Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Và bạn đời của thi nhân là sự cô đơn

Và bạn đời của
thi nhân là sự cô đơn

“Thạch Quỳ – Tuyển tập thơ” là một thi tuyển đầy đặn gồm 415 trang, bìa trang nhã, trình bày đẹp, ghi lại hành trình Thơ của thi sỹ Thạch Quỳ từ lúc mới 13 tuổi đến bây giờ gần bát tuần. Bài viết chỉ xin điểm xuyết những vần thơ mà mình tâm đắc.
Thơ Thạch Quỳ giàu chất triết luận.
Đầu tiên là suy ngẫm về kiếp người. Nhà thơ từng tự bạch: “Thơ mãi mãi vẫn là” triết học hồn nhiên của sự sống”. Mỗi con người được coi là một tiểu vũ trụ, mang trong mình biết bao bí ẩn cần được khám phá… Và nhà thơ đã  khám phá về bản thể, đó cũng chính là thực thi  “thiên sứ” của thi ca, để thấy rằng: “Tôi không vĩ đại” nhưng tuyệt nhiên “không nhỏ bé  tầm thường”, “tự đứng và đi trên đôi chân vững chãi”- Đó là một “TÔI một mình/ Tôi lớp lớp triều dâng. Một sự khám phá về cây mà hiểu rõ sum suê cả đại ngàn.
Ở đây là một cái TÔI bằng xương bằng thịt lăn lóc giữa đời để  sinh tồn: “Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã/ Tôi áo cơm no đói với ngày thường“. (Tôi) Nhưng là cái TÔI luôn có nhu cầu tự thân “lục vấn” về mình-Ta là ai – “Nhiều khi muốn có một ai đó/ Ai đó là ai? Ai đó ở đâu?/ Nhiều khi muốn chạy khỏi ai đó/ Ai đó trong tim? Ai đó trong đầu?” (Nhiều khi). Cuộc “tự  vấn” ấy có lúc đã đi đến bế tắc về đích đến của hành trình cuộc sống. Trong thơ ông nhiều lúc cồn cào khát sống “Em trong sạch và anh tinh khiết/ Muốn vào đời không có giấy khai sinh” (Những cuốn sách). Nhà thơ  luôn xoáy vào cách sống làm NGƯỜI: “Nước ba lần hóa kiếp/ Vẫn trong cuộc luân hồi/ Người mấy lần hóa kiếp/ Cho nên một kiếp người” (Nước).
Và trăn trở để sống sao “cho nên một kiếp người” là dấu hỏi lớn nhà thơ đặt ra giữa xã hội loài người mọi thời đại, để mà: “Học cách sống giữa rừng hoang hú gọi/ Học cách ngồi trên đá lặng im” (Vâng, đúng vậy). Chính vì thế, trong thơ ông, con người mới luôn “tự kỷ ám thị” về sự không hoàn hảo của mình: “Cá Thờn Bơn nửa mình/ Ngỡ nửa mình là đủ/ Cái thằng tôi cả mình/ Mà chống chênh một nửa “ (Thơ 5 chữ).
Trong khám phá về bản thể thì luận giải về niềm tin luôn được nhà thơ đặt ra trong tác phẩm, bởi niềm tin luôn là cái neo để neo giữ con thuyền những giá trị cuộc sống: “Không có niềm tin mang theo dấu hỏi (?)/ Nhưng không có dấu hỏi (?) sao có niềm tin” – Rất có thể có nhiều câu hỏi mà “câu trả lời không dễ dàng chi” (Thơ Nguyễn Trọng Tạo). Dẫu vậy, nhưng cội nguồn của khát vọng khám phá thế giới chính là những điều đang nghi hoặc, không chấp nhận sự bất biến, không chấp nhận thần tượng của  muôn đời: “Có thể treo chiếc võng linh thiêng vào giấc ngủ vĩnh hằng/ Nhưng tất cả các vĩ nhân vẫn đang bị thời gian chế diễu” (Vĩ nhân). Thời gian – Chính là “lò” luyện đan về niềm tin: “Khi gươm súng đúc thành tượng đá/ Tôi nhìn rêu trên tượng để mà tin” .
Vẫn mạch trăn trở về kiếp người, nhà thơ tập trung luận giải về cái đói khát của tâm hồn, của trí tuệ, của nhân cách làm người “Mang cơn giáp hạt trong hồn/ Triền miên cái đói gặm mòn trái tim” (Hồn tôi). Bằng cách nhìn nhãn thông trước hiện thực, nhà thơ lý giải: Chính sự cam chịu đã biến con người thành nạn nhân của chính mình: “Và cũng vậy, tự do, tình yêu…/ Với đời sống tinh thần tựa nước uống cơm ăn/ Trái tim người đói mãi cũng thành quen” – Một sự luận giải có ý nghĩa cảnh báo: Thói quen cam chịu sẽ dẫn đến mù lòa về trí tuệ, nghèo đói về tâm hồn, kéo theo là mất hết phản xạ đòi tự do, cam tâm  làm nô lệ.Và cuộc cách mạng lật đổ thói quen là cam go nhất của bản thể nhân loại.
Nhà thơ từng bỏ ngỏ về sứ mệnh của Thi Ca: “Thơ là phương tiện để đồng hóa con người với sự sống”. Nhà thơ cũng xác định về sự tự do sáng tạo của người nghệ sĩ “thứ tự do ấy nằm bên trong tác phẩm, cấu thành tác phẩm chứ không phải là thứ tự do được xã hội ban phát từ không khí bên ngoài”. Cho nên nhà thơ đã tuyên ngôn thông điệp về tự do sáng tạo trong chính bản thể của người nghệ sĩ tạo ra. Và đó là thứ tự do khám phá bí ẩn của sự sống trong biểu tượng nhân vật trữ tình “em – nàng thơ”: “Cuối cùng vẫn một mình em/ Nhưng em ở nơi  đâu?  Em ở …/ Nhưng nước mắt của đêm, trong tiếng thở dài của gió/ Anh nhận ra hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm” (Cuối cùng vẫn một mình em). Và “bạn đời” của thi nhân là sự cô đơn:  “Ta cô đơn dưới đất/ Chúa cô độc trên trời” (Thơ 5 chữ). Chính sự cô đơn đó mang mầm sống sáng tạo sinh hạ những đứa con nghệ thuật: “Dù như vậy, đêm nay anh vẫn viết/ Thơ răng đau -Thơ lên sởi -Đậu mùa
Dù như vậy, tâm hồn anh sống sót
Anh một đời cuốc mót dưới sao thưa”.
(Thơ mùa hạ).
Trong tác phẩm của mình, nhà thơ Thạch Quỳ đã đưa ra những dự báo, những cảnh báo. Nhiều lần ông nhắc đến cỏ dại và đá như biểu tượng bền vững của sự sống: “Nghìn năm rồi trên các thảo nguyên/ Dưới mưa phùn ngọn cỏ mọc lên”. Sự sống cá thể có thể bị hủy diệt nhưng sự sống tổng thể là vĩnh hằng: “Các vĩ nhân trong đất hãy yên tâm/ Cỏ đang xanh trên mộ các ngươi nằm”. Nhân loại có thể biến cải “vũng nên đồi” nhưng màu xanh của sự sống là miên viễn: “Hoa chẳng còn trên núi/ Sông cạn trước mắt rồi/ Thì li ti cỏ dại/ vẫn cứ màu tím tươi”.
Nhà thơ từng bộc bạch “Tôi rất yêu đá, đá rất sạch, rất cứng rắn và màu của đá thì âm thầm lặng lẽ rất hòa hợp với thiên nhiên cây cỏ xung quanh“. Ông tự “ví mình như một hòn đá của trái núi Quỳ nhỏ bé quê mình. Người thợ đá tạc đá thành hình người, còn nhà thơ Thạch Quỳ bằng Đời Thơ của mình  “khai nhãn” cho tượng, thổi hồn cho đá. Và thế là đá sống kiếp người với những “ái, ố, hỉ, nộ” và sống với “những niềm vui trần thế/ đủ để thánh thần mơ ước trên cao” .
Và thế là “Những ngày tháng bình yên đã chết/ Trở từ khi tượng biến thành người/ Những năm tháng êm đềm cũng hết/ Nỗi nhớ nào quay quắt, trái tim ơi!” (Bức tượng). Tứ thơ còn dự báo một phản biện xã hội: Rất có thể trong xã hội hôm nay một bộ phận người sẽ hóa …tượng đá vô cảm trơ lì tình người !
Có thể nói có hai tác phẩm ghi rõ dấu ấn của sự cảnh báo và dự báo lịch sử đó là “Qua Đền Công – Ghi chuyện cũ ” và bài “Với con“. Nhà thơ Thạch Quỳ đã có cách kiến giải về tính bi thương của chiến tranh để mọi người thêm yêu và gìn giữ hòa bình: “Màu lông ngỗng ngây thơ trong trắng quá/ Nên máu người phải đổ Mỵ Châu ơi” -Sự ngây thơ trước kẻ xâm lược phải trả “học phí bằng máu” của muôn dân lành. Và cũng không bao giờ được ngủ quên trong hòa bình “Chỉ có đất với trời và cỏ/ Hiểu đường đi của giọt máu người” nên nhà thơ cảnh báo nghiêm khắc: “Vệt máu ngỡ khô rồi trên kiếm gỗ/ Bỗng sáng lên như nói một điều chi”
Bài “Với con” như một dấu mốc Đời Thơ của ông. Bài thơ ra đời năm 1979 với tính dự báo cao nên một thời đã gây sóng gió cho ông. Vấn đề lớn nhất của đất nước ta lúc bấy giờ phải là tính thiết thực để xây dựng và phát triển đất nước. Ông cảnh báo về sự viển vông, ảo tưởng  trong tư duy tầm nhìn chiến lược. Ông chỉ ra sự cấp bách của tính thiết thực trong hoạch đinh quản trị đất nước: “Con ơi con, trái đất thì tròn/ Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật/ Tất cả đấy đều là sự thật/ Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn”. Ông chỉ ra: Vấn đề của hôm nay, chưa phải bay lên mặt trăng chơi cùng chú Cuội  mà phải có nhiều “bánh đa tròn” bằng gạo để cứu đói sau ba thập kỷ chiến tranh cứu quốc..
Khép lại bài viết này, xin nhắc đến cách nói gan ruột của ông về sứ mệnh của thi ca: “Nghề thơ là nghề có phép thần để làm cho hồn chữ, hồn hình hòa đồng với xác mà dựng lên sự sống”. Và để thổi hồn vào câu chữ thì trước hết là trái tim của thi nhân luôn đỏ nhịp hồng cầu sự sống: “Rồi trí óc sẽ có ngày mệt mỏi/ Ý chí ta có thể có tận cùng/ Vẫn nhỏ nhoi trái tim trong ngực/ Trước cuộc đời đích thực mãi ngân rung” (Trái tim). Người Thơ không lẽo đẽo theo sau cuộc sống mà khám phá nó để sáng tạo ra Thơ giúp nhân loại tiếp tục thắp sáng  khát vọng mang giá trị sống dâng hiến như đời than, đời củi – Một sự “vơi cạn phát sáng”: “Và lửa tắt – khi nhiên liệu hết”/ Nhưng chẳng tắt đâu ngọn lửa truyền đời”. Đó là ngọn lửa nhân văn truyền đời mà thi nhân luôn kỳ vọng mình nhen nhóm được vào lòng bạn đọc mọi thế hệ.
Nhà thơ Thạch Quỳ – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã từ trần vào 4h00 sáng ngày 10.12.2022 (tức ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Dần) tại quê nhà Nghệ An, hưởng thọ 82 tuổi.
Nhà thơ Thạch Quỳ đã được nhận Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam và nhiều giải thưởng VHNT do Trung ương và địa phương trao tặng: Giải ba Cuộc thi Thơ – Báo Văn Nghệ năm 1973; Giải A Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc năm 2006; Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần III, IV, VI,…
10/12/2022
Vân Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...