Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Giấc mơ - Truyện ngắn của Hà Hương Sơn

Giấc mơ - Truyện ngắn
của Hà Hương Sơn

Ánh nắng đi xuyên qua đám mây màu tro, rơi xuống ngọn núi Hình Móng Cọp những sợi lóng lánh vàng. Núi hứng không trọn vẹn dòng nắng vì bị mây che, nghiễm nhiên ôm ấp vào lồng ngực những cụm khói trắng bảng lảng, chờn vờn. Cảnh vật xung quanh khu nghĩa địa đẹp như một bức tranh, sự thanh vắng gợi lên trong Toàn những viễn mơ.
Ba à! Điều làm con suy nghĩ đắn đo nhiều nhất, là làm sao để chăm dưỡng được mẹ ba, nhưng hiện thực nào có dễ dàng, đơn giản, bình dị như những gì nội tâm con đang khe khẽ nói. Con đã trải qua những tháng ngày tồi tệ nhất của tuổi trẻ, tệ đến mức, con không thể nào trả ơn được cho mẹ ba.
Tháng mười năm ấy, cái mùa đông rét mướt, con nghe trong lồng ngực non trẻ của mình có những cựa động, giống như những hạt mầm ba đã gieo trên cánh đồng ngày xưa, đến thời điểm thích hợp thì lại nhu nhú lên trên mặt đất, rồi từ đó đâm chồi, phát triển thành một cây non, vươn lên trở thành một giống cây.
Khi đang là sinh viên, mẹ ba vẫn nghĩ rằng con ổn, tất cả mọi thứ đều suôn sẻ. Chỉ có con mới biết rõ, điều bất thường đã đến. Con âm thầm ôm giữ điều bất thường trong nỗi cô đơn. Những tiết giảng bài của giảng viên trường đại học không đủ truyền cảm hứng để níu con trở về thực tại. Mọi hoạt động diễn ra như một con robot được lập trình sẵn, đến giờ con lại đi học, hết giờ lại về. Mọi kiến thức thầy truyền giảng chảy qua tai con như người ta đổ nước qua một đường ống rỗng.
Con biết! Việc con quyết định bỏ học giữa chừng là một cú sốc quá lớn đối với Ba. Người cha già đáng kính. Con biết, niềm tự hào vì có đứa con học giỏi đang âm thầm rơi rụng trong Ba, niềm hãnh diện mang tiềm kích thành tích giữa một nơi có quá ít người được vào học đại học cũng dần tan biến đi. Điều đó là lỗi nơi con. Những khó khăn, nhọc nhằn mà Ba đã chịu đựng; những khi ăn uống nhín nhịn để con có tiền ăn học nơi đất khách quê người; những gia sản ít ỏi của một gia đình nghèo, Ba đã bán đi để lo cho con. Tất cả những chắc chiu, cuối cùng cũng vì một mục đích cao cả là mong con trở thành một con người có ích cho xã hội, một người không còn giống như Ba, còng lưng mưa nắng trên ruộng đồng bạc màu, cằn cỗi, làm lụng cả đời không dư dả nổi một chỉ vàng.
Mười hai năm trôi qua, hơn ngàn lần tự hỏi, nếu được chọn lựa lại, liệu con có quyết định bỏ học? Câu trả lời trong con, chắc chắn là có.
Mày bị điên à? Thằng bạn thân trong lớp đại học chửi con như thế. Con biết, mình không bị điên, nhưng ở vào trạng huống lúc đó, thật khó để có thể tiếp tục theo học. Có lẽ, con bị trầm cảm, rất nặng.
Thời gian trôi qua, con đếm từng ngày. Thực sự, con không biết mình phải làm sao cho thoả mãn đôi đường. Từng tiết học trôi qua thật vô vị biết bao. Niềm động lực phấn đấu trong con lặng ngấm, như ngọn đèn đã tắt. Con không còn cách nào có thể vực dậy chính mình. Vì lòng con đã có một giấc mơ khác. Bi kịch của con người thường nằm ở chỗ này, Ba nhỉ? Một giấc mơ khác.
Đừng đứng núi này trông núi nọ. Thằng bạn thân lại răn đe con. Nó mến con, không muốn để cho con trượt dốc. Ba ạ! Nó là một thằng bạn tốt.
Nội tình bên trong con là cả một đại dương đang trong cảnh huống bão tố, lốc xoáy. Con ước gì có thể tự lực vươn lên, không còn nhờ đến sự dè sẻn từng đồng từng cắc của ba mẹ. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng, là sai lầm lớn trong cuộc đời con. Cái giá của sai lầm là con đã đi qua những tháng ngày lênh đênh đầy sương gió, trải qua những giây phút tái tê, sầu úa, và đôi khi, con tuyệt vọng. Ngày con từ bỏ giảng đường đại học, là ngày đen tối nhất.
Ngày mùa thu năm đó, con quyết định ra đi, sau nhiều tháng ôn tập chẳng đâu vào đâu, chuyện bỏ học đại học đã vào dĩ vãng. Con ôn thi lại đại học là theo ý của ba mẹ, của anh chị, riêng con, con thực tình không khao khát gì nữa cả. Năm ấy, con hai mươi tuổi tròn, tính theo Tây lịch. Ôi! Mộng ước tuổi hai mươi thật lớn lao làm sao. Trước khi cất bước lên đường vào Nam, trong tim con bùng lên ngọn lửa ước muốn lớn lắm, con muốn trở thành một người nghệ sĩ nổi tiếng. Thực tình, con nghĩ, sự nổi tiếng chỉ là phù phiếm, điều cơ bản là mình có sống được với đúng điều làm cho mình trở nên hạnh phúc thực sự hay không. Cá tính còn quan trọng hơn sự nổi tiếng hàng trăm lần. Con chỉ khao khát trở thành một người nhạc sĩ, ca sĩ, như con từng ao ước từ năm con mười lăm tuổi, năm con tự chế cây đàn và con vừa đánh vừa hát ca khúc do tự con sáng tác. Được sống đúng với chính mình, là điều làm cho con thực sự hạnh phúc. Nhưng con đường con đi lại dẫn con đến với những đau khổ.
Con lên xe khách vào đúng lúc cơn mưa rào chợt đến, nắng vàng bị mây che chỉ còn lại những gợn sáng nhờn nhợt. Mưa kéo dài hơn trăm ki-lô-mét, khi con đã đi qua địa phận của tỉnh, thì trời mới ngưng rớt những giọt nước buồn.
Lần đầu tiên, Sài Gòn hiện ra trong tầm mắt con. Những tòa nhà, những con đường, lớp lớp người vụt qua trong phút giây con nhìn ngắm. Hi vọng của con là đây, giấc mơ của con là đây.
– Toàn định vào đây làm gì vậy? Đến bến xe, Tùng ra đón con.
– Đến nhà trọ của bạn ở tạm ít ngày, rồi tính.
Lúc đó, trong đầu con hiện lên những hành ảnh đẹp đẽ về một bầu trời, một tương lai như con từng mơ ước. Ý tưởng sẽ gặp được người nhạc sĩ mà con yêu mến, bằng bất cứ giá nào, phải làm sao để cho người nhạc sĩ dạy nhạc cho con, và đào tạo con trở thành một người nghệ sĩ. Như trong những bộ phim mà con đã xem, mà chính xác hơn, là như trong mộng tưởng huyễn hoặc của con.
Tùng đưa con đi về bằng xe buýt. Đến con hẻm nhỏ, hai đứa cùng nhau đi vào một lối rất hẹp. Phòng trọ ở trên tầng hai của một gia đình làm nghề cơ khí, những người thợ đang lao động, ánh lửa toé lên sáng chói.
Đêm ấy, Tùng và con tâm sự với nhau rất nhiều, gần đến sáng. Kỷ niệm tuổi thơ của hai đứa từng chăn bò, bắt dế, đào còng cứ tuôn ra, vui buồn lẫn lộn. Khung cảnh làng quê yên bình, nên thơ, những con người chân chất, mộc mạc hiện lên trong trí nghĩ. Ba à! Đến nơi đất lạ quê người, gặp được người bạn thân thuở nhỏ, thật quý biết bao.
Thành phố không đẹp như trong một bức tranh con đã vẽ nên, trong sự phồn hoa hào nhoáng ấy, có những mặt tối, một người nhà quê như con không dễ gì biết được. Thật xui xẻo thay, dù Tùng đã bảo con, hãy cẩn thận, nhưng vì tính cả tin và sự bồng bột của tuổi trẻ, con đã bị lừa.
Chiều đầu đông miền Trung có cơn gió lạ, con ngồi ủ rũ như một kẻ mất hồn. Ba đâm lo. Ba đi xem Thầy. Thầy bảo, con không sao, sau này học rất giỏi. Ba yên tâm về con. Từ đó, Ba bắt đầu thúc giục con học hành trở lại. Ôi cha! Nhà đã quá nghèo, nợ nần chồng chất, giờ mà lo con học nữa sao Ba?
Thời gian ôn thi kéo dài đằng đẵng suốt gần hai năm, con cố gắng nỗ lực trong trạng thái lòng con đã nguội, nhiều lần con tự đặt câu hỏi, một người muốn trở thành nhạc sĩ, ca sĩ thì cần gì phải học giỏi Toán. Con đường nào dẫn con đến nơi mà con muốn, sự phấn đấu của con sao mà giống dã tràng se cát quá vậy, cố lắm thì kết quả cũng thế, một con số rỗng. Đó là khoảng thời gian con thường làm thơ, sáng tác bài hát, như một con dế gáy te te, bản năng trong con muốn trào tuôn.
Con đậu vào cao đẳng, lịch sử cuộc đời con đã sang trang mới. Giờ đây, con cố gắng nỗ lực để trở thành một người giáo viên Anh ngữ. Như một thân cây bị mùa đông che phủ bao tháng ngày đông giá, rét mướt, giờ có ánh nắng mặt trời làm cho tươi ấm, tia nắng đầu tiên lại xối lên thân cây những luồng hừng hực nhựa sống. Nhưng con vẫn không nguôi giấc mơ trở thành một người nghệ sĩ.
Run rủi sao, một lần nữa con lại bỏ học. Ngày Ba nằm viện vì cơn tai biến, con nghĩ suy, đắn đo. Hoàn cảnh của gia đình mình sao mà éo le thế, người đau, người học, nhà nghèo, không có người làm ra thu nhập. Tất cả những chi phí thuốc thang đều do anh chị góp. Làm sao con có thể chuyên tâm, tiếp tục con đường?
Ngày Ba ra đi vì cơn tai biến mạch máu não, một dạng biến chứng của tai biến, đất trời trong con sụp đổ. Con nhìn thấy đột tre không còn cố vươn lên trời cao nữa, mà gãy quỵt xuống đất, cứ thế mà đâm thẳng xuống lòng đất sâu. Ba ơi! Vậy là từ nay con không còn được nhìn thấy Ba nữa. Cơn bất an quá lớn. Con chưa làm gì được, chưa đền đáp ơn nghĩa sinh thành. Một chàng trai hai mươi tuổi, mang trong mình cơn hoang tưởng rồ dại, để rồi giờ đây Ba đã về với ông bà, lòng con đau đớn sao nguôi. Trái đất trong tâm tưởng con đã biến dạng, hình hài lưỡi dao đâm thẳng vào tim, bổ trái tim ra thành trăm ngàn mảnh vụn, rơi vải khắp mọi châu lục. Ngày Ba im lặng nằm ở nơi đây. Vĩnh viễn. Con không biết, rồi cuộc đời sẽ dẫn con đi về đâu. Con đường con đang dấn thân, chỉ có một màu đen. Sinh ly tử biệt, nỗi đau này sao vơi? Con hiểu ra, ngày Ba từ giã cõi đời, là ngày đen tối nhất.
Con không thể nào đi học trở lại. Học để làm gì? Trong khi giấc mơ nằm một nơi, hướng đi nằm một nơi khác. Con quyết định đi làm công nhân. Nhiều người trong công ty bảo, con bị điên, học đại học lại bỏ, đi làm công nhân lao động chân tay, phí cuộc đời. Con không nghĩ những tháng ngày đi làm công nhân là phí. Dù nhọc nhằn, gian khổ lắm.
Con đã từng đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy, những lao khổ sẽ cho con một cái gì đó. Một cái gì đó sẽ có giá trị về sau. Nghĩ thế, lòng con phấn chấn hơn. Tháng lương đầu tiên, con mang về nhà, được tám trăm nghìn, niềm vui vỡ òa trong mẹ, hai khoé mắt mẹ ngân ngấn nước.
Giờ đây con phải ra đi, Ba à! Năm ấy, Thầy bảo, sau này con học giỏi lắm, đúng không Ba? Con muốn đi học trở lại, dù tuổi đã hơn ba mươi.
Mày bị điên à?  Bạn bè bảo con điên, vì sao người ta hay thích dùng từ điên để nói về một cái gì đó không giống số đông? Hơn mười năm con vun vén cho một đam mê lớn nhất cuộc đời. Biết bao năm con không ăn chơi, tiêu pha. Tất cả mọi nỗ lực chỉ vì một mục đích duy nhất. Con không thể để giấc mơ trong trái tim úa tàn. Đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cưới vợ và sinh con, như Ba đã từng…
11/12/2022
Hà Hương Sơn
Nguồn: Trích từ tập truyện ngắn Dòng sông mùa giông bão
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...