Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Ngẫu hứng Khúc hoan ca của văn chương

Ngẫu hứng Khúc
hoan ca của văn chương

Người đọc “tạp” – nói khác đi, tâm thế đọc hoàn toàn thoải mái. Tầm đón đợi sẵn sàng cởi mở với bao luồng gió mát tươi tắn của khu vườn văn chương. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh đọc với tâm thế người lãng du dạo bước vườn văn và người lãng du ấy, không chịu bó buộc vào bất cứ lịch trình nào mà duy chỉ thưởng ngoạn cũng như thỏa sức thủng thẳng như cánh bướm “vô sự” ngắm tìm, nghía vòi điệu nghệ hút mật nhụy hoa chữ nghĩa. Tập sách “Khúc hoan ca của văn chương – Tôi, đọc – xem – gặp – viết” của PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh do Nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019, là cơ hội ngẫu hứng/tao ngộ văn chương bất ngờ và thú vị cho bạn đọc đương thời.
Tao ngộ hay tương phùng.
“Khúc hoan ca của văn chương”, hầu như là khúc hoan cả chung vang lên trong cuộc tạo ngộ không định trước giữa người viết và người đọc. Khúc hoan ca lại tiếp tục vang lên khi Trần Lê Hoa Tranh từ vị thế người đọc trở thành người viết và nhất là lúc tác giả không kiềm được lòng, quay lại với sở thích đọc ít nhiều cảm tính. Chính lối đọc ấy, khiến Hoa Tranh bùi ngùi hồi tưởng về tuổi ấu thơ – một thời để thương để nhớ với chính mình. Và, chính vì vậy, Hoa Tranh đủ sức dẫn dụ truyền cảm hứng đến người đọc bởi những gì xuất hiện trong tập sách “Khúc hoan ca của văn chương” đều xuất phát từ tấm chơn tình hồn hậu, nhịp thổn thức trái tim “bụi phấn” nơi giảng đường đại học nên hoàn toàn trong sáng và thuần khiết. Đó thực sự là những gì Hoa Tranh yêu mến, tâm đắc và gửi gấm.
“Năm năm trở lại đây, tôi bắt đầu viết lan man về những gì tôi đã đọc. Tôi thấm thía rằng một nhà nghiên cứu không nên chỉ đóng khung trong “tháp ngà” khoa học với những công trình, bài báo dài hơi, tập trung chuyên môn sâu; mà việc viết những bài viết ngắn hơn, có thể không sâu bằng, văn phong không quá cầu kỳ, chủ đề rộng hơn (hoặc phổ biến hơn) về những gì mình đang quan tâm, đang đọc tới, thấy hứng thú, … cũng sẽ rất quan trọng” (tr.10).
Những tâm sự này cho thấy Hoa Tranh có ưu tư về cách thế người làm khoa học. Có những khuôn khổ, giềng mối đặt ra cho người làm khoa học nhằm đảm bảo tính minh xác/nghiêm nhặt của khoa học. Nhưng, có lẽ, với Hoa Tranh, giềng mối có nguy cơ làm “thui chột” tính chất cảm tính và niềm vui thuần túy của việc tiếp nhận văn chương. Thế nên, tập sách này có thể xem như việc rời khỏi “tháp ngà” khoa học, đưa chữ nghĩa quay về hương đồng cỏ nội đất quê. GS.TS. Huỳnh Như Phương đã tinh ý phát hiện ra vai trò “người dẫn chương trình” của Trần Lê Hoa Tranh trong “Khúc hoan ca của văn chương“. Bởi, đó là đồng sáng tạo: không chỉ khúc hoan ca trong sáng tạo mà còn khúc hoan ca trong tiếp nhận; hay đó cũng là cuộc tao ngộ/tương phùng/ngẫu hứng trong văn chương. Mối tương liên sáng tạo – tiếp nhận rất đơn thuần, trong sáng và mê say. Từ cuộc tương phùng của Hoa Tranh, trang viết tập sách mở ra cuộc tương phùng cho bạn đọc muôn nơi.
“Văn chương có bi ca và tụng ca, có tiếng khóc và tiếng cười, có nỗi đau và niềm vui; nhưng nhà văn thì luôn tìm thấy hạnh phúc trong sáng tạo, còn người đọc thì thấy khoái cảm với văn bản. Trần Lê Hoa Tranh tự trào mình là người “đọc tạp”, đó chẳng qua chỉ là một cách nói khiêm tốn. Bởi văn bản nào đem lại cho ta niềm say mê đến quên ăn quên ngủ sẽ khơi nguồn cho cảm hứng đồng sáng tạo thành một văn bản thứ hai. Tác giả cuốn sách này nói với chúng ta rằng văn chương không chỉ là khúc hoan ca về sáng tác mà còn là khúc hoan ca về tiếp nhận, khi nhiều nhà văn từ bốn phương trời cùng về đây họp mặt với sự “điều phối” của một người dẫn chương trình nhạy bén, tự tin mà đầy nữ tính” (bìa sau).
Phải chăng, nữ tính mà Huỳnh Như Phương nhắc đến chính là lối ngẫu hứng trong cách đọc và hệ giá trị của người nữ mà “người dẫn chương trình” đã dựa vào để điều phối “buổi trình diễn” của bốn phương văn nhân. Từ cách nghĩ như vậy, bạn đọc hẳn có thể liên tưởng đến chương trình nhạc hội hoành tráng, đủ hương sắc phong cách thể thức chữ nghĩa khác nhau.
Chẳng mấy khi tao nhân mặc khách bốn phương có dịp tương phùng trong một cuộc “thời không” như thế!
Bìa tập sách “Khúc hoan ca của văn chương” - Trần Lê Hoa Tranh
2. Hoan ca và tiếp nhận thuần túy.
Quả thực khúc hoan ca, bạn đọc nhận ra ngay niềm vui và sự hứng khởi của người viết. Bởi, ngay từ đầu, người viết tập sách này đã thú thiệt tấm lòng. Việc này có khiến bạn nghĩ lại, liệu tính khoa học có khiến người tiếp nhận/nhà nghiên cứu “buộc phải” gột rửa chủ thể tính của bản thân, ngõ hòng “chiều lòng” thượng đẳng thiên hạ! Tôn phò “tính khoa học” liệu có làm “khoa nghiên cứu văn học” trở thành “xác sống chữ nghĩa”!
“Và điều quan trọng nhất là khi viết những bài ngắn này, tôi cảm giác tôi được là chính mình, được tự do đọc những gì mình thích mà không bị áp lực chuyên môn, được viết nếu dâng tràn cảm xúc, được gửi gắm có thể kín đáo, có thể sỗ sàng, những liên tưởng cảnh ngộ hay suy tư của chính bản thân” (tr.10-11).
Với áp lực chuyên môn, quy chuẩn nghiên cứu khoa học, việc nghiên cứu văn học đã trở thành ngành khoa học với những ràng buộc lề lối nghiêm nhặt thì, hầu như “cuộc tao ngộ” văn chương đã trở thành cuộc “truy vấn, tra khảo” chữ nghĩa. Và, do đó, tao ngộ đã mất đi bản chất thuần khiết, trong sáng và nhiệt tình. Qua tập sách này, bạn đọc hồ như thức tỉnh về nghĩa lý của cuộc ngẫu hứng tương phùng. Từ cuộc tương phùng của Trần Lê Hoa Tranh, bạn đọc (bình dân lẫn chuyên môn) có lẽ đôi lúc cũng nên tự thả lòng mình như thả cánh diều suy tưởng trong tâm cảm lên bầu trời chữ nghĩa xanh ngát để văn chương chắp cánh bay cùng mây bốn phương giữa tiếng thời gian đậm màu tự do suy tưởng tràn hứng khởi tâm hồn. Phải chăng, Trần Lê Hoa Tranh đã thanh tẩy “sự đọc”, trả lại bản nguyên nguồn cơn tiếp nhận – Hay, sự tiếp nhận thuần túy!
Người đọc “Khúc hoan ca của văn chương“, chắc là nhận ra hình ảnh sông Trà núi Ắn quê nhà yêu dấu của cô gái họ Trần tuổi mới lớn thừa mộng mơ… thả cánh diều tâm cảm lên bầu trời đôi mươi phảng phất hương hoa tranh đầy niềm tin, tràn hy vọng!
3. Văn chương và nữ tính.
Thử rong ruổi cùng Hoa Tranh!
Đặc trưng dễ nhận thấy của những bài viết trong tập sách “Khúc hoan ca của văn chương”: tính thời sự và tính ngẫu hứng. Như tác giả tập sách đã thú nhận ngay từ đầu, đây là những bài viết ra đời từ chuyến ngao du không có kế hoạch định trước, cuộc tao ngộ tình cờ của người đọc tự do đối với các văn phẩm – văn nhân bốn phương. Đồng thời, cuộc tao ngộ ấy có lẽ cũng chịu tác động xô đẩy của những vấn đề thời sự văn chương đang diễn ra. Chẳng hạn: “Mạc Ngôn và Haruki Murakami”, “Đọc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc như một sản phẩm của văn hóa đại chúng”, “Moana: vẻ đẹp của người mẹ sinh thái”, … Điều này, cho thấy tác giả tập sách bám sát đời sống văn chương. Công việc nghiên cứu đôi khi “rào vuông” tâm hồn trong quy thức thể chế vô hình của hoạt động khoa học. Nên việc hòa mình vào đời sống văn chương (xưa mà nay: “Đọc lại Hồng lâu mộng những giá trị mới”, “Franz Kafka – Người tẩy não nhân loại: đọc Kafka hôm nay”, “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc: dạy sao cho hay”; nay mà xưa: “Sài Gòn – những biểu tượng đọc để hiểu và yêu Sài Gòn”, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”,…) của người viết chẳng khác gì phương thức tái thiết/sạc lại năng lượng/tái khởi động tâm hồn mình. Và, nhờ đó, Trần Lê Hoa Tranh tránh được những chay sạn trong tinh thần, để ngôn từ, giọng điệu và quan điểm đánh giá luôn tươi mới cập nhật. Nhất là, góc độ tiếp cận đối tượng không lỗi thời/lỗi nhịp với bước tiến của đời sống văn chương trong và ngoài nước.
Tính cập nhật còn biểu hiện qua những tâm tư “đầy nữ tính” (như GS. TS Huỳnh Như Phương đã nhận định) đối với các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện. Không chỉ trên địa hạt văn học, Trần Lê Hoa Tranh còn rất nhạy cảm và tinh tường trong cách nhìn nhận các tác phẩm điện ảnh. Tạm hiểu “điện ảnh” như loại hình nghệ thuật tổng hợp mà chất liệu ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, … thống nhất trong cấu trúc nghệ thuật nhất định, mang lại sự cảm nhận toàn diện, tác động mạnh vào trực quan của người tiếp nhận. Với Hoa Tranh, chú ý hơn cả vào việc nhìn nhận khía cạnh cảm xúc và thông điệp của tác phẩm điện ảnh. Bám vào ngôn ngữ điện ảnh và âm nhạc, Hoa Tranh nhận diện giá trị của tác phẩm. Phải nói, đó là góc nhìn không hoàn toàn thiên về chuyên môn của nhà phê bình nghệ thuật mà xuất phát từ góc độ của người tiếp nhận bình dân. Do vậy, nhận định của nữ tác giả họ Trần về giá trị tư tưởng của tác phẩm điện ảnh có thể nói là đại diện cho cảm nhận chung về sức tác động của tác phẩm điện ảnh đến quảng đại công chúng. Bên cạnh đó, “nữ tính” của người xem ở đây cũng biểu lộ qua việc chú ý nhiều khía cạnh cảm xúc mà tác phẩm mang lại. Cần nói thêm, “nữ tính” trong cách cảm nhận của Trần Lê Hoa Tranh, đúng hơn là “nữ tính trẻ” (tr.148). Chính những bài viết như thế cho thấy tâm hồn đầy nữ tính, giàu cảm xúc, trẻ trung tràn sức sống của nữ tác giả họ Trần.
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh đã nối dài “Khúc hoan ca của văn chương” và nghệ thuật nói chung
4.Hàn lâm và đại chúng.
Trong cuộc hoan ca này, Hoa Tranh còn bắt những nhịp cầu vui!
Hoa Tranh mở ra những đường hướng so sánh, đối chiếu thú vị. Bằng cách mở ra cuộc “trà dư tửu hậu” giữa các văn nhân bốn phương, Hoa Tranh có dịp tham dự vào “văn phẩm”. Cuộc dự phần ấy, chẳng phải kiểu Tố Như – Tiểu Thanh mà có lẽ, trong cách thế của Bá Nha – Tử Kỳ. Bởi, Hoa Tranh “đắm” nhưng không “đuối” (như Hồng Sơn Liệp Hộ) mà cô “đắm” và “say” trong âm ba chữ nghĩa.
Những bài viết như: “Mạc Ngôn và Haruki Murakami”; “Á – Âu cách một cây cầu: thời của du ký nữ lên ngôi”;… không nhắm đến việc xác lập “khoa văn học so sánh” nào! Nhưng, thông qua việc so sánh, Hoa Tranh giúp bạn đọc nhận ra vấn đề khái quát một cách nhẹ nhàng. Cách viết của nữ tác giả họ Trần thật sự đơn giản dung dị song chỉ những cây viết chắc tay và một tinh thần nhạy bén tinh ý mới dễ dàng dẫn dắt vấn đề đến chỗ minh xác rõ ràng đến vậy! “Điều đó cho thấy tính chính trị và tính đại chúng đang dần dần thống lĩnh toàn cầu. Chiếm lĩnh cả một giải thưởng văn chương danh giá” (tr.23). Giải thưởng văn chương nhằm đánh giá đóng góp và thành tựu văn chương như giải thưởng Nobel không nằm ngoài xu hướng vận động “đại chúng hóa”. Điều này, liệu có nghĩa: giải thưởng văn chương cũng bị chi phối bởi sức tác động của “đám đông” và bàn tay quyền lực. Không chắc! Nhưng, bạn đọc có thể nhận ra vấn đề rộng lớn hơn. Tính chính trị và tính đại chúng, liệu có phải là hai khuynh hướng vận động/ý lực trong đời sống xã hội, biểu hiện sự mâu thuẫn/đối kháng giữa hàn lâm và bình dân ngày càng ít gay gắt hơn. Nếu, không nói rằng, tính đại chúng ngày càng có xu hướng chiếm lĩnh. Quá trình vận động cố nhiên có nhiều điều phức tạp, nhiều biểu hiện phức tạp; dầu gì, người đọc có thể tin rằng sự thay đổi tiêu chí lựa chọn giải thưởng văn chương, ít nhiều cho thấy sự vận động dịch chuyển hệ hình tư tưởng xã hội.
Về trường hợp Mạc Ngôn và Murakami, Hoa Tranh vừa so sánh giữa các tác phẩm cùng tác giả và giữa hai tác giả này với nhau. Và, Hoa Tranh nhận thấy, sự nghiệp văn chương của hai văn nhân này hồ như càng về sau càng xuống dốc (tr.24&27). Nhìn toàn bộ sự nghiệp văn chương, họ không đạt đến chỗ toàn bích. Nhưng, trong đó, hai tác giả này có những tác phẩm xuất sắc, điển hình cho toàn bộ sự nghiệp văn chương. Qua những nhận xét về mỗi tác phẩm, người đọc thấy Hoa Tranh không đọc “chơi”. Và, đọc “chơi”, đọc “tạp” như Hoa Tranh cũng không phải là “chơi”, là “tạp” dễ dàng gì! Bởi, rõ ràng, Hoa Tranh đọc nhiều, hiểu thấu đáo, dụng  công đối chiếu từng tác phẩm. Cho nên, có thể nói, sự đọc “tạp”/đọc “chơi” của Hoa Tranh đã đạt đến sự đọc tinh khôi mang duyên dáng “tài tử” lẫn “tài tình”. Trong bài viết ngắn đăng trên báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam (ngày 20.10.2012), Hoa Tranh trình bày rất nhiều vấn đề lý luận “nặng ký” (dân tộc tính, chủ nghĩa đại Hán, thủ pháp truyền kỳ, …) một cách “nhẹ nhàng”. Phải chăng, chính Hoa Tranh cũng đã đưa tính chất bác học/hàn lâm đến gần hơn với bạn đọc bình dân đại chúng.
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, bắt nhịp cầu nối giữa bác học hàn lâm và bình dân đại chúng!
5. Văn nghệ và giáo dục.
Việc lựa chọn đọc – xem – gặp – viết của Hoa Tranh hướng đến giá trị nhận thức – giáo dục và sau đó là giá trị thẩm mỹ. Đặc biệt, nữ tác giả họ Trần quan tâm nhiều đến chức năng giáo dục của văn chương. Một số bài viết như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: dạy sao cho hay?; Đọc Hai đứa trẻ: “từ khóa” của giáo dục cảm xúc bằng tác phẩm văn chương; Inside Out: phim cho trẻ em phải làm thế nào?; Moana: vẻ đẹp của người mẹ sinh thái; … Lối phân tích của Hoa Tranh khi tiếp cận các tác phẩm văn nghệ này đều hướng đến mục đích giáo dục, đúng hơn là giáo dục người trẻ!
“Phim hoạt hình nước ngoài có nhiều phim đem lại rất nhiều gợi ý giáo dục cảm xúc trẻ em như Up, Discable me, v.v… nhưng có lẽ Inside Out là một bộ phim xuất sắc. Vì thế mà phim đã được chọn trao giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất năm 2016” (tr.141).
“Nói đi thì cũng phải nói lại, qua một bộ phim mà có thể giáo dục con trẻ biết vươn lên, hướng đến những ước mơ, rèn luyện lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, hướng thiện, quan tâm đến môi trường quanh ta, … đã cho thấy phim quá thành công rồi!” (tr.145).
Chức năng giáo dục của tác phẩm văn nghệ là một vấn đề lý luận trừu tượng. Nhưng, người đọc tập sách này có thể thấy một biểu hiện hữu hình dễ thấy của chức năng giáo dục, ấy là việc tác giả tập sách thường đi xem phim với con. Rõ ràng, tác phẩm văn nghệ đã tạo thêm cơ hội cho cha mẹ con gái gần gũi hiểu nhau hơn; người lớn có dịp nhìn lại và quan tâm đến sự phát triển tâm hồn của con trẻ. Lắng nghe, thấu hiểu con, để đồng hành cùng con, … chưa bàn đến nội dung, tác phẩm điện ảnh đã là cơ hội thắt chặt thêm sợi dây tình cảm gia đình.
6.Thưởng ngoạn và liên ngành.
Phụ nữ và cái đẹp!
Đã là phái nữ, tất nhiên người phụ nữ rất nhạy cảm với cái đẹp và cái đẹp ấy, vốn thuộc về nữ tính nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc…theo chiều sâu cảm thức. Người phụ nữ có thể khai mở khả thể tiếp nhận vô tận của cùng một đối tượng thẩm mỹ. Đó là trường hợp Hoa Tranh với Hồng lâu mộng. Hoa Tranh đã xác định giá trị Hồng lâu mộng ngay từ đầu: “Kể cả đọc bao nhiêu lần rồi, thậm chí có đoạn, tình tiết độc giả thuộc hết, mà càng đọc, càng ngộ nhiều điều, càng thấy Hồng lâu mộng vĩ đại” (tr.32). Với riêng Hoa Tranh, Hồng lâu mộng như dòng nước trong mát có thể thanh tẩy những chướng ngại tiếp nhận trong tâm trí.
“Tôi là người say Hồng lâu mộng. Những lúc cảm thấy không còn hứng thú ở việc đọc sách, tôi hay lôi Hồng lâu mộng ra đọc lại, có thể đọc trọn bộ, có thể đọc vài chương … Sau đó, cơ hồ như tôi lấy lại được đam mê đọc sách của mình” (tr.32).
Hồng lâu mộng khác gì dòng suối trong cuốn trôi tàng lá mục, cho con nước thấm nhuần tâm hồn. Bởi, thấm nhuần tâm hồn nên cũng không quá đáng khi cho rằng kẻ phát hiện ra cái đẹp kỳ thực cũng đã sẵn cái đẹp trong tâm hồn. Hoa Tranh phát hiện ra cuộc sống trong Hồng lâu mộng được miêu tả đến mức trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật miêu tả khắc họa hay nghệ thuật của những gì được khắc họa miêu tả, kỳ thực thống nhất với nhau; và thống nhất với sự nắm bắt của người đọc “thưởng ngoạn”. Từ trường hợp đọc của Hoa Tranh, có lẽ, bạn đọc sẽ phát hiện ra: mỗi khi bạn đến với đối tượng bằng tâm thế khác nhau thời khởi sinh ra những hệ quả tiếp nhận khác nhau. Và, do đó, nghệ thuật hay “sự trở nên có tính chất nghệ thuật” tùy thuộc ở năng lực thẩm mỹ của chủ thể tính. Nói rằng đọc chơi, đọc tạp hay đọc thưởng ngoạn, Hoa Tranh đã cho thấy năng lực thẩm mỹ và khả năng khái quát vấn đề vừa mạch lạc vừa chân xác.
“Như vậy, có thể thấy, nghiên cứu Hồng lâu mộng dưới góc độ văn hóa học đang là hướng nghiên cứu mạnh hiện nay. Hiếm có tác phẩm nào miêu tả một cách trọn vẹn các thú vui, thú chơi, cách ăn, cách mặc của tầng lớp quý tộc phong kiến rõ như Hồng lâu mộng. Và Hồng lâu mộng vĩ đại ở chỗ, nó khái quát cho chúng ta thấy cảnh sống của tầng lớp “đại gia” ở mọi thời đại, mọi đất nước, đều xa xỉ như thế đấy!” (tr.35).
Vì vậy, tập này sách có tính chất thưởng ngoạn nhưng hàm lượng học thuật vẫn tàng ẩn đằng sau đó bởi cách thể hiện nhẹ nhàng tinh tế của “nữ tài tử”. Không chỉ đọc và tìm thấy cái thú trong việc đọc sách, bạn đọc còn có thể tìm thấy nhũng vấn đề lý luận, theo đó có thể gợi mở thêm ít nhiều cho việc nghiên cứu văn chương. Nhất là, bạn đọc trẻ theo đuổi chữ nghĩa có thể hiểu biết thêm về hướng nghiên cứu liên ngành được PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh đề cập đến bằng lối phân tích đơn giản từng khía cạnh, từng hướng nghiên cứu khả dĩ đối với tác phẩm văn học: văn hóa học, tâm lý học, phê bình giới, … Thiên hạ chẳng nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu!”. Hữu lý thay!
Quả thực, Hoa Tranh giúp cho bạn đọc nhận ra thêm sự vĩ đại và cái đẹp tế vi của Hồng lâu mộng! Với Hồng lâu mộng, nữ tác giả họ Trần tìm lại được cái thú đọc sách và đã truyền cảm hứng đến bạn đọc thú vui đọc sách qua cuộc tương ngộ chữ nghĩa trong “Khúc hoan ca của văn chương”.
7. Thời thượng và tiên phong.
Không chỉ nhạy bén với cái đẹp, người phụ nữ cũng nhạy bén với cái mới!
Vì cảm quan của người nữ thường tinh tường hơn người nam chăng! Dù gì, bạn đọc có thể thấy, Hoa Tranh trong tập sách này thường có xu hướng quan tâm đến những vấn đề thời thượng. Nhưng, thời thượng không có nghĩa là nhất thời, thoáng qua…; ngược lại, Hoa Tranh phát hiện tính thời thượng như là cái phổ biến. Nghĩa là từ cái mới, Hoa Tranh có xu hướng khái quát hóa vấn đề ở phạm vi rộng lớn. Bản năng của nhà nghiên cứu chăng! Có thể lắm! Nhưng, bạn đọc có thể xác tín rằng, tác giả tập sách này nhạy bén với cái mới, ý hướng vận động về phía tiên phong. Không chỉ ru mình trong những tác phẩm kinh điển mà người đọc – viết tập sách này còn thao thức với sự vận động ở thì “hiện tại tiếp diễn” của thế giới chung quanh. Truyền thông đa phương tiện, giải lãnh thổ hóa, văn học xuyên quốc gia, văn học di dân, … những vấn đề đặt ra cho người đọc hôm nay được Hoa Tranh diễn giải từ trường hợp Joe (và nhiều văn nhân khác trên thế giới (Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phan Việt, Trương Duyệt Nhiên, Kazuo Ishiguro, …). Tính thời thượng và tiên phong không phải lúc nào cũng đồng nhất, nhưng thường có mối liên hệ mật thiết nhau!
Mở rộng biên độ hiện thực đồng thời cũng mở rộng biên độ suy tưởng, việc này nhắc bạn đọc hôm nay đang sống trong thế giới đa chiều đa hướng luôn vận động biến đổi từng phút từng giây nên “giải – tự – thân” để mở rộng biên độ hiện hữu và tâm tưởng của chính mình. Đọc chậm rãi và nghiền ngẫm về những phát hiện của Hoa Tranh trong tập sách này, bạn đọc có thể thâu nhận thêm nhiều điều hữu ích cho cuộc sống thường ngày!
Quay lại với chính mình trong giây phút hiện tại để nhận diện thế giới xung quanh trong giây phút hiện tại! Cách thế đọc cũng là cách thế sống, vậy!
8. Trẻ và tiếp tục trẻ.
Người trẻ nghiên cứu, người trẻ sáng tác, người trẻ đọc và nhiều người trẻ nữa cùng tham gia vào sinh hoạt chữ nghĩa hôm nay. Từ các vấn đề tiên phong, thời thượng, thị trường, … Hoa Tranh đặt mình trong cách nhìn nhận đa chiều của nhiều đối tượng làm văn chương. Từ phía người viết trẻ, Hoa Tranh cho rằng không thể bắt ép họ đặt ra sứ mệnh của việc cầm bút.
“Cái gọi là sứ mệnh người cầm bút, các nhà viết trẻ thường dị ứng với những từ “đao to búa lớn”, nghe nó sờ sợ, nó có “cái gì đó sai sai”. Bởi vì theo các bạn, đa số những gì các bạn viết ra ban đầu không phát xuất từ cái gì to tát, vĩ đại, mà từ việc bức xúc, buồn bã, thất tình, cô đơn, hay chỉ đơn giản là cảm thấy muốn viết cái gì đó. Giờ bảo các bạn xác lập sứ mệnh người cầm bút, là các bạn sợ ngay” (tr.152).
Thôi thì, bạn đọc nên tôn trọng cách thế sống với chữ nghĩa của người trẻ. Dẫu sao, họ cũng đóng góp vào sinh hoạt chữ nghĩa hôm nay, “họ cũng đã vực được thị trường sách nội địa, kêu gọi người đọc trẻ có thói quen đọc sách” (tr.153). Nói đi rồi nói tại, nữ tác giả họ Trần không đánh giá mà cảm thông. Rồi, từ cảm thông, Hoa Tranh mong mỏi:
“Tôi đã nhiều lần trả lời báo chí, văn học trẻ hiện nay đòi sự công bằng và quan tâm, cần một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà nghiên cứu hàn lâm. Cần xem đây là một bộ phận quan trọng của văn học một quốc gia, dù họ là đại chúng hay tinh hoa thì cũng cần phải nghiên cứu, cần trở thành những đề tài nghiên cứu ở nhiều mức độ, ngắn thì là bài báo, dài thì là công trình, sách, v.v… vì những tác phẩm này phản ánh thời đại mà người trẻ đang sống” (tr.154).
Vậy, ý thức trẻ của người viết trẻ liệu có mâu thuẫn với sứ mệnh người cầm bút? Việc xác lập sứ mệnh cầm bút còn cần thiết? Việc cầm bút liệu có mặc nhiên cần đến sứ mệnh hẳn hoi? Đặt ra những ưu tư này, chi bằng xem xét cách người viết trẻ đến với chữ nghĩa. Cách thế đến với chữ nghĩa như thế nào đồng thời kiến tạo ý thức người cầm bút. Có lẽ, vì vậy, Hoa Tranh có cái nhìn công bằng và sòng phẳng với người viết trẻ. Điều này, không có nghĩa Hoa Tranh bỏ quên vấn đề sứ mệnh của người cầm bút.
“Muốn trở thành một nhà văn đàng hoàng, tử tế, vĩ đại, phải nâng cấp mình, phải xác lập nghiêm túc mục tiêu, mục đích viết văn, phải đọc, phải học nhiều, phải viết một cách khổ ải. Cái này, các nhà văn trẻ đang sợ vì họ chỉ mới nghĩ đến văn chương như cuộc chơi, chưa phải là một sự nghiệp quan trọng trong đời họ. Thậm chí với nhiều người (hay đa số), viết văn không phải là nghề, vì không mưu sinh được. Nên thời gian mà họ đầu tư cho viết văn không nhiều, không phải là việc ưu tiên. Mà như vậy thì, người viết trẻ ơi, anh sẽ mãi mãi viết một cách hời hợt, chạy theo thị hiếu, tự ru ngủ và tự ve vuốt mình bằng số sách bán được ở mỗi kỳ hội sách mà thôi!” (tr.153).
Rốt cuộc, viết để chơi hay viết như là hiện hữu, có chăng chỉ có thể xác định người viết bằng chính ý thức viết của họ, không thể áp đặt cái nhìn chủ thể này cho chủ thể khác. Có chăng, nên ươm mầm cây bút trẻ; khích lệ gợi mở và kích hoạt lửa văn chương giúp người viết trẻ có tầm nhìn rộng rãi, nội lực dồi dào, khát vọng chí hướng cao xa… Trách nhiệm này thuộc về ai? Có lẽ, thuộc về tất cả chúng ta và nhất là, những người có sức ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt văn chương đương thời. Bao nhiêu lớp người trẻ nối tiếp nhau, chẳng lẽ không phát hiện – hun đúc – bồi dưỡng được mươi người đáng kể, gieo mầm cho mùa sau!
Có lẽ, những người tham gia vào sinh hoạt văn chương hôm nay, cần tự thấy gieo hạt chữ nghĩa trên cánh đồng văn chương quê hương là danh dự, trách nhiệm của chính mình, không ai khác!
9. Chúng ta và quê hương.
Con thuyền chữ xuất phát từ bến bờ khác nhau, lênh đênh trôi dạt qua những ghềnh bãi khác nhau, nhưng rốt cuộc đều tụ về bến quê! Quê hương sẵn có và luôn có trong tâm thức chữ nghĩa dẫu hình hài cách thế khác nhau đến mấy. Lấy quê hương làm thành tao ngộ, lấy nhân bản làm sum vầy thì người viết và người đọc sẽ tương phùng như cố nhân, như tri kỷ… dù cho cách trở bể dâu hay thăng trầm biến cố. Tác giả tập sách này – Hoa Tranh, thành thực bày tỏ cuộc gặp gỡ người quê và hồn quê trên xứ người – “một phần máu thịt của văn học dân tộc” (tr.175). Giá như, tất cả bạn đọc bốn phương đều gặp nhau trong chữ nghĩa bến quê, hẳn sẽ khởi sinh tình thương mến bao la và do đó, quê hương thể như chưa bao giờ tan vỡ xa cách. Giá như, người quê lấy hồn quê làm thành tao ngộ sẽ thấy rằng trời đất quê hương chưa bao giờ ly tán!
Đất nước thống nhất, lý nào hồn nước phân ly!
Lòng người không thể gói gọn trong vài câu chữ nhưng văn giới bốn phương, dẫu gì, cũng mang “tấm lòng hướng về đất nước” (tr.177-178). Có những cảnh giới, suy tư tạo lằn ranh song ấy là lằn ranh thuộc về phạm trù lịch sử; nhưng nòi giống, quê hương nào có lằn ranh vì quê hương, nòi giống thuộc về phạm trù vĩnh viễn! Có những gạch nối mở rộng biên cương tinh thần nước Việt, vì nước non nòi giống Việt, mắc cớ gì hà tiện ki bo! Hoa Tranh mang nỗi lòng văn học di dân trở về quê cũ và gồng gánh chút tình quê cũ cho những phận di dân lạc loài “chênh vênh” (tr.172). Phận di dân lạc loài hay những cánh chim chở hồn quê đến bốn phương có thể nối dài tồn tại giống nòi khắp nơi dưới vòm trời này! Có thể lắm chứ!
Tái kết văn hóa Việt bốn phương để xuất khẩu văn hóa Việt muôn nơi! Tại sao không?
10. Dấn thân và chung thủy.
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng). Nếu, “giã từ vũ khí” chọn đường dấn thân vào chốn “kinh tế thị trường” thì liệu có phải kẻ ấy đã phản bội “sáng tạo” và “cao quý” chăng, có phải dấn thân vào chốn bụi bặm bát nháo chăng?
Khó có thể vượt qua giới hạn “chủ thể tính”, nên không thể lấy óc phán đoán để đánh giá. Có lẽ, thay vì đánh giá nên cảm thông! Hoa Tranh thông cảm cho những con thuyền dong buồm rời bến. Nguyên do, người trong thiên hạ ai cũng biết, ai cũng hiểu. Nhưng, vấn đề mãi còn đó. Giới nghiên cứu giảng dạy đại học có thể xem như bộ phận hiệp thành tinh hoa xã hội. Thế nhưng, chỗ đứng và cơ hội phát triển cho người trí thức vẫn còn khá hạn hẹp. Nếu, chung thủy là nấm mồ thì, sự ra đi không đáng tội, ngược lại nên cảm thương và nếu đánh giá hay nhận xét, cần có giảm khinh.
“Tôi không bao giờ trách những người đã rời khoa mình, bỏ nghề ra đi tìm môt bến đỗ mới. Cũng phải đến 4-5 giảng viên trẻ đã bỏ nghề vì cảm thấy không hợp với nghề hoặc lương thấp. Còn trẻ, hãy thỏa sức với những thách thức, đam mê, đừng chùn chân. Hơn nữa, ở vị trí nào, miễn là mình yêu thích, thì cảm giác cống hiến của mình cho xã hội vẫn sẽ đủ đầy. Tại sao phải làm một việc mình thấy không còn yêu thích và cảm hứng nữa” (tr.188).
Đặt vấn đề dấn thân và gắn bó với nghiệp giảng dạy nghiên cứu, bạn đọc có lẽ sẽ nghĩ đến chỗ đứng của người trí thức trong buổi đương thời, rồi nghĩ tới chỗ đứng người trí thực Việt xưa nay. Bạn có nghĩ đến ý thức tự thân người trí thức trong xã hội. Hơn ai hết, người trí thức có khả năng (thậm chí dư khả năng) để vượt qua giới hạn cá nhân, vượt qua thúc bách cá nhân để sống và cống hiến. Cộng đồng không thể ích kỷ đòi hỏi người trí thức bỏ qua cuộc sống cá nhân; ngược lại người trí thức cũng không thể “chỉ” quanh quẩn ích lợi cá nhân. Dù đứng ở góc độ nào cũng thiên lệch, nhưng nếu đứng ở cả hai phía hẳn ít nhiều dẫn đến mâu thuân đối kháng. Vậy, người trí thức nên xác lập cách thế như thế nào? Có lẽ, nên xác lập hệ giá trị sống tự thân, bấy giờ người trí thức sẽ “thức trí” theo cách thế khác nhau. Và, xã hội nên tôn trọng sự “thức trí” ấy. Ngẫm lại, chúng ta càng tôn trọng những “trí thức” trở thành “trí sĩ”!
Sự thông cảm của PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh đối với những giảng viên trẻ “giã từ phấn trắng bảng đen” có thể khiến bạn đọc nghĩ đến vấn đề dấn thân và cống hiến. Dù “giã từ phấn trắng bảng đen” nhưng những người giảng viên trẻ ấy vẫn thao thức và nặng lòng cống hiến “thức trí” cho cộng đồng, dân tộc; bấy giờ người trí thức vẫn hoàn toàn chung thủy với đời sống!
“Người thầy bình thường thì nói. Người thầy tốt sẽ giải thích. Người thầy xuất sắc thì chứng minh. Còn người thầy vĩ đại sẽ truyền cảm hứng” (William Arthur Ward) (tr.191).
Thế nên, kẻ bền bỉ theo đuổi cuộc chữ nghĩa hôm nay nên tiếp sức cho những cánh chim non, để cánh chim trổ lông thêm bền chí vượt qua tao loạn “thị trường kinh tế”. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, chẳng phải tiền nhân đã nói như vậy sao! Thế nên, việc bồi dưỡng hỗ trợ tiếp sức lực lượng nghiên cứu giảng dạy trẻ ở nhà trường và ngoài xã hội nên được chú trọng hơn nữa. Ví như khai thông dòng nước, tránh ung bế tù đọng, ngõ hòng dòng chảy “thức trí” của nòi giống Việt mới được hanh thông. Nhược bằng không, nước cạn dòng, tắc tị; thành quả thế hệ trước biết trao truyền cho ai! Vậy rồi mai một, chìm trôi, nói sao “thức trí” của dân tộc không thể sánh bì thiên hạ.
Người trước rước người sau, tiếp nối soi rọi ý thức nòi giống!
Tập sách “Khúc hoan ca của văn chương” đơn sơ, giản dị nhưng gửi gắm bao tâm tư của người viết: từ những vấn đề thường nhật, thời thượng cho tới những vấn đề có ý nghĩa lý luận phổ quát. Trên hết, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh đã thổ lộ thành thực những gì say mê, trân quý, kể cả những suy tư đau đáu băn khoăn về đời sống xã hội, về văn học nghệ thuật, về bằng hữu thân thiết, … Qua cuộc tao ngộ văn chương, Hoa Tranh có dịp lãng du chữ nghĩa, thanh tẩy tâm hồn, quy hồi tiếp nhận thuần túy. Có lẽ, việc này cũng nhắc nhở bạn đọc tự nhìn lại cách thế tiếp nhận của mình để mối giao tình văn chương thêm khí chất thuần khiết, trong sáng!.
24/5/2022
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...