Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Hoàng Văn Bổn

Những tác phẩm viết cho thiếu nhi
của nhà văn Hoàng Văn Bổn

Hoàng Văn Bổn còn là một “nhà văn của các em” (Ngô Vĩnh Bình). Ông viết rất nhiều cho thiếu nhi, và một điều đặc biệt là tất cả các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông đều lấy bối cảnh miền đông Nam bộ, cụ thể là mảnh đất Đồng Nai quê hương ông. Năm 1996, Nhà xuất bản Đồng Nai đã xuất bản “Tuyển tập thiếu nhi Hoàng Văn Bổn” gồm 2 tập, độ dày hơn 800 trang. Với một độ dày như vậy cũng đủ gây kinh ngạc cho các nhà phê bình, chứng tỏ Hoàng Văn Bổn sáng tác rất sung sức, ở nhiều mảng đề tài khác nhau. 
Tướng Lâm Kỳ Đạt và những mảnh đời tuổi thơ trong làng
“Tướng Lâm Kỳ Đạt” là truyện dài đầu tiên viết cho thiếu nhi của nhà văn Hoàng Văn Bổn (1962). Ông đã viết tác phẩm này trong bảy ngày, và đã được độc giả miền Bắc đón nhận nhiệt liệt, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng vậy. “Tướng Lâm Kỳ Đạt” là cả một thế giới trẻ thơ bí mật trong làng, bên cạnh một thế giới không kém bí mật của những người cộng sản, những tên Việt gian khét tiếng, của người lớn…
Lâm Kỳ Đạt là một cậu bé sớm phải đối mặt với kẻ thù. Cha cậu đã bị bọn Tây cắt cổ, ông bác đêm đêm vượt sông ra vùng giải phóng, nhưng không cho cậu biết, song bác lại hay dặn dò cậu phải cảnh giác với bọn Thần Nước Mặn, hoặc phải ghi nhớ những điều mắt thấy tai nghe trong lúc đi chăn trâu. Bác cho rằng Đạt còn quá nhỏ, chưa thể giúp bác như một cộng sự được. Song Lâm Kỳ Đạt đã bí mật theo dõi những việc đáng nghi ngờ ở nhà Thần Nước Mặn, lập một tổ nhi đồng làm được nhiều công việc giúp ích cho làng xóm, bà con. Nhóm của cậu đã đang đêm đi đến nhà ông thầy lang bốc thuốc cho một bà lão bị bệnh nặng không có người săn sóc, cắt cỏ giúp những gia đình có người ở chiến khu, lập mưu bắt lại được con trâu của bé Ai bị Thần Nước Mặn bắt. Các em ao ước bắt được một kho vàng trong nhà Thần Nước Mặn, nhưng rồi phát hiện cả một kho giấu súng. Bọn giặc tràn đến, ba bé Ái bị chúng giết. Lâm Kỳ Đạt đã một mình cưỡi con trâu trắng vượt sông để báo tin cho bộ đội biết. Cậu xứng đáng là một vị tướng nhi đồng của làng Bình Long yêu dấu. Cảnh tượng Đạt vượt sông được nhà văn miêu tả rất đỗi dũng cảm:
“Bây giờ thì quanh Lâm Kỳ Đạt chỉ thấy khói và những cột nước vọt cao, xoay tròn, rơi lả tả như những tàn nấm.
Đạt đã chìm nghỉm xuống mặt nước. Đạt nắm đuôi con trâu trắng lặn qua những cột nước. Bỗng thình lình, con trâu trắng nhảy dựng lên, giống như cánh buồm bạt gió. Hai chân trước nó choạng ra, bơi bơi trên không (…) Bên kia sông, các chú du kích bắn trả lại dữ dội. Có một bóng người cao lớn từ trên bờ nhảy xuống rất nhanh, bơi ra chỗ Đạt đang với với. Hai cái bóng ấy đã trườn lên bờ bên kia. Phía trong bãi cát ấy, là chiến khu Đ”.
Đã là tướng thì phải xưng Tướng, phải đánh nhau để phân thắng bại, phải có quân sư quạt mo, phải có lễ ăn thề. Đủ cả. Từ một nhóm nhỏ, Lâm Kỳ Đạt đã “chiêu binh mãi mã”, thu dưới trướng những Việt quân sư, Bảy Cối Xay, Mặt Dài, Lý Xích Hoài, Huỳnh Thăng, toàn là những “tay” tài năng và có sức chịu đựng dẻo dai. Các em bé vẫn sống trong sự hồn nhiên của tuổi nhỏ, đồng thời lại rất nhạy cảm với những đổi thay trong cuộc sống hằng ngày. Trước những mất mát của các gia đình trong làng, trước nỗi đau của những người bạn nhỏ, các em đã sớm có ý thức góp phần bé nhỏ của mình vào công việc chung. Thế là những việc xưng hùng xưng bá, tranh giành lãnh thổ chăn trâu, kết nhóm để chơi đã mang một ý nghĩa quan trọng là bảo vệ cuộc sống cho chính mình và của bà con cô bác.
Dường như tuổi nhỏ thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh cuộc sống mới, khi mà tất cả người trong làng đều khiếp sợ bọn giặc và bọn Việt gian, cuộc sống hằng ngày diễn ra khá căng thẳng. Các em nghiễm nhiên phải sống trong điều kiện sống ngặt nghèo này, nhưng không để cho nó trói buộc tuổi thơ của mình trong những đau khổ và sợ hãi. Dẫu thế giới riêng của các em chỉ là cánh đồng, nơi gò mả chăn trâu và trong bóng tối (“làm nhiệm vụ” theo dõi Thần Nước Mặn và chú nó là lão cai tổng), song các em tỏ ra một bản lĩnh làm người thật đàng hoàng, tự chủ. Người lớn, cha anh qua sông làm bộ đội, bà và mẹ ở lại làm ruộng, coi giữ nhà cửa, các em mới thật sự là chủ nhân của mảnh đất quê làng. Các em thay người lớn cáng đáng công việc bằng cách rất riêng của các em.
Nhân vật chính trong truyện, Lâm Kỳ Đạt là một cậu bé khá vững vàng trong mọi công việc, dữ tợn và rất nam nhi. Đội quân của cậu, thực chất là một đội nhi đồng cứu quốc được tác giả miêu tả lồng ghép giữa ước mơ làm người quân tử “kiến ngãi bất vi vô dõng dã” như thời Lưu Bị, Khổng Minh, Quan Công, Trương Phi, với ước mơ làm người cách mạng như cha và bác của Tướng Lâm Kỳ Đạt. Cậu làm theo phương châm: làm tướng phải làm gương, phải chịu đau mới làm tướng được, và phải thông minh mới xứng đáng làm một vị tướng. Chẳng những thế, cậu để cho Việt nắm tóc mình mà giật, không hề kêu khóc một tiếng nào, cũng nhất định không chịu thua cuộc. Lần tranh đồng sau, cậu xuất hiện với một cái đầu trọc lóc, nhờ thế mà hoàn toàn chiến thắng. Bác cậu nhờ cậu thức canh để bác ngủ, cậu rất lấy làm hãnh diện, và ghi nhớ một điều hết sức quan trọng là chỉ được ngủ một mắt mà thôi, một mắt luôn phải thức để canh chừng bọn Việt gian. Nhân vật hết sức đáng yêu và đáng khen ở tinh thần cách mạng rất sâu sắc và tự giác, biết gánh vác những công việc vừa sức mình đúng như lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.
Tác phẩm đã kết thúc ở hành động dũng cảm, gan dạ của “Tướng” Lâm Kỳ Đạt: cưỡi con trâu trắng qua sông để báo tin cho bộ đội ta biết bọn giặc đã đến càn dưới làn đạn dày đặc của bọn chúng. Đây là hành động dũng cảm nhất, có tính chất quyết định cho sự sống của bao nhiêu người. Con trâu trắng mà đội thiếu nhi của cậu đã từng cứu khỏi tay Thần Nước Mặn, từng cắt cỏ, trị bệnh cho nó, đã trở thành một con trâu anh hùng, can đảm không kém gì một thành viên thực thụ của đội. Qua sông, nghĩa là Lâm Kỳ Đạt đã trở thành một chiến sĩ cách mạng. Đó chính là giây phút ra đi làm cách mạng của em, chia tay với xóm làng, với bà con, bè bạn mặc dù có thể chính em cũng không biết rõ điều ấy.
“Tướng Lâm Kỳ Đạt” là một bức tranh tả thực, rất đơn sơ, mộc mạc của nhà văn Hoàng Văn Bổn về quê hương mình. những cánh đồng cỏ, gò mả cũ, bụi mía, nhà kho chứa thóc, cối xay lúa… là những hình ảnh rất quen thuộc của trẻ chăn trâu. Đây cũng là bối cảnh làng Bình lăng trong tác phẩm “Trên mảnh đất này” được tác giả hoàn thành năm 1962. Không khí ngột ngạt của những ngày đầu giặc Pháp quay lại đánh chiếm miền Nam, gây bao đau thương ly tán. “Tướng Lâm Kỳ Đạt” đã thể hiện trung thực hoàn cảnh xã hội này qua lăng kính thế giới trẻ thơ. Sự ra đi của Lâm Kỳ Đạt cũng là một tất yếu có tính lịch sử, báo hiệu cả một thế hệ tuổi trẻ ra đi cứu nước. Sau “Tướng Lâm Kỳ Đạt” có “Lũ chúng tôi”, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã kể về những năm tháng trưởng thành của thế hệ những em bé “Lâm Kỳ Đạt” ở ngôi trường trong chiến khu Đ, cũng chính là thế hệ của nhà văn.
Viết về những mảnh đời tuổi thơ ở trong làng, nhà văn Hoàng Văn Bổn còn có những truyện dài“Tuổi thơ trong làng”, “Bên kia sông Đồng Nai”, “Theo dấu người xưa”, “Ngày xửa ngày xưa”. Những tác phẩm này đều vẽ nên một làng quê nghèo, nơi có những em bé phải sống trong đau thương mất mát của quê hương và gia đình. Các em luôn phải sống trong những “tiếng giày đinh nện rầm rập theo con hẻm phía sau nhà, phía bên kia bờ tường trước nhà. Tiếng báng súng dộng cửa một nhà nào đó ngoài đầu hẻm” (Theo dấu người xưa). Trong giấc ngủ, chú bé Ngọc đã thét lên: “Bắn đi! Bắn đi ba ơi!…” (Bên kia sông Đồng Nai). Còn trong truyện “Tuổi thơ trong làng”, cô bé Hương bị tên xã trưởng bắt về làm ở đợ, phải làm việc quần quật suốt ngày, bị đánh đập đến phát điên. Bọn giặc và bọn tề ngụy tàn ác đến độ: “Phải làm cho dân chúng đoạn tuyệt với quá khứ, đoạn tuyệt với truyền thống chín năm kháng chiến chống Pháp…” Vì thế, trẻ em là những mầm non tươi xanh, ngây thơ và tràn đầy lòng tin vào tương lai là đối tượng hàng đầu để chúng khủng bố: “Phải dập tắt được sức sống con người trong tim con nhỏ. Dập tắt tình thương yêu quái gở giữa con nhỏ và lũ trẻ tức là thắng. Để nó tươi tỉnh, biết thương yêu, đùm bọc nhau tức là ta thua…”
Song các em không bao giờ chấp nhận sự đàn áp dã man ấy. Sống trong cuộc sống đau thương ấy, tự trong nhận thức của các em đã có sự phản kháng dữ dội, cùng với sự đùm bọc yêu thương của gia đình, bà con, anh chị, các em không bao giờ chịu khuất phục. Các em tự nhiên đến với những người cộng sản, tìm đến những ngôi mộ cổ, những bụi chuối, những kho giấu súng, tìm cách che chở cho cha anh và lấy cắp hoặc cướp lấy vũ khí. Không gian trong truyện luôn chia thành hai khoảng, đối lập nhau: ban ngày, các em phải sống trong ánh mắt cú vọ của bọn Việt gian, đầy bất trắc; ban đêm, các em được làm những người chiến sĩ nhỏ góp phần mình vào công việc chung.
Luôn có đôi bạn bên nhau trong các tác phẩm viết về tuổi thơ trong làng của nhà văn Hoàng Văn Bổn. “Tướng Lâm Kỳ Đạt” có Đạt và bé Ái, “Tuổi thơ trong làng” có Hương và Phước, “Bên kia sông Đồng Nai” có Ngọc và cô bé Năm,… Những bé trai luôn che chở cho những bé gái bằng tình cảm trẻ thơ hồn nhiên xen lẫn niềm tự hào được làm người bảo vệ, làm một vị “anh hùng” của làng quê. Còn các em gái đã sớm đảm nhận vai trò người phụ nữ bất khuất, trung hậu, đảm đang, luôn có mặt ở những nơi “nước sôi lửa bỏng” nhất.
Cuộc sống vẫn diễn ra với vẻ đẹp tự nhiên, vốn có của nó. Những em nhỏ từng tự hỏi: “Trong cái ấp chiến lược Tân Phú – Bình Long này, ai là Thạch Sanh, ai là Lý Thông, ai là con chằn tinh?” (Tuổi thơ trong làng). Truyện cổ tích đã đi vào đời thường, vào tâm hồn các em như tất cả những em bé khác. Đồng thời, thiên nhiên cũng là một người bạn tốt nhất, vô tư nhất của các em. Những con bồ nông trên đầm, cá dưới bàu, những vườn quả náo động là những hình ảnh quen thuộc trong tác phẩm. Chẳng hạn, trong truyện “Tướng Lâm Kỳ Đạt”:
“Bầy cò nghểnh cổ hàng trăm con trên những tàu dừa, cành đa. Trên những ngọn cây to, hàng trăm chú vạc quạt cánh ào ào đảo cánh một vòng quanh khu vườn, rồi mới chịu bắt đầu đi kiếm ăn. Cạnh những bác bồ nông hói đầu đang đứng im ỉm, đám sáo, cưỡng cũng đang đứng líu lo, đá lộn nhau ỏm tỏi hoặc rỉa lông cho nhau.
Có những chú chim cu, ưỡn ngực đồ sộ, chạm trổ như cẩn ốc xà cừ, gục gặc đầu bên nhau. Từ trên ngọn dừa cao vút, hai chú chim sẻ ôm nhau đùa nghịch, rơi thành một đường thẳng xuống tận mặt đất mới chịu buông ra, bay vút lên. Tại miệng bọng cây sao lớn, một mụ tầm bồng đang há hoác cái mỏ bẹt, giẫm bành bạch đôi chân bè bè, nổi gân cổ chửi kẻ nào dám chui vào tổ đầy ắp trứng vàng trứng ngọc của mụ mà xéo tung, làm đổ vỡ tất cả rồi! Còn hai cô chèo bẻo đen sì thì đang ra sức quạt đôi cánh đuổi bán mạng một con chuồn chuồn, vì cái dạ dày của các cô chưa được đầy…”
Cái bàu Mật cật “nước lênh láng tràn đồng. Lúa trời và cỏ bấc, cỏ ống, cỏ sình, cỏ năn che kín mặt nước… Lúa trời, lúa sạ càng xanh tốt, nước tới đâu, lúa lên tới đó” đã đi vào nhiều tác phẩm khác nhau với vẻ đẹp dân dã và sức sống tràn đầy của nó: Trai gái cắt cỏ trâu, cỏ ngựa lội xuống bàu, nước tới ngực, tới cổ, tay quơ một vòng đã bứt được một bó cỏ non mượt. Mỗi chàng trai cô gái bước đi trước, đằng sau, bong bóng nước trồi lên nổ lụp bụp quanh người như bông hoa đất. Kẻ buông câu, người giăng lưới. Kẻ chống xuồng, người chống bè tre, bè chuối. Gái thì khăn rằn vắt vai, quần áo bà ba bó sát người. Trai thì lưng trần quần cụt, da cháy nắng, tóc vàng khè, chở lúa, chở cỏ, chở cá. Có thuyền chở toàn hoa sen thơm lừng cả vùng trời mênh mông. Vịt trời từng đàn từng đàn bay về kêu quàng quạc thâu đêm suốt sáng…” (Bên kia sông Đồng Nai) Thiên nhiên đủ đầy, giàu có, cùng với tình người nhân hậu, tràn đầy đã giữ gìn tuổi thơ cho các em.
Trong những tác phẩm này, chúng ta gặp lại những nhân vật rất quen thuộc như chú Từ Khiêm, ông Bảy lò rèn, ông Hai Thố chèo đò, má Mười, má Sáu. Tất cả đã làm nên một thế giới trẻ thơ rất riêng, đồng thời tạo nên một khung cảnh làng quê đặc biệt quen thuộc trong tác phẩm Hoàng Văn Bổn.
“Ó ma lai”, “Lũ chúng tôi” và khung cảnh chiến khu Đ hùng vĩ
“Ó ma lai” là tác phẩm cũng được hoàn thành trong thời gian rất ngắn của nhà văn Hoàng Văn Bổn, vào năm 1980. Ý tưởng về một vùng Đồng Nai thượng đã hình thành rất lâu, song chỉ đến “Ó ma lai”, nhà văn Hoàng Văn Bổn mới thực sự khai thác ấn tượng hùng vĩ, dữ dội của rừng núi thượng nguồn sông Đồng Nai. Và đây là một tác phẩm chứa đựng trong nó sự phóng khoáng của thiên nhiên và tình yêu con người trong cuộc sống man dã cô đơn.
Truyện đi theo một mô típ rất lạ so với các tác phẩm khác của Hoàng Văn Bổn. Chỉ có hai nhân vật trong truyện, Quỳ và Suma, là hai em bé lạc loài, một từ đồng bằng lên để tránh bọn giặc, một vốn dĩ được sinh ra và lớn lên giữa muông thú, cây cỏ. Ban đầu, Quỳ sống một mình với bầy khỉ, luôn phải cảnh giác vì có người theo dõi. Ông Hai chèo đò, người đã đưa Quỳ lên rừng dặn sẽ có người tìm đến cậu. Người ấy là Suma, cô bé người rừng cũng đang sống đơn độc trong hang với những con trăn lớn. Hai em đã gặp nhau, Quỳ và bầy khỉ nhỏ cùng sống với Suma và những con trăn trong cùng một hang đất, cùng làm rẫy để lấy cái ăn. Quỳ nghiễm nhiên đóng vai trò một người đàn ông, lo lắng cho Suma từ cái ăn, cái ngủ và… cái mặc. Ó ma lai, thú dữ, “người rừng” luôn đe dọa, rình rập. Quỳ bị trúng độc, Suma đã không ngại dùng miệng hút chất độc cứu sống Quỳ. Sống trong khung cảnh rừng rú thiếu thốn trăm bề, không nơi nương tựa, Suma đêm đêm bị tiếng Ó ma lai trong rừng sâu ám ảnh. Điều này không làm Quỳ sợ hãi, mà càng thương Suma hơn, tình thương của con người dành cho đồng loại, đồng thời cũng là một tình yêu của âm thầm của hai người đồng cảnh ngộ, sau này đã phát triển thành tình đồng đội, đồng chí khi cả hai em tìm được con đường mà cha anh đã chỉ.
Hai nhân vật đã hoàn toàn xa cách với cuộc sống bình thường của loài người. Nhân vật không chỉ là những em bé bất hạnh, bị đẩy ra khỏi cộng đồng, mà còn là hai con người cô đơn giữa cuộc sống đầy dẫy hiểm nguy và thử thách. Tác giả lột tả rất kỹ nhân vật Quỳ qua những diễn biến tâm lý phức tạp, vừa phù hợp với nhân vật, vừa có tính nhân bản cao. Cậu đã sớm trưởng thành trong nhân cách, khác hẳn Lâm Kỳ Đạt, Út, Ngọc… Giữa rừng đại ngàn, nghe tiếng hổ gầm “căm hờn, đe dọa lẫn tuyệt vọng”, “tâm hồn của Quỳ bỗng dưng trống rỗng, chới với, khiến Quỳ không còn nhớ được mình đang sống ở đâu, đang làm gì, cái gì vừa mới xảy ra. Rừng đại ngàn quằn quại trong cơn đấu sống mái giữa cọp vằn và heo rừng độc chiếc bỗng mơ màng, im ắng, trống trải. Đến tiếng đập con tim trong lồng ngực, Quỳ cũng không nghe, không cảm biết. May sao, khẩu rulô Sanhêchiên và chiếc ná, chiếc rựa quéo vẫn theo một bản năng tự vệ sâu nặng, vẫn còn dính với tay chân của ông bạn nhỏ”. Quỳ “thẫn thờ đưa khẩu rulô Sanhêchiên lên mũi, hít lấy hít để mùi sắt thép và thuốc súng, lại đưa chiếc ná cánh bằng trắc vàng hực lên ngắm nghía như cố tìm điều kỳ lạ trong hai thứ vũ khí đã trở thành hai vật bất ly thân của Quỳ nhiều năm qua”.
Vì vậy, khi đã cùng sống với Suma, cậu luôn là người thức dậy trước, lo lắng cho Suma. Cậu bắt cá để Suma làm mắm, dẫn Suma đi tìm nơi làm nương rẫy, dạy cho Suma mặc quần áo che kín thân thể… Tình thương của cậu dành cho Suma lớn đến độ, cậu nghĩ: “Nếu mình bỏ đi, Suma sẽ sống một mình với hai trăn bông, ba chú khỉ dù khôn ngoan đến mấy cũng không thể thay thế Quỳ được”. Suma lại khác, cô bé là một người dân tộc, không biết nghĩ ngợi sâu xa, không biết cách biểu lộ tình cảm của mình, nhưng tấm lòng cô hết sức trong sáng, ngay thẳng. Cuối cùng, Quỳ đã đưa Suma trở về với cuộc sống loài người, với mẹ, và cùng Suma ra đi với các anh, để lại cả rừng xanh đại ngàn, đàn khỉ, trăn thân yêu mà người mẹ vô cùng yêu quý của Quỳ. Cái tên Ó ma lai như một sự ám ảnh bao đời, thực ra là tiếng cha Suma dặn lại, giờ trở thành mật hiệu để mai sau, người và vật có còn gặp lại nhau sẽ nhắc lại để nhận ra nhau. Đây là một kết thúc đẹp của một tác phẩm đẹp, mang đến những giá trị thẩm mỹ và giá trị nhân bản rất mạnh mẽ, có tác động sâu đậm tâm hồn trẻ thơ.
Thế giới thiên nhiên trong “Ó ma lai” là bối cảnh một vùng rừng núi hiểm trở, hoang sơ, nơi truyền thuyết Ó ma lai còn sống động, người và thú sống chung với nhau trong đời sống cộng đồng bình đẳng. Sống giữa đại ngàn rừng thẳm, suối sâu, con người làm bạn với thú vật và làm chủ thiên nhiên hoang dã. Nhân vật Quỳ tuy còn nhỏ tuổi, lại là người đồng bằng lên vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, nhưng cậu am hiểu rất rõ đời sống ở núi rừng, cầm đầu một bầy khỉ tinh nhanh và ngoan ngoãn. Mùa bắp chín, chỉ sau một đêm, cả rẫy bắp của Quỳ đã được thú rừng hái giúp, như trong truyện thần thoại. Đêm đêm, cậu đi soi cá dưới suối, có hai ”người bạn” nằm dưới khe đá luôn chờ cậu. Nỗi buồn chất chứa trong lòng Quỳ quá lớn, quá sâu sắc. Điều này lý giải được vì sao cậu lại dành cho Suma một tình yêu thương vượt quá tuổi cậu như vậy. “Ó ma lai” chính là một sự hiểu biết chân thực thiên nhiên và con người, bối cảnh rừng đại ngàn bao la, ghê gớm ấy chính là chiến khu Đ anh hùng của một vùng Đồng Nai thượng năm xưa.
Một tác phẩm khác viết về chiến khu Đ rất thành công là “Lũ chúng tôi”, có dáng dấp một tự truyện của chính tác giả trong những năm đầu đi theo cách mạng. Tác phẩm có mười ba chương, kể lại đời sống của nhà văn Hoàng Văn Bổn và các em nhỏ ở trường tiểu học Tân Uyên trong rừng. Nhân vật Tôi là một cậu bé đi tìm trường chiến khu để học, cậu đã gặp tất cả những người bạn học cùng trường như Ut, Sâm hột mít, Cúc, Đoàn công tử, Ngọc đen, Trần bột… và “anh Chín” (tên thân mật của nhà văn Hoàng Văn Bổn). Hầu hết các em là trẻ mồ côi, hoặc thất lạc mẹ cha, gia đình, hoặc xóm làng đã bị tàn phá. Các em sống lang thang, vất vưởng, dựa vào những đoàn thể cách mạng. Cho đến khi nghe tin Trường tiểu học Tân Uyên sắp mở trong rừng chiến khu Đ, mọi người cho các em đi học ngay. Các chú, các anh nhắn nhủ: “… Cuộc kháng chiến này còn lâu dài và gian khổ… Phải có lớp người kế tiếp lớp già… Thôi các em ráng học văn hóa trước đã”. Họ đã trải qua bao nhiêu gian khổ, thậm chí có cả mất mát hy sinh để học được cái chữ. Trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt ấy, các em đã làm thành một gia đình, yêu thương đùm bọc nhau, nghe lời và noi gương anh chị lớn, không hề nản lòng dù bom đạn phá sập trường bao nhiêu lần cũng cất lại cho bằng được để học. Bọn giặc đến, các em đã quyết chiến với chúng như những người chiến sĩ thực thụ. Tiếc ngôi trường, thương bạn, thương thầy, các em không ngại hy sinh, đau đớn. Các em dần trưởng thành, lần lượt đi bộ đội. Cảnh các em chia tay nhau thật hết sức cảm động: “Hai đứa nó ra đi, ba lô nhẹ tênh, một đứa trắng trẻo như con một công tử bột, cao lêu đêu, một đứa đen thui như cột nhà cháy, thấp tè, da thịt săn cứng, hàm răng trắng lóa. Hai đứa nai nịt gọn gàng, đội mũ ca lô màu vàng do Cúc may có thêu ông sao ở giữa, áo sơ mi có cầu vai, quần áo chật ống kiểu bộ đội thường mặc lúc bấy giờ. Tự nhiên trông chúng nó như hai người khác hẳn… Chúng tôi rủ nhau khắc tên từng đứa trên thân cây cẩm lai cổ thụ trước trường… Khắc tên xong, chúng tôi nhìn nhau, nhìn cây cẩm lai cổ thụ, bỗng nhiên ôm chầm lấy nhau, lau nước mắt tuôn trào lên mặt. Thôi, bỏ qua hết. Từ nay, bỏ qua hết giận hờn, nũng nịu nhau đến mắng chó chửi mèo, giận cá chém thớt, thương nhớ nhau đến bổi hổi bồi hồi, giặt giùm cái áo, vá giùm đường kim… Cái tuổi mười bốn mười lăm của chúng tôi, ngày nào cũng chạy giặc, ngày nào cũng đói rách, và ngày nào cũng học… Qua rồi cái tuổi mười bốn mười lăm của lũ chúng tôi dưới mái trường tiểu học kháng chiến. Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh, nhớ em, nhớ chị, nhớ bạn bè… Tạm biệt chúng mày, tao cầm súng lên đường vào bộ đội lên đường đánh giặc đây. Nếu chúng tao không còn trở về được nữa, tụi mày hãy tìm tụi tao ở nơi có súng nổ”…
Viết “Lũ chúng tôi”, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã bộc lộ những tình cảm sâu kín của mình về một thời tuổi thơ của mình. Ngay sau khi làng quê bị giặc chiếm, ông đã “lạy mẹ báo hiếu” để “lên xanh”, giã từ tuổi thơ lúc mới hơn mười sáu tuổi. Khoảng thời gian ấy đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng nhà văn. Ông thương cho tuổi thơ của mình, và thương những em nhỏ đồng cảnh ngộ với mình.
“Lũ chúng tôi” không chỉ có những em bé sớm tự lập, bước vào cuộc đời gian khổ, bất hạnh, mà còn có cả một khung cảnh thiên nhiên vô cùng ghê gớm, làm bạn đồng hành với những con người. Mùa mưa chiến khu Đ kỳ lạ: “Mỗi buổi chiều, mây khói đen vần vũ kín chân trời phía Bắc. Cây cối im phăng phắc, oi bức đến ngộp thở. Các ổ mối đùn cao giống hình thù nhiều loại thú trong rừng. Mới trải đệm nằm ngủ trưa có chút xíu, mối càng gặm sạch chung quanh, chiếc đệm chỉ còn lại một mảnh đúng thân hình người nằm. Trưa trưa, đang nắng chói chang, ngột ngạt tự nhiên hạt mưa rơi lộp độp rồi mưa ở đâu bỗng tuôn ào ào như trút…” Song nơi đây cũng có những điều không nơi nào có thể làm cho tuổi nhỏ yêu thích như thế, với những trò săn thú, bắt cá, rình xem thú rừng đánh nhau, xem công múa. Thiên nhiên chan hòa một sức sống mạnh mẽ, khiến con người cũng dạn dĩ lên. Suốt những năm kháng chiến dài, các em cùng tất cả mọi người đều tự lực tự cuờng, tự kiếm cái ăn, tự học hỏi và phấn đấu thành người. Chiến khu Đ trở thành một gia đình lớn, một cái nôi lớn, một trường học lớn.
“Đội quân Hoa và Cỏ” là một tác phẩm ca ngợi sức sống tràn đầy của thiên nhiên Đồng Nai bằng nghệ thuật nhân cách hóa rất tự nhiên và phóng khoáng. Một đội quân Hoa Cỏ, thú vật, chim chóc, côn trùng trên cánh đồng Nai cùng “ra trận”. Đứng đầu đội quân này là Trần Chãn tướng quân, một con trâu của cha con cậu bé Huỳnh. Ban đầu, Chãn cũng như bè bạn ở cánh đồng Nai, cùng sống vui đùa trong cảnh thanh bình: “Ngày nào Huỳnh cũng cùng con trâu Chãn ấy ra đây sau giờ làm lụng mệt nhọc. Con Chãn thong dong gặm cỏ, đùa nghịch cùng lũ bướm, đàn sáo trâu nhảy nhảy nhót nhót, mổ rận dưới cằm, trên lưng… Đàn sáo mỏ đỏ, chân đỏ, cánh đen pha mặt trăng trắng. Trông con Chãn như một lẵng hoa. Song bẵng đi có hai ngày, Chãn xuất hiện một mình, với cái chân trái phía sau cà nhắc, mắt đỏ quạch, đùi trái chảy máu, lưng nổi cục bướu. Ấy là vì Chãn bị đám nguời lạ mặt “mặt khỉ quần áo cứt ngựa… mồm đứa nào cũng đầy răng nhọn hoắt như răng chó sói” đổ xăng, châm lửa đốt đuôi Chãn. Chãn đã chọc thủng bụng một tên giặc, lao vào bọn chúng, bị chúng bắn vào đùi. Chãn và Pháo ban đầu đánh nhau giành đồng, nhưng chính Pháo cũng bị bọn người lạ đánh. Chãn quát: “Ai đánh mày nặng dữ vậy, Pháo? Nói đi, tao chém nó đổ ruột trả thù cho mày” Bọn giặc rải thuốc độc khắp cánh đồng Gấu bên cạnh để tiêu diệt sự sống. Bắt đầu từ đây, anh Chãn trở thành Trần Chãn tướng quân, đứng đầu đội quân trăm loài đánh đuổi bọn xâm lược, bất luận đó là kẻ thù nào. Nếu Pháo nói: “Cả vùng Đồng Nai chỉ có cái đồng cỏ này. Bây giờ sống chết cũng phải giữ cánh đồng này. Chúng nó phải dẫm qua xác tôi mới chiếm được cánh đồng này “, thì Chãn gầm vang đồng: “Đất này là của tui. Cỏ này là của tui. Mỹ hay gì gì cũng kệ mẹ, hễ đặt chân lên đây, tui chém đổ ruột”.
Câu nói này đã bộc lộ khẩu khí người Nam bộ trong “tính cách” của trâu Chãn. Trước đây, Chãn đánh nhau với con hổ dữ: “…phá tung cửa chuồng, múa sừng đuổi theo con hổ. Con hổ bất thần quay lại vồ con Chãn… Con Chãn rống một tiếng, phóng qua gữa bụi tre, con hổ bị gạt rơi xuống đất. Lập tức con Chãn quay phắt lại trong nháy mắt, lia mũi sừng nhọn hoắt vào giữa cổ con hổ. Thấy chết đến nơi, con hổ vội chụp lấy mũi sừng con Chãn, thò tay móc phăng một cục thịt giữa cổ Chãn. Đau điếng, Chãn nhảy lên cao, uốn mình cho lưng rơi đánh rầm xuống mặt đất. một chân con hổ bị toàn thân con Chãn đè dập nát…Trước khi chìm hẳn xuống tận đáy sông Đồng Nai, con hổ còn cố ngoi lên mặt nước lần cuối cùng, gầm một hồi thê thảm, ai oán: Tao chết vì tao đã trót dại lìa rừng sang đồng nội. Gặp tao giữa rừng, tao chấp mày một tay…” Ngày nay, bọn giặc người đến bắn chết trâu Bầu để làm “bít tết”, bơm chất độc cho đàn ong chết hàng loạt, gây không biết bao nhiêu tội ác, Chãn hết sức căm thù đánh trả: “Chãn xông thẳng vào một thằng giặc đang quỳ mọp sau khẩu súng máy. Khẩu súng máy gãy đánh rắc. Thằng giặc xạ thủ bị hất bay lên cao, rơi đánh uỵch, lại vội vàng tháo chạy, mắt sưng húp, một cánh tay gãy nát. Nó lùi mãi, lùi mãi, tựa lưng vào một gò đất lấy thế. Từ xa, con Chãn tướng quân như chiếc xe bọc thép xông vào nó. Cả gò đất đỏ và thằng giặc bay tung ra xa. Thằng giặc bẹp gí như đồng xu bị xe lửa cán”. Lòng căm thù đã khiến Chãn và đàn trâu trở thành những chiếc xe bọc thép, tấn công bọn giặc cho đến khi chúng không còn dám trở lại phá hoại cánh đồng Nai yêu quý. Trâu Pháo trở thành phó tướng đoàn quân bọc thép, húc thủng bụng giặc, đàn ong trở thành binh đoàn không quân thiện chiến, phóng lút nọc vào bọn chúng. Cánh đồng Nai đã trở lại thanh bình: “Chỗ những thằng giặc chết trong trận chiến đấu hôm trước, cỏ mọc rất cao, xanh um. Hoa các loại cũng mọc trở lại, nhiều nhụy hơn trước. Sáng sáng, chiều chiều, sau khi ung dung kéo cày, con Pháo phó tướng và con Chãn tướng quân lại đến cánh đồng Nai, cạp cỏ, đùa giỡn cùng mấy chú nghé con, đàn sáo và đàn ong trên cây xoài cổ thụ. Quanh ngôi mộ người chỉ huy du kích năm xưa, đàn trâu cả cánh đồng Gấu và cánh đồng Nai nằm nhơi cỏ, thở phì phò, kể chuyện vừa qua. Trên bầu trời, đàn ong đi về tấp nập, nhị hoa vàng bám rực chân, cánh”. Tác phẩm này kết thúc trong cảnh râm ran đi về của đàn ong, làm rơi mật ngọt mà Chãn tưởng lầm là “nước mắt”.
Đại ngàn chiến khu Đ đã trở thành một người đồng đội vĩ đại, một “con người” có phẩm chất cao quý, sáng trong, một nơi đào luyện tốt nhất của người chiến sĩ. Mảng sáng tác này nhìn chung sinh động và tự nhiên hơn hẳn so với mảng sáng tác về tuổi thơ trong làng. Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã khai thác khung cảnh rừng đại ngàn chiến khu Đ hùng vĩ, hoang sơ và dữ dội, ông đã sống những năm kháng chiến chống Pháp. Vì thế, những tác phẩm này thực hơn, trần trụi hơn. Chất sống mạnh mẽ đã hòa làm một với sức lực con người, làm thành bản anh hùng ca bên cạnh chất trữ tình của “Tuổi thơ trong làng”, “Bên kia sông Đồng Nai”, “Theo dấu người xưa” v.v…
Sông Đồng Nai – hình tượng lớn giữa đôi bờ tuổi thơ
Đôi bờ tuổi thơ trong tác phẩm Hoàng Văn Bổn chính là đôi bờ của dòng sông Đồng Nai: một bên là làng quê (nơi mà những em bé như Lâm Kỳ Đạt, Út, Năm, Hương đã sống, đã chăn trâu, cắt cỏ, ở đợ, bị hành hạ; và đã chứng kiến bao nhiêu đau thương mà bọn giặc tây, giặc Mỹ gây ra cho gia đình, bà con), một bên là đại ngàn chiến khu Đ (nơi các em dựng trường tiểu học Tân Uyên, trồng rẫy, đánh trả kẻ thù, nơi đào luyện các em thành những người bộ đội, y tá, giáo viên; đây cũng là nơi có cánh đồng Nai của Trần Chãn tướng quân, là nơi đeo đẳng truyền thuyết Ó ma lai…). Đây là hai không gian nghệ thuật chính trong hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn, mà sự nối kết của nó là hình tượng con sông Đồng Nai.
Qua thống kê, trong 2 tập “Tuyển tập thiếu nhi Hoàng Văn Bổn” có 105 lần nhà văn nhắc đến đích danh con sông Đồng Nai, riêng “Tuổi thơ trong làng” có đến 30 lần. Qua lăng kính nghệ thuật diễn đạt cho tuổi thơ, sông Đồng Nai đã trở thành một hình tượng lớn, duy nhất, không thể thay thế được trong tâm hồn các em nói riêng và trong tâm hồn người Đồng Nai nói chung.
Sông Đồng Nai là hình ảnh mở đầu cho các tác phẩm, gần như là sự mở đầu không thể thiếu được, là một cách khẳng định tự nhiên nhất. Trong truyện “Tướng Lâm Kỳ Đạt” : “trên gác chòi trâu bên sông Đồng Nai, một chú gà trống…”; trong “Đội quân Hoa và Cỏ”: “Có một cánh đồng bên con sông Đồng Nai, gọi là Đồng Nai”, trong “Tuổi thơ trong làng”: “Trên một mỏm gò cao bên bờ sông Đồng Nai, cậu bé giàu trí tưởng tượng đứng nhón trên muời đầu ngón chân…” hình ảnh sông Đồng Nai xuất hiện như cách mở đầu “Ngày xửa ngày xưa” trong truyện cổ dân gian vậy. Tuy nhiên, sự xuất hiện này chưa gây ấn tượng đặc biệt nếu không có những sự xuất hiện sau đó của con sông Đồng Nai mạnh mẽ và bao dung. Nhà văn Hoàng Văn Bổn là người rất nặng lòng với quê hương, và với tuổi thơ của mình. Vì vậy, mở đầu các tác phẩm bằng một hình ảnh thân thuộc nhất đời mình là hợp lý. Và cũng vì vậy, ông đã dựng nên một tổng thể nghệ thuật mà hình tượng con sông Đồng Nai là hình tượng gốc. Đây không phải là một điều lạ lùng, vì nhà văn Nga M. Solôkhốp đã lấy sông Đông làm điểm mở đầu và kết thúc trong nhiều tác phẩm của ông; John Steinbeck (nhà văn Mỹ) viết rất nhiều tác phẩm về thung lung Salinas giữa hai dãy núi và con sông Salinas quê ông (trong đó có “Phía đông vườn Địa Đàng” và “Của chuột và người” nổi tiếng).
Sông Đồng Nai cũng là một đường chân trời trong thế giới tuổi thơ các em. Con sông ôm lấy xóm làng nơi các em ở chính là hình ảnh hiền từ, không thay đổi trong cuộc đời nhiều khổ cực, bất hạnh của các em. Con sông tuyệt đẹp, cho các em nhiều niềm vui nhất. Cậu bé Phước trong “Tuổi thơ trong làng” đã thấy “một chùm tia nắng vừa giã từ ông mặt trời, buồn bã và luyến tiếc bay về hướng con sông Đồng Nai của cậu. Bay đến đầu làng, chúng rắc xuống dòng sông Đồng Nai từng đám bụi vàng rồi bay lướt qua làng…”. Những lúc gặp đau đớn hoạn nạn, con sông xuất hiện bên cạnh các em. Hai chị em Hiền và Hương đứng trước mộ cha và cất tiếng hỏi: “Làm sao bây giờ?”, thì:
“Hai ngôi mộ và hai chị em, chẳng ai trả lời câu hỏi ấy được. chỉ có đêm tối đen, đầy mây khói đèn sũng nước. Chỉ có dòng sông Đồng Nai lặng lẽ, nước dâng tràn trề…”
Con sông Đồng Nai cũng là nơi chứa chất những nỗi đau đớn, uất hận nhất của người Đồng Nai: “Có những khuya nghe tiếng súng nổ dồn dập ngoài đầu làng, tiếng chày vồ đập vào đầu người, tiếng người rên rỉ, quằn quại ngoài giữa dòng sông Đồng Nai và tiếng quát thét trao gởi lại dân làng: “Tao là Việt cộng đây…” Đó là sức mạnh ghê gớm của con người tích tụ từ nỗi đau thương của bao nhiêu con người. Sông Đồng Nai là nơi những người cha, anh vượt qua tìm cách mạng, cũng là nơi họ gửi mình, xác đồng bào, xác những con vật vô tội cũng đã nằm trong lòng con sông. Sông không phải là người song cũng bốn mùa đổ máu, quằn quại, rên xiết. “Tiếng đào huyệt dọc bờ sông Đồng Nai giữa đám mía tơ”.
Các em hướng về dòng sông bằng một tình cảm tự nhiên, và hồn nhiên của tuổi thơ. Út (Bên kia sông Đồng Nai) đêm nào cũng nghe tiếng súng, cũng mơ thấy mình và cha bị bắn, cậu hết sức lo lắng. Con sông ở bên cạnh cậu thay cho mẹ cậu: “Nghĩ nhiều quá, Út bị nhức đầu. Nó rón rén ngồi dậy nhìn xuống dòng sông Đồng Nai qua vuông cửa sổ”. Cô bé Hương mỗi lần bị hành hạ đều hướng về dòng sông mà cầu cứu, giãi bày…
Vì sao? vì dòng sông Đồng Nai là thiên đường tuổi thơ của các em. Nơi đây đã diễn ra cuộc sống êm đềm của những ngày làm công, cấy lúa, bắt cá, mò tôm, những đêm trăng đẹp. Út đã “thiếp đi trong đau khổ, mơ thấy uống nước dừa tươi, ăn bưởi ổi, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, tìm bắt ổ chim và câu cá dọc bờ sông Đồng Nai…”. Bên bờ sông Đồng Nai, tướng quân Lâm Kỳ Đạt đã từng có những trận thư hùng để theo dõi Thần Nước Mặn v.v… Các em theo chú Tà Khâm vớt được Theo điên dưới sông Đồng Nai, chứng kiến chuyện “Người điên ba lần tỉnh lại” và tự hỏi trong những lúc nằm ở chiến hào khi đã là một nhà văn quân đội : “Hay chính chú Tà Khâm, chú Bảy khùng, cô Theo điên, dòng sông Đồng Nai… đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi…”
Tuy nhiên, con sông Đồng Nai trong thực tại vẫn là một hình tượng của nỗi đau thương. Tuổi thơ gắn liền với con sông trnong nỗi cô đơn không biết và không thể diễn đạt thành lời. Con sông hóa giải nỗi đau câm lặng của các em và của người dân Đồng Nai. Thời gian nghệ thuật diễn đạt mối tương giao này thường là đêm. Đêm để thoát khỏi sự nguy hiểm:“Khi trăng đã xế bên kia sông Đồng Nai, hai người lạ mặt ấy mới đưa mẹ con nó xuống bờ sông”; đêm các em tự do sống với tuổi tuổi thơ của mình: “Hai đứa men theo bóng tối dọc bờ sông Đồng Nai xóm Lò Heo trở lại chỗ Năm vừa tới đây” (Theo dấu người xưa); đêm các em tìm lời giải đáp cho cuộc đời mình: “Nó nhìn người chị nuôi, nhìn ngọn đồi, nhìn ra dòng sông Đồng Nai hửng sáng trong ánh chiều tà, nhìn những dấu chân người, chân thú dẫm chồng chất lên nhau thành những đường ngang ngõ tắt khắp đường làng; cánh rừng chồi, gò nổng, khu nghĩa địa…” (Tuổi thơ trong làng); đêm Út thực sự lớn lên, giúp ích cho các chú, các anh: “Vậy là đêm nay, trên dòng sông này, nó đã thực sự làm người tiếp lương, tải đạn cho cách mạng” (Bên kia sông Đồng Nai) v.v…
Từ trong vô thức, con sông Đồng Nai đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống và nhận thức của các em. nó trở nên thân thiết hơn bao giờ hết khi cha, mẹ, anh, chị các em hoặc đã bỏ xác nơi dòng sông này, hoặc đã vượt sông tìm bộ đội, hoặc chính các em bị đánh đập, mất tổ ấm, sống lang thang bên bờ sông này. Trong “Đội quân Hoa và Cỏ”, những loài ong, hoa, cỏ, thú vật đều được nhân cách hóa, riêng con sông Đồng Nai vẫn giữ nguyên tính cách chứa đựng, bao trùm của nó, không biểu lộ thành lời mà chỉ Cho và Nhận. Cho bầu không khí tươi đẹp, cho niềm tin và hướng chảy bất tận; nhận những nỗi đau, nhận cả xác quân thù và nhấn chìm tận đáy.
Sông Đồng Nai còn là hiện thân của quê hương, là cội nguồn sinh ra của các nhân vật. Con sông thay mặt cho một vùng đồng bằng trù phú, nơi các em lớn thành người, nhưng cũng chính nơi đó đã bị bọn giặc tàn phá, bị xâm lấn, và in hằn những vết thương không thể chữa lành. Sông Đồng Nai đã chia đôi thế giới tuổi thơ của các em: bên này sông, trong làng là quê hương âm thầm, lấy cổ tích, ca dao, ước mơ để nuôi lớn tâm hồn các em; bên kia sông, chiến khu Đ, là rừng đại ngàn tự do, là không gian biến đau thương thành hành động, đào luyện các em trưởng thành. Trong “Ó ma lai”, sông Đồng Nai luôn in sâu vào tâm hồn Quỳ dù cậu không hề nhìn thấy nó. Bởi vì nơi đó là quê hương, cậu đã phải rời bỏ để xây dựng một cuộc đời mới. Còn trong “Tuổi thơ ngọt ngào”, hình ảnh con sông cháy như dòng thép nóng cuộn chảy trở thành hình ảnh biểu trưng cho nỗi uất giận của con người trước sự tàn ác của lũ giặc và bọn Việt gian. Khi nhà văn đã vượt sông, vào rừng dựng trường kháng chiến, những người bạn đồng lứa với ông tìm cách vượt sông, về thăm nhà là đoạn hồi ký hết sức cảm động và đau lòng.
Song, hình tượng con sông Đồng Nai chỉ trọn vẹn trong lòng mỗi người, khi chính nơi ấy, các em đã giã từ tuổi thơ, vượt sông theo gót cha anh. Đây là một hành động quyết liệt, đánh dấu sự trưởng thành của các em. Lâm Kỳ Đạt (Tướng Lâm Kỳ Đạt), Quỳ (Ó ma lai), Út (Bên kia sông Đồng Nai), Hiền (Tuổi thơ trong làng)… đều đã vuợt sông. Các em rời chiếc nôi quê hương, rời khỏi vòng tay Mẹ – sông Đồng Nai yêu dấu để thực hiện cho bằng được ước mơ của mình: đánh được bọn giặc, trả thù cho cha mình, cha bé Ái như “tướng” Lâm Kỳ Đạt; làm Thạch Sanh chém hết “chằn tinh” xã trưởng, trung úy như cậu bé Phước tật nguyền. Ngay cả trong lúc mê man, bị đánh đập chết đi sống lại, cô bé Hương “bỗng nghe tiếng thơ theo tiếng sóng rì rầm của dòng sông Đồng Nai, theo tiếng gió từ chiến khu Đ bên kia sông bay vào”. sông Đồng Nai như là nơi tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, và không ngừng tiếp sức cho các em. Môtip vượt sông đã hình thành qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn, con sông mang dáng dấp Dòng Sông Mẹ có tính sử thi rất cao.
Như vậy, con sông Đồng Nai qua ngòi bút của nhà văn đã đạt đến tầm văn hóa cụ thể nhất và cũng khái quát nhất cho mỗi mảnh đời, mỗi số phận tuổi thơ. Hình ảnh con sông lúc nào cũng bàng bạc, bao trùm và đi theo các em cả cuộc đời. Một điều đơn giản rằng chính tuổi thơ của nhà văn đã được con sông nuôi nấng, bao dung.
Con sông Đồng Nai đã đi vào thi pháp của nhà văn Hoàng Văn Bổn một các rất tập trung và giản dị như vậy. Tuy nhiên, những gợi mở trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số các tác phẩm của ông. Mảng sáng tác lớn hơn, những tiểu thuyết như “Trên mảnh đất này”, “Nước mắt giã biệt”, “Người điên kể chuyện người điên”, “Thuở hồng hoang”… còn lột tả hình ảnh con sông Đồng Nai ở khía cạnh tâm linh sâu thẳm. Tình yêu của Ba Râu và cô Năm Đồng Nai, cuộc đời của bá hộ Ngô Kỳ Hồng, tiếng kêu “Gấy ghên” của chú Từ Khiêm, những năm tháng đầu tiên khai dân lập ấp của gia đình Lâm Huỳnh… tất cả đều gắn liền với hình ảnh con sông Đồng Nai rộng lớn. Song mỗi con người của những tác phẩm này đều có một quá khứ của tuổi thơ xưa bên con sông này. Trong các tiểu thuyết, hình tượng dòng sông có phần chìm lắng hơn, sâu sắc hơn, cần có sự nghiên cứu kỹ hơn của các nhà chuyên môn.
7/12/2022
Trần Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...