Vài cảm nhận về thơ Cao Nguyên Quyền
Có thể khẳng định rằng, Cao Nguyên Quyền rất chịu khó suy ngẫm để tìm ra ý tứ mới cho những điều thân gần và quen thuộc. Anh có nhiều từ mới lạ, có cách diễn đạt riêng, có những suy cảm đa chiều về thiên nhiên và cuộc sống.
Để trở thành người làm thơ đích thực, trước hết phải có thi
tài. Nhưng để trở thành nhà thơ, cần phải có cái bản thể thi sĩ ??? Cách nay 3
năm, tôi không hề biết Cao Nguyên Quyền là ai? Thế rồi, một cơ duyên đã đưa tôi
gặp Anh, do cây viết trẻ Nguyên Như – Lê Ngọc Dũng kết nối.
Tôi chợt giật mình ngẫm ra: thi tài và bản thể thi sĩ cũng rất
phức tạp, khó lường. Có người, thi tài xuất hiện từ thuở ấu thơ, rồi cứ thế mà
phát triển. Có người xuất hiện lúc đã trưởng thành, rồi cứ vậy mà đi. Lại có
người đến tuổi già mới phát lộ… Điều kỳ quái nhất là sự phát triển của thi tài
không phải bao giờ cũng đi theo con đường tịnh tiến của thời gian tuyến tính.
Người càng ngày càng đậm, người phát sáng trong khoảng khắc rồi lịm dần và tắt
lụi, người đi được một đoạn đường thơ khá dài rồi cứ mờ dần, mờ dần để chỉ còn
nhấm nháp niềm vinh quang cũ…
Cao Nguyên Quyền thuộc loại đến cuối đời, thi tài và bản thể
thi sĩ mới vụt hiện. Đấy là do những trải nghiệm cuộc sống đã đến độ và những
biến cố đời tư đau khổ, khiến anh rơi vào cõi u mê, vô vọng của sự cô đơn và nỗi
buồn như là nghiệp chướng của thi nhân.
Đọc hai tập thơ Rêu sương Cẩm Thủy (NXB Hội Nhà văn
– 2021) và Làng Gầm định dạng thu (NXB Hội Nhà văn – 2022) của
Anh, tôi giật mình vì một giọng thơ – một hồn thơ độc lạ. Hồn thơ ấy mang âm vọng
vừa gần gũi vừa bí ấn của xứ Mường – Cẩm Thủy, Thanh Hóa, ăm ắp tình yêu quê
hương, đất nước, con người – những gì gắn bó máu thịt với Anh từ khi sinh ra đến
khi đi bộ đội, trở thành một đại tá quân đội về hưu, sống bình dị giữa đời thường
tại nơi chôn rau cắt rốn. Giọng thơ ấy vừa truyền thống vừa hiện đại, có lối tư
duy chân mộc của người Mường từ xa lắc, lại có những suy tư, liên cảm rất mơ ảo
và hiện đại.
Hiếm người lính nào uống rượu và nhớ về những người đồng đội
đã hi sinh như Anh: Rót xuyên đất/ thỉnh/ hương cây/ đồng đội ơi trở về
đây/ chúng mày!!!/ Mòn chiều thõng giọt lui cui/ Cụng ly cảm nối ngậm ngùi… âm
dương??? (Một mình). Cũng khó có người viết về rêu đá quê hương như
Anh: Một triền xanh/ suôn suôn lòng suối/ ồ mọc mầm nhánh đá/ lộc trời
phun những móc ria (Rêu đá). Hoặc viết về sương núi như thế này: Lềnh
lềnh sương/ vỡ dưới chân chiều/ mõ lốc cốc/ dắt hoàng hôn về bản (Sương
núi). Nỗi cô đơn trong đêm khi đất nước thương đau mùa dịch Covid-19 là
đây: Trăng vừa mặc cổ phục/ Khoác giọt hồng canh thâu/ Nhân gian vầy xác
chết/ Tự tang tóc giùm nhau (Lửa đen). Và mùa thu, mùa thu xứ Mường thật
diệu kỳ, mê đắm: Nắng một ngõ vàng hươm/ gió tan mơn hường má/ se lạnh môi
mềm em/ khăn voan dìu thu nhẹ/// Xanh biếc xanh đỉnh trời/ trắng thật trắng vầng
mây/ ở đây vàng hoa cúc/ hồn mình vừa loay hoay (Định dạng thu). Người
mang ơn quê hương, gia đình sâu nặng có lẽ là Cao Nguyên Quyền với những lời
thơ thật lạ: Tôi lớn lên/ có bàn tay cha khuấy rạc sông Mã/ có bàn tay mẹ
dặm bầm đồng bãi…/ Mẹ Cha thành mây trời/ trắng lồng một dải sông/ trắng rợp ba
dãy núi/ hai nấm mồ lằng lặng thung sương (Tạ lỗi quê).
Viết về làng quê mình một thời nghèo khó, Anh cũng thật khác
người: Tháng mười hương thơm không ngả về ngực làng/ rộng sông/ sâu sông/
mớ giắt – ngày nào mế đành để lại/ nụ cười xa hơn đỉnh hoàng hôn (Làng
sông cạnh bên). Ở với núi rừng, với ruộng nương xứ Mường, Anh tri ân theo cách
của Anh: Cao cao trập trùng núi/ hương nếp dính lòng tay/ sương giăng vòng
cổ đá/ vàng hươm bông trời say…/// Văn vắt ơi suối nhỏ/ thủ thỉ về khai sơ/
tròn xoay con cọn nước/ cần mẫn tưới lúa ngô (Rừng tình). Đặc biệt, khi
người bạn đời yêu dấu đã ra đi, để lại anh trơ trọi giữa ngôi nhà hoang lạnh,
cái bản thể thơ của anh mới đột khởi trong nỗi buồn triền miên và vô vọng của
kiếp người: Miền cổ tích em về/ bơ vơ ta những nốt trầm trinh khiết/
thương nhớ bọc trong nỗi đau lồng kính/ mênh mông căn nhà/ âm u điều tịch mịch/
khuya khoắt mài lõi buồn trăn trở… (Thắp cho ngày xa).
Anh khóc vợ không bằng nước mắt mà bằng niềm thương, sự tri
ân người bạn đời đã tần tảo bao tháng năm cho con, cho chồng: Em chẳng còn
lo đêm đêm tấm thân trằn xé/ Em đã về với Mẹ/ nơi ấy có rêu sương Cẩm Thủy/ rễ
gió hát ru/ cả một đời toan lo/ tất bật gánh gồng riêng chung, nội ngoại/ Em ngủ
đi! Em ngủ đi/ Anh thức vẫn mong em được ngủ/ đời lính xa nhà/ tất tật dồn vai
vợ…(Ru em). Bản thể thơ của bất cứ nhà thơ nào còn phải được biến hiện qua những
suy cảm trực tiếp về thơ: Xác ta bên bã chữ/ nằm sòng soãi cỏ non/ hồn ta
giờ lơ lửng/ ngắm nhìn nỗi tiếc thương (Lửa đen). Và, day dứt, hoang dại về thơ
như thế này: Đã bao lâu trằn bên hoang dại nhiệt cuồng/ nụ lửa ủ vừa/ mùa đông
thứ 5 và từng mùa đông còn lại/ có một dòng thơ ngủ vùi… (Mùa đông thứ 5).
Tôi còn có thể trích dẫn nhiều, nhiều nữa những câu thơ, đoạn
thơ tôi thích trong hai tập Rêu sương Cẩm Thủy và Làng Gầm định
dạng thu của Cao Nguyên Quyền. Những câu thơ ấy đã nối nhịp và hòa gắn hồn thơ
tôi với Anh, khiến cho một người quê núi Quảng Uyên, Cao Bằng đã trở thành tri
kỷ với người quê núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Cuộc đời thật kỳ lạ, thơ hay, thơ đồng
điệu tự sẽ gọi mời và kết dính những không gian xa trở lại thật gần, những người
chưa biết nhau sẽ trở thành thi hữu. Dòng đời vẫn cứ trôi, mọi điều đều có thể
trở thành quên lãng, nhưng tình thơ nguyên chất, tình người trong vắt và sâu thẳm
thì tôi tin rằng sẽ còn mãi với tháng năm.
Tôi thật vui khi đã được gặp Anh – một người thơ đến tuổi già
mới phát lộ. Anh đã giúp tôi thêm hiểu, thêm yêu nơi cắt rốn chôn rau của mình
với những con người thân thương ruột thịt; với từng gốc cây, mỏm đá, khúc quanh
của con đường làng; với từng mảnh rẫy, vạt nương, chỏm núi, đoạn sông xứ sở… Ngọn
lửa thi ca đích thực luôn được cháy lên, cháy sáng từ những tình yêu bình dị và
trong vắt.
Có thể khẳng định rằng, Cao Nguyên Quyền rất chịu khó suy ngẫm
để tìm ra ý tứ mới cho những điều thân gần và quen thuộc. Anh có nhiều từ mới lạ,
có cách diễn đạt riêng, có những suy cảm đa chiều về thiên nhiên và cuộc sống.
Điều thú vị nhất là từ những hình ảnh thân thương, mộc mạc gắn bó với anh giữa
đời thường, anh đã tìm ra cách nói mới rất hiện đại, khiến cho những thi ảnh tưởng
chừng đã sáo mòn bỗng trở nên lạ lùng, bí ẩn và mơ ảo. Nhiều bài thơ của anh
làm cho người đọc như được bay lượn giữa một không gian thơ huyền hoặc, vừa gần
gũi lại vừa xa vợi, gợi nhiều liên tưởng khác nhau. Nhưng tất cả vẫn được kết
đính trong một tình yêu con người và xứ sở đậm chất Mường như dòng họ Cao Núi Mổ
– Cẩm Giang quê Anh. Một số bài thơ có cấu tứ lạ, có những từ ngữ chưa từng xuất
hiện, khiến bạn đọc cũng có những băn khoăn và hoài nghi trong tiếp nhận…? Nghệ
thuật luôn là vậy, mọi sự tìm mới cần phải trải qua thử thách và thẩm định của
thời gian. Dù thế nào đi nữa, mọi sự tìm mới đều rất đáng trân trọng… Trong một
không gian thơ nhìn chung là nhàn nhạt và cũ kĩ hiện nay, thơ Cao Nguyên Quyền
quả thật rất đáng đọc.
Giọng thơ xứ Mường, hồn thơ vừa truyền thống vừa hiện đại… tất
cả đã làm nên một Cao Nguyên Quyền trong làng thơ Việt hôm nay!
23/12/2022
Võ Sa Hà
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét