Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Nguyễn Dữ lên án nạn cờ bạc trong Truyền kỳ mạn lục

Nguyễn Dữ lên án nạn
cờ bạc trong Truyền kỳ mạn lục

Trong truyện “Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu” của tập Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã đanh thép lên án thói mê cờ bạc.
Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu kể về câu chuyện giữa Phùng Trọng Quỳ và Từ Nhị Khanh. Trọng Quỳ và Nhị Khanh đều sinh ra và lớn lên trong gia đình quan lại. Hai người tuổi suýt soát nhau. Bố của Trọng Quỳ và bố của Nhị Khanh hay qua lại với nhau, là láng giềng, cùng ở thành Đông Quan, tức Hà Nội ngày nay. Truyện kể vào thời cách Lê Lợi lên ngôi không xa.
Tuy nhà Trọng Quỳ giàu có, còn nhà Nhị Khanh nghèo, nhưng tình cảm hai gia đình rất thân thiết. Vì vậy đã mối lái cho Trọng Quỳ và Nhị Khanh. Nhị Khanh được khen là xinh đẹp, khéo cư xử, rất hòa mục và thờ chồng rất cung thuận, người ta đều khen là người nội trợ hiền. Trọng Quỳ thì lêu lổng, Nhị Khanh thường phải can ngăn. Tuy không nghe lời vợ, nhưng Trọng Quỳ rất nể. Năm 20 tuổi, Quỳ làm quan ở phủ Kiến Hưng.
Bố Quỳ làm quan thường khẳng khái nên bị nhiều người ghen ghét, nhân ở Nghệ An có giặc, bèn bày mưu đẩy bố Quỳ đi. Cả gia đình Quỳ đi, Nhị Khanh thì ở nhà, do đường xa, bố chồng không cho. Quỳ do đó cũng buồn.
Sau khi Quỳ vào Nghệ An thì bố mẹ vợ mất, Nhị Khanh phải đi ở nhà bà cô Lưu thị. Lúc này, Quỳ và Nhị Khanh xa nhau được sáu năm, Lưu thị bàn gả Nhị Khanh cho một quan tướng quân họ Bạch là cháu họ ngoại của bà Lưu thị.
Lưu thị nói với Nhị Khanh: “Nhà nước từ ngày họ Nhuận Hồ tiếm vị, ngày tháng hoang chơi, triều chính đổ nát, họa loạn sẽ xảy ra chỉ trong sớm tối; mà Phùng lang từ ngày ra đi, thấm thoắt đã sáu năm nay, tin tức không thông, mất còn chẳng rõ. Lỡ ra gặp lúc rồng tranh hổ chọi, phải khi bướm dại ong cuồng, Tra Lợi mắc vào tay, áp Nha không sẵn mặt, chỉ e Chương Đài tơ liễu, trôi bay đi đến tận phương nào. Chi bằng bạn lành kén lựa, duyên mới vương xe, lấp những lời giăng gió cợt trêu, nương dưới bóng tùng quân cao cả. Tội gì mà bơ vơ trơ trọi, sống cái đời sương phụ buồn tênh. Nhị Khanh nghe nói sợ hãi, mất ngủ quên ăn đến hàng tháng. Lưu thị tuy biết chí nàng không chuyển động, nhưng cố định lấy lễ nghi để cưỡng ép, hôn kỳ đã rắp sẵn sàng”.
Nhị Khanh không ưng thuận, phải nhờ người bõ già (Nhị Khanh gọi là chú) vào Nghệ tìm tung tích Quỳ. Bõ già vào Nghệ thì biết gia đình Quỳ chỉ còn mỗi Quỳ. Quỳ có tiếng là ăn chơi ở Nghệ, gia cảnh đổ nát. Người bõ già được Quỳ đưa về “thì thấy một chiếc giường xiêu, bốn bề vách trống, trừ có mấy thứ như bàn cờ, hũ rượu, chim mồi, chó săn, không còn cái gì đáng giá”. Quỳ nói: “Quan nhà không may, thất lộc đã bốn năm nay rồi. Ta vì binh qua nghẽn trở, muốn về không được. Tuy ở chốn quê người đất khách, nhưng hồn mộng không đêm nào không ở bên mình Nhị Khanh”.
Người bõ già nói lại hoàn cảnh Nhị Khanh nên hai người trở về. Quỳ gặp lại Nhị Khanh và sống với nhau hạnh phúc, có hai con. Có điều, Quỳ vẫn ham chơi, có thói mê cờ bạc, vì vậy mà phải viết giấy nợ gán Nhị Khanh cho lái buôn là Đỗ Tam. Nhị Khanh chịu không được, từ biệt hai con, rồi thắt cổ tự tử.
Quỳ hối hận, nhưng cũng không thể có lại được Nhị Khanh, gia cảnh càng túng bấn hơn. Một lần “nhân nghĩ có một người bạn cũ, hiện làm quan ở Quy Hóa, bèn tìm đến để mong nhờ vả. Dọc đường buồn ngủ, chàng nằm ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng, bỗng nghe trên không có tiếng gọi rằng:
‘Có phải Phùng lang đấy không? Nếu còn nghĩ đến tình xưa thì ngày ấy tháng ấy xin đến chờ thiếp ở cửa đền Trưng Vương. Ân tình thiết tha, đừng coi là âm dương cách trở”.
Sau đó, theo hẹn, Quỳ gặp lại vợ. Nhị Khanh nói: “Thiếp sau khi mất đi, Thượng đế thương là oan uổng bèn ra ân chỉ, hiện thiếp được lệ thuộc vào tòa đền này, coi giữ về những sớ văn tấu đối, không lúc nào nhàn rỗi để thăm nhau được. Bữa nọ nhân đi làm mưa, chợt trông thấy chàng nên mới gọi; nếu không thì nghìn thu dằng dặc, chẳng biết đến bao giờ được gặp gỡ nhau”. Từ đó, Quỳ không lấy ai, ở vậy nuôi hai con. Sau này, hai người con theo Lê Lợi đại phá quân Minh làm đến chức Nhập thị nội.
Cuối truyện có lời bình: “Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không. Đời xưa bảo theo, là theo chính nghĩa chứ không theo tà dục. Chết hợp với nghĩa, có hại gì cho cái đạo theo. Theo nghĩa tức là theo chồng đó. Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan. Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất”.
Như vậy, ta thấy Nguyễn Dữ đã lên án gay gắt thói ham mê cờ bạc. Ở đây, Quỳ do không bỏ được thói xấu này đã làm cho vợ chết. Câu chuyện viết về người xưa, nhưng nay vẫn là bài học đắt giá cho chúng ta biết mà tránh đi.
26/5/2922
Vũ Đoàn
Nguồn: Báo Pháp Luật
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...