Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Tàn rụng trái mơ đời

Tàn rụng trái mơ đời

- 1 -
1/- Nếu trí nhớ của Tường Vi đừng quá chây lười thì vào năm học đệ ngũ hay đệ tứ ông thầy dạy Việt Văn nhân giảng về văn thơ mới của các văn thi sĩ thời tiền chiến, có nhắc đến thi sĩ Hồ Dzếnh với bài Ngập Ngừng mà trong đó có mấy câu sau:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân….
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đổ
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa. (Ngập Ngừng, Hồ Dzếnh)
Rồi ông thầy giải thích ý nghĩa của từng câu thơ cho học sinh nghe. Tường Vi lúc ấy khoảng 14 hay 15 tuổi gì đó, dù tâm hồn đã biết mơ mộng sớm (nói trắng ra là đã hơi nhí nhảnh chút chút, tức là có cảm giác biết…yêu rồi), nhưng chỉ trên lý thuyết chứ chưa hề có kinh nghiệm thực tế gì, nên ngơ ngác không hiểu sao ông nhà thơ nầy lại “xúi dại” nàng cứ hẹn chàng mà đừng thèm tới gặp, rồi còn cho là tình chỉ đẹp khi bị dang dở nữa chứ. Sời ơi, dang dở thì đau buồn chết đi được sao lại cho là đẹp hử. Rồi nào là khi vẹn câu thề thì lại mất vui? Vô lý quá!
Bà chị lớn của cô cứ than phiền,khóc thầm mỗi lần không lén đi gặp bạn trai được vì sợ ba má biết. Thế sao chàng trai của Hồ Dzếnh xúi cô gái hẹn thì cứ hẹn nhưng đừng đến gặp nhỉ?
Bởi hồi ấy tâm hồn cô gái hãy còn non nớt trong veo như ly nước nhìn xuyên thấu từ mặt đến tận đáy, biết yêu nhưng yêu theo cái kiểu con nít như trong truyện cổ tích Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, hoặc Cô Bé Lọ Lem… chuyện các cô gái nghèo lương thiện xinh đẹp lúc nhỏ bị hại nhưng do ở hiền gặp lành nên sau cùng gặp hoàng tử đẹp trai tài giỏi đến giải cứu và cưới làm vợ sung sướng hạnh phúc suốt đời.
Cho nên làm sao mà Tường Vi hiểu được cái tình cảm phức tạp mâu thuẫn đối chọi dường ấy trong ngõ ngách tâm hồn con người được. Hơn nữa, làm bộ nói biết yêu chứ có ai là “bồ” của cô hồi nào đâu!!! Chỉ tưởng tượng một nhân vật hoàn hảo nào đó mà tài đức vẹn toàn kiểu:
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung….
Chàng cởi trên lưng con tuấn mã tung vó câu muôn dặm:
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu….
… Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
(Chinh Phụ Ngâm Khúc, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm)
2/- Theo giòng thời gian… Tường Vi nhổ giò cao nhòng thì tâm hồn cũng theo đó mà phát triển lên một mức độ quanh co lắt léo chứ hết còn đơn giản rồi. Những sách truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hay tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh mà cô rất ngưỡng mộ say mê đã bớt thu hút (vì ta nay học lớp đệ nhất, mang kính cận, bắt đầu nghiên cứu triết, cầm trong tay mấy quyển sách của Albert Camus, Freud…nếu cuối năm thi đậu thì mấy tháng nữa sẽ vào đại học, có quyền mặc áo dài lụa hôm nay màu này, mai màu khác; hoặc áo pull bó sát thân thể, quần ống patte d’elephant đúng mode, không cần xách cặp mà chỉ cần ôm vài quyển hờ hững trên tay thôi nhé. Trời ơi, sự ngốc nghếch đỏm dáng của cô học trò nhà quê đây mà).
Thế là cô bắt đầu lục lọi trong đống sách truyện đủ loại về lịch sử, chính trị, tôn giáo, khoa học, trinh thám, chiến tranh…của gia đình, chọn các chuyện tình bi thương kiểu Cánh Buồm Đỏ Thắm, Madame Bovary, Trà Hoa Nữ… đọc say mê rồi thương mây khóc gió nhỏ bao nhiêu nước mắt, nhất là cho hai nhân vật Romeo và Juliette của nhà văn Anh William Shakespeare viết hồi cuối thế kỷ 16.
Hay anh chàng Oliver nhà giàu nứt đố đổ vách từ bỏ gia tài để đi theo tiếng gọi tình yêu nàng Jennifer gốc Ý nhà nghèo trong Love Story của Erich Segal cho đến ngày nàng chết vì ung thư máu.
Hoặc anh chàng đánh cá Voi trong Trống Mái của Khái Hưng yêu tiểu thư Hiền, một mối tình không cân xứng, rồi vì quá đau đớn thất vọng mắc bịnh từ giã cõi đời khi đang ở tuổi thanh xuân.
Hay câu chuyện Trương Chi mà ai ai cũng đều biết.
Rồi lẩn thẩn ước chi có “một gã trai“ nào đó cũng yêu mình kiểu mù quáng như vậy, có chết trẻ cũng cam. He he.
Cô đọc được câu (thì ở trong sách chớ đâu nữa): “Để hai mươi người đàn ông yêu mình trong một lúc là chuyện dễ, nhưng để một người- chỉ một người thôi -yêu mình trong hai mươi năm mới là chuyện khó”.
Ừ mà có đó. Cái thời ấy Tường Vi biết nhiều kẻ thầm yêu trộm nhớ cô lắm, đến bây giờ đã hơn gấp đôi thời gian hai mươi năm vẫn còn yêu. Những lá thư tình họ nhờ người khác trao vội, có khi cô biết tác giả, có khi không biết– bí mật nằm yên đó mãi mãi vẫn hoàn bí mật– những quyển sách được tặng mà cái tựa diễn tả giùm nỗi lòng, những vóc dáng lãng tử đứng ở một góc đường chờ cô tan trường về ngang, hoặc nhân dịp cắm trại hè có kẻ ngồi ôm đàn vừa hát vừa nhìn cô ánh mắt thăm thẳm đầy lửa đam mê khiến trái tim cô đập loạn nhịp, tay chân cuống quýt thừa thải:
“Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi tôi biết tương tư…
… Ngày nào cánh thiên đường, đã mở hé tình yêu là trái táo thơm
Tôi hé răng cắn vào, miệng môi ngọt đắng…
(Ngày Nào Biết Tương Tư, Phạm Duy - Ngọc Chánh)
Cô cũng “chấm” được vài gương mặt trong số, cũng tưởng tượng ra cảnh hẹn hò, lời nào sẽ nói, nụ cười e thẹn sẽ trao, bồi hồi chờ được nắm nhẹ bàn tay.. vân vân và vân vân...nhưng chỉ nghĩ vậy rồi thôi chứ trong thực tế chả có gì xảy ra hết vì cô có tạo dịp nào cho ai đến gần đâu. Cô tự lập một hàng rào vô hình ngăn cách giữa mình và họ, không cho ai vượt qua cả. Chỉ được đứng nhìn từ xa. Bởi chưng cô sợ. Sợ gì?
Cô mơ ước về “một mối tình cao thượng” kiểu hai nhân vật chú tiểu Lan (thật ra là gái giả trai để vào chùa tu )và chàng sinh viên Ngọc gặp nhau ở chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, yêu nhau chỉ bằng tâm hồn, trái tim thuần tinh khiết không gợn chút bụi trần!!!
Cho nên cô sợ cái hình ảnh lung linh huyền ảo mà cô tưởng tượng nên sẽ tan biến nếu để họ tiến gần, thần tượng sẽ sụp đổ, vì:
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu (Chiều, X.D)
Chính không gian là khoảng trống mênh mông, là khái niệm trừu tượng mà ông X.D còn e ngại cả bước chân đi, cả cử động nhỏ nhặt nó sẽ đứt mất như phím tơ cơ mà. (Thật thần sầu cho trí tưởng tượng của những tâm hồn nghệ sĩ).
Lại nghe giọng hát trầm buồn nức nở của Thanh Thúy bài:
Buồn viết nên bài ca
Vì nhớ thương đời hoa
Mặn mà thay lúc đầu
Dịu dàng khoe sắc mầu
Nhìn giòng đời vui biết bao
Ngày ấy nay còn đâu
Vì xác hoa tàn mau… (Thương Đời Hoa, Lê Dinh)
Cô nhận ra cuộc đời sao phù du thoáng chốc quá. Cái đẹp thì mong manh, dể vỡ nên cần phải nâng niu bảo vệ.
Rồi cô nghiệm ra một điều, rằng: “Những chuyện tình đẹp, khắc ghi mãi trong tâm là những chuyện tình dang dở không có đoạn kết“.
Không hiểu từ đâu mà Tường Vi lại nghĩ thế? Vì cô không hề chấp nhận ai với con người thực của họ, mà chỉ yêu những bóng hình do mình tự dựng nên trong tâm tưởng mà thôi.
Cô nhớ lại bài thơ Ngập Ngừng, giờ thì hiểu ý của thi sĩ rất rõ. Hình như cô cũng đồng quan điểm nữa, có phải do tiêm nhiễm tiểu thuyết nhiều quá nên đầu óc cô có vấn đề chăng?
3/- Năm cuối bậc trung học, khi giảng về câu: Không ai tắm hai lần trên cùng một giòng sông, ông thầy dạy triết đã cắt nghĩa rất dài dòng, rối rắm về câu nói nổi tiếng của nhà duy vật biện chứng thời cổ Hy Lạp Heraclite, xong thầy đem thí dụ của chính bản thân ra kể.
Từng lời nói thì Tường Vi không nhớ, nhưng nội dung câu chuyện khắc dấu ấn sâu đậm vào tâm trí cô đến tận vài mươi năm sau vẫn không quên được.
Mở ngoặc: dài theo năm tháng, còn nhiều mẫu chuyện hoặc qua sách vở hoặc có thật ngoài đời, hay vài hình bóng dù chỉ gặp thoáng qua giây phút nhưng “nó” nằm luôn trong ngăn tủ ký ức, lỳ lợm không cách gì bứt kéo ra khỏi hộc tủ được hết. Chỉ cần Tường Vi thổi tung lớp bụi thời gian phủ mờ thì nó hiển hiện sống động như mới vừa xảy ra vậy.
Và đây là câu chuyện của thầy dạy triết lớp 12 trường Hưng Đạo, Saigon năm xưa:
Thầy kể rằng hồi còn là học sinh thầy đem lòng yêu thầm một cô bạn cùng lớp, là hoa khôi của trường nên bao nhiêu người đeo đuổi ong bướm dập dìu trong khi thầy xuất thân nhà nghèo, quê mùa lại chẳng beau trai nên chỉ biết nhìn trộm rồi xây mơ dệt mộng về một lâu đài tình ái, dẫu biết lâu đài tình ái này mong manh như dựng trên bãi cát, chỉ cần một con sóng vỗ vào là tan rã ngay. Nhưng từ cổ chí kim có bao nhiêu gương trượng phu anh hùng chết bởi mỹ nhân rồi mà có ai ngán sợ đâu, hể đã vướng vào tình yêu thì không có lý lẽ nào chen vào được hết.
Rồi một ngày người trong mộng theo chồng bỏ cuộc chơi, để lại sau lưng bao trái tim tan nát, trong đó tất nhiên có thầy. Thất tình, thầy chỉ biết vùi đầu vào học cho quên niềm đau.
Không đạt được đường tình thì anh học trò nghèo quyết phải đạt được đường công danh, thế rồi nhiều năm sau anh trở thành một giáo sư triết đệ nhị cấp dạy tại các trường học danh tiếng ở Saigon.
Nhưng đó không phải là đề tài thầy định kể cho lũ học trò đến tuổi bắt- đầu - yêu nghe.
Cách lúc thầy kể không lâu, trong tiệc cưới của một bạn học cùng lớp, thầy có dịp gặp lại người xưa - cái người đã từng khiến trái tim thanh tân của anh học trò nghèo tan vụn đảo điên. Nhiều năm sau lòng anh vẫn hằng mong mỏi, hy vọng hội ngộ ít nhất một lần trong đời, vì giờ đây cái anh học trò mang mặc cảm tự ti đã thoát xác biến thành một người thầy phong thái đĩnh đạc tự tin, đã đủ can đảm cho cô ấy biết về mối tình câm của mình rồi, dù là trễ tràng và không cơ hội nào sửa chửa hay vớt vát gì.
Lời nguyện cầu đã thành hiện thực. Thầy đã gặp lại người trong mộng. Thầy đã hết còn nhút nhát như gã khờ khi đối diện với ai kia.
Đám học trò im phắt chờ nghe tiếp câu chuyện. Nhưng ông thầy cứ lững thững đi từ dãy bàn đầu xuôi xuống cuối lớp, rồi đi ngược trở lên mấy bận. Lặng lẽ. Suy tư. Ánh mắt xa xăm. Học trò sốt ruột thúc giục:
- Rồi sao nữa thầy? Rốt cuộc thầy có dám thố lộ nỗi lòng cho cô ấy biết không?
Thầy lắc đầu:
- Không!
Cả lớp ồ lên ngạc nhiên. Thầy nói giọng buồn buồn:
- Tôi không nói vì người đàn bà tôi gặp hôm ấy đâu phải là người con gái mà tôi yêu-cuồng-điên-si-dại-ngày-xưa nữa. Tôi không còn nhận ra chút gì nữa.
Học trò tò mò:
- Ủa? Tức là sao thầy? Bộ cô ấy giải phẩu thẩm mỹ hở thầy?
Thầy nhếch mép cười, chậm rãi nhấn từng từ:
- “Không đâu. Cô ấy có nét đẹp quá hoàn hảo rồi cần gì phải chỉnh sửa nữa. Có điều cô gái mà tôi từng yêu là một người dáng dấp thon mảnh, gương mặt thánh mẫu Maria, mắt nai đen ngơ ngác, nụ cười hàm tiếu, cử chỉ dịu dàng,lời nói nhẹ nhàng từ tốn.
Mỗi ngày tan lớp tôi đều len lén theo nàng, giử một khoảng cách không quá gần cũng không quá xa để được nhìn bước đi thướt tha yểu điệu. Thỉnh thoảng gió thổi nâng hai vạt áo dài trắng bay bay,làn tóc xoã lã lơi khiến tôi cũng muốn hoá thành bươm bướm để được chắp cánh tung tăng bên cạnh nàng.
“Nàng thật sự là một thiên thần của lòng tôi dạo ấy. Nàng tượng trưng cho Chân, Thiện, Mỹ ngoài tầm tay với của tôi, chính vì không với được mà tôi càng yêu nàng bằng tất cả trái tim và linh hồn.
“Còn bây giờ sau mười mấy năm gặp lại, vẫn cùng một người nhưng không phải “nàng” ngày xưa tôi yêu nữa.
“Chồng nàng là người địa vị, danh tiếng, giàu sang. Có lẽ cuộc sống quá sung mãn vô ưu, hạnh phúc thừa mứa, bạc tiền vung vãi…những điều đó bộc lộ rõ ở nàng, từ dáng dấp nở nang nếu không muốn dùng từ mập mạp thì quá thô thiển, gương mặt thoả mãn, trang điểm khá kỹ lưỡng, quần áo đắt tiền, nữ trang chói lọi, móng tay sơn đỏ cho đến điệu cười giọng nói sảng khoái reo vang.
“Vẫn là một người, nhưng tôi có cảm tưởng như là một ai khác. Quá khác biệt.
“Mái tóc huyền thả dài theo tấm lưng ong giờ đâu mất tiêu, thay vào là kiểu tóc uốn cao của các mệnh phụ kiêu sa.
Có tiếng nói khe khẻ của một nữ sinh:
- A, lại cái chuyện “ngàn đời yêu em bởi mái tóc thề“ của các ông si tình lãng mạn đây mà.
Thầy lắc đầu, giọng kể đều đều:
- Tôi nhìn nàng mà chết đứng như Từ Hải (tích truyện Kiều, Từ Hải nghe theo Thúy Kiều quy hàng bị Hồ Tôn Hiến giết, oan ức nên chết đứng). Trời ơi, biết vậy thì đừng để tôi gặp lại nàng có lẽ hay hơn.
“Thần tượng của tôi sụp đổ cái đùng sau vài giây tích tắc.
“Tôi buồn. Thật buồn. Vì tình yêu đầu tiên mà tôi ấp ủ thoắt tan biến một cách trần trụi, bẽ bàng.
“Nhưng nghĩ lại, đó là lỗi do tôi chứ không phải người ta.
“Bởi có cái gì trên đời này mà không biến đổi với thời gian đâu. Hãy ngắm nhìn cánh hoa từ lúc còn là nụ, sang búp, sau nở bung khoe hương sắc trọn vẹn, rồi úa tàn héo rủ. Thì một đời người cũng thế. Nhất là nhan sắc người đàn bà. “Thay vì tôi chấp nhận định luật chua xót tàn nhẫn rằng ai rồi cũng đổi thay theo thời gian và môi trường sống thì tôi lại trót ngoan cố thần-tượng-hoá một bóng hình trong dỉ vãng. Chính tôi cũng thay đổi mà, sao lại muốn người ta mãi là người con gái ngây thơ dịu hiền năm xưa? Tôi ích kỷ quá!
Kể xong câu chuyện, thầy kết luận:
“ - Đáng lẽ ra, tôi đừng nên bao giờ gặp lại người xưa, để hình ảnh đẹp luôn còn đẹp mãi trong lòng tôi.
Tường Vi vốn đã là người siêu mơ mộng. Nay nghe ông thầy kể về sự thất vọng của ông khi gặp lại người xưa, khiến cô hoang mang. Về kể lại cho chị Ái Vy nghe. Hai chị em bàn luận cả buổi tối rồi kết luận là phải chờ vài mươi năm nữa mới có thể nói là ông thầy có lý hay không. Bởi cả hai đều còn chưa bước vào tuổi hai mươi, mặt mủi non choẹt biết gì mà nói.
- 2 -
1/- Mỗi lần cội mai tứ quí ông ngoại trồng trước sân nở hàng trăm đóa hoa vàng rực đón mùa xuân về thì tuổi của Tường Vi được cộng thêm một con số.
May mắn thay! Con số tuổi cộng dần cao lên bao nhiêu thì tỷ lệ nghịch với nhân sinh quan về một “tình yêu thánh thiện toàn Chân, toàn Thiện, toàn Mỹ trên mây“ hạ thấp dần từng nấc thang xuống cho ngang với bề mặt trần thế bấy nhiêu. Chỉ thỉnh thoảng còn la đà vương vất trong sâu thẳm ngóc ngách tâm hồn Tường Vi với chút hy vọng là biết đâu giữa đời thực cũng có một người giống hệt như mình mơ ước.
Nhiều năm sau…khi đã có một cuộc sống bình an hạnh phúc trong quan niệm giản đơn bình dị nhất, thỉnh thoảng ngẩm nghĩ lại Tường Vi vẫn cười một mình, tự giễu cợt cho sự cầu toàn ngô nghê ấy.
Cô dùng từ may - mắn cho việc cô hạ bớt cái điều kiện khắt khe để có được một tình - yêu đích thực với một người đàn ông đích thực cùng với các bản ngã đích thực gồm lục dục thất tình chứ không phải được nhào nặn hoặc vẽ ra như bức tượng Apollon (thần thoại Hy Lạp), bức tranh nữ thần Venus (thần thoại La Mã) chỉ đẹp bởi hình thức mà vô tri vô giác. Tức là ở mỗi con người đều trộn lẫn giữa cao thượng và tầm thường, giữa hy vọng và thất vọng, giữa đại lượng và tức giận, giữa tha thứ và căm thù, giữa hân hoan và khổ đau…mà cán cân nghiêng về phần nào ( Thiện hay Ác ) là do tự bản tánh của họ.
Nếu Tường Vi vẫn còn thả hồn trên mây như thuở đầu đời thì cô đã trở thành một bà-cô-già không chồng khó tánh mặt mủi nhăn nhó suốt ngày càu nhàu, phê bình lỗi phải hết chuyện này qua chuyện nọ chớ làm sao hưởng được hạnh phúc với người chồng tuyệt vời mà tấm lòng nhân ái sự dịu dàng tế nhị, hài hước yêu đời đã chuyền sang cho cô tính lạc quan dù trong hoàn cảnh tệ hại nhất vẫn nhìn thấy “ly nước còn đầy phân nửa chứ không phải đã vơi phân nửa“. Như người ta hay nói là luôn luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm hoặc Trời không lấy của ai hết mọi thứ mà không cho lại ai thứ khác để bù trừ.
2/- Cái thời Tường Vi mấp mé giữa hai ngưỡng cửa: vẫn chưa hẳn rời vùng tuổi-mới-lớn và chỉ mới lúng túng bước vào tuổi-trưởng-thành. Tương lai là một viễn cảnh sáng tươi hứa hẹn toàn hoa thơm cỏ lạ với nhã nhạc rộn ràng du dương chờ đón - đó là cô những tưởng phải là như thế. Ôi đáng yêu làm sao giấc mơ đầu đời của những cô chiêu cậu ấm chưa bao giờ nếm mùi thất bại hay phải đánh vật với cơm áo gạo tiền.
Giấc mơ trở thành cô-sinh-viên giống như chị gái Ái Vy đã trở thành hiện thực.
Lời ba má như luôn bên tai:
- Gia tài ba má để lại cho các con không phải là của cải bạc tiền, mà chính là tạo điều kiện nuôi các con đi học để có một kiến thức và nghề nghiệp, sau nầy các con tự lo được cho bản thân. Tiền bạc thì có thể tiêu tan bởi chiến tranh, tai ương, bệnh tật nhưng kiến thức và nghề nghiệp thì sẽ tồn tại theo mình đến hết đời. Ba má không cần các con sau này trả ơn, mà chỉ cần các con cố gắng học có cái nghề dù là nghề gì khiêm nhượng nhất, đó là cách trả ơn cho ba má đó.
Hiểu vậy nên chị em Tường Vi dốc lòng vào việc học, không dám lơ là.
Mùa Hè Đỏ Lửa. Đó là năm mà cuộc nội chiến ở vào giai đoạn ác hiểm khốc liệt nhất, cuồng điên nhất.
Đó cũng là tựa đề một tác phẩm của nhà văn sĩ quan quân đội VNCH Phan Nhật Nam, đã trở thành một dấu mốc thời gian về cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử cận đại.
Tương tự: Thảm Sát Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Đại Lộ Kinh Hoàng, Cổ Thành Quảng Trị, Pháo Kích Trường Tiểu Học Cai Lậy 1974…
Nhưng ở thành phố,nhất là trong giới học đường thì mọi sinh hoạt hằng ngày vẫn diễn ra gần như bình thường, hoặc chỉ là bề mặt của tảng băng chìm – như cách diễn tả hiện nay người ta hay xử dụng -. Tường Vi nói “gần-như“ bởi vì “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, guồng quay của cuộc sống vẫn cứ xoay tròn, việc ai nấy làm, không thể vì chiến tranh mà đình trệ dù mọi người không ít thì nhiều đều ý thức tình trạng dầu sôi lửa bỏng của vận mệnh quốc gia.
(Chắc các nam sinh thì suy nghĩ nhiều hơn, vì “rớt tú tài anh đi trung sĩ”, mệnh nước có liên quan trực tiếp với mệnh riêng).
Một hôm anh bạn của chị Ái Vy mang cho mấy chị em cùng lúc hai quyển sách: Bác Sĩ Jivago của nhà văn Nga Boris Pasternak và tuyển tập truyện ngắn Những Cuộc Tình Không Trở Lại, chọn lọc các truyện hay nhất thời đại của nhiều văn sĩ Tây phương. Không hiểu có sự sắp đặt hay chỉ là ngẫu nhiên để cái cô Tường Vi mơ mộng nhà ta lại đọc lần lượt hết quyển này sang quyển kia mà các nhân vật chánh tuy có cuộc sống, thân phận hoàn toàn khác biệt từ đầu cho đến cuối nhưng lại có điểm tương đồng kỳ lạ ở hồi kết thúc, khiến cô sửng sốt ngẩn ngơ như bị ai giáng một cú đấm vào mặt giữa lúc không ngờ nhất vậy.
Những tưởng đoạn kết hai câu chuyện ấy chỉ ám ảnh một mình cô thôi, ai dè cách đây không lâu cô nhắc với Ái Vy:
- Chị có nhớ trong quyển Những Cuộc Tình Không Trở Lại có câu chuyện tình thế này, thế này… (cô tóm lược vắn tắt) mang tựa gì không?
Ái Vy trả lời ngay tức khắc:
- Nhớ chứ. Đó là truyện Chàng Tóc Đỏ.
- Tác giả nào vậy?
- Chị không nhớ tên tác giả vì lâu quá rồi, chỉ nhớ man mán là nhà văn Anh hay Mỹ gì đó.
(Mở ngoặc: nếu có ai cũng đọc truyện này mà còn nhớ thì xin bổ sung giùm, thành thật đa tạ)
- Còn nhân vật bác sĩ Jivago nữa, chị nhớ không?
- Sao mà quên được. Hơn nữa mình còn đi xem phim, tài tử đóng vai bác sĩ ấy đẹp trai quá trời nên càng nhớ lâu nữa.
- Hai cốt truyện ấy có cái kết khá tương tự nhau, buồn thảm quá hén chị.
Chị Ái Vy triết lý:
- Đúng vậy, cuộc đời có khi chua chát phủ phàng thế đó. Cho nên những ai trong quá khứ đã có mối tình đẹp thì đừng bao giờ nghĩ chuyện về già đi tìm lại hình bóng cũ để khỏi phải thất vọng não nề.
Thì ra không phải chỉ riêng cô không quên câu chuyện ấy, mà cả chị Ái Vy cũng nhớ dẫu đã vài thập niên trôi qua.
Suy ra, chắc chắn hai câu chuyện nầy cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những ai đã đọc nó.
3/- Chuyện về Bác Sĩ Jivago, tóm lược:
Bối cảnh nước Nga vào những năm đầu thế kỷ 20, chiến tranh thế giới lần thứ I, bác sĩ quân y và cũng là nhà thơ Yuri đã có vợ gặp Lara tình nguyện làm y tá với mục đích tìm chồng đi chiến đấu bị mất tích. Yuri và Lara được phân công làm việc chung. Hai người đem lòng từ cảm mến rồi chuyển dần sang tình yêu dù biết là không thể.
Rồi Cách Mạng Tháng Mười 1917 biến nước Nga thành nước Cộng Sản đầu tiên trên thế giới.
(Giống như Tháng Tư Đen 1975 đã nhuộm đỏ miền Nam VN trong máu, nước mắt và bần cùng)
Với tâm hồn lãng mạn của một thi sĩ, Yuri luôn bị đồng nghiệp cáo buộc thiếu tinh thần “cách mạng“ bởi nhận ra sự giả dối nguỵ biện của chế độ mới, sự đói khổ của nông dân, sự đàn áp tàn bạo bắt bớ lưu đày thành phần trí thức tiểu tư sản, thành phần ưu việt trong khi Yuri là người yêu chuộng tự do hòa bình chàng bất mãn với sự khắc nghiệt thiếu tình người của những viên chức, gia đình chàng dời về vùng quê làm ruộng và trở lại làm thơ là sở thích cũng như niềm đam mê tự thuở nhỏ.
Mở ngoặc: Sao giống chuyện đi vùng kinh tế mới hơn 40 năm trước ở xứ của Tường Vi thế!
Tình cờ chàng tái ngộ Lara. Hai người lao vào chuyện yêu đương vụng trộm bị gián đoạn một thời gian. Bây giờ thì không gì để ngăn cản họ được nữa, chàng thú nhận với vợ.
Một ngày chàng bị “nhóm quân cách mạng“ bắt và buộc phải phục vụ với vai trò bác sĩ. Thời gian sau chàng trốn thoát tìm lại Lara, cả hai rủ nhau tìm về nông trại có thời gian chàng làm ruộng để tiếp tục sống cùng nhau.
Trong khi đó Yuri được tin vợ con chàng (sau đã dời đi nơi khác) bị trục xuất khỏi Nga. Cả Yuri và Lara cũng bị đe dọa nên hai người định trốn ra ngoại quốc.
Nhưng vì sự an toàn của Lara, giờ chót Yuri quyết định ở lại, Lara đành ra đi một mình.
Yuri quay về Moscou vừa hành nghề bác sĩ vừa tiếp tục viết văn làm thơ để giải toả mọi ưu uất
Cả hai không còn tin tức gì về nhau.
Mở ngoặc: sao có nhiều điểm tương đồng với hàng trăm ngàn câu chuyện tình thời hậu chiến ở xứ sở của Tường Vi thế!
Mà lúc đọc tác phẩm này, cô đâu nghĩ rằng thảm trạng nhân loại đó sẽ được lập lại y hệt ở ngay chính đất nước mình hơn nửa thế kỷ sau.
Đoạn kết của câu chuyện:
Nhiều, nhiều năm qua đi… khi “cả hai mái đầu đều bạc“ bối cảnh là một nhà ga ở Nga vào buổi sáng mùa đông rét lạnh. Đám đông nhộn nhịp ngược xuôi, số chờ tàu sắp ngừng để thay đổi vị trí kẻ xuống nhường chỗ cho người lên. Ai nấy đều tất bật vội vã- như bất cứ nhà ga nào trên thế giới- mọi người đi qua mặt nhau mà không ai nhìn ai. Mỗi người đều bận suy nghĩ chuyện riêng của mình, hoặc chỉ bước nhanh cho kịp giờ vào hãng xưởng, văn phòng, buổi hẹn…
Một thiếu phụ trung niên, phục sức giản dị nhưng thanh lịch, gương mặt tuy hằn dấu vết thời gian được bao bọc bởi mái tóc búi cao đã xuất hiện nhiều sợi bạc nhưng vẫn không mất đi nét đẹp thời trẻ từ trên toa bước xuống, nối đuôi theo đoàn người ra cổng.
Một người đàn ông tóc bạc mặc áo len dáng dấp trí thức gương mặt thông minh, nhiều dấu chân chim hằn quanh đôi mắt thẳm buồn đứng đợi cách cửa toa vài mét để đến bịnh viện nơi ông làm việc.
Bỗng người đàn ông lảo đảo, hai cánh tay quơ quào trong không khí rồi ngã vật xuống nền xi măng lạnh lẽo.
Thiếu phụ đang đi bỗng nhóm người trước mặt dồn chậm lại, nghe tiếng kêu: Ô, có người bất tỉnh chắc bị lên cơn đau tim, phải gọi cứu thương.
Bà đi ngang nghễnh cổ nhìn qua vai đám đông vây quanh người đàn ông bất hạnh, chỉ thấy một gương mặt xanh tái im lìm.
Đám đông xô đẩy nhau bảo đường hẹp phải tránh ra cho đội cứu thương làm nhiệm vụ, buộc bà phải tiến lên, vừa nghĩ thầm:
- Cầu cho ông ấy yên nghỉ bình an, tội nghiệp!
Người đàn ông nằm đó chính là bác sĩ Yuri Jivago
Còn thiếu phụ từ toa tàu bước xuống vừa đi ngang qua ông là Lara.
Họ một thời yêu nhau với mối tình mãnh liệt trong tuyệt vọng, thế mà khi gặp nhau lại không nhận ra nhau.
Sự nghiệt ngã của thời gian là đó. Nó tác dụng lên hình hài gương mặt của chúng ta đến độ ta không còn nhận ra nhau ở thời hiện tại. Bởi trong tâm khảm người nầy chỉ giử lại hình bóng thời thanh xuân của người kia và tình yêu luôn ngự trị trong trái tim là dành cho ảnh hình của quá khứ ấy mà thôi.
4/- Chuyện Chàng Tóc Đỏ. Sơ lược:
Một chiếc tàu buôn ghé vào một ốc đảo nằm đâu đó giữa Thái Bình Dương (?)để tránh cơn bão đang hoành hành. Chúa đảo bèn mời viên thuyền trưởng đến nhà ăn tối uống rượu theo thói quen hiếu khách mỗi khi có chiếc tàu lạ nào ghé lại, vì “ở đây chỉ là cái rẽo đất bé bằng bàn tay, dân số ít ỏi đi ra đi vào chỉ gặp bấy nhiêu gương mặt nên hể có khách lạ thì đều được chúng tôi hoan hô đón nhận nồng nhiệt, để thêm chút sinh khí cho sự cùn mòn đơn điệu hàng ngày”, đó là lời chúa đảo nói với khách.
Chúa đảo là người đàn ông có nước da ngăm đen, thân hình rắn rỏi, mái tóc muối tiêu dài xoả vai, hàm răng hơi vàng vì ám nhựa thuốc nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh sáng quắc trên gương mặt góc cạnh khắc khổ.
Thuyền trưởng tóc loăn xoăn rối rắm màu bạch kim, đôi mắt xanh nhạt hơi lờ đờ, hai má phì phị đỏ hồng (vì có lẽ ông nốc nhiều rượu) dáng đi bệ vệ nặng nề bởi chiếc bụng phệ.
Cả hai có lẽ cũng ngang tuổi nhau, độ ngoài 50.
Bên ngọn đèn dầu vàng vọt,hai cái ly, dĩa mồi nhậu khá tươm tất mà thuyền trưởng cũng vì lịch sự không dám hỏi là thịt của con thú gì. Một chai rượu ngoại sản xuất từ Pháp mà chúa đảo nói được tặng từ một trong các tàu buôn ghé qua đảo trao đổi hàng hoá, ông để dành cho những dịp đặc biệt chẳng hạn như đêm nay, tự nhiên ông muốn tâm tình với khách.
- Có lẽ vì thời tiết gió bão ngoài trời khiến ông trở nên yếu mềm chăng? Thuyền trưởng hỏi.
- Không hẳn. Cũng có lẽ vì nguyên do nào khác mà mình không giải thích được, chỉ cảm nhận bằng giác quan thứ sáu thôi. Chúa đảo trả lời vòng vo.
Thuyền trưởng nốc một hơi cạn nửa ly rượu Dom Perignon ậm ừ không ra vẻ đồng tình hay phản đối.
Chúa đảo kể bằng giọng đều đều:
—“Giữa lòng đại dương nước xanh ngan ngát nổi lên một ốc đảo được ví như thiên đường nơi hạ giới cũng không ngoa. Bởi khí hậu quanh năm mát mẻ hè cũng như đông. Những hàng dừa thẳng tắp dày đặc khắp nơi cho nhiều trái dùng trao đổi hàng hoá với các tàu buôn. Những bụi dâm bụt, đổ quyên, trúc đào cùng vô số kỳ hoa dị thảo khoe sắc màu đỏ hồng vàng trắng. Bướm từng đàn lượn bay không ngừng từ hoa này sang hoa khác. Trái cây miền nhiệt đới đủ loại. Dưới biển thì cá, sò, nghêu, ốc, trên bờ thì thú rừng cũng như súc vật nuôi…Người dân từ già tới trai tráng thiếu nữ trẻ con đều hạnh phúc và hài lòng với món quà mà Thượng Đế hay Mẹ Thiên Nhiên trao tặng.
Những hôm trời trong xanh mấy ngọn dừa lã mình vươn dài ra tận mé nước như muốn hứng làn gió từ biển mơn man thổi vào, dân làng sau giấc ngủ trưa thường kéo nhau ra bãi tắm. Đám trẻ con đùa nghịch đã đành, mà cả các thanh niên thiếu nữ cũng góp trò làm náo động cả sự yên tĩnh. Nổi bật trong nhóm thanh niên có một nàng thiếu nữ tuổi đôi tám mà nét kiều diễm đôi mắt đen to, mủi thẳng dọc dừa, thân hình trẻ trung bốc lữa, mái tóc huyền chấm eo làm rung động hầu hết trái tim các chàng. Cô gái biết lợi thế của mình nhưng vờ như vô tư kết bạn hoà đồng với tất cả để khỏi tạo sự ganh ghét giữa họ.
Ngày kia,một chiếc tàu buôn bị bão đánh chìm chỉ có một người ôm mảnh ván trôi giạt vào bãi được dân đảo cứu sống. Đó là chàng trai độ 19 tuổi, vạm vở mắt xanh biếc, chiếc miệng cười lúm hai đồng tiền duyên, hàm răng trắng bóng. Nổi bật nhất là mái tóc đỏ rực như ráng trời ôm lấy khuôn mặt thanh tân.
Tất nhiên là chàng trai và cô gái bị cú sét ái tình đánh trúng ngay lập tức. Chàng bị nàng thu hút bởi nét yêu kiều, hoang dại của nàng. Nàng bị chàng thu hút bởi vẻ đẹp cháy bỏng của mái tóc đỏ, màu da trắng trứng gà bóc, mắt xanh thẳm màu trời và bởi các giai điệu melody du dương qua giọng hát trầm quyến rủ.
Các bô lão đều cầu mong chàng sẽ cưới nàng,ở lại làm cư dân của đảo. Hơn nữa để gây giống tốt cho thế hệ kế tiếp, nếu không sẽ có nguy cơ là họ hàng kết hôn lẫn nhau sản sinh ra thế hệ dở điên hay ngốc nghếch.
Thấm thoát chàng đã ở đảo nửa năm. Tuy hàng ngày mọi người đều thấy hai người trẻ luôn cùng nhau bất luận chỗ nào, tiếng cười nói hát ca rộn rã, nhựa sống trào dâng. Nhưng đôi lần đang trong cơn đùa nghịch lặn ngụp cùng sóng biển thân hình chàng bỗng đông cứng sững sờ, ánh mắt dõi theo bóng con tàu như cái chấm nhỏ xuất hiện ở chân trời, vẻ háo hức hy vọng.
Rồi khi biết nàng đang nhìn mình, chàng liền mĩm nụ cười khoe hàm răng sáng bóng, nét vui tươi trở lại, để nàng an lòng. Nàng hỏi:
- Anh nhớ quê hương gia đình phải không?
- Vâng, anh nhớ ba mẹ và người thân. Chắc họ tưởng anh đã chết theo chiếc tàu đắm rồi. Anh thành thật trả lời.
Nàng lo sợ hỏi tiếp:
- Thế anh có ý định trở về không?
- Nếu anh có trở về thì anh sẽ mang em theo cùng, vì em đã là vợ anh rồi mà.
- Nhưng em lại muốn anh sống ở đây. Vì chỉ nơi nầy mới là nơi thích hợp với em. Vào đất liền chắc chắn mọi người sẽ không chấp nhận em đâu, một thiếu nữ ốc đảo hoang dại thất học. Em làm sao thích nghi với thế giới văn minh của anh được.
Chàng tóc đỏ ôm cô gái vào vòng tay rắn chắc, thề thốt:
- Anh hiểu. Anh sẽ ở lại đây với em. Không khi nào anh rời xa em hết.
Cứ thế thời gian lặng lẽ trôi…
Hai người trẻ sống trong hạnh phúc ứ tràn tưởng không gì có thể chia rẽ được.
Cho đến một hôm. Có một chiếc tàu buôn loại nhỏ ghé ngang vì “ tình cờ và tò mò muốn biết trên đảo có hàng hoá gì có thể trao đổi không” như lời viên thuyền trưởng. Ông ngạc nhiên nhận ra Chàng-Tóc-Đỏ:
- Ơ kìa, là cháu đó ư? Vậy mà mọi người tưởng cháu đã chết theo chiếc tàu đắm rồi.
Ông kể lại nỗi buồn khổ của cha mẹ chàng và yêu cầu chàng theo tàu về cố quốc. Chàng lưỡng lự nhưng sau cùng từ chối, nói đã có vợ và muốn ở lại đây. Nhờ thuyền trưởng chuyển lời cho cha mẹ và hứa trong tương lai sẽ về thăm họ.
Viên thuyền trưởng lắc đầu nghĩ thầm:
- Đây chỉ là sự bồng bột của tuổi trẻ. Qua cơn đam mê rồi chàng sẽ hối tiếc vì làm sao có thể sống ở một nơi hoang dã xa cách mọi tiếp xúc với nền văn minh khoa học kỹ thuật được. Hơn nữa cha mẹ của chàng là người quen biết của ta, ta phải tìm cách đem chàng về với họ mới được.
Vài hôm sau. Họ dụ dỗ Chàng Tóc Đỏ lên tàu chơi, lấy cớ trao cho chàng một món quà giành tặng vợ nhưng để gây ngạc nhiên cho cô nên chàng chỉ lên tàu một mình chứ đừng báo cho cô biết. Chàng tin lời, lén theo thuyền trưởng trong khi cô vợ đang nấu ăn chiều.
Mọi người trên tàu đã chuẩn bị theo lời dặn của thuyền trưởng, khi chàng vừa đặt chân vào phòng lái thì tàu nhổ neo khởi động máy từ từ ra khơi. Chàng hoảng hốt chạy đến mủi tàu định nhảy xuống nước nhưng đã bị mọi người xúm vào níu chặt, dùng dây trói hai tay hai chân và đè dí vào một góc, mặc cho chàng la thét van nài. Thuyền trưởng nói vào tai chàng:
- Ta buộc lòng đối xử với con theo cách này để mang con về với gia đình và tổ quốc. Và cho tương lai con nữa, tha thứ cho ta.
Dân trên đảo về báo tin cho cô gái. Nàng hoảng loạn chạy ra bãi gào khóc thê thảm nhưng bất lực nhìn con tàu xa dần mang theo Chàng-Tóc-Đỏ. Nửa trái tim, nửa cuộc đời của nàng cũng theo con tàu rời xa nàng từ dạo ấy.
Khi chúa đảo kể đến đấy thì từ căn buồng phía sau một người đàn bà bước ra, đến mở cánh cửa chính nhìn ra ngoài trời vẻ bồn chồn. Luồng gió lạnh lùa vào phòng, qua ánh đèn dầu thấy màn mưa dày đặc thi nhau rơi ào ạt hắt vào hiên nhà loáng nước.
Chúa đảo giới thiệu với viên thuyền trưởng:
- Đây là vợ tôi.
Quay sang vợ, ông giải thích:
- Đây là thuyền trưởng chiếc tàu chở hàng chiều nay neo ngoài bến để tránh bão.
Hai người chỉ thoáng nhìn nhau và gật đầu chào xã giao chiếu lệ.
Vợ chúa đảo lên tiếng:
- Để tôi đốt thêm ngọn nến to cho sáng sủa ấm áp nhé. Trời có bão lạnh lẽo quá.
Xong bà đi khuất ra đằng sau. Chúa đảo nói với khách:
- Bà ấy có thói quen mỗi chiều đi ra ngoài bãi ngóng nhìn các con tàu chạy ngang cho đến tối mịt mới về. Từ lúc về làm vợ tôi đến giờ mấy chục năm vẫn giử thói quen ấy, ngoại trừ hôm nay bão hoành hành mạnh quá nên không đi được.
Người đàn bà cao dong dỏng, nước da nâu sậm giống chồng, tóc đen xen lẫn nhiều sợi bạc được vấn vòng quanh đầu, cài bằng chiếc kẹp kèm đoá hoa sứ trắng thoảng mùi hương. Cặp chân mày nhíu lại viền quanh hai hốc mắt đen sâu u buồn. Gương mặt hằn lên nét cô độc lạnh lùng.
Lát sau bà trở ra mang thêm cây nến to đặt lên bàn. Bóng ba người in lên bức vách hình thù nghiêng ngã.
Chúa đảo kéo ghế mời bà ngồi cạnh, nhưng bà từ chối:
- Thôi để các ông ngồi uống rượu với nhau cho được tự nhiên. Tôi xin phép đi nghỉ sớm.
Quay sang thuyền trưởng, bà hỏi:
- Bao giờ thì tàu ông nhổ neo? Phải chờ tan bão chứ?
- Vâng. Tôi hy vọng nội ngày mai bão ngớt, tàu sẽ lên đường ngay cho kịp giao hàng.
- Vậy chúc ông thượng lộ bình an. Chào ông.
- Chào bà, cám ơn thật nhiều về sự tiếp đón.
Thuyền trưởng đứng dậy bắt tay vợ chúa đảo. Hai người nhìn nhau lịch sự rồi người vợ vào trong.
Chúa đảo bỗng thì thầm:
- Người thiếu nữ mà tôi vừa kể chính là bà vợ của tôi đó. Còn tôi là một trong số những chàng trai đảo quê mùa đã từng tắm nghịch cùng nàng và si mê nàng điên dại.
Viên thuyền trưởng dường như đã ngà say, chỉ đưa mắt lờ đờ nhìn vào ánh nến lung linh không phản ứng gì.
Đêm dần về khuya. Hai người đàn ông lặng lẽ uống nốt phần còn lại của chai vang thứ ba.
- Thôi tôi xin phép về thuyền đây. Có lẽ mai trời yên biển lặng chúng tôi sẽ rời bến luôn mà không chào ông nữa. Tôi cám ơn ông bà về buổi tối hôm nay thật nhiều. Không biết có dịp nào quay lại đây không, vì tôi còn đi hai chuyến nữa là xin lên bờ nghỉ hẳn rồi.
Chúa đảo đưa thuyền trưởng đến cửa. Lúc bắt tay để từ giã, chúa đảo nói:
- Một câu hỏi, nếu ông không thích trả lời thì thôi nhé. Tôi có được hân hạnh biết tên của ông không?
Viên thuyền trưởng không trả lời, mở tung cánh cửa, ra ngoài. Gió đã hơi ngớt, chỉ còn những sợi mưa nhỏ lớt phớt. Khi sắp bước xuống bậc cấp mới quay đầu lại, nói giọng khàn khàn:
- Đã khá lâu rồi tôi quên, giờ ông nhắc mới nhớ. Ngày xưa người ta gọi tôi là Chàng Tóc Đỏ!!!
Nàng thiếu nữ yêu suốt đời và mong ngóng trong vô vọng chàng-tóc-đỏ một ngày sẽ quay lại ốc đảo tìm nàng để tiếp nối chuyện tình vừa nở đã bị lìa xa. Nàng hờ hững với người chồng bao năm qua luôn đi bên cạnh cuộc đời nàng, bảo bọc che chở trân trọng sự thuỷ chung của nàng dành cho mối tình đầu. Chấp nhận làm một cái bóng mờ không ghen tuông vị kỷ. Thế mà nàng vẫn không sao quên được người xưa.
Bi kịch ở chỗ nàng chờ mong ngày lại qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm; thế mà khi hai người gặp nhau, không ai nhận ra ai dù một mảy may thoáng chốc.
Trời ơi! Thì ra nàng chỉ nhớ và yêu một bóng ma dĩ vãng!.
Xa em đi như trong cổ tích
Gặp nhau rồi mà không thấy nhau (T H)
Thanh Hà
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...