Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Mùa thu bí ngô

Mùa thu bí ngô

1/- Bốn mùa trong năm, mỗi mùa đều có nét đẹp riêng của “ẻm” (đây là lối dùng chữ mộc mạc của người miền Nam Việt Nam. Thí dụ như thay vì gọi “anh đó, anh ấy” thì kêu bằng “ảnh”, gọi “ chị đó, chị ấy” thì kêu “ chỉ”. Tương tự, bà thì kêu bả, ông thì kêu ổng, cô thì kêu cổ, dì thì kêu dỉ… vậy.
Chỉ cần bỏ thêm dấu hỏi trên đầu là thành tiếng đại danh từ ngôi thứ ba liền hà. Tiện lợi và gần gũi biết mấy.
Ủa? Mà hình như đâu phải đại danh từ nào cũng áp dụng như vậy hết? Như “chú, thiếm, bác“ thì đâu có kêu bằng chủ, thiểm,… và bác thì đâu có bỏ dấu hỏi hay ngã gì được.
Thật ra tôi chưa bao giờ dùng chữ “ẻm” để thay cho chữ “em đó, em ấy”, chỉ gần đây khi nói chuyện với một cô bạn trẻ, tình cờ nghe cô ấy nhắc về người em gái vắng mặt mà cô dùng chữ “ẻm”, tôi hơi bất ngờ vì lâu thật lâu không còn nghe ai dùng chữ nầy nữa; cứ nghĩ nó đã mai một vì đó là cách nói của những người lớn tuổi ở thế kỷ 20, mà cô thuộc thế hệ thật trẻ sinh ra lớn lên ở thành phố nên tôi thấy rất thú vị, ngồ ngộ. Thế là hôm nay tôi đem ra áp dụng thử cho vui.
Trong bốn mùa, mùa nào cũng có nét đẹp riêng đáng cho mình ngưỡng mộ hết.
Xuân là tiết giao thời từ giá lạnh sang tươi vui. Cây bắt đầu chuyển mình nhú lộc non mơn mởn. Là tết Nguyên Đán nhà nhà người người rộn ràng chào đón cầu mong năm mới sẽ còn hạnh phúc may mắn hơn năm cũ.
Hạ ấm áp, ngàn hoa khoe hương sắc, ong bướm lượn la đà. Học trò kết thúc niên học náo nức về những ngày nghỉ được rong chơi thỏa thích. Người lớn cũng thế.
Đông giá lạnh, gió bấc tái tê, tuyết phủ trùm lên vạn vật một màu trắng tinh khôi đến lóa mắt. Những người thích thể thao cục cựa mở nhà kho mang đôi giày trượt ski và quần áo giữ ấm sẵn sàng cho các chuyến lên núi. Là mùa ông già Noel sẽ cởi con tuần lộc mang quà phân phát cho mọi trẻ con trên thế giới.
2/- Mùa thu mới là đề tài bất tận cho các thi, văn, nhạc sĩ viết về nhiều nhất. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn amateur săn lùng các phong cảnh đẹp quyến rủ mê hồn.
Là mùa của rừng phong lá đỏ, trong truyện Kiều thi hào Nguyễn Du có nhắc:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
… Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Là mùa của lá vàng xào xạc rơi:
Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Tiếng Thu, Lưu Trọng Lư)
Là mùa của những tâm hồn mơ mộng tìm đến nhau trên lối đi bộ dọc theo hai bên bờ sông Seine. Lác đác vài nhóm nhỏ tụ họp lại mang nhạc cụ ra chơi, từng đôi nhịp nhàng dìu nhau theo âm thanh dìu dặt của điệu valse, tango, slow…
Khách qua đường đứng lại lặng nhìn, rồi chừng như không cưỡng lại được tiếng nhạc du dương mời mọc, cũng hoà vào không khí lãng mạn. Ánh nắng chiều vàng mùa thu xuyên qua kẻ lá chiếu xuống các thân hình uyển chuyển xoay tròn theo điệu luân vũ, làm tôi nhớ đến mấy câu thơ của thi-sĩ- tình- yêu Nguyên Sa:
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
(Paris, Nguyên Sa)
Là mùa gây xao xuyến cho những trái tim nhạy cảm:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: thu mênh mông
(Tỳ Bà, Bích Khê)
Hoặc ngậm ngùi cho sự từ ly của hai người yêu (hay vợ chồng):
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
… Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời nầy…
Từ nay mãi mãi không thấy nhau…
(Mùa Thu Chết, nhạc lời Việt Phạm Duy)
Mùa thu không chỉ có màu vàng và đỏ, mà còn có cả một bầu trời sương phủ:
Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu
Sương mờ giăng âm u
(Mùa thu không trở lại, Phạm Trọng)
Nhưng đặc biệt vùng cao nguyên nơi tôi sống, bầu trời mùa thu xanh một màu thăm thẳm đến khó rời ánh mắt, dõi tìm xem đâu là Vô Tận, Vô Biên trong cái Vô Cùng.
Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Anh mong chờ mùa thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Màu áo xanh là màu anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ
(Thu Quyến Rũ, Đoàn Chuẩn)
Tôi thích thơ thẩn xuyên qua các cánh đồng cỏ xanh mà ngọn hơi úa vàng chứ không còn mơn mởn như dạo tiết hè.
Hoặc lang thang vào rừng lá đã rụng gần hết chỉ còn trơ gốc cành khẳng khiu, hoà vào sự tĩnh lặng của không gian. Thỉnh thoảng nghe vài tiếng chim chuyền cành hót gọi bạn, gió hiu hiu thổi nhẹ cho vài chiếc lá còn sót lại rì rào xao động.
Hoặc leo lên dốc đồi thấp mà dọc theo lối mòn có những băng ghế gỗ,từ đó ngồi ngắm nhìn quang cảnh thành phố phía dưới. Xe cộ như những con ốc tí hon bò chậm chạp theo con đường giờ chỉ còn là một vệt loang loáng nhựa ngoằn ngoèo. Phóng tầm mắt qua ngọn đồi đối diện,nơi các ngôi nhà nằm lác đác. Tưởng tượng những người sống bên trong, giờ nầy họ làm gì? Bình thản uống cà phê nghe điệu nhạc folklore vùng núi Alpes (dân ca Thuỵ Sĩ )phát ra từ chiếc radio đời cổ hay đang săn sóc các chị bò sữa, hay chải lông cho ngựa? Cuộc đời người nông dân ở đây tuy cũng làm những công việc đồng áng nặng nề nhưng sao thấy họ an nhiên hạnh phúc thế.
Nơi tôi sống cũng được gọi là thành phố (city), nhưng là một thành phố nhỏ. Tôi có thể mượn lời một bài thơ để diễn tả:
Phố núi cao, phố núi trời gần
Phố không xa nên có tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ…
(Một Chút Gì Để Nhớ, Vũ Hữu Định)
Xuống đường, tôi đã đứng ngay trung tâm phố phường nhốn nháo. Nhưng chỉ vài bước chân là tôi đã hoà nhập vào thiên nhiên. Đồng ruộng, rừng thưa, đồi dốc.
Ở đây, dân tình rất thân thiện gần gũi. Người xứ khác đến cũng cùng nhận xét. Đó là lý do vì sao mà tôi không bỏ nơi nầy để di dời qua chốn khác. Những ai quen rộn rịp thì cho nơi đây tuy đẹp nhưng buồn, còn tôi thì thích cảnh bình yên tĩnh lặng.
3/- Tôi cũng yêu mùa thu.
Với trời xanh không một gợn mây, với nắng vàng nhàn nhạt, với lá vàng lá đỏ vương đầy mặt đất.
Với màu vàng tươi của các trái bí ngô.
Với màu vàng ươm tươm ra từ con gà tây to kềnh trong lò nướng.
Khi các quầy hàng rau cải trong siêu thị hay ngoài chợ trời bày những trái bí dưới mọi kích thước tròn dài to nhỏ cho khách tha hồ chọn lựa thì đó là báo hiệu mùa lễ Halloween.
Lễ Tạ Ơn, một tập tục đáng khích lệ ở Bắc Mỹ mà tháng 10 rồi tôi được tham dự đến 3 lần ở Vancouver: ở nhà em trai, nhà chị vợ của em trai và nhà bạn học mà giòng đời đưa đẩy được gặp lại sau hơn 40 năm rời trường.
Cũng cùng lễ Tạ Ơn nhưng dân Canada lại không tổ chức cùng ngày với dân Mỹ, mà đã diển ra sớm hơn cả tháng.
Ở châu Âu sao không có tập tục nầy nhỉ? Chắc vì họ là dân chính gốc, đất nước là của tổ tiên ông bà họ từ nhiều ngàn năm dựng lên chứ họ không phải là những di dân đi tìm đất mới nên họ không thấy có bổn phận hay trách nhiệm tạ ơn ai hết chăng?
Nhưng lễ Halloween thì năm nào đến ngày,mới chập tối là chuông cửa nhà tôi đã reng. Các bé nhóc mặc y phục đen hoá trang vẽ mặt mày thành các con ma dể thương đến xin kẹo bánh.
Có câu chuyện cười về ma, cô cháu gởi, tôi chộp lại nguyên văn cho mọi người cùng đọc:
“Một cô gái rất sợ ma, phải đi học thêm buổi tối mà đường đi có đoạn rất vắng vè. Cô mong có người đi cùng với mình cho đỡ sợ
“Một hôm có chàng trai đạp xe chạy cùng chiều với mình, mừng quá cô chạy lên đi chung. Sau lúc trò chuyện, cô gái nói:
- Em vốn sợ ma lắm, mà đi đoạn đường nầy vắng em rất sợ, may là có anh đi chung.
“Chàng trai mỉm cười trìu mến nhìn cô gái, nói:
- Hồi còn sống anh cũng thế “
Lúc nhỏ tôi cũng sợ ma kinh khủng lắm. Theo thời gian thì tôi nhận ra “Quỉ - Người” mới đáng ghê tởm thôi.
Tôi có may mắn được tham dự nhiều lễ hội dân gian khá thú vị. Thí dụ như kỳ festival pumpkin gọi là Harvest Hullabaloo ở Spokane tiểu bang Washington tháng 9 vừa qua.
Hôm ấy thật là một ngày đầy mây xám, trắng:
Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ thương
(Mầu (Mùa?) Thu Năm Ngoái, Hồ Dzếnh)
Trên khoảnh đất rộng người ta bầy ra rất nhiều trái bí ngô - còn gọi trái bí đỏ - cho mọi người nhìn ngắm, hay leo lên ngồi chểm chệ để chụp hình kỷ niệm và… bán (tất nhiên). Họ dựng nhiều lều, mỗi lều bán món hàng đặc biệt của mình. Ở khu thức ăn uống tôi thấy một hàng ít nhất cũng năm bảy chục người đứng chờ. Nhóm chúng tôi bốn người cũng sáp lại gần để xem có gì đặc biệt mà người ta kiên nhẫn chờ lâu thế. Thì ra là họ bán pumpkin donuts, tức là bánh làm bằng bí với đường (và có lẽ một ít bột chăng? Tôi không rành lắm).
Hai vợ chồng người anh kêu cô em cứ đưa tôi đi vòng vòng xem thiên hạ trong lúc họ chờ mua cho tôi ăn thử cái donut bí đỏ chỉ mùa thu mới có.
Bánh nướng tại chỗ chín đến đâu bán đến đấy, mà người mua lại đông nên phải hơn tiếng sau mới đến phiên.
Tôi ăn một miếng để không phụ tấm lòng người mua đãi khách. Trời ơi nó ngọt sao là ngọt, gắt cổ họng chịu hết nổi. Cố gắng ăn gần nửa cái donut rồi… đầu hàng luôn.
Chuyến đi chơi Seattle chỉ là bất ngờ nhưng nhờ đó tôi mới biết nơi đây có cơ quan đầu não của Microsoft, Amazone, Boeing, quán cà phê đầu tiên Starbucks dựng nghiệp, và nhất là đội banh bầu dục Seahawks nữa chứ.
Tôi khám phá thêm vùng đất khác của Hoa Kỳ, điều thú vị không phải nằm ở chỗ các nhà chọc trời, những công trình nhân tạo ngoại hạng hay những cám dỗ lóe mắt mà là được chiêm ngắm phong cảnh thiên nhiên hoang dại, những cánh đồng lúa mì mênh mông gặt xong còn trơ gốc rạ vàng đến ngút mắt, vườn táo các loại giòn ngọt, lễ hội dân gian gắn liền với đất đai, cây cỏ.
4/- Lẩn thẩn tự hỏi:
- Trên “quê hương chùm khế ngọt” hiện nay á, cái gì mà ở Tây phương có thì ở đó cũng bắt chước có hết. Từ lễ Saint Valentin (lễ Tình Nhân), lễ Phụ Nữ, lễ Mother’s Days, lễ Halloween… nhưng sao không tổ chức lễ Tạ Ơn, hội bí ngô nhỉ?
Được trả lời rằng:
- Lễ Tạ Ơn thì không, nhưng hậu lễ black Friday thì có. Chẳng những có, mà người dân còn là những tín đồ shopping cuồng nhiệt hơn các nơi khác trên thế giới nữa kia.
- Về hội bí ngô thì hoặc nhà tổ chức chưa có đủ các loại về hình dáng, kích cở để thu hút khách đến thưởng ngoạn và mua; hoặc vì nếu bày ra tràn lan đầu sân cuối bãi mà không có người trông chừng, e rằng may lắm chỉ trụ được trong ngày là cùng. Qua một đêm, sáng ra chắc nó không cánh mà bay xa ngàn dặm
Nghìn trùng xa cách
Bí đã đi rồi
Còn gì đâu nữa
Mà khóc với cười…
(Chế theo Nghìn Trùng Xa Cách, Phạm Duy).
10/2018
Thanh Hà
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...