Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Người đương thời thơ mới bàn về thơ Anh Thơ

Người đương thời
thơ mới bàn về thơ Anh Thơ

Nhà thơ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân (còn có các bút danh Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh), quê ở thành phố Bắc Giang, sinh năm 1919 tại thị trấn Ninh Giang (Hải Dương), đến tuổi thiếu niên lại trở về sinh sống ở Bắc Giang.
Trong phong trào Thơ mới (1932-1945), nữ sĩ từng có thơ in trên các báo Ngày nay, Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội báo, Đông Tây…; được nhận giải khuyến khích bản thảo tập thơ Bức tranh quê của Tự lực văn đoàn (1939), hai năm sau (1941) mới xuất bản (có 41 bài); đồng thời in chung tập thơ Xưa (1941), trong đó Anh Thơ góp 10 bài, Bàng Bá Lân 15 bài; đến hai năm sau lại cùng Hằng Phương, Mộng Tuyết in chung tập Hương xuân (NXB Nguyễn Du, Hà Nội, 1943)… Nhân 80 năm phong trào Thơ mới (1932-2012), chúng tôi xin giới thiệu những ý kiến bàn luận về thơ nữ sĩ Anh Thơ của chính những người đương thời, người trong cuộc, còn nguyên chất trực cảm, trực giác, tươi mới, xuất hiện ngay ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Trong công trình tổng kết Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941), nhà phê bình Mộc Khuê Kiều Thanh Quế đã thống kê và chơi chữ trong cách định danh nội dung tập thơ:
“Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được:
… Lắng nghe Tiếng thông reo (1934), Bàng Bá Lân cùng Anh Thơ gảy khúc đàn Xưa (1941).
… Cô Anh Thơ mộc mạc vẽ Bức tranh quê (1941)”…
Nghệ
Tiếp đến trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, H., 1942), Lương Đức Thiệp phân tích, so sánh thơ Anh Thơ với thơ Bàng Bá Lân và thẳng thừng qui lối thơ này thuộc dòng thơ “tả chân”: “Sóng đôi chủ nghĩa tả chân có tính cách tranh đấu, một chủ trương tả chân khác quyến rũ một số thi sĩ không sắc mầu chính trị. Ông Bàng Bá Lân – hơn nữa – cô Anh Thơ đứng ra thay mặt cho phái này, dẫu hữu ý hay vô tình. Tập Bức tranh quê của nữ thi sĩ đầy chặt những bức họa thô sơ về một phương diện sinh hoạt của dân chúng:
… Làm giật mình một cô nàng yếm thắm,
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa…
… Cùng mấy cậu áo là, quần lụa mới,
Tập lê giầy như tập nhấc chân đi…
… Chợ đông quá! Chỗ này vài chiếu bạc,
Những chàng trai ô mới mở giương vây…
… Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng,
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton…
… Yên ổn nhất trong gian chuồng êm cỏ,
Lũ lợn nằm mát mẻ ngủ quên trưa.
(Anh Thơ)
… Nét bút của cô Anh Thơ, của thi sĩ họ Bàng chưa đủ linh động. Cảnh với tình còn rời rạc hay tê cứng trong những câu mà nhạc điệu còn thô kệch. Quan niệm về thơ đã mơ hồ (hay sai lạc) không giúp tài nghệ phái này phát triển được. Con đường bế tắc đã vẽ ra trước mắt mọi người: thơ khô khan như những bức ảnh chụp bằng chiếc máy kính mờ…Đã phóng ảnh một cách máy móc, thi sĩ không truyền sang cảnh vật được nguồn rung động của tâm hồn mình”…
Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), Hoài Thanh – Hoài Chân chọn in của Anh Thơ 4 bài (đồng hạng với Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, J. Leiba, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương); số lượng vượt trên cả Vũ Đình Liên, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Yến Lan, Bàng Bá Lân, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp… Trong phần bình luận, trước hết hai ông dẫn giải khái lược: “Một hôm tôi nhận được bức thư đề: M. Hoài Thanh, professeur, L’instituteur Thuận Hóa. Tôi đã không dám khinh thường người viết thư mà lại còn kính phục thêm nữa. Vì tôi biết người viết thư là một nữ thi sĩ có danh: Anh Thơ. Đã đành hay thơ Việt không cần phải giỏi tiếng Pháp. Nhưng trong tình thế nước ta bây giờ một người thiếu niên muốn có một nền học vấn vừa vừa mà không cần đến tiếng Pháp quả là một điều thiên nan vạn nan. Cứ xem văn của Anh Thơ ai cũng phải bảo là người có học. Thế mà cái lối viết rõ ràng và chắc chắn ấy, Anh Thơ không từng học được trong tiếng Pháp. Càng kính phục người, ta càng mừng cho nền quốc văn. Quốc văn ta ngày một thêm phong phú và hiện nay đã có thể làm lợi khí đào luyện tinh thần cho một người như Anh Thơ”…
Rồi từ đây hai ông đi sâu phân tích, lý giải: “Tôi vừa nói đến lối viết của tác giả Bức tranh quê, tập thơ này cũng thuộc về lối thơ của người có học. Vẫn biết làm thơ đạo tình không phải bao giờ cũng là người ít học, nhưng thường người ít học chỉ có thể làm thơ đạo tình. Phải là người có học mới có thể đưa vào thơ cái cảnh:
Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng,
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây.
Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại tả những cảnh rất tầm thường: một phiên chợ, một đứa bé quét sân, một vài mụ đàn bà ngồi bắt chấy. Thơ của người biệt hẳn ra một lối. Có kẻ sẽ cho Anh Thơ là người vô tình. Nhưng có thiếu nữ nào hai mươi tuổi mà lại vô tình? Anh Thơ bắt đầu cũng đã làm những bài kể nỗi lòng mình. Hẳn người đã tập luyện nhiều lắm mới có thể đi đến cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độc giả Bức tranh quê ắt phải lấy làm lạ. Nhiều lúc tôi tưởng người đã đi quá xa. Tranh quê có bức chỉ là bức ảnh; cái thản nhiên hàm súc của nghệ sĩ đã nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề. Theo gót thi nhân đến đó, ta thấy uất ức khó thở: người dẫn ta vào một thế giới tù túng rồi không cho ta mơ tưởng đến một trời đất nào khác nữa.
Không, thơ phải là một tia sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các vì sao. Thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình. Cho nên mỗi lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, lời thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân. Như khi người tả cảnh bến đò trưa hè:
Mây đi vắng, trời xanh buồn rộng rãi…
Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi.
Hay tả cảnh một buổi sáng trong trẻo:
Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây.
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ,
Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.
Cảnh trong thơ cũng bất tất phải mênh mông. Một cái vỏ ốc đủ khiến ta nghe cả tiếng sóng biển rào rạt. Chỉ có ít bông hoa mướp, một lũ chuồn chuồn mà Anh Thơ gợi nên cả cái không khí thu:
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác;
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
Thường người cũng không cần đến những cảnh vốn sẵn nên thơ như thế. Với một vài điều nhỏ nhặt hầu như thô lậu, người hé mở cho ta một cảnh trời.
Chỗ này, giữa đám người ồn ào và đông đúc, vài ông thầy bói lặng lẽ đi,
Bước gậy lần như những bước chiêm bao.
Chỗ kia, đêm ba mươi Tết, chung quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục:
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.
Cho hay, vô cùng chỉ có thế giới bên trong. Và hình sắc đẹp là những hình sắc khéo dẫn người ta vào thế giới ấy”…
Thêm nữa, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan tuy không xếp Anh Thơ thành một mục tác giả riêng nhưng trong phần khái quát Các thi gia ở sách Nhà văn hiện đại, Quyển ba (NXB Tân dân, H., 1943) cũng rất chú trọng đến tên tuổi Anh Thơ và đặt trong mối liên hệ với phong cách thơ làng quê của Nam Trân, Đoàn Văn Cừ: “Còn Nam Trân (Tác giả tập Huế, Đẹp và Thơ, 1939), Đoàn Văn Cừ (Thơ đăng ở Ngày nay – Hà Nội), Anh Thơ (Tác giả tập thơ Bức tranh quê (Đời nay – Hà Nội, 1941) và Xưa (viết chung với Bàng Bá Lân – Sông Thương – Bắc Giang, 1941) và những thơ đăng trong Hương xuân (Hà Nội)… đều là những nhà thơ chuyên về mặt tả cảnh. Nếu trong ấy có chút tình thì cũng là thứ tình nhẹ nhàng như gió thoảng.
Nam Trân là nhà thơ của đất Huế, những cảnh ông tả đều là cảnh đế đô, lời thơ êm ái, hợp với cả người lẫn cảnh do ông tả. Còn Đoàn Văn Cừ và Anh Thơ đều theo một lối, lối tả chân và tả những cảnh vật hầu hết bằng thơ tám chữ.
Thơ của Đoàn Văn Cừ tả những cảnh chợ Tết, cảnh đám hội, đám cưới, thì thơ của Anh Thơ cũng tả những cảnh chợ, nào họp chợ, nào chợ ngày xuân. Những cảnh bến đò hoặc lúc trưa hè, hoặc ngày phiên chợ. Thơ của Anh Thơ trong tập Bức tranh quê đã toàn một lối tả cảnh, lại bài nào cũng tám chữ, mười hai câu, trong chỉ rặt những cảnh, không tình, không tứ, nên không tránh được sự khô khan. Bởi vậy, những bài thơ hay nhất của Anh Thơ cũng chỉ là những bức họa đẹp về nét vẽ, ngoài ra không ngụ một ý gì để cảm người ta. Những thơ hay, như thơ đời Đường, sở dĩ hay và đời đời truyền tụng là vì hễ có cảnh tất có tình, thường thường nhà thơ lại gợi cảnh ra để gửi vào đó ít nhiều tâm sự. Không bao giờ có thể dùng thơ để viết lối tả chân triệt để và cũng không bao giờ nhà thơ có thể đứng vào địa vị khách quan mà thơ lại có thể cảm người ta được.
Về những thi gia tôi vừa kể, tôi mới chỉ tỏ bày một chút ý kiến rất sơ lược, chưa hẳn là phê bình. Vả đây là một quyển phê bình văn học, không phải một quyển văn học sử, nên tôi chỉ lựa một ít thi gia có nhiều những cái đặc biệt – cố nhiên cả về hay, lẫn về dở – để xem trong những áng thơ mới bây giờ, có những cái gì là những cái có thể tồn tại và những cái gì là những cái sẽ phải mai một với thời gian”…
Từ nhiều điểm nhìn khác nhau, thơ Anh Thơ giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám đã được những người đương thời Thơ mới ghi nhận và luận bàn sôi nổi. Có thể nói mọi phương diện “hay” và “dở” trong thơ Anh Thơ đã được người đương thời phân tích, lý giải, đánh giá căn bản là chuẩn mực, xác đáng. Từ bến sông Thương, thơ Anh Thơ đã được Tự lực văn đoàn chắp cánh, nhập cuộc vào làng Thơ mới ở tầm quốc gia, dân tộc. Có được điều này là nhờ không khí dân chủ, đa phương trong hoạt động sáng tác và phê bình một thời mà bản thân công việc luận bình thơ Anh Thơ cũng không ra ngoài thông lệ.
26/5/2022
Nguyễn Hữu Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...