Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Tết Việt ngày xưa

Tết Việt ngày xưa

Từ xưa Việt Nam cùng một số nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... sử dụng âm lịch là loại lịch được tính toán theo chu kỳ của mặt trăng.
Nên Tết âm lịch luôn là dịp quan trọng nhất để kết thúc một vòng chu kỳ Xuân, hạ, thu, đông.
Một năm bắt đầu từ mùa Xuân
Mùa của trăm hoa đua nở với tiết trời dễ chịu và đẹp nhất một năm
Tết nguyên đán là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao của năm cũ và năm mới
Khép lại một năm với bao buồn vui vất vả của năm cũ để đón chào một năm mới cùng những điều cầu mong tốt đẹp và viên mãn hơn. Mọi công việc mưu sinh mọi hoạt động xã hội tạm ngưng dành cho việc tế tự tổ tiên chạp mồ chạp mả họ tộc, đền ơn đáp nghĩa, sum họ gia đình để mọi người sau một năm bôn ba xa xứ lo chuyện sinh kế có thời gian quay về đoàn viên cùng gia đình, nguồn cội và thăm viếng người thân
Một việc làm hết sức ý nghĩa và cực kỳ nhân văn của người Việt được nâng niu gìn giữ bao đời nay như một truyền thống quý báu
Ngày xưa Tết không phải gói gọn trong ba ngày Tết mà chính sự chuẩn bị Tết trong những ngày tháng chạp mới là Tết của tôi ngày đó
Nhà cửa được dọn dẹp sơn quét mới hơn, cửa kính được chùi lau sáng bóng, tất cả đều được dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp chỉnh chu.... trang hoàng đẹp hơn bởi những bức tranh chậu hoa và câu đối đỏ
Các pháp khí bằng đồng được ba tôi đánh bóng cẩn thận để tạo màu sáng long lanh cho những chiếc đèn đồng và độc Lư hay còn gọi là bộ tam sự thờ gia tiên, thay cát trong bát nhang tiên tổ....
Phụ nữ trong nhà thì lo việc bếp núc
Những loại bánh cúng như bánh in, bánh nếp, bánh phục linh, bánh bó, được làm và sậy khô trên những cái nia to trong hơi ấm của lửa than, nhiệm vụ của lũ trẻ chúng tôi là gói bánh
Bánh được gói trong những miếng giấy kiếng ngũ sắc tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, để đầu năm cúng trời đất trong đêm giao thừa với mong ước phong điều vũ thuận. Mong ngũ phương ngũ thổ long thần giáng cát tường bình an cho nhân loại không lụt lội cháy rừng, động đất,... thiên tai...
Các loại mứt được bày làm từ tháng chạp đủ thứ trên đời nào là: mứt kim quật được tỷ mỉ gọt vỏ the bằng lưỡi lam cột vào một chiếc đũa gọt thật khéo để không bị phạm rồi lấy hột. Ngâm vôi đỏ luộc xả mới rim mứt, ui chao là cầu kỳ công kỷ... mứt hạt sen, mứt đậu ngự, mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai, mứt bí đao, mứt me.... ôi thôi là mứt....
Hồi đó tôi tự nghĩ tại sao cả năm không làm, không ăn mà cứ để cuối năm làm nhiều như vậy?
Thực ra đây là một nét đẹp văn hóa của tiền nhân xuất phát từ triều Gia Long. Đây là dịp nhà vua ban Lộc hậu thưởng cho các công thần.
Trên ý nghĩa đó mà có tục đi Tết ngày nay
Bà tôi làm nhiều thứ bánh mứt với mục đích dâng cúng tổ tiên Nội - Ngoại, sau là biếu xén cho các người ân nghĩa, bạn bè, và cuối cùng là chia sẻ cho những người nghèo quanh xóm mong họ có cái ăn trong những ngày Tết..
Mỗi người mỗi phần cùng một bộ đồ mới kèm theo một bao lì xì, thương quá nội tôi.... Đây là bài học mà tôi luôn nhớ và vẫn tiếp tục làm cho đến hôm nay..
Ngày đó điều mong đợi và vui nhất của tôi là được cha mẹ dẫn đi sắm Tết nào áo mới, quần mới, giày, nón, và không thể thiếu một cái xách nhỏ bằng vải để đựng tiền mừng Tết...
Huế với nhiều lễ nghi, tập tục, truyền thống. Vốn là một nước sống nhờ nông nghiệp nên cuốn lịch rất quan trọng trong đời sống của người dân, giúp nông dân biết được sự chuyển mùa trong năm như đại hàn, Đông chí, lập thu, kinh trập,..... nhằm tính toán chuẩn bị gieo trồng gặt hái cho phù hợp với sự thay đổi thời tiết của các mùa....
Chính vì sự cần thiết này nên dưới triều Nguyễn có lễ Ban Sóc vào ngày 1 tháng chạp hàng năm trước cổng Ngọ Môn để ban lịch cho các triều thần và các địa phương. Lịch do Khâm thiên giám cơ quan phụ trách việc thiên văn lịch pháp của triều đình đã nghiên cứu biên soạn từ trong năm để dâng lên vua.
Nghi lễ này được tổ chức khá long trọng trang nghiêm với 9 phát súng đại bác chào mừng, vua ngự ở lầu ngũ phụng và các quan binh quỳ lạy trước cổng ngọ môn để nhận lịch rồi ban phát cho các tỉnh thành
Triều Nguyễn với nhiều lễ nghi trong ngày Tết nhưng quan trọng nhất là lễ dựng Nêu đây là biểu tượng chiến thắng giữa cái thiện và cái ác
Cây nêu sẽ được dựng vào ngay 23 tháng chạp ngày đưa ông Táo về trời
Với ý nghĩ nhà sẽ bị mà quỷ quấy rối khi ông Táo vắng Nhà. Cây nêu như lãnh thổ của Phật nên quỷ không vào được quấy phá
Hoàng triều dựng nêu trước sau đó các nhà trong và ngoài kinh thành mới được dựng sau. Kết thúc một năm.
Trước cửa người ta vẽ một cây cung hướng mũi tên ra phía Đông
Và dựng một cây tre có ngọn, cao thẳng có treo chiếc phong linh (chuông gió) một bó lá dứa, cờ phướn, đèn lồng, câu đối...
Trước cửa nhà rắc vôi bột để trừ quỷ
Tập tục này dần mai một theo thời gian chỉ còn lại trong ký ức của người xưa và truyền khẩu cho hậu thế mà thôi
Ngày 30 với mâm cơm cúng ông bà cũng là ngày đoàn viên, con cháu quay về tổ ấm thắp cho tổ tiên nén nhang hiếu kính để cho cha mẹ vui vầy với sự trở về của con cái sau một năm bôn ba kiếm sống xa quê.
CÚNG CẤP: của người Việt không phải vì mê tín mà một nét đẹp văn hóa rất nhân văn
Cúng là để: tưởng niệm tiền nhân, uống nước nhớ nguồn
Cấp: là con cháu quây quầng vui vẻ
Ăn uống chuyện trò trong không khí sum vầy ấm áp của tình thâm
Với tôi thời khắc tuyệt vời nhất của một năm đó là giờ phút giao thừa với lễ:
Trừ tịch (trừ đi xóa đi những điều xấu không cát tường như ý)
Trong cái se lạnh đầu Xuân thoảng trong gió mùi trầm hương lang tỏa
Những ngọn nến hổng rực cháy như sưởi ấm cái lạnh của đất trời
nhà nhà hân hoan đón Tết bằng nghi lễ tiễn Hành khiển của năm cũ đón hành khiển của năm mới với cầu mong vạn sự an lành,
Một mâm lễ đơn giản nhưng trang nghiêm vô cùng, gởi theo khói hương thơm những ước nguyện cho năm mới
Tốt đẹp hơn và viên mãn hơn cho gia đình và bản thân
Một mâm trái cây được sắp đặt chỉnh chu mỗi quả như gởi gắm ước nguyện của mình cho năm mới: Mãn cầu, Đu đủ, xoài, Dừa, thơm, Sung, nho, chuối....
đủ các loại quả tượng trượng cho những ước muốn no đủ sum vầy con đàn cháu đống, ôi thôi đủ cái tham cầu của tâm chúng sanh....
Một bình hoa lung linh khoe sắc đỏ thắm của những hoa lay ơn, hay mai vàng của Huế
Một mâm gạo đầy cho sự cầu mong no đủ
Một chậu nước trong và hai hủ gạo muối
Mứt món bánh trái được dâng cúng
Và điều không thể thiếu trong lễ cúng giao thừa ở Huế đó là bộ đồ giấy được thiết ở bàn thượng với mũ Mão,
cân đai y áo lọng tàn được những người thợ mã làm rất đẹp.
Ôi Huế của tôi với bao tập tục truyền thống.... thế là Xuân đã về Tết đã đến đây là lúc đất trời như giao hòa rộn ràng tiếng pháo, mùi thuốc súng, mùi nhang trầm, mùi giấy đốt vàng bạc, đã tạo nên một sắc thái Tết rất riêng của Huế
Xong việc cúng giao thừa cả nhà tôi áo quần chỉnh chu cùng nhau xuất hành đi chùa hái Lộc
Mồng một việc đầu tiên của chúng tôi
là cùng nhau đến từ đường dâng hương cho tổ tiên họp mặt, thỉnh an và chúc Tết các vị cao niên trong họ tộc đồng thời là dịp để chúng tôi hồi hộp nhận lãnh những bì lì xì của người lớn ban cho
vui ơi là vui không gì vui hơn...
.... ngày mồng 1 là ngày của lễ nghi Hiếu kính nội ngoại cùng những bữa cúng cơm ông bà, qua mồng hai là ngày thăm viếng thầy cô, xóm giềng,bè bạn vui chơi thỏa thích với các trò chơi đượm chất Huế như: Xuân hường, bầu, cua,tôm, cá, bài tới, bài chòi...
Du Xuân các điểm
Thử vận may với loto, ném lon, đôi vòng cổ vịt ở các hội chợ... đủ thứ tiêu khiển trong các ngày Xuân
Mồng 3 cúng đưa ông bà
Con cháu tự do hơn trong việc vui Xuân cùng bè bạn...
Cái khôn khéo của người xưa là các buổi cúng cơm nhắm trói chân con trẻ để gia đình thực sự đoàn viên
Rất tiếc ngày nay những truyền thống tốt đẹp này bị mai một nhiều
Sự sum vầy không còn được coi trọng như xưa, một sô lớp trẻ tranh thủ ngày tết để du lịch đó đây
Quên đi cái cội nguồn của họ chẳng bận lòng sự trông mong của cha mẹ được gần cháu con....
Tết là dịp để con người được thể hiện lòng hiểu kính ông bà sum vầy đoàn viên để thắt chặt tình cảm gia đình, tương thân với bè bạn thâm giao cùng láng giềng giúp con người sống đúng hơn trong tình thần nhân, lễ, nghĩa, trí tín, tinh hoa của người Việt,
Tết Việt Tết của yêu thương của đoàn viên sum vầy của những con Việt dù ly tổ nhưng không ly tông. Nét văn hóa tự hào của dân Việt. Trân quý và giữ gìn.
Phạm Túy Hoa
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...