Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Thơ 14 chữ, vẫy gọi đồng sáng tạo

Thơ 14 chữ, vẫy gọi đồng sáng tạo

Dù kiệm lời trong mỗi bài thơ, như tác giả tự thú “thơ dăm ba chữ/ đã xuống dòng” nhưng vẫn cho thấy một khả năng ôm chứa và chiếm lĩnh cái đời thường, nhiều chiều kích, có xô bồ, hỗn tạp nhưng không thiếu những trong trẻo và tĩnh lặng
Jakobson trong công trình “Thơ là gì” có hóm hỉnh nói rằng, “biên giới giữa thơ và những cái không phải là thơ là vô cùng chông chênh khó xác định”. Theo thời gian, thơ hiện đại luôn có những sự vận động ngoài hình dung của các thế hệ trước. Câu thơ của Xuân Diệu “tây quá” nên gây ngạc nhiên và cả sự phản ứng của các nhà nho; sau đó những câu thơ của Phạm Tiến Duật lại làm các nhà thơ Mới bất ngờ bởi tính văn xuôi khẩu ngữ… Nhưng rồi, theo tiến trình, những sự sáng tạo trong nghệ thuật luôn phải gắn với hơi thở cuộc sống, như cách trở lại với sự dung dị mà Tho.com 14 chữ muốn trình ra với bạn đọc ở đây.
Thơ của Tho.com 14 chữ giàu hình ảnh, xúc cảm, có nhịp điệu. Điều quan trọng và có lẽ mong muốn hướng tới, là gợi lên những khoảnh khắc, xúc cảm chứ không chú trọng miêu tả. Những hình ảnh quen thuộc, đời thường và cả những kỉ niệm, ân tình đều hiện diện như một điều cũ càng và quen thuộc với chủ thể trữ tình. Gần 150 bài thơ, mỗi bài 14 chữ, nhan đề hầu hết đều chỉ có một chữ, có thể nói sự chắt lọc cố ý đó như một hạn định, một thách thức cho việc biểu hiện. Dù có một “nguyên tắc” là thơ 14 chữ nhưng ở các bài cho thấy một sự tự do, không chịu nhiều ràng buộc về số câu. Điều này không chỉ giúp cho việc biểu đạt tình cảm một cách linh hoạt mà còn cho thấy cố gắng của tác giả thử sức trong khuôn khổ chật hẹp của số chữ. “14 chữ” tạo nên một sự quen thuộc dưới vỏ bọc của hình thức đó nhưng tên gọi khác:
Thể lục bát:
Hôm qua nhặt được nụ cười
Tôi đem cất kỹ, sợ môi bớt hồng…
(Nhặt)
Thể 7 chữ:
Anh vừa qua một vùng hoa dại
Nhụy không vương… mà áo cứ thơm.
(Thơm)
Từ cấu trúc phổ biến của lối thơ ngắn được khai thác triệt để, nhiều bài thơ như vẫy gọi một sự cùng suy tưởng nơi người đọc để đi tới sự phong phú của ý thơ. Bên cạnh nhịp thơ tạo ra một khoảng lặng đầy âm sắc; ngôn ngữ nhiều bài thơ mang đến sự thú vị: Đợi người chẳng thấy người đâu/ Gặp đôi ngọn gió/ Cõng nhau về trời! (Gió đôi); có khi lẩy ra dựa trên một cách dùng từ đồng âm mà gợi:
Chung cư,
chung một tầng sân thượng
Ở dưới,
mỗi nhà
vạn lối đi…
(Chung)
Chính từ những việc khai thác việc biểu nghĩa như thế, Tho.com 14 chữ cho thấy một hành trình trở về với những chiêm nghiệm, suy tưởng chứ không chỉ là những xúc cảm nội tâm, những rung động với tạo vật. Dù kiệm lời trong mỗi bài thơ, như tác giả tự thú “thơ dăm ba chữ/ đã xuống dòng” nhưng vẫn cho thấy một khả năng ôm chứa và chiếm lĩnh cái đời thường, nhiều chiều kích, có xô bồ, hỗn tạp nhưng không thiếu những trong trẻo và tĩnh lặng. Có những bài thơ ấn tượng chính bởi những rung động thẩm mĩ dung dị, lại có những bài thơ cho thấy sự chăm chút và dụng công, không ít những tứ thơ được tạo sinh nhờ liên tưởng: Có những liên tưởng được gợi ra bởi sự đa thanh của ngôn ngữ và sự cộng hưởng của cấu trúc thơ: Ta ngồi vẽ lại chính mình/ Vẽ xong soi kỹ/ Thấy hình/ như ta… (Vẽ); có những bài tạo liên tưởng bằng thế đối sánh: Bất ngờ trăng sáng Mười ba/Tôi chờ Mười tám/Thành ra… Tối giời! (Tối) ; bằng sự tương đồng: Gặp nhau trưa ấy/ Vừa chớm lạnh/ Đi hết nửa đời/ Vẫn mùa đông… (Lạnh); bằng sự trái ngược: Khi bạn bảo gần hơn/ Gần hơn nữa/ Là đang đóng cửa/ Lòng xa (Bạn). Những liên tưởng đó làm cho mỗi đơn vị thơ nhỏ chỉ với 14 chữ ấy có tính ngẫm ngợi, trở nên sâu đằm hơn.
Trong những ngẫm ngợi ấy, những bài thơ về mẹ tạo được chiều sâu và cũng là những bài thơ thành công nhất. Khi thì để giễu cợt một thói quen, một lối sống, một hành xử: Lên xe/ Xuống ngựa /nhiều thân thiết/ Về gặp mẹ mình… Cũng bắt tay! (Quen) ; khi lại là sự vẫy gọi một nơi trú ẩn an bình khi trở lại quê hương: Tiếng thở dài của mẹ/ Buộc mình với quê hương/ Nước mắt/ Chỉ đường (Mẹ). Chính bởi thế, Tho.com 14 chữ là một hành trình đi từ tự thú, giãi bày đến răn mình:
Bài thơ mở đầu:
Thơ dăm ba chữ
đã xuống dòng
Viết cho người mất ngủ
Long đong…
(Viết)
Bài thơ kết thúc:
Gia tài để lại đời sau
May chăng
Còn một
đôi câu
Răn mình!
(Răn)
Những bài thơ ấy nhỏ gọn, dung dị, dễ ưa nhưng dường như không thỏa mãn cho những yêu cầu của việc đổi mới, cách tân, hay dụng công tìm một tư tưởng. Việc lựa chọn một hình thức ngắn, kiệm chữ, không một sự kiện nào được mô tả và cũng chẳng có những vấn đề thời sự, dường như Tho.com 14 chữ không hướng tới điều gì ngoài chính chủ thể sáng tạo. Nhìn từ nhiều sáng tác đương đại, có thể nói, việc tạo nghĩa từ cấu trúc mở hay tính đa chủ thể cho thấy việc đặt trọng tâm vào độc giả được đề cao. Mỗi văn bản thơ tự thân không hướng tới tính ổn định mà như một gợi dẫn, một phác thảo vẫy gọi đồng sáng tạo.
Khi phân tích cách đọc một bài thơ, M.L. Gasparov cho rằng mọi sự phân tích “nội tại” đều không vượt ra ngoài giới hạn của những gì được nói trực tiếp trong văn bản, tức là không bận tâm về tiểu sử, bối cảnh sáng tác… Sau khi thực hành phân tích một văn bản thơ kinh điển (Linh cảm của Pushkin), tác giả đặt ra câu hỏi: “việc phân tích văn bản thơ theo cách thức nói trên liệu có giúp ta khẳng định bài thơ này hay hay dở, hoặc phân biệt những bài thơ hay hơn và những bài thơ dở hơn? Xin khẳng định: không thể, vì nghiên cứu và đánh giá thơ là những chuyện khác nhau”, và rằng, thị hiếu và toàn bộ kinh nghiệm đọc của chúng ta sẽ quyết định điều đó…
Dài dòng một chút để người viết bày tỏ sự đồng tình với quan điểm rằng, “không được gắn sự giải thích (thơ) với những nhu cầu lợi ích cá nhân: chẳng nên nghĩ rằng, nhà thơ nào cũng quan tâm tới những vấn đề xã hội, tôn giáo và tâm lí giống như chúng ta”. Và có lẽ, Tho.com 14 chữ đi một hành trình là thứ thơ viết cho mình, răn mình nhưng ẩn chứa mong cầu và không khước từ những đồng điệu.
Chú thích:
1. Dẫn theo “Thơ là gì”, Chủ nghĩa cấu trúc (Trịnh Bá Đĩnh dịch và biên soạn), Nxb. Văn học, 2002, tr.179.
2. Lã Nguyên (Tuyển dịch), Lí luận văn học – những vấn đề hiện đại, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, 2012; tr.313.
3. Lã Nguyên, Lí luận văn học – những vấn đề hiện đại, Sđd, tr.314.
24/5/2022
Đỗ Huyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...