Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Nguyễn Đình Thi, ngôi sao không tắt

Nguyễn Đình Thi, ngôi sao không tắt

Trong bài Nhớ viết cách đây 64 năm, Nguyễn Đình Thi có câu thơ “Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt”. Bây giờ đọc lại câu thơ này, nhiều người cứ nghĩ anh cũng là một ngôi sao không tắt như câu thơ anh đã viết năm nào.
Nhớ anh, tôi lại thấy hiện lên trong người nghệ sĩ cách mạng tài hoa và đa năng ấy, trước hết và ấn tượng nhất, vẫn là một nhà thơ Nguyễn Đình Thi với lối thơ riêng in đậm phong cách Nguyễn Đình Thi, không thể nào lẫn được. Cùng với sáng tác thơ, anh lại góp thêm cho nền lí luận thơ Việt Nam những suy nghĩ về thơ khá tinh tế và sâu sắc từ cuộc đời làm thơ của mình.
Ngôi sao ấy không tắt vì nó là ngôi sao của tình người. Mà cái gì thuộc về tình người thì mãi mãi còn là của con người, được con người đón nhận, lưu giữ. Cái làm nên một con người là tình người. Cái làm nên một nhà văn, nhà thơ, xét cho cùng, cũng chính là tình người. Tình người làm nên máu thịt của văn chương, thắp sáng ngọn lửa trong thơ văn, tỏa ấm nóng ra tác phẩm và truyền đến người đọc.
Thơ anh là cái tình của một con người với mọi người, với cuộc đời, ngỡ như lặng lẽ, khiêm nhường mà mãnh liệt và sâu sắc biết chừng nào. Anh mong được làm một con người theo nghĩa đích thực của nó: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người” (Nhớ). Anh tâm sự: “Thơ cần nhất phải nhiều tình thương…”, và anh nâng niu đến cả những biểu hiện nhỏ nhất của tình người:
Hỡi người sắp đi xa, người có muốn đem theo gì nữa không?
Tôi chỉ mong được một vài ánh mắt nhìn quyến luyến
Người có muốn gửi lại gì không?
Chút nắng ấm cho người tôi yêu thương.
(Niềm nhỏ)
Anh hi vọng “mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác” để sống, để sẻ chia, để giúp nhau thành người trong tình yêu đích thực, bởi “Những đôi người yêu – Như trời và nước soi vào nhau” (Em bảo anh). Mảng thơ tình yêu của anh đã để lại cho đời, cho thế hệ trẻ những bài thơ tình mang phong cách Nguyễn Đình Thi rất đậm: Không nói, Nhớ, Chuyện hai người yêu nhau xa cách, Em bảo anh, Chia tay trong đêm Hà Nội,… Qua những biến thiên của cuộc đời, cái còn lại trong anh cũng như trong thơ anh vẫn chỉ là cái tình người lặng lẽ mà bền vững, thẳm sâu ấy: Còn lại niềm thương đau im lặng/ Và tình yêu đi mãi cùng ta (Trời chiều).
Thơ anh có nhiều “lặng im” và “không nói”. Đó là tạng người anh, tạng thơ anh. Anh nói: “Lúc lặng im là lúc con người suy nghĩ nhiều nhất và lắng nghe tinh tế nhất”. Anh rất thích một câu thơ Pháp: “Lòng nhân ái là cõi mênh mông trong đó tất cả đều im tiếng”. Chính vì thế mà thơ anh trầm tư, sâu lắng, gợi nhiều ý vị triết lí. Và cái đáng quý hơn là tình người ấy luôn gắn bó máu thịt với tình yêu quê hương, đất nước làm nên nét mới trong thơ trữ tình Nguyễn Đình Thi, đưa thơ anh sang một thời đại mới: thơ trữ tình cách mạng, khác hẳn về chất so với “Thơ mới” giai đoạn 1932-1941 trước Cách mạng tháng Tám. Trong bài Nhớ (1954), anh viết một câu thơ phải nói là rất “lạ” chưa hề có trong tư duy thơ của thi sĩ lúc bấy giờ: Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần.
Trong lòng anh, yêu em cũng như yêu đất nước, tự nhiên giản dị vậy thôi, nó là tâm hồn, máu thịt của anh, của cuộc đời anh, không thể nào khác. Trong anh, cùng tồn tại, song hành hai tình yêu ấy, nó đều tha thiết như nhau, không đối lập, loại trừ nhau, mà bồi bổ cho nhau, làm đẹp cho nhau trong con người anh, cuộc sống anh. Một năm sau, anh lại viết trong bài Đất nước:
“Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
Và sau đấy nữa là Chia tay trong đêm Hà Nội: “Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em”. Tất cả đều là sự hòa quyện đẹp đẽ giữa tình yêu con người và tình yêu đất nước trong thơ anh, để anh có thể dựng lên những tượng đài Đất nước đẹp như bài thơ Đất nước từng được chọn học lâu nay trong trường phổ thông.
Đa tài & tài hoa
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, một con người rất mực tài hoa. Anh sáng tác ở hầu hết các thể loại mà thể loại nào cũng có những tác phẩm được ghi nhận, được lưu giữ trong lòng người đọc. Tiểu thuyết, anh viết 3-4 quyển, nhưng dịch, anh viết đến 10 vở: Con nai đen, Hoa và Ngần, Giấc mơ, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Tiếng sóng… Trong lĩnh vực âm nhạc, anh sáng tác ít, nhưng 2 nhạc phẩm Diệt phát xít và Người Hà Nội đã trở thành hai bài hát để đời, không thể nào quên.
Có người lấy làm tiếc cho anh, vì quá đi vào nhiều lĩnh vực, nên không có cái “nhà” nào của anh ra trò, giá như anh tập trung vào một “nhà” nào đó, chẳng hạn như thơ, thì chắc anh sẽ gặt hái được nhiều hơn. Tôi không nghĩ như vậy. Ở đây, vấn đề không phải là nhà văn “tham lam, ôm đồm” muốn mình có mặt trên nhiều thể loại mà là do con người anh như thế, tài năng anh như thế, nên nó cứ tự nhiên phát triển theo cảm xúc nghệ sĩ và hoàn cảnh, yêu cầu công việc của anh.
Dĩ nhiên, có những nhà văn chỉ viết được một thể loại, nhưng với anh thì khác. Vì vậy, không nên khuôn Nguyễn Đình Thi chỉ viết thơ mà không viết kịch, trong khi anh có năng khiếu về kịch và bản thân anh có những bức xúc mà thơ không giải quyết được, phải tìm đến kịch như anh đã làm. Cũng vậy, anh không thể không viết nhạc khi cảm xúc nhạc trong anh trào dâng cuồn cuộn trong những ngày rực lửa anh hùng của dân tộc.
Anh là nghệ sĩ đa tài và tài năng của anh đã phát triển một cách tự nhiên như ta đã thấy để có một Nguyễn Đình Thi nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà soạn nhạc và nhà lí luận phê bình. Không sao cả, trong thực tiễn sáng tác có những người như vậy, và Nguyễn Đình Thi là một gương mặt tiêu biểu đáng quý. Điều cần nói ở đây là cái đa tài của anh lại gắn liền với nét tài hoa rất nghệ sĩ.
Lý luận từ thực tiễn sáng tác
Tài hoa trong lí luận văn nghệ nói chung, nên khi viết về thơ, ngòi bút anh tạo ra một sức hấp dẫn đặc biệt, bởi “Nguyễn Đình Thi sinh ra không phải để viết tiểu thuyết mà để làm thơ” (Nguyễn Đăng Mạnh). Thơ là ngôi nhà của anh, anh tạo ra nó và viết về nó thật tự nhiên, dễ dàng. Như khi anh cảm nhận về thơ:
“… Thơ là gì? Tôi không dám định nghĩa thơ, nhưng tôi rất chú ý thấy có những ông bà cụ người nông thôn chất phác khi đọc thơ là tự nhiên rung đùi. Vì vậy, thơ có quan hệ với nhịp đập thình thịch thình thịch của trái tim đây này. Không có nó thì có lẽ cũng không có thơ. Thử ngẫm cái thể thơ lục bát của dân tộc ta mà xem, trên sáu dưới tám, thở ra dài hơn hít vào, trong đó có cái gì “bí mật” đến thế! Chẵn mà lệch. Thể thơ Đường luật thì cân đối như “Tinh thể”. Thể thơ lục bát “cân đối” như nhịp hơi thở của con người, nó đáp ứng được một đòi hỏi tự nhiên của sự sống. Ở ta, từ một người không biết chữ, một em bé cũng làm thơ lục bát được rất thuận. Loài người làm nghệ thuật hình như bắt đầu từ nhịp trước: Nhảy múa, âm nhạc, trong âm nhạc cũng nhịp đi trước, giai điệu đi sau. Một em bé bắt đầu làm nghệ thuật là nó múa. Ta thường nói “khí văn”, tức là cái nhịp đập thầm ấy, đọc câu văn nào không có cái nhịp đập bên trong, ấy là nhạt nhẽo”.
Đến lúc định nghĩa về thơ thì chính những trải nghiệm trong thực tiễn sáng tác thơ đã cho anh những suy nghĩ, ý tưởng để anh có một tổng kết cho riêng mình, nhưng cũng là một định nghĩa được mọi người chấp nhận:
“… Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống. Tóe lên ở nơi giao nhau giữa tâm hồn với ngoại vật, trước hết là những cảm xúc, cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn.
… Tâm hồn chúng ta có một rung động thơ khi nó ra khỏi tình trạng bình thường, khi nó không còn chuồi theo thói quen như một dây da trong bộ máy, khi nó thức tỉnh tự soi vào nó để tự nhận thấy đang ở một độ rung chuyển khác thường, do một sự va chạm vào với thế giới bên ngoài, với thiên nhiên, với những người khác rồi do sự tự soi sáng lấy mà sự cảm xúc thành hình được hẳn…”. Từ đó, anh nêu lên sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi: “… Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này qua điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì toàn thể động lên theo. Thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không hoàn toàn, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích”. Trong việc làm thơ, Nguyễn Đình Thi đặc biệt chú ý đến nhịp điệu, ngôn ngữ và hình ảnh thơ:
“… Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn bên tai (…). Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh tình ý, nói chung là của tâm hồn (…). Đó là nhịp điệu thành hình của những cảm xúc, hình ảnh, liên tiếp hòa hợp mà những tiếng và chữ gợi ra như những ngân vang dài; ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động”.
“… Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả chung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc chung quanh. (…) Về ngôn ngữ thơ, tôi lại rất thích cách nói nào bình thường, ít “mỡ” và nhiều gân cốt, càng ít hình dung từ càng tốt. Nhưng về phong cách và ngôn ngữ thì mỗi nhà thơ có lối nói riêng của mình, không ai nên bắt ai giống ai, như vậy là vô lý”.
“Hình ảnh của thơ phải là hình ảnh thực nẩy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy. Đụng chạm với hành động hàng ngày, tâm hồn tự nẩy lên bao nhiêu hình ảnh như những tia lửa tóe lên khi búa đập vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy, kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ…”.
Là nhà thơ đích thực, anh không câu nệ về hình thức thơ hay kiểu thơ mà luôn hướng tới bản chất của thơ và chất lượng thơ. Nhiều người còn nhớ đến câu nói về quan niệm thơ của anh:
“Riêng tôi nghĩ rằng, không có vấn đề thơ tự do và thơ không tự do, thơ có vần và thơ không có vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ…”.
Đó là quan niệm đúng đắn của một nhà thơ có bản lĩnh: yêu thơ, tin vào thơ và tin ở chính mình. Nhớ Nguyễn Đình Thi chính là nhớ cái bản lĩnh thơ ấy.
Cách mạng & nghệ sĩ
Nhưng cái chúng ta nhớ nhất ở anh, cũng là một nét đẹp dễ thấy của anh – đó là sự hài hòa. Ở anh, có nhiều nét hài hòa mang sắc thái Nguyễn Đình Thi rất đậm. Đó là sự hài hòa giữa người trí thức cách mạng và người nghệ sĩ tài hoa, giữa trí thức bác học với bình dân dân dã, giữa trí tuệ và tình cảm, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Hà Nội với cả nước, Việt Nam với thế giới, giữa con người đời thường với người cán bộ quản lí… Tiếp xúc với anh, ta thấy đó là một con người lịch lãm tài hoa mang phong cách Hà Nội nhưng lại là một con người bình dị dễ gần. Con người ấy trầm tư, ít nói trong đời thường nhưng lại hùng biện sôi nổi khi đăng đàn diễn thuyết, rất khiêm nhường nhưng lại tự tin vào mình và không hề cao đạo với bất cứ ai, ra vào “ngôi nhà” của anh mọi người đều “cảm thấy khá thoải mái” (Đinh Quang Tốn). Rất dân tộc và truyền thống trong Quê hương Việt Nam (“Việt Nam đất nước ta ơi – Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…”) nhưng lại hiện đại trong Đất nước:
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà.
Cái gốc của sự hài hòa ấy chính là sự hài hòa giữa cách mạng và nghệ sĩ. Đây là một sự hài hòa đẹp đẽ để tạo nên lớp văn nghệ sĩ kiểu mới như Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng,… Không có sự đối lập giữa cách mạng và nghệ sĩ, mà trái lại, hai yếu tố đó hỗ trợ, bồi bổ cho nhau trong người nghệ sĩ cách mạng. Cách mạng tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát triển, là mảnh đất ươm mầm nghệ sĩ, và nghệ sĩ phục vụ cách mạng, đẩy cách mạng đi lên. Sự hài hòa này khiến cho cả hai yếu tố cùng phát triển, gắn bó với nhau trong người nghệ sĩ kiểu mới và Nguyễn Đình Thi hiện lên như một mẫu mực đẹp đẽ. Cách mạng đã giúp cho tài hoa của anh phát triển và anh đem tài hoa đó để phục vụ cách mạng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật trong suốt cuộc đời mình.
Nhà thơ Hoàng Minh Châu đã nhẩm lại bức chân dung phác họa về anh:
Người Hà Nội Nhận đường theo Xung kích
Đất nước qua ba trận Vỡ bờ
Dòng sông soi Bóng nai, Rừng trúc
Lá đỏ bừng suốt mọi Giấc mơ…
Với 60 năm miệt mài cầm bút, lặng lẽ cống hiến cho Cách mạng và cho Cuộc đời, từng trải, sâu sắc là vậy, mà trước khi ra đi vẫn viết những dòng thơ thật lạ:
Tóc bạc trong mưa bay anh cười
Tôi không nói được mình đã trải đời
Không nói được mình đã hiểu người
Không dám nói mình đã biết yêu
Không dám nói mình đã biết sống.
(Tóc bạc)
Những câu thơ làm ta ứa nước mắt trước một con người khiêm tốn, một nhân cách đáng trọng, luôn tự đòi hỏi sự hoàn thiện ở mình. Như ngôi sao không tắt, anh còn mãi “trên sóng thời gian”, lặng lẽ như “hoa không tên”, như “hoa chua me đất”, như “dòng sông trong xanh”… Dòng sông ấy vẫn rì rào chảy mãi, để lại cho ta những bài học lớn để làm nghệ sĩ và làm người (*).
Chú thích:
(*) Tất cả những trích dẫn không ghi xuất xứ trong bài viết đều lấy từ cuốn Nguyễn Đình Thi – cuộc đời & sự nghiệp, NXB Hội Nhà văn, 2004.
24/5/2022
Nguyễn Xuân Lạc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...