít một hơi dài từ từ nhả khói thoảng thơm trong sương đêm.
Tiếng lưỡi liềm cắt lúa xoèn xoẹt trong đêm thanh vắng. Quân không ngủ được bước đến chỗ Sáu Thanh cắt lúa. Anh nhìn cô và từng mớ lúa trong vòng tay thoăn thoắt bỏ thẳng đều. Hình như Sáu Thanh chưa nhận ra sau mình có người đàn ông đang đứng chăm chú nhìn. Để mớ lúa vừa cắt xuống, cô đứng lên lột bao tay vuốt tóc đổ xuống trán lấm tấm mồ hôi. Quân lên tiếng trước:
– Cô làm vậy tiền để đâu cho hết?
Quân thấy mình vô duyên, sao lại chào hỏi người đẹp câu này. Anh nhẹ giọng xin lỗi. Sáu Thanh cúi xuống cắt lúa tiếp. Chợt cô bỏ lưỡi liềm xuống tháo bao tay ra vén mái tóc đen dày hất xuống mặt nhìn qua Quân tươi cười.
– Anh Tư về nhà rồi hả anh? Nhà anh hôm nay đám giỗ bà nội. Cha em  năm nào cũng đi. Nhà em ở đối diện nhà anh Tư Bụng bên bờ kênh.
Quân chột dạ. Anh thường ra kênh tắm nhìn qua nhà bên bờ kênh chỉ thấy mấy đứa nhỏ chơi trước sân. Không thấy người lớn, anh cũng không tò mò hỏi. Công việc của mình là đi theo máy phóng cho lúa ăn mỗi mùa. Quân  nhìn đám ruộng, ngán quá! Làm sao Sáu Thanh cắt và ngố4 kịp trong đêm nay. Còn nhiều quá đã gần 10 giờ đêm mà lúa chưa cắt còn 1/3. Quân chạnh lòng.
“Cổ đẹp người và chịu khó làm lụng chỉ vì đời sống gia đình và tương lai sáp nhỏ. Tính tình hiền nhu không mấy khi cổ ngồi lân la nhà nọ nhà kia chuyện ta, chuyện người quên cả trưa chiều, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nắng rát lưng rát mặt vẫn cặm cụi cắt lúa, gom lúa. Qua vụ lúa lại nhận khoán đốn tràm, róc nhánh, tề cây chuyển cừ ra kênh. Thằng chồng quá vũ phu lại quay lưng phản bội người vợ như cổ, thật tội”. Bên Quân như vang tiếng nói của Tư Bụng hôm nào.
Chợt cơn gió thoáng qua hất mái tóc Sáu Thanh qua bên lộ nguyên khuôn mặt trái xoan và nụ cười tươi. Quân cảm thấy tim mình rạo rực. Sáu Thanh bước xuống xuồng xách lên ấm nước và cái cốc nhựa. Cô nghiêng ấm rót.
– Anh tên là Quân? Người miền Trung, anh uống cốc nước em mới nấu còn nóng.
Quân đón cốc nước uống trên tay người đẹp, để xuống, nhẹ nhàng nói:
– Sao chị biết tên tôi. Hay cô Năm nói.
– Cô Năm có kể về anh.
– Cô Năm kể thế nào?
Sáu Thanh im lặng. Quân cũng không muốn hỏi thêm làm gì. Điều anh quan tâm là giúp Sáu Thanh cắt lúa và ngố cho kịp đêm nay. Sao Sáu Thanh  không liệu sức mà làm? Ba công lúa vừa cắt vừa ngố có mỗi mình. Quân thở dài lo lắng như công việc của chính anh.
– Tôi thấy cô làm vất vả quá, giờ này vẫn khum lưng cắt lúa. Xong rồi còn phải gom lại. Ba công lúa này dễ cũng phải gom hai cà lan để máy phóng. Chắc mình cô làm sẽ không kịp. Máy chúng tôi lỡ nằm đây rồi. Phải giải quyết chủ ruộng này xong tôi và Tư Bụng mới chở máy qua phóng đồng bên kia được.
Người phụ nữ lặng thinh. Hình như cô chấp nhận tình cảnh này. Trăng sáng để Quân nhận thấy ánh mắt ưu tư của Sáu Thanh. Cô cúi lấy đôi bao tay mang vào và cầm liềm lên, nói:
– Em tranh thủ cắt để còn kịp gom lúa lại, anh ngồi chơi…
– Chị còn liềm không, để tôi cắt phụ.
Sáu Thanh thoáng bất ngờ nhưng rồi cũng nở nụ cười nhìn Quân. – Anh đi ngủ đi, mai còn đứng máy cho ăn. Em quen rồi.
– Không sao, sức trẻ mà! Cô đừng lo. Đưa lưỡi liềm cho tôi. Còn liềm cô xuống xuồng lấy đi.
Trăng mùng 10 sáng hoắc, bầu trời không một gợn mây. Hai người cắt lúa bên nhau, tiếng xoèn xoẹt nhịp nhàng ấm áp trong đêm vắng. Mùi thanh tao từ da thịt của người phụ nữ quyện mùi hương của lúa chín phảng phất trong gió nồng nàn. Sau một giờ đồng hồ, hai người cắt xong đám lúa. Nghỉ một lát, Quân lấy bao đi gom lúa lại. Sáu Thanh gom lúa để lên bao, Quân quàng tay ôm lên vai. Họ làm ngon ngớt như đôi vợ chồng từng đi cắt lúa bên nhau lâu lắm rồi.
Sáu Thanh có nghe em gái Tư Bụng kể về Quân trong lần qua nhà chơi. Hôm đó, Sáu Thanh được nghỉ vì “đèn đỏ” dầm nước chuyển cừ tràm không đặng. Cô Năm khoát xuồng qua chơi. Hai người gần đồng tuổi và trước đây đều học chung lớp, chung trường. Tốt nghiệp lớp 9 hệ 12, Sáu Thanh học thợ may mở tiệm làm được ít năm thì lấy chồng. Cô Năm cũng đã một lần cưới, chưa có con hai người thôi nhau. Chồng cô Năm quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Anh chàng tối ngày ăn nhậu biếng nhác lao động. Cô Năm chủ động ly hôn. “Quê anh Quân ở Quảng Bình. Đi bộ đội về quê cưới vợ. Hai người sống không hạnh phúc. Do người vợ rất muốn anh ở nhà mà không muốn cho đi xa làm ăn. Cuộc sống thời bao cấp đẩy đưa chàng Quân bỏ nhà bỏ quê vào Nam sinh sống. Nè, hỏi thiệt nghe. Có muốn lấy chồng tiếp nữa không? Năm làm mai cho. Mình cũng thấy cảm tình với ảnh, tướng vóc cao ráo đẹp trai, chịu khó lao động và đặc biệt rất rành công việc đồng áng như tụi mình”. “Mình có 3 đứa con rồi, ảnh đâu có thèm”. “Để tui nói cho. Tính ảnh hay mủi lòng thương người. Mẹ anh mất năm 1968 bị bom bi Mỹ. Ba anh qua đời mười mấy năm nay rồi”.
Quá 2 giờ sáng, mọi việc đã xong. Nhìn hai cà lan lúa đầy ắp lòng Quân khấp khởi mừng. Anh phụ nhiệt tình như công việc nhà. Còn Sáu Thanh càng muốn gần gũi yêu thương Quân. Cô thầm ước có một người chồng như Quân.
-Ta đi nghỉ anh, sáng mai còn làm. Em đi tắm đây.
Tắm thay áo quần xong, Sáu Thanh nhìn lên bờ ruộng Quân vẫn ngồi đấy hút thuốc. Sáu Thanh tự trách, sao mình lại quá thờ ơ trước anh chàng đẹp trai lại hiền lành, biết sẻ chia hoàn cảnh của mình. Cô bước lại. Anh không đi ngủ à? Rồi ngồi xuống cạnh Quân. Quân dịch sát vào khẽ choàng tay qua, Sáu Thanh không từ chối ngã người vào anh. Dưới ánh trăng sáng vầng ngực cô gái trắng ngần. Tiếng ứ ứ… thoát ra, vọng trong đêm khuya khoắt.
Mãi sau 10 năm, Quân mới quay lại xã Vĩnh Đại nơi ghi nhiều kỷ niệm những năm tháng mưu sinh. Xe đến bến Vĩnh Hưng, Quân đi đò khách vào ấp Vĩnh Châu A. Căn nhà gỗ rộng xây bao vắng vẻ không nghe một tiếng người. Con chó vện sủa oang khi thấy người lạ. Cửa vẫn mở toang. Quân bỏ ba lô lên bộ ngựa để ngoài hiên, bước vào. Trời ơi, trên bàn thờ bên góc phải cạnh bàn thờ tổ tiên ông bà là di ảnh bác Bảy trai, bác Bảy gái và Tư Bụng. Điều gì đã xảy ra với gia đình Tư Bụng? Mắt Quân nhòe ướt, từng giọt nước nối nhau đậu vào môi mặn đắng. Quân lại bàn thờ rút 9 cây hương đốt cắm lên 3 bình nhang nhỏ. Quân xá, thầm gọi tên hai bác Bảy và Tư Bụng. Vừa lúc cô Năm vào…
– Ủa, anh Quân! Anh về đây khi nào? Em vừa ra ao sau vườn ngắt nắm bông súng.
– Cô Năm. Hai bác Bảy và anh Tư Bụng…
– Chuyện nhiều lắm. Anh nghỉ rửa ráy cho mát và uống nước. Người chết thì đã chết rồi. Tía má em già rồi về với tổ tiên ông bà. Còn anh Tư… tối em kể cho anh nghe.
Quân bước ra sân xuống cầu nước mắt phóng qua bờ kênh. Nhà Sáu Thanh! Chắc cô ấy đi làm…
Cô Năm lục đục dưới bếp nấu cơm. Nhà chỉ mình cô và hai đứa cháu con anh Tư Bụng. Hai cháu đi học trường xã, buổi chiều.
– Anh Tư Bụng bị u gan. Khi anh trở về trển được mấy tháng thì anh Tư ngã bệnh. Em và chị Tư đưa ảnh ra bệnh viện đa khoa tỉnh khám điều trị thì bác sĩ cho biết ảnh bị u gan. Bác sĩ kê đơn thuốc cho ảnh về nhà uống. Được gần một năm, bệnh tình anh tái phát trong tình trạng nặng hơn trước, em  đưa anh Tư lên thẳng bệnh viện thành phố, thì ảnh đã qua giai đoạn nặng. Bác sĩ chê, em đưa anh Tư về nhà 6 tháng sau anh đi. Anh Quân nè…
– Gì cô Năm?
– Chị Sáu Thanh…
– Chị Sáu Thanh làm sao? Chị có chồng rồi à?
– Không. Chị chết rồi…
Quân chết lặng, môi mấp máy mà không thành tiếng. Trời ơi, sao lại lắm chuyện đau lòng vậy trời! Bác Bảy trai, bác Bảy gái, anh Tư Bụng và Sáu Thanh nữa. Mọi người anh yêu thương nhất ở cái ấp Vĩnh Châu A này đều lần lượt bỏ anh mà đi. Dẫu anh không quê quán, dòng họ hay neo ở đây sinh sống lâu dài. Nhưng với anh đây là mảnh đất yêu thương, người dân sống chất phác mặn nồng với người tứ xứ về đây làm ăn. Người ấp Vĩnh Châu A, xã Vĩnh Đại và huyện Vĩnh Hưng nói riêng đều vậy, hiền nhu chất phác, thường cảm thông chia sẻ với ai có hoàn cảnh nghèo khó, bất hạnh. Quân rút khăn tay trong túi quần chấm lên hai mắt. Nước mắt vẫn ứ trào. Anh khóc, những giọt nước mắt nóng hổi thay cho lời tạ lỗi, trước cảnh bi thiết của hai gia đình.
Vụ lúa cuối cùng, Quân từ giã mọi người để về lại Bình Phước. Bữa đó gia đình bác Bảy thịt hai con vịt xiêm. Tư Bụng xách cần xiệc ra mương chích được mấy con cá lóc vào nấu canh chua bông súng và nướng trui. Tư Bụng ra quán na về két bia Sài Gòn. Buổi chia tay thân mật ấm cúng.
Về Bình Phước, Quân dành tiền làm bấy lâu sang lại hecta đất điều, kết hợp nuôi gà thả vườn. Vừa làm rẫy, Quân vừa viết báo, viết văn gửi các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh như một cái thú giải khuây. Công việc cuốn hút anh qua năm tháng. Anh vẫn nhớ, vẫn thương và tự thầm hẹn sẽ còn trở lại mảnh đất mình từng đi máy phóng lúa. Những khuôn mặt, dáng hình thân thương làm sao Quân quên được? Vậy mà khi anh quay lại, thì…
Cô Năm đẩy xuồng ba lá ở rạch ra đưa Quân qua nhà Sáu Thanh. Cửa mở, 3 đứa con Sáu Thanh ngồi bên bà ngoại. Quân cất tiếng chào và xin phép vào thắp cho Sáu Thanh cây hương. Anh đi nhẹ lại bàn thờ nhìn Sáu Thanh trong di ảnh. Người phụ nữ trong ảnh nhìn anh như đang ôm ấp điều gì mà đôi mắt đượm buồn. Sáu Thanh ơi, anh xin lỗi đã… với em đêm bên kênh Tứ Thường. “Cổ làm quá bị suy nhược cơ thể anh ạ. Hôm đó đi làm về, Sáu Thanh lên cơn sốt nóng. Như là bị đau thương hàn vậy. Gia đình lấy tắc ráng đưa ra Bệnh viện Vĩnh Hưng, tiếp lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Em có theo săn sóc Sáu Thanh. Mấy ngày trước khi mất cổ nhắc tới anh hoài”. Quân nuốt nước mắt vào tim, day dứt. Ba cây hương cháy lên, trong làn khói mờ tỏ bóng Sáu Thanh đang cắt lúa trong đêm trăng sáng. Khuôn mặt thanh tú, nước da trắng, mái tóc đen dày… Sáu Thanh bước xuống kênh khuất dần trong màn đêm mông lung rười rượi ngọn gió đồng.
Chú thích:
1. Máy phóng: Máy suốt lúa thùng đẩy hoặc thùng chạy, theo cách gọi của người dân Long An.
2. Chẹc: Như chiếc phà đóng bằng gỗ nhưng nhỏ hơn dùng vận chuyển máy phóng, máy xới, máy cày con.
3. Cà lan: Lúa cắt xong vác tập trung lại chỗ để máy phóng. Công để lúa lên bàn ăn cho máy phóng suốt thường hai, ba người, có khi bốn người, tùy theo máy và lúa phóng nhanh, chậm.
4. Ngố lúa: Gom lúa.        
4/12/2022
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...