Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Mong thanh bình để hát dưới ánh trăng

Mong thanh bình
để hát dưới ánh trăng

“Thanh Hóa địa linh/ Sử sách ghi tên những anh hùng, hào kiệt/ Làm nên những chiến công lẫm liệt/ Mong thanh bình để hát dưới ánh trăng// Một trống đồng âm vang/ Một thành Nhà Hồ thi gan cùng tuế nguyệt/ Một gươm thần trả rùa vàng trong truyền thuyết/ Là niềm tin sự vững chãi yên bình”. Vừa trầm tư, tái hiện những vỉa tầng lịch sử quê hương, vừa lắng nghe, thu nhận, sẻ chia tiếng nói của thiên nhiên và thân phận con người, thơ Phạm Văn Dũng mang chiều sâu tâm thức mà gần gũi đời sống thường nhật, có sức lay động và gợi mở nhiều chiều kích văn hóa…
Nhà thơ Phạm Văn Dũng là Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc; đã xuất bản hai tập thơ: Cánh thơ nâu – NXB Thanh niên 1999, Mình khuất bóng mình – NXB Thanh Hóa - 2019.
SỰ KỲ DIỆU CỦA CON NGƯỜI
Những cánh chuồn sẽ bay về đâu
Nếu không có được mặt trời thánh thiện
Hãy nếm trải qua mùa đông
Mới biết sức bền ở mọi tốc độ của gió
Mưa cứ hoang tàn mùa hạ
Nếu đếm hạt huyền xâu thành bình nguyên
Mẹ ta
Suốt cuộc đời người thả giọt mặn lên trái đất
Vậy mà những hạt khô vẫn thong thả nảy mầm
Ngồi đếm những vì sao vẹn nguyên
Chưa hề rơi nước mắt
Ta thấy sông Ngân Hà càng sáng rực lung linh
Những bão tố của giấc mơ
Khiến ta bám chặt mình vào đốm sáng
Rưng rưng hát về khúc ca
Từ nỗi niềm xa xưa
Bốn nghìn năm lịch sử
Thấy lòng mình cứng cáp hơn trong sắc nắng hòa bình
Những cánh tay rắn chắc
Đâu chỉ biết dựng xây
Tòa lâu đài cổ kính nguy nga
Có những lúc bàn tay thiết tha
Đặt lên cung đàn
Khiến bao trái tim con người
Trở nên mềm mại
Kể cả kẻ đi săn
Kỳ diệu thay sức mạnh của tâm hồn
Cho ta hát bài ca muôn đời bất hủ
Cả điều thánh thiện và cả điều giông gió
Hòa đồng cùng ngàn trái tim đa cảm tuyệt vời.
MẸ CỦA CHÚNG CON
Không giấu nổi bàn tay vẹt mòn thời gian của mẹ
Đánh lừa những ngôi sao bằng thổn thức thâu đêm
Chải mái tóc pha sương rụng nơi thềm nhà loang màu rêu ẩm ướt
Gom buồn vui cuộc đời mẹ đánh cược
Với trái tim chậm nhịp đã bao ngày
Tháng tháng, năm năm mẹ bấu víu đôi tay
Đu cùng thời gian toác mưa, héo nắng
Chăm bẵm chúng con, cơn ho nén lặng
Giữ yên bình cho con, hay sự thanh thản của Người?
CĂN NHÀ CỦA MẸ
Kính tặng Ngoại – người mẹ thứ 2 của con
Trong hẻm nhỏ có ngôi nhà như nhà cổ Đường Lâm
Đủ sưởi ấm đời con trong những ngày giá lạnh
Đủ che mát đời con trong những ngày nóng nực
Bậu cửa này mẹ bước đã lì trơn
Con chim trên mái nhà kia có còn hót nữa không
Giàn mướp đầu hồi có còn trĩu quả
Phía chái nhà còn đống rơm đống rạ
Mẹ nhen lên làm ấm cả chiều đông?
Đến giờ này mẹ giấu tuổi vào hoàng hôn
Giấu cơ cực vào đôi chân đơ cứng
Giấu niềm vui vào sương mai chực rụng
Giấu thì thầm trong sâu thẳm môi khô
Hãy hót đi, chim ơi hãy hót đi
Và mướp nữa nở hoa vàng đi chứ
Để làm ấm căn nhà của mẹ
Để ta được nghe tiếng rón rén bước qua thềm
Gió khích lệ rồi mẹ hãy cố lên
Khói rơm rạ đã len vào cửa liếp
Có phải do cay mà mắt mẹ lại khép
Mẹ chẳng nói gì lại khiến mắt tôi cay.
TRƯỜNG XƯA
Mái trường xưa đổ bóng
Bên con sông hiền hòa
Chùm phượng hồng lấp loáng
Trên sóng nước ngàn hoa
Mái trường xưa giản dị
Từng ô cửa, lan can
Lũ chúng tôi đen nhẻm
Vượt qua nỗi cơ hàn
Mái trường xưa hồn hậu
Bao lớp học xỉn màu
Bảng xi măng chằng sẹo
Hàng phấn trắng tròn câu
Mái trường xưa sân đất
Mòn lõm ngàn lỗ bi
Tiếng cười giòn như cát
Phơi nắng tuổi đương thì
Mái trường xưa chim hót
Vô tư mấy chục năm
Ve thúc hè day dứt
Thiêu đốt cả trăng rằm
Thế rồi mình đã lớn
Mái trường xưa đâu còn
Con sông nay thu hẹp
Trường tươi mới màu sơn.
THU LANG THANG
Nhịn khát khao để đợi mùa theo gió
Tấp tểnh vào thu lạc hương đồng
Đâu là bình yên? Đâu là năm tháng?
Để đợi chờ mòn mỏi một vầng trăng
Ta đợi những giấc mơ mùa trong trẻo
Đợi âm thanh văn vắt đến tuyệt trần
Bao tươi non góp nên mùa thương mến
Những đợi chờ rộn sắc thắm vang ngân
Bước theo cỏ làm nên bao dấu tích
Theo những mùa dẫu là một làn hơi
Thành sương khói lãng du và mỏng mảnh
Thỏa đợi chờ với kiếp rong chơi.
ĐẶT TÊN CHO MÙA
Cái năm ta vào đại học
Mùa thu ngơ ngẩn quá thôi
Ngúng nguẩy cành bàng tới lớp
Với dăm câu hát lạc lời
Đổ chiếc bóng dài theo nắng
Hàng hàng thiếu nữ thiết tha
Mùa thu sao mà lạ mắt
Nắng nghiêng từng sợi mặn mà
Tháng năm cứ dần trôi mãi
Chớm thu đến buổi tựu trường
(Chàng trai đâu còn nai nữa
Đạp trên lá vàng thân thương)
Thu nay ta hai mươi tuổi
Tựu trường năm cuối mộng mơ
Miên man gió ngoài cửa lớp
Nắng hanh hao những vần thơ
Giá đừng đặt là thu nữa
Để mùa đừng khắc trong tim
Những năm tựu trường mãi nhớ
Chàng trai lạc bước cỏ mềm.
KHÚC CA XANH
Những ngôi sao tím biếc
Treo trên đôi mắt nâu
Mây bồng bềnh giăng lối
Gió lướt nhẹ ngang đầu
Buốt một vầng trăng ướp
Lẻ loi giữa màn đêm
Giọt sương khua nỗi nhớ
Thẫm màu hồng dịu êm
Dòng sông Ngân cuộn chảy
Để Chức Nữ - Chàng Ngưu
Cứ cháy lòng mong đợi
Cho một ngày gặp nhau
Bình minh lan trên cỏ
Biếc một nền xanh trong
Bài ca tươi làn gió
Ngọt ngào lời ước mong
Chung chiêng hồn xanh mỏng
Với cánh diều vờn bay
Dâng cao vờn chân sóng
Bên lưng trời ngất ngây
NGƯỜI QUÊ MÃI TỰA CÁNH RỪNG NGUYÊN SINH
Phận nghèo anh phải tha phương
Mang theo tiên tổ khói hương mịt mùng
Không quên mang chút gió đồng
Đêm đêm nghe thổi một vùng heo may
Không quên mang cả chòm mây
Mỗi khi thổn thức mà lay cánh cò
Dặm dài xanh ước, vàng mơ
Để ta đổi phận nối chờ, gieo mong
Sớm nay nghe thoảng gió đông
Giật mình tỉnh giấc giữa hồng chiêm bao
Ríu ran lời hỏi, tiếng chào
Miếng trầu đỏ thắm, hồng hào sắc vôi
Bao năm đã quện trong tôi
Một mình bay lả khoảng trời ru quê
Cách sông đâu nghẽn lối về
Cách lòng mới nổi rầm rề gió mưa
Nhớ anh quê vẫn xanh dừa
Chắt chiu ngọt mát, dịu trưa lửa hừng
Dẫu cho mặn muối cay gừng
Người quê mãi tựa cánh rừng nguyên sinh.
SẦM SƠN GỌI
Mới đến cửa làng chài
Đã nghe sóng ì oàm vẫy gọi
Cái hơi nước thấm qua lời em nói
Neo lòng anh giữa khoảng mênh mông
Núi mấp mô trông mà xao động
Khát sóng, đá nhoài ra thả vệt lệ kéo dài
Em và biển in lên triền đá xám
Sóng tung bờm mơn trớn khắp bờ vai
Gió làm mát nắng hè đang chảy
Sóng làm mềm chảo cát đang rang
Có em đến biển nồng kia ngọt lịm
Mây ỡm ờ neo đậu chẳng lang thang
Chia tay biển em về mang theo gió
Mang theo về nhạc sóng trùng khơi
Lật mở nắng lại về Sầm Sơn nhé
Biển trong anh thành nhịp thở lâu rồi!
CÀNH XUÂN SAU MÙA BÃO
Những đốt gió khắc trên thân cây
ủ tin yêu vỡ òa muôn chồi biếc
nắng bọc trong vạt áo bình minh
mới được giặt sau cơn ác mộng kinh hoàng ta vừa nếm trải
Những nụ non mới nứt
giữa khoảng xanh trong veo
chúng biết đâu
cha mẹ chúng chưa hết run
trong cơn hoảng loạn, dập vùi
dưới vòm trời nhiều biến thể
phì phào để vươn lên
giữa muôn nhạc réo rắt làm động lực
Cành xuân hé nụ
những chiếc nụ mềm lấm tấm hạt phù sa
ánh muôn sắc
trộn hòa sau từng cơn bão
chúng mang sứ mệnh
thắp sáng khoảng trời xuân
và thoa lên vết đau
của từng mảnh da trầy xước
kịp vá lành cho ngày mai
để vết thương đừng chạm sâu qua bộ xương gầy guộc
phá nát lá phổi cha mẹ mình.
XỨ THANH TA
Khi ta gọi Xứ Thanh
Hay khi là tên Thanh Hóa
Cũng đều mang âm sắc
Tải trong mình niềm khỏe khoắn, tươi vui
Xuôi thuyền ta thả lưới
Ngược thuyền ta chở muối
Đã nghìn năm
Ngân mãi những câu hò
Trùng trùng đoàn xe thồ
Lắc lư giữa đại ngàn dằng dặc
Mà mạnh hơn bục phá và đại bác
Làm trấn động địa cầu
Thanh Hóa
Người đang ở đâu
Tựa cái bàn tay khum khum trên bản đồ hình chữ ét
Khi là phía Bắc
Hứng chịu những cái rét tái tê
Khi là chảo lửa ngày hè
Cùng anh em miền Trung nóng ran từng khúc ruột
Những bão giông, những cuồng phong, lũ lụt
Cái bàn tay khum khum lại hứng về mình
Thanh Hóa địa linh
Sử sách ghi tên những anh hùng, hào kiệt
Làm nên những chiến công lẫm liệt
Mong thanh bình để hát dưới ánh trăng
Một trống đồng âm vang
Một thành Nhà Hồ thi gan cùng tuế nguyệt
Một gươm thần trả rùa vàng trong truyền thuyết
Là niềm tin sự vững chãi yên bình
Thanh Hóa mãi đẹp xinh
Tựa bàn tay búp măng thiếu nữ
Trên toàn bộ cơ thể
Người con gái mềm mại mang hình chữ ét thân yêu
Nắng mưa kia có chuyển hướng, xoay chiều
Thì bàn tay khum khum vẫn nối mạch gân liền một dải.
28/5/2022
Phạm Văn Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...