Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Thiên tính nữ và cá tính sáng tạo trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương - Nhìn từ nghệ thuật dụng điển

 

Thiên tính nữ và cá tính sáng tạo trong
thơ Nôm của Hồ Xuân Hương
Nhìn từ nghệ thuật dụng điển

Không chỉ là thiên tài tiếng Việt, nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn là bậc thầy trong nghệ thuật dụng điển. Điển cố chính là một trong những phương diện thể hiện rõ nhất tài năng thơ ca của “Bà chúa thơ Nôm”. Qua nghệ thuật dùng điển của nữ sĩ, có thể thấy rõ những đặc trưng trong phong cách, phẩm tính thơ Nôm của bà: thiên tính nữ và cá tính sáng tạo.
Thiên tính nữ qua nghệ thuật dùng điển
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương mang đậm thiên tính nữ. Tính nữ được xem là thuộc tính hàng đầu, chi phối toàn bộ thế giới thơ Xuân Hương, trong đó có nghệ thuật dùng điển, những thi liệu vốn được xem công thức, sáo mòn, nặng tính từ chương, bác học.
Tính nữ trong nghệ thuật sử dụng điển cố trong thơ Hồ Xuân Hương thể hiện rõ nét qua khuynh hướng lựa chọn điển cố của nhà thơ. Kho tàng điển cố trong văn chương trung đại vô cùng phong phú nhưng hầu như nữ sĩ chỉ quan tâm, chọn lấy những điển phù hợp với các vấn đề tính nữ nêu ra trong thơ. Hệ thống chủ đề điển cố trong sáng tác của Xuân Hương cho thấy rõ điều này.
Điển trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương khá đa dạng nhưng thống nhất, tập trung chủ yếu vào các chủ đề gắn liền với người phụ nữ. Đây là một hiện tượng độc đáo, cá biệt trong nghệ thuật dùng điển của văn học trung đại. Dưới đây là những chủ đề tiêu biểu:
Chủ đề thân thể, sắc đẹp người phụ nữ có các điển: Bồng đảo, Đào nguyên (Thiếu nữ ngủ ngày); con chuột nhắt, cái ong bầu(1): “Rúc rích thây cha con chuột nhắt/ Vo ve mặc mẹ cái ong bầu” (Vô âm nữ); khuynh quốc khuynh thành: “Lấy ai khuynh quốc lại khuynh thành” (Thị Điểu thi).
Chủ đề thân phận người phụ nữ có các điển: chiếc bách: “Chiếc bách buồn về phận nổi nênh” (Chiếc bách); mưa gieo xuống giếng(2): “Mưa gieo xuống giếng uổng lòng mong” (Thương ôi phận gái).
Chủ đề tình yêu đôi lứa có các điển: vàng đá, cầm sắt: “Trăm năm vàng đá quyết cho đành, Cầm sắt phen này quyết tấp tênh” (Đàn gảy); Tần Tấn, Ngô Lào: “Tần Tấn đã đành duyên gặp gỡ/ Ngô Lào chỉ quản chuyện xa xôi” (Tình có theo ai).
Chủ đề mai mối, nhân duyên vợ chồng có các điển: lão nguyệt: “Lão nguyệt lẽ nào trêu quải mãi” (Chi chi chuyện ấy); nguyệt ông: “Ghét bỏ chi nhau hỡi nguyệt ông” (Thương ôi phận gái); ông nguyệt: “Ông nguyệt nỡ nào trêu quải mãi” (Thương thay phận gái); trăng già: “Trăng già có nhẽ trêu nhau mãi” (Đàn gảy); thả lá trôi dòng ngự: “Tuy không thả lá trôi dòng ngự” (Duyên kỳ ngộ), thơ lá, tin băng (3): “Muốn trôi thơ lá mà than thở/ Phải mượn tin băng để dập dìu” (Giong thuyền thưởng nguyệt); lá thơ: “Duềnh Ngự lênh đênh một lá thơ” (Ký Sơn Nam Thượng trấn Hiệp trấn Trần Hầu 2); chỉ đào, lá thắm(4): “Muốn chắp chỉ đào thêu trướng gấm/ Mà đem lá thắm thả sông Tô” (Ngụ ý Tốn Phong 1); tơ nguyệt: “Tơ nguyệt rày xe ba mối lại” (Tặng Tốn Phong tử).
Chủ đề hôn nhân, cảnh chồng chung, không chồng có các điển: vợ chồng Ngâu: “Cầu ô muôn thước vợ chồng Ngâu” (Hữu cảm); thăm ván(5), ôm đàn(6): “Ấy ai thăm ván cam lòng vậy/ Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh” (Chiếc bách), phiếu mai(7): “Phiếu mai chi dám đường trăng gió” (Đề tranh tố nữ), Tề, Sở (Tức cảnh Tề, Sở, phân tích ở mục sau).
Chủ đề hạnh phúc bản năng có các điển: nương dâu(8): “Trăm năm càng khỏi tiếng nương dâu” (Vô âm nữ); mây mưa(9): “Anh hùng đua chí hội mây mưa” (Vịnh đánh cờ); giấc Vu(10): “Giấc Vu man mác năm canh nguyệt” (Ký Sơn Nam Thượng trấn Hiệp trấn Trần Hầu 2).
Ngoài ra, trong thơ Xuân Hương còn có nhiều điển có nhân vật chính là nữ hoặc tích truyện gắn liền với người phụ nữ như: hồn mai(11): “Hồn mai phảng phất tiếng sênh bay” (Hỡi nguyệt đê mê); chị Hằng “Chị Hằng khéo nhẽ éo le thôi” (Thương thay phận gái); Hằng Nga: “Đã có Hằng Nga ghé mắt dòm” (Hỏi trăng 2); Tây Thi: “Tây Thi giống trước hãy còn ương” (Vịnh hoa cúc); duềnh Tương(12) (Hữu cảm)…
Có thể thấy, trong văn chương trung đại Việt Nam, hiếm có tác giả nào dẫn điển liên quan đến những vấn đề tính nữ một cách chủ động, tập trung và có hệ thống như Hồ Xuân Hương. Các điển này được sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả, đã mang lại nhiều giá trị độc đáo, góp phần quan trọng trong việc kiến tạo các diễn ngôn về nữ quyền. Trong văn học trung đại nước ta, Hồ Xuân Hương “xứng đáng hơn ai hết là nhà thơ của phụ nữ”. Thơ bà “trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ” (13), là điển hình của thiên tính nữ trong văn chương trung đại. “Thơ ca của Hồ Xuân Hương thể hiện một ý thức nữ tính đặc biệt mãnh liệt và mang một sắc thái cá nhân”(14). Một trong những sắc thái cá nhân trong ý thức nữ tính mãnh liệt của Xuân Hương thể hiện qua nghệ thuật dùng điển như ta đã thấy.
Cá tính sáng tạo qua nghệ thuật dùng điển
Hồ Xuân Hương là nhà thơ cá tính bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam. Trong thơ Nôm của bà, người ta dễ dàng nhận ra “một Xuân Hương trái tính trái nết, mạnh mẽ, ngang bướng, đanh đá, chua ngoa, hay gây gổ”(15). Cá tính sáng tạo mạnh mẽ, riêng biệt, không pha lẫn là một trong những phẩm tính của thơ Nôm Xuân Hương.
Với cá tính đặc biệt của mình, Xuân Hương tất nhiên không trùng lặp với ai trên nhiều phương diện nghệ thuật, trong đó có việc dùng điển. Không bằng lòng với những giá trị vốn quen thuộc, công thức, cố định, đôi khi sáo mòn của điển, nhà thơ của chúng ta luôn tìm cách thay đổi diện mạo, mở rộng phạm vi hành chức, gia tăng giá trị biểu đạt của điển cố bằng nhiều phương thức. Trong đó, lạ hóa ngữ nghĩa và lạ hóa sắc thái biểu cảm của điển là hai phương thức thể hiện rõ cá tính Xuân Hương trong nghệ thuật sử dụng điển cố.
Trước hết, nhà thơ lạ hóa điển bằng cách tạo nghĩa mới cho điển. Hồ Xuân Hương có “biệt tài tạo nghĩa”, thơ Nôm của bà “rất đặc biệt ở lĩnh vực tạo nghĩa”(16). Mỗi điển cố thường mang một ý nghĩa khái quát được dùng cố định. Tuy nhiên, vào thơ Hồ Xuân Hương, qua tài năng tạo nghĩa của nhà thơ, chúng phái sinh những nét nghĩa mới lạ, bất ngờ. Tiêu biểu cho điều này là hai điển Bồng đảo, Đào nguyên trong bài “Thiếu nữ ngủ ngày”:
“Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông”.
Đây là hai điển hết sức quen thuộc trong văn chương trung đại, được dùng để chỉ cảnh đẹp như chốn thần tiên. Tuy nhiên, Xuân Hương với cái nhìn đầy thiên tính nữ cùng cá tính độc đáo lại dùng với nghĩa khác lạ, chưa từng có: chỉ trực tiếp cơ quan sinh dục nữ. Dùng điển cố, thi liệu là hình ảnh thiên nhiên để miêu tả cơ thể con người một cách ước lệ là thủ pháp quen thuộc có tính chất đặc trưng của văn học trung đại. Nhưng dùng để chỉ trực tiếp cơ quan sinh dục một cách bất ngờ, hợp lí và gợi cảm, thi vị như Xuân Hương là hiện tượng cá biệt, “xưa nay hiếm”. Cách dùng điển mang “thương hiệu” Hồ Xuân Hương này khiến hậu thế phải ngỡ ngàng, ngưỡng mộ và thích thú. Lối nói “đôi gò Bồng đảo” để ám chỉ đôi vú của người phụ nữ rất phổ biến trong ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ mạng hiện nay là minh chứng cho sức sống, sức lan tỏa của ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương nói chung, điển cố qua tài năng dùng điển của nữ sĩ nói riêng. Đây cũng là một di sản Hồ Xuân Hương để lại trong tiếng Việt hiện đại.
Ý thức lạ hóa nội dung điển của Hồ Xuân Hương mang đậm thiên tính nữ. Bên cạnh “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Tức cảnh Tề, Sở” là bài thơ tiêu biểu cho đặc tính này:
“Đằng quốc tôi nay vốn nhỏ nhen.
Hai bên Tề, Sở ép hai bên.
Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận,
Quay đầu về Sở sợ Tề ghen”.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Đằng là nước nhỏ nằm giữa hai nước lớn Sở, Tề luôn trong thế giằng co, tranh đoạt. Điển Sở, Tề thường được dùng trong văn chương để chỉ cảnh xưng hùng tranh bá. Nhưng với Xuân Hương, nữ sĩ lại dùng chúng với ngữ nghĩa rất nữ tính: Chỉ cảnh chồng chung. Đặc biệt, cá tính mạnh mẽ mang tính phản kháng của Xuân Hương còn thể hiện qua cách “phân phối” ngữ nghĩa của điển: Dùng hai nước lớn (Tề, Sở) để chỉ hai người vợ; trong khi đó, người chồng chỉ được ví với nước Đằng nhỏ bé, lại luôn ở trong trạng thái e ngại, lo sợ bị Sở, Tề giận, ghen. Có thể nói, cách dùng điển độc đáo, đầy cá tính này gần như chỉ có ở Hồ Xuân Hương.
Cùng với lạ hóa ngữ nghĩa, điển vào tay Hồ Xuân Hương còn bị lạ hóa sắc thái biểu cảm. Thông thường, nhắc đến điển cố, người ta thường nghĩ ngay đến lớp từ ngữ mang sắc thái nghiêm túc, đĩnh đạc, trang nhã; chủ yếu được dùng trong dòng thơ văn tỏ lòng, chở đạo, vịnh sử, miêu tả thiên nhiên… Tuy nhiên, với Xuân Hương, điển cố “đa năng”, “lợi hại” hơn nhiều. Nhà thơ thường dùng điển vào mục đích trào lộng, phê phán. Tiêu biểu như các điển cố Phật giáo vốn trang nghiêm được lạ hóa bằng sắc thái mỉa mai, đặt cạnh lối nói lái, nước đôi thanh tục được dùng cho mục đích châm biếm tầng lớp tu hành biến chất:
Gậy thần Địa Tạng khi chèo chống,
Tràng hạt Di Đà đếm lại đeo.
(Vịnh ni sư)
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
(Kiếp tu hành)
Hồ Xuân Hương là người “sáng tạo những cấu trúc ngôn ngữ thơ đầy tài năng, đến nay, chưa dễ ai hiểu hết”(17). Điển cố lạ hóa là một trong những “cấu trúc ngôn ngữ thơ đầy tài năng” ấy. Sự linh hoạt, mới lạ cùng ý thức đổi mới trong nghệ thuật dùng điển là một trong những phương diện thể hiện rõ nhất cá tính Hồ Xuân Hương. Xuân Hương dùng điển rất Xuân Hương. Điển cố vào tay Xuân Hương cũng cá tính, khác biệt như chính thơ Nôm của bà.
Có thể khẳng định, Hồ Xuân Hương còn góp vào nền văn học dân tộc và thế giới một phong cách hết sức độc đáo. Ý thức nữ tính, cá tính sáng tạo trên nền tảng tinh thần dân tộc là những phẩm tính làm nên phong cách thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nghệ thuật dùng điển của nhà thơ thể hiện rõ nét đặc điểm trên. Với điều này, Hồ Xuân Hương là một trong những tác giả dùng điển tài hoa, độc đáo bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam.
Chú thích:
(1) Điển nội sinh, bắt nguồn từ ca dao: Con gái mười bảy mười ba/Đêm nằm với mẹ, chuột tha mất l… và Bà đồng bà cốt long tong/ Nhảy lên nhảy xuống con ong đốt l…
(2) Điển nội sinh, bắt nguồn từ câu ca dao: Thân em như hạt mưa sa…
(3) Dạng chuyển dịch của “băng nhân”, tức “người trên băng”, điển dùng chỉ người mai mối.
(4) Dạng chuyển dịch của điển “hồng diệp xích thằng”.
(5) Điển nội sinh, bắt nguồn từ câu tục ngữ “thăm ván bán thuyền”, Hồ Xuân Hương dùng với nghĩa “chồng lấy thêm vợ mới”.
(6) Điển bắt nguồn từ câu thơ cổ “Khẳng bả tì bà quá biệt thuyền” (không chịu ôm đàn tì bà qua thuyền khác), chỉ việc không chịu lấy chồng.
(7) Điển bắt nguồn từ bài Phiếu hữu mai trong Kinh thi, nội dung nói về cây mơ đã rụng quả nhiều nhưng vẫn còn quả trên cây, chỉ người con gái đã lớn tuổi nhưng vẫn còn kịp lấy chồng.
(8) Dạng chuyển dịch của “Bộc thượng tang gian” (trong ruộng dâu trên sông Bộc), Nguyễn Du chuyển dịch là “[Ra tuồng] trên Bộc trong dâu”. Điển dùng chỉ quan hệ nam nữ bất chính.
(9) Dạng chuyển dịch của “vân vũ”, gắn với tích Sở Tương Vương ngủ dưới chân núi Vu Sơn, nằm mộng gặp một người con gái tuyệt sắc đến cùng ân ái thỏa thích. Khi vua hỏi thì trả lời: “Thiếp là thần núi Vu Sơn, sáng làm mây, chiều làm mưa”. Điển “mây mưa” hay “giấc Vu Sơn” được dùng để chỉ chuyện giao hoan nam nữ.
(10) Xem chú thích 9
(11) Chỉ giấc mộng đẹp. Tích có người được người con gái đẹp, đãi rượu đến say, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy mình nằm dưới gốc mai.
(12) Sông Tương, nơi hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh khóc khi chồng là vua Thuấn qua đời.
(13) Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.275.
(14)  Phạm Văn Hóa, “Ý thức nữ tính trong thơ Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 01, 2022, tr.76.
(15) Lê Thu Yến, Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, tr.129.
(16) Lê Thu Yến, Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Sđd, tr.112.
(17) Đỗ Đức Hiểu, “Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Văn học, số 5, 1990.
10/12/2022
Phạm Tuấn Vũ
Nguồn: Tạp chí Sông Lam, 10.2022
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...