Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Mùa xuân của cha và con

Mùa xuân của cha và con

Từ thời đại của hai cha con Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi đến nay đã gần bảy trăm năm. Trải qua những dâu bể, thịnh suy, mùa xuân vẫn nối tiếp những mùa xuân trong dòng đời bất tận…
Người đời vẫn nói nhiều về vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới như niềm tự hào của Việt Nam, và ở đâu đó, có lẽ người cha đang lặng lẽ cười… Sau tất cả, có lẽ cũng chỉ là Màu cây trong khói… Ngạn thảo vô tình xuân tự lục. Cỏ bên sông vô tình, xuân cứ tự mình xanh.
Mối lương duyên lạ lùng trong lịch sử Đại Việt cuối Trần đầu Hồ đã sinh ra cho đất nước một nhân tài kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Trãi. Người ta nhắc nhiều đến con hơn cha – âu cũng là nhà có phúc – tuy vậy trong mỗi đứa con bao giờ cũng phảng phất hình bóng người cha, trên cả hai phương diện ngoại mạo và nội tâm. Đứa trẻ “mới lên sáu đã ham đọc sách” nhận được sự rèn cặp của cha mà thành tài. Gia đình hun đúc, thời đại thăng hoa tài năng thiên bẩm mà thành vì sao Khuê sáng chói trong văn chương đất Việt. Cùng với ngòi bút “viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” là hồn thơ phóng khoáng với cái tôi nhạy cảm. Soi vào những trang thơ Ức Trai, người đọc bắt gặp dấu ấn để lại của hồn thơ Nhị Khê, không chỉ ở tấm lòng ưu thời mẫn thế, quan niệm xuất xử, mà còn ở cả những xúc cảm tinh tế trước thiên nhiên tạo vật.
Cuộc đời của đứa con là sự viết tiếp giấc mơ dang dở của người cha trong dòng đời bất tận, mặc dù giấc mơ đó không phải lúc nào cũng thành nhưng vẫn là có hậu theo một nghĩa nào đó. Xét về phương diện này thì Nguyễn Trãi chính là sự tiếp nối rực rỡ cho những nét vẽ chưa định hình trong cuộc đời của Nguyễn Phi Khanh. Cha có chí lớn, có hoài bão nhưng không được thi thố, khi được nhìn nhận thì đã quá muộn chưa đủ thời gian để phát huy, chỉ kịp hun đúc cho con hùng tài đại lược để rồi gặp thời đại bão táp mà trở thành cánh hồng bay bổng. Những gì nhòa nhạt trong cuộc đời cha rồi sẽ rỡ ràng trong bước đi con.
Đời cha buồn nên thơ ca cũng hát giọng buồn, đến giọng thơ con là bản hòa âm hào sảng, mạnh mẽ, đắm say, đủ nội lực để hát lời thông đứng đầu ngọn gió. Dẫu rằng cuối cùng cũng là sự tiếp nối của bi kịch – tấn bi kịch thời đại – Anh hùng di hận kỷ thiên niên, con cũng có những dang dở của đời con nhưng con đã sống trọn vẹn cuộc đời của riêng mình, đứa trẻ của cha thực sự đã thành người-lớn theo cách mà cha có thể tự hào… Một lời dặn dò mang tầm vóc tâm hồn nhân cách người cha nơi biên ải đã thay đổi cuộc đời con, và có thể nói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, không có người cha Nguyễn Phi Khanh thì đã không có Nguyễn Trãi – vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà SGK 8 ngày trước từng chọn hai bài thơ xuân của Nguyễn Trãi giới thiệu đến các em học sinh – Trại đầu xuân độ (Bến đò xuân đầu trại) và Mộ xuân tức sự (Cuối xuân tức sự). Hai bài thơ có sự tương đồng về thể loại (thất ngôn tứ tuyệt), thi hứng (mùa xuân), đều là những giai tác có thể bồi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ cho các em đối với thiên nhiên cuộc sống. Nhưng ít người để ý hồn thơ Ức Trai có sự gặp gỡ – thừa hưởng từ Nguyễn Phi Khanh với hai bài thơ gần gũi: Giang thôn xuân cảnh và Sơn trung.
Nhiễu thôn xuân liễu lục thành đôi,
Nhất đới khê lưu bão kính hồi.
Ngạn hiệp vũ tình yên sắc bạc,
Đỗ quyên thanh cấp luyện hoa khai.
(Giang thôn xuân cảnh)
Vũ dư yên thụ lung lung thuý,
Nhật mộ hàn vân nhiễm nhiễm sinh.
Thụy tỉnh bất tri xuân tảo vãn,
Thâm sơn đề đáo đỗ quyên thanh.
(Sơn trung)
Dễ dàng nhận thấy nhất hai bài thơ của Nguyễn Trãi chọn rất nhiều thi liệu giống hai bài thơ của Nguyễn Phi Khanh: màu xanh cây cỏ, con đường nhỏ, mưa, màu khói, tiếng đỗ quyên, hoa xoan. Sự giống nhau ấy có thể bắt nguồn từ sự tương đồng về không gian văn hóa – mùa xuân làng quê đất Bắc đặc trưng với mưa bụi hoa xoan, nhưng cũng ẩn sâu là sự ảnh hưởng của người cha từ trong tiềm thức và vô thức. Ảnh hưởng đó không chỉ dừng lại ở thi liệu thi ảnh bên ngoài, mà còn thi cú thi pháp, và cao hơn, là cảm thức thẩm mĩ. Giống từ cách kết hợp từ xuân liễu – xuân thảo, cách liên tưởng màu cỏ màu cây – màu khói, đến sự gắn liền hai sự vật đỗ quyên và hoa xoan. Càng giống hơn là giọng thơ nhẹ nhàng với nỗi niềm giấu kín đằng sau cảm thức nhàn dật hiển lộ trên câu chữ.
Thật ra truy nguyên sự tương hợp trong hồn thơ của Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi phải tìm về hồn Đường thi sâu thẳm trong thơ ca phương Đông, với màu yên liễu trong thơ Hàn Dũ: Tuyệt thăng yên liễu mãn hoàng đô (Tảo xuân), của Trương Trọng Tố: Yên liễu phi khinh nhứ (Du xuân khúc)… của màn mưa bụi trong thơ Vương Duy: Vị thành triêu vũ ấp khinh trần – Khách xá thanh thanh liễu sắc tân (Tống Nguyên nhị sứ An Tây), những nét vẽ mùa xuân đạm mạc như tranh thủy mặc. Và cả màu cỏ cây, bến đò hoang vắng Dã độ vô nhân chu tự hoành (Đò đồng bến quạnh tự quay ngang) của Vi Ứng Vật trong Trừ Châu tây giản. Hiểu được điều này mới chỉ được Độ đầu xuân thảo lục như yên (Đầu bến đò cỏ xuân xanh tựa khói) hoàn toàn không phải là phát hiện độc sáng của Nguyễn Trãi “độc đáo, trước đó và sau đó chưa hề gặp”, lại càng không phải là “xanh đậm, xanh đen như khói” kiểu hiện thực hóa theo một số cách hướng dẫn học sinh tiếp cận bài thơ. Trái lại, màu xanh như khói là màu xanh được bao phủ bởi sương mờ, mưa nhẹ, hoặc của liễu vừa mới nhú mầm, hoặc của liễu bay với sợi dài mong manh như khói… dù hiểu theo cách nào vẫn là màu xanh được nhạt hóa mà tạo nên sắc thái đạm quen thuộc trong thơ cổ điển.
Tài hoa của Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi là ở chỗ, đã Việt hóa những thi liệu ấy để bước vào bài thơ, người đọc được sống trong không gian mùa xuân đất Việt với cảnh vật gần gũi quanh mình. Mùa xuân với màu cây xanh uốn quanh xóm làng, con đường nho nhỏ, sắc cỏ xanh, tiếng đỗ quyên hay tiếng cuốc, con đò gối bãi, hoa xoan nở… bình dị và không hề xa xôi trong tâm thức dân tộc. Nếu trong thơ Nguyễn Phi Khanh vẫn còn sắc liễu xuân đài các thì đến Nguyễn Trãi nó đã thành cỏ xuân, nhưng tiếng đỗ quyên và màu hoa xoan kia thì ông đã nợ cha một điệu cảm. Dù chung một cảm hứng nhàn dật, tận hưởng và chìm đắm trong mùa xuân dân dã với tâm hồn không vướng tục, nhưng cha và con vẫn hàm chứa những nỗi niềm.
Nỗi niềm của Nguyễn Phi Khanh có thể gói trong một tiếng đỗ quyên dồn xuống ở cuối bài tứ tuyệt – đầy sức nặng và âm ba. Cả Giang thôn xuân cảnh và Sơn trung đều khép lại với tiếng đỗ quyên, Giang thôn xuân cảnh là tiếng đỗ quyên giục giã hoa xoan nở, còn Sơn trung là tiếng đỗ quyên từ núi sâu vọng lại. Tiếng chim gấp gáp giục xuân tàn, hay tiếng chim vọng từ miền sâu thẳm đều là ẩn chứa tâm sự. Bài Thiên Trường chu trung kỳ 1 lại càng rõ thêm tâm trạng của người cha: Xuân phong bất giải câm sầu tứ – Khước phóng quyên thanh cách ngạn đề (Gió xuân không giải được nỗi sầu âm ỉ – Lại còn buông tiếng đỗ quyên kêu bờ bên kia). Đó là nỗi sầu âm ỉ khôn nguôi của nhà thơ có tài mà không được dùng, có hoài bão mà không được thi thố, có khát vọng mà không thể thực hiện. Thơ xuân của Nguyễn Phi Khanh có ý vị nhàn nhưng không lạc.
Nhàn – lạc lại là dấu ấn mà hai bài thơ xuân của Nguyễn Trãi để lại trong tâm hồn người đọc, mặc dù sâu thẳm bên trong – cũng như cha ông – là ẩn giấu nỗi niềm. Nỗi niềm ẩn giấu trong một chữ cô (lẻ loi) trong hai tiếng cô chu, niềm cô đơn giữa mùa xuân và cả thời cuộc trong những ngày về ở ẩn mà tâm hồn vẫn Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Nỗi niềm ẩn giấu trong ba chữ xuân hướng lão, nghe tiếng cuốc kêu biết xuân già và mình cũng già. Mặc dù vậy, sắc xuân chồng chất trong xuân thảo, xuân vũ, trong màn mưa êm vỗ nhịp, con thuyền nằm ngủ cả ngày, trong sự chủ động khép phòng văn xa lánh thế tục, nhạy cảm lắng nghe mưa bụi hoa xoan nở đầy sân vẫn khiến người đọc cảm nhận được một niềm vui lặng lẽ tự thân của kẻ tự biết mình. Khát vọng mãnh liệt hăm hở trước thời cuộc, chủ động chọn lựa vận mệnh của mẫu người dấn thân hành động khiến Nguyễn Trãi có được phong thái nhàn lạc không có được ở cha ông. Phong thái này lại càng rõ ở Quốc âm thi tập với những vần thơ Nôm tràn đầy niềm vui bình dị.
Từ thời đại của hai cha con Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi đến nay đã gần bảy trăm năm. Trải qua những dâu bể, thịnh suy, mùa xuân vẫn nối tiếp những mùa xuân trong dòng đời bất tận… Người đời vẫn nói nhiều về vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới như niềm tự hào của Việt Nam, và ở đâu đó, có lẽ người cha đang lặng lẽ cười… Sau tất cả, có lẽ cũng chỉ là Màu cây trong khói… Ngạn thảo vô tình xuân tự lục. Cỏ bên sông vô tình, xuân cứ tự mình xanh.
27/12/2022
Lê Từ Hiển
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...