Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Đọc thơ tuyển Nguyễn Đắc Lập

Đọc thơ tuyển Nguyễn Đắc Lập

Nhiều năm nay, nghĩ đến văn chương thơ phú, tôi hay nghĩ đến những số phận dường như do cuộc sống trên quê hương xứ sở đày gian khổ đau thương và thật nhiều sóng gió đã đưa đến với thơ, trở thành nhà thơ. Nguyễn Đắc Lập là một phận thơ như vậy.
Sinh năm năm 1945 tại Hà Đông. Trong kháng chiến chống Pháp, ông theo gia đình tản cư lên Phú thọ. Ngay từ thuở niên thiếu đã yêu thích sáng tác văn học. Năm 1958, là học sinh lớp 5 đã có bài thơ Đi chậm đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Khi vào tuổi trưởng thành thì cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền. Ông theo học ngành lâm nghiệp rồi tình nguyện vào bộ đội đi chiến đấu. Sau chiến tranh thuở trai trẻ qua đi, năm 1978 Nguyễn Đắc Lập về giảng dạy tại Trường Trung cấp Kinh tế Lâm nghiệp, tình yêu thơ đã trỗi dậy mạnh mẽ khiến Nguyễn Đắc Lập thực sự dồn tâm sức cho tình yêu thơ. Thơ anh bắt đầu được đăng trên tạp chí Văn hóa Đất Tổ và báo Vĩnh Phú.
Hồi đó ở miền Bắc, Nguyễn Đắc Lập và những người viết cùng trang lứa tương đối giống nhau về mặt xã hội là đều được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, họ viết văn làm thơ để bày tỏ lòng thương yêu quê hương cuộc sống, bộc lộ năng lực văn chương của mình. Cùng với thời gian, một số người dã trở thành tác giả có những đóng góp cho văn học quê nhà.
Trong số những tác giả đó, Nguyễn Đắc Lập là một nhà thơ có cá tính rõ nét. Ông là nhà thơ thường viết những bài thơ ngắn, những bài tự sự với cấu trúc gọn chắc, như các bài Điểm tựa, Chiều, Hoa sa mạc. Ở ngay những bài dài nhiều trang chữ, chúng tôi nghĩ, nó cũng gồm nhiều khúc tự sự trước đời sống đang đô thị hóa rất nhanh  với từng xúc cảm ngẫu hứng khác nhau, gọn và nhỏ, ghép với nhau. Cách cấu trúc bài thơ như vậy là nét riêng, một cung cách riêng trong sáng tác của Nguyễn Đắc Lập.
Trong Thơ tuyển không ít bài chứa chất tâm tình, nghĩ ngợi, chiêm nghiệm cuộc sống do Nguyễn Đắc Lập có được trong cuộc sống gian khổ, nhọc nhằn. Qua những bài thơ, nhà thơ đem đến cho người đọc những tình thật trong lòng ông, những buồn khổ thật ở dời, khiến người ta bình tĩnh và vững tin trong cuộc sống, như những câu trong bài Hạnh phúc:    
“Cuộc đời dạy tôi phải biết cười khi gặp điều đau khổ
Phải tìm niềm vui khi hạnh phúc không còn
NIềm vui không ai cho cả
Tôi hiểu rằng phía sau cuộc đời là những nỗi đau
Phía sau nỗi đau là niềm hạnh phúc”
Và như bài Ngõ nhỏ viết rất kiệm lời mà tình ý thật sâu “Một ngõ nhỏ ven đường/ một ánh mắt bất ngờ gặp gỡ/ có thể là lối rẽ cuộc đời… / ngõ nhỏ có thể ra/ Đường đời không trở lại”. Và nữa, một đoạn trong bài Thơ bất chợt 1 mà chúng tôi  cho rằng nó có cấu tứ chắc gọn, trọn vẹn một bài thơ:
“Mầm non bật đầu cành
Nỗi đau cây ai biết
Ô kìa! Lá lại tươi xanh
Qua đớn đau bật mầm nhân nghĩa
Đời vẫn vậy lở bồi xoáy xiết
Đau quặn lòng
Rồi êm ả như không…”
Là người sáng tác từ những năm niên thiếu, nhưng tác phẩm của Nguyễn Đắc Lập viết trước những năm tám mươi thế kỷ trước không có gì nổi trội. Chính ông cũng ý thức được điều đó nên trong Tuyển tập lần này ông chỉ chọn chủ yếu trong số thơ viết từ những năm chín mươi thế kỷ XX đến nay.
Trong đường đời sống xa quê đến năm 1993 Nguyễn Đắc Lập mới cùng gia đình về cư trú tại Hà Đông quê nhà. Quãng thời gian này,đời sống thơ Việt nam đang dấy lên phong trào đổi mơi thi ca. Chúng tôi thấy Nguyễn Đắc Lập đã thực sự nỗ lực trong sáng tác để hòa nhập được với trào lưu đổi mới thơ đương đại. Muốn thoát khỏi lối thơ màu mè, véo von đã thành vệt mòn trong nhiều năm qua. Nguyễn Đắc Lập đã bạo dạn ghép những khúc cảm ngắn lại với nhau thành một bài thơ. Như trường hợp bài thơ Thành phố, sau sáu khúc cảm, ông khép lại bài thơ với một ngẫu cảm bằng thơ văn xuôi:
“Thành phố từ tinh mơ đến nửa đêm ầm ào trong tiếng động cơ.Trong giàn âm thanh đường phố không phút nào yên tĩnh để nghe tiếng nói lòng mình. Xa giao, xã giao, công việc và công việc… Ngày lại ngày như một cái máy. Cả những mối tình vụng trộm cũng qua đi như phim ảnh. Phải đóng kịch suốt ngày, suốt năm còn đâu thời gian suy nghĩ cho riêng mình… Tất cả bị cuốn hút trong trong dòng thác đồng tiền. Câu chuyện cũng quẩn quanh làm ăn, tính toán. Ôi! Ta có phải là ta. Ta đã biến mất từ lâu rồi để mọi người gọi ta là giám đốc, giáo sư, là gì đi nữa, nhưng ta đâu còn! Ta chỉ là  chiếc bóng. Linh hồn ta ở đâu? Thành phố! Người  đi về đâu…?”
Bài thơ này được trao giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi Thơ Hà Tây 2006-2007. Và nhà thơ Trúc Thông thay mặt ban chung khảo cuộc thi, sau khi trích đoạn thơ văn xuôi trên đã đánh giá “Gần như một nỗi trầm uất, câu hỏi nhói đi nhói lại suốt bài thơ là một câu hỏi đầy bức xúc, đòi hỏi những phương thức điều chỉnh hết sức nghiêm trọng về sự hoàn thiện con người trong thời buổi kinh tê thị trường ồ ạt“. Chúng tôi nghĩ khác Trúc Thông một chút, không chỉ “đòi hỏi Phương sách điều  chỉnh hết sức nghiêm trọng về sự hoàn thiện con người trong thời buổi kinh tế thị trường ồ ạt”,  Nguyễn Đắc Lập còn tư lự suy cảm về lẽ đời được mất,có, không khi thời buổi kinh tế thị trường đã hiện diện tận miền rừng núi xa xôi.
Chợ tình Sa pa, một bài thơ có cấu trúc khá hiện đại mà tình ý đượm hơi hướng cổ điển:
“Sao lại gọi là chợ
Có ai bán mua đâu
Chỉ thấy người với người
Tìm nhau trong mây trắng
Rồi cứ như mây ấy
Tình bay ngang đỉnh đầu
Cứ ngỡ là mây đậu
Giơ tay cầm thấy đâu…”
Có thể nói, làm mới ngôn ngữ thơ là chí hướng nghệ thuật của Nguyễn Đắc Lập. Qua những bài thơ Thành phố, Hạnh phúc, Ngõ nhỏ, Khoảnh khắc đời người, Chiều, Cuộc rượt đuổi không bao giờ ngừng, Chào ngày mới… tỏ rõ điều  đó.
Chúng tôi nghĩ, chỉ đến khi tạo được những bài thơ có cấu tứ vững chắc cùng ngôn ngữ với tiết tấu âm thanh của đời sống đương đại, ông mới đạt tới thơ hiện đại đích thực, đơn cử bài Chiều:
“Trăng vẫn thế
Mặt trời vẫn thế
Hết mùa thu lại đến mùa đông
Chỉ con người lưng còng mắt mờ chân chậm
Và những người thân nghìn thu
Chẳng thấy quay về
Trăng vẫn thế
Mặt trời vẫn thế
Hạnh phúc mỏng manh
Bất hạnh tràn trề
Những hy vọng liệu còn hay mất
Khi một ngày ta lại ra đi …”
Bài Chiều thật ngắn, một tự sự về đời người đã ý thức được sắp đến lúc phải giã từ cõi thế. Giọng thơ trầm lắng, điềm đạm, cao hơn sự đau đớn là sự thấu hiểu lẽ mất còn, sống chết. .
Qua thơ Nguyễn Đắc Lập, ta thấy ông hay nghĩ ngợi về những phận người, trong tình ái là duyên phận, ví dụ bài Một đoạn:
“Từ  đây sang đấy… vài ba bước chân
Mong mỏi cả đời mà không đi tới
Từ đây sang đấy… hạnh phúc thật gần
Suốt đời anh tìm, mà sao không thấy
Từ đây sang đấy, bến bờ ước mơ  
Anh đã đến gần mà đi không tới
Từ đây sang đấy là hai con người
Vẫn nhìn thấy nhau mà lòng xa cách”
Nguyễn Đắc Lập đã và đang  đi  trên một quãng đường thơ không còn là ngắn. Đến nay anh vẫn xuất hiện trên không ít sách báo và tạp chí.
Tới chặng đường này, cái tôi trữ tình trong  thơ anh đã nhận được điều nghiệt ngã, đó là tuổi tác và thời  gian không còn là mùa xuân của đường đời. Bởi thế, anh có được suy cảm thật sâu về lẽ đời được mất, có, không và về phận người qua những ý thơ, bài thơ chúng tôi nêu ở trên. Và có thể nêu thêm nữa :”uống hết vị đắng cuộc đời sẽ thấy vị ngọt ở đáy cốc “ (Thơ bất chợt )
“Rừng vẫn đấy mà anh là người khác /Em cũng vậy thôi rụng lá bao lần”. (Thơ bất chợt)
Hoặc bài tứ tuyệt:
Lịch
“Đưa tay hứng tháng ngày trôi
Chạnh thương bao ánh mây trời xa xa
Điều còn lại điều đã qua
Lệ sâu đáy mắt, sương sa cuối chiều”
Là một tuyển thơ từ cả chặng đường thơ quan trọng của Nguyễn Đắc Lập, Thơ tuyển chứa đựng những suy cảm mang tính nhân bản thật sâu. Ông quan tâm nhiều đến cuộc sống thường tình trên đường phố cao tốc cho đến chuện đời trong ngõ nhỏ, suy tư nhiều về những con người bình thường và từ những lưu tâm đó mà viết những bài thơ chúng tôi viện dẫn trên cùng những bài thơ khác nữa như Chị Ngần ơi! Nhà tu hành và người mù bán tăm , Hai cô gái và xe rác, Quán nghèo  bía hơi. Ông lão mua rượu..
Có như vậy, nhà thơ mới dùng cái sở trường của mình tìm thấy
những ý nghĩa nhân văn trong đời sống một cách bình dị.
Chúng tôi muốn khép lại bài giới thiệu tập thơ nhưng cứ ngần ngừ mãi chưa dừng bút được. Bởi soát lại những điều đã bình phẩm thơ
Nguyễn Đắc Lập, cứ nghĩ có thể bạn đọc cho rằng chúng tôi thiên về phía đời thường qúa chăng trong khi đời sống có bao sự kiện lớn lao văn chương cần đề cập đến.
Vậy chúng tôi xin nói thêm rằng, trên đời có những điều tưởng  như không, nhưng thực ra cũng thực sự lớn lao. Đó là lẽ được mất, sống còn của người lương thiện, người dân lương thiện nhiều vô cùng và thường vô danh.
Và chúng tôi bỗng nhớ, thi hào Otavio Paz từng nói: “Thơ là cái còn lại để an ủi người ta”*. Ông thật có lý!.     
Chú thích:
* Thi hào Otavio Paz sinh tại thủ đô Mexico năm 1914, bạn thân thiết với Garcia Lorca, Rapael Anberti, Pablo Neruda, Giải thưởng Nobel Văn chương năm 1990.
14/12/2022
Anh Chi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...