Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Đọc lại Trần Dần, nghĩ về thơ hiện nay

Đọc lại Trần Dần,
nghĩ về thơ hiện nay

Năm 2008, tôi được gia đình cố thi sĩ Trần Dần tặng cuốn “Trần Dần – thơ”, dày gần 500 trang do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Lúc đó, báo Tiền Phong đã giới thiệu một chùm thơ của ông.
Giờ có thời gian, tôi đọc kỹ tập thơ của ông, đọc cả những bài viết về ông trong đó. Tôi cảm thấy nhận định sau đây của nhà phê bình Vương Trí Nhàn là chuẩn xác hơn cả: “Trước mắt người đọc thấy hiện rõ nét một nhà thơ sứ đồ, mà cũng là một nhà cách mạng bẩm sinh, con người của dằn vặt, trăn trở, con người quyết liệt, đi gần tới thô tục, cục cằn, con người căm thù xã hội cũ và tất cả những gì trì trệ, mòn mỏi, đến mức sẵn sàng chửi thề, đập phá, song cũng là con người có trái tim run rẩy, cặp mắt rưng rưng trước cái mới đang sinh thành…”.
Tôi thiển nghĩ, hai câu thơ in trang đầu tập thơ của ông đã nói chính xác hơn cả về con người ông: “Tôi yêu đất mẹ đây – có cỏ hoa làm chứng/ Tôi yêu chủ nghĩa này – cờ đỏ cãi cho tôi”.
Người ta đã viết, nói, phê phán, tranh cãi khá nhiều về Trần Dần và thơ của ông thậm chí có người còn quy chụp cho ông những điều ngoài thơ. Gần đây, lại có người viết bài phê phán, phủ nhận thơ ông, rồi lại có người viết bài phản bác, ca ngợi hết lời… Khen chê là chuyện thường tình, tôi thiển nghĩ không có gì phải bàn nhiều, điều mà tôi e ngại là sự suy diễn, quy chụp, phủ nhận sạch trơn hay đề cao quá mức một nhà thơ hay một khuynh hướng thơ nào đó.
Tôi thiển nghĩ, mỗi nhà thơ, tôi muốn nói những nhà thơ đích thực đều có chỗ đứng của riêng mình. Mỗi nhà thơ dù ở thời nào nếu để lại cho đời được một bài thơ, một câu thơ hay đều đáng quý và thơ hay dù ở thời nào, thể loại nào, thuộc trường phải nào đều là những di sản quý giá, đều bình đẳng trước người đọc.
Đọc lại thơ Trần Dần, tôi thấy cảm phục ở ông sự bứt phá, sự khát khao cái mới, ông đào bới, ông quay ngang, quay dọc, ông viết ngược viết xuôi, ông say sưa với mọi thể nghiệm, ông sống chết vì thơ… Thiết nghĩ, sáng tạo, ở bất cứ lĩnh vực nào đều phải thế.
Tôi đọc gần 500 trang thơ của cố nhà thơ Trần Dần suốt cả tháng và thấy một điều ông đã thể nghiệm rất nhiều cách, đặt ra rất nhiều điều, từ cấu tứ, tới cấu trúc, đến cách ngắt vần, chuyển điệu, ngay cả cách đặt đầu đề từng phần, từng bài thơ cũng đều khác lạ: Nào “vở bụi”, “sổ bụi” “giấc sài đô”; “JoJoacx”, “chiều vô lễ” “cổng tỉnh” “con trắng”… Từ thơ một chữ, đến thơ một câu, thơ hai câu, thơ không đề, thơ có đề…
Và, không phải bài thơ nào trong các thể nghiệm của ông cũng thành công. Thậm chí có nhiều câu thơ, nhiều bài thơ trong đó khó mà chấp nhận, khó được người đọc đồng tình. Thế nhưng, có người lại khen hết lời những bài như thế và lại có người trích những câu, những bài như thế để phê phán, để phủ nhận thơ ông. Tôi nghĩ, cả hai khuynh hướng trên đều không chuẩn, không nên.
Bìa cuốn sách “Trần Dần – Thơ”.
Khi ông viết “Ai mửa sao đêm đầy các ngõ…” “tôi tích nhất công tác/Xột quả đất…”  “Nài: thiết tha thiên địa mới, truồng dân”  “Bảy sáu phố. Bảy sáu bộ hành. Quành”  “Ôi, im…đầu cuối phố/hở mưa thưa, thịt đèn phùn/phùn/phùn/tia sáng thịt”… đại khái như thế và còn hơn thế là tôi nghĩ là ông đang thể nghiệm trong sự phá phách chứ đâu phải đó là đỉnh cao của cách tân thơ. Nhưng, mang nó ra để dè bỉu, để phủ nhận thơ ông cũng là sai. Nhà thơ cũng như mọi nghệ sỹ, đều có quyền thể nghiệm. Thể nghiệm để sáng tạo ra cái mới. Với nhà thơ Trần Dần, trong những thể nghiệm, trong sự phá phách đó, trong sự cách tân đó ông đã có không ít những câu thơ hay.
“Đừng để/ chân trời/ gọi mãi . Đừng để/ khói sương/mời mọc/đến hai lần”; “Càng chết tôi càng – bất tử/ Eo ôi?/ Chết vẫn không yên…” “khi cây khóc hết lá/ngày khóc hết khói/tôi về”; “Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ/ Đừng lau mắt lệ hạ huyền/Nỗi buồn sáng thế còn nguyên” “Tôi đã bị chủ nghĩa cá nhân hành tội/ Tôi bênh vực buồn rầu bênh vực cô đơn/Bênh vực những ngọn đèn sương phủ/ Những ngôi sao lủi thủi góc trời” “Ấy/ xin các người/để cho tôi im lặng”…
Còn những câu thơ hay, nổi tiếng của ông mà hầu hết những người yêu thơ ai cũng biết, rất nhiều tuyển tập thơ đã đưa vào như:
“Tôi khóc những chân trời không có người bay/Lại khóc những người bay không có chân trời…” .
Hẳn có người sẽ hỏi, những câu thơ, bài thơ gọi là thể nghiệm có nên đưa vào tập thơ để xuất bản không?
Thực ra, chỉ có tác giả là trả lời chính xác nhất câu hỏi này. Nhưng, về lý mà nói, tác giả có quyền, miễn là những câu thơ, bài thơ đó không vi phạm luật pháp. Về tập “Trần Dần- Thơ” tôi đồ rằng, nhà xuất bản cũng như người nhà tác giả muốn được bạn đọc biết hết, biết cụ thể sự lao động sáng tạo không mệt mỏi, sự phá cách trong thơ cũng như trong tư tưởng, cảm nghĩ của cố thi sỹ Trần Dần.
Người làm thơ có quyền và chúng ta tôn trọng mọi thể nghiệm, mọi cách tân thơ dù nó thành công hay thất bại. Vấn đề là không nên áp đặt một lối viết nào đó, một số tác giả nào đó cho tất cả! Áp đặt bằng cách chỉ chọn, chỉ đăng, chỉ xuất bản, chỉ khen, chỉ đề cao một loại thơ dù nó được cho là cổ điển, truyền thống là hiện đại hay hậu hiện đại!
Bây giờ có người nói chẳng còn ai quan tâm đến thơ đâu, có ai tìm thơ để đọc, kể cả các nhà thơ cũng chỉ đọc thơ của mình hay một vài người bạn thân quen mà thôi!
Ấy vậy nhưng lại có người nói, và chính bản thân tôi cũng thấy có nhiều câu lạc bộ thơ, ở phường, ở quận, ở chỗ này chỗ khác. Đủ các loại, người ta gọi là thơ, thực ra là những bài có vần vè đọc cho vui những lúc thù tạc, ở xứ ta có loại thơ mà trong sách học sinh phổ thông đã đăng để chế giễu loại người hám danh như thơ “con Cóc”, rồi thơ kiểu “bút tre” cũng rất thịnh hành… Một đất nước người dân nói ra là thành những câu có vần vè như thơ cũng đáng quý chứ sao.
Nhưng, với những người làm biên tập thơ ở các tờ báo, tạp chí, trên truyền hình, hay ở các nhà xuất bản tôi thiển nghĩ lại khác. Họ phải là người thật sự nghiêm túc khi chọn thơ để in, để phát sóng, để đưa ra với công chúng. Họ phải là những người có con mắt tinh đời về thơ, lại phải trung thực, khách quan, không cảm tình, cảm tính, nể nang hay vụ lợi… Phải lựa chọn cho được những bài thơ hay, tập thơ hay, nhà thơ có thơ hay để đưa ra với công chúng, nếu không, thật giả lẫn lộn, thơ dở tràn lan, thơ hay bị lọt thỏm, thì dần dần công chúng sẽ thờ ơ, sẽ xa rời thơ, đó là điều đáng lo hơn cả.
Các nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ là những người luôn mong muốn sáng tạo ra cái mới, nhưng, muốn có cái mới trước hết là mới về tư tưởng, cảm nghĩ, nhận thức… rồi mới đến hình thức thể hiện, nếu không cũng chỉ là “Thuật giả kim” mà thôi! Nói như Trương Trào trong “U mộng ảnh” (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) “Tuyệt tác văn chương từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ”.
25/5/2022
Dương Kỳ Anh
Nguồn: Báo Tiền Phong 2016
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...