Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Sóng gió hồ Trị An và tri kỷ của rừng

Sóng gió hồ Trị An
và tri kỷ của rừng

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp sinh năm 1957 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 1979, tốt nghiệp lớp cử nhân khoa xuất bản, Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) năm 1983.
Bà công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin Đồng Nai (nay là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đồng Nai) từ năm 1983, từng giữ cương vị Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai.
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp đã xuất bản các tác phẩm: Tình yêu đời hiện đại (Tập truyện vui, NXB Đồng Nai, 1995); Bươm đi học (Tập truyện thiếu nhi, NXB Đồng Nai, 2005); Món quà Noel (Tập truyềnthiếu nhi, NXB Thời Đại, 2008 – Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ ba, 2004-2010); Cún con làm lành (Tập truyện thiếu nhi, NXB Thời đại, 2006); Cù lao yêu dấu (Truyện vừa, NXB Hội Nhà văn, 2018 – Giải trường Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019); Ngày biến ấm (Tập truyện ngắn, NXB Đồng Nai,  2019); Xóm sông (Tập truyện ngắn NXB Đồng Nai, 2000).
Chuyên đề Văn học Đồng Nai của Vanvn.vn trân trọng giới thiệu hai bút ký Sóng gió hồ Trị An và Tri kỷ của rừng của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp.
Sóng gió hồ Trị An
Hồ Trị An rộng trên 320 km2 góp phần tạo nên hình vóc, nét riêng biệt và sự trù phú của xứ “Đồng Nai khoai củ”,như cách nói của Cố nhà văn Hoàng Văn Bổn. Hàng ngày, căng sức bảo vệ những giá trị to lớn về nhiều mặt, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản của hồ Trị An là những kiểm lâm thuộc biên chế Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.
Viên ngọc quý giữa rừng   
Chiều thứ bảy, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 1 Nguyễn Tiến Tới cùng tôi và bạn văn Trâm Oanh ra hồ Trị An trên chiếc ô tô cũ của đạo diễn Trần Đức, hội viên Hội VHNT Đồng Nai. Ra tới vùng lòng hồ, bánh xe sụt xuống bùn. Một con đường mòn nát bấy chạy giữa bạt ngàn cây mai dương và cỏ dại. Tới gọi điện “ điều quân” mang xe máy ra đón khách. Nắng không gắt nhưng thời tiết khá oi, có vẻ sắp mưa. Trần Đức vội vã quay xe về. Hồi sau, hai kiểm lâm trẻ chạy hai chiếc xe honda bết bùn đất tới, đưa tôi và Oanh ra chỗ neo tàu. Trên đường đi anh bạn kiểm lâm trẻ chỉ cho tôi nhìn bãi bồi trải dài và nói thời điểm này nước hồ Trị An đang “bình”. Hồ Trị An sâu 20 m, có chỗ tới 30m. Khi nước ngập đến sát rừng cây ven bờ, cá sẽ chui vào lùm mai dương vật đẻ. Tôi nhìn cảnh sắc về chiều với gió thổi mây bay có chút gì đó hiu hiu buồn, trong đầu miên man nghĩ về hồ thủy điện Trị An.
Với diện tích “khủng”, vượt qua cả những hồ thủy điện nổi tiếng như TNưng, Yaly, Hòa Bình, Thác Bà… sự ra đời của hồ Trị An gắn với địa danh Chiến khu Đ anh hùng, với tên tuổi Thủ tướng Võ Văn Kiệt, con người của những quyết định đi trước thời đại. Trên cơ sở bản phác thảo nhà máy thủy điện của chính quyền cũ do ông Ba Danh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) phát hiện, chính Thủ tướng đã cho khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Trị An (1984-1991), giải cơn khát điện năng khốc liệt thời kỳ đầu đổi mới của cả vùng Đông Nam Bộ – đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong khi đào đắp lòng hồ, công nhân đã bốc rất nhiều bộ xương cốt liệt sĩ ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Bởi vậy lần cùng văn nghệ sĩ Đồng Nai đi tham quan bằng ca nô trên hồ, tôi cứ cảm thấy sóng nước Trị An có cái gì đó thật hào hùng, linh thiêng và ám ảnh.
Mấy chục năm nay, ngoài chức năng thủy điện, hồ Trị An đảm bảo nước sinh hoạt, đẩy mặn, điều tiết lũ và tưới tiêu cho cả vùng hạ lưu rộng lớn. Thủy hải sản ở đây rất phong phú và đều là “đặc sản” như cá chình, cá lìm kìm, cá linh, cá hoàng đế… Những con mè, con trắm nặng 5-7 ký là thường. Hồ Trị An còn là danh thắng với 40 hòn đảo lớn nhỏ vốn là những gò đất sót lại sau khi sông Đồng Nai được ngăn dòng. Nổi tiếng nhất là đảo Ó và đảo Đồng Trường. Cách nay hơn chục năm, tôi đã ra Đồng Trường, lúc đó hòn đảo quạnh vắng, cây cối lèo tèo, chòi đón khách du lịch tối và ẩm thấp, muỗi đói kêu vo ve. Mùa mưa nước duyềnh lên mênh mông, ngập băng cả lối đi ven hồ. Nhưng năm 2018 tôi trở lại, Đồng Trường đã thành chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đảo rực rỡ các loài hoa. Cả một vườn lan tuyệt đẹp đong đưa trong gió. Công ty du lịch đã nối đảo Ó và đảo Đồng Trường bằng một cây cầu phao. Trên đảo Ó, du khách đua nhau lội vào giữa vườn hoa bướm cánh mỏng như lụa để chụp hình. Đảo Ó có vườn thú với những chú chim công xòe đuôi xinh đẹp cùng nhiều loài động vật có giá trị khác. Ngày nghỉ, ngày tết, khách thập phương đổ về vui chơi, nghỉ dưỡng trên đảo, mang lại nguồn lợi không nhỏ cho ngành du lịch địa phương.
Tàu kiểm lâm số 1 neo đậu gần bờ. Khoang tàu khá chật nhưng có đủ bếp, nhà vệ sinh, giường ngủ. Nước ăn chứa trong phi nhựa, màu nước lờ nhờ. Nhìn qua cũng biết sinh hoạt trên tàu rất thiếu thốn tạm bợ, đặc biệt là thiếu nước sạch. Neo sát bên cạnh là tàu của vợ chồng anh “hàng xóm” tên Vượng, là cộng tác viên “ruột”của đội kiểm lâm. Hoàng hôn thả lững lờ một làn sương mỏng trên mặt hồ phẳng lặng như gương. Mặt trời sắp lặn hắt ánh sáng xuống mặt nước trong vắt. Ngoài xa nhô lên những chiếc cọc tre của ngư dân giăng lưới bắt cá. Chủ khách tíu tít một hồi, Tới bảo kiểm lâm Dương Thế Nghĩa đưa tôi và Oanh tham quan 1 trong 4 bến cá của hồ Trị An.
Chúng tôi lên chiếc xuồng máy nhỏ, tiếng động cơ bắt đầu dội lên, xuồng rẽ nước băng băng, chẳng mấy chốc đã đến bờ bên kia. Bến cá nhộn nhịp. Mùi hải sản tươi xộc lên tanh nồng. Những con cá linh vừa đánh bắt về đổ trên bãi, con nào con nấy béo nẫn, lấp lánh vảy bạc. Một phụ nữ trẻ vừa điều hành việc cân cá, đóng thùng xốp, vừa ghi chép vào cuốn sổ nhỏ. Tôi hỏi chuyện một người đàn ông vóc nhỏ thó, da đen sạm. Ông là Việt kiều Campuchia, hồi hương sau ngày Chính phủ Campuchia ban bố lệnh cấm đánh bắt cá 6 tháng/năm trên biển hồ, nhằm tránh nạn tận diệt nguồn lợi thủy sản. “Người Việt bị dân sở tại khinh rẻ, chèn ép đủ điều. Về đây, trời nước, tôm cá của mình, không phải ăn nhờ ở đậu, sung sướng hơn nhiều. Nhưng lại bị “cạnh tranh không lành mạnh”, nhiều người từ nơi khác đến ban đêm tìm cách đổ trộm cá, cố tình đâm hỏng tàu cá của chúng tôi”, người đàn ông nói. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của ông qua âm sắc khô khốc của giọng nói, qua nét mặt dầu dãi, phong sương. Trơ vơ trên bến một căn lều bằng ván ép, mái lợp vải bạt. Một người đàn bà đang lui cui nấu cơm trên bếp ga mini. Ngoài cửa lều một cô bé cỡ 8 tuổi ngồi học bài. Tất thảy đồ đạc, chỗ ăn, chỗ ngủ của một gia đình gói ghém trong “cái hộp diêm” vài mét vuông. Hình ảnh đời sống vạn chài đạm bạc khiến tôi se lòng…
Những người hùng thầm lặng 
Nghĩa đưa chúng tôi trở về khi nắng đã tắt hẳn. Sương xuống dày hơn. Gió trên hồ mạnh dần. Bữa chiều đã được bày trên sàn tàu nhà anh Vượng. Anh là dân miền Tây, gá nghĩa với cô gái quê Định Quán. Hai vợ chồng sống bằng nghề cặm đăng bắt cá, quanh năm lênh đênh trên lòng hồ. Anh Vượng cởi trần, tướng tá vạm vỡ gợi nhớ đến cầu thủ Anh Đức của đội bóng Bình Dương nên tôi vui miệng, gọi anh là “cầu thủ Anh Đức”. Chị vợ nhỏ thó mà lanh lợi, hay chuyện. Chị thả xuống nước một túi lưới trong có mấy con cá to, bảo nhốt cá như vậy cho tươi, cần ăn thì kéo lưới lên. Tàu kiểm lâm 1 có 7 thành viên, Tới là Trưởng trạm, Thiện phó trạm, Nghĩa và Nam chưa vợ, Phương quê gốc Quảng Trị, Chuẩn quê Hưng Yên, cả hai đã lập gia đình. Anh Phương gầy gò, khắc khổ nhưng thạo việc bếp núc, mâm cơm của anh nhìn rất bắt mắt. Chúng tôi hoan hỉ cụng ly mừng buổi gặp mặt.
9 giờ tối. Mọi người lục tục bước xuống xuồng. Tôi và Oanh mặc áo phao, ngồi chính giữa cùng Nam, Tới ngồi trước mũi, Nghĩa cầm lái ngồi phía sau. Tiếng máy nổ bắt đầu tạch tạch, vang rền. Gió thổi mạnh, mặt hồ xao động, sóng vỗ óc ách bên mạn xuồng. Đêm tối mông lung, hồ nước thăm thẳm trở nên bí ẩn. Đâu đó phía bờ xa le lói vài ánh đèn nhỏ xíu nhấp nháy. Oanh và tôi lần đầu tiên đi xuồng trong đêm nên cả hai rùng mình, cảm nhận cái lạnh của gió, của sương và của sự lạ lẫm. Trong bóng tối đen mịt, Nghĩa hướng chiếc xuồng theo lộ trình mà anh định vị trong không gian theo một cách nào đó. Nhìn dáng Nghĩa với đôi tay chắc khỏe cầm lái điều khiển chiếc xuồng lao đi giữa bao la trời nước, trong tôi tự nhiên dấy lên cảm xúc thương mến lẫn cảm phục. Chàng trai quê Bố Trạch 29 tuổi, da bánh mật, hàm răng nhỏ đều tắp, đã học xong đại học nông nghiệp Huế, tự nhận mình là “thợ đụng”, việc gì cũng làm được, kể cả hàn xì, phụ hồ, chỉ mỗi…tán gái là kém. Nghĩa mới làm kiểm lâm từ 2017 và rất say nghề. Nhưng anh đang bị ba mẹ giục về quê…lấy vợ và phụ bán quán với gia đình.
Xuồng ngang qua một ngôi nhà bè im lìm, rọi đèn chỉ thấy ngư cụ xếp một đống, chắc chủ bè đã ngủ. Tới và mấy kiểm lâm thì thào trao đổi gì đó, tiếng họ bạt đi trong gió. Tôi hiểu, các anh đã bắt được tín hiệu của “đối tượng” khả nghi ở phía xa, nơi có ánh sáng nhấp nháy và tiếng máy nổ ầm ì. Nghĩa tắt máy, xuồng bắt đầu trôi trong im lặng, chỉ có tiếng mái chèo quẫy nước lóc bóc nhịp nhàng. Thì ra, mỗi khi phát hiện đối tượng, kiểm lâm phải tắt động cơ, chèo tay để giữ bí mật. Xuồng hướng về phía có ánh sáng xanh ma mị như ánh đèn măng sông. Đột nhiên, đốm sáng tắt ngúm. Tiếng động cơ cũng im bặt. Nghĩa xuýt xoa, chắc đối tượng biết có kiểm lâm nên đã “án binh bất động” rồi. Tôi cũng lây nỗi hồi hộp rồi…thất vọng của anh em.
Hoạt động kiểm lâm trên hồ không hề đơn giản, tốn rất nhiều công sức, thời gian, kiểm lâm phải thật kiên trì, nhẫn nại. Lúc đẹp trời, hồ Trị An hiền hòa là thế nhưng nó sẽ là con ngựa bất kham trong mùa mưa bão. Những cơn giông lốc bất thình lình trên hồ có sức tàn phá không nhỏ. Lúc đó lòng hồ chao như võng, sóng dựng lên như mái nhà rồi đổ ụp xuống. Chớp mắt mọi thứ có thể bị nhấn chìm xuống lòng hồ. Tới bảo, không ít lần các anh bất ngờ gặp cơn cuồng nộ của thiên nhiên, trở tay không kịp, người ướt mem, rét run. Trong lúc gió quật ù ù, con tàu nghiêng ngả, chén bát xô chậu va nhau loảng xoảng, anh em phải mau chóng thả bạt che hai bên sườn, đưa tàu đến vị trí cách bờ khoảng 20 m để sóng gió không làm lật tàu. Vất vả, thiếu thốn, lại đối mặt với hiểm nguy nên kiểm lâm trên hồ phải yêu nghề, có kinh nghiệm tránh gió bão, có sức khỏe và độ dẻo dai mới trụ được lâu dài.
Mỗi lần kiểm lâm ghé kiểm tra giấy phép, ngư cụ của các tàu cá, trong quầng sáng nhỏ nhoi của chiếc đèn chuyên dụng, tôi tò mò nhìn những gương mặt trẻ măng ngái ngủ. Họ đều là con em gia đình nghèo, thất học, không có việc làm ổn định, phải làm mướn cho chủ tàu. Kiểm tra 4 tàu cá thì cả 4 tàu đều không đủ giấy tờ hợp lệ, bị lập biên bản và phải lên bờ nộp phạt. Một cậu trẻ năn nỉ được “thế chân” giấy phép hành nghề bằng…chiếc bình ắcquy cũ khiến tôi vừa buồn cười, vừa ái ngại.
Hiện tại 3 trạm kiểm lâm của hồ Trị An đang quản lý 4 bến cá lớn, nhiều bến cá nhỏ với gần 1.000 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Điều đáng nói là vì nhu cầu mưu sinh, vì lòng tham, nhiều hộ sẵn sàng dùng lưới mắt dày, kích điện hay te, bất chấp lệnh cấm của Ủy ban tỉnh. Có tới 130 hộ dùng phương tiện đánh bắt bằng te có gắn kích điện. Đây là loại ngư cụ đặc biệt nguy hại, lưới được chăng giữa hai cây luồng lớn chĩa sang hai phía như hai cái càng cua khổng lồ. Khi tàu di chuyển, te sẽ rà sát xuống đáy hồ, đến con cá cơm bé tí cũng không thể trốn thoát. Ngoài te, chiếc lợp dài hàng chục mét cũng có chức năng “vét” sạch sành sanh thủy sản. Thường xuyên có mặt trên hồ, các trạm kiểm lâm đã bắt nhiều ngư cụ “sát thủ”, góp phần bảo vệ nguồn lợi quý giá cho hồ Trị An. Nhưng nhiều chủ phương tiện đánh bắt thừa liều lĩnh và thủ đoạn để “né” những cuộc kiểm tra. Biện bạch, “kể khổ”, nếu kiểm lâm “cứng” thì xoay “chiêu” khác, cần thì chống đối quyết liệt.
Đã có thời, việc “lâm tặc” phá rừng, kể cả rừng phòng hộ và vận chuyển gỗ lậu cùng thú rừng trên hồ Trị An vô cùng nóng bỏng, phức tạp. Các trạm gác ở cửa rừng quyết liệt kiểm tra, bắt giữ khiến lâm tặc co cụm, việc vận chuyển gỗ lậu và tài nguyên rừng theo đường thủy dần im ắng. Những tiếng nổ “long trời lở đất” khiến hồ Trị An như nứt toác, vỡ vụn do các hộ dân khai thác cá bằng kíp nổ đã giảm đáng kể. Nhưng bất cứ giờ nào, kể cả giữa khuya hay đang bữa cơm, có tin báo từ các cộng tác viên là bất chấp điều kiện thời tiết, kiểm lâm vẫn lập tức lên đường. Các anh hiểu rõ, những kẻ làm ăn phi pháp luôn ra tay vào những lúc đêm hôm khuya khoắt hoặc xấu trời. Không chỉ tuần tra ban đêm, các anh còn phải chạy ca nô quanh lòng hồ cả ban ngày để kịp thời phát hiện những hộ dân lấn chiếm vùng đất bán ngập, móc đất đắp vườn, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, gây ảnh hưởng xấu đến lòng hồ. Nhưng cũng từ công việc thức khuya dậy sớm mà anh em kiểm lâm thông cảm, chia ngọt sẻ bùi với bà con nghèo. Không chỉ tuyên truyền cho người dân thực thi pháp luật, chung sức bảo vệ tài nguyên rừng, không dùng sản vật đánh bắt trái phép, các anh còn hỗ trợ bà con công cụ đánh bắt, tạo điều kiện cho họ mưu sinh.
12 giờ đêm, chúng tôi về đến tàu. Anh em kiểm lâm người nằm võng, người leo tuốt lên ca bin, kẻ nằm trên sàn tàu nhà anh Vượng, nhường giường cho khách. Lòng dạ nôn nao sau những gì “mắt thấy tai nghe” và chiếc giường hẹp lọt thỏm giữa các vật dụng khiến tôi chập chờn dở thức dở ngủ. Tôi nằm nghe tiếng cá quẫy, tiếng bầy chim ăn đêm kêu khắc khoải trên lòng hồ…
Tảng sáng, Tới rủ tôi và Oanh theo vợ chồng anh Vượng đi đổ cá. Chiếc thuyền nhẹ tênh lướt trên làn nước êm phắc, ra giữa hồ. Không gian buổi sáng sớm thật mát lành, sương nhẹ loang trên mặt hồ như chiếc khăn voan mỏng. Tới ngồi trước mũi thuyền, thấy tôi ngây người trước vẻ đẹp thanh khiết của hồ Trị An, anh bảo, được ngắm rừng cây xanh ngắt, những cánh chim chao lượn trên sóng và hồ nước long lanh ngày đẹp trời chính là phần thưởng cho sự khó nhọc của anh em kiểm lâm. Thuyền ra tới hàng cọc đáy, anh Vượng nhảy ùm xuống nước, lặn mất tăm. Loáng cái anh trồi lên cùng với túi lưới bùng nhùng, nhanh nhẹn trút mớ “chiến lợi phẩm” tươi rói vào lòng thuyền. Những chú cá hoàng đế màu sắc rực rỡ chen với cá lăng, cá trắm, cá rô phi, cá lau kính… Chị vợ anh Vượng vừa phàn nàn vừa tóm mấy chú cá da sọc vằn vện, đập bốp vào cạnh thuyền, vứt tọt xuống hồ. Chị giải thích, đập cá lau kính vì… thấy ghét quá. Giống cá ngoại lai này rất khỏe và phàm ăn, chúng chén sạch thức ăn của giống loài khác, lại sinh sôi nảy nở nhanh. Da cá lau kính cứng như da trâu, mổ thịt vừa tốn sức vừa tốn thời gian nên ngư dân coi như “chướng ngại vật”, chẳng ai thèm bắt.
Trời sáng hẳn. Sau nhiều lần ngoi lên hụp xuống, ngấm nước lạnh đến bợt cả người, anh Vượng thu được lưng thuyền cá. Anh bảo, ngó vậy nhưng bán chẳng được bao nhiêu tiền, vì cá ngon, có giá trị ngày càng ít, cá lau kính thì quá nhiều. Chúng tôi trở về trong niềm hân hoan được nghe tiếng cá quẫy lao xao trong lòng thuyền…
Đang trò chuyện với Oanh, tôi bỗng nghe có tiếng  mái chèo khua nước nhẹ nhàng. Thì ra một cậu bé nhỏ xíu, chỉ khoảng 8-9 tuổi vừa chèo thuyền tới sát bên tàu kiểm lâm. Cậu nhanh nhẹn tung sợi dây thừng lên mạn tàu, vắt qua vắt lại, buộc chắc con thuyền nhỏ vào mạn tàu lớn và thoăn thoắt leo lên. Cậu bé ngồi trên giường đong đưa hai chân khi tôi hỏi chuyện, gương mặt nhỏ trông láu lỉnh, sõi hơn tuổi. Cậu cho biết đã học hết lớp ba và đang nghỉ hè.
-Kia kìa. Nhà thuyền của con đó. Ba mẹ và anh Hai con đang đi đặt lợp- cậu bé vui vẻ nói và đưa tay chỉ chiếc thuyền cá đậu phía xa. Cậu kể chuyện đánh bắt tôm cá sành sỏi như một vạn chài. Tôi hỏi con có thích mai mốt làm kiểm lâm không? Cậu bé lắc đầu, bảo cậu thích lớn lên làm…cảnh sát, để được đi bắt tội phạm, vui hơn. Chúng tôi mỉm cười trước ước mơ táo bạo và hồn nhiên của chú bé lớn lên trên lòng hồ.
Bữa sáng với nồi cháo cá thơm lựng có thêm một vị khách người mập tròn, vẻ phúc hậu và vài thanh niên mang lủng củng những túi bọc. Tới thân mật giới thiệu người đàn ông tên Hưng, chủ con tàu gỗ khá lớn, chuyên sửa chữa, đóng mới các tàu cá. Hôm nay ông cùng thợ đến sửa mấy chỗ hỏng hóc ở tàu kiểm lâm số 1. Ông Hưng mang theo món chả cá do gia đình ông tự làm, vui vẻ khoe, dù giá đóng tàu đã lên, ông vẫn giữ nguyên mức giá cũ khi “làm mới” tàu kiểm lâm của Tới và coi đó như là sự sẻ chia của ông với lực lượng kiểm lâm.
Trong câu chuyện giữa ông Hưng và các kiểm lâm, tôi được biết Ủy ban tỉnh vừa mở rộng danh mục ngư cụ bị cấm dùng để đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An. Theo đó, bà con kiếm sống trên hồ sẽ khó khăn hơn. Nhưng không thể không chấp hành. Bởi những quy định khắt khe mang lại giá trị tích cực, giúp cho tôm cá không bị tận diệt, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự cân bằng sinh thái trên hồ Trị An.
Bịn rịn tới gần trưa tôi và Oanh mới có thể ra về. Chị vợ anh Vượng đã chu đáo đóng thùng xốp mấy ký cá tươi kèm theo túi chả cá của ông Hưng để chúng tôi“ ăn lấy thảo”. Nắng đã khá gay gắt. Hai kiểm lâm trẻ đưa chúng tôi lên bờ. Xe chạy đã xa, nhìn lại thấy con tàu kiểm lâm trên hồ nước rộng mênh mông thật nhỏ bé, mong manh như chiếc lá. Lòng tôi nửa buồn nửa vui. Hồ Trị An nuôi sống bao nhiêu con người. Nhưng hồ nước xinh đẹp như viên ngọc xanh chưa khi nào thật sự bình yên. Còn đó những tiếng nổ kích điện khiến mặt hồ dậy sóng, tôm cá chết phơi trắng bụng. Còn đó những phận đời phiêu dạt, nổi nênh sống bám vào lòng hồ. Và còn đó sự vất vả của anh em kiểm lâm…
Tri kỷ của rừng
Con đường trải nhựa càng ngược lên xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu càng vắng teo trong cái nắng ong ong vàng vọt của mùa mưa Đông Nam Bộ. Ngồi sau chiếc xe honda của Phó Trạm kiểm lâm cơ động Nguyễn Tiến Tới, tầm mắt tôi bị giới hạn bởi hai bên đường là bức tường bít bùng, được kiến tạo bằng cây bụi, dây leo nhằng nhịt, thi thoảng lại có những cây dầu, cây kơnia hay cây chò cao vượt lên. Gió thổi lồng lộng. Giọng Quảng Bình ấm áp, Tới kể, anh học trung cấp lâm nghiệp, ra trường được điều về một trạm kiểm lâm sâu tít trong rừng, vài năm sau thì được chuyển về trạm cơ động. Hóa ra anh chàng kiểm lâm có tướng cao ráo “chuẩn Men” đã có hơn mười năm lặn lội trên các cánh rừng thâm u, chịu đựng những cơn sốt rét rừng run cầm cập, ho như muốn vỡ phổi. Anh bảo, hồi mới vào nghề, những đêm trực ngồi một mình, nhìn bốn bề tối đen, chỉ có tiếng rừng, anh buồn muốn khóc, trong đầu đã thoáng có ý bỏ nghề. Nhưng người trẻ nào chẳng nung nấu khát vọng cống hiến và mong ước cháy bỏng được thử thách mình, thế là Tới kiên nhẫn ở lại với rừng
Từ sự ngỡ ngàng…
Tới chỉ cho tôi những cây Sao, cây Dầu, Cẩm lai, Gõ mật ven đường, nói cây mới bằng từng ấy nhưng các anh trồng bảy, tám năm rồi. Càng gỗ quý, cây càng lớn chậm. Mùa khô cây non hay chết, phải trồng đi trồng lại mấy lần. Kiểm lâm tạo vành đai an toàn cho rừng bằng cách dọn sạch cỏ, lá rụng để lửa không bị cháy lan nếu có hỏa hoạn. Mùa khô chỉ một bất cẩn nhỏ của người dân như một tàn thuốc lá, một que diêm cháy dở hay một đám đốt rẫy vô ý cũng có thể gây thảm họa.
Trạm kiểm lâm cơ động gồm một chốt trực ven đường với thanh chắn barie, một ngôi nhà chính, một nhà ngang và căn bếp lợp tôn. Xe vừa dừng, tôi đi thẳng xuống nhà ngang, nơi anh em kiểm lâm đang tụ họp. Tới giới thiệu tôi với anh Nguyễn Hữu Đạo, Hạt phó Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, tôi được biết trạm trưởng Hồ Thái Nguyên đang đi học, ba phó trạm gồm Nguyễn Tiến Tới, Đặng Thanh Bình và Đặng A. Một số kiểm lâm trẻ đang đi kiểm tra khu vực lòng hồ Trị An. Sau màn làm quen khá cởi mở, tôi đi loanh quanh ngắm cơ ngơi của trạm. Chiếc xe phòng cháy chữa cháy và chiếc jeep đậu trong sân trông “ hầm hố” và “ “xưa như trái đất ” nhưng lớp bùn đỏ đã khô quánh.
Sau bữa trưa, tôi ngồi trò chuyện với anh Bình và anh Đạo. Anh Bình trầm lặng ít nói, gương mặt khắc khổ, da đen sạm nhưng trông khỏe mạnh rắn chắc. Trước giải phóng anh là bộ đội đặc công, lăn lộn trên các chiến trường 12 năm, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh rồi chuyển ngành về làm bảo vệ rừng thời còn lâm trường Hiếu Liêm. Anh Đạo tầm thước, da hơi men mét, kiểu da của người ở rừng nhiều, ánh nhìn láu lỉnh và cách nói chuyện dí dỏm, sinh động. Anh bảo trạm kiểm lâm cơ động hiện có 24 người, trong đó 3 “ già làng” xấp xỉ 60 gồm anh, anh Bình và anh Đặng A, những người còn lại đều trẻ. Trạm có chức năng kiểm tra, ngăn ngừa nạn phá rừng, lấn chiếm đất để canh tác, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn, bao gồm cả khu bán ngập lòng hồ Trị an, ngoài ra còn giám sát hoạt động của các trạm kiểm lâm khác. Với chức năng bao trùm này, lực lượng của trạm là những kiểm lâm vào loại “tinh nhuệ”, giỏi nghề và có tinh thần dũng cảm.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có diện tích 969.993ha, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, trong đó phần lớn diện tích thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra còn có cả một hệ thống sông, suối, ao, hồ và các di tích văn hóa lịch sử nằm rải rác đó đây. Toàn bộ khu dự trữ sinh quyển có 38 trạm kiểm lâm với khoảng 340 kiểm lâm viên (VQG Cát Tiên 20 trạm với 140 Kiểm lâm và KBT Đồng Nai có 18 trạm với gần 200 Kiểm lâm), trung bình mỗi trạm quản lý từ 5-6.000 ha rừng. Với con số mỗi trạm có từ 7 – 10 người (riêng các trạm cơ động có lực lượng đông hơn 20 – 30 người), rất khó có thể tường tận hết mọi ngõ ngách, đi hết những cánh rừng mêng mông mà thật ra chỉ là phần “còn sót lại” ở miền Nam Việt Nam.
Anh Đạo nói, vì địa bàn rộng, người ít nên anh em kiểm lâm ngày nào cũng đi rừng, có khi đi hai lần, vậy mà vẫn không tiên lượng được hết những sự cố bất ngờ xảy ra trên lộ trình. Họ đi theo nhóm 4- 5 người, xuất hành vào giờ bất kỳ, có khi nửa đêm, có khi gần sáng, đi rất chậm và nhẹ, không theo lối mòn. Thường mỗi hôm, anh em lựa một địa điểm mới trên bản đồ, dùng máy định vị xác định vị trí, sau đó cắt rừng đi. Tư trang mang theo gồm súng tiểu liên AK, súng ngắn K59, gậy cao su, còng số 8, máy định vị. Có hôm anh em mang theo xe máy, dọc đường dấu xe một chỗ, đi bộ. Trên đường tác nghiệp không thiếu sự cố khiến anh em dở khóc, dở cười. Ví như đụng phải rừng Lồ ô đang trong tỉnh trạng “ khuy”, một hiện tượng vừa kỳ thú, vừa đáng sợ của thiên nhiên. Cả một vùng mênh mông cây lồ ô lá đang xanh ngắt bỗng trở nên vàng lụi rồi lần lượt đổ rạp, lớp nọ chồng lên lớp kia cao như quả đồi. Những lớp dưới cùng bị nắng gió thời gian, sâu bọ làm mục ruỗng, liều mạng trèo qua không may nó sụp xuống thì y như bị chôn sống.
– Vậy hiểm họa rình rập lớn nhất khi các anh khi đi “đường rừng” là gì? Tôi hỏi, trong lòng đầy băn khoăn. Anh Đạo rót thêm trà vào tách của tôi, bảo các anh phải đương đầu với núi cao, vực sâu, đèo dốc, muỗi mòng, vắt, mưa rừng, thú dữ… Đủ cả. Rừng nhiệt đới rậm rạp, lắm gai, cái thứ gai Mây nhọn như kim, lỡ bị đâm vào tay chân thì gãy luôn trong da thịt, buốt tới óc. Rồi còn cây bụi, dây leo, nhiều lúc phải chui, luồn, bò…
– Có lần tôi đang “bò” qua một bụi mây rậm rạp thì bất ngờ đụng một con heo rừng. Nó cũng phủ phục nhìn tôi. Thật là… ớn xương sống. Thú rừng con nào cũng có vẻ đẹp dữ dằn oai phong chứ không như những con vật nuôi hoặc thú rừng đã được thuần hóa đâu. Con heo rừng này cũng vậy, hai cái nanh của nó nhọn hoắt vểnh lên rất “hoành tráng”. “ hai đứa” trừng trừng nhìn nhau rồi chẳng hiểu sao, nó… bỏ đi. Thật hú vía …!
Anh Đạo nói rồi cười, nụ cười tinh nghịch khiến anh trẻ hẳn ra. Tôi cũng cười, hỏi anh mùa nào thì kiểm lâm vất vả hơn?Anh Đạo trầm ngâm một chút rồi nói:
– Mùa nào cũng có cái khổ. Mùa khô những kẻ sắn bắt thú trái phép hay gài bẫy, chúng tôi phải lần dò đi gỡ từng cái một. Rồi còn lo cháy rừng. Mùa mưa thì đi lại khó khăn, muỗi, vắt, cây đổ…Trên đường kiểm tra lỡ đụng con suối, anh em phải bọc quần áo vào túi nhựa, vừa bơi, vừa đẩy qua suối. Nhiều đoạn đường có độ đốc cao nên suối chảy rất “ hỗn”, chúng tôi phải quăng dây qua suối, buộc thật chắc vào gốc cây cho mọi người đu sang. Bởi vậy, kiểm lâm phải dũng cảm, khéo léo, có sức khỏe thì mới trụ lại được với nghề.
Tôi cảm động nhìn hai con người gần như cả cuộc đời gắn bó với rừng. Anh Bình đã nghỉ “ chế độ”, được Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai mời lại làm kiểm lâm, kiêm thầy dạy võ cho các trạm, cũng là thêm một lợi thế cho anh em khi làm nhiệm vụ. Anh Đạo “bám” rừng từ thời còn trẻ trai, “vốn rừng” của anh đủ để viết cả một quyển sách. Các anh đã sống với rừng bằng tất cả sự đam mê và một “ tình yêu vạm vỡ” như cách nói đầy hình ảnh của bạn tôi-nhà văn Bích Ngân.
Đầu giờ chiều, Tới dẫn tôi lên trạm Cây Gùi. Trời không mưa nhưng nắng yếu không xuyên qua được tán rừng rậm rạp nên có cảm tưởng như đã xẩm chiều. Trạm trưởng Phạm Văn Lan chỉnh tề trong trang phục kiểm lâm, giải thích rằng anh đang chuẩn bị lên Ban quản lý Khu bảo tồn để rà soát báo cáo kiểm kê rừng, phòng khâu nhập liệu có thể không chính xác. Anh Lan quê Nghệ An, từng có 3 năm trong quân ngũ đóng tận Campuchia. Trò chuyện một hồi, tôi ngỏ ý muốn được nhìn tận mắt mấy thứ “bảo bối” đi rừng. Anh Lan vào nhà mang ra một vật giống như chiếc túi vải hình vuông, giở ra thì ra đó là bộ võng mùng gấp, được thiết kế để đi rừng hay đi dã ngoại, rất tiện lợi. Anh còn cho tôi xem “vật bất ly thân” của kiểm lâm là cái máy định vị nặng trịch như cục gạch, đen thui, thoạt nhìn giống chiếc điện thoại di động đời cũ, phía trên nhô ra “cái vòi” ăngten.
– Cái máy này xác định phương hướng, tọa độ, dẫn đường cho kiểm lâm. Nó còn có thể đo đất và đếm xem có bao nhiêu cây lớn trên rừng. Nhưng phương tiện này cũng không vạn năng, nếu chẳng may trên đường tác nghiệp kiểm lâm bị lọt xuống vực sâu thì máy định vị cũng vô dụng vì không có sóng, lúc đó lại phải dùng phương tiện “kinh điển” là cái la bàn. Nói chung, anh em kiểm lâm bây giờ có nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ nên cũng bớt một phần khó khăn, nhưng vẫn còn vất vả lắm.
Anh Lan cho biết, trạm Cây Gùi quản lý gần 5.000 ha rừng, chủ yếu là cây quý có nguồn gốc bản địa như Gõ mật, Giáng hương, Sao, Cẩm lai, Dái ngựa…Trạm có 8 người thì một nửa đã có thâm niên trên 30 năm. Anh em vừa đi rừng về lúc 1 giờ, ăn uống, nghỉ ngơi một lúc, độ 3 giờ chiều lại xuất hành. Là trạm trưởng nhưng anh Lan thường trực tiếp dắt quân đi kiểm tra vì anh em trẻ chưa có kinh nghiệm “trận mạc”. Những chuyến đi dài ngày anh em mang theo gạo, thức ăn, dựng lều nấu cơm trong rừng, những hôm gặp mưa gió thì vất vả không kể xiết. Nguy hiểm nhất là gặp bò tót hoặc heo rừng. Thường thì con thú bỏ đi, nhưng cũng có khi nó quay lại tấn công người. Đụng phải thú mẹ đang nuôi con thì sự nguy hiểm tăng gấp bội vì thú mẹ sợ mất con, nó trở nên rất dữ tợn, đã có trường hợp kiểm lâm mang theo súng mà trở tay không kịp.
Ứng phó với thú dữ đã vậy, với con người càng khó hơn. Vùng lõi và vùng đệm Khu DTSQ Đồng Nai có trên 20.000 hộ dân với khoảng trên 100.000 nhân khẩu, không ít những kẻ phiêu dạt từ nơi khác đến, sinh con đẻ cái vô tội vạ, cả ngày tụ tập la cà quán xá, hút chích, rình cơ hội chặt phá rừng. Nhiều hộ là Việt kiều Campuchia dạt về, tôn giáo, tín ngưỡng phức tạp, đa số sống bằng nghề làm thuê làm mướn, đánh bắt cá dưới lòng hồ, phá rừng lấy gỗ dựng nhà, lấy đất trồng cây ăn trái. Người dân cũng kiện cáo, lấn đất của nhau, vào rừng săn bắt thú, tìm cây thuốc nam, khai thác lá nón, tóm lại là tất cả những gì có thể biến thành tiền. Họ liều lĩnh, khôn lanh và “ lắm chiêu”. Mùa mưa, sợ để lại dấu chân hay dấu bánh xe, họ khiêng xe máy giấu vào bụi rậm.
Hàng chục năm lăn lộn, anh Lan từng trải qua không ít lần chữa cháy rừng và cũng nhiều phen phải xứ lý lâm tặc. Xét cho cùng, lâm tặc cũng là người, sau lưng họ là gia đình, là nhu cầu ăn, ngủ, học hành, rồi còn vợ yếu con thơ, cha già mẹ héo…vì kém hiểu biết, vì lòng tham hoặc vì nhu cầu cơm áo bức bách mà họ nhắm mắt làm liều. Kiểm lâm phải tùy từng hoàn cảnh mà có cách xử lý thấu tình đạt lý, vừa răn đe, ngăn ngừa, vừa giáo dục họ. Tôi chợt nhớ anh Nguyễn Minh Tâm-phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai từng nói, nhiệm vụ nặng nề của các anh là phải góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng lõi, để họ không mưu sinh bằng cách xà xẻo, vắt kiệt tài nguyên rừng. Nhưng để hàng chục ngàn hộ dân gần như không nghề nghiệp, học vấn thấp, trong đó có cả đám tệ nạn, cả những kẻ lười biếng, ăn bám xã hội thay đổi được nhận thức và hành động, tôi nghĩ đối với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và anh em kiểm lâm có lẽ còn khó hơn đi rừng cả trăm lần.
– Có đợt tôi ở liền mấy ngày trong rừng, về trạm tắm xong ngồi ăn cơm thấy người ngây ngấy sốt. Chỉ kịp chui vào giường là mê man không biết trời đất gì nữa, mấy hôm sau, nửa mơ nửa tỉnh, tôi nghe tiếng còi xe, rồi nhìn thấy vườn hoa, những bóng áo trắng đi lại, thì ra, mình đang ở …bệnh viện, đồng nghiệp đứng quanh giường nhìn.
Anh Lan kể chuyện tác nghiệp với giọng vui vẻ, như thể khoe một chuyến du lịch thú vị, gương mặt sạm nắng dãn ra trong nụ cười đôn hậu. Anh bảo nhiều việc quá. Hôm nay đám giỗ ông già vợ mà anh cũng không về được, mọi việc ở nhà đều khoán trắng cho bả xã. Kiểm lâm mỗi tháng chỉ được nghỉ 6 ngày. Đêm 30 tết không dám về với vợ con vì lâm tặc hay lợi dụng dịp này để thực hiện ý đồ xấu. Thiệt thòi thế nhưng anh em vẫn bám nghề. Làm kiểm lâm mà không yêu rừng thì sao trụ được.
Phải, Đúng là vậy. Anh Lan, anh Đạo hay anh Đặng A đều có thâm niên mấy chục năm trong nghề, tôi tin là trong đầu họ lúc nào cũng thường trực ý nghĩ về rừng, ăn, ngủ, vui, buồn, ước mơ, hy vọng…thảy đều có bóng dáng rừng. Có thể nói, rừng đã trở thành một phần máu thịt của họ.
Bữa cơm chiều ở trạm cơ động vui và đậm chất gia đình, vì số anh em trẻ từ hồ Trị An đã trở về. Ríu rít giọng Nghệ An, Quảng Bình,Thanh Hóa xen lẫn giọng Nam Bộ…Trong những gương mặt trẻ có hai anh chàng tóc xoăn, da đen cháy là dân Chơro bản địa. Tôi chợt nghĩ, cuộc sống gian khó đã trui rèn kiểm lâm thành những con người bản lĩnh rắn như thép và rất khéo léo, nhanh nhẹn. Loáng cái trên bàn ăn đã đầy ắp các món “cây nhà lá vườn” cả dưới nước lẫn trên cạn. Bữa cơm kéo khá dài vì có chút hơi cay, vừa kịp xong, đang quây lấy màn hình ti vi thì điện bỗng phụt tắt, tất cả tối thui. Tôi nhìn ra trạm gác sáng đèn, chắc nhờ có máy phát điện, một chiếc xe tải vừa dừng lại trước thanh chắn barie. Chúng tôi nói chuyện trong ánh sáng liu riu của mấy cái bóng đèn nhỏ, được thắp sáng nhờ hệ thống năng lượng mặt trời. Một bạn kiểm lâm cho tôi biết, nhờ Chú Sáu, mấy năm nay các trạm đều được lắp đặt hệ thống này, anh em đỡ hẳn nỗi lo mất điện. Tôi chợt nhớ, đây là lần thứ ba, tôi nghe nhắc đến tên “ chú Sáu” một cách đầy cảm kích, rõ là ông Sáu Mùi rất được lòng các kiểm lâm trẻ.
Buổi tối, tôi ngủ trong căn phòng của Trạm trưởng đang đi học vắng. Phòng nhỏ, sơ sài, bên những bộ trang phục kiểm lâm treo trong cái tủ gỗ không khóa, tôi chợt nhìn thấy cây đàn ghita. Cây đàn đánh thức trong tôi những kỷ niệm thời sinh viên đã rất xa, khiến tôi nao nao nghĩ đến đời sống tinh thần còn nghèo nàn của anh em kiểm lâm. Trong khi ở thành phố tràn ngập các cửa hàng sách báo, internet, ca nhạc, phim ảnh …thì ở đây các món ăn tinh thần, điều kiện sinh hoạt văn nghệ, thể thao đều thiếu thốn. Cây đàn ghi ta này hẳn là  “món chủ lực” góp vui cho anh em nguôi bớt nỗi buồn xa nhà.
Đêm đầu tiên ở rừng, tôi gần như thức trọn vì cảm giác lạ nhà, vì tiếng chó sủa, tiếng còi xe ô tô vào ra phá vỡ sự yên tĩnh của vùng sâu. Hai giờ sáng, một tốp kiểm lâm trẻ lục sục trở dậy, nai nịt gọn gàng để lên đường tác nghiệp, tôi cũng trở dậy, rón rén đi ra trạm gác. Bóng người cán bộ trực ban cúi xuống ghi chép trong cuốn sổ khiến tôi bồi hồi, ở đây, dù nắng hay mưa, ban đêm hay ban ngày, anh em kiểm lâm vẫn cần mẫn và thầm lặng với công việc của họ.
Tờ mờ sáng, tôi xếp gọn mùng mền, ra khỏi phòng. Dưới nhà ngang, một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ đang ngồi, chiếc nón lá úp lên hai đầu gối. Chắc lại một vụ xâm hại rừng, quả đúng vậy khi anh Đạo nói, chị ta hái trộm măng. Trước đây kiểm lâm vẫn cho bà con được khai thác những cây măng cong hay mọc quá dày, chỉ yêu cầu họ để lại những chồi măng thẳng, khỏe để nó phát triển thành rừng. Nhưng bà con ý thức kém, cứ những mầm măng tốt nhất mà chặt. Rốt cuộc đành cấm hết. Cấm nhưng bụng đói đầu gối phải bò, người dân thi thoảng vẫn làm liều. Những người lần đầu vi phạm, các anh yêu cầu làm bản cam kết, lần sau tái phạm thì tịch thu tang vật, phạt tiền. Nhưng với bà con nghèo, kiếm ăn quẩn quanh, kiểm lâm chỉ nhắc nhở, giáo dục rồi cho về.
Thì ra là vậy. Tôi nhìn người đàn bà đang ngồi, thi thoảng lại “ nói leo” vào câu chuyện của chúng tôi, chẳng có vẻ gì là áy náy hay sợ sệt. Dường như người dân vẫn vô tư, hồn nhiên với việc vi phạm quy định của các cơ quan chức năng và họ chỉ nghe theo mệnh lệnh của cái bao tử. Như vậy thì anh em kiểm lâm sẽ còn vất vả nhiều.
… đến cảm phục và biết ơn
8g sáng, tôi và Tới rời trạm cơ động, lên đường đi Suối Ràng. Đường nát bấy, bãi lầy đặc quánh như cháo. Có những chỗ tôi phải xuống đi bộ, dẫm lên những bụi gai mắc cỡ rậm rạp cứ níu lấy ống quần. Sau nhiều lần “ tăng bo”, chúng tôi đụng một cái quán dã chiến, bày lèo tèo vài món đồ rẻ tiền, anh chủ quán gày gò bước ra vui vẻ chào hỏi, thì ra cái quán chính là điểm dừng chân của các kiểm lâm. Phía sau quán có cái chòi canh bám cheo leo trên chạc cây, trông như cái tổ chim. Tới giải thích, đó là cái chòi quan sát, nó giúp các anh có thể phát hiện ra những điều bất thường từ xa. Mãi lúc này tôi mới nhận ra, không còn bóng người dân nào chạy xe qua, chỉ còn chúng tôi với con đường mịt mù.
Chiếc honda trườn qua những đoạn đường khúc khuỷu, len lỏi chạy giữa bạt ngàn cỏ tranh và cây bụi. Càng vào sâu, đường càng dốc, chỗ nào không bị gai góc bít kín, bánh xe nghiến rào rạo trên nền đá lởm khởm, sỏi cơm bắn rào rào. Thi thoảng gặp một cây đổ chắn ngang, tôi phải xuống xe, chờ Tới rút dao ra chặt, dọn đường. Hồi nọ nhà văn Lý Văn Sâm từng nổi danh với những cuốn tiểu thuyết đường rừng đầy ma mị, cuốn hút. Bây giờ mười mấy cây số đường rừng chỉ có hai chúng tôi, chưa bao giờ tôi thấy thiên nhiên gần gũi, thân thương đến vậy. Tim tôi đập rộn lên khi ánh mắt chạm vào những bụi mum, bụi Lồ ô xanh ngắt với những gióng dài tuyệt đẹp. Đây đó những tổ chim bám trên cành cây trông ngộ nghĩnh như thứ trái cây lạ. Tâm hồn tôi choáng ngợp trước màu xanh mướt mát, tươi rói của cây cối, cỏ hoa, như vừa được tưng bừng tắm gội sau một mùa khô bụi bặm, nắng lửa. Rừng lộng lẫy, căng tràn sức sống với đủ loại cây, nổi bật là những thân gỗ lớn sừng sững – một biểu tượng hùng mạnh của thiên nhiên.
Lại nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết về rừng Trường Sơn sau ngày miền Nam giải phóng với đàn Bò Tót ồ ạt chạy, đàn Voi di chuyển ầm ầm…Bây giờ những hình ảnh ấy gần như đã biến mất một cách ác nghiệt ở hầu khắp các địa phương có rừng, nhưng ở đây rừng vẫn sinh sôi nảy nở, khỏe khoắn và dẻo dai như tự thửa hồng hoang đã vậy. Dĩ nhiên, những cánh rừng sum suê và đẹp như tranh này không tự nhiên mà có, nó thể hiện sự sáng suốt của của lãnh đạo tỉnh, thái độ tôn trọng thiên nhiên cùng công sức nhiều năm miệt mài chăm sóc, giữ gìn từng lá cây ngọn cỏ của những người trực tiếp quản lý, bảo bệ rừng. Tôi thoáng nhớ đến gương mặt tươi cười của Tới và mấy anh em ở trạm cơ động khi họ tự hào khoe rằng rừng “của mình” còn giữ được nhiều cây quý không nơi nào có được.
Trạm kiểm lâm Suối Ràng trông chỉn chu, xinh xắn nhờ có vườn hoa trước nhà, một lá cờ đỏ tung bay trên đỉnh cột cờ. Nhân viên của trạm đã vào rừng, họ để lại những chiếc xe máy lấm bùn, chiếc nào cũng không có bửng. Một mình Trạm trưởng Nguyễn Văn Lập ở lại trông nhà. Anh Lập có gương mặt hiền lành phúc hậu, quê Long An, trông có vẻ chững hơn tuổi 50. Anh vui vẻ vạch áo, khoe cái bụng tròn với vết mổ sỏi mật chưa kịp kéo da non sau 17 ngày nằm viện. Đáng lẽ ở nhà nghỉ ngơi thêm ít bữa nhưng vì trạm thiếu người quá nên anh lại vào. Nghe tôi khen trạm ngăn nắp, sạch, đẹp, anh cười chỉ cho tôi một cây mây rừng dựng ở vách tường, đầu ngọn tua rua như cái chổi:
– Mấy đứa kiểm lâm trẻ chưa vợ ở đây tụi nó nghịch lắm. Chúng sinh hoạt cũng bê bối, luộm thuộm nên tôi phải dùng cái roi mây này quất cho mỗi đứa vài roi, bắt chúng dọn dẹp nên mới được vậy.
Anh Lập cho biết, trạm Suối Ràng hiện đang quản lý 4.986,8 ha rừng hỗn giao, nhiều cây lớn, nhiều thú nên luôn bị lâm tặc rình rập. Ở đây có bầy nai 7 con hay về đập tràn uống nước và một đàn voi trên 10 con mỗi năm về “phá” hai lần. Chúng thò cả vòi vào bể nước ăn của trạm để uống nước, lôi đổ xe máy, phá khóa cửa, giật đổ dàn bí dàn bầu, quật ngã cây mít để lấy trái ăn. thậm chí chúng phá hỏng cả hệ thống pin mặt trời. Lần nọ voi mẹ dẫn theo voi con về, làm một trận tanh bành, khi chúng rút đi rồi anh em dọn dẹp, phục hồi lại mọi thứ mệt bở hơi tai. Mệt nhưng còn bầy thú là còn mừng và tự hào, vì chúng sống được là nhờ công sức chăm sóc, bảo vệ của mình. Nhìn theo tay anh, tôi thấy quả trên thành bể nước còn in rõ mồn một những dấu tích mà bầy voi để lại trong cuộc “tàn sát” đáng sợ của loài thú khổng lồ.
Tôi hỏi thăm về đời sống sinh hoạt của anh em ở trạm. Anh Lập mang trái mướp ra gọt, thủng thẳng kể, ở đây không có chợ búa, cửa hàng cửa hiệu gì nên mỗi tuần anh em nào đến phiên về nhà nghỉ thì khi vào phải mua rau, thức ăn, nhu yếu phẩm. Trạm nuôi được gà đẻ, trồng được rau nhưng cũng phải trữ cá khô, trứng muối, đồ hộp, phòng khi mưa gió dài ngày. Nói chung vật chất tạm ổn nhưng buồn vì trạm ở quá sâu, lại không có sóng wifi, không dùng được diện thoại, muốn liên lạc với gia đình cũng chịu. Được cái kiểm lâm viên ba năm đổi trạm một lần. Riêng trưởng trạm thì ít nhất cũng phải 5 năm, vì lúc đó mới tạm gọi là “ thuộc” địa hình, biết chỗ nào là rừng tái sinh, chỗ nào có nhiều cây lớn, hay chỗ nào lâm tặc thường gài bẫy. Anh em phải nắm rõ địa bàn để còn có kế hoạch khoanh vùng nuôi rừng.
Đưa tay chỉ chiếc điện thoại bàn cũ kỹ đang đặt chênh vênh trên yên một chiếc xe máy, anh Lập nói:
– Cái điện thoại bàn này không dùng để liên lạc được nhưng có thể dùng thay  radio. Đấy, nó cứ nói rỉ rả suốt ngày nên cũng đỡ buồn. Bây giờ đường sá đỡ rồi chứ trước kia mỗi lần muốn về Ban họp hành, chúng tôi phải cởi quần áo ngoài cho vào túi nilon, chạy tuốt ra trạm gác ngoài bìa rừng, lấy nước dội sơ cho đỡ bùn đất rồi lại mặc quần áo vào. Bữa nọ có ba người, hai nữ một nam, từ thành phố Hồ Chí Minh lên, nghe đâu định mở tuyến du lịch dã ngoại. Mới đi thám sát, khi trở ra cô khách nữ ngồi khóc sụt sùi, sợ vắt đến nỗi nhất định bỏ cuộc
Tôi im lặng, chợt thấy lòng chùng xuống. Từ hôm qua, tôi thấy các trạm kiểm lâm tuyệt nhiên không một bóng hồng, rõ ràng là công việc giữ rừng nơi “ thâm sơn cùng cốc”quá nặng nề, nguy hiểm đối với phụ nữ. Sống giữa rừng sâu núi thẳm, xa đồng loại, xa người thân, chịu đựng sự đơn điệu, nhàm chán, thử thách ấy chẳng kém gì ăn đói mặc rét, nhất là với kiểm lâm trẻ. Vậy mà bao năm qua, các anh đã sống và làm việc như thế, có mấy ai biết được sự hy sinh lặng thầm của họ.  Trực tiếp gìn giữ “lá phổi xanh” cho tỉnh Đồng Nai và cho đất nước nhưng họ gần như vô danh, khuất chìm trong triệu triệu những con người bình thường. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy như mình mang một món nợ khó trả với anh em vì sự vô tâm của mình.
Trong lúc anh Lập vào bếp làm bữa trưa, Tới rủ tôi vào suối Ràng. Anh lột đôi bít tất dày đang đi ở chân đưa cho tôi bào mang tạm để chống vắt. Về phần mình, anh xăn cao ống quần, nói vui cứ xăn quần lên, con nào bám biết ngay, sẽ xử lý triệt để. Chúng tôi chạy xe máy một đoạn, rồi bỏ xe, lội bộ. Lối đi chỉ mờ mờ trên lớp lá rụng bốc lên mùi ngai ngái vì bị ủ lâu ngày, nhiều chỗ phải gần như bò dưới vòm cây lồ ô, cây tạp sà sát mặt đất. Trong rừng tối và lạnh vì không có ánh mặt trời. Bầy muỗi đói bám dính lấy chúng tôi, đốt nhoi nhói. Dè dặt lần theo những tảng đá rêu bám trơn trợt, chúng tôi bước xuống Suối Ràng, con suối hùng vĩ hiện ra trong tiếng thác đổ ào ào. Phía trên ngọn thác đang tung bọt trắng xóa, mặt nước yêu tĩnh in bóng rừng khiến tôi bất giác nhớ tới bức ảnh chụp bàu Sấu trên Vườn quốc gia Cát Tiên. Phong cảnh tuyệt đẹp. Tới lấy điện thoại di động ra chụp hình. Khi trở lên bờ, anh bỗng kêu to:
– Vắt bám đầy chân cô rồi kìa. Để con bắt cho.
Lúc này tôi mới nhận ra, những con vắt nhỏ đã bám đầy trên bít tất của tôi từ bao giờ, đang ngo ngoe cái vòi đáng sợ. Tới dùng tay rứt từng con một ném đi. Tôi hồi hộp hỏi:
– Nhỡ nó chui vào người mình thì sao biết được?
– Biết chứ. Cứ thấy ngưa ngứa là đích thị nó đó.
Nói xong, Tới lại cúi xuống rứt những con vắt bám trên đôi bắp chân trần của anh, quẳng ra xa. Câu nói của Tới khiến tôi …nổi da gà. Từ lúc đó, tâm trí tôi chỉ còn tập trung nghe ngóng xem trong người có…ngứa chỗ nào không, một cảm giác vừa hiếu kỳ, lại vừa hoảng sợ.
Trên đường quay về, chúng tôi ghé qua đập tràn, nơi có chức năng điều tiết nước. Không gian thoáng đãng của đập tràn khiến tôi chợt nhận ra, dàn đồng ca của rừng gồm vô số tiếng chim đang râm ran hòa giọng, trong đó trỗi hẳn lên là giọng cúc cù hiền khô của chim Gáy, tiếng Bìm bịp buồn buồn và tiếng gióng giả chói tai của lũ Ve rừng. Bất giác, tôi cũng lẩm nhẩm hát heo “Cúc cu.Cúc cu.Chim rừng ca trong nắng. Im nghe. Im nghe, ve rừng kêu liên miên…”            .
Mâm cơm giữa rừng sâu được dọn ra với món “gà sạch” và mướp xào. Nghe anh Lập chia sẻ, tôi mới biết, anh thuộc số hiếm hoi kiểm lâm có bằng đại học chuyên ngành. Nhưng sau nhiều năm lăn lộn với nghề, hiện tại lương và phụ cấp của anh cũng chỉ 9 triệu một tháng. Anh em kiểm lâm có thâm niên 5-6 năm lương 3-4 triệu vì hầu hết họ chỉ có bằng trung cấp, sơ cấp lâm nghiệp. Họ không có chế độ đãi ngộ gì thêm ngoài việc mỗi năm được cấp phát 01 bộ đồng phục ngành, 01 đôi giày, hai năm 1 áo mưa, nhưng giày cứ 2-3 tháng là bung nên anh em phải tự mua thêm.
– Kiểm lâm ai cũng mắc sốt rừng, khi đang trẻ khỏe nó tạm thời lui, nhưng cứ từ 59-60 trở ra là cầm chắc sốt rừng sẽ trở lại. Cậu Tới cũng từng ho dai dẳng mãi không khỏi, phải cho đi điều trị đấy chứ. Có lần đang đi kiểm tra, tôi dẫm phải kim tiêm, sợ bị phơi nhiễm HIV, xét nghiệm đi xét nghiệm lại mấy lần. Rồi còn lạc rừng, anh em phải mang đèn đuốc, súng ống đi tìm suốt đêm. Công việc vất vả nhưng bù lại, bà con  rất quý và phục kiểm lâm. Năm nào chúng tôi cũng trực tiếp hướng dẫn bà con trồng và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Anh em sẵn lòng san sẻ một phần thu nhập cho các gia đình cơ sở, nhờ thế mà tai mắt của chúng tôi có ở khắp nơi, giúp chúng tôi phát hiện,xử lý kịp thời những vụ việc tiêu cực.
Tôi nhìn ra xa, không biết phải nói gì, sự thật tôi vừa chợt thấy lòng hẫng đi trong một cảm giác vừa khâm phục, lại vừa bất lực. Bài học lấy dân làm gốc các anh kiểm lâm đã thực hiện rất thành công, nhưng chính họ lại đang phải chịu thiệt thòi, thậm chí là bất bình đẳng trong nhiệm vụ đầy hiểm nguy, gian khó của mình.
Cơm xong, chúng tôi vội vàng chào anh Lập để quay về vì chuồn chuồn bay rất thấp, có thể sắp mưa. Xe đang đổ dốc tôi bỗng nhìn thấy phía trước một con chim lớn như con vịt đang bay, đôi cánh giang rộng của nó tưởng như che rợp cả mặt đất. Tới bảo, đó là con Ó, một loài chim lớn chuyên ăn thịt sống, nó có thể tha cả một con gà to lên cây, rút ruột ăn. Lúc này, con chim đang vẫy cánh một cách mạnh mẽ, khoan thai và uyển chuyển, phong thái của nó rõ ràng là phong thái ung dung, đĩnh đạc của kẻ làm chủ giang sơn của mình.`
Thế là tôi đã giải mã được một phần câu hỏi, nhờ đâu tỉnh Đồng Nai là địa phương còn giữ được diện tích rừng rộng lớn và vào loại phong phú, đa dạng nhất cả nước.
Tạm biệt anh em kiểm lâm, tạm biệt những cánh rừng ẩm ướt mùa mưa với bao điều bí ẩn, tôi trở về Biên Hòa trong tâm trạng xao xuyến như vừa giã từ những người thân yêu, chưa biết khi nào gặp lại. Tôi từng nghe giám đốc Khu sinh quyển Đồng Nai Trần Văn Mùì nói với anh em văn nghệ sĩ “kiểm lâm vất vả, gian khổ chỉ kém bộ đội biên phòng”. Giờ thì tôi đã tin điều ấy sau khi “mắt thấy, tai nghe” đời sống ở các trạm kiểm lâm, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Hầu hết anh em kiểm lâm tôi chưa kịp biết danh tính nhưng đã để lại trong tôi tình cảm thương mến quý trọng và cả sự biết ơn bởi ở họ cháy bỏng một tình yêu rừng, một bản lĩnh sống kiên cường và ý thức trách nhiệm đáng khâm phục. Tôi gọi họ là những người tri kỷ của rừng.
7/12/2022
Hoàng Ngọc Điệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...